• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình nhỏ, lợi ích lớn

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 03/10/2014
Ngày cập nhật: 4/10/2014

"Nghề chúng tôi không xem nhẹ bất kỳ việc gì dù nhỏ, miễn là có triển vọng nâng cao đời sống của người nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc miền núi..." - ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp (Nghệ An) nói như vậy khi cùng chúng tôi đi thăm những gia đình chăn nuôi ở các xã Thọ Hợp, Nam Sơn. Đây là những mô hình chăn nuôi nhỏ, nhưng đã và đang có hiệu quả kinh tế thiết thực, được nhân dân nhiệt thành đón nhận...

Chị Hồ Thị Châu, xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) chăm sóc đàn dê sinh sản.

Từ lợn đen Nam Sơn…

Ở xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, từ năm 2013, có 20 hộ gia đình được tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương sinh sản do Trung tâm Khuyến nông huyện thực hiện. Dù không trực tiếp tham gia chương trình này nhưng Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Thị Hồng thuộc nằm lòng những gia đình thực hiện mô hình. Vì vậy, chị nhận lời dẫn đường.

Gia đình anh Lo Văn Hừng ở bản Khiết, nhưng làm trang trại trồng rừng và chăn nuôi ở tận vùng giáp ranh xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Khi chúng tôi đến ngỏ ý thăm mô hình, anh Hừng nói: "Ô, thế thì phải đi gọi đã. Chúng đi chơi hết rồi...". Thấy chúng tôi lạ lẫm với cụm từ "đi chơi", Lương Thị Hồng giải thích: "Như vậy là ta đến không đúng lúc rồi. Đàn lợn của anh Hừng đã vào khu rừng trồng...". Khoảng 15 phút tìm gọi, anh Hừng dẫn về được cặp lợn bố mẹ đen trũi. Chỉ vào con lợn mẹ nặng trên 60 kg, bụng căng tròn, anh nói: "Sắp đẻ lứa 3 rồi đấy...". Gia đình anh Lo Văn Hừng được cấp 1 cặp lợn sinh sản; được hướng dẫn phương pháp chăn nuôi, các giáo trình kỹ thuật, phòng bệnh và thức ăn trong 6 tháng. Đến nay đã qua 2 lần sinh sản, tổng được 14 con lợn con. Chăm sóc vài tháng tuổi, anh giữ lại 2 con lợn cái làm giống, còn lại bán cho các gia đình có nhu cầu chăn nuôi trong xã với giá từ 70 - 80.000 đồng/kg. Nhẩm tính, anh cho biết thu lãi từ hai lứa lợn con được gần 7 triệu đồng.

Rời trang trại của anh Lo Văn Hừng, chúng tôi đến bản Tăng 2 thăm đàn lợn lai giống lợn rừng của hộ gia đình anh Vi Văn Hùng. Là người biết làm ăn, anh quy hoạch khu chăn nuôi, làm chuồng trại khá cẩn thận và còn nuôi luôn lợn đực để phối giống. Anh Hùng cũng được trung tâm khuyến nông huyện cấp cho 2 lợn đen sinh sản. Câu chuyện lợn sinh sản của anh lai tạo với giống lợn rừng khá thú vị. Là do cặp lợn sinh sản nhảy khỏi chuồng "đi chơi", vô tình gặp chú lợn rừng ở trang trại bên cạnh. Vậy là sau hai lứa lợn sinh sản, anh có một bầy lợn con, trong đó, có đến 8 con lợn rừng con màu xám với những chiếc sọc đặc trưng trên mình...

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Sơn, Lương Thị Hồng nói rằng, đồng bào Thái Quỳ Hợp rất gắn bó với giống lợn đen địa phương, gọi là giống lợn nít hay lợn "đầu nhỏ". Trong bất kỳ các sự kiện gì của bà con đều có gắn với lợn đen truyền thống. Từ làm vía, dựng nhà mới hay ma chay, cưới hỏi..., trên mâm cúng bắt buộc phải có thủ lợn nhỏ, gà nhỏ. Bên cạnh đó, thịt của giống lợn này lại thơm ngon không kém thịt lợn rừng, vì vậy được ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Giống lợn đen địa phương gần gũi với đời sống của người dân, sau hơn một năm thực hiện mô hình, hiệu quả kinh tế thấy rõ nên số hộ tham gia nuôi lợn sinh sản ở Nam Sơn đến nay đã tăng lên đáng kể. Tổng đàn lợn đen địa phương nuôi sinh sản đã có trên 80 con...

… đến dê Thọ Hợp

Ở xã Thọ Hợp, dù mô hình nuôi dê sinh sản chỉ mới bắt đầu gần 2 tháng, và chỉ với 4 hộ thực hiện nhưng rất được người dân quan tâm. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, công chức địa chính, nông nghiệp kiêm khuyến nông xã thì "ai cũng thích và muốn được tham gia". Mà đúng là thích thật khi chứng kiến mô hình dê sinh sản của các hộ Hồ Thị Châu, Phan Thị Hằng (xóm Liên Tân); Phan Hữu Hiền (Thọ Sơn); Nguyễn Văn Hoạt (Thung Khẳng). Nhà chị Hồ Thị Châu nằm sát tỉnh lộ 532, hiện chị có đàn dê 9 con, trong đó 2 con sẵn có của gia đình, 7 con còn lại là do thực hiện mô hình nên được cấp. Chị khoe "phải bình xét nhiều lắm mới được chọn đấy". Gia đình chị được bình xét vì có gần 3 ha rừng, sẵn cây cỏ làm thức ăn cho dê; và đã từng nuôi dê, sẵn chuồng trại, ít nhiều có kinh nghiệm... Hỏi trước đây và bây giờ chăn nuôi dê có gì khác không? Xúc ngô hạt cho dê ăn, chị vui vẻ: "Trước đây nuôi theo kinh nghiệm, bây giờ được hướng dẫn quy trình kỹ thuật bài bản rõ ràng, lại có cán bộ thú y theo dõi nên yên tâm lắm. Kể cả thức ăn cho dê giờ cũng khác trước, chất lượng tốt hơn rất nhiều...". Khi chị nhận dê về bình quân mỗi con nặng khoảng 15 kg. Sau gần 2 tháng chăm sóc, con nào con nấy đều mập mạp, trọng lượng có con đạt tới hơn 20kg. Chị Châu dự tính, cuối năm nay dê sẽ đến thời kỳ sinh sản.

Tại gia đình chị Phan Thị Hằng, việc nuôi dê kể như đã được thực hiện theo một quy trình khép kín. Bên đàn dê béo mượt, chị Hằng hào hứng cho biết, trước đây vì không có tiền nên chị nuôi một cặp, sau đó cứ nhân dần lên. Nay có thêm dê của mô hình tổng đàn đã nâng từ 12 lên 20 con. Nhà chị có khoảng rừng đồi rộng "đi mỏi chân chưa thấy hết", trên đó có rất nhiều vùng khoanh trồng cây xoan ta. Chị nói: "Thân xoan để lấy gỗ còn lá xoan để dê ăn. Dê hạp lá xoan lắm. Trong các loại gia súc, nuôi dê là sướng nhất, cần tiền là có ngay. Đêm gọi, sáng mai đã thấy người ta đến bắt. Giá cả chẳng phải cò kè, cứ 150.000 đồng/kg là chở. Bên cạnh đó, phân dê sử dụng bón ruộng, làm vườn cực tốt. Khoảng 3m3 phân dê đã có 2 triệu đồng nhưng tôi chẳng bao giờ bán. Cứ có nhiều nhiều là đem bón cho 2 sào ngô và để chăm sóc vườn rau. Mỗi kỳ thu hoạch ngô cũng được khoảng gần 4 tạ hạt, lại lấy làm thức ăn cho dê...".

Theo Trạm trưởng Phan Thanh Tâm, các loại gia súc như dê, lợn đen ở địa phương đều có chất lượng thịt rất tốt, vậy nhưng bấy lâu nay việc chăn nuôi hầu như đang là phong trào tự phát nên kém hiệu quả, hay có dịch bệnh. Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông huyện đã đề nghị UBND huyện xem xét cấp kinh phí xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, nuôi dê sinh sản. "Thực tế thì đây là những mô hình nhỏ, kinh phí thực hiện cho mỗi loại hình đều không quá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện đều có kết quả rất tốt. Bà con ai cũng phấn khởi vì có thêm những bài toán phát triển kinh tế, tạo được việc làm, xóa đói giảm nghèo. Thấy bà con chuyển đổi nhận thức, thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống như vậy chúng tôi rất mừng, vì như vậy các mục tiêu của các mô hình chắc chắn sẽ thành công...".

Nhật Lân - Đào Tuấn

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang