• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 17/04/2014
Ngày cập nhật: 18/4/2014

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi huyện Phúc Thọ phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô, dần đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới quy trình sản xuất sạch là rất cần thiết.

Lợi ích “kép”

Được sự hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật của Hội Nông dân huyện Phúc Thọ, Trung tâm trợ giúp nông dân (Hội Nông dân TP), anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Mỹ Giang (xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) đã mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi lợn sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học. Ghé thăm trang trại lợn của gia đình anh Tuấn, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì khu chăn nuôi rộng chừng 200m2, với khoảng 150 đầu lợn thịt thương phẩm nhưng không “nặng mùi” như các trại lợn truyền thống. Đó là nhờ thiết kế chuồng hở, mái cao, thoáng. Ngoài ra, đệm lót lên men được sản xuất chủ yếu từ trấu, mùn cưa không độc tố, cát và chế phẩm sinh học, giúp phân hủy tốt chất thải tại chỗ, không gây mùi hôi thối cũng như ảnh hưởng xấu tới không khí, nguồn nước… Hàng ngày, anh Tuấn sử dụng máy nghiền, xay lúa, ngô, đậu tương, đầu cá, rồi ủ men vi sinh “công nghệ xanh” từ 24 – 28 giờ. Thực phẩm lên men được trộn cùng bã bia (để tăng dinh dưỡng, giảm chi phí) rồi cho lợn ăn, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. “Tốc độ tăng trọng khi nuôi bằng phương thức sạch có chậm hơn một chút so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ lên cân. Khi lấy mẫu thịt lợn đi kiểm tra, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm đều đạt chất lượng” - anh Tuấn cho biết.

Anh Nguyễn Văn Tuấn chăm sóc đàn lợn thịt sạch. Ảnh: Lâm Nguyễn

Với quy trình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, lợn được vận động nhiều, thịt chắc khỏe, tỷ lệ nạc cao, có màu sắc đẹp, có mùi vị thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi lứa xuất chuồng 100 con, trừ các khoản chi phí, anh Tuấn thu lãi khoảng 80 triệu đồng, cao hơn 40 – 50 triệu đồng so với chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Không chỉ vậy, đệm lót sau thời gian 2 – 3 năm còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Trăn trở bài toán đầu ra

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ý nghĩa lớn về môi trường, phù hợp với khả năng chăn nuôi của các nông hộ, tuy nhiên, mô hình chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học vẫn chưa thể nhân rộng. Hiện, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn là hộ duy nhất của huyện Phúc Thọ thí điểm thực hiện mô hình.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phúc Thọ Lê Thị Toan cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là các sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn là bài toán nan giải. Đơn cử như với mô hình chăn nuôi lợn thịt sạch. Sản phẩm thịt lợn sạch của huyện Phúc Thọ hiện mới chỉ được tiêu thụ thông qua kênh bán hàng tại một số siêu thị của đơn vị phân phối là Công ty Mr.Sạch. Thị trường không đủ rộng, cũng như việc phải đầu tư nguồn vốn ban đầu khá lớn khiến người dân còn e dè với mô hình chăn nuôi này. Trước thực tế đó, Hội Nông dân huyện Phúc Thọ đã kiến nghị Hội Nông dân TP đưa vào chương trình liên kết (đang được thực hiện) giữa Hội Nông dân TP với Hội Nông dân 13 tỉnh, thành khu vực phía Bắc nhằm tuyên truyền, tăng cường kết nối giữa Hội, doanh nghiệp và người chăn nuôi lợn thịt sạch. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn còn rất hạn chế.

Bà Toan chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng vào hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn thịt sạch. Nếu được phát triển và nhân rộng, mô hình sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu thực phẩm sạch tại chỗ, lao động nông nhàn ở nông thôn, cũng như bảo vệ môi trường. Do vậy, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cầu nối giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi, hướng tới phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đặt hàng, tạo đầu ra ổn định, tiến tới gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người nông dân”.

Trọng Tùng

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang