• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tạo đà cho chăn nuôi nông hộ

Nguồn tin: VGP, 02/04/2014
Ngày cập nhật: 3/4/2014

Dịch bệnh, bấp bênh đầu ra, hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật do quy mô nhỏ... là những bất cập trong chăn nuôi nông hộ hiện nay. Vì thế, việc Nhà nước hỗ trợ chăn nuôi nông hộ thế nào cho hiệu quả là điều đang được cơ quan chức năng và các địa phương tích cực góp ý.

Chăn nuôi nông hộ là tế bào của phát triển chăn nuôi công nghiệp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hiện cả nước có gần 12 triệu hộ tham gia chăn nuôi, trong đó 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và hơn 4 triệu hộ chăn nuôi lợn. Đây là lĩnh vực giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động, song đa số các nông hộ chăn nuôi đều chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch, chưa có đầu ra sản phẩm ổn định nên thường xuyên bị tư thương ép giá.

Chăn nuôi nông hộ giảm sút

Theo tổng kết của Bộ NNPTNT, trong 5 năm qua, số hộ chăn nuôi giảm từ 5-7%/năm.

Con số này đã phần nào nói lên xu thế thoái trào của chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay là chăn nuôi nông hộ vẫn đang giữ vai trò chủ chốt trong ngành chăn nuôi thì việc đảm bảo mô hình sản xuất này vẫn cần được tính đến.

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở hơn 20 tỉnh, thành phố với hơn 60.000 con gia cầm bị mắc bệnh, ốm, chết và tiêu hủy. Theo nhận định của Cục Thú y, các ổ dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình. Ngoài những nguyên nhân khách quan như chủng virus cúm gia cầm ngày càng có sự biến đổi, điều kiện khí hậu, thời tiết, việc bùng phát và lây lan dịch bệnh, còn có nguyên nhân do các hộ chăn nuôi không thực hiện tốt quy định về tiêm phòng vaccine cũng như vệ sinh chuồng trại…

Không chỉ chăn nuôi gia cầm, người chăn nuôi lợn trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong vài năm trở lại đây do giá bán sản phẩm xuống thấp, trong khi giá vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi tăng cao. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong tháng 2/2014, số lượng trâu cả nước giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò giảm 1% và đàn lợn cũng giảm nhẹ. Trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khô dầu đậu tương, cám gạo đều tăng từ 1,4-1,6% so với thời điểm tháng 1. Khó khăn, dịch bệnh đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi nhỏ rơi vào cảnh thua lỗ, phải "treo chuồng".

Mới đây, con số dự kiến 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ đang được nhắc đến như một chiếc phao cứu sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi đang bắt tay quy hoạch để tạo những khu chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn thì liệu đây có phải là việc làm đi ngược lại với tiêu chí này? Vậy 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ liệu có khiến quá trình công nghiệp hóa trong chăn nuôi bị đẩy lùi?

Hỗ trợ phải tạo đà sản xuất lớn

Cần có chính sách khuyến khích các hộ tập trung phát triển việc chăn nuôi như một nghề chính. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Viện trưởng Chăn nuôi Quốc gia, ông Nguyễn Thanh Sơn, không nên để tất cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều được hỗ trợ chính sách này.

“Nếu để các hộ chăn nuôi dăm ba con gà, vài con lợn cũng hưởng chính sách thì làm sao phát triển chăn nuôi công nghiệp được. Nếu làm như vậy, vô hình trung sẽ khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ, đi ngược lại với chỉ đạo của bộ, Chính phủ”. Ông Sơn cũng cho rằng, hộ được hưởng chính sách này phải nằm trong vùng được địa phương cho phép phát triển chăn nuôi, nuôi có quy mô nhất định, còn nhỏ lẻ khó được tham gia. Đồng thời, các hộ trên phải cam kết thực hiện các điều kiện đặt ra của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, theo ông Sơn, không nên hỗ trợ tràn lan mà nên tập trung những vấn đề đang nổi lên trong chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay là không có kiểm soát, chuồng trại không đảm bảo về kỹ thuật. Hơn nữa, công tác giống, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường và tổ chức đổi mới sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho người chăn nuôi nông hộ cũng cần được chú trọng.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết theo dự thảo Quyết định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, thú y, đào tạo, huấn luyện kỹ năng chăn nuôi… sẽ đến với các hộ chăn nuôi. Trong đó có việc hỗ trợ 1 lần mua lợn nái với mức 1 triệu đồng/nái giống ngoại lai và 500.000 đồng/nái các giống tại địa phương; hỗ trợ hộ nuôi gia cầm trên 200 con mái thường xuyên là 100% lãi suất vay 24 tháng tiền vay mua gà, vịt giống; hỗ trợ 100% vaccine tiêm phòng định kỳ hằng năm với bệnh lở mồm long móng, dịch tả…

Trong cuộc họp mới đây tại Bộ NNPTNT để lấy ý kiến cho dự thảo ban hành chính sách này, nhiều chuyên gia và địa phương đã đồng quan điểm chính sách hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi là cần thiết, song cần phải tính toán sao cho hiệu quả và hợp lý.

Nhiều địa phương cũng đề nghị cần đưa ra điều kiện cụ thể, phù hợp để người dân được hỗ trợ. Trong đó, quy định rõ quy mô, quy hoạch vùng được chăn nuôi và cam kết bảo vệ môi trường. Đa số ý kiến cho rằng, Nhà nước không nên hỗ trợ tiền mua con đực/nái giống nữa mà thay vào đó là tập trung hỗ trợ thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng giống.

Khi đưa ra chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ, các địa phương cần nhìn nhận rõ đây là hành động không phủ nhận thực tế nhưng cũng là bước chuẩn bị quan trọng để phát triển tương lai. Chăn nuôi nông hộ chính là tế bào để phát triển chăn nuôi công nghiệp, cần có sự chăm sóc cho từng tế bào lớn mạnh thì sự phát triển của toàn bộ nền chăn nuôi mới đủ lực để phát triển cùng thời cuộc cũng như đủ sức “hấp thụ” những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững. Nếu làm được các vấn đề này sẽ thực sự tạo được cú hích cho chăn nuôi nông hộ, nhất là trong bối cảnh nước ta sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.

Đỗ Hương

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang