• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hưng Yên: Chống rét cho đàn gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 16/12/2014
Ngày cập nhật: 18/12/2014

Theo khuyến cáo của ngành thú y, mùa rét, trâu, bò rất dễ mắc các bệnh như: cảm lạnh, cước, tiêu chảy, phổi, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Nếu không được chăm sóc, bảo vệ, phòng bệnh đúng cách thì người chăn nuôi sẽ rất dễ phải chịu thiệt hại. Nhất là với nhiều hộ chăn nuôi hiện vẫn đơn thuần áp dụng việc chăn thả gia súc lớn mà không có sự chuẩn bị về nguồn thức ăn dự trữ. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ song thời điểm mùa đông luôn là thời điểm hộ chăn nuôi gia súc lớn bị thiệt hại nhiều nhất trong năm, hầu như địa phương nào cũng có rải rác trâu, bò bị ốm hoặc bị chết do rét, sương muối. Ngoài trâu, bò thì các loài nuôi khác như: lợn, gà, vịt… cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thời tiết. Những khu vực chuồng trại sơ sài, không đủ ấm, không kín gió cộng thêm điều kiện thức ăn, nước uống, vi chất dinh dưỡng kém là nguyên nhân chủ yếu khiến gia súc, gia cầm dù được nuôi trong chuồng vẫn kém ăn, hoặc ốm, chết.

Dùng chuồng nuôi kín và bóng đèn sợi đốt trong chăn nuôi bò thịt tại xã Nhân La (Kim Động - Hưng Yên)

Những ngày vừa qua, thời tiết có nhiều biến đổi bất lợi cho người chăn nuôi, nhiệt độ xuống thấp đột ngột cộng thêm gió đông và sương giáng, khiến gia súc như trâu, bò bị ảnh hưởng. Bà Vũ Thị Lý ở xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) cho biết: “Mặc dù mấy hôm nay trời rét song cứ tầm 7 đến 8 giờ là tôi lại phải dắt đàn trâu, nghé đi chăn thả do trong nhà không dự trữ được thức ăn xanh, rơm, cỏ khô. Hôm trước gia đình tôi cũng có 1 con trâu bị cảm lạnh, tiêu chảy, may mà nhờ cán bộ thú y trong xã tới tiêm thuốc và hướng dẫn cách chăm sóc kịp thời nên trâu không bị chết”. Cũng vì những khó khăn của chăn nuôi vào mùa đông mà mỗi khi vào vụ rét, hộ chăn nuôi gia súc lớn thường phải giảm đàn, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ có tâm lý e ngại khi nhập lứa mới.

Tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi là việc mà đông đảo hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang triển khai. Thực tế ở các hộ chăn nuôi, chúng tôi đã ghi nhận nhiều cách làm hiệu quả nên được áp dụng rộng rãi để bảo vệ, phát triển ổn định tổng đàn qua đông. Tới thăm gia đình anh Dũng, một hộ nuôi bò thịt ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), chúng tôi được biết, việc chuẩn bị thức ăn cho bò vào mùa đông đã được gia đình anh tiến hành từ mùa hè và mùa thu. Gia đình anh thường xuyên nuôi 7 con bò thịt, lượng thức ăn cho bò hàng ngày là rất lớn, ngoài thức ăn tinh như: Cám hỗn hợp dạng viên, cám ngô… còn phải có thức ăn xanh như: Cỏ, thân ngô… hoặc rơm khô, cỏ khô khác. Vào mùa sẵn rơm, cỏ, gia đình anh chủ động tích trữ bằng cách gom thật nhiều, phơi khô, chất thành đống rồi che chắn cẩn thận hoặc cho vào bao, xếp gọn trong kho. Nhờ đó mà khi mùa đông đến, ngay cả những ngày mưa phùn, gió bấc, anh vẫn có đủ thức ăn cho đàn bò.

Còn hộ anh Tài, ở xã Nhân La (Kim Động) cũng nuôi bò thịt thì lại chuẩn bị tốt thức ăn cho bò bằng cách ủ vi sinh thức ăn xanh như: Thân ngô, cỏ, rơm… trong các bao ni-lon lớn. Với việc lên men tự nhiên này, thức ăn cho bò có thể để được vài tháng mà không bị hỏng, lại rất tốt cho tiêu hóa của bò. Ở 2 hộ nuôi bò này, ngoài việc chuẩn bị tốt nguồn thức ăn, chúng tôi còn ghi nhận sự chu đáo trong việc xử lý chuồng trại vào mùa đông cho đàn vật nuôi. Mặc dù chuồng bò là loại chuồng sơ sài nhất song vào mùa đông lại rất cần được kín gió và giữ ấm. Để tránh gió lùa, các hộ đầu tư hệ thống bạt dày, che xung quanh chuồng, cửa ra vào có bạt che kín, chỉ để lại một số lỗ thoáng nhỏ gần nóc chuồng. Cùng với đó là một số bóng đèn được lắp đặt trong chuồng, sẵn sàng bật khi nhiệt độ xuống thấp để giữ ấm cho bò. Trâu, bò còn dễ bị cước chân nên việc giữ nền chuồng nuôi khô, ấm vào mùa đông cũng hết sức quan trọng. Anh Tài cho biết: “Tôi thường trải một lớp rơm mỏng xuống nền chuồng, khi rơm ướt thì lại thay rơm khác, vệ sinh chuồng thường xuyên, tránh cho bò bị viêm móng”.

Tại các chuồng nuôi lợn, với các hộ làm chuồng khép kín thì việc giữ ấm đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần hạ tất cả cửa xuống và dùng đèn sưởi là có thể bảo đảm nhiệt độ ấm áp cho chuồng nuôi. Với hộ nuôi gia cầm, cũng cần cho gà, vịt có chỗ trú nghỉ khô ráo và kín gió. Do gia cầm có lông khá dày nên việc giữ ấm không cần đầu tư nhiều, song với gia cầm non cần đầu tư làm chuồng chuyên dụng, có bóng sưởi cả ban ngày và ban đêm; đồng thời bảo đảm chế độ ăn phù hợp để vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng trưởng ổn định trong mùa đông.

Kinh nghiệm chung ở các hộ chăn nuôi là vào mùa đông phải tăng lượng thức ăn, tăng dinh dưỡng. Ngoài việc thêm vào khẩu phần ăn từ 10 - 20% lượng thức ăn thông thường, người nuôi cần cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung vào nước một số chất khoáng, vi ta min như: Kali, vi-ta-min C, B1… vừa giúp vật nuôi ăn tốt, hấp thụ thức ăn tốt hơn, lại vừa tăng sức đề kháng. Tại một số hộ nuôi gia cầm, nhất là gà đẻ trứng, gà thịt, các hộ còn có sáng kiến cho thêm bột tỏi và treo thêm nhiều tỏi tươi vào chuồng gà để phòng cúm cho gà, cách này cũng đem lại hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, đồng chí Hoàng Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Ngoài việc tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, hộ chăn nuôi cần chú ý phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, tụ huyết trùng trâu bò… hộ chăn nuôi cần chủ động theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, khi thấy có dấu hiệu dịch bệnh phải thông báo với cán bộ thú y cơ sở để được xử lý đúng cách, tránh lây lan dịch bệnh và thiệt hại, bảo đảm chất lượng, năng suất gia súc, gia cầm khi xuất bán”.

Vi Ngoan

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang