• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi: Giải pháp vừa hiệu quả lại bền vững

Nguồn tin: Tiền Giang, 12/12/2014
Ngày cập nhật: 15/12/2014

Những năm qua, ngành chăn nuôi đã có bước phát triển đáng kể về số lượng đàn vật nuôi, từ đó việc quản lý chất thải chăn nuôi càng trở nên khó khăn. Ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chăn nuôi được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững.

Ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà ở Hợp tác xã Chăn nuôi Thủy sản Gò Công.

Trên 3.000 tấn chất thải/ngày

Tiền Giang là một trong những tỉnh có đàn vật nuôi nhiều bậc nhất ở ĐBSCL. Thống kê từ năm 2008 đến năm 2013, tổng đàn heo của tỉnh đã tăng từ trên 517 nghìn con lên trên 584 nghìn con; đàn bò tăng từ gần 41 nghìn con lên trên 76 nghìn con; đàn gia cầm tăng từ trên 4 triệu con lên gần 7,2 triệu con. Trong đó, chăn nuôi hầu hết ở quy mô nhỏ, phân tán với chủ yếu quy mô gia đình vừa và nhỏ xen lẫn trong khu dân cư (2.739 hộ), chăn nuôi quy mô lớn không đáng kể. Thời gian gần đây, một xu hướng ngược lại đang diễn ra là chăn nuôi quy mô lớn đang phát triển mạnh. Cụ thể, nếu năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 220 trang trại chăn nuôi thì đến năm 2013, đã tăng lên 297 trang trại (tăng 35%).

Từ các số liệu trên cho thấy, số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng phát triển trong những năm gần đây, qua đó làm tăng khối lượng chất thải rắn, chất thải lỏng phát sinh. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày 1 con heo thải ra môi trường khoảng 1,5 kg phân, 1 con trâu hoặc bò thải 15 kg phân và gia cầm 0,2 kg phân. Bên cạnh đó, môi trường còn tiếp nhận lượng nước bài tiết trung bình ở heo là 0,8 lít/con/ngày; ở trâu, bò là 9 lít/con/ngày.

Như vậy, với tổng đàn gia súc, gia cầm như trên, trung bình mỗi ngày môi trường phải tiếp nhận một khối lượng chất thải phát sinh từ chăn nuôi ước trên 3.000 tấn (gồm chất thải rắn và lỏng). Đó là chưa tính lượng chất thải từ vệ sinh chuồng trại. Nếu không xử lý tốt chất thải sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và gây tình trạng ô nhiễm thứ cấp, do vật chủ trung gian truyền bệnh (vì hầu hết các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo, đều cho nước thải tự do ra ngoài môi trường, gây hôi thối).

Hơn nữa, nồng độ khí độc H2S, NH3 phát sinh từ các chất thải này cao gấp 30 đến 40 lần so với mức độ cho phép, đặc biệt là các chất khí CO2, CH4 gây hiệu ứng nhà kính; số vi sinh vật và bào tử nấm phát sinh cũng cao gấp nhiều lần so với quy định cho phép. Ngoài ra, trong nước thải còn chứa hàm lượng cao chất hữu cơ, nitơ, phốt pho, các vi sinh vật gây bệnh E.coli, Coliform...

Xử lý bằng công nghệ sinh học: Hiệu quả và bền vững

Trước tình hình chất thải chăn nuôi ngày càng tăng, trong khi khả năng xử lý còn hạn chế, giá thành xử lý cao, việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào xử lý chất thải chăn nuôi có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là công nghê sinh học. Chính vì thế, trong thời gian qua, cùng với ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào bảo vệ môi trường. Cụ thể, từ năm 2003 đến 2011, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện Dự án Khí sinh học tại các hộ chăn nuôi. Dự án đã giúp nông dân xây dựng 5.650 công trình khí sinh học.

Theo đánh giá, đến nay, 90% công trình khí sinh học này hoạt động hiệu quả. Các công trình khí sinh học trong chăn nuôi đã giúp xử lý trên 10 nghìn tấn chất thải/năm, làm giảm 70 nghìn tấn CO2/năm, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài giải quyết vấn đề chất thải trong chăn nuôi, các công trình này còn giúp cho hộ chăn nuôi tiết kiệm trên 15 tỷ đồng tiền khí gas đốt phục vụ cho sinh hoạt và sử dụng gas để chạy máy phát điện giúp tiết kiệm 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/hộ/tháng. Bên cạnh đó, bã thải từ các hầm khí sinh học còn được dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, cải tạo đất, giúp giảm hơn 30% lượng phân hóa học.

Ngoài ra, nước bã thải từ hầm khí sinh học còn có thể dùng tưới lên thức ăn để nuôi trùn quế; làm thức ăn cho cá, vịt và ương cá giống giúp giảm chi phí nuôi. Còn thông qua Dự án QSEAP, tính đến nay, ngành đã hỗ trợ hộ dân xây dựng 1.834 công trình khí sinh học (thể tích bình quân 20 đến 25 m2) và những công trình trên đã và đang mang lại hiệu quả rất lớn trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, ngành còn triển khai nhiều mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại Mỹ Lợi A (Cái Bè), Dưỡng Điềm (Châu Thành) và chăn nuôi gia cầm tại xã Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo), Thạnh Nhựt (Gò Công Tây). Không dừng lại ở mô hình trình diễn, thí điểm, giải pháp này đã và đang được Hợp tác xã Chăn nuôi Thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công) ứng dụng vào chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường rất lớn.

Nói về hiệu quả của giải pháp đã và đang áp dụng tại địa phương, bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân (Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gò Công) cho biết, giải pháp này chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu rải lên nền chuồng rồi kết hợp với lớp men vi sinh vật có ích để phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra và một phần mùn cưa; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối; giữ ấm cho vật nuôi. Ngoài những lơi ích trên, giải pháp còn giúp giảm tỷ lệ heo mắc bệnh đường ruột và hô hấp từ 50 - 70%; giảm chi phí điện, nước và công chăm sóc, ít tiêu tốn thức ăn, chất lượng nạc trong heo cao hơn so với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống.

Từ đó, có thể nói ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, đặc biệt là tránh các ô nhiễm thứ cấp do động vật trung gian truyền bệnh gây ra; tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các ứng dụng trên vẫn còn đang triển khai ở dạng mô hình, quy mô nhỏ, chưa được ứng dụng rộng rải, nhất là ở các trang trại lớn. Theo các nhà chuyên môn, đây là giải pháp vừa hiệu quả, vừa lại bền vững cần nhân rộng trong thời gian tới thông qua tăng cường tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm để người dân có điều kiện tiếp cận giải pháp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

N. Văn

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang