• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thái Nguyên: Dự án chăn nuôi dê phát huy hiệu quả tốt

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 05/12/2014
Ngày cập nhật: 7/12/2014

Sau hơn 1 năm tham gia Dự án “Phát triển chăn nuôi dê”, anh Ma Văn Hào ở xóm Làng Vầy, xã Trung Hội (Định Hóa - Thái Nguyên) đã phát triển đàn dê của gia đình lên 15 con.

Năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi dê” tại xã Trung Hội (Định Hóa). Qua hơn 1 năm triển khai, Dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân ở xã miền núi này.

Ông Ma Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hội cho biết: Trung Hội có diện tích rừng khá lớn, thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê. Cùng với đó, một số hộ dân trong xã đã có sẵn chuồng trại và kinh nghiệm chăn nuôi dê. Trên thực tế, chăn nuôi dê đã phát triển ở xã từ khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch cụ thể về vùng chăn nuôi, đa số các hộ đều nuôi dê tự phát và chăn thả tự do ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Thêm vào đó, để bắt đầu nuôi dê cần khá nhiều vốn vì giá dê giống luôn ở mức khá cao, một con dê sinh sản nặng 30kg có giá khoảng 3 - 4 triệu đồng.

Trong lúc nhiều hộ dân đang loay hoay với việc phát triển đàn dê, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi dê” ở xã. 12 hộ được lựa chọn tham gia Dự án đã được vay 20 - 30 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,8%/tháng trong vòng 2 năm từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương để đầu tư phát triển chăn nuôi dê. Trước khi thực hiện Dự án, Hội Nông dân huyện Định Hóa đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn dê cho các hộ gia đình.

Ông Mạc Văn Viên, ở xóm Làng Mố, xã Trung Hội một trong những người đầu tiên tham gia dự án cho biết: Khoảng năm 2008 - 2010, tôi đã chăn nuôi dê nhưng do không có vốn đầu tư nên sau một thời gian duy trì nuôi 1 - 2 con dê/lứa, tôi đã không tiếp tục tái đàn. Năm 2013, sau khi vay 30 triệu đồng từ Dự án, ông Viên đã đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con dê sinh sản. Từ 5 con dê ban đầu, có thời điểm đàn dê của gia đình ông có trên 20 con. Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông vừa bán 5 con dê thịt thu được gần 14 triệu đồng. Ông Viên nhẩm tính: Nuôi dê đang có đầu ra ổn định và cho thu lãi cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần so với nuôi lợn. Chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là các tư thương sẽ đến tận nơi thu mua với mức giá khoảng 120 nghìn đồng/kg.

Cũng được vay 30 triệu đồng từ Dự án “Phát triển chăn nuôi dê”, gia đình anh Ma Văn Hào ở xóm Làng Vầy hiện đã có 15 con dê. Anh Hào cho biết: Trước kia, gia đình tôi đã chăn nuôi lợn nhưng có những thời điểm giá lợn xuống rất thấp trong khi giá thức ăn ngày càng cao nên tôi đã suy nghĩ tìm nuôi một con vật mới có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài tiền giống, chăn nuôi dê hầu như không tốn kém thêm chi phí nào khác vì chúng hầu hết ăn các loại cây cỏ, lá cây rừng. Đây cũng là loại vật có sức đề kháng cao, ít bị ốm. Qua hơn 1 năm tham gia dự án, gia đình tôi đã thu hồi được tiền vốn ban đầu.

Được biết, các hộ dân tham gia dự án đều có quy mô đàn từ 10-30 con/hộ. Tất cả các gia đình đều đã xuất bán từ 2 - 3 lứa dê với giá bán trung bình khoảng 120 - 150 nghìn đồng/kg. Thêm vào đó, hiện nay, nhu cầu thị trường khá cao nên gần như nguồn cung dê thương phẩm không đủ cầu. Dù chỉ bán một số dê trưởng thành nhưng đa số các hộ thuộc Dự án đều có khả năng trả được vốn vay, đồng thời có vốn để đầu tư nhân đàn... Sau khi các hộ tham gia dự án thu được hiệu quả bước đầu, nhiều hộ dân trong xã cũng đã phát triển chăn nuôi dê trở lại. Hiện toàn xã có hơn 60 hộ chăn nuôi dê, với tổng số đàn dê là khoảng 700 con.

Theo ông Ma Ngọc Hạnh, “Phát triển chăn nuôi dê” là dự án đem lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân ở xã Trung Hội. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ đề xuất tiếp tục và mở rộng hơn nữa quy mô dự án, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi dê. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với nhân viên thú y xã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời lên kế hoạch cụ thể để tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương nhằm phát triển chăn nuôi dê.

Khánh Huyền

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
28/12/2014
27/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang