• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nữ “tỷ phú” vùng cam

Nguồn tin: Nhân Dân, 13/11/2014
Ngày cập nhật: 14/11/2014

Nhờ trồng cam, gia đình chị Lâm Thị Nụ đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu.

Trong cái se lạnh của những ngày đầu đông, chúng tôi về thăm mô hình trồng cam của hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) Lâm Thị Nụ. Với dáng vẻ thuần chất nhà nông, chị Nụ có vẻ "cứng" hơn cái tuổi 44 của mình. Nhưng qua câu chuyện ban đầu và tham quan vườn cam chín vàng của gia đình chị, chúng tôi mới cảm phục ý chí của người phụ nữ vùng cam này.

Thất bại ban đầu

Cắt một quả cam chín vàng, mọng nước mời khách, chị Nụ chỉ mỉm cười mà nói, cái duyên với cây cam đến với gia đình chị mới bắt đầu hơn 10 năm nay. Khi đó, ở cái thị trấn nhỏ Cao Phong này, việc trồng cam theo hộ gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù cây cam có mặt ở đất Cao Phong khá lâu nhưng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhiều gia đình vẫn còn mơ hồ. Vì vậy, việc trồng cam thời gian đầu của gia đình chị chỉ với mong muốn là có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.

Vốn là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ việc tập trung tăng gia sản xuất, đến vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, nhưng trải qua bao nhiêu năm cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2004, chị và gia đình mạnh dạn cải tạo lại khu vườn để trồng cam. Thời gian đó, chị Nụ vẫn còn băn khoăn vì cây cam là “cây nhà giàu”, nếu không chăm sóc cẩn thận cũng như phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thuốc thì cam sẽ cho năng suất, chất lượng thấp. Khi đó thì lãi chưa thấy đâu mà còn thiệt hại thêm về kinh tế. Nhưng nghĩ là làm, chị và gia đình vẫn quyết định dùng hết tiền dành dụm được và vay thêm để trồng 4.000 m2 cam xã Đoài.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm, chị và gia đình vừa trồng, vừa đi học hỏi thêm kinh nghiệm của những gia đình đã trồng trước đó. Sau bốn năm vất vả chăm bón, đầu tư tiền của, vườn cam của gia đình chị cũng bắt đầu cho bói quả nhưng chẳng được bao nhiêu. Vụ đó, chị nghĩ do cam vụ đầu cho thu hoạch nên sản lượng thấp vì vậy động viên gia đình tiếp tục chăm bón chờ vụ tiếp theo. Ai ngờ, vụ thu hoạch sau cả vườn cam 4.000 m2 cũng chẳng cho nhiều quả như mong đợi mà chất lượng cũng rất kém, khó bán ra thị trường. Lúc đó, chị mới phát hiện ra đó là giống cam giả, chất lượng thấp vì mua trôi nổi trên thị trường.

“Bỏ thì thương, vương thì tội”, chị và gia đình đành “cắn răng” chịu thiệt chặt bỏ hết vườn cam năng suất, chất lượng thấp đó. Nhưng hơn 40 triệu đồng tiền dành dụm và vay đã đầu tư hết cả cho vườn cam trước đó. Nếu muốn trồng lại thì lấy đâu ra vốn đầu tư sản xuất. “Thời gian đó, hơn 40 triệu đồng là cả một tài sản lớn đối với người nông dân chúng tôi. Khi đó, kinh tế gia đình cũng bị khủng hoảng do tất cả tiền đã đầu tư vào cây cam. Nhưng đã quyết tâm làm là phải làm đến cùng, gia đình tôi thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng và tiếp tục trồng lại vườn cam mới”, chị Nụ chia sẻ.

Nỗ lực được đền đáp

Đến tham quan vườn cam chín vàng đang bước vào kỳ thu hoạch mới thấy công sức của chị và gia đình đang được đền đáp xứng đáng. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh vườn, chị Nụ tâm sự: “Vườn cam này là thành quả bảy năm chăm sóc đấy em ạ! Hiện nay, vườn cam đang cho quả đều đặn và khoảng 10 năm nữa mới chặt bỏ và trồng lứa mới. Nếu thời tiết thuận lợi cũng như được giá thì mỗi vụ cũng cho thu nhập kha khá”.

Đúng là trời không phụ công người. Sau lần đầu tiên thất bại do mua phải giống cam không rõ nguồn gốc và phải chặt bỏ, lần này chị Nụ đi tìm hiểu và mua về giống cam xã Đoài tại một công ty giống cây ăn quả trên địa bàn để gây dựng lại. Lại bốn năm chăm sóc, chờ đợi, chị và gia đình hồi hộp chờ đợi thành quả mới và hy vọng sẽ không bị lặp lại như lần trước đó. Và rồi, vườn cam xã Đoài cũng cho quả với năng suất, chất lượng ổn định.

Sau vài năm tiền thu lãi từ trồng cam chị đã trả được nợ và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 3 ha. Hiện nay, trong vườn chị trồng các loại, như: cam Canh, xã Đoài, cam lòng vàng, quýt đường, quýt dẹt. Trong đó, 2 ha đang cho thu hoạch, còn lại 1 ha sắp sửa cho bói quả. Vụ thu hoạch năm nay, dự kiến gia đình chị sẽ thu được khoảng 35 tấn cam và 15 tấn quýt với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg. Như vậy, từ việc bán cam, quýt gia đình chị sẽ thu về khoảng 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí có lãi khoảng 1 tỷ đồng. Theo chị Nụ, vụ cam năm nay do trong quá trình ra hoa gặp mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả ít. Nếu không, 2 ha cam, quýt của chị sẽ cho năng suất cao hơn và lợi nhuận thu về cũng sẽ nhiều hơn.

Cũng theo chị Nụ, cây cam là loại cây khó trồng nên người trồng phải biết bón đầy đủ và đúng liều lượng các loại phân bón cần thiết. Khi đó, cam, quýt mới cho năng suất, chất lượng cao. Điều đáng mừng hơn nữa, điều kiện đất đai, khí hậu tại Cao Phong cũng rất phù hợp nên cây cam ít bị sâu bệnh hại.

Tuy nhiên, chị cũng còn nhiều băn khoăn, bởi lẽ cam Cao Phong hiện nay chưa có thương hiệu nên rất dễ bị nhầm lẫn với các loại cam khác làm mất uy tín, giá trị cây cam ở đây cũng như thiệt hại cho người nông dân trên địa bàn.

“Gia đình tôi cũng chẳng phải là hộ có thu nhập cao từ trồng cam. Ở đất Cao Phong này còn có nhiều hộ trồng diện tích nhiều, thu hoạch vài tỷ đồng một năm ấy chứ! Nhưng từ khi cây cam Cao Phong liên tiếp được mùa, được giá nên người nông dân chúng tôi phấn khởi lắm! Thời gian tới, cam Cao Phong sẽ có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý lúc đó, gia đình tôi và những hộ trồng cam khác sẽ yên tâm sản xuất hơn để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình”, đó là câu nói của chị Nụ trước khi chào tạm biệt chúng tôi.

HOÀNG HÙNG

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang