• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Nhọc nhằn "Phố Hồng"

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 09/11/2014
Ngày cập nhật: 10/11/2014

Hai chị em tôi xuôi đèo Dran vào những ngày chợt nắng cuối mùa mưa. Con đường mát rượi bóng cây khiến người chẳng thể hanh hao giữa cái nắng trưa nồng. Từng vạt hồng thấp thoáng bên triền thấp, đã lác đác vài chiếc lá vàng. Màu xanh của lá, màu cam - đỏ của trái chín làm cho các vườn hồng lúc này đây chắc là nhiều màu sắc nhất. Bên đường cũng xuất hiện các vựa thu mua hồng trái.

Thảo thơm xứ hồng…

Chúng tôi dừng chân ở vựa hồng của gia đình chị Thỉnh nằm ngay chân đèo Dran. Khoảnh sân rộng khoảng 300m2 đầy ắp hồng. Những quả hồng trứng thuôn dài, hồng chén có 4 cạnh tạo nên những góc vuông... Quả nào quả nấy tròn căng, dày dặn…

- Hồng ở đây có vẻ bự hơn ở Đà Lạt nhỉ?

- Hồng cuối mùa mưa, nhiều nắng, nên đậm trái và ngọt hơn, em ạ…

Ngoài 3 mẹ con chị Thỉnh còn có khoảng 5 - 6 nhân công nữa đang làm việc. Chị Thỉnh và con gái ngồi lựa hồng, 1 người đứng máy chùi vỏ, 3 - 4 người xếp hồng và đóng thùng… Chúng tôi hỏi mua hồng, được báo giá 12 ngàn đồng/kg. Nhưng, thấy chị tôi lựa toàn hồng chín bảo “để ăn luôn”, Kiểm - con gái chị Thỉnh nói: “Tưởng các cô đóng thùng mang đi! Chứ hồng chín này cứ ăn thoải mái - không tính tiền”. Những trái hồng chín cây ngọt lịm và dẻo quẹo. Chị Thỉnh khuyến khích: “Ăn như vậy là sạch nhất vì hồng mới hái xuống, chứ không phải chín do khí đá sẽ hơi nhão và nhạt hơn”… Chúng tôi cứ chọn trái hồng thật chín, đỏ rực, mềm mọng, bẻ đôi và… ăn… Khi chia tay, chị tôi muốn mua nốt số hồng chín đã lựa mang về, chị Thỉnh không lấy tiền, lại còn sai người xếp hồng vào hộp giấy cho để chúng tôi mang đi mà hồng không bị dập…

Từ chân đèo Dran đi ngược ra thị trấn Thạnh Mỹ (Lâm Đồng) có hàng chục vựa hồng như nhà chị Thỉnh. Ngoài cửa luôn để 2 cái sọt, 1 sọt đựng hồng loại bán cho lò sấy giá 2 ngàn đ/kg và 1 sọt đựng hồng chín để ai muốn ăn thì ăn...

Tại vựa hồng nhà chị Phượng, chị tôi hỏi:

- Hồng chín này có bán không chị?

- 3 ngàn một ký mang đi, ăn tại chỗ không tính.

“À ha! Có chút khác biệt" - Tôi cũng kịp nhận ra, vựa hồng nhà chị Phượng ở gần khu vực dân cư, gần trung tâm thị trấn Dran, nên rõ ràng, thay vì vào chợ, thì ghé vựa mua hồng chín “rẻ - sạch - ngon - bổ” hơn nhiều. Chị Phượng góp chuyện khi thấy chúng tôi xuýt xoa nhấm nháp những trái hồng chín ngọt:

- Chị cũng thích ăn hồng lắm. Mỗi ngày, chị có thể ăn cả chục trái (khoảng 2 - 3kg), chứ không như nhiều chủ vựa khác, cả mùa ăn không hết một trái hồng…

- Em cũng có thể ăn no hồng - bà chị tôi thú nhận…

Đà Lạt xưa nay có nhiều loại hồng ngon, như: hồng trứng trái nhỏ, dẻo và ngọt; hồng nước - rất ngọt nhưng không dẻo; hồng bát hay được bày bán ở đầu đèo Prenn - trái rất to, màu đẹp, ít ngọt... Hồng Dran nổi tiếng về độ dẻo ngon, thanh ngọt… có lẽ bởi chất đất, địa thế dốc, không đọng nước, khí hậu lại nóng hơn các vùng trồng hồng khác ở Đà Lạt, Đức Trọng… Ngay cả những trái “hồng bát” thường bị xem là nhạt hơn cũng ngọt vô cùng. Có lẽ vì vậy, mà khi chúng tôi hỏi ở đây là đâu – ý hỏi là thôn, xóm nào, thì anh chàng làm công nhà chị Thỉnh tinh nghịch bảo là “Phố Hồng”…

Mỗi ký hồng đẹp như vậy mà có 3 ngàn đồng

Lại điệp khúc “được mùa - mất giá”…

Theo quan sát của chúng tôi, việc “làm hồng” không có vẻ gấp gáp và vất vả, với 3 công đoạn chính là: Lựa hồng, chùi vỏ, đóng thùng; có người đến giao hồng thì cân ký. Những trái hồng có kích cỡ và màu sắc đều nhau được xếp riêng vào từng sọt, rồi đưa vào máy chùi bóng vỏ, đóng vào thùng cacton. Thùng cacton được lót giấy báo, cứ sắp một lớp hồng là một lớp giấy báo, mỗi thùng khoảng 25kg. Lúc ngồi nói chuyện, chị Thỉnh cho biết: “Khi đóng thùng sẽ cho khí đá vào, để sau 1 - 2 ngày vận chuyển, mối hàng mở thùng ra là có hồng chín bán…”. Hồng Đà Lạt vận chuyển ra miền Trung, hoặc ngược vào Nam. Mỗi ngày, mỗi vựa đóng khoảng 4 - 5 tấn hồng trái, nếu vào ngày lễ hoặc rằm, mồng một có thể lên đến chục tấn hồng.

Có một điểm chung là các chủ vựa ở “Phố Hồng” đều trực tiếp “làm hồng”. Chị Phượng vừa lựa hồng vừa cho biết: “Năm nay được mùa, nhưng mất giá cho nên từ người trồng hồng đến người mua, người bán - ai cũng cực. Vựa cân vào chỉ được 3 ngàn đ/kg, nhưng chi phí cho một ký hồng đến được người bán lẻ gấp đôi chừng ấy… Chủ vườn thu được 3 ngàn đ/kg thì thuê hái hết 2 ngàn, 1 ngàn chưa phải là lời, còn phân bón, công chăm sóc…”. Nhà chị Phượng cũng đang có 3 - 4 nhân công đang “làm hồng”. Ngoài đóng hồng đi, chị Phượng còn làm hồng giòn, với 2 loại giá 16 ngàn/kg loại ngon và 12 ngàn/kg loại thường. “Mình quen bỏ hàng ở chợ, nên nhiều người biết, đến tận nhà mua. Nhưng đây chỉ là làm thêm thôi, mất công lắm”…

Chúng tôi gặp anh Thế chở hồng đến vựa cân. Hỏi thăm vườn tược, anh bảo:

- Nhà có mấy chục cây, chắc thu hết năm nay thì chặt, chứ giá cả thế này… chán lắm.

- Uổng vậy anh! Hồng trái lớn, đẹp thế này…

- Nhà không có công, anh phải tự hái. Hết mùa này sẽ chặt bỏ để trồng cà phê…

Chưa có người dân nào thống kê, vườn hồng nhà mình cho năng suất bao nhiêu hằng năm. Đây chỉ là khoản thu giá trị gia tăng của gia đình, chứ bây giờ không ai sống bằng nghề trồng hồng cả. Có chuyện, chủ nhà chẳng muốn bán, gọi khách khứa, bạn bè, người quen đến chơi, ăn hồng, ra về còn được gia chủ gởi cả túi hồng… ăn giùm… Như anh Thế nhận xét: “Đến mùa hồng chín, không hái thì hư cây, mà trái chín rụng cũng phải lượm đi, chứ cứ để vậy, kiến, ruồi bu vào hư cả cây, cả đất… Trồng cà phê, công xá cũng như thế, nhưng năng suất hơn, mà nếu không bán được do mất giá có thể cất đến mùa sau…”.

Nghĩ đến thương hiệu Hồng Đà Lạt…

Hồng ở Lâm Đồng nói chung và Dran nói riêng, như một loại cây cho trái truyền thống ở Lâm Đồng. Những vườn hồng đang cho thu hoạch có tuổi đời cả mấy chục năm. Số diện tích trồng mới hồng hình như không có, nếu có chỉ là hồng ghép các loại đặc biệt, giống ngoại, nhưng cũng không nhiều. Lại thêm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nên diện tích cây hồng trái giảm đi rất nhiều. Năm nay, giá thấp vậy, nhưng các chủ vựa hồng đều công nhận cũng chưa bằng năm ngoái, rất nhiều vườn hồng đã bỏ để trái chín đỏ, rồi rụng… Không như nhiều năm trước, chủ vựa phải thuê người đến từng vườn thu hái, dặn trước chủ nhà, đặt cọc…

Trước đó, tôi đã được các chị ở chợ Đà Lạt nhắc đến hồng Trại Mát. Cho đến chuyến đi này, mới có dịp so sánh, từ Đà Lạt đi về hướng Trại Mát lác đác các vườn hồng. Nhưng ở khu vực Xuân Thọ và vùng chân đèo Dran đất có độ dốc cao là mật độ cây hồng trái tập trung nhiều hơn cả… Chợ Đà Lạt đang rộ mùa hồng, hết nửa diện tích mỗi quầy trái cây đều là hồng: hồng chín đỏ, hồng giòn vàng. Trung bình mỗi kg hồng khoảng 10 - 12 ngàn đ/kg. Đặc biệt, có loại 20 ngàn đ/kg. Chị Ty - chủ sạp giải thích: Hồng Trại Mát già trái, ăn ngọt và không bị thâm khi bỏ vào tủ lạnh như các loại hồng khác.

- Làm sao phân biệt được hả chị?

- Người mua lầm chứ người bán không lầm. Đây là kinh nghiệm thôi. Mua theo mối, nên biết hồng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu.

Tôi loanh quanh mãi ở khu chợ trái cây, lân la hỏi chuyện các chị bán hồng trái, để tìm ra điểm khác biệt của hồng Dran, mà không được, bởi cả mấy chục sạp trái cây rặt hồng là hồng. Chênh lệch giá giữa các loại dựa vào độ lớn của trái và chủ yếu là “tin người bán”. Chúng tôi cũng được biết thêm một thông tin: Sau tháng 11, khi hết mùa hồng trái Đà Lạt, sẽ có hồng Trung Quốc, nhưng không phải sạp nào cũng nhập loại này. Hồng Trung Quốc trái đều, đẹp và tất nhiên, không ngon bằng hồng Đà Lạt…

Lại là một nguy cơ cho rau trái Đà Lạt. Vậy là sắp tới đây, khi chẳng có cây hồng nào trên đất Đà Lạt còn trái, (các vựa hồng bây giờ chuyển sang thu mua cà phê), thì vẫn có người “tưởng”… mua được hồng Đà Lạt cuối mùa... Việc người mua “không thể phân biệt” đã làm cho các loại rau củ, hoa, trái cây Đà Lạt mất giá dường như đã là chuyện phổ biến, như: khoai tây, cà rốt, hành, địa lan, dâu tây… giờ là hồng trái… và còn chưa biết có bao nhiêu loại hàng hóa đang hoặc sẽ bị “đội lốt” do không có cơ sở để chứng minh là giả mạo, hay chính gốc Đà Lạt…

Đấy chính là lý do thôi thúc tôi đi tìm lời giải ở “Phố Hồng”…

Ngồi nhớ lại tâm trạng vui sướng của mình khi ăn những trái hồng chín cây tại “Phố Hồng”, tôi bỗng dưng, muốn… được quay lại, vớt vát những trái hồng chín miễn phí cuối cùng của năm nay… Nhưng, nghĩ thôi đã thấy… ngại, vì một mùa trái ngọt sắp qua, lại đánh dấu thêm sự khó nhọc của người nông dân gắn bó với cây hồng ở xứ này…

Phóng sự: Lê Hoa

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang