• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Yên Bái: Ngọt ngào cam Văn Chấn

Nguồn tin: Báo Yên Bái, 04/02/2014
Ngày cập nhật: 5/2/2014

Không phải “thánh địa” của cam và cũng chưa nổi tiếng như cam sành Lục Yên nhưng hôm nay, các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có hàng ngàn héc-ta cam, quýt với sản lượng gần chục ngàn tấn. Vùng quê nghèo khó hôm nào nay đã trù phú.

Đến nay vùng cam, quýt của Văn Chấn đã có 5000ha cho sản lượng trên 6.000 tấn quả. (Ảnh: Tiến Lập)

Nói vậy, nhưng để có vùng cam, quýt như hôm nay, người dân đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm. Kỹ sư Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện dẫn chúng tôi xem vườn cam, kể lại: Nói đến các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn là phải nói đến chè, nhưng sau bao năm vật lộn với chè, cuộc sống người dân cũng không khấm khá hơn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số hộ dân sang vùng cam sành Lục Yên mua giống về trồng. Và cứ thế, vùng cam ngày một rộng lớn, đến cả ngàn héc-ta. Thu hoạch những lứa cam đầu tiên hiệu quả, người ta trồng cam cả vào những nương chè, cam lên đồi, cam trồng ven nhà, nơi nào có đất là cam bén rễ.

Cứ mỗi độ tết đến, xuân về cả vùng vàng rực của cam, xe lớn, xe nhỏ nối đuôi nhau đổ về Trần Phú, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm ăn “cam”. Thế rồi, những cây cam bỗng bị sâu bệnh tàn phá. Hàng chục héc-ta cam chết dần, chết mòn, nhiều cây thoái hóa hoa ra nhiều nhưng quả chẳng bao nhiêu. Không chỉ sâu bệnh tàn phá, do giống không tốt cùng với cây dần thoái hóa quả nhỏ, chất lượng kém, dần dần, cam Văn Chấn không còn chỗ đứng trên thị trường. Cả vùng cam tiêu điều xơ xác.

Để cứu vùng cam, các nhà khoa học đã đến tìm nguyên nhân, rồi các đồng chí lãnh đạo huyện, xã cũng về vùng cam tìm cách giải cứu. Song hành với áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phòng chống sâu bệnh, năm 2009, đích thân đồng chí Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Dương Văn Thống (nay là Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy) sau chuyến công tác tại Đà Lạt đã tìm và mua 100 gốc cam caracara về trồng thử nghiệm, dần thay thế giống cam địa phương. Đây là giống cam không hạt, ruột màu đỏ, ăn ngọt mát, mùi vị đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Từ những cây cam giống ban đầu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo bà con trồng và phát triển rộng. Vùng cam, quýt đã dần hồi sinh. Từ những cây cam giống mới, đến nay, gia đình ông Lê Minh Đông đã phát triển thành một vườn cam rộng hơn 1 ha với 500 gốc cam Caracara.

Đứng trước vườn cam trĩu quả, ông Đông cho biết: “Thời điểm 2007 - 2008 cam mất giá, sâu bệnh phá hoại chúng tôi đã có ý định phá bỏ cam để lại trồng chè. Khi cán bộ kỹ thuật của huyện triển khai đưa giống cam mới vào trồng, bản thân tôi cũng rất hoài nghi về tính hiệu quả. Lúc đầu chỉ trồng vài chục cây, rồi cả khu trồng, cả làng trồng, cứ thế, gia đình tôi đã trồng được 1 ha cam Caracara. Chỉ với 500 gốc cam caracara mới bói mà vụ vừa rồi gia đình đã thu về trên 50 triệu đồng. Đây là giống cam tốt, quả to, ăn ngọt mát. Không chỉ có vậy, nó còn cho chất carotenoid, rất tốt cho việc ăn kiêng và hàm lượng vitamin C cao hơn 150% các loại cam khác. Giá bán cũng cao hơn, bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg bán tại vườn”.

Cùng với những cây cam Caracara, người dân còn trồng cải tạo giống cam sành, cam đường canh, cam V2. Đến nay, toàn vùng đã có trên 5.000 ha cam, quýt thuộc xã Minh An, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, thị trấn Nông trường Trần Phú, sản lượng năm 2012 đạt 5.600 tấn, dự kiến năm nay không dưới 6 ngàn tấn. Với sản lượng đó, bán với giá trung bình 15.000 đồng/kg cũng đem về cho người dân trên dưới trăm tỷ đồng. Riêng thị trấn Nông trường Trần Phú đã có trên 350 ha cam, sản lượng gần 3 ngàn tấn quả.

Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú Đỗ Anh Thiện cho biết: “Nhờ trồng cam, khôi phục lại giống cam và đưa các giống mới về trồng, đời sống nhân dân đã giàu lên nhiều. Hôm nay, Trần Phú đã có nhiều triệu phú, tỷ phú làng cam, nhiều nhà xây hai, ba tầng với số tiền cả tỷ đồng, xe máy, ô tô cũng nhờ cam mà ra”. Gia đình ông Nguyễn Văn Thông ở khu 8 vụ cam năm 2012 thu về 700 triệu đồng, năm nay ít cũng thu 1 tỷ đồng, gia đình ông Đinh Quang Dũng cũng thu không dưới 700 triệu đồng, ông Lê Minh Đông cũng trên dưới 600 triệu đồng...

Còn gần tháng nữa mới đến tết Nguyên đán nhưng trên các con đường làng đã nhộn nhịp đông vui. Xe biển Hà Nội, Phú Thọ và tư thương ngoài thành phố Yên Bái nối nhau đổ về chở cam đi khắp miền. “Để có thành quả như hôm nay, người trồng cam Văn Chấn không thể quên các nhà khoa học, các kỹ sư, các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Chấn đã lăn lộn cứu vùng cam”, ông Lê Minh Đông, khu 7 thị trấn Nông trường Trần Phú bộc bạch.

Cây cam đã giúp đất quê, người quê giàu có với nhiều tỷ phú, triệu phú nông dân.

Cam Văn Chấn đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Huyện, xã đã và đang xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý về cam Văn Chấn để tiếp tục chọn lọc và phát triển vùng cam hàng hóa chất lượng cao, mang đến sự sung túc cho vùng quả ngọt.

Thanh Phúc

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang