• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Kạn: Nông dân Bạch Thông làm giàu từ cây quýt

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 02/10/2014
Ngày cập nhật: 5/10/2014

Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.300 ha quýt, tập trung nhiều tại huyện Bạch Thông với 1.020 ha. Là cây trồng chủ lực, mỗi héc-ta quýt mang lại cho người dân thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ. Hiện nay, quýt Bắc Kạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là niềm tự hào đồng thời cũng đặt ra cho huyện trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và quảng bá loại quả đặc sản của địa phương.

Lâu nay, nói đến quýt Bắc Kạn người ta vẫn thường nhắc đến vùng đất Quang Thuận (Bạch Thông)- nơi được coi là khởi nguồn của cây quýt. Ông Hà Lưu Túy, người cao tuổi nhất của thôn Khuổi Piểu cho biết, Vào cuối thế kỷ 18 cây quýt xuất hiện sớm nhất tại khe Khuổi Piểu. Hồi ông còn nhỏ đã thấy cây quýt được trồng rải rác tại một vài hộ. Thấy quả quýt có vị ngon nên một số hộ trong xã lấy hạt trồng thêm. Đến năm 1990 quả quýt ở Quang Thuận bắt đầu có được bán ra thị trường, nhưng giá trị còn thấp. Xác định cây trồng này có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, Đảng ủy xã Quang Thuận đã đưa cây quýt vào chỉ tiêu phát triển kinh tế trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Mục tiêu đề ra là mỗi gia đình đảng viên có một vườn quýt. Kể từ đó quýt được trồng phổ biến hơn, diện tích bắt đầu tăng dần, trở thành đặc sản của vùng.

Nhờ trồng quýt nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Bạch Thông đã có thu nhập cao.

Thời kỳ đầu, cây quýt được gieo trồng bằng hạt nên phát triển rất chậm, 10 đến 15 năm sau mới cho thu hoạch. Sau đó người dân chuyển sang phương pháp chiết cành, nhưng số lượng nhân giống ít, giá trị kinh tế không cao. Đến năm 2000, chính quyền đã thành lập nhiều đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệp ở một vài địa phương khác. Sau đó xã được tỉnh, huyện và Viện Rau quả Trung ương hỗ trợ triển khai kỹ thuật ghép giống quýt bằng mắt với gốc bưởi, đồng thời triển khai mô hình khảo nghiệm trồng cây quýt mắt ghép và phục tráng cây cằn cỗi. Ưu điểm của phương pháp này là nhân giống nhanh với số lượng nhiều, thời gian bói quả sớm và chăm sóc dễ dàng hơn. Nhận thấy cơ hội thoát nghèo, người dân nhanh chóng mở rộng diện tích trồng quýt. Đến nay toàn xã đã có 530ha quýt, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng nên nhân dân các xã Đôn Phong, Dương Phong, Tú Trĩ, Sỹ Bình, Cao Sơn cũng chủ động đưa cây cam quýt về trồng, góp phần đưa tổng diện tích loại cây đặc sản này của toàn huyện Bạch Thông lên hơn 1.000ha.

Hơn chục năm nay, quýt đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn huyện Bạch Thông. Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Dương Phong chúng tôi tìm đến hộ anh Bàn Văn Lợi- dân tộc Dao ở thôn Khuổi Cò. Anh Lợi là một trong những người tiên phong đưa giống quýt về trồng tại xã. Để có 10 ha quýt sai trĩu quả, xanh ngút tầm mắt, gia đình anh Lợi đã trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả. Với bản tính cần cù và ý chí kiên cường của một người lính, năm 2000 anh Lợi đã phát dọn, cải tạo những diện tích rừng đồi thấp được giao khoán của gia đình và mua 200 cây quýt giống về trồng. Đất không phụ công người, đến nay nhà anh đã có 6/10 ha quýt cho thu hoạch, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, gia đình ông Lưu Chấn Thụ là hộ đi đầu trồng cây quýt ghép do Viện Rau quả Trung ương khảo nghiệm tại địa phương. Ông Thụ cho biết: Lúc bấy giờ nhận thức của người dân còn hạn chế, cho rằng ghép bằng gốc bưởi thì quả quýt sẽ chua. Nhận cây giống về nhưng nhiều nhà bỏ không trồng. Thấy tiếc số cây giống này, gia đình ông Thụ đã mạnh dạn mang về trồng. Chỉ sau 3 đến 4 năm, các cây quýt ghép đã bói quả lứa đầu tiên, chất lượng quả ngon hơn. Đến nay gia đình ông đã sở hữu 3 ha quýt, hằng năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Theo thống kê, hằng năm sản lượng quýt của Bạch Thông đạt khoảng 6.000 tấn, giá trị kinh tế thu về 60 tỷ đồng. Cây quýt ở Bạch Thông đã được nhân giống để trồng sang các địa phương khác và đã trở thành loại quả được thị trường một số tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng ưa chuộng. Hiện nay, Quang Thuận có 80% hộ dân trồng quýt, trong đó khoảng 40% có thu nhập cao từ quýt, tiêu biểu như: hộ gia đình ông Lưu Đình Thăng, thôn Nà Chạp; Lưu Đình Lý, Lộc Văn Nghinh thôn Nà Thoi; Nông Văn Bình thôn Nà Vài… Cam, quýt đã trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp nhiều hộ dân huyện Bạch Thông thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân vùng trồng quýt hiện nay là làm thế nào để phát triển cây ăn quả đặc sản này một cách bền vững.

Hà Thanh

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang