• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tan hoang làng tỷ phú quýt đường Tân Lâm

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 19/09/2014
Ngày cập nhật: 20/9/2014

3 năm trước, 200 hộ dân canh tác khoảng 400 ha quýt đường ở xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được coi là những nông dân nhanh nhạy trong sản xuất nông nghiệp, tại đây cũng đã xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ trồng quýt. Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, bệnh vàng cuống làm rụng trái hoành hành làm hàng trăm ha quýt nơi đây phải chặt bỏ, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, thậm chí phải bán nhà bỏ xứ đi vì thua lỗ.

Bệnh vàng cuống làm rụng trái hoành hành đã khiến hàng trăm ha quýt ở xã Tân Lâm bị chặt bỏ do thất thu đã và đang khiến cho nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, thậm chí phải bán nhà bỏ xứ đi vì thua lỗ.

Chỉ vào vườn quýt trái non rụng ngập gốc,ông Phạm Văn Thi, một nông dân trồng quýt đường 6 năm nay tại xã Tân Lâm than thở “mèo lại hoàn mèo”. Đó cũng là nhận định chung của người dân Tân Lâm khi nói về việc “trồng rồi chặt bỏ” đang xảy ra ở những vườn quýt. Theo ông Thi và những hộ trồng quýt tại xã Tân Lâm, “vòng đời” của cây quýt đường chỉ được khoảng 7 năm. Trước đây, những người trồng quýt ở Tân Lâm đã từng trồng tiêu, nhãn, mít… nhưng rồi chặt bỏ để thay thế cây trồng khác khi cây bị sâu bệnh hoặc giá xuống thấp. Khi cây quýt đường được một vài hộ dân ở Tân Lâm đưa về trồng cho năng suất và hiệu quả cao, đầu ra ổn định, lại có giá thì việc phá bỏ nhãn, tiêu, cà phê… để trồng quýt xảy ra ồ ạt. Đã có nhiều hộ trồng quýt thu tiền tỷ và từ đó, phong trào trồng quýt đường ở Tân Lâm phát triển mạnh mẽ. Cách đây khoảng 2 năm, mỗi ha quýt vào vụ thu hoạch cho sản lượng hơn 30 tấn, giá bán 30-35.000 đồng/kg, vì vậy, nhiều hộ trồng quýt ở đây đã trở thành tỷ phú.

Bà Nguyễn Thị Rảnh, chủ vườn quýt 2 ha tại ấp Bàu Sôi cho hay, cách đây khoảng 4 năm về trước, cây quýt rất hiệu quả và không có dịch bệnh. “Gia đình tôi khấm khá lên là nhờ vào 1.500 cây quýt.Nhưng đến nay dịch bệnh đã làm cho cây trồng này không còn đem lại lợi nhuận nên phải chặt bỏ để trồng các loại cây khác.Có không ít trường hợp trồng quýt đã lâm vào cảnh nợ nần. Hiện tại, chúng tôi chưa chặt bỏ hoàn toàn 2ha quýt mà chỉ phá bỏ những khu vực bị nhiễm bệnh nặng và chuyển đổi từ từ sang cây trồng khác”.

Qua vụ chặt bỏ vườn quýt, người nông dân Tân Lâm dường như ai cũng đã hiểu rõ: Thổ nhưỡng ở đây chỉ phù hợp với 4 loại cây chủ lực chính là tiêu, cà phê, điều và cao su (nếu có diện tích đất nhiều). Hiện tại, nhiều hộ nông dân làm lại từ đầu với những cây trồng truyền thống này.

Theo các hộ dân trồng quýt, sở dĩ quýt đường Tân Lâm có giá cao bởi mùa thu hoạch trái vụ và đúng vào dịp tết Nguyên Đán, trong khi đó thì “vựa quýt” ở miền Tây đã qua vụ từ mấy tháng trước. Vào những ngày cận tết, thương lái từ khắp nơi đổ về Tân Lâm để đặt quýt Tết, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Vào mỗi vụ thu hoạch, Tân Lâm xuất đi từ 30-40.000 tấn quýt đường. Mặt khác, quýt đường của Tân Lâm có nguồn gốc từ miền Tây nhưng trái to hơn và múi nhiều nước nên rất được thị trường ưa chuộng. “Thế nhưng, chỉ sau khoảng 3 vụ thu hoạch thì bệnh vàng cuống làm rụng trái non xuất hiện mà không có giải pháp để phòng chống bệnh này lây lan” - chị Nguyễn Thị Phượng, ở ấp Suối Lê cho biết. Từ năm 2013, việc phá bỏ vườn quýt để canh tác cây trồng khác đã bắt đầu xảy ra ở Tân Lâm.Theo thống kê, đến thời điểm này đã có khoảng 100ha quýt đường đã bị phá bỏ để quay lại trồng tiêu, nhãn... Thậm chí, nhiều hộ gia đình đã phải bán nhà để trả nợ.

Theo phản ánh của các hộ trồng quýt tại đây, để dập dịch bệnh cho cây quýt đã có nhiều đoàn cán bộ, kỹ sư của ngành nông nghiệp đến tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục bệnh vàng cuống rụng trái sớm. Nếu có giải pháp phòng ngừa bệnh làm rụng trái trên cây quýt thì chỉ vài năm nữa cây quýt đường sẽ phủ khắp Tân Lâm và lan rộng ra các địa phương xung quanh.

TIẾN SĨ NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU ĐẤT-PHÂN BÓN VÀ MÔI TRƯỜNG PHÍA NAM: Chặt cây quýt để canh tác cây khác không phải là giải pháp hiệu quả Việc bà con nông dân ồ ạt chặt quýt vì dịch bệnh để chuyển sang trồng cây khác khi mà chưa nghiên cứu kỹ về thị trường, nắm vững cách chăm sóc… không phải là giải pháp tối ưu. Hiện tại, người trồng phải chăm sóc, phòng trừ bệnh hiệu quả mới là vấn đề quan trọng. Nếu không, việc người nông dân chặt vườn quýt để trồng nhãn, tiêu, mít… sẽ tiềm ẩn nguy cơ về sâu bệnh, thiếu đầu ra cho sản phẩm rồi lại chặt bỏ. Không chỉ loại cây có múi như cam, quýt mà bất cứ cây trồng ăn trái hay cây công nghiệp nếu không nắm rõ quy trình canh tác, kiểm soát chặt chẽ đầu vào nguồn giống thì dịch bệnh sẽ xuất hiện liên tiếp. Theo đó, bà con nông dân phải tính đến giải pháp phòng bệnh cho cây từ trước khi xuống giống, tránh tình trạng khi cây có bệnh rồi mới tìm cách chữa. Khi xác định loại cây chủ lực, việc đầu tiên là phải chọn giống đã qua kiểm định của cơ quan chức năng, thiết kế vườn trồng phù hợp, chăm bón thường xuyên và phòng bệnh cho cây hiệu quả.

ANH NGUYỄN TẤN HOÀNG, ẤP BÀU SỒI, XÃ TÂN LÂM: Để thì đổ thuốc, chặt thì đổ nợ

Quýt là loài cây khó tính, để có vườn quýt đẹp, trái đều người trồng tốn rất nhiều công sức cũng như tốn kém về thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ trong từng thời điểm trong năm. Gia đình tôi có vườn quýt 600 gốc, trong đó 300 gốc trồng đã được 3 năm nay, mới bắt đầu ra trái và 300 gốc mới trồng hơn 2 năm. Tổng chi phí cho 600 gốc quýt là 200 triệu đồng từ tiền vay của ngân hàng.

Từ năm 2013, bệnh vàng cuống làm rụng quả non trên cây quýt đã xuất hiện làm cho nhiều vườn quýt mất trắng. Vườn quýt của tôi cũng bị nhiễm bệnh và bệnh này cũng đã lây lan sang những vườn quýt chưa cho thu hoạch. Vì vậy, hiện có nhiều hộ đã chặt bỏ cây quýt để canh tác cây trồng khác. Thời điểm này, cây quýt đang cho trái chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán. Với thực trạng dịch bệnh và diện tích trồng quýt giảm chắc chắn mùa quýt năm nay sẽ có giá cao. Nhưng muốn giữ vườn quýt thì lâm vào cảnh “để thì đổ thuốc, chặt thì đổ nợ”, thật khổ nhưng gia đình chúng tôi cứ để vườn quýt lại. Hy vọng bệnh sẽ giảm và mùa quýt này sẽ gỡ gạc lại được phần nào.

CHỊ NGUYỄN THỊ KIM CHI, XÃ TÂN LÂM: Việc trồng quýt là tự phát và chạy theo phong trào

Gia đình tôi có 4ha vườn trước đây trồng mít, tiêu, cà phê, nhưng khi thấy trồng quýt có hiệu quả cao, tôi đã trồng thử 100 gốc. Vào vụ thu hoạch đầu tiên, 100 gốc quýt này đã cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng.Thấy lãi cao, gia đình tôi đã dồn tiền và vay mượn thêm để trồng quýt. Được 2 năm cây quýt cho hiệu quả cao thì xuất hiện bệnh làm trái non rụng hàng loạt. Năm 2013, sâu bệnh trên cây quýt làm giảm năng suất nhưng không cứu chữa được, gia đình tôi đã chặt gần hết vườn quýt gần 1.000 gốc để trồng bơ, mảng cầu, nhãn... Sau vụ chặt phá vườn quýt, chúng tôi và nhiều gia đình đã rút ra được bài học: Vùng đất này không phù hợp với cây quýt có nguồn gốc từ miền Tây. Vì vậy, sâu bệnh xảy ra là điều khó tránh và vòng đời của cây quýt cũng sẽ ngắn hơn nhiều lần so với trồng ở miền Tây.

QUANG ĐẠT

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang