• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Lo cho cây quýt đường

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 05/08/2014
Ngày cập nhật: 7/8/2014

Quýt đường là một trong những cây trồng thế mạnh của tỉnh Hậu Giang và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho không ít nhà vườn. Tuy nhiên, hiện cây trồng này đang phải đối mặt với dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng và việc thay đổi hình thức sản xuất của người dân đã làm cho trái quýt đường mất dần vị ngọt.

Dịch bệnh bùng phát

Hơn 100ha bị nhiễm bệnh, nhiều nơi bà con đã bắt đầu đốn bỏ, bao chi phí đầu tư vào cây quýt bị bỏ sông, bỏ biển và nguy cơ sẽ tái diễn dịch bệnh trên diện rộng… là những lo lắng và cũng là gánh nặng mà người trồng quýt đường ở huyện Long Mỹ đang phải đối mặt và khả năng còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Nông dân gặp khó

Hiện nay, về các xã có truyền thống trồng quýt đường như Long Trị, Long Trị A của huyện Long Mỹ sẽ cảm nhận được sự lo lắng của người dân khi tình hình dịch bệnh trên cây quýt đường đang hoành hành và gây hại mạnh. Qua thống kê của UBND xã Long Trị, trong tổng số 200ha quýt đường hiện có trên địa bàn xã thì có khoảng 93ha bị nhiễm bệnh vàng lá, với tỷ lệ từ 5-20%, đặc biệt có khoảng 3ha bị ảnh hưởng trên 50%, bà con phải đốn bỏ để trồng lại.

Nhiều vườn quýt đường tại xã Long Trị bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh làm giảm năng suất, chất lượng.

Gặp chúng tôi khi đang đốn những cây quýt bệnh, ông Nguyễn Văn Bảnh, ở ấp 8, xã Long Trị thông tin: “Quýt đang trong giai đoạn cho trái chiếng mà bệnh vàng lá thế này thì coi như mất trắng. Đã đầu tư biết bao công sức, tiền của vào đây nhưng giờ phải đốn bỏ thì tiếc lắm. Hiện 2 công quýt của tôi đã bị bệnh khá nặng, nên phải đốn để trồng lại chứ để thì cây cũng chẳng cho trái”.

Có chung hoàn cảnh, vườn quýt hơn 400 gốc của ông Huỳnh Ngọc Điệp, (ở cạnh nhà ông Bảnh) cũng đang bị bệnh vàng lá tấn công khoảng nửa năm nay. Hiện có trên 40% số cây bị nhiễm bệnh, dự kiến hái xong đợt trái tới thì ông Điệp cũng đốn bỏ. Ông Điệp cho biết: “Cây nào bị bệnh rồi thì vô phương cứu chữa, biện pháp tốt nhất là đốn rồi trồng lại mới thôi”.

Do quýt bị bệnh nên chất lượng trái và năng suất kém so với quýt sạch bệnh, từ đó thương lái thu mua giá thấp, làm giảm thu nhập cho người dân. Cụ thể, nếu quýt sạch bệnh được thương lái cân với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg thì quýt bị bệnh chỉ còn 20.000 đồng/kg, riêng những trái bị rụng có giá 3.000-4.000 đồng/kg. Ông Điệp cho biết thêm: “Năm rồi, 400 gốc của tôi thu hoạch được gần 4 tấn trái, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Còn năm nay, do số cây bị bệnh nhiều nên sản lượng ước khoảng hơn 1 tấn, cộng với giá bán thấp nên khả năng mùa quýt năm nay gia đình thu chưa tới 20 triệu đồng.

Lợi nhuận từ cây quýt đường ngày một giảm và còn phải lo chi phí cải tạo để tái đầu tư lại vì quýt đã bị bệnh nên khả năng cuộc sống tới đây của ông Điệp cũng như nhiều nhà vườn khác ở tuyến Vòng Voi, thuộc ấp 8, xã Long Trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi, cây quýt đường đang là cây trồng chủ lực và đem lại nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây.

Lo tái diễn cảnh cũ

Theo các nhà vườn trồng quýt đường, nguyên nhân gây ra bệnh trên cây quýt có thể do sử dụng nguồn giống kém chất lượng. Bởi, trong những năm gần đây, cây quýt đường mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng và sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng nghiêm trọng.

Qua ghi nhận của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 100ha quýt đường bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh (Greening), chủ yếu ở huyện Long Mỹ. Có 2 nguyên nhân chính làm bùng phát dịch bệnh là do cây giống kém chất lượng và qua con đường môi giới truyền bệnh. Nếu nguyên nhân là cây giống thì bệnh không tái phát liền mà bà con trồng đến khi quýt bắt đầu cho trái (khoảng 2 năm), khi điều kiện nước, chăm sóc không tốt thì bệnh bùng phát. Còn trường hợp qua con đường môi giới, nghĩa là có con rầy chổng cánh chích hút nhựa từ cây bệnh truyền sang cây mạnh gây nhiễm bệnh.

Hiện nay, không ít nông dân muốn sử dụng nguồn cây giống sạch bệnh để trồng, nhưng cây giống sạch bệnh chỉ có ở Viện Cây ăn quả Miền Nam và phải đặt với số lượng ít mới có, còn nhiều thì không đáp ứng đủ. Giá mỗi cây quýt giống sạch bệnh khoảng 40.000 đồng còn ghe bán trôi nổi chỉ có 5.000-7.000 đồng/cây, nên nhiều nông dân vẫn mua cây do giá rẻ. Ngoài ra, nếu có cây giống sạch bệnh, trong quá trình trồng, nhà vườn phải đảm bảo làm sao cho rầy chổng cánh không chích hút nhựa cây, đây cũng là việc khó khăn. Chính những trở ngại trong công tác phòng ngừa nên nhiều nhà vườn lo lắng tình trạng dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng. Theo các lão nông trồng quýt đường tại xã Long Trị, cách đây khoảng 10 năm, dịch bệnh vàng lá gân xanh cũng đã bùng phát mạnh và gây hại nặng cho nhiều vườn quýt, hầu hết người dân phải đốn bỏ quýt để trồng lại. Qua một thời gian lắng dịu, hiện tình trạng này đang tiếp tục diễn ra nên người dân đang lo lắng sẽ tái diễn lại cảnh cũ.

Ông Nguyễn Văn Út, người có hơn 10 năm gắn bó với cây quýt đường và đang là Chủ nhiệm HTX trồng quýt đường tại xã Long Trị chia sẻ: “Khoảng một năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên cây quýt đường ngày một nghiêm trọng hơn. Tuy người dân địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng không mấy hiệu quả. Cách mà người dân làm hiện nay là đốn bỏ những cây bị bệnh nặng rồi trồng lại, biện pháp này cũng không mấy khả quan vì trồng rồi lại chặt cứ lặp đi lặp lại. Do đó, bà con mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp để người dân an tâm gắn bó với cây quýt đường”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tuy dịch bệnh đã xuất hiện trên cây quýt đường khá lâu và ngành chức năng địa phương cũng phối hợp với các nhà khoa học đến nghiên cứu để tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp hướng dẫn người dân phòng trị, nhưng vẫn chưa có cơ quan nào khẳng định bệnh trên cây quýt đường và đưa ra giải pháp điều trị hữu hiệu. Hiện nay, thông qua triệu chứng của những cây bị bệnh như: lá xoăn, trái đỏ đít và rụng trái, đặc biệt lá quýt bị vàng lá nên nhà vườn gọi là bệnh vàng lá gân xanh (Greening)…

HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang