• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đổi thay từ trồng dưa

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 04/06/2014
Ngày cập nhật: 5/6/2014

Nhờ trồng dưa bở mà nhiều hộ dân thôn Trại Điếm, xã Nhật Tiến (Hữu Lũng - Lạng Sơn) đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu, từ đó góp phần quan trọng vào sự thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.

Người dân thôn Trại Điếm thu hoạch dưa

Những ngày cuối tháng 5/2014 ở thôn Trại Điếm, từ nhà dân đến cánh đồng, từ những con đường bê tông ngoằn ngoèo trong thôn ra đến đường trục chính, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của những quả dưa bở chín vàng. Dưa vừa được thu hoạch dưới ruộng lên, tư thương đã đánh cả ô tô vào thu mua. Ngoài ra, người dân tiếp tục thu hoạch và bán lẻ ngay trước cửa nhà. Chẳng thế mà thời điểm này, đoạn đường chưa đầy 1km của tỉnh lộ 242 đi qua thôn Trại Điếm, hai bên đường toàn là những “cửa hàng” được dựng tạm để bán dưa. Người mua kẻ bán tấp nập khiến cho nhịp sống ở đây vào mùa dưa như nhanh hơn, rộn ràng hơn. Thế nhưng vui hơn cả chính là nhờ trồng dưa bở, kinh tế của người dân thôn Trại Điếm đã được cải thiện đáng kể. Trường hợp như gia đình chị Hoàng Thị Hiên là một ví dụ. Chị Hiên chia sẻ: năm nay dưa vừa được mùa lại vừa được giá, gia đình chị đã có một khoản thu khá. Với gần 1 mẫu ruộng trồng dưa và với giá bán dao động từ 4000-7000 đồng/kg như năm nay thì tính ra cả vụ, gia đình chị cũng thu về được gần 50 triệu đồng. Thế nhưng cũng trên diện tích ruộng đấy trước khi trồng dưa, thu nhập rất thấp, thậm chí có năm còn không được đồng nào. Chị Hiên giải thích: diện tích ruộng đó của gia đình chỉ làm được 1 vụ lúa, vụ còn lại năm thì nhà chị trồng ngô, năm thì trồng lạc, sắn. Không chủ động được nước, chi phí ban đầu cao cộng với những loại cây trồng đó tỏ ra không “hợp đất” nên cho năng suất khá thấp. Tính ra mỗi vụ cũng chỉ cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng, trừ chi phí cũng chẳng còn lãi đáng bao nhiêu. Đấy là còn chưa kể đến những vụ do không có vốn, lao động không có nên gia đình bỏ ruộng không. Thế nhưng cách đây khoảng 10 năm, cùng với nhiều hộ dân khác trong thôn, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa bở. Ngay trong vụ đầu tiên, thu hoạch từ dưa bở đã lên tới hơn 30 triệu đồng. Những vụ dưa sau, do đã đúc kết được kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng dưa được nâng lên rõ rệt. Vụ dưa năm nào cũng cho thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng, có năm được giá lên tới 50 triệu. Hiệu quả kinh tế cao, gia đình yên tâm tập trung vào sản xuất nông nghiệp, từ đó đời sống được cải thiện một cách rõ rệt.

Không chỉ gia đình chị Hiên mà nhiều hộ dân khác ở thôn Trại Điếm cũng vươn lên phát triển kinh tế nhờ trồng dưa bở. Ông Bùi Đình Thảo, trưởng thôn cho biết: cách đây chừng 10 năm, từ sự mạnh dạn học hỏi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một vài hộ dân trong thôn, những sào dưa bở đầu tiên được trồng và nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những cây trồng ngắn ngày khác. Từ đó diện tích dưa của thôn không ngừng tăng qua từng năm. Đến nay cả thôn đã có 15ha dưa với trên 70% (trên tổng số 135 hộ) số hộ trồng. Dưa bở thường được trồng vào tháng 2 và đến giữa tháng 5 dương lịch đã cho thu hoạch. Nếu như những năm đầu trồng dưa, người dân phải mang ra tận chợ thị trấn Hữu Lũng để bán thì chỉ vài vụ dưa sau, tư thương từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang…đã tìm về đến tận thôn để thu mua. Lý do mà họ phải lặn lội xa xôi như vậy để về Trại Điếm thu mua là vì chất lượng dưa ở đây rất tốt, quy trình sản xuất của bà con đảm bảo những yêu cầu của thị trường nên rất ít khi xảy ra tình trạng dưa bị ế. Còn về giá cả, theo ông Thảo, năm nào giá xuống thấp khoảng 2.000 đồng/kg, người trồng dưa vẫn không lỗ. Còn với giá dao động từ 4.000-7.000 đồng/kg thì người nông dân đã thắng lớn. Vậy nên người trồng dưa bở ở Trại Điếm vẫn đùa nhau rằng, trồng dưa bở là “làm chơi, ăn thật” bởi chi phí bỏ ra ít, năng suất và thị trường lại ổn định hơn hẳn.

Nhờ trồng dưa mà thu nhập của người dân ở Trại Điếm đã được cải thiện rõ rệt. Những ngôi nhà cao tầng kiên cố đua nhau mọc lên, những con đường bê tông rộng rãi trải dài trong thôn và số hộ nghèo của thôn hiện chỉ còn 4/135 hộ, chiếm tỉ lệ chưa đến 3%.

TÂN AN

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang