• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển bền vững cây thanh long

Nguồn tin: Nhân Dân, 13/05/2014
Ngày cập nhật: 15/5/2014

Thu hoạch thanh long tại thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Trước đây, thanh long được xem là cây "xóa đói, giảm nghèo" của nhiều hộ nông dân ở các tỉnh phía nam và đến nay có thể khẳng định đó là cây "làm giàu" của nhiều nông hộ. Không chỉ vậy, loại cây trồng này còn tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, để cây thanh long phát triển bền vững, thật sự đạt hiệu quả kinh tế cao, rất cần những định hướng, giải pháp thật khoa học, thuyết phục...

Cây làm giàu của nhà nông

Những năm gần đây, giá thanh long thương phẩm luôn ở mức cao, ổn định, giúp nhiều nhà vườn nhanh chóng vươn lên khá, giàu. Chính vì vậy đã tạo ra "cơn sốt" sản xuất, phát triển ồ ạt diện tích trồng thanh long, trở thành "điểm nóng" đáng quan ngại.

Mỗi ha lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Một thực tế không thể phủ nhận: Thanh long hiện nay không chỉ là cây "xóa đói, giảm nghèo" mà chính là cây "làm giàu" cho nhiều nông hộ. Thật vậy, nhờ chuyên canh cây thanh long mà bộ mặt nhiều vùng nông thôn ở phía nam khởi sắc rõ rệt.

Bình Thuận được mệnh danh là "vương quốc" thanh long với diện tích hiện có hơn 20,5 nghìn ha, trong đó, hơn 16 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng hằng năm hơn 400 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Tại Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam), một trong những xã đầu tiên của Bình Thuận sản xuất thanh long hàng hóa, có tới 90% số hộ (toàn xã có 2.164 hộ) trồng thanh long với diện tích gần 1.500 ha. Nhờ chuyên canh thanh long mà hầu hết các hộ dân ở đây giờ đều khá, giàu, toàn xã chỉ còn khoảng 2% hộ nghèo. Đây cũng là xã nông thôn ở Bình Thuận mà người dân đầu tư, mua sắm nhiều ô-tô nhất tỉnh để phục vụ việc vận chuyển thanh long và đi lại. Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Trưởng Phòng Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận cho biết, doanh thu bình quân từ một ha thanh long của tỉnh hiện nay khoảng 300 triệu đồng/năm, lợi nhuận thu được từ 150 triệu đến 180 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, doanh thu một ha lúa (ba vụ/năm) khoảng 96 triệu đồng/năm, lợi nhuận chỉ bằng 1/3 của thanh long.

Theo tính toán của ngành chức năng, cây thanh long có giá trị sản xuất hơn 4.200 tỷ đồng, chiếm gần 67% so với giá trị sản xuất của cây lâu năm, bằng 33,3% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh Bình Thuận, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Chúng tôi đến huyện Chợ Gạo, vùng trồng thanh long tập trung của tỉnh Tiền Giang, đến đâu cũng nghe nhà vườn bàn chuyện về loại cây trồng này với tâm trạng đầy phấn khích. Theo nhiều nhà vườn, từ năm 2013 đến nay, thanh long thường xuyên được giá, dao động ở mức cao, từ hơn 14 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg. Ông Võ Ngọc Diệp ở ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo), chuyên canh hơn ba ha thanh long theo mô hình mới, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, cho biết: Với giá thanh long ở mức ổn định như hiện nay, mỗi ha thanh long, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. "Không riêng nhà tôi, mà bà con trong xã này đều giàu lên từ thanh long, ai cũng vui lắm"- ông Diệp hào hứng cho biết thêm. Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Ngô Hữu Thệ phấn khởi: Cây thanh long không những giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, mà còn tạo nên một bức tranh "tường hóa, ngói hóa" ngày càng nhiều ở khắp vùng quê Chợ Gạo.

Còn tại Long An, thanh long chính là cây làm giàu của người dân huyện Châu Thành. Tại xã Dương Xuân Hội, một trong những nơi đầu tiên ở huyện đưa thanh long vào sản xuất, nhờ cây ăn quả này mà tỷ lệ hộ khá, giàu của xã liên tục tăng lên. Cũng nhờ đó mà người dân có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Văn Thình, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội cho biết, trong số kinh phí hơn 360 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để xây dựng xã nông thôn mới, thì người dân xã Dương Xuân Hội đã đóng góp, hiến đất với tổng giá trị hơn 136 tỷ đồng. Nhờ phát huy tốt nguồn lực trong dân mà Dương Xuân Hội đã trở thành xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Long An) Trương Văn Biết, từ năm 2000, cây thanh long đã được đưa vào nghị quyết Đảng bộ huyện, xem đây là cây phát triển chủ lực. Hiện nay, bình quân mỗi ha thanh long, trong một năm, bà con thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Trồng thanh long ruột đỏ và làm giàu nhanh chóng cũng đang trở thành đề tài "bàn tán râm ran" ở các vùng nông thôn Đồng Nai, một địa phương trước đây chưa hề có sự hiện diện của loài cây này. Thời gian qua, các thương lái tấp nập đến Đồng Nai tranh nhau mua trái thanh long ruột đỏ với giá cao ngất ngưởng từ 60 đến 80 nghìn đồng/kg và những hộ trồng thanh long ruột đỏ trở nên giàu có chỉ sau một năm thu hoạch. Cách đây ba năm, anh Nguyễn Quốc Anh ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã quyết định chặt bỏ vườn điều để chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Nhờ điều kiện đất đai phù hợp, một ha thanh long ruột đỏ của anh phát triển nhanh và đã cho thu hoạch vào năm 2013. Với năng suất bình quân từ 40 đến 50 tấn/ha, gia đình anh thu được lợi nhuận hơn một tỷ đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng điều trước kia.

Mặt trái từ sự phát triển "nóng"

Từ hiệu quả kinh tế rất cao của cây thanh long, gần hai năm nay, nông dân các tỉnh, thành phố phía nam có xu hướng "đua nhau" đốn bỏ một số cây trồng hiệu quả thấp, ồ ạt phát triển diện tích trồng mới thanh long, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Từ ba tỉnh có số diện tích chuyên canh tập trung lớn là Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, đến nay, thanh long đã được phát triển ở hơn 40 tỉnh, thành phố của cả nước, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam cho rằng: Tình trạng phát triển ồ ạt, tự phát tăng nhanh diện tích trồng thanh long hiện nay là rất "nóng". Nếu như năm 2000 chỉ có 560 ha thanh long (chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận) thì hiện nay, đã lên đến gần 30 nghìn ha, tức là tăng gấp 50 lần.

Tại Bình Thuận, cây thanh long đã phát triển ở 8 trong số 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Theo quy hoạch, diện tích trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2015 dự kiến là 15 nghìn ha, nhưng hiện nay đã vượt hơn số dự kiến đó 5.500 ha. Thực tế vẫn chưa dừng lại. Đến hết tháng 3-2014, diện tích trồng mới thanh long lại tiếp tục tăng thêm gần 500 ha. Theo thống kê của ngành NN-PTNT tỉnh, trong tổng số diện tích thanh long của tỉnh có 6.151 ha "mọc" trên đất trồng lúa những năm trước, trong đó, hơn 3.600 ha là đất lúa hai, ba vụ, còn lại là đất lúa một vụ. Gần đây, dù có chủ trương bảo vệ đất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nhưng do sản xuất thanh long hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa cho nên người dân vẫn tiếp tục phá đất lúa, trồng thanh long.

Ở Tiền Giang, "phong trào" mở rộng diện tích trồng mới cây thanh long cũng không kém phần sôi động. Trên các tuyến đường thuộc các xã Quơn Long, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An,... thuộc huyện Chợ Gạo, hầu như đến nơi nào, chúng tôi cũng thấy vườn thanh long trồng mới. Anh Trần Minh Hoàng đang cùng các nhân công tỉa nhánh thanh long của vườn nhà ở ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, cho biết: "Vườn thanh long của tôi vừa mới trồng được sáu tháng, thay thế cho dừa và chuối. Thấy giá thanh long cao, người dân đổ xô trồng thanh long nên tôi cũng làm theo. Hiện nay, còn rất nhiều người đang chuẩn bị đổ trụ trồng thanh long". Chị Võ Thị Mụi, cùng ấp với anh Hoàng cũng cho biết, gia đình chị có bốn công đất trồng lúa, hai năm qua sản xuất lúa không có lợi nhuận do giá cả bấp bênh, thậm chí còn bị lỗ, cho nên chị quyết định chuyển sang trồng thanh long. "Giá thanh long hiện tại đang hấp dẫn. Sau này, không biết giá sẽ ra sao nhưng chắc cũng đỡ hơn trồng lúa" - chị Mụi bày tỏ.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Tám cho biết: Diện tích trồng mới thanh long ở huyện tăng rất nhanh và "nóng", đặc biệt là trên đất trồng lúa. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ từ cuối năm 2013 đến nay, diện tích trồng mới thanh long đã tăng hơn một nghìn ha, nâng diện tích trồng thanh long toàn huyện lên hơn bốn nghìn ha. Trước sự phát triển tự phát quá nhanh này, UBND huyện Chợ Gạo đã có công văn chỉ đạo các địa phương thống kê một cách chính xác, đầy đủ diện tích thanh long phát sinh để có giải pháp xử lý và hướng phát triển cho phù hợp.

Không dừng lại, vùng đất phèn chỉ thích hợp chuyên canh cây khóm (dứa), khoai mỡ, vùng biển khu vực Gò Công chuyên canh cây xơ-ri, rau màu của Tiền Giang, nông dân cũng đang loại dần những cây truyền thống, chạy theo trồng thanh long, vượt khả năng dự báo sản xuất nông nghiệp của cơ quan chức năng.

Tại Long An, diện tích cây trồng "hái ra tiền" này cũng đang tăng chóng mặt. Theo quy hoạch ban đầu, thanh long chỉ tập trung ở huyện Châu Thành và đến năm 2015 diện tích sẽ đạt khoảng 1.500 ha. Thế nhưng, mới đến tháng 4-2014, diện tích thanh long đã hơn 3.400 ha. Từ trung tuần tháng 2-2014 đến nay, mỗi tuần, diện tích thanh long lại tiếp tục tăng thêm 10 ha.

Riêng tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hiện có 180 ha cây thanh long, trong đó, thanh long ruột đỏ chiếm 140 ha. Với tốc độ mở rộng như hiện nay, dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng thanh long ruột đỏ sẽ tăng lên khoảng 1.500 ha, tức gấp hơn tám lần so với hiện nay và được rải đều trên 13 xã, thị trấn của huyện. Không chỉ nông dân huyện Xuân Lộc "tham vọng" làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ, ở một số địa phương khác tại Đồng Nai, nông dân cũng đang nhân rộng nhanh chóng diện tích trồng loại cây này. Nhiều vườn thanh long mọc lên, đồng nghĩa nhiều loại cây trồng khác cũng bị chặt bỏ. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 ha thanh long và trong thời gian tới diện tích này còn được phát triển nhanh chóng, vượt tầm kiểm soát của địa phương. Sở dĩ người dân "lao vào" trồng thanh long ruột đỏ là vì cây trồng này đang cho lãi "khủng", trung bình thu nhập mỗi năm từ 400 đến 600 triệu đồng một ha...

LẤM VŨ VÀ CHẤU TẤN HẢO

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang