• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vang danh măng cụt xứ cồn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 15/12/2014
Ngày cập nhật: 16/12/2014

Cồn Tân Qui thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) lâu nay nổi tiếng với trái măng cụt có màu sắc đẹp và ngon nhất vùng. Sản phẩm măng cụt tại đây vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng xong nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Tân Qui” nhằm đưa danh tiếng măng cụt xứ cồn vang xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Vườn măng cụt “cổ thụ” của gia đình ông Nhiêu cho hiệu quả cao.

Lợi thế… đất cồn

Từ cầu Cần Thơ xuôi theo quốc lộ 54 khoảng 1 giờ đi xe gắn máy là tới xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long), tại đây ngồi phà chỉ mất hơn 10 phút là đặt chân lên cồn Tân Qui. Cồn Tân Qui nằm lọt thỏm giữa sông Hậu, diện tích rộng khoảng 800ha, nơi được mệnh danh “vương quốc trái cây” với hàng loạt khu vườn măng cụt, chôm chôm, nhãn, sầu riêng… bạt ngàn xa ngút tầm mắt.

Ghé vườn măng cụt rộng 2,7ha của ông Lưu Văn Nhiêu (Út Nhiêu, 66 tuổi), người được cư dân xứ cồn tôn vinh “Vua măng cụt”. Ông Nhiêu cho biết, gia đình ông sống nhờ cây măng cụt, con cái ăn học nên người, rồi dựng vợ gả chồng cũng từ măng cụt mà ra. “Nguồn gốc khu vườn là của cha vợ để lại, tui phát triển và mở rộng thêm diện tích. Trong số hàng trăm gốc măng cụt hiện hữu thì đa phần ở độ tuổi từ 35 - 40 năm; đặc biệt có 16 cây tuổi thọ hơn 100 năm, những cây này được xem như báu vật của gia đình”, ông Nhiêu khoe. Chúng tôi thấy có cây măng cụt cổ thụ, gốc to cỡ một người ôm, bị trúng đạn hồi thời chiến tranh khiến thân bị sứt mẻ, loang lổ… vậy mà mấy chục năm qua vẫn xanh tươi và cho trái đều đặn. Theo ông Nhiêu, nếu như nhiều loại cây khác khi về già sẽ bị chết hoặc chí ít cũng giảm năng suất, thế nhưng cây măng cụt thì ngược lại. Càng lâu năm, cây càng phát triển và cho trái càng nhiều; riêng những cây hơn 100 năm tuổi của ông Nhiêu cứ mỗi vụ “đẻ” ra từ 400 - 500 kg/cây, một kỷ lục mà ít khu vườn nào sánh được. “Ngoài năng suất cao, cây măng cụt nhiều tuổi còn cho trái to, vỏ mỏng, màu sắc đẹp, ăn rất ngon… Chính vì thế mà vườn măng cụt “cổ thụ” của tui luôn được thương lái mua với giá cao hơn những vườn xung quanh từ 2.000 đồng/kg trở lên”, ông Nhiêu tiết lộ. Với vườn măng cụt cho năng suất cao, mỗi năm ông Nhiêu có lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng giúp vợ chồng ông nuôi 6 người con thành đạt.

Cũng vươn lên nhờ cây măng cụt, ông Huỳnh Văn Sáu, bộc bạch: “Măng cụt mỗi năm chỉ cho trái 1 vụ, thời gian thu hoạch rộ từ tháng 4 tới tháng 6 âm lịch. Để tránh tình trạng “được mùa - dội chợ - rớt giá”, nên tui nghiên cứu xử lý cho măng cụt ra trái sớm. Thế nên mỗi năm khi mới vào vụ là gia đình tui có măng cụt bán sớm với giá gấp 2 - 3 lần so với chính vụ. Nhờ đó lợi nhuận mang lại khá lớn”.

Theo ông Diêu Hùng Thắng, Bí thư Đảng ủy xã An Phú Tân, cây măng cụt có mặt ở cồn Tân Qui hàng trăm năm nay và được xem là cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Măng cụt xứ cồn khác hẳn những nơi khác bởi trái to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, màu tím đậm rất đẹp, vị ngọt thanh… và năng suất luôn đạt cao, bình quân khoảng 11 - 12 tấn/ha. Nhờ những lợi thế đó mà cây măng cụt giúp nhiều hộ dân làm giàu với mức thu nhập trung bình từ 200 - 250 triệu đồng/ha.

Hợp tác đưa măng cụt đi xa

Thế mạnh là vậy, song để phát triển bền vững cây măng cụt, chính quyền xã An Phú Tân đã chủ động thành lập hợp tác xã (HTX) để đưa người dân vào làm ăn liên kết. Ông Đỗ Văn Tài, Chủ nhiệm HTX Tân Thành (xã An Phú Tân) tâm sự: “Khi HTX ra đời và hoạt động ổn định, chúng tôi được Sở KH-CN Trà Vinh hỗ trợ đề án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Tân Qui”. Sau 2 năm (2013 - 2014) triển khai đã quảng bá tiếng tăm măng cụt xứ cồn vang xa đến nhiều đối tác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, 34 thành viên tham gia dự án đã được tập huấn về kỹ thuật trồng măng cụt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện quy trình thu hoạch, sơ chế đóng gói, đầu mối tiêu thụ, bảo hộ thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm… Qua đó, giúp nhà vườn tăng thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/ha so với trồng đại trà bên ngoài; nhờ tăng năng suất, chất lượng và mẫu mã trái đẹp nên bán được giá cao. Mặt khác, HTX Tân Thành phối hợp cùng Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (Cần Thơ) sản xuất măng cụt theo tiêu chuẩn Viet GAP trên diện tích 22,2ha, sản lượng 200 tấn/năm. Cả 2 dự án trên đã giúp các nhà vườn trồng măng cụt xứ cồn rất phấn khởi”.

Hiện măng cụt cồn Tân Qui được cung ứng cho nhiều siêu thị ở TPHCM, Hà Nội, ĐBSCL và các doanh nghiệp chuyển đi tiêu thụ các nơi với giá cao hơn những nơi khác khoảng 5.000 đồng/kg. Ông Tài cho rằng, mô hình làm ăn tập thể gắn chặt đầu vào - đầu ra đang được nhà vườn ủng hộ, bởi năng suất cao, giá thành giảm, lợi nhuận thu về nhiều hơn. “Song hành cùng mô hình VietGAP, tới đây HTX sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đưa măng cụt Tân Qui vào những thị trường khó tính (như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…) với giá cao. Gần đây, HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng, hợp đồng liên kết… của các đối tác. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là sản lượng măng cụt chưa nhiều, thời gian thu hoạch chỉ 3 tháng; trong khi đối tác đề nghị mua sản phẩm quanh năm nhằm phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi đang liên hệ với các viện, trường, các nhà khoa học… nhờ nghiên cứu hỗ trợ phương pháp xử lý măng cụt trái vụ và cách phòng trị bệnh sượng mủ. Nếu thành công thì việc xuất khẩu măng cụt quanh năm với số lượng lớn sẽ thành hiện thực”, ông Tài cho biết.

Bí thư Đảng ủy xã An Phú Tân Diêu Hùng Thắng báo tin vui: “Toàn xã có 1.300ha vườn, với 3 loại cây chủ lực là măng cụt, chôm chôm và nhãn. Với những bước tiến đầy triển vọng nên măng cụt được chọn là cây chiến lược và sẽ tăng thêm diện tích trong thời gian tới. Từ hiệu quả của kinh tế vườn đã đưa An Phú Tân trở thành một trong những xã đầu tiên ở Trà Vinh hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, xã huy động gần 140 tỷ đồng từ nhiều nguồn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông suốt cả 6 ấp; hoàn thiện hệ thống đê bao bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái; trường - trạm - chợ xây dựng khang trang, sạch đẹp; 98% hộ dân có nhà đạt tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định; gần 100% hộ có điện sử dụng… Tất cả là nỗ lực của chính quyền và người dân An Phú Tân, nhờ định hướng đúng với đột phá từ kinh tế vườn mang lại”.

An Phú Tân, vùng nông thôn hiền hòa bên dòng sông Hậu đang chuyển mình mạnh mẽ. Cái nghèo khó đã lùi xa, thay vào đó là những mảnh vườn xanh thẳm đưa An Phú Tân vào “tốp giàu” của huyện Cầu Kè…

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang