• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiền Giang: Trồng nhãn Ido "né" bệnh chổi rồng

Nguồn tin: Tiền Giang, 28/11/2014
Ngày cập nhật: 1/12/2014

Thời gian gần đây, bệnh chổi rồng đã bùng phát mạnh mẽ trên một số giống nhãn, đặc biệt là nhãn tiêu da bò, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Trong khi đó, những vườn nhãn Ido gần như không bị nhiễm hay nhiễm với tỷ lệ rất thấp. Trước tình hình này, một giải pháp phòng chống bệnh chổi rồng đã được đưa ra bằng cách trồng nhãn Ido hoặc ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm chổi rồng.

Vườn nhãn Ido của chú Trần Văn Kháng, ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (Cái Bè - Tiền Giang) chuẩn bị thu hoạch.

Trong khi nhãn tiêu da bò phải vật lộn với bệnh chổi rồng đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi trong 2 năm qua thì vườn nhãn Ido của anh Nguyễn Kiến Văn, ấp 16, xã Long Trung (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) gần như vô nhiễm. Cây nhãn trong vườn vẫn phát triển bình thường, lá xanh mướt, xum xuê. Anh Kiến Văn cho biết, 35 cây nhãn Ido của gia đình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn trái. Với giá nhãn Ido thường dao động ở mức 20.000 - 35.000 đồng/kg, anh thu được khoảng 100 triệu đồng.

35 cây nhãn Ido của anh đến nay đã được 15 năm tuổi và gần như không bị nhiễm chổi rồng lần nào. Qua hơn 15 năm gắn bó với giống nhãn này, anh Văn nhận thấy rằng, trồng nhãn Ido cho hiệu quả kinh tế không kém gì nhãn tiêu. Trong khi đó, ưu thế nổi trội của nhãn này so với một số giống nhãn khác là ít bị bệnh, năng suất cho trái cao. Nhưng điều làm anh phấn khởi nhất là đặc tính kháng được bệnh chổi rồng. Trong khi nhiều nhà vườn khác đang lao đao vì bệnh chổi rồng thì vườn nhãn Ido của anh vẫn cho trái đều đặn. Đơn cử, vườn nhãn tiêu da bò của cha anh (ông Nguyễn Kim Xinh) đối diện nhà bị bệnh chổi rồng mấy năm nay với tỷ lệ 70 - 80%. Hơn 1 năm qua, ông bỏ biết bao nhiêu tiền của, công sức để phòng trị bệnh, nhưng vẫn không hiệu quả, cuối cùng ông phải đốn bỏ vườn nhãn, để trồng sầu riêng. Trong lúc đó, vườn nhãn Ido của nhà anh vẫn không bị nhiễm bệnh chổi rồng hoặc chỉ nhiễm vài đọt không đáng kể.

Không riêng gì vườn nhãn của anh Kiến Văn mà các vườn nhãn Ido khác cũng gần như vô hại trước dịch chổi rồng. Chú Trần Văn Kháng, ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (Cái Bè) bộc bạch, từ khi trồng nhãn Ido đến nay được 9 năm rồi, nhưng vẫn không thấy bị nhiễm chổi rồng. Thỉnh thoảng, trên cây xuất hiện 1 - 2 đọt nhãn bị quắn như chổi rồng, nhưng sau đó khô quéo lại rồi mất luôn.

Hiện tại, chú Kháng có 30 cây nhãn Ido từ 8 đến 9 năm tuổi và 40 cây từ 3 đến 4 năm tuổi. Trong đó, lứa cây nhãn Ido từ 8 đến 9 năm tuổi những năm nay xử lý cho trái không đạt như mong muốn, còn những cây nhãn Ido lứa từ 3 đến 4 năm tuổi xử lý cho trái đạt tỷ lệ rất cao, khoảng 80 - 90%. Với tỷ lệ cho trái trên, chú ước tính vụ này thu hoạch khoảng 2 tấn. Hiện nay, giá nhãn Ido ở mức khoảng 22.000 đồng/kg, chú nhẩm tính thu được 44 triệu đồng. Bên cạnh lợi thế chi phí chăm sóc thấp, năng suất cao, ít bệnh, nhãn Ido cho trái cơm dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thịt ngọt dịu, nên được thị trường ưa chuộng. Vấn đề khó khăn hiện nay là xử lý đạt đầu trái đối với những cây nhãn lâu năm. Nếu những khó khăn trên được khắc phục, trồng nhãn Ido sẽ cho hiệu quả rất tốt.

Theo các nhà chuyên môn, giống nhãn Ido được du nhập và trồng trên địa bàn tỉnh đã khá lâu rồi. Tuy nhiên, do việc xử lý cho trái đạt năng suất gặp một số khó khăn, nên thời gian qua giống nhãn này không phát triển mạnh. Từ khi bệnh chổi rồng bùng phát mạnh trên một số giống nhãn, với đặc tính kháng rất tốt bệnh chổi rồng, nhà vườn bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với giống nhãn này. Từ đó, phong trào chuyển đổi từ vườn nhãn bị nhiễm chổi rồng sang nhãn Ido bắt đầu phát triển mạnh ở Cái Bè (địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh).

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho biết, thời gian gần đây, nhà vườn có nhãn bị nhiễm chổi rồng bắt đầu chuyển đổi sang nhãn Ido bằng 2 hình thức trồng mới và ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm chổi rồng. Trong đó, phần lớn người dân chọn hình thức trồng mới; bởi, việc ghép bo nhãn Ido trên cây nhãn bị bệnh chổi rồng chỉ đạt hiệu quả đối với những cây nhãn khỏe.

Đây là giống nhãn thích hợp trồng và phát triển tốt trên vùng đất Cái Bè, mặt khác, loại nhãn này cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Vấn đề quan tâm còn lại của nhà vườn là khâu xử lý làm sao cây cho trái đạt năng suất. Một vấn đề khác nữa là mức độ kháng bệnh chổi rồng của nhãn Ido như thế nào vẫn chưa được các nhà chuyên môn khẳng định. Song, theo ông Thanh, trước mắt, đây là giải pháp hữu hiệu và dễ được nông dân chấp nhận. Vì thế, nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi sang nhãn Ido, ngành nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và xử lý nhãn Ido cho trái.

Ngoài ra, ngành còn xây dựng mô hình điểm ghép nhãn Ido vào cây nhãn bị bệnh chổi rồng ở Hòa Khánh, để cho người dân tham quan, học tập. Đến nay, có thể nói, việc xử lý cho trái đối với nhãn Ido đã không còn là vấn đề trở ngại lớn của nhà vườn. Do đó, hiện nay, huyện đang khuyến khích nhà vườn có nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng mạnh dạn chuyển sang trồng nhãn Ido. Vấn đề trở ngại hiện nay là trong thời gian dài, nhà vườn trồng nhãn bị bệnh chổi rồng gặp nhiều khó khăn do thất thu; nếu chuyển đổi, họ sẽ gặp khó khăn về vốn, không có thu nhập thêm một thời gian nữa. Vì thế, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, để nhà vườn có điều kiện chuyển đổi vườn nhãn bị bệnh chổi rồng sang nhãn Ido hay cây trồng khác.

N. Văn

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

 

Xem các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126

Xem các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang