• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khánh Hòa: Xót xa vì mía

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 14/03/2012
Ngày cập nhật: 19/3/2012

Nếu như liên tiếp 2 niên vụ mía 2009 - 2010 và 2010 - 2011, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hết sức phấn khởi trước hiệu quả cây mía mang lại, nhiều vùng trồng mía nhờ đó đã “thay da đổi thịt” thì đến niên vụ mía 2011 - 2012, người ta đang xót xa vì một vụ mía “không bình yên”…

Mía có nguy cơ thành… củi!

Mía được người dân tập kết trên đường, đang “mòn mỏi” chờ vận chuyển

Những ngày giữa tháng 3 là thời điểm chính vụ nên hầu hết người dân ở các vùng trồng mía trọng điểm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) như: Ninh Tân, Ninh Xuân, Ninh Thượng đều tấp nập ra đồng thu hoạch mía. Tuy nhiên, có một thực tế là tại nhiều vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường (NMĐ) Cam Ranh, tình trạng mía đã thu hoạch nhưng không vận chuyển được, để phơi khô trên ruộng, có nguy cơ thành củi đang diễn ra. Theo thống kê, thị xã Ninh Hòa có gần 10.000 ha mía, đến thời điểm này đã thu hoạch khoảng 1/3, nhưng nhiều nơi đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, một lượng lớn mía đã chặt nay chưa tiêu thụ hết, khiến người dân rất hoang mang. Xã Ninh Tân là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tình trạng này. Trò chuyện cùng chúng tôi khi đang ủ lại đám mía đã nằm phơi khô trên ruộng 4 ngày, ông Lương Hòa - một nông dân ở thôn Suối Cát (xã Ninh Tân) cho biết: “Sau khi NMĐ xếp lịch chặt, 80 tấn mía của gia đình tôi đã được chất thành đống ở ruộng. Nhưng từ khi chặt đến nay đã 8 ngày, mía vẫn phơi nắng, nếu để vài ngày nữa sẽ khô thành củi mất. Khi hỏi các xe chở mía vào NMĐ Cam Ranh, họ bảo nhà xe đang “đình công”, cứ chờ đến khi nào các xe đồng loạt chạy thì họ chở. Nhìn những đống mía sau thu hoạch nằm phơi khô trên ruộng, chúng tôi thật xót xa cho thành quả lao động suốt 1 năm của mình”. Được biết, số nợ 80 triệu đồng mà gia đình ông Lương Hòa vay ngân hàng để đầu tư cho cây mía niên vụ 2011 - 2012 đều trông chờ vào vụ thu hoạch mía này, nhưng với tình trạng này ông chưa biết phải xoay xở ra sao.

Những xe mía thu hoạch trên một chân ruộng nhưng chữ đường đo được lại khác nhau khi nhập vào nhà máy.

Không riêng gia đình ông Lương Hòa, nhiều gia đình khác ở xã Ninh Tân cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Đỗ Ngọc Tâm ở thôn Trung, xã Ninh Tân lo lắng: “Không chỉ “đứng ngồi không yên” vì hàng chục tấn mía của mỗi nhà đã thu hoạch xong, tập kết ra đường chờ vận chuyển mà chúng tôi còn hết sức lo lắng khi tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến lịch chặt mía, đến tháng Tư (âm lịch) khi mưa giông đổ xuống, mía trổ cờ… thì thiệt hại sẽ rất nặng nề”.

Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các xe ngừng vận chuyển mía, chúng tôi đã trao đổi với tài xế xe tải 79H43… (giấu tên) và được biết: “Từ ngày 9-3 đến nay, việc vận chuyển mía vào NMĐ gặp không ít khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, cước vận chuyển thấp; xe chở mía phần lớn chở quá khổ, quá tải nên bị lực lượng chức năng xử phạt, nhiều chủ xe vì thế “đình công”, thuê người chặn xe chở mía đòi tăng cước vận chuyển. Những gia đình trồng mía có xe cũng không thể chở được vì một số chủ xe, tài xế dùng “hạ sách” lập ra các chốt chặn trên các tuyến đường từ thị xã Ninh Hòa đi huyện Cam Lâm để ngăn chặn không cho các xe chở mía về nhà máy. Như gia đình tôi, thấy mía nằm phơi trên ruộng nhiều ngày nên sốt ruột, tìm cách chở mía đi nhưng chỉ mới chở được 1 xe là có người dọa dẫm nếu tiếp tục chở thì sẽ biết tay họ”. Cũng theo tài xế này, căn cứ hợp đồng với NMĐ Cam Ranh, xe có trọng tải 5 tấn được chở 12 tấn và được trả cước 1.380.000 đồng; trừ tiền dầu, tiền thuê tài xế, khấu hao tài sản, chủ xe còn lãi khoảng 250.000 đồng/chuyến. Nhưng theo quy định, xe chở quá tải thì bị phạt, nếu trên 30% ngoài bị phạt 2,5 triệu đồng còn bị tước bằng lái. Nếu chở đúng trọng tải, theo giá cước hiện hành thì nhà xe lỗ tới 400.000 đồng/chuyến, vì thế khi chưa điều chỉnh giá cước hay tiếp tục bị lực lượng chức năng xử phạt, nhà xe không vận chuyển mà tiếp tục gây áp lực để nhà máy có biện pháp hỗ trợ.

Để giảm thiệt hại, nông dân chỉ còn cách ủ mía lại cho bớt khô.

Dọc theo Tỉnh lộ 8 đoạn qua xã Ninh Tân, hay tuyến đường từ Ninh Lộc lên Ninh Tân, chúng tôi thấy hàng trăm đống mía đang chờ vận chuyển trên đường, dưới ruộng mía đang dần “khô héo”; tại những ruộng mía, người thu hoạch mía đã thưa thớt hẳn mặc dù thời điểm này là chính vụ thu hoạch mía, chỉ một vài nông hộ xót xa trước cảnh mía khô nên ra đồng ủ lại những đống mía dưới cái nắng gay gắt. Theo thống kê, xã Ninh Tân hiện có khoảng 1.600 ha mía, sản lượng khoảng 65.000 tấn.

Tính đến ngày 12-3, NMĐ Cam Ranh đã thu mua hơn 30.400 tấn, hiện còn hơn 1.660 tấn mía đang nằm phơi nắng, ước tính mỗi tấn mía phơi khô một ngày trọng lượng sẽ giảm hàng chục kg, chữ đường trong cây mía cũng giảm, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nếu nhà máy không thu mua hết mía trước rằm tháng Tư âm lịch, khi mía trổ cờ, mưa xuống thì thiệt hại lên đến 50%. Ông Võ Ngọc Phi Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tân lo lắng: “Có đến 98% người trồng mía trên địa bàn xã phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, nay mía không bán được, lại bị hao tổn từng ngày, nông dân đang đứng trước vụ mùa thất bát. Khi có thông tin về việc chặn xe mía, rồi việc các nhà xe không chịu chuyên chở, xã đã báo cáo cấp trên để có hướng xử lý, nếu chậm ngày nào thì người dân phải chịu thiệt ngày ấy”.

Vụ mía 2 giảm, 1 tăng?

Nhiều xe chở mía đều chở vượt tải trọng.

Không chỉ nhiều nông dân trồng mía đang đứng ngồi không yên vì mía đang đứng trước nguy cơ thành… củi do phải phơi nắng nhiều ngày, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, người trồng mía không vui vẻ gì khi ví von vụ mía năm nay có 2 cái giảm, 1 cái tăng nhưng cái nào cũng khiến cho người dân hết sức băn khoăn, lo lắng cho thành quả lao động suốt năm qua. Trò chuyện cùng chúng tôi khi đang thu hoạch mía, anh T.N, một nông dân ở xã Ninh Thượng - địa phương chủ yếu nhập bán mía cho NMĐ Ninh Hòa, cho biết: “Gia đình tôi có 18 ha mía, trong đó có 50% mía gốc và 50% mía tơ. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã thu hoạch xong 50% diện tích. Theo kinh nghiệm của nông dân chúng tôi, mía thu hoạch thời chính vụ lúc nào cũng có chữ đường rất cao nhờ mía chín, nhưng năm nay chữ đường bình quân giảm hơn so với năm trước khoảng 0,5 CCS, trung bình chỉ đạt 9,3 - 9,4 CCS; trong khi đó, giá thu mua mía của NMĐ cũng giảm, hiện chỉ 980 nghìn đồng/1 tấn mía 10 CCS, giảm vài chục nghìn đồng so với vụ trước”. Nếu như anh T.N băn khoăn về chữ đường, giá thu mua mía giảm thì chị N.T.T, một nông dân trồng mía khác ở Ninh Thượng lại không hiểu vì sao vụ thu hoạch mía năm nay tỷ lệ tạp chất trong cây mía lại cao đến vậy, thậm chí có xe mía khi về đến nhà máy tỷ lệ tạp chất lên đến 8 - 9%, trong khi năm trước tỷ lệ này chỉ khoảng 4 - 5%.

Ông Trần Văn Tạm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thượng cho biết: “Xã Ninh Thượng hiện có khoảng 1.300 ha mía, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu của NMĐ, sự đầu tư chăm sóc của nông dân nên niên vụ mía năm nay năng suất đạt cao, khoảng 60 - 70 tấn/ha. Tuy nhiên do giá giảm, chữ đường đạt thấp, cộng thêm chi phí đầu tư, chăm sóc, thu hoạch nên hiệu quả từ cây mía mang lại không cao, ước tính mỗi héc-ta mía gốc chỉ lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng, mía tơ mới trồng do chi phí đầu tư cao nên chỉ đủ vốn”.

Theo ý kiến của nhiều hộ nông dân trồng mía, có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị cây mía như: khối lượng, đơn giá, chữ đường, tỷ lệ tạp chất. Không ít người dân đã so sánh, không hiểu vì sao cùng trên 1 địa bàn nhưng mía bán cho 2 NMĐ khác nhau lại có chữ đường, tỷ lệ tạp chất khác nhau. Một số người dân đặt nghi vấn: Phải chăng nhà máy muốn cho bao nhiêu thì cho? Mang những thắc mắc của người dân trao đổi với NMĐ, chúng tôi được ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cho biết: “Đến thời điểm này, Công ty đã thu mua 250 nghìn tấn mía nguyên liệu của bà con nông dân trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc, đạt hơn 50% kế hoạch; nhìn chung tiến độ thu hoạch mía đảm bảo. Từ năm 2012, Công ty bắt đầu thực hiện việc kiểm tra chất lượng mía trước khi thu hoạch, mía đủ độ chín mới cho thu hoạch, nhờ vậy mía nguyên liệu nhập vào nhà máy đến thời điểm này có chữ đường bình quân đạt 10,5 CCS, tăng 0,7 CCS so với niên vụ trước. Việc làm rác để xác định tỷ lệ tạp chất là do người dân tự thực hiện nên tỷ lệ này cao hay thấp là từ phía người dân, nhà máy chỉ thực hiện việc giám sát. Về giá thu mua mía nguyên liệu, do giá đường trên thị trường giảm nên giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm theo. Ngoài ra, các thiết bị đo lường tại nhà máy đều chịu sự kiểm định của ngành chức năng nên nông dân yên tâm về việc cân, đo khi nhập mía vào nhà máy”.

Chia tay những nông hộ “một nắng hai sương” trên ruộng mía, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt buồn bã khi mía đang dần khô trên đồng. Thực trạng này rất cần sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng nhằm giải quyết khó khăn, giúp nhà nông có thu nhập đúng với giá trị sức lao động họ đã bỏ ra.

BÍCH LA

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang