• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khánh Hoà: Nhà nông điêu đứng vì lũ lụt

Nguồn tin: Báo Khánh Hoà, 10/11/2010
Ngày cập nhật: 12/11/2010

Cơn lũ đã đi qua 1 tuần, đâu đó chỉ còn đọng lại trên đồng ruộng, mảnh vườn những lớp bùn non, những lá cây bám một màu trắng đục của đất. Trên gương mặt những người nông dân Khánh Hoà vẫn còn hiện rõ nỗi buồn. Bao nhiêu công lao “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bỗng chốc cuốn theo dòng nước. Nhiều người trồng rau và hoa cảnh đang điêu đứng vì lũ lụt…

Hoa màu trôi theo lũ

Anh Nguyễn Sọ thu dọn các sào cắm cho đậu cô ve leo để chuẩn bị mùa vụ mới.

Chúng tôi đến xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) vào một buổi chiều nắng gắt khi cơn lũ đi qua đã 1 tuần. Dọc theo con đường đất vẫn còn lầy lội của thôn Hòn Nghê, chúng tôi bắt gặp nét mặt khắc khổ của vợ chồng cô Nguyễn Thị Nở (tổ 20, thôn Hòn Nghê, Vĩnh Ngọc) khi họ đang cặm cụi xới lại thửa đất. Khi chúng tôi hỏi về những thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua gây ra, cô Nở buồn bã cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3 sào rau, trồng được gần 1 tháng, đã chuẩn bị tới ngày thu hoạch. Nhưng ông trời không thương nên gia đình tôi đã bị mất trắng, thiệt hại khoảng chục triệu đồng”. Vợ chồng cô Nở ở cùng với người con gái đã lập gia đình. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào rau để mưu sinh, nhưng tất cả đã trôi theo dòng nước lũ. “Trước đây, những lúc thời tiết thuận lợi, tới mùa thu hoạch, ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ, vợ chồng tôi đã ra vườn nhổ rau để mang ra chợ bán. Cả gia đình đều trông mong vào vườn rau đó. Tuy thu nhập từ rau không nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Bây giờ mưa lũ cuốn đi hết, không biết ngày mai trông chờ vào cái gì để duy trì cuộc sống?” - cô Nở tâm sự. Cũng theo cô Nở: “Bây giờ, muốn làm lại vườn rau phải đi vay “nóng” với lãi suất cao”. Mất mùa, lại gánh thêm một khoản tiền vay để khôi phục sản xuất sau lũ là chuyện không nhỏ đối với người nông dân.

Ông Trần Văn Yên (chồng bà Nở) đang xới đất để khôi phục lại vườn rau đã bị lũ cuốn trôi.

Cùng cảnh ngộ với vợ chồng cô Nở còn có những người trồng rau ở xã Ninh Đông (Ninh Hòa). Đến vườn rau của các hộ ở thôn Phú Nghĩa, Quang Đông, chắc hẳn không ai tin chỉ hơn một tuần trước, nơi đây bao phủ một màu xanh của các loại rau cải, đậu cô ve, tần ô, xà lách… Anh Nguyễn Nguyên Hiệp (Quang Đông, Ninh Đông) cho biết: “Chỉ hơn một tuần trước, nơi này là những vườn rau xanh tốt, tất cả đang chờ ngày thu hoạch. Thế nhưng sau trận lụt vừa rồi, nơi đây đã trở thành một bãi đất hoang”. Gia đình anh Nguyễn Sọ (Phú Nghĩa, Ninh Đông) có tổng cộng hơn 8 sào rau: 3 sào đậu cô ve, 3 sào ớt, hơn 2 sào cải xanh. Tất cả đều đang chuẩn bị để thu hoạch, nhưng mưa lũ đã làm toàn bộ vườn rau bị hư hại. Anh tâm sự: “Đầu tư cho một đợt trồng rau màu cũng hết gần 20 triệu đồng (8 sào), chưa kể công chăm sóc, vậy mà chỉ trong mấy ngày mưa lũ, vườn rau chỉ còn trơ lại mấy cọng rau thối. Thời gian tới, không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao khi phải nuôi 3 đứa con đi học và cha mẹ già”. Còn rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh có diện tích trồng rau bị ngập lụt cũng có chung cảnh ngộ; không biết rồi đây, những người nông dân này sẽ làm gì để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Đông cho biết: “Ngay sau khi nước lũ rút, Hội Nông dân xã đã kịp thời phối hợp với UBND xã, Câu lạc bộ Khuyến nông, Hợp tác xã nông nghiệp tìm biện pháp để khắc phục hậu quả của thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Hợp tác xã hỗ trợ một phần giống cho bà con trồng rau và tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật về trồng rau cho bà con”.

Nỗi đau của người trồng hoa cúc…

Anh Nguyễn Hoàng bần thần nhìn vườn cúc của mình bị mất trắng.

Những năm gần đây, nghề trồng hoa cúc phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, tạo việc làm cho nhiều nông dân. Nghề trồng cúc cũng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững. Mọi năm, vào thời điểm này, các nhà vườn đang hối hả chuẩn bị chăm sóc cho hoa kịp nở vào dịp Tết; nhưng năm nay, mưa lũ kéo dài đã khiến nhiều hộ lo lắng. Về xã Ninh Giang (Ninh Hòa) sau những ngày mưa lũ, chúng tôi cảm nhận được tâm trạng buồn rầu của những người trồng hoa cúc. Chị Nguyễn Mai (thôn Phong Phú 2, Ninh Giang) rầu rĩ: “Năm nay, gia đình tôi trồng được gần 1.000 chậu cúc. Mưa lũ mấy ngày qua đã ngập toàn bộ diện tích, số cây chết chiếm một nửa do bị ngâm nước quá lâu dẫn đến thối rễ. Những cây còn lại chưa biết sẽ như thế nào khi nước vẫn còn đọng trong chậu. Trời nắng gắt thế này, cây sẽ bị héo hết. Nếu không nhanh chóng khắc phục, năm nay, người trồng cúc sẽ thất thu lớn”. Chúng tôi được một người dân trong làng chỉ đến vườn nhà anh Nguyễn Hoàng (Phong Phú 2). Anh đang một mình khệ nệ chuyển những chậu cúc từ dưới vườn lên sân nhà. Chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên trán, anh nói với chúng tôi: “Mất sạch rồi chú ạ! Gia đình tôi năm nay cố gắng lắm mới trồng được khoảng 800 chậu cúc; số tiền đầu tư khoảng 30 triệu đồng; chăm sóc được gần một tháng, cây đang phát triển tốt nên hứa hẹn sẽ có một mùa vụ thắng lợi, cuộc sống gia đình sẽ được cải thiện. Ai ngờ, đợt lũ vừa qua, hai vợ chồng không kịp chuyển hoa lên chỗ cao; vì thế chỉ sau mấy ngày bị ngập, cúc thối rễ và chết hoàn toàn”. Gia đình anh Hoàng cũng thuộc diện khó khăn. Ngoài nghề trồng cúc, những lúc nhàn rỗi, anh đều tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền mua phân, thuốc trừ sâu chăm sóc cho cây. Niềm hy vọng có một cuộc sống khấm khá hơn đã tan biến, số tiền đi vay mượn để đầu tư cho hoa cúc không biết đến bao giờ mới trả được. Anh cho biết: “Để có được những chậu cúc đẹp, ra hoa đúng dịp Tết không phải là chuyện dễ. Ngoài đi vay mượn để đầu tư mua giống, chậu, làm dàn đèn chiếu sáng cho cây thì kỹ thuật chăm sóc cây phải trải qua nhiều giai đoạn rất công phu, vất vả. Trồng hoa Tết phải bắt đầu từ rằm tháng 8. Đất trồng hoa rất quan trọng, nó được trộn từ nhiều loại hỗn hợp như: phân bò, tro, cát, vôi nông nghiệp…; sau đó mang ủ từ 8 đến 10 ngày mới đưa vào sử dụng. Khi đưa cây lên chậu, hàng ngày phải tưới nước ít nhất 2 lần; nếu phát hiện sâu bệnh cần kịp thời phun thuốc; tới khoảng giữa tháng 10 bắt đầu cắm cây, chọn nụ, tỉa cành… Khó khăn vất vả là vậy, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm vì mình không có tiền thuê người giúp, cũng chỉ mong có đủ tiền lo cho các cháu ăn học, trang trải cuộc sống hàng ngày. Bây giờ, mọi hy vọng của gia đình đã vụt tắt; vợ chồng tôi không biết bấu víu vào đâu để lo cho cuộc sống”. Nhìn anh bần thần, nhặt nhạnh những cây còn rớt lại để trồng lên chậu với suy nghĩ được cây nào hay cây đó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mùa Xuân năm nay có lẽ sẽ không trọn vẹn với những người nông dân như anh Hoàng.

Ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Ninh Giang cho biết: “Để giúp những hộ trồng cúc có vườn bị ngập nước trong đợt mưa lũ vừa qua, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân xã và Câu lạc bộ Sinh vật cảnh cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống hướng dẫn bà con cách khắc phục tình trạng nước đọng trong chậu. UBND xã sẽ bàn với Hội Nông dân để giúp cho những hộ vay vốn trồng cúc lùi thời gian trả lãi để bà con yên tâm sản xuất”.

Mùa mai Tết có như ý?

Đi dọc đường 23-10 (TP. Nha Trang), chúng tôi đến làng mai Võ Dõng - nơi mà ít ngày trước, nước lũ đã làm ngập những vườn mai đang độ làm nụ. Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Anh Hải (Võ Dõng, Vĩnh Trung) - một người nhiều năm trong nghề, anh cho biết: “Năm nay, nước lũ dâng cao hơn mọi năm, thời gian cũng dài hơn nên vườn nhà mình bị ngập toàn bộ”. Được biết, anh là người nhiều năm gắn bó với cây mai, vì vậy cũng phần nào hiểu được thời tiết để có biện pháp kịp thời chống đỡ trong mùa mưa bão. Anh tâm sự: “Nghề trồng mai nhiều gian truân, vất vả. Gia đình tôi trồng nhiều mai (300 chậu và hơn 1.000 gốc lớn nhỏ), công chăm sóc rất lớn. Thời tiết ảnh hưởng rất nhiều tới sự sinh trưởng của cây. Cây mai rất dễ sống nhưng chăm sóc thế nào để nở hoa đúng dịp Tết mới khó. Năm nào mưa nhiều, trời lạnh thì mai khó nở hoa, năng suất thấp, chỉ có thể lấy công làm lãi. Tuy nhiên, cũng có năm được mùa mai Tết, trừ chi phí, gia đình thu được 60 - 70 triệu đồng”. Nói về những thiệt hại sau đợt lũ vừa qua, anh Hải cho biết: “Cây mai chịu nước tốt nhưng do thời gian ngập kéo dài nên cây thường bị thun cổ rễ, toàn bộ lá cây bị nấm nặng; nguy hại nhất là mai đang bắt đầu thời kỳ làm nụ, vì thế thời gian tới phải sớm khắc phục mới mong thu hoạch trong dịp Tết này”. Anh cho biết thêm: Từ nay đến Tết, nếu thời tiết ấm áp, thuận lợi thì mai sẽ cho hoa đẹp, nhưng chỉ cần một đợt lụt nữa thì mọi công sức của cả gia đình trong một năm sẽ “đổ sông đổ bể”. Nghe anh say sưa nói về cách chăm sóc mai, chúng tôi mới hiểu hết những khó khăn cực nhọc của người trồng mai. “Hàng ngày, tôi phải tưới nước cho mai 2 - 3 lần. Sâu bệnh ở cây mai rất cao, những bệnh thường gặp như: Đục thân, ăn lá, nấm… có những tháng phải phun thuốc trừ sâu 3 - 4 đợt. Mỗi năm bón phân 5 - 6 lần, chủ yếu là phân kali giúp cho cây phát triển tốt và giữ cho hoa chắc. Chi phí hàng năm cho vườn mai hết gần 20 triệu đồng”, anh nói.

Ngược lên Diên An (Diên Khánh), chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Ngọc Ánh (An Ninh, Diên An, Diên Khánh). Anh có khoảng 300 chậu mai. Những năm gần đây, nhờ trồng mai Tết, cuộc sống của gia đình anh khá giả hơn, có của ăn của để. Nhìn vườn mai xanh mướt, tôi biết, anh đã phải kỳ công chăm sóc. Anh tâm sự: “Nghề trồng mai vất vả lắm! Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ trồng để chơi nên mang về mấy cây chăm sóc. Sau hơn 1 năm, có nhiều người hỏi mua, thấy cây mai mang lại giá trị cao, tôi quyết định đầu tư mua giống về làm. Nhờ đó, mấy năm nay, điều kiện gia đình cũng khá lên”. Anh cho biết thêm, đợt mưa lũ vừa rồi do kịp thời kê các chậu mai lên cao nên gia đình anh không bị thiệt hại nhiều, chỉ có bộ lá bị bệnh nấm nặng. Trong mấy ngày tới, chờ thời tiết ổn định, anh sẽ bắt tay vào khắc phục hậu quả. Khi hỏi về triển vọng của vụ mai năm nay, anh tỏ ra khá lo lắng bởi tình hình thời tiết vẫn đang có nhiều biến động nên không dám chắc điều gì. Anh cho biết, năm nào thời tiết thuận lợi, anh thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng tiền bán mai…

Chia tay những người nông dân vùng lũ, chúng tôi không khỏi băn khoăn: Không biết đến bao giờ, những người nông dân này mới thoát khỏi cảnh “Trông trời, trông đất, trông mây…”?.

MẠNH HÙNG

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang