• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân tài năng

Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 17/02/2010
Ngày cập nhật: 17/2/2010

Chủ nhiệm Trương Văn Bảy dẫn tôi đi lòng vòng qua nhiều bờ kênh, bờ mẫu nhỏ xíu ở ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Khi đôi chân mỏi nhừ, ông bất ngờ hỏi: “Anh thấy có gì đặc biệt ở đây không?”. Rồi ông tự trả lời: “99% nhà của nông dân được xây tường kiên cố, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt không thua gì dân thành phố đâu nhé”.

Hợp tác xã Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nằm tít mù trong lòng Đồng Tháp Mười “khỉ ho cò gáy”, là nơi đầu tiên ở Việt Nam được công nhận trồng lúa đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP vào đầu năm 2009. Cuộc sống của người dân ở đây cũng “sốc” như cách mà họ trồng lúa: ở nhà tường kiên cố, chỉ xài điện thoại di động chứ không thích điện thoại để bàn, nhiều người còn sắm cả máy tính xách tay, trên bờ ruộng trồng đầy hoa thơm.

1. Nghe chủ nhiệm Bảy tự “quảng cáo”, ông Lê Văn Khắc đi sau cười thành tiếng tỏ vẻ đắc ý và nói thêm: “Tụi tui làm ruộng kiểu mới, không cần phải lọ mọ tối ngày ngoài ruộng đâu. Ngày nào ra đồng, lúc nào nghỉ đều có lịch hết. Hôm nay ai cũng rảnh nè, mình ghé nhà Năm Việt bắt vài con vịt nấu cháo và làm ít mồi lai rai đi. Nhà ổng có sẵn dàn karaoke, mở lên hát cho vui cửa vui nhà”.

Vừa rót rượu mời khách, chủ nhà Lê Văn Việt cười tươi rói bảo rằng cuộc sống của nông dân Hợp tác xã Mỹ Thành bây giờ khấm khá hơn mười năm trước cả chục lần. “Nói thật, nếu không nhờ trồng lúa an toàn và lúa Global GAP thì có lẽ giờ này tui và mấy ông bạn già này đang đi làm thuê chứ không ngồi ở đây nhâm nhi nói chuyện được đâu”.

Nhấp một ngụm rượu đế cay xè, ông Khắc góp chuyện: “Tui dám chắc chỉ có nông dân Hợp tác xã Mỹ Thành mới dám mạnh miệng nói rằng chưa gieo sạ cũng biết vụ này sẽ thu hoạch bao nhiêu tấn lúa, bán được bao nhiêu tiền và lãi bao nhiêu. Cuộc sống thoải mái như vậy đã giúp bà con ở đây thoát khỏi cảnh bon chen làm thuê làm mướn kiếm từng đồng”.

Ông Khắc cười hiền hậu: “Năm 2009, tui có 2ha trồng lúa Global GAP mỗi vụ ít nhất cũng lời 40 triệu đồng, ba vụ tròm trèm 120 triệu đồng. Hồi trước làm lúa theo kiểu truyền thống thì chỉ toàn mua thiếu vật tư hoặc đi hỏi vay bên ngoài. Nhưng bây giờ khác rồi, khác nhiều lắm, không tin được”. Chủ nhiệm Bảy cho biết thêm ông Năm Việt có tới năm người con, mà tất cả đều học hết phổ thông. Trong số hai người học đại học thì một người đã ra trường.

Ba người còn lại đang học trung cấp. “Hai vợ chồng làm ruộng không chỉ lo cho con ăn học khỏe re mà còn sắm cả máy tính xách tay, dàn máy karaoke nữa mới giỏi chứ!”. Được “quảng cáo” giùm, ông Việt và vợ nhoẻn miệng cười ra vẻ hạnh phúc lắm.

2. Sở hữu diện tích đất không phải là ít (1,5ha), nhưng ông Trương Văn Hạnh nói gia đình ông phải chịu cảnh vất vả, thiếu ăn, mượn nợ suốt mấy chục năm ròng. Cuộc đời làm nông dân của ông chỉ thay đổi từ khi trồng lúa an toàn, rồi sau đó là lúa Global GAP. Nhiều nông dân trồng lúa Global GAP ở Mỹ Thành nói họ gần như không phun thuốc trừ sâu, nên nguồn nước và môi trường không khí ở đây không bị ô nhiễm. Và điều đặc biệt là mấy vụ vừa rồi phụ nữ trong hợp tác xã gần như không còn phải ra đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa.

Đăm chiêu nhìn ra cánh đồng trước mặt, ông Hạnh chậm rãi kể chuyện làm ăn vất vả mười năm trước. Khi nước lũ tràn về là cánh đồng Mỹ Thành ngập lênh láng không thấy đâu là bờ, nhất là cơn lũ dữ năm 2000. Những năm đó năng suất lúa không cao như bây giờ mà giá rất rẻ nên gia đình nào cũng thường xuyên lâm vào cảnh túng thiếu. Khi lũ về, ruộng nương không làm được, nông dân trở thành người thất nghiệp.

Để có cái ăn, cái mặc, họ rủ nhau làm một nghề ít người dám làm: đào đất thuê dưới dòng nước lũ, cực khổ trăm bề. Bất chợt mắt ông Hạnh sáng lên: “Nếu năm 2003 tiến sĩ Lê Hữu Hải ở Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy không lặn lội vô vận động tụi tui trồng lúa an toàn, chất lượng cao thì chắc không có ngày hôm nay đâu.

Nhờ vậy tui không còn đi làm thuê nữa mà có thời gian uống trà “tám” chuyện thời sự mỗi sáng sớm và chiều tối, cũng không còn sợ bị mời đám tiệc nữa vì không có tiền”. Ông Hạnh có bốn người con thì một người đang công tác ở xã, một người học cao đẳng, con út học lớp 10, chỉ có một người quyết chí theo ông trồng lúa Global GAP.

Ông Hạnh hỉ hả rằng bây giờ xã viên Hợp tác xã Mỹ Thành hầu như nhà nào cũng có hoặc đang sắm máy vi tính, thậm chí vài người còn sắm máy tính xách tay để tính toán, ghi chép, truy cập Internet nghiên cứu kỹ thuật và tìm hiểu thị trường. Còn điện thoại di động mỗi nhà có 2 - 3 cái là chuyện thường. “Trước tết tui sẽ rinh một cái máy vi tính cho bằng anh bằng chị” - ông Hạnh quả quyết.

Chủ nhiệm Bảy là người vui tính. Hỏi chuyện làm ăn của hợp tác xã, ông nửa đùa nửa thật: “Cũng nhờ làm ăn có hiệu quả nên mấy ông xã viên của tui cứ rảnh là hay mượn cớ bàn chuyện làm ăn để bày nhậu. Có nhậu quắc cần câu thì cũng không tốn nhiều tiền vì nhà nào cũng có sẵn gà, vịt, cá hay khô”. Có lẽ bị chủ nhiệm bắt đúng “mạch” nên cả bàn tiệc cùng phá lên cười sảng khoái.

“Tụi tui đang bàn với nhau là khi mở rộng quy mô hợp tác xã thì phải chế biến, kinh doanh lúa gạo, nông sản Global GAP luôn chứ làm như bây giờ chưa đã lắm. Vài năm nữa thôi ông Việt, ông Hạnh, ông Khắc đây vừa là Hai Lúa vừa là doanh nhân chứ không phải đùa đâu” - chủ nhiệm Bảy tiết lộ kế hoạch làm ăn.

3. Tại Festival lúa gạo VN lần đầu tiên tổ chức vào tháng 12-2009 ở Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng nói lời cảm ơn và trìu mến gọi nông dân VN là “những người trồng lúa tài năng”. Lý do là từ một nước đói ăn triền miên và phải nhập khẩu gạo, nhưng nhiều năm nay VN đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới. Và hơn thế, nhiều nông dân còn đi tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo VN.

TS Lê Hữu Hải, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, cho rằng trình độ trồng lúa Global GAP của nông dân Hợp tác xã Mỹ Thành không thua gì kỹ sư nông nghiệp. Bây giờ cần hỏi thông tin gì, cần biết cách xử lý dịch hại trên đồng ruộng, họ chỉ cần bấm điện thoại di động hỏi hoặc gửi email kèm hình ảnh cho ông xem để trả lời là xong. Tiến sĩ Hải nói về họ: “Nông dân Mỹ Thành tài năng hơn cả những người nông dân tài năng khác. Chính họ đã góp phần rất lớn làm lúa gạo VN nở mặt nở mày trên thị trường thế giới”.

Những ngày cuối năm 2009, có hơn 1.000 hộ dân ở các xã lân cận làm đơn xin vào Hợp tác xã Mỹ Thành, làm chủ nhiệm Bảy bối rối. Lý do đơn giản là họ thấy hợp tác xã trồng lúa Global GAP có hiệu quả cao và có thể làm giàu được từ đồng ruộng. Cuối cùng, ban chủ nhiệm hợp tác xã quyết định chỉ kết nạp 100 hộ có ruộng liền kề với xã viên cũ để tăng diện tích lúa Global GAP lên hơn 100ha. Những hộ còn lại sẽ sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao, dần dần sẽ “tuyển” vào hàng ngũ trồng lúa Global GAP.

Vụ đông xuân 2009 - 2010, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã chọn những nông dân toàn cầu Mỹ Thành thí điểm biện pháp phòng trừ dịch hại bằng cách trồng hoa quanh ruộng. Toàn bộ xã viên hợp tác xã đều hào hứng tham gia ươm cây con rồi đem trồng ở bờ ruộng của mình.

Không khí làm ăn tập thể sôi động như phong trào hợp tác xã những năm 1980 được tái hiện trên cánh đồng bạt ngàn của Hợp tác xã Mỹ Thành. Chỉ có ở đây người ta mới có thể nhìn thấy một bức tranh tuyệt đẹp trên đồng ruộng: màu xanh của lúa hòa quyện với vô số sắc hoa vàng, đỏ, tím rực rỡ dưới nắng xuân.

Lúa Global GAP là gì?

Lúa Global GAP là gì mà nông dân Hợp tác xã Mỹ Thành ca ngợi quá trời vậy? Chủ nhiệm Bảy cười xòa: “Cũng là lúa bình thường thôi, chỉ khác là lúa này được trồng tuân thủ 241 tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Global GAP (Global Good Agricultural Practice - tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc), đảm bảo chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người trồng lúa, người tiêu dùng và môi trường”. Chứng nhận Global GAP do Công ty TNHH TUV SUD PSB VN (Đức) thẩm định nghiêm ngặt trong nhiều tháng trước khi cấp vào tháng 2-2009.

Các tiêu chí bắt buộc là có nhà vệ sinh, sân phơi, lắp đặt hệ thống nước sạch, kho lúa, kho chứa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hố chôn bao bì phân thuốc... Mỗi nơi như thế đều có bảng chữ trông giống như công sở vậy.

Ông Bảy nói tiếp: Nhiều năm liền cơ quan chức năng lấy mẫu gạo ở đây đi phân tích kiểm chứng. Kết quả hoàn toàn không có dư lượng thuốc trừ sâu và dư lượng kim loại nặng. Vốn đầu tư thấp, công sức bỏ ra cũng giảm nhiều mà giá lúa này luôn cao hơn lúa thường nên ai cũng thu lợi nhuận rất cao. Lúa Global GAP được Công ty TNHH ADC bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 20%.

VÂN TRƯỜNG

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang