• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đác Nông: Bùng phát trồng chanh dây và nguy cơ "khủng hoảng thừa", rớt giá

Nguồn tin: Nhân Dân, 01/12/2009
Ngày cập nhật: 2/12/2009

Cây chanh dây đang được ngành nông nghiệp tỉnh Đác Nông cấp phép trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, do bước đầu loại cây này đã đem lại hiểu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ nông dân đã ồ ạt đầu tư trồng, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều nông dân ở tỉnh Đác Nông đã đưa cây chanh dây (còn gọi là cây lạc tiên, cây mác mác...) vào trồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí có hộ đạt 600 triệu đồng. Mặc dù đây là một cây trồng mới, được tỉnh cấp phép trồng thử nghiệm, nhưng do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân ồ ạt đầu tư trồng làm cho diện tích cây chanh dây tăng nhanh hiện đã lên tới hàng trăm ha và có xu hướng tăng nhanh bất chấp những khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Cây trồng "siêu lợi nhuận"

Trong hàng trăm hộ trồng chanh dây hiện nay ở Đác Nông thì ông Vũ Xuân Nhật, ở bon N’jiêng, xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa là một trong những người đầu tư khá táo bạo.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới được ông trực tiếp đưa ra thăm trang trại chanh dây của mình. Khi vừa đặt chân đến trang trại, đập vào mắt chúng tôi là những giàn cây chanh dây xanh ngắt và trĩu quả. Vuốt ve những quả chanh dây chín mọng nước, ông Nhật vui vẻ kể: “Giữa năm 2008, trong một lần sang thăm người quen tại thành phố Đà Lạt, tôi được giới thiệu về cây chanh dây này, thấy hiệu quả kinh tế quá cao nên tôi cũng mua một ít giống chanh dây về trồng thử nghiệm. Ban đầu tôi chỉ trồng 5 sào, với chi phí đầu tư hết 20 triệu đồng gồm mua giống, dây kẽm và trụ để làm giàn cho cây chanh dây leo. Chỉ sau bốn tháng, cây sinh trưởng nhanh và cho năng suất rất cao, bình quân mỗi tháng tôi thu được 5 tấn trái bán được từ 25 - 30 triệu đồng.

Ông Nhật cho biết, chỉ tính từ tháng 7-2009 đến nay, ông đã thu về được hơn 150 triệu đồng. Nhận thấy cây chanh dây phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, trong mùa mưa vừa qua, ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng thêm 2 ha chanh dây nữa, hiện nay cây sinh trưởng rất tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Không chỉ trồng chanh dây, gia đình ông Nhật còn mở điểm thu mua chanh dây của nông dân trong xã để cung cấp cho các công ty chế biến nước giải khát ngoài tỉnh.

Từ mô hình trang trại chanh dây của gia đình ông Nhật, nhiều nông dân trong xã Đác Nia đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, rồi vay vốn đầu tư trồng chanh dây, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Chủ tịch UBND xã Đác Nia Phan Xuân Luyến cho biết: “Mặc dù là một loại cây trồng mới, ngành nông nghiệp chỉ mới cho phép trồng thử nghiệm nhưng do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân xác định chanh dây là cây xóa đói giảm nghèo nhanh và hiệu quả nhất hiện nay. Mỗi hộ dân chỉ cần trồng vài sào là đã có một nguồn thu nhập khá. Vì vậy, chỉ sau một năm, cây chanh dây có mặt tại xã Đác Nia, đến nay toàn xã đã có 30 hộ trồng chanh dây với diện tích lên đến 60 ha, trong đó gần 40 ha đã cho thu hoạch, dự kiến năm sau diện tích trồng chanh dây có thể tăng gấp đôi, gấp ba lần. Địa phương cũng đã liên hệ các công ty bao tiêu sản phẩm cũng như hỗ trợ về giống và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất…”.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, chính gia đình đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Đác Nia Phạm Nghĩa Tuấn cũng đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng đầu tư trồng một ha chanh dây và xây dựng kho lạnh với quy mô chứa gần 30 tấn để sơ chế sản phẩm, thu mua quả chanh dây cho nhân dân, làm “cầu nối” cung cấp sản phẩm cho các công ty chế biến nước giải khát.

Ngược lên huyện vùng sâu Krông Nô, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Đức Hóa, ở xã Đác Drô, một trong những người đầu tiên trồng chanh dây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Hóa phấn khởi: “Gia đình tôi có 6 sào đất, trước đây chủ yếu trồng điều, sắn nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, tôi đã tìm đến các vườn chanh dây, gặp chủ vườn để tìm hiểu cách bắc giàn, chăm sóc, đào hố, bón phân và phòng ngừa sâu bệnh… Sau đó về tôi chuyển toàn bộ diện tích sang trồng chanh dây. Với số vốn tích lũy được, tôi vay thêm ngân hàng 20 triệu đồng để đầu tư ban đầu. Đến nay, chỉ sau một năm 6 sào chanh dây cho thu nhập mỗi tháng từ 20 - 25 triệu đồng”.

Theo lời ông Hóa thì hiện nay nhiều nông dân trong xã, trong huyện đã đầu tư trồng chanh dây, cho dù họ “mù tịt” về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như thị trường “đầu ra” của quả chanh dây.

Ở huyện Đác R’lấp, địa phương có phong trào trồng cây chanh dây khá mạnh thống kê của Hội nông dân huyện cho biết chỉ hơn một năm qua toàn huyện đã trồng được 80 ha chanh dây, trong đó riêng xã vùng sâu Đác Sin đã có 150 hộ trồng canh dây với diện tích 70 ha. Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 10, xã Đác Sin, chỉ sau một năm trồng chanh dây đã trở nên khá giả. Vừa đến nơi, đập vào mắt chúng tôi là một giàn chanh dây rộng 1 ha xanh tốt thân thả dài từ giàn xuống sát đất chi chít quả. Ông Hùng nói: “Từ ngày vườn chanh dây bắt đầu cho thu hoạch đến nay, gia đình tôi tất bật hơn với chuyện thu hái và chăm sóc. Ngày nào cũng có trái chín, nên gia đình phải bám vườn liên tục. Bình quân mỗi tháng cũng thu được 10 tấn trái và với giá bán như hiện nay là 6.000 đồng/kg thì tôi chưa thấy cây trồng nào có hiệu quả cao như vậy”.

Theo ông Hùng, thì qua thực tế sản xuất, vốn đầu tư ban đầu cho mỗi ha chanh dây khá lớn, khoảng 40 triệu đồng gồm tiền mua cây giống, mua dây kẽm và trụ để làm giàn đỡ… Nhưng nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau vài tháng thu hoạch đã lấy lại toàn bộ vốn. Hiện tại gia đình đã chuẩn bị cây giống, dây thép, cọc để trồng thêm 1 ha chanh dây nữa vào mùa mưa năm sau.

Cũng vì là loại cây trồng “siêu lợi nhuận” nên gia đình ông Tạ Văn Mạnh ở xã Nam Bình, huyện Đác R’lấp đã chuyển toàn bộ 4 ha tiêu bị sâu bệnh sang trồng cây chanh dây. Giải thích về sự mạo hiểm của mình, ông cho biết: "Chanh dây trên thị trường có lúc giá lên 7.000 đồng/kg mà không có bán. Trồng loại cây này lãi tương đối cao. Thời gian phát triển tương đối ngắn nhưng năng suất lại rất cao. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm 1 ha có thể thu hoạch 100 tấn quả tươi, chỉ cần tính giá 3.000 đồng/kg cũng cho thu về 300 triệu đồng, gấp hơn 5 lần so với trồng cà phê, tiêu".

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đác R’lấp Nguyễn Đắc Nhơn, vừa cùng đoàn cán bộ của huyện lặn lội xuống tận các tỉnh Tây Nam bộ để tìm hiểu về cây chanh dây trở về cho biết: “Hiện ở tỉnh Long An đã có nhà máy chế biến quả chanh dây với công suất lớn. Lãnh đạo nhà máy nhà biết, nếu địa phương trồng đạt diện tích chanh dây khoảng 500 ha thì họ sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất ngay tại chỗ. Tuy nhiên, đây là một loại cây trồng mới, hiệu quả kinh tế bước đầu khá cao, nhưng chúng tôi cũng như người dân chưa am hiểu về kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh, vì vậy huyện đang chờ hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển cây chanh dây”.

Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều nông dân ở các huyện như Đác Song, Đác Min, Đác R’lấp, Đác Glong Cư Giút, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông đã đầu tư trồng cây chanh dây với diện tích lên đến hàng trăm ha. Chỉ riêng HTX Nông lâm nghiệp, Thương mại và Du lịch Tia Sáng ở xã Nam Dong, huyện Cư Giút đến nay đã trồng được 120 ha cây chanh dây, trong đó có 40 ha đã cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 80 - 90 tấn/ha/năm, cá biệt, có những xã viên chăm sóc tốt đạt khoảng 120 - 130 tấn/ha/năm. Bà Phạm Hương Quê, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chanh dây lên 200 ha và có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi”.

Thận trọng khi mở rộng diện tích

Do lợi nhuận của cây chanh dây mang lại quá cao, nên nhiều nông dân ở Đác Nông đã chặt bỏ những diện tích cà phê, hồ tiêu, điều kém hiệu quả chuyển sang trồng chanh dây làm cho diện tích chanh dây tăng nhanh.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 254 ha chanh dây. Tuy nhiên, thực tế diện tích còn cao hơn nhiều

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Nông Nguyễn Đức Luyện khẳng định: Đến nay, sở chỉ mới cho phép HTX Nông lâm nghiệp, Thương mại và Du lịch Tia Sáng trồng khoảng 180 ha. Do đây là cây trồng mới, nên cần phải trồng thí điểm 3 - 4 năm để tìm hiểu.

Ông Luyện xác nhận hiện ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh cũng như “đầu ra” của cây trồng này và khuyến cáo người nông dân không nên mở rộng diện tích chanh dây. Bởi đến nay ngành nông nghiệp vẫn chưa nắm hết kỹ thuật gieo trồng, tình hình dịch bệnh cũng như thị trường “đầu ra” của loại cây trồng này. Thế nhưng, trên thực tế nghe thông tin trồng cây chanh dây có lãi cao nên nhiều hộ nông dân đã tự động mua giống về trồng, mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đầu tư như vậy rất mạo hiểm, vì giá cả trên thị trường luôn lên xuống thất thường. Mặt khác, nếu không nắm vững kỹ thuật thì sẽ dẫn đến cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công, kéo theo chi phí đầu tư lớn mà năng suất lại không cao. Vì vậy, người nông dân hết sức bình tĩnh và thận trọng khi quyết định đầu tư mở rộng diện tích trồng cây chanh dây.

Mặc dù hiện nay nông dân ở nhiều địa phương trong nước như Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Cần Thơ và một số tỉnh miền bắc đã trồng cây chanh dây ( Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng nông dân đã trồng hơn 500 ha chanh dây), nhưng thời gian qua có hơn 200 ha bị nhiễm bệnh khiến cho hàng trăm hộ dân phải điêu đứng. Nhiều vườn cây chanh dây đang phát triển tốt bỗng nhiên bị nhiễm bệnh như: nhện đỏ, bọ xít, rệp, phấn trắng, nấm rễ, nấm trái, quăn đọt… khiến trái chanh dây bị héo úa, rơi rụng dẫn đến năng suất giảm chỉ bằng 1/4 so với mọi năm, cho thu nhập thực tế chỉ khoảng 20 – 25 triệu đồng/ha; trong khi đó, mỗi năm chi phí cho một ha chanh dây lên đến 40 triệu đồng.

Do chưa nắm được kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh nên nhiều hộ nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các loại bệnh nêu trên nhưng không mang lại hiệu quả nên người dân lại chặt phá chanh dây để trồng các loại cây khác.

Bên cạnh đó, “đầu ra” của cây chanh dây hiện nay vẫn hết sức bấp bênh, chủ yếu được các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua. Nếu với đà phát triển như hiện nay thì trong một vài năm tới khi diện tích cây canh dây tăng mạnh, sản lượng nhiều, trong khi đó trên địa bàn tỉnh Đác Nông chưa có nhà máy chế biến nước chanh dây thì vấn đề “khủng hoảng thừa”, rớt giá là điều khó tránh khỏi, dẫn cái vòng luẩn quẩn “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng” đối với người nông dân vẫn chưa có lối thoát.

Vì vậy, khi chưa có kết luận cuối cùng của các ngành chức năng về loại cây trồng mới này thì người nông dân phải hết sức thận trọng khi quyết định đầu tư trồng cây chanh dây; đồng thời các cấp, các ngành trong tỉnh cần có biện pháp kiên quyết hạn chế nông dân tự phát trồng cây chanh dây để tránh thiệt hại kiểu sản xuất theo “phong trào”.

NGUYỄN CÔNG LÝ

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang