• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mãnh lực trầm hương

Nguồn tin: WKH, 09/02/2005
Ngày cập nhật: 11/2/2005

“Khánh Hòa là xứ Trầm hương”. Trầm hương Khánh Hòa đã đi vào sử sách. Bởi ngày xưa, vùng đất này có mật độ trầm hương dày đặc. Qua thời gian khai thác, trầm hương trên rừng núi Khánh Hòa hầu như không còn nữa. Rồi vài năm gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân bắt đầu trồng lại cây dó, kích ứng cho nó tạo trầm, để Khánh Hòa xứng đáng mãi được ngợi ca: Xứ Trầm hương.

° CHUYỆN DÂN ĐIỆU

Trầm hương là một sản phẩm đặc biệt được tạo thành từ cây dó. Qua thời gian, những tác động sinh học đã giúp cây dó tạo trầm hương hoặc kỳ nam. Trầm kỳ là sản vật quý giá; là hương liệu, dược liệu hữu hiệu mà ở quê tôi ai cũng muốn có một ít để dành dùng khi “trái gió trở trời”. Trong y học dân tộc, trầm hương là một vị thuốc quý dùng chữa các chứng đau bụng, đầy bụng, nôn mửa, hen suyễn, bí tiểu tiện… Ngoài ra, trầm hương còn dùng làm hương liệu, mỹ phẩm cao cấp như: nước hoa, dầu thơm, các loại phấn sáp; sử dụng để chế biến các loại giấy quý có mùi mật hương, các loại nhang xuất khẩu. Người ta đã dùng trầm hương trong các dịp đại lễ, cúng tế. Việc đốt trầm hương trong các đền đài, nơi thờ cúng được coi như hình thức dâng cúng linh thiêng cao quý nhất.

Những năm đầu thập kỷ 80, chuyện đi tìm trầm rất phổ biến ở nhiều địa phương. Giấc mộng làm giàu từ trầm hương đã thôi thúc dân điệu (người đi tìm trầm) vác ba lô lên đại ngàn. Thời kỳ này, dân điệu nhiều vô kể, cứ bước ra đường là thấy ngay từng tốp dăm bảy người ba lô sẵn sàng lên núi.

Khởi đầu, những người đi điệu chỉ khai thác vùng rừng núi ở Khánh Hòa (vùng có nhiều cây dó) như: Hòn Lớn, Hòn Dù, rừng Sông Giang, vùng núi Tà Mụ… Nhưng rồi rừng dó không còn kịp lớn, dân điệu chuyển từ núi này sang núi khác ở các tỉnh xa hơn để tìm kiếm. Ông Nguyễn Dài (xã Ninh Phụng - Ninh Hòa) - người thâm niên gần 20 năm tiến sâu vào đại ngàn tìm trầm hương nhớ như in từng chuyến đi tìm trầm của mình. Hồi trước, khi mới tập tễnh vác ba lô theo các bậc “trưởng lão”, ông đã học được nhiều điều từ dân điệu như: cách xuyên rừng, cách chặt cây, xỉa trầm… Bây giờ ngẫm lại, ông Dài thấy chuyện tìm trầm là đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy thú vị.

Nhiều gia đình trồng xen cây ngắn ngày với cây dó bầu để lấy ngắn... đợi trầm.

Hành trang của dân điệu bắt đầu bằng một ba lô, bộ dũm (để xoi trầm) và rìu chặt cây. Trước khi lên rừng, ngoài chuẩn bị nhu yếu phẩm, dân điệu phải sắm thêm đồ dâng lễ cầu đấng linh thiêng đưa đường dẫn lối đến với trầm kỳ… Trong rừng, dân điệu thường chia tốp nhỏ từ 4 đến 6 người (gọi là bầu) để tìm kiếm. Ông Dài nhớ đời chuyến vượt rừng Sông Bé (miền Nam) năm 1988. Một chuyến đi thất bại trở về trong đói khát. Nhưng cũng có chuyến vô mánh tại khu vực đồi Đức Mẹ (Bảo Lộc - Lâm Đồng) năm 1996. Chỉ trong 8 ngày đi lẫn về, cả bầu 5 người thu hoạch được 6kg kỳ nam, bán với giá 236 triệu đồng…

° “NGẬM NGÃI TÌM TRẦM”

Chuyện đi điệu phụ thuộc nhiều vào sự may mắn. Trên thực tế, có người đi hoài mà chẳng trúng đậm được lấy một chuyến, thậm chí chưa hề tìm được kỳ nam hoặc trầm xịn dù chỉ là số ít. Những loại trầm dân điệu mang về từ núi thường là trầm loại 5, loại 6…

Ông Hồ Minh Hiển - Phó Chủ tịch Chi hội Trầm hương Khánh Hòa trăn trở: “Chúng ta phải nghĩ tới việc xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu thì trồng dó bầu mới trở thành một mô hình kinh tế mở. Thực tế, tỉnh đã có chủ trương đưa cây dó bầu vào cơ cấu cây trồng lâm nghiệp nên cần lấy ngắn nuôi dài: trồng xen với các cây trồng khác - Đây là đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây dó bầu...”

Năm 2002, toàn tỉnh có 125 ha dó bầu. Hiện nay, diện tích dó bầu khoảng 400 ha. Và trong kế hoạch năm 2005, Công ty Fong San sẽ đầu tư trồng mới thêm 50 ha tại Khánh Sơn, 100 ha tại Lâm trường Vạn Ninh.

Nghe qua dân điệu, nhiều người vẫn tưởng sẽ rất “hời” khi vượt đại ngàn tìm trầm hương. Thế nhưng, đằng sau những chuyến điệu là bao gian nguy, trắc trở tiềm ẩn nơi rừng thiêng nước độc. Những căn bệnh sốt rét rừng kinh niên, tai nạn nghiệt ngã có thể cướp đi sinh mạng con người mọi lúc, mọi nơi. Ông Lê Văn Cẩm (Ninh Phụng - Ninh Hòa) vừa là dân điệu vừa là tàu kê (người buôn trầm kỳ) cho biết: “Khi bước vào nghề tìm trầm, dân điệu phải chấp nhận gánh lấy căn bệnh sốt rét quái ác cộng với nạn ruồi vàng và vắt đeo bám. Còn muốn trở thành tàu kê phải làm dân điệu để học hết các loại trầm kỳ trong 5 năm, rồi theo những người có kinh nghiệm học buôn bán 2 năm nữa mới có thể tung hoành được, nếu không là mất vốn. Nói chung, làm dân điệu khổ vô cùng…”. Nhưng những căn bệnh chỉ là một phần nhỏ trong nhiều tai ương đang rình rập xung quanh người đi tìm trầm. Đã có nhiều dân điệu “nằm lại” rừng núi chỉ vì sơ suất hoặc không được cấp cứu kịp thời.

Mặc dù đại ngàn đã cạn kiệt cây dó, những bầu điệu vẫn rời làng quê để đi tìm trầm kỳ.

Nguy hiểm rất nhiều, song ma lực trầm kỳ vẫn thôi thúc nhiều người “ngậm ngãi” đi sâu hơn vào đại ngàn, ai cũng mong kiếm được một ít “vốn liếng hời”. Cái “của trên trời rơi xuống” đã cho một số dân điệu trúng rất đậm, nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nên “của thiên trả địa” rồi “tán gia bại sản”. Người ta hay gán cho dân điệu là: “Dân xịn, chơi xộp, mau xẹp” là thế. Nhiều người đã nghèo khổ khi có tiền lại không biết dành dụm nên rồi trắng tay. Cũng có những người đem vốn đầu tư không đúng cách, đúng chỗ thành ra cũng “sập tiệm”. Chuyện này cứ diễn ra thường xuyên ở những làng điệu. Ông Nguyễn Tấn Tài (thôn Đại Cát - Ninh Phụng) có con đi núi điệu, trúng được hơn 2kg kỳ nam (năm 1993) bán gần 115 triệu đồng cho biết: “Trúng nhiều nhưng chỉ xây được một gian nhà nhỏ, còn bao nhiêu sắm đồ đạc trong gia đình. Vậy mà bây giờ cũng bán hết rồi, chỉ còn lại gian nhà trống hoác. Mỗi lần con tôi lên núi, cả nhà lại lo lắng nhưng biết làm sao được, hết tiền rồi thì phải vào rừng mà tìm chứ sao…”

Bên cạnh những hiểm nguy, làm dân điệu là vi phạm nghiêm trọng đến chủ trương quản lý và bảo vệ rừng. Mỗi bước đi của dân điệu đồng nghĩa với hàng loạt cây dó đổ xuống gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, nạn hạn hán, lũ lụt. Từ khi rộ lên việc phá rừng tìm trầm, các ngành chức năng đã cố gắng ngăn chặn nhưng dân điệu có rất nhiều phương án đối phó tinh vi hơn để đi tìm và tận diệt đến những cây dó cuối cùng trên đại ngàn…

° HƯƠNG XƯA THEO VỀ

Sau những chuyến vượt đại ngàn, người đi tìm trầm lại trở về để xoi, xỉa và phân loại trầm hương.

Do sức tàn phá của con người mà rừng Khánh Hòa giờ đây không còn dễ gì tìm ra cây dó. Tôi được biết, những vùng nông thôn trong tỉnh, người dân chỉ mới bắt đầu “tập” trồng cây dó bầu để vừa khôi phục giống cây vừa khai thác kinh tế. Bước đầu, hiệu quả của cây dó trồng đã giúp nhiều người có cách nhìn mới về mô hình kinh tế này. Cách đây hơn tháng, tôi được chiêm ngưỡng những cây dó trồng đã 7 năm tuổi ở nhà “lão khùng” Lê Văn Kiểm (Đông Bắc - Đại Lãnh - Vạn Ninh) đang phát triển tốt, có khả năng tạo trầm. Anh Kiểm tâm sự: 10 năm đi khắp các cánh rừng để tìm trầm kỳ, cái chất trầm hương đã ăn sâu vào máu thịt của anh. Mùi thơm kỳ lạ của trầm hương đã cuốn hút anh theo đến tận lúc “rửa tay” từ giã dân điệu. Cái “máu trầm”, cái mùi thơm nồng cay quyến rũ của trầm cứ thôi thúc anh trồng cây dó. Người dân nơi đây ai cũng lắc đầu khi thấy anh mua trên 200 cây dó bầu đem trồng xen vào 3 ha vườn cây ăn quả của mình. Nhiều người xầm xì: “Thằng cha này không điên thì cũng khùng; không khùng chắc cũng mát mát”. Nhưng anh cứ bỏ ngoài tai, “Cơm ai người ấy ăn, việc ai người ấy làm”. Cây dó lớn đến đâu, anh lại phát quang cây ăn trái để nó phát triển tới đó. Bên cạnh đó, anh mày mò tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây dó bầu, cách thức ươm hạt, kỹ thuật cấy ghép tạo trầm, chỉ mong có ngày “hít thở” được hương trầm trên mảnh đất gia đình.

… Và vườn dó bầu của anh Kiểm đã bắt đầu cho quả. Anh mừng khấp khởi, ý định làm trang trại trồng và cung cấp giống cây dó bầu đầu tiên ở Khánh Hòa đã nảy ra trong anh. Lần đầu ươm hạt dó bầu, anh rất lo. Sáng nào anh cũng ra vườn, hết nhìn ngắm rồi lại chăm chú như muốn nghe được tiếng cựa mình của hạt, tiếng đội đất chui lên của mầm cây. “Trông hoài, sao mà nó lâu thế. Mình đã thực hiêïn đúng theo chỉ dẫn của sách, nhưng kết quả đi ngược lại với mong đợi? Sao tỉ lệ nảy mầm lại ít?” - Anh rầu rĩ đến không buồn ăn, trong lòng bứt rứt. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Không nản, anh quyết tâm làm và đã thành công với tỷ lệ nảy mầm trên 90%.

° GIẤC MƠ… VÀNG

Những năm 80 thế kỷ XX, Khánh Hòa có một số công trình nghiên cứu về cây dó bầu và chất liệu trầm hương nhưng không có sức lan tỏa lớn. Giờ đây, địa phương đã có định hướng rõ về cây dó nên một số lâm trường đưa cây dó vào trồng đại trà. Thậm chí, có lâm trường dành riêng một khu quy hoạch phát triển cây dó bầu như: vùng Sơn Tập (Đại Lãnh - Vạn Ninh). Nhiều địa phương đã đầu tư trồng dó bầu như: thị xã Cam Ranh ký kết với Công ty Fong San (TP. Hồ Chí Minh) đầu tư trồng mới 50 ha tại Cam Phước Tây. Được biết, một cây dó bầu đã cấy trầm ở tuổi thứ 5, có giá khoảng 3 triệu đồng. Mỗi hecta người dân sẽ thu khoảng 3 tỉ đồng (1.200 cây/ha). Còn cây dó không cấy ghép tạo trầm mà dùng làm bột giấy cao cấp và nhang xuất khẩu cũng được 500 ngàn đồng/cây. Nếu cây ở tuổi càng cao, lợi nhuận sẽ càng tăng lên. Còn thu hoạch trầm hương, tùy theo loại, có giá từ 200 USD/kg đến 4.000 USD/kg. Riêng kỳ nam dao động ở mức từ 30.000 - 35.000 USD/kg. Đây là tín hiệu vui cho trầm hương Khánh Hòa - vùng đất từ lâu đã được mệnh danh là “Xứ Trầm hương”…

Tôi nhớ, những dân điệu kỳ cựu đã ví: “Cây dó bầu giống như con trai tạo ngọc. Khi cây bị những vết thương thì cây sẽ tích tụ nhựa, lấy “máu” của cơ thể mình để bao bọc băng bó vết thương theo bản năng tự đề kháng. Theo thời gian, tinh túy của cây tích tụ dày thêm mà tạo ra trầm kỳ”. Rồi đây, tinh túy mà tạo hóa đã ban tặng cho Xứ Trầm hương sẽ được chắt lọc - chắt lọc từ trong kinh nghiệm theo từng bước đi, từng thời gian và từ sự vươn lên của người dân Khánh Hòa như chính hương thơm lan tỏa bất tận của trầm hương. Và, “Xứ Trầm hương”, tên gọi tưởng đã chìm khuất vào lãng quên giờ lại xao xuyến đối với mỗi người như những khúc tụng ca.

TIỀN PHƯƠNG

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang