• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ba Hạo đương thời...

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 22/01/2009
Ngày cập nhật: 23/1/2009

Tiếng tăm Ba Hạo vùng Hòn Đất trồng khoai lang giỏi làm giàu tiền tỉ vang xa cả nước. Nghe báo đài nói khá nhiều, nhưng ấn tượng nhất là những chuyện đời thường của Ba Hạo mà nghe qua tựa như cổ tích thời nay. Năm mới “Người đương thời” này toan tính sẽ trồng thêm nhiều giống khoai lang ngon ngắn ngày nhắm theo đơn đặt hàng nước ngoài.

NGÀY VUI GIỮA ĐỒNG

“Nín thở qua cầu... chầm chậm thôi, sang phải... trái”. Hai tài xế giỏi, kinh nghiệm tràn trề nhưng hôm nay gặp thử thách chẳng khác gì đi sát hạch thi tay lái. Hai chiếc Inova bò từ từ, nhích từng chút qua những cây cầu nhỏ hẹp, không có lan can và vừa ngám đủ hai làn bánh xe. Lần đầu tiên về nông trại Ba Hạo, ngồi xe máy lạnh mà ai nấy đều mướt mồ hôi. Cả hai đoàn khách không hẹn mà gặp: một đoàn do ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, đưa bốn nông dân ở Ba Rinh, huyện Kế Sách, đến tham quan trao đổi kinh nghiệm để đưa khoai lang về làm mô hình “2 lúa-1 màu”; còn một đoàn của Công ty Saota, một doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu nông thủy sản lớn ở Sóc Trăng, tới thương thảo đặt mua hàng. Xe khởi hành từ sớm, hơn 120km từ Cần Thơ về Long Xuyên rồi vào Thoại Sơn vòng qua đường lên núi Vọng Thê. Tới chân cầu Mướp Giăng rẽ về xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), chua nhất là đoạn đường đất đỏ chòng chành này dài hơn hai mươi cây số. Nhiều cầu mặt đan bê tông mỏng như lá lúa mà mỗi khi xe qua trông thật ú tim.

Đi độ hơn hai phần đường, xe dừng lại. Cánh đồng khoai Ba Hạo nằm sâu phía trong, bên kia bờ kênh. Đứng ở lộ bên này có thể thấy rõ mồn một nhánh kênh nhỏ chạy hút mắt vào đồng sâu. Thảo nào, nơi đây từng gắn liền với vùng khoai Sóc Xoài nổi tiếng miền Tây. Ở giữa vùng Tứ giác Long Xuyên này dân làm ruộng ai cũng quen nếm trải cảnh mùa khô nắng chang chang đỏ rực trên đầu. Còn mấy lúc vào mùa mưa dầm, mùa nước nổi là khắp cánh đồng tựa như một biển nước trắng xóa, mênh mông. Có người kể, vào mùa lũ nhờ mấy kênh dẫn nước từ sông Hậu xổ phèn thông thống đổ ra biển Tây, nên làng xóm Mỹ Hiệp Sơn nay khác xa trước nhiều. Nhà mái tôn mái ngói lấp lánh, yên vui, đầm ấm. Khung cảnh làm ăn rộn ràng với máy cày, máy xới và còn lưu giữ lại cả đàn trâu cổ mạnh mẽ hai mùa kéo cày, chở lúa, tải khoai quanh năm.

Mấy tuần liền ròng rã Ba Hạo bận túi bụi thu hoạch khoai mùa nghịch. Anh dẫn đường khách về qua điện thoại. Niềm nở tiếp đón khách, không chút cầu kỳ. Anh đưa khách xuống chiếc ghe máy nhỏ đi về nông trại xem khoai lang đang mùa thu hoạch. Chiếc ghe máy chạy tịch tang, chưa đầy mười phút trước mắt hiện rõ dần cả ba trại tập kết khoai còn nức mùi mới vỡ được dựng dã chiến. Trại nào cũng đầy ắp toàn khoai lang. Cạnh đó, phía bờ kênh những chiếc ghe khẳm lừ đang ăn hàng. Tiếng cười nói rộn rã nghe rõ dần, thật vui tai. Có tới đây mới biết bà con khen Ba Hạo trồng khoai mùa nghịch giỏi quả chẳng sai! Cả một vùng trồng khoai rộng hơn 50 ha an toàn trong vòng đê bao chẳng lo gì nước lũ.

Mùa khoai năm nay khác mấy năm qua, mãi tới nước no đồng sắp rút, gió Nam dịu ngọn và hơi hớm gió chướng bắt đầu phảng phất, vậy mà Ba Hạo vẫn còn vỡ khoai rải vụ mới được hơn phân nửa cánh đồng.

Tôi thắc mắc:

- Vì sao vậy anh Ba ?

Ba Hạo cười hiền, nói:

- Sau mùa khoai chính vụ từ tháng hai tới tháng sáu trúng giá 5.000-6.000 đồng/kg, thì khoai mùa nghịch nối tiếp tới tháng mười thu hoạch có giá hơn. Nhưng bất ngờ năm nay có chút khác lạ, thị trường xuất khoai sang Trung Quốc hơi lượng sượng, giá giảm 2.000 đồng/kg. Nhưng chẳng nhằm nhò gì, vẫn lãi được hơn 2 tỉ đồng vụ này.

KHÚC THĂNG TRẦM...

Có lẽ nhờ bắt trúng mạch thị trường mà Ba Hạo mỗi năm thu lãi tiền tỉ ngon ơ. Vậy chớ ngẫm lại sự đời đâu phải con đường nào cũng bằng phẳng êm xuôi. Nông dân trồng khoai xưa nay ngán nhứt hạng là khoai lang sùng do bọ hà gây hại. Bệnh rất khó trị, không ít nhà nông bó tay, bỏ cuộc.

Xế trưa, nắng đứng bóng. Hơi nóng hừng hực tràn từ mặt sân ùa vào hiên nhà. Hớp ngụm trà, Ba Hạo đưa mắt nhìn ra cánh đồng xa xa, trầm ngâm nhớ lại: “Đó là dạo khởi đầu gian nan, cực trần thân. Nhiều đêm không ngủ được. Hơn hai mươi năm trước tôi rời quê Đông Hưng (Thái Bình) đi bộ đội. Tới năm 1984 xuất ngũ và trong một lần về thăm người chị ở vùng này rồi như đất níu chân. Nhưng hồi giã từ áo lính, học hành mới lớp 7, không nghề nghiệp, biết làm gì ? Cũng nhờ khỏe khoắn nên làm mướn kiếm sống. Ai mướn gì làm nấy, hết mùa không ai mướn thì mót lúa kiếm ăn. Thắt ngặt là lúc ốm đau không tiền mua thuốc. May nhờ về sau làm mướn cho một chủ trồng dưa hấu, được chủ thương, lần dò học nghề, tích lũy chút ít vốn xin ra làm riêng và sau này mua đất gầy dựng cơ nghiệp”.

Chuyện Ba Hạo kéo dài bao nỗi thăng trầm. Qua mấy mùa dưa đầu trúng đậm như trời cho, tưởng ngon ăn thì cũng là lúc mầm dịch bệnh, sâu hại lâu ngày tích tụ chờ dịp bộc phát. Đó là mùa dưa hấu nhớ đời, 3 ha dưa đang xanh tốt cho trái những tưởng lời to, nào ngờ gần tới ngày thu hoạch thì sâu bệnh tấn công gần như mất trắng. “Buồn não nuột, nhưng nếu nản chí sẽ chẳng mấy chốc thối lui trở lại đời làm thuê ở mướn. Nhất định không thể làm ăn theo kiểu “hên-xui”, nông dân phải có kiến thức mới làm ăn nước bền...”. Nghĩ vậy, bước ngoặt từ đây thôi thúc Ba Hạo lên đường “tầm sư”.

Ba Hạo kể, nhờ thói quen hồi đi làm mướn, hễ rảnh là đọc sách, sách nào dạy làm người, có chí lập thân và mê nhất là nói về khoa học. Vì vậy, sau này “sinh viên” Ba Hạo dễ bắt nhịp khi đến Khoa nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ “thọ giáo” với các thầy Minh, thầy Vệ, thầy Huỳnh, cô Nghiêm, cô Ba... Thầy cô nào cũng thương người học trò nông dân cần mẫn, chỉ dẫn tận tình. Rồi từ Cần Thơ có dịp về TPHCM, Ba Hạo tìm tới các thầy ở Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia, Đại học Nông Lâm TPHCM. Cách ăn nói từ tốn, thiệt thà, chịu khó học hỏi của anh nông dân có gương mặt tròn trịa, màu da bánh mật đã trở nên thân quen với những “địa chỉ tin cậy” này.

Thế rồi như bắt được “bí kíp”, từ trồng dưa hấu sau chuyển hướng sang trồng khoai lang. Cứ thế, hễ chạm tới thứ sâu bệnh nào phá hoại mùa màng, khó đến mấy Ba Hạo cũng tìm ra cách trị. Kể cả bọ hà đã có cách dẫn dụ nên những mùa khoai nối tiếp xanh mượt. Nhiều giống khoai cho năng suất 30-45 tấn/ha, vượt gần gấp đôi cái ngưỡng ngày nào.

“Nhưng không có khoai lang Ba Hạo đâu nghen, tôi hiện lưu giữ hơn mười mấy giống khoai: bí đường xanh, bí đỏ, khoai nghệ, khoai mật, khoai sữa Tàu Ngạn, tím Nhật, Ben Ni Azu Ma... Doanh nghiệp thích sản phẩm nào đặt hàng, tôi sẵn sàng đáp ứng” - Ba Hạo hóm hỉnh.

KHOAI LANG LÊN ĐỜI

Khoai lang hồi xưa ở quê thường cho là của dân nghèo. Thất mùa mới cậy tới khoai! Con nhà nghèo thiếu ăn, ăn cơm độn khoai là chuyện thường ngày. Mà hồi đó nhà nghèo nào biết trong củ khoai có nhiều chất bổ như bây giờ. Nay mới biết nào đủ thứ khoáng chất, chất xơ và nhiều vitamin E, A, C, B6... có lợi cho sức khỏe, phòng được nhiều bệnh tật. Bởi vậy khoai lang bây giờ lên đời, có giá, nhà giàu cũng “khoái ăn sang” (sáng ăn khoai) như mọi người. Kể cả dân Nhật, châu Âu năm nào cũng nhập khẩu khoai lang. Dân Trung Quốc còn nói khoái nhất là canh sườn heo nấu với khoai lang tím. Giống khoai đặc sản vỏ tím, ruột tím nấu thành món thì mùi thơm bốc lên ngào ngạt, hấp dẫn vô cùng.

Một trại tập kết khoai lang vừa thu hoạch. Ảnh: H.Đ

Khi bàn vô chuyện làm ăn, phía doanh nghiệp Saota Sóc Trăng thăm dò: - Thực lực sản xuất của nông trại Ba Hạo hiện cung ứng tới cỡ nào?

Ba Hạo chào hàng: - 55ha/vụ, một năm 2 vụ khả năng cung ứng hơn 3.000 tấn. Qui cách khoai bóng đẹp, cỡ từ 500g một củ trở lên. Thật ra trong cung cách làm ăn bán hàng số lượng lớn lâu nay Ba Hạo đã quen. Chỉ chiều theo thị hiếu tiêu dùng mỗi nước khác nhau và thay đổi sau vài năm sau đó. Ba Hạo thú thiệt: “Đường đi của tôi chẳng giấu bí quyết gì với bà con nông dân mình. Tôi trồng khoai trúng, khá giả lên, rồi mở website ww.khoailangbahao.com.vn cũng chẳng phải lấy tiếng cho oai hay chỉ trông vào chào bán sản phẩm ra thế giới. Trang Web còn là diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm với bà con nông dân gần xa. Nào là dùng mùi thuốc lá phun diệt sâu vẽ bùa, kinh nghiệm diệt chuột, cách dẫn dụ bọ hà... Bởi tính ra xem cả Sóc Xoài- Mỹ Hiệp Sơn này chỉ có hơn 400 ha trồng khoai lang. Thêm vùng Bình Tân (Vĩnh Long) lớn nhất miền Tây khoảng 4.000ha. Chẳng nhằm nhò gì, theo FAO (Tổ chức Lương nông quốc tế) năm 2004 sản lượng khoai lang cả thế giới có 127 triệu tấn, trong đó Trung Quốc 105 triệu tấn, chiếm hơn 80%. Trong khi ĐBSCL chỉ chừng 1,3 triệu tấn ! Nhưng biết đâu, lợi thế đất lúa làm khoai, thời tiết dễ thích nghi..., khi thị trường xuất khẩu bung ra mạnh thêm, thì việc mở rộng diện tích trồng khoai lang đâu phải là chuyện khó khăn gì với nông dân ở nhiều tỉnh đồng bằng...”.

“Khoai đất lạ, mạ ruộng quen...”. Trên vùng đất mới, khoai lang lên đời, Ba Hạo cũng lên đời. Nhưng của cải, nhà cửa Ba Hạo nói là để cho con học hành. Còn vợ chồng anh vẫn ở căn nhà ba gian ngày nào giữa đồng. Nơi mát dịu một gian phòng nhỏ đầy sách, có máy tính, có kính hiển vi... và một xưởng cơ khí nhỏ với giấc mơ ấp ủ cơ giới hóa 100% các công đoạn trồng khoai trên đất này trong nay mai.

“Không ngừng học hỏi và không lùi bước trước khó khăn...”, với triết lý sống mà Ba Hạo tâm niệm và kinh nghiệm thực tiễn đã qua, tôi tin rằng giấc mơ của anh và triển vọng nghề trồng khoai xuất khẩu ở đồng bằng rồi đây sẽ trở thành hiện thực.

Hữu Đức

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang