• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện về hai ông "nông dân" thời đại mới

Nguồn tin: ND, 8/11/2004
Ngày cập nhật: 8/11/2004

Hai người làm nghề buôn phụ tùng xe máy, cóp tiền sang Thái-lan xem Tiger Cup rồi dùng "khổ nhục kế" học lỏm nghề của bạn. Đến một ngày, họ táo bạo thế chấp tài sản, lập trang trại, mời chuyên gia Thái-lan, Malaysia về làm "công nhân kỹ thuật" với mức lương 2.000 - 3.000 USD/tháng. Nay, họ đã có 5ha trang trại, với số vốn kinh doanh khoảng 7 tỷ đồng.

"Khổ nhục kế" bên xứ người

Anh Hồ Quang Sắc sinh năm 1959, người gốc xã Thạch Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Học xong trung cấp vẽ bản đồ, anh đôn đáo chạy ra buôn phụ tùng xe máy rồi cùng với anh Đặng Ngọc Lý, vốn là bạn cùng quê, mở một công ty trách nhiệm hữu hạn với số vốn cỏn con tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Dạo Tiger Cup được tổ chức ở Thái-lan cách đây vài năm, hai anh em cùng bạn bè mỗi người bỏ ra 5 triệu đồng sang Thái-lan xem bóng đá tận mắt cho oách (thay vì xem ti vi như... người khác). Sang đó, vô tình gặp gỡ Việt kiều, có người bảo: "Các chú có muốn đi thăm các mô hình kinh tế của Thái-lan không, hay lắm". Anh em tò mò bảo: "Đi thì đi". Thế là đóng giả người Thái đi xem, ngó đủ trang trại bò sữa, cá sấu, lợn siêu nạc, ba ba, ếch, rùa, rắn... Đặc sản gì cũng thấy họ nuôi rồi bán cả tạ cả tấn như không ấy. Đêm về, anh Lý buột miệng: "Các trang trại ở Việt Nam có khi 50 năm nữa mới tiến kịp người Thái". Anh Sắc lẩm bẩm: "Sao mình không học tập họ nhỉ?".

Thế là công việc "học lỏm công nghệ" của hai anh "nông dân" tinh ranh bắt đầu. Anh em Việt kiều bảo nhiều người Việt Nam đi tham quan mô hình của Thái-lan toàn đi tàu bay rồi vào khách sạn ở lỳ, cũng xuống ngó nghiêng qua quít mấy khu trang trại mà người ta bố trí đón tiếp sẵn. Đi như thế thì chẳng ai người ta hở cho tí bí quyết độc đáo nào cả. Phải "xông vào hang bắt cọp thôi", anh em tính kế hoãn binh, về nước rồi... tính. Sau một tháng nung nấu ý chí, hai anh em mua vé máy bay đi từ Nội Bài sang Băng-cốc, đóng giả người Thái đi ôtô 200km nữa đến một khu trang trại, đăng ký xin làm công nhân phục vụ. Lương bao nhiêu cũng được. Họ làm thuê khắp 10 tỉnh, hết tỉnh này đến tỉnh khác, mỗi ngày làm quần quật 12 tiếng đồng hồ. Anh Lý bảo: "Họ trả lương 100USD/tháng, tôi nhận, mà làm không lương tôi cũng OK. Dần dần, tôi nói được tiếng Thái, và cũng chơi với các đại lý gây tảo ở bên đó (cấy tảo phục vụ cho kỹ thuật chăm sóc ao ba ba) để lấy manh mối". Anh Sắc góp lời: "Nếu tính tiền "mua" công nghệ này thì chúng tôi phải bỏ ra cả tiền tỷ chứ chẳng ít đâu. Mỗi thằng bọn tôi có hai căn nhà đều đem thế chấp ngân hàng hết để vay tiền cơ mà. Trong mấy tháng mà anh em tôi mỗi người đóng hết hai quyển hộ chiếu để... "đi Tây" liên tục. Thoắt cái lại ra Nội Bài đi "tàu bay", anh nào cũng xách ca táp nghiêm chỉnh, đến nỗi bao nhiêu người đồn thổi anh em chúng tôi đi buôn ma túy, làm "trang trại ma túy" thì bỗng chốc mới giàu có, lên xe xuống ngựa thế chứ. Bọn tôi làm thuê rất... nỗ lực, tôi nói tiếng Thái đến mức khi tiếp tục sang Malaysia, sang Singapore "học mót", chẳng cần người phiên dịch sang tiếng Việt. Anh em cứ bảo tôi là người Thái".

Nhưng, kiến thức chuyên ngành đã bập bõm; lại thêm lần đầu tiên phấn đấu nuôi cái con đặc sản đắt đỏ và khó tính như ba ba ngoại ở Việt Nam quả là không đơn giản chút nào. Cả chục năm qua, bà con ở Hải Dương, Thanh Hóa... lúc nào cũng nỗ lực làm giàu nhờ nuôi ba ba thương phẩm nhưng thu nhập vẫn cứ phập phù còm cõi. Hai người bàn nhau, hay là ta mời chuyên gia Thái-lan, Malaysia về Hà Tĩnh để họ tập huấn kỹ thuật cho một thời gian. Giá thuê chuyên gia nước ngoài về tận quê mình nuôi ếch, nuôi ba ba (những cái con đã quá lam lũ với đồng đất Việt Nam rồi) quả là đắt đỏ và hình như cũng chưa thấy ai nói tới "ý tưởng" này bao giờ, hai anh lo lắm. Nhưng không mạo hiểm sao làm được việc lớn? "Nhưng - anh Lý nhấn mạnh - kinh doanh không thể là một canh bạc được, sự táo bạo nào cũng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình, phải biết mình, biết ta". Đầu tiên, họ đem mẫu đất mẫu nước vùng ven thị xã Hà Tĩnh lên Viện Thủy sản nhờ người ta xét nghiệm xem có phù hợp với cái anh ba ba Thái-lan không. Tốt, yếu tố "địa lợi" thế này là ủng hộ mình rồi. Tiếp theo là thuê luôn 5.000m2 đất của bà con làm trang trại, mỗi sào trả người ta số tiền trị giá 360kg/thóc/năm.

Đau đầu nhất vẫn là khâu thuê chuyên gia, với giá 45 triệu đồng tiền lương/tháng, thuê hai ông hẳn hoi. Rồi lại quyết định cắn răng bỏ 700 triệu đồng, mua một lúc 1.000 con ba ba giống đem từ Thái-lan về Việt Nam bằng đường hàng không! Phải thành lập một công ty đàng hoàng, thôi thì sẵn tên ba anh em Lý, Thanh, Sắc đoàn kết góp cổ phần với nhau thì đặt là Công ty cổ phần Lý - Thanh - Sắc. Công ty ra đời vào ngày 15-2-2001, trụ sở nuôi ba ba đặt tại vùng ruộng trù phú của xóm Văn Phú, xã Thạch Phú, thị xã Hà Tĩnh. Những thông tin táo tợn này khiến nhiều người, trong đó có cả vợ con các anh cũng... hoảng hồn. Thật sự khó có ai tin họ sẽ thành công. Thậm chí khi doanh thu của Công ty lên tới sáu tỷ vào năm 2003 và tháng 11-2004 này, hai anh Lý, Sắc đã lãi ròng tiền tỷ với 10 nghìn con ba ba bố mẹ giống gốc, và đã bỏ một lúc tới bảy tỷ đồng đầu tư nuôi ba ba và ếch (theo như lời họ công bố) mà nhiều người vẫn còn... nghi ngờ.

Việc lăn lộn ghi chép "đánh cắp" công nghệ của hai anh Lý - Sắc đã là một kỳ công. Nhưng khó vậy, vẫn chưa bằng ý tưởng thuê người Thái-lan, người Malaysia về làm trang trại cho mình. Ngồi trong chiếc xe ôtô biển số của Lào, anh Sắc bấm máy di động nói tiếng Thái với mấy ông chuyên gia tận bên Thái-lan cứ lem lém. Anh còn gạ tôi: "Nếu biết nói tiếng Thái thì chú làm vài câu với ông Manak cho đúng người thật việc thật". Hai ông ấy, theo tài liệu giới thiệu của công ty là: "Chuyên gia Thái-lan, Mr. Manak và chuyên gia Malaysia Mr. Vel Anh Sắc kể: ông ăn lương cao nhất 3.000USD/tháng (không biết có "thường dân" nào dám trả lương cho người "làm thuê" cho mình cao như thế bao giờ chưa?), anh em chỉ dám thuê khoảng... sáu tháng, kẻo "không chịu được nhiệt". Có ông lấy giá rẻ hơn thì lại không giỏi bằng, thôi thì tiền nào của ấy. Trong số các chuyên gia mà hai anh đã "mời", họ nể lắm, họ chỉ trợ giúp kỹ thuật "chỗ anh em với nhau thôi" - thế mà lương đã "rát ruột" vậy đấy. Đó là chưa kể, nhiều khi, điều kiện chuồng ao, trang trại chỗ ở các anh kém quá, bác "chuyên gia nước ngoài" yêu cầu phải ở khách sạn đầy đủ tiện nghi làm anh em cũng... méo mặt. Nói chung, người Việt Nam thuê người nước ngoài làm công cho mình, từ thượng cổ đến giờ, lúc nào cũng là việc hiếm có.

Những anh nông dân với khát vọng làm khoa học và... trợ giúp bà con cả nước làm kinh tế trang trại

Lúc đầu sự mày mò làm kinh tế của hai anh nông dân Lý, Sắc có lẽ chỉ với mục đích kiếm sống, rồi làm giàu cho gia đình. Nhưng bây giờ thì cũng chưa hẳn thế, vì mấy năm qua, anh em chưa thu một đồng nào bỏ túi cả, lãi mẹ đẻ lãi con bao nhiêu họ nhất tề đầu tư vào vườn ao chuồng trại và con giống hết. "Mỡ nó rán nó", làm cho nó ra vấn đề, làm như một sự hiếu thắng, họ bảo thế. Đặc biệt, họ đang kỳ vọng vào sự cất cánh "siêu tốc" trong việc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho bà con nông dân từ con... ếch nhập tận Thái-lan.

Còn hai anh Lý, Sắc thì cũng quân tử, cũng sòng phẳng lắm. Trả lời báo chí, anh Lý khoát tay rất nông dân: "Tôi là nông dân, tôi làm thật, tôi lội ao cho ba ba, cho ếch ăn thật, cấm có ai lòe được tôi, cấm có ai nói dối tôi điều gì". Anh nói thật đến mức mấy vị giáo sư, mấy chuyên gia sinh vật, sinh học ngoài Hà Nội vào tận khu trang trại của anh để nghiên cứu. Với anh Lý, những thông tin thiếu khách quan và mang tính... quảng cáo cho mấy ông kinh doanh con giống làm hại người nuôi ba ba gần đây trên tờ báo X. (anh cầm trong tay) là rất thiếu lương tâm. Người ta bảo, chỉ nuôi 4-5 tháng là ba ba cho "thu hoạch", thế là nói càn. Anh lấy giống ba ba gốc bố mẹ từ Thái-lan về, mà cũng phải nuôi hơn một năm trời cơ mà. Họ chỉ bù lu, bù loa quảng cáo cốt bán giống thu lời rồi sống chết mặc bay.

Anh Lý đã tuyên bố: "Doanh thu của chúng tôi năm 2003 là khoảng sáu tỷ đồng, riêng số ba ba thịt bán ra thị trường là khoảng 25 tấn, số ba ba giống là 150 nghìn con. Và, dự kiến chúng tôi sẽ có một "cỗ máy" sản xuất ếch giống bán cho bà con nông dân cả nước với "công suất" 10 triệu con/năm".

Thật ra thì "nguyên lý" làm ăn của họ nhiều người có thể làm được. Giống ba ba giúp các anh ăn nên làm ra là ba ba hoa F1 gốc ở xứ Đài Loan, nó đã được người Thái-lan và Malaysia sử dụng và phát triển. Việt Nam chưa có và chưa nhân nuôi được giống này. Thế là hai anh Lý, Sắc đem tiền sang các nước "đạo chích" bí quyết rồi bỏ tiền nhập giống gốc về, cứ thế xây ao hồ, thuê chuyên gia làm cho ba ba đẻ tại nhà mình rồi nuôi lớn bán cho bà con cả nước. Đơn giản đến... nông dân như thế thôi. Mục đích là làm ra sản phẩm hàng hóa, làm giàu cho mình, rồi giúp bà con mình, cái việc dò dẫm đi học lỏm kiểu ấy, thực đáng khen ngợi. Bản thân các anh Lý, Sắc bây giờ cũng không giấu "bí quyết" thành công này làm gì. Vấn đề là ở chỗ, chẳng mấy ai chịu lăn lộn đầu tư mày mò được đủ công nghệ để làm thành công như họ.

Tại nhiều trang trại nuôi ba ba, ếch thương phẩm, vì không khắc phục được vấn đề con bố mẹ là giống tốt, nên con con đẻ ra bé, yếu và chậm lớn là điều dễ hiểu. Theo nhiều chuyên gia, trang trại ba ba của Công ty cổ phần Lý - Thanh - Sắc là trang trại ba ba lớn nhất miền bắc. Với cả 10 nghìn con ba ba bố mẹ, bây giờ, trung bình mỗi ngày họ xuất cho thị trường Hà Nội, Thanh Hóa... vài tấn ba ba thương phẩm. Mấy chục tỉnh thành, bà con đã sử dụng con giống của công ty này. Họ đã cung cấp hàng nghìn bộ tài liệu do chính họ viết về kỹ thuật nuôi ba ba, nuôi ếch "siêu lợi nhuận" phục vụ hàng vạn người đến tham quan, học hỏi. Trong tài liệu giới thiệu đó, Ban giám đốc công ty cũng nói rất sòng phẳng: "Dự kiến năm 2004, doanh thu của chúng tôi sẽ đạt bảy tỷ đồng". Công thức họ đưa ra cho bà con nông dân cũng rất cởi mở, với thời gian nuôi từ 12 đến 15 tháng, 100 con ba ba được nuôi trên diện tích 30m2 mặt hồ làm đúng quy cách và công nghệ của Lý - Thanh - Sắc, bà con sẽ thu lãi ròng 10 triệu đồng/năm. Một hồ lãi 10 triệu đồng, họ còn chua thêm rất kỳ diệu và hấp dẫn, "một công nhân có thể chăm sóc được 40 hồ như thế". Đấy họ nói như thế, họ lên hẳn VTV2 - Truyền hình Việt Nam hướng dẫn bà con cách chọn giống ba ba đàng hoàng, sòng phẳng (Cố vấn chương trình là ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký ngành Sinh vật Việt Nam). Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư quốc gia, GS Võ Quý và ông Nguyễn Lân Hùng... đều đã về tìm hiểu và công nhận sự thành công của mô hình trang trại Lý - Thanh - Sắc. Các "gã" nông dân đi nước ngoài học nghề trang trại còn cấp giống rồi bao tiêu luôn sản phẩm cho nhiều bà con trong khu vực.

Sau thời gian "du học" ở Thái-lan, anh Sắc thấy tâm đắc nhiều thứ. Tâm đắc khi nhìn mấy bà chủ nhỏ nhắn mà lúc nào cũng có hai cái điện thoại ốp hai bên tai điều hành công việc cứ nhoay nhoáy. Lại thêm mấy ông xắn quần móng lợn nuôi ếch, nuôi ba ba mà có tiền thả đàn con sang tận châu Âu, sang Mỹ du học, con trai có bằng đại học do Hoa Kỳ cấp rồi vẫn chưa cho đi làm, vẫn bắt phải học tiếp.

Anh Lý cười phơ lớ, cái cười của người nông dân được mùa. Cá nhân tôi, nghe các chuyên gia tán tụng và giới thiệu về sự thành đạt khá ly kỳ của bộ ba Lý - Thanh - Sắc thì tôi tò mò đến xem thôi. Chứ chuyện doanh nhân tôi mù tịt. Cả đàn ba ba, đàn ếch nhập ngoại nhút nhát hàng chục nghìn con trong ao hồ của họ tôi cũng không mò xuống mà đếm được. Đơn giản là tôi thích cái máu ngâm bùn, lội ruộng, ngang tàng vạm vỡ, nói tiếng Thái như gió, "đi Tây" như cơm bữa để "trộm nghề" chưa từng có của họ.

An ninh thế giới

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang