• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Thần Nông" trên đỉnh Phìn Ngan

Nguồn tin: LĐ, 19/05/2008
Ngày cập nhật: 21/5/2008

Một mình lên núi, chỉ với chiếc xà beng phá đá, cuốc bàn và chiếc xẻng xúc đơn sơ, ròng rã sáu tháng trời kiên trì bạt núi, đào con mương dài 3,7km, dẫn nước về làm ruộng, quyết tâm cấy bằng được cây lúa nước, để mình và dân bản không phải phát rừng làm nương, không phải di canh di cư kiếm cái ăn cực khổ nữa, ông được bà con nơi đây khâm phục, quý trọng, gọi là "thần nông" núi Ngan.

Phút giải lao của ông Phàn Phù Lìn.

Khơi dòng "nước bạc, nước vàng"

Con đường núi liên tục cua tay áo, vút ngược lên cao rồi bất ngờ đổ dốc gập ghềnh, trơn nhẫy. Chiếc xe máy phân khối lớn gầm gào phụt khói, sau hơn một tiếng đồng hồ mới "nuốt" nổi quãng đường chỉ ngót 5 cây số, đưa chúng tôi đến nhà "thần nông" Phàn Phù Lìn, ẩn dưới tán những cây ngoã xanh sẫm như chiếc ô khổng lồ ngang lưng núi Khe Mềnh, ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Trên đỉnh Phìn Ngan chót vót, lởm chởm đá sắc, ù ù gió thốc, con mương sừng sững như con trăn khổng lồ uốn lượn, dẫn dòng "nước bạc, nước vàng" từ Khe Mềnh đổ tưới cho cả triền đồi ruộng bậc thang lưng chừng trời, rộng hơn 20ha, đang mùa làm đất, sáng lấp lánh trong nắng trưa. Đúng là một kỳ tích!

Ý định làm ruộng cấy lúa nước trên núi Ngan nảy lên trong đầu ông Lìn khi thấy những cánh rừng liên tục bị phát đốt nham nhở, tan hoang, bởi tập quán phá rừng làm nương đã kéo dài hàng bao đời nay của người Dao. Khi ấy, thôn Phìn Ngan chỉ có 21 hộ gia đình, với hơn 100 khẩu, nhưng bình quân mỗi hộ phải có 0,5ha đất để trỉa lúa nương, thì mới có cái ăn.

Tổng cộng cả bản phát trụi đốt trắng mất hơn 10ha rừng, mà "tháng ba ngày tám" giáp hạt vẫn đói, bởi vì canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, năm được mùa năm mất, năng suất rất thấp, vì không thể thâm canh được. Cứ vài ba vụ, đất nương cũ bạc màu, người ta lại phải phát nương mới, rừng cứ lùi xa bỏ lại đất bị xói mòn trơ trụi, tiềm ẩn lũ ống, sạt lở đất gây chết người.

Nhiều đêm ông Lìn nằm vắt tay lên trán nghĩ, đến khi hết rừng, người Dao mình sẽ sống ra sao? Là trưởng ban lâm nghiệp xã, ông cảm thấy xót xa, có lỗi với rừng, với bà con, càng nung nấu tìm cách làm ruộng nước. Hướng đi đã rõ, nhưng bắt tay vào làm thì gặp bao nhiêu cái khó. Tập quán và thói quen sản xuất lạc hậu kéo dài, khiến chẳng ai tin làm được ruộng, cấy được cây lúa trên đỉnh núi sương phủ gió gào này.

Ông bảo: "Nước Khe Mềnh chảy phí quá, mình phải đào mương dẫn nước về làm ruộng bậc thang như người Hà Nhì trên Ý Tý, học cách người Kinh dưới vùng thấp cấy lúa nước thì mới không lo đói". Vợ ông tròn mắt: "Khe nước ở xa nửa ngày đường, cây cối rậm rịt, đá cứng như sắt, một mình ông làm, đến bao giờ xong?". Ông nói chắc như đinh đóng cột: "Người Dao mình có câu: Khắc làm thì khắc đến thôi. Vợ chồng mình làm trước, rồi mọi người sẽ giúp mà, không lo đâu".

Năm 1987, đúng lúc Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân làm chủ, ông Lìn khăn gói lên đỉnh Khe Mềnh bổ nhát cuốc đầu tiên đào mương dẫn nước làm ruộng cấy lúa. Không quản nắng mưa, giá rét, đào đá toé máu chân, đánh gốc cây rừng đến tuột da tay, ăn cơm nắm độn ngô với muối rang, rau rừng, quyết khơi thông nguồn "nước bạc, nước vàng" trên núi cao về làm ruộng.

Ông Phàn Phù Lìn và những phần thưởng được trao tặng.

Cảm phục ý chí, nghị lực của ông, nhiều người dân trong bản đã đến giúp. Ròng rã nửa năm trời thì con mương dài 3,7km hoàn thành, dòng nước bạc lấp lánh đổ xuống trong niềm vui khôn xiết của vợ chồng ông và mọi người. Có nước, ông san đất mở ruộng bậc thang ngang triền núi dốc, có mảnh ruộng chỉ rộng bằng một đường bừa, nhưng đó là kết quả của một cách nghĩ, cách làm táo bạo, phá tan cái lạc hậu, bảo thủ ngàn đời, trói buộc người Dao thôn Phìn Ngan trong vòng "kim cô" nghèo đói. Ba hécta ruộng bậc thang đỏ tươi màu đất mới trên đỉnh Phìn Ngan như dấu ấn của ông Lìn đã trị thuỷ thành công con suối Khe Mềnh, bắt nguồn nước bạc làm ra hạt thóc vàng, đem no ấm đến cho người Phìn Ngan.

"Thần nông" trồng lúa

"Thế nhưng vụ đầu tiên mình bị thất bại" - ông Lìn hồi tưởng. "Đất thịt mới đào lên chưa ngấu, lại không có phân bón nên cây lúa chỉ bằng cái đuôi con chó còi, mất bao công sức mà không thu được một hạt thóc nào. Đau quá!". Nhìn ông thơ thẩn trong đám ruộng, có người bảo tại làm ngược ý "Ngoải Lùng" (ông trời, tiếng Dao) nên bị trời phạt; vợ con thì lâm vào cảnh đói, phải kiếm rau rừng ăn trừ bữa.

Công sức bỏ ra không tiếc, nhưng ông lo thất bại sẽ làm mất niềm tin trong dân bản. "Mình đã làm đầu tiên thì phải làm tới cùng, không được để mọi người nghi ngờ. Mất niềm tin là mất tất cả, không ai nghe mình, không ai dám làm nữa thì bao giờ người Dao mình mới thoát đói khổ" - ông bảo vợ như thế và bỏ ngoài tai những lời xì xầm ong ve, kiên trì cày phơi ải đất, cặm cụi nhặt phân trâu bò rơi vãi khắp bản về ủ mục, rồi đeo gùi lên tận vùng Ý Tý xa xôi mua phân đạm về học cách bón cho lúa.

Vụ tiếp đó thắng lớn, lúa chín cong cần câu, vàng rực một góc rừng. Bà con kéo đến xem như đi hội. Người đã trót nói lời "không phải" năm trước, bước xuống tận ruộng, sờ vào bông lúa xem có thật chắc mẩy không, rồi rơi nước mắt nói lời xin lỗi. Nhà đó rất nghèo, vì đông con, thu hoạch lúa xong, ông mang tặng một bao thóc đầy và bày cách làm ruộng bậc thang để thoát đói nghèo. Cái nghĩa tình ấy ở ông khiến người ta không bao giờ quên và quyết vượt lên hoàn cảnh, tập tục lạc hậu, trở thành một trong những tấm gương sản xuất giỏi sau này của bản. Cái tên ông Lìn "thần nông" cũng ra đời từ đận ấy...

Từ thành công của mình, ông Lìn vận động bà con trong bản không phát rừng nữa, nhà nọ giúp nhà kia san nương cũ bạc màu thành ruộng bậc thang, riêng ông đảm nhiệm việc điều phối chia nước miễn phí cho tất cả mọi người cùng làm ruộng. Được khuyến nông tỉnh và huyện tập huấn, giúp đỡ tài liệu, ông cùng người con trai trưởng Phàn Sì Siểu, đến từng nhà vận động bà con cấy giống mới năng suất cao, chống thả rông gia súc, nuôi nhốt để lấy phân thâm canh lúa.

Việc làm của ông Lìn có sức thuyết phục, lan toả rất lớn; đồng bào Dao ở bản Phìn Ngan tin tưởng và tích cực làm theo. Được Nhà nước đầu tư theo Chương trình 135 làm thêm hai con mương nữa để tưới tiêu hiệu quả hơn, cả một vùng đồi nương hoang hoá, trơ trọc đã biến thành 21ha ruộng nước xanh tốt, năng suất đạt hơn 4 tấn/ha, dư thừa lương thực cho 63 hộ gia đình người Dao nơi đây.

Cùng dân bản làm giàu

An cư lạc nghiệp, người Phìn Ngan chấm dứt cảnh di canh di cư, đề ra hương ước cùng nhau bảo vệ rừng đầu nguồn như giữ tài sản quý của mình, để có nước sản xuất. Đủ cái ăn, ông "thần nông" lại tính chuyện làm giàu. Ông lặn lội lên vùng Dền Sáng, Ngải Thầu lấy giống thảo quả là một loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, đem về trồng dưới tán rừng Phìn Ngan. Không phụ công người, cây thảo quả phát triển rất nhanh, đem lại nguồn thu lớn, một cân quả khô trị giá ngang 20 cân thóc, trồng 1ha thảo quả (sau hai năm cho thu hoạch) vừa giữ được rừng, vừa cho thu nhập 60-80 triệu đồng/năm.

Ông Lìn giúp bà con cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cách đắp lò sơ chế, hình thành nên vùng thảo quả hàng hoá rộng hơn chục hécta dưới tán rừng, mỗi năm đem về cho người dân gần chục tỉ đồng. Nhà nào ở Phìn Ngan cũng có thảo quả, ít thì vài trăm, nhiều thì vài nghìn gốc. Nhiều gia đình thu hoạch trên dưới 1 tấn quả khô/vụ, trị giá từ 80-100 triệu đồng, như ông Tẩn Sìn Hiển, Tẩn Đức Thìn, Chảo Chỉn Seng... Ông Lìn còn vận động nhân dân khoanh vùng trồng cỏ voi, chăn nuôi trâu, dê vốn là thế mạnh của miền núi.

Ở Phìn Ngan hôm nay, cái đói đã lùi xa, rừng xanh tươi trở lại. Ngày trước, người ít mà vẫn nghèo đói, bây giờ bản có 63 hộ, không còn hộ đói, nhiều hộ giàu: Có tivi, xe máy, thuỷ điện thắp sáng; không có tệ nạn xã hội; mọi người đoàn kết thương yêu nhau cùng làm ăn tấn tới. Cuộc sống mới đã thực sự đến với người Phìn Ngan, trong đó có công sức đóng góp của "thần nông" Phàn Phù Lìn. Ơ tuổi 66, hiện nay ông vẫn tham gia công việc chung, là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Ông còn là tấm gương sáng về nuôi dạy con cái, gìn giữ gia phong, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình. Năm con ông đều là những hộ sản xuất giỏi của địa phương; tham gia làm trưởng thôn, phó bí thư đoàn xã, được mọi người tín nhiệm. Theo gương ông, bà con trong bản đã xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng bản văn hoá.

Trong căn nhà giản dị, lồng lộng gió núi, ngát thơm hương rừng thảo quả đang vào vụ mới, tôi thấy tấm Huân chương Lao Động hạng Ba và thư khen của nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương ký tặng thưởng ông Lìn, với dòng chữ: "Tôi rất vui mừng được biết, ông là người đầu tiên ở thôn Phìn Ngan mạnh dạn, không nản chí phá bỏ tập tục lâu đời của người Dao, phá rừng làm nương rẫy; vận động gia đình và bà con trong thôn bản san đất làm ruộng, tìm cách dẫn nước để biến những đám nương hoang hoá thành ruộng bậc thang trồng lúa nước, đạt năng suất cao; tích cực bảo vệ chăm sóc rừng, trồng cây thảo quả, giữ nguồn nước; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...", được treo trang trọng ngay dưới bàn thờ tổ tiên. Ông bảo để luôn nhắc nhở mình phải cố gắng hơn.

Tôi hỏi: "Bây giờ "thần nông" thích điều gì nhất"? Không chút đắn đo, nghĩ ngợi, ông bảo: "Mình và dân bản không phải lang thang di canh, di cư, phát rừng để lo cái ăn nữa, mọi người hoà thuận, cùng nhau làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Quý lắm, không cái gì đổi được đâu".

Tôi hiểu, niềm hạnh phúc của ông thật giản dị

Quốc Hồng

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang