• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải quyết vấn đề tam nông trong thời kỳ mới: Thách thức và giải pháp

Nguồn tin: ND, 21/3/2008
Ngày cập nhật: 22/3/2008

Thành tựu là rất lớn. Tuy nhiên, còn nhiều yếu kém, khuyết điểm; cần có các giải pháp phù hợp, đột phá và chỉ đạo quyết liệt để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.

Những yếu kém, khuyết điểm

Tại cuộc Hội thảo "Bàn về giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân" do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nêu ý kiến: Nước ta còn hơn 70% số dân sống ở vùng nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm 56% tổng lao động xã hội, nông nghiệp vẫn là nguồn sống quan trọng của phần lớn cư dân. Nhưng nhiều địa phương chỉ chú trọng việc phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tăng GDP trên địa bàn, sao nhãng chỉ đạo đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống cho nông dân. Ðời sống của hơn 70% số dân ở nông thôn mà không khá giả, thì làm sao thực hiện được mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh"? Hơn nữa, nông dân đóng góp lớn sức người, sức của cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giữ nước, đến nay họ có quyền thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Người nông dân đang "một nắng, hai sương" lao động, sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực cho cả xã hội, nhưng lại chưa được chăm lo đầy đủ - một vấn đề cần phải được giải quyết bằng các chính sách vĩ mô của Ðảng và Nhà nước.

Nhà báo Hữu Thọ đặt câu hỏi: Vì sao lực lượng lao động trẻ thoát ly nông nghiệp, còn lại chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi? Ở vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, vắng bóng thanh niên lao động sản xuất nông nghiệp hơn cả khi thực hiện phong trào "Ba đảm đang", "Ba sẵn sàng" thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông cho rằng, giải bài toán về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn hiện nay là rất hóc búa.

Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao, hiệu quả sản xuất từ nông nghiệp thấp, nông dân ngày càng ít thiết tha với thâm canh tăng vụ. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ đang khó phát triển ở nông thôn, do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng, do đó không có điều kiện để giải quyết lao động dư thừa tuyệt đối ở nông thôn. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn nước ta đạt 65%. Thu nhập thấp và thiếu việc làm ngày càng phổ biến ở nhiều vùng. Theo điều tra năm 2006, bình quân thu nhập của nông dân là 506 nghìn đồng/tháng. Chi cho ăn, mặc hết 85-90% số thu nhập, phần còn lại chi dùng cho nhu cầu khác; trong khi nhu cầu về đi lại, khám chữa bệnh, học hành của con em họ ngày càng cao. Chính vì thế, nhiều thanh niên rời bỏ nông thôn đi kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đến các đô thị làm đủ các nghề như: chạy xe ôm, đánh giày, phụ nề, cắt tóc, v.v. Tình trạng thiếu việc làm bắt nguồn từ trình độ văn hóa thấp, không có kỹ năng lao động do không được đào tạo để chuyển đổi nghề của số đông lao động nông thôn. Thời gian qua, nhiều địa phương huy động đóng góp của nông dân quá cao so với thu nhập của họ để xây dựng hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội khác, cũng làm giảm mức sống của nông dân. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới là 18% (ở nhiều vùng sâu, vùng xa tới 40%). Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày một tăng. Năm 2006, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 506 nghìn đồng/tháng, bằng 47,8% thu nhập của người dân thành thị. Nông dân suy bì: Ở thành phố, các công trình hạ tầng, điện, đường, trường học, trạm y tế thì người dân không phải đóng góp, còn ở nông thôn thì nông dân phải đóng góp xây dựng.

Nếu tình trạng chênh lệch về thu nhập và mức sống không được cải thiện, phát triển kinh tế tập trung cao ở các đô thị, sẽ dẫn đến gia tăng di cư từ nông thôn ra thành thị, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dẫn tới hậu quả xấu về xã hội và môi trường. Việc đưa công nghiệp về nông thôn triển khai chậm, nhất là các ngành thu hút nhiều lao động, có thể làm vệ tinh cho công nghiệp đô thị như: da giày, dệt may...

Tình hình khiếu kiện đông người dẫn đến mất trật tự, an ninh ở nông thôn có nguyên nhân chủ yếu là do bị thu hồi đất phục vụ xây dựng công nghiệp và đô thị. Ðất bị thu hồi, phần lớn là "bờ xôi, ruộng mật", là nguồn sinh lợi tốt nhất của nông dân. Mức đền bù không bảo đảm cuộc sống bình thường của họ trong thời gian chuyển nghề, giá bồi thường quá thấp so với giá chuyển nhượng thực tế, nhất là đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị. Về vấn đề này, đồng chí Phan Lệ Xiêm, Phó trưởng ban Kinh tế của T. Ư Hội Nông dân Việt Nam, nêu ý kiến trong một cuộc hội thảo bàn về giải pháp việc làm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho nông dân khi bị thu hồi đất. Qua khảo sát ở một số vùng ven đô thị tại đồng bằng sông Hồng cho thấy: Trước khi bị thu hồi đất, chỉ có 10% số lao động đi làm thuê kiếm sống, sau khi bị thu hồi đất, tỷ lệ này là 17%. Về tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp bị thu hồi đất vào các doanh nghiệp, nhìn chung đạt tỷ lệ thấp, chủ dự án chỉ nhận lao động dưới 30 tuổi. Nhiều gia đình nhận tiền đền bù dành cho việc sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, hoặc gửi tiết kiệm, số hộ đầu tư cho học nghề để có việc làm ổn định không nhiều. Sẵn có tiền đền bù, lại buông lỏng việc quản lý, giáo dục con em, cho nên nhiều người sa vào nghiện ma túy. Ở những nơi nông dân bị thu hồi nhiều đất để phát triển các khu công nghiệp, đô thị, thì tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy có chiều hướng tăng. Ðời sống của phần lớn các hộ nông dân bị thu hồi đất gặp khó khăn.

Công tác quy hoạch khu dân cư nông thôn chưa được chú trọng đúng mức, hầu hết là phát triển tự phát, thiếu sự hài hòa và hợp lý về kết cấu không gian,... Ở nhiều thôn, xóm, nhà cửa đã bê-tông hóa, ít còn khung cảnh "cây đa, bến nước, sân đình" như trước đây... Nhờ thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển nhanh, song chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển, chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ còn kém nhiều so với thành phố, hiệu quả sử dụng không cao. Ðó là sự cản trở lớn cho sự phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm, thiếu bền vững; sản xuất nông sản còn phân tán, manh mún, không gắn với cơ sở chế biến công nghiệp. Trong cơ cấu nội ngành, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn (hơn 50%). Chăn nuôi, thủy sản có bước phát triển nhanh, song chất lượng một số vật nuôi chưa cao, chăn nuôi công nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, cho nên khả năng kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn.

Trồng lúa, nuôi lợn hiệu quả chưa cao, chủ yếu vẫn "lấy công làm lãi". Kết quả điều tra ở một số địa phương cho thấy: Chi phí sản xuất (giá thành) 1 kg thóc vụ đông xuân 2005-2006 khoảng 1.261-1.996 đồng, tùy theo từng vùng (bao gồm cả chi phí lao động mà hộ gia đình tự làm). Những vùng sản xuất quy mô nhỏ, đất đai manh mún (đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ) thì chi phí sản xuất 1 kg thóc thường ở mức cao, hiệu quả thấp so với các vùng khác. Ðiểm đáng chú ý là sản xuất lúa đông xuân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất thóc hàng hóa chủ yếu của nước ta, có mức chi phí thấp nhất, ở mức 1.261 đồng/kg, chủ yếu do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nguồn nước tưới... tương đối thuận lợi, sản xuất quy mô lớn, trình độ cơ giới cao, nên chi phí vật chất và công lao động thấp. Với giá bán bình quân trên thị trường khoảng 2.300-2.400 đồng/kg (thời giá năm 2006), thì lãi thu được (sau khi trừ chi phí vật chất và công lao động) trên một vụ lúa đông xuân 2006 chỉ khoảng 1,5-6 triệu đồng/ha, tùy theo từng vùng.

Ðối với lúa hè thu, do điều kiện thời tiết không thuận lợi bằng vụ đông xuân, chi phí tưới tiêu, sấy khô thường ở mức cao, nên chi phí sản xuất 1 kg thóc vụ hè thu cao hơn thóc vụ đông xuân 15-25%.

Chăn nuôi lợn thịt hiện nay chủ yếu quy mô nhỏ 2-3 con/hộ, thức ăn thô, tận dụng từ nguồn sẵn có ở địa phương là chủ yếu. Xu hướng sử dụng thức ăn công nghiệp đang hình thành, nhưng chưa phổ biến, mới tập trung ở những hộ chăn nuôi quy mô lớn. Theo kết quả điều tra, chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 12.000-15.200 đồng/kg (năm 2006), trong đó vùng Ðông Nam Bộ có giá thành cao nhất 15.200 đồng/kg, tiếp đến là vùng đồng bằng sông Cửu Long 14.300 đồng/kg, hai vùng có chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn hơi thấp là Ðông Bắc và Bắc Trung Bộ, 12.000-12.600 đồng/kg. Trong cơ cấu chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn hơi xuất chuồng, thì chi phí về thức ăn chiếm tỷ trọng nhiều nhất, khoảng 50-60%. Những nơi sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp như Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long thì chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn hơi xuất chuồng cao hơn các vùng khác sử dụng thức ăn tận dụng. Chi phí chăn nuôi cao vừa làm giảm khả năng cạnh tranh của thịt lợn Việt Nam trên thị trường thế giới, vừa làm giảm đáng kể thu nhập của người chăn nuôi.

Nhiều dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn dàn trải, thiếu tập trung, cho nên hiệu quả không cao, gây lãng phí, thất thoát lớn tiền của.

Ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ đã đạt được một số thành tựu, nhưng mức tăng trưởng về năng suất, chất lượng của nhiều giống cây trồng, vật nuôi còn rất hạn chế, nhất là các loại cây làm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp (dứa, mía, chè, cây ăn quả). Phần lớn các sản phẩm chế biến ở dạng sơ chế, mẫu mã bao bì chưa phù hợp, giá trị gia tăng thấp, chỉ số cạnh tranh của các ngành hàng chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chất thải công nghiệp, đô thị đang dồn về nông thôn làm ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện sống của nông dân, nhất là ở ven đô và khu công nghiệp, cạnh làng nghề. Ðã có nhiều làng người dân bị ung thư hoặc mắc bệnh lạ. Ô nhiễm nguồn nước và đất đang là nguy cơ đe dọa sản xuất nông nghiệp sạch. Hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh nông thôn chưa được coi trọng. Chăn nuôi gia trại phát triển mạnh trong khu dân cư; hệ thống tiêu thoát nước bị lấn chiếm, bồi lắng; rác thải không có nơi xử lý; tầng nước ngầm bị ô nhiễm (theo số liệu điều tra năm 2006 có 11% số giếng khoan ở một số tỉnh bị nhiễm a-sen) đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và gia súc; dịch bệnh ở người và gia súc tăng. Tệ nạn xã hội tăng ở nhiều vùng nông thôn, như rượu chè, cờ bạc; tổ chức ma chay, cưới xin linh đình, đua nhau xây dựng nghĩa trang gia đình, mồ mả quá lớn, lãng phí tiền của và chiếm quá nhiều diện tích đất đai.

Ðội ngũ cán bộ làm công tác Ðảng, chính quyền, đoàn thể và quản lý kinh tế cấp cơ sở chưa ngang tầm nhiệm vụ, phần lớn chưa được đào tạo về nghiệp vụ và lý luận chính trị, cũng là một trở ngại lớn cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.

Xin kiến nghị một số giải pháp

Chúng ta tiến hành CNH, HÐH đất nước trong điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng. Bởi vậy, không thể để nông nghiệp, nông thôn, nông dân tụt hậu để đưa công nghiệp, đô thị đi trước một bước như một số nước đã hoàn thành công nghiệp hóa. Ðồng thời, cũng không thể tiếp tục duy trì một nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng, sức cạnh tranh thấp, và giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống cho dân cư nông thôn là kết quả ngẫu nhiên của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngược lại, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được ưu tiên và chủ động giải quyết. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không thể phát triển nhanh và bền vững nếu không phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết tốt vấn đề nông dân.

Một trong những giải pháp quan trọng là, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa ngành nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp; phát triển hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Coi trọng việc bảo đảm an ninh lương thực, giữ ổn định diện tích đất lúa khoảng bốn triệu ha. Các dự án phát triển đô thị và công nghiệp từ nay trở đi không bố trí vào đất canh tác lúa thuần thục hoặc canh tác lúa được ba vụ trở lên.

Cần có cơ chế quản lý, khuyến khích nông dân "dồn điền, đổi thửa", phấn đấu để mỗi hộ có 1-2 thửa ruộng; khuyến khích việc cho thuê hoặc chuyển nhượng ruộng đất nhưng để sản xuất, nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện để hình thành các trang trại quy mô lớn, sản xuất khối lượng hàng hóa lớn. Nhà nước cần có chính sách đầu tư phát triển sản xuất lương thực ở những vùng miền núi đặc biệt khó khăn để đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản hàng hóa có lợi thế xuất khẩu: lúa gạo, cà-phê, hạt điều, hồ tiêu, chè, cao-su, rau quả nhiệt đới, thủy sản. Cần quy hoạch thành những vùng chuyên canh lớn gắn với công nghiệp chế biến. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống, phát triển các mô hình sản xuất sạch, công nghệ cao; kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu nội đồng, cải tạo đồng ruộng, thực hiện chương trình cơ khí hóa đồng bộ để hiện đại hóa sản xuất. Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Áp dụng công nghệ hiện đại trong tuyển chọn, lai tạo giống, kết hợp nhập để sản xuất giống tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển đàn gia súc có năng suất, chất lượng cao. Trong công tác quy hoạch sử dụng đất, cần bố trí diện tích đất thích hợp cho chăn nuôi tập trung; diện tích trồng cỏ để phát triển đàn gia súc... Tăng cường cơ sở thú y và kiểm dịch, chủ động khống chế dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Củng cố mạng lưới thú y cấp cơ sở, cán bộ phải được đào tạo và có chính sách đãi ngộ tương xứng. Tổ chức các cơ sở giết mổ, chế biến thịt gắn với các địa bàn chăn nuôi tập trung, có trang thiết bị hiện đại, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tập trung đầu tư cho công tác khảo sát, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, tổ chức lại lượng tàu đánh bắt gần bờ một cách hợp lý. Ðồng thời, đầu tư các loại tàu, thuyền công suất lớn, công nghệ khai thác tiên tiến; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai, cứu nạn để phát triển nghề cá xa bờ. Phát triển mạnh các loại hình nuôi thủy sản, nhất là hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nhưng phải bảo đảm vệ sinh môi trường, phù hợp điều kiện tự nhiên ở vùng nước biển, nước lợ, nước ngọt với các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Thực hiện mọi giải pháp để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, đưa nhanh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp. Phát huy thế mạnh về lâm nghiệp ở các vùng miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và huy động các thành phần kinh tế tham gia cải tạo, làm giàu rừng tự nhiên và trồng mới rừng kinh tế. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, nhân hom; nhập khẩu kết hợp với chọn tạo trong nước để sản xuất ra những giống có mức tăng trưởng cao phục vụ trồng rừng; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản có công nghệ hiện đại; đặc biệt chú trọng đầu tư cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ðầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng - kỹ thuật nông thôn, như đường giao thông, bưu chính - viễn thông, thủy lợi, để phát triển công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ làm tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Các dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phải tập trung, phù hợp cho mỗi địa phương và từng vùng để phát huy hiệu quả. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư, thủy lợi, phải được xây dựng hết sức khoa học, đi trước làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tiếp tục phát triển, hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp quy hoạch, thị trường và gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Chuyển mạnh các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động về nông thôn như: da giày, dệt - may, thực phẩm... Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phải chuyển mạnh sang chế biến tinh, chế biến sâu, giảm dần tỷ lệ sơ chế, thủ công. Hình thành mạng lưới cơ sở cơ khí nông nghiệp ở địa bàn nông thôn, bao gồm cả chế tạo và sửa chữa máy công cụ nông nghiệp. Phát triển làng nghề theo hướng "mỗi làng một nghề", tổ chức các hình thức hợp tác kinh doanh thích hợp với mỗi vùng, địa phương tạo điều kiện cho kinh tế hộ ở làng nghề phát triển ổn định, thu hút nhiều lao động. Mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ nông thôn: dịch vụ tài chính, phát triển quỹ tín dụng nhân dân; hình thành các cơ sở dịch vụ chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, dịch vụ thú y... Xây dựng và phát triển thị trường lao động nông thôn, tạo việc làm mới cho nông dân ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bao gồm cả việc xuất khẩu lao động. Phát triển hệ thống dạy nghề, đổi mới hình thức đào tạo, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo và thu hút lao động tại chỗ. Ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nhằm giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy việc chuyển dịch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Ðồng thời, có chính sách tín dụng và tài trợ để nông dân tự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn; đầu tư khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Về chính sách đất đai, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Ðất đai để phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hộ nông dân bị thu hồi đất. Theo đồng chí Nguyễn Khải, Vụ trưởng Vụ Ðất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh để chuẩn bị dự thảo sửa đổi Luật Ðất đai về vấn đề quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch sử dụng đất cấp xã, quy hoạch vùng, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về căn cứ để được giao đất, thuê đất, phải xem xét đến năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức xin được giao đất, thuê đất. Hạn mức tính thuế đất ở, bồi thường thiệt hại và tái định cư khi thu hồi đất, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp... UBND cấp trực tiếp quản lý dự án phải xây dựng phương án khả thi về giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình bị thu hồi đất. Nông dân được góp quyền sử dụng đất tham gia cổ phần của doanh nghiệp.

Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm, vào các vùng đặc biệt khó khăn. Nhà nước cần dành ngân sách đầu tư tương xứng cho phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực. Ðây là nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Thành lập các trung tâm dạy nghề ở các tỉnh, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo nghề cho nông dân. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ công chức cấp cơ sở. Xây dựng các thiết chế văn hóa, hương ước, các quy chế sinh hoạt cộng đồng về ma chay, cưới xin, lễ hội...

Triển khai thực hiện miễn thủy lợi phí đối với hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 154CP/2007/NÐ-CP ngày 15-10-2007 của Chính phủ. Tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các loại phí, lệ phí mà nông dân phải đóng khi được cung cấp các dịch vụ công để xem xét miễn giảm. Thực hiện cơ chế ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho nông dân khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng và vật nuôi; bảo hiểm thiên tai mùa màng cho nông dân.

Tăng cường công tác xây dựng Ðảng ở cơ sở, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, nâng cao trình độ mọi mặt cho đảng viên, công chức; thực hiện Quy chế dân chủ ở nông thôn, động viên, huy động sức mạnh toàn dân, xây dựng nông thôn giàu đẹp, hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh.

ÐÀO NGỌC DŨNG, HOÀNG HIỂN, BẢO TRUNG

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang