• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải quyết vấn đề tam nông trong thời kỳ mới

Nguồn tin: Nhân Dân, 17/03/2008
Ngày cập nhật: 17/3/2008

Hiện nay vấn đề tam nông đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Nông nghiệp đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thiếu bền vững; nông thôn đang có chiều hướng tụt hậu; đời sống của nông dân ở nhiều vùng chậm được cải thiện và ngày càng cách xa với thành thị. Do vậy, phải có những giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, nhằm đẩy nhanh tiến trình CNH, HÐH đất nước.

NHỮNG THÀNH TỰU TO LỚN

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất đã trở thành phong trào sâu, rộng

Ðể tìm hiểu vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chúng tôi có nhiều buổi làm việc với nhiều vụ, cục, viện và một số đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đi khảo sát ở các địa phương. Từ đó, khẳng định, chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã dấy lên phong trào nông dân trên cả nước sôi nổi hưởng ứng, tạo nên sinh lực mới cho phát triển nông nghiệp. Các cấp ủy cùng chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên đều vào cuộc, trăn trở tìm hướng làm ăn để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích gieo trồng. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở không còn sa vào công việc hành chính, sự vụ mà dành nhiều thời gian hơn bàn thảo, đưa ra quyết sách phù hợp, chỉ đạo quyết liệt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp ở địa phương mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cấp tỉnh tâm sự với chúng tôi, từ khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, hoạt động của các cấp hội ở địa phương trở nên sôi động với việc vận động hội viên tham gia; đồng thời hội cũng trực tiếp tham gia nhiều dự án "xóa đói, giảm nghèo", bảo lãnh cho các hội viên vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, tổ chức phong trào thi đua "Nông dân sản xuất giỏi". Hội Nông dân là thành phần quan trọng trong các đề án giải quyết việc làm cho nông dân khi bị thu hồi đất để làm khu công nghiệp, đô thị... Lực lượng khuyến nông, khuyến ngư cấp cơ sở phát huy vai trò nòng cốt tư vấn giúp nông dân đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Nhiều xã tổ chức thành công các câu lạc bộ khuyến nông để người có kinh nghiệm sản xuất phổ biến kinh nghiệm và vận động mọi người làm theo. Các nhà khoa học nông nghiệp không còn nghiên cứu những vấn đề "kinh viện", mà đã hướng vào những đề tài các địa phương, nông dân mong đợi, tạo ra những giống mới có năng suất, chất lượng cao và các quy trình canh tác tiên tiến; đóng vai trò như những cán bộ khuyến nông, khuyến ngư. Nhiều địa phương đã ký hợp đồng với các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, nhận chuyển giao tiến bộ khoa học đưa năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản lên cao. Nét nổi bật của chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp là đầu tư "chất xám" để đưa sản lượng, chất lượng vật nuôi, cây trồng, ngày càng tăng. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền nhân rộng các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giới thiệu các giống mới, cách thức làm ăn để nông dân tìm hiểu, vận dụng. Người nông dân của thời kỳ sản xuất hàng hóa rất năng động, nghe ở đâu có giống cây cho năng suất cao hoặc có cách thức làm ăn hiệu quả là tìm đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cách đây mấy năm chúng tôi đến thăm ông chủ trang trại lúa ở huyện Tam Nông (Ðồng Tháp). Chúng tôi bất ngờ thấy trên bàn tiếp khách của gia đình có rất nhiều loại báo: Nhân Dân, Lao động, Thời báo Kinh tế, Tài chính, Nông nghiệp. Ông nói với chúng tôi: Thời buổi làm ăn theo cơ chế thị trường, vấn đề nắm thông tin là quan trọng. Cho nên tôi phải thường xuyên đọc báo để nắm chính sách, giá cả thị trường, học tập những kinh nghiệm làm ăn của người khác. Ngay cả các tỉnh miền núi khó khăn về giao thông, xa cách với các đô thị lớn, trình độ dân trí còn hạn chế cũng chọn bước đi thích hợp trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Các dịch vụ về vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật phát triển nhanh cung cấp kịp thời cho nông dân phục vụ sản xuất. Công tác quảng bá, giới thiệu hàng hóa nông sản phát triển; nhiều hội chợ, triển lãm mở ra; bao bì, mẫu mã hàng hóa được quan tâm hơn trước. Việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đã được ký kết nhiều giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân; mối liên kết "bốn nhà" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đem lại kết quả như ở Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), tiêu thụ lúa gạo ở An Giang.

Trở lại với vùng quê Nam Ðịnh, một trong những địa phương đi đầu về trình độ thâm canh lúa của đồng bằng sông Hồng, đồng chí Trần Ðình Cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Nam Ðịnh đã đưa năng suất lúa lên 12,2 tấn/ha/2 vụ, phấn đấu thâm canh đưa năng suất lúa lên nữa là rất khó, nếu không có sự "nhảy vọt" về giống và áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Hiện tại, nếu chỉ trông vào cây lúa thì khó làm giàu. Theo đồng chí Trần Ðình Cao, phải thâm canh tốt cây lúa và kết hợp mô hình trồng lúa + màu, lúa + thủy sản + cây cảnh thì mới có thu nhập vài chục triệu đồng/ha/năm. Huyện Nam Trực, nổi tiếng với nghề cây cảnh, nhưng bây giờ nhiều huyện cũng phát triển mạnh nghề hoa, cây cảnh như: Hải Hậu, Vụ Bản, các xã ngoại thành Nam Ðịnh, Trực Ninh. Nhiều xã giáp với Hà Nội của tỉnh Hưng Yên 15-16 năm nay không còn trồng lúa mà chuyển sang trồng cây cảnh. Mỗi ha đất canh tác cho thu nhập gần trăm triệu đồng một năm.

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao ở các tỉnh, thành phố. Hà Nội có mô hình trồng rau, hoa ở huyện Thanh Trì, Tây Tựu, Từ Liêm, Ðông Hội, Gia Lâm; trồng hoa hồng, hành tây và rau cao cấp ở Mê Linh (Vĩnh Phúc); trồng hoa ở Ðằng Hải, Hải Phòng; luân canh 3-4 vụ ở một số huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy (Thái Bình); phát triển trang trại vải thiều ở Bắc Giang; trang trại nấm ở Thanh Lãng (Vĩnh Phúc), Ðại Mạch, Ðông Anh (Hà Nội). Thông thường các mô hình này đạt từ 50 đến 200 triệu đồng/ha.

Trồng lúa, rau, nấm 4-5 vụ/năm đạt 150-200 triệu đồng/ha. Trồng hoa hồng, hoa cúc, lay-ơn đạt 80-200 triệu đồng/ha. Chăn nuôi công nghiệp đạt 50-60 triệu đồng/hộ. Nuôi trồng thủy sản như: tôm, cua, ốc hương thường đạt 150-300 triệu đồng/ha. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, chuyển đổi, quy hoạch thành vùng chuyên canh hàng hóa, vùng chăn nuôi tập trung, chuyển vùng đất xấu hoặc ngập nước sang nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển 300 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Tỉnh Hà Nam thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, mà trọng tâm là chuyển dịch các vùng trũng sang nuôi thủy sản...

Nhiều giống lúa đặc sản thơm ngon, năng suất không cao nhưng đem lại giá trị kinh tế, như tám thơm, nếp cái hoa vàng, được bảo tồn, gieo trồng với diện tích lớn. Những giống cây ăn quả, như bưởi Diễn (Hà Nội), cam Vinh (Nghệ An), cam Hàm Yên (Tuyên Quang), chuối ngự Ðại Hoàng (Hà Nam), nhãn tiêu, xoài cát (Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang), quýt hồng Ðồng Tháp, cam ngọt, quýt ngọt Cần Thơ, bưởi năm roi Vĩnh Long cũng được bảo tồn, phát triển thành vùng chuyên canh; nhiều loại gạo và hoa quả đăng ký thương hiệu hàng hóa là đặc sản quê hương, đồng thời cũng đem nguồn lợi kinh tế lớn cho hộ nông dân.

Huyện Chợ Mới (An Giang) tập trung chuyển dịch sản xuất hoa màu và thâm canh tăng vụ, bình quân mỗi ha đất đạt 68 triệu đồng/năm, trong đó có hơn 10 nghìn ha đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn với mô hình một vụ lúa + một vụ tôm, diện tích hơn 700 ha, bình quân mỗi ha canh tác đạt hơn 70 triệu đồng/năm. Ở Quảng Nam, nhiều mô hình canh tác cho thu nhập 40-50 triệu đồng/năm đang được nhân rộng. Lạc + ngô đông xuân + dưa hấu xuân hè, ngô + lúa hè thu, lúa đông xuân + dưa hấu xuân hè + dưa gang hè thu, v.v. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội, các tổ chức tín dụng khác đã tạo mọi điều kiện cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tỉnh An Giang thực hiện chính sách hỗ trợ vốn tín dụng để nông dân đầu tư trang bị máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh có hơn 5.000 máy kéo các loại, đảm nhiệm việc cơ giới hóa cho 100% diện tích đất canh tác; khâu tuốt lúa 100% diện tích sử dụng bằng cơ giới. Ngoài ra, UBND tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi để nông dân trang bị máy gặt, sấy và cấy lúa. Tính đến nay, toàn tỉnh có 528 máy gặt lúa, 4.884 máy sấy lúa. Việc sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp ở An Giang đã đem lại hiệu quả cao, giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm so với thu hoạch thủ công, khắc phục được khó khăn thiếu lao động cắt lúa. Chỉ tính 45 nghìn ha lúa được thu hoạch bằng cơ giới đã làm lợi cho nông dân hơn 70 tỷ đồng/vụ, một năm sản xuất 3 vụ đã làm lợi hơn 210 tỷ đồng (chưa kể phần lợi nhuận tăng thêm do chất lượng hạt gạo tốt hơn).

Nhờ phong trào chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên tỷ trọng trồng trọt giảm từ 61,8% năm 2000 xuống còn 51% năm 2007; tương ứng, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 17,3% lên 20% và thủy sản từ 16,2% lên 26,4%. Trong bảy năm (2000-2007), mặc dù diện tích gieo trồng lúa giảm 476 nghìn ha, trong điều kiện thường xuyên bị bão, lụt và dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng hơn 3,3 triệu tấn. Năm 2007, sản lượng lương thực đạt 40,1 triệu tấn, tăng 5,6 triệu tấn so với năm 2000, an ninh lương thực được giữ vững và xuất khẩu gạo ngày càng tăng.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của bảy năm (2000-2007) đạt 49,6 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 7,1 tỷ USD, tốc độ tăng bình quân 16,85%/năm. Riêng năm 2007 đạt 12,5 tỷ USD, tăng gần gấp ba lần so với năm 2000, đã có năm mặt hàng (thủy sản, cà-phê, gạo, cao-su, đồ gỗ) đạt kim ngạch hơn một tỷ USD.

Cơ khí hóa nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ cơ giới hóa cao, như: làm đất đạt 70%, tưới nước đạt 85%, tuốt, đập lúa đạt 83,6%. Nhiều cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản chủ động đổi mới công nghệ thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; việc kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến được tăng cường. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,75 tỷ USD. Năm 2006, cả nước có 113,7 nghìn trang trại, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và có xu hướng phát triển mạnh. Ðã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi các HTX theo Luật HTX. Nhiều HTX, tổ hợp tác được thành lập, các HTX hoạt động hiệu quả tăng lên.

Trong cơ cấu kinh tế nông thôn, tỷ trọng hộ công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, năm 2006 khoảng 3,4 triệu hộ, tăng 60% so với năm 2000. Các làng nghề tiếp tục phát triển (2.017 làng nghề, khoảng 1,4 triệu hộ). Các sản phẩm làng nghề đã có mặt trên thị trường 100 nước, kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 750 triệu USD (trong đó xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đạt 663 triệu USD, tăng 17,9% so với năm 2006).

Ðời sống của nông dân được cải thiện, nông thôn khởi sắc

Năm 2006 thu nhập bình quân đầu người hộ nông dân đạt khoảng 2,7 triệu đồng/năm, tính theo giá hiện hành, tăng gấp ba lần so với 10 năm trước; tích lũy của hộ nông dân đạt 6,7 triệu đồng/hộ, tăng 2,1 lần so năm 2001. Nhờ thu nhập tăng, điều kiện sống của dân cư nông thôn được cải thiện. Năm 2006, tỷ lệ nhà kiên cố đạt 17,2%, nhà bán kiên cố đạt 61% và nhà tạm chỉ còn 19,3%. Về đời sống văn hóa, đã phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công... được chính quyền, đoàn thể ở nhiều địa phương quan tâm và nhân dân hưởng ứng tích cực.

Giao thông nông thôn được đầu tư mạnh, xây dựng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nhiều tuyến đường nông thôn đã được trải nhựa, đổ bê-tông hoặc làm nền cứng, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Ðiện lưới quốc gia đã cấp điện đến 525/536 huyện (97,95%). Ðã có 96,80% số xã và 93,34% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia với giá điện dưới 700 đồng/kW giờ. Còn huyện Mường Tè (Lai Châu) và 10 huyện đảo chưa có lưới điện, nhưng đã có điện đi-ê-den hoặc thủy điện nhỏ tại chỗ.

Chiến lược về xóa đói, giảm nghèo đã có các biện pháp hỗ trợ từng đối tượng cụ thể, tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo ở nông thôn tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm tăng trưởng bền vững và xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Ðến nay, về cơ bản, nước ta đã xóa được đói, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) giảm nhanh từ 17,2% năm 2000 xuống còn 7% năm 2005. Tuy vậy, nếu so với tiêu chí mới, số hộ nghèo vẫn còn cao, năm 2006, khu vực nông thôn là 18%.

Bưu chính - viễn thông nông thôn phát triển nhanh. Ðến năm 2006 đã có hơn 11.000 điểm phục vụ (2.390 bưu cục; 7.920 điểm bưu điện văn hóa xã), 100% các xã có điện thoại cố định, đạt bình quân 6,67 máy/100 dân; 91% số xã đã có báo đến trong ngày; dịch vụ in-tơ-nét đã bắt đầu phát triển ở nhiều vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, cùng với mở mang mạng lưới y tế công cộng, việc khám, chữa bệnh tư nhân được hình thành và phát triển nhanh đã góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Năm 2006, tỷ lệ người được khám, chữa bệnh ở khu vực nông thôn là 38,1%, gấp 2,07 lần năm 2002 (18,4%). Tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên biết chữ ở khu vực nông thôn tăng từ 90,9% năm 2002 lên 92% năm 2006, con em các hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn để tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Trong năm năm (2001-2006) đã tuyển mới, dạy nghề cho khoảng 3,87 triệu người lao động nông thôn, tạo việc làm cho 5,47 triệu người, xuất khẩu lao động được 160 nghìn người.

Dân chủ cơ sở được phát huy, chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được tổ chức thực hiện, nên tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn được giữ vững và căn bản ổn định. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", do MTTQ Việt Nam phát động với tư tưởng chỉ đạo "Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân" đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn.

Những thành tựu về nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân là hết sức to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước đi lên trên con đường CNH, HÐH.

ÐÀO NGỌC DŨNG, HOÀNG HIỂN, BẢO TRUNG

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang