• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gieo cấy thời hội nhập

Nguồn tin: Lao Động, 27/01/2008
Ngày cập nhật: 27/1/2008

Ông Tám Công trên sân mạ.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, vấn đề sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu hàng hoá trở nên hệ trọng với mọi nhà sản xuất, kinh doanh có quy mô. Ông Nguyễn Thành Công (Tám Công), chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp Thành Hưng (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, Long An) vì vậy mà cũng đang suy nghĩ cho mình một logo nhãn hiệu hàng hoá và tìm hiểu thủ tục để đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ cho ngành nghề sản xuất kinh doanh độc đáo của mình: Gieo mạ và cấy mướn.

Xã Phước Tân Hưng là nghèo và heo hút. Vậy mà, ở cái xã "nhà nghèo" này có một người nông dân tuy chưa thật giàu nhưng đang trở nên nổi tiếng nhờ vào cái việc: gieo mạ và cấy mướn. Đó là Tám Công, tên đầy đủ là Nguyễn Thành Công.

Giống như bao đứa trẻ nghèo cùng lứa trong vùng, Tám Công nghỉ học khi vừa hết "đệ lục" (lớp bảy bây giờ). Như một sự tất yếu, cuộc đời ông gắn bó với luống cày, cây mạ, cây lúa ngay từ khi tóc còn để chỏm. Lớn lên vừa làm ruộng, vừa tham gia công tác địa phương. Uỷ ban xã giao cho ông công việc rất phù hợp - cán bộ khuyến nông. Tính tình hiền lành của "Hai Lúa", những "kiến thức" làm ruộng tích luỹ từ khi còn trong bụng mẹ, sự nhiệt tình "cống hiến" của tuổi trẻ trong giai đoạn "đất nước trọn niềm vui" đã làm cho ông sớm được dân yêu, tổ chức đánh giá cao. Anh được đề bạt làm Phó Chủ tịch xã phụ trách nông nghiệp. Nhờ vậy mà ông được đi tập huấn kỹ thuật nông nghiệp ở nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh, tiếp xúc với toàn kỹ sư, tiến sĩ, nghe nhiều điều mới lạ về cây lúa, về nghề nông đầy hấp dẫn.

Nhờ quan hệ rộng, Tám Công tập tành hợp đồng với các trại giống ở miền Tây để cung cấp giống lúa mới kháng rầy, có năng suất cao cho bà con nông dân quê mình. Tiến thêm một bước, ông nhận làm đại lý vật tư nông nghiệp cho các công ty ở TPHCM, An Giang. Nhờ chịu thương, chịu khó, làm ăn uy tín, chẳng mấy năm Tám Công trở thành "ông chủ", mua cả xe tải nhẹ để tự chở hàng.

Nhưng quan niệm khắt khe "cán bộ không được làm kinh tế", rồi những rủi ro của một thời kinh tế thị trường sơ khai đã làm Tám Công sập tiệm. Nhiều nông dân bị mất mùa, lúa rớt giá, không có tiền trả nợ lúa giống, nợ phân bón, nợ thuốc trừ sâu cho anh. Kể cả một số người không bị gì nhưng cũng nghe ai xúi giục ngang nhiên không trả nợ cho "cán bộ tư sản". Ông cán bộ xã không thể kiện bà con, mà có kiện cũng chẳng đi đến đâu. Vậy là Tám Công bán xe, bán tài sản để trả nợ, rồi xin thôi làm phó chủ tịch xã.

Ông trở lại là anh nông dân ngày ra đồng, tối tối đi soi cá. Không còn những toan tính lời lỗ, những giấy tờ nguyên tắc phiền hà, ông lại có thời gian để suy ngẫm về cây lúa và đồng ruộng. Một số bà con nông dân đến khi trúng mùa tự nguyện trả nợ cho anh, nhất là những bà con đi lập nghiệp và khấm khá lên ở Đồng Tháp Mười, kết quả những nỗ lực của ông Phó Chủ tịch xã trong giai đoạn di dân lập nghiệp. Những ân tình ấy đã giúp Tám Công có điều kiện để tiếp tục dấn thân vào chuyện cây lúa mà ông chưa thôi ấp ủ.

Vào thời điểm năm 1999, ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang kề bên có người tên Lương Sơn Ba đã "chơi ngông" qua Nhật Bản mua máy cấy về sử dụng trên đồng lúa Việt Nam. Hay tin, Tám Công bỏ chi phí tổ chức cho mười sáu nông dân trong xã qua Gò Công Đông "mai phục" tìm cách học lóm nghề. Nhưng việc không thành vì ông Sơn Ba chỉ mua mỗi một chiếc máy cấy trong quy trình đồng bộ gồm máy làm đất, máy ngâm giống, máy gieo mạ... nên đã không thể phát huy tác dụng.

Sau đó ông Sơn Ba cũng đã ngừng hoạt động. Nhưng nhờ những ngày la cà ở Gò Công Đông, Tám Công đã chú ý đến kỹ thuật gieo mạ trong khay. Ông mua mạ của ông Sơn Ba về làm thử trên đất của mình. Kết quả thật thú vị, mạ gieo trong khay rất dễ cấy, tăng trưởng nhanh, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng giảm, năng suất lúa cao. Tám Công lờ mờ nhận ra những ưu thế vượt trội của gieo mạ sân, rồi ông cất công làm thử nghiệm, tạo mẫu đối chứng, ghi chép tổng hợp, đối chiếu so sánh... Những nhược điểm của cách gieo cấy truyền thống có thể khắc phục được bằng phương pháp gieo mạ trong khay.

Rồi Tám Công gieo thử mạ trên tấm cao su trải trên sân, dùng gỗ xẻ ngăn ra từng ô vuông 60x120cm để cho ra những thảm mạ non. Nhưng hỗn hợp "đất" để gieo mạ thì vẫn còn là điều bí ẩn vì Tám Công không có cách gì moi được ở ông Sơn Ba. Ông đành phải mày mò thí nghiệm, từ tro trấu, phân chuồng, rơm rạ mục... nhưng đều thất bại. Một lần tình cờ có chậu cây kiểng trong tay, thử đổ ra xem nó sống bằng chất gì, ông phát hiện bột xơ dừa. Vậy là ông đã tìm ra bí quyết sau khi trộn thêm phân vi sinh và một ít đất bùn.

Lúc ấy có người thấy Tám Công vật lộn với một tấn giống trên bốn công đất, để rồi ra được khuôn mạ nào thì xin đem cấy "chùa" thử nghiệm trên ruộng bà con, họ đã gọi Tám Công là "Tám Khùng". Thế nhưng những lời ta thán của bà con nặng về thương hại nhiều hơn là chê trách ấy đã nhanh chóng được thay bằng sự ngạc nhiên pha lẫn thán phục khi nhưng đám ruộng trình diễn gieo mạ sân và cấy mạ non "chùa" cho bà con trong xã đã cho ra những đám lúa bội thu. Vụ mùa năm ấy, lúa trình diễn đạt năng suất cao đến khó tin: từ sáu đến chín tấn trên một hécta. Kết quả đó đã thật sự gây tiếng vang trong vùng, bà con các nơi kéo đến đặt hàng Tám Công gieo mạ và cấy mướn. Và Cty Thành Hưng chuyên gieo mạ và cấy mướn đã ra đời từ đó, năm 2001 Phòng Kinh tế huyện Châu Thành cấp giấy phép thành lập cho Tám Công.

Tôi đến thăm ông và "bản doanh" của Công ty Thành Hưng vào một ngày đầu vụ Hè Thu 2007. Trông Tám Công còn "nông dân" hơn bao nhà nông thứ thiệt khác. Bây giờ ông đã sắm xe tải đời mới để chở mạ, phòng làm việc có máy vi tính để quản lý và điều hành công việc, điện thoại di động thì trang bị tới cấp đội trưởng... nhưng vẫn suốt ngày chân lấm tay bùn với cây lúa, cây mạ. Xung quanh ông lúc nào cũng đầy rẫy mạ non: từng thảm mạ được ngăn thành từng khay nhỏ theo ngày tuổi trên sân ruộng phía sau Công ty; từng cuộn mạ được quấn lại giống như những tấm thảm chờ xe chở tới nơi cấy; mạ được "đóng gói" trong bao đang được chuyển lên xe tải...

Thậm chí, trong phòng làm việc của Tám Công các chậu mạ non còn đóng vai trò chậu cây cảnh để ngắm nhìn thư giãn. Tám Công cho biết trong thời điểm ấy các thợ cấy của ông đang triển khai hợp đồng cùng lúc ở ba nơi: Tiền Giang, Đồng Tháp và tại huyện nhà Châu Thành, xe tải phải liên tục quay vòng chở mạ cung cấp. Ông cho người đưa tôi tới đám ruộng hiện trường nơi những "công nhân cấy" của anh đang thoăn thoắt đôi tay chuyên nghiệp trên ruộng nước lấp xấp. Trên bờ ruộng, nơi có cây che bóng mát, mấy chục chiếc xe gắn máy Trung Quốc có Nhật Bản có của các cô thợ cấy được xếp ngay ngắn chẳng khác gì bãi giữ xe trong một nhà máy công nghiệp.

Tôi cũng từng có thời niên thiếu trải qua trên những đám cấy, nên khi chứng kiến cảnh "cấy công nghiệp" của Công ty Thành Hưng, tôi biết rằng mọi chuyện đã được đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi đã từng khổ sở rời khỏi cơn ngây ngủ lúc ba giờ sáng khi mấy dì bắt dậy đi nhổ mạ để đến sáng về đi học. Đám mạ ngày ấy cao ngang bụng đứa trẻ là tôi; mạ nhổ lên phải đập mạnh vào bàn chân cho văng hết đất nên "ống quyển" tôi thường xuyên bị sưng đỏ; rồi gánh mạ mỗi đầu hai mươi bó trên bờ ruộng trơn trợt đưa đến ruộng cấy; tấm ván mạ một người kéo một người đẩy chở mạ đi dăm khắp ruộng...

Vì vậy mà khi chứng kiến Tám Công cuộn mấy thảm mạ gọn gàng chất lên xe tải đủ đem cấy một mẫu ruộng, rồi nhìn những thợ cấy nhẹ nhàng tách những tép mạ chỉ dài hơn ngón tay một chút, định vị chúng trên mặt ruộng, tôi chợt thấy thương cho đám trẻ chúng tôi ngày ấy, và thấy nể Tám Công ngày nay.

Hiện nay cơ sở Thành Hưng có hai mươi nhân viên kỹ thuật và bảy mươi cô thợ cấy sẵn sàng đi mọi nơi trong và ngoài tỉnh để thực hiện các hợp đồng "gieo mạ-cấy mướn". Những đơn vị cung cấp lúa giống cho anh trước đây như Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Nông trường Sông Hậu, các Trung tâm Khuyến nông Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp..., giờ trở lại làm khách hàng của Thành Hưng trong dịch vụ gieo mạ và cấy lúa.

Năm 2006 Tám Công gieo cấy trên một ngàn một trăm hecta đất, mà toàn là đất làm lúa giống. Trên bảng theo dõi hợp đồng của Thành Hưng còn lưu những con số rất ấn tượng: Trung tâm Khuyến nông Long An - chín mươi lăm hécta; Trung tâm Giống Tiền Giang - bốn mươi hécta; Cty Bảo vệ thực vật An Giang - năm mươi hécta... Đối với các hộ dân lẻ (chủ yếu ở Long An) tuy việc thực hiện hợp đồng có khó hơn, vì diện tích nhỏ, lại rủi ro cao trong thanh toán, nhưng Tám Công hầu như không bao giờ từ chối. Tiếng lành đồn xa, khách hàng của Thành Hưng ngày càng nhiều. Nhiều nơi phải đặt hàng Tám Công trước vài ba tháng để chắc ăn.

Để làm được khối lượng công việc trên, Tám Công chỉ cần "tài sản cố định" ít ỏi đến không ngờ: mười bốn công đất làm nơi gieo mạ, bốn mét khối gỗ khuynh diệp xẻ làm khung khay mạ, một tấn nhựa lót... Đất vào tay Tám Công phải quay đến hai mươi mấy vòng một năm, khoảng từ tám tới mười bốn ngày cho một đợt mạ.

Năm 2005 Cty Thành Hưng được Bộ NN&PTNT cấp bằng khen "Đã có thành tích trong tổ chức thực hiện chương trình giống, cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp 2000-2005" cho sáng kiến gieo mạ sân và cấy mạ non. Một lần, khi vào thăm Long An, câu chuyện gieo cấy mạ sân của Tám Công đã làm Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh quan tâm. Đầu năm 2006, qua giới thiệu của Tổng Bí thư, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Cạn đã tổ chức đoàn cán bộ kỹ thuật và nông dân vào nghiên cứu ứng dụng cách làm của Thành Hưng. Chuyện "gieo mạ" trong khay độc đáo của Tám Công đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, một đoàn cán bộ nông nghiệp của Lào mời Tám Công đi tập huấn giúp họ. Nhiều địa phương ngoài tỉnh đã cử cán bộ đến học kỹ thuật gieo cấy của anh.

Hiện nay thu nhập bình quân mỗi người trong số gần một trăm thợ (kỹ thuật và cấy) của Cty Thành Hưng là trên hai mươi triệu đồng một năm, lại được đi làm bằng xe máy lạnh, rồi còn bảo hiểm, cuối năm được thưởng tiền Tết. Với bảy mươi cô thợ cấy "thiện chiến" của mình, hàng ngày Tám Công nhẹ nhàng giải quyết bảy hécta hợp đồng (mỗi thợ cấy một công đất một ngày). Không những thế, đi tới đâu dàn lính của Tám Công cũng đào tạo và sử dụng người tại chỗ, để khi cần "đánh" những hợp đồng lớn trong một vài ngày, hoặc cùng lúc phải "chẻ" quân thực hiện nhiều hợp đồng, thì anh có thể xử lý được. Theo cách đó, ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đều có nhóm thợ cấy "made in Thành Hưng" là người tại chỗ.

Bước vào vụ lúa năm 2007, tin vui đầu tiên đến với Tám Công là Viện Lúa ĐBSCL đã giao toàn bộ hai trăm hai mươi hécta của Viện cho Cty Thành Hưng độc quyền cung cấp dịch vụ gieo cấy sản xuất lúa giống đặc chủng. Tám Công cho biết ông sẽ đăng ký sở hữu trí tuệ và độc quyền nhãn hiệu hàng hoá Thành Hưng cho dịch vụ gieo cấy mạ sân, tuy còn suy tính một logo sao cho gần gũi với bà con mình mà "tụi Tây cũng khoái". Ông còn muốn thành lập Công ty cổ phần từ những cổ đông là bà con nông dân góp đất lại làm vốn, mọi người sẽ có trách nhiệm nhiều hơn với công việc chung và sẽ có thu nhập cao hơn.

Đi xa hơn, sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia để xây dựng công nghệ sản xuất gạo sạch, đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu hẳn hoi, đi tiếp thị ở nước ngoài. Nếu khả năng và tài lực của ông có giới hạn thì con cái ông đang học đại học sẽ tiếp bước ông làm những chuyện lớn đó. Có như thế mới cạnh tranh được với gạo nước ngoài! - Tám Công hào hứng cho biết.

Nguyễn Phấn Đấu

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang