• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Phong cách nông dân" và "con trâu 10 tỷ"

Nguồn tin: VNN, 29/7/2007
Ngày cập nhật: 13/9/2007

Từ con trâu bán trộm 1,4 triệu, ông nông dân Nguyễn Văn Ngọ đã có trong tay "con trâu" trị giá 10 tỷ đồng. Ông giải thích sự thành công của mình thật đơn giản: Kết quả của niềm đam mê hòa trộn trong khát khao thoát nghèo...

Từ cảnh ngày ngày bước sau con trâu trên đồng ruộng, ông Ngọ chuyển sang đi trước cả làng, cả xã trong nỗ lực thoát nghèo và làm giàu. Những ngày đầu mon men bên chậu cây cảnh nhanh chóng kết thúc. Thay vào đó là những bước đi tự tin của đam mê và vững chãi của uy tín...

Phong cách... nông dân!

Cây lộc vừng đầu tiên đã đưa ông vào nghề cây cảnh thật nhẹ nhàng. Ông ngồi nhớ lại thời chập chững bước chân vào thế giới bonsai. Nhớ, để khẳng định một điều: Có đam mê thôi chưa đủ!

Có nghĩa là ông phải đối mặt với khó khăn. Những khó khăn khác xa với trăn trở lúa, mạ, giống, nước... trên cánh đồng bạc màu quê ông. Ông không dấu giếm thừa nhận, lúc đầu, cũng phải trả giá. Ông đi đánh cây... tùm lum. Chưa hiểu thời tiết, mùa nào cũng đánh. Cây không sống được, vốn hụt dần theo cây.

Ông thừa đam mê nhưng thiếu kỹ thuật. Ông lang thang đến các vùng có truyền thống về nghề cây cảnh để học cách chăm sóc cây, thời điểm đánh cây, yếu tố thổ nhưỡng, thiên nhiên... Cứ vùng nào, nhà nào có nghề cây là ông đến. Không nề hà, không đắn đo, không quản đường xa. Vùng ông đến nhiều nhất là làng Nam Điền (Nam Trực - Nam Định). Mảnh đất Hà Nam Ninh ngày xưa là cái nôi của nghề cây cảnh đất Bắc, thì Nam Điền là làng nổi tiếng nhất.

Ông về Nam Điền học tập họ bó bầu, đảo cây, tỉa cành, tuốt lá, tạo thế... "Đi đâu họ cũng nhiệt tình giúp tôi. Không ai dấu cả, vì nghề này do hoa tay, đam mê của mỗi người..." - Ông Ngọ.

Khi có đủ cả đam mê và kỹ thuật, ông "lên" vèo vèo. Đánh được cây nào về bán cây đó. Lại hay săn được những cây đặc biệt, có tơ duyên với những cây đẹp. Nghề cây luôn nhiều vốn, ông vẫn phải đi vay ngân hàng. Nhưng ông đã có đủ độ tin với ngân hàng, có thể vay được vài ba tỷ một lúc.

Ông bảo, ông và cây cảnh có nhiều tơ duyên, nó như "Quý vật gặp quý nhân"!

Có uy tín, "con đường cây cảnh" của ông nông dân Ngọ trơn tru, thẳng tắp như thế cây lộc vừng chứ không ngoằn nghèo, khúc khủy như dáng cây sanh, cây sứ.

Ông bắt đầu nhận được nhiều hợp đồng lớn cung cấp cây, trồng cây, chuyển cây. Hợp đồng lớn nhất của ông là cung cấp và trồng cây cho sân golf Ngôi Sao Chí Linh (Hải Dương), với giá trị 3 tỷ, năm 2003. Nhớ lại chuyện Ban lãnh đạo sân golf lên nhà ông "mục sở thị" cây xanh trước khi ký hợp đồng, ông giám đốc điều hành người nước ngoài sau khi ngắm vườn cây, chỉ tay ra bảo: Mua hết, cây nào cũng đẹp!

Khách của ông đông. Nhưng ông không có một lời quảng cáo, ai biết tự tìm đến. Ông quảng cáo bằng chính uy tín. Cứ người nọ giới thiệu người kia, khách hàng lại từ khắp nơi về xã Đồng Trúc, hỏi thăm nhà ông Ngọ cây cảnh.

Tôi hỏi ông về phong cách làm nghề. Ông bảo mình luôn cố gắng làm theo phong cách chân chất, thật thà của nông dân!

Với "phong cách nông dân", mỗi năm ông nông dân Nguyễn Văn Ngọ thu được vài tỷ từ vườn cây nông dân.

"Quý vật tìm quý nhân"

Cả một khu vườn rộng hàng trăm loại cây là cơ duyên của đời ông. Mỗi cây lại có một hoàn cảnh khi "đến" với ông, hoặc ra đi khỏi gia đình ông.

Ông nói về cây sanh đặc biệt mà ông đặt tên là "cây bức bình phong". Ông mang nó về được hai năm nay, và như một tơ duyên. Cây sanh này mọc từ lâu, bị ép vào một bức tường nên chỉ phát triển được một mặt, mỏng và dáng vuông, nhiều rễ ngoằn nghèo như các họa tiết, đúng như một "bức bình phong".

Chủ nhà làm nhà, thấy cây bám vào tường thì đào ra, định làm củi đun. Ông đến ngay và mua cây sanh này với giá 4 triệu. Sau hai năm mang về chăm sóc, tỉa tót thân và các chi, vừa rồi có người trả 17 triệu.

Trong vườn ông Ngọ có một cây vạn tuế, ông "dành tình cảm đặc biệt" hơn so với các cây khác. Cây vạn tuế cao hơn 2m, khẳng khiu, chằng chịt những cây con bám từ dưới gốc lên ngọn. Đặc biệt nhất là một "vết thương" ngay giữa thân cây.

Năm 2003, ông được giới thiệu mua cây vạn tuế của một dòng họ tại thị xã Hà Đông. Cả họ này phải họp giải quyết "số phận" cây vạn tuế như một báu vật thiêng liêng của gia tộc. Cây vạn tuế nằm sát sân nhà thờ, để nới rộng nhà thờ, phải di chuyển cây. Di chuyển là tất yếu, nhưng không ai trong dòng họ làm được việc này. Đã 6 đời người gắn với cây vạn tuế này, không ai biết chính xác tuổi của nó, nhưng ít nhất nó khoảng trên 300 năm. Nếu di chuyển, không có kỹ thuật, cây dễ chết.

Bán, nhưng phải tìm được người biết kỹ thuật đánh cây, yêu cây và biết chăm sóc cây. Ông Ngọ có tơ duyên. Trong họ có người biết tiếng ông, giới thiệu. Họ đồng ý. Họ biết ông là người yêu cây, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ông mua cây với giá 12 triệu. Số tiền này dòng họ chủ nhân cây vạn tuế dùng luôn vào việc sửa nhà thờ.

Ông quý nhất là "vết thương" trên thân vạn tuế. Vết này có từ hồi chiến tranh, cây vạn tuế bị một mảnh bom B52 khoét. Một vết sứt của chiến tranh. Là một nông dân, nhưng đã từng là người lính, ông Ngọ thích điều này. Có những kỷ niệm trong chiến tranh, nhiều người không chú ý, nhưng chính "vết thương" này khiến ông cảm thấy cây vạn tuệ trở nên quan trọng.

Đến bây giờ, qua bàn tay chăm sóc của ông, vết thương trên thân vạn tuế đã liền sẹo gần trở lại. Từ ngày đưa cây về, những người vai vế trong dòng họ kia vẫn hỏi thăm về cây. Họ mừng lắm. Có người đã trả 35 triệu, ông chưa bán. Ông gọi tơ duyên này là "quý vật tìm quý nhân".

Đắt nhất trong nhà ông bây giờ là cây thông hai lá dáng trục hoành. Cây thông này có "quốc tịch" Nhật Bản, hiện nay nó có một không hai ở Việt Nam. Hai năm trước, mấy người quen sang Trung Quốc buôn hoa quả, thấy cây đẹp liền chụp ảnh về giới thiệu với ông. Ông thích vì nó đẹp và nghệ thuật.

Ông mua 420 triệu, cây cao tiền nhất trong vườn nhà. Cây thông này xuất xứ từ Nhật, được bán sang Đài Loan, chuyển sang Trung Quốc, rồi về Việt Nam với ông Ngọ. "Anh có thể đi hết đất nước Việt Nam này cũng không tìm ra cây thứ 2..." - Ông tự hào. Có người trả 800 triệu, ông chưa bán, ông bảo phải được 1,7 tỷ mới bán.

Trong vườn nhà ông còn có "cây sanh Tân Trào" trị giá 1 tỷ đồng. Cây sanh này ông mua lại của một gia đình giàu có 6 năm trước. Họ trồng trong hòn non bộ trước nhà. Ông mua 230 triệu, chỉ mình gốc không. Rồi cho ra đất, chăm bẵm, cắt tỉa cho hòan thiện mới đưa lên đá và cho vào bể. Nó có dáng cây sanh trực tự nhiên, người ta còn gọi là dáng làng, cây đa đầu làng.

Nhưng ông từng là bộ đội, ông rất kính trọng cụ Hồ nên ông gọi nó là cây đa Tân Trào. Có ý tưởng biến nó thành cây đa Tân Trào thu nhỏ nên gắn tượng Bác Hồ và anh bộ đội vào gốc cây. Dưới phần xung quanh gốc, ông tạo thêm thảm cỏ như những bình nguyên cho nhẹ nhàng và hài hòa.

Trong vườn nhà ông, có một cây ông gọi là "dị thảo", hình dáng của nó được ông xem như vận vào cuộc đời mình. Toàn thân cây loằng ngoằng thành 3 khúc to nhỏ, dài ngắn khác nhau như chính cái khắc khổ đời ông. Đó là ông suy luận thế.

Ông cũng "hữu duyên" khi mua được cây này với giá 17 triệu. Có người đã trả 25 triệu, ông không bán. "Tôi muốn giữ cây "dị thảo" lại lâu lâu với mình, nhưng thực tế nhà kinh doanh khó giữ lắm. Người kinh doanh mà bảo là không bán thì mất hết khách hàng..." - ông trăn trở.

"Dị thảo" này ông mua mãi trong TP. Thanh Hoá. Cây này nguyên là của một họa sĩ, anh ấy cũng vất vả, cũng thích suy luận "dị thảo" gắn với đời mình. Thế nhưng, gặp ông Ngọ, anh họa sỹ kia rất quý. Cùng ý tưởng, chỉ dăm phút nói chuyện đã hợp duyên, anh họa sĩ để lại cho ông.

"Quỷ sứ cũng phải thuần!"

Nhiều người đi từ ngoài đường cao tốc Láng - Hòa Lạc vào xã Đồng Trúc tìm nhà ông đã tỏ ra băn khoăn. Vườn nằm sâu quá, họ không nghĩ nó lại đẹp thế. Nhất là có những người đến đầu làng nhà ông đúng mùa trồng sắn. Dân làng kéo cây sắn ngoài đường, trong sân nhà nào cũng đầy sắn đang phơi.

Nhiều đoàn tìm đến học tập mô hình của ông Nguyễn Văn Ngọ Họ gặp ông và bảo: "Chúng tôi nghe người ta giới thiệu, đến đầu làng nhìn thấy khung cảnh như vậy đã ngán. Ai cũng nghĩ làm sao ở mảnh đất này lại có ông nào làm được vườn cây có tiếng như thế. Nhưng khi lọt vào đây rồi, mê ngay ý tưởng và cách làm việc này...".

Vận chuyển cây đi trên đường, ông bị công an phạt suốt. Ông vẫn vui vẻ, chấp hành nộp phạt, vì mình vi phạm, chở quá khổ, quá tải… “Mình sai lè lè thì phải chấp nhận chứ, trốn làm sao được!”. Ông nói vui: “Làm xanh làm sạch cho đời nhưng vẫn phải nộp phạt!”.

Cây cảnh mang lại cho ông nhiều niềm vui. Đợt TV5 đưa tin, lan sang đến tận nước Mỹ xa xôi, có một Việt kiều quê gốc Thạch Thất năm nay đã 80 tuổi đã không tin ông Ngọ.

Cụ Việt kiều điện về bảo con trai (đang ở Thạch Thất), sang tận nhà ông Ngọ xem có đúng không. Cụ cứ thắc mắc tại sao một nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" như Thạch Thất mà lại có vườn cây đẹp thế. Con ông cụ sang xem, và trả lời cho ông cụ.

Khi ông cụ về thăm nhà, cụ bắt con cháu đưa lên đây thăm bằng được vườn cây. Sau đó, cụ già đã nhờ ông chuyển nguyên một cái mộ kiên cố đi chỗ khác cho dòng họ. Ông làm nhưng không lấy tiền. Cụ Việt kiều đã coi ông như con cháu trong nhà.

"Tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển cho đời con, đời cháu. Vì nghề cây này nhân văn và làm đẹp cho đời lắm. Dù có là quỷ sứ đi nữa cũng sẽ thuần..." - Ông nông dân đổi trâu lấy 10 tỷ đồng bộc bạch

Bài: Thế Lê Vinh - Ảnh: Lê Anh Dũng

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang