• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khắc khoải U Minh Thượng

Nguồn tin: TT, 02/06/2007
Ngày cập nhật: 3/6/2007

Dù báo cáo của ban quản lý dự án vùng đệm U Minh Thượng xác định đã có hơn 76% gia đình không còn nghèo nhưng ở U Minh Thượng hằng ngày vẫn có hàng trăm gia đình đi chặt sậy bán với giá 50.000 đồng/ghe để đong gạo

Khi chúng tôi nhắc đến dự án U Minh Thượng, mấy ông cán bộ ngân hàng ở thành phố Rạch Giá cười méo xẹo, nói: “Dự án này thật sự là... cái máy ngốn tiền, bây giờ nhắc đến nó ngân hàng nào cũng sợ”.

Ông Trần Văn Phước, trưởng phòng tổng hợp chi nhánh Ngân hàng Nhà nước VN tại Kiên Giang, cho biết: đến hết quí 1-2007, hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc có 1.698 hộ nợ quá hạn trên hai năm với số tiền hơn 31 tỉ đồng, nhưng việc thu hồi nợ ở đây đang thật sự là nỗi ám ảnh của các ngân hàng. “Nhưng sao nhiều người nói dân vùng đệm đang giàu có?” - chúng tôi thắc mắc. Ông Phước cười chua chát: “Chỉ một số rất ít, đa số tay làm hàm nhai, đâu có dư để trả nợ. Mấy anh xuống vùng đệm khắc biết”.

Nỗi niềm vùng đệm U Minh

Năm 1992, tỉnh Kiên Giang quyết định khôi phục và bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.000ha rừng tràm nguyên sinh U Minh Thượng, đồng thời qui hoạch 14.290ha đất xung quanh lõi rừng nguyên sinh thuộc hai xã Minh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) và An Minh Bắc (huyện An Minh) thành vùng đệm U Minh Thượng. 3.526 gia đình nghèo, không đất sản xuất ở khắp nơi trong tỉnh được bố trí nhận mỗi hộ 4ha để định cư đào vuông, đắp bờ bao lên liếp trồng tràm, khóm, mía, rau màu, cây ăn trái và nuôi cá với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, thấp nhất 25 triệu đồng/hộ và cao nhất hơn 30 triệu đồng/hộ. Dự án kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng đã ra đời như vậy. Sau tám năm thực hiện (từ tháng 5-1999 đến nay), mặc dù tỉnh Kiên Giang luôn khẳng định dự án đã làm thay đổi bộ mặt hoang vu vốn có từ bao đời của vùng rừng U Minh Thượng với nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội, nhưng trên thực tế dự án này đang là nỗi ngao ngán của nhiều ngành, nhiều người.

Minh Thuận, xã nghèo nhất vùng đệm, chỉ có 27% hộ dân có điện để sử dụng, bảy ấp thuộc diện “ba không”: không đường, không điện, không nước sạch. Chúng tôi tìm vào ấp Minh Thành, ấp nghèo nhất xã. Dọc kênh 14 vào sâu trong ruột rừng là những lô đất rộng 4ha đã được thi công thành liếp tràm, ao nuôi cá, rẫy khóm, mía nhưng không một bóng người. Chúng tôi ghé vào một căn nhà mái lá xiêu vẹo, vách tre rách nát, đánh tiếng năm lần bảy lượt mới có một người đàn ông xuất hiện với vẻ rụt rè, cảnh giác.

Nguyễn Văn Mum, chủ nhà, gãi đầu gãi tai: “Nghe mấy đứa con nít nói có người lạ vô xóm nên không ai dám ở nhà vì sợ cán bộ ngân hàng đến đòi nợ. Thiệt tình thì không phải sợ, nhưng cán bộ tới nhà hoài mà không có tiền trả nên... mắc cỡ quá, trốn đi cho xong. Tui còn thiếu nợ ngân hàng 30 triệu đồng, trả không nổi, cả xóm này ai cũng là con nợ của ngân hàng”. Nhà Mum năm miệng ăn, hai vợ chồng làm quần quật nhưng kiếm đỏ con mắt cũng không được 30.000 đồng/ngày trong khi gạo phải mua 5.000 đồng/lít, dầu lửa đốt đèn 11.000 đồng/lít...

Nhiều lúc ngặt nghèo quá Mun xông đại vô rừng cấm của quốc gia kiếm bậy con rùa, con rắn đem bán kiếm tiền đong gạo vì không muốn ngồi nhìn vợ con đói.

Bên bờ kênh 17 thuộc xã An Minh Bắc, chúng tôi gặp ba mẹ con chị Hai Lan đang đốn sậy trong những vạt rừng bạt ngàn. Ngồi thở dốc bên những đống sậy, chị Lan rầu rĩ: “Ba mẹ con đốn suốt ngày mới được một xuồng, chèo cả chục cây số ra tận Vĩnh Thuận bán cho những người bện đăng với giá 50.000 đồng/xuồng”.

Chị Lan vay gần 35 triệu đồng để sản xuất nhưng hơn ba năm nay chưa trả được đồng vốn, đồng lãi nào bởi trồng thứ gì cũng thất bát: mía trồng cả năm bán chưa được 300 đồng/kg, khóm thì còi cọc, không khi nào giá vượt qua 1.000 đồng/kg. “Mấy đứa nhỏ thấy mẹ cực quá nên xin đi ra chợ làm thuê nhưng tui không cho. Ở đây rau cháo, hôm sớm mẹ con có nhau, ra ngoài đó tụi nó thân gái dặm trường, biết làm sao”.

Phóng xe chạy suốt tuyến đường nhựa rộng 4m, dài hơn 60km bao bọc cả vùng đệm nhìn đâu cũng thấy nhà tre lá lụp xụp, cái nghèo thể hiện rõ trên từng dáng người áo quần lam lũ. Ở con đập ngăn mặn rộng chừng 2m chắn ngang dòng kênh xáng số 3 (ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện An Minh), những đoàn ghe 10-15 tấn mải miết chuyển mía từ những vạt rẫy trong rừng tụ về neo đậu chật cứng để bán sản phẩm.

Bành Văn A, chủ một ghe mía 15 tấn, rầu rĩ: “Từ đầu mùa tới giờ giá mía chỉ dao động ở mức 160-200 đồng/kg, nông dân tụi tôi lỗ trắng tay. Vậy mà nghèo còn mắc cái eo, tiền thuê nhân công đốn mía vác từ trên liếp xuống ghe là 80.000 đồng/tấn, chở ra đến con đập này lại phải thuê người vác từ ghe mình sang ghe thu mua với giá 9.000 đồng/tấn”. Nhiều chủ ghe mía cho biết giá mía phải từ 400 đồng/kg trở lên họ mới có lời chút đỉnh. Chứ với giá dưới 200 đồng/kg, tiền chạy gạo ăn cho gia đình còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền để họ trả nợ ngân hàng?”.

Người trồng mía khổ một thì người trồng tràm khổ gấp trăm lần. Khi triển khai dự án phát triển kinh tế nông hộ của vùng đệm này, ban quản lý dự án qui định trong 4ha đất được cấp bắt buộc phải có 1-2ha đất trồng tràm, bởi lúc đó cây tràm được xem là “cây mũi nhọn kinh tế” với thu hoạch dự kiến sau sáu năm có thể đạt từ 60 triệu đồng/ha trở lên. Ba năm nay tràm bán không ai mua, người trồng tràm khốn khổ nhưng những người làm dự án thì điềm nhiên “không nghe, không thấy, không biết”.

Ở đập ngăn mặn thuộc ấp An Hưng, xã An Minh Bắc, vợ chồng ông Tư Nho cùng hai người con đang loay hoay chất tràm từ dưới ghe lên bờ rồi xúm nhau lột vỏ. Bà Tư Nho than thở: “Kêu bán tràm với giá 1,2 triệu đồng/công (12 triệu đồng/ha) nhưng không ai thèm mua nên vợ chồng, con cái tôi phải lột vỏ bán tràm lõi với giá 300 đồng/kg, ráng gỡ được đồng nào hay đồng đó”.

Vợ chồng bà Tư Nho là một trong số 1.167 hộ nông dân nghèo được ngân hàng cho vay vốn (mỗi hộ 27 triệu đồng) để đầu tư khai phá 4ha đất được cấp (bao gồm đào ao xả phèn, đắp bờ bao, trồng tràm...) và phải hoàn trả trong vòng năm năm (năm 2003 đến hạn thanh toán nợ), nhưng đến nay bà chưa trả được đồng nào cho ngân hàng. Tưởng chúng tôi là cán bộ ngân hàng đi thu nợ, bà Tư Nho rơm rớm nước mắt phân trần: “Mấy chú thông cảm, tui đâu muốn mang nợ làm chi, ngặt nỗi tràm không bán được, cá nuôi cũng không sống nổi vì bị phèn, mía thì càng bán càng lỗ nên lấy đâu ra tiền trả ngân hàng”.

Loay hoay gỡ rối

Những con đập ngăn mặn được xây dựng trên các tuyến vận chuyển hàng hóa huyết mạch của vùng đệm làm người dân phải tốn kém thêm chi phí vận chuyển. Trong ảnh: vác mía qua đập ở ấp Công Sự 2, xã An Minh Bắc với giá 9.000 đồng/tấn

Theo khảo sát của ban chỉ đạo dự án, hiện nay toàn vùng đệm U Minh Thượng có hơn 76% hộ đủ ăn và khá; nhưng phân tích tình hình thu nhập của cư dân vùng đệm cho thấy thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 218.000 đồng/người/tháng, mà nếu theo tiêu chí hộ nghèo là thu nhập 200.000 đồng/người/tháng thì hàng ngàn gia đình được cho là “đủ ăn và khá” ấy đang trong cảnh cách cái nghèo chỉ 18.000 đồng.

Ông Nguyễn Tấn Để, bí thư Đảng ủy xã An Minh Bắc, thừa nhận số gia đình sản xuất có dư để tích lũy chiếm chưa tới 10% cư dân vùng đệm, đa số đều trong cảnh tay làm hàm nhai. Ông nói: “Sản phẩm làm ra không bán được, hoặc bán được thì không có đường vận chuyển vì vướng đập ngăn mặn, cho nên có thể nói vùng đệm như một cái túi chứa đói nghèo, toàn vùng còn đến 97,9% gia đình sống trong những căn nhà tạm bợ, nhiều cái mục nát. Vậy mà tỉnh còn qui hoạch hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc là xã điểm công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cho nên đến nay dự án này chỉ ở trên giấy”.

Gỡ rối cho dự án kinh tế nông hộ ở vùng đệm U Minh Thượng đang là một bài toán khó đối với tỉnh Kiên Giang. Ông Bùi Trung Phú, chi cục phó Chi cục Hợp tác xã Kiên Giang, cho biết: “Khi hàng ngàn hộ dân triển khai đào vuông, đắp bờ bao đã vô tình đưa lớp phèn tiềm tàng từ dưới sâu lên trên mặt đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chăn nuôi. Nhưng không hiểu sao đã ba năm qua chúng tôi liên tục đề nghị tỉnh ghi vốn xây dựng các công trình xả phèn tháo chua nhưng tỉnh... không đồng ý”.

Ông Mai Văn Bé, phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo dự án, nói mấu chốt của vấn đề là các sản phẩm chủ lực của vùng đệm (tràm, mía, rau màu...) đều bị ách tắc ở khâu vận chuyển và giá cả thị trường nên cuộc sống cư dân khó khăn, không tích lũy được để trả nợ vay ngân hàng.

Ông nói: “Chúng tôi rất đau đầu vì nông sản giá quá thấp, thậm chí bán không được như cây tràm nhưng không thể làm gì được vì thị trường quyết định tất cả. Những năm qua tỉnh đã có hàng trăm cuộc họp để tìm hướng tháo gỡ cho vùng đệm nhưng vẫn không xong. Riêng việc ba năm liền tỉnh không ghi vốn đầu tư thi công các công trình xây dựng cơ bản để cải tạo đất đai vùng đệm thì... tôi cũng không hiểu lý do vì sao”.

Trong lúc các cơ quan hữu trách của Kiên Giang đang lúng túng để tìm giải pháp cứu dự án thì các ngân hàng lâm cảnh dở khóc dở cười. Ông Trần Văn Phước cho biết bốn ngân hàng thương mại trong tỉnh đã cho 1.167 hộ vay hơn 32,3 tỉ đồng vốn đào vuông, đắp bờ bao và 1.793 lượt hộ vay 9,6 tỉ đồng vốn sản xuất. Nhưng đến nay tổng nợ thu hồi chỉ được 6,5 tỉ đồng. “Chúng tôi đã liên tục đưa quân đi thu hồi nợ nhưng hầu như đều ra về tay không” - ông Phước cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hoan, trưởng phòng tín dụng Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Kiên Giang, thẳng thừng: “Chúng tôi cương quyết không giải ngân cho vay nữa vì không thể thu hồi nợ”. Bí thư đảng ủy hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc thì bày tỏ bức xúc: “Chúng tôi thường xuyên vận động bà con cố gắng trả nợ ngân hàng nhưng dân nghèo quá, thu nhập chỉ đủ ăn thì làm sao có tiền trả nợ? Không lẽ tổ chức xiết nhà cửa, đất đai của họ để trừ nợ?”.

Đã đến lúc tỉnh Kiên Giang phải tìm cách thay đổi hiệu quả làm ăn của nông hộ trong dự án này để nâng cao đời sống của họ; có vậy họ mới có tích lũy để trả được nợ.

Tràm không bán được, nhiều người dân vùng đệm phải chấp nhận lột vỏ bán lõi với giá 300 đồng/kg

Dự án vùng đệm U Minh Thượng gồm chín tiểu dự án (diện tích 14.290ha, bố trí 3.526 hộ dân nghèo), tổng vốn hơn 181,7 tỉ đồng, trong đó vốn vay xây dựng cơ bản 96,9 tỉ đồng, vay sản xuất 84,8 tỉ đồng. Đã giải ngân hơn 39,3 tỉ đồng cho 1.396 hộ vay xây dựng cơ bản (trong đó các ngân hàng thương mại 32,3 tỉ đồng) ở bảy tiểu dự án, còn hai tiểu dự án chưa thi công... Đến nay toàn bộ số nợ vay đã quá hạn.

“Tỉnh đang tiến hành xem xét lại cơ cấu cây trồng vật nuôi ở vùng đệm để có thể giúp nông hộ nâng cao hiệu quả sản xuất. Muốn vậy thì cần phải có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thật tốt, đồng thời người dân vùng đệm phải được hưởng một số chính sách ưu đãi vì đây là vùng đặc biệt khó khăn. Theo tôi, tỉnh cần đề nghị Chính phủ xem xét để có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với vùng đệm U Minh Thượng” - ông Mai Văn Bé, phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo dự án vùng đệm U Minh Thượng, cho biết.

HÙNG ANH

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang