• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần Thơ: Lúa đông xuân 2012 - 2013: Hứa hẹn vụ mùa bội thu

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 29/01/2013
Ngày cập nhật: 30/1/2013

Thời điểm này, phần lớn diện tích lúa đông xuân 2012 - 2013 ở TP Cần Thơ trong giai đoạn làm đòng, trổ đến chắc xanh. Nhìn chung, các trà lúa đang phát triển khá tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh, dịch hại lúa hiện vẫn còn có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành nông nghiệp và nông dân phải hết sức cảnh giác, chủ động trong chăm sóc, bảo vệ lúa để tránh thiệt hại về năng suất…

* Lúa phát triển tốt

Các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố kiểm tra lúa đông xuân 2012 - 2013 tại xã Đông Hiệp, huyện Thới Lai.

Vụ đông xuân 2012 - 2013, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ xuống giống hơn 87.900 ha lúa. Đến thời điểm này, lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ - chắc xanh, chỉ mới có một số diện tích nhỏ bước vào thu hoạch.

Theo ngành nông nghiệp và nông dân tại các địa phương trên địa bàn thành phố, vụ sản xuất lúa đông xuân này tình hình sâu bệnh và thời tiết có những diễn biến bất lợi cho sản xuất. Nhưng nhìn chung các trà lúa đông xuân phát triển khá tốt do được nông dân quan tâm chăm sóc tốt và ngành chức năng tăng cường hướng dẫn nông gia áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phòng trị kịp thời các đối tượng dịch hại. Gia đình anh Nguyễn Hữu Điệp ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai gieo sạ được 7 ha lúa, với các giống 0M6932 và Jasmine85. Hiện tại, ruộng lúa của gia đình anh đều trong giai đoạn trổ đến chắc xanh, dự kiến qua Tết Nguyên đán 2013 lúa mới chín, thu hoạch. Anh Điệp cho biết: "Lúa đông xuân đang phát triển khá tốt, hứa hẹn sẽ trúng mùa. Giá vật tư nông nghiệp có nhích lên và vụ này có xuất hiện một số loại sâu bệnh hại lúa như: rầy nâu, sâu cuốn lá…nhưng nhìn chung sâu bệnh đã được khống chế kịp thời. Bên cạnh đó, nhờ tham gia mô hình cánh đồng mẫu, cùng bà con thực hiện gieo sạ, chăm sóc lúa tập trung đồng loạt và được ngành chức năng tạo điều kiện trong liên kết với doanh nghiệp để mua vật tư đầu vào với giá sỉ nên tính ra chi phí sản xuất lúa vụ này cũng nhẹ". Ông Trương Văn Mới ở ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vụ này, tôi có 3,5 công lúa gieo sạ giống Jasmine85, dự kiến qua Tết Nguyên đán mới thu hoạch. Vừa qua, ruộng lúa của tôi và một số bà con xuất hiện sâu cuốn lá và rầy nâu nhưng nhờ phòng trừ kịp thời nên tình hình đã ổn. Thời gian qua, nhiều bà con ở đây cũng đã tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, nhờ vậy cũng giảm được phần nào sự ảnh hưởng bởi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng và các chi phí sản xuất đầu vào tăng".

Huyện Vĩnh Thạnh là địa phương có diện tích sản xuất lúa đứng hàng đầu thành phố. Vụ đông xuân này, huyện xuống giống trên 25.285 ha lúa, đạt 102% kế hoạch. Mùa lũ vừa qua, nước lũ thấp nên tương đối thuận lợi cho việc xuống giống lúa. Có 80% diện tích lúa đông xuân ở Vĩnh Thạnh được xuống giống trong tháng 11 và 20% diện tích xuống giống trong đầu tháng 12-2012. Các đối tượng dịch hại lúa xuất hiện trên địa bàn huyện cũng chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, sâu cuốn lá và chuột. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, bệnh đạo ôn lá xuất hiện khá phổ biến tại nhiều trà lúa nhưng áp lực bệnh không cao, nông dân chủ động phòng trừ tốt, thiệt hại do bệnh không đáng kể. Còn rầy nâu, sâu cuốn lá xuất hiện và tập trung gây hại lúa từ đầu đến giữa tháng 1-2013 với mật số thấp đến trung bình, cao cục bộ nhưng hiện 2 đối tượng này đã được khống chế tốt, mật số thấp dưới mức gây hại. Riêng chuột có chiều hướng tăng và gây hại cục bộ ven các khu vực gần các khu dân cư, tuyến đê bao… Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, vụ đông xuân 2012 - 2013, huyện Thới Lai xuống được trên 19.215 ha lúa, đạt 100,06% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa được nông dân thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn là hơn 3.860 ha, với hơn 3.000 hộ dân tham gia. Các trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện đang chủ yếu trong giai đoạn làm đòng, trổ - chắc xanh. Lúa có sự xuất hiện các dịch hại như: rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, chuột… nhưng vẫn trong tầm khống chế và mức độ gây hại của nó hiện không nhiều.

Với tình hình phát triển khá tốt của các trà lúa đông xuân 2012 - 2013 và một số diện tích lúa thu hoạch sớm cho năng suất khá cao, hứa hẹn vụ lúa đông xuân này thành phố sẽ tiếp tục có một vụ mùa bội thu. Tại các huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh hiện đã có một số diện tích lúa đông xuân được thu hoạch. Kết quả thống kê bước đầu của ngành nông nghiệp địa phương cho thấy, năng suất lúa đạt bình quân 7 tấn/ha.

* Nhưng không được chủ quan

Qua các đợt kiểm tra thực tế tại đồng ruộng gần đây, ngành nông nghiệp thành phố đã xác định lúa đông xuân tại các địa phương trên địa bàn thành phố nhìn chung đang phát triển khá tốt, các loại sâu bệnh xuất hiện gây hại lúa trong thời gian qua đã được chính quyền địa phương và nông dân khống chế kịp thời, không để phát sinh thành dịch. Tuy nhiên, các đối tượng dịch hại vẫn còn đang diễn biến phức tạp, cần phải theo dõi sát đồng ruộng, nhất là thời điểm trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán 2013. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, các trà lúa đông xuân trên nhiều địa bàn chủ yếu trong giai đoạn làm đòng, trổ đến chắc xanh và gần thu hoạch nên tương đối đỡ lo bị sâu bệnh gây hại nhưng nông dân và ngành nông nghiệp các địa phương không được chủ quan. Cần phải tăng cường kiểm tra giám sát các đối tượng dịch hại như: chuột, rầy nâu, bệnh đạo, cháy bìa lá… Trong đó, phải đặc biệt chú ý đến các trà lúa xuống giống muộn trong tháng 12-2012 do lúa còn đang làm đòng, nếu tới đây lúa trổ mà bị bệnh đạo ôn cổ bông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Bên cạnh đó, dự kiến tới đây vào khoảng 25, 26 Tết sẽ có một đợt rầy nâu nở rộ, rất nguy hiểm cho các trà lúa đông xuân muộn. Ngoài ra, chuột xuất hiện cắn phá lúa với mật số còn thấp nhưng nếu không phòng trừ chuột kịp thời, đúng cách cũng sẽ gây nhiều tác động xấu cho sản xuất, môi trường và tính mạng con người khi nông dân dùng các loại thuốc hóa học và điện để diệt chuột. Bà Nguyễn Thị Kiều lưu ý: "Diệt chuột phải tập trung ra quân đồng loạt nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên sử dụng các loại bẫy chuột và dụng cụ đánh bắt thủ công. Tuyệt đối không được dùng điện để diệt chuột. Hạn chế sử dụng thuốc, nếu phải sử dụng thì nên dùng các loại thuốc sinh học; dùng thuốc hóa học thì phải trong danh mục cho phép và thực hiện đồng loạt. Đối với việc phun xịt thuốc phòng trị rầy nâu và các loại sâu bệnh khác, nông dân cũng cần hết sức lưu ý đến hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật và việc bảo vệ môi trường. Lúa trong giai đoạn làm đòng đến trổ, nông dân muốn phun trị rầy nâu cần phải kết hợp việc giữ nước cho ruộng lúa với sử dụng bình phun máy có áp lực phun mạnh nhằm đưa thuốc xuống tới gốc lúa. Không được sử dụng nhớt pha thuốc để rải xuống ruộng lúa. Riêng đối với lúa đã chắc xanh đến gần chín, nếu thấy có rầy nâu xuất hiện, nông dân không cần phải phun xịt thuốc…".

Để đảm bảo có vụ sản xuất lúa đông xuân 2012 - 2013 thắng lợi, lãnh đạo thành phố cũng đã liên tục có các đợt kiểm tra thực tế nhằm theo sát tình hình sản xuất lúa trên địa bàn và có các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Mới đây, sau khi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Lai, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh, tình hình sâu bệnh và các loại dịch hại vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp và các địa phương không được chủ quan, lơ là. Huyện Thới Lai và các quận, huyện có diện tích sản xuất lúa trên địa bàn thành phố nói chung cần phải xác định từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2013 là thời điểm quyết định nhất cho vụ đông xuân 2012 - 2013, cần phải tập trung quyết liệt cho công tác chăm sóc lúa. Ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương phải phân công cụ thể cán bộ chuyên môn phụ trách từng địa bàn và tăng cường thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng dịch hại, không để gây ảnh hưởng năng suất lúa. Bên cạnh đó, cần quan tâm tổ chức tốt khâu thu hoạch lúa và có kế hoạch chuẩn bị ngay cho vụ lúa hè thu 2013…

Khánh Trung

Các tin mới:

31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
30/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
29/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
26/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
25/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
24/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
23/12/2013
22/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
21/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
20/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
19/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
18/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
17/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
16/12/2013
15/12/2013
15/12/2013
14/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang