• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), một năm sau trận lụt lớn

Nguồn tin: Nhân Dân, 04/07/2009
Ngày cập nhật: 6/7/2009

Cơn bão số 6 - tháng 9-2008, với diễn biến phức tạp, bất ngờ đổ bộ vào các tỉnh phía bắc, làm cho nhiều địa phương bị tàn phá nặng nề, trong đó có tỉnh miền núi Bắc Giang, mà Lục Ngạn là huyện bị thiệt hại nặng nhất. Tôi về Lục Ngạn sau gần một năm bị "cơn hồng thủy" tàn phá hoang tàn, nhưng giờ đây hầu như không còn thấy dấu vết...

Những ngày này, niềm vui cùng nụ cười tươi sáng đang hiển hiện rất rõ trên gương mặt bà con các dân tộc ở Lục Ngạn khi vào vụ mùa thu hoạch vải thiều. Và cũng ngày này, Bí thư Huyện ủy Giáp Văn Trí kể với tôi: "Bà con ở huyện Lục Ngạn bắt tay khắc phục hậu quả cơn lũ thế kỷ rất nhanh. Gần một năm trước, 29 xã và một thị trấn của Lục Ngạn chìm trong nước lũ cuồn cuộn, sôi réo ngày đêm. Có xã bị chia cắt và cô lập hoàn toàn, phải tiếp tế bằng máy bay lên thẳng. Có nơi ca-nô, xuồng máy của lực lượng quân đội không vào được. Các cụ tám, chín mươi tuổi bảo rằng từ bé chưa hề gặp bão lũ kinh hãi như thế bao giờ. Hầu hết lúa, hoa màu, vườn cây ăn quả bị ngập, tàn phá, cuốn trôi, làm ba người bị sập nhà; hàng vạn trâu, bò, lợn, gia cầm và hơn 200 ngôi nhà bị cuốn trôi, tổng thiệt hại lên tới hơn 500 tỷ đồng; vườn cây ăn quả (chủ yếu là vải thiều) bị tàn phá, công trình thủy lợi, đường, trường học, trạm y tế, mạng lưới điện... bị hư hại nặng".

Chúng tôi đến một số vườn vải thiều, có vườn rặt một mầu xanh ngăn ngắt, không thấy bóng dáng quả nào, như thế là mất trắng. Những vườn trên nương, trên đồi cao thì được mùa, quả sai lúc lỉu. Vải thiều là cây "xóa đói, giảm nghèo" của Lục Ngạn, với diện tích trồng 19 nghìn ha, sản lượng hằng năm khoảng hơn 100 nghìn tấn quả, nổi tiếng về chất lượng. Ðó là yếu tố giúp Lục Ngạn phát triển nhanh, mạnh và là thành phần quan trọng để toàn huyện cơ bản xóa được đói nghèo. Vào vụ thu hoạch, một vùng đồi núi, ruộng nương, vườn tược Lục Ngạn tràn ngập một mầu đỏ tươi, khắp nơi náo nức trong không khí của niềm vui được mùa và no ấm. Thương lái bốn phương với ô-tô to nhỏ đủ loại về lấy hàng nhộn nhịp ngày đêm. Ðó là kết quả của sự nỗ lực, cần cù, sáng tạo của bà con, từ một huyện nghèo đói nhất tỉnh vươn lên. Thế rồi sau cơn lũ, hiện tượng tái nghèo lại xuất hiện với 14,2% số hộ, đặc biệt là bà con các dân tộc ở 12 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Anh Trí đưa chúng tôi đến xã Nam Dương. Trong đợt lũ, xã này bị nặng nhất và cũng là xã khắc phục hậu quả tàn phá của bão lũ nhanh nhất huyện. Từ trung tâm huyện lỵ đi khoảng 5 km, qua cầu sông Lục Nam là đến trung tâm xã. Cầu mới được làm cách đây mươi năm. Xưa, không có cầu, Nam Dương như bị cô lập, giao lưu hàng hóa khó khăn, là xã nghèo nhất huyện, nhất tỉnh. Nay thì khác xa rồi. Nhờ có cầu mà giao thông thuận lợi, sản xuất có điều kiện phát triển, rồi vai trò của các làng nghề được khẳng định, đã làm cho Nam Dương nhanh chóng trở thành xã giàu nhất huyện. Vậy rồi năm ngoái, cơn bão lũ ập đến bất ngờ.

Bí thư Ðảng ủy xã Trịnh Văn Sinh - người dân tộc Sán Dìu, cho biết: Nam Dương có diện tích tự nhiên 2.967 ha, dân số 1.800 hộ với 8.260 nhân khẩu, cả xã có sáu dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa đã nhiều đời nay chung sống hòa thuận, đoàn kết, đùm bọc nhau. Toàn xã có chín thôn bản với 147 đảng viên, sinh hoạt trong 10 chi bộ; các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... hoạt động sôi nổi, có hiệu quả. Xã có 70% số hộ làm nông nghiệp và trồng rừng; 30% số hộ làm nghề thủ công nghiệp - là nghề làm mì Chũ nổi tiếng. Diện tích trồng lúa và hoa màu của xã là 500 ha, trong đó 355 ha trồng lúa, diện tích còn lại trồng hoa màu như lạc, ngô, các loại đậu. Thế mạnh của xã là chăn nuôi, trồng rừng cây ăn quả, và nghề làm mì. Trận lụt thế kỷ làm ngập trắng 600 ha cây ăn quả (trong đó có 500 ha cây vải thiều), cuốn hơn 100 con trâu, bò, hàng vạn con lợn.

Từ sau trận bão lũ đến nay, bà con nhanh chóng phục hồi, chăm sóc lại toàn bộ diện tích vải thiều, trồng mới 60 ha rừng phòng hộ, 200 ha rừng tái sinh. Ðặc biệt là phục hồi rừng dẻ đặc sản đã bị tàn phá những năm trước, nay trồng lại được 300 ha. Hạt dẻ ở đây thơm, ngon, có giá trị kinh tế cao. Chính quyền xã và bà con có kế hoạch phát triển loại cây quý này, xây dựng thành đặc sản có thương hiệu như mì Chũ. Trong cơn lũ năm trước, làng Thủ Dương ngập sâu 2-3m, ngấn nước vẫn còn hằn dấu tích trên mỗi thân cây, mỗi tường nhà. Lò tráng mì (mỗi lò trị giá 60 triệu đồng) của các gia đình đều bị ngập và hỏng, 205 tấn gạo cùng toàn bộ số mì đã sản xuất bị cuốn trôi. Sau bão, nghề làm mì từ gạo được phục hồi, phát triển nhanh, toàn xã có hơn 400 hộ, riêng làng Thủ Dương có 264 hộ, mỗi ngày sản xuất hơn 20 tấn. Mì Chũ chính gốc là ở làng Thủ Dương. Mì được tiêu thụ ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước. Mì làm từ gạo ngon trồng ở xã, sử dụng nước giếng trong mát, ngọt lịm. Mì ở đây không dùng thuốc tẩy và phụ gia nên rất an toàn. Sợi mì dẻo dai, vị thơm ngon. Hằng năm, nghề làm mì đem tới thu nhập từ 18 đến 20 tỷ đồng, bằng tiền thu nhập vải thiều. Ở làng Thủ Dương, đường làng và đường ngõ xóm đều đổ bê-tông sạch đẹp, nhà cao tầng mọc san sát. 100% số gia đình có máy thu hình, tủ lạnh, xe máy, con cái học hành tấn tới, nhiều nhà có con học đại học, cao đẳng.

Ðến Thủ Dương, tôi lại được biết chuyện về "cây vải tổ" Lục Ngạn ở ngay làng Thủ Dương do cụ Nguyễn Ðức Trụ (tên thường gọi là Chén - tên con trai đầu) trồng. Năm nay cụ 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Năm 1953, cụ được người bạn quê Thanh Hà (Hải Dương) lên Chũ dạy học đã đem theo và tặng cụ ba cành vải "chiết". Quý tình cảm của bạn, cụ trồng cây trong vườn, chăm sóc chu đáo. Một năm sau, hai cây lên tươi tốt, một cây cằn cỗi. Một lần bạn về chơi, góp ý nên bỏ cây cỗi, tập trung chăm sóc hai cây, tượng trưng cho tình bạn của hai người. Ba năm sau, cây ra hoa kết trái và trở thành cây ăn quả quý hiếm của gia đình cụ Chén. Ðến năm 1960, có phong trào trồng cây gây rừng và cây ăn quả, mọi người nghĩ đến cây vải của cụ, bà con đề nghị cụ chiết cành và phổ biến cách trồng, chăm sóc. Không ngờ đất Lục Ngạn lại phù hợp cây vải, vì thế cây phát triển rất nhanh, thành cây "xóa đói, giảm nghèo" của Lục Ngạn. Hiện nay, cây vải của cụ Chén đã thành cây cổ thụ cao to, nhưng hằng năm vẫn nặng trĩu quả to và ngon...

Ðoạn đường từ trung tâm xã Nam Dương lên đỉnh núi Am Vãi cao hơn 400 m so với mặt nước biển, núi nằm trong dải Yên Tử, đó là "nóc nhà" của Lục Ngạn. Hơn chục cây số mà ô-tô phải đi mấy tiếng đồng hồ. Ðường xấu lại vòng vèo, khúc khuỷu, lên dốc xuống đèo, hai bên là thung lũng sâu thăm thẳm, kế tiếp là đồi, rừng với một mầu xanh của keo, thông và dẻ. Ngồi trên xe, anh Giáp Văn Trí giới thiệu với tôi từng cánh rừng rộng bao nhiêu ha, của chủ nào, trồng cây gì, tiềm năng năm mười năm nữa sẽ ra sao. Ðường càng lên cao càng xấu, dốc đá cheo leo, trên xe có người ví như đang trên đường đèo Pha Ðin lên Ðiện Biên ngày trước, có người lại so sánh với đường Trường Sơn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Anh Trí cười: "Ðường đi thế này có thấm vào đâu, ô-tô, xe máy phóng bay bay lên đỉnh Am Vãi chẳng khó khăn mấy. Vài năm trước lên đây phải đi bộ, quá nửa ngày mới tới". Anh Hải lái xe góp chuyện: "Anh Trí từng là lính lái xe Trường Sơn từ năm 1971, từng vào cả thành Quảng Trị trong đợt 81 ngày đêm máu lửa đấy". Thì ra thế, tôi càng hiểu thêm về anh, người Bí thư Huyện ủy và là cựu chiến binh lái xe Trường Sơn quả cảm năm nào.

Trên đỉnh Am Vãi, không khí mát mẻ trong lành. Ðứng ở đây nhìn được toàn cảnh huyện Lục Ngạn với đường phố, làng bản, đồi nương, sông suối đẹp như tranh sơn thủy. Sau gần một năm, nhìn lại các thành quả mới thấy sức vươn lên để khắc phục khó khăn sau lũ của nhân dân các dân tộc ở Nam Dương thật to lớn. Về giao thông, đã sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, làm mới 8 km đường bê-tông; các công trình điện, trạm y tế, trường học đều xây dựng mới, khang trang và đạt chuẩn quốc gia. Trường mầm non với tám phòng học bảo đảm cho 400 cháu học tập, trường THCS khang trang với hơn 1.800 học sinh và trường tiểu học xây dựng kiên cố vừa mới hoàn thành, đủ lớp cho 1.700 học sinh. Xã cũng đang tập trung cho các công trình thủy lợi, sửa chữa hệ thống hồ nước, mương máng bị hư hại, triển khai các công trình mới như cụm bốn hồ, gồm: hồ Khe Sàng, hồ Ðèo Gia (Ruồng), hồ Khuôn Vố và hồ Hàm Rồng, với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Hồ Hàm Rồng sẽ hoàn thành vào cuối quý I-2009 có diện tích 30 ha, bảo đảm tưới cho 260 ha lúa, hoa màu, kinh phí 23 tỷ đồng.

Ðứng trên mặt đập, nhìn nước hồ mênh mông, xa tít tắp là ruộng, nương, rừng núi trập trùng, Bí thư Huyện ủy kể với tôi: "Lục Ngạn vừa thiếu lại vừa thừa nước tưới tiêu. Mùa mưa lũ, nước ngập tràn, sau lũ là mùa khô, là hạn hán vì thiếu nước. Do đặc điểm ấy mà Lục Ngạn có rất nhiều ao hồ chứa nước to nhỏ, có xã có hơn 40 ao hồ. Trước đây, do manh mún, không quy hoạch tổng thể nên không lưu trữ và điều tiết được nước, không đủ nước phục vụ sản xuất. Mấy năm nay, huyện đã bắt đầu có cái nhìn tổng thể, quy hoạch lại hệ thống mương máng và mạng lưới hồ ao cho hợp lý, khoa học, có như vậy mới làm chủ, yên tâm làm giàu được". Hy vọng một ngày không xa, bộ mặt kinh tế - xã hội - văn hóa của Lục Ngạn sẽ ngày càng phát triển, để rồi Am Vãi sẽ là một khu du lịch hấp dẫn.

ÐẶNG TIẾN HUY

Các tin khác:

6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009
6/7/2009

 

Xem các tin năm 2014

Xem các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364 365 366 367 368 369 370 371 372 373 374 375 376 377 378 379 380 381 382 383 384 385 386 387 388 389 390 391 392 393 394 395 396 397 398 399 400 401 402 403 404 405 406 407 408 409 410 411 412 413 414 415 416 417 418 419 420 421 422 423 424 425 426 427 428

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang