• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắt ếch giữa… mùa khô

Nguồn tin: KH, 30/9/2007
Ngày cập nhật: 30/9/2007

Ngày xưa, muốn thưởng thức món thịt ếch, người nông dân phải đợi đến mùa mưa giông, còn bây giờ, chỉ cần vào quán, gọi một tiếng là có ngay một đĩa thịt ếch thơm phưng phức, bởi những năm gần đây, con ếch đã… về làng.

Ếch… về làng

Những năm gần đây, việc nghiên cứu, đầu tư quy trình sản xuất từ sinh sản nhân tạo đến nuôi ếch thương phẩm để thay thế nguồn ếch tự nhiên đã được đưa vào ứng dụng và cho giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, mô hình nuôi ếch sinh sản, ếch thương phẩm tại nhà hiện nay không còn xa lạ với nông dân và một số người đang ăn nên làm ra với mô hình này.

Tôi đã tận mắt chứng kiến anh Cao Văn Phương - một nông dân ở thôn Thạnh Mỹ, Ninh Quang, Ninh Hòa (Khánh Hòa) rất thành công với mô hình nuôi ếch công nghiệp cho sinh sản nhân tạo. Khoảng 2 năm nay, trại ếch giống của anh trở thành nơi cung cấp giống ếch cho các hộ nuôi ếch thương phẩm trong vùng. Khác với môi trường sống hoang dã ở đồng quê, cách nuôi ếch tại nhà của anh đã làm tôi kinh ngạc. Trong những bể xi măng đúc khoảng chừng 10-12m2, ếch giống, ếch thương phẩm lổn nhổn, dày đặc. Không nhát như ếch đồng, thấy người đến, chúng vẫn nằm im không nhúc nhích. “Do quen với hơi người nên chúng lỳ lắm, không sợ tiếng động mạnh” - ông chủ giải thích.

Thịt ếch đồng có vị ngọt, tính hàn, không độc. Trong y học, ếch đồng được coi là vị thuốc, có tên điền hoa, điền kê hay còn gọi là trường cổ. Thịt ếch có tác dụng bổ dưỡng, an thai, thanh nhiệt, trị cam tích ở trẻ em, suy dinh dưỡng, hư lao, ngứa lở, phù tim, cổ trướng, thổ huyết, chảy máu cam, ho hen… Dạng thông thường là chế biến thành món ăn - vị thuốc, hoặc sấy khô, tán bột uống hàng ngày.

Câu chuyện anh Phương kể về cách nuôi ếch giống khá dài và tỉ mỉ. Trước đây, anh từng là một người nuôi tôm giỏi. Nhưng sau vài vụ tôm bị dịch bệnh, anh đành từ bỏ cái nghề đầy rủi ro đã từng để lại cho anh một đống nợ và chuyển sang nuôi ếch. Theo anh, nuôi ếch không khó, ít dịch bệnh, chỉ cần học hỏi vài kinh nghiệm là ai cũng có thể nuôi được. Để tránh rủi ro xảy ra, trước khi nuôi anh chạy vạy khắp nơi học hỏi kinh nhiệm và tham khảo mô hình. Đầu năm 2005, anh mua 1.000 con giống từ miền Bắc về nuôi một thời gian, sau đó chọn 80 con mẹ tốt để lai giống. Đến kỳ sinh sản, anh cho phối với giống ếch bố mua về từ miền Nam. Khoảng đầu năm 2006, ếch bắt đầu sinh sản. Anh trở thành người đầu tiên nuôi ếch sinh sản ở Ninh Hòa. Anh Phương tiết lộ: “Nếu muốn nuôi ếch đạt năng suất cao, giống ếch bố và giống ếch mẹ phải được chọn từ 2 nơi khác nhau để tránh trùng dòng máu, sau này ếch con sinh ra mới có thể phát triển tốt, nếu lai trùng huyết, ếch con sẽ chậm lớn”. Ngoài ra, chọn nguồn gốc ếch giống cũng là một khâu quan trọng. Ếch giống nuôi công nghiệp bán trên thị trường hiện nay có nhiều nguồn gốc khác nhau được nhập về từ Thái Lan, Đài Loan, Mêxico, Cu Ba… Nếu người nuôi chọn ếch giống không rõ nguồn gốc, độ thích nghi kém thì ếch nuôi khó lớn, ít thịt, xương cứng, đùi nhỏ nên khó bán. Theo anh Phương, hiện anh đang nuôi ếch nhập từ Thái Lan có nguồn gốc ở Australia. Loại giống này có đặc điểm thịt nhiều, xương mềm, đùi to và dễ nuôi, ít dịch bệnh.

Ếch dễ nuôi, lời nhiều

Làm mưa nhân tạo để ếch sinh sản theo ý muốn.

Nói nhanh như không cần suy nghĩ, anh Võ Trí Chương - một hộ nuôi ếch ở phường Vĩnh Hòa - Nha Trang, cho biết: “Tôi đã từng nuôi đủ loài nhưng tôi thấy chỉ có ếch là dễ nuôi, hiệu quả cao mà không lo lắng nhiều”. Ếch có thể nuôi trong ao, đăng quầng hoặc bể xi măng. Ở những vùng không gần sông nước, nuôi ếch trong bể xi măng là cách làm khá phổ biến. Xây bể nuôi ếch khá đơn giản. Diện tích bể rộng khoảng 10 - 12m2, có tường gạch bao quanh, đáy lõm từ 20-30 cm và tạo bóng râm xung quanh. Bể nuôi ếch kèm theo hệ thống nước sạch ra, vào thuận lợi để tiện thay nước ngày 1-2 lần (tốt nhất nên nuôi bằng nước giếng).

Thời gian phát triển của ếch chia thành 3 giai đoạn: nòng nọc, ếch giống và ếch trưởng thành. Tùy từng giai đoạn, người nuôi sẽ phân bổ mật độ tương ứng với diện tích hồ. Thông thường, nuôi trong bể xi măng, mật độ trung bình 1.000 con giống/m2, ếch trưởng thành 100 con/m2 và ếch bố mẹ từ 50-60 con/m2. Cám thực phẩm là nguồn thức ăn chính của ếch. Ngoài ra, có thể cho ếch ăn thêm các loại giun đất, tôm, tép, cua và côn trùng. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều, trước khi cho ăn phải vệ sinh chuồng sạch sẽ… Theo tính toán của các hộ nuôi, 1 bể 12m2 thả khoảng hơn 1.000 con giống, nuôi 3 tháng, trừ chi phí tiền giống, tiền thức ăn và các chi phí phụ khác, lãi gần 1 triệu đồng. Hộ nào nuôi ếch sinh sản, nguồn giống có sẵn, lợi nhuận sẽ cao hơn. Anh Chương cho biết, trại ếch của anh có 7 bể (70m2). 1 bể nuôi ếch bố mẹ (50 cặp) cho sinh sản nhân tạo, 1 bể ương trứng, 1 bể thả nòng nọc và 4 bể nuôi ếch thương phẩm. Sau 3 tháng xuất một lứa ếch thương phẩm, cộng với tiền bán ếch giống (giá khoảng 1,5 nghìn đồng/con), trừ chi phí, trung bình mỗi tháng lời từ 3-5 triệu đồng. Những hộ mua giống và chỉ nuôi ếch thương phẩm cũng có lợi nhuận tương đương. Đây là mức thu nhập không thấp đối với người nông dân. Chị Kim Hồng - vợ anh Phương vui vẻ kể, gia đình chị chỉ nuôi ếch bố mẹ (khoảng 200 cặp), cho sinh sản nhân tạo và bán ếch giống, bình quân thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với kỹ năng nuôi ếch nhà nghề, người nuôi ếch sinh sản có thể cho ếch bố mẹ sinh theo ý muốn bằng cách cho mưa nhân tạo. Mỗi con ếch bố mẹ có thể sinh từ 2-6 lần/ năm. Tùy vào nhu cầu giống của khách hàng, người nuôi có thể tăng kỳ sinh sản của ếch, lợi nhuận cũng từ đó tăng lên.

Bắt ếch vào mùa nước nổi.

Niềm vui của người nuôi ếch hiện nay là, nguồn ếch thịt rất khan hiếm trên thị trường. Với giá 35-45 nghìn đồng/kg ếch thịt (từ 3-4 con), các hộ nuôi không có ếch để bỏ mối cho khách hàng. Ghé vào các quán nhậu, chúng ta dễ dàng nhận thấy các món nhậu chế biến từ thịt ếch không rẻ, 1 đĩa thịt ếch (ước chừng 1,5 con) có giá từ 30-35 nghìn đồng. Vì thế, mô hình nuôi ếch hiện nay đang trở thành vấn đề được nhiều nông dân quan tâm, nhất là những vùng phụ cận thành phố. Mô hình này có thể giúp họ phát triển kinh tế khi mà quỹ đất ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa.

Theo ông Nguyễn Lơn - Chủ tịch Hội Nông dân Ninh Hòa, điều mà nông dân băn khoăn hiện nay là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Muốn nuôi ếch, mỗi hộ phải có ít nhất 15 triệu đồng; trong đó đầu tư hồ nuôi khoảng 7 triệu, còn lại chi vào tiền giống. Nếu xoay xở được nguồn vốn, người nông dân có thể yên tâm “bắt ếch giữa mùa khô” để làm giàu.

MINH THIẾT


Đã có thể an lòng với... giấy?

Nguồn tin: KTVN, 21/09/2007
Ngày cập nhật: 30/9/2007

Ngày 19/9/2007, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã có cuộc họp với đại diện một số bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học, tư vấn, nhà đầu tư và nhiều cơ quan truyền thông đại chúng để thông tin thêm về dự án nhà máy giấy và nhà máy bột giấy có quy mô lớn nhất trong cả nước, với vốn lên tới 1,2 tỷ USD do Lee & Man Paper Manufactuning Ltd (Hongkong - Trung Quốc) đầu tư 100%.

Tại đây nhiều ý kiến đã được nêu lên để làm sáng tỏ những vấn đề từng làm không ít người lo lắng, như chúng tôi đã đề cập trong bài "Giấy... sẽ đẩy mất cá, tôm!".

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thắng nhắc lại rằng: dự án đã được chính thức khởi công ngày 6/8/2007 vừa qua. Trước đó tỉnh đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trình tự thủ tục cũng như xin ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan, trước khi cấp phép đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, do hồ sơ dự án sản xuất giấy gửi trước nên khi gửi tiếp hồ sơ dự án sản xuất bột giấy có vài bộ trả lời như cũ hoặc không trả lời. Mặt khác, trong hồ sơ xin cấp phép của Lee & Man đã có nêu giải pháp về môi trường, chủ đầu tư cũng đã cam kết với tỉnh về đảm bảo sản xuất thân thiện với môi trường, kể cả công nghệ xử lý nguồn nguyên liệu giấy đã qua sử dụng chiếm 80% được nhập khẩu, chế biến tại tỉnh.

Thấy đã hội đủ điều kiện và được phân cấp nên tỉnh cấp phép theo thẩm quyền... Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng rất cầu thị muốn được nghe các ý kiến bổ sung, đóng góp thêm cho địa phương, ông Thắng nói.

Không ảnh hưởng môi trường nước và thủy sản

Theo đại diện Trung tâm Công nghệ môi trường (đơn vị tư vấn dự án), hoạt động của các nhà máy là thân thiện với môi trường, không gây hại. Mặc dù dự án không nằm trong danh mục bắt buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng tỉnh chủ động yêu cầu nhà đầu tư phải làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường để có ý kiến tham vấn.

Theo tinh thần Nghị định 80, Bộ Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu nhà đầu tư lập báo cáo này để trình các cơ quan thẩm quyền. Lý giải những quan ngại về hoạt động của nhà máy và nước thải sẽ ảnh hưởng môi trường nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản, đơn vị tư vấn đưa ra những thông tin khoa học có sức thuyết phục.

Theo đó, để sản xuất 330.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, nhà máy phải xử lý lượng nước thải 27.000m3/ngày đêm, nước có nồng độ BOD 700 mgO2/lít, COD 2.000 mgO2/lít và SS là 1.300 mg/lít. Đối với nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì có công suất 420.000 tấn/năm, cần xử lý lượng nước có nồng độ BOD 515 mgO2/lít, COD 1.461 mgO2/lít và SS 1.214 mg/lít với tổng khối lượng 29.272m3/ngày đêm. Nước thải ra đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (TCVN 5945-2005) có nghĩa là nồng độ BOD trong nước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 30 mgO2/lít, COD bằng hoặc nhỏ hơn 50 mgO2/lít và SS chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 50 mg/lít.

Vào mùa kiệt, toàn bộ nước thải đã qua xử lý được chứa lại trong các hồ sinh thái để tái sử dụng mà không thải ra sông, như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.

Theo tư vấn, về lượng xút dùng làm nguyên liệu sản xuất sẽ ảnh hưởng nguồn nước sông Hậu là không đáng băn khoăn. Vì công nghệ sản xuất giấy cứng bao bì của nhà máy công suất 420.000 tấn/năm, nhà đầu tư không sử dụng xút mà chỉ sử dụng trong việc sản xuất bột giấy tẩy trắng (330.000 tấn/năm) với tỷ lệ 84kg xút/tấn bột giấy với con số lý thuyết mỗi năm cần 27.720 tấn xút.

Để khắc phục sự ảnh hưởng môi trường, nhà máy sẽ lắp đặt dây chuyền thu hồi kiềm từ "dịch đen" (Lignin) bằng phương pháp đốt có thu hồi nhiệt và "tro kiềm". Toàn bộ lượng "tro kiềm" được tái sử dụng cho quá trình sản xuất nhằm giảm lượng nguyên liệu kiềm tiêu thụ và không thải ra môi trường. Quá trình tẩy trắng của nhà máy bột giấy cũng không làm phát sinh Dioxin vì chất tẩy trắng được dùng là H2O2 (oxy già).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Dân, Cục Nuôi trồng thủy sản, cho rằng cần có chiến lược lâu dài về môi trường, xử lý nước thải phải quan tâm 3 tiêu chuẩn về nồng độ BOD, COD và chất thải rắn. Nếu phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Khoa học Công nghệ là đủ điều kiện thực hiện dự án, bởi nếu không, yêu tố sinh học và sinh hóa có tác động rất nhanh đối với môi trường sống khu vực lân cận (tôm, cá chết ngay).

Vùng nguyên liệu không là nỗi lo

Đại diện Vụ Công nghiệp và Tiêu dùng, Bộ Công Thương, cho rằng hiện tại nhu cầu về giấy là 1,8 triệu tấn/năm nhưng ta mới sản xuất được 1,1 triệu tấn, tức là đang mất cân đối. Đến năm 2020, nhu cầu sử dụng giấy của nước ta rất lớn, cần tới 5,1 triệu tấn.

Do đó, quan điểm của Bộ Công Thương là khuyến khích và ủng hộ chủ trương đầu tư của tỉnh. Việc nhập giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu là cần thiết nhưng cần lưu ý về giải pháp và công nghệ xử lý. Về dự án sản xuất bột giấy, đại diện Vụ Công nghiệp - Tiêu dùng cho rằng vùng nguyên liệu không phải nỗi lo đáng kể.

Cục phó Cục Lâm nghiệp Nguyễn Quang Dương cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Lâm nghiệp mới chỉ nhận được báo cáo do nhà đầu tư gửi. Tinh thần là ủng hộ chủ trương của tỉnh nhưng về vùng nguyên liệu thì phải tính lại vấn đề qui hoạch sử dụng đất, chứ không chỉ có ý kiến Bộ Tài nguyên - Môi trường là đủ.

Trong tổng diện tích rừng 381.000 ha, diện tích rừng sản xuất chỉ có 182.000 ha (130.000 ha tràm), sản lượng thu hoạch từ rừng khoảng 1,5-2 triệu m3 (riêng gỗ tràm là 1,3 triệu m3)...

Do vậy phải rà soát qui hoạch lại cho phù hợp. Cục Lâm nghiệp không sợ việc khai thác sẽ dẫn đến phá rừng tràm hiện có vì mục đích xây dựng nhà máy ở đây là khuyến khích dân trồng rừng và giải quyết việc làm cho dân, đó là 2 điều rất quan trọng khi phát triển. Cục Lâm nghiệp cho rằng lo được nguyên liệu tại chỗ vẫn là quan trọng nhất và phải chiếm tối thiểu 70% là lý tưởng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, PGS.TS Triệu Văn Hùng cho rằng: để sản xuất 420.000 tấn giấy/năm mà nguyên liệu chủ yếu từ nhập khẩu thì cần xem kỹ tính ổn định và chủ động về nguồn nguyên liệu. Vì vậy, nếu giải pháp môi trường không rõ ràng thì dễ làm cho người ta đặt nghi vấn.

Sản xuất 330.000 tấn bột giấy từ cây gỗ ở ĐBSCL, chủ yếu là tràm và một số cây trồng rừng phân tán thì Cục Lâm nghiệp đã có nghiên cứu về qui hoạch. Qui hoạch cũng có thể điều chỉnh vì hiệu quả kinh tế của tổng thể nền kinh tế.

Hùng Nghị - Huy Bình


TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (Bản tin 21h30 - 29/9/2007)

Nguồn tin: Nchmf, 29/9/2007
Ngày cập nhật: 30/9/2007


Giấy sẽ đẩy mất... cá, tôm!

Nguồn tin: KTVN, 18/09/2007
Ngày cập nhật: 29/9/2007

Dự án nhà máy giấy có tổng vốn đầu tư lên tới 628 triệu USD (theo giấy phép, và 1,2 tỷ USD theo các công bố khác) do Công ty TNHH Giấy Lee&Man (Trung Quốc) đầu tư 100% vốn đã được khởi công vào đầu tháng 8/2007 vừa qua tại Hậu Giang và dự kiến cuối năm 2008 sẽ đi vào hoạt động.

Thế nhưng, gần đây một số vấn đề đã rộ lên chung quanh dự án này; thậm chí có ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay việc xây dựng nhà máy để cứu lấy vùng ĐBSCL và nguồn tài nguyên vô cùng quý giá ở khu vực này...

Dự án được xây dựng tại khu công nghiệp ven sông Hậu (Vị Thanh - Hậu Giang), có công suất 570.000 tấn sản phẩm mỗi năm, gồm: 420.000 tấn giấy chất lượng cao và 150.000 tấn bột giấy; dự kiến sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 6.000 lao động địa phương khi đi vào sản xuất, chưa kể hàng vạn hộ gia đình khác trong vùng sản xuất nguyên liệu.

Đồng thời đây cũng là một trong số ba dự án công nghiệp lớn có mức vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, không chỉ đưa Hậu Giang vào "top" các tỉnh, thành trong thu hút đầu tư, mà còn tạo điều kiện cho một tỉnh vừa nghèo, vừa mới được thành lập những cơ hội đột phá, đặc biệt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp và dịch vụ.

Phải chăng, chính vì thế mà dự án đã nhanh chóng được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép, trong khi còn có nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu, và đặc biệt là môi trường sinh thái chưa có lời giải đáp cụ thể và thỏa đáng từ phía chủ đầu tư; và các cơ quan trách nhiệm khác, như Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chưa được mời tham gia?

Bất chấp quy hoạch và thực tế

Trong Công văn số 1311/CV-SDR ngày 6/9/2007 của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bình, gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu rõ: căn cứ theo Quyết định 160/1998/QĐ-TTg ngày 4/9/1998 của Thủ tướng về việc phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010" thì không có quy hoạch nhà máy giấy ở Hậu Giang; và theo "Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020" cũng không hề có quy hoạch nào cho vùng nguyên liệu giấy ở khu vực ĐBSCL.

Như thế, việc cấp phép đầu tư nhà máy giấy tại Hậu Giang là bất chấp quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt!

Đáng chú ý nữa là, trên thực tế không có khả năng đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định và lâu dài. Bởi vẫn theo tính toán của Cục Lâm nghiệp: với công suất 570.000 tấn/năm, và định mức 4,5-5,0 tấn nguyên liệu cho 1 tấn sản phẩm, thì tổng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy này mỗi năm lên tới 2,5- 2,8 triệu tấn. Năng suất cây tràm, nguyên liệu chính hiện nay vào khoảng 80 m3/ha (với chu kỳ 7-8 năm) thì phải cần 270.000 ha rừng tràm nguyên liệu.

Trong khi, kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì 12 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 182.000 ha rừng sản xuất. Nếu đưa toàn bộ diện tích này vào trồng nguyên liệu giấy thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Trong thực tế, cũng sẽ không có tỉnh nào đưa toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của mình vào làm nguyên liệu cho nhà máy của Hậu Giang, do đó cao nhất cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện chủ đầu tư, ông Tôn Lâm cho biết: nhà máy sẽ sử dụng đến 80% nguyên liệu là nguồn giấy phế liệu nhập khẩu. Điều này lại phát sinh vấn nạn mới, đó là: lượng giấy phế thải nhập khẩu liệu có đảm bảo ổn định lâu dài cho sản xuất, vì các nước trong vùng cũng đang hướng tới việc tận dụng và khả năng tái chế giấy? Hơn nữa, việc tiếp nhận và sử dụng nguồn giấy phế thải sẽ đẩy toàn bộ ô nhiễm cho nhân dân trong vùng hứng chịu.

Sẽ hết sạch cá, tôm?

Vấn đề đáng lo ngại nhất là an toàn môi trường sinh thái trong khu vực. Kinh nghiệm từ nhà máy giấy Bãi Bằng cho biết, để sản xuất một tấn giấy hay bột giấy cần tới 50 kg xút (NaOH) làm chất tẩy rửa. Với công suất 570.000 tấn/năm, tính ra mỗi năm nhà máy giấy Hậu Giang sẽ đổ ra môi trường 28.500 tấn xút, đó là chưa kể những chất thải khác từ quy trình sản xuất giấy.

Đầu tháng 9/2007, Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đã đưa vấn đề ảnh hưởng của nhà máy giấy Hậu Giang với thuỷ sản trong vùng vào chương trình nghị sự. Nhiều doanh nghiệp đã thực sự lo lắng về vấn đề chất thải của nhà máy giấy này.

Bởi nếu không có những biện pháp xử lý triệt để, chỉ cần một lượng nhất định chất thải độc hại thoát ra môi trường nuôi trồng, sẽ làm ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu, gây nhiễm bẩn vào các sản phẩm chế biến xuất khẩu là khó tránh khỏi... Ngoài việc có thể làm cho cá, tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân, còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng thuỷ sản xuất khẩu vốn đang được các nước nhập khẩu kiểm soát nghiêm ngặt.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đã tỏ ý đồng tình với một số kiến nghị do ông Nguyễn Ngọc Bình đề xuất với UBND tỉnh Hậu Giang. Đó là chỉ đạo nhà đầu tư phải cam kết thực hiện: không làm cống ngầm đổ nước thải trực tiếp ra môi trường; xây dựng bể chứa nước thải chưa xử lý phải có đáy chống thấm và phải xây tường cao; không để bể nước bị ngập vào mùa nước nổi làm nước từ bể chứa tràn ra ngoài gây nguy hiểm cho cộng đồng và huỷ hoại môi sinh; hệ thống mương thoát nước thải đã qua xử lý phải xây nổi để thuận tiện trong kiểm tra, giám sát chất lượng chất thải trước khi đổ ra môi trường; thực hiện xử lý nước thải, tách hết xút, bảo đảm chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời cũng đề nghị không chấp nhận phương án của nhà đầu tư là sử dụng 80% nguyên liệu là giấy phế liệu. Có thế mới hy vọng giấy không đẩy mất hết cá, tôm của ĐBSCL...

Thạch Phùng


WWF cảnh báo sự phát triển “nóng” cá tra, basa ở VN

Nguồn tin: SGGP, 29/09/2007
Ngày cập nhật: 29/9/2007

Tại buổi tọa đàm về “Xây dựng tiêu chuẩn cho nuôi cá tra, basa bền vững” do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức ở TPHCM, Tiến sĩ Flavio Corsin, Cố vấn cấp cao về nuôi trồng thủy sản của WWF cho biết: “Nuôi cá tra, basa là một trong những hình thức nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhất hiện nay trên thế giới.

Điều cấp thiết là phải giảm thiểu tác động việc nuôi đến môi trường và xã hội, trong khi vẫn phải đảm bảo đáp ứng những nhu cầu thị trường”. Theo FAO (Tổ chức Nông Lương-Liên hiệp quốc) sản lượng toàn cầu cá tra, basa năm 2005 là 400.000 tấn, nhưng riêng Việt Nam năm nay đạt khoảng 1 triệu tấn. Mục tiêu của tọa đàm là ghi nhận những ý kiến đóng góp các bên liên quan, thống nhất quy trình xây dựng tiêu chuẩn, nguyên tắc và tiêu chí để tiến tới xây dựng tiêu chuẩn cho việc nuôi cá tra, basa bền vững.

L.Long


Phát hiện hơn 60 loài tảo độc ở ven biển Việt Nam

Nguồn tin: SGGP, 28/09/2007
Ngày cập nhật: 29/9/2007

Hơn 60 loài tảo độc hại đã được phát hiện ở vùng ven biển nước ta – đó là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học do TS. Chu Văn Thuộc (Viện Tài nguyên - Môi trường biển) làm chủ nhiệm.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra cơ chế gây hại của tảo độc trong các thủy vực tự nhiên; ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường thủy vực của hiện tượng tảo nở hoa; tác động của tảo độc tới sức khỏe con người cũng như một số động vật khác thông qua chuỗi thức ăn (hải sản biển cá, cua.. đã nhiễm độc tố từ tảo). Các nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp quản lý, giảm thiểu tác hại do tảo độc, tảo gây hại cho vùng nuôi thủy sản trọng điểm ven biển...

Anh Phương


3 điều kiện để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra

Nguồn tin: CT, 27/9/2007
Ngày cập nhật: 28/9/2007

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích nuôi cá tra, ba sa trên 5.000 ha. So với năm 2000 diện tích này đã tăng trên 10 lần và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là diện tích nuôi cá tra, ba sa tăng thì nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Làm gì để khắc phục tình trạng này? Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Nuôi thủy sản, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết:

ĐBSCL là nơi có điều kiện thuận lợi để nuôi cá tra và cá ba sa, bởi những điều kiện tự nhiên về môi trường nước, sinh thái... Mỗi năm diện tích nuôi cá tra, ba sa đều tăng. Năm 2007 giá cá tra, ba sa khá cao, có lúc lên đến 17.000 đồng/kg, nên người nuôi thu lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cá tra cũng không hạn chế, ngay cả cá tra thịt vàng cũng xuất khẩu được. Từ đó thu hút người nuôi ngày càng nhiều.

Năm 2004, tổng sản lượng cá tra, ba sa của toàn vùng là 264.436 tấn, năm 2006 là 825.000 tấn và dự báo đến cuối năm 2007 sản lượng sẽ lên đến con số khoảng 1,5 triệu tấn, bằng sản lượng quy hoạch cho đến năm 2010 theo dự đoán của ngành thủy sản. Tuy nhiên, tác động từ việc nuôi cá tra và cá ba sa đến môi trường nước và hệ sinh thái đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ môi trường nước, thì sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá sẽ bị đe dọa.

* Tiến sĩ có thể phân tích cụ thể hơn tác hại của việc nuôi cá tra làm ảnh hưởng đến môi trường?

- Trước tiên, chúng tôi muốn nói nghề nuôi cá tra, ba sa xuất khẩu lúc nào cũng phải thỏa mãn 3 điều kiện là kỹ thuật nuôi, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nước. Hiện nay, chúng ta có thể chấp nhập được kỹ thuật nuôi của người dân, hiệu quả kinh tế cũng đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, môi trường nước thì không đảm bảo, thậm chí gây ô nhiễm đến mức nghiêm trọng. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi, các hóa chất vệ sinh cải tạo ao nuôi, có sử dụng vật tư chuyên dụng như vôi bột, chế phẩm sinh hóa học, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng... Các nguồn chất thải này chưa được xử lý triệt để và thải trực tiếp ra môi trường.

Theo số liệu điều tra của chúng tôi, trong 1 ao nuôi có diện tích 1ha cho ra sản phẩm 300 tấn. Nhưng, trong đó sử dụng thức ăn là 480 tấn. Trong lượng thức ăn này có 75% được chuyển hóa thành sản phẩm, phần còn lại được thải loại dưới dạng thức ăn dư thừa thối rữa lắng đọng dưới đáy ao và thải ra môi trường nước. Đây là nguồn chất thải cực kỳ nguy hiểm, là một nguyên nhân quan trọng gây ra sự biến đổi chất lượng nước trên sông rạch. Nếu chúng ta không ngăn chặn tình trạng này kịp thời, đến lúc nào đó môi trường nước không còn cho phép phát triển thủy sản, đặc biệt là những vùng nuôi cá tra ở các con sông, rạch nhỏ.

* Theo tiến sĩ, cần thực hiện những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

- Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đưa ra giải pháp hạn chế khẩu phần ăn cho cá nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước như sau: cá tra, ba sa có trọng lượng từ 12g đến 200g phân bổ thức ăn trong ngày từ 8 đến 10%/trọng lượng đàn cá, từ 200-300g phân bổ từ 6-7%, từ 300-700g phân bổ 4-5%, từ 800-1,1kg phân bổ từ 1,5-3%/trọng lượng đàn cá. Với công thức này, chúng ta vừa giảm lượng thức ăn cho cá, giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường nước mà cá vẫn phát triển bình thường, đảm bảo trọng lượng khi thu hoạch.

Ngoài ra, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đang nghiên cứu một số loài thủy sản nuôi chung với cá tra, cá ba sa nhằm ăn những thức ăn dư thừa, chất thải từ con cá tra, ba sa. Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu và nuôi thử nghiệm thành công 2 loại cá leo và cá kết trong lồng bè, thay thế cá tra, cá ba sa. Vì, cá tra, cá ba sa nuôi lồng bè chi phí rất cao. Cá leo, cá kết nuôi thích ứng trong lồng bè, chi phí nuôi thấp, cho sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, trên thị trường giá bán 2 loại cá này từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Khoa Thủy sản cũng đang thử nghiệm xử lý nước thải cá tra, ba sa trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong đó đặc biệt sử dụng hệ thống lọc nước, đưa nước thải cá tra, ba sa lên đồng ruộng thích hợp với nhu cầu phát triển của cây lúa, nhằm hạn chế sử dụng phân hóa học trong sản xuất lúa.

* Đối với các ngành chức năng, theo Tiến sĩ, cần thực hiện biện pháp gì để hạn chế ô nhiễm nguồn nước từ việc nuôi cá tra, ba sa?

- Để bảo đảm phát huy lợi thế nuôi cá tra và ba sa ở ĐBSCL phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu đảm bảo sự bền vững và an toàn của môi trường, các địa phương cần tập trung quy hoạch hợp lý diện tích nuôi ở khu vực ĐBSCL. Trong đó, chúng ta đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống xử lý được nước cấp đưa vào nuôi và xử lý triệt để nguồn nước thải, bùn thải ao nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đảm bảo chất lượng con cá thương phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trong thời hội nhập.

Để hướng dẫn người nuôi thực hiện đúng theo quy trình, chính quyền địa phương các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cần đưa ra những qui định, những văn bản pháp qui về điều kiện nuôi cá tra, ba sa đảm bảo môi trường nước. Ví dụ như cấp phép hành nghề nuôi cá tra, ba sa cho cá nhân; những cá nhân nuôi không theo quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường sẽ rút giấy phép hay xử lý theo qui định của luật môi trường... Các giải pháp này nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững cho người dân.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

HÀ VĂN (Thực hiện)


Đại học Cần Thơ: Thử nghiệm nuôi cá kết trong lồng bè đạt hiệu quả cao

Nguồn tin: CT, 27/9/2007
Ngày cập nhật: 28/9/2007

Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Trường Đại học Cần Thơ đang phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình nuôi cá kết trong lồng bè. Mô hình này được thực hiện thử nghiệm trong 3 lồng bè nuôi cá tra tại tỉnh Đồng Tháp. Mỗi lồng có thể tích 36m3, được cấu tạo bằng gỗ và có lưới sắt bao bọc bên ngoài. Đây là mô hình nuôi cá lồng bè trên các sông, rạch... Loại cá được thả nuôi là cá kết, với mật độ15 con/m3; thời gian nuôi 8 tháng; thức ăn là cua, ốc, cá, tép… Người tham gia mô hình được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, con giống…

Hiện nay, cá kết đã cho thu hoạch với năng suất cao, thu được lợi nhuận khá cao. Mô hình này sẽ được nhân rộng trong tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

H.V


Cà Mau: Huyện Cái Nước vào vụ mùa sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm

Nguồn tin: CRTV, 27/9/2007
Ngày cập nhật: 28/9/2007

Bước vào vụ mùa năm 2007, huyện Cái Nước vận động nông dân sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt hàng ngàn ha.

Trong đó, huyện chọn xã Phú Hưng làm địa phương chỉ đạo điểm, trong việc sạ cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt khá nhất, đến nay toàn xã sạ cấy được gần 700 ha. Qua tìm hiểu ở một số nơi, các trà lúa mới sạ đều sinh trưởng khá tốt, nhất là trong các dự án khép kín sản xuất đa cây, đa con. Theo phản ánh của bà con, năm nay thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất, giống, phân bón được cung cấp đầy đủ. Măt khác, người dân thấy được lợi ích của sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm là giải quyết được lương thực tại chỗ và cân bằng được môi trường cho nuôi tôm./.

Hùng Tráng


Nhân giống thành công loài trai cho ngọc đen

Nguồn tin: TTXVN, 26/09/2007
Ngày cập nhật: 28/9/2007

Kỹ sư Lê Thị Ngọc Hoá, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3, đã nghiên cứu sản xuất thành công khoảng 3.700 con giống bàn mai đen - một loài trai cho ngọc đen có giá trị kinh tế cao.

Đề tài khoa học này được thực hiện trong 2 năm nhằm cung cấp con giống bàn mai đen cho ngư dân nuôi khai thác lấy ngọc. Thành công của đề tài đã mở ra triển vọng cho nghề nuôi ngọc trai đen Khánh Hoà.

Ngọc đen rất cao giá vì hiếm gặp. Trên thị trường, giá 1 viên ngọc trai đen đường kính từ 10-12 là trên 1.000 USD./.


Bình Định: Vì sao con tôm Mỹ Trung bị dịch bệnh ?

Nguồn tin: BĐ, 26/9/2007
Ngày cập nhật: 28/9/2007

Vụ nuôi tôm năm nay, vùng nuôi tôm Mỹ Trung (thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, Tuy Phước) bị dịch tôm thân đỏ, đốm trắng bùng phát khi tôm nuôi đã 35 đến 45 ngày tuổi. Dịch bệnh lây lan nhanh trên toàn bộ diện tích hơn 11 ha và lây sang vùng nuôi tôm mới (Nhơn Phước) 7ha, làm cho người nuôi tôm ở đây thua lỗ mỗi ha khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Vùng nuôi tôm Mỹ Trung là vùng nuôi tôm chuyên canh, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá chu đáo, gồm 2 vùng nuôi: vùng nuôi cũ ở phía đông có diện tích hơn 11 ha, đưa vào khai thác từ năm 1998 đến năm 2006 liên tục được mùa, nhiều hộ trở nên giàu có nhờ nuôi tôm ở đây. Vùng nuôi mới ở phía tây có diện tích trên 13 ha thuộc dự án “nuôi tôm Nhơn Phước”, đưa vào khai thác năm 2006. Nhìn chung, cả 2 vùng nuôi trong năm 2006 đều trúng mùa, sản lượng đạt trên 2.500kg/ha.

Ở vụ nuôi tôm 2007, các ao hồ nuôi tôm ở 2 vùng nuôi đều được cải tạo kỹ và đầu tư ở mức cao. Tuy nhiên, dịch bệnh tôm đã làm cho nhiều hộ nuôi tôm ở đây bị thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ khuyến ngư xã Phước Thắng, cho biết: “Sau 35 - 45 ngày nuôi, mỗi ha bà con đã đầu tư bình quân hơn 25 triệu đồng. Tôm giống trước khi thả nuôi đều được bà con mua ở các trại giống có uy tín, và đã qua kiểm dịch, thả đúng thời vụ cuối tháng 3, mật độ 20 con/m², một số hồ còn áp dụng nuôi tôm thân thiện với môi trường. Thế nhưng tôm nuôi từ hơn tháng trở đi thì bắt đầu phát bệnh bị đóng rong trên thân; các phần phụ, mang... có nhiều chất bẩn bám vào, đầu và thân tôm có chấm trắng. Theo xác định của ngành chức năng, tôm bị bệnh đốm trắng”.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác mà bà con vùng nuôi tôm Mỹ Trung chưa lường hết là yếu tố môi trường bất lợi: năm 2006 ở tỉnh ta không xảy ra lũ lụt nên quá trình cải tạo ao, đìa, cải thiện chất lượng môi trường dựa vào điều kiện tự nhiên không được diễn ra. Hơn nữa thời tiết năm nay diễn biến khá phức tạp, đầu vụ nuôi mưa nắng thất thường, các ao nuôi luôn bị mất màu, độ pH trong ao nuôi liên tục biến động, tạo môi trường không tốt. Các chất thải nông nghiệp, xác súc vật chết luôn hiện diện trên các sông, mương, gây ô nhiễm nguồn nước, nên việc cấp nước tự nhiên vào ao nuôi cũng là tác nhân gây bệnh cho tôm.

Hiện tại vùng nuôi tôm Mỹ Trung cũ và mới có 2 chi hội nuôi tôm cộng đồng với 37 hội viên. Chỉ có 1 hộ ở vùng đồng Mỹ Trung cũ không tham gia nên đã gây không ít lo lắng cho các hộ nuôi tôm cộng đồng, vì chỉ cần một hồ bị dịch không kiểm soát được thì cả vùng sẽ bị dịch theo.

Theo ông Nguyễn Văn Hải: “Để vụ nuôi tôm năm tới không còn dịch bệnh, trước hết cần nâng cao ý thức cộng đồng của người nuôi tôm; vận động tất cả các hộ nuôi tôm đều phải tham gia cộng đồng nuôi tôm. Chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp can thiệp, không để mạnh ai nấy làm dẫn đến nguy cơ dịch tôm lan rộng”. Người nuôi tôm ở đây cũng phải thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chuẩn bị tốt các điều kiện cải tạo ao, hồ; xử lý mầm bệnh cũ, chăm sóc và phòng bệnh cho tôm theo đúng các quy trình kỹ thuật ngành Thủy sản đã hướng dẫn trước khi vào vụ nuôi tôm mới.

Xuân Thức


Nuôi cá tra xuất khẩu tăng trưởng nhanh

Nguồn tin: BTre, 26/09/2007
Ngày cập nhật: 27/9/2007

Từ đầu năm 2007 đến nay, nghề nuôi cá tra tăng sản phục vụ xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre tăng nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Chợ Lách và Châu Thành. Tính đến nay, toàn tỉnh có 550 ha đang đầu tư, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2006, trong đó có 396 ha đã thả giống. Nhìn chung, tình hình nuôi ổn định. Trong 9 tháng qua, 120 ha cá nuôi đã thu hoạch, đạt năng suất bình quân 300 tấn/ha mặt nước nuôi. Chất lượng cá nuôi khá tốt, đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá cá tra thương phẩm giảm nhẹ, người nuôi lãi không cao.

Trần Tâm


Bến Tre: Thạnh Phong dai dẳng nạn trộm nghêu

Nguồn tin: SGGP, 24/9/2007
Ngày cập nhật: 27/9/2007

Không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng những “mỏ nghêu” như tại vùng ven biển Bến Tre. Hơn 3 năm qua, từ ngày con nghêu nuôi ở đây đạt đủ tiêu chuẩn xuất vào thị trường châu Âu, giá nghêu lên cao vùn vụt. Bộ mặt vùng sâu, đời sống của hàng ngàn hộ dân sống vùng ven biển Bến Tre khá lên thấy rõ cũng từ... “của trời cho” này. Có điều, trong lúc các hợp tác xã (HTX) nuôi thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm thuộc huyện Bình Đại luôn quản lý, khai thác tốt con nghêu thì tại Thạnh Phong ngược lại..!

Đất lành... nghêu tựu

Trên bãi nghêu Thạnh Phong. Ảnh: P.L.H.H.

Nằm giáp biển Đông, dải đất bờ biển Thạnh Phong – Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) dài khoảng 25 km, giới hạn bởi cửa sông Hàm Luông và cửa sông Cổ Chiên.

Trước năm 1975, Thạnh Phong là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí từ Bắc chuyển vào Nam với những chiến tích vang lừng. Các bậc cao niên sống vùng ven biển ở đây cho biết, ngay từ thời đó, con nghêu đã cũng hiện diện tại Thạnh Phong.

Điều này cho thấy nơi đây có môi trường sinh thái thích hợp cho con nghêu tựu lại sinh sống, phát triển. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, vào khoảng tháng 3 kéo dài cho đến tháng 8 (Âm lịch) trong năm, lượng nghêu giống xuất hiện nhiều vô kể ngoài ven bãi biển Thạnh Phong...

Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Cùng với các bãi nghêu tại huyện Bình Đại, Ba Tri, các bãi nghêu tại Thạnh Phong cũng là nơi có môi trường sinh thái được kiểm định thường xuyên, con nghêu đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường “khó tính” châu Âu. Con nghêu nuôi ở bãi biển Thạnh Phong rất mập, ruột trắng, chất lượng thịt ngon ngọt, giàu dinh dưỡng, được thị trường nhiều nước ưa thích”.

Ông Hiếu nhận định: “ Tuy sản lượng nghêu giống lẫn nghêu thịt (nghêu nuôi) hàng năm tại Thạnh Phong không bằng so với các HTX nuôi nghêu tại Bình Đại, song nếu môi trường sống của con nghêu Thạnh Phong được gìn giữ, khai thác tốt, con nghêu vẫn có thể đem lại cuộc sống khá hơn cho rất nhiều người dân nghèo sống vùng ven biển Thạnh Phong...”.

Ở Thạnh Phong, ngoài những hộ sống trên các giồng cát, có đất canh tác trồng hoa màu; những người có vốn liếng làm vuông nuôi tôm sú; còn lại đại bộ phận người dân sống sát bờ biển chỉ biết trông cậy vào sự may rủi theo các con nước như đi mò cua, bắt ốc, đi lưới cá tép... để sống qua ngày. Bởi vậy, thiên nhiên ban tặng cho Thạnh Phong một “mỏ nghêu” đó là điều quý lắm. Thế nhưng...

Trộm nghêu!

Qua cầu Bồn Bồn, tôi lội băng đường rừng hơn 5 km mới đến bãi nghêu ở ấp 6, Thạnh Phong, do HTX Thủy sản Thành Lập quản lý. Song, đây chỉ là một bãi nghêu chưa phải là xa nhất trong nhiều bãi trên dãy bờ biển Thạnh Phong – Thạnh Hải. Muốn đến các bãi nghêu ở ấp 7 , Thạnh Phong, do HTX Thủy sản Đoàn Kết quản lý, phải đi xa thêm khoảng 5 km nữa.

Còn muốn đến tiếp bãi nghêu Thạnh Lợi bên xã Thạnh Hải, thì chỉ có nước đi tàu máy... Các bãi nghêu tại đây nằm trải dài trên một địa bàn thật rộng lớn, cheo leo và đầy phức tạp.

Tôi ra bãi nghêu thuộc HTX Thủy sản Đoàn Kết. Một xã viên chua chát nói: “ Ở đây chuyện bắt nghêu trộm cứ diễn ra liên miên, dai dẳng. Năm rồi (2006), khi nghêu giống vừa xuất hiện chẳng bao lâu, chưa đến tháng tuổi được phép khai thác, lập tức nghêu bị bắt trộm sạch sẽ! Điều đáng lo hơn là môi trường bãi bị phá tan hoang, bãi vẩn đục, liệu rồi con nghêu có còn chịu đến đây để sinh sản?!”.

“Nhưng số người trộm nghêu từ đâu đến?”- tôi hỏi. Anh xã viên thở dài: “Ngoài tỉnh có, người ở các huyện kế bên có, người ngay huyện nhà có và căng nhất là người ở... ngay trong ruột, tức là những xã viên như tôi!...”.

Tôi thốt lên: “Trời đất, vậy là “nội tuyến”rồi!..” Anh xã viên ghé nhỏ vào tai tôi: “Điện thoại di động đã phủ sóng khắp nơi. Thấy không có xã viên giữ nghêu hoặc người cùng “phe ta” thì chỉ cần alô một tiếng...”.

Các nghêu tặc có cách đánh vào các bãi nghêu thật táo tợn. Trong đêm, sau khi nắm “thông tin”, lắm khi nghêu tặc ập đến cả trăm người, dùng lưới mùng vơ vét cấp tập nghêu giống, trong khi đó số xã viên bảo vệ bãi nghêu có mặt chỉ vài chục người.

Làm không xuễ và trong cảnh hỗn độn đó, thấy người ngoài bắt nghêu nhiều quá nên “người nhà” cũng... bắt trộm theo! Hoặc giả nghêu tặc đánh theo kiểu biệt kích. Nơi ven biển rộng mênh mông như thế, chúng đào hố dưới cát để ẩn mình. Không thấy có người, chúng liền hoạt động.

Còn thấy người hay tàu tuần tra sắp đến thì chúng lặn xuống hố, đấp cát lên. Ở những hướng khác, nghêu tặc ẩn hiện như ma trong những vạt rừng ngậm mặn, chực chờ cơ hội tiến ra bãi nghêu...

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Lê Thanh Nữa nói với giọng đầy tâm tư: “Không bảo vệ được bãi nghêu vì Thạnh Phong chưa có một tập thể tổ viên đoàn kết, đủ mạnh để đối phó với người bắt trộm”. Một xã viên thêm vào: “Đã vậy, cứ “canh me”, hễ hở ra thì tổ viên tổ này lại lén sang tổ khác... xiệc!”.

Đó là chuyện vừa diễn ra vào đêm 11-9-2007 ở khu vực bãi nghêu HTX Thủy sản Đoàn Kết. Trong đêm, quần chúng đã vây bắt được kẻ trộm là vợ chồng Võ Văn Được (ấp 4, Thạnh Phong) cùng tang vật là lưới và hơn 1 kg nghêu cám (nghêu giống).

Ngay sáng hôm sau, hàng chục xã viên kéo tới UBND xã Thạnh Phong với sự phẫn nộ, vì họ cho rằng một số người có trách nhiệm của Ban Quản lý HTX Thủy sản Đoàn Kết đã “tay trong, tay ngoài” với vợ chồng Võ Văn Được.

Ông Ngô Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong cho biết: “Bước đầu, vợ chồng ông Được khai do quá nghèo túng nên đi trộm (do người khác thuê). Hiện cơ quan Công an huyện Thạnh Phú đang tiến hành điều tra làm rõ”.

Buổi chiều, khi tôi gặp lại một số xã viên HTX Thủy sản Đoàn Kết, họ nói với tôi là họ không tin và cho rằng, chắc chắn trong đêm đó đã có sự thông đồng giữa những người bảo vệ bãi nghêu với vợ chồng Được.

Nhiều lần sau đó tôi đã liên lạc với UBND huyện Thạnh Phú, Công an huyện Thạnh Phú và hỏi: “Có phải “mỏ nghêu” Thạnh Phong tiếp tục bị “nội tuyến “ không?” thì luôn bị né tránh hoặc… nhận được câu trả lời là công an đang điều tra làm rõ!

Sau vụ trộm nghêu gây nhiều hoài nghi trong xã viên, ngày 14-9-2007, HTX Thủy sản Đoàn Kết đã tiến hành đại hội xã viên, bầu ban quản lý mới và ông Trương Văn Hải được bầu là chủ nhiệm HTX này. Cái khó của Thạnh Phong là, các bãi nghêu nằm trải dài trên địa bàn quá rộng nên việc bảo vệ con nghêu rõ là vất vả, phức tạp.

Tuy nhiên, nếu tất cả xã viên đoàn kết, đồng lòng, ý thức nguồn lợi thủy sản đó chính là của mình và nhất là việc ăn chia ở HTX công bằng, xã viên sẽ ra sức bảo vệ bãi nghêu, nạn trộm cắp rồi cũng phải bị đẩy lùi.

Để con nghêu Thạnh Phong phát triển, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân tại địa phương như ở Bình Đại, quả bóng bây giờ đang thuộc về những xã viên chân chính của HTX Thủy sản Thạnh Lộc và Đoàn Kết.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ


Cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL: Giá thấp nhưng đầu ra khá ổn định

Nguồn tin: CT, 26/9/2007
Ngày cập nhật: 27/9/2007

Từ cuối tháng 8 đến nay giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL có nhiều biến động. Từ mức giá 13.600-13.700 đồng/kg, sau đó tăng lên khoảng 14.000 đồng/kg đối với loại thịt trắng, rồi giảm chỉ còn 13.300 - 13.600 đồng/kg, sau đó tiếp tục tăng và đạt mức giá 13.500 - 13.900 đồng/kg. Dù mức giá đang khá thấp, nhưng theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL, sản phẩm cá tra xuất khẩu đang có đầu ra và thị trường này còn nhiều biến động trong thời gian tới.

GIÁ CÁ 14.000 ĐỒNG/KG MỚI CÓ LỜI

Theo tính toán của nhiều người nuôi cá tra, để nuôi được 100 tấn cá thương phẩm, hiện phải bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng tiền thức ăn và 270 triệu đồng chi phí thuốc (xử lý cao ao, phòng chữa bệnh...). Cộng thêm tiền nhân công, xăng dầu,... tính ra, tốn tổng số từ 1,3 -1,35 tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2006, để nuôi được 100 tấn cá thương phẩm chỉ tốn khoảng 1,15 tỉ đồng.

Chi phí nuôi cá tra đã tăng mạnh so với trước là do giá hầu hết các loại thuốc, thức ăn thủy sản, giá nhân công... đều tăng. Theo nhiều người nuôi cá tra tại huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, giá thức ăn và thuốc thú y phục vụ nuôi cá đã tăng khoảng 30% so với năm trước và mức giá này sẽ còn tăng bởi giá các loại cám gạo, đậu nành và phụ phẩm từ cá đang tăng mạnh. Hơn nữa, chi phí nuôi cá cao còn do nhiều người nuôi cá tra phải chuyển từ việc cho cá ăn thức ăn tự chế sang thức ăn viên nổi, nhằm đảm bảo cá đạt chất lượng, có thịt trắng và trọng lượng đồng đều. Chính vì vậy, từ đầu năm 2007 đến nay, giá cá tra luôn ở mức trên 13.000 đồng/kg nhưng nhiều người nuôi vẫn không có lời. Ông Phạm Thanh Long ở ấp Tân Phước 2, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, thu hoạch hầm cá 120.000 con, bán với giá 13.600 đồng/kg, cho biết: “Bán với giá này tính ra chỉ phá huề, do lúc trước mua cá giống giá cao, với khoảng 2.500 đồng/con”. Vì thế, ông Long cho rằng: “Nuôi cá tra, đồng vốn lớn nên rất sợ rủi ro. Thấy cá tới lúc xuất bán dù có giá lời chút ít hoặc phá huề cũng phải bán, chứ để cá bị huốt cỡ hoặc bị vàng thịt sẽ bán không được”.

Những người nuôi cá tra cho rằng, với chi phí nuôi cá đã tăng cao, giá cá tra phải ở mức từ 14.000 đồng/kg người nuôi mới có lời. Nếu giá thị trường thấp hơn mức này, nếu nuôi không khéo và không đạt tỷ lệ sẽ rất dễ bị lỗ.

THỊ TRƯỜNG NGA “HÉ CỬA”

Cuối tháng 8, đầu tháng 9-2007 đến nay, thị trường cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL có nhiều biến động. Cụ thể, đầu tháng 9, giá cá tra nguyên liệu từ 13.600-13.700 đồng/kg, sau đó tăng lên khoảng 14.000 đồng/kg đối với loại thịt trắng. Giữ ở mức giá này không bao lâu, cá tra nguyên liệu giảm giá xuống chỉ còn 13.300 - 13.600 đồng/kg, sau đó tiếp tục tăng và giữ mức giá từ 13.500 - 13.900 đồng/kg.

Nguyên nhân của biến động trên, theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản do việc xuất khẩu vào thị trường Nga tác động. Bởi nhiều năm qua, Nga luôn là một trong những thị trường chính của hàng thủy sản Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5, sau EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nguyên nhân khác làm giá cá tra nguyên liệu giảm trong thời gian gần đây, theo Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, là do Công ty Nam Việt - đứng đầu ĐBSCL về năng lực chế biến cá tra - đã tạm thời ngừng mua cá tra nguyên liệu.

Mới đây, thị trường Nga có dấu hiệu “hé cửa” cho xuất khẩu thủy sản. Vào ngày 18-9, tin từ Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đoàn thanh tra của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) vừa công nhận thêm 3 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu trực tiếp vào thị trường nước này. Dự kiến, trong thời gian làm việc ở Việt Nam, từ 16 - 26/9, đoàn VPSS sẽ làm việc với trên 20 doanh nghiệp hứa hẹn số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga trong đợt này sẽ tăng.

CÁ CỠ 0,8 - 1KG/CON SẼ HÚT HÀNG

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, thông qua các lần tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu mới sang các thị trường như: Nam Mỹ, Úc, Tây Ban Nha... Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 8 trở đi, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh vì nhu cầu nhập khẩu thủy sản đông lạnh thế giới gia tăng.

Những diễn biến trên, cộng với việc thị trường Nga đang có dấu hiệu “hé cửa” có thể được xem là một tín hiệu tốt đối với con cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL. Theo nhiều dự đoán, giá cá tra nguyên liệu có thể sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, các hợp đồng ký kết xuất khẩu hiện nay chủ yếu rơi vào cá tra cỡ từ 0,8-1kg/con. Thực tế hiện nay, lượng cá đạt tiêu chuẩn này ở ĐBSCL không nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, huyện Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Rút kinh nghiệm khủng hoảng thừa những năm trước, năm nay người nuôi cá tra không tập trung thả nuôi cùng một thời điểm, mà rải đều ra các tháng trong năm. Vì thế, nguồn cung cá cùng một loại kích cỡ trong cùng một thời gian nhất định là rất khó”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cá tra nguyên liệu cỡ trên 1kg/con “mất giá” trong thời gian qua và cũng là lý do làm giá cá tra nguyên liệu cỡ loại 0,8-1kg/con hút hàng trong thời gian tới.

VĂN CÔNG - ĐÔNG TRIỀU


Xây dựng tiêu chuẩn chung cho cá tra, basa

Nguồn tin: NLĐ, 26/9/2007
Ngày cập nhật: 27/9/2007

Xây dựng tiêu chuẩn chung cho cá tra, basa là vấn đề đặt ra tại cuộc đối thoại nuôi trồng cá tra, basa diễn ra từ ngày 26 đến 27-9 tại TPHCM, do Quỹ Bảo tồn Thiên thiên Thế giới (WWF) tổ chức lần đầu tiên tại VN.

Ngày 26-9, thảo luận về vấn đề bền vững của việc nuôi cá tra, basa, ông Flavio Corsin, cố vấn nuôi trồng thủy sản (WWF), báo động: Hiện nay hầu hết người nuôi cá tra, basa sử dụng hóa chất, khai thác cạn kiệt nguồn nước, đất làm xuống cấp, phá hủy hệ sinh thái. Nguồn nước thải còn nhiều thức ăn thừa cũng là yếu tố làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Vì vậy, đây là những vấn đề “nóng” cần giải quyết để việc nuôi cá tra, basa bền vững. Phần lớn các ý kiến cũng cho rằng nhà sản xuất phải có khả năng tái tạo môi trường, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến; đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc sản phẩm của người tiêu dùng.

Theo WWF, VN chiếm tới 90% hoạt động nuôi cá tra, basa trên thế giới; dự báo năm 2007 sản lượng sẽ đạt 1 triệu tấn. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về tính bền vững nuôi trồng cá tra, basa. Nguyên nhân của mức tăng trưởng này là thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, basa đã lên tới 80 quốc gia.

Th.Thơ


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sẽ hỗ trợ Phú Yên phòng trừ bệnh tôm hùm

Nguồn tin: PY, 25/9/2007
Ngày cập nhật: 26/9/2007

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa về làm việc tại tỉnh Phú Yên. Sau khi trực tiếp đi khảo sát nắm tình hình phát triển thủy sản ở Phú Yên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định:

- Thủy sản là một ngành rất quan trọng của tỉnh Phú Yên. Chính quyền địa phương cùng ngư dân đã khai thác có hiệu quả về lợi thế, tiềm năng mặt nước, ngư trường để phát triển nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị, đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, nghề câu cá ngừ đại dương đã trở thành điển hình trong cả nước, góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội ở các làng biển Phú Yên. Tuy nhiên, tình hình khai thác, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở Phú Yên vẫn chưa phát triển ổn định và bền vững, Trong thời gian gần đây, ngành thuỷ sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn, khi nghề nuôi tôm sú, tôm hùm liên tục bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho người dân…

TẬP TRUNG CAO ĐỘ PHÒNG CHỐNG BỆNH TÔM HÙM, XÂY DỰNG HỆ THỐNG THỦY LỢI CHO NUÔI TRỒNG

* Hiện ngành thuỷ sản Phú Yên đang đứng trước thách thức của dịch bệnh tôm hùm với từ 45 – 50% số lượng tôm nuôi bị bệnh chết. Bộ NN và PTNT có giải pháp gì để hỗ trợ Phú Yên phòng chống dứt điểm bệnh tôm hùm, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát

- Trọng tâm của tôi trong chuyến công tác lần này là nắm tình hình phát triển kinh tế thuỷ sản, đặc biệt là dịch bệnh tôm hùm ở Phú Yên. Tôm hùm có giá trị khẩu rất lớn, mang lại nguồn thu lớn cho ngư dân. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế và chứng kiến tôm hùm bị chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu), tôi nhận thấy nghề này đang thật sự đứng trước những khó khăn của dịch bệnh, gây hoang mang, lo lắng cho người nuôi. Do vậy, việc giúp bà con ngư dân phòng chống dịch bệnh tôm hùm là một yêu cầu rất cấp bách.

Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Việt Nam - Đài Loan nuôi cá mú ở Vũng Sứ (Sông Cầu) - Ảnh: NL

Tôi sẽ chỉ đạo cho các Viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước của bộ phải tập trung cao độ cùng chính quyền địa phương tìm ra nguyên nhân tôm bệnh và có giải pháp phòng chống hữu hiệu. Trong trường hợp cần thiết thì yêu cầu sự hỗ trợ của quốc tế trong phòng chống tôm bệnh ở Phú Yên. Trước mắt, theo tôi, chính quyền địa phương cần phải có sự tăng cường cán bộ theo dõi bệnh tôm hùm, hướng dẫn bà con sử dụng thức ăn, cách nuôi, phát hiện tôm hùm bệnh để cách ly kịp thời để hạn chế lây lan sang các lồng bè khác…

* Cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là hệ thống thuỷ lợi ở các đồng tôm sú ở Phú Yên còn rất yếu kém. Bộ NN và PTNT có chính sách gì để hỗ trợ Phú Yên xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển nghề nuôi, thưa Bộ trưởng?

- Hiện nay, việc xây dựng các công trình thuỷ lợi không chỉ đáp ứng cho yêu cầu về phát triển nông nghiệp, mà còn phải đáp ứng cho nhu cầu sản xuất NTTS cũng như là phát triển công nghiệp dịch vụ trong tương lai. Do vậy, Bộ cùng với tỉnh Phú Yên sẽ rà soát lại các công trình thuỷ lợi ở vùng ven biển, triển khai ngay việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ lợi phục vụ cho nhu cầu phát triển NTTS.

* Bộ Thủy sản (cũ) đã hứa xây dựng một Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Yên và có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ở Phú Yên. Tới đây Bộ NN và PTNT có tiếp tục xúc tiến các chương trình này không, thưa Bộ trưởng?

- Những chủ trương mà Bộ Thuỷ sản đã thống nhất với tỉnh Phú Yên thì Bộ NN - PTNT sẽ tiếp thu và tiếp tục xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Về mặt chủ trương thì Bộ rất ủng hộ việc xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Yên. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần khẩn trương lập dự án để trình Trung ương có chính sách đầu tư trong thời gian sớm nhất. Về chế biến thuỷ sản ở Phú Yên vẫn còn nhiều yếu kém, do vậy Bộ cũng sẽ tham gia vận động các doanh nghiệp có uy tín trong nước đầu tư xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến thuỷ sản ở Phú Yên, nhằm giúp cho bà con tiêu thụ tốt hơn các sản phẩm làm ra.

NGUYÊN LƯU


Ốc lạ trong ao tôm ở Cà Mau là ốc đinh

Nguồn tin: CM, 25/09/2007
Ngày cập nhật: 26/9/2007

Trong thời gian gần đây, một số vuông nuôi tôm ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi xuất hiện nhiều ốc lạ. Từ khi ốc lạ xuất hiện nhiều đến nay, tôm nuôi thường bị bệnh, chậm lớn và giảm năng suất.

Theo kết quả khảo sát của cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau, loại ốc trên thường xuất hiện ở những vùng chuyên tôm hay rừng - tôm kết hợp, có hình dạng giống cái đinh vít nên được người dân gọi là ốc đinh. Ở mật độ thấp, ốc đinh không làm ảnh hưởng đến tôm nuôi. Tuy nhiên, ở mật độ cao ốc đinh sẽ cạnh tranh thức ăn tự nhiên với tôm nuôi, làm cho tôm thiếu thức ăn, sức đề kháng yếu, nhất là mô hình nuôi quảng canh cải tiến không bổ sung thêm thức ăn. Bên cạnh đó, ốc đinh cần một lượng canxi lớn có trong nước để tạo vỏ, làm độ kiềm trong nước giảm mạnh và độ pH dao động theo. Độ kiềm, độ pH thấp kéo dài sẽ làm cho tôm bị mềm vỏ và khó lột xác. Đây cũng chính là cơ hội cho mầm bệnh tấn công. Những nguyên nhân đó làm cho tôm nuôi thường bị bệnh, chậm lớn và giảm năng suất.

Ốc đinh thường sinh sản và phát triển mạnh trong mùa mưa; xuất hiện nhiều ở những vuông nuôi tôm có mực nước thấp, thường xuyên lấy nước, xả nước, ít sên vét bùn và phơi ao đầm. Vì vậy, để hạn chế ốc đinh xuất hiện trong vuông, Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau khuyến cáo người nuôi tôm nên áp dụng quy trình nuôi tôm ít thay nước, luôn giữ mực nước trên ruộng hoặc trên trảng cao hơn 40 cm. Khi ốc đinh đã xuất hiện nhiều trong vuông nuôi tôm, người nuôi tôm nên cải tạo vuông nuôi thật kỹ và diệt trừ hết ốc trước khi thả tôm theo cách sau:

Sau khi sên vét hết bùn ở đáy vuông, người nuôi tôm cần xả cạn nước và dùng vôi CaCO3 rải đều khắp vuông (khi đáy vuông còn ẩm ướt), với liều lượng 500 – 700 kg/ha, rồi phơi nắng khoảng 5 – 7 ngày. Khi tiếp xúc với vôi và bị phơi nắng trong thời gian phơi vuông, ốc đinh sẽ chết. Kiểm tra lại những nơi còn nước đọng ở đáy vuông, để thu gom và tiêu diệt số ốc còn sót lại (bằng cách cho vào bao đem phơi nắng hoặc đào hố chôn lắp ốc).

Khi ốc đinh đã bị tiêu diệt hoàn toàn, người nuôi tôm lấy nước vào vuông, xử lý đúng quy trình kỹ thuật và tiến hành thả tôm nuôi.

Trung Tính


Kiểm soát hóa chất cấm trong nuôi trồng, bảo quản thủy sản: Cơ sở vi phạm sẽ bị đình chỉ kinh doanh

Nguồn tin: ND, 25/9/2007
Ngày cập nhật: 26/9/2007

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ thị các giám đốc các Sở Thủy sản phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đồng thời, kiến nghị các cơ quan có chức năng rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh thủy sản.

Bộ trưởng yêu cầu các Sở Thủy sản triển khai ngay đợt kiểm soát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; trong bảo quản thủy sản sau đánh bắt trên các tàu cá, của các đại lý thu mua và sơ chế thủy sản.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp mở rộng liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường; vận động doanh nghiệp tự giác phối hợp cùng với cơ quan quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản tỉnh, thành phố đào tạo về nuôi trồng thủy sản tốt, bảo quản thủy sản không sử dụng hóa chất, kháng sinh; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.


Sóc Trăng: ngưng nhập tôm sú từ 30/9

Nguồn tin: Vasep, 24/9/2007
Ngày cập nhật: 25/9/2007

Toàn tỉnh Sóc Trăng đang bước vào vụ thu hoạch tôm sú. Tính đến tháng 9/2007, toàn tỉnh đã thu hoạch được 25.530 ha, trong đó, năng suất quảng canh cải tiến đạt khoảng 500 kg/ha, tôm nuôi công nghiệp đạt khoảng 3,2 tấn/ha. Riêng huyện Mỹ Xuyên, sau vụ thu hoạch tôm đã trồng lại hơn 6.000 ha lúa.

Hiện nay, do mưa nhiều, độ mặn của nước trên các tuyến sông giảm mạnh, chỉ còn từ 0 – 1%­o, pH và độ kiềm đều giảm thấp không phù hợp với việc nuôi tôm sú nên Sở thủy sản Sóc Trăng đã thông báo đến một số địa phương ngưng nhập tôm sú kể từ ngày 30/9/2007.

TVH


Bến tre thả nuôi hơn 5.400 ha tôm sú thâm canh và bán thâm canh

Nguồn tin: BTreTV, 24/9/2007
Ngày cập nhật: 25/9/2007

Từ đầu năm đến nay, nông dân ở ba huyện ven biển của tỉnh đã thả giống được 5.442 ha tôm sú theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, đạt 94,2% kế hoạch.

Nhìn chung, tôm nuôi phát triển khá tốt, tỷ lệ thiệt hại do bệnh đốm trắng giảm nhiều so với năm 2006. Người nuôi tôm thực hiện khá tốt lịch thời vụ, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật, các cấp, các ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành vụ nuôi. Riêng một số khu vực nuôi có dấu hiệu tôm chậm lớn do chất lượng con giống và môi trường nước bị suy thoái, ảnh hưởng đến năng suất. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 4.257 ha, sản lượng đạt bình quân 5,5 tấn/ha, nhờ giá tôm ổn định nên phần lớn người nuôi đều có lãi.


Bến Tre phát triển nuôi tôm càng xanh

Nguồn tin: BTreTV, 24/9/2007
Ngày cập nhật: 25/9/2007

Hiện nay, phong trào nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển khá mạnh,

Toàn tỉnh hiện có 2.181 ha mặt nước ao nuôi dưới các hình thức nuôi xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái và trong ruộng lúa. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm càng xanh liền canh, liền cư ở huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm và mô hình nuôi tôm càng canh xen trong ruộng lúa luân vụ với nuôi tôm sú ở huyện Thạnh Phú đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng. Năng suất tôm càng xanh nuôi xen canh đạt từ 300 đến 500 kg/ha, nuôi chuyên canh, bán thâm canh đạt từ 700 đến 1 tấn/ha. Sản lượng tôm thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 970 tấn, bằng 138% so với năm 2006.


Phú Yên: Khẩn cấp tìm giải pháp trị bệnh tôm hùm

Nguồn tin: Phú Yên, 24/9/2007
Ngày cập nhật: 25/9/2007

Kết thúc chuyến công tác tại Phú Yên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Khẩn cấp tìm giải pháp trị bệnh tôm hùm; tranh thủ nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp các cảng và bến cá

Ngày 22/9, tiếp tục chuyến công tác tại Phú Yên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Đức Phát cùng các thành viên trong đoàn đã đi khảo sát, nắm tình hình về phát triển kinh tế thuỷ sản tại huyện Sông Cầu; kiểm tra tình trạng xuống cấp tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hoà), bồi lấp cửa Đà Rằng, cửa Đà Nông và thăm trại sản xuất giống thuỷ sản Vũng Rô, huyện Đông Hoà (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3 Nha Trang).

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm cơ sở sản xuất giống thủy sản ở Vũng Rô (Đông Hòa) - Ảnh: N.LƯU

Tại huyện Sông Cầu, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã đến thăm hai cơ sở ương và nuôi cá mú của Công ty TNHH NTTS Việt Nam - Đài Loan ở Vũng Lắm (xã Xuân Thọ 2) và Vũng Sứ (xã Xuân Phương). Ông Chen Fu Ping, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, cho biết công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2004, đến nay đã nuôi cá mú thương phẩm ổn định trên 3ha ở Vũng Sứ; ương nuôi và cung ứng cho người nuôi khoảng 50.000 con cá mú giống/năm với giá từ 20 – 21.000 đồng/con và xuất khẩu ủy thác khoảng 15 tấn cá mú thương phẩm/năm với giá 160.000 đồng/kg; giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương. Bộ trưởng Cao Đức Phát biểu dương Công ty TNHH NTTS Việt Nam – Đài Loan đã vượt qua khó khăn và sản xuất cá mú đạt doanh thu cao; đồng thời yêu cầu công ty mở rộng quy mô sản xuất có hiệu quả, ổn định lâu dài và chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, nuôi cá mú thương phẩm cho ngư dân ở Phú Yên và các tỉnh lân cận.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đang xem tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) - Ảnh: N.LƯU

Tại vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài, Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu Đinh Văn Sang đã báo cáo với Bộ trưởng là hiện nay có từ 45 – 50% số lượng tôm hùm (trong tổng số khoảng 15 vạn con) nuôi bị bệnh chết, gây thiệt hại cho bà con hàng chục tỉ đồng. Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu đề nghị Bộ quan tâm, sớm tìm ra biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm hùm, khoanh hoặc dãn nợ vốn vay cho dân, hỗ trợ khôi phục và phát triển bền vững làng nghề nuôi tôm hùm… Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chia sẻ những khó khăn với địa phương và bà con nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu. Bộ trưởng cho rằng, đây là một nghề có giá trị kinh tế cao, chỉ có ở Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Định. Do vậy, việc đưa ra giải pháp trị bệnh cho tôm hùm là rất khẩn cấp, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Bộ trưởng hứa sẽ tìm mọi giải pháp để giúp người dân phòng chống dịch bệnh cho tôm hùm.

Chứng kiến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, quá tải ở hai bến cá Dân Phước (Sông Cầu), phường 6 (TP Tuy Hòa), cửa Đà Rằng bị bồi lấp và công trình chỉnh trị cửa Đà Nông (Đông Hòa) bị hư hỏng nặng, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu chính quyền địa phương cần sớm triển khai các biện pháp khắc phục, đặc biệt xử lý kịp thời bến cá phường 6 bị trụt lún, nứt trước mùa mưa lũ năm nay. Các ngành chức năng địa phương cần lập dự án và tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư mở rộng bến cá Dân Phước, nhằm đảm bảo phục vụ cho nhu cầu hoạt động của tàu thuyền ở đây.

Sau khi thăm trại sản xuất giống thuỷ sản Vũng Rô thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3 Nha Trang, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã kết thúc tốt đẹp chuyến làm việc tại Phú Yên, tiếp tục chuyến đi công tác tại các tỉnh Nam Trung bộ.

NGUYÊN LƯU


Đánh giá Tài nguyên đất nông nghiệp sau chuyển đổi sang nuôi trồng Thuỷ Sản vùng Bán đảo Cà Mau

Nguồn tin: CM, 24/09/2007
Ngày cập nhật: 25/9/2007

Nuôi trồng thuỷ sản là một trong những thế mạnh của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Bán đảo Cà Mau nói riêng. Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở vùng Bán đảo Cà Mau chuyển hóa rất nhanh, từ nuôi tự nhiên, nuôi quảng canh, nuôi phân tán mật độ thấp… sang nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp tập trung mật độ cao. Việc tiếp cận các phương thức nuôi trồng sử dụng nhiều năng lượng và chi phí … đã tác động tiêu cực đến môi trường, nếu không được xử lý triệt để có thể tạo ra mất cân bằng của hệ thống sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hàng năm khối lượng bùn thải (phù sa lắng đọng trong chất thải) và chất thải từ nuôi trồng thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nguồn chất thải độc hại này hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để, vẫn tiếp tục thải vào sông, rạch trong khu vực; các chất thải nuôi trồng thủy sản là thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư do sử dụng hóa chất, chất kháng sinh …là vấn đề bức xúc trong nuôi trồng thủy sản ở khu vực. Mất cân bằng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản thể hiện rõ nét nhất là dịch bệnh phát sinh trên một phần diện tích tương đối lớn nuôi tôm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Cà Mau làm tổn thất lớn về kinh tế, hậu quả là nhiều hộ nông dân, trang trại nuôi trồng thủy sản và một số doanh nghiệp có quy mô lớn… đã lâm vào cảnh nợ nần do vay vốn đầu tư; một số diện tích nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang do bị ô nhiễm môi trường làm cho dịch bệnh phát sinh chưa khắc phục được.

Nhân chuyến đi công tác và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau của nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp sau chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản của tỉnh để có cơ sở đưa ra các giải pháp thực hiện điều chỉnh và khắc phục tác động ảnh hưởng của việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững. Ngày 18/7/2007, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án Đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp sau chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản vùng Bán đảo Cà Mau bao gồm các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, theo đó dự án bao gồm các nội dung cơ bản như: đánh giá đúng chất lượng tài nguyên đất nông nghiệp sau chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và mức độ thích hợp với các loại hình sử dụng đất nhằm đề xuất hướng sử dụng đất bền vững. Dự án có nhiệm vụ đánh giá đầy đủ về hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản vùng bán đảo Cà Mau (về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường…); tác động của việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản (chất lượng đất, nước, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi khu vực lân cận vùng chuyển đổi); đánh giá tác động môi trường (ô nhiễm đất, nước…); tác động đến đời sống xã hội vùng chuyển đổi và vùng lân cận chuyển đổi; mức độ thích hợp của đất nông nghiệp đối với từng loại hình sử dụng trong phạm vi dự án. Tổng dự toán kinh phí thực hiện dự án là 10.578.288.490 đồng.

Ngày 20/9/2007, Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường , phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Điều tra Quy hoạch đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ thực hiện dự án) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện dự án nói trên tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ở 04 tỉnh thuộc vùng bán đảo Cà Mau: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Tại Hội nghị các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đối với dự án để các địa phương trong vùng phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững hơn./.

Phan Vân Minh


Thuỷ sản Bạc Liêu: Đối mặt với ô nhiễm

Nguồn tin: Lao Động, 24/09/2007
Ngày cập nhật: 24/9/2007

Nguồn nước đang bị ô nhiễm do các nhà máy (NM) chế biến thuỷ sản gây ra. Con tôm khi lên bờ bị những người thu mua bất chấp quy định bơm chích tạp chất rồi mới đem đi bán. Chưa bao giờ thuỷ sản tại Bạc Liêu lại đối mặt với ô nhiễm như hiện nay.

Tịch thu, rồi đem bán?

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay lực lượng này đã bắt 10 vụ với trên 12 tấn tôm nguyên liệu bơm chích tạp chất (chủ yếu là rau câu). Vụ lớn nhất được phát hiện vào tháng 7.2007 lên đến trên 2 tấn do ông Phạm Phương Minh làm chủ đưa số tôm có tạp chất đi tiêu thụ. Vấn đề là tại sao những đại lý thu mua tôm nguyên liệu lại bơm chích tạp chất bất chấp những quy định của Nhà nước và các NM lại vô tư thu mua dù rằng biết tôm có tạp chất?

Bà Lê Việt Anh - PGĐ Sở Thuỷ sản Bạc Liêu - thừa nhận: "Chúng tôi liên tiếp kiểm tra các NM chế biến thuỷ sản trong tỉnh; có cam kết đàng hoàng. Tuy nhiên, các NM lại phản ứng Bạc Liêu cấm, còn Cà Mau, Sóc Trăng lại không, vì vậy nếu không mua thì nguồn nguyên liệu lại qua Sóc Trăng, Cà Mau".

Trong khi đó, Phòng PA15 Công an tỉnh Bạc Liêu lại cho rằng, việc bắt các lô hàng tôm có chứa tạp chất trên địa bàn vừa qua là phần nổi của tảng băng. Ông Trần Văn Mẫu - Trưởng phòng PA15 - bức xúc: "Nếu cấm thì toàn quốc đều cấm và cương quyết tịch thu tiêu huỷ, đằng này tịch thu rồi sơ chế đem bán là không đúng. Tôi đề nghị tất cả phải tịch thu tiêu huỷ và phát hiện NM nào mua tôm tạp chất thì phạt nặng chủ DN đó". Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là đề nghị của Phòng PA15. Bộ NNPTNT chưa có văn bản hướng dẫn tiêu huỷ hay sơ chế đối với các mặt hàng thuỷ sản có chứa tạp chất.

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Bạc Liêu có trên 10.000ha nuôi tôm, tập trung chủ yếu ở thị xã Bạc Liêu và huyện Hoà Bình. Ngoài ra có đến 120.000ha nằm rải rác khắp địa bàn. Trung bình mỗi năm có đến 200.000 tấn vôi; 100.000 tấn thuốc thú y thuỷ sản tuồn xuống ao tôm để rồi chảy ra môi trường nước. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà người nuôi tôm và ngành chức năng lo lắng, cái chính là các NM chế biến thuỷ sản và các DN thu mua tôm nguyên liệu tuồn chất thải ra sông.

Theo Phòng Quản lý môi trường, Sở TNMT Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh có 10 NM chế biến thì chỉ có 3 NM có đầu tư công nghệ xử lý nước thải, 2 DN đang đầu tư, 5 DN vẫn chưa có. Ngoài ra có đến trên 200 đại lý thu mua tôm nguyên liệu dọc theo sông Bạc Liêu - Cà Mau, nước thải cứ tuồn xuống sông.

Một trong những Cty thu mua sơ chế thuỷ sản gây xôn xao dư luận về môi trường nhất là Cty TNHH thương mại Trang Khanh, tại khu vực lộ Lò Rèn - khóm 7, phường 5, thị xã Bạc Liêu. Cty này không có giấy phép xây dựng, NM đặt ngay khu dân cư, không theo quy hoạch chung của tỉnh nhưng vẫn ngang nhiên thu mua tôm nguyên liệu về chế biến làm ô nhiễm môi trường trầm trọng tại khu dân cư phường 5.

Bản thân ông Khưu Lễ - PGĐ Sở TNMT Bạc Liêu - cũng thừa nhận: "Phạt các NM không có hệ thống xử lý nước thải rất khó, bởi đầu tư hệ thống này khá tốn kém. Nhưng với tình trạng tôm chết hàng loạt cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm khá nặng". Đã đến lúc phải cương quyết với những NM chế biến thuỷ sản không đảm bảo môi trường này. Không nên đổ lỗi cho chính sách thu hút đầu tư mà tiếp tay cho những kẻ phá hoại môi trường.

Nhật Hồ


Kiên Giang: Quây mùng nuôi cá lóc dưới sông

Nguồn tin: CT, 20/9/2007
Ngày cập nhật: 24/9/2007

Hiện nay, ở địa bàn xã Mỹ Thuận (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), mô hình quây mùng nuôi cá lóc dưới sông có hiệu quả khá cao và đang phát triển thành phong trào.

Xã Mỹ Thuận mới thành lập từ tháng 2-2004. Vài năm trở lại đây, bà con bắt đầu trồng xen canh, chuyển đổi một số mô hình làm ăn có hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là mô hình quây mùng nuôi cá lóc ở dưới sông của khoảng hơn chục hộ dân. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả cho người nuôi mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, giảm đáng kể tình trạng dùng bình ắc-quy xuyệt bắt cá theo kiểu hủy diệt. Trong 5 ấp của xã, các ấp: số 4, Nguyễn Văn Hanh, Mỹ Tân, Cảng Đất là chuyên canh lúa, còn lại ấp Sơn Thuận thì trồng xen kiệu, cải xanh cũng cho thu nhập khá. Một số nơi người dân có đất ruộng sản xuất có thể xen nuôi thêm cá đồng cũng cho thu nhập khá.

Những hộ không có đất hoặc đất ít không thể đào ao để nuôi cá đã nghĩ ra cách quây mùng dưới sông để nuôi cá lóc. Gọi là nuôi cá lóc trong mùng nhưng thực tế người dân sử dụng rào lớp bên ngoài bằng lưới, bên trong rào ép bằng loại lưới xanh, “nóc mùng” nằm phía dưới đáy. Chiều cao của mùng phải từ 1,8-2m mới đảm bảo cá không thoát ra ngoài được. Anh Lê Văn Trường, ngụ ở ấp Cảng Đất, cho biết: “Lúc đầu, thấy một số hộ ở gần xóm thả nuôicá lóc dưới sông bằng cách này, tôi còn cho rằng họ liều. “Chim trời, cá nước”, không ai tự dưng bỏ vài chục triệu tiền vốn để thả cá... dưới sông. Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, các hộ này thu hoạch cá lóc có lãi vài chục triệu đồng thì tôi quyết tâm học cách để liều theo”. Hiện tại, anh Trường có cả thảy 5 “mùng” nuôi cá lóc, anh vừa “xuất” cá trong một “mùng” bán được 53 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho 4 tháng nuôi, anh còn lãi trên 20 triệu đồng. Anh Trường còn lại 1 “mùng” ngang 4 m, dài 20m thả nuôi cá lóc đã được hơn 3 tháng và sắp cho thu hoạch, ước tính lãi 30 triệu đồng. Với mức giá cá lóc nuôi hiện dao động từ 28-30 ngàn đồng/kg, người nuôi cá lóc có mức lời khá cao.

Theo anh Trường, mô hình nuôi cá lóc này ít gặp rủi ro, nhưng người nuôi phải thường xuyên theo dõi, có lúc cá cũng bị bệnh và phải tích cực trong việc đi “săn” mồi cho chúng. Bởi cá lóc ăn nhiều, lớn nhanh, nhưng thường phải đảm bảo có hai lần cho cá ăn vào buổi sáng và buổi chiều. Trên địa bàn ấp Cảng Đất hiện có trên 10 hộ nuôi cá lóc theo mô hình này với mức lợi nhuận thu được từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

Anh Trường, cho biết thêm: Từ khi có mô hình nuôi cá lóc trong mùng, nạn dùng xuyệt điện diệt cá giảm. Bản thân tôi cũng không còn đi xuyệt cá ngoài đồng. Nguyên nhân do trước đây, trong lúc nông nhàn không có việc làm thêm, nên nhiều người phải đi xuyệt cá để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ được chính quyền địa phương vận động, phát triển nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả nên người dân cũng thay đổi nhận thức. Theo ông Nguyễn Thành Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận, sắp tới, xã sẽ củng cố lại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Tân, giao cho những thành viên hợp tác xã nhân rộng mô hình nuôi cá trên đồng và mô hình nuôi cá lóc dưới sông để giảm hộ nghèo trên địa bàn xã đến cuối năm 2007 xuống còn trên 2%.

LÊ SEN


Quảng Bình: Cá sấu vô chủ cạnh trường tiểu học

Nguồn tin: VietNamNet, 24/09/2007
Ngày cập nhật: 24/9/2007

Tại khu vực Bàu Rồng (sau trụ sở UBND xã Lương Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), sát một trường tiểu học và cách QL.1A khoảng 300m, người dân phát hiện một con cá sấu.

Anh Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Bá Đạt (ở thôn Lương Yến) kể: Khoảng nửa đêm 17/9, các anh mang đèn đi soi cá tại Bàu Rồng và phát hiện chú cá sấu dài hơn 1 mét, nặng chừng 20kg, mắt đỏ ngầu đang nằm lừ đừ nửa thân trên đập, nửa thân dưới nước. Vừa nghe động, con cá sấu trườn ngay xuống hồ nước.

Một hồi sau, hai anh quay trở lại, thấy con cá sấu lại nổi lên gần vị trí cũ. Anh Đạt cầm đèn soi và anh Anh tiến đến dùng dao lợ (dài khoảng 1 mét) chém mạnh vào đầu cá sấu. Cú chém khá mạnh khiến lưỡi dao bị cong nhưng chú cá sấu chỉ bị xây xước một đường dài trên đầu, lao xuống hồ trốn thoát.

Sau khi bị chém trọng thương, con cá sấu không xuất hiện trở lại, nhưng người đi làm đồng và phụ huynh có con em đi học qua con đường nơi phát hiện cá sấu hết sức lo lắng.

Trước tình hình đó, UBND xã Lương Ninh đã dùng máy bơm hút nước ở một số ao hồ tại địa điểm phát hiện để tìm bắt cá sấu. Tuy nhiên, rút cạn hai hồ lớn mà vẫn chưa thấy con cá sấu bị lưu lạc.

Trong khi đó, xung quanh hai hồ nước đã hút cạn vẫn còn nhiều ao hồ chưa thể hút hết nước. Một số người dân ở xung quanh khu vực ao hồ này đã dùng vịt nhử bẫy con cá sấu này, nhưng cho đến chiều ngày 23/9 vẫn chưa bắt được.

Nhiều người nhận định, con các sấu này có thể từ xe ô tô vận chuyển trên đường sổng ra (ở Quảng Bình chưa có cơ sở hoặc cá nhân nào nuôi cá sấu).

Cũng người dân cho biết, vào thời gian phát hiện ra con cá sấu ở Bàu Rồng, một số người dân ở thôn Văn La (xã Lương Ninh) đã bắt được một con cá sấu nặng 13-15 kg và đã bí mật đem bán.

Bảo Hạnh


Nuôi cá chình bông thương phẩm: Triển vọng về một nghề nuôi còn khá mới mẻ

Nguồn tin: KH, 22/09/2007
Ngày cập nhật: 24/9/2007

Việc nghiên cứu thành công quy trình nuôi thương phẩm cá chình bông của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã mở ra triển vọng về một nghề nuôi còn khá mới mẻ với người dân.

° Giá trị kinh tế cao

Việt Nam có 5 loài cá chình, phổ biến là chình bông (Anguillia marmorata) và chình mun (Anguilla bicolor pacifica). Trong đó, chình bông là loài có giá trị cao nhất. Cũng như các loài chình khác trong giống Anguilla, cá chình bông có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, giá bán cao trên thị trường. Giá thương phẩm cá chình bông tính theo kích cỡ: Loại 0,5 đến 1kg/con có giá từ 300 - 320 ngàn đồng/kg; loại 1 đến 2 kg/con từ 360 - 380 ngàn đồng/kg; cá chình giống loại 20 - 30 con/kg từ 480 - 500 ngàn đồng/kg.

Cá chình bông có kích thước lớn nhất trong các loài của giống Anguilla, chiều dài của chúng có thể đạt 200cm và nặng 27kg/con. Chính vì vậy, người ta gọi chúng là loài cá chình khổng lồ. Cá chình bông ưa sống ở sông suối, nơi có dòng chảy nhẹ và nguồn nước trong sạch.

Chình bông phân bố chủ yếu tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Nguồn lợi cá chình ở các tỉnh này rất lớn, thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá chình với quy mô thương phẩm. Để phát triển nghề nuôi cá chình, đưa nó trở thành đối tượng nuôi nước ngọt quan trọng cho người dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, qua đó giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chình (Anguilla) tại miền Trung Việt Nam”. Đề tài do Thạc sĩ (Th.S) Chu Văn Công (Phòng Sinh học thực nghiệm) làm chủ nhiệm.

° Khó khăn về con giống

Sau một thời gian nghiên cứu, Th.S Chu Văn Công và các đồng sự đã xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm cá chình bông, áp dụng cho 3 loại hình nuôi trong ao đất, bể xi măng và lồng. Cụ thể: Trong ao đất, nuôi với mật độ 1-2 con/m2; thời gian nuôi từ 12 - 24 tháng; khi thu hoạch, mỗi con đạt từ 1kg trở lên, năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha. Nuôi bể xi măng, mật độ từ 30 - 50 con/m2 trong điều kiện có sục khí, nước chảy thường xuyên đảm bảo lượng oxy 5mg/l trở lên; mực nước từ 0,8 - 1m; diện tích bể từ 10 - 100m2; độ sâu bể khoảng 1,2m; có nơi trú ẩn cho cá nghỉ ngơi; ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng khoảng 5 - 7% trọng lượng cơ thể cá. Nuôi bể xi măng phải hút bỏ thức ăn thừa hàng ngày và cọ rửa bể hàng tuần. Nuôi lồng với mật độ từ 50 - 100 con/m2… Thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ, ốc, tôm, tép tươi, trai, ếch, nhái. Các loài này được cắt nhỏ để cho ăn.

Theo Th.S Chu Văn Công, khó khăn lớn nhất để phát triển nghề nuôi cá chình bông hiện nay là nguồn giống. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá chình bông. Nguồn giống hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác ngoài tự nhiên bằng một số hình thức như: lồng bẫy, chích điện, câu, đánh hóa chất. Chích điện, câu và đánh hóa chất làm tổn thương cá nên chất lượng con giống kém, hay bị bệnh, hao hụt nhiều. Theo ngư dân, cá bị chích điện, câu và cá đánh hóa chất khi mua về không phân biệt được cá nào tốt, xấu. Chỉ sau 1 tháng nuôi cá bị chết nhiều mới đánh giá được chất lượng con giống. Đối với cá bị chích điện, cơ thể cá teo dần, đầu to, đuôi bé, cá gầy yếu bỏ ăn và chết dần. Đối với cá bị câu, những con nào mắc câu ở môi, cá có thể tự gỡ ra được, con nào bị lưỡi câu vào dạ dày thì sau 1 tháng cá sẽ chết.

Để nâng cao chất lượng con giống, Th.S Chu Văn Công và các đồng sự tiếp tục “nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình ương cá chình bông lên giống theo phương thức công nghiệp”. Đề tài đã được Bộ Thủy sản phê duyệt trong thời gian 2 năm (2007 - 2009). Theo Th.S Chu Văn Công, đề tài sẽ nghiên cứu sâu về lĩnh vực vớt con giống cỡ 4 - 6cm rồi ương lên 10 - 15cm. Ông và các cộng sự đang thử nghiệm vớt con giống bằng đáy cố định, bẫy và ánh sáng; thử nghiệm các loại mật độ và thức ăn phù hợp cho cá chình con. Điều này sẽ đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn giống cá chình tự nhiên phục vụ cho việc phát triển nghề nuôi cá chình thương phẩm.

KHÁNH NINH


Trường Giang - Chảy đi sông ơi: Còn đâu sông bãi

Nguồn tin: TT, 22/9/2007
Ngày cập nhật: 23/9/2007

Với cách khai thác sai trái của con người, chỉ mới hơn mười năm lại đây, con nước Trường Giang mênh mông "đứng bên ni bờ kêu bên tê bờ không nghe được", bây giờ lại hẹp đến mức "chống cây sào nhảy qua được", nói theo lời của nhiều cư dân Trường Giang.

Chạy dài ngót trăm rưỡi cây số song song theo bờ biển và quốc lộ 1A, Trường Giang không chỉ là dòng sông độc đáo mà còn là tài nguyên kinh tế lớn của Quảng Nam.

Sông Trường Giang đi ngang qua các huyện Núi Thành (có cửa An Hòa, nay gọi là cảng Kỳ Hà), Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên (có cửa Đại, bên dưới cảng thị Hội An xưa) của Quảng Nam, với ít nhất 20 xã dọc ven sông và hàng vạn cư dân sống dựa vào nguồn thủy sản trên sông. Thông với biển Đông bằng hai cửa lớn, lại đón nguồn nước ngọt từ hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia cùng khá nhiều con sông khác, thêm vào một số chi lưu, luồng lạch, Trường Giang là vựa thủy sản thiên nhiên lớn của xứ Quảng.

Khi phong trào nuôi tôm nước mặn rộ lên, Trường Giang bị cư dân tranh nhau lấn dòng đắp thửa để làm hồ nuôi tôm. Diện tích hồ tôm lấn sông Trường Giang đến trên 2.000ha. Sau những "thắng lợi" ngắn ngủi buổi đầu, người nuôi tôm đã liên tục trắng tay vì thua lỗ.

Sông lấp

Chính quyền các xã dọc Trường Giang cho biết xã nào trong vùng cũng có đến vài mươi bộ xung điện hoạt động trên sông bất kể ngày đêm, cá tôm vốn còn lại ít ỏi đã khó bề sinh sản kịp.

Nắng trưa như hắt lửa xuống những xóm làng bên những hồ tôm vắng tanh vắng lạnh, bà Phạm Thị Sửu ở thôn Đông Thạnh Đông, xã Tam Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đứng nhìn sông hồ với vẻ buồn bã. "Mấy năm trước độ rày tôm đã xuống hồ chừng một tháng. Người nuôi tôm qua lại trên bờ hồ rộn rịp lắm. Rứa mà chừ...", bà Sửu nói. Cũng như hầu hết bà con trong xã, năm 2002 vợ chồng bà đã vay mượn để đắp 8 sào hồ tôm. Chỉ được vài vụ có lãi, sau đó tôm nuôi liên tục bị chết, vợ chồng bà nợ ngân hàng đến 17 triệu đồng. Thấy càng nuôi càng lỗ, năm nay vợ chồng bà đã quyết định bỏ trống hồ.

Phó chủ tịch UBND xã Tam Hòa Trương Công Bình chua xót: "Từ năm 1997-2002, 90% số hộ ở Tam Hòa có hồ tôm, đến trên 300ha. Nhưng chỉ có lãi vài ba năm đầu, còn về sau là thua lỗ. Năm nay có đến 90% số hộ bỏ trống hồ vì sợ sẽ bị lỗ tiếp, chỉ có 10% số hộ liều tiếp tục thử thời vận. Nhưng chỉ mới thả tôm xuống nửa tháng thì nay đã chết sạch sành sanh. Sông lấp, hồ tôm thì thua lỗ". Ông Bình nói chỉ chưa đầy mười năm, đến nay số nợ người nuôi tôm Tam Hòa mắc các ngân hàng đã đến trên 10 tỉ đồng!

Ở đoạn trung dòng, sông hồ cũng rất đìu hiu. Bên mái nhà tuềnh toàng hướng mặt ra sông, anh Nguyễn Văn Thuấn ở thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam (huyện Thăng Bình) ngồi vá lại tấm lưới nhỏ để tối ra sông giăng cá vụn kiếm sống. "Dân chài tui lấn Trường Giang làm hồ tôm trong thế bắt buộc. Thấy cánh làm ruộng trong xã đổ ra ngăn sông làm hồ tôm, tụi tui sửng sốt vì mất chỗ lưới chài. Nhưng làm sao ngăn họ được. Mãi đến năm 2002, cuối cùng tụi tui chỉ còn cách làm theo họ. Lãi lời đâu không thấy, tui chỉ có 8 sào (4.000m2) mà đã mang nợ đến 4 lượng vàng", anh Thuấn thở than. Vậy mà cả xã Bình Nam quê anh có đến 120ha hồ tôm, biết bao là nợ!

Tình cảnh của hàng trăm hộ nuôi tôm ở vùng trung dòng Bình Giang, Bình Dương kề bên cũng đầy bi kịch. Cậy dựa vào sông nước mà sống nhưng rồi họ cũng đành phải bóp nghẹt dòng sông làm hồ tôm để rồi bị thua lỗ. Phó chủ tịch UBND xã Bình Giang Võ Thanh Tịnh cho biết chỉ với 40ha hồ tôm lấn dòng Trường Giang, người nuôi tôm ở đây cũng chuốc nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng.

Không khó để người nuôi tôm trên sông Trường Giang hiểu được tại sao tôm cứ chết hết đợt này đến đợt khác khiến họ bị phá sản. Dòng sông từ chỗ rộng năm bảy trăm mét nay chỉ còn chừng vài trăm mét, chất thải từ hồ tôm không đường thông thoát đã khiến độ bẩn trong hồ tích tụ rất cao. Lòng sông còn lại đã hẹp lại luôn bị bồi lấp càng đẩy vấn nạn ô nhiễm lên cao. Anh Nguyễn Tấn Đông - cán bộ chuyên trách thủy sản xã Tam Tiến - tính: "Cứ mỗi hecta hồ tôm mỗi vụ đẩy ra sông trung bình khoảng 2 tấn cặn lắng chất thải, mà trên Trường Giang thì có đến mấy ngàn hecta hồ tôm, mỗi năm hai vụ, dòng sông bị bồi lấp, bị ô nhiễm biết là bao. Mùa nắng mà đứng bên hồ tôm, bên dòng sông là thấy nhức đầu vì mùi hôi xông lên".

Sạch sành sanh cá tôm

Bãi sông Trường Giang của làng Đông Thạnh Đông, xã Tam Hòa (huyện Núi Thành) ngày trước rộng mênh mông, người người giăng câu bủa lưới dọc ngang đến tận cửa An Hòa, giờ đây bị thu hẹp rất nhiều. Hồ tôm lấn sông, cá tôm đã mất đi một phần chỗ ở. Vậy mà mặt nước ít ỏi, nông cạn còn lại phải hứng lấy nguồn nước cùng lượng cặn lắng, bùn đất chứa đầy ô nhiễm từ hồ tôm đổ ra đã đầu độc dần mòn nguồn thủy sản trên sông.

Thêm nguyên nhân làm cạn kiệt cá tôm là bởi rừng ngập mặn - mái nhà, chiếc nôi của các loài thủy sản Trường Giang - đã bị xóa sổ để làm hồ tôm. Để đắp hồ tôm, khởi từ năm 1998, chỉ trong năm năm, hàng trăm hecta rừng ngập mặn Trường Giang ở các xã Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hiệp, Bình Giang, Duy Thành, Duy Nghĩa đã bị phá tan tành.

"Nhưng cách làm cá tôm Trường Giang cạn kiệt đáng sợ nhất là lối đánh bắt bằng xung điện. Xung lớn, xung nhỏ, đi ghe, lội bộ, trong bờ, giữa dòng, xung điện đi đến đâu là cá tôm lớn nhỏ bị hủy diệt tới đó”, ông Đoàn Văn Tránh - trưởng Công an xã Bình Giang (huyện Thăng Bình) - cho biết. Những người làm nghề sông chưa hết kêu trời vì nạn dùng xung điện loại nhỏ thì vài năm lại đây họ lại kinh hoàng trước nạn dùng xung điện loại lớn (với ăcqui có điện thế đến 220-250 volt) với nhiều công cụ hỗ trợ kèm theo, dong ghe đi xung khắp sông.

Hồ tôm thua lỗ. Cá tôm cạn kiệt. Sông bãi Trường Giang hoang vắng hơn bao giờ hết. Vậy mà nay lại thêm một cách đánh bắt mới xuất hiện: lờ bóng Trung Quốc. Gọi là lờ nhưng đây chính là loại lưới tròn (như chiếc lờ) dài đến hơn 10m, mỗi đoạn ngắn có một khung sắt vuông, có lỗ ở mỗi đoạn để cá tôm chui vào, rất dễ để gấp xếp chiếc lờ gọn lại. Với giá trên 100.000 đồng/chiếc, mỗi người chỉ cần 10 chiếc mang đặt xuống sông, sau chừng vài ba giờ là có thể giở lên để bắt cá tôm. Chỉ mới được du nhập một năm nay, vậy mà loại lưới cụ này đã giăng dày Trường Giang. "Tôm cá trên sông đã cạn kiệt, lại dùng lờ bóng nữa thì không mấy hồi Trường Giang sạch sành sanh cá tôm", lão ngư Trần Văn Nhị ở làng Bình Hòa, xã Bình Giang lo lắng.

HUỲNH VĂN MỸ


Cà Mau: Người nghèo 'bổ chửng' vì 'tôm giống 135'

Nguồn tin: TP, 21/09/2007
Ngày cập nhật: 23/9/2007

Sở Thủy sản Cà Mau vừa hỗ trợ giống thuỷ sản cho đồng bào nghèo ở 11 xã “chương trình 135”, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng.

Nhưng có nơi lượng tôm giống đến tay bà con chỉ được phân nửa, và khi “tôm giống 135” thả xuống nước cứ nhảy ngược, lăn ra chết...

Tôm giống đến tay dân nghèo chỉ còn một nửa!?

Chị Trần Thị Đặng vớt tôm giống thả nuôi vẫn không thấy

Ông Trần Văn Giọt cùng với 110 hộ dân nghèo ở ấp 1, xã Khánh Hòa (U Minh) phản ảnh:“Tôm giống 135” vừa thiếu, vừa chết yểu. Tôm giống hỗ trợ cho bà con nghèo do ông Nguyễn Minh Lắm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa hợp đồng với cơ sở kinh doanh tôm giống của ông Nguyễn Minh Cà - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn U Minh, cung ứng toàn bộ 5.755.000 con.

Ngày 1/9, bà con nghèo ở ấp 1, xã Khánh Hòa đến cơ sở tôm giống Đại Phát của ông Nguyễn Văn Cà nhận “tôm giống 135”. Mỗi hộ đưa cho chủ cơ sở một phiếu, để nhận một bao ni lông có chứa sẵn 11.300 con tôm giống theo thông báo của chính quyền.

Nghi thiếu, bà con bèn đếm lại, thực tế chỉ có 6.200 con. Hàng trăm hộ dân phản ứng cách làm ăn tuỳ tiện, kéo sang UBND huyện U Minh. Nhưng hôm đó là ngày nghỉ nên không ai can thiệp.

Liên tiếp mấy ngày sau đó, các hộ dân ở ấp 2, ấp 3, ấp 4, ấp 5 (xã Khánh Hoà) cũng mang phiếu nhận “tôm giống 135” đến cơ sở ông Nguyễn Văn Cà. Ông Thiều Văn Việt, ở ấp 5, xã Khánh Hòa mang bao tôm về nhà đếm lại chỉ có 6.000 con, mất gần một nửa theo qui định.

Bà con ở xã Khánh Hòa được nhận “tôm giống 135” cho rằng lượng tôm giống mất đi một nửa vì chính quyền không giám sát việc giao nhận giữa cơ sở kinh doanh với bà con nghèo.

Chị Trần Thị Đặng, 32 tuổi, ở ấp 5, xã Khánh Hòa (U Minh) cho biết: “Tôm giống mang về thả xuống ao, nhảy ngược, chết lai rai. Đây là mùa mưa, nước ngọt, đang cấy lúa.

Trại tôm giống Đại Phát cung ứng tôm giống 135 cho xã Khánh Hoà.

Còn tôm sú sống ở nước mặn mà thả xuống nước ngọt làm sao sống nổi? Nhà nước cho tôm giống thì chúng tôi mừng lắm. Nhưng thả tôm rồi, lấy rổ xúc hoài không thấy được con tôm nào”!

Ông Nguyễn Văn Cà, cho biết: “Đây là cơ sở kinh doanh của vợ tôi (bà Nguyễn Thị Huệ), có thuê kỹ thuật viên đứng ra quản lý. Hôm đó, tôi đi xa, không có ở nhà.

Nhưng nghe phản ảnh, tôi cho người đứng bán kiểm đếm, nếu thiếu bù vô cho đủ. Có những bà con chấp nhận bù cho đủ nhưng có người không chịu!

Vợ tôi bán tôm giống cho UBND xã Khánh Hòa không lời vì phải đóng thuế GTGT, còn mang tiếng!?”.

Thả tôm trái vụ vì phải giải ngân kinh phí

Chuyện mua bán tôm giống thì người mua nói thiếu số lượng, chất lượng kém… Còn người bán tôm giống lại khăng khăng số lượng có thừa và còn chất lượng thì đã có kiểm dịch của cơ quan quản lý giống thuỷ sản.

Rất tiếc, việc hỗ trợ con tôm giống cho người nghèo ở xã Khánh Hòa không được quan tâm đúng mức. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ban phát “tôm giống 135” cho người dân nghèo bất kể việc thả nuôi mùa này có hiệu quả hay không(?).

“Việc hỗ trợ giống thuỷ sản, cây trồng vật nuôi và hàng hóa là không hiệu quả. Ví dụ như ở xã Khánh Hưng (Trần Văn Thời) tồn kho 15 tấn muối iốt bà con không nhận vì ở xa, đi lại tốn kém.

Đi nhận một ki-lô-gam muối iốt phải mất cả ngày, tiền tàu xe còn nhiều hơn tiền mua muối. Năm 2007, tỉnh Cà Mau được trợ giá, trợ cước 2,018 tỷ đồng đang triển khai chật vật.

Chúng tôi đã đề nghị cải tiến việc trợ giá, trợ cước cho bà con vùng 135 cho hiệu quả, thiết thực, giảm trung gian”.(Ông Danh Sươl, Phó trưởng Ban Tôn giáo - Dân tộc)

Ông Nguyễn Minh Lắm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa (U Minh) cho biết: Khi nhận được phân bổ kinh phí, xã cho bình chọn đối tượng, công khai số lượng cho bà con.

Chúng tôi chọn cơ sở tôm giống nhà anh Nguyễn Văn Cà là vì cơ sở này có tư cách pháp nhân, có chứng nhận chất lượng, có hóa đơn GTGT để thanh toán với Sở Thủy sản Cà Mau.

Thưa ông, thời điểm này có phù hợp thả nuôi tôm?

Không. Đây là mùa mưa, nước ngọt, đang xuống giống. Thả tôm giống lúc này là trái vụ, phải thuần dưỡng ngọt cho con tôm nước mặn.

Vậy sao UBND xã Khánh Hòa cấp phát giống tôm tại thời điểm không thích hợp thả nuôi?

Chi cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (Sở Thủy sản Cà Mau) thông báo được phân bổ kinh phí. Anh chị em ngoài đó còn gọi điện thoại vô thúc cần triển khai vì Sở Thủy sản sẽ giải thể, sáp nhập sẽ không thanh toán được kinh phí.

Nguyễn Tiến Hưng


Sóc Trăng: một trong 7 tỉnh có sản lượng nuôi trồng thủy sản cao nhất vùng ĐBSCL

Nguồn tin: ST, 21/09/2007
Ngày cập nhật: 23/9/2007

Sóc Trăng là 1 trong 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, với vị trí và đặc điểm thuận lợi, Sóc Trăng đã hình thành 3 vùng sinh thái rõ nét (ngọt, lợ và mặn). Với diện tích đất sử dụng cho nuôi trồng thuỷ sản trên 44.504 ha; trong đó, ở vùng sinh thái nước lợ, con tôm sú đang ngự trị và vẫn là niềm say mê của nông dân. Năm 2006 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 67.327 ha, trong đó diện tích nuôi tôm đã chiếm trên 76,80% tổng diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản từ 18.680 tấn năm 2001 đã tăng lên 71.708 tấn vào năm 2006, chiếm trên 72,03% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh – là 1 trong 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng nuôi trồng thủy sản cao nhất (An Giang 172.265 tấn, Cà Mau 120.263 tấn, Đồng Tháp 111.155 tấn, Bạc Liêu 110.466 tấn, Cần Thơ 82.179 tấn và Trà Vinh 72.522 tấn) và là một trong các tỉnh có tốc độ tăng sản lượng thủy sản bình quân hàng năm cao nhất vùng (Bạc Liêu tăng 37,64%, Sóc Trăng tăng 35,98%, Trà Vinh tăng 27,32%, Đồng Tháp tăng 26,20%,...); đồng thời, mang về cho tỉnh trên 327 triệu USD hàng năm từ hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản phát triển trong thời gia qua ở Sóc Trăng chủ yếu là tăng mạnh diện tích mặt nước vùng lợ. Nếu như năm 1992 diện tích nuôi nuôi trồng thủy sản là 19.799 ha thì đến năm 2006 đã tăng lên 67.327 ha, tăng gấp 3,4 lần, chủ yếu là con tôm sú. Vấn đề đặt ra ở vùng sinh thái này để có thể nuôi bền vững là cần giải quyết tốt khâu con giống (hiện nay mới chủ động được khoảng 1/5 lượng con giống tại chỗ, số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác vào). Vấn đề môi trường bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi, nhất là vùng mới chuyển đổi phải được quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra cần sớm xác định vùng nuôi an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh để đảm bảo khả năng xuất khẩu.

Tuy nhiên Sóc Trăng không chỉ có con sú. Ở vùng nước ngọt, thủy sản được nuôi khá phong phú, đa dạng và được nuôi theo hình thức sản xuất hàng hoá tập trung. Điển hình là nuôi tôm càng xanh trong ao hay đăng quầng ven bờ sông và các kênh rạch lớn; nuôi các loại cá đen như rô đồng, sặc rằn, mè vinh,... trong ao, mương vườn, ruộng lúa; đặc biệt là trong 2 năm gần đây mô hình nuôi cá da trơn đang được đầu tư và phát triển mạnh ở các huyện ven Sông Hậu như Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung,... trong thời gian tới mặt hàng chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa sẽ trở thành một trong số những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực sau con tôm đông của tỉnh./.

Trang Hoàng Thọ


Chuyện nghêu tặc ở Thạnh Phong

Nguồn tin: BTre, 21/09/2007
Ngày cập nhật: 23/9/2007

Không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng những mỏ nghêu như tại vùng ven biển Bến Tre. Hơn 3 năm qua, từ ngày con nghêu nuôi ở đây đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, giá nghêu lên cao vùn vụt. Bộ mặt vùng sâu, đời sống của hàng ngàn hộ dân vùng ven biển Bến Tre khá lên thấy rõ. Có điều, trong lúc các HTX thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm thuộc huyện Bình Đại luôn quản lý, khai thác tốt con nghêu thì ngược lại tại Thạnh Phong, tình hình chưa có dấu hiệu nào khả quan.

Vùng đất của nghêu

Nằm giáp biển Đông, dải đất bờ biển Thạnh Phong – Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) dài khoảng 25 km, giới hạn bởi cửa sông Hàm Luông và cửa sông Cổ Chiên. Trước năm 1975, Thạnh Phong là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí từ Bắc chuyển vào Nam với những chiến tích vang lừng. Các bậc cao niên sống vùng ven biển ở đây cho biết, ngay từ thời đó, con nghêu đã hiện diện tại Thạnh Phong. Điều này cho thấy nơi đây có môi trường sinh thái thích hợp cho con nghêu tựu lại sinh sống, phát triển. Từ năm 2000 đến nay, vào khoảng tháng 3 kéo dài cho đến tháng 8 âm lịch, lượng nghêu giống xuất hiện nhiều vô kể ở ven bãi biển Thạnh Phong. Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Cùng với các bãi nghêu tại huyện Bình Đại, Ba Tri, các bãi nghêu tại Thạnh Phong cũng là nơi có môi trường sinh thái được kiểm định thường xuyên, con nghêu đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường “khó tính” châu Âu. Con nghêu nuôi ở bãi biển Thạnh Phong rất mập, ruột trắng, chất lượng thịt ngon ngọt, giàu dinh dưỡng, được thị trường nhiều nước ưa thích”. Ông Hiếu nhận định: “Tuy sản lượng nghêu giống lẫn nghêu thịt (nghêu nuôi) hàng năm tại Thạnh Phong không bằng so các HTX nuôi nghêu tại Bình Đại, song nếu môi trường sống của con nghêu Thạnh Phong được gìn giữ, khai thác tốt, con nghêu vẫn có thể đem lại cuộc sống khá hơn cho rất nhiều người dân nghèo sống vùng ven biển Thạnh Phong”.

Ở Thạnh Phong, ngoài những hộ sống trên các giồng cát, có đất canh tác trồng hoa màu; những người có vốn liếng làm vuông nuôi tôm sú; còn lại đại bộ phận người dân sống sát bờ biển chỉ biết trông cậy vào sự may rủi theo các con nước như đi mò cua, bắt ốc, đi lưới cá tép để sống qua ngày. Bởi vậy, thiên nhiên ban tặng cho Thạnh Phong một mỏ nghêu đó là điều quý lắm. Thế nhưng...

Ngoài trộm, trong cũng trộm theo!

Qua cầu Bồn Bồn, tôi băng đường rừng hơn 5 km mới đến bãi nghêu ở ấp 6, xã Thạnh Phong, do HTX Thủy sản Thành Lập quản lý. Song, đây chỉ là một bãi nghêu chưa phải là xa nhất trong nhiều bãi trên dải bờ biển Thạnh Phong – Thạnh Hải. Muốn đến các bãi nghêu ở ấp 7, xã Thạnh Phong, do HTX Thủy sản Đoàn Kết quản lý, phải đi xa thêm khoảng 5 km nữa. Còn muốn đến tiếp bãi nghêu Thạnh Lợi bên xã Thạnh Hải, thì chỉ có nước đi tàu máy. Các bãi nghêu tại đây nằm trải dài trên một địa bàn thật rộng lớn, cheo leo và đầy phức tạp.

Tôi ra bãi nghêu thuộc HTX Thủy sản Đoàn Kết. Một xã viên (xin không nêu tên) ném lời chua chát: “Ở đây chuyện bắt nghêu trộm cứ diễn ra liên miên, dai dẳng. Năm rồi (2006), khi nghêu giống vừa xuất hiện chẳng bao lâu, chưa đến tháng tuổi được phép khai thác, lập tức nghêu bị bắt trộm sạch sẽ! Điều đáng lo hơn là môi trường bãi bị phá tan hoang, bãi vẩn đục, liệu rồi con nghêu có còn chịu đến đây để sinh sản?!”. “Nhưng số người trộm nghêu là từ đâu đến?”- tôi hỏi. Anh xã viên thở dài: “Ngoài tỉnh có, người ở các huyện kế bên có, người ngay huyện nhà có và căng nhất là người ở ngay trong nội bộ, tức là những xã viên như tôi!” Tôi thốt lên: “Trời đất, vậy là “nội tuyến”rồi!” Anh xã viên ghé nhỏ vào tai tôi: “Điện thoại di động đã phủ sóng khắp nơi. Thấy không có xã viên giữ nghêu hoặc người cùng “phe ta” thì chỉ cần alô một tiếng.”

Các nghêu tặc có cách đánh vào các bãi nghêu thật táo tợn. Trong đêm, sau khi nắm “thông tin”, lắm khi nghêu tặc ập đến cả trăm người, dùng lưới mùng vơ vét cấp tập nghêu giống, trong khi đó số xã viên bảo vệ bãi nghêu có mặt chỉ vài chục người. Làm không xuể, và trong cảnh hỗn độn đó, thấy người ngoài bắt nghêu nhiều quá nên “người nhà” cũng bắt trộm theo(!?) Hoặc giả nghêu tặc đánh theo kiểu biệt kích. Nơi ven biển rộng mênh mông như thế, chúng đào hố dưới cát để ẩn mình. Không thấy có người, chúng liền hoạt động. Còn thấy người hay tàu tuần tra sắp đến thì chúng lặn xuống hố, đấp cát lên. Ở những hướng khác, nghêu tặc ẩn hiện như ma trong những vạt rừng ngập mặn, chực chờ cơ hội tiến ra bãi nghêu.

­Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Lê Thanh Nữa phát biểu giọng đầy tâm tư: “Không bảo vệ được bãi nghêu vì Thạnh Phong chưa có một tập thể tổ viên đoàn kết, đủ mạnh để đối phó với người bắt trộm”. Một xã viên thêm vào: “Đã vậy, cứ “canh me”, hễ hớ hênh thì tổ viên tổ này lại lén sang tổ khác...xiệc!”

Đó là chuyện vừa diễn ra vào đêm 11-9-2007 ở khu vực bãi nghêu HTX Thủy sản Đoàn Kết. Trong đêm, quần chúng đã vây bắt được kẻ trộm là vợ chồng Võ Văn Được (ấp 4, Thạnh Phong) cùng tang vật là lưới và hơn 1 kg nghêu cám (nghêu giống). Ngay sáng hôm sau, hàng chục xã viên kéo tới UBND xã Thạnh Phong với sự phẫn nộ vì họ cho rằng một số người có trách nhiệm của Ban Quản lý HTX Thủy sản Đoàn Kết đã “tay trong, tay ngoài” với vợ chồng Võ Văn Được. Ông Ngô Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong cho biết: “Bước đầu, vợ chồng ông Được khai do quá nghèo túng nên đi trộm (do người khác thuê). Hiện cơ quan Công an huyện Thạnh Phú đang tiến hành điều tra làm rõ”.

Sau vụ trộm nghêu gây nhiều hoài nghi trong xã viên, ngày 14-9-2007, HTX Thủy sản Đoàn Kết đã tiến hành đại hội xã viên, bầu ban quản lý mới và ông Trương Văn Hải được bầu là chủ nhiệm HTX này. Cái khó của Thạnh Phong là các bãi nghêu nằm trải dài trên địa bàn quá rộng nên việc bảo vệ con nghêu rõ ràng là vất vả, phức tạp. Tuy nhiên, nếu tất cả xã viên đoàn kết, đồng lòng, ý thức nguồn lợi thủy sản đó chính là của mình và nhất là việc ăn chia ở HTX công bằng, xã viên sẽ ra sức bảo vệ bãi nghêu, nạn trộm cắp rồi cũng phải bị đẩy lùi, để con nghêu Thạnh Phong phát triển, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân tại địa phương.

Phan Lữ Hoàng Hà


Châu Phú (An Giang): Nuôi ếch Thái Lan mùa nước nổi

Nguồn tin: AG, 21/9/2007
Ngày cập nhật: 22/9/2007

Người đầu tiên đưa con ếch Thái Lan về nuôi thí điểm là ông Huỳnh Tấn Mận, Chủ nhiệm CLB nông dân xã Bình Phú, huyện Châu Phú. Sau khi thành công, ông tiếp tục nhân rộng cho các thành viên CLB học hỏi.

Từ nuôi lươn, ba ba, cá rô phi, cá lóc trong vèo, ông Mận tiếp tục mở ra nghề nuôi ếch Thái Lan. Do áp dụng đúng kỹ thuật, nuôi chưa tròn 1 tháng, ếch đã đạt trọng lượng 80g/con. Ông để 5 cặp ếch bố mẹ nuôi thử nghiệm làm giống. Sau 1 năm, ếch đẻ lứa đầu hơn 1.000 con. Lần lượt những con ếch khác cũng sinh sản, ông cung cấp giống cho bà con trong và ngoài xã.

Ông Mận cho biết, hiện ếch thịt được giá cao, thương lái TP. HCM đến tận nhà cân 25.000 đ/kg nên người nuôi rất phấn khởi.

Mô hình nuôi ếch giống của ông Mận được nông dân đến học hỏi kinh nghiệm và nhờ hướng dẫn kỹ thuật. Hầu như hộ nào cũng nhân giống ếch thành công.


Gần 9 tháng đầu năm 2007: tổng sản lượng nuôi trồng và khai tháng thủy sản Cà Mau đạt gần 200 ngàn tấn

Nguồn tin: CRTV, 22/9/2007
Ngày cập nhật: 22/9/2007

Từ đầu năm 2007 đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh Cà Mau gần 200 ngàn tấn, đạt trên 65% kế hoạch, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2006.

Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 100 ngàn tấn, riêng sản lượng tôm là 67 ngàn tấn; Về khâu chế biến hàng thủy sản cũng không tăng nhiều, chế biến tôm đông lạnh đạt bằng so với cùng kỳ năm 2006: gần 95%. Riêng sản lượng khai thác biển 93 ngàn tấn giảm 1% so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm thời tiết khá thuận lợi, tạo điều kiện hơn cho khai thác biển. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng, nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm, đầu ra tôm biển gặp khó khăn nên sản lượng khai thác biển có phần giảm. Bên cạnh đó, việc xử lý đối với nguồn vốn đầu tư khai thác xa bờ và khắc phục hậu quả bão còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông rạch, ven biển, vùng bãi bồi chưa giảm; tín dụng cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề gần như bế tắt./.

PV: Hồng Thắm


Xuất hiện loài ốc lạ gây hại các đầm nuôi tôm ở Cà Mau

Nguồn tin: ND, 20/9/2007
Ngày cập nhật: 22/9/2007

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân làm nghề nuôi tôm trên địa bàn một xã Ngọc Chánh và một số vùng lân cận của huyện Ðầm Dơi đã phát hiện một loài ốc lạ có hình xoắn với tốc độ sinh sản lây lan khá nhanh trong các đầm nuôi tôm.

Qua theo dõi ban đầu, loài ốc lạ này đã ảnh hưởng, làm giảm rõ rệt năng suất, sản lượng tôm nuôi; nhiều hộ sản xuất đã bơm cạn nước phơi đáy ao đầm nuôi nhưng loài ốc này vẫn không chết, ngược lại sinh trưởng rất nhanh. Các ngành chức năng Cà Mau cần giám sát, lấy mẫu và tăng cường hướng dẫn người dân cách phòng trừ loại ốc này không để lây lan trên diện rộng.


Dai dẳng cuộc chiến chống gian dối nuôi trồng thuỷ sản

Nguồn tin: Lao Động, 21/09/2007
Ngày cập nhật: 22/9/2007

Từ 18 - 20.9, tại TPHCM, Việt Nam đã được Uỷ ban Châu Âu (EU) chọn làm nơi hội thảo về các tiêu chuẩn thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản của Liên minh Châu Âu. Ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: Đây là niềm tự hào cho ngành thuỷ sản VN, đánh dấu những thành quả tốt đẹp của thuỷ sản VN được thế giới công nhận... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chống lại các hành vi gian lận, tiêm nhiễm hoá chất, kháng sinh vào thuỷ sản vẫn còn là một "cuộc chiến" vất vả, dai dẳng...

Những lô hàng bị từ chối

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến thuỷ sản VN (VASEP), trong tháng 7.2007 có 27 lô hàng thuỷ sản có nguồn gốc từ VN bị từ chối cho nhập vào Mỹ, chủ yếu vì lý do vệ sinh thực phẩm. 6 tháng đầu năm nay, số lô hàng bị phía Mỹ từ chối là 240. Tháng 8.2007, vẫn có 18 lô hàng thuỷ sản chịu cùng số phận.

Các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang thường có DN xuất hiện trong danh sách có hàng bị nước ngoài từ chối vì lý do chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Chỉ trong ngày 30.8.2007 đã có 2 DN ở Cà Mau là Quốc Việt và Tân Thành bị phía Nhật từ chối nhận hàng.

Trong mấy tháng qua, các thông tin về sự quan ngại của EU, Mỹ, Nhật, Nga... đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của VN luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Theo thông báo của phía EU, ngày 27.9 tới đây, một phái đoàn của EU sẽ đến VN kiểm tra vệ sinh an toàn thuỷ sản ở tất cả các khâu đánh bắt, cảng cá, vận chuyển, chế biến, kho trữ. Hàng thuỷ sản xuất khẩu của nước nhà đang thực sự đứng trước thử thách.

Căn bệnh tiêm chích tạp chất vào nguyên liệu thuỷ sản đã có cách đây gần 20 năm, nhưng vẫn chưa có cách trị hiệu nghiệm. Ban đầu là ghim đinh hoặc kim loại vào tôm. Các nhà máy phải trang bị máy rà kim loại. Người ta "khắc phục" bằng cách dùng rau câu, bột năng tiêm chích vào thân tôm để tránh bị máy rà kim loại phát hiện.

Các DN phải trang bị thuốc thử tinh bột để phát hiện các "tạp chất" trên. Hiện nay, bí đao đang được sử dụng rộng rãi để bơm vào tôm, vì nó chưa bị thuốc thử phát hiện. Trong khi đó, các tàu đánh bắt xa bờ thì lại sử dụng các loại thuốc bị cấm sử dụng trong thực phẩm để giữ cho nguyên liệu tươi lâu, như chloramphenycol, nitrophurans...

Các nhà máy phải trang bị phương tiện đắt tiền để kiểm các loại kháng sinh này trong nguyên liệu. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bị phát hiện ở nước ngoài và bị trả hàng về VN (hoặc tiêu huỷ).

Tuyên chiến: Khó, vẫn phải làm

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương cho biết: Thuỷ sản VN muốn vào EU trong thời gian tới chắc chắn sẽ phải vượt qua hàng rào nghiêm ngặt hơn. Vì thế, để bảo vệ uy tín thuỷ sản xuất khẩu của VN thì phải "tuyên chiến" với những hành vi gian dối, vì lợi ích cục bộ, chạy theo lợi nhuận nhất thời của một số đơn vị, cá nhân.

Theo ông Phan Văn Danh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá An Giang, trong số các lô hàng thuỷ sản bị trả về, hàng bị nhiễm kháng sinh chiếm tỉ lệ cao so với nhiễm vi sinh. Điều này cho thấy phần lớn nguyên nhân xuất phát từ khâu chăn nuôi.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này cũng không dễ. Người nuôi thuỷ sản xuất khẩu hiểu rất rõ tác hại của các loại thuốc có khả năng để lại dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, nhưng một phần do chạy theo lợi nhuận và do công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua bán thuốc điều trị thuỷ sản gần như được thả lỏng nên sai phạm vẫn cứ nối tiếp sai phạm. Nhất là trong bối cảnh nạn bùng nổ nghề nuôi này đang vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh của cá.

Tuy nhiên theo ông Danh, điều đáng ngại hơn ở đây là sự "lọt lưới khó hiểu" của hàng phòng vệ trong nước. Bởi có nhiều lô hàng, cơ quan kiểm nghiệm trong nước cho là tốt nhưng khi ra nước ngoài lại bị phát hiện bị nhiễm vi sinh, kháng sinh.

Ông Danh nhấn mạnh: Có thể nói về thiết bị, ta đã đầu tư rất tốt, vấn đề ở đây chính là cách làm của người có trách nhiệm. Điều này không chỉ gây tốn kém cho quốc gia mà còn tạo ra tiền lệ tự làm mất uy tín của cơ quan kiểm định của VN trên trường thế giới.

C.Hùng - L.Tùng - P.Đấu


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang