• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đi mới của ngành Thủy sản Hà Tây

Nguồn tin: Hà Tây, 7/9/2007
Ngày cập nhật: 21/9/2007

Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm trong những năm gần đây, nên người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm thuỷ sản.

Nhận rõ vấn đề này, Hà Tây đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), bởi đây là lĩnh vực rất thuận lợi, là tiềm năng phát triển thuỷ đặc sản trên địa bàn.

Với tổng diện tích có khả năng NTTS là 27.440ha, bao gồm: Ao hồ nhỏ 3.600ha, hồ chứa mặt nước lớn 3.627ha, ao ương nuôi cá giống 406ha, ruộng trũng 19.807ha. Ngoài ra, còn có một số con sông có khả năng phát triển nghề nuôi cá lồng, bè như: Sông Hồng 90km, sông Đáy 40km, sông Bùi 20km và sông Tích 30km. Từ xa xưa nuôi thả cá và gột cá giống của nhân dân trong tỉnh đã trở thành nghề truyền thống lâu đời. Do vậy, hầu hết những người NTTS trên địa bàn tỉnh đều có kinh nghiệm cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác, góp phần đáng kể trong việc cung cấp cá giống và cá thương phẩm không chỉ trong tỉnh mà còn ra cả các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình…

Ngày nay, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn, dẫn đến nhu cầu thị trường tiêu thụ hàng thuỷ sản lớn. Do vậy, nếu phát triển nhanh, vững chắc nghề NTTS theo hướng thâm canh, tạo ra khối lượng và giá trị hàng hoá lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người nông dân trên địa bàn. Rút kinh nghiệm từ những năm 1996 trở về trước, các loại mặt nước hầu hết được người NTTS thả cá theo hình thức quảng canh, tự cung tự cấp, nên diện tích đưa vào NTTS có hiệu quả mới được 11.300ha (đạt 31% tổng diện tích có thể NTTS), chỉ có 600 lồng cá trên các sông hồ; đồng thời sử dụng các con giống nuôi, cũng như biện pháp kỹ thuật còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất thấp, bình quân chỉ đạt từ 0,4-0,6 tấn/ ha/ năm; giá trị thu được từ 4-5 triệu đồng/ha/năm. Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT và sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, cùng nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật không ngừng nghiên cứu, cập nhật những công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào NTTS, đã làm bức tranh thuỷ sản ngày càng đa dạng, phong phú…

Với cơ chế quản lý thay đổi, hầu hết các loại mặt nước được giao ổn định cho các hộ, hình thức nuôi thay đổi; đồng thời tích cực áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt được từ 1,7-1,9 tấn/ ha/ năm; giá trị thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ ha/ năm. Tổng sản lượng cá hàng năm đạt trên 25 nghìn tấn, mỗi năm xuất được khoảng 500-550 con cá bột các loại, có trên 1.000 hộ ương nuôi cá giống, mỗi năm sản xuất từ 170-180 triệu con cá giống. Từ năm 2003 đến nay, phong trào NTTS được triển khai mạnh và rộng khắp, hình thức nuôi phong phú, tập trung hướng vào nuôi thuỷ đặc sản và các loại cá có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, tiềm năng về NTTS của tỉnh vẫn chưa được khai thác triệt để, do chưa có quy hoạch vùng nuôi quy mô lớn, nên chưa tìm ra được những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, nhằm chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi trong NTTS.

Nghề NTTS hiện nay đang có xu hướng phát triển bền vững, đem lại giá trị thu nhập cao, chuyển từ thả cá sang nuôi cá; từ hình thức sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, đưa giá trị kinh tế lên cao. Mục tiêu phấn đấu trong nghề NTTS đến năm 2010 đạt 550-600 triệu con cá bột, 190-200 triệu con cá giống và sản lượng là 45-50 nghìn tấn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra. Nhằm đạt được mục tiêu trên là tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp như: Về giống, tổ chức khâu sản xuất thực hiện cấp 1 hoá giống thả nuôi, trong đó chú trọng khâu khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng giống sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh. Các giống cá mới như: Cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá chép lai ba máu, cá trê lai, cá Mrigan, cá Catla, và các loại giống thuỷ đặc sản khác. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giống. Sản xuất và điều phối các loài giống cá, tôm cho nhu cầu nuôi của các huyện, thị xã.

Xúc tiến việc nghiên cứu hoặc nhập một số giống mà sản xuất đang cần như: Cá rô phi lai, cá chép lai, cá chim trắng, cá điêu hồng, công nghệ cá giòn… đáp ứng cho nhu cầu nuôi. Mở rộng và củng cố hệ thống sản xuất và điều phối giống, đạt yêu cầu đủ giống, giống tốt và đúng thời vụ nuôi thả. Quy hoạch, lập các dự án chuyển đổi, xây dựng vùng nuôi hàng hoá, xây dựng mô hình kinh tế VAC, đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở các công trình, giải quyết úng, hạn để ổn định và phát triển NTTS lâu dài. Tận dụng toàn bộ các loại mặt nước đưa vào nuôi các loại thuỷ sản theo hình thức thâm canh bằng thức ăn công nghiệp. Ao hồ nhỏ nuôi thâm canh và bán thâm canh, nuôi lồng, bè theo hình thức công nghiệp. Ruộng trũng cấy lúa không hiệu quả sang 1 vụ lúa, 1 vụ cá, tôm hoặc chuyên cá nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng đại trà trong NTTS. Củng cố, nâng cấp tổ chức hệ thống sản xuất giống từ tỉnh đến các cơ sở, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở giống gốc cấp 1 của tỉnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống, phổ biến và cung cấp đầy đủ thuốc phòng và chữa bệnh cho cá, tôm và các loài thuỷ đặc sản khác. Tăng cường công tác quản lý phát triển đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản từ tỉnh đến các huyện, thị xã. Đây là hướng đi mới của ngành thuỷ sản tỉnh từ nay đến năm 2010, từng bước giúp người nông dân NTTS tăng năng suất canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

Phc Bản


Nghĩa Hương (Hà tây) với mô hình thâm canh mới: Nuôi cá rô, chạch, cua đồng trong ruộng lúa

Nguồn tin: Hà Tây, 9/9/2007
Ngày cập nhật: 21/9/2007

Anh Lưỡng giới thiệu bờ vỉa bao quanh khu vực nuôi cá, cua, chạch của mô hình với PV Báo Hà Tây.

Nhằm khôi phục phát triển nguồn giống thủy sản nội đồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình kết hợp trồng lúa với chăn nuôi thả cá rô, chạch, cua đồng tại xã Nghĩa Hương (Quốc Oai).

Đây là mô hình hỗ trợ để thử nghiệm trồng lúa kết hợp với chăn nuôi nhằm tạo giá trị thu nhập cao trong nông nghiệp.

Xã Nghĩa Hương cách trung tâm huyện khoảng 4km, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ không mấy thuận lợi, thu nhập của địa phương dựa vào nông nghiệp là chính. Vì vậy, 65 hộ đã chuyển đổi được trên 40ha để tập trung sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cho hiệu quả gấp 3-4 lần so với cấy lúa trước đây, đã kích thích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ở xã Nghĩa Hương, đó là mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá rô, chạch, cua đồng theo chương trình khôi phục đàn giống thủy sản nội đồng. Trên diện tích hơn 40ha đất chuyển đổi, xã Nghĩa Hương đưa thử nghiệm ở 4 hộ, gồm: Hộ anh Nguyễn Huy Lưỡng, Nguyễn Văn Thêm, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Trọng Khoa. Với tổng diện tích 2ha (mỗi hộ 0,5ha), từ đầu năm 2007, 4 hộ được chọn thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá rô, chạch, cua đồng ở xứ đồng Rộc đã chuẩn bị tốt các khâu về đất canh tác, cơ sở hạ tầng như: Xây tường quanh ruộng, căng nilon, đào rãnh nước, đắp bờ giả... theo đúng quy trình của mô hình thử nghiệm. Ban đầu Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho mỗi hộ 50% con giống và nilon, cọc để bao quanh khu vực thực hiện mô hình. Ngoài sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các hộ tham gia thử nghiệm mô hình còn đầu tư khoảng 3-5 triệu đồng để mua thêm con giống và thức ăn.

Theo anh Lưỡng thì nguồn giống cua, chạch địa phương có sẵn, chỉ có cá rô là phải mua từ TP Hồ Chí Minh, do vậy các hộ thực hiện mô hình có nhiều thuận lợi về giống. Ngoài việc hỗ trợ con giống, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn tư vấn, hướng dẫn các hộ nên dùng cám mỳ và cám gạo cho cá, cua, chạch ăn là tốt nhất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng gia đình anh Lưỡng đã đầu tư gần 10 triệu để mua thêm giống, thức ăn và xây bờ vỉa thực hiện mô hình. Trên thực tế cho thấy, cánh đồng rộng 2ha của 4 gia đình tham gia mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá rô, chạch, cua đồng hiện đang phát triển rất tốt, lúa đang chín trĩu bông; cá, cua, chạch sinh trưởng. Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết: Đầu tháng 10, mô hình sẽ bắt đầu thu hoạch, lúa vẫn đạt năng suất 2tạ/sào và thu hoạch từ cá, cua, chạch sẽ đạt khoảng 2-3 triệu đồng/sào, mỗi mô hình sẽ đạt từ 50 - 70 triệu đồng/năm.

Với việc thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá rô, chạch, cua đồng, bà con nông dân nói chung và 4 hộ gia đình ở xã Nghĩa Hương nói riêng bước đầu khẳng định mô hình đa canh hiệu quả trong thâm canh sản xuất nông nghiệp, tạo hệ số quay vòng sử dụng đất; đồng thời tiết kiệm được đất nông nghiệp và thời gian lao động mà vẫn đem lại năng suất cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa trước đây. Thiết nghĩ, đây là mô hình cần được nhân rộng tại xã Nghĩa Hương, cũng như trong huyện Quốc Oai để từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế trong ngành Nông nghiệp.

Phúc Bản


Nghịch lý trong phát triển nghề nuôi tôm!

Nguồn tin: Nghệ An, 19/09/2007
Ngày cập nhật: 21/9/2007

Trời lạnh và mưa, nhưng ông Hoè - xóm Thái Bình (Nghi Thái - Nghi Lộc) vẫn phải cởi trần xuống kéo tôm, để đi chợ bán. Ngày nào ông cũng kéo tôm bán từng cân, có ngày được vài yến, có ngày không ai mua, trong khi đó tôm lớn rồi, không kham nổi thức ăn nữa.

Vợ ông Hoè giở sổ ghi chép từng mối mua hàng. Thoáng nhìn tôi chỉ thấy các bà buôn mua dăm ba kg (mỗi kg giá 5.200 đồng) để đi chợ bán. Chị Ngọc- người Hưng Dũng mua tôm cho biết: "tui bán ở chợ Quán Lau, ngày bán được 3-4 kg, tôm chết rồi càng khó bán, có khi tui phải đưa về ăn hết cả vốn".

Năm nay, ông Hoè nuôi cả tôm he lẫn tôm sú, tôm sú khó bán hơn tôm he bởi tôm sú vốn để xuất khẩu, song chẳng hiểu sao mấy năm nay tôm sú cũng chẳng xuất khẩu được, đưa ra chợ nốt, giá lại cao, 70-80 ngàn đồng/ kg, dân mấy ai dám ăn. Thu hoạch tôm từ 6.000 m2 được 6,5 tạ tôm ông thu về được 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tiền thức ăn 1,1 tấn, hết 22 triệu đồng, tiền dầu, thuốc chữa bệnh, men vi sinh, thuốc bổ, thuốc tăng trọng... cho tôm hết 12 triệu đồng, rồi tiền công... ông chỉ còn lãi 10 triệu đồng. Số tiền đó chia cho cả nhà 4 người thì mỗi người một tháng chỉ được mấy trăm ngàn. Anh Danh xóm Thái Cát (NghiThái) nuôi được 1 tấn tôm sú, bán được gần 70 triệu đồng, trừ chi phí hết 65 triệu đồng, coi như hết. Không chỉ Nghi Thái, ở Hưng Hoà, con tôm cũng khó có đầu ra. Với 110 ha, sản lượng trên 100 tấn, bà con chủ yếu tự xoay xở tìm cách bán chợ cho người đi chợ, cho các nhà trẻ, đám cưới. Thức ăn tôm đắt đỏ, giá tăng 20-30%, thuốc thú y tăng, dịch bệnh tăng, trong lúc đó giá tôm rẻ, bán ngang chỉ có 60, người nuôi tôm đang dần hết "siêu lợi nhuận".

Ở Diễn Châu, lo lắng càng tăng cao khi mùa mưa lũ đã đến mà tôm mới chỉ thu tỉa lẻ tẻ. Diễn Châu có 149 ha tôm, năng suất ước đạt 1,1 tấn/ ha. Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Diễn Vạn- ông Hoàng Ngọc Quyền đành nhờ Phòng thuỷ sản huyện tìm mối, phòng lại kêu lên Sở nhưng chưa có hồi âm. Cán bộ phụ trách nuôi tôm của Diễn Châu cho biết, có vài nơi, Công ty CP Thuỷ sản 2 Quỳnh Lưu dạm hỏi đặt giá 60 nghìn đồng/kg (mua ngang cả) - tính ra lỗ nặng nên bà con không bán. Bây giờ bà con nuôi tôm theo công nghệ vi sinh là chủ yếu, an toàn nhưng đắt đỏ, cứ 1 tuần lại phải thả xuống đầm một can "VS" 20 lít giá 330 ngàn đồng, giá thành con tôm vì thế mà đội cao.

Năm nay, Quỳnh Lưu được mùa tôm nhưng bà con cũng tự xoay, vừa nuôi tôm vừa buôn tôm. Anh Vũ Văn Từ xóm 3 xã Quỳnh Xuân và ông Nguyễn Văn Sự xóm 7 Quỳnh Xuân vừa mới "xuất" tôm đi Hà Nội. Anh Từ phấn khởi cho biết: nhờ có người quen giới thiệu anh đã bán được hơn 1 tấn tôm ra Hà Nội với giá 89 ngàn đồng/ kg loại 1. Tôm cân nhanh, bỏ ngay vào lồng, rồi bỏ vào thùng sục khí chạy thẳng ra Hà Nội nhập cho các nhà hàng, các chợ.

Sản lượng tôm ngày một nhiều, trong khi giá tôm không tăng trong những năm qua. Toàn tỉnh ước mỗi năm trên 2 ngàn tấn tôm, trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh không đạt được. Nhà máy đông lạnh Cửa Hội lâu nay đã ngoài cuộc chơi, còn Nhà máy 38 B Quỳnh Lưu thì đang cố gắng tồn tại song thiếu vốn, sản xuất cầm chừng. Trao đổi với Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK thuỷ sản 2 được biết: hiện nhà máy chỉ có khoảng 1 tỷ đồng vốn lưu động, chỉ đủ sản xuất một container hàng xuất khẩu, phải đợi container ấy đi, về rồi mới lo được "công" khác. Thiếu vốn trầm trọng cộng với việc cấm nhập hàng có chứa dư lượng kháng sinh vào Nhật khiến Công ty không dám mua hàng về chế biến. Để xuất được hàng phải đưa mẫu vào kiểm tra dư lượng kháng sinh tại TP Hồ Chí Minh, mỗi mẫu mất 4- 5 triệu đồng/ cho 6 chỉ tiêu, lại mất khoảng 1 tuần mới có kết quả. Mua tôm phải trả tiền ngay, trong lúc đó công ty không có vốn, mua nợ bà con không bán, giá lại cao. Thế là "lực bất tòng tâm". Công ty cứ sản xuất cầm chừng để lấy việc làm cho công nhân, ngày dăm tấn tôm gia công. Xuất trực tiếp nhiều rủi ro nên năm nay chủ yếu xuất uỷ thác qua bạn miền Nam.

Như vậy, thiếu một doanh nghiệp mạnh, thiết bị đủ điều kiện cộng với những hạn chế trong qui định xuất khẩu đã khiến cho tôm tươi của ta thành " chợ trưa", bị ép cấp, ép giá. Biết đến bao giờ mới khắc phục được sự khập khiễng trong sản xuất và tiêu thụ tôm?

Châu Lan


Bình Đại (Bến Tre): Tổ hợp tác nuôi tôm sú thâm canh 14ha va mô hình nuôi cá bống kèo đạt lợi nhuận cao

Nguồn tin: BTreTV, 19/9/2007
Ngày cập nhật: 21/9/2007

Tổ hợp tác nuôi tôm sú thâm canh ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại được thành lập vào năm 2002 với diện tích 14 ha, tổng nguồn vốn huy động khoảng 4 tỷ đồng với 400 cổ phần. Tổ có 18 lao động, gồm 15 công nhân và 3 cán bộ quản lý. Do đặc điểm tự nhiên của vùng đất, tổ hợp tác đã chọn phương án nuôi tôm sú thâm canh một vụ/năm. Mật độ thả giống từ 25 – 30 con/m2, thời gian nuôi 4 tháng, sản lượng đạt bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận đạt gần một tỷ đồng/vụ.

Sau gần 5 năm hoạt động, tổ hợp tác nuôi tôm sú thâm canh xã Bình Thắng, huyện Bình Đại đã khai thác có hiệu quả vùng đất trồng lúa một vụ, năng suất thấp, góp phần tạo nguồn nguyên liệu thuỷ sản xuất khẩu cho tỉnh. Đây là một trong những mô hình hợp tác tiên tiến có thể nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế cho người dân trong khu vực và các vùng lân cận cùng phát triển nghề nuôi tôm sú thâm canh.

Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm xen trong ruộng lúa, phong trào nuôi cá bống kèo cũng được phát triển khá mạnh tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại .

Toàn xã hiện có hơn 10 ha nuôi cá bống kèo. So với tôm sú thì nuôi cá bống kèo dễ hơn, chi phí đầu tư ít nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, thời gian sinh trưởng của cá bống kèo ngắn. Ít bị rủi ro về dịch bệnh, thức ăn cho cá có thể tự tạo. Mới đây, anh Dương Hào Lợi ở ấp 2, xã Thạnh Phước đã thu hoạch ao nuôi cá bống kèo diện tích 2.700 m2 mặt nước được hơn 2 tấn cá bống kèo thịt. Mỗi ký 42 con, giá bán 40 ngàn đồng/ký. Anh Lợi đã thu về gần 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng . Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân xã Thạnh Phước nói riêng và các xã ven biển của huyện Bình Đại nói chung trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để tăng thu nhập. Khó khăn nhất hiện nay của nông dân là nguồn cá bống kèo giống khan hiếm nên không thể mở rộng diện tích nuôi. Hy vọng ngành thuỷ sản Bến Tre có hướng sản xuất con giống nhân tạo cung cấp cho người dân để nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con.


Xong vụ tôm nông dân Sóc Trăng xuống vụ lúa

Nguồn tin: ST, 19/09/2007
Ngày cập nhật: 20/9/2007

Theo báo cáo của Sở Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 10/9/2007, toàn tỉnh đã thả nuôi được 48.546,4 ha tôm sú, vượt 5,54% kế hoạch; tập trung nhiều nhất ở 2 huyện vùng ven biển là huyện Vĩnh Châu 24.907 ha, Long Phú 3.800 ha và vùng lợ huyện Mỹ Xuyên 18.056,3 ha, đến nay diện tích thu hoạch sú đạt 21.791 ha; trong đó, chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên 11.019 ha, Vĩnh Châu 7.168 ha và huyện Long Phú 2.066 ha. Năng suất tôm nuôi quảng canh cải tiến bình quân 500 kg/ha, nuôi công nghiệp bình quân 3,2 tấn/ha, chuyến thu hoạch đầu vụ đã đem lại cho nông dân Sóc Trăng có trên 70% lợi nhuận.

Sau khi thu hoạch tôm bà con nông dân Sóc Trăng đã tiến hành xuống giống vụ lúa mùa 2007 - 2008. Hiện nay toàn tỉnh đã xuống giống được 17.092 ha lúa mùa đạt 82% kế hoạch.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch hại sâu bệnh, ngành chức năng tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương theo dõi thu hoạch tôm sú chính vụ, triển khai tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, tập huấn cho công tác viên bảo vệ thực vật xã và câu lạc bộ IPM về phương pháp điều tra và biện pháp quản lý các đối tượng dịch hại trên lúa; các biện pháp tổng hợp quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng và xây dựng quy trình phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học, ... thông tin tuyền truyền trên các thông tin đại chúng về tình hình mưa bão và dịch bệnh để tạo điều kiện cho nông dân phòng ngừa và phát hiện sớm khống chế ngay dịch bệnh./.

Nguyễn Đình Bảo


Chỉ thị của Bộ NN&PTNN về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm

Nguồn tin: Fistenet, 14/9/2007
Ngày cập nhật: 20/9/2007

Chỉ thị của Bộ NN&PTNN về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thủy sản sau thu hoạch và các lô hàng thủy sản XNK

Trong nhiều năm qua, Bộ Thủy sản nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản, qua đó, chất lượng, an toàn thực phẩm thuỷ sản đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của hầu hết các thị trường nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản liên tục tăng trưởng, đạt trên 3,3 tỷ USD năm 2006 và dự kiến đạt 3,6 tỷ USD năm 2007.

Từ đầu 2006 đến nay, tiếp tục có thêm một số thị trường lớn công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (Nhật Bản, Liên bang Nga, Đài Loan...). Mặc dù các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, các Hội, Hiệp hội Thủy sản đã triển khai nhiều biện pháp như: tuyên truyền về tác hại của hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, tăng cường kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu, đến nay số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo về kháng sinh đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn những lô hàng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ, một số tàu đánh cá đã lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng, bảo quản thủy sản nguyên liệu sau đánh bắt. Mặt khác, trong khâu chế biến vẫn còn một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; một số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ngành nhưng vì lợi ích trước mắt, không chú trọng giữ gìn uy tín chất lượng, đã không thực hiện tốt việc kiểm soát dư lượng hoá chất kháng sinh trong nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến, không thực hiện kiểm tra về dư lượng kháng sinh các lô hàng trước khi xuất khẩu.

Để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đã được triển khai từ trước đến nay, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc kiểm soát, giữ vững uy tín chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và ổn định xuất khẩu, ngày 6/9/2007 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Chỉ thị số 77/2007CT-BNN Về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thuỷ sản sau thu hoạch và kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu. Giám đốc các Sở Thuỷ sản/Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản; Hiệp hội Chế Biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam; Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị trên.


Thuê đồng săn cá

Nguồn tin: TT, 19/09/2007
Ngày cập nhật: 20/9/2007

Chiếc ghe 2,5 tấn chất đầy gạo củi, mắm muối nổ máy từ từ rời kênh Bảy Xã (Phú Lộc, Tân Châu, An Giang), hướng về phía cánh đồng biên giới mênh mông nước.

Chạy được chừng 3km thì Chín Nét hét qua tiếng máy nổ: "Mình đang ở trên đất Campuchia...".

Đó là cánh đồng xã Omsano thuộc huyện Lekdek, tỉnh Kandal, tiếp giáp vùng biên giới An Giang.

Ông Chín Nét (Trần Văn Nét), ngư phủ vùng Phú Lộc, có gần 30 năm trong nghề xây nò, đặt dớn, vừa căng thẳng hướng dẫn tài công điều khiển ghe luồn lách giữa hàng trăm miệng nò giăng mắc khắp biển nước mênh mông, vừa nhìn vào chiếc điện thoại di động trên tay. Màn hình sáng lên, ông nghe rồi quay lại bảo tài công: "Không có kiểm tra, tăng tốc lên!"

Mua đồng kiếm sống

Năm nào cũng vậy hễ nước sông Tiền, sông Hậu chuyển sang màu đỏ phù sa và ngấp nghé tràn bờ là Chín Nét cùng hàng trăm ngư phủ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia lại khăn gói qua đất bạn thương lượng thuê đồng nước với nhà cầm quyền để làm ăn, chủ yếu làm nghề xây nò, đặt dớn.

Không làm thì đói...

Vì sao phải lặn lội qua tận Campuchia mua đồng nước để mưu sinh, bất chấp hiểm nguy rình rập? Ông Chín Nét và các ngư phủ vùng An Giang, Đồng Tháp nói đơn giản chỉ vì đồng Việt Nam mấy năm gần đây cá tôm cạn kiệt do tốc độ khai thác quá dữ dội. "Gần đây tụi tui mua đồng xa hơn, nhưng phải giành giật nhau đóng tiền trước cả năm mới có đất làm ăn. Biết là khổ và rủi ro nhưng không làm chẳng lẽ để vợ con đói?", ông Chín Nét trầm ngâm...

Đồng được chia thành nhiều loại. Ai nhanh chân và nhiều vốn sẽ mua được đồng nhất - phía đầu nguồn nước - với giá 60-70 triệu đồng một khoảng mặt nước dài 3.000- 4.000m tính theo chiều ngang của cánh đồng. Người ít vốn, chậm chân phải mua đồng nhì, đồng ba, đồng tư... mỗi dang đồng cách nhau 1-2km xuôi dần về phía biên giới Việt Nam, giá chênh lệch khoảng 10 triệu đồng/luồng.

Chín Nét và các ngư phủ nói ai mua được đồng nhất xây nò chặn ngang luồng nước coi như hưởng hơn 50% lượng tôm cá từ thượng nguồn đổ về; từ đồng nhì đến đồng tư, đồng năm tôm cá ngày càng ít do những miệng nò phía trên đã hứng hết.

Mua được đồng, khi nước lên 7-8 tấc là các ngư phủ bắt đầu đưa nhân công, vật liệu đến xây nò, đặt dớn. Mỗi miệng nò có vốn đầu tư khoảng 30 triệu đồng tiền cây, lưới, dây cước. Họ canh nò, bắt cá từ tháng 6-7 âm lịch đến tháng 10-11 âm lịch, khi nước bắt đầu rút cạn mới gỡ lưới, nhổ cây trở về Việt Nam.

Ba miệng nò của Chín Nét cách biên giới gần chục cây số thuộc loại bề thế nhất cánh đồng Omsano với chiều dài mỗi miệng khoảng 1.000m, bốn chiếc ghe và 20 nhân công túc trực ngày đêm. Mỗi ngày 2-3 lần thăm dớn, có khi được 100-200kg cá/ngày, hôm nào cá chạy nhiều có thể thu được 10-15 triệu đồng/ngày (năm nay giá bán 3 triệu đồng/tấn gồm cá linh và nhiều loại cá khác, chở về tới biên giới có ghe của thương lái cân) nhưng có hôm cũng trớt huớt, cá chỉ đủ kho mặn cho nhân công ăn cơm. "Nhưng chẳng lời lóm bao nhiêu vì nhiều thứ chi phí.

Nhân công 40.000 đồng/ngày bao cơm nước, chiều nào cũng nhậu nhẹt ì xèo ngay trên ghe neo giữa đồng nước vì lạnh, cực; chi phí qua lại biên giới phải đóng 25.000 đồng/người/ngày, rồi tiền xăng dầu, tu sửa ghe máy, tiền lót tay cho các quan Campuchia mỗi lần bị kiểm tra... Năm ngoái gặp nước bạc liên tiếp không có cá nên dân làm nghề lỗ sặc gạch, riêng tui phải bán 4 công đất giá 40 triệu đồng để trả nợ mà vẫn còn thiếu 30 triệu. Năm nay chưa biết cá mắm ra sao", ông lo lắng.

Bất trắc chực chờ

"Làm nghề hạ bạc này ngày ngày lặn hụp sửa chữa dàn xay, lúc nào cũng ướt như chuột lột, cực khổ, hiểm nguy lắm" - ông Lê Văn Lạc, chủ nò ở ấp Phú Quí, nói. Không thể kể hết những hiểm nguy, bất trắc mà dân nghề nò gặp phải trên đất Campuchia, nhưng tựu trung lại chỉ có hai mối đe dọa lớn nhất từ thiên tai và nhân tai. Dân nghề nò ở Tân Châu vẫn chưa quên cách đây không lâu trong một đêm sóng to gió lớn, gia đình ông V. ở huyện Phú Tân gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ đã bị dòng nước nuốt chửng cùng với chiếc trẹt neo đậu cạnh dàn nò. Mãi đến sáng, khi các chủ nò gần đó phát hiện thì chuyện đã rồi. Hầu như năm nào dân làm nghề đặt nò cũng bị tai nạn do dông gió trên đồng nước.

Những người sang Campuchia "đâm hà bá” nói rằng dông gió tuy đáng sợ nhưng vẫn có thể tránh được. Điều mà những người thuê đồng hãi nhất là lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trắng tay từ các lực lượng chức trách phía Campuchia. Bà Nguyễn Thị Mẫn ở ấp Thống Nhất, xã Tân Công Chí (Tân Hồng, Đồng Tháp) có hơn 10 năm mua đồng đặt dớn trên đất Campuchia, nghẹn ngào kể: "Họ bán đồng cho tụi tui đặt nò nhưng mấy ông bảo vệ nguồn lợi thủy sản Campuchia lâu lâu chạy tàu đi kiểm tra một lần, tịch thu cây, lưới đem về đốt bỏ. Mỗi lần như vậy là tụi tui lâm cảnh trắng tay, mang nợ ngập đầu".

Nhiều ngư phủ vùng Tân Châu, Hồng Ngự, Tân Hồng nói rằng họ còn bị bắt chở về tận Phnom Penh giam giữ, làm tạp dịch và phạt vạ rất nặng. Năm ngoái ông Hai Năng ở Vĩnh Xương bị bắt, gia đình phải cầm cố đất lấy 9 chỉ vàng đem đóng phạt mới được thả về. "Lắm lúc họ đi tuần chỉ vì cần tiền xài. Tụi tui lúc nào cũng phải dằn tiền trong túi để biếu mấy quan xài đỡ, nếu không thì khổ, tán gia bại sản như chơi.", ông Lạc chua chát nói.

HÙNG ANH


Thăng trầm nghề nuôi cá biển

Nguồn tin: 19/09/2007
Ngày cập nhật: 20/9/2007

Vài năm trở lại đây, nghề nuôi tôm lao đao, nhiều người chuyển sang nuôi cá. Tuy nhiên, không phải loài cá nào nuôi cũng phù hợp. Có loài càng nuôi càng lỗ, gây khốn khó cho người nuôi. Việc lựa chọn đối tượng nuôi thế nào để bảo đảm tính ổn định và bền vững là vấn đề đặt ra. Giải quyết bài toán này, một lần nữa đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

° BẤP BÊNH… NUÔI CÁ MÚ

Làng nuôi thủy sản Cam Hải Tây (Cam Lâm, Khánh Hòa) một ngày cuối tháng 8. Trên con đường vào làng, dọc đầm Thủy Triều có nhiều ao, đìa nuôi san sát nhau. Mùi tanh bốc lên từ các ao, đìa theo gió phả vào mặt người. Tôi gặp anh Trịnh Văn Tiến, một chủ đìa nuôi cá mú tại đây. Anh Tiến cho biết: “Tôi mua đìa từ năm 1994, đến nay đã nuôi nhiều vụ, hết tôm sú lại đến cá. Nói thật với anh, nuôi cá mú rất bấp bênh. Những năm đầu, do không biết ương, cá giống chỉ bằng hạt dưa hao hụt rất nhiều, về sau mua cá giống lớn hơn, ít hao hơn thì giá lại rớt. Giá 1kg cá mú hiện nay chỉ 81 - 82 ngàn đồng/con (loại 1kg), cá lớn giá còn thấp hơn mà bán không được. Cá giống phải mua trôi nổi từ thương lái nghe nói nhập của Đài Loan hay Trung Quốc gì đó, ở ta chưa sản xuất được. Trước đây, giá giống 4 ngàn đồng/con, bây giờ tăng lên 20 - 22 ngàn đồng/con…”. Anh Tiến lo lắng cho “số phận” của đàn cá mú hơn 2.000 con dưới ao, đã lớn hơn 2kg/con mà vẫn chưa bán được do giá thấp nhưng hàng ngày anh vẫn phải lo “chạy ăn” cho chúng toát mồ hôi.

Theo sự chỉ dẫn của anh Tiến, tôi tìm đến nhà anh Phan Hữu Đông, một nông dân chuyên nuôi cá mú ở Cam Đức (Cam Lâm). Anh Đông có 3,5 ha đìa thả nuôi 35.000 con cá mú. Anh phân tích: “Người nuôi cá mú bây giờ “bỏ của chạy lấy người” rồi. Giá cá quá thấp nuôi làm sao có lời? Tôi bán đợt trước, một ngày 4 - 5 tạ cá, lỗ vài chục triệu đồng. Cá càng lớn càng khó bán. Thời gian nuôi lại quá dài (12 - 15 tháng), nếu vay tiền nuôi cá càng lỗ nặng…”. Do giá cá mú bấp bênh, nhiều người không trụ được đã chuyển sang nuôi cá chẽm hay tôm thẻ chân trắng. Chỉ riêng anh em nhà anh Đông (10 hộ) đã có hơn 30 ha ao nuôi cá, nay hầu hết chuyển sang nuôi cá chẽm. Anh Đông than: “Đến mùa bán cá là dở khóc, dở cười. Kêu thương lái họ không muốn đến. Người bán cá càng nhiều, thương lái càng mặc sức ép giá. Đã vậy tiền lại đưa chậm. Nhiều thương lái không muốn thu hoạch một lần mà gửi cá lại cho nông dân. Tiền bán cá không muốn trả. Lấy tiền thì đồng mọc, đồng lặn…”.

Trước đây, nhiều người chuyển sang nuôi cá mú vì nuôi tôm dịch bệnh nhiều và giá cá mú chấp nhận được (trên 160.000đ/kg). Khoảng 1 năm trở lại đây, giá cá mú rớt thê thảm, có khi chỉ còn 76.000đ/kg (loại 1,3kg/con), loại lớn (1,4kg/con) chỉ 58.000đ/kg, người nuôi cá thua lỗ nặng. Tuy nhiên, do cá mú không kén thức ăn, dễ chăm sóc, ít bệnh, nuôi cỡ nào cũng có thể bán được, có thể chờ giá lên mới bán nên nhiều người vẫn theo đuổi chờ… thời.

° NUÔI CÁ CHẼM… ỔN ĐỊNH

Sau một hồi ngụp lặn dưới nước, anh Đoàn Văn Bình (Hòa Diêm, Cam Thịnh Đông) mới ngẩng lên thở phì phì, nói: “Hôm nay cá ăn tốt, không còn thừa bao nhiêu…”. Ngày nào cũng vậy, sau khi cho cá ăn, anh Bình lại tranh thủ lặn xuống xem cá ăn có hết không để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vụ này nuôi hơn 0,5 ha cá chẽm, anh Bình vững tin về đầu ra của sản phẩm. Anh nói: “Hiện nay giống cá chẽm mua tại địa phương thông qua các trại giống như Tân Quý, Hoàng Tình. Cá giống bằng hạt dưa giá cỡ 700 - 800đ/con. Nuôi trong vòng 1 năm trở lại, bình quân khoảng 1 - 1,2kg/con, giá cá thịt hiện tại là 51 - 52 ngàn đồng/kg. Nuôi cá chẽm bây giờ khỏe lắm. Có bao nhiêu thương lái cũng mua hết…” Tôi nhìn phía góc ao, dãy chong chóng quạt nước đang làm việc liên tục, tiếng máy nổ xình xịch làm bọt nước tung trắng xóa. Anh Bình cho biết: Nuôi cá bây giờ cũng sử dụng máy sục khí như nuôi tôm…

Mấy năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Thành Tâm (Tân Thành, Cam Thành Bắc, Cam Lâm) tập trung vào nghề nuôi cá chẽm, sau khi rút kinh nghiệm từ mấy vụ nuôi cá mú không có lãi. “Tụi em chuyển qua nuôi cá chẽm cách đây 3 năm. Mấy năm trước bán giá 35.000đ/kg lời ít, nay giá lên 50.000đ/kg, lời hơn. Nuôi cá chẽm ổn định hơn cá mú. Con giống sẵn, hao hụt ít, có đầu ra ổn định vì các công ty thủy sản thu mua làm cá fi-lê xuất khẩu…”. Vụ này, vợ chồng anh Tâm nuôi 1 ha cá chẽm. Anh Tâm cho biết, bình quân 4.000m2 đầu tư hết 170 triệu đồng, tính ra 1 ha thu hoạch được 6 tấn cá, mỗi năm trừ chi phí cũng lời trên dưới 100 triệu đồng, đủ trang trải trong gia đình cả năm.

Nghề nuôi cá chẽm đang phát đạt nhờ giá cả ổn định, nguồn giống chủ động. Hiện nay nhiều trại giống tôm trước đây đã chuyển sang ương nuôi cá chẽm. Giống lấy từ các cơ sở sản xuất trong tỉnh như: Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Ở Cam Ranh có nhiều nơi bán cá giống như: Tân Quý, Hoàng Tình… Do đầu ra ổn định, lại là mặt hàng xuất khẩu của nhiều công ty xuất khẩu thủy sản nên người dân đổ xô nuôi cá chẽm. Xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) là một ví dụ, 90% hộ nuôi thủy sản hiện nay đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh) có 400 ha đìa nuôi thì đã có đến 300 ha nuôi cá chẽm.

° ĐÂU LÀ HƯỚNG ĐI ĐÚNG?

Rõ ràng việc nông dân chuyển sang nuôi cá chẽm là tín hiệu vui phù hợp với quy luật thị trường. Nông dân đã biết sản xuất những gì thị trường cần. Tuy nhiên, nghề nuôi cá cũng lắm thăng trầm. Lúc được giá ai nấy đều phấn khởi, lúc rớt giá thì kêu trời. Anh Bùi Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Lập (Cam Ranh) phân tích, nghề nuôi cá chẽm mới phát triển ở đây, nhiều nông dân nuôi cá chẽm ở Cam Lập bước đầu có lãi, có người nuôi 0,5 ha đã lãi ròng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chẽm cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Thứ nhất, nguồn thức ăn không thể chủ động, còn phụ thuộc vào nguồn cá tạp, lúc lên lúc xuống. Lúc biển động đẩy giá cá tạp lên cao, trong khi cá chẽm ăn rất mạnh, hệ số tiêu tốn thức ăn lớn. Nếu luyện cho cá ăn thức ăn công nghiệp thì không lo chuyện cá tạp lên giá, cũng khỏi lo ô nhiễm. Thứ hai, “đầu ra” hiện nay chưa bền vững. Nếu nuôi không đạt, hao hụt nhiều, cá chậm lớn, có thể lỗ. Con giống hiện nay khá an tâm vì đã có. Nhiều đơn vị, cơ sở cung cấp nguồn con giống có chất lượng. Nghề nuôi cá đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi chậm, nhanh nhất phải 1 năm nhưng việc cho vay vốn của Ngân hàng có giới hạn, mức cho nông dân vay cao nhất dưới 30 triệu đồng trong khi chi phí lại vượt con số này nhiều lần. Đơn cử, nuôi 5.000 con, chi phí 150 triệu đồng, một ngày tiền ăn bình quân 1 triệu đồng. Điều này lý giải vì sao hiện nay nhiều nông dân Cam Thịnh Đông, Cam Lập bán đìa vì không có vốn để nuôi cá.

Thấy được triển vọng của nghề nuôi cá chẽm ở Cam Ranh và các địa phương khác, mới đây thị xã Cam Ranh đã tổ chức hội thảo về nuôi cá chẽm, thu hút nhiều cơ quan khoa học, nhà cung cấp giống, doanh nghiệp thủy sản, Hội Nghề cá, Ngân hàng và bà con nông dân. Ông Trần Văn Ớt, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, UBND thị xã có kế hoạch chỉ đạo phát triển nghề nuôi cá chẽm trên địa bàn thị xã…

Hơn lúc nào hết, nghề nuôi cá đòi hỏi sự quan tâm và liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà. Giải quyết được vấn đề này mới hy vọng người nông dân thoát khỏi cảnh lao đao thăng trầm của nghề nuôi cá.

QUANG VIÊN


Phú Yên: Một mô hình nuôi ghẹ lột hiệu quả

Nguồn tin: PY, 18/9/2007
Ngày cập nhật: 19/9/2007

Nuôi ghẹ lột không dễ, đã có nhiều hộ nuôi trên đầm Cù Mông (huyện Sông Cầu) bị thiệt hại nặng, phải phá bỏ trại. Riêng gia đình anh Nguyễn Văn Đức cùng vài ba hộ khác vẫn kiên trì bám nghề. Cuối cùng họ đã thoát nghèo thành công nhờ lòng kiên trì không mệt mỏi ấy.

Cha con anh Nguyễn Văn Đức đang cắt mắt ghẹ mới mua để nuôi thành ghẹ lột - Ảnh: LY KHA

Khu trại nuôi ghẹ lột rộng gần 100m2 của anh Đức nằm ngay đoạn có luồng nước thủy triều chảy mạnh trước khi ra tới cửa đầm Cù Mông. Đây là một lợi thế lớn vì ghẹ thường lột vào lúc thủy triều lên, nước mát, sạch và chảy mạnh. Anh Đức không giấu kinh nghiệm thành công của mình: “Ghẹ thịt thương phẩm mua về là phải cắt mắt ngay thì chúng mới chịu ăn và chịu lột. Phải làm thật tốt thao tác đầu tiên này nếu muốn làm ăn thành công”.

Trước khi nuôi ghẹ lột, anh Đức từng kinh qua nhiều nghề, nhưng nghề nào cũng chỉ trụ được một thời gian. Vào tháng 6/2003, nghe tin người dân vùng Tam Giang – Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nuôi ghẹ lột thành công, anh lặn lội ra tận nơi học kỹ thuật nuôi và tiến hành nuôi thử. Vạn sự khởi đầu nan, 2 năm đầu, cơ sở nuôi ghẹ lột của gia đình anh liên tục thua lỗ. Hàng chục triệu đồng vốn ban đầu do anh chị tích lũy, vay mượn ngân hàng và bà con dần trôi theo sông nước. Nợ nần chồng chất, nguy cơ phá sản đến gần, anh bèn vét những đồng vốn cuối cùng để đầu tư vào vụ nuôi năm 2005. Thật bất ngờ, anh Đức thành công liên tục trong 2 vụ nuôi gần đây, vụ nào cũng có lãi từ 30– 40 triệu đồng/năm. Gia đình anh đang dự định mở rộng diện tích khu nuôi với 10 lồng lưới tập trung trên một bè nổi, có nơi chế biến, xử lý đông lạnh. Mỗi ngày, cơ sở của anh Đức có thể xuất gần 100kg ghẹ lột thương phẩm cho các thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh với giá dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, lúc hút hàng có thể lên tới 150.000 đồng/kg.

Thời gian nuôi ghẹ lột chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 8 dương lịch). Tuy thời gian nuôi ngắn nhưng người nuôi phải am hiểu kỹ thuật nuôi thật kỹ. Anh Đức cho biết: Ghẹ là loài giáp xác rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường sống. Nếu thay nước thường xuyên, tuy ghẹ vẫn sống nhưng nó không chịu lột hoặc vừa lột xong là chết ngay. Vì thế, phải rút ngắn thời gian nuôi và quan trọng hơn là không để cho ghẹ chết sau khi vừa lột xong. Tiếp đến, người nuôi phải trực suốt 24/24 giờ xử lý ghẹ lột. Phải thường xuyên di chuyển ghẹ sang các lồng lưới khác nhau khi phát hiện những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ. Ngoài ra, ghẹ vừa lột xong rất yếu nên phải cách ly tuyệt đối với những con giống khác. Nếu không, dù chỉ một con lọt vào, lập tức đám ghẹ lột sẽ trở thành mồi ngon cho nó ngay. Khi ghẹ lột vỏ xong khoảng 15 phút thì vỏ cứng lại nên phải nhanh chóng đem đi sơ chế, ướp lạnh và đóng gói.

XUÂN HUY


Sông Cầu (Phú yên): Mở 6 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hùm

Nguồn tin: PY, 18/9/2007
Ngày cập nhật: 19/9/2007

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm hùm xảy ra khá trầm trọng trên địa bàn huyện Sông Cầu, trong 2 tuần đầu tháng 9/2007, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư Phú Yên đã mở 6 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm hùm.

Các lớp tập huấn này được mở tại các thôn Mỹ Thành (xã Xuân Thọ 1), An Thạnh (xã Xuân Thọ 2), Vịnh Hoà (xã Xuân Thịnh), Hoà Thọ (xã Xuân Hoà), Hoà Lợi (xã Xuân Cảnh) và Dân Phú 2 (xã Xuân Phương), thu hút gần 200 người nuôi tôm hùm tham dự. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề: Biện pháp phòng trị một số bệnh thông thường ở con tôm hùm, chọn thức ăn cho tôm hùm, cảnh báo tình hình bệnh tôm có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới...

KIỀU BA


Người "số trời chưa cho thành tỷ phú"

Nguồn tin: ND, 18/9/2007
Ngày cập nhật: 19/9/2007

Từ quê nhà ra đi với hai bàn tay trắng. Ðến khi ngỡ cầm chắc tiền tỷ lại trắng tay. - Trời chưa thương, ba năm sau sẽ làm lại! Ðó là lời hẹn vượt lên số phận của anh Lê Văn Ngọc, chủ trang trại nuôi ba ba Cao Nguyên Ngọc ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Ðác Lắc sau trận lũ tràn qua hồi đầu tháng 8.

Ðặt cơ nghiệp dưới chân đập

24 năm trước, chàng thanh niên xứ Nghệ, Lê Văn Ngọc (quê thị xã Cửa Lò) đã có mặt trên đất Tây Nguyên. Thời đó, được "đậu" vào doanh nghiệp quốc doanh trồng cà-phê là sang lắm. Vốn có năng khiếu hoạt động đoàn thể, anh trở thành người kẻ vẽ, cắt dán, chuẩn bị loa đài mỗi kỳ hội họp. Tính ra sau 18 năm "nhất nghệ tinh", tài sản duy nhất "chốt" lại là mái ấm gia đình. Nhìn vợ con nheo nhóc, năm 2001, anh Ngọc quyết định rời công ty về đời thường lập nghiệp. Anh tính, việc đầu tiên phải kiếm nền đất, cắm một nếp nhà tử tế giữa bốn bề hàng xóm cho chắc đã. Xã Phú Xuân tỏ ra thích hợp, do lâu dần tụ lại đây toàn người Phú Xuân chính gốc từ Huế, người Hà Tĩnh và một số miền quê khác. Mỗi chiều về, đắm mình trong bầu không khí "râm ran chè xanh", cũng đỡ nhói lên cảm giác thiếu quê hương!

Ðược cái đất Tây Nguyên dễ sống. Hiện tại, chỉ nói về giá nhân công thôi đã cao ngất. Bình thường đi làm thuê mướn cũng được dăm chục nghìn một ngày. Còn đến vụ thu cà-phê, công cán không ai trả dưới trăm nghìn. Nhất là gần đây cà-phê trúng mùa, trúng giá, các chủ vườn tiêu tiền như vỏ hến. Tại nhiều điểm đăng ký xe máy đều chật cứng người từ sáng sớm đến chiều muộn. Thành phố Buôn Ma Thuột năm ngoái làm thủ tục đăng ký hơn 20.000 chiếc xe máy các loại. Những người buôn đồ cơ khí và máy nông cụ thắng lớn, có cửa hàng bán tới 2.000 máy bông sen/năm... Dường như mọi thứ dính dáng đến cà-phê đều hốt bạc. Thế mà anh chàng "giai cấp công nhân" xứ Nghệ lại bàng quan trước mốt làm kinh tế thị trường kiểu thời thượng này.

Thực ra lúc đó, anh công nhân "tự nguyện" thất nghiệp đang lúng túng. Gặp thời đoạn cây cà-phê điêu đứng, bước khỏi cổng công ty là bước thế thôi, mà chưa biết tính kế trước mắt lâu dài gì, khi trong tay không đồng vốn, không tấc đất. Lênh đênh lang đang hai năm trời, một ngày đầu năm 2003 đọc báo thấy ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) nuôi ba ba hái ra tiền, anh tìm hiểu, so sánh và phát hiện điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên rất thích hợp cho việc nuôi thả loài đặc sản này. Mất vài ngày thu xếp, anh quyết lên đường tầm sư học đạo...

Trở về cùng gói hành lý cũ kỹ là một ý chí hừng hực: Phải thay đổi hoàn cảnh, tạo ra vận số mới!

Tạm đóng cửa, cài then ngôi nhà trong "xóm chè xanh", anh Ngọc đưa gia đình về "cắm trại" dưới chân đập Ea Rông, nương nhờ nguồn nước, quyết chí làm giàu. Anh kể:

- Buổi đầu vay 25 triệu đồng, chịu lãi 3%/tháng, làm ao bể sơ sơ rồi mua 1.000 con ba ba giống thả xuống. May sao năm đầu chẳng chết con nào. Cuối năm 2004, bán đi trừ chi phí lãi được 170 triệu đồng.

Thoát "nốt" bần hàn, anh đầu tư mở rộng diện tích lên 5.000 m2, chăn nuôi theo mô hình trang trại. Phía ngoài đập là hồ Ea Rông rộng hơn 80 ha, anh xin Xí nghiệp thủy nông huyện cho thầu để thả cá. Mỗi năm đổ xuống 1 tấn giống, thu lại cũng cỡ vài trăm triệu đồng. Mới đầu thấy anh trút cá giống ra hồ, bà con trên cao nguyên ngơ ngẩn hết. Bấy giờ, anh công nhân về làm nông nghiệp đành bộc bạch rằng:

- Hồ bao la thật đấy nhưng vẫn có bờ, có đập. Cá không vào lưới năm nay thì cũng vào lưới năm sau thôi. Mục đích chính là ta lấy cái trên hồ "nuôi" cái dưới đập. Cái trên hồ lớn mà ít, cái dưới đập nhỏ mà nhiều!

Anh Ngọc giải thích:

- Nuôi hồ là cá tạp. Còn nuôi dưới đập là cá đặc sản. Một kg đặc sản có thể giá trị gấp 10 đến 20 lần những loài thủy sản bình thường.

- Sau năm đầu nuôi ba ba thịt có lãi rồi, qua quan sát, học hỏi kinh nghiệm thêm, tôi rút ra hai đặc điểm có thể cải tiến khi nuôi ba ba thâm canh ở vùng khí hậu không có mùa đông: Thứ nhất, ba ba không mất 3 tháng "ngủ" đông, đây là yếu tố cạnh tranh về tăng năng suất. Thứ hai, ba ba có thể nuôi chung với cá chình mà không cần xây thêm diện tích ao bể mới, tiết kiệm được khá lớn vốn đầu tư ban đầu. Từ việc nhận thức về hai đặc điểm đó, tôi chuyển hướng đầu tư chiến lược. Cụ thể là ngoài nuôi ba ba thịt, tôi để dành hơn 100 con ba ba bố mẹ với mục tiêu sản xuất một lượng từ 15 đến 20 nghìn ba ba giống, chuẩn bị đón phong trào nuôi ba ba tất yếu sẽ nở rộ ở Tây Nguyên. Mặt khác, tôi cải tạo thêm về "hạ tầng" ao bể để đầu tư nuôi cá chình. Thật ra, cá chình nuôi không khó, món ăn khoái khẩu của nó là cua đồng rất sẵn có ở đây, nên chi phí thấp, lãi cao. Có điều cá chình lớn chậm, mỗi năm tăng tối đa chừng 0,8 kg. Cho nên phải ba năm mới bán được. Ðương nhiên trong suốt thời gian đó, cần tính một khoản thu hỗ trợ, chờ ngày đại thắng.

Mất và được

Nhưng không ngờ người tính không bằng trời tính. Phần cuối câu chuyện kể về "đỉnh lũ" xảy ra buổi sáng ngày 5-8, có một chi tiết diễn tả sự kinh ngạc khi đồng tử mắt không giãn kịp tốc độ dâng của nước, đó là: "Chỉ chưa đầy một tiếng mà nước hồ dâng mét rưỡi!". Anh Ngọc tiếc nuối:

- Trận lũ ác quá! Tôi tính sang tháng 10 bán cá, bán ba ba xong là năm nay lên tỷ phú rồi đó chứ... Số trời chưa thương mờ!

Hậm hự một hồi, anh tự trào lộng với chính mình:

- Cha!... Trồi lên tụt xuống để ngày sau kể chuyện cho dài, chứ mần răng mà ngăn tôi được!

Nghe vậy, cười lên cho đời tươi, chứ tôi biết anh xót lắm. Không xót sao được! Thời gian chăm chút 3.000 con ba ba thịt và lũ ba ba bố mẹ, hơn 3.000 con cá chình sắp tròn vành vạnh ba năm tuổi, kể ra còn hơn cơm bưng nước rót cho người... Rồi mười đêm như mười một, vợ chồng dắt díu nhau bấm đèn soi mắt cua, gom về làm mồi cho cá chình- nói đến đoạn này, anh như quên mất đã từng có cơn lũ: "Tôi "ăn" nhờ tiền thức ăn đó đó!"... Vậy mà... ào một cái, tất cả trôi xuôi, "đi như nước lũ tràn về" - Nghe đến là cay sống mũi mờ!

Với giá ba ba hiện tại ở mức 280.000 đồng/kg, cá chình 290.000 đồng/kg, cùng lượng cá xả lũ từ hồ Ea Rông để cứu đập (như đã đề cập trong bài "Ðác Lắc sau cơn lũ" đăng trang 8, báo Nhân Dân ngày 21-8), ước tính, anh Ngọc thiệt hại ngót hai tỷ đồng. Vậy mà, anh chỉ cười và nói rằng: Ý chí và kinh nghiệm mà tôi trau dồi hơn bốn năm qua, chính nó mới tạo nên nghề nghiệp lâu bền. Cho nên tiếc thì tiếc thật, song còn người, còn tỉnh táo là còn làm ra của cải. Hẹn ba năm nữa đòi lại chắc không phải đã muộn!".

Mô hình chăn nuôi do anh trình diễn, tổng kết dẫu chưa thu được kết cuộc do bị lũ tàn phá, nhưng nó vẫn nguyên giá trị gợi ý cách làm ăn và mang lại cơ hội thành công thuyết phục cho nhiều người, không chỉ riêng ở đất Tây Nguyên. Song điều khiến tôi suy nghĩ về anh nhất, đó là cái bản lĩnh không bao giờ chịu khuất phục gian khó. Càng thử thách lớn lao bao nhiêu, càng trỗi dậy mãnh liệt bấy nhiêu. Tôi nhìn anh như cây đước giữa rừng ngập mặn, nước biển càng mặn mòi, cây càng đứng thẳng, phiến gỗ càng đanh. Thứ cây đó có trở thành than trong lòng đất, nó vẫn ánh lên rờ rỡ.

Ðại Hoàng


Ba khía sắp thành hàng hiếm

Nguồn tin: BCT, 17/9/2007
Ngày cập nhật: 19/9/2007

Khoảng 7–8 năm về trước, con ba khía ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau… được người dân sở tại coi như “hàng dạt” giữa vùng bạt ngàn tôm cá. Dù vậy, con ba khía cũng đã giúp cho rất nhiều người dân nghèo vùng ven biển, người dân ở xa biển đi ghe bắt ba khía theo mùa có thu nhập khá. Vài năm trở lại đây, con ba khía ngày một ít đi và đang là đặc sản thiên nhiên có giá khá cao ở các đô thị...

Hàng năm, ba khía có nhiều và rộ mùa nhất là vào khoảng từ tháng 8 âm lịch đến Tết cổ truyền. Năm nay, những ngày đầu tháng 9–2007 (nhằm hạ tuần tháng 7 âm lịch) ba khía đã xuất hiện ở chợ Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và được bán với giá khá cao: 10.000–12.000 đồng/kg. Nhưng không phải lúc nào đến chợ cũng có thể mua được ba khía. Nguyên nhân: ba khía vừa được người dân ở ven biển đem đến chợ đã được các thương lái chờ sẵn thu mua và chở về các chợ lớn, đô thị bán tươi giá cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn.

Ba khía tươi bán ở các chợ xa biển giá có thể cao đến gấp rưỡi, gấp đôi so với ở Duyên Hải; ba khía chết cũng được các chủ thu mua ủ làm mắm và thường bán với giá 7.000–10.000 đồng/chục. Theo người dân ở biển, ba khía tươi thường được chế biến thành các món ăn ngon như: nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, hấp chấm muối ớt hoặc rang me... Một thương lái chuyên mua ba khía bán lại ở chợ huyện Duyên Hải cho biết, số lượng ba khía mà chị mua năm nay giảm hơn so với năm 2006 và giảm nhiều lần so với vài năm trước đây.

Ông Phạm Văn Vinh, một người dân trên 20 năm gắn với nghề bắt ba khía bán ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, nhớ lại: “Khoảng năm 2000 trở về trước, từ con nước rằm trở đi, mỗi người với một cái đèn bình đeo trên đầu, tay được bao bọc cẩn thận để không cho ba khía kẹp, chỉ cần đi từ 1-2 tiếng đồng hồ vào rừng sẽ bắt được cả bao ba khía. Thời điểm ba khía hội thường vào con nước 30 âm lịch, người bắt ba khía chỉ cần đến những gốc cây rừng để gom con ba khía, có gốc cây có cả chục kg, chỉ cần rọi đèn và nhanh tay bắt chúng. Còn bây giờ, một người muốn bắt được một bao ba khía mỗi đêm không phải dễ dàng...”. Cũng theo lời ông Vinh, hồi trước, người dân ven biển thuộc dạng đủ ăn trở lên chỉ bắt ba khía chủ yếu làm mồi nuôi thủy sản. Trước đây, mỗi lần vào mùa ba khía có rất nhiều ghe ở xa đến xã Đông Hải đậu bắt ba khía ủ làm mắm, sau đó chở đi bán ở các chợ ĐBSCL. Nhưng 2 năm nay không còn thấy họ đến đây vì ở Duyên Hải ba khía không còn nhiều và bắt không dễ dàng như trước.

Phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh các năm qua làm vùng đất tự nhiên bị thu hẹp nhanh chóng, nên con ba khía không còn đất để sống, sinh sản. Dân xứ lạ muốn về biển bắt ba khía cũng không dễ dàng vì không thể vào vùng đất nuôi thủy sản. Trong khi đó, lượng ba khía ở ven các nhánh sông không có nhiều. Anh Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, cho biết: “Lối 7- 8 năm về trước, ba khía ở đây còn rất nhiều. Đối với dân xứ biển, chúng tôi chủ yếu bắt chúng để quết nhuyễn làm thức ăn cho cá, tôm. Còn hiện tại, ba khía không đủ để người dân bản xứ bắt bán, thì lấy đâu có ba khía làm mồi cho tôm cá. Có khi vài năm nữa con ba khía trở thành hàng hiếm”.

CAO DƯƠNG


"Thở dài" vì... sò

Nguồn tin: TT, 18/09/2007
Ngày cập nhật: 18/9/2007

- Mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho phép thu hoạch trở lại nhưng người nuôi sò ở Kiên Giang vẫn... "thở dài" sau sự cố sò lông nhiễm độc chất.

Ông Vương Minh Mẫn - trưởng Phòng Nông lâm ngư nghiệp huyện Kiên Lương - cho biết đến nay diện tích nuôi sò lông ở huyện Kiên Lương khoảng 1.000ha. Trước thông tin sò bị nhiễm độc chất, giá sò lông từ 2.000-2.500 đồng/kg giảm còn 500 đồng/kg khiến người nuôi bị thua lỗ.

"Ẩn khúc mang tên Cd"

Theo ông Lưu Quan Điểm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng - an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (CLATVSTYTS), Sở Thủy sản Kiên Giang, ngành chức năng đã lấy mẫu các loài nhuyễn thể tại khu vực Kiên Lương và phát hiện sò lông ở xung quanh khu vực quần đảo Bà Lụa có nhiễm chất cadmi (Cd, một kim loại nặng, có độc tính nguy hại cho sức khỏe con người).

Cụ thể, Chi cục Quản lý CLATVSTYTS Kiên Giang đã phối hợp cùng Trung tâm CLATVSTYTS vùng 6 (đóng tại Cần Thơ) lấy mẫu và kết quả cho thấy các mẫu sò lông lấy từ 19-5-2007 đến 10-7-2007 đều có chất Cd cao hơn ngưỡng cho phép của VN, dao động từ 1.560-2.864µg/kg trong khi giới hạn cho phép đối với Cd là 1.000µg/kg. Trên cơ sở đó, Chi cục Quản lý CLATVSTYTS Kiên Giang đã có văn bản tạm thời đình chỉ thu hoạch sò lông.

Thị trường sò lông ở Kiên Lương đã gần như đóng băng, giá sò quá thấp nên nhiều hộ nuôi chọn giải pháp chờ... Trước khó khăn của người nuôi, Trung tâm CLATVSTYTS vùng 6 đã kiến nghị vẫn cho khai thác vì tiêu chuẩn VN và EU chỉ cho phép lượng Cd tối đa là 1.000µg/kg, nhưng ở các thị trường khác như Mỹ (mức cho phép là 4.000µg/kg), Ả Rập (3.000 µg/kg), Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc (2.000 µg/kg)...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Việt Thắng đã có văn bản cho phép thu hoạch sò lông để xuất khẩu sang những thị trường có qui định về hàm lượng Cd phù hợp với sò lông ở Kiên Lương. Hàng xuất phải được kiểm tra từng lô và đảm bảo tiêu chuẩn của nước sở tại về chất Cd. Chủ trương này đã bớt một phần khó khăn cho người nuôi sò.

Vẫn còn "thở dài"

Cadimi (Cd) hay cadmium là một kim loại quí hiếm, không có chức năng sinh học thiết yếu nhưng lại có độc hại cao đối với thực vật và động vật. Nguy hại chính đối với sức khỏe con người từ Cd là sự tích tụ mãn tính của nó ở trong thận, có thể gây ra sự rối loạn chức năng thận nếu lượng tập trung trong thận lên đến 200mg/kg trọng lượng tươi (LÊ HUY BÁ)

Gia đình ông Lê Minh Quang (xã Sơn Hải) nuôi khoảng 100ha sò, đã đổ khoảng 650 tấn giống với giá 1.300 đồng/kg. Tính ra ông Quang đã đầu tư gần 850 triệu tiền giống, chưa kể tiền thuê bãi, thuê nhân công canh giữ và tiền nhiên liệu. Theo ông Quang, sau 8-10 tháng nuôi, ông thu hoạch ít nhất trên 2.000 tấn sò và cầm chắc... lỗ.

Theo tính toán của ông Sáu Sò (xã Bình An), giá sò lông phải từ 2.000-2.500 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Thế nhưng việc cho thu hoạch sò trở lại vẫn không đưa giá sò tăng lại. Hầu hết người nuôi sò ở Kiên Lương đang ấm ức, thương lái đang ép giá người nuôi sò. Chỉ tính sơ sơ với giá 350-650 đồng/kg, riêng gia đình ông Sáu Sò lỗ khoảng 2 tỉ đồng. Anh Phạm Minh Quang (xã Bình An) nuôi 20ha sò, giờ đang phải đối mặt với nợ ngân hàng, nợ vay "nóng". Anh Quang tâm sự: "Chắc phải bán đất để trả nợ!".

Trước đây khi sò bị cấm thu hoạch, không ít thương lái đã tìm đến mua sò giá bèo để bán nơi khác giá cao hơn. Còn hiện nay sò đã được cho thu hoạch lại nhưng thương lái vẫn kìm giá.

Cd ở đâu ra?

Trong lúc chất Cd đang làm người nuôi sò điêu đứng thì các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao sò lại nhiễm chất Cd. Các phân tích cho thấy các mẫu sò lông xa bờ chứa hàm lượng chất Cd cao hơn các mẫu gần bờ. Mặt khác các mẫu đất, mẫu nước ở những vùng nghi ngờ bị ô nhiễm (khu vực gần nhà máy ximăng) cũng không có bóng dáng chất Cd. Điều này trái ngược với giả thuyết ban đầu về việc sò bị nhiễm Cd là do ảnh hưởng bởi nguồn nước từ khu vực các nhà máy ximăng gần đó thải ra. Một kỹ sư nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang cho rằng có thể nguyên nhân là từ việc đánh bắt bằng cào bờ đã làm xáo động mặt đáy biển, nhưng cũng chỉ là giả thuyết. Trong khi nguyên nhân sò nhiễm kim loại nặng vẫn còn trong vòng "nghiên cứu", đồng thời với việc đã có văn bản dỡ bỏ việc cấm thu hoạch thì người dân nuôi sò ở một số huyện của Kiên Giang vẫn đang tiếp tục "lên ruột" với giá sò.

AN NHIÊN


Tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản: Cung, cầu chưa gặp nhau

Nguồn tin: BRVT, 15/9/2007
Ngày cập nhật: 18/9/2007

Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự liên kết và thiếu thông tin về thị trường; sản phẩm không đủ số lượng, quy cách và không đáp ứng kế hoạch thời gian theo yêu cầu thị trường... Đó là những nguyên nhân khiến người nuôi trồng thuỷ sản gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

ĐƯỢC MÙA KHÔNG BẰNG TRÚNG CHỢ

Tại một cuộc hội thảo đầu bờ về mô hình nuôi cá rô phi đơn tính do Trung tâm Khuyến ngư tổ chức tại hộ ông Trần Hồng Đương ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, ông Trần Xuân Phùng, Giám đốc Công ty Chế biến thuỷ sản xuất khẩu Đông Đông Hải cho biết: Với công suất 40 tấn thành phẩm/ ngày, công ty này có thể bảo đảm đầu ra cho người nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc cung ứng nguyên liệu phải ổn định về chất lượng, bảo đảm thời gian để công ty chủ động chào hàng, ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng. Nhận được thông tin này, bà con nông, ngư dân tham gia buổi tập huấn rất phấn khởi, họ như vừa trút khỏi “gánh nặng đầu ra” bấy lâu. Nhưng cho đến nay, “gánh nặng” ấy vẫn còn đeo đẳng… và họ vẫn phải chạy lo đầu ra mỗi khi thu hoạch.

Ông Vũ Văn Hà, ngư dân ấp Phước Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành cho biết, trong năm 2006 ông thả nuôi 100 kg giống cá rô đồng trên diện tích 1.000m2 ao. Đến khi thu hoạch, với giá bán sỉ trên thị trường 25.000/kg, nếu tiêu thụ hết toàn bộ số cá trong ao cùng một lúc, ông có thể thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày ông chỉ có thể bán tối đa 30 kg, quá trình khai thác lẻ làm cho cá bị stress, bỏ ăn dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao. Trong thời gian đó, ông vẫn phải bỏ ra các khoản chi phí chăm sóc để chờ tiêu thụ, do đó đợt nuôi này ông bị lỗ vốn.

Trường hợp ao nuôi cá rô phi đơn tính của ông Bùi Văn Xồi ở xã Kim Long, huyện Châu Đức cũng vậy. Làm theo hướng dẫn của các kỹ sư ở Trung tâm Khuyến ngư, ao cá của ông Xồi phát triển đồng đều, “nhưng tìm nơi tiêu thụ cá khó quá, bán lai rai đêán tháng thứ 5, thứ 6 mà vẫn chưa hết” - ông Xồi than phiền. Còn ông Nguyễn Oai Hùng, nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Long Phước, thị xã Bà Rịa phải chấp nhận thu hoạch sớm vì không chủ động đầu ra. Đợt nuôi này, ông chỉ thu được 5 triệu đồng lợi nhuận thay vì gấp đôi nếu chờ đủ thời gian cho cá phát triển.

CẦN CÁI “BẮT TAY” HỢP TÁC

Bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi thủy sản nhỏ lẻ, ông Tăng Vĩnh Ký, Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, các cơ quan chức năng, trong đó chủ yếu là ngành thuỷ sản, cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về sự cần thiết và vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã để bà con chủ động tham gia, liên kết, từ đó có kế hoạch sản xuất thống nhất. Có như vậy sản phẩm mới tiêu thụ được dễ dàng.

Khi tổ chức lớp tập huấn hay hội thảo đầu bờ, Trung tâm Khuyến ngư thường liên hệ, tìm hiểu trước 2, 3 địa chỉ thu mua sản phẩm để thông tin cho bà con, nhưng người nuôi cũng rất khó tiếp cận với các doanh nghiệp thu mua. Trên thực tế, các nhà tiêu thụ nội địa thu mua với số lượng ít, còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lại yêu cầu số lượng quá cao và phải bảo đảm về thời gian, kế hoạch cung ứng… Trong khi đó, hiện nay, phần lớn bà con nông, ngư dân đều sản xuất manh mún, phân tán, không đồng bộ về thời gian, chủng loại và chất lượng.

Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng của nông, ngư dân không hoàn toàn do nhu cầu thị trường. Trong điều kiện diện tích ao nuôi nhỏ, bố trí chưa tập trung, người nuôi cần phải có sự liên kết để bảo đảm đáp ứng đủ sản lượng theo yêu cầu của khách hàng. Thời gian qua, câu lạc bộ Khuyến ngư Tân Phước, huyện Tân Thành đã thành công với dự án liên kết nuôi cá rô phi đơn tính xuất khẩu sang châu Âu. Điều này chứng tỏ đầu ra không khó, điều quan trọng là giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ có tìm được “tiếng nói” chung và “cái bắt tay” hợp tác hay không.

Thu Phong


Hợp tác giữa Hội Nông dân và Sở Thủy sản BR-VT: Vì đời sống cho nông dân, ngư dân

Nguồn tin: BRVT, 17/9/2007
Ngày cập nhật: 18/9/2007

Mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Đức Mạnh, ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đạt năng suất 3 tấn/ha/vụ.

5 năm qua (2001-2006) Sở Thủy sản và Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều chương trình phối hợp giúp nông, ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản phát triển. Qua đó, đã có hơn 1.000 hộ nông dân liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có hơn 200 hộ là ngư dân.

Ngày 15-5-2001, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh và Sở Thủy sản đã ký Chương trình phối kết hợp số 72/PH-HND-STS nhằm đẩy mạnh phát triển thủy sản, đồng thời tập hợp nông, ngư dân vào tổ chức Hội Nông dân. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, Trung tâm Khuyến ngư và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức được 505 lớp tập huấn khuyến ngư và hội thảo đầu bờ cho hơn 25.250 lượt nông, ngư dân. Riêng 8 tháng đầu năm 2007, đã tổ chức 67 lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi tôm sú, nuôi cá nước mặn, ngọt, nuôi đặc sản nước ngọt…với hơn 2.660 lượt người tham dự. Cùng với việc tập huấn kỹ thuật, 6 mô hình trình diễn thành công đã đem lại những hiểu biết và những kinh nghiệm thực tiễn cho hàng ngàn nông, ngư dân về nuôi tôm thâm canh, cá mú, cá rô đồng, ốc hương, nuôi cá lóc kết hợp cá tai tượng…

5 năm qua, toàn tỉnh đã đóng mới 816 chiếc tàu khai thác xa bờ với tổng công suất 235.623 CV, góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản đạt 866.900 tấn, riêng 8 tháng đầu năm 2007 đạt 160.900 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mặc dù gặp khó khăn về thời tiết, môi trường, nhưng tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn đạt 22.045 tấn. Nhiều hộ nông, ngư dân nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp thu nhập cao. Hộ ông Nguyễn Đức Mạnh, ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), nuôi 8 ha tôm thâm canh, đạt năng suất 3 tấn/ha/vụ, sản lượng 24 tấn/vụ. Ông Nguyễn Văn Hoa, ở xã An Ngãi (huyện Long Điền), nuôi 2,5 ha tôm sú thâm canh đạt năng suất 4 tấn/ha/vụ, sản lượng 10 tấn/vụ. Mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cũng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông, ngư dân trong tỉnh. Ông Kiều Công Hưng, ở xã Phước Hòa (huyện Tân Thành) thành công liên tiếp 3 vụ cá rô phi đơn tính, đạt năng suất từ 17-20 tấn/ha/vụ, thu lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha/vụ. Ông Mai Ngọc Khoái, ở xã Tân Phước (huyện Tân Thành) nuôi cá rô phi đơn tính 2 vụ/năm, thực hiện kỹ thuật nuôi cá bằng chế phẩm sinh học, trên diện tích 3 ha mặt nước, năm 2006, ông thu hoạch được 40 tấn cá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, xuất sang thị trường châu Âu. Năm 2007, ông Khoái dự tính sẽ thu hoạch 80 tấn cá rô phi đơn tính. Ông Nguyễn Huỳnh Kiến, ở xã Hòa Long (TX. Bà Rịa) chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa, nuôi vịt kém hiệu quả sang đào ao thả cá kết hợp với nuôi heo. Hàng năm, gia đình ông Kiến thu hoạch hơn 100 tấn cá, thu lãi gần 100 triệu đồng.

Nghề chế biến thủy sản cũng được bà con nông, ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển, phổ biến nhất tại phường 5, phường 6, phường 12 (TP. Vũng Tàu), thị trấn Long Hải, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền). Nghề này đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, ổn định và nâng cao đời sống cho bà con nông, ngư dân. Nhiều hộ nông, ngư dân đã trở nên giàu có, điển hình như hộ ông Trần Văn Nhơn, ở phường 4 (TP. Vũng Tàu) vừa đánh bắt, vừa chế biến hải sản, gia đình ông không chỉ đạt mức thu nhập 40 triệu đồng / người / năm mà còn giúp cho nhiều người có việc làm ổn định.

Nhằm thực hiện chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh kinh tế thủy sản phát triển, theo ông Đặng Văn Tài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, vấn đề quan trọng là làm thế nào để ổn định giá cả để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất; đồng thời tăng cường giáo dục nông dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ vững môi trường sinh thái.

Thu Phong


Sóc Trăng: Năng suất tôm “sạch” nuôi công nghiệp cao nhất nước

Nguồn tin: SGGP, 16/09/2007
Ngày cập nhật: 17/9/2007

Công ty TNHH Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) vừa thu hoạch 200ha tôm sú nuôi theo phương pháp công nghiệp và sinh học (140 ngày/vụ). Năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha - Công ty Phương Đông (Cần Thơ) đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bình quân 90.000đ/kg. Đặc biệt, quy trình nuôi tôm theo công nghệ sạch tại đây được thực hiện từ nhiều năm qua và được Bộ Thủy sản cũ công nhận đạt tiêu chuẩn GAP châu Âu.

Thảo An


Ninh Bình phát triển nuôi ếch giống mới ở vùng trũng

Nguồn tin: Ninh Bình, 13/9/2007
Ngày cập nhật: 17/9/2007

Trung tâm khuyến nông phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình vừa thử nghiệm thành công việc đưa giống ếch Thái Lan về nuôi ở 3 huyện, thị xã là: Nho Quan, Gia Viễn và thị xã Tam Ðiệp.

Sau khi nông dân được huấn luyện kỹ thuật làm lồng, sóc và đề phòng dịch bệnh cho ếch, hơn 20 gia đình đã thực nghiệm nuôi ếch giống mới và bước đầu đạt kết quả khả quan: ếch nuôi sau hai tháng trọng lượng được nâng từ 1 - 1,5 g ban đầu lên 200 - 250 g và không có biểu hiện dịch bệnh. Kinh phí ban đầu phục vụ mua sắm lưới quây (khoảng 10 - 15 m2/ô lồng), ếch giống, thức ăn… thấp, phù hợp điều kiện kinh tế của nhiều nông hộ ở tỉnh Ninh Bình.

Theo ông Ngô Tiến Giang, Giám đốc trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Bình, việc nuôi ếch giống mới thành công ở vùng trũng mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi ếch trong vùng chiêm trũng chỉ cấy một vụ lúa của tỉnh, qua đó tăng thu nhập cho nông dân.


Công ty TNHH Thông Thuận (Bến Tre) phát triển nuôi tôm sinh học

Nguồn tin: BTreTV, 12/9/2007
Ngày cập nhật: 17/9/2007

Năm 2007, Công ty TNHH Thông Thuận tiếp tục ứng dụng qui trình nuôi tôm sinh học tại khu 10 ha xã An Hoà Tây huyện Ba Tri, nâng tổng số diện tích nuôi tôm cao sản sạch bệnh của Công ty là 20 ha. Trong đó, có 7 ha ở Thạnh Phú và 3 ha ở Bình Đại.

Qui trình nuôi tôm sinh học là sự kết hợp sử dụng men vi sinh và hệ thống oxy đáy nhằm tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển, giúp tôm luôn mạnh khoẻ, tăng trưởng nhanh, khống chế mầm bệnh, không sử dụng kháng sinh. Với độ sâu ao nuôi từ 1 mét rưỡi đến 1 mét bảy, mật độ thả nuôi trung bình từ 60 đến 70 con/m2, năm qua, các ao nuôi của Công ty ở huyện Thạnh Phú cho năng suất 11 tấn/ha. Dự kiến năm 2007 này, năng suất bình quân các khu nuôi sẽ đạt 12 tấn/ha. Đây là mô hình nuôi tôm sú thâm canh vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản và bảo vệ môi trường. Hiện nay, người nuôi tôm ở Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đang nhân rộng mô hình này với gần 100 ha.


Năm 2007 Thừa Đức (Bình Đại, Bến Tre) có khoảng 90 ha nuôi sò huyết giống và thịt

Nguồn tin: BTreTV, 12/9/2007
Ngày cập nhật: 17/9/2007

Năm 2007, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại có trên 90 ha đất bãi bồi ven sông được nông dân nuôi sò huyết giống và sò thịt, tập trung ở 2 ấp Thừa Thạnh và Thừa Trung với hơn 410 hộ nuôi.

Trung bình 1.000m2 đất bãi bồi ương sò giống sau 3 tháng thu được 1.200kg, trị giá 36 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 25 triệu đồng. Riêng nghề nuôi sò thịt, 1 ha đất bãi bồi có thể thu hoạch từ 5 đến 6 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Hiện nay, khi nghề nuôi tôm sú công nghiệp có xu hướng gặp nhiều rủi ro, thì việc nuôi sò huyết giống, sò huyết thịt phát triển là cứu cánh giúp cho nhiều nông hộ ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại thoát nghèo, vươn lên làm giàu.


Tuy An (Phú Yên): Tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao, giá thấp

Nguồn tin: PY, 16/9/2007
Ngày cập nhật: 16/9/2007

Năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng tại huyện Tuy An đạt 3 tấn/ha, nhiều hộ nuôi tôm thu hoạch với năng suất cao nhất từ trước đến nay với 16 tấn/ha/vụ.

Hiện tổng sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại huyện Tuy An đã đạt 120 tấn. Tuy nhiên, giá bán tôm thẻ chân trắng ở Tuy An liên tục giảm, hiện giá bán tôm loại 80- 100 con/kg chỉ ở mức 35.000 đồng/kg, thấp hơn đầu vụ 20.000 đồng/kg. Dù không lỗ nhưng phần lớn người nuôi tôm thẻ chân trắng năm nay ở huyện Tuy An có lợi nhuận không cao. Hiện toàn huyện Tuy An có 33 ha tôm thẻ chân trắng.

KHÁNH HUYỀN


Giao Thuỷ (Nam Định): Nguồn lợi lớn từ nuôi ngao ở Giao Xuân

Nguồn tin: NĐ, 12/9/2007
Ngày cập nhật: 16/9/2007

Xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) có hơn 100 hộ khoanh nuôi ngao rộng trên 250 ha ở vùng bãi triều ven biển, năng suất thường đạt 20 tấn ngao thương phẩm/ha, tổng thu nhập đạt khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Gia đình các ông Phạm Văn Lộc, Phạm Văn Thực, Phạm Văn Canh, Trần Văn Hưng, Đinh Văn Hoè, Trần Văn Hiếu… mỗi năm có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi ngao. ước tính toàn xã có gần 20 gia đình có nguồn thu vốn 1 tỷ đồng nhờ nuôi ngao. Nuôi ngao đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Chỉ tính riêng cơn bão số 5, số 6 năm 2005 đã gây thiệt hại cho các hộ nuôi ngao ở Giao Xuân hơn 90 tỷ đồng.

Đầu tư vào nghề nuôi ngao, chủ nuôi không phải lo thức ăn, nhưng phải tạo môi trường cho ngao sống thuận lợi. Người nuôi ngao thường chia diện tích nuôi thành những đầm rộng 2-3ha, có ô quây riêng biệt bằng lưới. Để có vùng nuôi bảo đảm yêu cầu sinh trưởng cho ngao, chủ đầm phải đầu tư 7-8 triệu đồng/ha để phun cát, tạo thành nền đáy bằng phẳng phù hợp với sự lên xuống của thuỷ triểu. Tiếp đó, người nuôi còn đầu tư 6-7 triệu đồng/ha để mua lưới quây phù hợp với từng giai đoạn phát triển và bảo đảm giữ được ngao nhưng không cản trở sinh vật phù du cộng với tiền chôn cọc xung quanh vùng nuôi ngao. Người nuôi ngao có kinh nghiệm thường không chọn đầm nuôi tại vùng có sóng to gió quá lớn vì lớp cát tầng đáy luôn bị xáo trộn, làm cho ngao giống bị chết hoặc chậm lớn.

Hàng năm cứ vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 là thời điểm ngao con trong tự nhiên nở rộ. Cũng trong thời gian này, Cty TNHH Cửu Dung (Giao Thuỷ) cho ngao giống sinh sản nhân tạo. Những chủ nuôi ngao ở xã Giao Xuân cũng như vùng lân cận vừa tận dụng ngao giống trong tự nhiên, vừa mua con giống sinh sản nhân tạo để nuôi thả. Ngao giống còn nhỏ thả dày nên cứ khoảng 4-5 tháng, chủ nuôi lại phải “san bãi” cho mật độ nuôi thưa ra. Từ ngao “cúc” (tương tự như chiếc cúc áo) nuôi thành ngao thương phẩm trọng lượng 80-100 con/kg mất khoảng 18-24 tháng. Cũng thời gian như trên ở nơi nguồn nước tốt, sẵn thức ăn, chỉ 50-60 con đã đủ 1kg bán ra thị trường với giá cao hơn ngao nhỏ 2-3 nghìn đồng/kg.

Mặc dù trong tỉnh đã có cơ sở sản xuất giống ngao, nhưng với lượng ít nên chủ nuôi còn tận dụng con giống có sẵn trong tự nhiên hoặc mua ở nơi khác về để nuôi. Nhu cầu về con giống mỗi năm một tăng. Nếu không chủ động được nguồn giống, các chủ nuôi phải mua giống từ ngoài tỉnh sẽ không bảo đảm chất lượng hoặc tận dụng khai thác nguồn giống trong tự nhiên quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái.

(Báo Nam Định, 31/8/2007)


Châu Thành (Bến Tre): Mô hình nuôi cá tra nghịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: BTre, 16/9/2007
Ngày cập nhật: 16/9/2007

Hiện nay, phong trào nuôi cá tra xuất khẩu ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành đang phát triển mạnh. Trong đó, mô hình nuôi cá vụ nghịch của anh Trần Chấn Chỉnh ở ấp Thuận Điền là một điển hình

Anh Trần Chấn Chỉnh nuôi cá vụ đầu tiên vào năm 2005. Với diện tích mặt nước 3.000m2 anh thả nuôi 120 ngàn con cá giống. Vụ này anh chỉ huề vốn. Sang năm 2006, anh Chỉnh tiếp tục thả nuôi 120 ngàn con cá giống và thu lãi được 300 triệu đồng. Năm 2007, anh Chỉnh đã mở rộng diện tích mặt nước trên 7.000m2, thả nuôi 330 ngàn con cá giống. Dự kiến thu hoạch vào tháng 12 tới với sản lượng ước đạt trên 300 tấn. Nếu cá tra xuất khẩu dao động từ 10 đến 13 ngàn đồng/kg, anh Chỉnh có thể thu lời được vài trăm triệu đồng . Không giống những hộ dân khác, anh Chỉnh nuôi cá mùa nghịch, thả giống vào khoảng tháng 5 âm lịch, thu hoạch vào thời điểm cuối năm, khi đó giá cá khá cao. Từ mô hình của anh Chỉnh, phong trào nuôi cá tra xuất khẩu trên cánh đồng bưng thuộc ấp Thuận Điền, xã An Hiệp đang phát triển mạnh. Đến nay, toàn ấp có hơn 5 ha đất trũng trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi cá.


Bình Đại (Bến Tre): nuôi cá bống tượng trên ao nổi

Nguồn tin: BTre, 16/9/2007
Ngày cập nhật: 16/9/2007

Trại thực nghiệm sản xuất giống thuỷ sản Long Hoà, huyện Bình Đại đang thử nghiệm mô hình nuôi cá bống tượng trong ao nổi là bể xi măng.

Ao có diện tích 50m2, thể tích 40m3 nước, lượng cá thả nuôi 100 con, kích cỡ cá giống từ 70 đến 100 gam/con. Hiện tại cá nuôi được 4 tháng, trọng lượng trung bình là 250 gam/con. Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến ngư Bến Tre, mô hình này có nhiều ưu điểm như dễ quản lý, chăm sóc, dễ kiểm soát môi trường, cá ít bị nhiễm bệnh, sức tăng trọng bình thường như các hình thức nuôi khác. Tuy nhiên phải thường xuyên thay nước và kiểm tra sức khoẻ của cá. Giá cá bống tượng thương phẩm thời gian qua luôn ở mức cao từ 250 đến 350 ngàn đồng/kg, mô hình này có thể áp dụng cho dạng nuôi nhỏ lẻ, đầu tư thấp, hiệu quả cao, dễ áp dụng, đặc biệt là góp phần nâng cao thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho người dân.


Về vườn làm… “Tư ếch”

Nguồn tin: SGGP, 15/09/2007
Ngày cập nhật: 16/9/2007

“Lát rồi em coi, nhìn tướng hai đứa xăn quần lội bì bõm trong hồ chăm chút cho ếch. Ở chết gí nơi đồng không mông quạnh này, đố ai biết tụi nó là dân thành phố chính hiệu, tốt nghiệp đại học, từng có công ăn chuyện làm ngon lành ở hãng nước ngoài…” - vừa dẫn tôi vào trại ếch mẫu của hai nông dân trẻ Bùi Lê Bảo Hoàng và Trần Văn Thanh, chị Lê Thị Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn không ngớt lời... quảng cáo

Bỏ phố

Thanh (phải) và Hoàng bên hồ nuôi rắn

Hoàng sinh năm 1978, tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin. Thanh sinh năm 1979, tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử viễn thông. “Ngấp nghé” hàng 8X, năng động, hiện đại, sành công nghệ, ra trường, Hoàng tìm được chân thiết kế trang web cho một công ty bảo hiểm, Thanh phụ trách phần kỹ thuật và khâu quảng cáo ở văn phòng đại diện một tờ báo. Từ nhỏ sống ở phố, ra đường quen phóng xe máy, đến công ty cả ngày ngồi phòng máy lạnh gõ bàn phím, vậy mà cả hai quyết định về vườn. Vài lần cùng bạn bè ra ngoại thành hóng mát ngày cuối tuần, Hoàng đâm mê cái không khí dân dã ở miệt đồng, mê cảnh người ta nuôi ếch, nuôi rắn, nuôi lươn. Thích quá, Hoàng tâm sự với Thanh - thằng bạn thời đại học. Chẳng ngờ Thanh ủng hộ! Thế là gom góp vốn liếng mấy năm đi làm, thuyết phục, vận động thêm tài trợ của gia đình, cộng với một chút lãng mạn của tuổi trẻ, nhiều liều lĩnh và đam mê, Thanh, Hoàng bỏ việc, ôm tiền về Hóc Môn quyết tâm lập nghiệp.

Về vườn

Con đường dẫn vào ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn khá ngoằn ngoèo. Giữa đồng không mông quạnh là điểm trình diễn nuôi ếch công nghiệp của hai ông chủ trẻ. Nhớ lại 2 năm trước, Hoàng còn rùng mình vì cái sự liều: Ôm hơn 100 triệu đồng về, hai đứa mua miếng đất 1.000m2 xây hồ nuôi ếch. Phong trào nuôi ếch Thái Lan lúc đó đang rộ. Hăng máu, đất vừa san lấp, hồ vừa xây xong là Hoàng đem tiền mua liền 10.000 ếch con về thả. Thả vô buổi sáng, buổi chiều ếch phơi bụng nổi lềnh bềnh. Tìm hiểu kỹ mới biết đã mua nhầm con giống dỏm. Bài học “nhập môn” trị giá 16 triệu đồng. Đã vậy, thêm vài lần mất tiền vì chưa có kinh nghiệm, hai bạn trẻ thật sự ngấm đòn, vỡ lẽ ra rằng: xem hàng đống sách về nông nghiệp, truy cập hàng chục trang web thông tin về nuôi ếch là một chuyện, bắt tay vào nuôi lại là chuyện khác, lơ mơ mất trắng!

Hết dám liều, cả hai ngồi bàn: Thanh có nhiệm vụ lân la học hỏi kinh nghiệm của những trại nuôi ếch lớn, Hoàng ra hội nông dân xã xin tài liệu, tham gia các lớp tập huấn. Người nào việc nấy. Sau một thời gian “tầm sư học đạo”, cả hai nắm được nguyên tắc vàng: để đảm bảo chất lượng giống, phải chủ động nguồn giống. Không gì tốt hơn là cho sinh sản rồi sử dụng chính con giống mà mình tạo ra. 300 cặp ếch bố mẹ được tuyển lựa mang về cho giao phối, sinh sản.

Những ngày ếch đẻ, cả hai lo cho ếch như bà mụ: túc trực thay nước, đo nhiệt độ, đo độ sâu. Nguồn nước sử dụng phải lấy từ giếng đã qua xử lý. Những đợt triều cường, mùa mưa, ngày bão, Thanh và Hoàng không dám rời chòi canh. Chỉ cần thay đổi độ sâu của nước hoặc một biến cố bất ngờ xảy ra, công sức bao lâu nay sẽ tan thành mây khói. Mồi cho ếch luôn phải là mồi sống. Hồ nuôi cá lập tức được xây cạnh hồ ếch để phục vụ cho nhu cầu về thức ăn tươi. Ếch con ăn cá cảnh. Ếch bố mẹ ăn cá sặt, cá rô…

Cuối cùng, công sức bỏ ra cũng được đền đáp: ếch sinh sản tốt, tỷ lệ con giống cao, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 90%. Đến nay, với 300 cặp ếch bố mẹ liên tục cho sinh sản xoay vòng, một tháng, Thanh và Hoàng có 40.000 con giống nuôi tiếp thành ếch thịt. Hàng ngày, trại ếch luôn xuất hàng đi các chợ đầu mối. Khi phong trào nuôi ếch Thái Lan lắng xuống, nhiều hộ nuôi thất bại, bỏ nghề, trại ếch của Thanh và Hoàng vẫn trụ vững.

Từ 1.000m2 ban đầu hai bạn đã mở rộng trại lên 4.000m2. Thời gian này, Thanh còn nuôi thêm rắn để tận dụng nguồn thức ăn từ những con ếch đèo đẹt, bị thương. Đàn rắn của Thanh đã lên tới 200 con. Những lần lội vô hồ chăm sóc, thăm nom, bị rắn cắn, Thanh lo cho mình thì ít, lo cho rắn thì nhiều. Cậu bộc bạch: “Rắn không độc, khi cắn mình, nó sẽ bị gãy răng. Nhưng chết một con lớn là coi như “đi” hơn triệu bạc.”. Hiện tụi này đang cho đào ao thả cá, mở rộng trang trại”. Sau khi trừ các khoản chi phí và vốn mở rộng, tái đầu tư, tiền lãi còn dư được từ ếch của năm đầu tiên khoảng 60 triệu đồng. Còn rắn tới kỳ xuất bán, nhà hàng vào cân ký, cứ 30-40 ngàn/ký mà tính tới. Với Thanh và Hoàng, con số này cũng đủ để khích lệ mình đi tiếp.

Mô hình sản xuất sạch

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện nhiều hộ nuôi ếch Thái Lan đang thất bại, ếch nuôi thường mắc chứng bụng ỏng đùi teo, bị ép giá, Hoàng quả quyết: “Tụi này đã tìm ra nguyên nhân. Chẳng qua là do bà con còn cho ếch ăn tạp, ăn mồi chết, xử lý nước không kỹ nên bị nhiễm bệnh từ nguồn nước. Nếu làm thật kỹ những khâu đó, chắc chắn sẽ thành công”. Chị Lê Thị Cúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn khen: “Hai đứa này có cái ngộ là không biết giấu nghề. Hễ học được cái gì mới là nhiệt tình chỉ lại cho bà con. Hiện tại, hai đứa còn cung cấp con giống cho nhiều hộ trong xã nuôi với quy mô lớn, bao tiêu luôn đầu ra, phụ trách cả phần kỹ thuật, tới ngày thu mua phải thuê cả xe tải xuống chở ra chợ đầu mối”.

Mục tiêu trước mắt của Thanh và Hoàng là xây dưng mô hình sản xuất thịt ếch sạch cung cấp cho các siêu thị. Hoàng tự tin: “Thịt ếch chỉ ngon khi quá trình nuôi không sử dụng thuốc, không dùng thức ăn tăng trọng và không bị nhiễm bệnh. Tụi này đang dần hoàn thiện mô hình nuôi ếch sạch, tiến tới chế biến thành phẩm để “tìm đường” vào siêu thị, hình thành thương hiệu thịt ếch sạch đầu tiên trên thị trường TP.

MAI HƯƠNG


Nhiều chủ trang trại nuôi tôm bị lừa tiền tỷ

Nguồn tin: TP, 14/09/2007
Ngày cập nhật: 15/9/2007

Sáng 13/9, UBND hai xã Vĩnh Thành và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) cho biết: Các chủ trang trại nuôi tôm trong vùng đang xáo xác vì một tư thương thu mua tôm thương phẩm nhưng chưa trả tiền đã “một đi không trở lại” hơn chục ngày qua.

Anh Lê Tích Nam đứng chết lặng bên hồ tôm của mình Ảnh: H.T Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Nguyễn Văn Lừa nói: “Xã tôi có 11 hộ với số tiền bị mất theo vụ bán tôm nợ cho bà Thu ở Nha Trang (Khánh Hoà) lên đến 630 triệu đồng.

Nặng nhất là anh Nguyễn Thu ở thôn Phan Hiền, mất 200 triệu đồng. Nhiều hộ đã khăn gói nhảy xe vào tận Nha Trang để tìm nhưng chẳng tìm ra tung tích tăm dạng của chủ nợ”.

Ngày 12/9, UBND xã đã gửi văn bản báo cáo sự việc gửi Công an huyện”. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Nguyễn Thuận Cử cho biết: “Xã Vĩnh Sơn có 8 trang trại dính vào vụ bán nợ tôm không thu được tiền này với số tiền 538 triệu đồng.

Thời gian gần đây, khi thấy rất nhiều bà con nuôi tôm đi xe máy từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ra tận đây để đòi nợ đối với bà Thu chúng tôi đã khuyến cáo bà con nuôi tôm ở địa phương cần hết sức cảnh giác”.

Ông Đinh Như Đăng, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm Vĩnh Thành than thở: “Có 2 hộ nuôi tôm tận Cà Mau ra tận đây đòi nợ bà Thu, bọn tui khuyên can bà con phải thận trọng, nhưng bây chừ kết cục thê thảm như anh thấy đó...”.

Anh Lê Tích Nam, 30 tuổi ở thôn Liêm Công Đông (Vĩnh Thành), người đã dốc hết hồ tôm gần 1,8 tấn bán cho bà Thu với số tiền bị lừa 120 triệu đồng sững sờ như người mất hồn:

“Người thu mua tôm của chúng tôi nói tên là Nguyễn Thị Thu có số điện thoại di động là 0918068293, nhưng gần đây, người ở địa phương vào tận Nha Trang tìm hiểu thì được biết người này tên là Trương Thị Tuyết Hương.

Từ sau ngày lấy tôm của chúng tôi đến nay, bà Thu khoá máy điện thoại, không liên lạc được. Chúng tôi làm lụng khổ sở, vay nợ, mới có được từng ấy sản phẩm nhưng đã bị lừa rồi, cha ông dạy “tiền trao cháo múc” nhưng nay không trao tiền nhưng vẫn phải để cho người ta múc... tôm tấn, vì nếu không thì biết bán cho ai”.

Anh Nam nói thêm, giọng như mếu: “Tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Do được 112 triệu đồng, đổ vô hồ tôm ni hết, chừ là trắng tay, lấy chi mà trả nợ đây hả trời...”.

Hữu Thành


Cần Thơ: Nuôi thủy sản trên đồng ruộng: Hướng chuyển dịch hiệu quả

Nguồn tin: CT, 13/9/2007
Ngày cập nhật: 15/9/2007

Vụ hè thu và thu đông năm 2007, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ khuyến cáo nông dân hạn chế trồng lúa để chuyển sang nuôi thủy sản, tăng hiệu quả thu nhập trên đồng ruộng. Hiện nay, vụ nuôi cá, tôm trên đồng ruộng đã bắt đầu, nhiều diện tích nuôi mới xuất hiện, nông dân rất phấn khởi khi nguồn lợi thủy sản này đang hứa hẹn cho mức thu nhập cao.

LỢI NHUẬN TĂNG CAO

TP Cần Thơ hiện có tổng diện tích nuôi thủy sản trên đồng ruộng trên 11.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm càng xanh gần 400 ha, diện tích nuôi cá hơn 10.000 ha.

Cán bộ khuyến công huyện Cờ Đỏ cùng nông dân nuôi tôm xã Trường Thành kiểm tra độ phát triển của tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa.

Thạc sĩ Lê Văn Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích nông dân hạn chế sạ lúa trong vụ thu đông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng hình thức chuyên canh thủy sản. Để nông dân an tâm thực hiện, Trung tâm Khuyến nông kết hợp cùng ngành thủy sản thành phố thường xuyên tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng ngừa bệnh cho cá, tôm. Đối với các hộ nuôi mới, cán bộ kỹ thuật gần như cầm tay chỉ việc trong suốt quá trình nuôi. Diện tích nuôi thủy sản đang phát triển mạnh ở các xã vùng sâu, vùng trũng của huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh. Hiện nay, tôm cá thả nuôi đang phát triển rất nhanh và sạch bệnh”.

Phong trào nuôi thủy sản trên đồng ruộng ở các huyện ngoại thành của TP Cần Thơ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những năm đầu năng suất thu hoạch các loại thủy sản này chưa cao, chỉ khoảng 500kg/ha. Qua nhiều vụ nuôi, nông dân rút ra kinh nghiệm và được tập huấn, ứng dụng khá tốt khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, nên năng suất tăng lên. Những năm gần đây, năng suất tôm càng xanh thu được từ 700 kg đến 1,5 tấn/ha, cá gần 1 tấn/ha.

Anh Đặng Minh Phong, ở xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, là một trong những nông dân có “thâm niên” trong nghề nuôi thủy sản trên đồng ruộng, với diện tích nuôi hàng năm trên 1ha. Vụ nuôi năm 2006, anh thu hoạch được trên 1 tấn tôm càng xanh, bán với giá khá cao, 120.000 đồng/kg. Anh Phong cho biết: “Với diện tích thả nuôi trên 1 ha, cuối vụ nuôi năm rồi tôi thu lãi gần 50 triệu đồng. So với sản xuất lúa, nuôi tôm càng xanh thu lợi nhuận gấp 7 đến 10 lần. Hiện nay, gia đình tôi đang thả tôm nuôi gần 5 tháng nay, dự kiến thu hoạch trên 1 tấn tôm thương phẩm”.

Còn anh Thạch Văn Hải ở ấp Thới Quan A, xã Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, sau khi được cán bộ khuyến nông, thủy sản tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, anh liền thả nuôi cá chép, mè vinh, mè hoa trên đồng ruộng của mình. Anh Hải nói: “Tôi tin chắc nuôi cá sẽ cho lợi nhuận cao, vì không phải tốn chi phí thức ăn, thuốc... cho cá. Các loại cá này phát triển rất tốt và ăn các loại côn trùng, rong, bả thực vật... có trên đồng ruộng”.

NỖ LỰC ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Theo đánh giá của ngành thủy sản TP Cần Thơ, các loại cá được nuôi nhiều nhất và cho năng suất cao là cá chép, mè vinh, mè trắng và tôm càng xanh. Sau khi nuôi cá, tôm, đất được cải tạo, tăng độ phì nhiêu, vụ sản xuất lúa tiếp theo đều cho năng suất cao, chi phí giảm. Thạc sĩ Lê Văn Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, cho biết: “Nuôi thủy sản trên đồng ruộng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao, vì giải quyết được việc làm cho lực lượng lao động gián tiếp như: bắt ốc bươu vàng, cá tạp... bán làm thức ăn cho cá, tôm. Đồng thời, nuôi thủy sản trên đồng ruộng còn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng thu hoạch cho nông hộ...”.

Trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản, Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Nhiều năm nay, mô hình nuôi thủy sản trên đồng ruộng vừa đem lại lợi nhuận cao vừa cung cấp dinh dưỡng cho đất. Đặc biệt, những côn trùng trong đất, gây hại cho lúa đều bị cá, tôm ăn đã tạo nên môi trường sạch bệnh cho vụ lúa đông xuân kế tiếp phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ngành chức năng cũng cần khuyến cáo bà con chú ý đến kỹ thuật chăm sóc để tránh cá, tôm bị bệnh; số lượng thủy sản thả nuôi phù hợp với diện tích đồng ruộng,...”.

Theo nhiều nhà khoa học thuộc Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ, lợi nhuận thu được từ nuôi thủy sản trong vụ hè thu, thu đông tăng rất cao so với sản xuất lúa. Nhưng, để tránh tình trạng “rớt giá, dội hàng” khi nguồn thủy sản thu hoạch rộ, bà con nuôi cá trên đồng ruộng nên đào ao cặp theo bờ đất của ruộng lúa để dự trữ cá và có thể thu tỉa chờ giá. Đồng thời, người nuôi cá nên chú ý nuôi một số loại cá khác nhau, có giá trị kinh tế cao như: cá bống tượng, cá lóc, sặt rằn, rô phi... để tránh tình trạng nuôi cùng loại, dẫn đến rớt giá khi thu hoạch rộ. Các giống cá này đang được Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ và ngành thủy sản nhân giống, đủ khả năng cung cấp cho người nuôi trong khu vực ĐBSCL.

Nhằm mở lối đi cho những vùng độc canh cây lúa để hướng đến cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, trong các năm qua Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá, tôm trên ruộng lúa. Song song với việc nhân rộng mô hình này, ngành nông nghiệp thành phố tăng cường tìm đầu ra cho con cá, tôm càng xanh. Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ là đơn vị được ngành nông nghiệp hướng dẫn, giới thiệu ký kết hợp đồng tiêu thụ cá nuôi của nông dân ở xã Thới Lai, Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) và xã Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh), với giá thỏa thuận, theo thị trường.

Theo Trung tâm Khuyến nông thành phố, ngành thủy sản đang thực hiện nhiều mô hình nuôi cá trên đồng ruộng trong mùa lũ ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích trên 40ha. Nông dân tham gia thực hiện được hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi, thức ăn cho cá... Sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cộng với sự tích cực của nông dân trong việc chuyển đổi từ sản xuất lúa hè thu, thu đông sang nuôi thủy sản... sẽ tạo ra những mô hình làm ăn hiệu quả, tăng nguồn thu nhập cho nông hộ.

Bài, ảnh: HÀ VĂN


Bạc Liêu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp

Nguồn tin: CT, 13/9/2007
Ngày cập nhật: 15/9/2007

Từ đầu năm 2007 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã vận động gần 500 hộ không có điều kiện nuôi tôm chuyển sang cho thuê gần 400 ha đất nuôi trồng thủy sản; 129 hộ tự khắc phục và chuyển sang nuôi các loại vật nuôi khác 87 ha; gần 700 hộ với hơn 800 ha chuyển sang hình thức nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến. Tỉnh đã hỗ trợ tôm giống cho 394 hộ, với gần 300 ha. Riêng Công ty tôm giống số 1 đã hỗ trợ 2,4 triệu con tôm giống cho ngư dân thả nuôi. Hiện còn khoảng 267 ha của 222 hộ chưa có phương án khắc phục, các ngành chức năng đang phối hợp với địa phương tìm giải pháp hỗ trợ, kiên quyết không để đất bỏ hoang.

Tỉnh Bạc Liêu còn khoảng 1.500 ha đất nuôi trồng thủy sản bỏ hoang, do nông dân không có điều kiện canh tác, tập trung ở thị xã Bạc Liêu và huyện Hòa Bình.

T.TÂM


Bạc Liêu: Tiêu huỷ gần 6.000 chai thuốc thú y thuỷ sản kém chất lượng

Nguồn tin: Lao Động, 14/09/2007
Ngày cập nhật: 15/9/2007

5.948 chai thuốc thú y thuỷ sản kém chất lượng, không nhãn mác đã được Quản lý thị trường, Công an tỉnh, VKS tỉnh, Sở KH-CN tỉnh cùng tiến hành tiêu huỷ ngày 13.9.

Đây là số thuốc có nguồn gốc từ Thái Lan, bị lực lượng phòng chống buôn lậu tỉnh tịch thu vào tháng 8.2007 do chưa được cấp phép lưu hành, kiểm tra chất lượng.

Nhật Hồ


Ninh Bình phát triển nuôi ếch giống mới ở vùng trũng

Nguồn tin: ND, 13/9/2007
Ngày cập nhật: 14/9/2007

Trung tâm khuyến nông phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình vừa thử nghiệm thành công việc đưa giống ếch Thái-lan về nuôi ở ba huyện, thị xã, đó là Nho Quan, Gia Viễn và thị xã Tam Ðiệp.

Sau khi nông dân được huấn luyện kỹ thuật làm lồng, sóc và đề phòng dịch bệnh cho ếch, hơn 20 gia đình đã thực nghiệm nuôi ếch giống mới và bước đầu đạt kết quả khả quan: ếch nuôi sau hai tháng trọng lượng được nâng từ 1 đến 1,5 g ban đầu lên 200-250 g và không có biểu hiện dịch bệnh. Kinh phí ban đầu phục vụ mua sắm lưới quây (khoảng 10-15 m2/ô lồng), ếch giống, thức ăn, v.v. thấp, phù hợp điều kiện kinh tế của nhiều nông hộ ở tỉnh Ninh Bình.

Theo ông Ngô Tiến Giang, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Bình, việc nuôi ếch giống mới thành công ở vùng trũng mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi ếch trong vùng chiêm trũng chỉ cấy một vụ lúa của tỉnh, qua đó tăng thu nhập cho nông dân.


'Bức tử' rừng phi lao ven biển vì… con tôm

Nguồn tin: TP, 13/09/2007
Ngày cập nhật: 14/9/2007

Rừng phi lao ven biển có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đê bao, nhưng mới đây, một công ty TNHH được cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cho phép lập dự án và triển khai các thủ tục đầu tư cơ sở sản xuất tôm giống trong rừng phi lao.

Phi lao cả vòng tay ôm có nguy cơ bị “bức tử” vì dự án sản xuất tôm giống

Sự “tráo trở” của … văn bản

Ngày 4/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành có Công văn số 2969 chỉ đạo: Sở Thủy sản khẩn trương lập quy hoạch khu sản xuất giống thủy sản tập trung mới tại xã Chí Công và đồng ý chủ trương cho phép Cty TNHH Hạ Long tiến hành khảo sát, lập dự án và triển khai các thủ tục đầu tư tại khu vực xã Chí Công, giáp với xã Bình Thạnh.

Chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Huỳnh Tấn Thành qua văn bản này rất cụ thể: Chỉ quy hoạch phát triển giống trên địa bàn xã Chí Công. Thế nhưng, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Giám đốc Sở KH-ĐT Lương Văn Hải có văn bản gửi Cty TNHH Hạ Long, lại thông báo trái ngược: UBND tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp triển khai các thủ tục đầu tư cơ sở sản xuất tôm giống tại xã Bình Thạnh.

Sự “tráo trở” của văn bản nằm ở chỗ: Chủ tịch tỉnh Huỳnh Tấn Thành cho phép lập dự án ở xã Chí Công, nhưng văn bản này còn mở ngoặc đơn: Như kết quả khảo sát thực địa và báo cáo của Sở KH – ĐT. Mà Sở KH - ĐT chủ trì khảo sát thực địa là tại rừng phi lao xã Bình Thạnh!

Hai vị trí “Khu vực xã Chí Công, giáp với xã Bình Thạnh” và “ xã Bình Thạnh” là hoàn toàn khác nhau. Vì sao có sự “nhầm lẫn bạc tỷ” này? Gọi là “nhầm lẫn bạc tỷ” vì khu vực xã Chí Công, giáp với xã Bình Thạnh là đất trống ven biển hoặc đìa tôm sú trên cát, còn khu vực xã Bình Thạnh mà nhà đầu tư được chấp thuận là rừng phi lao ven biển đã được quy hoạch làm du lịch, trong khi giá đất vườn lân cận tại đây vào thời điểm này có giá khoảng 1,5 tỷ đồng/ ha.

Rừng phi lao có nguy cơ bị “bức tử”

Từ sự “nhầm lẫn” trên, đã có 21 ha được chấp thuận lập dự án thuộc địa bàn xã Bình Thạnh để làm thủ tục giao cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Đáng chú ý, phần lớn diện tích này là rừng thuộc tiểu khu 55b mà UBND tỉnh mới phê duyệt quy hoạch phát triển rừng vào tháng 3/2007.

Vị trí này lọt thỏm trong rừng phi lao thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong quản lý, ngoài 2 mặt tiếp giáp với rừng, còn một mặt giáp đường ven biển; và là khu vực đã được quy hoạch làm khu nghỉ dưỡng trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị du lịch Cổ Thạch – Bình Thạnh. Hiện trạng rừng trong khu vực dự án có nhiều cây phi lao được trồng từ năm 1978, có gốc to cả vòng tay ôm, cao hơn 20 mét.

Lẽ nào UBND tỉnh Bình Thuận sau các vụ phá rừng nghiêm trọng trên núi cao như ở Tánh Linh, La Dạ, còn tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể “bức tử ” cả rừng phi lao ven biển?

Mười Bình Thuận


Cá ăn thịt hung dữ phát tán, hồ Trị An có nguy cơ mất cân bằng sinh thái

Nguồn tin: ND, 12/9/2007
Ngày cập nhật: 14/9/2007

Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai đã xác định được loài cá ăn thịt hung dữ xuất hiện tại lòng hồ Trị An trong thời gian qua là cá hoàng đế và cá chim trắng.

Cả hai loại cá này đều có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ. Đồng thời, Chi cục cũng đã tìm ra được nguyên nhân phát tán hai loài cá trên là do một số hộ dân thả nuôi cá ở bè trong lòng hồ Trị An nhưng đã để cá tràn ra khỏi bè.

Theo điều tra của Chi cục Thủy sản, từ năm 1995 đến 1996, ông Trần Đại Nghĩa (ngụ tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã mang năm cặp cá hoàng đế bố mẹ mua tại một cửa hàng bán cá cảnh ở chợ Lưu Sơn Tịnh (TPHCM) về ương nuôi tại bè cá khu vực eo Mã Đà, thuộc lòng hồ Trị An. Với năm cặp cá bố mẹ, mỗi đợt ông Nghĩa đã cho cá đẻ được khoảng 1.000 cá giống. Nhưng đến năm 2002, khi thị trường không ưa chuộng loài cá này nữa, ông Nghĩa đã ngưng nhân giống.

Cũng trong thời gian này, ông Nghĩa có đem thả một số cá hoàng đế xuống hồ Trị An. Một thời gian sau, trong các mẻ lưới đánh bắt cá của người dân đã xuất hiện cá hoàng đế dính vào lưới. Vài năm trở lại đây, mật độ của loài cá hoàng đế tại hồ Trị An xuất hiện ngày càng dày đặc. Theo ghi nhận, cá hoàng đế lớn nhất mà người dân đánh bắt được tại thời điểm hiện nay cân nặng khoảng 1 kg và chiều dài đạt khoảng 20cm.

Theo các nhà khoa học, cá hoàng đế là loài cá ăn thịt rất hung dữ, chúng ăn các loài thức ăn tươi sống, đồng thời cũng là loài ăn tạp, khi đói chúng có thể ăn bất cứ sinh vật nào mà chúng bắt gặp.

Ngoài ra, đây cũng là loài cá sinh sản hữu tính, tốc độ sinh sản rất nhanh, mỗi lần đẻ từ 2.000 đến 3.000 trứng. Nếu sống trong môi trường nhiệt độ thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào, cá hoàng đế có thể đạt đến chiều dài khoảng 60cm. Đây là loài cá được các nhà khoa học mô tả như một loài cá ăn thịt có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái nơi chúng sinh sống.

Đối với loài cá chim trắng, theo các nhà nghiên cứu, loài cá này không có khả năng tự sinh sản ở hồ Trị An, do đó khả năng nhân đàn là rất ít. Cá chim trắng cũng là loài ăn thịt hung dữ; nếu chúng phát triển thành bầy đàn với lượng cá thể lớn thì hệ thủy sinh nơi chúng sinh sống có thể bị tiêu diệt.

Theo Chi Cục thủy sản Đồng Nai, sở dĩ Cá Chim trắng bị phát tán ra ngoài là do người dân nuôi cá thương phẩm trong các ao, hồ, nhưng cá thoát ra môi trường bên ngoài bởi mưa lũ.

Ngoài hai loài cá trên, hiện nay tại lòng hồ Trị An còn xuất hiện loài cá lau kính (loài cá này người nuôi cá cảnh thường thả trong các bể cá để chúng dọn sạch môi trường bể nuôi). Mặc không phải là loài cá ăn thịt, nhưng môi trường nơi mà cá lau kính sinh sống sẽ không có loài sinh vật nào, kể cả các loài cá khác có thể sinh sống được. Do đó, sự xuất hiện của loài cá này cũng là nguy cơ cảnh báo mất cân bằng hệ sinh thái.

Qua điều tra, tất cả những loài cá nêu trên sở dĩ xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây là do được nhập từ nước ngoài. Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi phòng kinh tế các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các loại cá cảnh nhập khẩu, không phát tán ra môi trường tự nhiên. Đồng thời, đề nghị Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản hỗ trợ cùng với Chi cục kết hợp với các viện tiến hành nghiên cứu những tác động đến môi trường của những loại cá này ở lòng hồ Trị An để có biện pháp kịp thời ngăn chặn.

Tin tức


Tiền Giang: Thực hiện đề tài nghiên cứu nuôi cá bống tượng: Từ nhân tạo đến thương phẩm

Nguồn tin: Tiền Giang, 11/9/2007
Ngày cập nhật: 13/9/2007

Với sự đầu tư kinh phí của Sở Khoa học Công nghệ, Trung tâm Khuyến ngư (Sở Thủy sản Tiền Giang) vừa triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu Nuôi cá bống tượng từ nhân tạo đến thương phẩm tại hộ dân ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Đề tài này được thực hiện từ nay đến năm 2008 với hình thức là Trung tâm Khuyến ngư thả 14.000 con cá bống tượng có kích thước từ 3,5cm đến 4,5cm xuống nuôi trong ao có diện tích 2000m2. Số cá bống tượng này lớn lên sẽ được Trung tâm nhân giống đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu nuôi của người dân địa phương.

Được biết, cá bống tượng hiện nay có giá trị kinh tế rất cao. Giá cá bống tượng thịt dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg. Do nhu cầu nuôi của người dân ngày càng tăng nên giống cá bống tượng ngày càng khan hiếm. Tại Tiền Giang, hiện nay có hơn 30 hộ dân sản xuất con giống cá bống tượng với số lượng khoảng 150.000 con/vụ nhưng với số lượng này vẫn không đủ để phục vụ thị trường con giống trong và ngoài nước.

Hy vọng rằng đề tài nghiên cứu này thành công sẽ giúp nhiều hộ dân trong tỉnh nhân rộng mô hình sản xuất giống và nuôi cá bống tượng thương phẩm sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chu Trinh


Mực nước đầm Ô Loan xuống thấp nhất từ trước đến nay: Nguồn lợi thủy sản trong đầm cũng giảm

Nguồn tin: PY, 12/9/2007
Ngày cập nhật: 13/9/2007

Theo Phòng Kinh tế huyện Tuy An, hiện mực nước đầm Ô Loan hiện đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Mực nước ở nơi sâu nhất trong đầm ước chừng chỉ 1,2-1,4m, còn ở hai đầu bắc và nam chỉ còn khoảng 0,6-0,8m.

Tình trạng mực nước đầm Ô Loan xuống thấp đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của đầm. Hiện tượng ô nhiễm nặng đã xuất hiện với mật độ phiêu sinh vật và các chất bẩn hữu cơ tăng cao, nồng độ muối xuống thấp. Nguồn lợi thủy sản trong đầm cũng giảm đáng kể khi các loài hải sản như sò huyết, tôm, cá, cua, ghẹ đều xuất hiện rất ít và thấp hơn so với tỉ lệ bình quân nhiều năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do cửa biển Xuân Hòa (xã An Hải, huyện Tuy An) bị cát bồi lấp khiến nước biển không vào được trong đầm. Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài cũng khiến lượng nước trong đầm bốc hơi nhanh.

KHÁNH HUYỀN


Làng cá sấu Sài Gòn mua hết cá sấu nuôi gia công

Nguồn tin: SGGP, 11/09/2007
Ngày cập nhật: 13/9/2007

Làng cá sấu Sài Gòn, đơn vị liên doanh giữa HTX nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12) và Công ty Cá sấu Hoa Cà, đã ký hợp đồng với bà con nông dân nuôi gia công 24.000 con cá sấu với giá thu mua là 120.000 đồng/kg. Sau 2 năm nuôi, đến nay, giá mua cá sấu ở thị trường chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg. So với giá mua của hợp đồng ký ban đầu, làng cá sấu Sài Gòn mua lại phải lỗ từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/con. Để giữ uy tín và bảo đảm quyền lợi cho người nuôi gia công, làng cá sấu Sài Gòn đã mua lại hơn 19.000 con.

Từ đầu năm 2007 đến nay, làng cá sấu Sài Gòn đã xuất khẩu 600 con cá sấu sống, 1.000 bộ da cá sấu muối qua thị trường Trung Quốc, sản xuất nhiều sản phẩm gia dụng từ da cá sấu…

Đ.Th.


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang