• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cá lóc trên bạt: Thành công bước đầu

Nguồn tin: KH, 09/09/2007
Ngày cập nhật: 12/9/2007

Cá lóc là loài có tập tính ưa nước sâu, thích yên tĩnh, chịu được sốc do bất lợi của thời tiết, môi trường. Từ lâu, cá lóc được nuôi trong ao đất. Việc đưa cá lóc vào nuôi trong bể xi măng,bạt nhựa là bước đi thử nghiệm đáng khích lệ cho vùng ngoại thành khi diện tích đất ngày càng bị thu hẹp do tiến trình đô thị hóa. Anh Phạm Trừ (Phước Thái 1, Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa) là một trong những người đầu tiên thử nghiệm mô hình này và đã thành công bước đầu…

Nhà anh Trừ ở trong một con hẻm nhỏ cạnh Hội trường 3-2 phường Phước Long (Nha Trang, Khánh Hòa). Tiếp tôi bên chén trà nóng, anh vui vẻ kể: “Tôi cũng là công chức, trước đây công tác ở ngành Nông nghiệp thành phố. Do sức khỏe yếu về nghỉ đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, “máu” nghề nghiệp vẫn còn nên tôi thích trồng cây, nuôi cá. Nghe cá lóc có thể nuôi trong bể xi măng, tôi liền tham quan mô hình này của một hộ nông dân ở phường Cam Thuận (Cam Ranh, Khánh Hòa). Và…”.

Những ngày đầu thử nghiệm mô hình đối với anh Trừ quả là khó khăn. Anh bỏ vốn ra xây mấy bể nuôi nhưng kết quả lại không như mong đợi. Cá con ương chết rất nhiều, cá lóc có tật hay nhảy nên va đập vào thành hồ cứng làm xây xát chảy máu, thậm chí có con còn vỡ cả đầu. Xót của, anh Trừ nghĩ đến dùng bạt nhựa. Anh chuyển chúng vào bạt, căng dây thép, hạn chế dùng cây chống, kết quả khả quan hơn. Cá có nhảy cũng không sao, hiện tượng xây xước giảm hẳn. Anh đưa ra bí quyết: Mức nước trong bạt chỉ cần 30cm để hạn chế cá nhảy, ít hao nước lại dễ thay nước.

Nuôi cá lóc khá vất vả, theo dõi, chăm sóc chúng suốt cả ngày, nhất là lúc cá còn bé. Sáng ngủ dậy đã lo thay nước, lấy cá tạp về cho cá ăn, ngày cho ăn 2 lần, sáng chiều, theo dõi cá ăn mồi, cá bơi để phát hiện bệnh… Bao nhiêu công việc đó, anh Trừ đều nhờ vào người con trai và con rể. Anh cho biết, từ ngày nuôi cá giống còn rất nhỏ, dân nuôi cá gọi là lồng 7, lồng 8 (chiều dài thân 7 - 8mm) lúc này lượng hao hụt rất lớn (có thể lên đến 50%). Nếu nuôi tốt từ giai đoạn cá giống đến khi xuất bán (trọng lượng 4 - 7 lạng) tỷ lệ sống đạt 40 - 50% là thành công. Cá giống được các đầu nậu ở Nha Trang lấy về từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… Số lượng ít có thể lấy ở Mả Vòng, chợ Xóm Mới (Nha Trang), số lượng nhiều thương lái giao trực tiếp, chỉ cần nhấc máy điện thoại lên là có. Cá giống thường có giá dao động từ 600 - 800 đ/con (tùy thời điểm). Cá mới đem về cần “vèo” lại trong bể xi măng để theo dõi, tạt ít nước muối cho cá khỏe, sau đó tập cho cá ăn bằng cá tạp. Cá lóc nuôi trong bạt thường gặp các bệnh như: nấm, xuất huyết da, lở mang và bị lãi. Việc điều trị cũng đơn giản, dùng nước muối tắm hay sử dụng các chế phẩm vi sinh, hạn chế dùng kháng sinh và thường xuyên xổ lãi cho cá. Các chế phẩm này có bán tại các cửa hàng trên đường Cao Bá Quát (Nha Trang, Khánh Hòa). Từ khi đưa cá giống về nuôi cho đến khi đạt trọng lượng thương phẩm, cá lóc hoàn toàn sử dụng cá tạp là các loại cá nhỏ như: cá cơm, liệt, giò, hố…, giá từ 3.500 - 4.500đ/kg (tùy theo thời điểm). Những khi trời động, giá có thể lên đến 5.000đ, thậm chí không có cá để mua. Với hàng chục ngàn con cá thịt như hiện nay, mỗi ngày anh Trừ tốn gần 2 tạ cá tạp, khoảng 500.000đ!

Khởi động nuôi cá từ tháng 6-2006, đến nay, anh Trừ đã nuôi được 4 đợt. Hai đợt đầu số lượng ít, mỗi lứa chỉ khoảng 2.000 - 2.500 con, lãi ít. Năm nay, anh mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn, mỗi đợt 14 - 15 ngàn con. Lứa nuôi vào tháng Giêng âm lịch, sau 5 tháng, đến nay cá đã đạt trọng lượng thương phẩm cỡ 0,4 - 0,7kg/con, anh đang chuẩn bị xuất bán. Với giá hiện nay 28.000đ/kg, doanh thu có thể lên đến vài trăm triệu đồng, trừ chi phí lãi còn khoảng vài chục triệu đồng.

Thành công của anh Trừ được nhiều người biết đến. Anh đã hướng dẫn cách nuôi cá cho nhiều người ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, Khánh Hòa…

Q.V


Lặn đêm!

Nguồn tin: SGGP, 11/09/2007
Ngày cập nhật: 12/9/2007

Lặn đêm, cái nghề chẳng giống nghề, nhưng lại giúp cho các hộ dân thôn Ghềnh Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có cuộc sống sung túc, xây nhà 2-3 tầng, mua sắm vật dụng gia đình đắt tiền... Nhưng cũng chính từ lặn đêm mà từ năm 2000 đến nay, thôn này đã có 10 ngư dân phải bỏ mạng nơi biển cả, gần 20 chàng trai vốn khỏe mạnh nay đã trở thành tàn phế suốt đời. Dầu vậy, vì cuộc mưu sinh, họ vẫn phải dấn thân vào chốn hiểm nguy rình rập…

Tôi rảo bước theo con đường đá vào đến giữa xóm Ghành Cả, chỉ gặp toàn phụ nữ và người già. Đang tầm giữa mùa, thanh niên trai tráng đều đã ra khơi. Ông Bùi Út - Trưởng thôn Ghành Cả cho biết: “Trước đây thì nghề gì cũng làm, nhưng hiện nay thì gần như cả làng làm nghề lặn đêm, Có cả thảy 56 chiếc tàu thuyền đánh cá xa bờ công suất lớn, mỗi thuyền ra khơi mang theo 10 - 15 ngư dân. Do nhu cầu về bạn lặn nên xóm phải nhập thêm lao động nghề biển ở tỉnh Khánh Hòa và các địa phương lân cận”. Ông khẳng định chắc nịch: “Tôi bảo đảm với chú ngư dân ở đây không bao giờ lỗ vốn, trừ khi thuyền bị hỏng máy hoặc thời tiết xấu”.

Mùa biển ở xóm Ghành Cả kéo dài từ tháng giêng đến nay đã liên tục “nóng” lên. Nhờ phương tiện thông tin hiện đại nối giữa khơi và bờ, nên tiến độ đánh bắt ngoài biển của từng chiếc thuyền luôn được cập nhật, đâu cũng thấy sự hồ hởi: Trúng đậm! Đầy hai hầm! Thuyền ông Võ Hoa 340 triệu đồng, Nguyễn Tày 290 triệu... Các thuyền khác trúng xấp xỉ 200 triệu đồng sau một phiên biển, trong khi chi phí dầu mỡ cho một chuyến đi chỉ khoảng 50-60 triệu đồng. Thuyền viên đi bạn được chia từ 10 - 15 triệu đồng sau phiên biển kéo dài gần 1 tháng. Hơn 60 tỷ đồng trong một mùa đánh bắt (kéo dài từ tháng giêng đến tháng 7) là nguồn thu từ biển của một xóm. Không cần bàn cũng đã nói lên được tính hiệu quả. Về Ghềnh Cả bây giờ, tuyệt nhiên không tìm ra hộ nghèo và nhà tạm. Ngư dân các vùng khác thường có câu cửa miệng: “Xuống Ghành Cả phải ngó lên trật cổ”, đó là những căn nhà 2-3 tầng sang trọng thi nhau mọc. Trưởng thôn Bùi Út nói với giọng miền biển sang sảng tự hào: “Chú xuống đây, thấy nhà nào đang xây dựng, đừng hỏi xây nhà theo kiểu gì, mà phải hỏi xây mấy tầng? Ở đây, xây nhà họ tính bằng tầng”.

Đổi bằng tính mạng

Bên mép biển, sóng ì ọp vỗ vào bờ cát, khe đá, nhìn xa xăm ra mặt biển tít mù khơi, Võ Tiến, 43 tuổi, một thợ lặn chuyên nghiệp, giỏi có tiếng, trút tiếng thở dài mà than: “Của thiên trả địa thôi ông à. Làng này không có năm nào là không có người lặn biển bị tử nạn. Mới đây nhất, bà con trong thôn lại một lần nữa tiếc thương tiễn đưa Nguyễn Dương,18 tuổi, về với cát bụi. Những cái chết như vậy vẫn thường diễn ra. Không có cảnh tang thương như thế mới lạ, bởi lặn đêm là nghề luôn đối mặt với cái chết”.

Cũng trong đêm một tháng trước, anh Tiến đã tận mắt chứng kiến người bạn thợ lặn của mình là Võ Tấn trút hơi thở cuối cùng giữa biển khơi. Tấn là người to khỏe nhất tàu và cũng là người lặn giỏi nhất. Cái chết của anh không giống như những trường hợp khác. Lặn xong, lên tàu được một chút, bỗng dưng thấy trong người đau nhức, mệt mỏi. Như có điềm báo trước, Tấn bắt tay tất cả mọi người trên tàu. Với kinh nghiệm đi biển, dù cách xa bờ cả ngàn cây số nhưng các ngư dân lập tức cho tàu trở về đất liền. Mới chỉ chạy được nửa chặng đường thì Tấn ra đi vĩnh viễn, bỏ lại người vợ và đứa con gái chưa tròn tháng tuổi.

Trần Đình Lộc, một tay thợ lặn có tiếng, bị bại liệt chân do lặn đêm, giờ phải ngồi xe lăn kể: “100% thợ lặn không chóng thì chày đều bị di chứng, người không may thì tử vong, người bị nặng thì liệt cả người, nhẹ thì khập khiễng”. Có lẽ vì lặn quá sâu, phương tiện để lặn sơ sài nên chuyện tử vong do lặn biển năm nào cũng xảy ra. Chỉ với một bộ đồ lặn giản đơn, một chiếc kiếng lặn và sợi dây để lấy nguồn không khí từ trên tàu ngậm vào miệng và mang quanh mình gần 15 ký chì để tăng trọng lượng cho dễ chìm là có thể lặn. Khi lặn xong, muốn lên tàu thì người thợ lặn cũng chỉ “giật dây” mà mình đang ngậm để những người trên thuyền biết mình chuẩn bị lên. Một lần xuống nước khoảng 3 giờ đồng hồ. Thời gian kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, còn lại người thợ lặn phải giảm áp để tránh những tai biến nguy hiểm đến tính mạng cũng như sức khỏe…

Nghề lặn đêm không không dễ kiếm ăn, bởi người thợ lặn luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ở làng này đã có gần 20 người tàn tật suốt đời, 10 người chết do gặp những tai nạn trên biển vì lạnh, áp suất của nước ở độ sâu, sóng biển, những trục trặc của các thiết bị hỗ trợ. Không chỉ có vậy, trong cuộc mưu sinh bằng nghề này, nhiều hộ gia đình đang có phương tiện hành nghề bỗng chốc trở thành kẻ trắng tay bởi chẳng may khai thác quá đà đã xâm phạm vào ngư trường và lãnh hải nước bạn.

Dù các mối nguy hiểm luôn rình rập, thế nhưng cánh thợ lặn và các hộ gia đình có phương tiện hành nghề không từ bỏ bởi những khoản lời lớn từ nghề này. Đám trẻ em của Ghềnh Cả chỉ cần học xong cấp I là rẽ ngang, chỉ cần lặn ở gần các bãi rạn ven bờ, nếu gặp mùa tôm hùm giống, chúng đã có thu nhập 200.000 - 300.000đ/người/ngày. Lão ngư Bùi Út chép miệng: “Trẻ con các nơi, cha mẹ muốn chúng học lên, còn ở đây, vì tiền, chúng lại muốn lặn xuống!”.

Hà Minh


Nam Định sản xuất thành công giống cá lăng chấm bằng phương pháp nhân

Nguồn tin: NĐ, 06/08/2007
Ngày cập nhật: 12/9/2007

Trung tâm giống Thuỷ đặc sản tỉnh Nam Định vừa sản xuất thành công giống cá lăng chấm bằng công nghệ sinh sản nhân tạo. Đây là lần đầu tiên Trung tâm tiếp nhận và cho sinh sản thành công cá lăng chấm theo công nghệ mới.

Theo ông Lê Viết Huệ, Giám đốc Trung tâm: lần sản xuất này cho ra 1 vạn con cá bột để cung cấp theo đơn đặt hàng của Viện Thuỷ sản I. Trung tâm đang tiếp tục đầu tư nâng cao quy mô, khép kín quy trình sản xuất từ cá giống đến cá thương phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện tại, Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện: Ao ương giống, ao nuôi, thức ăn đảm bảo cho cá phát triển. Cá lăng chấm Hemibagrus guttatus (Lacépede, 1803) là loài quý, hiếm có giá trị dinh dưỡng cao của hệ thống sông Hồng, đang được tiêu thụ trên thị trường với mức giá từ 180 đến 200 nghìn đồng/kg. Trong những năm 1960-1970, sản lượng cá lăng chấm chiếm tỷ lệ khá lớn trong sản lượng đánh bắt tự nhiên của một số tỉnh miền núi. Tuy nhiên những năm gần đây, do ảnh hưởng của điều kiện môi trường và khai thác quá mức nên sản lượng cá lăng chấm đã giảm nghiêm trọng. Hiện tại, cá lăng chấm được xếp vào mức nguy cấp bậc V, cần phải bảo vệ gấp. Việc sản xuất thành công cá lăng chấm theo phương pháp nhân tạo góp phần tạo ra khả năng tự chủ con giống tại địa phương, thúc đẩy chiến lược phát triển con nuôi mới, hiệu quả của ngành thuỷ sản Nam Định.


Phục hồi nguồn lợi thuỷ sản khu vực Bạch Long Vĩ

Nguồn tin: HP, 11/9/2007
Ngày cập nhật: 11/9/2007

Một số bà con đề nghị được biết tình hình khôi phục một số loại hải sản ở khu vực Bạch Long Vĩ. Báo Hải Phòng trao đổi với cán bộ phụ trách lĩnh vực tái tạo nguồn lợi thuỷ sản của Sở Thuỷ sản Hải Phòng về vấn đề này.

Từ năm 2005 trở về trước, công tác quản lý nguồn lợi thủy sản khu vực Bạch Long Vĩ chưa chặt chẽ, sản lượng thuỷ sản giảm rõ rệt, môi trường bị xâm hại, một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao như bào ngư, hải sâm, cá song đỏ bị cạn kiệt. Vì vậy, năm 2005, UBND thành phố phê duyệt đề án “Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng 6 m nước ven biển đảo Bạch Long Vĩ”, giao UBND huyện Bạch Long Vĩ triển khai thực hiện. Hoạt động của dự án nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, chấm dứt việc ngư dân sử dụng các chất, phương tiện cấm trong khai thác hải sản, tuyên truyền cho ngư dân nhận thức rõ tác hại của việc tàn phá môi trường. Đồng thời, UBND huỵện đảo Bạch Long Vĩ tăng cường tuần tra kiểm soát bảo vệ nguồn lợi vùng 6 m nước ven biển quanh đảo. Các tổ tuần tra phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, xử lý, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 91 vụ, thu giữ nhiều phương tiện khai thác cấm như thuốc nổ, lưới cấm, tạm giữ 43 phương tiện…

Theo kết quả điều tra gần đây, nguồn lợi hải sản khu vực 6 m nước quanh đảo Bạch Long Vĩ có dấu hiệu phục hồi. Hầu hết rong biển phân bố tại vùng bãi triều, trữ lượng ổn định với 39 loài rong biển gồm các loài như rong nâu, rong đỏ, rong lục. San hô phân bố quanh đảo ở khu vực có độ sâu từ 26-27 m nước. Năm 2000, độ phủ san hô quanh đảo đạt khoảng 50%, năm 2005 độ phủ chỉ còn 25% do tình trạng khai thác bừa bãi. Đến năm 2007, độ phủ tăng lên 30%. Có 4 loại hải sâm có giá trị kinh tế cao. Năm 2006, mật độ chỉ đạt 19 cá thể/500m2. Đến năm 2007, mật độ trung bình nhóm hải sâm có giá trị kinh tế đạt khoảng 43 cá thể/500m2. Bào ngư-loại hải sản quý của Bạch Long Vĩ cũng có dấu hiệu phục hồi. Năm 1987, sản lượng khai thác đạt trên 40 tấn/năm. Đến năm 2005 chỉ còn 0,5-0,7 tấn/năm. Kết quả mới điều tra cho thấy, bào ngư hiện đang phân bố quanh đảo trên diện tích 6,645 km2, trữ lượng ước tính khoảng 75 tấn. Qua phân tích cho thấy số lượng bào ngư có trọng lượng lớn chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là bào ngư trọng lượng nhỏ dưới 10g/con. Đây là tiêu chí khẳng định nguồn lợi bào ngư đang phục hồi. Với trữ lượng bào ngư non trên tổng diện tích, các nhà nghiên cứu khẳng định trong 2-3 năm tới, nguồn lợi bào ngư sẽ tăng mạnh. Muốn bảo đảm cho bào ngư tăng ổn định, trong vài năm tới chỉ nên khai thác với trữ lượng khoảng 800 kg/năm.

Trước đây, nguồn lợi hải sản ở khu vực Bạch Long Vĩ rất phong phú, đa dạng, song do tình trạng khai thác bừa bãi nên nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, bà con ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm nguồn lợi thuỷ sản Bạch Long Vĩ ổn định, bền vững, cũng là ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng khai thác trong tương lai.

Việt Anh


ĐBSCL: Giá cá tra tăng lên 14.000đ/kg, giá tôm tăng liên tục

Nguồn tin: SGGP, 07/09/2007
Ngày cập nhật: 11/9/2007

Sáng nay nhiều thương lái ở ĐBSCL nâng giá thu mua cá tra loại 1 lên từ 13.800đ - 14.000đ/kg; với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi đảm bảo mức lợi nhuận từ 1.500đ - 2.000đ/kg.

Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng tăng liên tục. Tôm loại 20 con/kg giá tăng lên 150.000đ - 160.000đ/kg; tôm loại 30 con/kg giá 108.000đ - 110.000đ/kg; tôm loại 40 con/kg giá từ 85.000đ- 90.000đ/kg… Dự báo, giá tôm sẽ còn tăng trong những ngày tới.

HUỲNH LỢI


Bình Thuận: Chuyện làm giàu từ những ao hồ

Nguồn tin: Bình Thuận, 08/09/2007
Ngày cập nhật: 10/9/2007

Ngoài chiều dài bờ biển 192km, Bình Thuận còn có những đặc thù tự nhiên là nhiều ao hồ, sông ngòi. Đó là những điều kiện góp phần phát triển và nâng cao giá trị sản xuất thủy, hải sản trong tỉnh.

Mấy năm nay, nghề nuôi tôm, cá nước ngọt, nước lợ cũng đã phát triển khá nhanh. Nhiều nhất là ởû các địa phương như La Gi, Đức Linh, Tánh Linh…Tổng diện tích nuôi của năm ngoái đã lên đến 1850 ha, thu hoạch bình quân đạt 22,5 tấn/ha. Người nông dân bây giờ không chỉ biết cần cù trên những cánh đồng mô hình mẫu với giá trị thu nhập từ 30-50 triệu đồng/ha/năm, mà còn mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ hải sản như ba ba, tôm hùm, tôm càng xanh, ếch Thái Lan, cá mú…Tất nhiên, không ít người đã có những thất bại lúc khởi đầu, nhưng bản tính kiên trì, chịu khó học hỏi sau đó đã đem lại cho họ những nguồn lợi không nhỏ. Ở thôn Tân Phước, thị xã La Gi có ông Đỗ Thế Hùng, năm nay tuy đã 62 tuổi nhưng lại nổi tiếng ở địa phương nhờ biết làm ra tiền từ những ao hồ. Cách đây hơn 3 năm, ông Hùng khởi đầu bằng nghề nuôi tôm sú, lúc đầu cũng có lãi nhưng sau thấy con tôm sú phụ thuộc nhiều vào yếu tố rủi may là dịch bệnh, ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, năm đầu cũng lời được 140 triệu, nhưng sau đó liên tiếp lỗ nặng. Không dễ dàng bỏ cuộc, ông tiếp tục bám nghề, đến năm 2005, ông được Trạm Khuyến ngư địa phương giới thiệu đi học nghề nuôi cá chẽm và cá mú trong ao đất do Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia giảng dạy. Khi đã nắm được kỹ thuật cơ bản, ông trở về đầu tư một ao nuôi diện tích 0,3 ha để nuôi cá mú luân canh với tôm thẻ chân trắng. Được Nhà nước hỗ trợ 11 triệu đồng, ông bỏ thêm 60 triệu đồng nữa để thả 3.000 con giống cá mú. Sau thời gian 10 tháng, cá phát triển tốt, trung bình mỗi con nặng 1kg. Với diện tích nuôi trên ông đã thu hoạch được 3 tấn cá và bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi 181 triệu đồng. Riêng 0,8 ha tôm thẻ chân trắng ông thu lãi thêm 123 triệu đồng nữa. Thu nhập này đã đem lại cuộc sống sung túc cho 4 nhân khẩu trong gia đình ông Hùng.

Ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình có ông Lê Lương năm nay đã 78 tuổi vẫn hái ra tiền từ cái nghề nuôi cá chình. Với diện tích mặt nước chỉ 800m2, nghề nuôi cá chình đã đem lại thu nhập bình quân cho mỗi khẩu trong gia đình ông Lương là 2 triệu đồng/ tháng. Chuyện anh Vầy Phóng Chánh người dân tộc Tày ở xã Đa Kai, huyện Đức Linh nuôi cá diêu hồng trên diện tích 6.000m2. Hàng năm trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng cũng là tấm gương từ những người nông dân biết tính toán và tận dụng những điều kiện tự nhiên để vươn lên thoát nghèo. Phong trào nuôi các loại cá nước ngọt như cá rô phi, diêu hồng, cá trê, lóc… mấy năm gần đây đã đa dạng hóa về mặt hàng hoá khi cung ứng cho thị trường tiêu thụ. Chỉ riêng huyện TánhLinh diện tích nuôi cá nước ngọt hiện có khoảng 120 ha, sản lượng hàng năm cũng đạt từ 250 tấn trở lên. Ở khu vực Bàu Cái thuộc xã Tân Hải, thị xã La Gi có 100 ha ao bàu tự nhiên đã được UBND tỉnh qui hoạch nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt. Một số anh em là thương binh, cựu chiến binh đã đứng ra thành lập tổ hợp tác 27/7, cùng góp vốn xây dựng trang trại HTX nuôi cá nước ngọt trên diện tích hơn 40 ha đất thuê của nhà nước. Năm ngoái, sản lượng thu hoạch của HTX này đạt 78,545 tấn với lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam có tập thể Chi hội nuôi trồng thuỷ sản với 70 hội viên và diện tích nuôi 80 ha chuyên tôm sú. Thu nhập từ công việc nuôi trồng ở đây cũng giúp nhiều hội viên có nhà cửa khang trang và cuộc sống khá giả hơn. Tuy phong trào tận dụng đất ao hồ để nuôi cá nước ngọt đã thu hút mạnh mẽ nhiều nông dân trong tỉnh, nhưng đáng tiếc là qui mô nuôi trồng chưa lớn, hình thức nuôi chưa đa dạng hoá như nuôi quảng canh, nuôi bán công nghiệp, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng để tăng chất lượng. Sản lượng làm ra chưa đến nỗi “dội chợ”, hay giá bấp bênh, rất cần xây dựng hệ thống chế biến hoặc tìm một thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn. Hy vọng sự chịu thương chịu khó của những nông dân sẽ giúp nâng hình ảnh của những ao hồ ở các làng quê lên một tầm giá trị mới hơn.

Thanh Bình


Cà Mau: Vét đất bùn cải tạo ao đầm nuôi thủy sản phải xin phép

Nguồn tin: SGGP, 10/09/2007
Ngày cập nhật: 10/9/2007

Tỉnh Cà Mau vừa quy định, tăng cường kiểm soát việc vét đất bùn cải tạo ao, đầm trên địa bàn nhằm hạn chế tốc độ ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng đầm vuông nuôi thủy sản, phòng tránh lây lan dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện và giảm thấp rủi ro trong sản xuất. Theo đó, khi vét đất bùn cải tạo ao, đầm nuôi thủy sản, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đơn xin phép chính quyền địa phương.

Lâu nay, hàng chục triệu mét khối bùn đất, chất thải khác từ cải tạo ao đầm, vuông nuôi của nông dân đưa trực tiếp ra sông, rạch mỗi năm vừa gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, vừa làm cho hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng bồi lắng nhanh, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất.

Phong – Tấn


Niềm vui nông dân Sóc Trăng - Vụ nuôi tôm đạt kế hoạch

Nguồn tin: ST, 07/09/2007
Ngày cập nhật: 10/9/2007

Năm 2007, tỉnh Sóc Trăng xây dựng kế họach phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản lên 61.500 ha, tập trung cho việc nuôi tôm sú chính vụ 46.000 ha; trong đó nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp là 24.000 ha và nuôi tôm quảng canh cải tiến là 22.000 ha; phấn đấu đạt sản lượng thủy sản 128.000 tấn, tăng 10,38% so với cùng kỳ.

Năm nay, với thuận lợi về môi trường thả nuôi và sự tập trung chỉ đạo sâu sát của Ngành Thủy sản địa phương, ngay trước và sau vụ tôm chính vụ, nông dân Sóc Trăng đã chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết như cải tạo ao nuôi, lựa chọn con giống tốt và đặc biệt là nghiêm túc tuân thủ lịch thời vụ của ngành chức năng để tiến hành thả giống theo lịch thông báo, vì thế đã hạn chế thiệt hại xảy ra không đáng kể (chiếm 5,87% diện tích thả nuôi). ^

Đến nay tỉnh Sóc Trăng đã và đang bước vào vụ thu hoạch tôm chính vụ. Tính trong tháng 8/2007 diện tích nuôi thủy sản là 1.006 ha, nâng tổng diện tích thủy sản 8 tháng đầu năm 2007 lên 60.678 ha, đạt 98,7% kế hoạch và tăng 13,10% so với cùng kỳ; trong đó diện tích nuôi tôm sú là 48.857 ha, vượt 6,2% kế hoạch, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác là 52.585 tấn, đạt 41% kế hoạch và bằng 100,1% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi chiếm 31.160 tấn.

Để đảm bảo tốt hơn các ao nuôi tôm trong thời tiết mưa bão hiện nay, Ngành Thủy sản cần tập trung tăng cường công tác khuyến ngư, mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con chăm sóc, quản lý ao tôm trong mùa mưa, các biện pháp phòng và trị bệnh tôm, thu hoạch tôm nuôi, khắc phục diện tích bị thiệt hại; bên cạnh đó, kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở mua bán thức ăn, thuốc thú y kém phẩm chất; tiếp tục chỉ đạo thực hiện và phổ biến rộng rãi đến nhân dân trong tỉnh chấp hành nghiêm Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tuớng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung diện, chất độc trong khai thác thủy sản; phối hợp các địa phương có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ nuôi tôm, nhằm đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra./...

Trang Hoàng Thọ


Tiền Giang: Mở rộng diện tích nuôi thủy sản trên vùng ảnh hưởng lũ

Nguồn tin: TG, 7/9/2007
Ngày cập nhật: 10/9/2007

Hiện nay, huyện Cai Lậy, Cái Bè đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt theo các mô hình tôm – lúa, cá – lúa, nuôi cá đồng mùa lũ lên xấp xỉ 2.500ha với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 25.000 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Các xã vùng trũng tiếp giáp với Đồng Tháp Mười nằm về phía Bắc quốc lộ 1 như: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Phú, Mỹ Trinh, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B của huyện Cái Bè; Tân Hội, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây của huyện Cai Lậy có phong trào nuôi thủy sản nước ngọt trên chân ruộng vào mùa lũ lụt mạnh mẽ nhất. Các giống thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao đang được chọn đưa vào cơ cấu nuôi phổ biến gồm: tôm càng xanh, cá rô đồng, cá lóc, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính…

Để hỗ trợ nông dân thành công trong các mô hình sản xuất mới, các địa phương đã tập trung cho công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, (khuyến nông, khuyến ngư), xây dựng những điểm trình diễn để bà con tham quan học tập, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của ngành thủy sản, hai dự án nuôi thủy sản vùng lũ quy mô vài trăm ha đang được tỉnh triển khai tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) và Tân Hội (huyện Cai Lậy). Ngoài ra, nhiều nông dân còn nhạy bén chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang ương dưỡng cá giống cung ứng nhu cầu nuôi khu vực ĐBSCL cho thu nhập cao 4 – 5 lần so với độc canh cây lúa.

Nguồn: Báo Ấp Bắc


Tiền Giang: Mở rộng diện tích nuôi thủy sản trên vùng ảnh hưởng lũ

Nguồn tin: TG, 7/9/2007
Ngày cập nhật: 10/9/2007

Hiện nay, huyện Cai Lậy, Cái Bè đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt theo các mô hình tôm – lúa, cá – lúa, nuôi cá đồng mùa lũ lên xấp xỉ 2.500ha với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 25.000 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Các xã vùng trũng tiếp giáp với Đồng Tháp Mười nằm về phía Bắc quốc lộ 1 như: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Phú, Mỹ Trinh, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B của huyện Cái Bè; Tân Hội, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây của huyện Cai Lậy có phong trào nuôi thủy sản nước ngọt trên chân ruộng vào mùa lũ lụt mạnh mẽ nhất. Các giống thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao đang được chọn đưa vào cơ cấu nuôi phổ biến gồm: tôm càng xanh, cá rô đồng, cá lóc, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính…

Để hỗ trợ nông dân thành công trong các mô hình sản xuất mới, các địa phương đã tập trung cho công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, (khuyến nông, khuyến ngư), xây dựng những điểm trình diễn để bà con tham quan học tập, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của ngành thủy sản, hai dự án nuôi thủy sản vùng lũ quy mô vài trăm ha đang được tỉnh triển khai tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) và Tân Hội (huyện Cai Lậy). Ngoài ra, nhiều nông dân còn nhạy bén chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang ương dưỡng cá giống cung ứng nhu cầu nuôi khu vực ĐBSCL cho thu nhập cao 4 – 5 lần so với độc canh cây lúa.

Nguồn: Báo Ấp Bắc


Sóc Trăng: Dân đóng đáy trúng tôm sú tự nhiên; Kiên Giang: Sò lông nhiễm độc tố, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Nguồn tin: SGGP, 07/09/2007
Ngày cập nhật: 9/9/2007

Sóc Trăng: Dân đóng đáy trúng tôm sú tự nhiên

Liên tục những ngày qua, nhiều hộ làm nghề đóng đáy (đặt đáy) trên sông ở huyện Vĩnh Châu trúng lớn. Dọc theo các con sông đổ ra biển Vĩnh Châu, người dân đóng đáy ngoài chuyện bắt được tép bạc, cá kèo… lại thu được tôm sú rất nhiều. Bình quân, các hộ bắt 2 - 3 kg tôm sú/ngày, thu nhập từ 200.000 đồng/ngày trở lên.

Ông Nguyễn Văn Minh, sống nhờ nghề đóng đáy ở Vĩnh Châu cho biết, lâu rồi dân đóng đáy mới trúng được tôm sú nhiều như vậy. Điều này cho thấy ngành thủy sản thả tôm giống tự nhiên hàng năm phát huy hiệu quả.

Kiên Giang: Sò lông nhiễm độc tố, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang cho biết: Sò lông ở vùng Bà Lụa, huyện Kiên Lương bị nhiễm độc tố những ngày qua gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, do rớt giá và khó tiêu thụ. Hiện nay, môi trường ở các bãi sò lông đã bình thường trở lại. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có văn bản cho phép Kiên Giang thu hoạch sò lông tại vùng Bà Lụa xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Canada… (trừ thị trường EU).

Theo đó, ngành chức năng phải lấy mẫu giám sát hàm lượng Cadimi trong sò lông phù hợp với quy định của thị trường nhập khẩu. Từng lô hàng khi kiểm tra đạt yêu cầu mới được xuất khẩu. Chi phí phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và Cadimi do doanh nghiệp xuất khẩu chi trả…

H.P.L


Cà Mau: Cần hơn 35 tỉ đồng để thực hiện chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản

Nguồn tin: CT, 6/9/2007
Ngày cập nhật: 9/9/2007

Thực hiện Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản thỏa thuận nội dung với Bộ NN & PTNT về Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau giai đoạn 2007 - 2010.

Danh mục các dự án của Chương trình gồm: Dự án truyền thông về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Dự án xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ; Dự án xây dựng khu bảo tồn thủy sản Đầm Thị Tường; Dự án xây dựng mô hình quản lý vùng nuôi nghêu có sự tham gia của cộng đồng tại ven biển xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; Dự án điều tra nghiên cứu giải pháp phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; Dự án xây dựng và quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.

Nhu cầu vốn đầu tư thực hiện chương trình này khoảng 35,38 tỉ đồng.

THU THÙY


Ra biển săn “vua”

Nguồn tin: VNN, 8/9/2007
Ngày cập nhật: 9/9/2007

Bà con ngư dân vùng ven biển Quảng Nam gọi tôm hùm con là “vua”. Mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu của ngư dân đã đổ xuống vì tranh giành lãnh địa để săn những “ông vua, bà vua” nhỏ như que tăm. Mã tấu, thuốc nổ phòng thân là hai vật không thể thiếu trong mỗi chuyến đi săn "vua" của bất kỳ thợ săn nào...

Tôi đi săn “vua”

8h sáng một ngày tháng 7, theo chân những ngư dân lão luyện vùng bãi ngang xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tôi xuất hành ra biển để đi săn “vua”.

Trước khi lên đường trên chiếc tàu không số xuất bến tại bãi Bấc (Tam Hải), lão ngư Hồ Văn Hồng (năm nay đã 60 tuổi, quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), người đem cái nghề săn tôm hùm con truyền cho bà con ngư dân ở Núi Thành bảo rằng, cái nghề này ngó dễ ăn là vậy, nhưng cũng lắm gian nan. Bởi vì, săn gần bờ nên sóng rất lớn, người nào có sức khoẻ mới chịu nổi.

Ngày, chúng tôi dong ghe chạy hết bãi này đến bãi khác để tìm nơi thả mành. Đêm đến, phải thức trắng để dò từng bãi rạn. Căng mắt, căng đầu theo dõi vùng rạn nào có tôm hùm con rời hang đi ăn. Lơ là một chút, hoặc không hiểu địa hình lòng biển, ghe mắc vào bãi rạn dễ thủng, rồi lưới bị rách, săn cả đêm chẳng được con nào…

Kinh nghiệm săn “vua” gần 15 năm qua mà ông Hồng có là bàn chân đầy vết sẹo lồi lõm do san hô cắt khi thuyền và lưới mắc vào bãi rạn, phải nhảy xuống biển lần mò gỡ.

Trên chiếc ghe mành không số tròng trành lướt sóng, ông Hồng kể về những hiểm nguy rình rập. Có những chuyến đi săn đong đầy... máu và mồ hôi của thợ săn. ”Để xác định được các bãi rạn có "vua”, cách bờ 4-5 hải lý, nhiều lúc phải lặn xuống biển để mò tìm các hang, nơi tôm hùm mẹ về trú đông sinh sản. Nhiều hang sâu trong bãi rạn, nếu không bơi giỏi, có sức khoẻ cũng như kinh nghiệm đi biển, rất dễ bị dòng nước ngầm dưới lòng biển cuốn vào hang, bỏ mạng không lấy được xác…” - ông Hồng kể.

Chuyện của anh Trần Văn Nam, một ngư dân lão luyện bỏ nghề câu mực, về theo ông Hồng học nghề săn “vua” hơn 2 năm nay: “Những tháng đầu tiên đi học nghề săn tôm hùm con thấy nản, bởi biển gần bờ sóng lớn, rồi cả ngày chạy long nhong, đêm thì căng mắt, sóng dập tơi bời, không phút nào yên. Đến đêm kéo mành, nhiều khi chỉ thấy toàn rong rêu. Nếu không kiên nhẫn thì rất dễ bỏ nghề…”

Chưa kịp nghe hết câu chuyện kể, chiếc ghe mành khựng lại, quay như chong chóng. Tôi ngã dụi đầu vào thành ghe, rồi nôn thốc, nôn tháo. Anh Nam ghìm máy giữ thăng bằng chiếc ghe mành và tránh những cơn sóng tới tấp đập vào mạn tàu.

"Lại gặp rạn san hô rồi…" - Nam bảo, và ra sức gồng người tìm cách đưa chiếc ghe thoát nạn mắc cạn. Mạn trước đầu ghe bị toác một đường dài, nước tràn vào. Vừa tát nước, Nam vừa xé toạc chiếc áo mặc trên người nhét vào lỗ thủng, rồi thả neo dùng dầu chai vá thành ghe...

Cuộc chiến săn “vua”: mã tấu và thuốc nổ!

Nghề săn “vua” chủ yếu ở cái đầu và đôi mắt. Cái đầu biết phán đoán thời điểm “vua” rời hang đi kiếm ăn theo dòng nước và đôi mắt biết vùng rạn san hô nào nhiều “vua” để thả mành chong đèn… Nguyễn Văn Xuân, một tay cự phách săn “vua” nổi tiếng tôi gặp giữa đêm trên một chiếc ghe mành không số kể cho tôi nghe nghề săn “vua” mà anh đã từng trải hơn 6 năm qua.

Theo Xuân, kinh nghiệm, lòng kiên nhẫn, vẫn còn thiếu đối với thợ săn “vua”. Nếu như không có can đảm, kết quả những chuyến săn cũng bằng không. Bởi, vùng bãi rạn ven bờ thì hẹp, người đi săn thì đông, những cuộc huyết chiến trên biển xảy ra hàng đêm trên vùng biển ngang dọc ven bờ từ Núi Thành, Quảng Nam đến Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Nếu không chịu chơi đối mặt thì dễ bị bắt nạt. Thậm chí bị cướp ngay số “vua” vừa săn được trên biển. Vào khuya ngày 4/3 vừa qua, tại bãi rạn gần bờ biển xã Tam Hải, Núi Thành xảy ra một vụ đánh nhau giữa ghe mành Quảng Nam và Quảng Ngãi vì tranh giành vùng biển để thả mành.

Khi trận huyết chiến xảy ra trên biển, cậy thế đông, 3 chiếc ghe mành của Bình Sơn, Quảng Ngãi đuổi đánh một chiếc ghe mành không số tại Tam Tiến, Núi Thành. Cùng đường, trên đường tháo chạy, chiếc mành không số đã giở “tuyệt chiêu” dùng trái nổ tự tạo đánh chặn đường, nên thoát thân.

Trước đó mấy ngày, một ghe mành ở Bình Sơn, Quảng Ngãi trúng đậm trong một mành vừa kéo từ biển lên với hơn 60 “vua”. Tưởng trúng m ánh, đang thu mành, dỡ đèn để vào bờ, thì bất ngờ hai chiếc mành không số áp sát mạn, và 8 người lạ mặt nhảy lên dùng mã tấu để cướp toàn bộ số “vua” vừa săn được, trước sự ngỡ ngàng của 4 ngư dân.

Vẫn chưa hết, hàng loạt vụ thanh toán nhau để tranh giành lãnh địa ngoài khơi xảy ra hằng đêm, chỉ cần phát hiện vùng bãi rạn nào có “vua” xuất hiện, là lập tức hàng trăm ghe mành kéo đến chong đèn thả mành. Chỉ cần va quẹt nhau một chút, hay ánh sáng dàn đèn cao áp lệch góc pha vào tàu khác là có chuyện. Xuân kể, ở trên biển vẫn đang tồn tại luật ngầm mạnh được yếu thua. Các ghe mành thường hằm hè nhau, chỉ cần non gan một chút là phải nhường phần.

Bò sang ghe mành của Xuân, nhìn trong khoan là những tuýp sắt nằm lăn lóc bên đống mành. Xuân bảo: ”Chuẩn bị đồ nghề để phòng thân thôi mà, nếu cùng đường thì dùng “hạt nhân” (trái nổ tự tạo), được ăn cả, ngã về không, sợ chi…”.

Trong miên man câu chuyện săn “vua” giữa đêm ngoài khơi đèn sáng trưng như thành phố nhỏ, bất chợt, Xuân thở dài sau khi kéo mành chỉ toàn rong rêu, rồi bảo: ”Cái nghề săn “vua” ni giống như mò kim đáy bể mà…”

Sơ sẩy là trắng tay!

Cả đêm hơn 10 lần giở mành, nhóm của Xuân 4 người chỉ săn mới được 20 “vua”. Lập tức những “vua” được đưa vào thùng xốp, cho nước biển và bơm ôxy vào để bảo vệ, nếu chăm sóc không tốt, lỡ “vua” chết là coi như trắng tay.

Theo nhẩm tính của Xuân, với giá tại thời điểm một “vua” chỉ bằng que tăm là 200.000 đồng, thì cả nhóm bỏ gọn 4 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi người trong một ngày đêm săn kiếm cũng được 500 nghìn. Đó là giá bán cho đầu nậu chầu chực trên bờ, nếu đem đến tận trại nuôi ở Khánh Hoà, Phú Yên… giá mỗi “vua” lên đến 300 nghìn đồng. Thời điểm trước Tết, “vua” bị đầu nậu ép giá, có thời điểm xuống chỉ còn khoảng 120 nghìn đồng.

Các ngư dân lão luyện bảo nghề săn “vua” như mò kim đáy bể. Nhưng cũng rất đơn giản và không khó lắm, chỉ cần chong đèn, thả mành lựa hướng nước chảy và biết nơi nào “vua” đi là được.

Nhiều đêm trúng lớn kiếm được chục triệu bạc dễ như trở bàn tay. Nhưng cũng có đêm về tay không. Anh Trần Duy Thiện học nghề săn “vua” từ những tháng năm đi làm biển thuê cho một số tàu ở Quảng Ngãi, cách đây 4 năm, anh về lại quê và tổ chức anh em trong gia đình đi săn “vua". Có đêm anh trúng đậm, chỉ một lần kéo lên đã có 30 đến 40 “vua” sa vào mành.

Lúc đầu những người đi với anh thấy kéo mành lên toàn rong rêu, đã có người bỏ về. Nhưng anh bảo trong đống rong rêu ấy phải thận trọng, bởi hàng chục “vua” mắc trong đó, phải người có nghề, với cặp mắt tinh tường mới phát hiện những “bà vua”, “ông vua” nhỏ như cọng tăm, với thân hình trong suốt đang ẩn nấp dưới đống mành đầy rong rêu. Nếu không kịp đưa “vua” ra khỏi mành chăm sóc thì coi như công cốc.

Đã có lần anh tiếc đứt ruột vì mấy bạn chài của mình vô tình đã dẫm đống mành vừa kéo lên, phía trong đống mành ấy là một ổ “vua” bị đạp bẹp dí. Lần đó, cả ghe mành anh bỏ ăn, bỏ ngủ vì tiếc của. Anh Thiện bảo: "Mỗi đêm, chỉ cần săn được “10 vua” là sống được rồi, hơn hẳn nghề ra khơi cả tháng không vào bờ, chắc chi kiếm được vài trăm ngàn đồng…".

Còn ông Hồ Văn Hồng thì khoe, trong mùa săn Tết năm 2006, trong vòng chưa đầy 1 tháng ông kiếm được hơn chục triệu đồng. Năm nay người đánh bắt quá đông, nhưng riêng ông từ trước Tết đến nay trúng đậm, kiếm cũng được kha khá. Cũng theo ông Hồng, hàng trăm ngư dân có nghề săn “vua” như ông, sau hơn 5 năm đã tích góp dựng được nhà, sắm riêng được ghe mành…

Kết thúc một ngày đêm vật lộn với sóng gió không hề chợp mắt, tôi theo một ghe mành cập bến bãi Bấc xã Tam Hải. Trời chưa sáng, nhưng trên bờ rất đông người thu mua “vua” từ các nơi đổ về hình thành một chợ trên bãi biển. Chị Nguyễn Thị Tư, quê Tam Hải, Núi Thành, một người chuyên đi buôn “vua” mấy chục năm nay bảo rằng có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Giá mỗi “vua” 180 nghìn đồng không phân biệt lớn nhỏ.

Nếu mua được, mỗi người chị bao ăn sáng kèm theo chai bia. Kết thúc buổi chợ, hàng chục đầu nậu buôn “vua” chỉ mua được vài chục “vua”. Riêng chị Tư mua được hơn 300 “vua” đưa vào thùng xốp bơm ôxy và lập tức chiếc xe ô tô con chờ sẵn nổ máy nhằm hướng Khánh Hoà đưa về các trại nuôi.

Ngoài khơi xa, hàng trăm ghe mành khác vẫn đang đi tìm, và săn "vua"...

Vũ Trung

Tôm hùm con hiện nay được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Khánh Hòa, Phú Yên... nơi có rất nhiều lồng nuôi tôm hùm thịt. Trước đây, ngư dân Tam Hải săn tôm hùm bằng nghề lặn. Đã có nhiều người bỏ mạng giữa biển . Kể từ 5 năm trở lại đây, nhiều ghe chuyển qua nghề mành săn tôm hùm con, bà con gọi là săn “vua”. Nghề săn “vua” thu hút nhiều đầu nậu đến từ Quảng Ngãi và hình thành hẳn một chợ “buôn bán vua” không kém phần xôn xao vào mỗi sáng tại bãi Bấc.

Nghị định số 123/2006/NĐ – CP qui định:“... Tuyến bờ là vùng biển được tính từ điểm cách bờ biển 6 hải lý. Tàu cá tuyến bờ đăng ký tại tỉnh nào chỉ được hoạt động trong tuyến bờ của tỉnh đó...” Tuy nhiên, vì nguồn lợi săn tôm hùm con quá lớn, nên bà con ngư dân bất chấp mọi qui định. Nhiều ghe mành từ các tỉnh đổ xô về vùng bãi rạn Núi Thành để săn tôm hùm con. Mỗi ngày đêm ước chừng 400 tàu thuyền tổ chức săn tôm hùm con tại đây, nên nguồn tôm hùm con ngày càng cạn kiệt.


Hỗn loạn thị trường thuốc thú y và thức ăn thủy sản

Nguồn tin: KHPT, 31/08/2007
Ngày cập nhật: 8/9/2007

Song song với cơn lốc đào ao nuôi cá tra, cá basa ồ ạt là sự bát nháo của hiện trạng mua bán thuốc thú y và thức ăn thủy sản. Vô số thuốc kháng sinh, thức ăn kém chất lượng, hóa chất xử lý nước chưa công bố chất lượng, chưa được phép lưu hành với bao bì nhãn mác không rõ ràng... đang gây nhiễu loạn thị trường ĐBSCL.

Thuốc thú y: nhãn mác đua nở

Mỗi khi tìm đến các đại lý thuốc thú y thủy sản, người nuôi không khỏi “hoa mắt” bởi hàng trăm tên thương mại, nhãn mác của các loại thuốc. Được đóng gói trong những bao bì “sạch, đẹp”, cùng một loại thuốc được gắn nhiều tên và nhiều công dụng khác nhau. Với cùng một loại thuốc, nhưng vì nhiều “lý lẽ” khác nhau, người bán có thể rao bán đó là thuốc thú y thủy sản hay thuốc trị bệnh cho gia súc, gia cầm. “Đã là kháng sinh thì tất nhiên trị bệnh cho cá mắm hay gà vịt cũng hiệu quả như nhau! ”- chủ đại lý S. ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) giải thích.

Với việc dùng decal, những bao thuốc không nhãn đã được gán cho bất kỳ tên gì và công dụng gì, đáng sợ là với những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, và tất nhiên không được phép lưu hành. Người bán có thể bóc nhãn từ một bao thuốc này và dán vào bất kỳ bao thuốc khác. Đó là cảnh buôn bán thuốc thủy sản của gần 80/112 đại lý, cửa hàng mà chúng tôi ghi nhận được khi theo chân đoàn thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp trong nửa đầu tháng 8/2007 vừa qua. Đoàn thanh tra đã tịch thu hàng trăm kilogram thuốc thú y thủy sản mà cán bộ chuyên ngành cũng không biết đó là thuốc gì, bởi trên bao bì không có nhãn mác. Đấy là chưa kể vô số các loại thuốc nhập khẩu chưa được phép lưu hành. Có những loại thuốc còn đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm cũng được bày bán công khai. Thanh tra Sở NN&PTNT Đồng Tháp thống kê, có trên 68% đại lý, cửa hàng vi phạm các lỗi như: kinh doanh thuốc thú y không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định, thuốc quá hạn dùng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y thủy sản không có chứng chỉ hành nghề.

Tình trạng trên phổ biến ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Đáp ứng nhu cầu rất lớn về lượng thuốc thú y thủy sản, các đại lý đã mọc lên như nấm, đặc biệt ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Chỉ tính riêng tại huyện Thốt Nốt của TP. Cần Thơ, ngành chức năng cũng đã phát hiện phân nửa số đại lý hiện có (36/70) vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản. Vi phạm với quy mô lớn là các đại lý Tr. Th., H.H., K.D.

Thức ăn thủy sản: co giãn theo lòng tham

Theo thanh tra Sở thủy sản An Giang, lực lượng kiểm tra liên ngành đã phát hiện hàng chục thương hiệu thức ăn thủy sản kinh doanh gian lận. Hình thức gian lận phổ biến nhất là các loại thức ăn có hàm lượng đạm thấp hơn so với con số công bố trên bao bì. Ví dụ: nhãn hiệu Gold Feed 918 có hàm lượng đạm thấp hơn 3,2% so với số công bố; Én Vàng gian lận 2,5%, Vihaco - Trà Vinh gian lận tới 28,7%... 14 loại thức ăn được lấy mẫu phân tích đều bị phát hiện gian lận. Công ty sản xuất thức ăn Việt - Bỉ bị phạt hai lần vẫn còn cố tình vi phạm. Tất cả các mẫu thức ăn được lấy mẫu phân tích đều bị phát hiện gian lận.

Theo một chủ đại lý thức ăn ở Long Xuyên (An Giang), các công ty sản xuất chấp nhận chịu phạt, và họ sẵn sàng chi hoa hồng thật cao cho các đại lý để tung ra các loại sản phẩm gian lận kiểu này.

Nhà nông chịu thiệt

Toàn vùng ĐBSCL hiện có hàng chục ngàn cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao theo đà phát triển nóng của ngành nuôi cá tra, basa xuất khẩu. Có vẻ như ngành chức năng quản lý chưa theo kịp sự đua nở của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và trong khi chờ đợi các cơ chế chính sách ổn định để phát triển bền vững, dư luận đang đòi hỏi phải có biện pháp mạnh đối với những cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh theo kiểu “đục nước béo cò”.

HOÀNG NGUYÊN - PHƯƠNG ANH


Sản xuất cá thác lác giống – Dự án hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng

Nguồn tin: BRVT, 6/9/2007
Ngày cập nhật: 8/9/2007

Dịch vụ tín dụng ngân hàng được xem là “trợ thủ” đắc lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn đầu tư của doanh nghiệp trên bước đường phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh. Dự án sản xuất cá thác lác giống của Công ty cổ phần Thủy sản XNK Côn Đảo là một điển hình về sử dụng vốn tín dụng đạt hiệu quả.

Mặc dù là một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng cách đây hơn 3 năm, tháng 8-2004, Công ty Thủy sản Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) đã triển khai dự án “Sản xuất cá thác lác giống và nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt” tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Dự án được thực hiện với sự liên kết giữa Coimex với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Thơ và trường Đại học Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án là 1,7 tỷ đồng chi cho các hạng mục: mua 7.500m2 đất ngập nước tại xã Thạnh Hòa, đào ao, xây nhà xưởng và bể ấp trứng cá giống, làm hàng rào bảo vệ, xây dựng đường dây điện 3 pha-220Kv dài gần 1.000m từ tỉnh lộ vào tận cơ sở, các công trình phụ trợ khác.

Vấn đề then chốt của việc triển khai dự án là nguồn vốn đầu tư. Nhưng năng lực tài chính của công ty tại thời điểm đó phải phân bổ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, nên không đáp ứng được hết toàn bộ nhu cầu về vốn của dự án. Công ty Coimex đã liên hệ với Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bà Rịa-Vũng Tàu và được tài trợ tín dụng 800 triệu đồng, nhờ vậy dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Đến giữa năm 2005, trại cá giống Thạnh Hòa của Coimex đã sản xuất thành công mẻ đầu tiên giống cá “thác lác cườm”, một loại thủy sản nước ngọt phẩm chất thịt ngon, có giá trị thương phẩm cao. Hoạt động sản xuất cá thác lác của Trại cá giống Thạnh Hòa luôn được hỗ trợ tích cực về kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Thơ, nhờ vậy, sản lượng cá giống xuất trại ngày càng tăng với chất lượng con giống tốt.

Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong môi trường nuôi đáp ứng các yêu cầu về đất đai thổ nhưỡng và nguồn nước, diện tích mặt nước, mật độ nuôi và chế độ thức ăn hợp lý, giống cá thác lác có thể đạt đến trọng lượng từ 0,8kg đến 1kg/con sau 6-8 tháng nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Hiện nay, tại các chợ, cá thác lác có giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg cá tươi, 120.000-140.000 đồng/kg thịt cá nạo thành phẩm. Với giá trị thương phẩm của con cá thác lác khá cao như vậy, bà con nông dân các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tìm đến trại cá Thạnh Hòa để mua cá giống, học hỏi quy trình nuôi cá thác lác thương phẩm.

Mặc dù đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật trại cá Thạnh Hòa chỉ có 16 người, nhưng sản lượng cá giống xuất trại năm 2006 đã vượt mức 1 triệu con, doanh thu gần 1,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2007, trại sẽ sản xuất 2 triệu con cá giống và 50.000 con cá thương phẩm (tương đương 40 tấn cá thịt), lợi nhuận 850 triệu đồng.

Ông Lê Văn Kháng, Giám đốc Công ty Coimex cho biết: Mặc dù sản lượng cá giống thác lác do trại cá Thạnh Hòa sản xuất ngày càng tăng, nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của bà con nông dân. Do vậy, Công ty đã thuê thêm 6.000m2 đất để thả nuôi cá bố, mẹ nhằm bảo đảm nguồn giống nhiều hơn; thuê 10.000m2 đất để nuôi cá thương phẩm góp phần tăng thêm lợi nhuận. Dự án nuôi cá thác lác đạt hiệu quả không chỉ về lợi nhuận của công ty, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho khá nhiều bà con nông dân qua việc đầu tư nuôi cá thác lác thương phẩm. Sự thành công của dự án có phần góp sức của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bà Rịa-Vũng Tàu qua việc tài trợ vốn tín dụng.

Nhựt Thanh


Để nghề nuôi cá phát triển bền vững...

Nguồn tin: KTSG, 7/8/2007
Ngày cập nhật: 7/9/2007

ĐBSCL là nơi có điều kiện thuận lợi để nuôi cá tra và cá ba sa. Tổng diện tích nuôi cá tra, cá ba sa trong toàn khu vực hiện đã lên đến 5.000 héc ta. Các tỉnh có diện tích nuôi tập trung nhiều nhất là An Giang (1.156 héc ta), Đồng Tháp (885 héc ta), Cần Thơ (965 héc ta), Vĩnh Long (274 héc ta), Sóc Trăng (100 héc ta), và Bến Tre (120 héc ta)... Năm 2001 tổng sản lượng cá tra, cá ba sa của toàn vùng mới chỉ là 110.000 tấn, thì đến năm 2004 là 264.436 tấn, năm 2006 là 825.000 tấn và dự báo năm 2007 sẽ vượt quá con số 1 triệu tấn, bằng sản lượng quy hoạch cho đến năm 2010 theo các tính toán trước đây. Tuy nhiên, tác động từ việc nuôi cá tra và cá ba sa đến môi trường nước và hệ sinh thái đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi, các hóa chất vệ sinh cải tạo ao nuôi, các vật tư chuyên dụng như vôi bột, chế phẩm sinh hóa học, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng... Các nguồn chất thải này chưa được xử lý triệt để và thải trực tiếp ra môi trường. Số liệu điều tra cho thấy chưa đến 40% lượng thức ăn cho cá được chuyển hóa thành sản phẩm, phần còn lại được thải loại dưới dạng thức ăn dư thừa thối rữa. Một điểm đáng quan tâm nữa là chất thải trong việc nuôi cá thâm canh và nuôi công nghiệp có thể chứa trên 45% thành phần nitrogen và 22% thành phần các chất hữu cơ dễ phân hủy và các chất độc hại khác có trong chất thải, là nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm suy giảm chất lượng nước ở các sông rạch và dễ lây lan trên diện rộng. Đây là nguồn chất thải cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra sự biến đổi chất lượng nước trên sông rạch, đặc biệt là dọc theo sông Tiền, sông Hậu và vùng hạ lưu sông Mêkông. Những năm gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi trồng phát sinh ngày càng mạnh là một tiếng chuông báo động cần hết sức lưu ý.

Để bảo đảm phát huy lợi thế nuôi cá tra và cá ba sa ở ĐBSCL phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu đồng thời đảm bảo sự bền vững và an toàn của môi trường, cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản.

Cần xác định nuôi cá tra, cá ba sa ở khu vực ĐBSCL là một lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế, nhưng đồng thời có tác động bất lợi cho môi trường sinh thái. Cần coi đó là vấn đề trọng tâm để tập trung xử lý các nguồn chất thải một cách triệt để.

Song song đó, cần tiến hành quy hoạch hợp lý diện tích nuôi cá tra và cá ba sa ở khu vực ĐBSCL trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng kết hợp với các yêu cầu cơ bản về bảo vệ môi trường, tiếp cận các kiến thức sinh thái học môi trường cũng như các giải pháp kỹ thuật công nghệ để bảo vệ môi trường và đảm bảo khả năng cân bằng của tự nhiên. Quy hoạch phát triển sản xuất gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái là cơ sở vững chắc đảm bảo phát triển nghề nuôi cá ở các mô hình canh tác khác nhau như nuôi lồng, nuôi bè trên sông rạch, nuôi trong các ao hồ, khoanh nuôi ở các đầm trũng và bãi bồi, nuôi đăng quầng ở ven sông...

Bên cạnh đó, vấn đề công nghệ nuôi cá gắn liền với xử lý môi trường cũng cần được quan tâm. Đối với mô hình nuôi thâm canh mật độ cao hay nuôi công nghiệp, vấn đề cơ bản là phải bố trí quy trình nuôi hợp lý nhằm đảm bảo xử lý được nước cấp đưa vào nuôi và xử lý triệt để nguồn nước thải, bùn thải ao nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Các giải pháp bố trí diện tích ao lắng khử trùng, ao lọc sinh học nước thải, hố thu hồi và xử lý bùn thải... để quản lý và xử lý các nguồn chất thải trong quy trình nuôi cá cần được phổ biến và triển khai rộng rãi. Đối với loại hình nuôi bè, nuôi đăng quầng thì cần tập trung nghiên cứu quy định mật độ nuôi, quản lý chất lượng cũng như số lượng thức ăn và các nguồn vật tư đưa vào vừa đủ đối với mật độ cá nuôi, đồng thời kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý nước để phân hủy nhanh và loại bỏ kịp thời các thành phần độc hại. Việc áp dụng nhanh kỹ thuật nuôi cá đáp ứng vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ Thủy sản và theo tiêu chuẩn SQF 1000CM đối với vùng nuôi thủy sản chất lượng-an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức cần thiết và cần triển khai rộng rãi trong toàn khu vực.

Trong thực tế, ở Cần Thơ đã triển khai mô hình này và kết quả cho thấy tiết kiệm được 40% chi phí nhờ hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Ngoài ra, khi nuôi với mật độ thấp, cá rất mau lớn và có kích thước đồng đều, ít phát sinh bệnh tật, chất lượng thịt cá đạt cao hơn so với lối nuôi truyền thống.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi, các hóa chất vệ sinh cải tạo ao nuôi, các vật tư chuyên dụng như vôi bột, chế phẩm sinh hóa học, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng...

Phạm Đình Đôn - Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ


HTX thủy sản Đồng Tâm (Bến Tre) khai thác gần 7 tỉ đồng nghêu

Nguồn tin: BtreTV, 6/9/2007
Ngày cập nhật: 7/9/2007

6 tháng đầu năm 2007, Hợp tác xã thuỷ sản Đồng Tâm xã Thừa Đức, huyện Bình Đại đã khai thác gần 500 tấn nghêu thương phẩm, doanh thu khoảng 7 tỷ đồng.

Bình quân mỗi xã viên được chia 490 ngàn đồng, giải quyết trên 12 ngàn ngày công lao động với số tiền 857 triệu đồng. Từ nguồn quỹ phúc lợi, Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm đã đầu tư xây dựng một nhà tình nghĩa trị giá 24 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay mặc dù thời tiết thay đổi bất thường, có thời điểm nước bị nhiễm dầu, nhưng con nghêu của hợp tác xã không bị ảnh hưởng. Công tác bảo vệ luôn được củng cố, phân công, giao việc phù hợp với khả năng của từng người, nhờ đó sân nghêu được bảo vệ an toàn, không có trường hợp trộm nghêu nào xảy ra. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm khai thác và tiêu thụ khoảng 1.200 tấn nghêu thương phẩm, đạt doanh thu 12 tỷ đồng.


Quỳnh Lưu (Nghệ An): Hiệu quả những mô hình khuyến nông

Nguồn tin: Nghệ An, 6/09/2007
Ngày cập nhật: 7/9/2007

Có thể nói, từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản ở Quỳnh Lưu đạt kết quả khá tốt. Đặc biệt là vụ nuôi tôm, lúa hè thu đều giành thắng lợi. Đạt được thành tích đó một phần không nhỏ là nhờ vào công sức của Trạm khuyến nông huyện.

Ông Nguyễn Anh Hùng-Trạm trưởng trạm khuyến nông cho biết: Từ đầu năm đến nay thời tiết không thuận, nắng hạn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng, vật nuôi. Trạm đã tham mưu cho huyện góp phần xây dựng đề án sản xuất, chỉ đạo kịp thời các diễn biến ảnh hưởng đến sản xuất, vì vậy Nông -Lâm-Ngư nghiệp vẫn dành thắng lợi. Đặc biệt là xây dựng được nhiều mô hình có hiệu quả, như mô hình sản xuất cánh đồng mẫu và sản xuất thử nghiệm giống lúa lai mới D.ưu 725 tại xã Quỳnh Hậu quy mô 7 ha. Khảo nghiệm diện rộng lúa lai 2308 tại 17 đơn vị quy mô 50 ha. Triển khai hàng loạt các mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Như mô hình nuôi cá tra thương phẩm tại Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, nuôi tôm he chân trắng tại Quỳnh Thuận -An Hoà. Bên cạnh đó là các mô hình nuôi bò hàng hoá cho hộ nghèo tại xã Quỳnh Trang (hỗ trợ 20 con bò/ cho 20 hộ). Trồng cây thanh long tại Quỳnh Lộc nuôi cá mú, ốc hương, tôm hùm bông tại Quỳnh Lập, Trạm còn hướng dẫn có hiệu quả cho bà con nuôi ngao biển dành nhiều vụ liên tiếp thắng lợi. Trước đây bà con thường hay thả mật độ ngao dày, dẫn đến tình trạng ngao dịch bệnh chậm lớn. Trạm đã chỉ đạo bà con thả thưa, luân chuyển vùng nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay trên 100 ha bãi nuôi ngao biển đều đạt năng suất từ 18-20 tấn ngao/ha. Trạm còn tư vấn sản xuất tôm sú sạch bệnh cho 46 trại sản xuất tôm giống. Hạn chế không sử dụng hoá chất, đưa chế phẩm vi sinh vào áp dụng. Hàng năm sản xuất được 170 triệu con tôm giống sạch an toàn. Ngoài ra, Trạm khuyến nông còn hướng dẫn cho bà con nuôi tôm các quy trình kỹ thuật, xử lý cải tạo ao đầm, theo dõi sử dụng thức ăn, nuôi với mật độ vừa phải.

Trạm rất coi trọng công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Được biết từ đầu năm 2007 đến nay, Trạm đã tập huấn cho nông dân 120 lớp với hơn 11.000 lượt người tham gia về kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tập huấn nghiệp vụ, khuyến ngư là 13 lớp với 1020 lượt người về kỹ thuật nuôi cá thâm canh.

Từ nay đến cuối năm, Trạm khuyến nông Quỳnh Lưu tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình mới như: mô hình nhân giống lạc mới vụ đông; theo dõi hơn 10 mô hình nuôi trồng thuỷ sản... Mở 5 lớp tập huấn cho hệ thống khuyến nông viên về nghiệp vụ tuyên truyền kỹ thuật.

Văn Trường


Thành công mới trong việc nuôi các loại cá nước lợ ở TP Huế

Nguồn tin: ND, 6/9/2007
Ngày cập nhật: 7/9/2007

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đa dạng hoá đối tượng nuôi trên vùng đầm phá, hai huyện Phú Vang, Phú Lộc vừa thử nghiệm thành công mô hình nuôi nhiều loại cá nước lợ trong ao hạ triều cùng một lúc. Các loại cá nước lợ hỗn hợp thường được nuôi là cá kình, cá đối, cá ong, cá dày, đều là những loại cá ngon có tiếng của vùng đầm phá.

Sau từ hai, ba tháng nuôi cá hỗn hợp, người nuôi đã thu hoạch năng suất cá khoảng 1,8 tấn/ha, lãi ròng hơn 10 triệu đồng. Mô hình này có ưu thế vì chi phí thấp, hình thức nuôi đơn giản, cá giống và thức ăn dễ kiếm, tỷ lệ rủi ro ít, mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường.

Trong bối cảnh người nông dân ở Thừa Thiên-Huế mấy năm qua lao đao vì tôm nuôi thường xuyên bị bệnh, tỉnh hiện còn hàng trăm ha nuôi tôm ở vùng ao hạ triều để hoang, vì thế thành công của các mô hình nuôi cá nước lợ hỗn hợp này mở ra hướng phát triển mới trong việc nuôi thuỷ sản của tỉnh. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

TRẦN NGUYÊN


ĐBSCL: Sản xuất nhân tạo thành công giống cá chốt trắng

Nguồn tin: TP, 4/09/2007
Ngày cập nhật: 6/9/2007

Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ vừa thực hiện thành công trong việc kích thích sinh sản nhân tạo, ấp nở và ươm nuôi ấu trùng cá chốt trắng (Mystus Planiceps).

Tiến sĩ Trần Ngọc Hải - Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản cho biết: Cá chốt bố mẹ nuôi vỗ một tháng đạt trọng lượng trung bình 25g/con cho nở khoảng 10.000 cá bột, cá bột ươm dưỡng 4 tuần đạt kích cỡ 2,5 cm, tỷ lệ sống đạt 80 - 90%.

Cá chốt trắng có thịt ngon, ngọt, giá trị kinh tế cao là đặc sản của ĐBSCL sống ở vùng nước lợ cửa sông ven biển và cả vùng nước ngọt.

Đến nay, sau 4 đợt sản xuất thử nghiệm Bộ môn đã cung cấp được gần 90.000 con cá chốt giống để nuôi thử nghiệm cá thịt tại tỉnh Sóc Trăng.

Diệu Hiền


Một số khuyến cáo cho người ương cá giống sạch bệnh

Nguồn tin: AG, 5/9/2007
Ngày cập nhật: 6/9/2007

Chưa có lúc nào mà nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh An Giang có tốc độ phát triển như hiện nay. Theo số liệu chưa đầy đủ của Sở Thuỷ sản tỉnh cho biết, đầu năm 2006 tỉnh An Giang có trên 1.800 ha đất nuôi trồng thuỷ sản, đến đầu năm 2007 tỉnh An Giang tăng thêm 780 ha và hiện nay diện tích tăng thêm là 1.200 ha, tăng 44% so với cùng kỳ đưa diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt xấp xỉ 3.000 ha, tăng gần gấp đôi so với 2 năm trước đây. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng nên nhu cầu con giống cũng tăng theo, đến nay tỉnh An Giang có khoảng 150 ha sản xuất giống, mỗi năm cung cấp khoảng 300 triệu con giống góp phần phát triển thuỷ sản tỉnh nhà. Tuy nhiên để có được con giống sạch bệnh đạt chất lượng tốt phục vụ sản xuất, vẫn còn nhiều lúng túng ở khâu kỹ thuật ương giống khi thời tiết thay đổi tỷ lệ giống hao nhiều đây là vấn đề quan tâm của nghề ương cá giống .

Hiện nay tỉnh An Giang có trên 1.500 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản với trên 1.150 hộ bình quân mỗi năm các cơ sở sản xuất có thể cung ứng khoảng 300 triệu con giống thuỷ sản các loại. Xã Vĩnh Hoà huyện Tân Châu là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất cá giống trong tỉnh. Hiện toàn xã có 210 hộ sản xuất cá giống với diện tích trên 48 ha, tăng gấp 2 lần so với năm trước. Bình quân mỗi tháng các cơ sở giống ở xã Vĩnh Hoà sản xuất trên 200 muôn cá cung cấp cho hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh như Tiền Giang, Bế Tre, Trà Vinh, Hậu Giang và Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Thuận, ngụ ở ấp Vĩnh Thạnh A xã Vĩnh Hoà cho biết, gia đình ông có 4 ao ương cá giống, mỗi năm ông sản xuất 2 vụ cá giống khoảng 300 muôn, năm 2.006 và đầu năm nay do nuôi trồng thuỷ sản các nơi tăng mạnh nên sản xuất cá giống thu lời khá, bình quân mỗi vụ sau khi xuất bán giống, trừ chi phí ông Thuận có thể kiếm lời từ 40 đến 50 triệu đồng. Riêng vụ sản xuất thứ 2 trong năm gặp thời tiết mưa bão làm cá bị shook nên tỷ lệ giống đạt không cao chỉ trên dưới 10%, trong khi đó nhu cầu giống giảm và lượng giống bán ra cũng giảm nên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng.

Còn anh Nguyễn Văn Sang, ngư dân chuyên ương cá tra giống ở xã Vĩnh Hoà thì cho biết, trước đây gia đình anh chuyên vớt cá bột thiên nhiên để ương giống nên rủi ro cao, từ khi có cá bột lai tạo nên tỷ lệ ương giống rất thành công. Với 2 ao diện tích trên 3.000 mét vuông mỗi năm anh sản xuất trên 50 muôn cá giống, bán thu nhập cũng khá cao. Đầu năm nay giá cá giống tăng cao tuy lượng giống ương chỉ đạt 25 muôn nhưng bán thu lời khá còn vụ ương giống thứ 2 do mưa nhiều và cách phòng bệnh chưa tốt nên cá bị bệnh gan mật có mũ và tỷ lệ chết cao, trên tổng số 200 muôn cá bột có thể chỉ đạt khoảng 5%.

Từ đầu năm đến nay, Sở Thuỷ sản phối hợp với Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Tân Châu mở 2 lớp tập huấn cho trên 50 ngư dân sản xuất cá giống ở xã Vĩnh Hoà về qui trình kỹ thuật ương giống cá sạch bệnh theo qui trình SQF 1000, qua đó đã giúp cho nhiều hộ sản xuất cá giống thành công. Điển hình là ông Trần Văn Hoàng, chi hội trưởng nghề cá Hoàn Thành xã Vĩnh Hoà huyện Tân Châu. Hiện ông Hoàng là chủ cơ sở sản giống cá giống Sự Thật ấp Vĩnh Thạnh A xã Vĩnh Hoà có trên 3.000 cặp cá giống bố mẹ và 15.000 mét vuông ương cá giống, mỗi năm ông sản xuất 300 triệu cá tra bột và 3 triệu con cá giống chất lượng phục vụ sản xuất. Một trong những yếu tố giúp ông Hoàng sản xuất cá giống thành công là áp dụng tốt qui trình kỹ thuật nuôi cá sạch bệnh theo tiêu chuẩn SQF 1000, nên chất lượng cá giống của ông rất ổn định và mới đây ông được Trung tâm nghiên cứu & sản xuất giống thuỷ sản tỉnh chọn làm điểm để cung cấp cá giống cho các nơi.

Còn anh Nguyễn Văn Đông, thành viên của chi hội nghề cá Hoàn Thành xã Vĩnh Hoà cho biết, 6 ao có diện tích trên 10.000 mét vuông, áp dụng kỹ thuật nuôi cá sạch tức là quản lý tốt môi trường nước, định kỳ phun thuốc sát trùng, thức ăn được anh bổ sung vitamine C giúp cá tăng sức đề kháng và đặc biệt trong những tháng mùa mưa này anh thường xuyên bón vôi dọc bờ ao để diệt khuẩn và cân bằng độ pH trong ao nhằm hạn chế tình trạng cá bị shook nên tỷ lệ ương giống cá của anh Đông rất thành công, đạt từ 20 đến 40%, trong khi đó bà con xung quanh ương giống chỉ đạt từ 5 đến 10%. Để có lượng giống liên tục, anh Đông bố trí thả cá bột mỗi ao cách nhau từ 20 đến 30 ngày, cách làm này vừa giảm áp lực đồng vốn đầu tư vừa hạn chế ảnh hưởng tác động của giá cả. Riêng năm 2.006 anh Đông đã cung cấp trên 100 muôn cá giống và những tháng đầu năm nay anh xuất bán trên 60 muôn hiện còn trên 50 muôn chuẩn bị xuất bán trong thời gian gần đây.

Xã Vĩnh Hoà hiện có gần 50 ha sản xuất cá giống, mỗi năm có thể cung cấp trên 100 triệu con cho ngư dân trong và ngoài tỉnh. Do số hộ mới tham gia nghề sản xuất giống tăng, việc tuân thủ qui trình kỹ thuật sản xuất giống sạch bệnh chưa đảm bảo nên tỷ lệ giống đạt thấp đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng con giống phục vụ chăn nuôi. Áp dụng qui trình sản xuất giống sạch bệnh tức là giống ấy sau khi thả nuôi phải đạt tỷ lệ sống cao và phát triển bình thường, muốn vậy hộ sản xuất cá giống cần lưu ý trước khi thả giống phải chuẩn bị ao kỹ vét vôi hết đáy bùn sau đó rãi vôi diệt cá tạp, khi cấp nước nên bơm nước một lần và xử lý diệt khuẩn trước khi thả cá, khi bắt đầu thả cá cần rãi muối hột xung quanh ao nhằm diệt mầm bệnh, sau đó sử dụng sữa, bột đậu nành men vi sinh trộn đều tạt vào ao để tạo vi sinh có lợi bổ sung thức ăn cho cá bột thời kỳ đầu, khi cho cá giống ăn, chọn thức ăn nhỏ vừa cở miệng để cá đốp mồi hạn chế lãng phí, cho lượng thức ăn vừa phải trong thức ăn cần trộn thên Vitamine C nhằm tăng sức đề kháng cho cá để chúng phát triển tốt. Trong thời điểm mưa dầm sau mỗi cơn mưa rãi vôi ngay dọc bờ ao và pha nước vôi tạt xuống ao vừa giúp diệt khuẩn vừa cân bằng độ phèn trong nước hạn chế cá bị sốc.

Để giảm rủi ro trong nghề sản xuất cá giống, theo giới chuyên môn ngành thuỷ sản thì chất lượng cá giống bố mẹ là yếu tố cần thiết để sinh sản cá bột khoẻ mạnh, bên cạnh đó người chăn nuôi phải thường xuyên học hỏi khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất, đồng thời biết cách quản lý tốt môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh xuất hiện trong mô hình sản xuất cá giống của mình. Hiện Ngành Thuỷ sản tỉnh đang triển khai dự án nuôi cá bố mẹ thiên nhiên kết hợp lai tạo với cá giống nhân tạo nhằm hạn chế tình trạng đồng huyết trong sản xuất giống thuỷ sản, tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất giống sạch bệnh cho ngư dân, hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp tốt góp phần thúc đẩy nghề sản xuất cá giống phát triển.

Trung Liêm


Kiên Giang: Sò lông được xuất khẩu trở lại

Nguồn tin: SGGP, 5/09/2007
Ngày cập nhật: 5/9/2007

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng vừa ký văn bản cho phép Kiên Giang thu hoạch sò lông tại vùng Bà Lụa, huyện Kiên Lương để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Hàn Quốc… Theo đó, ngành chức năng phải lấy mẫu giám sát hàm lượng Cadimi trong sò lông phù hợp với quy định của thị trường nhập khẩu.

Từng lô hàng sò lông khi kiểm tra đạt yêu cầu mới được xuất khẩu. Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP vào sáng nay, 5- 9, ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang cho biết: Đợt này, Kiên Giang sẽ thu hoạch khoảng 20.000 tấn sò lông, hiện nay môi trường tại các bãi sò lông đã tốt trở lại. Với việc cho phép khai thác và xuất khẩu, giá sò lông từ 400- 500đ/kg, sẽ tăng lên 1.000đ/kg, giảm thiệt hại cho người nuôi.

LỢI – ĐẠI


Bến Tre: Trại thực nghiệm sản xuất giống Long Hoà Bình Đại ương cá tra giống

Nguồn tin: BTre TV, 4/9/2007
Ngày cập nhật: 5/9/2007

Nhằm mở rộng sản xuất và cung cấp giống cá tra chất lượng cao cho người nuôi, Trại thực nghiệm sản xuất giống Long Hoà, huyện Bình Đại đang thực nghiệm 2 ao ương nuôi cá tra từ cá bột lên cá giống. Hai ao ương có tổng diện tích 2.200 m2, lượng cá bộ thả ương là 2,5 triệu con.

Hiện cá đạt trọng lượng 250 con/kg, tỷ lệ ương nuôi từ cá bột lên cá giống ước đạt 10%. Dự kiến thời gian ương khoảng 60 ngày, lượng cá xuất bán đạt 250.000 con, giá từ 400 đến 600 đồng/con. Theo đánh giá của cán bộ Trung tâm khuyến ngư Bến Tre, cá tăng trọng nhanh, tỷ lệ ương đạt khá cao, điều kiện môi trường phù hợp, chất lượng con giống tốt. Từ thành công này, sắp tới trại Long Hoà sẽ mở rộng diện tích ao ương lên 7.000m2 và ước đến cuối năm 2007 sẽ cung cấp cho người nuôi 500.000 con giống cá tra chất lượng cao.


Phú Yên: Một mô hình nuôi ốc hương hiệu quả

Nguồn tin: PY, 4/9/2007
Ngày cập nhật: 5/9/2007

Ốc hương - đặc sản biển được xem là một trong những món ngon cao cấp. Dù là loài dễ nuôi nhưng hiện nay cả tỉnh Phú Yên chỉ có 2 nơi là Vũng Rô (Đông Hòa) và Tân Thạnh (Sông Cầu) nuôi ốc hương. Trong đó, hộ ông Phạm Văn Cảnh (thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu) là hộ đầu tiên và cũng là duy nhất nuôi thành công loại đặc sản cao cấp “một vốn bốn lời” này...…

Khu vực biển Tân Thạnh có địa thế rất thuận lợi để nuôi loại thuỷ sản này: bốn mặt biển đều có núi bao bọc, khuất gió , mực nước lúc thủy triều lên cũng chỉ cao từ 2 – 3 m và đặc biệt là nguồn nước sạch, chưa bị ô nhiễm. Nơi này có trại nuôi ốc hương rộng hơn 400 m2 với hơn 100 lồng của gia đình ông Phạm Văn Cảnh. Theo ông Cảnh, ốc hương ăn rất ít, chỉ cần ăn một lần/ ngày vào sáng sớm. Thức ăn khoái khẩu của ốc hương là mùn bã hữu cơ, nếu không có thì thay thế bằng các loại thức ăn khác như tôm, cá, ghẹ... Ông còn “bật mí” thêm: Nuôi ốc hương không khó nếu biết chú trọng 2 khâu chính là thức ăn và vệ sinh lồng thường xuyên để tránh dịch bệnh. Hàng ngày cứ đúng 4giờ sáng, ông ra tận cảng cá cách nhà 10km để mua cá về làm thức ăn cho ốc. Mỗi ngày, cứ độ 4 – 5 giờ chiều là phải đãi màu, thay cát và bơm ô xy.

Nghề nuôi ốc hương đến với gia đình ông Cảnh rất tình cờ. Cách đây 3 năm, khi giá tôm hùm tăng cao, vợ chồng ông liền mua 6000 con tôm hùm giống về nuôi thử, không ngờ lãi cao. Vụ sau, ông quyết định đầu tư thêm 600 triệu đồng để mở rộng cơ sở nuôi tôm hùm. Không ngờ năm ấy tôm bị dịch, chết trắng đầm, gia đình ông lâm vào cảnh nợ ngập đầu. Trong cơn túng quẫn, tình cờ nghe tin ở Phú Quốc người ta nuôi ốc hương thành công, vợ chồng ông liền lặn lội ra tận đảo để mua cả trăm ký ốc hương mang về, rồi thế chấp căn nhà duy nhất cho ngân hàng để vay tiền mua trang thiết bị mới. Thật bất ngờ, khoảng 4 tháng sau, gia đình thu hoạch với sản lượng đạt gần 2 tạ ốc hương thương phẩm, thu về gần 60 triệu đồng. Từ vụ đầu thành công, năm 2006, ông tiếp tục thả với số lượng 250kg con giống, khi thu hoạch cho năng suất trên 1 tấn ốc thương phẩm, thu về trên 150 triệu đồng.

Nhờ vài vụ nuôi ốc thành công, gia đình ông đã trả hết nợ ngân hàng và đầu tư mở rộng diện tích khu nuôi ốc hương, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương với mức lương trung bình 800.000 đồng/tháng. Ông Cảnh cho biết: Nuôi ốc hương sợ nhất là ốc bị chết. Chỉ cần 1 con chết hay đang mang mầm bệnh lẫn trong những con giống tốt thì chắc chắn cả đàn giống sẽ bị hư. Khi ấy thiệt hại là rất lớn. Vì vậy, khi chọn mua ốc giống phải hết sức cẩn thận.

Từ kinh nghiệm mà mình có được, ông Cảnh khẳng định: “Nuôi ốc hương là hướng đi đảm bảo lợi ích về kinh tế lâu dài cho bà con trong tỉnh, nhưng hiện nay số hộ nuôi ốc hương vẫn còn rất ít. Mong rằng trong tương lai, việc nuôi ốc hương sẽ là hướng đi mới nhằm giúp cho bà con ta thoát nghèo.”

XUÂN HUY


Cà Mau: Ngư dân Đá Bạc trúng mùa ruốc

Nguồn tin: CMRTV, 4/9/2007
Ngày cập nhật: 5/9/2007

Những ngày qua, ngư dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời khẩn trương thu họach ruốc chín vụ. Đa phần các tàu công suất nhỏ, ven bờ đều chuyển sang đánh bắt ruốc. Tổng sản lượng thu hoạch ước tính hàng chục tấn ruốc tươi mỗi ngày. Với giá bán từ 2.000 – 3000 đồng/kg ruốc tươi và 15.000đ – 17.000 đồng/kg ruốc khô, ngư dân và những người phơi ruốc có thu nhập 5 – 7 triệu đồng/mùa ruốc kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.

Tuy nhiên, do thu hoạch đồng loạt, nhưng diện tích sân phơi có hạn, nhiều hộ dân gần khu du lịch Hòn Đá Bạc phơi ruốc tràn ra gần hết mặt đường. Thực trạng này vừa gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, vừa mất an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Dư Khanh


Bạc Liêu: Tồn đọng hơn 43.000 con cá sấu

Nguồn tin: TN, 03/09/2007
Ngày cập nhật: 4/9/2007

Tỉnh Bạc Liêu hiện còn tồn đọng hơn 43.000 con cá sấu của trên 600 hộ nuôi cá sấu không có đầu ra, trong đó có hơn 10.000 con cá sấu có trọng lượng vài chục kg/con, hiện rất cần bán, nhưng với giá thị trường mua chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg thì người nuôi cá sấu không có lãi.

Mặc dù thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động tìm kiếm, môi giới tới nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến da cá sấu, cũng như tìm đến thị trường các tỉnh phía Bắc, nhưng đến nay thị trường cá sấu ở Bạc Liêu vẫn đóng băng. Điều đáng quan tâm, hiện nay thị trường cá sấu chưa có đầu ra ổn định, nhưng phong trào nuôi cá sấu tự phát của người nuôi vẫn tiếp tục tăng, trong khi đó chính quyền, các ngành chuyên môn của các địa phương thiếu định hướng, thiếu quy hoạch phát triển sản xuất... và đầu ra cho loài động vật này rất khó khăn, do vậy nhiều hộ nuôi cá sấu đã bị thua lỗ nặng.

Theo TTXVN


Sông Cầu (Phú Yên): Thu hoạch 425 tấn tôm hùm thương phẩm; Người nuôi tôm hùm có kế hoạch bảo vệ lồng, bè

Nguồn tin: PY, 4/9/2007
Ngày cập nhật: 4/9/2007

Đến nay, người nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu đã thu hoạch 15.000 lồng, bè tôm hùm với số lượng 425 tấn tôm thương phẩm.

Giá tôm hùm thịt loại một ở mức 540.000- 570.000 đồng/kg, giảm 90.000- 120.000 đồng/kg. Do giá bán giảm cùng với tình trạng tôm hùm bị chết nên đa số người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu thu lãi ít.

* Các cơ quan chức năng huyện Sông Cầu vừa yêu cầu chính quyền các địa phương và người nuôi tôm có kế hoạch di chuyển các lồng nuôi tôm hùm đến các khu vực an toàn, hoặc neo buộc, chằng chéo kỹ lưỡng khi có bão lụt xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại. Hiện toàn huyện Sông Cầu có 920 lồng, bè tôm hùm thả nuôi nổi và 7.400 lồng thả nuôi sát đáy, có nguy cơ bị ảnh hưởng khi có bão lụt xảy ra.

KIỀU BA


Bạc Liêu: Lại khai thác nghêu, sò giống trái phép

Nguồn tin: NLD, 3/9/2007
Ngày cập nhật: 4/9/2007

Trong những ngày qua, bằng mọi phương tiện, dụng cụ tự chế, hàng trăm người dân đổ xô về vùng bãi bồi ven biển thuộc các xã Long Điền Đông, Long Điền Tây, huyện Đông Hải và các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) để khai thác nghêu, sò giống trái phép, làm hủy diệt nghiêm trọng môi trường sống của các loài thủy sản này

Theo TTXVN, ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng Phòng kinh tế huyện Đông Hải cho biết: Vài ngày gần đây, bãi nghêu, sò giống mới được người dân phát hiện và đến khai thác khá đông, có ngày cao điểm lên đến hơn 1.500 người.

Vì lực lượng chức năng để kiểm tra, bảo vệ bãi nghêu lại rất mỏng nên trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác trái phép nghêu, sò giống vẫn tái diễn thường xuyên.

B.T.L


Lãi 60 triệu đồng từ mô hình nuôi tôm công nghiệp

Nguồn tin: BĐ, 31/8/2007
Ngày cập nhật: 3/9/2007

Với 5.000m2 ao nuôi, sau 115 ngày nuôi, ông Huỳnh Long Kết ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định) đã thu hoạch 1,1 tấn tôm thương phẩm, bán được 120 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng trên 60 triệu đồng.

Theo ông Kết, có được kết quả này là nhờ ông đã thực hiện thả nuôi đúng lịch thời vụ, kiểm dịch giống trước khi thả nuôi cũng như tuân thủ theo đúng quy trình nuôi tôm công nghiệp.

Được biết, ông Kết là người nuôi tôm thành công đầu tiên ở Cát Khánh, kể từ khi dịch liên tiếp xảy ra tại địa phương.

Văn Thý


Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bổ sung tái tạo nguồn lợi tôm Sú bố mẹ vùng biển Việt Nam

Nguồn tin: Fistenet, 31/8/2007
Ngày cập nhật: 2/9/2007

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm Sú đang là một nghề đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn tôm bố mẹ thiếu hụt nên tôm Sú giống chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Ðây là nguyên nhân chính làm chậm sự phát triển của nghề nuôi không chỉ ở nước ta mà còn ở hầu hết các nước có nghề nuôi tôm biển. Hiện nay, đã có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt tôm Sú bố mẹ, trong đó, giải pháp bổ sung tôm giống vào vùng nước tự nhiên được coi là giải pháp phù hợp, tiếp cận gần nhất với xu thế phát triển bền vững.

Ðề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bổ sung tái tạo nguồn lợi tôm Sú bố mẹ vùng biển Việt Nam” được Bộ Thuỷ sản giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I thực hiện từ tháng 10 năm 2002 và kết thúc vào tháng 12 năm 2004. Ðề tài đã cung cấp cơ sở khoa học để khẳng định tính khả thi của giải pháp bổ sung giống nhân tạo vào vùng nước tự nhiên, đồng thời tạo niềm tin cho ý thức tự nguyện đóng góp của các cơ sở, cá nhân sử dụng nguồn tôm bố mẹ ở biển, góp phần làm phong phú, ổn định nguồn lợi.

Trong thời gian thực hiện Ðề tài đã thả giống tôm thí nghiệm tại hai địa điểm chính : ở miền Bắc, tại vùng biển Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh; ở miền Nam, tại vùng biển huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Ðề tài đã thực hiện và hoàn thành tốt các nội dung được giao như : lựa chọn vùng biển thích hợp để thả giống, mùa vụ thả, cỡ tôm thả thích hợp và đánh giá mức tăng nguồn lợi tôm Sú bố mẹ.

Tổng số tôm giống đã sử dụng cho thí nghiệm là 5.690.000 con. Trong đó, tôm cỡ 2 - 7 cm chiếm 85%. Số lượng tôm này vượt so với kế hoạch là 690.000 con.

Thí nghiệm đã được triển khai ở các địa điểm đặc trưng cho hai vùng sinh thái khác nhau. Ngoài các tỉnh kể trên, Ðề tài đã thực hiện các chuyến điều tra tại hầu hết các tỉnh ven biển của cả nước.

Các nội dung nghiên cứu đã được thực hiện bằng các cuộc điều tra khảo sát, bố trí thí nghiệm nghiêm ngặt.

Cụ thể, kết quả thực hiện các cuộc điều tra điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, các đợt điều tra nguồn lợi tôm Sú trước và sau thí nghiệm, các thí nghiệm bố trí để xác định cỡ tôm thả thích hợp được thể hiện ở các nội dung sau :

1. Hiện trạng nguồn lợi tôm Sú bố mẹ ở các vùng biển trọng điểm của Việt Nam

Báo cáo được xây dựng dựa trên các số liệu điều tra về hiện trạng quần đàn tôm Sú bố mẹ ở một số bãi khai thác tại các khoảng thời gian trước và sau khi thả giống thí nghiệm. Các số liệu bao gồm : biến động nguồn lợi, cơ cấu quần đàn, điều kiện sống, mùa vụ khai thác và phương tiện khai thác. Báo cáo được phân tích mối quan hệ hữu cơ giữa sinh vật và môi trường sống.

2. Lựa chọn vùng biển thả giống tôm thích hợp

Trên cơ sở sử dụng các số liệu thứ cấp của 4 vùng sinh thái : Quảng Ninh đến Thanh hoá; Hà Tĩnh đến Bình éịnh, Khánh Hoà đến Vũng Tൠvà vùng triều ven biển các tỉnh Nam bộ, Ðề tài đã lựa chọn hai vùng đại diện cho hai vùng sinh thái : là vùng biển huyện Vân éồn (Quảng Ninh) ở biển miền Bắc và vùng biển huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) ở vùng biển miền Nam có điều kiện phù hợp với đặc tính sinh lý, sinh thái, dinh dưỡng của tôm Sú giống. Từ đó, tiến hành điều tra bổ sung về điều kiện tự nhiên như : Sinh cảnh vùng triều gồm rừng ngập mặn, chất đáy, dòng chảy. Ðiều tra về điều kiện thuỷ lý, thuỷ hoá, mức độ phong phú của động, thực vật phù du, động vật đáy là những điều kiện để tôm được thả thí nghiệm tồn tại và phát triển. Ðiều tra về mức độ hoang sơ của vùng thả giống đảm bảo chắc chắn rằng tôm thí nghiệm sau khi thả sẽ không bị đánh bắt bằng bất kỳ các phương tiện khai thác nào kể cả khả năng thu hút vào các đầm nuôi quảng canh của ngư dân.

Kết quả điều tra cho thấy : cả hai vùng biển được lựa chọn thả giống thí nghiệm đều có rừng ngập mặn phát triển, thành phần loài sinh vật biển đa dạng và có sinh lợi cao. Vùng biển Ngọc Hiển và Vân éồn đều còn nguyên sơ, nạn phá rừng làm đầm nuôi đã được ngăn chặn. Những vùng đã khai phá đều được thu lại, trồng mới rừng ngập mặn và được Nhà nước đưa vào chương trình bảo hộ cấm khai thác.

Tóm lại, vùng triều ven biển thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh và vùng biển thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau là những địa điểm hội tụ đủ cả hai tiêu chí về điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội theo yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, các vùng biển đó thích hợp cho việc thả giống bổ sung nguồn lợi sinh vật biển nói chung và tôm Sú nói riêng.

3. Lựa chọn cỡ giống thả thích hợp : 3 cỡ tôm : 1,1 - 1,3 cm ; 2 3 cm và 5 - 7 cm, được bố trí trong các đầm nuôi quảng canh cải tiến đều có điều kiện canh tác gần như thuỷ vực hở nhưng khác nhau về sinh cảnh. Bằng phương pháp đánh dấu trên tôm thí nghiệm và định kỳ thu mẫu và xử lý số liệu dựa trên phương pháp Mark Recapture Technique của Petersen (1896) đã lựa chọn được cỡ tôm thả phù hợp vào vùng nước tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thích hợp nhất là cỡ 2 - 3cm.

4. Mùa vụ thả giống

Từ việc thu thập và phân tích các kết quả nghiên cứu của các đề tài điều tra nguồn lợi tôm giống trước đây của một số tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản, qua phân tích các thông tin cho thấy, mùa vụ bổ sung giống tôm biển tốt nhất vào thời gian tôm giống tự nhiên xuất hiện ở mật độ cao nhất. Thời gian nguồn giống tự nhiên có mật độ thấp, chắc hẳn có những điều kiện sinh thái nào đó không thuận lợi khống chế sinh vật gia tăng kích thước quần thể. Vì vậy, Ðề tài đưa ra đề xuất, ở vùng biển phía Bắc nên thả giống từ tháng 5 đến tháng 8; ở ven biển phía Nam nên thả giống vào tháng 10 - 12 hằng năm.

5. Ðánh giá hiệu quả của việc thả tôm thí nghiệm vào vùng biển tự nhiên.

Bằng phương pháp Ðánh dấu thả ra và bắt lại (Mark Recapture Technique) kết hợp với phương pháp so sánh mức tăng nguồn lợi trước và sau khi thả giống, Ðề tài đã đưa ra một số nhận sét sau :

- Bổ sung tôm giống vào vùng nước tự nhiên đã làm tăng số lượng của quần đàn tôm Sú giống ở các bãi thả thí nghiệm.

- Ðã đánh giá được hiệu quả của việc thả giống đến nguồn lợi tôm Sú bố mẹ tại hai vùng biển thả giống thông qua số lượng tôm bố mẹ mang dấu thu thập được trên tổng số mẫu thu được.

- Số lượng tôm giống bổ sung cho biển đã làm thay đổi xu hướng phát triển của quần đàn tôm bố mẹ tự nhiên. ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, mức tăng nguồn lợi của quần thể cao, đạt 10,48%; ở Cà Mau, tăng 6,8% so với số lượng của quần thể trước thí nghiệm.

Kiến nghị và đề xuất

Kết quả nghiên cứu của Ðề tài đã xác định được cơ sở khoa học cho việc bổ sung tái tạo nguồn lợi tự nhiên thông qua nguồn giống sản xuất nhân tạo. Nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đưa ra kiến nghị và đề xuất sau :

+ Nên bổ sung nguồn tôm giống sản xuất bằng con đường nhân tạo vào vùng nước tự nhiên để tái tạo, duy trì và ổn định nguồn lợi tôm Sú.

+ Nên thả giống ở những vùng biển còn giữ được sinh cảnh tự nhiên (vùng biển có rừng cây ngập mặn phong phú, còn hoang sơ chưa bị khai thác vào bất kỳ mục đích gì....). Vùng thả giống phải là vùng có điều kiện sinh thái phù hợp với đặc tính sinh thái của tôm Sú ở giai đoạn đầu.

+ Nên thả tôm giống có cỡ 2-3 cm là phù hợp. Không nên thả tôm cỡ nhỏ hơn hoặc lớn hơn 2-3 cm vì không kinh tế.

+ Mùa vụ thả giống : Mùa thả giống thích hợp ở miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 8; ở miền Nam từ tháng 10 đến tháng 12.

+ Ðã xây dựng và đề xuất Ðề án bổ sung tái tạo nguồn lợi tôm Sú vùng biển Việt Nam trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài trình lên Nhà nước.

(Thông tin KHCN & Kinh tế Thủy sản, số 7/2007)


Kinh hoàng thuốc thú y, thức ăn thuỷ sản

Nguồn tin: LĐ, 01/9/2007
Ngày cập nhật: 2/9/2007

(LĐ) - Thuốc không nhãn mác, thức ăn chưa công bố chất lượng, chưa được phép lưu hành được bày bán tràn lan trên thị trường. Có thể nói, cùng với nạn đào hầm nuôi cá, loạn mua bán thuốc thú y, thức ăn thuỷ sản đang de doạ ngành nuôi trồng thuỷ sản ĐBSCL. Thuốc: "Hồn Trương Ba - da hàng thịt"

Thanh tra Sở NNPTNT Đồng Tháp đang kiểm tra tại cửa hàng thức ăn thuỷ sản. Đó là hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được tại các đại lý, cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc thú y - thuỷ sản trong tỉnh.

Theo chân đoàn thanh tra của Sở NNPTNT, dạo một vòng các đại lý thuốc thú y thuỷ sản trong tỉnh, chúng tôi không khỏi toát mồ hôi trước "mê hồn trận" nhãn mác thương mại của các loại thuốc.

Hãi hùng nhất là chuyện "Hồn Trương Ba - da hàng thịt". Cùng một loại thuốc, nhưng các chủ cửa hàng có thể chuyển thuốc thú y thành thuốc thuỷ sản, hoặc ngược lại chỉ bằng thao tác thay đổi nhãn mác từ một bao thuốc này và dán vào bất kỳ bao thuốc khác.

Chủ đại lý H ở huyện Hồng Ngự "bật mí": "Đã là kháng sinh thì trị bệnh cho cá mắm hay gà vịt cũng hiệu quả như nhau". Đáng sợ hơn là những nhãn mác đó cũng không đủ tiêu chuẩn.

Nguy hiểm hơn là có nhiều loại thuốc mà ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng không thể nhận biết. Thậm chí, có loại còn đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm.

Thức ăn: Co dãn theo lòng tham

Nổi bật nhất là tình trạng kê khống hàm lượng đạm so với thông số công bố trên bao bì. Kết quả phân tích 14 loại thức ăn mà đoàn thanh tra lấy mẫu cho thấy, 100% các thương hiệu đều gian lận hàm lượng đạm, như: Gold Feed 918, hàm lượng đạm thấp hơn 3,2% so với số công bố.

Phát hiện nhiều loại thuốc nằm ngoài quy định của ngành chủ quản. Tương tự với Én Vàng, con số này là 2,5%, Vihaco (Trà Vinh) đã gian lận tới 28,7% so với công bố. Cá biệt, Cty sản xuất thức ăn Việt - Bỉ bị phạt hai lần, vẫn còn cố tình vi phạm.

Lý giải về tình trạng này, một chủ đại lý thức ăn ở cù lao Long Khánh (Hồng Ngự) "bật mí": Cứ mỗi lần bị phạt là mỗi lần các Cty tăng hoa hồng để các đại lý gắn bó với sản phẩm.

Theo ông Lê Hoàng Nam - Chánh Thanh tra Sở NNPTNT - điều này không có gì khó hiểu bởi chỉ cần chênh lệch 5 độ đạm, nhà sản xuất đã lãi thêm 1.000 đồng/kg sản phẩm.

Liệu có kiểm soát được (?!)

Chỉ sau một đợt ra quân trong tháng 7 này, Thanh tra Sở NNPTNT đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử phạt trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, theo một thành viên đoàn thanh tra cho biết, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và nếu không có giải pháp lâu dài thì tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng đầy trắc ẩn, mà người chăn nuôi chính là những nạn nhân đáng thương.

Ông Võ Hoàng Ly - Chánh Thanh tra Sở NNPTNT - cho biết, toàn tỉnh hiện có 250 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thuỷ sản và tới đây, con số này sẽ còn tiếp tục tăng vọt theo đà phát triển nóng của phong trào nuôi cá tra, ba sa xuất khẩu. Trong khi đó, cả tỉnh chỉ có mỗi một thanh tra chuyên ngành thuỷ sản, nên dù cố hết sức cũng không thể "dẹp loạn" xuể.

Nghề chăn nuôi đã và đang phát triển nóng, các dịch vụ ở lĩnh vực này cũng nóng theo. Do đó, dư luận xã hội đang mong muốn nhà chức trách sớm hình thành các cơ chế kiểm soát, chính sách chế tài phù hợp để vừa loại bỏ kiểu kinh doanh bất chấp đạo đức, vừa hỗ trợ cho nghề chăn nuôi phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất trù phú này.

Có trên 60% số đại lý, cửa hàng vi phạm các lỗi như: Kinh doanh thuốc không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo quy định, thuốc quá hạn dùng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản không có chứng chỉ hành nghề.(Trích kết quả đợt thanh tra tháng 7.2007 của Thanh tra Sở NNPTNT Đồng Tháp).

Kỳ Duyên - Lục Tùng


Bến Tre: Chuyện con nghêu ở bãi Ngao: Những đổi thay sau 3 năm

Nguồn tin: BTre, 31/08/2007
Ngày cập nhật: 1/9/2007

Khai thác nghêu ở Bãi Ngao ngày nay.Còn nhớ 3 năm về trước, nghêu thịt bán không được giá, nhưng giá nghêu cám (nghêu giống) quá cao, có lúc hơn 300.000 đồng/kg, đã đẩy con nghêu ở Bãi Ngao vào thảm kịch khai thác “tàn sát” của hàng ngàn con người đến từ mọi nơi, kể cả ngoài tỉnh. Người ta giành giật, tận thu đến từng “gram” nghêu giống, có cả những cuộc ẩu đã hỗn loạn giữa những người khai thác nghêu. Đấy là thời điểm của năm 2003...

Sau giai đoạn hỗn loạn, một cuộc cải tổ, sắp xếp lại trật tự đã được tiến hành, các hợp tác xã (HTX) lần lượt ra đời để quản lý việc khai thác nghêu có hiệu quả hơn. Và “phải mất gần một năm sau con nghêu mới dần phục hồi trở lại”, anh Nguyễn Văn Nhỏ, Phó Chủ nhiệm HTX nghêu An Thuỷ cho biết.

Bãi Ngao vốn là tên gọi xưa của khu vực bãi nghêu ngày nay thuộc địa phận ba xã An Thuỷ-Tân Thuỷ-Bảo Thuận (huyện Ba Tri), có tổng diện tích gần 2.500 ha (tính cả cồn cát). Cũng như các bãi nghêu thuộc 2 huyện Bình Đại và Thạnh Phú, trữ lượng nghêu tại đây được thiên nhiên ưu đãi khá dồi dào.

Tháng 6-2004, các HTX được thành lập một lần nữa với thành phần tham gia là tất cả bà con nghèo trong ba xã. Họ là những người được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên này, song song với nghĩa vụ của mình là bảo vệ sân nghêu. Và từ đây, các HTX đã ổn định dần và “ăn nên làm ra”.

HTX nghêu An Thuỷ quản lý diện tích 1.015 ha, trong đó, diện tích kinh doanh là 400 ha, với 1.852 xã viên. Năm 2006, giá trị khai thác đạt hơn 1,2 tỉ đồng. Trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác đạt 12,8 tấn, với giá 9.500 đồng/kg, cùng với lượng khai thác hến 11.150 giạ, giá bán từ 65-70 ngàn đồng/giạ, đã đem lại doanh thu cho HTX này hơn 1,3 tỉ đồng. Sau khi từ chi phí, nộp ngân sách về trên, bình quân mỗi xã viên thu nhập từ 500-800 ngàn đồng/đợt khai thác (mỗi đợt có trên 400 lao động tham gia).

HTX nghêu Bảo Thuận, quản lý diện tích 1.089 ha, nhưng diện tích có nghêu thương phẩm chỉ 150 ha. Năm 2006, HTX khai thác hai đợt, đạt sản lượng 240 tấn, doanh thu trên 4 tỉ đồng. 7 tháng đầu năm nay, mới khai thác I đợt và đang chuẩn bị đấu giá cho đợt II, bình quân thu nhập của xã viên từ 300-500 ngàn đồng/đợt.

Dù diện tích ít ỏi nhưng HTX nghêu Tân Thuỷ (có 2.713 xã viên) là một đơn vị “ăn nên làm ra” nhất, với 350 ha, diện tích có nghêu sinh sản là 200 ha, nhưng sản lượng khai thác rất lớn. Hàng năm đạt từ 400-500 tấn, năm 2006, doanh thu HTX này đạt hơn 15 tỉ đồng. 7 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác gần 700 tấn nghêu và 2.700 giạ hến, doanh thu hơn 6 tỉ đồng. Mỗi đợt khai thác thu hút hơn 200 lao động, bình quân mỗi xã viên thu nhập từ 800.000 đến 1 triệu đồng/đợt.

Bên cạnh việc tham gia tích cực giải quyết việc cho người dân, tham gia xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng giao thông nông thôn tại địa phương, các HTX còn tích cực tham gia tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và làm từ thiện. Trong ba năm qua, HTX Bảo Thuận đã xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa, 2 căn nhà tình thương. Dự kiến năm 2007, HTX sẽ xây dựng tại mỗi ấp một căn nhà thương cho hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách. HTX Tân Thủy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, đã xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa, 9 căn nhà tình thương. Ngoài ra, HTX còn tích tiền từ quỹ phúc lợi để thăm hỏi, tặng quà cho hộ gia đình xã viên bị bệnh tật, ốm đau. Còn HTX An Thuỷ ủng hộ xã xây dựng một cây cầu (3 triệu đồng), một căn nhà tình nghĩa. Và thường xuyên cứu trợ đột xuất cho hộ xã viên nghèo gặp khó khăn.

Đánh giá hoạt động các HTX nghêu hiện nay, Bí thư Đảng ủy xã An Thuỷ Phan Xuân Phát nói: “Bà con ngày càng ý thức được quyền lợi của mình. Sự công khai tài chính, ăn chia đều khắp, mỗi xã viên có thu nhập ổn định hàng tháng đã góp phần ổn định và đưa các HTX dần phát triển, đi lên. Diện tích đất canh tác còn nhiều, thiên nhiên ưu đãi. Với những thành công như hiện nay, các HTX có thể tăng vốn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi. Tôi tin rằng, trong thời gian tới các HTX sẽ còn phát triển hơn thế nữa.”

Thành Lập


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang