• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Đèn xanh" cho giá cá tra nguyên liệu

Nguồn tin: NLĐ, 31/8/2007
Ngày cập nhật: 31/8/2007

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của các tỉnh ĐBSCL đều tăng so với tháng 7. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ trong tháng 8 đạt khoảng 24,7 triệu USD, tăng 1,2%; An Giang đạt khoảng 56 triệu USD, tăng gần 7%; Sóc Trăng đạt 41,6 triệu USD, tăng 14,21%... Theo các tỉnh ĐBSCL, do có đầu ra, xuất khẩu thủy sản của các địa phương trong tháng 9 sẽ tiếp tục gia tăng về sản lượng và giá trị. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giá nguyên liệu xuất khẩu, trong đó có giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL, tăng nhẹ trong tháng 8 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2007.

Ở ĐBSCL, tuần đầu tiên của tháng 8, giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng còn 13.800-13.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tháng 7 và tiếp tục giảm 500-600 đồng/kg ở tuần thứ 2. Sang tuần thứ 3, giá cá tra nguyên liệu bình ổn ở mức 13.200-13.400 đồng/kg (cá thịt trắng). Những ngày cuối tháng 8, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng trở lại. Cụ thể: cá tra loại thịt trắng có giá 13.400-13.500 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg; cá loại thịt hồng: 13.000-13.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết: Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) chấp thuận nhập khẩu thủy sản của 11 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 6 doanh nghiệp ở ĐBSCL. Đây là một trong những nguyên nhân khiến gần đây giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại.

Còn nguyên nhân nào khác tác động làm giá cá tra nguyên liệu trên thị trường tăng trong tháng 8? Theo các doanh nghiệp, vào khoảng tháng 7, các kho lạnh chứa hàng của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL đã ở trong tình trạng quá tải. Khi ấy, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang ở mức 13.800-14.000 đồng/kg. Vì thế, các doanh nghiệp không thể hạ giá mua để giữ mức giá cao khi ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đều có vùng nguyên liệu riêng và ngày càng có nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản ra đời ở ĐBSCL. Vì thế, việc giữ ổn định hoặc tăng giá con cá tra trên thị trường cũng là nhằm ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Đây là cũng là nguyên nhân làm giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới.

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, trong năm nay, đối với con cá tra nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ phối hợp điều phối thị trường, không để tình trạng mất cân đối cung cầu như trước đây. Nếu được như thế, giá cá tra nguyên liệu sẽ không “rớt” dưới 13.000 đồng/kg (đối với loại thịt trắng).

HÀ TRIỀU

 


Kiên Giang: Nguy cơ “chết yểu” một đặc sản

Nguồn tin: SGGP, 30/08/2007
Ngày cập nhật: 31/8/2007

Gần 1 tháng qua, thông tin sò lông tại Kiên Giang - một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn – bị nhiễm độc tố đã làm cho nông dân hoang mang lo lắng. Hơn 1.500ha sò lông ở các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Hòn Đất đến vụ thu hoạch nhưng chẳng ai mua, dù giá bán giảm chỉ còn 300-400đ/kg so với lúc cao điểm là 2.000-2.500đ/kg... Trong khi nông dân đang “ngồi trên lửa” thì việc tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của các ngành chức năng vẫn cứ… từ từ!

Cảnh “chợ chiều” nơi ven biển

Chúng tôi đến Kiên Lương, nơi có diện tích nuôi sò lông lớn nhất tỉnh Kiên Giang với gần 1.000ha tại xã Bình An và khu vực quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải. Thay vào không khí mua bán tấp nập của mùa thu hoạch là sự vắng vẻ, đìu hiu. Bãi biển vắng lặng, thỉnh thoảng có một vài nông dân xót ruột bơi xuồng ra vào bãi sò nhưng chẳng thể xoay chuyển tình hình.

Nông dân Nguyễn Văn Sáu - nổi tiếng với nghề nuôi sò lông (từ 50-60ha) nên dân địa phương và thương lái gọi là ông Sáu Sò - than vãn: “Mấy năm qua con sò lông được thị trường chấp nhận, giá bán nhích lên dần thì dân nghèo ven biển rầt mừng. Vụ rồi, có lúc giá bán tại nơi thu hoạch lên tới 2.500đ/kg, nên vụ này nông dân đổ cả công sức, vốn liếng vào việc khoanh nuôi, bảo vệ sò lông. Ai ngờ lại trắng tay…”. Đây là lần đầu tiên nông dân nuôi sò “gặp hạn” nặng nề từ thông tin sò nhiễm độc tố kim loại. Hàng ngàn tấn sò của người dân giờ không biết bán cho ai. Mà với giá rẻ mạt như thế thì có thu hoạch bán cũng… lỗ tiền mướn nhân công.

Trước thông tin này, thương lái cũng không dám mua sò lông vì tiêu thụ nội địa không được, xuất khẩu không xong nên các doanh nghiệp không lấy hàng. Ngày 28-8, hầu hết các chợ ở Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá không còn bóng dáng con sò lông trên các quầy hàng thủy đặc sản...

Trả lời báo chí, một cán bộ Phòng nông-lâm-ngư huyện Kiên Lương khẳng định: Thông tin về sò lông nhiễm độc tố kim loại nặng là sai sự thật. Thực tế kiểm nghiệm, sò lông bị nhiễm kim loại nặng có hàm lượng nằm trong ngưỡng cho phép, tức là hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (?!). Sáng 28-8, ông Lâm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiên Lương cho biết: “Hiện nay, địa phương chưa có văn bản nào ngưng khai khác sò lông nhưng hầu hết người dân đều không thu hoạch vì lỗ tiền dầu và cũng không biết bán cho ai. Người nuôi sò lông hiện rất khó khăn, thiệt hại rất lớn vượt khỏi khả năng hỗ trợ của địa phương. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng cấp tỉnh quan tâm tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục để giảm thiệt hại cho dân”.

Loay hoay tìm nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông tin sò lông ở Kiên Lương nhiễm độc tố kim loại nặng vượt mức cho phép là có thật. Ngày 17-7, Trung tâm Chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (CL, ATVS - TYTS) vùng 6 (thuộc Bộ NN&PTNT) đã có thông báo đình chỉ thu hoạch sò lông, loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại vùng thu hoạch Bà Lụa, Kiên Lương, Kiên Giang cho đến khi có thông báo được phép thu hoạch của cơ quan chức năng. Chi cục Quản lý CL, ATVS - TYTS tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Phòng nông-lâm-ngư huyện Kiên Lương cử cán bộ thông báo nội dung này đến các cơ sở nuôi, thu hoạch, thu mua, chế biến sò lông trên địa bàn; đồng thời phối hợp cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân dẫn đến sò lông nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép.

Ông Lưu Quan Điểm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý CL, ATVS - TYTS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Nguồn lợi sò lông ở Kiên Giang rất lớn và nằm trong chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nên hàng tháng chúng tôi đều lấy mẫu gởi lên Trung tâm CL, ATVS - TYTS vùng 6 tại Cần Thơ kiểm tra. Kết quả kiểm tra 5 mẫu sò lông tại Kiên Lương từ tháng 5-2007 đến nay cho thấy hàm lượng nhiễm Cadimi (một dạng kim loại nặng) thấp nhất từ 1.893µg/kg đến 2.864µg/kg, trong khi mức cho phép chỉ là 1.000µg/kg”.

Sản lượng sò lông trong vùng thu hoạch tại quần đảo Bà Lụa rất lớn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, Trung tâm CL, ATVS-TYTS vùng 6 đề xuất cho phép thu hoạch sò lông tại vùng này khi kết quả kiểm tra Cadimi nhỏ hơn mức 2.000µg/kg, để xuất khẩu vào các thị trường có mức cho phép từ 2.000-4.000 µg/kg (Mỹ, Ả Rập, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc).

Trước tình hình này, các Sở Thủy sản, Tài nguyên - môi trường, Khoa học công nghệ tỉnh Kiên Giang đã họp bàn và vẫn không thể xác định được nguyên nhân dẫn tới việc sò lông nhiễm kim loại nặng, nhưng không loại trừ khả năng do chất thải công nghiệp từ Kiên Lương gây nên. Ông Lưu Quan Điểm cho biết: “Để chắc chắn, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu sò lông tại Kiên Lương gởi lên Trung tâm 3 (TPHCM) kiểm tra một lần nữa, sẽ có kết quả chính thức trong vài ngày tới”... Theo nhận xét sơ bộ của Trung tâm CL, ATVS - TYTS vùng 6, nguyên nhân sò lông tại vùng thu hoạch Bà Lụa bị nhiễm Cadimi vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, từ kết quả phân tích cho thấy các mẫu sò lông xa bờ chứa hàm lượng Cadimi cao hơn các mẫu gần bờ. Mặt khác, các mẫu đất, mẫu nước ở các vùng nghi ngờ có khả năng ô nhiễm lại không phát hiện có Cadimi. Có thể giả thiết rằng nguyên nhân lây nhiễm Cadimi trong sò lông xuất phát từ nguồn nước biển bị ô nhiễm…

Chuyện sò lông nhiễm độc tố kim loại nặng vượt mức cho phép đã xảy ra từ hơn một tháng qua nhưng việc xác định nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang còn quá chậm. Hậu quả là nông dân bị thiệt hại nặng nề, một sản phẩm đặc sản xuất khẩu có nguy cơ “chết yểu”…

Bình Đại


Vụ cá chết hàng loạt ở Đà Nẵng: Có thể do ăn phải tảo độc hoặc trầm tích độc

Nguồn tin: SGGP, 31/08/2007
Ngày cập nhật: 31/8/2007

Chiều 30-8, ông Trần Văn Huy, Giám đốc Sở Thủy sản - Nông lâm TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện tượng cá chết hàng loạt ở bãi biển Thanh Bình ngày 29-8 vừa qua có thể do loài cá đối đi ăn theo bầy đàn và không may ăn phải tảo độc hoặc trầm tích độc.

Ông Trần Văn Huy cho biết thêm, sau khi thu thập thông tin và trao đổi với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, một số giáo sư, tiến sĩ ở đây nhận định: đây có thể là loại cá đi ăn theo bầy đàn, sống gần bờ và ăn phải loài tảo hoặc trầm tích độc nên chết hàng loạt. Ông Huy loại trừ khả năng cá chết do nổ mìn hoặc bị nhiễm độc từ nước thải khu công nghiệp vì nếu như có tình trạng nổ mìn ngoài khơi, hoặc nước thải từ các khu công nghiệp thì sẽ tác động đến nhiều đối tượng và lúc đó thì sẽ không có tình trạng chỉ riêng cá đối chết.

NGUYÊN KHÔI

 


Hiện tượng bất thường: Cá chết trắng bờ biển vịnh Đà Nẵng

Nguồn tin: SGGP, 30/08/2007
Ngày cập nhật: 30/8/2007

Tờ mờ sáng 29-8, dọc bờ biển từ cầu Thuận Phước đến khách sạn Thanh Bình (quận Thanh Khê) cá chết hàng loạt tấp vào bờ biển trắng xóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là một hiện tượng cá chết bất thường từ trước đến nay…

Bà Nguyễn Thị Út (80 tuổi, một người dân ở đường Triệu Nữ Vương), cho biết: “Khoảng 5 giờ 30 sáng, tôi cùng nhiều người ra bãi biển tập thể dục và tắm như mọi khi. Nhưng đến nơi, tôi thấy bãi biển tràn ngập xác cá. Cũng may là lúc ấy trời cũng vừa mờ sáng, vừa xuống biển mọi người thấy cá chết tấp vào bờ nhiều quá nên không ai dám xuống tắm nữa. Suốt 20 năm nay, chưa bao giờ thấy trường hợp này xảy ra”.

Người dân nhặt xác cá dạt vào bờ biển.

Bãi biển tràn ngập xác cá và bốc mùi hôi thối. Nhiều người cho rằng cá chết và trôi dạt vào bờ hàng loạt là do những đối tượng đánh cá bằng thuốc nổ ngoài khơi, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là hậu quả của ô nhiễm môi trường nước do các nhà máy gần khu vực biển… Điều đáng nói, loại cá chết và tấp vào trắng bờ biển là loại cá đối, kích cỡ khoảng bằng 2 ngón tay.

Khi mặt trời càng lên cao cộng với khí hậu oi nồng, xác cá bắt đầu phân hủy và phát mùi hôi thối. Thấy vậy, một số người dân đi tập thể dục thay vì xuống tắm biển thì đi nhặt cá… mang đi chôn để khỏi ô nhiễm môi trường. Cho đến trưa 29-8, lượng cá chết vẫn tiếp tục tấp vào khu vực bờ biển này nhưng số lượng giảm hơn so với lúc sáng.

Ông Nguyễn Đỗ Tám – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Đà Nẵng cho biết: “Đây đúng là hiện tượng bất thường. Chúng tôi đã cho người xuống hiện trường lấy mẫu để đi phân tích. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, lượng cá đã có hiện tượng ươn nên việc phân tích mẫu để tìm ra nguyên nhân chính xác rất khó khăn”.

Chiều ngày 29-8, ông Trần Văn Huy – GĐ Sở Nông lâm Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, hiện vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt trên bãi biển Đà Nẵng. Sở Nông lâm Thủy sản Đà Nẵng đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng tiến hành lấy mẫu và xác định nguyên nhân của hiện tượng này.

Điều đáng nói, trước hiện tượng cá chết hàng loạt gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thấy cơ quan nào đứng ra xử lý môi trường nên người dân đã cho thu gom xác cá và chôn ngay trên bờ biển khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực này rất cao.

Nguyên Khôi


Tôm nuôi ở Bạc Liêu gặp khó trong tiêu thụ

Nguồn tin: ND, 29/8/2007
Ngày cập nhật: 30/8/2007

Một vấn đề bức xúc thời gian qua đối với hàng nghìn hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu là chuyện nhiều doanh nghiệp, thương lái không dám đến tỉnh mua tôm nguyên liệu. Người sản xuất khó tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đại lý mua tôm nguyên liệu tại địa phương mặc sức ép giá, ép cấp..., đẩy người nuôi tôm vào tình cảnh lao đao, điêu đứng!

Theo số liệu từ UBND tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi hơn 80 nghìn ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, nâng tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên hơn 116 nghìn ha, trong đó, gần 30% diện tích nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 1.100 tàu chuyên đánh bắt thủy sản ngoài khơi. Tổng sản lượng tôm nuôi và tôm đánh bắt được ở Bạc Liêu mỗi năm lên đến hàng chục nghìn tấn, là tỉnh có sản lượng thủy sản cao thứ hai trong số 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, một vấn đề bức xúc đối với hàng chục nghìn hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Bạc Liêu trong thời gian qua, đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp, thương lái lớn ở các tỉnh, thành phố trong khu vực không dám đến Bạc Liêu mua tôm nguyên liệu. Ðâu là nguyên nhân?

Chúng tôi được biết, mấy năm trước đây nhiều doanh nghiệp, thương lái ở các tỉnh, thành phố lớn xuống tận địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,... để mua tôm sú sống về bán cho các nhà máy chế biến thủy sản, các nhà hàng, khách sạn. Việc thương lái trực tiếp mua tôm sú tận đầm tôm có nhiều tiện lợi cho người nuôi tôm, như: giá bán tôm sú vừa thu hoạch tại chỗ cao hơn giá các đại lý thu mua tôm nguyên liệu từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg (tức là mỗi tấn tôm, thu nhập của người nuôi tôm tăng lên 15 -20 triệu đồng). Ngoài ra, khi bán tôm sú sống, thương lái trực tiếp bắt tôm, người bán chỉ việc kiểm tra khi cân tôm và nhận tiền. Trong khi đó, nếu bán cho các đại lý hoặc các nhà máy chế biến tôm đông lạnh tại địa phương, người nuôi tôm phải bỏ ra khoản tiền khá lớn cho việc thu hoạch (như chi phí thuê kéo tôm, nước đá ướp tôm, thuê xe hoặc đò chở đến tận đại lý) nhưng giá lại thấp hơn từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Do có sự cạnh tranh giữa thương lái và các đại lý nên người nuôi tôm có lợi nhuận cao hơn.

Song, điều nghịch lý là thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, thương lái ngoài tỉnh không dám đến địa bàn Bạc Liêu để mua tôm, mà chỉ mua ở tỉnh Sóc Trăng hoặc xuống tận Cà Mau và một số tỉnh lân cận. Bởi vì, theo các doanh nghiệp và các thương lái, do một số ngành ở Bạc Liêu, nhất là Chi cục Quản lý thị trường, ngành thuế, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và chính quyền huyện, xã đưa ra nhiều "lệ làng", tìm mọi cách bắt bớ, xử phạt quá nghiêm khắc, thậm chí thu giữ phương tiện... gây khó khăn cho các doanh nghiệp và thương lái khi họ trực tiếp đến hộ nuôi tôm mua tôm nguyên liệu. Thanh tra giao thông thì xử phạt xe chở tôm sú sống chở quá tải, đỗ không đúng nơi quy định. Quản lý thị trường thì xử phạt mua hàng (tôm) không hóa đơn, chứng từ vì họ trực tiếp mua ở đầm tôm của hộ sản xuất là nông dân, cho nên không thể có hóa đơn. Còn cán bộ thuế xã, phường thì buộc người mua tôm đóng thuế... Tình trạng này không khác kiểu "ngăn sông cấm chợ", chỉ làm lợi cho các đại lý, thương lái trong tỉnh, làm thiệt hại lớn, gây bức xúc, bất bình đối với hàng nghìn hộ nuôi tôm, đánh bắt thủy sản ở địa phương.

Anh Phạm Hồng Khánh, một hộ nuôi tôm sú công nghiệp nhiều năm ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình và nhiều người nuôi tôm ở vùng ven biển Bạc Liêu mà chúng tôi gặp, đều rất bức xúc, cho rằng: Không ít cán bộ có chức quyền ở một số ngành và chính quyền huyện, xã trong tỉnh chỉ nhìn thấy lợi ích nhỏ trước mắt, không thấy lợi ích lớn và lâu dài, không thấy hết nỗi khổ, sự vất vả của hàng nghìn hộ dân làm nghề nuôi tôm, đánh bắt thủy sản xa bờ của tỉnh... Ðể sớm khắc phục tình trạng này, thu hút các thành phần kinh tế, nhất là các thương lái ở nhiều nơi đến Bạc Liêu mua tôm nguyên liệu, chúng tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bạc Liêu cần chấn chỉnh công tác kiểm tra, xử phạt; đồng thời, có cơ chế quản lý thông thoáng hơn, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái đến trực tiếp thu mua tôm nguyên liệu trong dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, đừng để người sản xuất bị thiệt hại lớn như thời gian qua.

TRỌNG DUY


Bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn tin: ND, 28/8/2007
Ngày cập nhật: 29/8/2007Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Năm 2005 diện tích nuôi trồng ở vùng này đạt hơn 685 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng khoảng 983 nghìn tấn, chiếm hơn 70% số sản lượng nuôi trồng và hơn 60% trong 3,35 tỷ USD kim ngạch xuất của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường ở khu vực này đang đặt ra vấn đề cần quan tâm.

Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển hóa rất nhanh, từ nuôi tự nhiên, nuôi quảng canh, nuôi phân tán mật độ thấp... sang nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp tập trung mật độ cao. Việc tiếp cận các phương thức nuôi trồng, sử dụng nhiều năng lượng và chi phí... tác động tiêu cực đến môi trường, nếu không được xử lý triệt để có thể tạo ra sự mất cân bằng của hệ thống sinh thái tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản. Một điều hết sức quan trọng là, với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại càng nhiều và vấn đề mất cân bằng sinh thái càng trở nên trầm trọng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hằng năm thải ra 456,6 triệu m3/ bùn thải (phù sa lắng đọng trong chất thải) và chất thải nuôi trồng thủy sản mà trong đó riêng chất thải nuôi cá tra, cá ba sa là hơn hai triệu tấn/ năm. Nguồn chất thải độc hại này hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để, vẫn tiếp tục thải vào sông rạch trong khu vực. Các chất thải nuôi trồng thủy sản là các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy; các chất tồn dư sử dụng như: hóa chất và thuốc kháng sinh, vôi và các loại kháng chất Diatomit, lưu huỳnh lắng đọng... Hiện nay, vấn đề quản lý và xử lý nguồn bùn thải, chất thải nuôi trồng thủy sản hạn chế, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, đây là vấn đề hết sức bức xúc trong nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL. Mất cân bằng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản thể hiện rõ nét ở vấn đề dịch bệnh phát sinh trên diện rộng do ô nhiễm môi trường ở các mô hình nuôi thâm canh cá tra, cá ba sa... chết hàng loạt ở một số chủ nuôi cá bè trên sông ở vùng nước ngọt, dịch bệnh tôm nuôi đã phát sinh hơn 20 - 60% diện tích nuôi ở các tỉnh ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... làm tổn thất kinh tế rất lớn với nghề nuôi tôm nước mặt. Hậu quả nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, ô nhiễm môi trường chết hàng loạt đã diễn ra nhiều năm, kéo theo nhiều hộ nông dân, trang trại nuôi trồng thủy sản, một số doanh nghiệp quy mô lớn... đã phải lâm vào cảnh điêu đứng do nợ nần vay vốn đầu tư, một số nơi diện tích nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang do bị ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh mà chưa khắc phục được. Môi trường nước trên sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch vùng ngọt hóa đã có dấu hiệu nhiễm bẩn hữu cơ, các vi sinh trong nước, độ đục, a-mô-ni-ắc trong nước... ảnh hưởng chất lượng môi trường nước. Môi trường nước ở vùng mặn hóa ven biển hàm lượng sắt trong nước tăng cao do quá trình phèn hóa mạnh, độ đục môi trường cao do nước phù sa và quá trình đào đắp nạo vét ao nuôi tôm phát sinh. Quá trình chuyển dịch nuôi trồng thủy sản diễn ra quy mô lớn ở vùng mặn hóa ven biển làm gia tăng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển chưa kiểm soát được chặt chẽ, tác động các hệ sinh thái nước ngọt trong khu vực.

Ðể bảo đảm phát triển lợi thế ngành nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:

Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch môi trường trên cơ sở phân vùng sinh thái nhạy cảm với các vùng tiềm năng trong phát triển các mô hình canh tác thủy sản nước mặn, nước ngọt và nước lợ... theo các cấp độ từ thấp tới cao như nuôi trồng thủy sản tự nhiên, mật độ thấp, mô hình hợp sinh thái... cho đến nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp để bảo đảm cho phát triển lâu dài và bền vững nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL.

Quy hoạch thủy sản phải gắn liền với quy hoạch môi trường trong các hệ canh tác của các loại mô hình nuôi trồng thủy sản. Ðối với mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, cần tập trung giải quyết vấn đề xử lý nước cấp, quản lý chất lượng nước và xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản và quản lý dịch hại tổng hợp trong các mô hình canh tác.

Trong thực tiễn sản xuất, một số công ty có tiềm lực về vốn đầu tư, kỹ thuật công nghiệp nuôi trồng thủy sản, đã xác lập được các mô hình nuôi thủy sản công nghiệp, nhưng vẫn xử lý được các vấn đề chất thải phát sinh, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Trong nuôi trồng thâm canh, nuôi công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường cần tập trung xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản, bằng các giải pháp như: Dùng các chế phẩm sinh học để xử lý triệt để các thành phần độc hại ô nhiễm có trong nước thải, chất thải thành các chất an toàn sinh thái. Các chế phẩm sinh học này là các vi khuẩn yếm khí, hiếu khí, các xạ khuẩn, nấm men... để xử lý lượng thức ăn dư thừa, các thất thải trong ao nuôi, các nguồn bùn cặn đáy ao nuôi...

Bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL là vấn đề cực kỳ quan trọng, cần được giải quyết từ vấn đề quy hoạch sản xuất canh tác, phương thức canh tác gắn liền với tổ chức sản xuất canh tác nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ, sản xuất nuôi trồng gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và quan trọng là nâng cao vai trò quản lý của nhà nước về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và vai trò của cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản và các hệ sinh thái, thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi cho phát triển thủy sản, tăng cường tính khả thi của nhiệm vụ quan trắc và dự báo chất lượng môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời nghiên cứu và phổ biến các công nghệ xử lý môi trường thích hợp hiệu quả để giải quyết các vấn đề chất thải đồng thời ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL.

Phạm Ðình Ðôn(Chi cục BVMT khu vực Tây Nam Bộ)


Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Hỗ trợ vốn để nông dân Tuy An (Phú Yên) áp dụng mô hình nuôi tôm khép kín

Nguồn tin: PY, 28/8/2007
Ngày cập nhật: 29/8/2007

Nuôi tôm sú ở An Ninh Đông (Tuy An)

Nhằm góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực chuyên nuôi tôm, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa hỗ trợ 6 hộ nuôi tôm ở khu vực thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) 30 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi tôm khép kín.

Từ nhiều năm nay, do môi trường nước bị nhiễm bẩn, tôm nuôi ở thôn Phú Lương thường mắc dịch bệnh khiến số người nuôi bị lỗ khá lớn, chiếm khoảng 20% so với số hộ nuôi tôm thất bại ở huyện Tuy An.

KHÁNH HUYỀN


Thác lác Hậu Giang lên hương

Nguồn tin: SGGP, 24/08/2007
Ngày cập nhật: 28/8/2007

Nếu không có gì thay đổi, đến tháng 9-2007, Hậu Giang sẽ có tên miền đăng ký: cá thác lác Hậu Giang. Sau gần 4 năm tách tỉnh, cá thác lác Hậu Giang đã vang danh miền Tây. Tại thị xã Vị Thanh người ta đã chế ra 7 món ăn độc chiêu từ cá thác lác để khách thập phương thưởng thức.

Vỡ nợ cá tra thành “vua thác lác”

Tám Dũng –người làm nên thương hiệu cá thác lác Hậu Giang. Ảnh: Cao Phong

Sau vụ “sụp đổ” từ 25.000 con cá tra hồi năm 2001, thua lỗ nặng do giá cá rớt thê thảm, người ta gọi anh Lê Văn Dũng, dân miệt Tám Ngàn là gã “ngông”: lấy vốn liếng còn lại chơi sang, đi ẩm thực liên tục ở các nhà hàng. Mấy tháng sau chạy khắp chợ quê mua cá thác lác với bất cứ giá nào, anh đã gầy nên trang trại nuôi cá thác lác, để rồi 3 năm sau dân miền Tây tặc lưỡi tôn vinh anh là “vua thác lác”.

Anh Dũng hiện đang sở hữu 15.000 con cá thác lác bố mẹ độc nhất vô nhị ở vùng Tây Sông Hậu. Người đàn ông 43 tuổi ốm nhách, đen nhẻm, đã từng mất ăn, mất ngủ để nghĩ cách nuôi con gì mà chưa ai nuôi, đưa ra thị trường không bị bắt chẹt!? Anh rong ruổi ở các nhà hàng để khảo sát thực đơn ưa thích của khách. Món cá thác lác muối sả chiên gần như có mặt mọi nơi. Rời nhà hàng, Tám Dũng lại rong ruổi đến các chợ quê để mua cá thác lác tự nhiên. Nghe ở đâu có con nặng 1 kg, anh tìm mua ngay. Nhiều nông dân nói Tám Dũng chơi sang, dám mua cá thác lác giá 100.000đ/kg để nhậu. Nhưng anh mua đâu để nhậu. Anh cưng chúng như trứng mỏng. Khổ nỗi, cứ 10 con đem về vỗ béo lại chết 4 con. Mất 2 năm, số lượng cá thác lác bố mẹ anh nuôi vỗ có 15 con, trong đó có 3 con kiểng mà anh nài nỉ mua giá 400.000đồng/kg. Song trong số này chỉ có 3 con lên trứng. Mẻ cá đầu tiên chỉ vỏn vẹn ra đời 1.500 con! Anh quyết định mướn xe đào thêm 4 vuông nuôi cá trên diện tích gần 10.000 m² đất vườn. Anh vỗ béo cá con và giờ đây chúng là thế hệ F.3, chủ lực trong số 6.500 con cá thác lác bố mẹ trong 5 vuông nuôi, khoảng 15 tấn.

Tám Dũng cho biết: “Nuôi cá thác lác cực nhất là lúc chúng đẻ, chẳng khác gì heo nái trở dạ, phải túc trực thường xuyên”. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, Tám Dũng cắt luôn túi tinh cá đực, khiến chúng thành “hoạn” và sau đó biến thành món cá thác lác chiên phục vụ khoái khẩu hàng ngày trong bữa cơm gia đình. Sau tự mò mẫm, anh chỉ cắt 1/3 túi tinh. Cá thác lác đực bị thiến, nhưng vẫn làm tốt chức năng giống đực cho mùa sau. Giờ con cá đầu đàn được xem là “khai thủy công thần” đã nặng 6 ký; số còn lại tròn trèm 3-4 ký. Cá thác lác chỉ lên trứng khi mùa mưa đông ken. Cứ 1 ký cá bố mẹ, chúng cho khoảng 1.200 trứng, tỉ lệ đậu khoảng 900 con giống. 3 năm qua, Tám Dũng đạt doanh thu trên 2 tỉ đồng/năm từ tiền bán con giống.

Mở hướng làm ăn mới

Thu hoạch cá thác lác.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết: từ 2.000m² nay diện tích nuôi cá thác lác trong huyện đã nhảy lên 100.000m². Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ, tạo tiền đề cho huyện thực hiện dự án nuôi 200 ha cá thác lác thương phẩm từ nay đến năm 2010. Điều cốt yếu là phải có sự liên kết “bốn nhà” để có đầu ra ổn định. Nông dân và doanh nghiệp không thể cứ làm ăn mãi theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Đó chính là thách thức lớn cho việc mở rộng diện tích nuôi cá thác lác thương phẩm ở Hậu Giang.

Cuối năm 2006, một tin vui, hay nói đúng hơn một bước ngoặt mới đã mở ra cho Hậu Giang khi CTCP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho trại giống cá thác lác ở xã Thạnh Hòa, Phụng Hiệp. Doanh nghiệp này đã cung cấp hơn 1,2 tỷ con cá cho ĐBSCL và Đồng Nai. 60% khách hàng là các hộ dân ở Phụng Hiệp, Long Mỹ… Trong đó, “chủ xị” là Hai Kháng (Lê Văn Kháng) -thành viên trong HĐQT COIMEX, một người quê tại Thạnh Hòa, Phụng Hiệp. Hai Kháng cho biết năm 2006, COIMEX xuất khẩu đạt doanh số gần 10 triệu USD từ mặt hàng chả cá. Do vậy, Hai Kháng đã trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu với những hộ dân nuôi cá ở Phụng Hiệp. Giá bao tiêu thấp nhất là 25.000đ/kg. Nếu giá thị trường cao hơn nông dân có quyền bán cho ai cũng được. Mức giá này chưa phải là cao, song nếu người dân nuôi đạt kỹ thuật vẫn lời 5.000đồng/kg và yên tâm vì có đầu ra. Chả cá của COIMEX đã có mặt ở thị trường châu Á. Với việc ký kết hợp đồng bao tiêu cá thác lác với nông dân Hậu Giang, COIMEX đang mở rộng thị trường xuất khẩu tại Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Nga.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cái được lớn nhất là thương hiệu cá thác lác Hậu Giang đã được người tiêu dùng ở ĐBSCL và TPHCM chấp nhận. Tỉnh đang chuẩn bị triển khai dự án nuôi 300 ha thâm canh cá thác lác, trong đó sẽ đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi. Điều đáng mừng là các cơ sở giống của tỉnh đã sản xuất trên 10 triệu con giống cá thác lác. Đây là tiền đề để nông dân Hậu Giang chung tay làm giàu từ nuôi cá thác lác thương phẩm. Người dân ở thị xã Vị Thanh đã chế biến từ cá thác lác thành 7 món ăn. Chúng đã tạo nên một phần “hồn ẩm thực” rất dân dã, rất gần gũi với người miền Tây. Nếu có dịp về Vị Thanh, bạn đừng quên món cá thác lác muối sả chiên ăn kèm với canh đọt chạy hấp dẫn...

Cao Phong


Kiên Giang: Sò lông nhiễm chất Cadmi gấp 2 lần mức cho phép

Nguồn tin: BCT, 28/8/2007
Ngày cập nhật: 28/8/2007

Ông Lưu Quan Điểm, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (CLATVSTYTS), Sở Thủy sản Kiên Giang đã khẳng định vào chiều qua 27-8 rằng thông tin sò lông trên địa bàn huyện Kiên Lương, đã nhiễm kim loại nặng có thật. Tuy nhiên, việc nhiễm kim loại không phải chì mà là Cd (Cadmi), một kim loại có nhiều độc tính nguy hại cho sức khỏe. Theo kết quả kiểm tra của Trung tâm CLATVSTYTS vùng 6 (đóng tại Cần Thơ) cho hay, trong cả 5 mẫu sò lông ở khu vực quần đảo Bà Lụa, huyện Kiên Lương được lấy từ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 7-2007 đều có mức nhiễm Cd từ 1.560-2.864 micro-gam/kg trong khi giới hạn cho phép đối với Cd là 1.000 micro-gam/kg. Chính vì kết quả này mà việc tạm thời đình chỉ thu hoạch sò lông đã được đưa ra, đẩy giá sò lông xuống rất thấp, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ nuôi loại nhuyễn thể này trên địa bàn Kiên Lương.

Cũng theo ông Lưu Quan Điểm, hiện cơ quan chức năng tỉnh này đang tiếp tục lấy mẫu sò lông ở Kiên Lương để tiếp tục kiểm tra, song vẫn chưa có kết quả.

MẪN AN


Quảng Bình: Xí nghiệp Chế biến Nông Thủy sản xuất khẩu, thu mua gần 90 tấn tôm sú

Nguồn tin: QBình, 23/08/2007
Ngày cập nhật: 28/8/2007


Nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều loài cá quý hiếm

Nguồn tin: An Giang, 23/8/2007
Ngày cập nhật: 28/8/2007

Trung tâm Nghiên cứu giống thuỷ sản An Giang đã chủ động phối hợp với các Viện, Trường tăng cường nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều con giống quí, có giá trị kinh tế cao.

Toàn tỉnh đã thực hiện 183 ha ương giống, tăng 37,5% so cùng kỳ cho ra tổng số lượng con giống trên 2 tỷ cá bột, 220 triệu con giống các loại và 14,3 triệu con tôm post. 2007 là năm Trung tâm tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, trong đó chủ động phối hợp với các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II triển khai đề tài “Sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực” đã hoàn thành qui trình nuôi vỗ tôm cái giả và sản xuất được 300.000 con giống. Trung tâm cũng triển khai 6 mô hình nuôi thử nghiệm thành công trên ruộng lúa tại hai huyện Thọai Sơn và Châu Phú, giảm tỷ lệ 30% tôm hao hụt so với con giống trước đây.

Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực Nam bộ nghiên cứu thành công việc “Xác định tác nhân chính gây bệnh, phòng và trị bệnh đục thân trên tôm”; kết hợp với Trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ ứng dụng công nghệ “Sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá lăng nha, cá leo, cá ngát”, qua đó đã sản xuất cung cấp 30.000 cá bột đạt tỷ lệ thụ tinh thành công là 50% và 81.000 con giống cho ngư dân nuôi thử nghiệm trong ao bè.

Bên cạnh đó, Trung tâm nhập bổ sung 3.000 con cá tra hậu bị đã qua chọn lọc di truyền để nâng cao chất lượng đàn cá tra bố mẹ và để tăng năng lực sản xuất con giống đáp ứng đủ cho nhu cầu của ngư dân hiện nay.

Ngoài ra Trường Đại học An Giang và Khoa thuỷ sản trường Đại học Cần Thơ còn nghiên cứu thành công và hiện đang chuyển giao qui trình công nghệ mới nuôi, sản xuất con giống cá chạch lấu, cá sặc rằn trong ao đất cho Trung tâm. Qua đó, Trung tâm tiếp tục nhân rộng loại cá này ra cộng đồng.


An Giang: Năm nay sản vật vùng lũ rất phong phú

Nguồn tin: An Giang, 27/8/2007
Ngày cập nhật: 28/8/2007

Mới vào đầu mùa nhưng nhiều sản vật vùng lũ được bày bán ở các chợ rất phong phú. Tại chợ Long Xuyên, giá cá linh non làm sẵn 40.000đ/kg, bông điên điển 20.000đ/kg, bông súng đồng 5.000đ/kg, rau muống đồng 2.000đ/kg... Các loài động vật như rắn bông súng, rắn nước giá bán 50.000đ/kg, rắn trung 60.000đ/kg, rắn hổ hành 170.000đ/kg, lươn đặt trúm 80.000đ/kg, rùa từ 100.000đ – 170.000đ/kg… Các tiểu thương chợ Long Xuyên cho biết, năm nay sản vật vùng lũ có sớm và nhiều nên giá bán “mềm” hơn 10-15% so với mùa lũ năm ngoái.

CAO TÂM


Gương cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi: Đường vươn tới tỷ phú

Nguồn tin: Bình Thuận, 27/08/2007
Ngày cập nhật: 27/8/2007

Chẳng ai nghĩ rằng một con người nhỏ con, hiền lành, nước da hơi ngăm ngăm, tuổi cũng chỉ ba sáu, ba bảy, không bằng cấp lại là người đang trở thành tỷ phú. Đó là Lưu Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

Tuấn nhập ngũ năm 1992 khi làng quê Tân Thành của anh còn nghèo xơ xác. Anh giải ngũ trở về với cấp hàm thiếu úy. Chỗ dựa đầu tiên mà Tuấn quan tâm đó là phải gia nhập Hội Cựu chiến binh và năm 1995, Tuấn vào Hội. Tuấn nhận thức rằng: là lính Cụ Hồ phải ra sức rèn luyện, học tập và lao động sản xuất cho bản thân, gia đình và xã hội. Với nguồn kinh phí nhà nước ưu đãi cho thanh niên xuất ngũ học nghề và tạo công ăn việc làm, Tuấn thế chấp ngân hàng vay được 5 triệu đồng, mạnh dạn đầu tư trồng cây thanh long được 200 trụ, nuôi 10 heo thịt, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, lấy lợi nhuận từ chăn nuôi heo để trồng thêm cây thanh long. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” qua nhiều năm hiệu quả từ thanh long và nuôi heo thu được, Tuấn đã có một số vốn kha khá.

Tuấn lại mạnh dạn thế chấp trang trại thanh long, được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng, Tuấn đầu tư vào nuôi tôm sú xuất khẩu. Trời không phụ lòng người và may mắn sao năm đó Tuấn trúng sản lượng, trúng giá, trừ chi phí lãi ròng 150 triệu đồng, trong đó lãi thu được từ tôm 100 triệu đồng, từ thanh long 40 triệu đồng và chăn nuôi heo 10 triệu đồng, đó là vào năm 2002.

Mạnh dạn đầu tư từ nguồn vốn có được anh mở dịch vụ cung cấp thực phẩm cho nuôi tôm sú. Xin điện lực hạ trạm biến thế để chong điện cho cây thanh long trái vụ, cung cấp điện cho những hộ lân cận có điện thắp sáng, mua thêm đất để trồng cây thanh long… Lúc đó anh đã có trên 3 ngàn trụ thanh long, 3ha mặt nước nuôi tôm sú với một bề dày kinh nghiệm tích lũy được của bao nhiêu năm khốn khó vất vả. Qua các mô hình sản xuất kinh doanh đã có được từ năm 2003 – 2005, hàng năm trừ chi phí Tuấn lãi ròng bình quân trên 300 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều con em cựu chiến binh với lương bình quân hơn 1,2 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc sản xuất kinh doanh, Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như công tác “đền ơn đáp nghĩa” mỗi năm đến năm bảy triệu đồng, hỗ trợ vốn cho hội viên vay không tính lãi hàng chục triệu đồng để anh em trong hội cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đó là chuyện làm ăn của Tuấn mấy năm trước. Bây giờ Tuấn đã có 3 ha mặt nước với 6 ao đìa nuôi tôm. Tuấn bảo: năm 2007 có lẽ rất thuận lợi, với số lượng tôm đang nuôi trong các ao đìa, đến khi thu hoạch nếu bình quân 40 con/kg, thì dự kiến tôi sẽ thu hoạch 11 tấn tôm sú, giá khoảng 110.000 đồng/kg, chỉ tính vụ tôm sẽ thu được hơn 1 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí, lãi ròng ước tính từ 600 – 650 triệu đồng.

Hiện tại Tuấn đang có trong tay 7ha đất sạch chuẩn bị cho việc trồng hơn 7.000 trụ thanh long.

Chúng tôi hết sức khâm phục một cựu chiến binh trẻ năng động, sáng tạo trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp ở địa phương.

KHÁNH CHI


Vĩnh Long: xử phạt nuôi cá không theo qui hoạch

Nguồn tin: TT, 27/08/2007
Ngày cập nhật: 27/8/2007

Chi cục Thủy sản Vĩnh Long sẽ tiến hành thanh tra và kiên quyết xử lý các trường hợp nuôi cá tra không theo qui hoạch và sử dụng hóa chất bị cấm trong nuôi trồng thủy sản. Trước mắt, chi cục đang tiến hành rà soát lại việc qui hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung, khuyến cáo các chủ hầm nuôi phải tuân thủ nghiêm những qui định trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm đến nay, phong trào nuôi cá tra, cá ba sa phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, riêng Vĩnh Long thêm gần 300ha mặt nước nuôi cá tra công nghiệp, tập trung ở các tuyến bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu và sông Cổ Chiên.

BÌNH LONG


Vạn Ninh (Khánh Hòa): Tôm hùm nuôi chết hàng loạt

Nguồn tin: ND, 26/08/2007
Ngày cập nhật: 27/8/2007

Mấy ngày nay, tôm hùm nuôi lồng ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nhất là hai xã Vạn Hưng và Vạn Thạnh, bị dịch bệnh chết hàng loạt. Bà con ngư dân ở đây gọi là bệnh tôm sữa, do tôm chết có dấu hiệu bụng có mầu trắng sữa, đen mang, hở đầu. Phân tích bước đầu cho thấy tôm chết do nhiễm các loại vi khuẩn, nấm... gây bệnh viêm ruột tôm.

Hiện nay, theo chỉ đạo của huyện, các hộ nuôi tôm đang tập trung vệ sinh lồng nuôi, làm sạch môi trường; kiểm tra chặt chẽ nguồn tôm giống nhập về.


Nuôi cá lóc 9 tháng đạt 6kg/con

Nguồn tin: SGGP, 27/08/2007
Ngày cập nhật: 27/8/2007

Ông Phan Văn Chiến, nông dân xã Hồ Thị Kỷ - huyện Thới Bình, Cà Mau, đạt kỳ tích nuôi cá lóc nặng 3 – 5kg/con (có con nặng đến 6kg) trong vòng 9 tháng.

Ông Chiến cho biết: Cách đây 9 tháng, ông mua cá lóc giống từ trại giống tại Cà Mau về nuôi cá thương phẩm. Sau 4 tháng, ông thu hoạch cá, rồi thả lại gần 100 con để ăn trong gia đình.

Trong quá trình nuôi, ông cho cá lóc ăn mồi là cá rô phi nên cá lớn rất nhanh. Hiện trong ao của ông còn khoảng 50 con cá lóc, con nhỏ nhất nặng hơn 3kg.

T.M.T.


Khởi động xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho cá tra, basa

Nguồn tin: TTXVN, 24/08/2007
Ngày cập nhật: 26/8/2007


WWF khởi động chương trình chứng nhận cá tra, basa

Nguồn tin: TTXVN,
Ngày cập nhật: 26/8/2007


Lên núi nuôi cá hồi

Nguồn tin: ND, 25/8/2007
Ngày cập nhật: 25/8/2007

Việc di thực dòng cá nước lạnh có giá trị cao có nguồn gốc ôn đới và hàn đới là mong muốn của các nước Châu Á. Sau thành công của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nê Pan, Pakistan, việc nuôi thành công cá hồi thương phẩm ở hai tỉnh miền cao Việt Nam là Lâm Đồng và Lào Cai quả là một tin vui không chỉ riêng với ngành thủy sản…

Trong các nhà hàng sang trọng ở Việt Nam, các món ăn được chế biến từ cá hồi được coi là những món đặc sản cao cấp đến từ xứ lạnh. Theo số liệu từ ngành Thủy sản, mỗi năm nước ta phải nhập khoảng 1.500 tấn cá hồi từ các nước châu Âu, và nhu cầu về loại thực phẩm ngoại nhập này càng ngày càng cao. Việc đưa con cá hồi về hợp cư với các loài cá khác trên sông nước xứ ta là khao khát nhiều năm qua của những người làm thủy sản Việt Nam. Và, có thể nói, công đầu thuộc về Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Research Institute for Aquaculture No.1) khi viện này triển khai Dự án nuôi thử nghiệm cá hồi tại Sa Pa vào tháng 1-2005 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần Lan và Chính phủ Việt Nam thông qua UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Thủy sản. Những con cá hồi vân thương phẩm đầu tiên với tên khoa học là oncorhunchus mykiss thuộc họ salmonidae có xuất xứ châu Âu được “nội địa hóa”, sau những khó khăn và thách thức đã thu được kết quả vào năm 2006. Thành công đó không chỉ là nỗi mừng vui của những người bỏ bao công sức và tâm huyết vào dự án, mà còn là thước đo của những nỗ lực nghiên cứu và thực nghiệm khoa học một cách nghiêm túc và cẩn trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Ông Jurgen Kauz - bếp trưởng của khách sạn năm sao Melia Hà Nội - nơi đặt mua 450 kg cá hồi Sa Pa mỗi tháng, đã nhận xét, chất lượng và màu sắc của cá hồi vân Sa Pa không thua kém gì so với các loại cá hồi nhập khẩu được sử dụng tại Việt Nam hiện nay. Thành công tại Sa Pa đã mở ra một hướng đi mới cho ngành thủy sản ở các tỉnh có điều kiện tương tự. Cái duyên của con cá hồi có mặt tại Lâm Đồng cũng bắt đầu từ đó.

Vượt gần sáu mươi cây số, qua nhiều cánh rừng và buôn làng người Thượng trên con đường tỉnh lộ 723 nối thành phố cao nguyên Đà Lạt với thành phố biển Nha Trang, chúng tôi đến với trang trại cá hồi thuộc buôn K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais, Lạc Dương. Trang trại nằm giữa thung lũng đầu nguồn con suối Đạ Mưng, giữa hai dãy núi cao Biduop và Yaric. Bên ấm trà nóng, câu chuyện về con cá hồi vân vốn quen thổ xứ Tây sang sống giữa xứ ta làm ấm lòng dần lên trong chiều mưa đại ngàn. Những chàng Robinson giã từ thị thành vào với núi rừng xa thẳm này để làm quen với con cá hồi xứ lạ đã không dấu niềm vui khi nói về thành công bước đầu của họ. So với những gian nan ngày đầu thì hôm nay, với những thành công đã được khẳng định, họ đã bắt đầu thở phào với cá. Tháng 4-2006, những con cá hồi giống đầu tiên vượt hai chặng ô tô và một chặng máy bay từ Sa Pa đến với K’Long K’Lanh. Cuối năm 2006, thực đơn của các nhà hàng lớn tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh đã ghi món cá hồi đến từ núi Yaric. Đó là kết quả thành công ngoài cả mong đợi. Kỹ sư Nguyễn Viết Thùy - Trạm trưởng Trạm nghiên cứu thực nghiệm nuôi cá Quảng Hiệp (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3), là người trực tiếp triển khai thực hiện dự án nuôi cá nước lạnh do Sở NN-PTNT Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Anh nói về cá hồi như nói về một nhân vật thân thiết. Thùy kể về cái hành trình đưa trứng giống cá hồi từ Phần Lan - một đất nước Bắc Âu lạnh giá, cách xa nước ta hàng ngàn cây số để về nhân giống và nuôi thành cá hồi thương phẩm thành công với cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách. Trứng được nhập về rồi ấp nở thành cá giống, sau đó là ươm giống và nuôi thành cá thương phẩm. Hiện Lâm Đồng chỉ mới thực hiện được việc ươm giống và nuôi thương phẩm, còn công đoạn ấp nở trứng thì thực hiện tại Sa Pa, Lào Cai.

So với các dòng cá quen thuộc của chúng ta, nuôi cá hồi đòi hỏi những điều kiện và chế độ kỹ thuật hết sức khắt khe. Nguồn vốn đầu tư lớn, chăm sóc và nuôi dưỡng lại phải bảo đảm đúng quy trình khoa học. Gía trị thương phẩm cao, khả năng sinh lời lớn nhưng độ rủi ro cũng không phải nhỏ. Cá được nuôi trong môi trường nước chảy, đảm bảo độ sạch, nếu nước đục và bẩn thì cá sẽ kém ăn và phát triển chậm. Nhiệt độ trong hồ phải luôn được duy trì ở mức 20 độ C, nếu trên 22 độ C trong vòng một tuần thì cá sẽ chết. Theo kỹ sư Thùy, nếu nước có nhiệt độ từ 15-16 độ C thì đảm bảo cá sinh trưởng rất tốt. Nước hồ dùng để nuôi cá hồi cũng phải đủ hàm lượng ôxy hòa tan đạt mức quy định; từ 5,5-7mg/lít là lý tưởng, tối thiểu cũng phải đạt 3,5mg/lít. Nếu thiếu hàm lượng ôxy nói trên trong vòng một thời gian ngắn thì cá cũng “ra đi”. Loài cá “quý tộc” này cũng đòi hỏi lượng thức ăn với chi phí khá cao, đó là loại cám tổng hợp nhập về từ Phần Lan được sản xuất theo công nghệ Na Uy, có giá khoảng 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hệ số thức ăn tiêu thụ và mức tăng trọng lượng của cá hồi là 1/1, cho một kg thức ăn thì được trả lại một kg cá thịt.

Với sự hướng dẫn của Nguyễn Viết Thùy, chúng tôi tham quan và tìm hiểu quy trình nuôi cá tại trang trại cá hồi đầu tiên ở Lâm Đồng. Trang trại được chia làm hai khu vực, một phần nhỏ diện tích là nơi ươm cá giống, 40 hồ với diện tích khoảng 1ha là nơi nuôi cá thương phẩm. Toàn bộ cá giống được chăm sóc trong bể tôn có mái che. Cá thương phẩm nuôi trong hồ nước chảy trải bạt. Người phụ trách và các công nhân nói rằng, cá giống đưa từ Sa Pa về là cá bột ấp nở ba tuần tuổi với kích thước từ 1,6 đến 1,8 cm, trọng lượng khoảng 4.200 đến 4.500 con/kg, hao hụt vận chuyển là 8,75%, tỷ lệ sống đạt 91,25%. Sau thời gian một năm, trọng lượng cá đạt trung bình 1,2 kg/con, sản lượng đạt 17-18 tấn, năng suất khoảng 30 tấn/ha. Ước giá thành sản phẩm khoảng 63.000 đồng đến 67.000 đồng/kg; giá bán tại hồ hiện nay là 150.000 đồng/kg, vận chuyển đến Đà Lạt thì tăng lên 160.000 đồng/kg, nếu chuyển về TP Hồ Chí Minh thì mức giá còn cao hơn nhiều. Theo kỹ sư Thùy, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, người nuôi sẽ thu lãi từ 30-40%. Đến thời điểm nay, tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 10 nhà hàng, khách sạn lớn tiêu thụ cá hồi vân nuôi ở K’Long K’Lanh, nhưng lượng cung hiện tại không thể đủ cầu. Có thể nói, nếu mức độ tiêu thụ ngày càng cao như hiện nay thì thị trường cá hồi đang còn vô hạn…

Với sự tính toán như trên thì chuyện con cá hồi đang nóng dần lên trong ý nghĩ của các nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản. Sau kết quả nghiên cứu và thử nghiệm thành công, nhiều công ty ở Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh đã và đang lập dự án kinh doanh cá hồi và cá tầm Nga tại địa phương này. Công ty Hoàng Phố - TP HCM đã đầu tư 5 tỷ đồng nuôi cá hồi và cá tầm Nga tại K’Long K’Lanh, hồ Tuyền Lâm và hồ Đa Nhim; Công ty Hà Quang - TP HCM xin đầu tư 8 tỷ đồng và Công ty 7-5 thuộc Quân khu 7 - Bộ Quốc phòng cũng đã lập dự án đầu tư trên 44 tỷ đồng. Đặc biệt, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã lập dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu sản xuất các giống cá nước lạnh tại Lâm Đồng với kinh phí trên 15 tỷ đồng. Xuất phát từ tiềm năng tự nhiên và xu hướng quan tâm của các nhà đầu tư, tỉnh Lâm Đồng dự kiến đến năm 2010, trên địa bàn này sẽ có khoảng trên 50 ha ao hồ nuôi cá nước lạnh. Cùng với Lào Cai, Lâm Đồng sẽ góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, thay vì phải nhập khẩu cá hồi và các loại cá nước lạnh khác từ nước ngoài. Từ “thực mục sở thị” các vùng địa hình và khí hậu tại Lâm Đồng, chúng tôi nghĩ rằng, con số đó là khả năng trong tầm tay của tỉnh.

Việc di thực và nuôi thành công bước đầu con cá hồi xứ lạnh trên vùng cao nguyên là một thành công rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hành trình phía trước cũng đang còn rất nhiều điều cần phải đàm luận và giải quyết. Việc đầu tiên mà tỉnh Lâm Đồng cần phải quan tâm chính là tiến hành khảo sát cụ thể để xác định diện tích mặt nước, nguồn nước lạnh cung cấp ổn định cho ao nuôi, diện tích đất đai trên từng địa bàn để khai thác nuôi trồng thủy sản một cách phù hợp. Công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng để mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh hiện nay cũng chưa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện chu đáo. Một khó khăn rất lớn là chúng ta còn bị động và phụ thuộc nguồn cung cấp trứng giống và thức ăn cá nhập từ nước ngoài theo con đường tiểu ngạch. Quy trình kỹ thuật nuôi cá thương phẩm, các bệnh của cá, việc xây dựng mô hình nuôi công nghiệp, công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu và nhiều vấn đề khác vẫn chỉ là bước đầu, còn rất nhiều nan giải. Theo chúng tôi, từ những khó khăn và bị động nói trên, tỉnh Lâm Đồng, ngành Thủy sản Việt Nam và các nhà đầu tư cần phải có bước đi thận trọng và phù hợp trong việc triển khai thực hiện việc nuôi trồng, phát triển dòng cá nước lạnh trên cao nguyên Lâm Viên.

UÔNG THÁI BIỂU


Sẽ có Tổng cục Thủy sản trong Bộ NN-PTNT

Nguồn tin: VNN, 24/08/2007
Ngày cập nhật: 25/8/2007


Bến Tre: Ba Tri phát triển nuôi tôm sinh học

Nguồn tin: BTreTV, 25/8/2007
Ngày cập nhật: 25/8/2007

Vụ nuôi tôm sú năm 2007, huyện Ba Tri có hơn 950 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, trong đó có 60 ha nuôi theo qui trình sinh học, tập trung tại 2 xã Vĩnh An và An Hoà Tây.

Qui trình nuôi tôm sinh học chủ yếu là sử dụng hệ thống oxy đáy kết hợp với cấy vi sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển trong ao, giúp tôm phát triển tốt, có sức đề kháng cao, ít nhiễm bệnh, môi trường ổn định… ưu điểm của nuôi tôm sinh học là mật độ cao khoảng 40 con/m2 tôm không bị nhiễm dư lượng hoá chất kháng sinh, tăng trọng nhanh, ít hao hụt, giảm chi phí, năng suất cao, sản lượng lớn, bán được giá. Hiện tại, một số ao nuôi đã thu hoạch đều đạt năng suất từ 8 đến 11 tấn/ha, giá bán từ 85.000 đến 87.000 đồng/kg (loại 40 con/kg), lợi nhuận thu được từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg. Đây là qui trình nuôi tôm mang tính hiệu quả, bền vững cao đang được nhiều người dân học tập.


Kiên Giang: Nông dân hoang mang vì thông tin sò lông nhiễm độc tố

Nguồn tin: SGGP, 24/08/2007
Ngày cập nhật: 24/8/2007

Sáng nay, 24-8, ông Trương Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết: Hơn 500ha sò lông tại các khu vực ven biển đang vào vụ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được vì có nguồn tin cho rằng sò lông bị nhiễm độc tố kim loại nặng. Điều này làm các chủ nuôi sò lông hết sức hoang mang, lo lắng.

Giá sò lông hiện chỉ còn 500-600đ/kg, giảm một nửa so với trước. Huyện Kiên Lương đang phối hợp với Sở NN-PTNT Kiên Giang và các ngành chức năng nhanh chóng kiểm tra, phân tích xem sò lông nhiễm độc tố hay không…

BÌNH ĐẠI


Khá lên nhờ nuôi ếch

Nguồn tin: BR-VT, 20/8/2007,
Ngày cập nhật: 24/8/2007

Nhà nông đâu cứ phải có vốn lớn, đất rộng mới có thể làm giàu, điều quan trọng là biết chọn cây, con giống phù hợp, biết nắm bắt thị trường và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó là điều mà ông chủ trại Nguyễn Văn Nghĩa đã đúc kết được sau nhiều năm làm nghề sản xuất ếch giống.

Nằm sâu trong con hẻm, đồng ruộng tại khu phố 3, phường Long Tâm, trại ếch giống Trọng Nhân của anh Nguyễn Văn Nghĩa vẫn được nhiều người dân trong vùng và các huyện khác: như Châu Đức, Xuyên Mộc và TP. Vũng Tàu biết đến.

Ngày mới lấy nhau, vợ chồng anh Nghĩa được bố mẹ cho gần một sào ruộng, nhưng ruộng bị nhiễm phèn nặng, trồng rau èo uột, cấy lúa vụ được vụ mất. Nhân một chuyến về quê Tiền Giang, thấy bạn bè nhiều người nhờ nuôi ếch mà khá lên, anh lân la học hỏi kinh nghiệm, rồi bàn với vợ gom góp vốn liếng mua 2.000 con ếch giống về nuôi. Ai ngờ, mới nuôi được mấy ngày ếch chết quá nửa. Không nản lòng, anh lao vào nghiên cứu sách báo, cuối cùng mới vỡ ra ếch chết là do bị nhiễm phèn. Anh bắt tay vào thiết kế lại công trình nuôi, lắp đặt hệ thống lọc phèn, xử lý nước trước khi cho vào hồ và công việc bắt đầu thuận lợi.

Đến nay, trại giống của anh đã có 23 hồ nuôi, gồm 4 hồ nuôi ếch bố mẹ, bể phối giống, 4 hồ chứa ếch con, còn lại là hồ phân cỡ ếch theo từng thời gian sinh trưởng và hồ nuôi ếch thịt. Ngoài ra, anh còn xây bể chứa nước thải để nuôi cá lóc và cá trê tận dụng thức ăn dư thừa của ếch. Còn nước thải sau khi xử lý được dùng để tưới cỏ nuôi bò cái sinh sản.

Với 100 cặp ếch bố mẹ mỗi đợt anh sản xuất được trên 15.000 con ếch giống, sau 45 ngày tuổi bán được với giá 1.500 đồng/con, mỗi năm anh xuất được 5 lứa giống, tổng cộng khoảng 75.000 ếch con. Ngoài ra, anh còn xuất ra thị trường hơn 500 kg ếch thịt, giá từ 28.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng anh thu lãi hơn 7 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/ người/ tháng. Không chỉ cung cấp giống, anh Nghĩa còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi và nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Những hộ khó khăn về vốn, anh tạo điều kiện giúp đỡ bằng cách cho trả chậm 50 % vốn giống vào cuối kỳ thu hoạch.

Anh Nghĩa cho biết, hiện nay thị trường trong tỉnh mỗi tháng có thể tiêu thụ khoảng 5 tấn ếch, vì vậy bà con nuôi ếch thịt có thể yên tâm về đầu ra cho sản phẩm của mình. Riêng trại ếch giống của anh, hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi.

Kim Liên (Đài Truyền thanh TX. Bà Rịa)


Tuy An (Phú Yên): 62 ha tôm vụ hai bị bệnh

Nguồn tin: PY, 23/8/2007
Ngày cập nhật: 24/8/2007

Hiện có 62 ha tôm sú nuôi vụ hai trên dưới 3 tháng tuổi ở các địa phương quanh đầm Ô Loan (huyện Tuy An) bị mắc bệnh thân đỏ đốm trắng. Nguyên nhân được xác định là vì thời tiết thất thường và ô nhiễm môi trường nước sau đợt lũ do ảnh hưởng bão số 2. Ngành chức năng của huyện đang hướng dẫn bà con đóng kín các cổng lấy nước không để lây lan trên diện rộng.

Được biết, trong vụ hai năm 2007, huyện Tuy An thả nuôi 235 ha tôm sú và 15 ha tôm thẻ chân trắng.

HOÀNG ANH


“Vua cá hồi” ở Lai Châu

Nguồn tin: SGGP, 22/08/2007
Ngày cập nhật: 23/8/2007

Năm 1976, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Trần Yên rời Ninh Bình để xung phong lên xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) xây dựng vùng kinh tế mới. Được chính quyền địa phương giao 380ha đất để trồng thông, anh nghĩ: “Nếu chỉ trồng thông thì không thể làm giàu được”. Anh quyết định vay tiền ngân hàng để nuôi bò.

Sau hơn 10 năm, anh đã là chủ một trang trại bò với 70 con, thu nhập 80 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đến năm 2005, khi có chủ trương nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai), trong khi nhiều người còn đắn đo việc giống cá xứ lạnh châu Âu khó sống được ở Việt Nam, anh lại “liều” đặt vấn đề với Viện Nuôi trồng thủy sản trung ương I để đưa về nuôi thử nghiệm ở Lai Châu. Đầu năm 2006, anh nuôi thử 500 con giống, đạt trọng lượng bình quân 250g. Thấy cá sống khỏe, rất thích hợp với khí hậu ở Lai Châu, anh quyết định nhập thả thêm 600 con giống nữa.

Sau nhiều ngày, tháng mất ăn mất ngủ, đến tháng 10-2006, “quả ngọt” đã đến với anh khi 2,5 tấn cá hồi đầu tiên cho thu hoạch. Khách từ Hà Nội lên tận nơi sẵn sàng trả giá 150.000 đồng/kg. Anh thu được 375 triệu đồng, trừ mọi chi phí, còn lãi 130 triệu đồng. Đó là một khoản tiền lớn đối với nông dân. Anh tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, nuôi thả tới 12.000 con cá hồi giống. Đến tháng 6-2007 vừa qua, anh đã thu hoạch được 20 tấn cá hồi thương phẩm và dự tính 20 tấn cá còn lại sẽ thu vào cuối năm nay.

Hiện cá của anh đã có mặt tận siêu thị Metro (Hà Nội). Tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần 3, nhiều người hỏi về bí quyết thành công, anh mỉm cười: “Để làm giàu được, đòi hỏi người nông dân phải nhạy bén với thời cuộc. Phải biết lựa chọn chính xác việc nuôi con gì, trồng cây gì mà thị trường đang cần”.


Trong 5 năm: có trên 35 ngàn hộ nông dân Cà Mau được hướng dẫn kỹ thuật về khuyến ngư.

Nguồn tin: CM, 22/8/2007
Ngày cập nhật: 23/8/2007

Sở thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, trong 5 năm qua riêng công tác khuyến ngư của tỉnh đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Ngành thủy sản đã hướng dẫn cho nông dân những kỹ thuật về nuôi tôm quản canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp cho trên 35 ngàn hộ dân, kết quả có hơn 80% số hộ dân này đã nắm vững kiến thức cơ bản về: nuôi các loại tôm, cua giống; chuyển giao kỹ thuật sinh sản cá rô phi, cá bống tượng và các loại cá đồng… Kết quả trên đã giúp cho nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh dần cải thiện ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, kỹ thuật trên cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong tỉnh tham khảo về vấn đề bảo quản và nhân giống tốt ./.

Hồng Thắm


Triệu phú nuôi cá hồi trên núi

Nguồn tin: NLĐ, 23/8/2007
Ngày cập nhật: 23/8/2007

Anh Trần Yên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại huyện Yên Sơn, Ninh Bình. Năm 1976, sau khi xuất ngũ, anh Yên đã chọn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu, làm quê hương thứ hai để khởi nghiệp.

“Phải dám nghĩ, dám làm”

Anh Yên kể, năm 2002, anh được xã giao 380 ha đất để trồng thông theo chương trình của Nhà nước. Nhận được quyết định giao đất, anh Yên trằn trọc: Nếu chỉ trồng rừng thì sẽ rất lãng phí tài nguyên. Vì vậy, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để nuôi thêm bò vì khí hậu, đồng cỏ ở đây rất thuận lợi. Chỉ 4 năm sau, gia đình anh Yên đã có đàn bò 70 con, thu nhập từ 45-80 triệu đồng/năm.

Chưa bằng lòng, anh Yên bộc bạch: “Người trong bản thường nói vợ chồng tôi tham công, tiếc việc. Tôi lại suy nghĩ khác, muốn thoát khỏi đói nghèo và trở nên giàu có, điều quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm và làm hết mình”. Được thuận lợi là nhà cách trại nuôi cá hồi thử nghiệm Sa Pa khoảng 10 km, anh Yên đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian tìm hiểu và được sự giúp đỡ của các chuyên gia, anh xây 2 bể nuôi cá hồi (50 m2/bể). Đầu năm 2006, anh thả 500 con cá giống đầu tiên. Chỉ sau 2 tháng, đàn cá có dấu hiệu thích nghi và tăng trưởng tốt. Thấy khả quan, anh thả thêm 600 con cá giống.

Thu thêm hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá hồi

Tháng 10-2006, gia đình anh Yên đã thu hoạch mẻ cá hồi đầu tiên được 2,5 tấn, giá bán bình quân 150.000 đồng/kg. Tổng số tiền bán cá hồi được 375 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình anh Yên lãi được 130 triệu đồng. Nhận thấy đây là cơ hội để bứt phá, anh vay ngân hàng 100 triệu đồng, cộng với tiền tích lũy, anh đầu tư 1,2 tỉ đồng xây dựng bể nuôi và thả thêm cá giống. Vạn sự khởi đầu nan, 6.000 cá giống thả đợt này đều chết. Không nản chí, anh Yên lại thả tiếp 12.000 cá giống. Đợt đầu, gia đình anh Yên đã thu hoạch được 20 tấn cá và dự kiến đến cuối năm nay sẽ thu hoạch thêm 20 tấn. Hiện nay siêu thị Metro (Hà Nội) đã ký hợp đồng mua cá hồi từ trang trại của anh nông dân vùng Tây Bắc này. Anh Yên khẳng định, 2007 là năm bản lề cho sự bứt phá làm giàu của cả gia đình, bởi lãi của năm nay đạt khoảng 1 tỉ đồng.

Ngoài nuôi cá hồi, gia đình anh Yên còn đầu tư trồng 2 ha táo mèo, đào. Dự kiến trong năm 2007, anh Yên trồng thêm 10 ha cây ăn quả và một số cây dược liệu khác, 200 ha rừng kinh tế bằng cây zatropa (lấy dầu thay thế cho diesel chạy ô tô) và cây thông. Anh Yên cho biết, trang trại của gia đình anh giúp tạo việc làm cho gần 100 lao động trong bản.

Thế Dũng


Nghề nò cá: Làm chơi, ăn thiệt

Nguồn tin: NLĐ, 22/8/2007
Ngày cập nhật: 23/8/2007

Ông Phạm Tĩnh, người có “thâm niên” hơn 60 năm gắn bó với nghề chài lưới sông nước Thu Bồn ở làng Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), chỉ tay về phía nò cá bên kia sông, bảo: “Tôi đã già rồi. May mà trời còn cho tôi khỏe để làm nghề nò cá, con cháu cũng đỡ khổ vì phải nuôi ông bà già”...

Đóng nò

Ông Phạm Tĩnh cho biết: “Làm nghề nò cá, chỉ cần một chiếc thuyền, vài chục cây sào, cái đó, thêm ít tấm đăng và vài chục mét lưới là đủ. Quan trọng là biết chọn địa thế đóng cừ, giăng đó và... kiên nhẫn chờ. Các “công đoạn” làm nò cá như sau: Trước tiên, người làm nghề tìm chọn những cây tre già, vừa tầm bắp tay để làm cọc (nếu dùng cây sậy chặt trên núi thì tốt hơn).

Mỗi cọc dài từ 3 đến 4 m hoặc tùy theo độ nông sâu của nước, để khi đóng xuống đáy sông, phần cọc còn nhô lên mặt nước 1 - 1,5 m. Sau đó chọn khúc sông có địa thế tốt, nước chảy không mạnh lắm; một bên có độ sâu vừa phải, còn một bên có bãi cát thoai thoải để đóng hàng cọc qua sông làm bờ cừ.

Giữa hai hàng cọc có chừa một khoảng trống và làm dấu để ghe thuyền qua lại biết để khỏi va vào gây tai nạn. Cũng có nơi, người ta đóng cừ theo hình chữ V, hai hàng cọc từ nơi chừa khoảng trống chênh chếch về hai bờ sông (đối với nò cá đặt rớ đôi).

Cần sự kiên nhẫn

Làm nghề nò cá phải kiên nhẫn, vì cách đánh bắt này theo kiểu... “lá vàng rơi”: Đàn cá trên nguồn theo dòng nước về xuôi, đến đoạn bờ cừ, chúng men theo lưới đi vào nơi đặt rớ. Đường vào thì rộng còn đường ra thì khó, sau thời gian lùng bùng trong lưới, nhiều chú cá hoảng loạn vọt lên, rơi ngay vào “cái bẫy” lưới giăng sẵn. Con cá nào dính lưới hoặc chui vào đó, chủ nò bắt rất dễ dàng. Cũng bờ cừ ấy, chủ nò đặt hai rớ để vừa bắt cá từ phía trên xuống vừa dụ cá từ dưới lên.

Sau khi đóng cọc xong, người làm nghề nò cá sẽ rải lưới hoặc giăng đăng dọc theo bờ cọc. Làm thế để cá không vượt ngang qua bờ cừ mà men theo đến điểm giăng rớ. Tại điểm đặt rớ có đóng hơn chục cây sào cao hơn mặt nước 3 m.

Sào đóng làm hai hàng theo hình xoắn ốc. Lưới giăng theo hai hàng sào thành “mê trận”. Ngay điểm hẹp nhất của hai mép lưới, chủ nò đặt cái nơm hoặc giăng một tấm lưới theo kiểu giăng rớ 12 - 16 m2. Rốn lưới ngâm trong nước để cá nhảy vào vẫn sống. Thế là xong. Chủ các nò cá chỉ chờ... bắt cá.

Không bao giờ lỗ vốn

Hiện nay, người con của ông Tĩnh là anh Phạm Văn Quýt và các anh Phạm Văn Duy, Phạm Tám (cháu gọi ông Tĩnh chú ruột) cũng làm nghề nò cá trên cùng khúc sông này. Theo anh Phạm Văn Duy, gia đình anh làm nông là chính, nghề nò cá là phụ nhưng có thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Duy cho biết: “Từ ngày lập gia đình tới nay, năm nào vợ chồng tôi cũng làm thêm nghề nò cá. Nghề này có đồng ra đồng vào, không phải bán lúa gạo khi có chuyện ngặt. Nhờ đó mà nuôi bốn đứa con khôn lớn”. Ông Trần Bính, người làm nghề nò cá ở thôn Tĩnh Yên, xã Duy Thu (Duy Xuyên), cho rằng: Nghề nò cá rất thảnh thơi, “làm chơi” nhưng “ăn thiệt”, không bao giờ lỗ vốn. Những năm qua, cá mòi sông Thu xuất hiện nhiều vào thời điểm mùa cá “rộ”, mỗi ngày chủ nò thu hoạch được trên 50 kg cá, thu nhập đến 300.000 đồng.

Theo ông Phạm Tĩnh, nhiều đêm nằm canh nò, nghe cá quẫy mà “sướng” cả người. Ông Tĩnh cũng như hàng chục chủ nò cá trên sông Thu Bồn đang có nỗi lo chung: Cá tôm trên sông khan hiếm dần do nạn khai thác bằng châm điện, nghề nò cá rồi cũng mai một thôi. Lão ngư Phạm Tĩnh rót hai bát rượu đầy mời khách. Bà Tĩnh lụi cụi bê từ gian bếp trong khoang thuyền ra đĩa cá chép kho thơm lựng. Nghề nò cá cũng có thú vui riêng...

PHƯỚC TRỊNH


Chông gai nghề nuôi tôm sú ở Trà Vinh

Nguồn tin: ND, 21/8/2007
Ngày cập nhật: 22/8/2007

Từ phong trào tự phát, nghề nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh phát triển nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Có một thời, người Trà Vinh xem tôm sú là con đường duy nhất cho việc thoát nghèo và đi lên làm giàu. Nhưng con đường ấy đã nhanh chóng lộ ra những chông gai của nó.

Những con số không vui

Nghề nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã hình thành cách đây khoảng 20 năm. Bắt đầu từ nuôi quảng canh, thả con giống với mật độ thấp trên các đập bao vây tôm cá tự nhiên ở vùng nước mặn. Từ những manh nha ban đầu, mô hình nuôi được cải tiến dần lên quảng canh cải tiến, nuôi bán thâm canh và nuôi thâm canh. Những năm đầu nuôi tôm sú, môi trường nước vùng nuôi còn tốt, nên tỷ lệ hộ nuôi thành công và lợi nhuận từ việc nuôi tôm sú rất cao. Ngay lúc ấy, nhiều người cho rằng, ở Trà Vinh chỉ có nuôi tôm sú mới có thể làm giàu.

Từ sự nôn nóng làm giàu bằng nghề nuôi tôm sú, chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân Trà Vinh đã nhanh chóng đẩy diện tích nuôi tôm sú tăng lên rất nhanh. Sức hút từ lợi nhuận cao của các mô hình nuôi tôm sú đã kéo người dân Trà Vinh lao vào đầu tư cho con tôm sú. Thế là, đất rừng nhanh chóng bị đào bới để trở thành những mương nuôi tôm, ruộng làng biến thành ao tôm, đất đã được ngọt hóa để trồng lúa cũng bị mở cống để lấy nước mặn vào nuôi tôm.

Những vụ nuôi tôm thắng lớn đã nhanh chóng đi qua. Có thể nói năm 2005 là năm thất bại của những người nuôi tôm Trà Vinh. Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của UBND tỉnh, số tôm thả nuôi trước lịch thời vụ có khoảng 90% bị chết sau một, hai tháng nuôi. Trong năm toàn tỉnh có hơn một tỷ con tôm nuôi bị chết, chiếm tỷ lệ 40% lượng giống thả nuôi; tỷ lệ hộ nuôi tôm bị thiệt hại chiếm hơn 47% số hộ nuôi. Số tôm nuôi đầu vụ 2006 cũng gặp tình trạng bị chết hàng loạt trên diện rộng, gần như chết trắng.

Tại thời điểm tháng 4-2006, huyện Cầu Ngang có 5.061 hộ thả nuôi hơn 319 triệu con tôm giống, thì đã có 2.396 hộ (47,3%) bị thiệt hại; số lượng tôm chết hơn 159 triệu con, chiếm 50% lượng giống thả nuôi. Theo báo cáo của Sở Thủy sản Trà Vinh, đến ngày 2-8-2007, toàn tỉnh có 34.081 lượt hộ thả nuôi hơn 2,416 tỷ con tôm sú giống trên diện tích 36.032 ha, (tăng hơn năm trước khoảng 4.000 lượt hộ, 400 triệu con giống và 4.000 ha).

Năm nay, thời tiết, môi trường nước vùng nuôi, chất lượng tôm giống năm nay cũng có những vấn đề chưa ổn, nhưng nhìn chung vụ nuôi năm nay là thuận lợi. Báo cáo sáu tháng đầu năm của Sở Thủy sản, có khoảng 20% hộ nuôi bị thiệt hại, tỷ lệ tôm nuôi bị chết chiếm 19%, trên diện tích hơn 6.000 ha mặt nước. Có thể nói, năm nay, người nuôi tôm sú ở Trà Vinh được mùa, có nhiều người trúng lớn.

Nhưng được mùa trong sự bất ổn. Theo ước tính của các chuyên gia về nghề nuôi tôm sú, nếu tổng kết qua nhiều vụ nuôi thì chỉ có khoảng 10% số hộ nuôi tôm sú có lãi thật sự. Theo họ, những hộ được gọi là hòa vốn, thực chất chỉ lấy lại được phần vốn mua con giống và thức ăn nuôi tôm; trong khi nguồn vốn đầu tư vào đất đai, xây dựng ao nuôi, công chăm sóc và mất đi phần thu nhập tạo ra trên phần đất đó, vậy là lỗ.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp Thủy sản huyện Duyên Hải, đến ngày 15-7-2007, toàn huyện có hơn 12.000 hộ nuôi tôm sú, đã thả nuôi gần 1,5 tỷ con tôm giống, nhưng về lượt hộ thả giống thì có đến gần 20.000 lượt hộ (vì có gần 6.700 hộ bị thiệt hại, chiếm tỷ lệ 55% số hộ thả nuôi, thả giống lại nhiều lần). Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Duyên Hải thì số tôm còn lại phát triển khá tốt, nếu không có những đột biến bất khả kháng thì Duyên Hải có thể đạt được chỉ tiêu Nghị quyết. Hiện nay, đã có nhiều ao nuôi đến ngày thu hoạch, số hộ có lãi trăm triệu khá nhiều.

Dù thế nào cũng phải theo con tôm sú!

Hiện nay, quan điểm "nuôi tôm sú là con đường nhanh chóng để đi lên làm giàu" vẫn còn đứng khá vững. Có hai nguyên do chính để quan điểm này đứng vững là: giá trị sản xuất thu được trên một đơn vị diện tích do nuôi tôm sú mang lại rất lớn và tỷ lệ lợi nhuận (nếu trúng mùa lớn) thu được cũng rất cao. Sự phát triển nhanh chóng của bộ mặt đô thị, nông thôn ở các xã, huyện vùng ngập mặn cũng nhờ vào con tôm sú. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh nhờ vào các vụ tôm trúng mùa.

Khi đánh giá về các mô hình nuôi tôm sú ở huyện Duyên Hải, cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo huyện, cho rằng: mô hình nuôi thâm canh và quảng canh cải tiến có hiệu quả, còn mô hình nuôi bán thâm canh thì ít hiệu quả. Nuôi thâm canh cần phải có đất rộng, vốn lớn, và có kỹ thuật cao, người nuôi có thể xử lý được một số tình huống bất lợi, nên tỷ lệ hộ nuôi đạt hiệu quả và tỷ lệ lợi nhuận cũng cao. Nhưng số hộ và diện tích nuôi tôm theo mô hình này ở Duyên Hải và cả tỉnh cũng chỉ khoảng 10%. Ðiều đó cũng khá trùng khớp với ước tính của các chuyên gia về nuôi tôm sú là chỉ có khoảng 10% hộ nuôi tôm thật sự có lãi và giàu lên được.

Nuôi quảng canh cải tiến là hình thức nuôi xen trong đất rừng ngập mặn. Ðể tạo thêm thu nhập cho những hộ được giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, Nhà nước cho phép họ sử dụng khoảng 30% diện tích để nuôi các loài thủy sản. Cùng với nuôi tôm cá tự nhiên, họ thả thêm con tôm sú giống với mật độ thưa. Khi thấy tôm phát triển tốt thì họ bổ sung thêm một phần thức ăn. Do nuôi thưa nên ít bị dịch bệnh. Nuôi theo hình thức này nhiều hộ có lãi, nhưng số lãi không lớn, khó có thể làm giàu nhanh được.

Nuôi tôm bán thâm canh là hình thức nuôi phổ biến, chiếm đại đa số ở tỉnh Trà Vinh và được đánh giá là mô hình nuôi kém hiệu quả. Những hộ này ngày một nghèo đi vì con tôm sú. Vì sao họ không chuyển nghề, hay chuyển hình thức nuôi? Câu hỏi này được nhiều người giải đáp. Người sản xuất thì cho rằng vì họ có ít đất (khoảng 1 ha trở lại), nguồn vốn có hạn nên khó có thể chuyển sang mô hình nuôi thâm canh được. Chuyển nghề thì đất đã thành ao rồi, đất đã mặn hóa rồi cũng không thể trở lại trồng lúa được...

Phải quy hoạch lại vùng nuôi tôm...

Nguyên nhân dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm thất bại có rất nhiều: do thời tiết, chất lượng tôm giống, việc phát triển nuôi tôm chủ yếu là do tự phát của người dân nên Nhà nước chưa đầu tư bố trí công trình thủy lợi phục vụ nuôi tôm kịp thời làm ô nhiễm môi trường nước, thời gian cách ly giữa các vụ không đủ dài tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan, nhận thức cộng đồng nuôi thủy sản ở một số hộ còn kém, khi tôm nuôi bị nhiễm bệnh... Có thể kể thêm hàng loạt các nguyên nhân khác. Các nguyên nhân này, lãnh đạo địa phương, ngành chuyên môn và người nuôi tôm đều đã biết, nhưng vì sao rất chậm khắc phục. Người nuôi tôm đang mong Nhà nước sớm điều chỉnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch để bảo đảm thủy lợi phục vụ cho vùng đã chuyển nuôi tôm.

Chính quyền địa phương cần nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Nơi nào cho phát triển nuôi tôm thì đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoàn chỉnh, đồng thời tổ chức lại sản xuất giúp người dân chuyển hình thức nuôi lên thâm canh; nơi nào không phù hợp thì phải cấm một cách triệt để tạo mô hình cho người dân chuyển sang nuôi trồng cây, con khác.

Việc quản lý lịch thời vụ, con giống và thức ăn nuôi tôm cần phải được tăng cường hơn nữa. Không để kéo dài tình trạng chưa đến lịch thả giống mà tôm giống vẫn bán tràn lan không kiểm soát được.

Cần thực hiện quy định các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống trước khi xuất bán phải qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn một cách nghiêm ngặt.

Ngân hàng cần tăng cường nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đủ nhu cầu cho người nuôi tôm, để họ không phải vay nóng bên ngoài, đó cũng là một cách giúp người nuôi tôm tăng hiệu quả sản xuất, sớm thoát ra cảnh khốn khó này.


Phú Yên: “Tuần tra” bảo vệ cá sấu Xiêm

Nguồn tin: PY, 20/8/2007
Ngày cập nhật: 22/8/2007

Cá sấu Xiêm ở bàu Hà Lầm (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) khi thì nằm gác đầu mơ màng trên những đám bèo tây, khi lên bờ và... dính bẫy thú rừng, khi lại xông rách lưới đánh cá của người dân... Loài cá sấu này trước đây có rất nhiều ở Sông Hinh, nhưng bây giờ thì chỉ còn vài con và nơi đây được coi là duy nhất ở Việt Nam còn sót lại loài cá sấu đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới này. Chúng tôi đã tham gia cùng đội xung kích bảo vệ cá sấu để đi “tuần tra” vùng bàu nơi cá sấu Xiêm đang sinh sống.

Anh Ksor Y Hoa đang chỉ tay về nơi anh phát hiện ra cá sấu vào cuối tháng 7/2007 tại Bàu Chao. Đứng bên cạnh là đội trưởng đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm - anh Nguyễn Minh Khai - Ảnh: K.DUY

Đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm được thành lập vào tháng 11/2006, gồm 8 người là cán bộ lẫn người dân ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, được Viện Sinh học Nhiệt đới (SHNĐ) hỗ trợ tiền xăng và một khoản “công tác phí” tượng trưng hàng tháng. Theo anh Nguyễn Minh Khai, đội trưởng, cứ mỗi tuần là đội đi kiểm tra vùng bàu Hà Lầm – nơi được các nhà khoa học phát hiện có cá sấu Xiêm – ba lần, mỗi lần cắt cử hai người đi. Hôm chúng tôi đến là đến phiên “trực” của anh Khai và anh Ma Dem, người Ê đê ở buôn Bai. Đi với chúng tôi còn có anh Ksor Y Hoa, hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Lâm, người cũng khá hiểu biết về cá sấu ở bàu Hà Lầm.

CÁ SẤU BÀU HÀ LẦM

Từ đường cái quan được bà con mở ra giữa khu rừng rộng lớn, để đến được với bàu Hà Lầm, phải băng qua nhiều đám rẫy sắn, lúa, dưa... của đồng bào mà một người lần đầu “đi tuần” như tôi không thể xác định được phương hướng. Qua hết rẫy là chui thẳng vào rừng. Một lối đi rất nhỏ hẹp và đầy gai nhọn trên đầu dưới chân hiện ra, anh Khai và Ma Dem trở thành người dẫn đường mở lối để chúng tôi đi phía sau được dễ dàng hơn.

Dấu vết bụng cá sấu Xiêm phát hiện tại bàu Hà Lầm (Ea Lâm, Sông Hinh) - Ảnh: Viện SHNĐ

Bàu Hà Lầm là một cái bàu hẹp, chiều ngang chừng vài chục mét, nhưng dài thì hàng cây số. Ở phía thượng nguồn, bàu rộng hơn với những cây gỗ lớn giữa lòng. Nhưng càng về phía cuối, bàu càng hẹp lại, trên mặt nước ken dày cỏ và bèo tây. Ở phần cuối bàu Hà Lầm, người dân địa phương gọi là bàu Chao, có hai con lạch nhỏ nối với sông Ba ở hướng huyện Sơn Hòa, là nơi mà các anh trong đội bảo vệ cho biết cá sấu thường xuất hiện nhất. Không gian rừng núi khá yên tĩnh, chỉ có tiếng ve ran và tiếng hót của nhiều loài chim. Môi trường sống này, theo các nhà khoa học đã khảo sát ở đây, là rất phù hợp đối với loài hoang dã như cá sấu Xiêm.

Chỉ tay về phía cuối bàu Chao, anh Ksor Y Hoa kể: “Mới cuối tháng 7 vừa rồi, buổi tối tôi đi bắn cu xanh ở bàu Chao này, khi rọi đèn pin thì phát hiện ra đôi mắt của cá sấu ở hướng đó. Nhìn kỹ thì thấy cái đầu của nó, khá to, chiều ngang độ cỡ 30cm, đang gác lên trên đám cỏ”. Đội trưởng Nguyễn Minh Khai cho biết, trong 1 năm qua, đội bảo vệ đã phát hiện cá sấu Xiêm xuất hiện 4 lần, còn người dân báo cáo thì khoảng 6-7 lần. “Giữa tháng 6 vừa rồi, đội chúng tôi còn chụp được hình chú cá sấu ở bàu Chao này!” – anh Khai nói.

Ma Dem có lẽ là người gặp cá sấu Xiêm nhiều nhất so với bà con địa phương cũng như các anh em trong đội xung kích bảo vệ. “Mấy năm trước, khi mình đánh lưới bắt cá ở đoạn giữa bàu Chao và bàu Hà Lầm thì bị cá sấu phá rách lưới sạch trơn. Rồi năm ngoái, khi đội bảo vệ này chưa lập ra, mình phát hiện một chú cá sấu bị dính bẫy của dân bẫy trộm heo rừng, may mà chỉ cái chân của chú dính vô sợi dây bẫy, không bị thương tích gì. Mình phải chặt cái sợi dây đó để cho chú bò xuống bàu trở lại...” – anh kể khi đang ngó nghiêng trên các đám bèo tây xem cá sấu có xuất hiện hay không.

Theo lời Ksor Y Hoa, khi anh còn nhỏ, cách đây khoảng 20 năm, cá sấu ở bàu Hà Lầm và bàu Chao nhiều vô kể. Trẻ nhỏ không bao giờ dám đến gần bàu vì sợ sấu ăn thịt. “Lớn hơn một chút, khi chúng tôi đi bắn chim thì cũng thường gặp ổ trứng cá sấu. Chúng làm ổ rất lạ, bỏ đầy cỏ dưới hố rồi đẻ lên, rồi bỏ tiếp cỏ lên trên trứng để đẻ lớp thứ hai... Ổ cá sấu thường có 3-4 lớp trứng, khoảng 20-30 trứng, to cỡ cườm tay và dài chứ không tròn. Hồi nhỏ tụi tôi còn lấy trứng cá sấu về luộc ăn cơm mà!”

Nhưng cá sấu Xiêm bàu Hà Lầm bây giờ hiếm lắm. Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Long ở Viện SHNĐ, theo dấu vết được phát hiện là vân bụng, phân và dấu chân cá sấu, thì có thể khẳng định tại đây có ít nhất là hai cá thể.

BẢO VỆ CÁ SẤU, MAI NÀY...

Cá sấu Xiêm là gì? Vì sao phải bảo tồn?

Cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis), còn gọi là cá sấu nước ngọt. Khác với các loại cá sấu khác, cá sấu Xiêm không hung dữ và không tấn công con người. Loài động vật này có thể sống trên 70 năm nhưng chậm lớn và phải 10 năm mới có thể sinh sản. Khi trưởng thành, chúng có thể dài tới 3,5m. Cá sấu Xiêm sống ở các sông có dòng chảy chậm, sâu trên 3m hoặc hồ nước lặng, sâu dưới 1,5m. Chúng ưa thích những vùng nước trong rừng hoặc những bờ sông, bờ đầm yên tĩnh.

Cá sấu Xiêm là loài cá sấu đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên cao nhất trên thế giới. Hiện nay, chúng chỉ còn hiện diện ở những khu vực có diện tích rất nhỏ ở Campuchia, Indonesia và Lào. Gần đây, người ta tìm thấy dấu vết của cá sấu Xiêm ở sông Hinh và khu vực này trở thành địa danh duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam được biết hiện còn có cá sấu Xiêm hoang dã sinh sống.

(Nguồn: Viện Sinh học Nhiệt đới)

Nhiệm vụ của đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm là thường xuyên đi tuần tra để vận động, tuyên truyền bà con không đánh bắt cá bằng xung điện, bẫy thú, săn bắt... gây nguy hiểm đến cá sấu cũng như làm mất cân bằng môi trường sống của chúng. Anh Khai cho hay, hàng tháng đội đều có báo cáo gởi cho Viện SHNĐ với các nội dung khá chi tiết. “Báo cáo ghi rõ từ những mối nguy được cho là đe dọa đến cá sấu Xiêm như bẫy, cháy, chặt cây quanh bàu... và cách xử trí đến những thông tin ghi nhận về cá sấu, tin tức về cá sấu do người khác kể lại, tin tức về săn bắt cá sấu hay cá sấu chết nếu có; thậm chí nếu có ai phàn nàn về cá sấu, động vật khác chết trong khu vực cá sấu sống cũng được báo cáo rõ” – anh Khai nói.

Hôm tôi cùng các anh đi tuần, không nhìn thấy cá sấu, nhưng cũng không phát hiện điều gì bất thường trong khu vực hoang vắng của bàu Hà Lầm, bàu Chao, các anh trong đội tỏ ra khá vui. Ma Dem bảo, “tai, mắt” của các anh ở đây nhiều lắm. Đó chính là những người dân đang làm rẫy ở vùng lân cận. “Tụi tôi tuyên truyền vận động bà con đừng để những con cá sấu ít ỏi còn lại ở bàu Hà Lầm mất đi thì mình mất tự hào! Mấy anh ở Viện SHNĐ nói rằng loại cá sấu ở bàu này là loài quý hiếm lắm, có nguy cơ biến mất trên thế giới, chúng là di sản tự nhiên của thế giới đấy. Bởi vậy, chỉ cần nghĩ chúng còn sống ở chỗ tụi mình là phải giữ, để mai mốt con cháu được biết chứ” – Ma Dem phấn khích. Trên đường đi, gặp Oi Gú và vợ đang làm cỏ cho rẫy lúa, Ma Dem đứng lại hỏi thăm bằng tiếng Ê đê, rồi anh quay sang chúng tôi: “Tôi hỏi Oi Gú có người lạ nào đến đây trong hai ngày nay không và dặn ông nếu có thì báo giùm để tụi tôi biết”.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long ở Viện SHNĐ rất an lòng với đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm ở xã Ea Lâm: “Tuy không được nhiều tiền, nhưng những người trong đội đã làm việc không chỉ trách nhiệm cao mà còn có cả sự say mê. Họ đã thực sự nhận ra giá trị của cá sấu Xiêm đối với khoa học và môi trường. Nhờ họ, cá sấu Xiêm bàu Hà Lầm không bị xâm hại”.

Nhưng điều mà các nhà khoa học cũng như đội bảo vệ cá sấu bàu Hà Lầm lo lắng, đó chính là vào tháng 10 này, nước trong hồ thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tràn vào đây, bàu Hà Lầm chìm sâu trong nước, không biết cá sấu Xiêm sẽ còn hay mất. “Chúng tôi chưa tìm ra giải pháp nào để bảo vệ cá sấu Xiêm. Điều khó khăn là hiện chưa điều tra chính xác ở đây có bao nhiêu cá thể, bởi việc bảo tồn chỉ được thực hiện khi số lượng cá sấu nhiều và có khả năng sinh sản. Khi nước lòng hồ thủy điện dâng lên, cá sấu Xiêm ở bàu Hà Lầm, bàu Chao có thể sống trong vùng bán ngập ở khu vực lân cận các bàu này. Tuy vậy, với diện tích quá lớn của lòng hồ, người ta đánh bắt cá bằng các dụng cụ gây nguy hại môi trường, thì nỗi lo mất cá sấu Xiêm Sông Hinh là điều có thể thành hiện thực” – Tiến sĩ Vũ Ngọc Long nói.

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG


Triển vọng của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao

Nguồn tin: CM, 21/08/2007
Ngày cập nhật: 22/8/2007

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 600 ha tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến năng suất cao. Đây là mô hình nuôi chuyên tôm sú, với mật độ tôm thả nuôi khoảng 5-8 con/m2; hệ thống ao nuôi có khu lắng, khu ương dưỡng giống và khu nuôi riêng biệt; trong quá trình nuôi, người nuôi tôm phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nhất định.

Năng suất trung bình của mô hình từ 500 kg/ha/vụ trở lên, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn so với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đã thực hiện trong thời gian qua). Vốn đầu tư, diện tích đất xây dựng mô hình không lớn, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, phù hợp với địa hình ở nhiều nơi trong tỉnh và điều kiện sản xuất của nông hộ, góp phần phát triển hiệu quả và bền vững nghề nuôi tôm … Từ thực tế đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao được chọn để nhân rộng trên địa bàn tỉnh, dự kiến đạt 71.000 ha vào năm 2010 (theo kế hoạch của Sở Thuỷ sản). Trước mắt, Bộ Thuỷ sản đã có văn bản thống nhất cho UBND tỉnh Cà Mau chọn xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi để xây dựng vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, làm khâu đột phá cho Chương trình phát triển thuỷ sản bền vững của tỉnh.

Kiều Trung Tính


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang