• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre tăng cường quản lý việc nuôi cá da trơn

Nguồn tin: BTre, 16/04/2007
Ngày cập nhật: 18/4/2007

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh nuôi cá da trơn xuất khẩu với qui mô lớn do giá cá tăng cao, tập trung nhiều nhất ở các cù lao, bãi bồi thuộc các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Bình Đại. Tuy nhiên, việc nuôi tự phát và phần lớn không đầu tư hệ thống xử lý nước thải đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của người dân. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện một số vùng nuôi và các cơ sở sản xuất cá giống ven sông Ba Lai thuộc huyện Bình Đại không có hệ thống xử lý nước thải, mà xả trực tiếp ra sông Ba Lai, gây ô nhiễm nguồn nước. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở thủy sản, Sở Tài nguyên-Môi trường phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nhằm quản lý tốt hoạt động nuôi cá da trơn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái chung.

Văn Tông


Kiên Giang: Hàng chục nghìn ha nuôi sò huyết và hến bị sâu biển tấn công

Nguồn tin: TN, 17/04/2007
Ngày cập nhật: 18/4/2007

Hơn nửa tháng qua, khoảng 15.000 ha nuôi sò huyết và hến ở bãi bồi ven biển thuộc 2 huyện An Biên và An Minh (Kiên Giang) bị sâu biển tấn công dữ dội, gây thiệt hại lớn cho người nuôi ở đây.

Theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, sâu biển thường xuất hiện vào các đợt nắng nóng, nhưng năm nay lại xuất hiện nhiều và sớm hơn mọi năm. Sâu biển thường tấn công vào sò huyết và hến giống mới thả từ 1-2 tháng tuổi, làm thức ăn của chúng.

Vùng biển An Biên và An Minh hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn tấn hến giống cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, nếu địa phương không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự tấn công của sâu biển, nguy cơ thất thu mùa hến và sò huyết là rất lớn, ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong thời gian tới. Được biết, hiện nay giá hến giống tại vùng khoảng 22.000 đồng/thúng.

TTXVN


Trung tâm khuyến ngư Bình Định: Ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống nhân tạo cua xanh

Nguồn tin: BĐ, 17/4/2007
Ngày cập nhật: 18/4/2007

Sau một thời gian ngắn tiếp nhận công nghệ sản xuất cua giống nhân tạo do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3-Nha Trang chuyển giao, đến nay Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (Trung tâm Khuyến ngư - Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định) đã ứng dụng và sản xuất thành công giống nhân tạo cua xanh và bước đầu đưa vào sản xuất đại trà. Ngay trong vụ nuôi cua đợt 1 năm nay, Trạm đã sản xuất trên 4 vạn con giống, cung ứng cho thị trường nuôi cua thịt thương phẩm trong tỉnh.

Dự kiến, trong năm nay Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến sẽ sản xuất, cung ứng hơn nửa triệu cua giống ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hoàng Giang


An Giang: Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh

Nguồn tin: AnGiang, 16/4/2007
Ngày cập nhật: 17/4/2007

Liên tục những ngày qua giá cá tra nguyên nguyên liệu trên địa bàn tỉnh AnGiang đang giảm mạnh, hiện nay cá tra nuôi ao hầm thịt trắng chỉ còn 15.500đồng/ka, giảm 2.000 đồng /kg so tháng trước (giá cao nhất 17.500 đồng/kg).

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh: hiện nay lượng cá tra nuôi đến lứa thu hoạch tăng lên là một trong những nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu giảm, cộng thêm yếu tố các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã giao đủ sản phẩm cá tra theo hợp đồng đã ký từ đầu năm. Với giá cá tra nguyên liệu ở mức cao trên 17.000 đồng/kg các doanh nghiệp không lãi, thậm chí lỗ nhẹ nên không tiếp tục mua cá tra nguyên liệu với giá cao.

Người nuôi cá tra nguyên liệu cho biết giá thành nuôi hiện nay từ 13.500 - 14.000 đồng/kg, do giá con giống cao, thức ăn thủy sản tăng, gia mua đất đào ao nuôi cá quá đắt, cá giống kém chất lượng nên tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi, giá bán hiện nay loại 1 thịt trắng 15.500 đồng/kg thì còn lãi trên 1.000 đồng/kg, nếu giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm nữa thì người nuôi gặp khó khăn.

Tố Quyên


“Kèo tử” của người nuôi cá tra!

Nguồn tin: BCT, 16/4/2007
Ngày cập nhật: 17/4/2007

Trong những ngày qua, giá cá tra và ba sa nguyên liệu liên tục sụt giảm, trong khi đó giá nhiều loại thức ăn thủy sản lại rục rịch tăng cao. Nên nói theo nông dân, đây là “kèo tử” mà người nuôi cá tra phải đối mặt hiện nay.

NHU CẦU THỨC ĂN THỦY SẢN TĂNG MẠNH

Theo Bộ Thủy sản, diện tích nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL hiện đã trên 5.000ha. Tại TP Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra, ba sa cũng đã xấp xỉ 900 ha. Nếu tính bình quân theo tỷ lệ tăng trọng 1.6 (để có 1kg cá thương phẩm phải tiêu tốn 1,6 kg thức ăn) thì toàn vùng ĐBSCL cần hơn 2 triệu tấn thức ăn thủy sản/năm.

TP Cần Thơ hiện có 12 nhà máy, kho trung chuyển cung ứng thức ăn thủy sản và hàng trăm đại lý cấp 1. Trong đó có 4 đơn vị qui mô lớn là: Chi nhánh của Công ty liên doanh Việt-Pháp Proconco, Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam, Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi-CATACO và Chi nhánh của Công ty TNHH Cargill Long An.

Tại huyện Thốt Nốt-vùng trọng điểm nuôi cá tra, ba sa ở TP Cần Thơ- thời gian gần đây số cửa hàng, đại lý phân phối thức ăn thủy sản không ngừng gia tăng. Theo Liên Trạm Thủy sản Thốt Nốt-Vĩnh Thạnh: Hiện trên địa bàn Thốt Nốt đã có đến hơn 40 cơ sở kinh doanh thuốc, thức ăn thủy sản, với sức tiêu thụ khoảng 70 tấn/ngày, tăng gần gấp đôi so với năm 2005.

Ông Nguyễn Hoàng Thành, đại lý thức ăn thủy sản Greefeed cho biết: Do giá cá tra, ba sa đang giảm nên nhiều hộ nuôi diện tích nhỏ đã chuyển sang tự chế biến thức ăn cho cá, làm sức tiêu thụ thức ăn công nghiệp có giảm, nhưng mỗi ngày vẫn tiêu thụ được hơn 30 tấn.

Theo ông Nguyễn Hiền Tịnh, Giám đốc Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi-CATACO: Diện tích nuôi cá tra, ba sa tăng đột biến nên nhu cầu thức ăn thủy sản đã tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước. Từ đầu năm đến nay mặc dù nhà máy luôn hoạt động hết công suất và đã sản xuất được gần 10.000 tấn thức ăn thủy sản, song vẫn hụt hàng cung cho đại lý phân phối.

Trước sức ép cầu vượt cung, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam đang đầu tư nhà máy sản xuất tại khu Công nghiệp Trà Nóc, các đơn vị sản xuất thức ăn thủy sản khác cũng đã có kế hoạch bổ sung hàng hóa, nâng công suất sản xuất đáp ứng nhu cầu đang tăng.

THẤP THỎM NỖI LO TĂNG GIÁ

Mấy ngày gần đây giá cá tra, ba sa nguyên liệu liên tục giảm mạnh, nói theo nhiều người nuôi cá là “mở mắt ra là thấy lỗ bạc triệu”. Nhiều người dự đoán điệp khúc được mùa mất giá sẽ trở lại đối với con cá tra, ba sa. Thế nhưng, nuôi cá tra, ba sa như thế “cỡi cọp”, lỡ “phóng lao thì phải theo lao”, lỗ cá thì chỉ còn đường gỡ bằng con cá chứ không thể gỡ bằng thứ khác được.

Ông Hà Tấn Tâm, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết trang trại nuôi cá của ông rộng 7ha mỗi ngày cần hơn 15 tấn thức ăn cho cá. Cứ mỗi kg thức ăn chỉ cần tăng 100 đồng thôi thì hàng ngày ông phải tốn 1,5 triệu đồng để cho cá ăn. Hiện ông đang cho cá ăn thức ăn công nghiệp của công ty Greefeed (Thái Lan). Trong vòng một vụ nuôi (6 tháng), công ty này đã 3 lần điều chỉnh giá bán với mức tăng 700 đồng/kg, do thức ăn lên giá, làm đội giá thành sản xuất hơn 13.000-14.000đồng/kg. “Nếu như giá cá bán ra được trên 15.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi”- ông Tâm nói.

Ông Võ Văn Tiển (Bảy Tiển), khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: Trang trại nuôi cá của ông rộng 2,5ha, mỗi ngày cần đến 8 tấn thức ăn cho cá. Hiện ông đang cho cá ăn thức ăn công nghiệp của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam. Tuy gần đây công ty chưa điều chỉnh tăng giá nhưng giá bán ra cũng đã khá cao: loại 22% đạm: 5.820 đồng/kg, loại 26 % đạm: 6.460 đồng/kg, loại 30% đạm 7.800 đồng/kg. Hiện nay, mặt hàng thức ăn thủy sản đang có giá cao nhất là nhãn hiệu Cargill với giá bán từ 6.600-12.000đồng/kg tùy loại. Mới đây Công ty liên doanh Việt-Pháp Proconco cũng vừa tăng giá bán 200 đồng/kg đối với thức ăn thủy sản các loại.

Ông Nguyễn Hiền Tịnh, Giám đốc Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi Cataco, nhận định: Nguồn năng lượng khai thác từ dầu mỏ được ví là “vàng đen” của thế giới có nguy cơ cạn kiệt dần. Gần đây, nhiều nước trên thế giới đang ứng dụng công nghệ sản xuất ethanol từ bột củ mì và bột bắp nhằm bổ sung năng lượng trong thời gian tới. Chính tác động này đã làm cho nguyên liệu bột bắp, bột mì tăng đột biến. Mặt khác, do sản lượng lúa gạo giới năm nay giảm, giá tấm, cám tăng (những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn gia súc, thủy sản) lại tăng. Hiện nay, ngành chế biến thức ăn gia súc ở nước ta đang phải nhập khẩu 50% nguyên liệu từ nước ngoài. Chính tác động tăng giá nguyên liệu đã buộc nhà sản xuất phải tăng giá bán. Nếu như thời gian tới giá cả nguyên liệu không giảm, thì có thể hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn thủy sản sẽ điều chỉnh tăng giá bán.

Như vậy, mặc dù giá cá tra, ba sa nguyên liệu đang giảm nhưng giá thức ăn cho cá lại có chiều hướng tiếp tục tăng. Đã trót đào ao thả cá thì dầu giá thức ăn thủy sản có mắc cỡ nào người nuôi cũng phải chấp nhận... Nguy cơ thua lỗ nữa đang chực chờ trút xuống nông dân ĐBSCL trong vụ nuôi cá tra, ba sa năm nay?

Văn Khởi


Mô hình tổ cộng đồng nuôi ốc hương ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Nguồn tin: Fistenet, 16/4/2007
Ngày cập nhật: 16/4/2007

Từ năm 2000, thành công của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 3 trong việc sản xuất nhân tạo giống ốc hương đã thúc đẩy nghề nuôi ốc hương thương phẩm phát triển ở nhiều địa phương như Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, với nhiều hình thức như nuôi lồng, bể xi măng, ao, trong đó phát triển mạnh nhất là nuôi lồng. Ninh Thuận là một trong những tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi ốc hương theo cả 3 mô hình trên. Tuy nhiên, sự phát triển nuôi của bà con ngư dân địa phương phần lớn là tự phát nên kết quả bị hạn chế. Ðiều này đã thúc đẩy Trung tâm Khuyến ngư tỉnh phối hợp với UBND địa phương hình thành các tổ chức trên cơ sở cộng đồng, nhằm phổ biến kỹ thuật, bảo vệ môi trường và phối hợp tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm sản xuất ổn định lâu dài.

Thanh Hải là một xã ven biển thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 25 km về hướng đông, có chiều dài bờ biển 7 km, có khí hậu nắng nhiều mưa ít, cơ cấu kinh tế đa dạng bao gồm nông, ngư ngiệp, chế biến thuỷ sản và nhiều dịch vụ khác. Ðặc biệt, nghề nuôi ốc hương đã phát triển gần đây mang lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu chỉ có 1 hộ nuôi có lãi với số lượng 8 lồng/288 m2, lượng giống thả 160.000 con. Do lợi nhuận cao, thời gian nuôi ngắn, vốn ít đã thôi thúc nhiều bà con ngư dân trong vùng theo nhau đầu tư vào nghề nuôi ốc hương.

Tổ cộng đồng nuôi ốc hương Mỹ Tân ở xã Thanh Hải đã được thành lập từ cuối tháng 7 năm 2005 với mục đích giúp đỡ bà con ngư dân phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và ổn định nghề lâu dài. Ngay trong năm đầu hoạt động, 18 hộ trong Tổ đã thả nuôi với tổng số diện tích 4.176 m2, (116 lồng), 196 triệu con giống. Sau thời gian nuôi khoảng 4 - 6 tháng, Tổ đã thu hoạch đạt sản lượng 14 tấn với doanh thu 2,1 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 70-75% so với vốn đầu tư. Nghề nuôi ốc hương đã giải quyết được việc làm cho 232 lao động nhàn rỗi của địa phương, bình quân tiền công thu nhập của mỗi lao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Theo phương cách nuôi cứ 1 lồng có diện tích khoảng 25 - 36 m2, mật độ thả ban đầu 1.000-1.200 con/m2, sau 1,5-2 tháng nuôi san thưa cới mật độ 500-600 con/m2, các hộ thu hoạch đạt được từ 5-10 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, các thành viên luôn chấp hành tốt quy chế hoạt động của Tổ, khi có dấu hiệu dịch bệnh, thiên tai, Tổ đều khẩn trương tuyên truyền phổ biến biện pháp phòng ngừa cho bà con để tránh thiệt hại.

Năm 2006, số thành viên của tổ đã tăng lên 22 hộ nuôi, diện tích nuôi 4.752 m2/132 lồng với số lượng giống thả 2,37 triệu con. Chỉ tính riêng giống, số tiền đầu tư đã là 580 triệu đồng, tổng chi phí thức ăn và công lao trong suốt quá trình chăm sóc 375 triệu đồng. Thu hoạch đạt sản lượng được 17,655 tấn, doanh thu trên 2,4 tỷ đồng, trừ tổng chi phí, lợi nhuận đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Thời gian nuôi đạt hiệu quả cao là từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức Tổ cộng đồng đã được đông đảo người nuôi tích cực hưởng ứng và tự nguyện tham gia. Nhận thức của từng người trong tổ đã được nâng cao trong việc bảo vệ môi trường, thể hiện tinh thân đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, chấp hành tốt chủ trường, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nội quy, quy chế hoạt động của Tổ.

Việc thực hiện thả nuôi đúng thời vụ, đúng kỹ thuật với mật độ thả cho phép, giữ gìn vệ sinh an toàn môi trường chung của Tổ đã góp phần làm giảm tình trạng dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất trong khu vực. Mặc dù, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn do người người dân chưa nhận thức được quyền lợi khi gia nhập Tổ, nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự kiên trì vận động và tuyên truyền của Trung tâm khuyến ngư, Hội nghề cá tỉnh, v.v... các hộ nuôi đã nhận thức được vai trò và quyền lợi của thành viên trong Tổ, nên đã tự nguyện gia nhập Tổ cộng đồng. Hằng năm, Tổ thường họp đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm tìm các giải pháp, đưa ra phương hướng hoạt động cho năm tới. Các hình thức khen, chê của Tổ có tác dụng khích lệ tinh thần, động viên các hộ nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, số lượng và chất lượng con giống chưa đáp ứng theo nhu cầu thực tế, thị trường chưa ổn định, nên giá cả bấp bênh đang còn là những vấn đề khó khăn. Thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho nuôi ốc hương chưa có nên vẫn phải dùng thức ăn tươi, chất lượng có khi không đảm bảo và số lượng đáp ứng chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc còn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Tổ đôi lúc còn chưa kiên quyết, xử lý chưa triệt để đối với các các trường hợp vi phạm quy chế, quy định của Tổ. Ðiều này cũng gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Nếu mỗi hộ dân nêu cao tinh thần đấu tranh phê và tự phê tốt, biết phát huy sức mạnh tập thể trong cộng đồng sẽ nâng cao lợi ích kinh tế và thúc đẩy nghề nuôi ốc hương bền vững.

H.M.T (Dựa theo báo cáo và thông tin của địa phương)


Cà Mau: Từ nay đến 2010 sẽ ổn định diện tích nuôi thuỷ sản hiện có, nhưng tăng năng suất trên một đơn vị diện tích

Nguồn tin: CM, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 16/4/2007

Ngày 11/4/2007, tại Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi chủ trì cuộc họp để xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Cùng tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Sở: Thuỷ sản, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận Tải; Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Cục Hải quan Cà Mau, Cục Thuế Cà Mau, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND thành phố Cà Mau, Điện lực Cà Mau, Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản và các doanh nghiệp có liên quan.

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch Phạm Thành Tươi đã có ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Theo đó, từ nay đến năm 2010, tỉnh Cà Mau sẽ ổn định diện tích nuôi thuỷ sản hiện có, nhưng tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Một trong những biện pháp để tăng năng suất tôm nuôi là chuyển mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao; khuyến khích phát triển nuôi tôm công nghiệp ở những nơi có đủ điều kiện; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tạo nguồn tôm nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho doanh nghiệp mình. Thống nhất giải pháp doanh nghiệp kiểm tra, chịu trách nhiệm về tạp chất, kháng sinh, vi sinh trong tôm nguyên liệu tại doanh nghiệp mình.


Phú Yên: Bao giờ thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Nguồn tin: Phú Yên, 16/4/2007
Ngày cập nhật: 16/4/2007


Bệnh lây từ tôm chân trắng sang tôm sú

Nguồn tin: TT, 15/04/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Bệnh do virus gây hoại tử cơ (infectious myonecrosis virus - IMNV) trên tôm chân trắng Litopenaeus vannamei có biểu hiện là đục phần cơ đuôi lan ra toàn thân (ảnh). Tôm mắc bệnh này hoạt động lờ đờ rồi chết. Tỉ lệ tôm chết có thể lên đến 40-60% trong ao nhiễm. Sự phổ biến của bệnh này ở Brazil gây ra tổn thất đáng kể. Chỉ riêng năm 2003 Brazil đã thiệt hại 20 triệu USD.

Những triệu chứng giống như bệnh do IMNV cũng có thể thấy khi tôm gặp những yếu tố môi trường không thuận lợi như thiếu dưỡng khí, mật độ nuôi cao hoặc những thay đổi đột ngột của nhiệt độ và độ mặn.

Các nghiên cứu thực nghiệm gần đây của nhóm Tang & ctv (2007) cho thấy bệnh do IMNV từ tôm chân trắng có thể gây cho tôm sú Penaeus monodon, và một loài tôm chân trắng khác là Litopenaeus stylirostris. Trong ba loài thì tôm chân trắng, bệnh chủ tự nhiên của IMNV, dễ cảm nhiễm và có tỉ lệ chết cao nhất.

THANH ĐẠT (Theo World Aquaculture No1, March, 2007)


Chương trình FSPS II: Hỗ trợ ngành Thủy sản phát triển bền vững và hiệu quả hơn

Nguồn tin: BĐ, 10/4/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản giai đoạn II (FSPS II, 2006-2010), do Chính phủ Đan Mạch viện trợ không hoàn lại đã được triển khai thực hiện tại Bộ Thủy sản và 9 tỉnh trong toàn quốc, trong đó có Bình Định. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Đinh Văn Tiên - Phó giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Ban Quản lý chương trình FSPS II ở Bình Định - xung quanh vấn đề này.

Một chủ hồ tôm ở Phước Thuận (Tuy Phước) kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: N.T

* Ông có thể cho biết khái quát về mục tiêu của chương trình FSPS II ?

- Chương trình FSPS II có 4 hợp phần là: tăng cường năng lực quản lý hành chính ngành Thủy sản; tăng cường quản lý khai thác thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; nâng cao năng lực sau thu hoạch và tiếp thị. Các hợp phần này được triển khai thực hiện trong vòng 5 năm (2006-2010) tại các địa phương đã được chọn để triển khai thực hiện thí điểm.

Trong đó, mục tiêu của hợp phần tăng cường năng lực quản lý hành chính ngành Thủy sản là nhằm tăng cường công tác quản lý ngành Thủy sản ở tất cả các cấp cho phù hợp với cải cách hành chính Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực và hội nhập quốc tế. Hợp phần tăng cường quản lý khai thác thủy sản, hướng đến việc nâng cao năng lực tổ chức để hoạch định và thực thi các chính sách quản lý nghề cá bền vững. Hợp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hướng đến việc phát triển một ngành nuôi trồng thủy sản đa dạng, hiệu quả, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Còn hợp phần nâng cao năng lực sau thu hoạch và tiếp thị sẽ hướng đến việc cải thiện chất lượng, an toàn và truy xuất sản phẩm (nguồn gốc, lý lịch sản phẩm) trong toàn bộ chuỗi phân phối để tạo ra sinh kế bền vững cho các cơ sở sản xuất.

* Ở tỉnh Bình Định chương trình này được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Sau khi có văn kiện ký kết giữa Bộ Thủy sản và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, tháng 8-2006, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chương trình FSPS II và Ban Quản lý chương trình FSPS II của tỉnh. Quý 4 năm 2006, tỉnh Bình Định được chương trình phân bổ 411 triệu đồng và năm 2007 là 3,2 tỉ đồng. Từ đó đến nay, Ban Quản lý chương trình FSPS II của tỉnh đã triển khai thực hiện 2 hợp phần: tăng cường quản lý hành chính ngành Thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Qua đó, chúng tôi tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ cho cán bộ của ngành và người dân.

Cụ thể, chúng tôi đã triển khai thực hiện việc nghiên cứu và đánh giá lại tất cả các quy trình và thủ tục hành chính cũng như cơ cấu tổ chức của tất cả các cơ quan đơn vị hành chính của ngành Thủy sản tỉnh. Xây dựng các tiêu chuẩn công việc và bảng mô tả công việc, các chính sách khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ ngành Thủy sản tỉnh. Tiến hành đào tạo cán bộ công chức theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành và các đơn vị trực thuộc. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nước lợ cho các hộ nông dân ở những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền về khai thác, nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, hiệu quả đến người dân, để người dân nắm bắt và thực hiện…

Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện đồng loạt cả 4 hợp phần. Ở 2 hợp phần chưa triển khai, sẽ tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ, bởi mục đích của chương trình là nhằm trang bị kiến thức về hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến cho các đối tượng được hưởng lợi chứ không nhằm hỗ trợ về tài chính, vật chất.

* Ông đánh giá như thế nào về tác động của chương trình này đối với ngành Thủy sản tỉnh Bình Định ?

- Những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định. Song sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng vì còn có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, nguồn nước ở các vùng nuôi tôm bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, và chính chất thải từ nuôi tôm đã dẫn đến tôm nuôi thường bị dịch bệnh. Ngoài ra, người nuôi tôm cũng chưa ý thức đến việc kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi… Trong lĩnh vực khai thác, trình độ của bà con ngư dân chưa cao, còn hạn chế trong việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn nguyên liệu chế biến còn thấp. Trong chế biến, ngoài các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có năng lực thật sự, các cơ sở chế biến ở những địa phương còn nhiều tồn tại, quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu hạn chế, sản phẩm đơn điệu, chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định…

Thời gian qua, ngành Thủy sản tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh phát triển ngành một cách bền vững. Song, kết quả còn hạn chế, vì không đủ kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động này một cách đồng bộ và mạnh mẽ. Bởi vậy, khi có kinh phí hỗ trợ của chương trình FSPS II, chúng tôi đã kết hợp với kinh phí của tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động này một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.

Hiện nay, mặc dù chương trình chỉ mới triển khai thực hiện bước đầu, nhưng hiệu quả đem lại khá rõ. Thông qua các lớp tập huấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ đã triển khai thực hiện từ quý 4 năm 2006 đến nay, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ trong ngành đã từng bước được nâng cao, ý thức của người dân trong hoạt động nuôi trồng, khai thác cũng đã được nâng lên.

* Xin cảm ơn ông !

Ngọc Thái (thực hiện)


Sản xuất thành công: Giống cá vược bằng sinh sản nhân tạo

Nguồn tin: KH, 14/04/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Sau hơn 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nha Trang đã thành công trong việc đưa ra quy trình sản xuất cá vược giống bằng con đường sinh sản nhân tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá vược bố mẹ với tỷ lệ cá có thể tham gia sinh sản đạt 100%, cho sinh sản và ấp nở trứng cá thành cá giống với tỷ lệ sống đạt 38%.

Trên cơ sở nghiên cứu trên, nhóm đã triển khai thực nghiệm mô hình luân canh tôm sú-cá rô phi-cá vược trong hệ thống ao đìa nuôi tôm ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, giải quyết hiệu quả tác động tiêu cực của nghề nuôi tôm sú với môi trường do việc thải các chất hữu cơ sau mỗi vụ nuôi tôm.

Từ năm 2004 đến nay, nhóm đã sản xuất được hơn 2 triệu con cá giống, cung cấp cho trại thực nghiệm nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh và các trung tâm khuyến ngư và những người nuôi thuỷ sản ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Nhiều địa phương đã đề nghị nhóm tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá vược để cung cấp cho người nuôi trồng thủy sản tại chỗ.

Theo TTXVN


Ngành Thuỷ sản Khánh Hòa: Phục hồi nguồn lợi thuỷ sản ven bờ tại 4 khu vực

Nguồn tin: KH, 15/04/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Ngành Thuỷ sản Khánh Hòa đang triển khai chương trình phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ tại bốn khu vực gồm: vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu (thành phố Nha Trang), vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh) và đầm Thuỷ Triều (thị xã Cam Ranh).

Ngành Thuỷ sản cũng khuyến khích các địa phương chuyển đổi các nghề khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt của ngư dân, điều chỉnh cơ cấu khai thác hợp lý, xây dựng các mô hình quản lý nguồn lợi thuỷ sản với sự tham gia của cộng đồng như đã từng áp dụng có hiệu quả tại vịnh Nha Trang và Rạn Trào. Kinh phí dành cho việc phục hồi, tái tạo các đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị khai thác cạn kiệt tại 4 khu vực được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2007- 2010 là 900 triệu đồng.


ĐBSCL: Tôm chết nhiều do thả sớm

Nguồn tin: SGGP, 14/04/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Những ngày gần đây, nhiều hộ nuôi tôm sú ở ĐBSCL điêu đứng trước tình trạng tôm chết trên diện rộng. Tại Long An, ở các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ… có khoảng 2.000ha tôm bị thiệt hại do bị nhiễm bệnh đốm trắng, đỏ thân… Tại Sóc Trăng, có khoảng 100ha tôm sú thiệt hại.

Ngành thủy sản khảo sát 300 ao tôm công nghiệp nuôi trái vụ thì chỉ có 9 ao nuôi đạt, số còn lại thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Tôm chết ngay đầu vụ là do bà con thả sớm mong bán được giá, con giống kém chất lượng, thời tiết không thuận lợi… Ngoài ra, tình trạng dầu loang tràn lan cũng gây bất lợi cho tôm.

H.P.L. – N.T.


Thành lập quỹ dân lập hỗ trợ rủi ro trong nuôi trồng thủy sản

Nguồn tin: SGGP, 15/04/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Chiều 14-4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thủy sản đang xây dựng quỹ dân lập hỗ trợ rủi ro nuôi trồng thủy sản nhằm hỗ trợ người dân phòng ngừa dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và những rủi ro khác trong nuôi trồng thủy sản.

Việc thành lập, bầu ban quản lý quỹ, quy chế hoạt động của quỹ... phải được bàn bạc dân chủ, trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong vùng. Ngân sách của quỹ được thu từ nguồn đóng góp của các tổ chức, hộ thành viên.

V.H.


Cá tra "đi" du lịch?

Nguồn tin: Lao Động, 14/04/2007
Ngày cập nhật: 15/4/2007

Bất chấp giá cá tra bắt đầu giảm, tình trạng thuê, mua đất đào ao nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn đang nóng lên từng ngày. Từ Vĩnh Long, Đồng Tháp đến An Giang, Kiên Giang..., nơi nào đất có thể đào ao nuôi cá tra giá đều tăng vùn vụt.

Nếu như ở Đồng Tháp, chỉ một huyện Châu Thành, diện tích ao nuôi cá tra tự phát ngoài quy hoạch đã lên đến gần 80ha, thì tại Cần Thơ, đất quy hoạch khu du lịch cũng đang biến thành ao nuôi cá tra. Còn ở Hậu Giang, cá tra được nuôi thử nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng...

Không chỉ là chuyện thiếu - thừa cá nguyên liệu, tình trạng nuôi cá tra tự phát đang diễn ra ồ ạt tại ĐBSCL còn kéo theo nhiều hệ lụy khác: Ô nhiễm môi trường, những bất ổn về đời sống của nông dân sau khi sang nhượng đất cho người nuôi cá tra... Hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản năm 2007 của tỉnh Bến Tre mới đây đã nhận định, ngay từ đầu năm, tình hình nuôi thuỷ sản đã diễn ra ào ạt, lại phát triển nhanh ở vùng có nguy cơ ô nhiễm cao.

Lãnh đạo một số xã ở ĐBSCL - nơi có nhiều nông dân sang nhượng đất cho người nuôi cá tra - bày tỏ mối quan ngại: Từ "cơn sốt" nuôi cá tra, không ít nông dân thoáng chốc có trong tay vài chục đến cả trăm triệu đồng nhờ sang nhượng đất. Âậy nhưng cầm tiền trong tay, nếu không biết đầu tư làm ăn theo hướng nào sau khi không còn đất thì cũng chẳng mấy chốc, những hộ nông dân này có thể túng quẫn!

Con cá tra ở ĐBSCL đang... bơi ra xa khỏi vùng quy hoạch và chưa biết tình hình này sẽ đi tới đâu!

Lê Như Giang


Cần Thơ: Không nên nuôi cá tra tự phát ở các cồn xung quanh thành phố

Nguồn tin: CT, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

Gần đây, Báo Cần Thơ có bài phản ánh tình trạng nuôi cá tra tự phát ở các cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn nằm xung quanh TP Cần Thơ, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và phá vỡ quy hoạch. Trao đổi về hướng xử lý vấn đề này, đồng chí Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo địa phương kiểm tra, thống kê diện tích nuôi cá ở các cồn này. Trên cơ sở đó sẽ đối chiếu với các quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu việc nuôi cá tra tự phát làm phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường sẽ ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời. Trước mắt, thành phố khuyến cáo người dân không nên đào ao nuôi cá tra tự phát.

Ngoài ra, đối với các dự án quy hoạch được duyệt nhưng vượt quá thời gian quy định mà không triển khai thực hiện, UBND thành phố sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để xử lý. Có trường hợp cho phép gia hạn 6 tháng hoặc điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp, khả thi hơn. Riêng đối với quy hoạch không khả thi, không thể triển khai sẽ hủy bỏ quy hoạch để nhân dân tiếp tục sản xuất...

Tuy nhiên, ngay thời điểm này, đất bãi bồi ở cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn vẫn đang bị người dân tiếp tục đào ao nuôi cá tra.

T.K


Tiền Giang: Triển khai Dự Án nuôi thủy sản vùng lũ

Nguồn tin: TG, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang vừa triển khai dự án nuôi thủy sản vùng lũ dựa vào cộng đồng tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).

Dự án này được thực hiện theo mô hình nuôi thủy sản trên nền đất lúa với diện tích 100 ha ruộng tại ấp Mỹ Tường B xã Hậu Mỹ Trinh. Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm về việc chuyển giao kỹ thuật từ khâu ương giống, đến chăm sóc quản lý diện tích nuôi trồng và thu hoạch. Trước mắt, Trung tâm cấp cho nông dân tham gia dự án 80 triệu con cá bột loại cá Sặc rằn và cá Rô đồng nuôi ở diện tích 06 ha ruộng sau 1,5 tháng bắt đầu thả trên diện tích 100 ha.

Hậu Mỹ Trinh huyện Cái Bè là xã có phong trào nuôi thủy sản mùa lũ phát triển rất mạnh với các loại cá nước ngọt và tôm càng xanh. Việc triển khai dự án này nhằm giúp nông dân tiếp cận được kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi thủy sản từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Qua đó góp phần giúp cho nông dân có việc làm và nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi.

CHU TRINH


Tiền Giang: Thận trọng thả tôm sú chính vụ, đề phòng diễn biến thời tiết bất thường

Nguồn tin: TG, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

Vụ tôm sú chính vụ 2007 toàn tỉnh Tiền Giang sẽ xuống giống 4.400 ha, tập trung tại hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. Tuy nhiên, do đề phòng diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng bất lợi, tỉnh khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi thả nuôi, tùy theo đặc thù từng tiểu vùng và chế độ thời tiết thủy văn quyết định lịch thời vụ một cách hợp lý trên cơ sở hướng dẫn của ngành chức năng. Đây là lý do tiến độ thả tôm sú nuôi trong các tháng qua có chậm, chỉ mới thả giống được gần 2.400 ha. Với tiến độ này có nhiều khả năng đến tháng 5/2007 tỉnh mới có thể thả giống dứt vụ trên toàn bộ diện tích đã qui hoạch.

Theo đánh giá của sở Thủy sản tỉnh Tiền Giang, rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi năm trước và để đảm bảo giúp nông dân thành công trong nghề nuôi tôm sú, địa phương đã tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật, phân bố lịch thời vụ một cách hợp lý cho từng tiểu vùng, khuyến cáo bà con chọn mua con giống tốt, đã qua kiểm dịch thú y thủy sản và được công nhận đạt chất lượng cao... Đáng chú ý thông qua khuyến cáo của UBND tỉnh Tiền Giang và ngành chức năng, bà con đã có ý thức cao thông qua việc tuân thủ tốt lịch thời vụ, chú trọng kiểm tra môi trường, nguồn nước, diễn biến thời tiết thủy văn đồng thời xử lý tốt ao đầm trước khi thả nuôi đang hứa hẹn những điều kiện tốt bảo đảm cho một vụ nuôi mới bội thu.

Ngoài ra, trên cơ sở qui hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung, Tiền Giang cũng đã đầu tư 1,6 tỉ đồng cho việc kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng: điện, đường giao thông, kênh mương lấy nước, các tiện ích hạ tầng khác cho hai vùng nuôi tôm sú lớn là Phú Thạnh và Tân Thạnh (huyện Gò Công Tây). Thông qua những biện pháp chỉ đạo chặt chẽ, tỉnh phấn đấu năm 2007 sẽ đạt sản lượng tôm sú thu hoạch được 8.170 tấn phục vụ ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

MINH TRÍ


Dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch: Bao giờ xây dựng?

Nguồn tin: PY, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

Từ năm 2000, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thủy sản phối hợp với địa phương triển khai dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa). Tuy nhiên, vì khó khăn khách quan, nên sau đó việc đầu tư dự án được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chưa được lập xong để trình UBND tỉnh phê duyệt.

070411-nuoi-tom.jpg

Người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch rất cần hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh - Ảnh: N.LƯU

Trong một chương trình nghị sự mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hòa lại bức xúc bàn về những tồn tại trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đồng tôm hạ lưu sông Bàn Thạch, từ đó thống nhất kiến nghị tỉnh, các ngành chức năng sớm quan tâm đầu tư dự án thủy lợi điều tiết nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu sông Bàn Thạch (gọi tắt là dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch).

Thực tế, từ những năm 2000, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án trên. Song, do khó khăn về chức năng quản lý thủy lợi, nên sau đó UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến các bước lập thủ tục để đầu tư xây dựng dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch. Tuy nhiên, đến nay Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa lập xong dự án này để trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư!

Lâu nay, vùng nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch với hệ thống thủy lợi kênh cấp, kênh thoát nước đều chung. Trong khi đó, quy mô diện tích ao nuôi ngày càng phát triển mạnh, dẫn đến quá tải. Người nuôi tôm ở đây chạy theo lợi nhuận mà “hành xử” thô bạo với thiên nhiên, lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy, thả tôm quá dày, xả thải tôm bệnh ra sông… Hệ quả là môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, với những vụ tôm đầy rủi ro do tôm liên tục bị dịch bệnh, mỗi năm có hơn 80% hộ nuôi lỗ vốn trắng tay, nợ nần chồng chất!

Thực tế trên cho thấy, việc chậm cải tạo cơ sở hạ tầng, nhất là chậm xây dựng dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch phục vụ cho nuôi tôm, đã gây tổn thất rất lớn cho người nuôi và cả nguồn thu ngân sách của huyện Đông Hòa. Do vậy, để sớm phục hồi, phát triển nghề nuôi tôm đạt hiệu quả, bền vững, ngành nông nghiệp cần sớm triển khai thực hiện hoàn chỉnh dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch, đặc biệt là xây dựng hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước riêng. Chính quyền địa phương huyện Đông Hòa vận động cộng đồng những người nuôi tôm thực hiện quy chế vùng nuôi, cùng cải tạo, nâng cấp ao hồ, giải quyết giảm thiểu áp lực về quy mô diện tích, giảm mật độ thả tôm, điều tiết nguồn nước hợp lý… nhằm cân bằng môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh tôm xảy ra.

LƯU PHONG


Bến Tre: Ốc gạo Phú Đa bị nhuyễn thể hai mảnh tấn công

Nguồn tin: BCT, 14/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

Theo ông Nguyễn Văn Ngói, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủy sản Vĩnh Tiến (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), qua khảo sát lấy mẫu kiểm tra tình hình sinh trưởng của ốc gạo ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) đã phát hiện nhuyễn thể hai mảnh tấn công ốc gạo. Nhuyễn thể hai mảnh tựa như con hến sông, có màu xám trắng nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều lần. Xã viên đang lo ngại nhuyễn thể này hút chất dinh dưỡng của ốc gạo để tồn tại.

Hơn 2 năm nay, ốc gạo đã xuất hiện trở lại ở cồn Phú Đa và được lãnh đạo địa phương chọn 150 ha diện tích mặt nước đoạn sông Cổ Chiên đưa vào khu bảo tồn ốc gạo. Năm 2006, HTX Vĩnh Tiến khai thác được 12 tấn ốc gạo, giá bán giữ ở mức 15.000 đồng/kg. Năm nay, qua thăm dò, ốc gạo Phú Đa sinh sôi nẩy nở rất dồi dào, ước đạt sản lượng khoảng 50 tấn. Nếu tình hình nhuyễn thể hai mảnh tấn công ốc gạo không được cải thiện, xã viên sẽ vuột mất khoản tiền không nhỏ.

TRẦN QUỐC


Nguy hiểm cho môi trường nước

Nguồn tin: KTSG, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

TBKTSG số 15-2007 ra ngày 5-4-2007 có bài Cơn lốc cá!, phản ánh tình trạng nông dân đổ xô nuôi cá tra, cá ba sa ở các tỉnh vùng ĐBSCL và những rủi ro chực chờ. TBKTSG đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc xung quanh vấn đề trên.

TBKTSG: Thưa Bộ trưởng, nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL đang đổ xô mua đất, đào ao nuôi cá tra, tạo ra một cơn sốt ở đây. Điều này có đúng với quy hoạch phát triển thủy sản ĐBSCL của Bộ Thủy sản?

- Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc: Theo quy hoạch phát triển thủy sản ĐBSCL tới năm 2010 thì sản lượng cá tra, cá ba sa vùng này đạt 1 triệu tấn vào năm 2010. Tuy nhiên, năm ngoái sản lượng cá ở đây đã đạt 800.000 tấn và với đà phát triển nóng như hiện nay thì năm nay sản lượng cá tra, cá ba sa ở đây vượt con số 1 triệu tấn là điều không có gì phải bàn luận. Có nghĩa sản lượng cá đã vượt qua dự đoán của ngành thủy sản tới ba năm. Với giá cá nguyên liệu khoảng 1 đô la Mỹ mỗi ki lô gam trong năm ngoái thì nông dân ĐBSCL thu được 800 triệu đô la Mỹ, còn năm nay cứ cho là giá như vậy thì 1 triệu tấn có nghĩa 1 tỉ đô la Mỹ chứ đâu phải ít. Thực tế thì giá cá đang cao, nông dân thu lợi nhiều hơn và đây là lực hút cho đầu tư nuôi cá ồ ạt của nông dân.

Tình trạng phát triển nóng này không chỉ làm chính người nông dân nuôi cá hay doanh nghiệp chế biến cá lo lắng về nguy cơ khủng hoảng thừa cá mà Chính phủ và Bộ Thủy sản chúng tôi cũng rất lo lắng. Việc đầu tư nuôi cá ồ ạt sẽ làm nảy sinh hai vấn đề lớn mà người chăn nuôi chưa lường hết được. Thứ nhất thị trường tiêu thụ cá ba sa, cá tra trên thế giới không phải là vô tận. Giá cá nguyên liệu mà nông dân bán cho các nhà máy chế biến phụ thuộc vào giá đầu ra của thị trường thế giới. Nếu giá đầu ra giảm xuống, đó là tai họa cho người nuôi cá khi họ đầu tư quá nhiều. Thứ hai là giới hạn của nguồn nước nuôi cá. Đây thực sự là vấn đề lớn mà ít ai nghĩ tới.

TBKTSG: Vậy theo Bộ trưởng, nuôi cá ồ ạt hiện nay đã vượt qua giới hạn của nguồn nước?

- Thực tế có không ít người nuôi cá cứ nghĩ có ao đìa, lấy được nước ngọt là có thể nuôi cá được. Lâu nay ở ĐBSCL, các cơ quan quản lý và cả người dân đều nghĩ rằng nên “ngăn mặn, giữ ngọt” để trồng lúa hay nuôi cá, mà quên đi yếu tố liệu nguồn nước ngọt ở đây có đủ sức chứa lượng phế thải do nuôi cá tạo ra hay không? Nếu lấy mốc 1 triệu tấn cá ba sa, cá tra trong năm nay, có nghĩa nông dân phải đổ vào ao hồ ít nhất 1,5 triệu tấn thức ăn tinh. Với cung cách nuôi như hiện nay, nông dân vừa sử dụng thức ăn tinh, vừa cho cá ăn bằng các loại thức ăn mà họ tự tìm kiếm được thì sản lượng thức ăn đổ xuống ao hồ ít nhất 3 triệu tấn, đủ thấy lượng chất thải do nuôi cá đổ ra sông Tiền, sông Hậu lớn tới mức độ nào.

Một khi lượng chất thải do nuôi cá vượt quá sức chứa của nguồn nước ngọt ở đây, sẽ dẫn tới phá vỡ cân bằng sinh thái của môi trường nước ngọt. Lúc đó, không chỉ thiệt hại cho chính người nuôi cá như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nuôi ở từng ao đìa cụ thể của nông dân, mà còn tác động xấu tới nguồn nước ngọt trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nước cho sinh hoạt của cư dân.

Trên thế giới đã từng có một số nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngọt, mà thiệt hại về vật chất và đời sống của người dân khó lòng đo đếm hết được, thậm chí còn tốn một ngân sách khổng lồ để khắc phục ô nhiễm môi trường nước ngọt.

TBKTSG: Nhưng liệu nuôi cá ở ĐBSCL hiện nay đã tới ngưỡng của giới hạn đó và trong quy hoạch phát triển thủy sản ĐBSCL tới năm 2010 đã tính tới khả năng chứa đựng chất thải của quá trình nuôi cá?

- Bộ Thủy sản có quy hoạch phát triển thủy sản ĐBSCL nhưng bản thân quy hoạch thủy sản không thể xác định việc nuôi cá như hiện nay đã tới ngưỡng khả năng chịu đựng của nguồn nước ngọt hay chưa. Điều này đòi hỏi phải phối hợp với quy hoạch của nhiều ngành như quy hoạch phát triển thủy lợi, quy hoạch phát triển công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn chất thải đổ ra hệ thống sông rạch ở ĐBSCL đâu chỉ là nuôi cá, mà còn là chất thải của công nghiệp, sinh hoạt dân cư. Thậm chí cần có nghiên cứu chuyên sâu về môi trường nước, hệ sinh thái nguồn nước của các cơ quan khoa học chuyên ngành.

TBKTSG: Trở lại vấn đề giới hạn của thị trường tiêu thụ cá ba sa, cá tra trên thế giới, Bộ trưởng có thể cho biết với mức độ nuôi, chế biến và xuất khẩu cá ba sa, cá tra như hiện nay, thị trường tiêu thụ thế giới đã tới mức bão hòa hay chưa?

- Thủy sản có nhiều mặt hàng và từ trước tới nay, những mặt hàng mà thị trường thế giới quen dùng như tôm sú, cá ngừ đại dương thì các tổ chức quốc tế chuyên ngành hoặc các cơ quan chuyên môn của Bộ Thủy sản có thể tính toán cung cầu dựa vào số liệu thống kê nhiều năm và tình hình phát triển kinh tế ở các nước nhập khẩu thủy sản. Nói chung, mức tiêu thụ tôm sú, cá ngừ đại dương và một số mặt hàng thủy sản truyền thống có thể xem là ổn định và tăng trưởng đều đặn.

Tuy nhiên, mặt hàng cá tra, cá ba sa lại khác. Chúng ta xuất khẩu cá ba sa, cá tra sang Mỹ bắt đầu mạnh lên từ đầu thập niên này nhưng cũng chỉ mới ở Mỹ. Còn ở châu Âu, ta thực sự xuất khẩu cá ba sa, cá tra từ năm 2004 thông qua một số hội chợ quốc tế, qua một số chuyến đi xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp ở EU, các nước Đông Âu. Phải nói rằng xuất khẩu cá ba sa, cá tra hiện nay vào châu Âu đang tăng trưởng rất nóng nhưng còn quá ít thời gian để Bộ Thủy sản nghiên cứu các số liệu thống kê và đưa ra dự báo giới hạn của thị trường tiêu thụ cá ba sa, cá tra. Hay nói khác hơn, với người tiêu dùng thế giới thì con cá ba sa, cá tra của chúng ta còn khá mới mẻ, ta vừa bán, vừa bày cách cho họ ăn cá ba sa, cá tra. Do vậy, muốn có thống kê, dự báo ngành hàng này, cần phải mất vài năm nữa.

Hồng Văn


Hồi sinh con cá kết

Nguồn tin: KTSG, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 14/4/2007

Không phải người miền Tây nào cũng từng được nếm qua món đặc sản cá kết bởi lẽ, chúng chỉ xuất hiện ở vùng Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Châu Đốc (An Giang), và với số lượng ít ỏi. Giờ đây, các nhà khoa học của trường Đại học Cần Thơ đang giúp nhân đàn loại cá này...

Hồi sinh

Trong hồi ức của những nông dân cố cựu tại Hồng Ngự như anh Nguyễn Huấn, món cá kết hun khói ngon tê đầu lưỡi có lẽ chẳng thể nào quên. Đặt những chú cá kết trắng veo lên vỉ sắt, rồi để lên trên những gốc cây mục ẩm ướt, đốt cho khói bốc lên dần. Mất thời gian để chờ cá cứng lại như khúc cây khô, nhưng chẳng ai tiếc công khi cuối cùng được thưởng thức những miếng cá đã chuyển màu đỏ au, mùi vị thơm ngát... Rất nhiều người cho rằng, cá kết phải ngon hơn cá tra, cá ba sa ít nhất hai bậc!

Vài chục năm trước, cá kết có nhiều ở sông Tiền, sông Hậu, đoạn chảy qua huyện Hồng Ngự và thị xã Châu Đốc bây giờ. “Cá đánh bắt được quanh năm. Mùa nước thì chúng rúc lên ruộng tìm chỗ sinh sản, mùa khô thì chúng tràn xuống sâu, tha hồ mà câu”, anh Huấn kể.

Nhưng rồi, loài cá da trơn có trọng lượng bình quân từ 100-200 gam này cũng không tránh khỏi nạn đánh bắt tận diệt. Đàn cá mỏng dần... Cá đánh bắt được không đủ cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn địa phương.

Nhưng trong cái mất có cái được. Ngẫu nhiên, khi vào thời điểm mà con cá tra, cá ba sa rục rịch bị phía Mỹ kiện bán phá giá, chuyện không tránh khỏi là những chủ ao, chủ bè cá ở An Giang, Đồng Tháp đứng ngồi không yên vì giá cá liên tục giảm. Người ta chợt nhận ra rằng, ở địa phương loài cá kết vẫn được bán ào ào với giá từ 70.000-150.000 đồng/ki lô gam - hơn giá cá tra, cá ba sa ít nhất cũng năm lần. Có người thử thả cá kết nhỏ đánh bắt được ngoài sông vào nuôi chung với cá tra, ai dè chúng phát triển rất tốt, chỉ sau năm tháng đã đạt trọng lượng trên 100 gam/con.

Phát hiện điều này qua chuyến công tác Hồng Ngự, các cán bộ thuộc bộ môn Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt - khoa Thủy sản (trường Đại học Cần Thơ) đã không ngần ngại đề nghị tỉnh Đồng Tháp cùng kết hợp nghiên cứu việc sản xuất giống và nuôi thử nghiệm cá kết. Cá tra, cá ba sa đã làm được việc nhân giống, tại sao cá kết cùng họ cá da trơn mà lại “thua”? Và trên 200 triệu đồng chi phí cho dự án nhân giống loài cá quý không phải là lớn. Thế là làm!

Năm 2003, bộ môn Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt bắt đầu mở “đại lý” thu mua cá kết đánh bắt trong tự nhiên để tạo nguồn cá bố mẹ. Do chưa có kinh nghiệm, nên trên 300 con thu mua đợt ấy chỉ có dưới 30% có thể nuôi thúc thành cá bố mẹ.

Vậy mà chỉ sau một năm, việc nhân giống từ những chú cá ấy đã thành công với tỷ lệ cá đẻ 30% và tỷ lệ nở từ 40-50%. “Đến năm 2006, tỷ lệ cá thành thục (sinh sản được) đã đạt 70-80% trong số 150 cá mẹ đã có trước đó. Đồng thời tỷ lệ nở con đạt từ 80-100%”, thạc sĩ Nguyễn Văn Triều, cán bộ bộ môn Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt - người tham gia dự án, kể.

Chia sẻ rủi ro của cá tra?

Chuyện sản xuất giống cá kết thành công, nhất là trong thời điểm con cá tra đang làm mưa làm gió, có thể không ai để tâm. Nhưng với những người có tầm nhìn xa, thì đó là điều đáng mừng. Vì sao?

Cơn sốt giống, rồi sốt đất, để nhà nhà đào ao, thả cá tra có thể sẽ phải trả giá một khi cung vượt cầu hay có biến động về thị trường tiêu thụ. Thực tế, những năm qua nhiều người đã thành tỉ phú, nhưng cũng không ít người phải mang nợ. Nhưng nếu có thêm con cá kết đặc sản, người nuôi cá sẽ có mặt hàng mới, phân tán rủi ro.

Cá kết thuộc nhóm ăn tạp, có tên khoa học là Micronema bleekeri. Theo Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt (khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ), khi cá kết còn nhiều, một số lượng không nhỏ đã được tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, chuyển sang Campuchia, rồi đến Thái Lan để trở thành món cá kết hun khói, cá kết muối sả chiên... đặc sản trong các nhà hàng sang trọng. Loại cá này không có xương dăm, thịt nhiều, béo nhưng không có nhiều mỡ như cá tra nên được nhiều người ưa chuộng. Đáng quan tâm là, theo anh Triều: “Trong rất nhiều tài liệu mà tôi đã tham khảo, cho thấy cá kết hầu như chỉ xuất hiện trên sông Mêkông, nhưng chỉ ở những vùng sâu, rộng”. Do đó theo anh, chỉ cần con cá kết được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa thì người nuôi đã trúng lớn. Hiện nay, giá cá kết thu mua tại Hồng Ngự là trên 60.000 đồng/ki lô gam - gấp hơn ba lần giá cá tra hiện nay.

“Một hộ dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang được chúng tôi chuyển giao nuôi thử nghiệm. Loại cá này có thể tập cho ăn bằng thức ăn công nghiệp như cá tra và có thể tiêu thụ được sau năm tháng thả nuôi”- anh Triều cho biết và nói thêm rằng ngay trong năm nay, khoa Thủy sản của trường Đại học Cần Thơ sẽ bắt đầu cung ứng giống đại trà.

Hồ Hùng


Tôm sú nuôi bị chết phổ biến ở Trà Vinh - Sóc Trăng: Cảnh báo nguồn cung con giống kém chất lượng

Nguồn tin: BCT, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

Hiện tượng tôm sú nuôi bị chết hàng loạt tại Trà Vinh, rải rác ở Sóc Trăng đang gây khó khăn cho người nuôi. Nếu không được xử lý kịp thời, sẽ còn ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chất lượng của vụ tôm năm nay. Theo phân tích, đánh giá của ngành chức năng, xem ra hệ quả tôm nuôi bị chết không chỉ có nguyên nhân về thời tiết…

TÔM CHẾT DO NẮNG NÓNG?

Hiện tượng tôm sú nuôi bị chết đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ những ngày sau Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến nay. Mặc dù ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở ương dưỡng, vận chuyển tôm giống vào địa bàn tỉnh, nhưng số lượng được kiểm dịch chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với lượng tôm giống hiện có. Qua kiểm dịch 129,8 triệu con tôm sú giống sản xuất trong toàn tỉnh và 87,98 triệu con nhập ngoài tỉnh, đã có gần 40 triệu con bị nhiễm bệnh và được tiêu hủy.

Huyện Duyên Hải là vùng trọng điểm nuôi tôm sú và người nuôi tôm ở đây đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng tình trạng tôm chết cũng thường xuyên xảy ra. Theo đánh giá của ngành chức năng, ngoài nguyên nhân do nguồn cung con giống kém chất lượng, nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng tôm chết hiện nay còn do nhiều hộ nuôi tôm chưa tuân thủ thời gian cải tạo ao hồ, vẫn còn tình trạng thả tôm trước lịch thời vụ, khi có tôm chết lại thả nước ra sông rạch.

Theo thống kê từ Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh, đến cuối tháng 3 - 2007, toàn tỉnh có gần 16.000 hộ thả nuôi gần 1,1 tỉ con tôm sú giống trên 15.456 ha mặt nước. Qua điều tra, đã có 1.788 hộ bị thiệt hại với 117.965.000 con trên 2.390 ha mặt nước, tôm từ 30 - 45 ngày tuổi bị chết nhiều nhất. Trong số này, huyện Duyên Hải có 97 triệu con tôm của 1.377 hộ bị thiệt hại, tập trung nhiều vào số tôm thả nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Phần lớn tôm nuôi bị chết do bệnh đầu vàng, đốm trắng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, với thời tiết phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng tôm nuôi sẽ tiếp tục chết trong vài ngày tới. Anh Lưu Lữ Hùng, ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, cho biết: “Nếu nói về chất lượng con giống thì chúng tôi chỉ biết tin tưởng vào các cơ sở mình mua, với mắt thường người dân không thể nào biết được tôm nào là sạch bệnh”. Đầu vụ, anh Hùng đã thả 70.000 con giống, tôm bệnh chết, anh mất trắng. Bây giờ anh chỉ mong có vốn cũng để tiếp tục nuôi tôm.

Đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã có gần 170 ha mặt nước nuôi tôm bị thiệt hại trong số gần 11.000 ha thả nuôi. Trong đó, diện tích thả nuôi trước lịch thời vụ bị thiệt hại 89 ha và địa phương có diện tích thiệt hại nhiều nhất là huyện Mỹ Xuyên 87 ha. Mặc dù tỷ lệ thiệt hại không nhiều như vụ nuôi năm trước, nhưng nhiều người lo ngại đây sẽ là nguy cơ phát tán mầm bệnh cho cả vụ nuôi. “Con giống thả nuôi sớm không đảm bảo chất lượng và môi trường nhiệt độ chưa ổn định là hai nguyên nhân chủ yếu làm diện tích nuôi bị thiệt hại” - Thạc sĩ Phạm Hữu Lai, Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết. Ngoài ra, nhiệt độ tăng lên quá cao làm biến động các yếu tố môi trường gây sốc tôm nuôi, độ mặn ngày càng tăng cao trong cái nóng gay gắt làm cho ao tôm thất thoát nhiều nước, tăng độ mặn so với mức ở ngoài sông... cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng tôm nuôi đầu vụ bị thiệt hại.

GỠ RỐI CHO NGƯỜI NUÔI TÔM

Chú Tô Văn Triều, nông dân ở ấp Bình Hòa II, xã Gia Hòa II, huyện Mỹ Xuyên, nói : “Nhiều người cứ ham thả nuôi sớm, trong khi độ mặn chưa ổn định, môi trường chưa tốt mà mua “tôm yếu” về thả sớm làm sao sống nổi. Lịch thả nuôi đã khuyến cáo lâu rồi, nhưng tụi tui bây giờ phải lo xử lý ao vuông cho kỹ mới được, môi trường nước ổn định mới thả nuôi và phải chọn cho được con giống tốt nữa”. Lịch thả nuôi tôm chính vụ ở Sóc Trăng được ngành thủy sản khuyến cáo từ ngày 7-2-2007. Tuy vậy, trước hiện tượng tôm sú nuôi ở một số nơi bị chết hàng loạt và trong tình hình thời tiết còn nhiều bất lợi như hiện nay, nhiều ngư dân đang tỏ ra thận trọng khi bước vào vụ nuôi.

Để gỡ rối cho người nuôi tôm, ngành thủy sản Sóc Trăng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc quản lý con giống, từ khâu nhập giống, kiểm tra mầm bệnh và quá trình ươm tại các trại. “Quan trọng nhất là người nuôi phải chọn được con giống tốt. Bà con mình đã được trang bị kiến thức tốt rồi, bây giờ phải phát huy trong việc chọn lựa con giống. Các địa phương phải chung tay trong việc quản lý các hộ có diện tích nuôi bị thiệt hại. Phải ngăn chặn việc xả nước thải từ các ao nuôi có tôm chết ra môi trường bên ngoài làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh” - Thạc sĩ Phạm Hữu Lai nhấn mạnh. Hiện nay, ngành thủy sản tỉnh cũng đang theo dõi chặt chẽ nguồn nước từ các tuyến kinh để cung cấp cho hệ thống kinh cấp 2 trong các vùng nuôi, nhằm tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước làm thiệt hại tôm nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Vốn cho vay phát triển nuôi thủy sản chiếm 85% doanh số cho vay hàng năm của huyện. Đối với ngân hàng huyện chỉ cho các hộ nuôi tôm vay cải tạo ao hồ, mua thức ăn, còn vốn mua giống thì người dân tự bỏ ra. Trường hợp tôm bị chết, đến cuối vụ cán bộ ngân hàng xác định thiệt hại, người dân mới được khoanh nợ, gia hạn nợ để tiếp tục được đầu tư vào vụ sau. Trước đây, Ngân hàng cùng với lãnh đạo địa phương, đại diện nông dân tham quan các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả cao ở ĐBSCL. Qua đó, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi tôm phát triển các mô hình nuôi cá kèo, cua... trong ao sau vụ tôm để bà con tăng lợi nhuận”.

Nhằm giảm bớt rủi ro cho người nuôi tôm trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đồng chí Lê Trọng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo ngành chuyên môn cử cán bộ, kỹ sư thủy sản bám sát các vùng nuôi bị thiệt hại để đánh giá nguyên nhân tôm chết. Đồng thời, khuyến cáo bà con ở các vùng, đặc biệt đối với những nơi có tôm bị chết phải tuyệt đối chấp hành nghiêm vấn đề xét nghiệm tôm giống. Bởi qua theo dõi các năm, việc xem xét, lựa chọn con giống kỹ lưỡng sẽ góp phần giúp người nuôi hạn chế thiệt hại”.

Đình Thanh - Thái Hòa


Cơn lốc cá!

Nguồn tin: KTSG, 5/4/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

Vài tháng nay, con cá tra lên cơn sốt giá khiến nhiều người như “phát cuồng” theo. Người mua đất đào ao, người thuê thêm đất, ai cũng muốn cuối vụ tới sản lượng cá nuôi của mình tăng vọt. Nhưng chưa ai dám chắc phần thắng dù bạc tỉ đã “đổ” xuống ao!

Vừa bước qua khu vườn nhỏ, khi mà gió từ sông Hậu đã bắt đầu thổi nhẹ xua bớt cái nóng nung người buổi trưa trên đất cồn Đông Bà Hơi (thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), cũng là lúc cả một vùng bao la, với những ao cá đan xít nhau hiện ra trước mắt. Thoạt nhìn, chẳng khác gì một vùng hoang mạc nằm ven sông Hậu bởi ngoài những ao cá, chỉ có nắng cháy và gió, chẳng còn vạt vườn nào sót lại. Người dân ở đây nói rằng, khu đất này mới vài năm trước còn là những vườn nhãn, xoài... xum xuê. Nay tất cả đều “hy sinh”, nhường đất cho con cá da trơn!

Ông Tư Tín, chủ của hơn 20 ao nuôi cá ở khu vực này, chỉ một cái ao rộng khoảng 3.000 mét vuông nằm sát sông Hậu, khoe: “Chủ của nó mua trên 300 triệu đồng, đầu tư đôi chút thì cạn vốn. Nhờ vậy, tôi thuê lại được với giá 25 triệu đồng/năm, cộng thêm 70 tấn thức ăn cho mượn để ông ta đem đổ vào ao nuôi còn lại, nằm ở chỗ khác”. Ngay cạnh đó là một cái ao rộng hơn 5.000 mét vuông đang được cải tạo chuẩn bị cho vụ cá mới, có hai máy cạp đất đang ì ầm hoạt động, cũng thuộc sở hữu của ông Tín.

Gần đó, có người thuê cả máy cạp đất, đắp lấn cả ra sông Hậu để nới diện tích ao. Giá đất lên, người ta chẳng ngại lấn cả dòng chảy con sông để dành cho cá! Có hộ, từ 3.000 mét vuông đất, cứ sau mỗi đợt sên vét là lấy đất đắp lấn dần ra sông để bây giờ có diện tích ao “nở” thành 7.000 mét vuông!

Sốt giá cá - sốt đất

Giá cá tăng dần từ trước Tết Nguyên đán đến nay, có lúc lên đỉnh điểm: 17.000 đồng/ki lô gam khiến không biết bao nhiêu người ào ạt lao vào mua đất, thuê ao. Dọc theo sông Hậu, người ta ào ạt đào ao bất kể ngày đêm. Ở huyện Chợ Mới, An Phú (An Giang)... đã có hàng chục “đại gia” từ TPHCM... về mua hoặc thuê đất đào ao nuôi cá. Mới đây, huyện Chợ Mới còn dành hàng trăm héc ta đất nằm ở vị trí thuận lợi nuôi cá để đấu thầu, bất kể người ở đâu đến, cứ trả giá cao là có quyền thả cá.

“Ở cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ), một công đất đã có giá trên 150 triệu đồng nhưng cũng chẳng còn để mua”- ông Nguyễn Văn Sửu, người nuôi ba héc ta cá ở xã Trung Nhứt lân cận, cho biết. Đất nằm sâu ở các vùng Bắc Cái Sắn, hoặc khá xa so với sông Hậu nhưng có tiềm năng phát triển ao cá, giá đất cũng đã lên trên 100 triệu đồng/công, tăng 20-30 triệu đồng so với năm rồi. Cá biệt, có những người trúng lớn trong vụ vừa qua, sẵn sàng bỏ từ 180-200 triệu đồng cho mỗi công đất, với điều kiện phải liền ranh để mở rộng diện tích nuôi.

Ở chợ Thốt Nốt, anh T., một “đại gia” nuôi cá với sản lượng từ 10.000-15.000 tấn/vụ, đã thuê hẳn vài người chỉ lo săn lùng đất ở khắp nơi. Nơi nào vị trí tốt, giá cả chấp nhận được là anh T. đến thỏa thuận, ngã giá ngay. “Không mua đất được thì phải chấp nhận thuê với giá từ 50-100 triệu đồng/năm đối với một ao có thể nuôi 100 tấn cá (khoảng 3.000 mét vuông mặt nước). Còn nếu thuê đất ruộng cũng phải mất khoảng 5 triệu đồng/1.000 mét vuông/năm, sau đó bỏ thêm gần 50 triệu đồng/công để đào đất, mua máy bơm... nữa mới thả cá được”, ông Sửu nói.

“Sốt cá” khiến giá đất, giá nhân công tăng vọt nhưng các nhà đầu tư chẳng ngại. Có người, thậm chí chưa từng biết gì về nghề nuôi cá cũng lao vào cuộc, phó mặc việc chăm sóc cho các kỹ sư, vốn do các cửa hàng bán thuốc đặc trị bệnh cho cá... giới thiệu, cung cấp.

Rủi ro chực chờ

Thoạt nhìn thì thấy dễ ăn nếu giá cá vài tháng nữa vẫn dao động từ 15.000-16.000 đồng/ki lô gam. Nhưng chỉ những người nuôi lâu năm như ông Sửu, ông Tín... mới thấm nỗi truân chuyên để có được những chú cá to tròn, quẫy tung trong lưới những khi thu hoạch.

Ông Sửu nói rằng, cá tra sợ nhất là những lúc giao mùa. “Khi đó, cá hay bệnh hàng loạt. Không có kinh nghiệm là trắng tay như chơi!”, ông Sửu khẳng định. Ông tin rằng, với tay nghề như ông mà để cá thành phẩm bị nhiễm dư lượng kháng sinh là điều không thể, nhưng với những người mới vào nghề, điều này rất khó tránh. Khi cá bị bệnh gan, thận có mủ, sơ sẩy sử dụng thuốc “đặc trị” rồi bán ngay khi cá vừa dứt bệnh là hỏng! “Phải ít nhất ba tuần sau, kháng sinh mới tự giải trong thịt cá”, ông nói.

Nói gì thì nói, sự phát triển hàng loạt của những ao nuôi cá càng khiến rủi ro về chất lượng sản phẩm của các nhà máy chế biến càng lớn. Nếu có xảy ra trường hợp doanh nghiệp bị cấm cửa tại một thị trường xuất khẩu nào đó vì có dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, âu chẳng là điều oan ức.

Trở lại vùng đất màu mỡ ven sông Hậu ở Thốt Nốt, Thới An lần này, chúng tôi khó tránh được cảm giác lo âu khi chứng kiến quá nhiều người lao vào cuộc chơi. Ở Thới An, ngay ở ven những con kênh nhỏ mà nước gần như khô cạn lúc thủy triều kém, vẫn có không ít ao nuôi cá mọc lên, dấu đất đào đắp lên vẫn chưa khô hẳn. Người nuôi cá đang thực hiện chu trình ngược, tức thay vì xây dựng mô hình nuôi sạch, tạo thị trường rồi phát triển dần để đảm bảo tính bền vững thì ở đây, họ lại ào ạt nuôi rồi đến khi gặp rủi ro về sản phẩm mới có thể tính chuyện nuôi cá sạch. Ông Sửu cho biết, người nuôi cá ở Thốt Nốt nếu có ao lắng xử lý nước thì cũng phục vụ cho nước đầu vào, chứ nước thải thì vô tư xả ra sông, bất kể môi trường, mầm bệnh.

Hầu như tất cả những người nuôi cá mà chúng tôi đã gặp đều thừa nhận, cái khó đầu tiên sau khi có ao nuôi là con giống. Biết vậy, nhưng nguồn cá giống mà họ mua về phần lớn do các trại ương giống ở huyện Hồng Ngự cung cấp.

Ông Sửu nói rằng, cá giống hút hàng, chuyện tăng giá từ 400 đồng/con hồi vụ rồi lên 2.000-3.000 đồng/con như hiện nay là đương nhiên, nhưng lo nhất là chất lượng. “Có lẽ hút hàng, họ ép cá sinh sản với tốc độ chóng mặt khiến chất lượng có chiều hướng giảm. Vụ trước, thả cá giống hao hụt chỉ khoảng 10% thì vụ này bị hao từ 20-30%”, ông khẳng định.

Tại hội nghị về giống thủy sản vừa tổ chức tại An Giang, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh có 12 cơ sở sản xuất cá tra bột với khả năng cung cấp hơn một tỉ con/năm, nhưng do giá con giống tăng nên các cơ sở đã sử dụng cá bố mẹ nhỏ, không đạt kích cỡ theo quy định của Bộ Thủy sản. Đồng thời, sử dụng các chất kích dục tố ép trứng, sinh sản không đúng mùa vụ khiến chất lượng thấp. Ngoài ra, có hơn 300 hộ tự ương nuôi cá giống, không đăng ký nên chất lượng bị... thả nổi. Nhưng với người nuôi? “Tin nhau là chính, ai gian dối thì “chết”. Chứ ai mà bỏ công xét nghiệm, kiểm tra chất lượng”, ông Tín nói.

Giá cá đang giảm!

Và đầu tuần này, giá cá đã xuống. Ao nuôi của ông Hai Thơ ở cồn Đông Bà Hơi vừa thu hoạch được 200 tấn, bán với giá 16.800 đồng/ki lô gam. Nhưng đó là nhờ ông ký hợp đồng trước, bởi giá thu mua hiện thời của các nhà máy chỉ còn khoảng 16.400 đồng/ki lô gam. Nhiều nhà máy, sau khi giải tỏa được các hợp đồng đã ký hồi cuối năm 2006, nay ung dung chờ giá xuống nên có nơi chỉ thu mua cầm chừng bởi thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng đột biến. Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến cá ở An Giang cho biết: “Đơn giản bởi nếu giá cá nguyên liệu cao ngất ngưởng như thời gian qua thì nhà máy làm gì có lãi mà ký hợp đồng mới, chưa nói đến khách hàng cũng lắc đầu chê mắc!”.

Ông Sửu tính rằng, để có 100 tấn cá tra nguyên liệu thì người nuôi phải bỏ ra 1,2- 1,35 tỉ đồng, trong khi vụ trước chỉ phải mất từ 0,9-1 tỉ đồng. “Giá giống, rồi giá thức ăn cũng tăng. Như giá cám từ 2.300 đồng nay đã là 2.900 đồng/ki lô gam, đậu nành từ 4.200 đồng nay là 5.300 đồng/ki lô gam...”, ông phân tích. Như ông Tín, dù đã bán bớt cá nhưng bình quân hiện nay vẫn phải chi hơn 150 triệu đồng/ngày cho khoảng 30 tấn thức ăn. Người có nhiều ao, có thể nuôi rải vụ để xoay vốn, bán ao này lấy tiền mua thức ăn cho ao khác và phân tán rủi ro thời giá, nhưng người nuôi 1-2 ao thì chỉ có nước chấp nhận “cưỡi lưng cọp”, bỏ hàng đống tiền xuống ao mỗi ngày.

Số phận con cá da trơn trong tương lai chưa lấy gì làm chắc chắn, nhưng tiền tỉ đã và phải bỏ ra để mà hy vọng. Có người bấu víu vào những hợp đồng bao tiêu với giá sàn của doanh nghiệp, nhưng thực tế thời gian qua ai cũng biết, khi giá thị trường lên thì nông dân “quên” hợp đồng, và ngược lại mà có ai đứng ra giải quyết.

Thời báo kinh tế Sài Gòn


Thừa Thiên - Huế: Dân nuôi tôm, cá điêu đứng

Nguồn tin: NLĐ, 12/4/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

Theo tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ngày 11-4, tại thời điểm này, bệnh đốm trắng đã xuất hiện trên diện tích gần 10 ha mặt nước, thuộc địa bàn của 7 xã trong huyện khiến 2,65 triệu con tôm giống vừa thả nuôi từ 5 đến 20 ngày tuổi bị chết.

Tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, một loại ký sinh trùng có tên thường gọi là rận nước đã tấn công làm thiệt hại trên 500 lồng cá (mỗi lồng gồm 500 con), gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chưa kịp gượng dậy sau bão số 6 năm 2006, hiện những hộ nuôi cá này đang đứng trước nguy cơ giải nghệ nuôi cá lồng.

X.Hồng


Sinh sản nhân tạo giống cá vược

Nguồn tin: NLĐ, 12/24/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

Sau hơn 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Thủy sản đã thành công trong việc đưa ra quy trình sản xuất cá vược giống bằng con đường sinh sản nhân tạo. TS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá vược bố mẹ với tỉ lệ cá có thể tham gia sinh sản đạt 100%, cho sinh sản và ấp nở trứng cá thành cá giống với tỉ lệ sống đạt 38%.

Nhiều địa phương đã đề nghị nhóm tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá vược để cung cấp cho người nuôi trồng thủy sản tại chỗ.

B.T.T


Nuôi trồng thủy sản ở Bắc Bộ: nhiều yếu kém

Nguồn tin: ND, 11/24/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

Thứ trưởng Thủy sản Lương Lê Phương cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía bắc đã bộc lộ hàng loạt yếu kém.

Tại hội nghị về nuôi trồng thủy sản tổ chức ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, nhiều đại biểu nêu rõ, việc xây dựng quy hoạch cho các vùng nuôi trồng thủy sản tiến hành chậm.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản còn dàn trải, một số dự án nuôi tôm công nghiệp ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định không mang lại hiệu quả.

Phát triển nuôi trồng thủy sản vùng này còn nhỏ lẻ, độc canh, tự phát, chưa tạo vùng sản xuất hàng hoá lớn. Công tác quản lý môi trường, dịch bệnh, thuốc thú y thủy sản, con giống chưa bảo đảm.

Theo tiến sĩ Vũ Văn Dũng, Quyền Vụ trưởng Nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản), các tỉnh đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có tiềm năng rất lớn để nuôi trồng thủy sản. Đến hết năm 2006, diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực này đạt 132.067 ha; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt hơn 86 nghìn ha. Sản lượng thủy sản toàn vùng đạt hơn 281 nghìn tấn, tăng gần ba lần so với năm 1999.

Từ năm 2000 đến nay, nông dân các tỉnh khu vực này chuyển hơn 15 nghìn ha đất trồng lúa, cói, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chiếm 64% tổng diện tích chuyển đổi của cả nước. Nhìn chung, hiệu quả nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi cao gấp 4-6 lần so với trồng lúa, cói và làm muối.

TẠ QUANG DŨNG


Người "vứt" 3 tỉ đồng xuống ao!

Nguồn tin: TN, 10/04/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

Đến TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hỏi về "Dũng ba ba" thì ai cũng biết nhưng ít người biết rằng để có cơ ngơi trị giá hàng chục tỉ đồng và tiếng tăm như hiện nay, anh Hồ Văn Dũng đã có hàng trăm đêm hầu như không ngủ khi số tiền vay ngân hàng hơn 3 tỉ đồng anh đã liều "vứt" trọn xuống ao...

Hồi hương để làm... "Dũng ba ba"

Sau khi học xong phổ thông, vì nhà quá nghèo, không thể tiếp tục học lên đại học, Hồ Văn Dũng đăng ký đi hợp tác lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Sau nhiều năm làm việc quần quật ở xứ người, anh về nước và số tiền dành dụm chỉ đủ để anh mua một miếng đất và xây một căn nhà nhỏ. Để có tiền nuôi sống gia đình nhỏ của mình, anh Dũng đã làm rất nhiều nghề, từ buôn bán gạo, cơm, mắm, muối đến hàng điện tử rồi hàng thủy sản... Gần 5 năm như vậy, anh đã tích lũy được ít tiền và tiếp tục mua thêm đất ngay bên cạnh ngôi nhà mình đang ở để tính chuyện lâu dài.

Năm 1995, khi thấy khách du lịch bắt đầu đổ về Quảng Bình, anh Dũng quyết định vay ngân hàng 600 triệu đồng để xây khách sạn ngay trên ngôi nhà mình đang ở, đây là khách sạn tư nhân đầu tiên của Quảng Bình nên thu nhập rất cao. Chỉ sau vài năm hoạt động, anh đã nhanh chóng trả hết nợ cho ngân hàng.

Khi hỏi về cái tên gọi Dũng "ba ba", anh Hồ Văn Dũng cười và nói: "Mời anh ra thăm trang trại của tôi rồi sẽ biết". Trên đường đi, vừa lái xe anh vừa bật mí: "Tôi mong ước làm trang trại từ lâu rồi. Tôi yêu khung cảnh thanh bình của những trang trại và đã nghĩ rằng sau này khi về nước nhất định sẽ làm trang trại của chính bản thân mình...". Sau hơn 10 phút ngồi xe, chúng tôi đã đặt chân đến khu trang trại của anh Hồ Văn Dũng. Khu đất rộng hơn 10 ha đã được anh quy hoạch thành từng khu riêng biệt. Đó là khu để nuôi: ba ba, ếch, heo rồi khu nuôi thả bò và dê...

Xuất ngoại mời gọi chuyên gia

Để có khu đất rộng rãi, đẹp và được quyền sử dụng trong 50 năm, anh Hồ Văn Dũng đã vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng. Do nằm ngay bên cạnh kênh thủy lợi Phú Vinh nên anh quyết định đầu tư để nuôi ba ba. Suy nghĩ là thế nhưng lúc bấy giờ anh Dũng chưa hề biết gì về kỹ thuật nuôi. Nghe theo lời khuyên của những người bạn, anh quyết định bỏ tiền túi qua tận Thái Lan tìm đến một trang trại nuôi ba ba của một người dân nước bạn và xin phép vào làm việc để học. May mắn cho anh, anh đã được ông chủ người Thái Lan tốt bụng cảm phục và tận tình truyền nghề. Sau chuyến đi đó, khi về nước lúc bắt tay vào việc xây hồ nuôi ba ba, anh quyết định mời chuyên gia Thái Lan qua trang trại của anh ở hẳn một tháng với tiền công là 5.000 USD để giúp mình.

Ban đầu là đào hồ rồi xây bể để nuôi ba ba, vào thời điểm này là lúc anh Dũng bắt đầu thời điểm không dám ngủ. Tiền đầu tư rất nhiều, mà toàn là tiền vay ngân hàng. Đến lúc quy hoạch xong khu vực nuôi và thả những con ba ba đầu tiên xuống hồ, anh đã vay đúng 3,2 tỉ đồng. Thời gian từ lúc thả giống đến lúc thu hoạch của ba ba rất dài, hơn 20 tháng, có ngày tiền thức ăn lên đến gần 3 triệu đồng. "Cứ ngày nào cũng thế, vay tiền mua thức ăn rồi thả xuống hồ, tôi không thể nào ngủ được. Lỡ xảy ra chuyện không may chắc chết...". Anh Dũng đã nói cảm giác của mình lúc ấy với chúng tôi như thế.

Để có tiền nuôi dài hạn ba ba, anh Dũng đã áp dụng phương châm: "Lấy ngắn, nuôi dài". Anh nuôi thêm ếch siêu phẩm của Thái Lan, rồi nuôi ếch giống, hiện tại ếch giống có giá một con gần 1 triệu đồng, riêng tiền nuôi ếch giống mỗi vụ anh Dũng đã lãi hơn 500 triệu đồng. Sau đó, anh lại nuôi thêm cá trong hồ ba ba... Tiền thu từ nuôi ếch và nuôi cá, anh dùng để tiếp tục nuôi ba ba để giảm tiền vay ngân hàng.

Hiện anh Dũng đang có đàn bò gần 100 con, đàn heo hơn 800 con và hàng trăm con dê. Chỉ tính lứa ba ba đầu tiên, anh Dũng đã lãi hơn 3 tỉ đồng và trả hết tiền vay ngân hàng.

Được biết, mỗi năm riêng tiền lãi từ trang trại của anh Dũng đã hơn 1,5 tỉ đồng. Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, anh Dũng còn là nhà tư vấn cho nhiều trang trại khắp nơi đến học hỏi kinh nghiệm. Khi chúng tôi hỏi kế hoạch làm ăn của anh trong thời gian tới. Anh nói: "Tôi sẽ sát nhập, cổ phần hóa với Công ty Mai Linh, tài sản của tôi được định giá gần 20 tỉ đồng. Tôi để cho vợ con 10 tỉ đồng, còn bao nhiêu tôi sẽ góp vốn làm ăn lâu dài với họ. Hy vọng sẽ phát triển hơn nữa...".

Tấn Tú


An Giang: nhập cá tra bố mẹ từ Campuchia

Nguồn tin: TT, 13/04/2007
Ngày cập nhật: 13/4/2007

An Giang chuẩn bị bổ sung đàn cá tra bố mẹ từ nguồn mua ở Campuchia về và bổ sung đàn cá hậu bị được chọn lọc từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 nhằm tránh tình trạng con giống bị thoái hóa do hiện tượng cận huyết, đồng huyết trong khâu sản xuất giống cá tra.

Tới đây Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống tỉnh cũng sẽ mở các cơ sở vệ tinh cung cấp giống cá tra được sản xuất theo qui trình SQF 1000CM cho người nuôi. Đồng thời phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên tiến hành kiểm tra năng lực, qui trình sản xuất để các cơ sở này cung cấp con giống đảm bảo chất lượng.

Đ.VỊNH


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang