• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Sân nghêu đăm đắm nỗi lo

Nguồn tin: Bến Tre, 03/04/2007
Ngày cập nhật: 8/4/2007

Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho huyện biển Bình Đại, Bến Tre. Giờ đây, người dân vùng ven biển Bình Đại lại tiếp tục hứng chịu những thiệt hại do tràn dầu!

Bó tay vì dầu loang

Nằm dọc bên bờ biển Đông, với diện tích rộng 900 ha, sân nghêu Thới Thuận do HTX Rạng Đông quản lý là sân nghêu lớn nhất tại tỉnh Bến Tre. Tôi đến sân nghêu Thới Thuận vào trưa 2-4-2007, một buổi trưa mà tôi có thể cảm nhận ra ngay là môi trường ở sân nghêu không còn trong lành như bao lần tôi đã đến. Dẫn tôi ra sân nghêu, Chủ nhiệm HTX Rạng Đông Nguyễn Quốc Dũng vẫn chưa hết âu lo: “Hôm nay là con nước rằm tháng Hai (âm lịch), nước lớn rồi sẽ rút nhanh ra biển, vậy nên nếu có dầu loang, nghêu nuôi vẫn không thiệt hại nhiều. Còn cách đây chừng 10 ngày, đó là thời điểm con nước kém, dầu loang cộng với nước cứ lình xình trên bãi đã gây thiệt hại nặng nề cho bãi nghêu Thới Thuận.” Ra xa hơn chút nữa, tôi đã nghe có mùi hôi của nghêu chết trên bãi. Tôi hỏi ông Dũng: “Nghêu chết do nắng nóng hay dầu loang?” Giọng ông Dũng đầy tâm tư: “Thật ra, cách đây nhiều năm rồi, hễ vào thời điểm nắng nóng như hiện nay thì nghêu thường chết. Tuy nhiên, năm nay, khi dầu loang tràn vào bãi Thới Thuận thì số nghêu chết lại nhiều hơn, chúng tôi rất lo.”

Theo ông Dũng, từ khi có vết dầu loang xuất hiện tại bãi biển Thới Thuận đã có hai đợt nghêu chết. Đợt 1 là từ ngày 12 đến 16-3-2007, nghêu chết tăng dần rồi sau đó giảm hẳn. Khu vực nghêu chết tập trung ở đầu doi Thới Bình, ước thiệt hại 100 tấn. Đợt 2 từ rạng sáng 27-3-2007, khi thủy triều vừa rút, HTX đi kiểm tra thì thấy nghêu chết trên diện tích rộng 600 ha, tập trung cặp cửa sông Ba Lai đến dầu doi Thới Bình, ước thiệt hại lên đến 2.500 tấn nghêu, tương đương 20 tỉ đồng. Ông Dũng cho biết, tính đến ngày 3-4-2007, nghêu vẫn tiếp tục chết, tổng thiệt hại hiện tại có thể lên đến 30 tỉ đồng!

Sáng ngày 28-3-2007, HTX kiểm tra phát hiện có dầu loang trên mặt nước cặp bãi và có dầu vón cục nằm trên bãi từ đầu voi Thới Bình đến Thới Lợi 1, dài khoảng 4/10 km của sân nghêu. Từ hôm đó đến nay, HTX đã thu gom chỉ khoảng 3 kg dầu vón cục nhưng với dầu loang thì nó cứ tái đi tái lại trên mặt nước cặp bãi!

Sân nghêu Thới Thuận (huyện Bình Đại) nằm cặp sát bên cửa sông Ba Lai và đối diện phía bên kia của sông Ba Lai là các tập đoàn nuôi nghêu thịt thuộc xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri). Theo Sở Thủy sản Bến Tre, hơn nửa tháng qua, ở hai khu vực gần cửa sông này đều có hiện tượng nghêu chết hàng loạt.

Tôi sang HTX Đồng Tâm thuộc xã Thừa Đức (Bình Đại), nơi có sân nghêu rộng 800 ha nằm gần sông Cửa Đại. Anh Kiểng, Chủ nhiệm HTX Đồng Tâm cho biết cách đây khoảng 10 ngày, thấy có xuất hiện dầu vón cục với đường kính 0,5-1cm, số lượng bình quân khoảng 5 cục/m2 và dọc theo bờ biển của HTX Đồng Tâm (dài 4 km) có nhiều váng cát đóng lại thành từng mảng màu xám. Chưa thấy xuất hiện dầu loang trên mặt nước. Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre đã đi khảo sát vùng nuôi nghêu tại 2 HTX Đồng Tâm và Rạng Đông, lấy 2 mẫu dầu vón cục và 2 mẫu nước gửi đi kiểm nghiệm. Hiện nay, lượng nghêu tại HTX Đồng Tâm chết chỉ chiếm 1-2%.

Một xã viên HTX Đồng Tâm nói: ”Nghêu bên HTX Rạng Đông chết có lẽ là do dầu loang trên mặt nước, tắp vào bãi nghêu. Dầu vón cục còn có thể vớt hết chớ còn dầu loang thì thôi…bó tay!”

Trở lại HTX Rạng Đông, tôi hỏi ông Dũng: “Dầu loang, xem ra bà con xã viên ai cũng lúng túng, lo lắng. Anh đã kiến nghị gì về huyện, tỉnh?” Ông Dũng nhuốm buồn: “Đây là chuyện quốc gia, quốc tế chớ theo tôi nghĩ, khi dầu đã tràn, việc làm tại chỗ như thu gom dầu cũng chỉ là “chữa cháy” trước mắt mà thôi.”

Thu hoạch chạy … dầu

Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre Trần Thị Thu Nga cho biết, ngày 21-3-2007, bà Lý Thị Thanh Loan, Giám dốc Trung tâm quan trắc môi trường và dịch bệnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II) đã đến HTX Rạng Đông lấy mẫu nước về phân tích. Các kết quả ban đầu có nhiều dấu hiệu cho thấy nghêu tại HTX Rạng Đông chết là do dầu loang và môi trường bị nhiễm rộng ra sau đó là do xác nghêu chết cộng nắng nóng. Bà Nga cho biết thêm, trước tình hình trên, Sở đã khuyến cáo các HTX, cơ sở nuôi nghêu nên tập trung thu hoạch nhanh những sân nghêu đạt kích cỡ thương phẩm, di dời những bãi nghêu có nguy cơ dầu loang cao sang các khu vực an toàn, chú ý nguy cơ ô nhiễm sẽ lây lan rất nhanh sau khi có hiện tượng nghêu chết rãi rác trên bãi. Phải thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện dầu xuất hiện trên bãi thì phải thu gom làm sạch bãi nghêu. Đối với những người nuôi tôm gần cửa biển, cần đóng cống, không nên lấy nước nuôi tôm vào thời điểm này.

HTX Rạng Đông thu hoạch nghêu…chạy dầuTrong lúc đang trao đổi với chúng tôi, bà Nga nhận thêm một thông tin nóng là sò huyết nuôi ở xã biển Thừa Đức cũng đã xuất hiện tình trạng chết không rõ nguyên do! Ngay tức tốc, bà Nga cho nhân viên đến hiện trường để thu mẫu. Vị nữ phó giám đốc Sở như đang ngồi trên đống lửa. Bà Nga nói, suốt cả tuần qua, bà đã truy cập nhiều website của Viện Nghiên cứu tài nguyên biển, các tổ chức quốc tế về quản lý tài nguyên biển để được chia sẻ thông tin nhằm có hướng khắc phục sự cố dầu loang. Và bà Nga càng lo lắng hơn khi cho tôi biết về tiến trình xây dựng thương hiệu cho con nghêu Bến Tre. Theo đó, thông qua hiệp hội phát triển bền vững nghề cá (Hoa Kỳ), việc xây dựng thương hiệu nghêu Bến Tre đã đạt đến bước thứ 6/10 (4 tiêu chí còn lại không khó lắm), thế nhưng, đột nhiên nghêu chết vì dầu loang, nhiều diện tích nuôi nghêu ở HTX Rạng Đông bị ô nhiễm!

Không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những “mỏ nghêu” như ở Bến Tre. Hơn 3 năm qua, khi con nghêu Bến Tre đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, giá nghêu đã tăng vùn vụt, có lúc lên trên 20.000 đồng/kg nghêu thịt. Tại xã biển Thới Thuận – một xã rất nghèo trước đó – kể từ ngày con nghêu tựu về đây đã phần nào “thoát nghèo”, hàng ngàn người dân ở đây đã được ấm no; các công trình dân sinh như trường, trạm, điện, cầu, nhà tình nghĩa, tình thương tại xã cũng từ con nghêu mà có. Chỉ riêng trong năm 2006, mỗi hộ xã viên HTX Rạng Đông được chia 2,5 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền công lao động thu hoạch nghêu (trung bình mỗi lao động trên 1 triệu đồng/tháng). Tương tự như thế, tại HTX Đồng Tâm, HTX Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy (Ba Tri), HTX Thạnh Hải, Thạnh Phong (Thạnh Phú), từ nhiều năm qua, con nghêu cũng đóng vai trò tích cực trong xóa đói giảm nghèo cho dân vùng biển. Thế nhưng hiện nay, giá nghêu từ 16.000 đồng/kg (loại 40 con) đã rớt xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg. Giá giảm như vậy nhưng hầu hết các sân nghêu tại Bến Tre đều tranh thủ thu hoạch ngay vì sợ dầu loang đến, nghêu chết! Hoặc nghêu chưa tới kích cỡ thương phẩm thì sự thấp thỏm, lo âu lại càng dâng cao ở những tập đoàn, HTX nuôi nghêu nơi vùng ven biển Bến Tre.

Phan Lữ Hoàng Hà


Phong trào nuôi cá da trơn phát triển rầm rộ ở Bến Tre

Nguồn tin: Btre, 05/04/2007
Ngày cập nhật: 8/4/2007

Chế biến cá da trơnHiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức khá cao, các hộ nuôi đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, phong trào nuôi cá da trơn đang phát triển rầm rộ ở Bến Tre trong thời gian gần đây.

Hầu hết diện tích ao nuôi đều tập trung ở các cồn và ven sông lớn thuộc các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày. Trước Tết Nguyên đán 2007, toàn tỉnh chỉ có 150 ha, đến nay con số này đã lên đến 259 ha, tăng 109 ha so với cuối năm 2006. Phong trào nuôi cá đặc biệt phát triển mạnh ở huyện Chợ Lách, khiến một diện tích lớn vườn cây ăn trái ở đây bị biến thành ao nuôi cá tra.

Giá cá tra tăng, khiến giá đất cũng leo thang theo. Việc con cá tra phát triển mạnh đã phát sinh nhiều vấn đề bất ổn, mà điều đầu tiên chính là con giống. Hiện nay, hầu hết con giống được người dân mua từ Đồng Tháp, An Giang. Chính vì không tự sản xuất được con giống nên hiện nay con giống đang rất khan hiếm và giá cao nên tiến độ thả giống chậm và chất lượng lại không đảm bảo. Tuy tất cả các ao đều đã sẵn sàng, song chỉ mới có khoảng 150 ha (tức khoảng 58% diện tích) được thả nuôi. Không chỉ bất ổn trong vấn đề con giống, mà môi trường và hệ sinh thái cũng là một điều nhức nhối.

Chí Dân


Bến Tre bước vào vụ nuôi tôm sú

Nguồn tin: BTre, 5/04/2007
Ngày cập nhật: 8/4/2007

Đến hết quí I-2007, hầu hết các hộ nuôi tôm sú quảng canh ở khu vực ven biển Bến Tre đã thả giống xong. Riêng các khu vực nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh đang trong giai đoạn tập trung cải tạo ao nuôi để chuẩn bị thả giống vào chính vụ. Hiện đã có 10% diện tích, tức khoảng hơn 500 ha được thả nuôi.

Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm nay, Sở Thuỷ sản Bến Tre đã triển khai các biện pháp như tăng cường công tác quan trắc môi trường, tăng tần suất và số địa điểm lấy mẫu, thông tin kịp thời những diễn biến môi trường nuôi, tăng cường công tác kiểm dịch thuỷ sản, khuyến cáo người nuôi chú trọng chất lượng con giống. Sở Thuỷ sản cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm sú cho các hộ ở các vùng nuôi tôm tập trung, đồng thời củng cố các đội kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra những vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Chí Dân


An Giang: Tăng cường biện pháp quản lý để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Nguồn tin: AG, 6/4/2007
Ngày cập nhật: 8/4/2007

Ngày 4-4-2007, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp bàn giải phát phát triển thủy sản an toàn chất lượng tổ chức tại UBND huyện Thoại Sơn. Đại diện các Sở: Thủy sản, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên-Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân, Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống thủy sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đại diện các công ty, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản đã đến dự.

Trước tình hình giá cá tra, cá ba sa nguyên liệu trên thị trường ở mức cao, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tự phát đào ao nuôi quy mô lớn, không đảm bảo quy hoạch, không đảm bảo về quản lý môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Thủy sản. Hội nghị đã tập trung phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp: Những doanh nghiệp đã đào ao nuôi cá cần cam kết và thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định của ngành chức năng. Chính quyền địa phương cần tăng cường biện pháp quản lý, kiểm tra. Ông Huỳnh Thế Năng nhấn mạnh, để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh, vấn đề không phải là khâu kỹ thuật mà là vấn đề quản lý. Làm thế nào phát triển kinh tế phải đảm bảo được vệ sinh môi trường và an ninh xã hội.

Đối với những trường hợp đã mua đất nhưng chưa đào ao thì kiên quyết không cho làm tiếp, nếu nằm ngoài vùng quy hoạch. Các doanh nghiệp và hộ gia đình muốn đào ao nuôi cá cần liên hệ với chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải nhanh chóng giải quyết theo quy trình “một cửa” và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch.

NGUYỄN THỦY


Bạc Liêu: Tôm, cá, nghêu chết do dầu loang

Nguồn tin: CT, 8/4/2007
Ngày cập nhật: 8/4/2007

Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tình trạng dầu loang ven biển tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp, lượng dầu loang mỗi ngày một tăng. Dầu loang đã tràn vào các trục kinh chính phục vụ nuôi trồng thủy sản, tràn vô khu vực nuôi tôm từ 1-2km. Hiện khu vực bãi bồi, người dân phát hiện cá, nghêu, tôm chết do dầu loang.

Trong tuần qua, người dân ven biển đã thu gom trên 6 tấn dầu loang vón cục tập trung nhiều ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Tuy nhiên, theo các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, hiện nay còn khoảng 6 tấn dầu loang ven biển cần phải thu gom.

T.TÂM


Tiền Giang: Diện tích thả nuôi tôm sú giảm

Nguồn tin: KTVN, 6/4/2007
Ngày cập nhật: 7/4/2007

Tính đến hết quý I/2007, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diện tích thả nuôi thủy sản nước mặn lợ, chủ yếu là nuôi tôm sú đã giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Sở Thủy sản cho biết: sự sụt giảm này là đáng mừng! Bởi nông dân đã thực hiện nghiêm khuyến cáo của Sở, lui lại thời điểm thả nuôi để tránh các thiệt hại dễ xảy ra, vì theo các dự báo năm nay nắng hạn kéo dài. Thời điểm thả nuôi tôm sú tại đây sẽ thích hợp hơn vào khoảng giữa tháng 5, và diện tích thả nuôi cả năm sẽ tăng nhanh trở lại, đảm bảo hiệu quả hơn cho nông dân.


Nghệ An: Thực hiện nhiều giải pháp phát triển nghề nuôi cá rô phi

Nguồn tin: Vasep, 6/4/2007
Ngày cập nhật: 7/4/2007

Năm 2007, ngành thủy sản và các địa phương trong tỉnh Nghệ An thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp nông dân khôi phục, phát triển nghề nuôi cá rô phi bằng việc hỗ trợ vốn, giống cho các hộ nuôi. Ngành thủy sản đầu tư kinh phí xây dựng các trại sản xuất giống, bảo đảm sản xuất con giống có chất lượng, kịp thời vụ, đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của người nuôi.


Sò huyết chết hàng loạt

Nguồn tin: SGGP, 06/04/2007
Ngày cập nhật: 6/4/2007

Mấy ngày qua, nhiều bãi nuôi sò huyết tại xã Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) đã xuất hiện tình trạng sò nuôi bị chết hàng loạt, các chủ nuôi sò đang vội vã thu hoạch sò đạt kích cỡ thương phẩm bán với giá 14.000-15.000 đồng/kg

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, ngoài dầu vón cục tắp vào bờ (không nhiều), đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện dầu loang trên mặt nước biển Thừa Đức. Theo nhận định của HTX Thủy sản Đồng Tâm, sò huyết chết là do thời tiết năm nay nắng nóng, thay đổi đột ngột (từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm), ít khả năng sò chết do ảnh hưởng dầu tràn, người nuôi sò chớ hoang mang.

P.L.H.H


An Giang: đình chỉ việc đào ao nuôi cá

Nguồn tin: TT, 5/04/2007
Ngày cập nhật: 5/4/2007

UBND tỉnh An Giang vừa chỉ đạo các huyện thị, xã phường, thị trấn đình chỉ ngay việc đào ao nuôi cá của tất cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn; thành lập các đoàn công tác đến các vùng nuôi cá trọng điểm hướng dẫn xử lý môi trường, tổ chức đăng ký bổ sung và đề ra lộ trình phải hoàn thành việc xử lý môi trường đối với các đơn vị, hộ gia đình đã lỡ đào ao nuôi cá.

Do giá cá tra tăng, lợi nhuận cao nên diện tích nuôi cá liên tục mở rộng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát triển thêm 208ha nuôi mới, trong đó chỉ có 55ha nằm trong vùng qui hoạch nuôi trồng thủy sản và phần lớn người nuôi đều không đăng ký.

ĐỨC VỊNH


Bạc Liêu: Người nuôi tôm “kêu trời” vì cúp điện

Nguồn tin: SGGP, 04/04/2007
Ngày cập nhật: 5/4/2007

Hiện nay người nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu đang tất bật bơm nước vào ao và tăng cường vận hành hệ thống quạt nước để tạo ôxy nhằm cứu những đàn tôm sú trong những ngày nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, những hộ sử dụng điện để vận hành quạt nước đang “kêu trời” vì một số nơi thường xuyên bị cúp điện. Ông Nguyễn Văn Sang ở xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết trong tuần qua khu vực này liên tục bị cúp điện nên nhiều người phải trang bị máy phát điện làm chi phí đầu tư tăng cao”.

H.D.


Tôm, cá chết hàng loạt ở phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế: Người nuôi ngồi trên lửa, cơ quan chức năng... bó tay!

Nguồn tin: SGGP, 04/04/2007
Ngày cập nhật: 5/4/2007

Gần 10 ngày qua, chỉ sau 1 tháng bắt đầu vụ tôm, hàng trăm hộ nuôi tôm huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại phải sống trong thấp thỏm lo âu vì tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Còn huyện Quảng Điền thì rận nước (rận cá) gây chết cá nuôi trong lồng. Người dân trông mong vào các ngành chức năng của huyện, huyện lại chờ tỉnh, tỉnh chờ... trong khi hàng ngàn hécta hồ tôm của người dân đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Ngồi trên lửa!

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm toàn huyện Phú Lộc năm 2007 là 1.000 ha. Cho đến những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-2007, huyện Phú Lộc đã cải tạo và thả nuôi được 670 ha. Thế nhưng, tôm đang nuôi trong giai đoạn 25 đến 35 ngày tuổi thì xuất hiện tình trạng tôm bị chết hàng loạt trên diện rộng với diện tích gần 10 ha...

Ngày 4-4, PV Báo SGGP vượt gần 100 km tìm về xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc nơi có nhiều hồ tôm xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt để tìm hiểu. Quả nhiều hộ nuôi tôm ở đây đang sống trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Để đầu tư nuôi tôm, hầu hết người nuôi tôm nơi đây đều “cầm” sổ đỏ, tài sản,… vào ngân hàng để vay tiền. Ít thì 20 triệu, nhiều thì lên đến hàng trăm triệu đồng. Để thả mới một vụ tôm, người nuôi tôm phải đầu tư từ 10 đến 20 triệu đồng từ việc cải tạo, xử lý hồ cho đến mua con giống. Thế nhưng, chỉ chừng 1 tháng khi thả tôm, người nuôi tôm nơi đây lại bị đẩy đến bên bờ vực phá sản khi tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Chị Võ Thị Hoa, người nuôi tôm xã Lộc Bình cho biết: Vật vã với hai cơn bão năm 2006, gia đình chúng chạy vay chạy mượn với mong muốn nuôi vụ tôm kiếm tiền để trả ngân hàng. Mấy ngày qua, gia đình chúng tôi như nồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên khi hàng đống tiền vãi xuống ao chưa biết thế nào? Nếu trận này thất bát, gia đình chúng tôi phải đối diện với khoản tiền nợ ngân hàng 30 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Với người dân nơi đây, 30 triệu đồng là một khoản nợ khổng lồ không biết trả đến khi nào cho hết.

Cũng tại Lộc Bình, ông Hoàng Lãm một người nuôi tôm sau nhiều thất bại vào năm 2006 do bão tàn phá, ông vừa thả 10 vạn con tôm giống xuống hồ. Thế nhưng, sau một tháng xử lý nước và chăm nuôi cho đến nay… lại chẳng thấy một bóng tôm nào.

Xử lý có khi... tận diệt thủy sản (?)

Trước tình hình đó, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Lộc và tỉnh sau một hồi kiểm tra rồi đi đến quyết định… xử lý bằng Chlorine. Thế là hết, một khi đã xử lý bằng Chlorine để diệt hết mầm bệnh thì đồng nghĩa với việc chẳng còn một con tôm nào sống sót – một người dân than vãn. Trong khi đó, hàng chục hộ nuôi tôm khác thấp thỏm sống chờ ngày dịch bệnh… “điểm danh”.

Điều đáng nói, người nuôi tôm nơi đây dường như rất thiếu thông tin về dịch bệnh trong khi nơi nuôi tôm chỉ cách UBND xã Lộc Bình chưa đầy 1 km. Khi được hỏi, ai cũng trả lời những câu chung chung như: “chỉ nghe nói”, “chỉ thấy mấy anh cán bộ đến kiểm tra rồi đưa thuốc đổ xuống hồ”…

Chúng tôi tìm đến UBND xã Lộc Bình để tìm hiểu thêm những thông tin về dịch bệnh trên tôm từ lãnh đạo UBND xã. Thế nhưng, thật bất ngờ, trụ sở UBND xã Lộc Bình im ỉm khóa và vắng bóng người mặc dù chỉ mới 16 giờ ngày 4-4. Sau một hồi loanh quanh, chúng tôi được một công an viên đang chạy xe ra về cho biết đã hết giờ làm việc? Sau một hồi “hỏi thăm” dường như anh công an viên này “phát hiện” chúng tôi là PV nên đã bảo: “mấy anh ấy (Chủ tịch, PCT,…) đi họp trên huyện hết rồi” và quay xe trở lại, cởi bỏ áo mưa, mở cửa “phòng tiếp dân” rồi… mở TV xem.

Chiều ngày 4-4, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bạch Văn Khai – Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Lộc cho biết: Hiện nay tình trạng tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân lan ra nhiều xã như Vinh Hưng, Vinh Giang, Vinh Hiền, Lộc Bình (huyện Phú Lộc) với diện tích gần 10 ha. Trước tình hình đó, chúng tôi có báo cáo lên Sở Thủy sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Trung tâm Khuyến ngư tỉnh để tăng cường cán bộ giúp huyện tìm rõ nguyên nhân và hướng dẫn các biện pháp xử lý. Đồng thời dự báo tình hình dịch bệnh thời gian đến và có những giải pháp tích cực để phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra trên diện rộng.

Còn ở huyện Quảng Điền, 2 ngày qua, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản TT-Huế đã cử người xuống hiện trường để hướng dẫn người dân cách xử lý các lồng cá bị rận nước tấn công. Các hộ nuôi cá trong các lồng dùng bạt lớn bao quanh, tiến hành phun thuốc Neguvon vào lồng với nồng độ 0,4-0,6 ppm trong thời gian 15-20 phút, sau đó tháo bạt cho nước lưu thông. Hoặc có thể dùng nước muối 2-4% để tắm cho cá. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và phát triển, người dân cần phải tát cạn ao, dọn sạch, dùng vôi tẩy ao và phơi khô đáy trước khi thả cá. Đây là những biện pháp rất dễ thực hiện và có thể ngăn chặn được.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là những loài thủy hải sản tự nhiên nằm phía ngoài vùng đầm phá cũng bị rận nước tấn công nhưng hiện tại chi cục cũng như các ngành thủy sản không có biện pháp gì để ngăn chặn vì nằm ngoài khả năng. Điều này sẽ làm cho hệ sinh thái của vùng đầm phá bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể làm cho nhiều loài thủy hải sản có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cần nói thêm là vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được xem là nơi có nhiều loài thủy hải sản rất có giá trị, một số loài nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam cần được bảo tồn.

Ngành chức năng... bó tay!

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Văn Bình – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản TT-Huế, cho biết: Hiện chi cục đang lúng túng trong việc tìm biện pháp hữu hiệu để xử lý “dịch” rận nước (còn gọi là rận cá hay con bét) đang bùng phát trên diện rộng ở phía bắc vùng đầm phá Tam Giang. Chưa có năm nào, rận nước lại hoành hành dữ dội như thế này. “Dịch” rận đã xuất hiện tại nhiều địa phương như Quảng Lợi, Quảng Thái, Điền Hải, Quảng Phước (huyện Quảng Điền)…

Không chỉ có cá nuôi trong các hồ và lồng, mà ngay cả các loài cá sống trong môi trường tự nhiên cũng bị tấn công. Cá bị rận nước bám dày đặc, hút hết máu, gây lở loét cho đến chết. Đây là một loại đối tượng ký sinh gây hại rất khó xử lý, do chúng tôi chưa đưa vào nghiên cứu; môi trường đầm phá rộng lớn, nên rất khó tiêu diệt bằng hóa chất (nếu được phép), vì có thể hủy diệt các loài thủy sinh khác.

Thời gian gần đây, hễ người dân thả cá xuống nuôi là bị chết hàng loạt do rận gây hại. Chúng tôi dường như đã bó tay trước đối tượng gây hại này, nên phải chờ đến sự trợ giúp của Chi cục BVNLTS Vùng 2 đóng tại Đà Nẵng.

Điều người nuôi tôm, cá ở Phú Lộc và Quảng Điền cần nhất hiện nay là các ngành chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây chết ở tôm và có hướng xử lý hiệu quả để vừa tránh được dịch bệnh lây lan vừa đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời, các ngành chức năng huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên - Huế cần hỗ trợ người dân về kỹ thật, phương pháp xử lý hồ nuôi, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho những hộ có tôm, cá bị chết trong thời gian qua.

Nhóm PV


Huyện Cai Lậy phát triển mạnh nghề nuôi cá nước ngọt

Nguồn tin: TG, 4/4/2007
Ngày cập nhật: 4/4/2007

Hiện nay, huyện Cai Lậy đã mở rộng diện tích mặt nước nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao lên 1.816 ha với sản lượng hàng năm lên đến trên 11.200 tấn.

Những năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh tại huyện Cai Lậy đã mở ra triển vọng tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo đồng thời thúc đẩy về chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh, đa con. Những loại thủy sản có giá trị cao được nông dân nuôi nhiều gồm: cá rô đồng, cá lóc, cá trê lai, cá rô phi dòng gifl, cá điêu hồng, tôm càng xanh...không chỉ giải quyết nhu cầu thị trường nội địa mà còn tạo thêm nguồn hàng hóa đáng kể phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh nuôi thủy sản, huyện Cai Lậy cũng đang thịnh hành nghề ương dưỡng, sản xuất và kinh doanh các loại cá giống với trên 300 ha mặt nước tập trung tại các xã ven quốc lộ 1 như: Tân Hội, Nhị Mỹ, thị trấn Cai Lậy...đã giúp rất nhiều nông dân đổi đời. Việc nuôi trồng thủy sản trong tương lai là định hướng quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất của địa phương nhằm nỗ lực phát huy tốt tiềm lực đất đai, lao động để xây dựng quê hương phồn thịnh.

MINH TRÍ


Ðồng hành với người nuôi tôm hùm

Nguồn tin: BThuận, 03/04/2007
Ngày cập nhật: 4/4/2007

Trước năm 1990, Xuân Thịnh là xã nghèo nhất huyện Sông Cầu (Phú Yên). Ngày ấy, muốn đến làng biển Phú Dương (Xuân Thịnh), phải lội bộ qua những động cát. Cả làng không có một chiếc xe máy. Giờ đây, Phú Dương sung túc thuộc loại dẫn đầu huyện.

Ðường bê-tông đưa chúng tôi ra sát biển, ngang qua nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, thay cho những ngôi nhà vách đất lợp lá dừa. Lão ngư Ngô Văn An sinh ra và lớn lên tại đây bảo: "Làng này có cái tên rất đẹp, Phú Dương nghĩa là vùng biển trù phú, nhưng mãi đến nay mới đúng nghĩa của nó. "Xuân Thịnh có được như hôm nay, tất cả đều nhờ con tôm hùm đấy!". Chủ tịch Hội Nông dân xã, Nguyễn Văn Phương khẳng định với chúng tôi như vậy và cho biết thêm: Toàn xã có 95% số hộ tham gia nuôi tôm hùm với 6.600 lồng, trong đó có hơn 4.300 lồng nuôi tôm thịt. Năm vừa qua đạt sản lượng 194 tấn, trị giá gần 118 tỷ đồng, tăng 31,3% so với năm trước. Trong xã có hơn 100 hộ ngư dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ nghề nuôi tôm hùm. Chủ tịch Hội Nông dân xã thừa nhận, Xuân Thịnh phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NH No - PTNT) Sông Cầu. Hiện tại dư nợ ngân hàng đối với người nuôi tôm hùm ở Xuân Thịnh lên hơn 48 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Danh ở thôn Phú Dương, một trong những người "ăn nên làm ra" từ nghề nuôi tôm hùm vừa mới mua chiếc xe ô-tô du lịch sáu chỗ ngồi trị giá hơn 480 triệu đồng, nhớ lại: "Từ khi bắt đầu nuôi tôm cách đây hơn chục năm cũng là lúc gia đình tôi có quan hệ với ngân hàng. Vụ nào tôi cũng vay thêm vốn của ngân hàng để tăng thêm số lượng lồng nuôi và đã thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm". Phú Dương được mọi người gọi bằng cái tên mới "làng tỷ phú tôm hùm", bởi trong thôn đang có nhiều hộ nắm trong tay tiền tỷ như Nguyễn Xuân Danh, còn có Nguyễn Bộn, Trần Văn Tới, Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Thị Phấn... Cũng như Phú Dương, nhiều làng biển khác ở Sông Cầu đã trở nên ấm no, sung túc nhờ nghề nuôi tôm hùm như Từ Nham, Hòa Hiệp, Vịnh Hòa (Xuân Thịnh), Phú Mỹ, Dân Phước 1, Dân Phước 2 (Xuân Phương), Hòa Lợi (Xuân Cảnh), Mỹ Thành (Xuân Thọ 1), thị trấn Sông Cầu...

Với bờ biển dài gần 80 km, trong đó có vịnh Xuân Ðài rộng 13.000 ha và đầm Cù Mông rộng 2.650 ha là nơi sinh sống của rất nhiều loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ðây là lợi thế to lớn để Sông Cầu đưa kinh tế thủy sản mà đặc biệt là nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Phong trào nuôi trồng thủy sản ở Sông Cầu xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước với nghề nuôi tôm sú. Nhưng sau đó không lâu, môi trường nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, dẫn đến nhiều vùng nuôi tôm sú của huyện ven biển này gần như bị xóa trắng. Ðây cũng là thời điểm, Sông Cầu chủ trương đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó tôm hùm là đối tượng chính.

Ðể đầu tư ban đầu cho một lồng với 50-70 con tôm hùm cùng chi phí thức ăn trong 15-18 tháng nuôi, người dân cần 30 triệu đồng. Muốn có hiệu quả, mỗi hộ phải thả nuôi được từ ba đến năm lồng, nghĩa là cần số vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Ðây là một khoản tiền không nhỏ đối với những ngư dân nghèo, lại vừa trắng tay sau những vụ nuôi tôm sú thất bát. Giám đốc Chi nhánh NH No-PTTN huyện Sông Cầu Tô Thanh Hóa giải bày: "Từ định hướng phát triển kinh tế của huyện xác định nghề nuôi tôm hùm có nhiều triển vọng, nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư vốn cho ngư dân. Nếu năm 2000, chúng tôi đã cho vay được 20,5 tỷ đồng thì nay dư nợ đã lên hơn 200 tỷ đồng, gấp chục lần. Chúng tôi đã thành lập 524 tổ tín dụng với gần 7.880 thành viên để đưa vốn đến cho bà con ngư dân. Bà con được vay đến 30 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản".

Hầu hết hộ nuôi tôm ở các làng biển đều quan hệ với ngân hàng nên khi thu hoạch tôm, tiền không sử dụng hết họ lại gửi vào ngân hàng. Ðối với những khách hàng có quan hệ lâu năm, có thể cho vay tín chấp đến 100 triệu đồng. Nhờ có sự đầu tư vốn của ngân hàng mà hiện nay, toàn huyện có gần 18.000 lồng tôm hùm, với sản lượng hơn 80 tấn/năm. Nghề này chẳng những tạo ra hàng hóa xuất khẩu trị giá khoảng 400 tỷ đồng mà còn giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, chiếm 30% lực lượng lao động của huyện.

Ðồng hành với người nuôi tôm hùm, Chi nhánh NH No-PTTN huyện Sông Cầu chẳng những tạo việc làm tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân làng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn đem lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động ngân hàng. Dư nợ cho vay của Chi nhánh NH No-PTTN Sông Cầu tăng nhanh theo cấp số nhân, song nợ quá hạn chỉ chiếm 2,06%, huy động vốn, lãi đều vượt kế hoạch hằng năm.

NGUYÊN TRƯỜNG (ND)


Sông Cầu: Người nuôi tôm sú không được vay vốn

Nguồn tin: PY, 3/4/2007
Ngày cập nhật: 4/4/2007

Hiện đang vào thời vụ thả nuôi tôm sú năm 2007, nhưng nhân dân huyện Sông Cầu mới chỉ thả nuôi được 60 ha, bằng 40% so cùng kỳ năm trước.

Việc thả nuôi tôm sú chậm ngoài lý do bà con dành nhiều thời gian xử lý kỹ ao đìa để phòng dịch bệnh, còn có lý do họ không được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho vay vốn. Nghề nuôi tôm sú ở Sông Cầu thời gian qua không đạt hiệu quả cao, nợ quá hạn của người nuôi những năm trước quá lớn, không có khả năng thanh toán, đã khiến ngân hàng không còn mặn mà đầu tư vốn.

THANH HIỀN


Sông Cầu: Nhiều cơ sở sản xuất tôm giống không có giấy phép

Nguồn tin: PY, 4/4/2007
Ngày cập nhật: 4/4/2007

Hiện phần lớn cơ sở sản xuất tôm giống ở huyện Sông Cầu không có giấy phép hoạt động. Chỉ riêng tại xã Xuân Hòa, trong số 24 cơ sở sản xuất tôm giống chỉ có 3 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thống nhất để quy hoạch khu vực sản xuất tôm giống tập trung, các địa phương chỉ mới cấp phép hoạt động cho các cơ sở có quy mô sản xuất lớn. Tình trạng trên đã khiến cơ quan chức năng không kiểm dịch được nguồn tôm giống, ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống… Trong khi đó, do lén lút hoạt động nên nhiều cơ sở sản xuất không dám mạnh dạn đầu tư để ổn định sản xuất.

NGUYỄN PHƯƠNG


ĐBSCL: Giá cá tra nguyên liệu giảm 200-500đ/kg

Nguồn tin: LĐ, 04/04/2007
Ngày cập nhật: 4/4/2007


Dầu loang tràn ngập bờ biển Bạc Liêu: ngưng bơm nước vào đầm tôm

Nguồn tin: TT, 03/04/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 2-4, ông Lâm Quyết Thắng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết nếu như đợt dầu loang vài ngày trước chỉ ảnh hưởng đến huyện Đông Hải thì hai ngày qua dầu tiếp tục tràn vào nhiều nơi khu vực biển thị xã Bạc Liêu và huyện Hòa Bình.

Dầu loang vón cục không chỉ xuất hiện ở thị trấn Gành Hào, xã Long Điền Đông, Long Điền Tây mà còn tràn ngập ở bãi biển và khu vực rừng phòng hộ của xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (Hòa Bình), phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu), kéo dài đến khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng. Nghiêm trọng hơn, dầu đã theo nước trôi sâu vào các dòng kênh (nơi tập trung đông dân cư), trong đó có kênh 7, kênh 12 (xã Vĩnh Hậu A) và kênh Chùa Phật của xã Vĩnh Hậu.

Theo ông Thắng, sáng 2-4 huyện Hòa Bình đã thu gom được khoảng 1 tấn dầu vón cục và thị xã Bạc Liêu gom được trên 1 tấn. Khó khăn nhất hiện nay là tỉnh Bạc Liêu không có lò đốt dầu sau khi thu gom theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - môi trường. Việc thu gom cũng rất khó khăn, do trời nắng nóng nên dầu tan ra trôi trên mặt nước như hắc ín và dính vào rễ cây rừng phòng hộ.

Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, hiện những hộ nuôi tôm khu vực ven biển Bạc Liêu đã ngưng bơm nước vào đầm tôm vì nguồn nước bị ô nhiễm do dầu tràn.

NGỌC DIỆN


An Giang: Giá cá tra nguyên liệu giảm từ 200 đến 500 đồng/kg

Nguồn tin: AG, 2/4/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007


An Giang: Huyện Chợ Mới điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản từ 380 ha lên gần 930 ha

Nguồn tin: AG, 2/4/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Huyện Chơ Mới tỉnh An Giang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2007 - 2010 từ 380 ha tăng lên gần 929,90 ha.

Chợ Mới là huyện cù lao, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có 18 xã thị trấn, trong đó có 13 xã thị trấn có đất bãi bồi phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản bao gồm 08 xã cập sông Tiền (Kiến An, Long Điền A, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Mĩ An, thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông) và 05 xã cập sông Hậu (Nhơn Mỹ, Long Giang, Hòa Bình, Hòa An, An Thạnh Trung). Những năm gần đây ngành nuôi thủy sản (chủ yếu là cá tra xuất khẩu) huyện Chợ Mới có bước phát triển mạnh, đặc biệt trong năm 2006 phát triển nhảy vọt, do nhu cầu xuất khẩu rất lớn, đã góp phần tăng trưởng GDP của huyện một cách đáng kể. Năm 2006 diện tích nuôi cá tra lên đến 192,3 ha, 3 tháng đầu năm 2007 diện tích nuôi cá tra tăng thêm 70,01 ha, nâng tổng diện tích nuôi cá tra hiện nay lên 265,3 ha. Ngoài diện tích nuôi cá tra thương phẩm phát triển mạnh ở đất bãi bồi, nông dân còn tận dụng đất đào ao hầm để sản xuất và nuôi cá giống như Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông, Kiến An, Long Điền A, Long Điền B, Hòa An, An Thạnh Trung. Giá trị sản xuất bình quân nuôi cá tra đạt 928 triệu đồng/ha, gấp 3 lần trồng rau màu, và gấp 25 lần trồng lúa trên cùng diện tích.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn huyện thời gian qua vừa tổ chức thực hiện vừa rút kinh nghiệm chính sách nên hiệu quả chăn nuôi từng lúc từng nơi chưa kịp thời và chưa đạt yêu cầu. Việc sử dụng tài nguyên đất và nguồn nước chưa được khai thác một cách hợp lý, trong thời gian tới huyện tổ chức lại sản xuất để phát triển nuôi trồng gắn với bão vệ môi trường.

Để đi vào quản lý và khai thác tiềm năng, lợi thế đất cồn, đất bải bồi cho nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phối hợp với phòng tài nguyên môi trường huyện tiến hành khảo sát hiện trạng nuôi trồng và tiềm năng đất đai, nguồn nước để điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2010 trên địa bàn huyện. Qua điều tra tổng diện tích đất bải bồi có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản trong toàn huyện 929,90 ha, trong đó xã cù lao Tấn Mỹ trên 230 ha, nhiều nhất huyện (đang nuôi 20 ha), xã Nhơn Mỹ 146,90 ha (đang nuôi 68 ha), xã Long Giang 98,20 ha (đang nuôi 79 ha)...

Sắp tới, từ quy họach huyện đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng tập trung, nuôi công nghiệp và đảm bảo tốt môi trường. Huyện thực hiện chủ trương giao đất có thu tiền quyền sử dụng đất cho chủ doanh nghiệp và chủ đất tự thỏa thuận sang nhượng theo luật đất đai quy định, để chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nuôi trồng thủy sản hướng lâu dài và phát triển bền vững, triển khai mô hình chăn nuôi mang tính khép kín: con giống, thức ăn, nuôi thương phẩm và chế biến sản phẩm.../.

Tố Quyên


20 tỉ đồng kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn và cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề

Nguồn tin: PY, 2/4/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

UBND tỉnh vừa quyết định phân bổ 20 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề năm 2007. Đây là số vốn đầu tư được lấy từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.

Theo quyết định, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố bố trí vốn cho các chương trình và phân bổ chi tiết đến từng dự án cụ thể. Trên cơ sở khả năng huy động của nhân dân và các nguồn khác, các địa phương bố trí vốn theo nguyên tắc tập trung dứt điểm, tránh dàn trải và báo cáo cho các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. UBND tỉnh cũng giao các sở: Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Công nghiệp hướng dẫn các địa phương về kỹ thuật, lập dự toán… và kịp thời trình UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nếu có.

Cũng theo quyết định trên, những công trình đang thực hiện dở dang thì tiếp tục thực hiện theo mức hỗ trợ cũ; các công trình triển khai từ năm 2007 được thực hiện theo mức hỗ trợ mới.


Bến Tre: Gió chướng cứu nghêu nuôi

Nguồn tin: SGGP, 02/04/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Chiều 1-4, Phó Chủ nhiệm HTX nghêu Rạng Đông, (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) Kiều Văn Vị cho biết: Nhờ gió chướng thổi mạnh kết hợp với nước lớn trong 2 ngày qua đã đẩy gần hết dầu vón cục và váng dầu loang trên bãi nghêu đi nơi khác nên hầu như không phát hiện nghêu chết thêm. HTX đang huy động 400 người tập trung thu hoạch hết số nghêu thịt đến lứa còn lại để bán (9.000 đồng/kg), nhằm giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên lượng nghêu còn lại rất ít, chưa tới 1.000 tấn.

Trước đó, từ ngày 27 đến 30-3, HTX nghêu Rạng Đông có 650 ha trong tổng số 900 ha nghêu nuôi bị chết hàng loạt vì váng dầu loang và dầu vón cục tràn vào, thiệt hại hơn 2.500 tấn.


Khánh Hoà: Thả hơn 40 vạn con tôm giống và hải sản quý hiếm ra biển.

Nguồn tin: LĐ, 02/04/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá Việt Nam (1.4), Sở Thuỷ sản Khánh Hoà đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hải dương học, Viện Nghiên cứu thuỷ sản III và Trường ĐH Nha Trang tổ chức thả ra đầm Nha Phu 40 vạn con tôm giống, 2.000 con hải sâm, 1.600 con cá ngựa, 1.000 con cá chẽm, 1.000 con cá khoang cổ đỏ và 300 con tu hài.


TPHCM: Tăng cường giám sát vùng nước nuôi tôm và nuôi nghêu

Nguồn tin: LĐ, 02/04/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Trước tình trạng dầu loang gây ô nhiễm ở nhiều vùng biển, Sở NNPTNT TPHCM đã đề nghị UBND huyện Cần Giờ và Chi cục Quản lý chất lượng & Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tăng cường giám sát vùng nước nuôi nghêu và nuôi tôm, khuyến cáo nông dân lấy nước vào ao nuôi ở thời điểm thích hợp.

Để tránh thiệt hại có thể xảy ra, cần hướng dẫn nông dân nên thu hoạch hết các bãi nghêu đã đạt chất lượng thương phẩm.

TR.P


Đà Nẵng ra quân khai thác hải sản vụ Nam; Bạc Liêu: tất bật bơm nước vào ao...

Nguồn tin: SGGP, 02/04/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Sáng 1-4, Sở Thủy sản nông lâm Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức lễ ra quân khai thác hải sản vụ Nam- 2007 cho đội tàu quận Sơn Trà gồm 1.583 chiếc.

Trong khi đó, người nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu đang tất bật bơm nước vào ao và tăng cường vận hành hệ thống quạt nước để tạo ôxy nhằm cứu những đàn tôm sú trong những ngày nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, những hộ sử dụng điện để vận hành quạt nước đang “kêu trời” vì một số nơi thường xuyên bị cúp điện, nên nhiều người phải trang bị thêm máy phát điện hoặc máy nổ kéo quạt làm cho chi phí đầu tư tăng cao.


Thả hàng triệu tôm giống ra biển

Nguồn tin: SGGP, 02/04/2007
Ngày cập nhật: 3/4/2007

Nhân 48 năm ngày truyền thống nghề cá Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2007), ngành thủy sản Bình Định đã phát động phong trào cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tổ chức quyên góp ủng hộ Quỹ Nhân đạo nghề cá Việt Nam. Trong ngày đã tiến hành quyên góp và thả 60 vạn con tôm giống và 10 con tôm bố mẹ ra biển, nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Ngành thủy sản Trà Vinh cũng vừa thả khoảng 5 triệu con tôm sú giống ra biển, tăng gấp đôi so với lần thả năm ngoái. Nguồn tôm giống trên được huy động từ các trại sản xuất giống trong tỉnh và cán bộ trong ngành cung ứng. Thả tôm giống ra biển là việc làm hàng năm của ngành thủy sản Trà Vinh nhằm tạo thêm lượng giống thiên nhiên dồi dào.

NHÓM PV


Phú Yên: Thả 60 vạn tôm giống xuống biển

Nguồn tin: NLĐ, 31/3/2007
Ngày cập nhật: 2/4/2007

Nhân ngày nghề cá Việt Nam (1-4), Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Phú Yên đã thả 600.000 con tôm giống tại cửa biển vịnh Xuân Đài, thuộc huyện Sông Cầu. Số lượng tôm giống nói trên do chủ doanh nghiệp của 60 trại sản xuất tôm giống và sản xuất – kinh doanh thuỷ sản đóng góp.

Theo TTXVN, hàng năm vào dịp Ngày nghề cá Việt Nam, tỉnh Phú Yên đều thả từ 30 vạn đến 60 vạn tôm giống ra biển nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường biển .

B.T.Tr


Hoạt động tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại Khánh Hoà

Nguồn tin: VOV, 30/03/2007
Ngày cập nhật: 2/4/2007

Hướng về ngày nghề cá Việt Nam (1/4), ngày 30/3, tại cửa biển Ninh Hoà khu vực Đầm Nha Phu, Sở Thuỷ sản Khánh Hoà phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3, Viện Hải dương học và trường Đại học Nha Trang đã tiến hành thả giống hải sản tái tạo nguồn lợi biển

Năm nay số lượng cũng như chủng loại giống thả nhiều hơn và đa dạng hơn so với các năm trước. Tổng số giống thả năm nay có 450 ngàn con bao gồm tôm sú giống, cá ngựa, hải sâm, tu hài, cá chẽm, đặc biệt có cả cá khoang khoanh cổ đỏ, một loại cá rất quý hiếm và đang nằm trong đề tài nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang.

Việc kiểm tra chất lượng hải sản thả được công khai có sự chứng kiến của ngư dân địa phương và đại diện các cơ quan ban ngành liên quan. Công tác bảo vệ trên địa bàn khu vực thả giống đã được thanh tra Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tổ chức tuần tra quản lý, thông báo đảm bảo trước và sau khi thả giống 10 ngày để ngư dân không sử dụng các loại ngư cụ khai thác hải sản quanh khu vực thả. Tuy nhiên để hoạt động này tiếp tục đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia của nhiều tầng lớp trong cộng đồng trước hết là các doanh nghiệp chế biến kinh doanh xuất khẩu thuỷ sản, ngư dân ven biển và những người đang nuôi trồng thuỷ sản, qua đó mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn trong hoạt động khai thác, thu mua, kinh doanh hải sản, góp phần bảo vệ tốt môi trường và nguồn lợi biển./.

Dư Khá


Giá cá tra cao kỷ lục: Mừng hay lo?

Nguồn tin: CT, 2/4/2007
Ngày cập nhật: 2/4/2007


Kiên Giang- Bạc Liêu: Nhiều người nuôi tôm gặp khó vì thiếu điện, thiếu nước mặn

Nguồn tin: CT, 2/4/2007
Ngày cập nhật: 2/4/2007

Hiện nay, nhiều người nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu đang phải tất bật bơm nước vào ao và tăng cường vận hành hệ thống quạt nước để tạo ôxy nhằm cứu những đàn tôm sú trong những ngày nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, nhiều hộ sử dụng điện để vận hành quạt nước đang gặp khó khăn vì thường xuyên bị cúp điện. Ông Nguyễn Văn Sang, một người nuôi tôm ở xã Phước Long, huyện Phước Long, cho biết: Tuần qua, khu vực này đã bị cúp điện hai lần nên nhiều người phải mua thêm máy phát điện hoặc máy nổ kéo quạt, làm tăng thêm chi phí nuôi tôm.

Ông Trần Xuân Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, thì cho biết: Việc đóng cống ngăn mặn trong thời gian gần đây để giữ nước ngọt trồng lúa đã gây nhiều trở ngại cho người nuôi tôm. Hiện còn khoảng 3.000 ha trong tổng số 9.000 ha nuôi tôm của huyện Hòn Đất chưa thả con giống được do thiếu nguồn nước mặn ở phía Nam Quốc lộ 80 khu vực gần biển. Nếu thời gian thả không đảm bảo đúng tiến độ, người nuôi tôm dễ gặp rủi ro do tôm bị dịch bệnh. Tình trạng chỏi nhau giữa trồng lúa và nuôi tôm trong mùa khô hạn là chuyện diễn ra ở đây đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cách giải quyết căn cơ...

SONG NGUYỄN - ĐÀO CHÍNH


Nuôi cá tra "nóng", hệ sinh thái gặp nguy

Nguồn tin: VTV, 30/3/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

Do giá cá tra liên tục ở mức cao, những tháng gần đây, hàng loạt diện tích mặt nước các khu vực đất cồn và bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu cùng nhiều nhánh rẽ trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL đã bị đào bới, bao đê hoặc đăng quầng nuôi cá. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi khó tránh khỏi, đáng lo ngại hơn là nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái nông nghiệp đặc thù.

Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 9/2006 đến nay, huyện cù lao Chợ Lách của tỉnh Bến Tre đã có hơn 100 ha mặt nước được đầu tư nuôi cá da trơn. Khoảng 1/3 diện tích này đã thả cá, số còn lại đang tiếp tục được thi công san lấp, lên đê bao chuẩn bị thả nuôi trong vài tháng tới.

Ông Lê Phước Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, do cá tra có giá trị kinh tế nên các khu vực ven sông Chợ Lách, người dân và nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nuôi cá. Trong lúc chờ qui hoạch của tỉnh, chúng tôi chỉ đạo ngành kinh tế, nông nghiệp kiểm soát, cho nuôi với điều kiện phải đảm bảo vấn đề môi trường…

Phần lớn diện tích mặt nước nuôi cá tra hiện nay của huyện Chợ Lách đều tập trung ven sông Hàm Luông và trên các cồn. Đây là những vùng chuyên trồng cây ăn trái đặc sản nổi tiếng trong khu vực. Do cù lao Chợ Lách là vùng mới chuyển sang nuôi cá da trơn, nên ảnh hưởng đến môi trường chưa thấy rõ. Tuy vậy, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ môi trường sinh thái đã được cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: "Chủ đầu tư và doanh nghiệp nhiều nơi đổ về nuôi cá tại khu vực đất cồn, cơ bản cũng có lợi về mặt kinh tế, nhưng sự phát triển quá nóng sẽ dẫn đến hệ lụy môi trường ô nhiễm. Đến cuối tháng 3 này, ngành Thủy sản sẽ khảo sát để có qui hoạch vùng cho nuôi".

Diện tích nuôi cá ở ĐBSCL ngày càng mở rộng, không những môi trường nước sẽ ô nhiễm nặng, mà nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái nông nghiệp đặc thù cũng rất cao. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, công tác qui hoạch vùng nuôi cá da trơn là hết sức cấp bách và cần thiết.

Tiến Triển


Tôm hùm chết hàng loạt - Nguyên nhân?

Nguồn tin: VTV, 31/3/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

Từ nhiều tháng qua, hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà đã khiến cho người nuôi tôm hết sức lo lắng. Tính không bền vững từ những vùng nuôi tôm hùm đang ngày càng lộ rõ, từ việc thiếu sự hợp lý về mật độ lồng bè, thiếu những nghiên cứu dịch tễ học để tìm ra quy luật phát sinh dịch bệnh trên tôm hùm.

Chỉ tính riêng vùng biển huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vùng nuôi tôm hùm có quy mô lớn nhất nước, trên 83.000 con tôm hùm đã bị chết. Điều đáng nói, tôm hùm chết khi đã ở dạng thương phẩm, nghĩa là trong giai đoạn nuôi gần ngày xuất bán. Tình hình cũng tương tự ở vùng nuôi tôm hùm tỉnh Khánh Hoà và gần đây, đã xuất hiện ở các vùng nuôi khác của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, trong khi giá mỗi kg tôm hùm bán ra đến 700.000 đồng.

Sau thời gian nghiên cứu mẫu tôm hùm bị chết tại những điểm nóng của dịch bệnh, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã đưa ra kết luận như sau: Nguyên nhân gây ra tôm hùm chết hàng loạt là do tôm bị bệnh đục thân.

Theo ông Võ Văn Nha, Phòng nghiên cứu bệnh thuỷ sản và dự báo, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3, khi phân tích mẫu thức ăn cho tôm hùm tại những vùng nuôi xảy ra dịch bệnh, các nhà khoa học phát hiện hai nhóm ký sinh trùng gây ra hiện tượng tôm chết có mặt trong thức ăn. Như vậy, rõ ràng thức ăn cũng là tác nhân lây lan dịch bệnh. Để nuôi tôm hùm, người ta phải sử dụng thức ăn là các loại cá tạp đánh bắt được ở biển. Trong khi đó, không ai có thể kiểm soát nguồn cá này có an toàn hay không khi đưa vào làm thức ăn cho tôm hùm. Mặt khác, mật độ lồng nuôi tôm hùm hiện nay khá dày, môi trường vùng nuôi tôm cũng đang là vấn đề đáng lo ngại.

Những khuyến cáo từ các nhà khoa học đưa ra là những điều cần thực hiện ngay lúc này. Song, một vấn đề khác cũng không thể không tính đến ngay từ bây giờ, đó là việc quy hoạch lại các vùng nuôi tôm hùm tập trung. Cho đến thời điểm này, tính không bền vững từ những vùng nuôi tôm hùm đang ngày càng lộ rõ, từ việc thiếu sự hợp lý về mật độ lồng bè, thiếu những nghiên cứu dịch tễ học để tìm ra quy luật phát sinh dịch bệnh trên tôm hùm. Con đường phát triển của nghề nuôi tôm hùm, đối tượng thủy sản rất có giá trị, gắn chặt với cuộc sống nhiều gia đình vùng biển Nam Trung Bộ vẫn mang tính rủi ro cao.

Tấn Quýnh


Những người "săn" tôm giống ở Nghệ An

Nguồn tin: Fistenet, 28/3/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

Thường sau Rằm tháng chạp, những chủ trại tôm giống ở Quỳnh Lưu khăn gói lên đường vào các tỉnh phía Nam săn mua tôm giống. Hàng năm để sản xuất ra khoảng 200 triệu tôm giống P15 cần 1 lượng tôm bố mẹ khoảng hơn 300 con. Do nguồn tôm bố mẹ hoàn toàn dựa vào khai thác trong tự nhiên, thị trường tôm giống lại trải dài từ Đà Nẵng đến Cà Mau nên việc tìm được người bán không dễ dàng.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng chủ một cơ sở sản xuất tôm giống được xếp vào một trong những "đại gia" ở Quỳnh Lưu. Hiện Sáng sở hữu 1 cơ sở sản xuất giống gồm 3 trại, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 10 triệu tôm giống P15, năm nay dự kiến sẽ xuất khoảng 15-16 triệu giống con tôm. Là người có công đưa tôm bố mẹ về quê, anh kể: năm 2001 dựng trại cũng là năm đầu tiên nếm mùi thất bại, dựng trại xong Sáng đi miền Nam bắt 5 con tôm bố mẹ, nuôi một thời gian cả 5 con lăn ra chết. Nhảy xe ra Hải Phòng bắt tiếp 8 con, do chưa có kinh nghiệm chọn giống nên về bị chết cả 8 con. Ngán ngẩm tôm nội, Sáng thử mua 3 con tôm nhập về từ Malaxia nhưng rồi cũng thất bại. Khi vốn đã cụt, một anh bạn để cho mấy con tôm đánh bắt ở biển Quỳnh Lưu. Nhìn những con tôm sầy sợt mà lòng ngao ngán. Không ngờ những con tôm sầy sợt đó đã giúp cho ông chủ của nó làm nên sự nghiệp của ngày hôm nay. Tôm đẻ tốt, lại bán được giá thu về 34 triệu đồng, đủ trang trải nợ nần, còn dư để đầu tư tiếp cho những năm sau. Từ đó Sáng đâm mê tôm bố mẹ đánh bắt ở biển quê nhà. Vài năm lại đây do đánh bắt kiểu huỷ diệt nên tôm bố mẹ ở vùng biển Nghệ An không còn, nên dân làm giống phải đổ xô vào các tỉnh phía Nam để săn lùng. Theo Sáng, ở phía Nam có 3 địa danh có tôm bố mẹ đạt chất lượng là Đà Nẵng, Nha Trang, Cà Mau. Trại của anh đã dùng tôm bố mẹ ở tất cả địa danh trên, nhưng tôm Đà Nẵng vẫn "hợp" hơn cả. Đi mua tôm giống khó khăn nhất vẫn là chọn tôm. Đây là khâu quyết định thành bại. Việc này không có sách vở nào dạy, mà phải từ kinh nghiệm của bản thân đúc kết nên. Nhìn con tôm phải biết được tình trạng sức khoẻ của tôm, nguồn gốc xuất xứ của nó. Tôm vùng nước sâu dáng vẻ săn chắc, còn tôm nước cửa sông do ăn nhiều thức ăn phù du nên tôm to khoẻ nhìn màu mỡ nhưng "lỏng thịt", đẻ kém. Tốt nhất là chọn được những con tôm sinh sống ở những vùng nước sâu, có những rạn đá, đấy là loại đầu bảng. Cũng vùng nước sâu nhưng tôm sống ở đáy bùn đẻ kém hơn. Tập tính của tôm hàng năm vào gần bờ để đẻ, càng lớn dần tôm rút ra khơi xa để sinh sống. Theo cách chọn lọc tự nhiên những con tôm sống ở độ sâu lớn, nơi vùng đá là nơi khó khăn ít con "trụ" được, những con nào "trụ" được đều có một sức khoẻ tốt, khả năng chịu đựng cao nên con sinh ra sẽ khoẻ mạnh.

Ngoài việc chọn tôm ở vùng nước sâu, người mua tôm phải phân biệt được xuất xứ của tôm ở vùng biển nào. Vì lợi nhuận nên các chủ vựa thường trộn tôm giữa các vùng với nhau. Tôm có xuất xứ từ miền Bắc đánh bắt vào lạnh nên thường đẻ kém hơn tôm phía Nam đánh bắt ở vùng biển ấm.v.v. Các chủ trên đi săn tìm tôm giống đều có một bí quyết riêng không.

Anh Vũ Công Ngọc (quê ở Quỳnh Dị), mua đất lập một trại giống ở Quỳnh Lư. Anh có thâm niên gần 15 năm trong nghề làm tôm giống lại "kết" tôm Cà Mau. Trước đây làm kỹ thuật cho một trại giống ở Vũng Tàu, vì quen với tôm Cà Mau, từ ngày về quê mở trại vẫn vào Cà Mau lấy giống. Tôi gặp Ngọc sau chuyến đi kéo dài hơn 20 ngày để săn tìm tôm giống, xuất phát từ ngày ông Công ông Táo mãi đến 13 tháng giêng mới đưa được hơn chục con tôm giống bố mẹ về nhà. Tết này Ngọc ăn tết ở Vũng Tàu, chờ tôm. Anh cho biết kinh nghiệm: Tôm sú giống phải hoàn toàn dựa vào nguồn tự nhiên nên mình phải phục. Hễ đánh bắt được chủ vựa điện có hàng là phải tức tốc lao xuống ngay, nên không giám về: đi mua tôm ở xa vất vả nhất vẫn là khâu vận chuyển: Từ Cà Mau về đến Quỳnh Lưu mất hai ngày hai đêm xe chạy ròng rã, suốt thời gian đó người phải thức cùng tôm. Một ngày thay nước một lần, nước biển phải lấy ở các trại nuôi tôm đóng can mang theo. Vất vả nhất là theo dõi hoạt động của máy sục khí. Chỉ cần máy ngừng hoạt động chừng 30 phút là hàng chục triệu bạc đi tong, nên phải thường xuyên kiểm tra. Trên đường đi phải đem theo nước đá. Nếu nhiệt độ trong thùng quá cao phải cho đá lạnh vào bịch ni lông thả vào bể làm mát nước. Nhiệt độ phải thường xuyên trì từ 20-220C. Năm nay đi dài ngày, tuy vất vả nhưng lại chọn được giống tốt, tôm đẻ khoẻ. Dự kiến đợt đầu được từ 4-5 triệu tôm giống. Bán xong đợt này, Ngọc chuẩn bị vào Nam bắt tiếp đợt 2 để phục vụ bà con thả giống muộn.

Từ năm 2000 lại nay,với sự năng động cùng với cơ chế chính sách phù hợp của tỉnh, Nghệ An đã trở thành một Trung tâm giống tôm của khu vực Bắc miền Trung. Từ chỗ phải nhập tôm giống của các tỉnh khác về, đến nay lượng giống sản xuất không những đã cung cấp cho tỉnh mà xuất cho các tỉnh bạn. Năm 2007 dự kiến sẽ sản xuất 200 triệu tôm giống P15. Riêng huyện Quỳnh Lưu đang phấn đấu đến năm 2010 sản xuất được một tỷ con giống, trở thành một trung tâm giống tôm của khu vực.

(Nghệ An, 26/3/2007)


Thủy sản Bình Thuận tháng 3 năm 2007

Nguồn tin: BThuận, 28/03/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

I. Nông lâm thuỷ sản :

Thủy sản:

Thời tiết ngư trường trong tháng 1 và 15 ngày đầu tháng 2/2007 diễn biến không thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản; gió đông bắc thổi mạnh, biển động, nguồn lợi hải sản ở tầng cá đáy xuất hiện thưa; các nghề vây rút chì, lưới trích hoạt động gặp khó khăn, hiệu quả thấp; song từ giữa tháng 2/2007 đến nay ngư trường diễn biến khá thuận lợi; ước quý 1/2007 sản lượng khai thác đạt 22.419 tấn, bằng 100,3% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được duy trì thường xuyên; trong 2 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý 51 vụ việc vi phạm, trong đó có 31 trường hợp khai thác hải sản non (kích thước nhỏ hơn quy định).

Nuôi trồng thuỷ sản: Trong quý các cơ sở nuôi tôm thịt đã tiến hành vệ sinh ao hồ và triển khai nuôi vụ 1/2007; nuôi tôm hùm phát triển nhanh, tập trung nuôi lồng ở xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong), ước sản lượng thu hoạch tôm thịt quý 1/2007 đạt 186 tấn (tương đương cùng kỳ năm trước). Sản xuất tôm giống hoạt động ổn định, trong quý xuất hiện nhiều tôm giống bố mẹ được đánh bắt từ nguồn tự nhiên trong tỉnh, chất lượng tốt, bổ sung nguồn tôm giống bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh; sản lượng tôm giống kiểm dịch và xuất bán trong quý ước đạt 700 triệu post. Các vùng nuôi thủy sản nước ngọt tiếp tục phát triển, ước sản lượng thu hoạch trong quý 1/2007 đạt 80 tấn (cá diêu hồng, cá tra, cá rô phi) tập trung chủ yếu ở vùng Hàm Tân, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, song giá tiêu thụ vẫn đứng ở mức thấp (9.000 – 9.500 đồng/kg).


Thả tôm sú tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nguồn tin: PY, 31/3/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Nghề cá Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2007), sáng 30/3, ngành Thủy sản Phú Yên đã tổ chức thả 60 vạn con tôm sú post15 ở cửa vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu). Đây là số lượng tôm post thả tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển lớn nhất từ trước đến nay, do hơn 60 cơ sở kinh doanh thủy sản, trại sản xuất giống trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp kinh phí để mua giống (trị giá hơn 10 triệu đồng). Theo ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục BVNL thủy sản Phú Yên, do người dân khai thác quá mức, nên nguồn tôm sú giống bố mẹ tự nhiên ở vịnh Xuân Đài ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, Chi cục đang triển khai các biện pháp để quản lý, khoanh nuôi nhằm tái tạo dần nguồn lợi thủy sản ở đây.

LƯU PHONG


ĐBSCL: Chưa đánh giá hết mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do loang dầu

Nguồn tin: TN, 31/3/2007
Ngày cập nhật: 1/4/2007

* Trà Vinh: Theo ông Trần Văn Liền, Trưởng phòng Kỹ thuật Sở Thủy sản tỉnh, dầu tràn xuất hiện cách đây nửa tháng, kéo dài vài chục cây số ở các bãi nuôi nghêu, tôm ở các xã Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh, Đông Hải (Duyên Hải). Cho đến nay sở vẫn chưa ghi nhận có trường hợp nào nghêu thịt, tôm sú bị chết do dầu tràn.

* Bến Tre: Ông Nguyễn Văn Tu, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết: Toàn huyện có 2.000 ha nuôi nghêu và 500 ha nuôi sò, nhưng vài ngày gần đây đã có khoảng 2.500 tấn nghêu bị chết rải rác trên diện tích khoảng 300 ha tại xã Thới Thuận (nhiều nhất là ở Hợp tác xã Rạng Đông), chưa rõ nguyên nhân. Cũng theo ông Tu thì hằng năm, vào mùa nắng nóng thường xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt, nhưng năm nay hiện tượng này trùng hợp với thời điểm vết dầu loang xuất hiện trên bờ biển Bình Đại. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tìm nguyên nhân, nhưng chưa có kết quả.

* Tiền Giang: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết những ngày gần đây lượng dầu tràn đã giảm. Lượng dầu còn rải rác gần 15 km bờ biển huyện Gò Công Đông là của đợt tràn dầu mấy tuần trước. Huyện và tỉnh đã huy động 2 đợt thanh niên tình nguyện đi thu gom, xử lý lượng dầu tấp vào trên 7 km từ ấp Cây Bàng, xã Tân Thành đến khu vực Đền Đỏ (giáp sông Cửa Tiểu).

* Bạc Liêu: Dầu tràn xuất hiện rải rác ở các xã thuộc thị xã Bạc Liêu và huyện Đông Hải. Ông Khưu Lễ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: trước mắt, dầu tràn chưa ảnh hưởng đến sản xuất ở những vùng này. Tỉnh đã tổ chức lực lượng thu gom dầu, dùng lưới ngăn không cho dầu trôi vào đường thủy nông nội đồng, đóng ngay các cống ven quốc lộ 1A để hạn chế dầu tràn vào có thể làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân.

* Cà Mau: Ông Châu Công Bằng, Chánh thanh tra Sở Thủy sản tỉnh cho biết: từ đầu tháng 3, dầu tràn đã xuất hiện tại một số bãi biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Tuy nhiên, hiện dầu tràn chưa ảnh hưởng đến các diện tích tôm nuôi.

H.Phương - T.Dũng - T.Trình - T.Phong - Mai Vọng


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang