• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

BR-VT: Dự án chuyển giao công nghệ SX giống cua biển Scylla sp. thành công vượt kế hoạch

Nguồn tin: BRVT, 23/3/2007
Ngày cập nhật: 31/3/2007

Ngày 21/3, tại TX. Bà Rịa, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội nghị tổng kết Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống cua biển Scylla sp.

Hội nghị đã nghe kỹ sư Nguyễn Diễu, cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả thực hiện Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống cua biển Scylla sp. Theo đó, tuy dự án được triển khai vào thời điểm có nhiệt độ lạnh nhất trong năm, ảnh hưởng đến việc sinh sản, nuôi vỗ và cho đẻ của cua bố mẹ, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và phát triển của ấu trùng cua; không phải mùa vụ sinh sản của cua nên cua đẻ rất khó. Nhưng các kỹ sư thực hiện dự án đã cho cua đẻ 2 đợt, thu được 86.000 con cua giống (cỡ 0,3-0,5cm), vượt 6.000 con so với chỉ tiêu dự án đề ra. Tỷ lệ sống của ấu trùng cua từ Z1 đến cua giống là 8,97%, đạt yêu cầu dự án đề ra.


Quảng Bình: Hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa, làm muối... kém hiệu quả sang NTTS

Nguồn tin: Quảng Bình, 28/3/2007
Ngày cập nhật: 31/3/2007

Vừa qua UBND tỉnh có quyết định mức hỗ trợ khuyến khích người dân chuyển đổi nghề, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản được hưởng một số ưu đãi như sau:

+ Chuyển đổi nghề khai thác kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản được hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.

+ Chuyển đổi đất các vùng trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản nước ngọt hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.

+ Chuyển đổi đất trồng lúa, đất làm muối và đất sản xuất khác sang nuôi thuỷ sản mặn, lợ được hỗ trợ 6 triệu đồng/ha.

+ Nuôi cá - lúa kết hợp có đầu tư đào mương, đắp đê bao được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha...


Ảnh hưởng từ nạn dầu vón cục, dầu loang trên biển: Bến Tre: Tan tác “mỏ” nghêu; Cà Mau: Đời sống, sản xuất của nhiều ngư dân bị ảnh hưởng

Nguồn tin: CT, 30/3/2007
Ngày cập nhật: 31/3/2007


Bến tre: Hơn 200 ha nghêu nuôi tiếp tục chết

Nguồn tin: NLĐ, 29/3/2007
Ngày cập nhật: 30/3/2007

Sáng 29-3, ông Kiều Văn Vị, Phó Chủ nhiệm HTX xã nghêu Rạng Đông, (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: Diện tích nghêu nuôi bị chết của HTX đến chiều ngày 29-3 đã lên tới 600 ha trong tổng số 900 ha, vì ảnh hưởng váng dầu loang và dầu vón cục những ngày qua.

Nghêu thịt đến lứa thu hoạch và nghêu giống chết trắng, với mật độ 100-150 con/m2, thiệt hại hơn 2.300 tấn, tương đương trên 20 tỷ đồng. Đến chiều ngày 29-3, hiện tượng váng dầu loang và dầu vón cục vẫn xuất hiện nhiều và chưa có chiều hướng giảm trên vùng ven biển Bình Đại.

Để giảm bớt thiệt hại, HTX đang tiến hành đấu giá chuẩn bị thu hoạch tập trung bán hết nghêu tới lứa. Giá nghêu thương phẩm tại Bến Tre rớt nhanh chóng từ 13.000 đồng/kg hồi tuần trước nay còn 8.000-9.000 đồng/kg.

Sáng 29-3, đoàn khảo sát của Sở TN-MT, Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre, đã đến huyện Bình Đại khảo sát thực tế, lấy mẫu về kiểm tra để nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục.

Đ.Khánh


Bến Tre: Nghêu bị chết hàng loạt

Nguồn tin: SGGP, 30/3/2007
Ngày cập nhật: 30/3/2007

Ông Nguyễn Quốc Dũng-Chủ nhiệm HTX thủy sản Rạng Đông (thuộc xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) cho biết, xã viên HTX đã phát hiện dầu bám thành mảng to cỡ ngón tay đến bàn tay tấp dọc theo sân nghêu của HTX, với chiều dài khoảng 5km. Ngay sau đó, Ban chủ nhiệm HTX tiến hành kiểm tra thì phát hiện nghêu giống và nghêu thịt bị chết hàng loạt nằm dưới lớp đất cát. Mỗi mét vuông có trên 40 con nghêu bị chết, ước thiệt hại 100 tấn, thành tiền hơn 1 tỉ đồng. HTX khẩn trương có văn bản gởi Sở Thủy sản để tìm biện pháp khắc phục.

Tại HTX thủy sản Đồng Tâm (thuộc xã Thừa Đức, huyện Bình Đại) những ngày qua đã phát hiện nghêu bị chết rải rác. Nhưng theo ông Trần Văn Kiểng-Chủ nhiệm HTX khẳng định chưa phát hiện dầu xuất hiện trên diện tích sân nghêu của HTX. Hiện tượng nghêu chết do ảnh hưởng độ mặn quá cao, đạt 38 phần ngàn.

THÀNH NGUYỄN - TRẦN Quốc


Hồ Trị An: cá chết hàng loạt

Nguồn tin: TT, 30/03/2007
Ngày cập nhật: 30/3/2007

Sáng 29-3, tình trạng cá điêu hồng nổi lờ đờ và chết hàng loạt vẫn tiếp diễn trên lòng hồ Trị An, khu vực ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Nhiều hộ nuôi cá ở khu vực cho biết tình trạng cá nuôi bè chết hàng loạt diễn ra từ mấy ngày qua. Nặng nhất là vào tối 24-3 và sáng 25-3, số lượng cá chết lên đến trên cả trăm tấn. Theo nhiều hộ dân, nguyên nhân cá chết có thể do nước thải độc hại thải ra từ cống xả của Công ty sản xuất men Mauri và Nhà máy đường La Ngà.

Ông Hoàng Văn Thống, phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai, cho biết: thanh tra sở đã xuống hiện trường và lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm. Ngoài ra thanh tra cũng đã kiểm tra hiện trường xả thải của Nhà máy đường La Ngà và Công ty sản xuất men Mauri. Theo ông Thống, sau một tuần mới có thể kết luận về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

THU THẢO


Thừa Thiên - Huế: 15 vạn tôm giống chết vì dịch đốm trắng

Nguồn tin: NLĐ, 28/3/2007
Ngày cập nhật: 29/3/2007

Tin từ xã Vinh Hà, huyện Phú Vang cho biết, từ ngày 22 đến 23-3, dịch đốm trắng đã xảy ra trên diện tích 2,4 ha hồ nuôi làm chết 15 vạn con tôm giống vừa thả nuôi được gần 1 tháng.

Sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương và người dân dập dịch và tiêu hủy số tôm bị bệnh, hạn chế lây lan sang các hồ nuôi khác. Được biết, xã Vinh Hà có diện tích 350 ha nuôi tôm, hiện người dân đã thả nuôi được 300 ha. Dịch bệnh đốm trắng xuất hiện sớm làm người nuôi tôm hoang mang.

UBND xã Hương Phú, huyện Nam Đông cũng cho biết, hiện tại hồ thủy lợi Katư của xã có 25 lồng cá trắm của bà con được thả nuôi từ tháng 6-2006. Mỗi lồng có từ 120-200 con. Từ tháng 2-2007 đến nay, cá nuôi ở khu vực này đã bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Tr.Phương


Phú Tân (An Giang): Quy hoạch vùng nuôi cá sạch 210 ha

Nguồn tin: AG, 29/3/2007
Ngày cập nhật: 29/3/2007

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Hoà Lạc cho biết, dự án quy hoạch vùng nuôi cá tra sạch 100 ha ao nuôi đã được xác định từ đường kênh K16 xuống đến giáp ranh xã Phú Bình.

Ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư 5 tỉ đồng để xây dựng hệ thống đê bao, kênh cấp thoát nước, đường giao thông nội bộ, ao xử lý nước thải. Phương thức hợp tác làm ăn là nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư vốn, con giống, thức ăn chăn nuôi.

Cùng nằm trên tuyến sông Hậu, Sở Thuỷ sản An Giang và xã Phú Bình (Phú Tân) đang xúc tiến triển khai dự án nuôi cá tra đất bãi bồi thuộc 3 ấp Bình Thành, Bình Tây I và Bình Phú II rộng 110 ha.


Tràn dầu ở Bến Tre: Hơn 400 ha nghêu nuôi chết hàng loạt; Trà Vinh: phát hiện dầu thô xuất hiện rãi rác

Nguồn tin: SGGP, 29/03/2007
Ngày cập nhật: 29/3/2007

Chiều 28-3, ông Kiều Văn Vị, Phó Chủ nhiệm HTX nghêu Rạng Đông, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết: Sự cố dầu tràn (dầu vón cục và váng dầu) vào khu vực biển Bình Đại đã làm cho nghêu nuôi của HTX chết hàng loạt. Sơ bộ từ sáng sớm đến 17 giờ ngày 28-3, có hơn 1.000 tấn nghêu thịt đến lứa thu hoạch và nghêu giống bị chết. Diện tích bãi nghêu bị ảnh hưởng hơn 300 ha, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Tại vùng biển Ba Tri cũng có hơn 100 ha nghêu nuôi bị chết hàng loạt vì dầu tràn. Giá nghêu thương phẩm đến chiều 28-3 chỉ còn 8.000-9.000 đồng/kg, giảm 4.000-5.000 đồng/kg so với 4 ngày trước.

* Theo Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh, trong 2 ngày 26 và 27-3, qua khảo sát khu vực bãi biển từ xã Hiệp Thành đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, lực lượng chuyên môn đã phát hiện dầu thô xuất hiện rãi rác với mức độ không nhiều.

* Chiều 28-3, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu đã thông tin nhanh cho PV Báo SGGP, sau gần một ngày tìm kiếm trên biển, tàu của Trung tâm Cứu nạn hàng hải Khu vực 3 phối hợp với Cảng vụ Vũng Tàu vẫn chưa xác định được địa điểm các vết dầu tràn mới ngoài khơi Côn Đảo. Lãnh đạo tỉnh BR-VT đã huy động các lực lượng triển khai tàu, tiếp tục ra biển khảo sát các khu vực có nguy cơ bị dầu tràn để tổ chức khoanh vùng, xử lý ngay ngoài khơi.

B.Đ. - Đ.S. - M.D. - NG.V.


Vụ cá sấu sổng chuồng ở Long An: Mối nguy hiểm không thể coi thường

Nguồn tin: Lao Động, 29/03/2007
Ngày cập nhật: 29/3/2007

Dù đã bắt lại được 2 con cá sấu sổng chuồng ở phường 3, thị xã (TX) Tân An, tỉnh Long An từ sau Tết, nhưng từ chuyện này đã đặt ra những vấn đề rất nghiêm túc với các cơ quan quản lý nhà nước và những người nuôi cá sấu...

Tại trang trại chăn nuôi - cũng là nơi ở của gia đình, đường 112, khu phố Bình Đông 3, phường 3, TX Tân An - chủ trang trại Nguyễn Ngọc Trung kể về việc sơ ý để sổng 2 con cá sấu.

Bầy cá sấu 99 con của anh đến nay được một tuổi rưỡi, nặng trung bình 10kg/con. Sau Tết, thấy cá sấu đã lớn, theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, anh Trung cho lắp lưới B40 lên trên tường với chiều cao tổng cộng cả tường và lưới là 1,8 mét. Do sơ ý, anh dựng cuộn lưới B40 trong chuồng cá sấu. Đêm đến, cá sấu bò làm đổ cuộn lưới vào tường. Vậy là vô tình, một "chiếc cầu" bằng lưới B40 được bắc lên tường. Hai con cá sấu đã trèo lên "chiếc cầu" ấy, thoát ra ngoài.

Hôm sau, gia đình hàng xóm của anh Trung nghe tiếng "khè, khè" ngoài vườn và phát hiện con cá sấu. Họ bắt cả 2 cho vô bao, thông báo cho trưởng khu phố để trả cho người mất (vì xung quanh có nhiều hộ nuôi cá sấu).

Tại TX Tân An hiện có phong trào nuôi cá sấu khá mạnh. Riêng ở phường 3 đã có hàng chục hộ nuôi với số lượng lên đến cả ngàn con. Vì cá sấu thuộc loại động vật hoang dã, lại rất nguy hiểm, nên ngành kiểm lâm tỉnh Long An quản lý khá chặt. Cá sấu mới sinh, cá sấu tạo đàn, cá sấu xuất chuồng đi bán thịt, cá sấu chết... đều được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết chuồng cá sấu trên địa bàn TX Tân An hiện nay đều chưa đạt chuẩn theo đúng quy định.

Nguy cơ cá sấu sổng chuồng vẫn còn đó. Có thể cá sấu nuôi không đến mức hung hãn gây nguy hiểm cho người, nhưng mọi chuyện sẽ không đơn giản nếu cá sấu sổng chuồng biến mất dưới sông Vàm Cỏ Tây. Môi trường hoang dã sẽ làm mất dần bản tính thuần của cá sấu nuôi. Ngành quản lý và các hộ chăn nuôi cá sấu cần ý thức đầy đủ nguy cơ, một ngày nào đó người dân không dám ra bờ các con sông, rạch ở TX Tân An vì... sợ cá sấu.

Nguyễn Phấn Đấu


Dầu loang lan rộng, thiệt hại khó lường!

Nguồn tin: TT, 29/03/2007
Ngày cập nhật: 29/3/2007

Trong những ngày qua, váng dầu tiếp tục lan rộng đến vùng biển một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau... Dù chưa có kết luận chính thức nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy ô nhiễm dầu đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho người dân sống ven biển.

Bến Tre: 1.000 tấn nghêu chết do nhiễm dầu?

Sáng sớm 28-3, các xã viên HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã phát hiện nghêu thịt, nghêu giống chết hàng loạt trên diện tích khoảng 20ha với số lượng lên đến khoảng 1.000 tấn. Cùng lúc, xã viên HTX Rạng Đông phát hiện trên sân nghêu rộng 900ha có rất nhiều vết dầu loang trên mặt nước, và bánh dầu vón cục đen như hắc ín rải rác khắp nơi.

Theo ban chủ nhiệm HTX Rạng Đông, sau khi có thông tin nghêu chết do dầu loang, giá nghêu thịt từ 12.000-13.000 đồng/kg rớt xuống còn 9.000 đồng. Với giá này ước tính thiệt hại của 20ha nghêu cũng lên đến hơn 9 tỉ đồng.

Trong khi đó ở xã An Thủy (huyện Ba Tri), ông Huỳnh Văn Nguyên - cán bộ xã - cũng cho biết ở các cù lao, bãi bồi cách bờ biển từ 9-10km dầu xuất hiện trên khoảng 100ha sân nghêu thuộc Cồn Tộ, Cồn Dĩa.

... nay đã xuất hiện ở ĐBSCL làm chết tôm, cá, nghêu...

Tuy nhiên, chiều 28-3 khi chúng tôi liên hệ với Phòng môi trường thuộc Sở Tài nguyên - môi trường Bến Tre thì ông Võ Văn Ngoan, chuyên viên phụ trách môi trường, cho biết chưa nhận được thông tin dầu loang, nghêu chết trên sân nghêu Thới Thuận (huyện Bình Đại) và An Thủy (huyện Ba Tri).

Còn tại Sở Thủy sản Bến Tre, ông Nguyễn Minh Cảnh - trưởng phòng kỹ thuật - xác nhận đã nhận được thông tin dầu tràn, nghêu chết. Ông Cảnh nói thời điểm này vẫn chưa thể xác định được nghêu chết do dầu tràn hay do thời tiết, bởi hằng năm vào mùa này nghêu thường chết nhiều.

“Ngày 22-3, khi xảy ra hiện tượng nghêu chết nhưng trên bãi biển chưa có dầu, chúng tôi đã phối hợp với các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 tiến hành khảo sát lấy mẫu nước, bùn, mẫu nghêu chết để phân tích tìm nguyên nhân nhưng đến nay chưa có kết quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy mẫu dầu loang gửi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích xem đây có phải là nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt ở HTX Rạng Đông hay không” - ông Cảnh cho biết.

Tôm nuôi cũng bị ảnh hưởng

Tại Bạc Liêu, mấy ngày qua gió chướng thổi mạnh làm nhiều dầu loang ngoài khơi tràn vào bờ biển của huyện Đông Hải. Ông Tám Nông, một ngư dân đánh bắt gần bờ ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), cho biết: “Khoảng một tuần trước mỗi khi kéo lưới tôi gom được gần 1kg dầu kết dính lại thành cục giống như nhựa đường. Mẻ cá nào cũng dính đầy dầu, rửa nhiều lần vẫn không ra nên bán chẳng ai mua”.

Không riêng ở Gành Hào, hai xã Long Điền Đông, Long Điền Tây của huyện Đông Hải và một phần cửa biển Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu) cũng xuất hiện dầu loang vón cục bằng ngón chân cái làm những hộ nuôi tôm lo sốt vó. Chiều 28-3, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Kha ở ấp Bình Điền (xã Long Điền Đông) than thở: “Bốn ngày trước tôi bơm nước vào ao tốn vài triệu đồng tiền dầu nhưng không sử dụng được, vì khi xem kỹ lại thấy nước nổi màng dầu. Không có nước thả tôm nên hợp đồng bắt tôm sú giống cũng bị vỡ, mất 10 triệu đồng tiền đặt cọc”.

Ông Huỳnh Việt Khái, phó Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đông Hải, nói: “Vài ngày trước trong nước có dầu loang nhưng đến sáng 28-3 không nhìn thấy. Tuy nhiên, ở các gốc cây trong tuyến rừng phòng hộ toàn huyện đều có dầu vón cục. Mặc dù huyện đã huy động toàn bộ lực lượng đoàn viên, thanh niên của thị trấn Gành Hào, xã Long Điền Đông và Long Điền Tây tham gia gom dầu nhưng hai ngày qua chỉ thu được gần 20kg, vì dầu nằm trong các gốc cây nên rất khó nhặt”.

Hiện nay các huyện thị ven biển Bạc Liêu cũng đã lấy nước biển mang đi phân tích mức độ ô nhiễm, đồng thời thông báo cho các hộ nuôi tôm ngưng bơm nước vào ao để bảo vệ các đầm tôm vừa thả giống trong đợt nuôi tôm chính vụ”.

Tại Cà Mau, từ 14-3 đã xuất hiện tình trạng dầu vón cục tại một số cửa biển. Sáng 28-3, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau tiếp tục nhận được thông tin cửa biển Gành Hào (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) và cửa biển Hố Gùi (Đầm Dơi) có dầu vón cục trôi trên biển. Hôm qua, ngư dân ở các cửa biển Đất Mũi và Rạch Gốc cũng cho biết cách đất liền 6-7 hải lý dầu vón cục vẫn còn trôi, dù không nhiều như mấy ngày trước.

Đến chiều tối qua, hai cơ quan là Sở Tài nguyên - môi trường và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau đều chưa nhận được thông tin về ảnh hưởng của dầu loang đối với sản xuất và đời sống người dân.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, dầu loang đã và đang gây ra những bất ổn không nhỏ. Anh Nguyễn Văn Sơn, ngư dân đóng đáy cạn ở ấp Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi, cho biết: “Dầu bám vào tôm cá rất khó làm sạch. Thương lái thu mua chê vì hôi dầu”. Ông Huỳnh Văn Dự, người từng nhiều năm kinh doanh tôm biển tại Đất Mũi, nói: “Chúng tôi phải tốn nhiều chi phí làm sạch tôm, nếu không các nhà máy sẽ trả về. Làm tôm khô cũng bị hôi dầu, bán mất giá”.

Ông Nguyễn Bửu San, phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết: “Dầu loang đã có từ nhiều năm qua. Mỗi lần có hiện tượng này chúng tôi thấy tôm nuôi của người dân ven biển bị chết dần từ ngoài mé biển vô. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có điều kiện để xác lập cơ sở kết luận”.

H. ANH - N.DIỆN - NHƯ Ý

Phát hiện vết dầu loang có diện tích 172km2(?)

Ngày 28-3, trung tướng Nguyễn Đức Soát - phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - đã ký văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Theo đó, khoảng 14g ngày 27-3, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nhận được thông tin từ Viện Vật lý và điện tử (Viện Khoa học - công nghệ VN) kết quả phân tích ảnh viễn thám (chụp lúc 10g ngày 26-3) đã phát hiện vết dầu loang trên biển có tâm cách huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 240km về hướng đông đông nam. Diện tích của vết dầu loang này khoảng 172km2(?).

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Tập đoàn Dầu khí VN kiểm tra lại các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu... thuộc khu vực nói trên. Đồng thời sử dụng tàu đang hoạt động phục vụ dầu khí để lấy mẫu dầu tràn, đưa đi phân tích, kiểm chứng, tìm nguồn gốc gây tràn dầu.

Trước đó, ngày 27-3, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết từ 24 đến 27-3 hệ thống thông tin hàng hải, các cơ quan chức năng liên tục nhận được thông tin từ các tàu đánh cá đang hoạt động ở vùng biển phía nam phát hiện những vết dầu trôi trên biển. Theo hướng gió và dòng chảy, các vệt dầu này có khả năng vào đất liền.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu với các nước trong khu vực, trước mắt với Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản.

Q.THANH


ĐBSCL: giá cá tra giảm

Nguồn tin: TT, 29/03/2007
Ngày cập nhật: 29/3/2007

Hơn tuần nay giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL bắt đầu giảm dần, hiện các doanh nghiệp (DN) mua tận nơi đối với loại thịt trắng T1 khoảng 16.500 đồng/kg, loại T2 từ 16.000 - 16.200 đồng/kg.

Giá cá giảm do nhiều doanh nghiệp giảm thu mua và có một lượng lớn cá đã vào lứa thu hoạch. Tuy giảm nhưng mức giá này vẫn còn cao so với trước nên vẫn đảm bảo người nuôi có lãi từ 2.000 đồng/kg.

Giá cá giống cũng liên tục giảm giá trong vòng 10 ngày qua. Hiện giá cá giống được thương lái cung cấp tận ao đối với loại 1,2 phân xấp xỉ 400 đồng/con, 1,5 phân 550 đồng/con, 2 phân 1.200 đồng/con, 2,5phân 1.900 đồng/con (giảm 35-50% so với tháng trước).

Đ.VỊNH


Người nuôi cá tra có thể lãi đến 1,8 tỉ đồng/ha

Nguồn tin: TN, 28/03/2007
Ngày cập nhật: 28/3/2007

Ngày 27.3, ông Nguyễn Văn Vọng, người chuyên ươm cá giống hàng chục năm nay tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Với một hec-ta mặt nước có độ sâu từ 3 đến 5m và mật độ thả nuôi 300 ngàn con giống, trung bình từ 4-5 tháng, người nuôi cá tra có thể thu hoạch được sản lượng từ 250-350 tấn cá thịt.

Với giá cá tra thịt hiện khoảng 17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi đến 6.000 đ/kg, tương đương khoảng 1,8 tỉ đồng/ha. Do nuôi cá tra trúng đậm nên từ cuối năm ngoái đến nay nhiều người đổ xô săn lùng mua đất nuôi cá nên giá đất cũng tăng theo nhưng rất khó mua. Tại vùng Cai Lậy, Cái Bè, hiện giá đất bãi bồi ven sông (đã có sẵn ao) được cho thuê khoảng 80 triệu đồng/ha/năm.

Hoàng Phương


Cá tra giống “nóng” như chứng khoán!

Nguồn tin: TT, 28/03/2007
Ngày cập nhật: 28/3/2007

Chuyện con cá tra giống ở đồng bằng sông Cửu Long đang “nóng” chẳng khác gì chứng khoán. Các cơ sở cá tra giống đang mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu 10 tỉ con cá giống trong năm 2007.

Một vốn bốn lời

“Làm giống luôn có lời” - anh Bình, một công chức của TP Cần Thơ, nói chắc nịch. Mặc dù nhà ở trung tâm TP nhưng anh vẫn tìm mua đất để đào ao. Bốn ao cá bột đã được thả nuôi khoảng 2 triệu con. Anh đã rút được bài học: muốn trúng thì phải đánh nhanh khi đang sốt giống. Anh Bình tính: thả khoảng 1 triệu con bột, nếu như tỉ lệ cá giống đạt hiệu quả 30% thì coi như lúc xuất ao lời khoảng bốn lần so với số vốn.

Còn tại cồn Khương (Cần Thơ), một cù lao đang được qui hoạch làm khu vui chơi giải trí, khu dân cư cao cấp nhưng anh Ly Sắc cũng tận dụng 1.500m2 mặt nước sắp bị giải tỏa để làm giống cá tra. Vốn là một nông dân “nửa mùa” nên mọi thứ anh đều phải học tập kinh nghiệm từ bạn bè, các thầy ở trường đại học, kể cả lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi. Cách đây vài tháng, anh đã xuất được một đợt cá phân (loại cá giống trên 1 phân), lời vài trăm triệu đồng.

Trên đường từ Cần Thơ đi An Giang, dọc tuyến quốc lộ 91, đoạn Ô Môn và Thốt Nốt các cơ sở, trại cá giống mọc lên dày đặc. Đặc biệt trong khu vực Nông trường Sông Hậu không biết cơ man nào mà kể, người dân vào đây thuê đất làm trại giống rất nhiều. Ở nhiều nơi, chúng tôi thấy người dân bàn chuyện cá tra giống rôm rả như ở TP.HCM người ta bàn chuyện chứng khoán lên xuống hằng ngày.

Anh Nguyễn Đức Lợi - chủ cơ sở cá giống Danh Lợi ở quận Ô Môn - lắc đầu cho biết làm giống cá đã hơn mười năm nay nhưng chưa có thời điểm nào người ta đổ xô lập trại cá giống nhiều như lúc này. “Tất cả đều phải lấy giống cá bột từ Đồng Tháp về ương cho lớn rồi bán cá phân lại cho người nuôi. Lúc nào trong ao cũng có khoảng 5 triệu con giống sẵn sàng cung cấp cho dân, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu” - anh Lợi nói. Với những người nuôi nhỏ lẻ thì phải đặt mua con giống chở từ Đồng Tháp hoặc Châu Đốc (An Giang), còn người nuôi có qui mô lớn thì mua cá bột về ương, khi cá lớn mới thả nuôi đồng loạt.

Chính vì trại cá giống mọc lên quá nhiều mà chất lượng không được đảm bảo do chẳng biết nguồn gốc cá giống các trại lấy từ đâu. Anh Trần Văn Dũng, một chủ trại giống ở Thốt Nốt, cho biết: “Nếu cá giống tốt, trong quá trình nuôi thiệt hại khoảng 30-40%; còn nếu gặp giống “trời ơi”, tỉ lệ chết lên đến 60%, thậm chí nhiều hơn khiến lợi nhuận không đạt hoặc thất bại”.

Đua nhau làm giống

Anh Phan Văn Thành, cán bộ Chi cục Thủy sản Cần Thơ, cho biết hiện khó có thể kiểm soát được những cơ sở giống trong dân theo dạng kinh tế hộ gia đình. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành khảo sát, đôn đốc người dân đăng ký nhằm quản lý về giống được tốt hơn, sạch bệnh hơn.

Hiện chất lượng con giống đang bị thả nổi. Người nuôi than phiền chất lượng giống không tốt, chết nhiều. Nguyên nhân: do kỹ thuật của người ương ép cá và nguồn giống cá bố mẹ bị cận huyết dẫn đến cá bị thoái hóa. Trung tâm Khuyến ngư quốc gia đang phối hợp với các địa phương lên kế hoạch cung cấp giống cá bố mẹ chất lượng để nâng chất lượng cá tra giống.

Ở ĐBSCL, cơ sở cho cá tra đẻ không nhiều, chỉ tập trung tại một vài khu vực đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự và Nha Mân. Trong đó Hồng Ngự được xem là cái nôi của nghề ương ép cá tra ở khu vực này. Từ năm 2000 trở về trước, các cơ sở cá giống phải vớt cá tự nhiên từ biển Hồ (Campuchia) đổ về, ương cho lớn rồi mới xuất bán cho người nuôi. Sau đó, nhờ làm chủ được “công nghệ” cho cá tra sinh sản nên cù lao Long Phú Thuận, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) mới chuyển mình. Từ đó, thợ kỹ thuật cho cá sinh sản cũng trở nên đắt giá. Nhiều cơ sở cá giống ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang đã xuống tận Tân Châu, Hồng Ngự “lôi kéo” dân kỹ thuật về cùng làm ăn.

Anh Trần Thanh Phong, vốn là dân kỹ thuật chính của một lò sản xuất cá tại Hồng Ngự, đã theo anh Đông - một công chức ở Thốt Nốt - hùn hạp làm ăn. Người bỏ công, người bỏ vốn, tính từ khi thành lập cơ sở cuối năm 2006 đến nay mỗi tháng cơ sở xuất được bảy lần giống, mỗi lần 10-30 triệu con cá bột. Anh Đông - chủ cơ sở Đông Phong - nói: “Chúng tôi đầu tư toàn bộ cơ sở khoảng 800 triệu đồng, trong đó nặng nhất là cá bố mẹ, chuẩn bị 30 tấn cá tốn tương đương 600 triệu đồng”.

Thế nhưng, sự phát triển “nóng” của các cơ sở nuôi cá đã đẩy cuộc chạy đua bán hàng lên cao trào. Với các “lò” sản xuất thì nếu trên phân nửa số trại giống lấy cá bột về nuôi không hiệu quả thì lô bột xuất ra đó coi như không đạt, phải bồi thường. Còn các trại bán cá giống cho dân, nếu tỉ lệ chết cao cũng phải tính mức đền bù thiệt hại. Mặc dù giá cá tra giống không còn cao như thời điểm cách nay một vài tháng do các ao hầm đầy cá và mùa cá sinh sản đã bắt đầu, nhưng các cơ sở cá giống vẫn mọc lên ào ạt. Nông dân làm cá giống, công chức cũng tranh thủ đi làm cá giống. Bởi một lý do đơn giản là đầu tư ít nhưng lợi nhiều, nhu cầu sắp tới còn tăng lên khi vụ cá thương phẩm sắp tới ngày thu hoạch.

PHƯƠNG NGUYÊN


Sóc Trăng: xuất hiện dầu gần bờ biển, những hộ nuôi tôm sú lo lắng

Nguồn tin: TT, 27/03/2007
Ngày cập nhật: 27/3/2007

Chiều 26-3, ông Nguyễn Văn Khởi - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã phát hiện dầu tràn vón thành cục vướng vào lưới đáy hàng khơi của ngư dân cách bờ biển tỉnh Sóc Trăng khoảng 10km.

Theo ông Khởi, trong một vài ngày tới dầu tràn có thể sẽ trôi dạt vào đất liền. Ngành chức năng của tỉnh đã lấy mẫu nước biển mang đi phân tích mức độ ô nhiễm để kịp thời thông báo cho ngư dân.

Những hộ nuôi tôm sú ở khu vực ven biển thuộc hai huyện Vĩnh Châu và Long Phú (Sóc Trăng) đang lo lắng về vụ dầu tràn này, vì hiện nay đang thời điểm lấy nước vào ao để chuẩn bị thả tôm chính vụ. Ngay trong chiều 26-3, nhiều hộ đã khẩn trương bơm nước vào các ao lắng và nhanh chóng khóa miệng cống nhằm đề phòng nguồn nước ô nhiễm.

NGỌC DIỆN


"Vương quốc tôm hùm" trong cơn đại họa

Nguồn tin: TN, 26/03/2007
Ngày cập nhật: 27/3/2007

Đầu tháng 3, Sở Thủy sản Phú Yên đã công bố nguyên nhân gây dịch bệnh làm chết gần 90.000 con tôm hùm ở huyện Sông Cầu và khẩn cấp đưa ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến thời điểm này dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lan rộng, con số thiệt hại đã lên đến hơn 30 tỉ đồng.

Cách đây gần 10 năm, lúc con tôm sú bắt đầu "đỏng đảnh" thì con tôm hùm trở thành cứu cánh của người nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên. Nhiều hộ đã bỏ hồ chuyển sang làm lồng nuôi tôm hùm. Chẳng bao lâu sau, nghề này phát triển mạnh khắp các vùng ven biển của huyện Sông Cầu và được mệnh danh là "vương quốc tôm hùm" lớn nhất duyên hải miền Trung.

Thế nhưng, dịch bệnh hoành hành khiến con tôm hùm trở thành nỗi ám ảnh của người nuôi. Trong những ngày này, ven vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) vẫn còn cảnh người nuôi tôm hùm đứng ngồi vây quanh nơi thả lồng nuôi tôm với tâm trạng buồn bã. Chủ nhân những lồng tôm hùm mắt đau đáu nhìn vô hồn xuống mặt nước, không biết khi kiểm tra lồng sẽ có bao nhiêu con chết, bao nhiêu con "lờ đờ"! Ông Phan Vân Đô, ở xã Xuân Thọ 1 (Sông Cầu) thở dài: "Lũ tôm đang phát triển sởn sơ bỗng nhiên bỏ ăn, lăn đùng ra chết phơi trắng bụng trong lồng. Những người nuôi tôm hùm chúng tôi sắp tàn mạt đến nơi rồi". Nhiều người quanh đó đều kêu trời trước thảm trạng tôm chết hàng loạt. Hộ may mắn lắm, ngày chết vài ba con. Hộ xui rủi, ngày chết vài chục con. Hầu hết những lồng tôm ở vùng ven vịnh Xuân Đài đều được thả nuôi gần một năm, tôm đạt trọng lượng 0,6-0,7 kg/con, chưa kịp đến tay thương lái đã bị "tử thần" cướp mất. Tôm chết, những hộ nuôi cũng muốn "chết" theo!

Theo tính toán, để đầu tư nuôi 1.000 con tôm hùm cần có số vốn gần 100 triệu đồng. Trong nhiều năm liền, hiệu quả kinh tế của nuôi tôm hùm rõ rệt, làm giàu cho nhiều người nên dù không sẵn tiền, họ vẫn mạnh dạn vay mượn để đầu tư nuôi tôm hùm. Nay chưa kịp thu hoạch thì tôm chết, họ đứng trước nguy cơ vốn mất, nợ mang. Ông Cách khắc phục duy nhất hiện nay của người nuôi tôm hùm ở Phú Yên là bán đổ, bán tháo lũ tôm còn sống dưới bè. Đây là cách gỡ gạc chút vốn liếng không ngừng bị hao hụt. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết: "Đến đầu tháng 3.2007, đã có hơn 83.000 con tôm hùm bị chết, thiệt hại hơn 30 tỉ đồng. Một con số quá sức chịu đựng của người nông dân. Nhưng điều đáng lo ngại là dịch bệnh đang có dấu hiệu tiếp tục lan rộng ở các vùng nuôi tôm hùm khác".

Đô cho biết thêm: "Với giá hiện nay 700.000 đồng/kg tôm hùm, mỗi con tôm có trọng lượng 0,6 kg chết đi, chúng tôi mất đứt 420.000 đồng. Chỉ cần mỗi ngày bị chết vài con là tiền triệu tuột khỏi tay. Vào vụ, gia đình tôi thả nuôi 1.000 con, chết dần chết mòn giờ chỉ còn khoảng 500 con. Hơn 200 triệu đã "trôi" theo sóng biển".

Sau khi kiểm định xác tôm chết, kết quả ban đầu mà Phòng nghiên cứu bệnh thủy sản và dự báo thuộc Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Khánh Hòa) đưa ra: Vi khuẩn Vibrio Fluvialis trên gan tụy tôm và ký sinh trùng vi bào tử trùng (Microsporidia) chính là "thủ phạm" gây tử vong cho tôm. Ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết thêm: "Do mật độ nuôi quá dày nên tầng đáy của nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó, từ trước đến nay người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu nuôi theo cách thả lồng sát đáy nước, tôm đã chịu ảnh hưởng trực tiếp sự ô nhiễm của nguồn nước nên phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngoài những loại thức ăn công nghiệp, người nuôi tôm ở Sông Cầu còn cho tôm ăn những loại thức ăn tươi. Nguồn thức ăn này trước khi đến với người nuôi tôm hầu hết đã bị ươn thối hoặc nhiễm khuẩn nên đã gây hại cho tôm hùm. Các loại thức ăn đóng bao dành cho tôm cũng không được thật sự an toàn. Thế nhưng để kiểm tra, ngăn chặn các loại thức ăn công nghiệp không đủ chất lượng lưu hành trên thị trường là vấn đề nan giải của ngành chức năng".

Vũ Đình Thung


Tập huấn kỹ thuật nuôi ốc hương thương phẩm

Nguồn tin: NT, 26/03/2007
Ngày cập nhật: 27/3/2007

Trong hai ngày 21 và 22-03, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nuôi ốc hương thương phẩm”; “Kỹ thuật ương nuôi nâng cấp tôm hùm giống” cho 50 hộ nông dân ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải).

Theo đó, nông dân được hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản như chọn giống, phương pháp ương nuôi, cách chọn thức ăn phù hợp cho từng thời gian ương nuôi tôm hùm giống cũng như phương pháp phòng trừ các bệnh dịch trên tôm, ốc hương…

Hiện tại, xã Thanh Hải có 31 hộ nuôi ốc hương thương phẩm với số lượng 50 lồng, bình quân mỗi lồng thả 3 vạn con giống. Sau 4 tháng nuôi, với năng suất 1,5tạ/lồng, giá ổn định 110.000 đ/kg, trừ các khoản chi phí, nông dân thu lãi từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/vụ. Riêng ương nuôi tôm hùm giống có 13 hộ, đang thả nuôi 300 lồng, bình quân mỗi lồng 150 con giống, sau 1,5 tháng đến 2 tháng tuổi, nông dân bán tôm hùm giống từ 200.000 - 250.000 đồng/con, thu lãi trên dưới 20 triệu đồng/lồng. Được biết, với lợi thế có sẵn nguồn giống ốc hương cũng như tôm hùm khai thác tại địa phương, xã Thanh Hải rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế theo mô hình này trong tương lai.

N.T,Báo Ninh Thuận


Đồng Tháp: Nông dân hiến đất đào kênh nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa

Nguồn tin: Lao Động, 26/03/2007
Ngày cập nhật: 27/3/2007

Kết thúc vụ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa năm 2006, bằng biện pháp xen canh một vụ lúa, một vụ tôm, nông dân huyện Tam Nông đã thu hoạch được trên 230 ngàn tấn tôm càng xanh bình quân mỗi hécta, nông dân thu nhập không dưới 80 triệu đồng.

Hiện tại vùng nuôi tôm trong huyện được quy hoạch lên tới 1.000 ha. UBND huyện đã đầu tư 12 tỉ đồng để làm hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho vùng nuôi. Đặc biệt, có 67 hộ dân nằm trong vùng dự án đã tự nguyện hiến 135ha đất ruộng để thi công công trình.

Trung Hiếu


Khánh Hòa: Trồng thành công cây rong nho biển

Nguồn tin: SGGP, 26/03/2007
Ngày cập nhật: 27/3/2007

Sau 3 năm triển khai trồng thử nghiệm cây rong nho biển đầu tiên trong phòng thí nghiệm với giống từ Nhật Bản, Viện Hải dương học Nha Trang đã trồng thử nghiệm thành công cây rong này trong môi trường biển tự nhiên ở xã Cam Thành Nam thuộc thị xã Cam Ranh.

Rong nho biển rất thích hợp ở tầng đáy cát có pha bùn trong các vùng đầm,vịnh kín gió và chỉ sau 2 – 3 tháng là có thể thu hoạch. Cây giống trồng cho vụ mùa sau dùng nhành rong phát triển trong đợt thu hoạch trước sau đó lấy nẹp tre làm kẹp găm xuống cát. Rong nho biển ngoài việc cải tạo lại môi trường biển thu hút các loài thủy sản, còn là đặc sản có ích cho sức khỏe như giải nhiệt, khử độc cho cơ thể.

L.T.V.C.


Đỏ đen với cá tra

Nguồn tin: SGTT, 22/3/2007
Ngày cập nhật: 26/3/2007

Chỉ đầm nước khô gần tận đáy, anh Nguyễn Bá Thắng nói: “Hầm này vừa “lên” cách nay 20 ngày, tổng thu là 4,4 tỉ, lãi ròng là 1,2 tỉ”

Không riêng An Giang, đi dọc theo hai dòng sông Tiền và sông Hậu dài xuống hạ nguồn tận tỉnh Sóc Trăng, hiện có không biết bao nhiêu là tỉ phú cá tra. Ông Phan Văn Danh, chủ tịch Hiệp hội nghề cá tỉnh An Giang cho biết, những năm trước An Giang chiếm đến 80% sản lượng cá da trơn xuất khẩu của khu vực, nhưng tỷ lệ này hiện còn không tới 30%, dù năm 2006 xuất khẩu từ cá tra đã đem về cho An Giang hơn 200 triệu USD. Chưa từng có năm nào con cá tra “lên ngôi” như 2006 và mấy tháng đầu năm 2007 này. Hiện giá cá tra thịt 17.000 đồng/kg. Cái ao lãi ròng 1,2 tỉ của anh Thắng khi bán giá chỉ mới 15.000 đồng/kg.

Những tỉ phú mạo hiểm

Nhưng làm tỉ phú cũng không dễ, phải là người dám phiêu lưu và nợ nần. Khu vực hầm nuôi của nhà anh Thắng ở cồn Bà Hoà (xã Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang) chỉ rộng 4ha, đã phải đầu tư hơn 8 tỉ đồng. Và, năm 2003 khi mới “vào nghề”, vụ đầu tiên anh Thắng phải chịu mất trắng 900 triệu vì cá chết. Năm đó anh nuôi một nửa dưới bè và một nửa trên ao. Phần bị chết là dưới bè, nó chết mà không sao cứu được, vì không có cách gì làm sạch được nguồn nước sông, trong khi cũng từ nguồn nước sông ấy đưa lên ao nuôi thì lại xử lý được.

Với kỹ thuật xử lý nước đầm nuôi cộng với việc dễ dàng kiểm nghiệm bệnh phẩm của cá và vô vàn thuốc trị cùng với thức ăn công nghiệp tiêu chuẩn, bây giờ con cá tra có thể nuôi được quanh năm, không còn mùa nào là chính vụ. Mặc dù mới vừa thắng lớn, nhưng cái đầm nuôi rộng đến 1,5ha của nhà anh Thắng vẫn còn để phơi nắng. Anh chần chừ chưa dám thả nuôi tiếp vì con cá giống 2,5 phân hiện giá đã lên đến gần 3.000đ. Nếu cộng hết tổng phí chi cho nuôi 1kg cá thịt là 11.000đ, do thức ăn, thuốc trị, hoá chất xử lý nước cũng đồng loạt lên giá, thì giá thành sẽ là 15.000đ. Hiện thời thì giá cá thịt là 17.000đ, nhưng có trời mới biết 4 đến 5 tháng sau khi con cá đủ chuẩn bình quân 1kg để xuất ao thì giá là bao nhiêu. Nếu nó dưới 15.000đ là cầm chắc lỗ.

Con cá tra lên bờ

"Cho đến giờ con cá tra xuất đi nước ngoài vẫn theo kiểu trôi nổi"

Khởi thuỷ mặt hàng cá da trơn phi lê của ĐBSCL được thị trường ngoài nước chấp nhận là con cá ba sa. Nhưng từ khi người ta phát hiện ra phẩm chất con cá tra cũng không hề thua kém và người ngoại quốc cũng dễ dàng chấp nhận như nhau thì con ba sa bị loại hẳn khỏi cuộc đua. Nhược điểm của con ba sa là nhiều mỡ nên thành phẩm sau chế biến thấp hơn con cá tra 7/10. Cái dấu tích còn lại của câu chuyện này là cái tên mập mờ “cá tra-ba sa”.

Ngày xưa con cá tra nuôi hầm chỉ để ăn chơi vì thịt nó vàng, mùi không thơm, nên không được chấp nhận. Nhưng khi người ta đưa con cá tra xuống bè sông sâu nước chảy thì thịt nó lại trắng và thơm. Nhưng mấy năm gần đây con cá tra ồ ạt trở lên bờ. Người ta đã tìm ra được cách để làm cho con cá trong ao thịt cũng trắng và thơm. Đó là cách bơm luân chuyển ít nhất 1/3 nước hồ trong ngày. Cùng với việc đưa nước lên hồ còn có thể xử lý bằng hoá học và sinh học nên nó sạch hơn hẳn nước dưới sông, nên mức độ rủi ro thấp.

Trở lại một chút với nguồn gốc nghề nuôi cá bè. Nghề này bắt nguồn từ lưu dân người Việt lên sinh sống bằng nghề hạ bạc trên vùng Biển Hồ của Campuchia. Do không có đất làm ao nuôi nên những lưu dân này đã “sáng tác” ra cách nuôi bè. Và từ đó nó xuôi dòng Mekong về Việt Nam thành những làng bè, tập trung ở Châu Đốc của An Giang và Hồng Ngự của Đồng Tháp từ trước năm 1975. Từ khi con cá ba sa rồi con cá tra xuất khẩu được thì làng bè nở rộ kéo dài xuống các tỉnh hạ lưu. Nhưng hiện tại nghề nuôi bè đang chết và chết một cách nhanh chóng. Thông tin từ bản tin của Hiệp hội Thuỷ sản An Giang thì hiện nay tỉnh này chỉ còn khoảng 1.500 bè. Năm 2005 con số này là hơn 3.000.

Nuôi cá tra hầm hiện nay lợi thế hơn nuôi bè là có thể trị bệnh cho cá bằng cả cho thuốc vào thức ăn và xử lý nước. Việc cá bè bị chết hàng loạt mà nguyên do nghi ngờ là do ô nhiễm nước xảy ra đã vài năm nay. Con cá tra hầm còn rút ngắn vụ nuôi hơn con cá bè từ 1 đến 2 tháng, do nó rộng rãi diện tích bơi lội. Và cũng do được bơi lội rộng rãi hơn con cá bè chật hẹp mà phần mỡ của nó cũng ít hơn, chế biến thành phẩm cao hơn nên cũng được giá hơn. Hiện tại giá cá tra hầm là 17.000đ/kg nhưng cá bè thì 15.000đ/kg.

Dĩ nhiên nuôi hầm thì vốn lớn hơn nuôi bè. Bốn hécta đất của anh Thắng 3 năm trước giá 20 triệu/công (1.000 m2). Nhưng 3ha vừa mở rộng của anh giá đất lên đến 100 triệu/công. Phí tổn làm “hạ tầng” cho hầm nuôi cũng cao hơn làm bè. Nhưng được cái, nếu lỡ có “thua” thì đất vẫn còn là đất. Trong khi cái bè thì rệu rã. Mà giá thành mỗi bè từ vài trăm triệu cho đến cả tỉ bạc.

Tìm ở đâu sự bền vững

Không biết trên đầu nguồn Mekong người ta có làm gì dơ nguồn nước thì không rõ. Nhưng trên lưu vực Việt Nam thì rõ ràng con sông này đang hứng lấy mọi thứ nhiễm bẩn mà các đô thị ven sông thải ra. Thêm toàn bộ dư lượng hoá chất dùng cho nông nghiệp của khu vực này cũng chỉ có con đường là chảy ra đây. Mỗi năm mùa lũ có rửa trôi được đôi tháng, nhưng mùa khô thì nó bẩn hẳn. Quy ước nghề nuôi của hiệp hội có quy định về chất lượng nước thải ao nuôi. Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ vẫn được đề cập trong các văn bản của chính quyền địa phương có liên quan tới nghề nuôi cá. Nhưng trên thực tế, hầu như toàn bộ hầm nuôi trong khu vực đều không có hệ thống xử lý nước thải và việc kiểm tra cũng chỉ hình thức lớt lớt. Bởi vì, nếu làm cho đúng thì con cá không chịu nổi giá thành.

Nhưng nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn của nghề nuôi cá khu vực này là sự biến động vô lường của thị trường. 800 triệu USD là con số thu về từ việc xuất khẩu cá tra của toàn khu vực trong năm 2006. Nhưng hàng triệu nông dân thì đặt cược vào việc có tìm thấy khách hàng hay không của những doanh nghiệp chế biến. Cho đến giờ con cá tra xuất đi nước ngoài vẫn theo kiểu trôi nổi.

Chỉ mới gần đây công ty Binca Seafoods của Đức có liên kết với vài nhà bè ở An Giang để nuôi theo quy chuẩn GAP. Quy chuẩn này theo dõi chặt chẽ toàn bộ quy trình nuôi từ con giống cho đến con cá thành phẩm trên nhật ký từng ngày. Sau đó họ bao tiêu sản phẩm và thuê chế biến tại chỗ, cũng theo quy chuẩn của họ, để xuất đi. Tuy nhiên, do quy trình chưa hoàn chỉnh nên việc bao tiêu sản phẩm cũng chỉ mới hứa miệng, dù doanh nghiệp của chị Nguyễn Thị Dung đã xuất được cho họ 2 bè, chừng 60 tấn. Hiện chị Dung còn 9 bè đang tiếp tục nuôi theo chương trình này.

Thông tin mới nhất cho biết, tập đoàn Alatis Group-Iceland, một tập đoàn đa quốc gia chuyên nuôi, chế biến, xuất khẩu cá hồi, cá ngừ, cá tuyết… vừa thương thảo với một doanh nghiệp của An Giang một chương trình đầu tư 25 triệu USD cho một khu nuôi 100ha và một nhà máy chế biến đặt tại An Giang.

Cánh cửa dù hẹp, nhưng cũng đã hé mở.

Nguyễn Trọng Tín


Khủng bố người nuôi cá ba sa

Nguồn tin: TT, 25/03/2007
Ngày cập nhật: 26/3/2007

Nạn khủng bố bằng thuốc trừ sâu đang là nỗi kinh hoàng ám ảnh người nuôi cá tra, ba sa ĐBSCL.

Khi có xích mích, hiềm khích, tư thù hay mâu thuẫn với người nuôi cá, một số kẻ dã tâm thường thảy thuốc trừ sâu vào ao làm cá chết không còn một mống.

Và rồi bọn xấu đã lợi dụng việc khủng bố này để tống tiền. Gần đây, giá cá tra, ba sa cho mức lãi cao thì tình trạng tống tiền, xin đểu... bằng cách đe dọa thảy thuốc trừ sâu vào ao cá có chiều hướng càng phổ biến...

Khủng bố bằng... bom trừ sâu

Khoảng 5g sáng 20-1-2007, tiếng cá quẫy đùng đùng ngoài ao làm đám nhân công ở trại nuôi cá của anh Nguyễn Văn Hoàng (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) giật mình tỉnh giấc. Đoán biết điều không hay xảy ra, tất cả tỏa ra ao quan sát rồi chạy ào vào nhà anh báo tin: “Ao cá bị thảy thuốc trừ sâu!”. Nhìn cảnh tượng cá liên tục phóng vọt lên khỏi mặt nước, quẫy nhào ầm ầm khắp mặt ao, anh Hoàng rụng rời, còn vợ anh ngất lịm. Bà con, hàng xóm xúm lại dùng lưới vớt cá lên đổ từng đống trên bờ. Nước trong ao hăng hăng mùi thuốc trừ sâu, ai nấy đều bị mẩn ngứa.

Hôm sau chúng tôi đến cá vẫn còn nổi trắng ao, hàng chục người tiếp tục vớt. Gần 100 tấn cá chết sạch! Anh Hoàng mắt đỏ hoe, đi tới đi lui lẩn thẩn như người mất hồn. “Nuôi suốt năm tháng nay, đã hợp đồng bán cho công ty, hai hôm nữa là cân. Vậy mà... 1,2 tỉ đồng bỗng dưng mất trắng!” - chị Thu, vợ anh, nghẹn ngào nói trong nước mắt...

Trước đó, sáng 2-1, cá ở ao nuôi của chị Nhan Thị Ngọc Hân bên ấp Mỹ Thuận cũng bỗng nhiên chết sạch. Khi chúng tôi đến, hàng chục người đang hì hục vớt cá đổ từng đống bên đường. Mùi thuốc furadan bốc lên hôi nồng. Hàng xóm kể vào khoảng 2g30 sáng, tiếng chó sủa rộ lên cùng tiếng động cơ xe gắn máy chạy đến gần ao nuôi, chừng nửa giờ sau cá trong ao bắt đầu quẫy mạnh, nhào lên khỏi mặt nước. Đến sáng mặt ao lặng như tờ, khi bơm rút nước ra thấy cá nằm sắp lớp dưới đáy. “45.000 con cá cỡ nửa ký chết sạch. Mất đứt 260 triệu đồng cùng công sức nuôi mấy tháng trời” - chị Hân ngồi chết lặng, thở dài...

Đấy là hai ao cá bị khủng bố bằng bom... trừ sâu mà chúng tôi có dịp chứng kiến. Lâu nay, do tư thù, xích mích, mâu thuẫn một số người dã tâm vẫn thường “hành xử” đối với người nuôi cá như thế! Chỉ riêng ở xã Mỹ Phú này từng có nhiều ao bị thảy thuốc trừ sâu tương tự. Năm 2005, anh Nguyễn Văn Thuận, một giáo viên nuôi cá để cải thiện thu nhập, một sáng thức dậy thấy cá chết nổi đầy mặt ao. Hết vốn, phần thất chí anh bèn nghỉ nuôi luôn.

Ông Đinh Công Thành, một cán bộ ở huyện Phú Tân (An Giang) nay đã về hưu, kể hồi làm bí thư xã Hòa Lạc ông biết có chủ ao ở ấp Hòa Bình bị khủng bố tới hai lần đành phải bỏ nghề. Năm 2005 hai ao cá của ông Nguyễn Văn Lơ, trưởng ấp Phú Quới, xã Phú Thành, bị thảy thuốc trừ sâu cùng một lượt. “Lúc đó tôi về công tác tại đây, hay tin tôi liền huy động lực lượng công an, xã đội, dân phòng đến tiếp cứu. Vừa cho rút nước trong ao ra vừa bơm nước ngoài sông vào liên tục nhưng cũng chỉ cứu được nửa ao” - ông nói.

Tại Thốt Nốt (Cần Thơ) cũng từng xảy ra nhiều vụ “khủng bố” kiểu này. Hộ Lê Thị Bảo Ngọc - ấp Lân Thạnh 1, Trung Kiên - đầu tư nuôi cá ở cồn Tân Lộc, do mâu thuẫn trong kinh doanh, bị phía “đối nghịch” thảy thuốc trừ sâu vào ao để trả thù. Một chủ ao ở ấp Thới Hòa, Thới Thuận bị một người dân địa phương tư thù cho nguyên chai thuốc diệt cỏ vô ao cá.

Cá chết sạch, hết vốn, trong khi nợ ngân hàng, nợ bên ngoài vây tứ phía, quá phẫn chí ông này bèn tự tử! Công an huyện Thốt Nốt cho biết hai vụ này đã điều tra ra thủ phạm và khởi tố về tội hủy hoại tài sản công dân. Ngoài ra, còn nhiều vụ khác mà người dân không khai báo nên cơ quan chức năng không hay biết...

Những ngày cá tra nguyên liệu khan hiếm và tăng giá liên tục này, nghe ao nuôi của hộ Trần Thị Cẩm Loan - ấp Thới Bình B, Thới Thuận - chuẩn bị bán cá, chúng tôi ghé hỏi thăm nhưng họ cứ giấu mãi chuyện bán cá của mình. Trò chuyện hồi lâu, chị Loan thổ lộ: “Sợ biết mình sắp sửa thu hoạch cá, người ta lại... khủng bố!”.

Trước kia gia đình chị nuôi cá ở bên kênh Thắng Lợi 2. Bị người ta thảy thuốc trừ sâu tới hai lần, cá chết sạch đành phải bỏ ao không. Năm rồi vợ chồng chị về đào ao nuôi ở bên kênh Bà Chiêu này. Vậy mà kẻ tư thù kia vẫn không buông tha. Mùa nước 2006, vào một đêm chợt nghe tiếng cá quẫy đùng đùng, biết tai họa lại ập đến, vợ chồng chị huy động nhân công túa ra ao tìm đủ cách chạy chữa.

Trong đêm khuya hàng chục người cật lực vừa rút nước trong ao ra, vừa bơm nước sạch vào; tốp thì vớt cá sang ao khác, tốp cho thuốc giải độc... Lần này nhờ cảnh giác và nhờ có... kinh nghiệm qua nhiều lần bị “khủng bố” nên chỉ thiệt hại gần 20 tấn cá, mất 260 triệu đồng. “Sau lần đó mình không dám nuôi nữa. Gần đây thấy giá cá cao đành làm liều nuôi lại. Nuôi mà cứ nơm nớp lo sợ. Chỉ biết ngày đêm cầu trời khấn Phật” - chị thở dài não ruột. Ao cá của chị được bố trí nằm doi ra phía ngoài đồng, bốn bề trống trải để dễ quan sát. Hằng đêm bật đèn sáng trưng, người nhà, nhân công thay nhau canh chừng...

Ao cá là cả một tài sản lớn, trong đó gồm có tiền vay ngân hàng, vay mượn bên ngoài, và đó cũng là điều kiện mưu sinh của nhiều hộ gia đình. Một khi bị “khủng bố”, bên cạnh thiệt hại nặng nề về tài sản chủ ao còn thiệt hại về uy tín, quan hệ làm ăn. “Chẳng ai còn dám cho vay mượn vốn, đầu tư bán chịu thức ăn, thuốc men...” - nhiều nạn nhân nói. Thực tế ngày càng có nhiều ao bị “khủng bố” như thế, nên nỗi lo sợ bị thảy bom... trừ sâu luôn ám ảnh người nuôi cá.

Thế nhưng bao năm qua, ở Thốt Nốt mới đưa ra khởi tố hai trường hợp, còn tại An Giang hầu như chưa có vụ nào được điều tra xử lý tới nơi tới chốn, từ đó chưa đủ răn đe, cảnh báo đối với loại tội phạm này và khiến người dân càng thêm hoang mang. Bởi vậy, khi bị “khủng bố” thường nạn nhân tự khắc phục lấy hậu quả. Họ chẳng dám báo với cơ quan chức năng, có khi chẳng dám thổ lộ cùng ai, vì thấy nói ra chỉ càng bất lợi thêm cho mình...

Tống tiền

Và kẻ xấu đã lợi dụng điều đó để làm tiền người nuôi. Tại Thốt Nốt trước đây từng xảy ra một số vụ tống tiền bằng cách đe dọa thảy thuốc trừ sâu vào ao cá. Ông Bùi Hữu Trí, chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, kể một số khổ chủ quá hoảng sợ, sợ thù oán nên thường im lặng thực hiện theo.

Tuy nhiên cũng có vài trường hợp người dân đã tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Ông báo với công an và công an đã phối hợp với người dân bắt được thủ phạm. Năm 2004, một chủ ao ở xã Vĩnh Trinh bị kẻ tống tiền đòi đến 10 lượng vàng. Anh Nguyễn Anh Tuấn, phó văn phòng Công an huyện Thốt Nốt, nhớ lại: “Đối tượng là người địa phương, viết thư tống tiền với lời lẽ như dân xã hội đen.

Diễn biến vụ việc y như trong phim. Tên này cảnh giác ghê lắm, cũng biết thay đổi điểm hẹn giao nộp tiền, lại còn làm động tác giả thăm dò, kiểm chứng xem có bị theo dõi không. Chúng tôi nằm phục quanh điểm hẹn nhưng án binh bất động, phải chờ... đủ tang chứng vật chứng mới vây bắt”. Thủ phạm sau đó bị đưa ra xử lý, phạt tù.

Tại Châu Phú (An Giang), tháng 8-2005, gia đình chị Trần Thị Kiều Nga - ấp Mỹ Hiệp, Mỹ Đức - liên tục bị một thanh niên gọi điện thoại đến... xin 30 triệu đồng. Tay này bảo mình thua độ đá banh mà không có tiền trả nên sắp sửa bị xử theo luật giang hồ nay xin chị cho tiền để trả, nếu không cho y sẽ thảy thuốc trừ sâu vào ao cá.

Chị Nga kể: “Lúc đầu mỗi ngày nó gọi điện chừng 7-8 lần, sau đó gọi điện cả ngày lẫn đêm, có hôm đến 20 lần. Cứ ra rả hẹn điểm bảo mình đem tiền đến”. Năn nỉ xin bớt nhưng không được, chị bèn báo với Công an huyện Châu Phú. “Công an bố trí lực lượng theo dõi, vây bắt bao nhiêu người, gồm những ai nó đều biết rõ nên thay đổi điểm hẹn liên tục. Hễ công an vừa ra về thì nó lại gọi điện bảo đem tiền đến địa điểm khác.

Có hôm đứng ngay trước cửa nhà bảo đem tiền ra” - chị kể tiếp. Gần nửa tháng trời không thể lấy được tiền, tên này đe dọa: “Coi chừng mấy ao cá không còn một con”. Báo hại gia đình chị phải thuê mướn thêm nhân công, bắt đèn cao áp, giăng lưới cao tới 7m quanh khu vực nuôi và từ đó tới nay ngày đêm thường xuyên tuần tra, canh chừng.

Gần đây giá cá cho mức lãi cao thì tình trạng tống tiền này lại tái phát. Nhân viên một số công ty chế biến thủy sản hằng ngày rảo khắp các vùng nuôi ở Thốt Nốt thu mua cá tra nguyên liệu cho biết bọn xấu thường nhắm đến những chủ ao có cá sắp thu hoạch. “Ao nào đã ký hợp đồng bán chúng đều nắm rõ, sau đó gửi thư đến xin tiền”.

Sợ bị thảy thuốc trừ sâu, nhiều ao nuôi ở Thốt Nốt (Cần Thơ) thường chọn vị trí nằm trống trải ngoài đồng để dễ quan sát... từ xa Theo tìm hiểu của chúng tôi, khổ chủ quá hoảng sợ nên cũng thường chọn giải pháp... tuân thủ và... im lặng, họ không dám báo với cơ quan chức năng vì sợ trả thù, sợ gây thêm thù oán bất lợi cho nghề nuôi của mình. Dịp tết rồi, hộ T.V.M. - ấp Tràng Thọ 3, xã Trung Kiên - bị tống thư hai lần, đòi 10 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi chuyện họ thừa nhận có việc đó, nhưng không dám nói gì thêm. Mấy hộ khác cũng chẳng dám hé điều gì. Ngoài sợ trả thù, người dân sợ lộ chuyện sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư làm ăn, vay mượn vốn...

Mới đây, ngày 12-2-2007, gia đình ông Trần Phước Minh - ấp Mỹ An, Mỹ Phú, Châu Phú, An Giang - nhận được lá thư viết tay yêu cầu ông cống nộp 5 triệu đồng nếu không muốn chuẩn bị lưới để kéo cá chết lên ăn tết. Bàng hoàng chưa biết tính sao thì sáng 15-2 lại nhận thêm lá thư thứ hai nhắc nhở nội dung tương tự, hẹn 20g tối đó đem 5 triệu đồng treo ở cổng Trường THCS Vĩnh Thạnh Trung 2 sẽ có người tới lấy.

Ông Minh báo công an, rồi viết thư hẹn 20g hôm sau 16-2 (29 tết) đem tiền đến. Đêm ấy, trong lúc mọi người chuẩn bị đón giao thừa ông đem 5 triệu đồng treo ở cổng trường. 20g20 có một em nhỏ chừng 10 tuổi đến thăm dò, lát sau một thanh niên chừng 20 tuổi đi tới mở bọc lấy xấp tiền nhét vô túi. Người nhà ông tỏa ra bắt. Thanh niên này - tên Lê Minh Chánh, sinh 1986, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú - bị giải về công an huyện, trước cơ quan điều tra y thú nhận mọi hành vi của mình. Điều bất ngờ là Chánh đã học hết lớp 12, vốn là thợ chụp ảnh, nhân thân đều tốt, có uy tín ở địa phương!

Trong khi công an đang điều tra vụ ông Minh thì ngày 19-2, hộ Cao Thanh Hương nuôi cá ở gần ông Minh cũng nhận được lá thư tống tiền quấn quanh vỏ chai thuốc trừ sâu đòi 5 triệu đồng. Ông Hương báo công an huyện, một mặt cho người thân, nhân công rảo tuần khu vực nuôi cả ngày lẫn đêm. Biết bị động, kẻ tống tiền không dám đến điểm hẹn.

Cả công ty cũng bị tống tiền. Cuối năm 2006, Công ty TNHH Hiệp Thanh đầu tư nuôi cá ở ấp An Ninh, Định An, Lấp Vò (Đồng Tháp) nhận được lá thư đòi 10 triệu đồng, bằng không sẽ cho biết mùi... bom trừ sâu. Công ty báo công an, một mặt cho người đem tiền đến điểm hẹn. Công an địa phương lập kế hoạch vây bắt, thế nhưng khi lấy xong 10 triệu đồng tên này liền nhảy xuống sông trốn mất tăm.

Một số công ty đầu tư nuôi cá ở Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), Cao Lãnh, Lấp Vò (Đồng Tháp), Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết thỉnh thoảng họ vẫn nhận được thư tống tiền nhưng “phổ biến hiện nay là tình trạng xin đểu... Kẻ xin đểu đến công ty để xin trực tiếp, mỗi lần chỉ vài trăm ngàn, nhưng... nhiều lần”, và muốn yên thân chẳng công ty nào dám từ chối.

ĐỨC VỊNH


An Giang: làng bè suy sụp

Nguồn tin: TT, 26/03/2007
Ngày cập nhật: 26/3/2007

Mười năm trước mọi người nhìn các ông chủ bè cá với ánh mắt kính nể vì nắm trong tay bạc tỉ. Còn bây giờ các tỉ phú ngày xưa đang mang nợ... như chúa chổm.

Từ 4.200 bè cá nay làng bè An Giang chỉ còn khoảng 2.200 bè, trong đó số bè thực nuôi cá chưa đầy 50%.

Tỉ phú hết... tiền

Ấp Phước Thọ, xã Đa Phước (An Phú, An Giang) từng được mệnh danh là “làng tỉ phú” bởi cả huyện An Phú có khoảng 1.000 bè cá thì riêng ấp này chiếm hơn 300 bè, nhưng hiện nay chỉ còn chưa đầy 200 bè, trong đó chỉ có khoảng 80 bè còn nuôi cá. Số còn lại lớp bị “xẻ thịt” bán gỗ, lớp bỏ phế, lớp bị ngân hàng xiết nợ. Trưởng ấp Nguyễn Phước Hải kéo chúng tôi ra tấm bảng thông tin trước trụ sở, chỉ cho xem hàng loạt thông báo hòa giải, thông báo đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân Châu Phú, cười chua chát: “Toàn là án giữa mấy ông chủ bè cá và ngân hàng. Làng bè hết thời rồi”.

Trên sông Hậu, mấy trăm chiếc bè còn lại của An Phú, Châu Đốc vẫn dập dềnh trên sóng nước nhưng không còn khung cảnh náo nhiệt ngày xưa. Thỉnh thoảng mới thấy một, hai bè tỏa khói trên lò nấu thức ăn cho cá. Ông Huỳnh Văn Sến (Sáu Sến) - một trong hàng trăm “đại gia tỉ phú cá bè” một thời lừng lẫy trên sông Hậu với hơn 30 năm trong nghề bè nay cũng trắng tay.

Ông Sáu Sến kể: “Năm 1993 bắt đầu làm ăn lớn, bỏ ra hơn 600 triệu đồng đóng hai chiếc bè loại 100 tấn. Đến năm 2002 đầu tư 1,4 tỉ đồng đóng thêm hai chiếc bè loại 150 tấn”. Cũng trong năm này, ông liên tục thua lỗ vì giá cá tra bè rớt thê thảm, ông đánh liều chơi canh bạc chót: gom góp vốn liếng hơn 200 triệu đồng xây một đăng quầng ven bờ để gỡ gạc. Nhưng hai năm liền (2003-2004) thả 400.000 con cá tra giống vào nuôi trong đăng quầng cũng... lỗ trắng tay. Nợ ngập đầu, ông Sáu Sến phải kêu bán bè đóng năm 1993 với giá 30 triệu đồng/chiếc, bè đóng hồi 2002 giá 90 triệu đồng/chiếc và mang nhà máy nước đá thế chấp ngân hàng mới đủ tiền trả nợ nuôi cá rồi ngậm ngùi nhìn đăng quầng bỏ hoang vì hết vốn đầu tư.

Ở ngã ba sông Hậu, sông Châu Đốc có một địa điểm mà không một chủ bè nào muốn nhìn tới đó là bãi xẻ thịt bè cá bán phế liệu. Chủ bãi xẻ thịt bè cá, bà Tám Điểm, cho biết năm 2005 nuôi cá lỗ lã nặng nề nên mấy anh em bà mang hơn 40 chiếc bè đến đây xẻ thịt bán phế liệu. Lâu ngày các chủ bè khác hay tin bèn đem bè đến bán, bà Tám mua hết với giá chỉ 10-15% giá trị chiếc bè. “Ở đây ai muốn mua thứ gì của nhà bè cũng có: gỗ sao, cà chất, vách ván, sạp, đố ngang, đố dọc, mái tôn, chảo đun nấu thức ăn cho cá, máy xay thức ăn... giá cực kỳ rẻ”, bà Tám chỉ đống cây gỗ ngổn ngang trên bãi, khoe.

Ở làng bè Châu Đốc hiện nay có nhiều nhà bè bỏ hoang, chiếc tốc mái, chiếc thì nghiêng, chìm... Nhiều bè cá là nhà ở của gia đình chủ bè, khi ngân hàng xiết nợ thì gia đình chủ bè phải bồng bế đi nơi khác kiếm sống. Những cái tên tỉ phú cá bè nổi đình nổi đám ngày xưa như Lê Văn Liết, Bo, Thọ, Chín Đậm, Út Lít, Ba Thành... dần phai nhạt trong ký ức mọi người.

Hết thời

Theo ông Phan Văn Danh - chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, trước đây ngoài hiệu quả kinh tế, An Giang còn xem làng bè là một nét văn hóa đặc sắc của tỉnh, nay nghề nuôi cá bè suy sụp, tìm ra giải pháp cứu làng bè là chuyện cấp bách nhưng... khó quá.

Còn theo ông Ngô Công Hoạch, cán bộ văn phòng UBND xã Đa Phước, vô phương cứu vãn vì nghề nuôi cá tra hầm phát triển quá nhanh. Đầu tư 1,5 tỉ đồng chỉ nuôi được 100 tấn cá tra bè, trong khi cùng số vốn này có thể nuôi được vài trăm tấn cá tra hầm. Hơn nữa cá tra hầm ít bị bệnh chết hàng loạt như cá tra bè, tỉ lệ philê cá hầm cao hơn.

“Các ngân hàng sẵn sàng cho các chủ bè vay vốn tái sản xuất nhưng với điều kiện phải trả hết nợ tồn đọng và phải có phương án khả thi để bảo đảm hoàn vốn”, ông Trần Văn Ánh, trưởng phòng tổng hợp chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang, cho biết. Tuy nhiên các chủ bè nói điều kiện do ngân hàng đưa ra còn khó hơn... lên trời bởi nghề nuôi cá bè đang trong tình cảnh vô phương cứu vãn.

Làng bè hơn trăm năm tuổi của An Giang đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” bởi hiện nay là thời hoàng kim của nghề nuôi cá tra hầm, nhiều người nhận định như vậy.

HÙNG ANH


Giá cá tra giống ở An Giang giảm mạnh

Nguồn tin: SGTT, 23/3/2007
Ngày cập nhật: 25/3/2007

Tại An Giang, giá cá tra giống các kích cỡ hiện đang giảm từ 50 - 900 đồng/con, mặc dù nhu cầu cá giống, cá nguyên liệu đang tăng mạnh.

Cá tra bột ương nuôi hiện có giá bán từ 2 - 4 đồng/con, giảm 4 - 5 đồng/con; cá tra hương 20 - 25 ngày tuổi có giá 130 - 350 đồng/con, giảm 50 đồng/con. Đặc biệt, cá tra giống cỡ 1 phân chỉ còn 320 - 350 đồng/con, giảm 200 đồng/con; cỡ 1, 2 phân còn 480 - 500 đồng/con, giảm 300 đồng/con; giảm mạnh nhất là cá cỡ 3 phân, giá 2.900 đồng - 3.000 đồng/con, giảm 900 đồng/con.

Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang thu mua cá tra nguyên liệu thịt trắng lọai I ở mức 17.500 đồng/kg, cá ao thịt vàng 16.300 đồng/kg, cá tra bè 16.000 đồng/kg.

Mặc dù nguồn cung cá giống tại An Giang hiện thấp hơn cầu nhưng giá con giống vẫn giảm mạnh do chất lượng cá giống không ổn định, trong khi người nuôi cá nguyên liệu lại đang chuyển dần theo phương thức nuôi cá sạch, chất lượng cao nên chọn giống rất kỹ. Giá cá còn tùy thuộc vào chất lượng cá bố mẹ, uy tín của cơ sở nuôi.

Theo TTXVN


Điều chỉnh thời gian đánh bắt tôm hùm con tại bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ

Nguồn tin: Ninh Thuận, 23/03/2007
Ngày cập nhật: 24/3/2007

Nhằm phục vụ cho các hoạt động du lịch tại khu vực bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo. Bắt đầu từ năm 2007 việc đánh bắt tôm hùm con tại khu vực bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ chỉ cho phép thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm; từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau mọi hoạt động đánh bắt tôm hùm con tại địa điểm trên đều phải chấm dứt.

Thanh Sơn, Báo Ninh Thuận


Xây dựng mô hình thí điểm nuôi tôm sạch

Nguồn tin: BĐ, 23/3/2007
Ngày cập nhật: 24/3/2007

Vụ nuôi tôm 2007 này, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh xây dựng mô hình thí điểm áp dụng qui trình công nghệ nuôi tôm sạch (gọi tắt là GAP) trên diện tích khoảng 80 ha tại các vùng nuôi: Công Lương (xã Hoài Mỹ - Hoài Nhơn), Phước Thắng (Tuy Phước), Mỹ Thắng (Phù Mỹ).

Những ao nuôi tôm áp dựng qui trình GAP đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố như: xử lý ao nuôi với độ pH chuẩn, con giống phải qua kiểm dịch, hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất các loại hóa chất và thuốc thú y thủy sản… Trong quá trình nuôi, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ theo dõi, kiểm tra và cấp giấy xác nhận nuôi tôm đạt tiêu chuẩn GAP và các nhà máy không cần kiểm dịch khi thu mua để chế biến xuất khẩu.

Ngọc Thái


Nuôi trai ở vịnh Bái Tử Long

Nguồn tin: KTSG, 23/3/2007
Ngày cập nhật: 24/3/2007

Sau gần một giờ hóng gió lạnh trên sàn tàu, chúng tôi có mặt ở giữa vịnh Bái Tử Long, nơi bốn bề chỉ thấy toàn là đảo. Không như Hạ Long đẹp bởi nhiều hang động và thắng cảnh tự nhiên, Bái Tử Long có một vẻ đẹp bình yên và trong lành hơn.

Trại nuôi trai cấy ngọc của Công ty TNHH Taiheiyo Shinju Việt Nam nằm nép mình dưới chân một hòn đảo. Không có nhiều đất ở những đảo đá như thế này để có thể xây dựng nhà cửa, người ta phải xây một kè đá rồi đổ đất đá vào trong để lấy mặt bằng xây dựng. Ở đây sóng điện thoại di động chỉ bập bõm thôi. Điện và điện thoại dĩ nhiên là chưa có, nói chi đến Internet.

Công ty TNHH Taiheiyo Shinju Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập vào năm 1999 sau khi tiếp nhận toàn bộ cơ sở của một công ty liên doanh giữa Bộ Thủy sản và đối tác Nhật Bản trước đó. Những ngày đầu thành lập, Taiheiyo Shinju gặp rất nhiều khó khăn vì công nhân có tay nghề cao lần lượt rời công ty đầu quân cho những doanh nghiệp khác; hơn nữa việc áp dụng kỹ thuật nuôi trai cấy ngọc của Nhật Bản cũng chưa đạt được kết quả. Vào thời điểm này anh Lê Nam Trung vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Vinh, muốn lập nghiệp ở vùng đất mới Hạ Long nên đã thi tuyển vào công ty. Sau một thời gian được công ty thử thách, rèn luyện và cử đi học nâng cao tay nghề nuôi trai cấy ngọc tại Nhật, Trung được bổ nhiệm làm Phó giám đốc trực tiếp quản lý và điều hành Taiheiyo Shinju.

Trên cương vị mới, Trung bắt đầu cải tổ cách thức quản trị công ty, tìm người giỏi về cho các bộ phận, thuyết phục công nhân có tay nghề đã nghỉ việc trở lại công ty… Song song đó là một chiến lược kiên trì nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ nuôi trai cấy ngọc của Nhật Bản vào môi trường biển Việt Nam.

Cuối năm 2003, công ty bắt đầu áp dụng kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai do chính Trung nghiên cứu trên cơ sở công nghệ nuôi trai cấy ngọc đã có từ 100 năm của Nhật Bản. Tiếp theo là hàng loạt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, từ sinh sản trai nguyên liệu; quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc trai con, trai cấy; hệ thống bè nuôi chuyên dụng đối với từng loại trai, cho đến công nghệ chế tác… Quy trình nuôi trai cấy ngọc đã được khép kín, đây là thành công mang tính sống còn của công ty mà không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng có thể thực hiện được. Hàng năm công ty cử từ hai đến năm cán bộ chuyên trách thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Trên cơ sở những thành công về quy trình nuôi cấy, năm 2004 công ty đã đầu tư thêm các trang thiết bị nuôi trồng chuyên dụng như xuồng máy vệ sinh trai, máy soi và kiểm tra trai cấy, máy quay ly tâm, máy lọc nước tinh khiết… Hai thành công khác của Taiheiyo Shinju Việt Nam là cho sinh sản trai nguyên liệu lai tạo giữa trai giống Việt Nam và Trung Quốc, và cấy nhân tạo ngọc cho trai một năm tuổi. Hiện Taiheiyo Shinju Việt Nam đang nuôi cấy khoảng 30 triệu con trai giống các loại và sản phẩm của công ty xuất khẩu 90% sang thị trường Nhật Bản.

Năm 2004, công ty xuất khẩu 171 ki lô gam ngọc trai, doanh thu trên 3 tỉ đồng. Năm 2005, công ty xuất khẩu 300 ki lô gam, thu 5 tỉ đồng và năm 2006 với 400 ki lô gam ngọc trai chất lượng cao đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng. Dự kiến năm 2007, Taiheiyo Shinju Việt Nam sẽ xuất khẩu 550 ki lô gam ngọc, doanh thu là 18 tỉ đồng.

Anh Trung cho biết chiến lược của công ty là tiếp cận thị trường châu Âu, khẳng định được đẳng cấp sản phẩm tại thị trường trong nước và châu Á. Công ty đang triển khai kế hoạch cung cấp cho thị trường nữ trang Việt Nam các dòng sản phẩm trang sức ngọc trai cao cấp. Công ty đang đầu tư khoảng 11 tỉ đồng xây trung tâm chế tác và bán sản phẩm ngọc trai Việt Nam, với tổng diện tích 6.500 mét vuông tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; đã mở phòng trưng bày ngọc trai Spica tại Hà Nội và sắp tới là TPHCM. Đồng thời, Taiheiyo Shinju còn đầu tư mở rộng dự án nuôi trồng ra các điểm mới tại vùng biển thuộc huyện Vân Đồn, phát triển dự án nuôi trai cấy ngọc tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao đất cho công ty thực hiện dự án nuôi trai cấy ngọc tại huyện Cô Tô, với tổng số vốn đầu tư giai đoạn đầu là 1 triệu đô la Mỹ. Theo anh Trung, với việc làm chủ được công nghệ nuôi trai ngọc “từ A đến Z”, Taiheiyo Shinju Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mở rộng sản xuất trên quy mô lớn.

Ở nước ta do thiên nhiên ưu đãi nên cả chiều dài bờ biển hàng ngàn ki lô mét có nhiều vùng sinh thái phát triển phù hợp với nghề nuôi trai lấy ngọc.

Theo kết quả nghiên cứu của một số đề tài khoa học gần đây, người ta đã xác định nhiều giống trai ngọc sinh trưởng khá phổ biến ở một số vùng bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Giống trai ngọc có tên khoa học là Pieria (Pinetada) Martensli Dunker thường thấy xuất hiện ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Côn Đảo và Bình Định. Ở vùng duyên hải miền Trung nghề nuôi trai lấy ngọc bắt đầu manh nha phát triển vào khoảng đầu những năm 1990, đến nay đã có một số cơ sở nuôi trai lấy ngọc ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam…

Anh Minh


Dịch bệnh tấn công tôm nuôi trên cát ở Phù Mỹ

Nguồn tin: BĐ, 21/3/2007
Ngày cập nhật: 23/3/2007

Suốt nửa tháng nay, dịch bệnh đã hoành hành trên hơn 30 ha ao nuôi tôm trên cát ở huyện Phù Mỹ (Bình Định). Tính đến nay, đã có hơn 10 ha ao tôm bị “triệt tiêu”. Tổn thất ước tính lên đến bạc tỉ.

Ao nuôi ken dày trên cát.

* Nỗi đau tôm thẻ chân trắng

Cách đây hơn 2 năm, vùng nuôi tôm trên cát trọng điểm của tỉnh Bình Định tập trung tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng (Phù Mỹ) cũng đã xảy ra dịch bệnh, nhưng mức độ nghiêm trọng không như lần này. Đầu tháng 3-2007, những ao tôm đang rất yên bình, những con tôm đã được 30-45 ngày tuổi đang sởn sơ phát triển bỗng dưng ngửa bụng chết. Mỗi sáng ra, chủ những ao nuôi tôm ở đây phải vớt ít nhất từ 50-60 xác tôm. Có nhiều ao tôm chết nằm trắng mặt nước, nản quá, chủ nuôi đã phải xả ao để thả giống nuôi lại. Toàn bộ các hồ nuôi khoảng 60 ha đã thả tôm giống thì đã có 10 ha bị xả, 50 ha ao tôm còn lại đang vật vã chống đỡ với dịch bệnh. Ông Sáu Sơn ở xã Mỹ An, người có 7 ao nuôi (hơn 2 ha) thì bị “lâm bệnh” cả 7 ao. Ông Sơn nói buồn: “Xác của những con tôm chết đều có hiện tượng thân ngã màu đỏ. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua chúng tôi bị thiệt hại nặng đến như vậy. Trước đây, cứ mỗi ha chúng tôi thu được 150 triệu tiền lãi/năm. Do vậy, dù phải tốn mức đầu tư ban đầu khá cao, xây dựng cơ bản một cái ao rộng 3.500m2 chi phí đến 80 triệu và vốn sản xuất hết 60 triệu đồng nữa nhưng chúng tôi không ngại ngùng đi vay về làm. Những người có ăn có chịu từ đầu thì chưa sao, chứ những hộ “chân ướt chân ráo” mới “nhảy vào” như chúng tôi thì “nát lòng”. Giống tôm nuôi trên cát chủ yếu là giống thẻ chân trắng. Mà giống tôm này rất đắt vì chúng là giống sạch bệnh, đã được gia hoá ở Mỹ do Cty TNHH Asia Hawai Ventures cung ứng. Mỗi ha ao nuôi phải mất đến 100 triệu tiền mua giống, ấy là chưa nói đến chi phí thức ăn, điện nước phục vụ sản xuất”. Những người thuê ao nuôi còn “cháy lòng” hơn, vụ này mất vốn đã đành, họ lo lắng số phận của những con tôm thả nuôi vụ sau không biết còn bị dịch bệnh “đeo đuổi” nữa không trong khi tiền thuê hồ cho một ao nuôi (3.500m2) thì cứ phải trả mỗi năm từ 30-40 triệu đồng!

Trước tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm ở Mỹ An và Mỹ Thắng đang hấp tấp “thu hoạch” sớm, những con tôm “tí hon” mang ra chợ bán chẳng được bao nhiêu nhưng cũng vớt vát được tí đỉnh vốn. Và mục đích của sự “thu hoạch” sớm này cũng là để lấy ao thả nuôi vụ khác “gỡ gạc”!

* Từ hiệu quả đến…hậu quả!

Do hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ trong những năm đầu quá hấp dẫn nên mức độ tăng trưởng của các hồ nuôi nghe mà “chóng mặt”. Trong năm đầu (2002) Sở Thuỷ Sản Bình Định thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh trên đất cát ven biển Bình Định” thì ở đây mới chỉ có 1,6 ha ao nuôi. Thế nhưng chỉ trong 5 năm, số diện tích nuôi tôm trên cát ở 2 xã thuộc huyện Phù Mỹ đã tăng đến 88 ha (số thống kê cuối năm 2006) với 162 ao nuôi. Vùng quy hoạch nhanh chóng bị “phá vỡ”. Lúc đầu Bình Định chỉ cho phát triển vùng nuôi dọc phía Đông tỉnh lộ 639, dần dà phát sinh lấn dần lên cả phía Tây đường. Không chỉ có người địa phương tham gia, mà cả người ngoài tỉnh ùn ùn kéo về thuê ao để nuôi. Ông Nguyễn Văn Quốc-Khuyến ngư viên xã Mỹ An cho biết có đến 50% ao nuôi trên địa bàn xã này chủ nhân của chúng là người Quảng Ngãi. Theo ông Trần Văn Phúc-Phó GĐ Trung tâm Khuyến ngư Bình Định- thì đó là căn nguyên dẫn đến tai hoạ cho vùng tôm này. Mật độ ao nuôi dày đặc mà các chủ hồ không quan tâm đến việc gìn giữ môi trường nên đã dẫn đến mất đi sự trong sạch của vùng đất cát ven biển. Ông Phúc nói: “Do mật độ hồ nuôi dày, choán hết diện tích vùng đất nên chất thải từ các ao nuôi xả ra “được” nằm quanh quẩn cạnh các ao rồi ngấm vào tầng nước ngầm. Người nuôi lại hút nước dưới tầng nước ngầm ấy lên nuôi tôm. Trong khi theo Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi-Viện Quy hoạch Bộ Thuỷ Sản-thì mỗi ao nuôi tôm sau thu hoạch sẽ thải ra đến 8 tấn chất thải rắn gồm: vỏ tôm, phân tôm, thức ăn thừa...và hầu hết lượng chất thải này được thải trực tiếp trên cát. Non một nửa hộ nuôi ở đây là người Quảng Ngãi vào làm ăn tạm thời, họ chẳng nghĩ đến chuyện “bền vững” nên không quan tâm đến mấy việc bảo vệ môi trường nuôi. Do vậy, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến dịch bệnh cho tôm ở đây là vì môi trường đã bị ô nhiễm quá nghiêm trọng …”

Nhiều nguyên nhân nữa cũng được ngành Thuỷ Sản Bình Định đưa ra là việc không tuân thủ của những hộ nuôi về mật độ thả nuôi. Theo khuyến cáo của ngành Thuỷ Sản thì chỉ có thể thả nuôi với mật độ từ 60-80 con/m2. Thế nhưng trên thực tế, mật độ bình quân thả nuôi ở đây từ 130-150 con/m2. Thậm chí trong đợt kiểm tra mới đây, ngành Thuỷ Sản phát hiện có ao thả nuôi đến 300 con/m2. Trong điều kiện dao động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm như hiện nay mà những con tôm phải chen chúc trong một môi trường nước tệ hại như vậy mà chúng không “ngã bệnh” mới là chuyện lạ! Ngoài ra, do thời gian đầu thấy dễ “kiếm tiền” nên những hộ trên cát ở Phù Mỹ “xé rào” luôn cả chuyện thời vụ. Họ không cho ao nuôi nghỉ ngơi lấy một thời gian nào. Thu hoạch xong là thả nuôi ngay vụ sau để kịp làm 3 vụ/năm, không màng đến cả việc cải tạo ao nuôi. Biến động lớn về môi trường đã đẩy mạnh tốc độ phát sinh của vi khuẩn và chúng chính là “thủ phạm” gây bệnh cho tôm.

Theo dự báo của ngành Thuỷ Sản Bình Định thì trong thời gian tới đây, khó khăn sẽ còn chồng chất đối với nghề nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ. Năm vừa rồi Bình Định không có mưa lớn, môi trường nước không có điều kiện được làm sạch. Nguy cơ hạn hán trong năm nay sẽ làm tăng hàm lượng muối trong nước càng thêm bất lợi cho môi trường nước nuôi. Do vậy, nếu những vụ nuôi tiếp đến mà những hộ nuôi ở đây vẫn còn thả tôm mật độ cao, nuôi dày vụ và không bảo vệ môi trường thì thiệt hại sẽ là rất khó lường.

Vũ Đình Thung


Hội thảo đánh giá đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, biện pháp xử lý môi trường trong nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Bến Tre”

Nguồn tin: BTreTV, 23/3/2007
Ngày cập nhật: 23/3/2007

Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội thảo đánh giá đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, biện pháp xử lý môi trường trong nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Bến Tre” với sự tham dự của đại diện Sở KHCN, Sở Thủy Sản, Trung tâm Khuyến Ngư, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Công ty chế biến và xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre cùng Phòng thủy sản 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Đề tài “nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, biện pháp xử lý môi trường trong nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Bến Tre” do Sở Khoa học - Công Nghệ tỉnh Bến Tre chủ quản, Viện Hải Dương Học chủ trì và Phó Giáo sư Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Tác An làm chủ nhiệm. Đề tài gồm 4 chương, nêu bật lên các vấn đề về hiện trạng và mức độ ô nhiễm môi trường trong việc nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Bến Tre và mô hình xử lý chất thải nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt, đề tài còn đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp ô nhiễm môi trường nuôi tôm sú như: rà soát lại việc thực hiện các quy hoạch nuôi trồng thủy sản; xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản cho toàn tỉnh; triển khai rộng mô hình xử lý chất thải nuôi tôm công nghiệp quy mô hộ gia đình và quy mô tổ hợp tác sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, khoáng sinh và phế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, tái trồng thực vật ngập mặn ven sông, ven biển và trong vùng nuôi tôm; ứng dụng khoa học kỹ thuật và giáo dục, đào tạo nhân lực về môi trường. Tại hội thảo, đề tài “ Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, biện pháp xử lý môi trường trong nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Bến Tre” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, phần lớn đều đánh giá cao tính ứng dụng và hiệu quả của đề tài.

Khánh Vy


Thủy sản duyên hải Bắc Bộ còn nhiều bất cập

Nguồn tin: KTSG, 22/3/2007
Ngày cập nhật: 23/3/2007

Năm 2007 là năm thứ hai ngành thủy sản các tỉnh duyên hải Bắc Bộ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn (2006-2010), định hướng đến 2020, trong đó nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương này hướng đến là phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng của 3 lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến mà ngành thủy sản của từng địa phương đang phải đối mặt hiện nay, thì mới thấy rằng để đến được cái đích bền vững quả không dễ dàng.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó cơ bản là diện tích nuôi trồng, chất lượng con giống và chất lượng nguồn thức ăn.

Năm 2006 vừa qua, mặc dù vùng duyên hải Bắc Bộ không bị ảnh hưởng lớn của thiên tai, nhưng theo thống kê của ngành thuỷ sản các địa phương, thì sản lượng thủy sản nuôi trồng đều tăng rất thấp.

Chất lượng con giống không đảm bảo là một vấn đề. Tại tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, việc sản xuất và cung cấp con giống có chất lượng cho toàn tỉnh chỉ đáp ứng được 30%, dẫn đến tình trạng người nuôi mặc sức mua con giống trôi nổi trên thị trường không qua kiểm dịch, trong đó có 70% lượng là tôm nhập lậu.

Do đó, chỉ tính riêng năm 2006 vừa qua, toàn tỉnh có đến 200 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, vàng mang và bệnh Vibrio, trong đó tôm chết nhiều nhất là ở giai đoạn từ 1,5-2 tháng tuổi.

Một vấn đề nữa là nguồn thức ăn, thuốc thú y chế phẩm sinh học, các chất xử lý môi trường nuôi không đảm bảo chất lượng. Mặc dù nước ta đã gia nhập WTO, thế nhưng cho đến nay, việc nuôi thủy sản của người dân Quảng Ninh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước vẫn theo tư duy cũ là dựa vào kinh nghiệm và tùy tiện, dễ dãi trong khâu lựa chọn thức ăn trong nuôi trồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng một số sản phẩm thủy sản chưa đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

Ngoài ra, diện tích nuôi trồng ngoài vòng kiểm soát, không theo quy hoạch cụ thể, cũng là lý do làm cho sản lượng thủy sản nuôi trồng của các địa phương trong vùng duyên hải Bắc Bộ luôn trong tình trạng bấp bênh.

Bà Võ Thị Hồng Phương, Phó phòng Kinh tế - Kỹ thuật (Sở Thủy sản Hải Phòng) cho biết: “Đến năm 2010 và những năm tiếp theo, Hải Phòng được xác định là trung tâm thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ. Thế nhưng giữa kế hoạch và thực tế luôn có sự khác biệt nhau, trong đó thách thức lớn nhất là diện tích nuôi trồng thủy sản bị giảm liên tục và có xu hướng bị thu hẹp lại do làm cảng nước sâu, khu công nghiệp...”.

Cùng với những hạn chế tương tự như Hải Phòng, Quảng Ninh, thì hiện nay, cơ cấu nuôi trồng thủy sản của các địa phương vùng duyên hải Bắc Bộ chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến.

Chương trình phát triển những vùng nuôi thủy sản công nghiệp và cơ sở hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản triển khai chậm, đầu tư vốn còn dàn trải, chậm tiến độ. Theo đó, đến 2007, phần lớn các dự án trọng điểm của cả vùng vẫn chưa hoàn thành và phát huy tác dụng.

Mặt khác, chế biến xuất khẩu còn quá nhiều bất cập. Những năm gần đây, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ đều đạt tốc độ tăng khá.

Trong đó, riêng năm 2006 vừa qua, nhiều địa phương trong vùng đã thu được kết quả vượt bậc. Trong đó nổi bật là Hải Phòng thu 80 triệu USD, tăng 14,3% so với 2005, Thái Bình đạt 506 tỷ đồng tăng 11,5%, Quảng Ninh đạt 16 triệu USD, tăng 12,3% so với 2005... Kết quả đó đã góp phần tích cực làm cho kinh tế thủy sản vùng duyên hải Bắc Bộ khởi sắc.

Thế nhưng, có đi vào tìm hiểu thực tế hoạt động của từng công ty, nhà máy chế biến thủy sản mới hay, trong 5 năm liên tiếp gần đây, phần lớn các đơn vị chế biến thủy sản hiện có trong vùng luôn trong tình trạng hoạt động chỉ với 50% công suất.

Các sở thuỷ sản Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng... cho biết thời gian qua, các đơn vị chế biến thủy sản trên địa bàn chỉ mới thu mua được khoảng 40% số nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác, còn lại phần lớn nguyên liệu được bà con ngư dân bán trực tiếp sang Trung Quốc và cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài.

Không chỉ vậy, thời gian qua, các đơn vị xuất khẩu thuỷ sản trong vùng chưa thực sự năng động đổi mới, tìm kiếm thị trường, cộng thêm nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng và chế biến không đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm đang được các nước áp dụng gắt gao nên các đơn vị chế biến thủy sản ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Từ những thực tế trên cho thấy đã đến lúc mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân phải tự chủ động, đổi mới cho mình về mọi phương diện mới mong thích ứng được với thời kỳ hội nhập, cũng như tiến đến được mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững.

Minh Khôi


Khai mỏ sò lụa

Nguồn tin: CT, 22/3/2007
Ngày cập nhật: 23/3/2007

Những ngày sau Tết Đinh Hợi, người dân vùng cuối đất Cà Mau đã có thêm một niềm vui lớn, đó là được Nhà nước cho phép khai thác sò lụa vùng biển Tây, sau một thời gian dài nghiêm cấm. Với nhiều người đã từng biết về “mỏ sò lụa” này đều nhận định: Đây là cơ hội giúp cư dân nghèo vùng cuối đất đổi đời...

MỎ LỤA TRONG LÒNG BIỂN

Nói đến con sò lụa, cư dân ở cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) kể ngay câu chuyện làm sò lụa của ông Năm Kỳ, ở khóm 6 thị trấn Sông Đốc. Ông là ngư dân ở vùng thị trấn cửa biển này đã nếm trải đủ mùi vị thăng trầm trong nghề hạ bạc ở Sông Đốc. Những năm 2000 - 2001, ông Kỳ làm ăn thất bát đến độ bán hết tàu bè và phương tiện khai thác biển. Trong lúc “vô công rỗi nghề”, ông giong ruổi đó đây tìm thăm bạn bè, thân hữu. Trong một lần sang tỉnh Kiên Giang thăm người bạn làm cùng nghề đi biển, ông phát hiện ở đây đang có một nghề khai thác biển mới là cào sò lụa. Mấy mươi năm làm nghề biển, ông nhớ mình đã từng thấy mặt con sò lụa lẩn khuất đâu đó trong mớ cá tôm đánh bắt được dưới đáy biển Tây Cà Mau. Kinh nghiệm từng trải của một ngư phủ, ông Kỳ phán đoán và quả quyết rằng vùng biển Tây quê mình cũng có sò lụa, chẳng qua là do chưa có ai khai thác. Thế là ông bạo dạn bàn bạc với các ngư dân sành nghề cào lụa ở Kiên Giang thực hiện một chuyến khảo sát trên vùng biển Tây Cà Mau.

Cuộc khảo sát kéo dài cả tuần, chi phí lên đến gần trăm triệu đồng cho kết luận là vùng biển Tây Cà Mau không chỉ có sò lụa mà còn có trữ lượng rất lớn. Thế là ông Kỳ hợp đồng 3 chiếc ghe cào lụa chuyên nghiệp từ Kiên Giang về khai thác. Ngày đầu khai thác được gần 60 tấn sò lụa. Ông kể: “Hôm đó, tôi muốn phát sốt lên vì bất ngờ trước 3 chiếc ghe cào chỉ sau hơn 10 giờ đồng hồ khai thác đã khẳm mẹp vì chứa sò lụa. Tôi bắt đầu dựng nhà xưởng tạm, thuê công nhân gia công sơ chế sò. Chỉ vài ngày vào cuộc, tôi phải thuê đến trên 400 công nhân mới làm xuể. Chi phí khảo sát cả trăm triệu đồng được thu hồi lại ngay sau đó chỉ vài tuần”.

Ông Năm Kỳ dẫn chúng tôi thị sát một vòng quanh nhà mình để xem dấu tích “núi” vỏ sò lụa trong quá khứ. Ông quơ tay một vòng bảo: “Toàn khu vực này có mấy chục căn nhà được lót nền bằng vỏ lụa”. Không đánh giá được sản lượng sò lụa dưới đáy biển, nhưng ông Năm Kỳ cho biết thực tế mà mình đã từng làm là cứ mỗi chiếc ghe cào sò lụa hoạt động một ngày, thu hoạch trên 15 tấn. Với giá sò lụa hiện thời (6.000 đồng/kg sò tươi nguyên vỏ), sau khi trừ chi phí, mỗi tàu có thể kiếm được vài chục triệu đồng.

Tuy nhiên, gần 2 năm qua, do quy định cấm khai thác vùng biển cạn của Chính phủ, nên việc khai thác sò lụa vùng biển Tây đã tạm ngưng. Đầu năm 2007, theo nguyện vọng của ngư dân, UBND tỉnh Cà Mau đã xem xét cho khai thác khảo nghiệm. Không còn gì phấn khởi hơn, ngư dân Sông Đốc, U Minh hồ hởi xuống tàu ra khơi. 15 con tàu công suất lớn được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho phép đã cất cao đầu tiến ra bãi sò lụa để khai thác. Chiếc nào cũng có cán bộ nguồn lợi thủy sản theo để ghi nhận tình hình. Và chỉ sau 7 ngày khai thác của đoàn tàu, sản lượng thu được là 200 tấn sò lụa. Kết quả đó, khẳng định một “mỏ sò lụa” với trữ lượng lớn đang tồn tại dưới đáy biển Tây Cà Mau.

KHAI THÁC KIỂU NÀO?

Theo đoàn tàu cào lụa, chúng tôi ra bãi sò lụa biển Tây.

Sò lụa tươi thế này đang bán được giá 7.000 - 8.000 đ/kg.

Cách bờ biển 12km, ở độ sâu từ 3m đến 5m, đoàn tàu cho thả giàn cào xuống biển. Đó là những cái lồng sắt có kích thước 0,2m x 1,5m x 2,5m, nặng trên trăm ký, phải dùng hệ thống trục lăng để kéo mỗi khi thả xuống hay kéo lên. Ở thành miệng lồng này có một lưỡi thép bén. Ông Năm Mập, một tay cào lụa có nghề ở Kiên Giang, cũng có mặt trong chuyến khảo nghiệm này, lý giải: “Lưỡi thép này có tác dụng bấu xuống để thốc con sò lụa vào lồng. Nó cày sâu xuống mặt cát dưới đáy biển, kéo miệng lồng cào xuống gần như đụng mặt cát nên không sát hại đến các loài hải sản khác. Thỉnh thoảng cũng có dính vài loài cá, nhưng chẳng bao nhiêu”. Con tàu rống to, kéo căng những cọng dây thừng lớn để lôi những chiếc cào dưới đáy biển. Nước biển vẫn trong veo như lúc chưa thả cào. “Với cách như thế này, tỉnh Kiên Giang đã cho ngư dân tự do khai thác sò lụa từ mấy năm qua. Nó không làm môi trường bị tổn hại” - ông Năm khẳng định.

Sau 5 phút thả cào, ông Năm cho kéo lên mẻ đầu tiên. Hơn nửa lồng cào đầy ứ, với chỉ hai loại hải sản là sò lụa và con từ. Anh em ngư phủ thoăn thoắt đôi tay sàng lọc lấy sò lụa, còn con từ và một vài thứ linh tinh khác được trả trở lại với biển. Mẻ này ước chừng hơn chục ký sò lụa. Giàn cào thứ 2 được kéo lên chỉ 3 phút sau đó, cũng có kết quả tương tự như lần đầu. “Trữ lượng thế này là khá so với bên vùng biển Kiên Giang. Tôi tin rằng nhiều ngư dân sẽ phát đạt nếu tham gia nghề này”- ông Năm Mập cười sảng khoái nói.

Việc có nên khai thác bãi sò lụa biển Tây Cà Mau hay không đã từng là câu hỏi khó, không có đáp án dứt khoát đối với ngành chức năng tỉnh Cà Mau. Vào những năm 2005 - 2006, tỉnh đã không cho khai thác và cử một con tàu của lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản canh giữ 24/24. Mãi đến đầu năm 2007, nguyện vọng của ngư dân và chính quyền địa phương nơi đây được giải tỏa phần nào. Trên thực tế, các kỹ sư thủy sản trong tỉnh Cà Mau đã khẳng định: “Con sò lụa sống có mùa, có thời gian tồn tại nhất định, không khai thác cũng tự chết mất”. Còn những người từng lăn lộn với nghề cào sò lụa cũng khẳng định, sò lụa biển Tây là nguồn lợi kinh tế lớn mà biển đã ban tặng cho người dân địa phương và Nhà nước, cả về vấn đề giải quyết việc làm cho người dân vùng ven biển. Ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Tôi đặc biệt quan tâm đến con sò lụa từ lâu nay. Bởi nguồn lợi kinh tế từ con sò lụa không thua kém thế mạnh kinh tế của địa phương hiện nay là con cá, con tôm”.

Mặc dù kết luận cuối cùng của các ngành chức năng tỉnh Cà Mau là cho khai thác sò lụa, nhưng khai thác như thế nào, hiện vẫn chưa ngã ngũ. Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng một phương án khai thác thật hợp lý bãi sò lụa Cà Mau, không để phí và không làm ảnh hưởng đến môi trường. Đó là một bài toán khó mà chúng tôi đang tìm cách giải”.

Việc đưa vào khai thác sò lụa ở biển Tây Cà Mau hiện nay là cần thiết và phù hợp với thực tế tiềm năng nguồn hải sản này tại địa phương. “Bài toán khó” về khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng rất cần sớm có lời giải.

Trần Vũ


ĐBSCL: báo động ô nhiễm nuôi cá tra

Nguồn tin: SGGP, 22/03/2007
Ngày cập nhật: 23/3/2007

Các tỉnh ĐBSCL đang “bùng nổ” nuôi cá tra, ba sa. Ở các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ); Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); Long Hồ, Bình Minh (Vĩnh Long); Châu Phú, Phú Tân (An Giang)… hàng loạt hộ đào ao nuôi cá vượt ngoài tầm kiểm soát của ngành thủy sản. Đáng báo động hiện nay là nguồn nước ở các sông rạch ô nhiễm trầm trọng. Theo các ngành chức năng, hầu hết các chỉ tiêu như oxy, nitrit, cặn, amoniac… đều vượt hàng chục lần cho phép. Trong khi hàng chục ngàn hộ sống trong vùng nuôi cá tra chịu cảnh hôi thối nồng nặc, nguồn nước dơ bẩn không sử dụng được, gần đây phát sinh nhiều bệnh ngứa ngấy da…

Nếu không cấp bách giải quyết nạn ô nhiễm thì nghề nuôi cá tra sẽ trả giá đắt và môi trường sống của con người cũng bị vạ lây.

H.P.L.


Dầu đã tràn đến gần mũi Cà Mau

Nguồn tin: CM, 21/3/2007
Ngày cập nhật: 22/3/2007


Xã Vĩnh Tân (Tuy Phong): Tôm hùm bị bệnh lạ, chết hàng loạt

Nguồn tin: BThuận, 22/03/2007
Ngày cập nhật: 22/3/2007

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Vĩnh Tân có khoảng 400 lồng nuôi tôm hùm, chiếm 80% số lồng nuôi toàn xã đang bị nhiễm bệnh lạ, chết. Hơn một tháng qua, tôm hùm bị bệnh đều cùng triệu chứng: toàn thân màu đỏ, bụng có bọc nước với chất dịch trắng như mủ.

Theo những người dân nuôi tôm hùm ở Vĩnh Tân thì lâu nay tôm hùm nuôi ở đây chưa bị bệnh, vì vịnh này hở nên nguồn nước luôn sạch. Vừa rồi, các thương lái mua tôm hùm ở vùng Phú Yên, Khánh Hòa vào TPHCM bán nhưng không hết, đã gởi về Vình Tân nuôi. Không ngờ có tôm bệnh nên đã lây lan dịch bệnh như hiện nay. Hiện các cơ quan chức năng chưa xác định đây là bệnh gì nên cũng chưa có thuốc đặc trị.

Đợt tôm hùm này, dân xóm 7 Vĩnh Tân đã nuôi nửa năm (nuôi 18 tháng bán) nên tính sơ nhiều nhà bị thiệt hại từ 100 – 200 triệu đồng.

M.H


Bến Tre: xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp PCR REAL TIME

Nguồn tin: BTreTV, 22/3/2007
Ngày cập nhật: 22/3/2007

Được sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, Trung tâm khuyến ngư Bến Tre đã trang bị công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp PCR REAL TIME

Hệ thống thiết bị mới này bao gồm máy lưu nhiệt, máy ly tâm, máy vi tính và máy in. Ưu điểm của phương pháp xét nghiệm bệnh tôm bằng thiết bị PCR REAL TIME là độ nhạy cao hơn, rút ngắn thời gian phân tích bệnh mẫu xuống còn 2 giờ, đọc được kết quả ngay trong quá trình phản ứng nên giảm thiểu nguy cơ ngoại nhiễm, đặc biệt là có khả năng định tính và định lượng. Phòng PCR REAL TIME đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để người nuôi tôm sú kịp thời chọn lựa con giống tốt, kiểm soát mầm bệnh trong ao nuôi, đồng thời giúp cho ngành thuỷ sản quản lý tốt hơn về môi trường, con giống và phòng ngừa dịch bệnh.

Nguyen Hậu


Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất hiện dầu tràn trên biển

Nguồn tin: CT, 22/3/2007
Ngày cập nhật: 22/3/2007


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang