• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rủi ro từ mô hình nuôi sinh thái

Nguồn tin: 17/09/2006
Ngày cập nhật: 17/9/2006

Sống dựa vào thiên nhiên, hưởng lợi do thiên nhiên ban tặng, mỗi năm cũng vài trăm triệu đồng, đó là những gì đã diễn ra suốt 10 năm qua tại nhiều vùng nuôi sinh thái kết hợp Tôm-Cua-Rừng của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, khai thác nhiều hơn đầu tư và cải tạo chưa thỏa đáng, môi trường bị suy thoái, sự phát triển của các loài thủy sản có phần chững lại.

Phong trào nuôi quảng canh cải tiến kết hợp Tôm-Cua-Rừng đã “đổi đời” cho nhiều nông dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Hàng loạt ngôi nhà cao tầng, nhà kiên cố liên tục mọc lên ở vùng đất rừng vẫn còn ngăn sông cách biển. Gia đình ông Lê Văn Hùng là một trong những hộ đầu tiên thực hiện nuôi sinh thái kết hợp từ năm 1996. Trên diện tích 10ha rừng đước, ông thả nuôi 2 loài thủy sản chủ lực là tôm sú và cua với nguồn thức ăn hoàn toàn trong tự nhiên. Mỗi năm, tiền đầu tư con giống khoảng 40-50 triệu đồng, nhưng ông thu lãi đến gần 400 triệu.

Trong chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh, đa con của huyện Đông Hải, mô hình nuôi sinh thái Tôm-Cua-Rừng được ưu tiên hàng đầu, bởi tính hiệu quả cao và bền vững. Việc kết hợp 3-4 loài thủy sản trong một diện tích có thể hạn chế dịch bệnh lây lan. Theo lập luận của bà con, khi tôm hay cá bị bệnh yếu đi hoặc chết sẽ bị con cua ăn thịt và ngược lại, như vậy giúp cải thiện môi trường. Lý thuyết là vậy, còn trên thực tế, theo quan sát của anh Lê Văn Hùng, năm nay đàn tôm nuôi có vẻ chậm lớn, sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay cũng tương đối giảm so với những năm trước.

Một nguyên nhân khác dẫn đến năng suất các loài thủy sản bị sụt giảm cũng được tìm thấy, đó là việc nông dân sử dụng nguồn con giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng.

Những dấu hiệu về khả năng rủi ro của mô hình nuôi sinh thái kết hợp Tôm-Cua-Rừng ở Bạc Liêu tuy chỉ mới bộc lộ, nhưng người dân đã được khuyến cáo: Hãy quan tâm gìn giữ và cải tạo môi trường thiên nhiên, lựa chọn con giống tốt và phải chú ý mật độ thả nuôi phù hợp giữa các loài. Có như vậy mới mong duy trì ổn định về lâu dài một mô hình sản xuất được đánh giá là hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Dạ Thảo

 


Nam Định: Dự án nước ngoài đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực nuôi thuỷ sản

Nguồn tin: Vasep, 15/9/2006
Ngày cập nhật: 17/9/2006

Tỉnh Nam Định vừa phê duyệt Dự án nuôi hàu thương phẩm tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng do Cty TNHH Tài Hải (Đài Loan) làm chủ đầu tư. Đây là dự án nước ngoài đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.

Thực hiện từ tháng 9/2006, dự án có quy mô 10ha, vốn đầu tư 120.000 USD, thời gian hoạt động 20 năm. Các giai đoạn triển khai dự án từ thiết kế công nghệ, giám sát thi công công trình, tổ chức nuôi và chăm sóc đều có sự chỉ đạo của chuyên gia nước ngoài.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn và sẽ hoàn tất vào năm 2008 với mục tiêu sinh sản hàu nhân tạo đạt 5 triệu con giống/năm, trên diện tích 10ha.

(Econet, 14/9/2006)

 


Làng ba ba Bạch Xá kêu cứu

Nguồn tin: QĐND, 16/09/2006
Ngày cập nhật: 17/9/2006

Năm 2001, cái tên làng ba ba Bạch Xá không chỉ được người dân xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam biết đến, mà nhiều người ở các huyện lân cận tìm về đây học hỏi kinh nghiệm làm giàu. Công bằng mà nói, với nhiều gia đình trong thôn Bạch Xá, con ba ba là cứu tinh của họ, nhờ ba ba nhiều gia đình thoát nghèo, có “bát ăn, bát để”, có vàng cất trữ. Nhưng một số gia đình vì nó mà “vàng” cả mắt, nhất là giai đoạn đầu năm 2005 khi ba ba bị dịch chết hàng loạt. Ba ba xóa đói... làm giàu

Vào thời điểm năm 2001, thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có hơn 500 hộ vốn bình yên sau lũy tre làng nay bỗng chốc xôn xao về việc nuôi ba ba. Câu chuyện về con ba ba đi vào từng bữa cơm gia đình, trong câu chuyện của mấy bà đi chợ, thậm chí lũ trẻ đi học cũng háo hức khoe nhà mới xây bể, sắp bắt ba ba giống. Nghề nuôi ba ba ở thôn Bạch Xá được bắt đầu khi một số hộ trong làng nuôi tại ao nhà thành công, thu lợi nhuận lớn, đi đầu trong phong trào này là các anh Nguyễn Văn Hoạch, Nguyễn Khắc Thư. Để tìm hiểu quy trình nuôi thả cũng như các kiến thức chăm sóc, các anh đã phải đi nhiều tỉnh như: Hưng Yên, Hải Dương, thậm chí anh Hoạch còn vào tận huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để tham quan mô hình nuôi ba ba và mua con giống. Điều kiện thời tiết thuận lợi, giống tốt nên gia đình anh Hoạch, anh Thư và một số hộ dân trong làng “trúng” vụ ba ba, thu lãi lớn. Thấy vậy, nhiều hộ dân trong làng cũng tìm mọi cách vay vốn, đào ao, xây bể để nuôi ba ba. Kiến thức bài bản để nuôi ba ba không có, người ta chỉ dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước hoặc tự làm rồi rút kinh nghiệm. Cuối năm 2001, đầu năm 2002, thôn Bạch Xá trở thành khu buôn bán sầm uất, nườm nượp người buôn, kẻ bán ba ba thương phẩm, ba ba giống. Không cần mời chào, không cần quảng cáo, các thương lái từ khắp nơi đổ về đây “ăn hàng”, dòng tiền đổ về Bạch Xá mỗi ngày một nhiều thêm. Đó là thời kỳ hoàng kim nhất của nghề nuôi ba ba ở Bạch Xá. Hàng tấn ba ba thương phẩm và hàng chục nghìn con giống được buôn bán, trao đổi trên thị trường. Trung bình một con ba ba giống 1 tháng tuổi có giá từ 10 đến 15 nghìn đồng/ con, tùy theo chất lượng, chủng loại ba ba trơn hay ba ba gai. Giá ba ba thương phẩm loại 1 trung bình từ 320 nghìn đồng/kg, loại thấp nhất là 180 nghìn đồng/kg, có những khi thị trường khan hàng giá ba ba gai được đẩy lên đến 400-500 nghìn đồng/kg.

Người dân trong thôn, ai cũng phấn khởi trước sự đổi đời này, nghề thì dễ làm mà thu nhập lại lớn, chỉ cần có cái ao khoảng vài trăm mét vuông là mỗi năm thu được từ 60 đến 70 triệu đồng. Từ chỗ chỉ có vài hộ dân tự phát rồi có đến gần 200 hộ đổ xô vào việc nuôi “thần tài”.

Cần câu trả lời đúng

Anh Nguyễn Văn Trọng, phó chủ tịch UBND xã Hoàng Đông cho chúng tôi biết: Nghề nuôi ba ba ở địa phương đang phát triển tốt, mang lại cho địa phương một nguồn thu lớn. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài. Cuối năm 2004 đầu năm 2005 ba ba của hàng loạt các gia đình trong thôn tự nhiên bị các bệnh như: lở loét, rữa chân, móng, mai. Để cứu vãn tình cảnh, các hộ chăn nuôi đã lội xuống ao bắt từng con ba ba lên bôi thuốc, nhưng ba ba chết mỗi ngày một nhiều, không khí trong làng chùng xuống. Ba ba chết, vốn liếng của người dân cũng “chết” theo, nhà ít thì vài chục triệu, nhà nhiều lên đến cả trăm triệu. “Của đau con xót”, nhìn ba ba chết nhiều người bỏ cả ăn, cả làm, không ít gia đình lâm vào cảnh lao đao, trát nợ của ngân hàng đến từng ngày. Sau trận dịch, cả thôn chỉ còn khoảng chục hộ trụ lại với nghề nuôi ba ba, số còn lại đành đi làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ, học nghề khác để kiếm sống. Một số gia đình cũng muốn quay lại với nghề nuôi ba ba, song lực bất tòng tâm vì nợ cũ còn chưa trả thì lấy vốn ở đâu ra. Ngay như “vua ba ba” một thời Nguyễn Khắc Thư giờ cũng chuyển qua nuôi ngan, thả cá, ao của nhà anh chỉ còn vài ba trăm con ba ba. Sau trận dịch, một số người đi tìm nguyên nhân của việc ba ba chết hàng loạt, song đến nay vẫn chưa có một nguyên nhân cụ thể để giải thích về vấn đề này. Có người cho rằng, tại nguồn nước lấy từ sông Nhuệ bị ô nhiễm nên ba ba chết, nhưng cũng có ý kiến lý giải do việc nuôi ba ba ồ ạt của người dân trong khi kiến thức chăn nuôi còn hạn chế, nguồn thức ăn dư thừa không được xử lý cũng là nguyên nhân gây bệnh cho vật nuôi.

Anh Nguyễn Văn Trọng khẳng định: Khi nghề nuôi ba ba ở địa phương phát triển, trên tỉnh cũng có dự án đầu tư nhưng điều kiện quy định quá chặt chẽ như diện tích quy hoạch để nuôi ba ba phải liền ô, liền thửa, lập thành trang trại từ một héc-ta trở lên thì mới được hỗ trợ số tiền 1.000.000 đồng/hộ cho việc đào vét, đắp bờ. Thế nhưng trên thực tế người dân đâu có nhiều đất đến như vậy, do đó dự án thất bại và việc con ba ba tồn tại, phát triển cũng là do người dân tự phát. Gần đây, một số ngành chức năng của tỉnh đã về lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm nhưng chưa thấy hồi âm. Năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là tinh thần đáng trân trọng của người dân thôn Bạch Xá. Có thể nói chọn nuôi ba ba là nghề để phát triển kinh tế, người dân Bạch Xá đã tìm đúng hướng đi cho mình. Thành công từ con ba ba từng được khẳng định bằng hiệu quả kinh tế nhưng hiện tại nguyên nhân ba ba chết hàng loạt lại đi vào ngõ cụt, chưa có câu trả lời cụ thể. Mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam khẩn trương tìm nguyên nhân, có biện pháp xử lý và khôi phục lại nghề nuôi ba ba ở thôn Bạch Xá. Mặt khác, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cũng cần có sự quan tâm giúp đỡ người dân trong thôn Bạch Xá nói riêng và xã Hoàng Đông nói chung sớm tìm được hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh. Tìm cây, con phù hợp trong sản xuất và có biện pháp phòng trừ dịch bệnh để đem lại hiệu quả kinh tế cao đang là sự mong mỏi của người dân trong thôn Bạch Xá, mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn.

Nhóm phóng viên phòng Bạn đọc và Cộng tác viên

 


Bạc Liêu: Đưa 2.700 hộ nghèo vào 8 hợp tác xã nuôi nghêu

Nguồn tin: BCT, 15/9/2006
Ngày cập nhật: 17/9/2006


Tôm chết, kéo nhau đi tìm việc

Nguồn tin: NLĐ, 15/9/2006
Ngày cập nhật: 17/9/2006

Sáng 13-9, tại UBND xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ - TPHCM, có hơn 20 thanh niên đến sao y, chứng thực hồ sơ xin việc. Càng về trưa, số người đến chứng thực hồ sơ xin việc càng đông, khiến các cán bộ, nhân viên hành chính xã phải làm việc liên tục.

Không riêng gì xã Bình Khánh, mấy ngày qua, ở một vài xã khác của huyện Cần Giờ cũng diễn ra cảnh tương tự. Qua tìm hiểu, được biết phần lớn số thanh niên này trước đây đều theo nghề nuôi tôm. Nhưng do bị thất mùa, tôm chết hàng loạt, lỗ nặng, họ kéo nhau lên khu chế xuất Tân Thuận, các xí nghiệp tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hoặc vào nội thành để tìm việc, kiếm sống. Anh Nguyễn Quang Thành (SN 1982) ở xã Bình Khánh nói: Do không có nghề nghiệp chuyên môn, tụi tôi chỉ mong kiếm việc phụ sản xuất hoặc làm lao động phổ thông cho các nhà máy...

H. Nhi

 


Nuôi tôm càng xanh chung ao tôm sú ở Trà Vinh: Hiệu quả bước đầu

Nguồn tin: BCT, 15/9/2006
Ngày cập nhật: 16/9/2006

Ông Nguyễn Văn Tiếp (Sáu Tiếp) ở ấp Đa Cần, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đã thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh chung với tôm sú trong 2 năm liền. Cả 2 năm liên tiếp ông đều đạt hiệu quả kinh tế cao...

Ông Sáu Tiếp là chủ một doanh nghiệp tư nhân, chuyên kinh doanh và sản xuất các loại giống thủy sản, cung ứng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Ông cũng là một trong số ít người ở Trà Vinh đã nghiên cứu và sản xuất thành công con giống tôm càng xanh. Ngoài việc kinh doanh con giống thủy sản, ông còn nuôi ba ba, các loại cá nước ngọt, tôm sú, tôm càng xanh.

Nhiều năm công tác trong ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh (ông nguyên là Giám đốc Trung tâm khuyến ngư Trà Vinh), đã tạo điều kiện cho ông có nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất các loại con giống thủy sản, cũng như tìm ra các mô hình nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm càng xanh chung với tôm sú trong cùng một ao. Nói về ý tưởng thực hiện mô hình này, ông Sáu Tiếp cho biết: Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2005, ông thả nuôi 60.000 con giống tôm sú trên ao nuôi có diện tích 8.000m2 tại vùng đất thuộc ấp Rẫy, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang. Sau 15 ngày thả nuôi tôm sú, ông thả vào ao nuôi 5.000 con giống tôm càng xanh. Sau 4 tháng rưỡi, ông thu hoạch được 1,3 tấn tôm sú thương phẩm và gần 200 kg tôm càng xanh. Riêng tôm càng xanh, ông bán được hơn 13 triệu đồng.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm càng xanh chung ao nuôi tôm sú, vụ nuôi tôm năm 2006 này, ông Sáu Tiếp đã thả nuôi 45.000 con giống tôm sú và 15.000 con giống tôm càng xanh trong cùng một ao có diện tích 8.000m2. Sau gần 5 tháng chăm sóc, trong đợt thu tỉa đầu tiên (chọn ra các loại tôm lớn để có thể bán được giá cao) tuy chưa thu hết 1/2 ao, nhưng đã được hơn 300 kg tôm càng xanh loại 2 (từ 10 -15con/kg). Với phương pháp rọng tôm càng có bơm oxy để bán tôm sống, nên giá tôm càng xanh lên đến 165.000đ/kg, ông đã thu về gần 50 triệu đồng và 12 triệu đồng từ bán tôm sú.

Từ nhiều năm qua, phong trào nuôi tôm càng xanh ở tỉnh Trà Vinh chỉ tập trung ở các vùng nước ngọt. Chưa ai dám thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh chung với tôm sú ở vùng nước mặn lợ, có độ mặn dao động từ 0 đến 15%o, vì nhiều người cho rằng con tôm càng xanh ở vùng nước này, hoặc nuôi chung với tôm sú sẽ không mang lại hiệu quả. Thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến ngư Trà Vinh, cho rằng: Tôm càng xanh sống được độ mặn 25%o, nhưng tôm càng xanh phát triển tốt nhất ở độ mặn từ 0 đến 10%o. Do đó, ở những vùng nuôi tôm sú luân canh với lúa, nếu gặp rủi ro thì có thể chuyển qua cắt 1 vụ nuôi tôm sú, để thả nuôi tôm càng xanh trên nền ruộng lúa, với điều kiện chỉ nuôi chuyên về con tôm càng xanh. Bởi vì phổ thức ăn của chúng không giống nhau. Nếu nuôi tôm càng xanh mà cho ăn thức ăn của tôm sú thì chi phí tốn rất cao, không hiệu quả.

Mô hình nuôi tôm càng xanh chung với tôm sú của ông Sáu Tiếp thành công trong hai vụ nuôi liên tiếp cho thấy: đối với các vùng nước lợ ở Trà Vinh như huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú (trong môi trường nước có độ mặn dao động từ 0 đến 15%o), tôm càng xanh vẫn phát triển khá nhanh, hiệu quả kinh tế đem lại tương đối cao. Đây là cơ hội để bà con nông dân ở tỉnh Trà Vinh thực hiện giải pháp đa dạng con giống trong nuôi thủy sản, nhằm tăng thêm giá trị kinh tế, giảm bớt những bất lợi từ phong trào nuôi thủy sản ở vùng nước mặn. Tuy nhiên, mô hình này đang cần sự thẩm định tiếp sức của các nhà khoa học.

LÊ LONG

 


Hòa Bình (Bạc Liêu): Nuôi tôm không hiệu quả, nhiều hộ lấp ao trồng lúa

Nguồn tin: NLĐ, 15/92006
Ngày cập nhật: 16/9/2006

Đó là tình trạng hiện đang diễn ra tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Do nuôi tôm thất bại liên tiếp mấy năm liền, nợ nần chồng chất không có khả năng khắc phục, nhiều người dân đã lấp ao san bằng để trồng lúa.

Điều đáng nói là việc chuyển đổi này lại vi phạm quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt (vì đây thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản). Nhưng chính quyền địa phương không biết xử lý vi phạm này như thế nào, vì liên tiếp mấy năm liền tôm nuôi tại địa phương thất bại, nợ xấu toàn xã lên đến trên 20 tỉ đồng.

N.Hồ


Mỹ nhận sai sót về mức thuế cá tra, basa Việt Nam

Nguồn tin: Vnn, 15/09/2006
Ngày cập nhật: 16/9/2006

 


Thới Thuận - khi người dân quyết tâm bảo vệ sân nghêu

Nguồn tin: Bến Tre, 15/09/2006
Ngày cập nhật: 16/9/2006

Là xã biển có chiều dài 19 km, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nghêu khá lớn trên 900 ha, Thới thuận trong nhiếu năm qua, nhất là 5 năm trở lại đây khi Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông ra đời đã tổ chức quản lý, khai thác và tiêu thụ con nghêu khá hiệu quả. Từ 1.116 xã viên và 3.000 lao động, vốn điều lệ chỉ trên 200 triệu đồng nay lên 1.457 xã viên, 7.000 lao động và vốn điều lệ tăng trên 2 tỷ đồng. Vì sao HTX Rạng Đông phát triển ổn định và có hiệu quả như vậy?

Trước hết là từ hiệu quả của công tác đổi mới trong quản lý điều hành và sản xuất kinh doanh. Xuất phát từ nhận thức hoạt đông của HTX phải đảm bảo phát huy cao nhất tính ưu việt của tổ chức kinh tế tập thể. Trong suốt 5 năm qua, HTX không ngừng đổi mới phương thức quản lý từ công tác bảo vệ đến khai thác, kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho xã viên. Bước đầu sắp xếp tổ chức bộ máy có nề nếp, phân công phù hợp khả năng từng người nên hiệu quả làm việc ngày càng cao. Đặc biệt, HTX thực hiện quy chế dân chủ tốt, thông qua Đài truyền thanh, báo cáo hành tháng đến tổ đại biểu xã viên. Nhờ vậy, xã viên thật sự tin tưởng mô hình HTX, quyết tâm ủng hộ bảo vệ tốt bãi nghêu. Về quản lý bãi nghêu, HTX và bà con xã viên luôn xác định phải có sự đồng tình thống nhất cao từ Ban chủ nhiệm đến từng xã viên. Từ đó HTX tổ chức học tập để tất cả xã viên nhận thức rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà gắn bó với HTX trong công tác quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, HTX còn thành lập đội bảo vệ chuyên trách canh giữ thường xuyên không để thất thoát. Có sự phân công theo dõi, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý HTX theo sở trường và năng lực. Nhờ vậy, đã phát huy tốt sức mạnh của tập thể, cá nhân. Công tác quản lý lao động từng bước được chú trọng. Đã hình thành các tổ, đội lao động ở các ấp có tổ chức, nề nếp khá tốt. Khi khai thác HTX có phiếu điều công lao động hợp lý theo hình thức xoay vòng, tạo công bằng, cân đối trong thu nhập của xã viên. Mặc khác, có sự thay đổi lớn trong phương thức kinh doanh, khai thác của HTX. Nếu như trước đây, khi thu hoạch nghêu HTX thường bán theo phương thức chọn khách hàng quen thuộc, tức khách mối nên giá không cao, thường hay bị ép giá. Nay bán theo phương thức đấu giá công khai nên doanh thu và hiệu quả ngày càng cao. 5 năm qua tổng doanh thu trên 61 tỷ đồng, lãi thu được 32 tỷ đồng. Từ hoạt động có hiệu quả, HTX đã không ngừng chăm lo cho đời sống xã viên, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động, bình quân mỗi năm một lao động thu được trên 4,2 triệu đồng. Trong 5 năm, HTX đã chia lãi cho xã viên với tổng số tiền là 23,5 tỷ đồng, bình quân một năm mỗi xã viên thu được trên 3,2 triệu đồng. Như vậy tính ra thu nhập từ hai nguồn công thuê và chia lãi xã viên bình quân mỗi hộ xã viên thu được 4,7 triệu đồng/ năm. Riêng công tác giáo dục và chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên HTX ngày càng được chú trọng. HTX đã đưa đi đào tạo 4 đại học, 2 trung cấp, 11 công nhân. Thu nhập của cán bộ quản lý HTX hiện nay trên 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn tham gia công tác xã hội khá tích cực, mỗi năm ủng hộ 5 căn nhà tình nghĩa, 25 nhà tình thương, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách với tổng số tiền 80 triệu đồng. Ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi công cộng hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng- chủ nhiệm HTX: Sự thành công và hiệu quả của HTX trong nhiều năm qua cái lớn nhất chính là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý. Trước hết là sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể. Sự thống nhất và đoàn kết trong nội bộ giữa BQT, BCN, BKS cùng với sự quyết tâm cao của công nhân viên và đặc biệt là người lao động. HTX đã mạnh dạn kiện toàn tổ chức nhân sự hợp lý, tạo sự hoạt động nhịp nhàng giữa các bộ phận nghiệp vụ. Đầu tư cải tiến công tác quản lý, chuyên môn. Mạnh dạn đề bạc giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ có năng lực, tích cực trong công tác. Chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo và dự nguồn cán bộ. Đẩy mạnh công tác thi đua, phát huy sáng kiến lề lối làm việc sao cho có hiệu quả nhất. Thực hiện chế độ kỹ luật thật nghiêm đối với những người vi phạm nội qui, qui chế hoạt động của HTX. Động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích trong công tác. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thề và thường xuyên kiểm tra, tạo ý thức làm chủ tập thể trong mọi công nhân viên, xã viên.

Hữu Hiệp

 


An Nhơn (Bình Định): giá cá lóc thương phẩm bị “bóp chẹt” !

Nguồn tin: BBĐ, 15/9/2006
Ngày cập nhật: 16/9/2006

Từ giữa năm 2005 đến nay, nhiều hộ nông dân ở huyện An Nhơn (Bình Định)đã nuôi thành công cá lóc trong hồ bạt nylon. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi cá lóc chưa cao vì đầu ra của cá lóc bị “bóp chẹt”...

Từ giữa năm 2005, một số hộ nông dân ở thôn Tiên Hòa thuộc xã Nhơn Hưng nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá lóc trong ao bạt nylon từ một người ở tỉnh Đồng Tháp ra chào bán cá giống, và tiến hành nuôi thử nghiệm. Mặc dù chỉ là nuôi lẻ tẻ với những quy mô nhỏ, nhưng nhờ lúc ấy giá cá lóc thương phẩm còn cao (từ 25.000đ-30.000đ/kg) và giá cá vụn làm thức ăn cho cá lóc còn rẻ, nên hiệu quả kinh tế rất khá. Đầu năm 2006, Hội Nông dân xã Nhơn Hưng đã thành lập câu lạc bộ (CLB) nuôi cá lóc với 6 thành viên. Để tạo điều kiện cho CLB hoạt động, UBND xã đã ưu tiên cho CLB thuê đất dự phòng để làm hồ nuôi, mỗi thành viên góp vào 30 triệu đồng, thả nuôi 40.000 con cá giống. Song song với mô hình CLB này, nhiều hộ dân quanh vùng cũng làm hồ bạt nuôi cá với sự hỗ trợ về kỹ thuật của những thành viên trong CLB. Vùng nào nước không bị nhiễm phèn là nuôi cá lóc được nên phong trào nuôi ngày càng lan rộng.

Việc tổ chức nuôi cá lóc trong hồ bạt khá đơn giản; cá giống thì không phải đi tìm mua đâu xa, ngay bên chân cầu Xi Ta (xã Nhơn Hưng) có trại chuyên nuôi cá giống của ông Mửng (quê ở tỉnh Đồng Tháp, người chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lóc trong hồ bạt cho người dân ở đây) lúc nào cũng sẵn sàng cung ứng và hướng dẫn cách nuôi cho hộ nào có nhu cầu. Thức ăn cho cá là các loại cá vụn (cá biển). Anh Tô Văn Tư - Chủ nhiệm CLB nuôi cá lóc ở Nhơn Hưng - tính toán: “Với 40.000 con giống ban đầu, sau khi hao hụt, hiện trong các hồ nuôi của CLB còn khoảng 28.000 con cá với sản lượng ước thu được là 10 tấn cá thương phẩm. Nếu giá của nó ổn định như thời gian trước đây là 30.000đ/kg thì xuất hết cá trong hồ chúng tôi sẽ thu được 300 triệu đồng. Trừ tổng chi phí tính đến nay là 180 triệu, chúng tôi sẽ còn lãi ròng 120 triệu đồng.

Thế nhưng mọi điều diễn ra không suôn sẻ như vậy. Ông Ngô Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hưng - cho biết: Tính từ khi nuôi cá lóc đến nay, các hộ nuôi nhỏ lẻ đã xuất bán được khoảng 25 tấn cá lóc cho các thị trường Đà Nẵng và Gia Lai, với giá có thời điểm lên đến 30.000đ/kg. Thế nhưng khi CLB định xuất 10 tấn cá thì các thương lái lại báo giá chỉ còn 20.000đ/kg. Mà không bán cho họ thì bán cho ai? Các thương lái cũng biết vậy nên họ muốn “ấn” giá như thế nào cũng được. Các thành viên CLB không chấp nhận kiểu “bóp chẹt” quá đáng như vậy nên đành phải “ngâm” lại 10 tấn cá chờ tìm đầu ra hợp lý, chứ không xuất bán cho các “bạn hàng” lâu nay. Và như vậy tình hình này đã làm “nhụt chí” nhiều hộ nông dân khác đang có ý định đầu tư nuôi cá lóc.

Vũ Đình Thung


Sóc Trăng: Cá kèo giống hút hàng

Nguồn tin: SocTrang, 14/09/2006
Ngày cập nhật: 15/9/2006

Do chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, nguồn cung có hạn trong lúc nhu cầu lại lớn, giá cá kèo giống tại tỉnh Sóc Trăng từ đầu vụ đến nay luôn đứng ở mức cao, từ 70.000 đ đến 80.000 đồng/kg. Với diễn biến giá cả hiện nay, theo nhận định của các chủ cơ sở kinh doanh giống thủy sản tại Vĩnh Châu – nơi duy nhất tỉnh Sóc Trăng nơi cung ứng nguồn hàng đặc biệt này, trong những ngày tới giá cá kèo giống có thể lên tới 1.000.000 đồng/kg loại từ 20.000 – 40.000 con/kg.

Vài ba năm nay, cá kèo giống xuất hiện nhiều dọc theo tuyến rừng phòng hộ ven biển và nội đồng huyện Vĩnh Châu vào thời điểm tháng 5 đến tháng 8, 9 hàng năm trong đó nơi có mật độ dày đặc nhất là các bãi bồi thuộc địa bàn hai xã Vĩnh Tân và Vĩnh Hải ( huyện Vĩnh Châu ). Bà con sở tại đã khai thác bằng cách dùng vợt hớt đem bán cho các đầu mối thu gom cung ứng cho các hộ nuôi cá kèo dọc tuyến duyên hải bán đảo Cà Mau thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Vào ngày cao điểm có hàng trăm người khai thác cá kèo giống với sản lượng thu hoạch cả vụ đạt 3 – 4 tấn cá kèo giống.

Minh Trí

 


Tiền Giang: Nuôi thử nghiệm 20 nghìn con hàu tại khu vực cống rạch bùn xã Tân Điền

Nguồn tin: Vasep, 14/9/2006
Ngày cập nhật: 15/9/2006

Phòng Thủy sản huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) bước đầu đã thành công trong việc nuôi 20 nghìn con hàu tại khu vực cống rạch bùn xã Tân Điền. Sau hơn hai tháng nuôi từ trọng lượng 50 con/kg, đến nay hàu lớn khá nhanh và đạt trọng lượng với 20 con/kg. Hiện nay, hàu thương phẩm loại 10 con/kg có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

(Theo Nhân dân, 14/9/2006)

 


ĐBSCL: Giá cá tra giống cao nhất từ trước đến nay

Nguồn tin: Vasep, 14/9/206
Ngày cập nhật: 15/9/2006

Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - nơi ương và cung cấp cá tra giống lớn của ĐBSCL, cá tra giống loại 2cm/con đang ở mức 600 đồng/con, cao nhất từ trước đến nay. Riêng loại cá 1,5cm/con, giá cũng đã tăng từ 220 lên 280 đồng/con so với thời điểm cách đây 2 tháng. Mặc dù giá cao, nhưng do nhu cầu mua nuôi từ nhiều địa phương rất lớn, nên lượng cá giống cung cấp không đủ, đã gây nên tình trạng tranh mua, làm cho giá cá càng tăng lên từng ngày.

H.Hậu (Lao động, 14/9/2006)

 


Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng

Nguồn tin: BCT, 14/9/2006
Ngày cập nhật: 15/9/2006

 


Tôm hùm được giá, không nên nuôi đại trà

Nguồn tin: VTV, 14/09/2006
Ngày cập nhật: 15/9/2006

Sau khi đạt ngưỡng 700 ngàn đồng/kg, trong tuần này, giá tôm hùm thương phẩm ở vùng nuôi tỉnh Phú Yên dao động ở mức 650-655 ngàn đồng/kg đối với tôm loại một. Tuy nhiên, mức giá này vẫn được xem là khá cao.

Như vậy, suốt trong năm nay, tại vùng nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên, giá tôm hùm luôn ở mức trên 600 ngàn đồng/kg. Đây là giá bán cao nhất trong vòng vài năm nay. Cũng vì lý do này, hiện tại, nhiều nông dân tập trung vào nuôi tôm hùm, tôm hùm đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá trị nghề nuôi thuỷ sản. Cả tỉnh Phú Yên, quy mô nuôi tôm hùm thương phẩm đã lên trên 16 ngàn lồng, sản lượng thu hoạch tính từ đầu năm đến nay là 615 tấn.

Sở Thủy sản tỉnh Phú Yên khuyến cáo nông dân, không vì lý do giá bán tăng cao mà ồ ạt nuôi tôm hùm. Sự phát triển nhanh chóng nghề nuôi tôm hùm sẽ là sức ép lớn đối với nguồn lợi con giống từ biển.

Tấn Quynh

 


Miền Trung phát triển thuỷ sản bền vững

Nguồn tin: VNECONOMY, 14/09/2006
Ngày cập nhật: 14/9/2006

Khoảng 2 năm gần đây, nuôi trồng thủy sản miền Trung có chiều hướng phát triển không thuận lợi, tiềm ẩn yếu tố rủi ro và bộc lộ sự thiếu bền vững, nhất là ở các tỉnh Nam Trung Bộ: nhiều cơ sở sản xuất tôm giống thua lỗ nặng, nhiều DA nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả thấp, nuôi tôm trên cát ảnh hưởng môi trường nhưng vẫn thất thu, thiếu giống và công nghệ cho nuôi cá biển và nhuyễn thể...

Khu vực ven biển miền Trung có 14 tỉnh thành, trải dài trên 1.800 km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với trên 250.000 lao động nghề cá và hàng triệu nhân khẩu sống phụ thuộc.

Tuy không có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản như miền Bắc và miền Nam, nhưng lại có vai trò quan trọng đối với sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và là nơi sản xuất phần lớn tôm giống cung cấp cho các vùng nuôi trên cả nước.

Theo quy hoạch của các tỉnh, diện tích mặt đất, mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản toàn khu vực lên tới 262.600 héc ta (trong đó diện tích vùng đầm phá là 12.000 ha, vùng triều: 95.159 ha, vùng bãi cát: 26.000 ha, nuôi biển: trên 59.600 ha, vùng chuyển đổi: trên 50.000 ha).

Thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 - 2010, các địa phương trong khu vực đã tích cực phát huy tiềm năng tự nhiên, đưa sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng tới 165% trong 5 năm vừa qua (từ 52.491 tấn vào năm 2000 lên 86.986 tấn vào năm 2005).

Nhiều diện tích mặt nước tự nhiên, nhiều vùng đất, vùng cát hoang hóa đã được biến thành đầm nuôi thủy sản. Những tiến bộ kỹ thuật được nhanh chóng đưa vào sản xuất, sáng tạo ra nhiều phương thức nuôi mới, phát hiện đối tượng nuôi mới có giá trị; nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cư dân ven biển và đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của toàn ngành thủy sản.

Đến cuối năm 2005 vừa qua, tổng diện tích đã được đưa vào sử dụng nuôi nước mặn, nước lợ của toàn vùng đã đạt 29.090 ha.

Qua những thất bại trong sản xuất, nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết cho nghề nuôi tôm ở các tỉnh miền Trung. Năm 2005, tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng đạt 28.065 ha (nuôi thâm canh: 1.800 ha, bán thâm canh: 13.000 tấn, quảng canh cải tiến: trên 13.000 ha), đạt sản lượng gần 34.000 tấn (năng suất nuôi theo các phương thức lần lượt là: 3 - 6 tấn/ha, 1 - 3 tấn/ha, 0,3 - 0,7 tấn/ha).

Tuy nhiên, trong mấy năm đầu triển khai Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, thị trường có cầu lớn hơn cung, nên hàng loạt trại tôm sú giống được hình thành, chủ yếu chạy theo số lượng, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Khoảng 2 năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất giống bị thua lỗ phải đóng cửa do không đủ năng lực tài chính và không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của khách hàng.Tìm ra hướng đi hiệu quả và bền vững cho nuôi trồng thủy sản ven biển miền Trung là việc làm cấp thiết không những của riêng từng địa phương mà còn là của toàn ngành thủy sản.

Tại Hội nghị chuyên đề vừa được tổ chức (ngày 7 và 8/9) tại Tp. Huế, ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết: "Bộ Thủy sản sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch theo định hướng các đối tượng nuôi và công nghệ nuôi phù hợp; quy hoạch bám sát đặc điểm tự nhiên, khí hậu từng địa phương để áp dụng các đối tượng nuôi phù hợp; đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư và khoa học - công nghệ nuôi trồng thủy sản phù hợp; quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm trên cát, giống tôm chân trắng, khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản;

Tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích việc liên kết nuôi trồng thủy sản theo các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; thành lập hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản từ tỉnh đến huyện, xã; đa dạng hóa các đối tượng nuôi phù hợp với vùng đầm phá, vùng triều và vùng bãi cát".

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2006-2010, toàn ngành sẽ thực hiện 77 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, với tổng vốn đầu tư hơn 1.307 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách là 719.839 triệu đồng), nhằm mục tiêu đưa diện tích nuôi trồng thủy sản các tỉnh trong khu vực đạt 154.500 ha, sản lượng đạt 160.000 tấn.

Nghề nuôi trồng thủy sản sẽ tập trung vào các vùng tiềm năng với các đối tượng nuôi và phương thức nuôi phù hợp: vùng đầm phá nuôi tôm sú, tôm chân trắng, luân xen với cua, ghẹ, các loài giáp xác khác, cá nước lợ, nhuyễn thể, rô phi với phương thức thâm canh, bán thâm canh là chủ yếu; nuôi dưới triều các đối tượng nhuyễn thể theo phương thức khoanh vùng bảo vệ để sinh sản phát triển tự nhiên, trồng rong biển ở những nơi có điều kiện thích hợp; vùng bãi cát: nuôi tôm sú, tôm chân trắng, cá biển theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, luân xen canh với cua ghẹ, nhuyễn thể, những khu vực trước đây nuôi tôm sú đã bị suy thoái môi trường có thể nuôi tôm chân trắng; vùng biển, hải đảo: nuôi tôm hùm, các đối tượng nhuyễn thể ở vùng biển nông, nuôi các đối tượng cá biển ở vùng biển sâu hoặc ao đất, bể xây trên hải đảo; sản xuất giống hàng hóa các đối tượng: tôm sú, tôm chân trắng, giáp xác khác, cá biển, nhuyễn thể.

Đức Long

 


Ông Sáu Cam và con cá chình "thời sự"

Nguồn tin: BCT, 14/9/2006
Ngày cập nhật: 14/9/2006

Đối với nhiều nông dân ở tỉnh Sóc Trăng, nuôi cá chình đang là chuyện thời sự. Thời sự không chỉ từ lợi nhuận hấp dẫn do loài cá này mang lại mà còn bởi có người đã chứng minh được khả năng thích nghi “tuyệt vời” của con cá chình - hé mở một hướng làm giàu mới cho nông dân Sóc Trăng. Người tạo nên “chuyện thời sự” này là ông Trần Minh Quang (tự Sáu Cam) ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên.

TỪ 10 CON CÁ CHÌNH...

Ông Sáu Cam kể: “Trước khi về hưu (ông nguyên là Giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - PV), tôi có dịp đi công tác từ Nam ra Bắc. Tôi để ý thấy, trong buổi tiệc nào, hễ có món cá chình thì y như rằng ai nấy cũng đều mê tít. Nhưng, cuối buổi tiệc, nhìn vào hóa đơn thanh toán, ai cũng lắc đầu vì giá món đặc sản này quá đắt : 500.000 – 600.000 đồng/kg”. Sau mỗi lần như thế, mộng nuôi cá chình làm giàu cứ lớn dần, lớn dần trong đầu ông Sáu Cam.

Cái khó là ông Sáu muốn “thử nuôi” loài cá này ở vùng nước ngọt, trong khi trên thực tế, vài năm trước, cá chình chỉ “nổi đình nổi đám” ở vùng nước lợ, nước mặn thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Khoảng cuôi năm 2004 đầu năm 2005, trong một chuyến tham quan mô hình nuôi cá chình nước mặn ở Cà Mau, ông Sáu Cam mua 10 con (1kg) cá giống về để nuôi thử nghiệm ở vùng nước ngọt. Sau 2 tháng thả nuôi, 10 con cá chình này, như ông nói, “chẳng những tỏ ra thích nghi với môi trường nước ngọt, mà còn lớn nhanh vùn vụt”. Không nén được vui mừng, ông Sáu đem chuyện thử nghiệm nuôi cá chình của mình tâm sự với những người bạn trong Hội Nghề cá Sóc Trăng. Bị hấp dẫn bởi giá cá chình thương phẩm khá cao trên thị trường, cộng với phát hiện của ông Sáu Cam và mong muốn triển khai đối tượng nuôi mới hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, Hội Nghề cá tỉnh Sóc Trăng đã thiết lập dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá chình thương phẩm tại Sóc Trăng”. Đương nhiên, ông Sáu Cam là ứng viên số 1 để triển khai mô hình thử nghiệm thí điểm thực hiện dự án này.

Có dân chuyên môn “hậu thuẫn”, ông Sáu Cam mạnh dạn cải tạo 2.200m2 ao nuôi tôm cho phù hợp với con cá chình. Ngày 8-3-2005, gần 147 kg cá chình giống mua từ TP Hồ Chí Minh (185.000 đồng/kg, do Hội Nghề cá tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ) chính thức được ông Sáu Cam thả nuôi. Để gia tăng hiệu quả kinh tế, cùng với cá chình, ông thả nuôi thêm cá rô phi và cá bống tượng. Ngày 15-6-2006, sau 15 tháng lẻ 9 ngày, mô hình nuôi cá chình nước ngọt đầu tiên ở Sóc Trăng thu hoạch. Hôm ấy, tại điểm nuôi ở khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, khách khứa tới nườm nượp. Nào là “chức sắc” cấp tỉnh, nào là những “đại gia” trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đến tìm hiểu thực hư và hiệu quả kinh tế của loài cá này mang lại. Chứng kiến những chú cá dài ngoằn cố vùng vẫy thoát khỏi tấm lưới căng phồng, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên và trầm trồ, bàn tán rất xôn xao. Lẩn trong đám đông, ông Sáu Cam đội nón “tai bèo”, ít bàn tán nhất nhưng xông xáo chạy tới, chạy lui. Sau một mẻ lưới căng phồng, đầy những chú cá chình, ông lại cười tươi rói. Theo số liệu tổng kết từ Hội Nghề cá Sóc Trăng, với 3 đối tượng (cá chình, cá rô phi, cá bống tượng), mô hình nuôi cá chình nước ngọt của ông Sáu Cam đạt tổng lợi nhuận trên 291 triệu đồng. Nguồn lợi khổng lồ này, từ trước đến nay, chưa có loài cá nước ngọt nào đạt được.

...ĐẾN NHỮNG KẾ HOẠCH LỚN

Từ Sóc Trăng, đi về hướng Bạc Liêu, qua cầu Nhu Gia, rẽ trái là đến cơ ngơi của ông Sáu Cam. Dù gây tiếng vang bằng con cá chình, nhưng trước cơ ngơi của ông lại có tấm bảng to đùng với nội dung thu mua bò, thu mua cá bống tượng. Trước khi đến với con cá chình, ông Sáu Cam đã có gần 30 năm “kinh qua” nào là cá tai tượng, cá rô phi, cá bống tượng và kể cả con cá tra hầm. Dù nuôi con gì, do đã tìm hiểu kỹ đặc tính của từng loại, dự đoán thị trường nên chúng đều không “phản” ông. Đối với con cá chình cũng không ngoại lệ. Có được nghe ông Sáu Cam nói về cách cá chình ăn, cách chúng sinh hoạt hay những “rắc rối” của chúng khi “trái gió trở trời” thì mới thấy những thành công lớn của ông dù chỉ mới nuôi cá chình chưa đầy 2 năm nay là hoàn toàn xứng đáng. Và cũng bởi dày công như thế, ông đang có những dự tính lớn lao cho con cá chình tiếp tục phát triển, gia tăng hiệu quả kinh tế trong thời gian tới…

Ông Sáu Cam đang tiếp tục “nghiên cứu” để hình thành cơ sở ươm giống. Ông cho biết: “Con giống ở các tỉnh miền Trung khi ngư dân vớt được chỉ khoảng 1.000 – 1.500 đồng/con. Khi đem về thuần dưỡng vài tháng, cơ sở ươm giống xuất bán ít gì cũng vài trăm ngàn đồng/kg (khoảng 10 con/kg), nhưng nguồn con giống luôn trong tình trạng khan hiếm”. “Nói có sách, mách có chứng”, hôm tôi đến, ông Sáu dẫn tôi tham quan bể ươm thử nghiệm. Kéo những “chiếc vó” thức ăn lên khỏi mặt nước, chỉ những chú cá chình giống cỡ đầu đũa ăn, dài chưa đầy 15 cm, ông khoe: “Chỉ hơn 2 tháng, cá giống lúc bắt về đã lớn được chừng đó rồi. Chúng rất háu ăn nên mau lớn lắm. Cỡ này bắt có thể xuất bán cả trăm ngàn đồng/kg được rồi đó”. Hứng chí với chuyện cá chình, ông Sáu còn kể cho tôi nghe nào là nuôi bò lấy phân nuôi trùng quế làm thức ăn cho cá giống; sẽ đầu tư máy sục khí đáy ao, gia tăng mật độ thả nuôi để gia tăng hiệu quả kinh tế… “Làm được những vấn đề này, từ con cá chình, tôi sẽ có bạc trăm triệu chắc ăn như bắp”- ông Sáu Cam khẳng định.

Sau ngày thu hoạch cá chình, ông Sáu Cam bỗng như biến đâu mất. Thì ra, ông thường ở miết tận Nha Trang, Phú Yên… để lo chuyện phát triển cá chình. Muốn gặp ông, sau nhiều lần “quảy gánh quay về”, tôi phải điện thoại hẹn trước… một tuần. Vậy mà, câu chuyện của tôi và ông liên tục bị ngắt quãng do ông phải nghe điện thoại. Thì ra, ngoài chuyện tính toán kế hoạch tương lai cho con cá chình, tư vấn kỹ thuật nuôi cho nhiều người, ông Sáu Cam còn lo chuyện giống tôm sú. Vì ngoài nuôi cá, ông Sáu Cam còn là một “đại gia” nuôi tôm sú ở đồng đất Mỹ Xuyên. Biết điều này, tôi hỏi về mức thu nhập trong năm, ông cười tỉnh bơ rồi tính: “Mô hình cá chình, 4 vuông tôm vừa thu hoạch đã gần 1 tỉ đồng. Tôi còn 7 vuông tôm nữa sẽ đến tết sẽ thu hoạch xong… Tính sơ sơ, tệ gì lợi nhuận năm nay cũng trên 1,2 tỉ đồng”.

HÀ TRIỀU


Hai mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả ở Bạc Liêu hiện nay

Nguồn tin: Fistenet, 13/9/2006
Ngày cập nhật: 14/9/2006

Ðến nay, tỉnh Bạc Liêu đã đưa diện tích vào NTTS được gần 108.600 ha, trong đó diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến chiếm trên 90%. Ðiều đáng nói là trong thời gian qua, nông ngư dân trong tỉnh đã hình thành được nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp mang lại hiệu quả, trong đó có mô hình luân canh lúa-tôm và mô hình tôm-cua-cá. Ðây là 2 mô hình sinh thái bền vững, phù hợp với trình độ canh tác và nguồn vốn đầu tư của đa số nông dân.

1. Mô hình luân canh lúa-tôm, lúa-cá

Tính đến cuối năm 2005, Bạc Liêu đã phát triển mô hình lúa-tôm được 18.800 ha, chiếm gần 16% diện tích NTTS của toàn tỉnh, tăng 30% so với năm 2003. Hiện tại có 2 hình thức canh tác lúa-tôm: Loại thứ nhất thả tôm với mật độ 5-8 con/m2, đầu tư chăm sóc, quản lý như dạng bán công nghiệp nhưng ở mức độ thấp, thực hiện trên 1.308 ha ở xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi. Loại thứ hai thả tôm với mật độ 1-2 con/m2 và áp dụng hình thức tỉa thưa, thả bù, thực hiện phổ biến trên địa bàn huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân. Có khoảng 40% diện tích chỉ thả một lần và thu hoạch dứt điểm, năng suất dao động từ 300-700 kg/ha/vụ, lãi trung bình từ 30-50 triệu đồng/ha/vụ; 60% diện tích còn lại thả nuôi liên tục, năng suất dao động từ 100-300 kg/ha/năm.

Hồng Dân là huyện luôn dẫn đầu phong trào sản xuất lúa-tôm của tỉnh. Trong năm 2005, đã cấy lúa và nuôi tôm trên diện tích 12.000 ha, năng suất lúa bình quân 4,0-4,5 tấn/ha, tôm 150-180 kg/ha. Nhờ áp dụng mô hình nuôi trồng kết hợp, một bộ phận nông dân đã có thu nhập luôn ổn định, đời sống được nâng lên. Nếu như năm 2004 có 50% số hộ thành công thì đến năm 2005 đã lên tới 70%. Ðây là mô hình chiếm ưu thế trong việc tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn, hơn nữa rất phù hợp với khả năng canh tác của nông dân. Nếu như nuôi tôm gặp rủi ro thì khả năng tái đầu tư, khắc phục thiệt hại nhanh hơn mô hình khác. Hiện nay, huyện Hồng Dân đang vận động nông dân bố trí sản xuất theo qui hoạch, đầu tư kỹ thuật, tạo sự phát triển hài hoà, bền vững cho mô hình lúa-tôm

Các huyện Hồng Dân và Phước Long do nằm sâu trong lục địa nên việc sản xuất lúa-tôm không ổn định. Năm nào mưa thuận gió hoà thì sản xuất đạt hiệu quả cao. Năm nào nắng hạn kéo dài thì việc trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Vào mùa NTTS, hầu hết các hộ nuôi đều tuân thủ lịch thời vụ và thực hiện tốt các khâu kỹ thuật như cải tạo đất, xử lý nguồn nước, diệt tạp, chọn giống, quản lý môi trường, phòng bệnh cho tôm, v.v Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ mắc phải sai phạm trong khâu kỹ thuật như xây dựng kênh mương quá nhỏ, bờ bao còn để rò rỉ; coi nhẹ việc diệt khuẩn, gây màu cho nước; chưa chú trọng công tác chăm sóc và quản lý; không triệt để áp dụng kỹ thuật trong suốt vụ nuôi, v.v

Có thể nói, mô hình lúa-tôm hay lúa-cá là mô hình đặc trưng ở vùng bắc Quốc lộ 1A. Theo định hướng chung của tỉnh, muốn phát huy lợi thế của mô hình thì phải tiến hành đánh giá tính ổn định và hiệu quả của mô hình. Trước đây, khi phát triển mô hình này, phần lớn các hộ nuôi chỉ chú trọng đến hiệu quả của con tôm, con cá, chưa quan tâm nhiều tới hiệu quả trồng lúa, nhất là đối với mô hình lúa-tôm. Trong thời gian tới, cần xác định lại cây lúa cũng là đối tượng chính mang lại hiệu quả kinh tế chung cho mô hình và mang tính bền vững. Khi áp dụng mô hình lúa tôm, phải tuân thủ mọi khuyến cáo của ngành chuyên môn, đặc biệt chú ý thu hoạch đồng loạt nhằm đảm bảo thời vụ sản xuất luân canh.

2. Mô hình tôm-cua-cá

Mô hình này được nông dân ở các huyện Ðông Hải, Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân và Hoà Bình rất chú trọng. Trong hai năm 2003-2004, người dân áp dụng mô hình này với mục đích tạo thực phẩm trong điều kiện không nuôi được tôm sú vào mùa mưa. Hiện tại thì mô hình này được xem là hình thức canh tác kinh tế chính thay tôm sú, hơn nữa còn giúp cải tạo môi trường.

Trong 5 tháng đầu năm 2005, toàn tỉnh Bạc Liêu đã thả nuôi tôm kết hợp với các loài thuỷ sản khác trên 55.000 ha. Ðến cuối năm 2005, đã thả nuôi tôm-cua-cá trên diện tích 60.600 ha, trong đó Ðông Hải là 37.600 ha, Phước Long 10.000 ha. Mô hình tôm-cua-cá tiếp tục được các địa phương khuyến cáo phát triển mạnh trên cả 3 vùng nước mặn, ngọt, lợ. Ðây là mô hình không bổ sung thức ăn mà chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên là chính. Năng suất của mô hình qua các năm vẫn tiếp tục tăng lên.

Mật độ thả nuôi trong các mô hình tôm-cua-cá là 1-2 con tôm sú/m2 , 1-2 con cua/20 m2, 0,5-1 con cá/m2, chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chẽm, cá rô phi, cá kèo. Năng suất chung của các đối tượng cua, cá là 300-500 kg/ ha/vụ. Riêng tôm sú đạt 80-100 kg/ha/vụ. Lợi nhuận bình quân 10-30 triệu đồng/ ha/vụ. Trong năm 2005, có trên 90% số hộ thành công. Ðây cũng là mô hình sản xuất có chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của đa số nông dân ít vốn sản xuất. Các đối tượng nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển, dễ tiêu thụ sản phẩm và hạn chế được rủi ro.

Theo Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu, muốn phát triển mô hình nuôi trồng kết hợp thì công trình nuôi phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, diện tích ao nuôi không quá một ha, mật độ thả ghép thích hợp tính cho mỗi ha/vụ là: 20.000 con tôm, 300 con cua, 10.000 con cá, định kỳ thả tôm 30-60 ngày/lần, cua và cá rô phi mỗi năm một lần. Ngoài ra, để góp phần làm tăng hiệu quả, nên trồng cỏ lông tượng (năn tượng) hoặc cây đước, cây mắm trên 30% diện tích nuôi, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cấm sử dụng trong NTTS.

Nhìn chung, hai mô hình lúa-tôm và tôm-cua-cá đều áp dụng các biện pháp kỹ thuật tương tự như mô hình quảng canh cải tiến, trong cả hai mô hình này thì tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chính.

Hiện nay, các mô hình nuôi trồng kết hợp đang phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những thành công nhất định. Người dân tận dụng tối đa diện tích canh tác để nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế làm tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời giảm thiểu rủi ro do độc canh tôm sú.

Phan Thanh Cường - Trần Thanh

Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu

 


Espersen khảo sát thị trường cá da trơn VN

Nguồn tin: VTV, 13/09/2006
Ngày cập nhật: 14/9/2006

 


Mùa nước nổi - mùa làm ăn, mùa sinh lợi

Nguồn tin: AG, 13/9/2006
Ngày cập nhật: 13/9/2006

Tháng 8 hàng năm, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngập trắng đồng. Người dân ĐBSCL vẫn quen gọi đó là lũ, gắn liền với thiên tai và địch họa. Nhưng, ở An Giang trong 4 năm gần đây khái niệm này đã thay đổi. Bà con nông dân gọi đây là mùa nước nổi, mùa làm ăn, mùa sinh lợi…

 


Sông Tắc tiếp tục ô nhiễm do nuôi cá bè

Nguồn tin: NLĐ, 13/9/2006
Ngày cập nhật: 13/9/2006

Qua tiến hành kiểm tra và phân tích mẫu nguồn nước tại khu vực sông Tắc, quận 9, Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM đã báo động về tình trạng nguồn nước mặt tiếp tục bị ô nhiễm cục bộ tại khu vực tập trung nhiều hộ nuôi cá bè (gần cầu Trường Phước).

Hầu hết các chỉ tiêu về Coliform, DO, TTS đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Qua khảo sát cho thấy trong năm 2005 – 2006, tổng diện tích mặt nước bị chiếm là 10.756 m2 với 77 bè cá gần 400.000 con các loại, vì vậy hàm lượng chất ô nhiễm cũng lan truyền xa hơn so với năm 2004.

T.Nguyễn

 


Nuôi tôm hùm “theo cách ông Ninh”

Nguồn tin: TT, 13/09/2006
Ngày cập nhật: 13/9/2006

Thật ra nghề của ông (Trần Ngọc Ninh, sinh năm 1953) là nghề y. Ông từng học ở Trường đào tạo cán bộ y tế Khánh Hòa, rồi về làm ở Bệnh viện Cam Ranh. Nhưng vốn mê trồng trọt, nuôi cá, tôm... nên có lúc ông về làm chủ tịch Hợp tác xã 1 Cam Thành Bắc (Cam Ranh).

Rồi hệ thống hợp tác xã nông nghiệp tại đây tan rã, ông bắt đầu nuôi dê và nuôi tôm sú. Nhưng chỉ sau năm đợt nuôi, toàn bộ vốn liếng mất sạch.

Vào thời điểm đó, ở Cam Thành Bắc đã có một số hộ nuôi tôm theo kiểu làm các lồng sắt, cho tôm vào rồi kéo ra biển nuôi. Ông Ninh cứ đi dạo quanh vùng biển Cam Thành Bắc, thỉnh thoảng lại đưa lưỡi nếm thử vị của nguồn nước. Và rồi một thời gian sau người ta thấy ông bán căn nhà ở Mỹ Thạnh và chiếc xe gắn máy cũ về Cam Thành Bắc mua một miếng đất nhỏ hút sâu trong ba con hẻm, sát biển, cất một căn nhà tạm: ông quyết định nuôi tôm hùm...

Ông bắt đầu cơ nghiệp bằng 60 con tôm hùm giống và một chiếc lồng. Từ cơ nghiệp ấy, người đàn ông này bắt đầu đưa những sáng kiến của mình để phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng ở Cam Thành Bắc, biến một vùng biển ngày xưa chỉ là khu vực đi biển kiếm sống trở thành tâm điểm của nghề nuôi tôm hùm trong vịnh Cam Ranh.

Để có thức ăn cho tôm (và cũng để nuôi gia đình), ban đêm ông đi biển. Con tôm của ông lớn nhanh bằng chính thức ăn do ông đánh bắt. Ông cho tôm ăn cá chứ không cho ăn sò như nhiều người vẫn làm. Ông giải thích: cá cho đủ liều lượng tôm hùm ăn hết, không để dư thừa. Còn sò sẽ tạo ra một lớp “rác” dưới đáy biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cho các sinh vật biển không phát triển được.

Ông cũng nghĩ cách làm một tấm lưới thả lửng dưới chiếc lồng sắt, bao nhiêu thức ăn thừa rơi xuống đó sẽ được dọn dẹp sạch sẽ. Tại đây người ta thường thả lồng tôm xuống biển, dùng dây cột lại bốn bên bằng bốn thân cây. Một số khác lại dùng đủ mọi vật dụng làm bè nổi như thùng phuy bằng sắt, phao xốp...

Còn ông, ông lại dùng những chiếc thùng phuy bằng nhựa composite. Thùng phuy bằng nhựa composite rất ít bị hà bám, bền bỉ trong môi trường nước mặn, lại di chuyển dễ dàng. Ông thiết kế các bè tôm hùm theo dạng có thể tách ra hoặc nối vào nên rất... cơ động.

Ông cũng tìm ra cách nuôi vẹm khá độc đáo để bảo vệ nguồn nước nuôi tôm hùm: dùng lốp ôtô cũ, ép vẹm giống vào, thả xuống biển. Kết quả là ông và nhiều ngư dân ở đây trúng luôn... con vẹm. Dẫu gì nuôi tôm hùm cũng có thức ăn thừa. Ông lại suy nghĩ nuôi thêm con gì tận dụng nguồn thức ăn ấy, thế là một thời gian sau có những lồng nuôi cá hồng chen giữa các lồng tôm hùm…

Hiện nay tại Cam Thành Bắc đã có tới 485 hộ nuôi tôm hùm “theo cách của ông Ninh”. Nhiều người bắt đầu ra nghề, tới ông học hỏi về kỹ thuật.

Có lẽ từ tín nhiệm trong việc nuôi tôm hùm mà ông được bầu làm chủ tịch Hội Nông dân Cam Thành Bắc và tổ trưởng tổ nuôi tôm hùm. Ông tổ trưởng đã lập ra 212 nhóm, dựng “nhà” trên biển, mỗi “nhà” là một điểm gác cho khu vực nuôi tôm từ 15-30 hộ để giữ an toàn cho tôm...

Người khởi nghiệp bằng 60 con tôm hùm giống ấy giờ đây quen thuộc cả tiếng con tôm nhảy, biết cả dòng nước sạch hay không để con tôm hùm sống khỏe. Và, ngày ngày ông vẫn một mình ra biển từ rạng sáng. Ra biển lo cho mình và lo cho nhiều người khác...

KHUÊ VIỆT CƯỜNG

 


Miền Trung phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững

Nguồn tin: TTXVN, 12/09/2006
Ngày cập nhật: 13/9/2006

Theo dự kiến, trong 5 năm tới, 77 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng sẽ được triển khai tại các tỉnh ven biển miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Trong một hội nghị về phát triển nuôi thủy sản bền vững được tổ chức mới đây tại thành phố Huế, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho biết bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch để định hướng các đối tượng nuôi và công nghệ nuôi phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu từng địa phương trong vùng; đồng thời đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư và ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh các lĩnh vực được chú trọng quản lý chặt chẽ là nuôi tôm trên cát và khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nuôi thủy sản nhằm đảm bảo tính bền vững, Bộ Thuỷ sản cũng yêu cầu các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích việc liên kết nuôi trồng thủy sản và tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi.

Nhờ có lợi thế bờ biển dài, nhiều diện tích mặt nước và khí hậu phù hợp với nhiều loại thuỷ sản đa dạng, trong những năm qua, nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh ở ven biển miền Trung đã phát triển nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao, là công cụ xoá đói giảm nghèo cho hàng trăm nghìn hộ dân.

Hiện khu vực này có khoảng 29.000ha tích nuôi trồng thủy sản, đạt sản lượng mỗi năm trên 42.000 tấn, trong đó chủ yếu là tôm./.

 


Xuất khẩu thủy sản 2006: Khả thi cột mốc 3 tỷ USD

Nguồn tin: VNECONOMY, 9/09/2006
Ngày cập nhật: 12/9/2006

 


Tôm sú Sóc Trăng trúng mùa, trúng giá

Nguồn tin: SGGP, 12/9/2006
Ngày cập nhật: 12/9/2006

Tỉnh Sóc Trăng hiện đã thu hoạch được gần 20.000 ha tôm sú chính vụ, đạt 40% diện tích thả nuôi. Nhìn chung, các gia đình nuôi tôm sú năm nay đều trúng mùa, trúng giá. Tôm sú loại 30 con/kg giá khoảng từ 110 đến 115 ngàn đồng/kg. Tôm sú trúng mùa đã thu hút thuơng lái ở nhiều tỉnh ĐBSCL đến thu mua tôm, tạo áp lực cạnh tranh về giá. Cácdiện tích đã thu hoạch, ngành thủy sản khuyến cáo người dân nên tiếp tục nuôi các loài thủy sản khác như: cá kèo, cua biển và các loại thủy sản khác, đợi mùa sau nuôi lại tôm sú để tránh rủi ro.

TL

 


Sản xuất thành công 24.000 con giống cá lăng nha

Nguồn tin: AG, 11/9/2006
Ngày cập nhật: 12/9/2006

Tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ khoa Thuỷ sản trường đại học Cần Thơ, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thuỷ sản tỉnh An Giang đã sản xuất thành công 24.000 con cá lăng nha giống đầu tiên.

Cá giống sau 30 ngày ương có trọng lượng khoảng 6gr/con với đợt cá giống sản xuất đầu tiên này cung cấp cho các hội viên của Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang nuôi thử nghiệm trong các lồng bè tại xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú.

Đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi và thích nghi tốt với môi trường nước ngọt tỉnh An Giang, có thời gian tăng trọng nhanh. Giá bán trên thị trường từ 45-50.000 đồng/kg. Loại cá này là cá bản địa nhưng trước đây chỉ có trong thiên nhiên.

Theo Econet


Chuyện kỳ lạ ở Hạ Long (Quảng Ninh): Nuôi ếch thành nuôi... nòng nọc!

Nguồn tin: SGGP, 12/09/2006
Ngày cập nhật: 12/9/2006

Từ đầu tháng 5-2006, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) tỉnh Quảng Ninh đã giao chỉ tiêu cho UBND TP Hạ Long triển khai dự án nuôi thí điểm ếch Nam Mỹ để nhân rộng. Ban đầu, có 75.000 con giống với tổng vốn đầu tư 206 triệu đồng (chủ yếu là vốn do các hộ dân bỏ ra) được thả xuống ao. Ba chủ hộ đầu tiên được chọn để nuôi thí điểm là các ông Vũ Đức Hoạt (cựu chiến binh xã Việt Hưng); Hoàng Văn Châu (phường Hà Khánh) và Cao Ngọc Bộ (xã Đại Yên). Nhưng sau hơn 80 ngày, nòng nọc vẫn chỉ là nòng nọc!

Nòng nọc chết như ngả rạ

Trước khi triển khai dự án, các cán bộ của Phòng Kinh tế TP Hạ Long đã xuống gặp từng người giới thiệu: đây là loại ếch rất chóng lớn, chỉ sau 3 tháng là bán được, mỗi con có thể nặng tới 300-350 gram. Nếu nuôi trên 1 năm có thể đạt gần 2kg/con.

Mặt khác, trong quá trình nuôi thử nghiệm các hộ dân trên sẽ được TP ưu đãi hỗ trợ 60% tiền giống và thức ăn. Khi ếch lớn, nơi cung cấp giống sẽ lo luôn việc xuất khẩu.

Thấy bùi tai, ông Vũ Đức Hoạt cùng một nông dân tên Lê Chí Hùng vay nóng ngân hàng 30 triệu đồng để đào ao thả ếch.

Sau khi đến tận nơi kiểm tra và khẳng định cơ sở vật chất đã đảm bảo về kỹ thuật, ngày 12-6-2006, Phòng Kinh tế TP Hạ Long đưa họ về trung tâm cung ứng ếch giống Yên Mô (Ninh Bình) huấn luyện và mua con giống...

Ông Hoạt, anh Hùng cùng 2 chủ hộ còn lại giắt lưng 12 triệu đồng đi Ninh Bình. Nhưng, “lúc đầu tôi cứ tưởng sẽ được nhận giống ếch con. Đến nơi hóa ra chỉ là... nòng nọc” - anh Hùng bức xúc. Một cán bộ Phòng Kinh tế an ủi: “Chỉ 7-8 ngày là nó thành ếch thôi mà!”. Hơi thắc mắc nhưng vì chưa từng nuôi loài ếch này nên các nông dân đành phải chấp nhận. Ai cũng tin tưởng sự quan tâm và hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật.

Thế nhưng, mang về 2-3 ngày sau thì nhiều nòng nọc lăn ra chết. Trong số hơn 18.000 con nòng nọc của ông Hoạt, có tới 6.000 con chết. Đến thời điểm này, ông Hoạt khẳng định tổng số con giống chỉ còn khoảng 1.000 con. Trong hơn 1 tháng nay, nòng nọc không còn chết, nhưng theo ông Hoạt, điều kỳ lạ là đã nuôi gần 3 tháng mà toàn bộ số nòng nọc này chẳng chịu đứt đuôi để hóa thân thành ếch (!?)

Nòng nọc mà biết nói năng...

“Tôi đã hỏi cán bộ kỹ thuật về việc tại sao mấy con nòng nọc không đứt đuôi? Họ bảo “theo sách” thì phải đợi 40 ngày chúng mới thành ếch. Thế nhưng, đến nay đã hơn 80 ngày rồi mà nòng nọc vẫn chưa thành ếch?”, ông Hoạt kể lại. Trong số hơn 1.000 nòng nọc sống sót của ông Hoạt chỉ có... 17 con chịu đứt đuôi, ngoi lên bờ. “Nhưng 17 con ếch con này cũng lạ - ông Hoạt thổ lộ - Lúc còn là nòng nọc thì chúng giống nhau. Nhưng thành ếch rồi thì con mõm tù, con mõm nhọn, con màu xanh, con màu xám... Như vậy có phải là cùng một loại ếch Nam Mỹ không?”.

Ông Hoạt bắt đầu kiến nghị lên Phòng Kinh tế TP Hạ Long. Phòng vội mời giám đốc trung tâm ếch giống từ Ninh Bình về tận nơi xem xét... Giám đốc trung tâm bảo nòng nọc chết là do vận chuyển không đúng kỹ thuật. Còn nòng nọc chậm đứt đuôi là do nước ao không đủ tiêu chuẩn nhiệt độ(?). Riêng chuyện ếch mỗi con một hình mã khác nhau, họ không thể lý giải.

Bà con bấy giờ mới ngẩn cả người. Thực tế họ vẫn làm theo đúng như hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ. Vậy biết tin ai bây giờ? Ai là người đúng? Rồi cán bộ cũng bỏ đi, còn nông dân đứng thẫn thờ bên những ao nòng nọc không thể hóa thân thành ếch.

“Số tiền bỏ ra thuê nhân công đào, mua vật tư, con giống... mỗi gia đình cũng chỉ mất mấy chục triệu đồng. Nhưng điều quan trọng hơn là sự mất niềm tin ghê gớm của bà con chúng tôi với việc chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đưa giống cây, con mới vào ứng dụng trong thực tiễn để giúp nông dân xóa đói giảm nghèo hiện nay” - ông Cao Ngọc Bộ giãi bày.

Còn ông Hoàng Văn Châu thì đặt câu hỏi: “Tại sao những người có trách nhiệm trong dự án này lại thờ ơ, rũ bỏ trách nhiệm với chúng tôi?”.

VĂN PHÚC - QUỐC HUẤN

 


Bến Tre: giá thu mua tôm sú tăng 45% so cùng kỳ

Nguồn tin: BTre, 11/09/2006
Ngày cập nhật: 11/9/2006

 


Cá tra, cá ba sa vào thị trường Đan Mạch

Nguồn tin: TT, 11/09/2006
Ngày cập nhật: 11/9/2006


Cà Mau: làm giàu từ nuôi cá bống tượng, cá chình

Nguồn tin: SGTT, 11/9/2006
Ngày cập nhật: 11/9/2006

Con tôm không còn sức hấp dẫn trong những câu chuyện của người Cà Mau. Hiện nay, cứ 1 kg cá bống tượng có giá 340.000đ, cá chình giá 230.000đ/kg. Cá càng to, bán càng nhiều tiền, thành thử câu chuyện tập trung vô những người như ông Chín Khải.

Ông Chín, tên Huỳnh Văn Khải, ở ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, người đang hốt bạc từ cá bống, cá chình. 16 năm trước, thấy các quán cao lâu “ hét” giá một con cá bống tượng cả trăm ngàn đồng, ông bèn nuôi cá bống tượng ngay vùng đất phèn, ngọt lợ này. Hồi đó, cá giống 10.000đ/kg. Nuôi thử 2 ao (200m 2 /ao), thả cá giống nhỏ, mật độ nhiều, 12 tháng sau thu hoạch. Tuy cá lớn không đều nhưng ông bán vẫn có lời. Năm sau, rút kinh nghiệm, ông thả thưa hơn, chọn giống tốt hơn (7- 8 con/kg), bán cá thương phẩm lời khẳm. Năm thứ 3, 4, ông mở rộng diện tích lên 5 ao, thu hoạch ngày đêm, cả xóm tới coi như đình đám. Nhưng nuôi như vậy cũng chỉ là độc canh, ông Chín nuôi thêm cá chình. Hiện tại, giá thị trường cá chình là 220.000 - 230.000đ/kg. Thời gian sinh trưởng cá chình lâu, chi phí mồi gấp 3 - 4 lần cá bống tượng, nhưng nuôi cá càng lớn thì trị giá một con cá chình từ nửa triệu đồng trở lên. Với 25 ao cá bống tượng, cá chình, mỗi năm ông thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Quốc Hận, chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành, TP Cà Mau cho biết: ông Chín Khải là người đầu tiên đưa con cá bống tượng và cá chình về vùng đất ngọt lợ này. Từ “vết dầu loang” ấy, đến nay toàn xã đã có 1.700 hộ/2.500 hộ nuôi hai loài thủy sản này trên diện tích khoảng 150 ha mặt nước. Mỗi gia đình không cần nuôi nhiều, có 1, 2 cái ao chừng 100 - 200m 2 nuôi cá bống tượng và cá chình là có bạc chục triệu rồi.

Cá chình đang mang lại tiền triệu cho người dân Cà Mau

5 năm trở lại đây, 60% hộ dân ở Tân Thành đã chuyển sang nuôi cá bống tượng, cá chình. 50% số hộ trong số này thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Bây giờ con cá bống tượng, cá chình sống tốt trên xã Tân Phú, huyện Thới Bình (TP Cà Mau). Ông Nguyễn Tấn Lực, ấp kênh 5B, xã Phú Tân, 8 năm trước học cách nuôi cá bống tượng từ bà con xã Tân Thành, làm đến nay chưa bao giờ thua lỗ. Ông Lực khẳng định: nếu không chuyển hướng nuôi 2 loại cá này thì chắc bây giờ gia đình ông vẫn còn nghèo. Nhưng theo ông, cái lo nhất vẫn là nguồn giống. Hiện tại, giá cá bống tượng giống 170.000đ/kg (7- 8 con/kg), cá chình 290.000đ/con nhưng rất khó mua. Có lẽ nó quý hiếm từ nguồn giống nên nuôi tới lớn, bán lên thành phố ít đụng hàng, không sợ rớt giá.

Mỹ An

 


Ngành công nghiệp chế biến thủy sản ĐBSCL: Liên kết để tăng tốc

Nguồn tin: BCT, 11/9/2006
Ngày cập nhật: 11/9/2006

 


Đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản các tỉnh ven biển miền trung

Nguồn tin: ND, 20/9/2006
Ngày cập nhật: 11/9/2006

Từ nay đến năm 2010, các tỉnh ven biển miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận triển khai 77 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, với tổng vốn đầu tư 1.307.088 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đầu tư 719.839 triệu đồng.

Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung được tổ chức trong hai ngày 7 và 8-9, tại TP Huế, Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho biết: Phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh khu vực này trong những năm qua nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp hàng trăm nghìn hộ dân xóa nghèo và làm giàu.

Đến nay, các tỉnh khu vực này có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn đạt 29.090 ha, sản lượng thủy sản đạt 42.093 tấn; trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm 28.065 ha, sản lượng tôm đạt 33.990 tấn.

Tuy nhiên phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm trên cát(đạt 20 nghìn ha) đã tác động xấu đến môi trường vùng nuôi; làm tụt giảm nguồn nước ngầm và nhiễm mặn.

Nuôi trồng thủy sản còn phát triển không theo qui hoạch; chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm chân trắng; nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ lần do thất bại với nghề nuôi tôm.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh ven biển miền trung trong những năm tới theo hướng bền vững, Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho biết: Bộ Thủy sản tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch theo hướng định hướng các đối tượng nuôi và công nghệ nuôi phù hợp.Qui hoạch phải sát đặc điểm tự nhiên, khí hậu từng địa phương để áp dụng các đối tượng nuôi phù hợp; đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư và khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản phù hợp; quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm trên cát, giống tôm chân trắng, khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nuôi thủy sản.Các tỉnh cần tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích việc liên kết nuôi trồng thủy sản theo các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản.

Bộ Thủy sản kiến nghị: các địa phương cần thành lập hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản từ tỉnh đến huyện, xã để hướng dân ngư dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững.Các viện nghiên cứu, Trung tâm khuyến ngư và các nhà khoa học cần vào cuộc nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản phù hợp vùng đầm phá, triều và vùng cát.

Tạ Quang Dũng


Hội nghị “Các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ven biển Miền Trung”

Nguồn tin: Fistenet, 8/9/2006
Ngày cập nhật: 10/9/2006

Trong 2 ngày 7 - 8/9/2006, Bộ Thủy sản đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa-Thiên-Huế tổ chức Hội nghị 'Các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững ven biển Miền Trung' tại thành phố Huế. Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá đúng tiềm năng NTTS của miền Trung, đồng thời rút ra các bài học về quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển theo hướng nuôi công nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt là công tác quy hoạch NTTS của Bộ Thủy sản ở khu vực Miền Trung.

Tham gia Hội nghị có trên 150 đại biểu từ các cơ quan quản lý và các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Thủy sản, các Sở Thủy sản, Trung tâm khuyến ngư các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Ðến dự còn có đại diện Văn phòng Chủ Tịch nước, Ban Kinh tế trung ương. Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế Nguyễn Xuân Lý đã tới dự khai mạc và phát biểu chào mừng. Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Việt Thắng trực tiếp chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Các báo cáo trình bày tại Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề sau : Hiện trạng và các giải pháp phát triển NTTS bền vững các tỉnh ven biển miền Trung; Một số hoạt động KHCN thủy sản phục vụ phát triển NTTS miền Trung; Quy hoạch vùng NTTS tập trung cho các tỉnh ven biển miền Trung; Ðầu tư trong giai đoạn 2000-2005 cho các tỉnh miền Trung. Báo cáo Tổng quan về NTTS của Trung tâm Tin học và báo cáo Thị trường XKTS, những rào cản và thách thức của Hiệp hội Chế biến và XKTS (VASEP) đã cung cấp cho các đại biểu những thông tin mới nhất về tình hình, xu hướng phát triển về NTTS trên thế giới và thị trường quốc tế.

Các đại biểu đã chia nhóm thảo luận về những giải pháp cụ thể cho các vấn đề: Quy hoạch, thủy lợi, quản lý môi trường và dịch bệnh trong NTTS; Công tác KHCN, giống thủy sản và các mô hình khuyến ngư; Tổ chức sản xuất và quản lý sau đầu tư của các dự án NTTS. Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu và sản xuất xây dựng kế hoạch phát triển ngành NTTS bền vững trên dải đất miền Trung đầy tiềm năng của Việt Nam.

Tuyết Nhung

 


Phú Yên làm giàu bằng nghề nuôi tôm hùm

Nguồn tin: ND, 9/9/2006
Ngày cập nhật: 10/9/2006

Từ đầu năm đến nay, ngư dân tỉnh Phú Yên thu hoạch hơn 500 tấn tôm hùm thương phẩm, với giá bán 650-700 nghìn đồng/kg. Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên có sức hấp dẫn kỳ lạ, giúp nhiều ngư dân các xã ven biển, vốn trước đây nghèo khó, có cơ hội đổi đời.

Ở thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh (Sông Cầu), ai cũng biết anh Trần Văn Tới là "vua" nuôi tôm hùm. Anh Tới vừa được Bộ Thủy sản tặng bằng khen vì có thành tích nuôi tôm hùm giỏi. Gặp chúng tôi, anh cho biết: "Nghề nuôi tôm hùm không chỉ giúp tôi mà còn giúp nhiều người dân ở đây đổi đời. Ðời sống của bà con khá giả nhiều nhưng ít ai biết cách đây hơn mười năm là vùng nghèo khó, thường xuyên được Nhà nước cứu đói. Năm 2005, tôi nuôi hơn trăm lồng tôm hùm (nuôi cả tôm hùm giống và thương phẩm), trừ hết chi phí tôi có lãi 500 triệu đồng. Số tiền đó tôi lại tiếp tục mua tôm nuôi tiếp".

Về kỹ thuật nuôi tôm hùm, theo anh Tới, quan trọng nhất là phải bảo đảm độ sâu. Ðối với ương tôm hùm giống thì nuôi ở độ sâu ba mét, lồng cách lồng khoảng 2 - 3 m. Nuôi tôm thương phẩm tốt nhất ở độ sâu 4 m, với tỷ lệ 60 con/lồng có thể tích 3 m3, lồng cách lồng 4 m. Khi nuôi tôm giống được khoảng ba tháng to bằng ngón chân cái mới chuyển sang lồng nuôi thương phẩm là tốt nhất. Người nuôi cần siêng năng, theo dõi chặt chẽ chế độ ăn của tôm.

Tôm hùm có nhiều giai đoạn, tôm con bắt ngoài biển gọi là tôm trắng, phải ương vài tháng mới to bằng ngón chân cái, nuôi tiếp 18 tháng mới thành tôm thương phẩm. Ðể có được tôm thương phẩm bán ra thị trường phải mất gần hai năm.

Từ năm 2000, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển mạnh khi giá tôm hùm thương phẩm bán trên thị trường tăng cao. Sản lượng tôm hùm của tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nếu năm 1992, huyện Sông Cầu có vài chục lồng nuôi tôm hùm thì đến năm 2000 tăng lên 7.500 lồng. Nghề nuôi tôm hùm đến nay phát triển 8/11 xã, thị trấn của huyện. Ðến nay, tỉnh có 18.300 lồng nuôi tôm hùm; trong đó, huyện Sông Cầu có 16 nghìn lồng. Sản lượng tôm hùm thương phẩm đạt 600-700 tấn/năm. Nếu như trước đây, người dân nuôi tôm hùm chủ yếu bằng lồng chế tạo từ tre, nứa thì những năm gần đây chuyển sang nuôi bè với nhiều lồng được chế tạo từ sắt kiên cố.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh (Sông Cầu) Lâm Duy Dũng cho biết thêm: Hiện xã có 2.014 hộ dân thì số hộ nuôi tôm hùm chiếm 95% tổng số hộ. Xuân Thịnh giáp biển, có đầm Cù Mông nên việc nuôi tôm hùm lồng rất thuận lợi. Hiện nay, tôm hùm giống vẫn dựa vào khai thác tự nhiên và lượng tôm hùm giống xuất hiện tại vùng biển địa phương nhiều. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong xã khai thác được 150 nghìn con tôm hùm giống, tăng hơn 50% so năm trước. Giá tôm trắng bán 80-100 nghìn đồng/con, tôm to bằng ngón chân cái bán 200 nghìn đồng/con. Giá tôm hùm loại 1 (0,8-1 kg/con) dao động 650.000-700.000 đồng/kg. Nhờ được mùa, được giá nên người nuôi tôm hùm đều có lãi, trung bình mỗi hộ có lãi vài trăm triệu đồng/năm.

Anh Trần Văn Tới cho biết thêm, từ vài năm nay, tình trạng ăn trộm tôm giống và tôm hùm thương phẩm liên tục xảy ra. Năm 2005, anh mất ba lồng (trị giá 50 triệu đồng). Từ đầu năm đến nay, anh bị mất tiếp hai lồng, trị giá 40 triệu đồng. Bọn trộm tôm sử dụng bình dưỡng khí lặn đến cắt các lồng nuôi tôm hùm. Phần đông người dân đều nuôi tôm ngoài biển, cách xa nhà nên rất khó khăn trong việc bảo quản. Theo Phó giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên Chế Bá Hùng, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên đã manh nha nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn tự chế thức ăn cho tôm hùm từ cá tạp. Nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm hùm rất cao. Ngoài ra, với tình trạng khai thác tôm hùm giống như hiện nay, chắc chắn nguồn tôm giống sẽ cạn kiệt. Nhiều vùng nuôi tôm hùm trở thành điểm nóng do việc tranh chấp diện tích mặt biển, trộm cắp tôm hùm và nhiều tệ nạn xã hội khác. Vì vậy nghề nuôi tôm hùm cần phải được tổ chức lại.

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng kinh tế UBND huyện Sông Cầu, cho biết: UBND tỉnh Phú Yên đã lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng thủy sản ven bờ đầm Cù Mông, Xuân Ðài giai đoạn 2001 - 2010. Trên cơ sở đó, UBND huyện Sông Cầu giao diện tích mặt biển đến từng hộ dân sử dụng; xây dựng các vùng nuôi tôm hùm có sự quản lý cộng đồng; xử lý rác thải và môi trường vùng biển nuôi tôm hùm; đưa các đối tượng nuôi có tác dụng xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như vẹm xanh, rong sụn, hải sâm; khôi phục rừng ngập mặn. Người nuôi tôm hùm cần phải hợp tác, có trách nhiệm bảo vệ tài sản, bảo vệ môi trường. Huyện sẽ thành lập các tổ tự quản tại các thôn Vũng La, Từ Nham và Phú Dương (Xuân Thịnh), với mục đích tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng nuôi tôm và bền vững về mặt môi trường. Các hộ dân cần có sự liên kết chặt, tạo ý thức cộng đồng trong vấn đề quản lý, thống nhất nhau về thời gian cho tôm ăn, thời gian ở trên bè, để hạn chế tình trạng trộm tôm. Việc thành lập tổ tự quản sẽ giải quyết được các vấn đề về ý thức bảo vệ môi trường, thị trường tiêu thụ.

Viện nghiên cứu nuôi trồng hải sản 3 đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm hùm xen canh vẹm xanh tại xã Xuân Tự (Sông Cầu) từ ba năm nay. Ngoài vấn đề môi trường thì con vẹm xanh còn phục vụ cho tiêu dùng. Nuôi vẹm xanh khoảng 5 - 6 tháng là thu hoạch được, bán trên thị trường khoảng 8.000 đồng/kg. Nuôi xen canh đối tượng còn giải quyết tình trạng dư thừa thức ăn cho tôm. Ðể cải tạo đáy thì nên nuôi nhuyễn thể, xử lý trong lồng hoặc bè nuôi thì trồng rong sụn. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm hùm xen canh vẹm xanh, rong sụn, hải sâm rất khó áp dụng tại các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm vì lợi nhuận của nuôi tôm hùm quá cao, có sức hấp dẫn lớn với người dân; trong khi đó nuôi các đối tượng này lại mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao.

Nuôi tôm hùm đang trở thành nghề hấp dẫn, giúp ngư dân các xã ven biển có cơ hội đổi đời. Nghề nuôi tôm hùm còn giúp ngư dân chuyển từ nghề khai thác vốn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay sang nuôi trồng thủy sản. Ðể nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững rất cần có sự quan tâm, thực hiện đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền các cấp. Ngoài ra, người nuôi cần có ý thức trong việc quản lý cộng đồng, bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi hải sản.

Tạ Quang Dũng


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang