• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đổi danh sách bị đơn trong vụ xét lại thuế tôm

Nguồn tin: TT, 15/07/2006
Ngày cập nhật: 15/7/2006


Áp dụng tiêu chuẩn nuôi thủy sản sạch và tổ chức lại sản xuất trên biển

Nguồn tin: ND, 14/07/2006
Ngày cập nhật: 15/7/2006

Ngày 14-7, tại Hà Nội, Bộ Thủy sản sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm và bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.

Sáu tháng qua, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản gặp rất nhiều khó khăn như thiên tai, giá xăng dầu tăng... nhưng tổng sản lượng thủy sản vẫn đạt 1.697.300 tấn, tăng hơn 8% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 409 USD, bằng 50,32% mức kế hoạch năm, tăng 29,03% so cùng kỳ năm trước.

Trong sáu tháng cuối năm, Bộ Thủy sản đề ra các giải pháp: Tổ chức sản xuất trên biển theo hình thức tổ hợp tác, HTX, tổ, đội tạo mối liên kết giữa các tàu, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai trên biển; áp dụng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn, mô hình nuôi thủy sản sạch và hướng dẫn người nuôi thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản; tăng cường kiểm tra chất lượng, kiểm dịch giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản; xây dựng thương thiệu sản phẩm thủy sản chủ lực; tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

PV

 


Cà Mau giảm một nửa diện tích quy hoạch nuôi tôm

Nguồn tin: TTXVN, 14/07/2006
Ngày cập nhật: 15/7/2006

Cà Mau (TTXVN) - Tỉnh Cà Mau đã quyết định thu hẹp diện tích nuôi tôm công nghiệp xuống mức 3.000-5.000ha so với quy hoạch 10.000ha trước đây.

Quyết định này được đưa ra để phù hợp với thực tế trình độ khoa học kỹ thuật và vốn của nông dân trong tỉnh, hiện chưa thể bắt kịp yêu cầu của nghề nuôi tôm công nghiệp với diện tích lớn đến 10.000ha.

Hiện nay Cà Mau có khoảng 400 hộ nuôi tôm công nghiệp với diện tích 1.000ha./.

 


Xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,4 tỷ USD

Nguồn tin: TTXVN, 14/7/2006
Ngày cập nhật: 15/7/2006

 


Để “mỏ tôm” đồng bằng không cạn!

Nguồn tin: BCT, 14/7/2006
Ngày cập nhật: 15/7/2006

Bán đảo Cà Mau được mệnh danh là “mỏ tôm” nổi tiếng của cả nước. Nông dân Cà Mau chuyển dịch từ trồng lúa một vụ sang nuôi tôm quảng canh rất sớm. Đến nay, đã trải qua 5 năm chính thức chuyển dịch từ lúa sang tôm. Kinh nghiệm nuôi tôm với quy mô lớn còn mới mẻ lắm nhưng bài học rút ra làm thế nào để nuôi tôm bền vững là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng thật khó lý giải…

Thời gian qua, người dân Cà Mau luôn gặp cảnh lao đao vì nuôi tôm thất bát liên tục. Đồng chí Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Nguyên nhân tôm chết là do nguồn giống nhân tạo kiểm dịch chưa tốt, nguồn nước chưa chủ động khi chuyển dịch từ lúa sang tôm, cống bọng không đồng bộ dẫn đến thiệt hại, nhất là không chủ động được nước khi nắng hạn, độ phèn, mặn tăng cao, tôm “bị sốc”. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Nhìn chung, qua chuyển dịch lúa – tôm, nhân dân có kinh nghiệm, năng suất nuôi tăng lên. Nhiều vùng nuôi tôm quảng canh không nuôi thuần con tôm mà nuôi xen các loài thủy sản có hiệu quả, như cua, cá... Đồng thời, kết hợp với các loài cây trồng theo từng tiểu vùng vùng sinh thái khác như: Rừng + tôm, vườn cây ăn trái + tôm , màu + tôm, lúa + tôm... Đây cũng là mô hình khả thi và cũng là giải pháp để nuôi tôm bền vững, khôi phục màu xanh trên các vùng nuôi tôm chuyển dịch của Cà Mau, đang được khuyến khích nhân rộng.

Mô hình nuôi tôm sinh thái

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến của hệ sinh thái ngập mặn Cà Mau nói riêng và ven biển các tỉnh ĐBSCL nói chung là từ kinh nghiệm nuôi quảng canh , tức nuôi tôm sinh thái. Nghĩa là đào kinh dẫn nước vào đầm, xổ tôm theo theo chu kỳ vào giữa tháng và cuối tháng âm lịch. Mô hình nuôi quảng canh là khai thác tôm theo hệ sinh thái: nguồn giống, thức ăn phụ thuộc toàn bộ vào thiên nhiên. Tôm thu hoạch được là sản phẩm tự nhiên và thu hoạch nhiều loại tôm không đồng nhất như: sú, thẻ, bạc, đất... Tuy nhiên, năng suất không cao, khoảng 300 kg tôm nguyên liệu/ha/năm. Nhưng người châu Âu gọi nó là tôm “sạch”, tôm ăn có mùi vị đặc biệt rất ngon so với tôm nuôi công nghiệp, nên bán được giá cao. Còn nuôi tôm quảng canh cải tiến hiện nay rất gần với nuôi tôm quảng canh, hay còn gọi là nuôi tôm sinh thái cho sản phẩm tôm “sạch”. Chỉ khác một điều là thả giặm thêm tôm sú giống vào đầm với mật độ 5 hay 10 con/mét vuông tùy theo độ sâu của vuông nuôi. Vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng không cho ăn và tôm cũng xổ theo chu kỳ như nuôi quảng canh hoặc đặt bẩy (lú) bắt tôm hàng ngày hoặc theo con nước như nuôi quảng canh tự nhiên. Nếu Cà Mau tập huấn kỹ thuật cho người nuôi tôm chuyển từ quảng canh cải tiến sang nuôi sinh thái và đăng ký thương hiệu nuôi tôm sinh thái từ các mô hình nuôi quảng canh cải tiến chuyển sang thì không những có thể nuôi tôm ở mô hình nuôi rừng + tôm mà còn có khả năng mở rộng nuôi theo các mô hình lúa + tôm, màu + tôm... theo điều kiện tiểu vùng sinh thái của từng khu vực. Như vậy Cà Mau sẽ có mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững.

Mô hình rừng + tôm lâm ngư trường 184

Theo ông Ngô Dũng Liêm, Giám đốc Lâm - ngư trường (LNT) 184, mô hình rừng + tôm kết hợp là thành công nhất hiện nay ở Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung. Mô hình rừng + tôm của Lâm - ngư trường 184 đang được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhất là Tổ chức công nhận sản phẩm sinh thái (NUATAURLAND), Tổ chức giám định sản phẩm chất lượng cao (IMO) của Thụy Sĩ... Từ năm 2000, LNT triển khai dự án mô hình nuôi tôm sinh thái rừng - tôm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng và bảo vệ vốn rừng ngập mặn ngày càng tăng. Lâm - ngư trường có diện tích khoảng 4.000 ha rừng, đất rừng, trong đó có trên 3.000 ha rừng trồng trên 20 tuổi. Lâm - ngư trường trực tiếp quản lý 200 ha. Trong đó, khoảng 100 ha là khu bảo tồn giống gien giống thực vật, động vật và cả thủy động vật của rừng ngập mặn phục vụ nghiên cứu khoa học, 100 ha là khu du lịch sinh thái giáo dục cộng đồng về đa dạng sinh thái của rừng ngập mặn... Còn 3.000 ha rừng ngập mặn giao cho gần 1.200 hộ dân quản lý canh tác theo dự án nuôi tôm sinh thái: rừng - tôm. Phương thức nuôi sinh thái của Lâm – ngư trường là 50% lấy nguồn giống tôm tự nhiên như: tôm đất, tôm bạc, tôm thẻ và các loài thủy sản khác đưa vào kinh, mương, đầm, vuông nuôi dưới tán rừng, còn 50% thả giặm thêm tôm giống sú. Năm 2002 Lâm -ngư trường đã xuất 12 tấn tôm sạch thành phẩm. Năm 2005, Lâm - ngư trường xuất khẩu 700 tấn tôm sinh thái đạt giá trị trên 9 triệu USD. Dự kiến, năm 2006 có khả năng đạt sản lượng khoảng trên 1.000 tấn tôm sạch thành phẩm. Giá bán tôm nuôi tôm sinh thái cho các đơn vị mua tôm nước ngoài cao hơn 20% so với nuôi tôm thường. Chỉ tính riêng phần giá chênh lệch người nuôi tôm sinh thái ở Lâm - ngư trường 184 được lợi thêm gần 2 triệu USD.

Theo ông Ngô Dũng Liêm, diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau có khả năng mở rộng lên khoảng gần 30.000 ha, tôm kết hợp với rừng. Và ông không đồng tình quan điểm tách tôm ra khỏi rừng, hoặc rừng ra rừng, tôm ra tôm là không khoa học. Qua kinh nghiệm từ dự án tôm sinh thái, ông Ngô Dũng Liêm còn cho biết thêm: Chúng ta không chỉ nuôi tôm sinh thái rừng + tôm mà có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái với các loài cây con khác như: lúa + tôm, vườn + tôm, màu+ tôm... trên vùng bán đảo Cà Mau. Chủ yếu là tập huấn kỹ thuật cho người nuôi tôm sinh thái theo quy trình nghiêm ngặt và được các tổ chức giám định quốc tế công nhận. Theo ông Liêm, mô hình nuôi tôm sinh thái không những góp phần đưa giá trị xuất khẩu lên 1 tỉ USD vào 2010 của tỉnh Cà Mau mà còn bảo vệ môi trường sinh thái bền vững nhất, hiệu quả nhất của vùng bán đảo Cà Mau.

Mô hình lúa + tôm Thới Bình

Chúng tôi lại về thăm vùng trũng của bán đảo Cà Mau và được đưa vào quy hoạch ngọt hóa (vùng phía Bắc Cà Mau), trồng lúa kết hợp thủy sản nước ngọt và lợ. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thới Bình tiếp và cho chúng tôi biết: Hiện nay, huyện Thới Bình có 35.352 ha đất nuôi thủy sản. Diện tích giữ ngọt trồng lúa 2 vụ chỉ còn khoảng 4.671ha. Huyện có 6.639 ha đưa vào nuôi tôm với các dạng: 1 vụ lúa + 1 vụ tôm, một vụ màu, một vụ tôm và chuyên nuôi tôm. Trên 18.000 ha vùng trũng sâu được đưa vào nuôi tôm quảng canh cải tiến. Huyện Thới Bình chia thành nhiều tiểu vùng “da beo” cho phù hợp với điều kiện canh tác. Năng suất một vụ lúa, một vụ tôm quảng canh của huyện Thới Bình cũng lý tưởng. Năm 2005: năng suất đạt 3, 49 tấn lúa/ha, tôm sú nguyên liệu 200 đến 300kg/ha. Mô hình một vụ lúa + một vụ tôm cũng rất gần với mô hình nuôi tôm sinh thái. Mỗi năm vào đầu mùa khô làm đất cày ải khi mưa xuống sạ lúa, thu hoạch lúa xong thả thêm vụ tôm sú sau 2-3 tháng thu hoạch cho đến đầu mùa mưa năm sau. Trong năm 2005, huyện Thới Bình thu được 77.332 tấn lúa, thủy sản 7.281 tấn. Trong đó có 6.860 tấn tôm, chủ yếu là tôm sú nguyên liệu. Còn vụ màu + tôm, ở Thới Bình dân gọi là làm rẫy kết hợp với nuôi tôm nhưng phải có cây nước ngầm, diện tích mở rộng hạn chế. Những năng tôm dưới mương và rẫy trên bờ đạt giá trị từ 100 đến 120 triệu/ha/năm.

Hiện nay, những vùng hoang hóa của Thới Bình trước đây như Tràm Thẻ, Chợ Hội thuộc xã Tân Lộc Bắc, Tân Phú... của huyện Thới Bình (Cà Mau)... cho đến vùng Chủ Chí Phước Long (Bạc Liêu) đất trũng phèn nay nuôi tôm quảng canh rất trúng, năng suất đạt trên 300kg/ha. Cánh đồng hoang hóa năm xưa nay thay da đổi thịt, đâu đâu cũng nhà tường, máy đuôi tôm, điện sáng cả vùng quê. Những chòi lá lưa thưa của cánh đồng “Chó Ngáp” nay thành xóm ấp sung túc. Đất trũng “cầm trâu” vùng này nay trở thành những vuông tôm trúng nhất không những địa phận của huyện Thới Bình mà cả vùng Chủ Chí (Bạc Liêu)... Không ít người dân nghèo chòi lá không lành nay trở thành triệu phú từ con tôm.

* * *

Để “mỏ tôm” của Cà Mau bền vững, thiết nghĩ nên quy hoạch cho từng tiểu vùng sinh thái chi tiết hơn nữa và nuôi sinh thái kết hợp với từng cây con có điều kiện, có hiệu quả nhất từ các mô hình hiện có cho Cà Mau nói riêng và vùng ven biển ĐBSCL nói chung... Mặt khác, nên xây dựng thương hiệu “tôm Cà Mau”, sản phẩm tôm sạch để con tôm trên con đường hội nhập trở thành hàng hóa đặc sản, nguồn tài nguyên, nguồn động lực để bán đảo Cà Mau phát triển bền vững trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trần Quốc Thái

 


Gần 10.000 con trăn của các trại, cá nhân gây nuôi đăng ký với Chi cục Kiểm lâm

Nguồn tin: TTXVN, 14/7/2006
Ngày cập nhật: 14/7/2006

Kể từ sau dịch cúm gia cầm hoành hành, nuôi trăn đang trở thành nghề được không ít nông dân ở vùng ven và ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhờ có đầu ra và được giá.

Nhiều hộ nuôi trăn cho biết, trăn là loài động vật hoang dã dễ nuôi, ít bị bệnh, chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều diện tích và ít ảnh hưởng đến môi trường. Điều quan trọng là nuôi trăn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại vật nuôi khác. Hiện giá trăn con khoảng 250.000 đồng/con, trăn thịt từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng/kg.

Ông Dương Đình Lượng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân phía Nam đang quản lý trại trăn tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, cho biết trong 2 năm qua, Trung tâm đã triển khai dự án cho 20 hộ ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi và một số hộ khác trong thành phố, tỉnh lân cận nuôi 800 con trăn theo phương thức trung tâm cung cấp giống và thu mua lại sản phẩm, hoặc người nuôi tự bỏ tiền mua con giống.

Tính đến thời điểm hiện nay, có gần 10.000 con trăn của các trại, cá nhân gây nuôi đăng ký với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung nhiều nhất là địa bàn huyện Củ Chi./.

 


Đừng để trở tay không kịp

Nguồn tin: TBKTSG, 13/7/2006
Ngày cập nhật: 14/7/2006

 


Trà Vinh: Giá tôm nguyên liệu tăng

Nguồn tin: Vasep, 13/7/2006
Ngày cập nhật: 14/7/2006

Tại Trà Vinh, giá tôm sú loại 1 (từ 20-25 con/kg) hiện ở mức 135.000-145.000đ/kg, cao hơn giá tôm lúc cao điểm năm trước (140.000đ/kg); tôm sú loại 2 (25-30 con/kg) giá 110.000-125.000đ/kg. Giá tôm cao do nguồn hàng khan hiếm. Các đơn vị chế biến tôm sú của Trà Vinh chỉ mới thu mua được trên 3.082 tấn tôm nguyên liệu, chỉ bằng 1/3 sản lượng tôm của người nuôi trong tỉnh, do giá cạnh tranh thu mua tăng cao, còn phần lớn tôm sú thu hoạch của tỉnh đã “chạy” sang các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL và TP.HCM.

Theo Econet, 12/7/2006


Bão lớn hoành hành trên biển

Nguồn tin: LĐ, 13/7/2006
Ngày cập nhật: 14/7/2006

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Tôm cá đang bị hủy diệt!

Nguồn tin: NLĐ, 14/7/2006
Ngày cập nhật: 14/7/2006

 


Bãi nghêu Thới Thuận (Bến Tre) - Một mô hình quản lý hiệu quả

Nguồn tin: Fistenet, 12/7/2006
Ngày cập nhật: 13/7/2006

Hai giờ chiều, đoàn chúng tôi gồm 6 người lên đò qua sông đến xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trong lúc chờ đò, anh Bình – cán bộ khuyến ngư của Bến Tre - kể sơ qua về nơi chúng tôi sẽ đến thăm, đó là Hợp tác xã Rạng Đông và bãi nghêu hiệu quả nhất của tỉnh. Tất cả đều ngạc nhiên và tò mò khi anh Bình cho biết ở xã này, mọi nhân khẩu trong xã đều được nhận lương. Tôi thắc mắc, chỉ những người đi làm thì mới được nhận lương thôi chứ sao lại cả những người ở nhà cũng được hưởng lợi như người khác. Anh trả lời “Vì đây là nguồn lợi chung nên mỗi người sống ở xã này đều có quyền được hưởng một phần của nguồn lợi đó”. Nghe xong, bất giác mọi người trong đoàn chúng tôi đều dõi mắt sang bên kia sông. Một dải đất cây cối xanh rì, lấp ló những căn nhà mái bằng, chắc chắn, khang trang, khác hẳn những ngôi nhà đơn sơ, vách đất, mái lá dừa lúp xúp suốt hai bên chặng đường hơn một trăm cây số xe chúng tôi vừa đi qua. Sự khác biệt khiến chúng tôi thêm háo hức muốn thật nhanh được thấy tận mắt cái nguồn lợi đã làm một vùng quê trở lên trù phú, sung túc.

Sau khi qua đò, chúng tôi còn phải đi xe ôm thêm khoảng 2km nữa để đến Hợp tác xã thuỷ sản Rạng Đông, một mô hình quản lý điển hình ở bãi nghêu Thới Thuận. Trong cuộc trao đổi chớp nhoáng với ông phó chủ nhiệm hợp tác xã - người đã đảm nhiệm chức vụ này trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, một lần nữa, chúng tôi lại nêu lên thắc mắc về việc mọi thành viên trong xã được hưởng phần từ nguồn lợi chung ra sao. Ông tận tình giải đáp: “Ngoài những người làm công ăn lương ra. tất cả nhân khẩu trong xã đều được hưởng một phần lợi nhuận từ sản lượng thu hoạch được”. Tranh thủ thời gian lúc triều rút, chúng tôi đi bộ ra thăm bãi nghêu của xã.

Đường đi ra bãi nghêu dài chừng một cây số, phải trèo qua mộtchiếc cầu khỉ khá dài, khoảng hai trăm mét. Đó là một loại cầu mà chúng tôi đã nghe nói nhiều những còn chưa có dịp trải nghiệm - người ta đóng hai cọc bắt chéo nhau rồi đặt các thân cây nối tiếp nhau, trông cũng chắc chắn nhưng thật ái ngại. Chúng tôi không phải đi một mình, một tốp thanh niên khoảng hơn chục người tay xách xô, rổ vừa đi vừa cười đùa râm ran, cũng gia nhập đoàn. Ông Phó chủ nhiệm HTX giải thích, họ là người trong xã đi bắt ốc chứ không phải nghêu. Hiện nay nghêu chưa đến thời kỳ thu hoạch, nên chưa cho khai thác. Sắp tới, sẽ có hai công ty đến ký hợp đồng mua nghêu. Ông nói thêm, những người này chỉ tranh thủ lúc triều rút khoảng 2 tiếng là họ có thể bắt chục cân ốc rồi. Chưa kịp hỏi tiếp thì chúng tôi đã đến nơi. Trước khi vào bãi nghêu, chúng tôi phải ghé qua một trong các chòi canh ngay gần lối vào bãi, ông phó chủ nhiệm nói một vài câu với những người trên chòi. Tất cả chúng tôi đều để dép guốc tại đó và lội chân đất vào bãi. Mải bật máy ảnh, tôi đi chậm lại và hoà cùng nhóm với những người đi bắt ốc. Tôi thấy lạ vì mỗi người đi bắt ốc đều được phát một mảnh giấy trông như vé vào cửa. Mãi sau, khi tôi nói chuyện với ông Phó chủ nhiệm thì mới biết, để được vào bắt ốc, mỗi người đều phải có tờ phiếu theo dõi đó để khi bắt xong đem lên cho đội bảo vệ cân, kiểm tra và ghi lại số liệu để sau này dễ quản lý. Những người bắt ốc phải cam kết không được bắt nghêu, nếu bảo vệ (những người trên chòi) phát hiện thấy họ bắt nghêu, họ sẽ bị phạt ngay lập tức .

Trải dài trước mắt chúng tôi là một bãi triều rộng 900 ha bao quanh bởi rừng bần, giữa mênh mông là nước và cát, chỉ thấp thoáng bóng hai chiếc tàu nhỏ. Những người đi bắt ốc giờ đã đi cách chúng tôi rất xa, không nhìn rõ mặt, chỉ thấy những bóng người nhỏ bé cúi gò xuống. Nước triều đang rút, chúng tôi đi bộ thẳng về phía biển liền 500m mà nước chỉ giữ ở mắt cá chân. Mới vài bước, tôi đã thấy cảm giác rát ở dưới chân mình như thể đang bước trên một bãi đá răm. Anh Bình nói “ Nghêu đấy em à” và anh cúi xuống, hai tay thọc vào bùn, vốc lên hơn chục con nghêu đều đặn cỡ khoảng 70-80 con/kg (trong khi cỡ thu hoạch là khoảng 60 con/kg) trắng có, tím có. Chỉ cần khoả nước và một lớp cát là có thể thấy nghêu nằm san sát, đều đặn như có bàn tay sắp xếp. Ông phó chủ nhiệm giảng giải, loại nghêu này ở miền Bắc gọi là ngao, con màu tím thường bán giá cao hơn vì thịt ngon hơn. Hiện nay, giá trung bình một kg nghêu dao động từ 18 – 20.000đ, còn cao hơn cả sò huyết. Khi đến mùa thu hoạch, các doanh nghiệp chế biến thường vào đây ký hợp đồng thu mua nghêu tại chỗ sau đó vận chuyển về nhà máy. Sản phẩm khá phổ biến hiện nay là nghêu luộc nguyên con, nghêu bỏ vỏ, nghêu một mảnh vỏ... Thường khi đã ký hợp đồng, HTX sẽ phân bổ khối lượng nghêu khai thác cho xã viên và phát cho họ thùng đựng. Chỉ cần một hai ngày thu hoạch với khoảng vài trăm xã viên là đủ khối lượng để giao cho doanh nghiệp (mỗi xã viên có thể cào 40kg nghêu trong một buổi khoảng 2h đồng hồ). Sau khi cân đối thu chi mỗi vụ, lợi nhuận sẽ được đưa vào Quỹ ăn chia xã viên. Tính riêng trong sáu tháng đầu năm, tổng sản lượng nghêu và sò khai thác đã đạt trên 626.680 kg, doanh thu đạt hơn 21 tỷ đồng. Lợi nhuận ăn chia cho xã viên cho đến hết tháng 5/2006 là 07 lần với tổng số tiền khoảng 9,6 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ xã viên nhận 5,8 triệu đồng, mỗi nhân khẩu là 1,35 triệu đồng. Riêng lao động của hợp tác xã (500 xã viên) có thu nhập bình quân 3.2 triệu/người.

Để khai thác nguồn tài nguyên có hiệu quả như vậy, HTX đã kết hợp nhiều biện pháp như tuyên truyền giáo dục, đào tạo, mở rộng ngành nghề, chăm lo đời sống vật chất cho cán bộ, nhân viên, xã viên và người lao động, phân chia vùng nghêu giống và nghêu thương phẩm riêng để nghêu phát triển nhanh, hạn chế thiệt hại, chăm sóc nghêu thịt hiện có đồng thời cải tạo đất nuôi, mua thêm sò giống rải nuôi, v.v... Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác nghêu trộm hoặc các phương tiện có động cơ vào đánh bắt trên bãi, HTX đã thành lập đội bảo vệ, thậm chí có cả một tổ kiểm tra nữ (để kiểm tra những phụ nữ giấu nghêu, lấy trộm). Các tổ kiểm tra này luôn được trao đổi, tập huấn, không ngừng nâng cao chuyên môn, phù hợp mọi tình hình hoạt động khai thác. HTX còn phối hợp hoạt động với lực lượng Công an – Quân sự xã và lực lượng Biên phòng để xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm, không ngừng củng cố hệ thống quản lý xã viên, chấn chỉnh việc điều công lao động đảm bảo công bằng hợp lý.

Chúng tôi chợt liên tưởng đến những bãi sá sùng ở tỉnh Quảng Ninh, nơi nguồn lợi trước đây rất phong phú nhưng nay đang cạn kiệt vì tình trạng khai thác bừa bãi, và thấy vô cùng thán phục cách thức người dân nơi đây quản lý nguồn lợi của họ, làm cho nguồn lợi không những không suy giảm mà còn tăng lên từng ngày, tùng vụ, góp phần ổn định cuộc sống không chỉ cho những người khai thác mà cả những người dân sống nơi có nguồn lợi. Nhờ chính sách trả lương cho những người không tham gia khai thác, HTX Rạng Đông đã nâng cao được ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ nguồn lợi, huy động được nhiều người dân tham gia quản lý nguồn lợi hơn. Ông phó chủ nhiệm tâm sự: “Hầu như không có trường hợp khai thác nghêu giống hoặc khai thác trộm nghêu. Không phải chỉ vì lực lượng bảo vệ có mặt 24/24 mà còn vì quy định thưởng phạt nghiêm minh. Lượng nghêu sò mà người ta khai thác trộm được sẽ chẳng đáng bao nhiêu so với số tiền phạt và những lợi ích mà họ được hưởng từ HTX”.

Lưu luyến không muốn chia tay, nhưng đã đến giờ thuỷ triều lên, chúng tôi quay lại bến đò. Trên đường qua cây cầu khỉ, ông Phó chủ nhiệm hợp tác xã vẫn nhiệt tình kể chuyện, rằng trong thời gian tới, HTX sẽ xây dựng một cây cầu bê tông kiên cố thay cho chiếc cầu khỉ hiện nay để tạo điều kiện dễ dàng cho xã viên và người lao động đi lại khi tham gia khai thác, rằng HTX sẽ thực hiện hai dự án, một là xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt công suất 650m3/ngày, tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận sau thuế của HTX nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nước sạch, nâng cao đời sống xã viên, hai là thành lập quỹ tín dụng nội bộ huy động nguồn vốn trong xã viên để hỗ trợ một phần vốn cho xã viên sản xuất.

Nhìn những gương mặt người dân ở đây, tôi nhận thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ngời lên trong mắt họ. Tự nhiên tôi nghĩ đến những người ngư dân ở trên khắp mọi miền đất nước, những khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, nhàu nhĩ vì lo miếng cơm manh áo. Bao giờ họ sẽ hết nỗi lo về công ăn việc làm, về thu nhập, về nguồn lợi ngày càng giảm, hay vì phải đối phó với thiên tai, với đối thủ cạnh tranh. Rõ ràng, nguồn lợi không chỉ tập trung ở Bến Tre mà còn ở nhiều nơi khác, vậy tại sao người ngư dân ở xã Thới Thuận này lại có được sự thịnh vượng mà đa số những người ngư dân khác không có. Phải chăng vấn đề không chỉ là nguồn lợi mà là cách quản lý, làm thế nào để nguồn lợi là tài sản chung của mọi người, phục vụ lợi ích của mọi người và mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ nó, phát triển nó ngày một dồi dào hơn.

Thanh Phương

 


Nuôi tôm ở Tân Thuận (Bình Thuận) Hiệu quả từ yếu tố cộng đồng

Nguồn tin: Bình Thuận, 10/07/2006
Ngày cập nhật: 13/7/2006

Tân Thuận là một xã vùng biển, cách trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Nam 15 km, với 13.400 dân, sản xuất nông nghiệp chiếm 85%; một bộ phận dân cư sản xuất muối, khai thác thủy sản và nuôi tôm sú. Nghề nuôi tôm ở Tân Thuận cũng đã trải qua những năm tháng khó khăn và nay đã có hiệu quả tương đối bền vững.

THỜI KỲ KHÓ KHĂN

Từ năm 1984, Hàm Thuận Nam đã quy hoạch diện tích 7 ha thuộc thôn Thanh Phong và đắp một con đập dài 300m ngăn ngang dòng sông Cửa Cạn, xây dựng cống cung cấp và tháo xả nước để nuôi tôm cá. Sản lượng hàng năm thu được các loại tôm cá từ 4-5 tấn/năm, mọi việc diễn tiến không thuận lợi khi trận lụt năm 1992 đã phá hủy toàn bộ hệ thống đê điều không thể khắc phục được. Đến năm 1997, khi phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh, một số dân từ ngoài tỉnh: Cam Ranh, Nha Trang-Khánh Hòa; Phan Rang-Ninh Thuận và dân trong tỉnh từ các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân… vào Tân Thuận, Tân Thành sang nhượng đất đào hồ nuôi tôm, nhân dân ở đây cũng tận dụng những diện tích nằm gần kề kênh mương, thuận tiện việc cung cấp nước hình thành ao đìa nuôi. Với kiểu nuôi tự phát, và kỹ thuật đơn giản; hệ thống cấp, thoát nước không phù hợp; xuống giống không đúng mùa vụ, dẫn đến tôm bị dịch bệnh tràn lan, gây thiệt hại lớn. Có đến 95% diện tích của Tân Thuận bị bệnh dịch, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh phân trắng. Nhiều hộ gia đình đã thất bại, trắng tay.

HIỆU QUẢ BỀN VỮNG

Từ bài học thất bại, người nuôi tôm Tân Thuận đã biết đến tính cộng đồng để nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Trung tâm Khuyến ngư Bình Thuận đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người nuôi. Khuyến cáo hộ nuôi thả giống đúng thời vụ theo hướng dẫn của ngành thủy sản. Việc cải tạo ao đìa, quản lý chăm sóc phòng và trị bệnh có sự tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư. Và tuyệt đối khi thay xả nước các ao tôm bệnh, ra mương chung phải được xử lý diệt khuẩn bằng hóa chất, tránh bệnh lây lan ra cộng đồng… Nhờ vậy mà diện tích và năng suất nuôi tôm trong nhiều năm qua không ngừng phát triển, nếu ở giai đoạn 1996-1997 diện tích nuôi chỉ có 5 ha với năng suất từ 1-1,5 tấn/ha thì giai đoạn từ năm 2004 đến nay diện tích đã tăng lên 80 ha với năng suất khoảng 2,5 tấn/ha, cá biệt có những hộ có sản lượng nuôi đạt 7-9 tấn/ha. Dĩ nhiên bên cạnh sự thành công vẫn còn một số hộ thiếu may mắn, gặp rủi ro, thua lỗ, nợ nần. Mặt khác ở giai đoạn hiện nay giá cả thị trường còn nhiều bấp bênh thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Đây là những yếu tố mà người nuôi tôm lo lắng, trăn trở.

Từ thực tế nuôi tôm ở Tân Thuận, chúng tôi thấy trong sản xuất tinh thần trách nhiệm cộng đồng là rất quan trọng. Việc tuân thủ, các yếu tố kỹ thuật, thả giống đúng mùa vụ, tinh thần giúp đỡ hỗ trợ nhau khi có khó khăn là sự cần thiết. Mặt khác vai trò của chính quyền, đoàn thể là không thể thiếu trong việc bảo đảm tính ổn định, bền vững cho tính cộng đồng với kết quả ngày càng cao. Đồng thời các ngành có trách nhiệm cần quan tâm quy hoạch lại vùng nuôi tôm Tân Thuận có hệ thống cung cấp nước ngọt bảo đảm cho diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định lâu dài. Ngành thủy sản cũng cần quan tâm đến công tác khuyến ngư tại đây và không thể thiếu vai trò hỗ trợ đầu tư vốn của ngân hàng, bảo đảm cho Tân Thuận nuôi tôm phát triển ổn định lâu dài.

ĐÔNG BÌNH

 


Ninh Thuận: Sản lượng thu hoạch ốc hương đạt 8,6 tấn

Nguồn tin: NT, 6/7/2006
Ngày cập nhật: 13/7/2006

Nghề nuôi ốc hương thương phẩm tại tỉnh Ninh Thuậnđang phát triển với các hình thức: Nuôi ao, nuôi lồng và nuôi trong bể xi-măng. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng ốc hương nuôi trong toàn tỉnh đã thu hoạch được 8,6 tấn, giá bán bình quân từ 120 ngàn đến 160 ngàn đồng/kg.

Về hình thức nuôi, nghề nuôi ốc hương ao tậ p trung tại khu vực Tân An, Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải) với diện tích ao thả nuôi là 5,7 ha. Nuôi ốc hương lồng phổ biến ở các khu vực kè Ninh Chữ (Khánh Hải, Ninh Hải); Khánh Hội; Mỹ Tân và Mỹ Hòa (Thanh Hải, Ninh Hải), riêng khu vực Mỹ Tân hiện đang nuôi 85 lồng với số lượng thả nuôi là 1,7 triệu con giống. Nuôi ốc hương trong bể xi-măng hiện nay chỉ có Công ty TNHH Khang Thạnh tổ chức nuôi tại Sơn Hải (Phước Dinh, Ninh Phước); ưu điểm của hình thức này là có thể kiểm soát được dịch bệnh, dễ thu hoạch nhưng chi phí sản xuất cao và thời gian nuôi kéo dài.

B.T,Báo Ninh Thuận

 


An Giang: Giá cá tra nguyên liệu giảm từ 1.200 - 1.500 đồng/kg so tháng 5/2006

Nguồn tin: AG, 11/7/2006
Ngày cập nhật: 13/7/2006

 


Cần số lượng lớn nguồn cá tra giống để sản xuất cá sạch

Nguồn tin: AG, 12/7/2006
Ngày cập nhật: 13/7/2006

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống thủy sản An Giang đã sản xuất và tiêu thụ 63.000.000 con cá tra bột, 966.000 con cá tra giống và tiêu thụ qua các cơ sở sản xuất vệ tinh 50.000.000 cá tra bột, 2.000.000 cá tra giống. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã sản xuất và tiêu thụ 275.000 con cá ba sa bột.

Việc ứng dụng quy trình nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn SQF đang được ngành Nông nghiệp và các Hiệp hội, doanh nghiệp tiến hành phổ biến rộng rãi trong ngư dân là một bước tiến đáng kể cho nghề nuôi cá tra, ba sa tại An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Theo Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống thủy sản tỉnh, hiện nay, nhu cầu về nguồn cá tra giống đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng việc nuôi trồng cho các doanh nghiệp, ngư dân sản xuất cá sạch trong tỉnh là rất lớn. Năm nay, trung tâm sẽ tập trung sản xuất cá tra giống và khuyến khích các đơn vị vệ tinh sản xuất để có đủ sản lượng cá tra giống cung ứng cho người nuôi.

T.N

 


Nga là thị trường hàng đầu của cá basa Việt Nam

Nguồn tin: TTXVN, 11/07/2006
Ngày cập nhật: 12/7/2006

 


Chỉ có 0,22% lô tôm nguyên liệu chứa tạp chất

Nguồn tin: VNECONOMY, 11/07/2006
Ngày cập nhật: 12/7/2006


Gò Công Đông: Ngăn chặn nạn Nghêu tặc hoành hành

Nguồn tin: TG, 11/7/2006
Ngày cập nhật: 12/7/2006

 


ĐBSCL: giá cá tra giảm chỉ là tạm thời

Nguồn tin: TT, 12/7/2006
Ngày cập nhật: 12/7/2006

 


Tiêu chuẩn chất lượng nào cho sản phẩm cá tra, ba sa ĐBSCL?

Nguồn tin: CT, 12/7/2006
Ngày cập nhật: 12/7/2006


ĐBSCL: giá cá tra, cá ba sa giảm nhanh

Nguồn tin: TT, 11/07/2006
Ngày cập nhật: 11/7/2006

Những ngày qua giá cá tra, ba sa ở ĐBSCL giảm liên tục. Hiện với loại cá mà doanh nghiệp cho là T2, một số đơn vị chế biến mua vào chỉ còn 9.200 đồng/kg, với loại thịt trắng cũng dưới 12.000 đồng/kg.

Như vậy trong vòng hai tháng qua giá cá đã giảm 3.000 đồng/kg. Một số nguồn tin cho rằng giá cá giảm do các doanh nghiệp đã chủ động liên kết giảm tiến độ thu mua để ép giá mua cá nguyên liệu thấp xuống.

ĐỨC VỊNH

 


Chuyển 300.000 ha đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, trồng rau màu đạt hiệu quả cao

Nguồn tin: BCT, 11/7/2006
Ngày cập nhật: 11/7/2006

 


Hồi sinh ốc gạo đồng bằng

Nguồn tin: BCT, 11/7/2006
Ngày cập nhật: 11/7/2006


Cua biển rớt giá, người nuôi lại lo

Nguồn tin: 11/7/2006
Ngày cập nhật: 11/7/2006

Hiện nay, giá cua biển giảm mạnh, đứng ở mức thấp do đang thời điểm thu hoạch rộ, trúng mùa. Tuy người nuôi cua vẫn còn có lời, nhưng lợi nhuận đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Dù nuôi cua ít rủi ro hơn con tôm, nhưng người nuôi cua đang xem xét lại định hướng chuyển sang nuôi cua chuyên canh, do chưa lường hết những yếu tố rủi ro về giá cả trong những năm sau.

Cua biển về chợ nhiều, giá giảm

Gần 1 tháng qua, nguồn cua biển đổ về các chợ trên địa bàn TP Cần Thơ nhiều, giá giảm mạnh. Nguồn hàng chủ yếu từ các tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh... Ngoài các cửa hàng kinh doanh hải sản ở trung tâm thành phố, các hộ kinh doanh hải sản cố định ở các chợ, cua biển được nhiều người bán lẻ mang đi bán dạo ở các chợ, những khu đông dân cư đông đúc. Chị Nguyễn Thị Giàu, bán hải sản ở chợ Tân An, cho biết: “Khoảng 2 tuần trở lại đây, cua biển thu hoạch rộ, những người mua bán cua biển dạo từ các tỉnh lân cận đổ về thành phố nhiều hơn so với ngày thường. Nhưng những người này chủ yếu bán cua “xô”, chất lượng không cao nên giá khá rẻ”.

Tại các quầy bán hải sản ở các chợ và các cửa hàng kinh doanh hải sản trên địa bàn thành phố giá cua biển cũng giảm mạnh. Anh Đỗ Quốc Trung, chủ một cửa hàng kinh doanh hải sản trên đường Phan Văn Trị, nhận xét: “Năm nay, số lượng cua biển đưa về thành phố bán nhiều hơn so với vụ thu hoạch cua cùng kỳ năm trước. So với đầu vụ, giá cua đã giảm từ 20-40% tùy theo chất lượng cua, dao động từ 30.000-100.000 đồng/kg”. Cua biển “xô”, cua “dạt” giá giảm nhiều hơn cua biển đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; cua biển nuôi giá rẻ hơn cua bắt tự nhiên. Giá cua biển đạt chuẩn xuất khẩu không bị biến động do sản lượng thu hoạch, mà chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng xuất khẩu ở từng thời điểm”. Tại các chợ trung tâm thành phố, giá cua biển loại 1 (2-3 con/kg) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đang ở mức 60.000-80.000 đồng/kg; cua “xô” giá 50.000-60.000 đồng/kg; cua “biển dạt”, giá từ 30.000-35.000 đồng/ kg.

Do giá giảm, sức mua cua biển đang tăng cao hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, theo những người kinh doanh hải sản trên địa bàn thành phố, đã sắp hết đợt thu hoạch cua thịt, người nuôi cua đang chuẩn bị chuyển sang thu hoạch cua gạch son, có thể giá cua biển sẽ không tiếp tục giảm nữa.

Theo kinh nghiệm của một cơ sở thu mua thủy sản ở tỉnh Trà Vinh, vào thời điểm tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, giá cua thường giảm. Nhưng năm nay giá ở mức thấp nhất so với nhiều năm qua. Chị Lê Thị Diệu, chủ một cơ sở thu mua thủy sản ở huyện Duyên Hải, cho biết: “Tôi thu mua cua gạch chỉ với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, giảm 200.000 đồng/kg so với đầu năm; cua loại 1 có giá 45.000 đồng/kg, giảm 55.000 đồng/kg so với đầu năm, hầu hết giá cua các loại đều giảm”.

Còn chị Mai Thị Thu Thủy, một cơ sở thu mua thủy sản ở thị trấn Duyên Hải, cho biết: “Đây là thời điểm cua tốt hơn so với các mùa trong năm. Trong thời gian qua giá cua giảm mạnh nhưng số lượng thu mua vào vẫn không giảm”. Hiện tại, dù đã đến thời điểm thu hoạch rộ nhưng nhiều hộ nuôi cua vẫn nuôi cầm chừng, chờ giá lên. Nhiều hộ thu hoạch chỉ để bán thăm dò giá và có chi phí trang trải trong gia đình.

Lợi nhuận từ nuôi cua giảm mạnh

Gần 1 tháng qua, giá cua biển ở Trà Vinh đã giảm và đứng ở mức chỉ bằng 50% so với đầu năm. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng mấy năm qua. Người nuôi cua biển ở Trà Vinh lại một phen lao đao khi cua biển rớt giá mạnh trong thời điểm thu hoạch rộ ở những vùng nuôi cua chuyên canh.

Tại huyện Trà Cú, nơi có diện tích nuôi cua biển lớn nhất, nhì của tỉnh, trong mấy năm qua, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện đã giảm bớt diện tích nuôi tôm sú để nuôi cua, hay nuôi kết hợp sau vụ tôm sú. Ông Trầm Mạnh, xã Đôn Châu, kể: “Năm 2005, gia đình quyết định đào trên 8 công đất làm ao nuôi xen canh giữa cua và tôm sú, chấm dứt việc nuôi độc canh con tôm sú vốn gặp nhiều rủi ro. Sau vụ thu hoạch năm 2005, gia đình tôi thu hoạch từ con tôm chỉ huề vốn, 6 nhân khẩu của gia đình chỉ sống nhờ vào con cua. Cứ khoảng 3 ngày là có cua bán một lần với hình thức thu hoạch tỉa, mỗi ngày từ 300.000 - 400.000 đồng. Cuộc sống gia đình ổn định hơn”.

Theo so sánh của nhiều hộ nuôi tôm, cua kết hợp thì giảm được rủi ro, thu nhập khá. Nuôi cua biển tuy lãi ít hơn tôm sú nhưng an toàn hơn, bởi mức hao hụt của cua thấp, giá cả tương đối ổn định. Trung bình vốn đầu tư nuôi cua sau thu hoạch trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 3 lần, có lúc lên đến khoảng 5 lần so với với vốn ban đầu. Anh Sơn Văn Phúc, cũng ở xã Đôn Châu, hơn 10 năm qua, với 8.000m2 mặt nước, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 3 tấn cua thịt. Cứ mỗi ngày anh Phúc thu mua cua giống của những người đi bắt cua con và thả xuống ao của mình. Khoảng 5-10 ngày, anh thu hoạch một lần đạt 500.000-800.000 đồng. Vì vậy, đã nhiều lần anh có ý định chuyển sang nuôi cua chuyên canh vì nuôi tôm sú rủi ro cao.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm, Trà Vinh có khoảng 200 ha nuôi cua biển chuyên canh, còn số diện tích nuôi cua kết hợp cao gấp nhiều lần. Tuy lợi nhuận từ con cua không cao, nhưng được xem vật nuôi “xóa đói giảm nghèo” của người nuôi trồng thủy sản ở tỉnh. Vào đầu vụ tôm sú năm 2006, các ngành chức năng ở huyện Duyên Hải đã tổ chức cho một số hộ trên địa bàn huyện tham quan về mô hình nuôi tôm - cua kết hợp, qua đó, con cua biển đã được quan tâm nhiều hơn.

Nhờ vào nguồn cua giống thiên nhiên phong phú, giá rẻ (500 - 700 đồng/con giống), năm 2006, diện tích nuôi cua biển phát triển mạnh tại các huyện ven biển ĐBSCL. Chỉ riêng huyện Thạnh Phú (Bến Tre) diện tích nuôi cua đã đạt trên 7.000 ha. Cua chủ yếu được nuôi xen trong ao tôm hoặc thả nuôi trên những vùng nuôi tôm đã bị chết. Nhiều hộ thả cua nuôi từ sau Tết Nguyên đán hiện đang thu hoạch rộ.

Các hộ nuôi cua tại xã Đôn Châu (huyện Trà Cú) cũng cho biết giá cua hiện nay tuy thấp, nhưng người nuôi cua vẫn không lỗ, chỉ lời ít hơn thôi. Tuy nhiên ý định chuyển sang nuôi cua chuyên canh đã được nhiều người tính toán lại do lo ngại con cua sẽ “nối gót” con tôm, lâm vào tình trạng giá cả bấp bênh, sản lượng không ổn định.

KIM NGỌC- TRẦN PHƯƠNG

 


Huyện Tuy An (Phú Yên): Nuôi thử nghiệm cá hồng Mỹ

Nguồn tin: Phú Yên, 10/7/2006
Ngày cập nhật: 10/7/2006

So với các loại thuỷ sản nước mặn khác, cá hồng Mỹ có tốc độ phát triển khá nhanh. Qua gần 9 tháng thả nuôi, đến nay trọng lượng của cá đã đạt từ 0,8 đến 1,7 kg/con; tỷ lệ sống đạt 99% và chưa có biểu hiện bệnh trên cá...

Hơn 4.000 con giống cá hồng Mỹ, một đối tượng thuỷ sản mới, đã được 3 hộ gia đình ở xã An Hải (huyện Tuy An) đưa vào nuôi thử nghiệm trong 18 lồng, với diện tích 800m2 mặt nước.

So với các loại thuỷ sản nước mặn khác, cá hồng Mỹ có tốc độ phát triển khá nhanh. Qua gần 9 tháng thả nuôi, đến nay trọng lượng của cá đã đạt từ 0,8 đến 1,7 kg/con; tỷ lệ sống đạt 99% và chưa có biểu hiện bệnh trên cá.

Do nuôi bằng hình thức thả lồng, nước tại khu vực thả nuôi không bị ứ đọng, nên đã hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường nước. Lợi thế của việc nuôi cá hồng Mỹ là nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có tại địa phương; chi phí và công sức đầu tư có phần thấp hơn so với các đối tượng nuôi khác. Hiện nay, các đơn vị thu mua thuỷ sản ở ngoài tỉnh đã cam kết bao tiêu hết sản phẩm của các hộ nuôi cá hồng Mỹ.

Khắc Nho

 


Xây nhà máy sản xuất dầu biodiezel bằng mỡ cá

Nguồn tin: TP, 10/07/2006
Ngày cập nhật: 10/7/2006

Tại hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam (Vietfish) tháng 6/2006, ông Hồ Xuân Thiên, GĐ Xí nghiệp Chế biến thực phẩm thuộc Cty Agifish (An Giang) trình làng sản phẩm basabiodiezel và lập tức được trao danh hiệu “sản phẩm độc đáo”.

Trăn trở 25 năm

Năm 1981, ông Hồ Xuân Thiên rời nghề dạy học, vào làm việc cho Cty Agifish, phụ trách quản lí và tiêu thụ phụ phẩm từ cá tra, cá basa. Ông thấy phụ phẩm từ cá tra, cá basa chiếm tới 50% khối lượng cá nguyên liệu nên trăn trở với ý nghĩ làm sao nâng tỷ lệ sử dụng để tăng giá trị cho cá.

Trong đó, lượng mỡ chiếm khoảng 15% trọng lượng con cá cũng bị loại bỏ thành phế phẩm. Loại mỡ này nếu bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc thì giá rẻ, một số nhà máy không bán được phải xả xuống sông gây ô nhiễm nặng nề.

Chỉ tính tại Cty Agifish, mỗi năm có tới 10.000 tấn mỡ cá. Còn cả ĐBSCL với sản lượng cá tra, cá basa khoảng 500.000 tấn như hiện nay hoặc 1 triệu tấn vào năm 2010 thì khối lượng mỡ cá là khổng lồ.

Ông Thiên tìm hiểu việc sản xuất dầu biodiezel trên thế giới, rồi nhờ con trai là Hồ Xuân Thiện đang học Tiến sỹ chuyên ngành sinh hóa ở Đại học Oxford (Anh) gửi tài liệu về để nghiên cứu.

Sau nhiều năm mày mò, ông đã tìm ra phương pháp tinh luyện mỡ cá thành dầu biodiezel (về lí thuyết). Tháng 1/2004 ông cùng các cộng sự ở Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Đại học An Giang bắt tay vào cuộc thử nghiệm.

Rất khó khăn vì trên thế giới chưa có nơi nào sản xuất dầu biodiezel từ động vật, một số nước mới sản xuất từ dầu thực vật. Cuối năm 2005 nhóm của ông Thiên đã thử nghiệm thành công sản phẩm dầu chạy động cơ mang tên basabiodiezel.

Basabiodiezel màu vàng như dầu ăn, khi sử dụng máy nổ giòn tan, không khói, không mùi, độ nhạy tốt, ít nóng máy. Hiện đã có hàng chục khách hàng sử dụng thường xuyên...

Nhà máy 50 triệu lít dầu cá/năm

Giá thành 1 lít dầu từ cá tra, basa chỉ 7.000 đồng, rẻ hơn dầu diezel thông thường. Quan trọng hơn, nó giải quyết được bài toán về bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng khói thải của dầu này giảm 60% so với dầu diezel, giảm 78,5% khí CO2, giảm 45% khí CO; ít hydrocacbon thơm và không có lưu huỳnh.

Ngoài dầu basabiodiezel qui trình sản xuất còn thu được glycerin là một chất sử dụng khá phổ biến trong công nghệ dệt nhuộm, hóa màu, dược phẩm, mỹ phẩm cùng hai chất khác vốn là dưỡng chất cho cây trồng.

Ông Thiên cho biết: “Cty Agifish đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất dầu basabiodiezel từ mỡ cá. Dự kiến trong năm 2007 sẽ sản xuất 10 triệu lít dầu, năm 2008 khoảng 20 triệu lít và đến năm 2010 nâng lên 50 triệu lít.

Hiện Cty đang tìm kiếm đối tác để nhập hóa chất và công nghệ sản xuất qui mô lớn. Về đầu ra, một công ty đã đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm biobasadiezel, bởi loại dầu này ở nước ngoài giá cao hơn ở Việt Nam.

Chưa kể, theo tiêu chuẩn châu Âu, đến năm 2010 bắt buộc các động cơ chạy dầu diezel phải có tối thiểu 5% lượng dầu sinh học. Như thế, thị trường xuất khẩu cũng rất lớn”.

Các báo cáo nghiên cứu cho thấy chỉ có Tây Ban Nha là nước duy nhất trên thế giới sử dụng biodiezel từ nguyên liệu dầu hướng dương, còn lại đều sử dụng từ dầu ăn phế thải.

Sản lượng tiêu thụ cũng không nhiều, cao nhất là Bỉ với khoảng 241.000 tấn/năm. Như vậy, với việc xây dựng nhà máy sản xuất dầu từ mỡ cá tra, cá basa, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất dầu biodiezel từ động vật.

Hồng Lĩnh

 


ĐBSCL: giá cá tra giảm, giá cá đồng tăng

Nguồn tin: TT, 10/07/2006
Ngày cập nhật: 10/7/2006

 


Khánh Hòa xuất khẩu cá ngựa

Nguồn tin: TT, 10/07/2006
Ngày cập nhật: 10/7/2006

Hiện nay, mỗi tháng trại sản xuất cá ngựa giống thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã xuất khẩu sang Singapore và một số nước châu Âu 5.000-10.000 con cá ngựa 35 ngày tuổi với giá 3-5 USD/con chủ yếu để nuôi làm cảnh.

Đề án nuôi cá ngựa bắt đầu vào năm 1990 do tiến sĩ Trương Sỹ Kỳ làm chủ đề tài, đã thành công trong chủ động tạo giống cá ngựa bố mẹ, cho cá sinh nở nhân tạo với hai loại đen và ba chấm. Năm 2006 đã thành công trong việc chuyển da cá từ màu đen sang màu vàng. Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm để cho ra đời loại cá ngựa màu đỏ.

K.V.T.

 


Sapa có cá tầm, hồi vân

Nguồn tin: VNECONOMY, 07/07/2006
Ngày cập nhật: 9/7/2006

Giữa mùa hè nóng lửa, Sapa vẫn luôn có nhiệt độ trung bình từ 15 - 20 độ C. Khu du lịch nổi tiếng này còn có nguồn nước lạnh "lý tưởng" tuôn trào từ lòng núi, thành những dòng thác chảy quanh năm, không những góp phần làm mát mẻ không khí vùng cao, mà còn là nguồn tài nguyên quý giá mới được phát hiện cho nghề nuôi trồng thủy sản...

Trại ươm cá giống Sapa kín đáo giấu mình dưới chân quả đồi cách Thác Bạc chưa đầy một cây số, có thể nghe thấy tiếng rì rào suốt cả đêm ngày. Tại đây, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I (Viện I) đang nuôi khảo nghiệm hai giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao: cá tầm và cá hồi vân, mở ra một hướng làm ăn mới có hiệu quả cho người dân vùng núi phía Bắc.

Những người nuôi cá trên lưng trời

Đã có người gọi các nhà khoa học đang âm thầm, cần mẫn làm việc tại trại là "những người nuôi cá trên lưng trời". Trại cá nằm ở độ cao hơn 2.000 mét so với mặt nước biển. Dự án nuôi khảo nghiệm cá tầm và hồi vân phải vượt qua cả một "núi" khó khăn. Công việc đã được đánh giá là thành công tốt đẹp, là một cách làm hay của Viện I trong việc khai thác lợi thế tự nhiên, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị cao và đem lại nhiều công ăn việc làm tại chỗ cho người nông dân miền núi vốn còn đang rất nghèo và rất... nhàn nhã.

Đầu năm 2005, được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của Chính phủ Phần Lan, Viện I đã nhập 50.000 trứng cá hồi đã thụ tinh và vài ngàn cá tầm giống về nghiên cứu thử nghiệm khả năng thích ứng trong điều kiện tự nhiên ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Trứng cá hồi đã được ươm tại trại cá Sapa cho tỷ lệ nở tới 95%.

Trại đã chuyển giao 14.000 cá hồi giống đủ tiêu chuẩn cho Công ty TNHH Thiên Hà nuôi thương phẩm tại bản Khoang (thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai). Sau một năm nuôi, cá đã đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg/con và bán với giá từ 140.000 - 180.000 đồng/kg tại thị trường trong tỉnh. Số cá giống còn lại, trại chia ra nuôi khảo nghiệm trong các môi trường, mật độ và loại thức ăn khác nhau. Chúng được theo dõi sát sao, ghi chép kết quả cụ thể từng ngày để đối chiếu, tìm ra công nghệ nuôi thích hợp và có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hồi vân là loại cá vốn chỉ có ở vùng nước lạnh của các nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Điển... Nuôi cá hồi vân tương đối khó, đòi hỏi điều kiện khắt khe: nước phải luôn ở nhiệt độ dưới 20OC, phải có dòng chảy và độ ôxy hoà tan cao.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi - nằm ở độ cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển, nguồn nước lạnh và sạch dồi dào, nên cá hồi vân nuôi ở Sapa phát triển rất thuận lợi, tỷ lệ chết thấp, lớn nhanh, chất lượng thịt ngon như giống gốc ở Phần Lan. Thịt cá hồi màu đỏ cà rốt, có hàm lượng lớn chất béo và chất đạm, thịt ăn ngọt và thơm, nên được người tiêu dùng ưa chuộng, trở thành một đặc sản cao cấp không những ở thị trường Lào Cai.

Giờ đây, đến Sapa, ngoài tận hưởng khí hậu mát mẻ, trong lành và những sinh hoạt đậm sắc văn hoá dân tộc, khách du lịch còn được thưởng thức món cá hồi duy nhất ở Việt Nam đã nuôi được thành công. Đặc sản cao cấp này cũng đã về tới Hà Nội, được những người sành ẩm thực đánh giá cao hơn rất nhiều so với cá hồi đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài.

Cá xứ lạnh "đột phá" chuyển dịch kinh tế

Hiện nay, Công ty Thiên Hà có khoảng 10 tấn cá hồi thương phẩm sẵn sàng cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở Lào Cai và Hà Nội. Kết quả nuôi cá thương phẩm ở đây khẳng định người nông dân Sapa và nhiều địa phương khác ở vùng núi cao phía Bắc hoàn toàn có thể phát triển nghề "nuôi cá trên lưng trời", để xoá đói giảm nghèo và có cơ hội làm giàu chính đáng. Nhiều đoàn khách tham quan, học tập kinh nghiệm đã đến đây để chuẩn bị cho những dự án chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở quê mình.

Trung tâm nghiên cứu, phát triển thủy sản Lào Cai đang xúc tiến kế hoạch nuôi cá hồi vân tại địa bàn vùng núi cao có khí hậu lạnh như Bát Xát, Bắc Hà... nhằm giúp đồng bào dân tộc xoá đói, giảm nghèo hiệu quả. Lào Cai cũng đã xác định cùng với cây chè, cây ngô, đậu tương hàng hoá và chăn nuôi gia súc, thì nuôi trồng thủy sản sẽ là một mũi nhọn đột phá để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất canh tác.

Vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học của Viện I là phải tiếp tục nghiên cứu để sản xuất được con giống và thức ăn cho loại cá quý này, nhằm chủ động cung cấp kịp thời cho các cơ sở nuôi cá chắc chắn sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Đặc biệt là để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả cho người nuôi. Đáp ứng nhu cầu bức thiết này, vừa qua, Bộ thủy sản đã quyết định đầu tư 8,6 tỷ đồng để mở rộng và nâng cao năng lực ươm cá giống, tiến tới cho cá hồi đẻ tại chỗ.

Tại trại cá Sapa, hiện đang có hơn 10.000 cá hồi cái có trọng lượng từ 1 kg trở lên. Từ số cá này, sắp tới trại sẽ lựa chọn 3.000 con giống tốt để gây thành đàn cá mẹ, cho đẻ trứng.

Nay mai hồ thuỷ điện sẽ thành... ao cá

Rời Sapa, chúng tôi nhắm hướng hồ thuỷ điện Thác Bà - nơi có 10 lồng lưới kết thành bè chứa 1.130 con cá tầm (cũng được ươm nuôi từ Trại cá giống Sapa) đang được nuôi khảo nghiệm trong môi trường nước tự nhiên. Nuôi cá tầm cũng không kém phức tạp, đòi hỏi nhiệt độ nước phải luôn ổn định dưới 26OC và độ ôxy hoà tan cao, nhưng cho tỷ lệ thịt phi lê cao hơn cả cá hồi vân, vì cá tầm không có xương sống.

Nếu cách nuôi này thành công, sẽ mở ra triển vọng to lớn cho ngành nuôi cá nước ngọt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ tính diện tích mặt nước của các hồ thủy điện Thác Bà, Hoà Bình, Na Hang và Sơn La, đã có tới hàng trăm ngàn héc ta hữu ích sẽ được sử dụng.Cá tầm có thịt chắc, màu trắng, rất được ưa thích ở Hoa Kỳ và châu Âu (cả về philê cá và trứng cá muối), với giá cá sơ chế tại thị trường Mỹ thấp nhất cũng đã là 11 USD/kg, đủ sức thuyết phục tất cả những người nông dân có ý chí làm giàu, hy vọng sẽ đem lại nguồn ngoại tệ xuất khẩu lớn trong những năm tới cho Việt Nam.

Thạc sỹ Nguyễn Hải Sơn, phụ trách nhóm 3 nhà khoa học đang đảm nhiệm công tác khảo nghiệm nuôi cá tầm ở đây cho biết, số cá này được thả lồng đúng vào ngày đầu năm 2006, sau 6 tháng 20 ngày nuôi, cá đã đạt trọng lượng từ 2,6 - 2,7 kg/con, với tốc độ tăng bình quân 12 gam/ngày, tốc độ "hơn cả mong đợi", vì ngay ở các nước có công nghệ nuôi cá tầm khá hoàn chỉnh ở Bắc Âu thì con số 11 gam/ngày đã được coi là rất cao.

Anh Sơn tin rằng, được Bộ Thủy sản đầu tư tài chính và được Trung tâm đổi mới công nghệ nghề cá Phần Lan, Viện nghiên cứu thủy sản LB Nga hợp tác về kỹ thuật, việc sản xuất cá giống và thức ăn cho cá nước lạnh hoàn toàn có thể thực hiện được thành công ở trong nước trong một tương lai gần.

Trong khi chờ đợi, năm 2006 Viện I sẽ nhập 110.000 trứng cá hồi và vài nghìn cá tầm giống để tiếp tục chương trình nuôi khảo nghiệm và cung cấp một phần con giống cho các cơ sở nuôi cá thương phẩm.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực miền núi phía Bắc là một mảng lớn trong chương trình khuyến ngư quốc gia (dự kiến vào năm 2010, sẽ có khoảng 100.000 lao động trong lĩnh vực này, đạt tổng sản lượng 73.400 tấn, với nhiều loài "đặc sản" có giá trị cao), không những góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm tại chỗ, mà còn tạo một hướng đi mới, có hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Vấn đề đặt ra là cần phải lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp và có chính sách thật sự khuyến khích cả người nuôi và những người làm nghiên cứu khoa học.

Sự nhiệt tình phải được trả công xứng đáng cả về vật chất và tinh thần. Chỉ có như thế thì núi cao lưng trời cũng không ngăn được cá hồi ngược dòng sinh sôi nảy nở - như tập tính muôn đời của nó. Và những dòng thác mát lạnh sẽ không còn chảy phí hoài nữa, như ở dưới chân Thác Bạc này.

Anh Sơn khẳng định, chương trình nghiên cứu và khảo nghiệm không thể hoàn tất trong một sớm một chiều, bởi cá tầm cái phải đạt từ 8 - 10 tuổi mới thành thục sinh sản. Như vậy, 3 nhà khoa học trẻ tuổi sẽ còn phải gắn bó với mặt hồ mênh mông, vắng lặng ít nhất là 10 năm nữa.

Từng ấy thời gian, ngày ngày họ lặp đi lặp lại các công việc: 2 lần đo nhiệt độ và ô xy hoà tan trong nước, 2 lần cho cá ăn. Tôi hỏi: "Ngoài công việc ra các anh làm gì?". Anh Sơn chỉ vào những cuốn sách xếp sát vách khoang sàn dành làm phòng ngủ, rồi đem bộ đồ câu khá hiện đại ra khoe: "Có lần mình câu được con chép gần 5 ký!". Nghe nói mà thấy vừa phục, vừa thương!

Đức Minh

 


Xác định nguyên nhân vụ Giám đốc Afiex Bửu Huy bị câu lưu tại Bỉ

Nguồn tin: TN, 9/07/2006
Ngày cập nhật: 9/7/2006

Theo cáo trạng của Tòa án quận Bắc Florida thì Danny D.Nguyen (Việt kiều) là người điều hành 2 công ty Panhandle Tranding Inc (PTI) và Panhandle Seafood Inc (PSI) đã liên hệ, sắp xếp với các nhà cung ứng hải sản từ Việt Nam để làm các nhãn mác cá da trơn một cách gian dối. Cụ thể, từ năm 2002, PSI đã nhập trên 200 tấn cá tra thì có tới 150 tấn được ghi là cá mú. Năm 2003, PSI và PTI nhập gần 500 tấn cá tra thì có 350 tấn được ghi là cá mú. Năm 2004, PTI nhập 500 tấn cá basa thì 200 tấn được ghi là cá mú và 300 tấn được ghi là cá channa. Năm 2005, PTI nhập 150 tấn cá basa thì 100 tấn được ghi là cá mú và 50 tấn ghi là cá channa.

Bốn công ty ở Việt Nam đã đồng ý làm theo đề nghị của Danny D. Nguyen là Afiex (An Giang) do Bửu Huy làm đại diện, Mekongfish (Cần Thơ), Cafatex (Cần Thơ) và Coseafex (Trà Vinh). Cáo trạng dẫn chứng 52 bức thư điện tử giữa Nguyễn và các doanh nghiệp Việt Nam bàn bạc làm giả nhãn mác cá tra và cá basa. Cáo trạng nêu: các bị cáo đã chủ tâm buôn lậu, lén lút đưa vào Mỹ các mặt hàng cá da trơn để trốn thuế chống bán phá giá được áp dụng cho loài cá này. Sắc luật thuế chống phá giá cho cá tra và cá basa nhập từ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 31/1/2003. Cá channa, cá mú không phải chịu thuế chống phá giá.

Theo kết quả xác minh từ cơ quan chức năng Việt Nam, từ ngày 4/7/2001 đến 16/12/2002, Công ty Afiex An Giang do ông Bửu Huy là đại diện ký 14 hợp đồng xuất khẩu thủy sản cho Công ty PSI do Bùi Nguyễn và Danny Nguyễn (cháu của Bùi Nguyễn) là các Việt kiều Mỹ làm đại diện. Số hàng Afiex An Giang giao cho PSI gồm 27 container cá tra và cá basa, cá lóc bông fi-lê đông lạnh với số lượng 445 tấn trị giá 1,4 triệu USD, trong đó có 21 container ghi đúng nhãn mác và chủng loại hàng là cá tra hoặc cá basa fi-lê. Riêng 6 container Afiex An Giang sử dụng tên thương mại là Grouper (cá mú). Trong 6 container sử dụng sai tên này có 5 container thực chất là cá tra với số lượng 83 tấn, trị giá 297 ngàn USD. 1 container thực chất là cá lóc bông với số lượng 14 tấn trị giá 50.000 USD nhưng ngoài bao bì lại ghi là cá mú.

Công ty Afiex An Giang thừa nhận việc làm sai của mình và trình bày: do sợ bị hồi tố áp thuế bán phá giá nên Bùi Nguyễn và Danny Nguyễn đã bàn bạc với Afiex An Giang thay đổi tên chủng loại cá và nhãn mác bao bì.

Ngoài 4 doanh nghiệp Việt Nam là Afiex An Giang, Mekonimex, Cafatex (Cần Thơ), Coseafex (Trà Vinh) bị tòa án Mỹ buộc tội, cơ quan chức năng còn xác minh được 9 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khác có hành vi khai báo gian dối chủng loại hàng hóa trong việc xuất khẩu cá da trơn như Công ty Afiex An Giang đã làm.

 


Toàn tỉnh có 50,7 ha diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng

Nguồn tin: NT, 08/07/2006
Ngày cập nhật: 9/7/2006

Tính từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong toàn tỉnh là 50,7 ha, tập trung chủ yếu tại vùng nuôi tôm trên cát và vùng dự án Sơn Hải (Phước Dinh, Ninh Phước). Qua thu hoạch 23,7 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã cho sản lượng 132,8 tấn, năng suất bình quân đạt khoảng 5-6 tấn / ha. Theo nhận định của ngành Thủy sản, kết quả nuôi trong thời gian qua cho thấy tôm thẻ chân trắng phù hợp điều kiện nuôi của vùng dự án An Hải và Sơn Hải, thời gian nuôi ngắn và dễ nuôi hơn so với tôm sú.

Tuy nhiên do con giống tôm thẻ không có nhiều, giá lại cao, đáng nói là nguồn giống tốt chưa đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi nên việc phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ còn gặp khó khăn.

B.T,Báo Ninh Thuận

 


Quảng Nam: Tôm khát, dân đói, cả tỉ đồng nằm chờ thanh lý

Nguồn tin: TN, 06/07/2006
Ngày cập nhật: 8/7/2006

 


Cờ Đỏ hứa hẹn một mùa tôm bội thu

Nguồn tin: BCT, 6/7/2006
Ngày cập nhật: 8/7/2006

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang