• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thái Bình: Nuôi tôm - đánh bạc với ông trời

Nguồn tin: ND, 6/7/2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Sau bốn năm nuôi tôm, nông dân các xã ven biển thuộc hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) vẫn không dám chắc có thành công hay không? Nhiều người dân Thái Bình vẫn thường ví nghề nuôi tôm như “đánh bạc” với ông trời.

Tình trạng tôm chết đến mức báo động

Trao đổi với chúng tôi ngày 4-7, ông Bùi Lương Nhuận, Giám đốc Sở Thủy sản Thái Bình cho biết: Vụ nuôi tôm 1 năm nay, tỉnh có 5.336 hộ dân thả nuôi 278 triệu con tôm sú giống cỡ P15 trên diện tích 3.651 ha.

Từ thời điểm thả tôm đến khi được 50-60 ngày, tôm vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, từ ngày 18-5 đến 5-6, nhiều ao nuôi tôm sú trong vùng chuyển đổi tập trung tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã xuất hiện tôm chết. Tính đến ngày 5-6, diện tích tôm nuôi bị chết lên đến 306 ha, với số lượng tôm chết 21 triệu con, bằng 8,34% diện tích tôm thả nuôi; trong đó, huyện Thái Thụy có 177 ha tôm nuôi bị chết, Tiền Hải có 129 ha.

Khắc phục tình trạng tôm chết, Sở Thủy sản tỉnh đã kịp thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các xã có tôm chết chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và các hộ nuôi tôm thực hiện các biện pháp khắc phục. Sở đã kịp thời cấp 870kg chất Chlorin và 400 kg thuốc tím để xử lý các ao nuôi tôm bị chết. Cho đến nay, tình trạng tôm chết đã được khắc phục, các hộ dân tiếp tục thả lại tôm và các đối tượng nuôi khác trên diện tích tôm nuôi bị chết.

Để kiểm chứng những ý kiến nhận định của ông Giám đốc Sở Thủy sản Thái Bình, chúng tôi đến các “điểm nóng” về tôm chết tại các xã Thái Đô (Thái Thụy), Đông Minh, Nam Cường (Tiền Hải).

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là vùng nuôi tôm tập trung của xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Gặp Chủ tịch UBND xã Thái Đô Tạ Văn Ương tại Ủy ban xã, ông bức xúc: Tình trạng tôm chết năm nay khủng khiếp quá, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Vụ nuôi tôm năm nay, các hộ dân thả nuôi 37 triệu con tôm sú giống trên diện tích gần 600 ha.

Tình trạng tôm chết bắt đầu xảy ra ở giai đoạn tôm được gần hai tháng nuôi, ban đầu có 30 hộ có tôm nuôi bị chết, sau một tuần, số hộ có tôm nuôi bị chết tăng lên 155 hộ. Đến ngày 5-6, xã có 375 hộ có diện tích tôm nuôi bị chết, chiếm 45% số hộ nuôi tôm. Từ đó đến nay, tình trạng tôm chết đã được khống chế, không phát sinh diện tích tôm bị chết mới.

Anh Phạm Đức Vạc là một trong bảy hộ nuôi tôm công nghiệp tại khu nuôi tôm tập trung xã Thái Đô. Diện tích nuôi tôm năm nay của anh rộng 6.500 m2, chia thành hai ao. Anh thả bảy vạn con tôm sú giống.

Khi tôm nuôi được 35 ngày bị chết rải rác. Mặc dù anh áp dụng mọi biện pháp phòng bệnh nhưng tôm nuôi vẫn bị chết hàng loạt. Hậu quả anh phải gánh chịu là mất hoàn toàn một ao nuôi tôm, mất khoảng 20 triệu đồng đầu tư con giống, thức ăn, không kể công chăm sóc.

Tình trạng tôm chết xảy ra tại xã Đông Minh (Tiền Hải) cũng không kém như ở xã Thái Đô (Thái Thụy). Khi phát hiện tôm chết, nhiều hộ dân kéo lên xã nhờ sự giúp đỡ. Nhưng với khả năng chuyên môn hạn chế, cán bộ xã cũng không giúp được. Người dân không biết trông cậy vào ai, trách ai đành trở về thực hiện những biện pháp theo kinh nghiệm của mình.

Bí thư đảng ủy xã Đông Minh Phạm Ngọc Lân cho biết: Năm 2006 là năm thứ 5 người dân nuôi tôm. Tình trạng tôm chết năm nào cũng xảy ra nhưng chưa năm nào tôm chết nhiều như năm nay. Tính đến ngày 20-6, xã có 603/827 hộ nuôi có tôm bị chết (chiếm 72,9% số hộ thả nuôi tôm), 45,8/107,89 ha tôm bị chết (bằng 42,15% diện tích thả nuôi).

Chúng tôi có mặt tại xã Nam Cường, vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện Tiền Hải vào hồi 11 giờ ngày 5-7. Tại khu vực đầm nuôi tôm thôn Chí Cương, xôn xao tiếng mọi người trò chuyện. Mọi người kháo nhau “Tôm nhà anh Vũ Văn Thường to lắm, mới nuôi 100 ngày đã đạt trong lượng 48 con/kg”. Gặp anh Thường đúng lúc anh đang cân tôm bán cho tư thương, tôi hỏi:

- Sao anh thu hoạch tôm sớm thế? Anh Thường vội vã trả lời:

- Không bán nhanh ngày mai tôm chết như ngả dạ thì bán cho ai. Thà “ăn non” còn hơn là nhìn cảnh tôm chết.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, với cỡ tôm như vậy, anh Thường bán cho tư thương 75 nghìn đồng/kg. Anh thu hoạch được hơn 80 kg tôm trên diện tích 4 sào ao. Nếu như nuôi tôm thêm một tháng nữa thì tôm bán rất được giá (120-150 nghìn đồng/kg).

Anh Phan Văn Hòa, chủ ao nuôi tôm bên cạnh anh Thường nói chen vào:

- Số ông này còn may đấy, vì cả vùng này có hơn 90% diện tích tôm nuôi bị chết hàng loạt. Như nhà tôi nuôi tôm 5 năm rồi thì có 4 năm tôm nuôi bị chết.

Cho đến ngày 5-7, tình trạng tôm nuôi bị chết vẫn xảy ra tại các xã ven biển của huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Tình trạng tôm chết đã đến mức báo động. Số diện tích tôm chết chắc chắn cao hơn nhiều so số liệu do ông Giám đốc Sở Thủy sản Thái Bình cung cấp.

Hệ quả của những yếu kém

Theo ông Nhuận, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tôm nuôi bị chết là do: Các hộ nuôi tôm chưa thực hiện tốt kỹ thuật cải tạo ao, đầm trước khi thả nuôi; nguồn tôm giống chưa bảo đảm chất lượng; việc quản lý môi trường ao nuôi chưa tốt; hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước cho vùng nuôi tôm chưa bảo đảm; ý thức của người nuôi về quản lý môi trường vung nuôi kém.

Ông Tạ Văn Ương, Chủ tịch UBND xã Thái Đô (Thái Thụy) cho rằng: mô hình chuyển đổi diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của xã đã được khẳng định. Hiệu quả nuôi tôm cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Chính vì vậy, phong trào nuôi tôm của xã phát triển mạnh trong những năm qua.

Dự án nuôi tôm công nghiệp xã Thái Đô đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện từ năm 2001. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 54,6 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu của dự án này đến hết năm 2005 phải hoàn thành cơ sở hạ tầng vùng nuôi như kênh cấp, thoát nước, đường điện, trạm bơm…Nhưng đến nay, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành.

Ông Ương bức xúc: đến nay hệ thống mương cấp, thoát nước cho vùng nuôi tôm đã hoàn thành, nhưng chúng tôi đã phát hiện có nhiều sai phạm trong quản lý, thi công như sử dụng mác bê-tông không đúng, dùng nước mặn để trộn bê-tông, sử dụng gạch non để xây…

Hậu quả là hệ thống mương cấp, thoát nước không phát huy hiệu quả. Mực nước trong mương tiêu thường cao hơn mực nước trong kênh cấp nước. Chưa kể do mương tiêu xây dựng không bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng rò rỉ nước vào đầm nuôi tôm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt do bị lây lan dịch bệnh.

Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết, nguồn nước cấp và nước tiêu cho vùng nuôi trồng thủy sản đều chung một cống. Khi lấy nước vào ao nuôi tôm lại lấy phải nguồn nước thải nhiễm dầu mỡ từ cảng Diêm Điền và chất thải từ sản xuất nông nghiệp, cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm là tất yếu.

Chủ nhiệm HTX Hải Châu (Đông Minh) thì cho rằng: ngoài nguyên nhân do hệ thống thuỷ lợi cho vùng nuôi tôm chưa bảo đảm, chưa được đầu tư đúng mức còn do tình trạng chất lượng tôm giống chưa bảo đảm. Vì hầu hết nguồn tôm giống đều di nhập từ các tỉnh miền trung, chưa được kiểm dịch. Trong khi đó, khả năng kiểm soát của địa phương có hạn.

Hầu hết các hộ nuôi tôm đều sử dụng thức ăn tự chế biến từ con don, dắt, ốc, cá…Thức ăn thừa cũng là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi. Chưa kể đến ý thức quản lý của cộng đồng rất kém. Khi tôm chết, một số chủ hộ xả vô tôi vạ nước thải ra mương, hộ khác vô tình lấy nước vào, dẫn đến lây lan mầm bệnh.

Ông Giám đốc Sở thủy sản Thái Bình cũng thừa nhận việc kiểm soát chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua chưa bảo đảm. Đến nay, tỉnh mới sản xuất được 20 triệu con tôm giống/năm. Với cơ chế như hiện nay, việc kiểm dịch tôm giống khó có thể thực hiện được.

Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường và dịch bệnh thủy sản (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) sau khi xuống Thái Bình kiểm tra tình trạng tôm chết cho biết: Tỷ lệ tôm chết nhiều tại các xã chuyển đổi mạnh từ trồng lúa, cói, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản như Thái Đô (Thái Thuỵ), Đông Minh, Nam Cường (Tiền Hải) khoảng 50-70% diện tích.

Nguyên nhân chủ yếu làm tôm chết là do bệnh đốm trắng. Tuy nhiên việc tẩy dọn ao đầm chưa bảo đảm, nguồn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch. Ngoài ra, yếu tố về thời tiết như mưa, nắng nóng nhiều cũng làm cho tôm bị chết do sốc, thay đổi đột ngột nhiệt độ trong ao nuôi.

Nuôi tôm theo hướng nào có hiệu quả bền vững?

Có thể nói, Thái Bình là tỉnh sớm có phong trào chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa, cói, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Từ năm 2000, mô hình nuôi tôm tại Đông Minh, Nam Cường, Thái Đô đã trở thành điển hình thường được nêu lên tại các hội nghị tổng kết của tỉnh Thái Bình cũng như của Bộ thủy sản.

Việc cảnh báo về sự chuyển đổi quá nhanh, nuôi tôm theo phong trào đã được đưa ra, nhưng mức độ rủi ro đối với nghề nuôi tôm rất lớn. Nhiều người dân Thái Bình vẫn thường đánh giá, nghề nuôi tôm có ba “cái siêu”. Đó là “siêu lợi nhuận, siêu rủi ro và siêu nợ".

Từ thực trạng tôm chết năm nào cũng xảy ra đã cho thấy phát triển nuôi trồng thủy sản cũng như nuôi tôm tại Thái Bình cũng như nhiều tỉnh khác thiếu tính bền vững, không theo quy hoạch.

Nông dân thôn Chí Cương, xã Nam Cường thu hoạch non vì sợ tôm chết.

Ngay tại các ao đầm có tôm bị chết do nhiễm bệnh, nhưng người dân do tiếc của vẫn “cố đấm ăn xôi”, tiếp tục thả tiếp đợt tôm mới, khi điều kiện vệ sinh môi trường vẫn chưa bảo đảm. Thậm chí, một số hộ còn không tháo cạn ao có tôm chết, còn vớt tôm từ ao khác có tôm vào nuôi. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra đối với vùng nuôi tôm vẫn có thể xảy ra.

Quan điểm chỉ đạo của ngành thủy sản Thái Bình là kiên quyết không để trống diện tích có tôm bị chết, bằng mọi cách hướng dẫn người dân cải tạo lại ao đầm tiếp tục thả nuôi tôm mới hoặc các đối tượng nuôi mới.

Ông Nhuận cho rằng: Với thực tế như ở Thái Bình, hình thức nuôi tôm quảng canh là phù hợp nhất, là hướng tỉnh khuyến khích nông dân áp dụng. Nuôi tôm thâm canh hay bán thâm canh chỉ khi đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, ý thực bảo vệ môi trường, vốn đầu tư, hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh. Dự kiến đến năm 2007, tỉnh sẽ ban hành quy chế quản lý vùng nuôi trồng thủy sản, quản lý chất lượng con giống thủy sản.

Ông Vũ Dũng, Quyền Vụ trưởng nuôi trồng thủy sản (Bộ thủy sản) cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình trạng tôm chết không chỉ xảy ra tại Thái Bình mà còn xảy ra tại các địa phương khác như Thanh Hoá, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, với tỷ lệ tôm chết từ 2,7 đến 8,4% số tôm thả nuôi.

Để hạn chế tình trạng tôm chết có thể gia tăng trong thời gian tới, ông Vũ Dũng khuyến cáo: các địa phương chú ý đến duy trì mực nước sâu trong ao, đầm nuôi; tích cực sử dụng các chế phẩm sinh học cho xử lý đáy ao, môi trường nước ao nuôi, chất thải nuôi tôm; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước cấp và nước thải từ các ao, đầm nuôi tôm; nên thay đổi đối tượng nuôi thủy sản trong vụ sau khi thu hoạch tôm.

Việc áp dụng các mô hình nuôi xen canh, luân canh các đối tượng nuôi thủy sản khác như: các loài cá ăn mùn bã hữu cơ, cá ăn thực vật và các loài cá kinh tế khác (cá rô phi đơn tính, cá bớp, cá hồng mỹ, cá đối...); trồng rau câu sẽ góp phần cải tạo môi trường, xử lý chất cặn bã tồn đọng từ vụ nuôi tôm trước; cải tạo môi trường ao nuôi; hạn chế xảy ra dịch bệnh đối với vụ nuôi tôm năm sau.

Tạ Quang Dũng

 


Thừa Thiên - Huế: Thả 5 vạn cá giống nước ngọt xuống sông Hương

Nguồn tin: NLĐ, 7/7/2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Ngày 6-7, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế thả 5 vạn con cá giống nước ngọt gồm rô phi, chép, trắm, mè... xuống thủy vực thượng nguồn sông Hương, nhằm tăng cường, bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt trong những năm gần đây.

Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm hơn 1 triệu con cá giống nước ngọt sẽ được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thả xuống sông Hương cùng với lưu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

L.An


Cá tra nuôi sinh thái tiêu thụ mạnh

Nguồn tin: NLĐ, 5/7/2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Thông tin từ Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) cho biết, Công ty Binca Seafood của Đức vừa đặt hàng mua cá tra nuôi sinh thái của nông dân trong tỉnh với số lượng lên đến 1.600 tấn trong năm 2006.

Binca Seafood sẽ bảo đảm giá tiêu thụ cho người nuôi luôn có lãi ở mức 2.500 đồng/kg sau khi trừ hết chi phí.

Cũng theo AFA, năm 2005, Công ty Binca Seafood của Đức cũng đã thu mua 600 tấn cá tra sinh thái cho nông dân, toàn bộ được xuất khẩu với giá 20.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với giá cá tra nuôi thương phẩm tiêu thụ tại các nhà máy chế biến.

L.Cường

 


 

Tiền Giang: Hơn 3. 000 “nghêu tặc” lộng hành

Nguồn tin: NLĐ, 6/7/2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Ngày 5-7, bà Huỳnh Công Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết: Công an Tiền Giang vừa điều một trung đội cảnh sát cơ động đến khu vực quy hoạch nuôi nghêu xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông nhằm bảo vệ trật tự và tài sản của nhân dân, nguồn lợi thủy sản có giá trị lớn của Nhà nước ở khu vực này đang bị nghêu tặc khai thác trái phép.

Mấy ngày qua, hàng trăm ghe tàu cùng với hơn 3.000 “nghêu tặc” từ các tỉnh Bến Tre, Long An và TPHCM ngang nhiên xâm nhập khai thác nguồn lợi nghêu giống của các hộ nuôi nghêu, thậm chí đám nghêu tặc này còn lộng hành xâm nhập luôn khu vực huyện đang quản lý.

M. Sơn


Tiền Giang: Phấn đấu năm 2010, sản lượng Thủy sản đạt 161 nghìn tấn

Nguồn tin: TGiang, 3/7/2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Tại Hội nghị tổng kết chương trình kinh tế thủy sản giai đoạn năm 2001-2005 ngày 29/6/2006, Tiền Giang đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đạt tổng sản lượng thủy sản (nuôi trồng, khai thác) 161 nghìn tấn, giá trị sản xuất thủy sản là 1.490 tỉ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 95 triệu USD và tạo việc làm cho 66 nghìn lao động.

Để hoàn thành kế hoạch, Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp như xác định, quy hoạch chi tiết các vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản; khảo sát xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nuôi thủy sản tập trung ở những vùng đang nuôi còn khó khăn về hạ tầng, vùng có điều kiện. Quy hoạch vùng nuôi công nghiệp hợp lý, phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững; tập trung nuôi ở các vùng đã được đầu tư đưa vào khai thác; chú trọng xây dựng hạ tầng các vùng nuôi cá tra công nghiệp, tập trung phục vụ cho chế biến xuất khẩu, nuôi tôm càng xanh ở những vùng trũng, ngập lũ (phía Bắc Quốc lộ 1A, thuộc huyện Cái Bè, Cai Lậy); khuyến khích nhân dân tự đầu tư đóng mới, cải hoán phương tiện để có thể khai thác xa bờ, hạn chế các phương tiện ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại, sử dụng các lọai thiết bị, kỹ thuật tiến tiến bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu, tăng tỉ trọng sản lượng khai thác đưa vào chế biến; thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp của UBND tỉnh Tiền Giang, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện có tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực sản xuất bằng các công nghệ hiện đại; xây dựng các tổ hợp tác thủy sản, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản tươi sống, chế biến trong và ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho sản phẩm; điều tra, qui hoạch phát triển các cơ sở chế biến thủy sản truyền thống như nước mắm, mắm tôm chà, mắm ruốc, khô thủy sản các lọai... trên cơ sở cải tiến kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến phục vụ tiêu dùng và tham gia xuất khẩu. Xây dựng làng nghề chế biến thủy sản ở những nơi có điều kiện...

Từ năm 2001 đến nay, sản xuất thủy sản ở tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực, hàng năm đóng góp cho xã hội trên 100 nghìn tấn thủy sản các lọai. Chỉ tính riêng năm 2005, đạt tổng sản lượng hơn 136 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 45,429 triệu USD và giá trị sản xuất thủy sản là 1.121 tỉ đồng. Từ đó giải quyết cho hàng chục ngàn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi đáng kể kinh tế- xã hội vùng nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn ven biển.

Thanh Bình

 


Bình Định: Phá sạch 30 ha rừng ngập mặn: Tự chặt chân mình

Nguồn tin: BD, 6/7/ 2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Từ năm 2003 đến 2005, Sở Thủy sản Bình Định đã tiến hành trồng hơn 30 ha rừng ngập mặn, tập trung tại các vùng ven đầm Thị Nại (thuộc địa bàn huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn) và đầm Đề Gi (Phù Mỹ). Tuy nhiên, việc làm này không có hiệu quả vì đến nay hơn 30 ha rừng ngập mặn vừa được trồng trong thời gian qua đã bị phá sạch.

Bà Nguyễn Thị Liên, chuyên viên phòng Kỹ thuật và Quản lý nghề cá (Sở Thủy sản), cho biết: Trong 2 năm 2004 - 2005, Tổ chức Hành động vì rừng ngập mặn ATCMANG (Nhật Bản), thông qua ngành Thủy sản đã hỗ trợ cho người dân sống ven đầm Thị Nại và Đề Gi giống cây đước để trồng 20 ha rừng ngập mặn. Trong đó, tại khu vực đầm Đề Gi thuộc xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ) 5 ha; đầm Thị Nại thuộc xã Phước Thuận (Tuy Phước), phường Nhơn Bình, Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) 15 ha. Được sự hỗ trợ của ATCMANG, ngành Thủy sản tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trồng và giao cho người dân tại các địa phương quản lý, bảo vệ. Rừng ngập mặn mới trồng đã phát triển rất tốt, nhưng việc quản lý, bảo vệ cũng gặp rất nhiều khó khăn, do hàng ngày có đến hàng trăm người dân thường xuyên “càn quét” một cách không thương tiếc các khu vực rừng đước mới trồng để khai thác cua, cá giống, trùn biển và các loài nhuyễn thể khác... Điều này dẫn đến toàn bộ diện tích trồng đã bị xóa sổ.

Ông Huỳnh Xuân Để, Chi hội trưởng ngư dân, khu vực 4, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) - người được giao quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ở địa phương - cho biết thêm: “Để bảo vệ rừng ngập mặn, chúng tôi đã dùng cọc tre đóng dày tại các khu vực rừng trồng, nhằm ngăn chặn các đối tượng dùng xung điện, xiếc máy “cày xới”. Nhưng tránh được nạn xung điện, xiếc máy thì lại gặp quá nhiều người dân từ các địa phương ven đầm tự do dùng các loại thiết bị thủ công để khai thác hải sản, làm cho rừng bị tàn phá nghiêm trọng”. Đến nay, toàn bộ 21 ha rừng ngập mặn (gồm 10 ha rừng trồng từ vốn của ATCMANG và 11 ha từ vốn của Phòng NN-PTNT TP Quy Nhơn) ở khu vực 4, phường Nhơn Bình đã bị “xóa sổ” hoàn toàn, chỉ còn trơ lại những cọc tre.

Rừng ngập mặn với các loại cây: sú, đước, mắm, vẹt, bần… đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cải tạo môi trường sinh thái. Hệ rễ của cây ngập mặn góp phần làm giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, chống sạt lở, bảo vệ vùng ven bờ; là nơi sinh sản và trú ẩn của nhiều giống loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có giá trị cải tạo môi trường nước, làm phân hóa các chất hữu cơ lắng đọng. Nếu dưới tán rừng ngập mặn là cá, tôm… thì trên tán rừng có các loài chim, thú… có yếu tố quan trọng trong việc góp phần bảo vệ và tái tạo đa dạng sinh học…

Do việc trồng rừng ngập mặn không mang lại hiệu quả, nên mới đây UBND TP Quy Nhơn đành phải kết thúc sớm dự án trồng rừng khôi phục môi trường sinh thái đầm Thị Nại. Có thể nói, đây là kết quả đáng buồn vì trước đây dự án này được xem là rất triển vọng, với mục tiêu cải tạo, khôi phục rừng sinh thái, gắn với phát triển du lịch sau khi công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn tất. Nguyên nhân dẫn đến việc rừng ngập mặn bị phá là do cuộc sống của người dân vùng ven đầm chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác các loài thủy sản ven bờ. Ý thức về việc bảo vệ rừng ngập mặn, môi trường sinh thái trên đầm của người dân chưa cao, chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa có các biện pháp bảo vệ rừng có hiệu quả.

Để khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, điều quan trọng là các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Vì rừng ngập mặn được phục hồi, tái tạo sẽ là điều kiện quan trọng để các giống loài thủy sản sinh sôi nảy nở, tạo nguồn sinh kế lâu dài cho bà con.

Nguyễn Hân

 


Bình Định: Tuy Phước: Thêm một vụ tôm thất bát

Nguồn tin: BD, 5/7/ 2006
Ngày cập nhật: 7/7/2006

Mặc dù vụ nuôi tôm năm 2006 của huyện Tuy Phước đến nay chưa kết thúc, nhưng nhiều vùng nuôi tôm ở địa phương này đã phải thu hoạch sớm vì con tôm bị dịch bệnh.

* Điệp khúc dịch tôm

Ông Nguyễn Văn Sô, ở xóm 19, thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn) cho biết: “Vụ tôm năm nay, tôi thả 15 vạn tôm giống trên diện tích 7.000 m2 mặt nước, nuôi bán thâm canh. Trước khi vào vụ, tôi đã tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm do ngành Thủy sản tổ chức và tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, nhưng thu hoạch chỉ được 200 kg… tôm đất, bán được 7,5 triệu đồng, lỗ hơn 15 triệu đồng”. Ông Sô là một trong những người nuôi tôm giỏi nhất ở xã Phước Sơn. Những năm trước, trong khi nhiều hộ nuôi tôm trong vùng liên tục bị thua lỗ, nhưng riêng ông vẫn có lãi đều đều. Vậy mà vụ tôm này ông phải chịu thất bại, chỉ sau 45 ngày thả nuôi là con tôm bắt đầu bị dịch thân đỏ, phải thu hoạch sớm.

Ông Nguyễn Thành Nam là dân ở TP Quy Nhơn lên thuê hồ nuôi tôm ở vùng hồ Úc, thuộc thôn Vinh Quang 2 đã 3 năm nay, nhưng hầu như năm nào cũng bị thất bại. Năm 2006 này, ông Nam thả tôm từ đầu tháng 3 theo lịch khuyến cáo của ngành Thủy sản, nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng, toàn bộ 4 hồ nuôi, diện tích 1,5 ha, tôm bị bệnh chết hàng loạt, mất trắng hơn 50 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục cải tạo hồ, quyết tâm làm lại vụ 2 để gỡ gạc vốn. Lần này, ông đưa giống tôm thẻ chân trắng vào nuôi với hy vọng sẽ có hiệu quả. Nhưng vừa thả ươm mới 22 ngày, toàn bộ 100 vạn tôm giống cũng mắc bệnh và chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, để lại cho ông món nợ gần 80 triệu đồng vốn vay ngân hàng và tiền vay mượn của bạn bè, anh em.

Theo nhiều người nuôi tôm ở Tuy Phước, nuôi tôm bán thâm canh hiện nay rất dễ thất bại, vì chi phí đầu tư cao trong khi môi trường nước vẫn không đảm bảo. Nhiều người đã chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, hoặc xen canh các loại thủy sản khác, nhưng cũng không dễ dàng gì. Hầu hết diện tích nuôi tôm quảng canh của xã Phước Sơn năm nay cũng đều bị dịch bệnh, phải thu hoạch sớm. Ông Huỳnh Minh Cẩn, cán bộ khuyến ngư xã Phước Sơn cho biết: “Vụ tôm năm nay, toàn xã có 301 ha nuôi tôm, nhưng đến nay đã có đến 117 ha bị dịch bệnh thân đỏ, đốm trắng và bệnh môi trường, năng suất tôm bình quân chỉ đạt 2 tạ/ha. Hầu hết những hộ nuôi tôm ở địa phương đều bị thua lỗ từ 30 - 40 triệu đồng, có hộ lỗ vốn đến 80 triệu đồng”.

Ở xã Phước Thuận, so với mọi năm, tình hình nuôi tôm có khả quan hơn, nhưng năng suất vẫn rất thấp. Ông Nguyễn Hàn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau nhiều năm sản xuất thường xuyên thua lỗ, UBND xã đã tăng cường vận động người dân chuyển từ nuôi bán thâm canh sang nuôi quảng canh cải tiến và nuôi xen canh với các loài thủy sản khác. Nhờ vậy, dịch bệnh tôm ít xảy ra hơn, với diện tích 318 ha mặt nước nuôi tôm, có 38 ha bị dịch bệnh, năng suất tôm bình quân đạt 3 tạ/ha”. Tuy dịch bệnh tôm có phần được khống chế, nhưng người nuôi tôm ở đây vẫn chưa hết lo âu vì hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, nguồn nước ngọt phục vụ nuôi tôm vẫn phải phụ thuộc vào mương cấp nước của sản xuất nông nghiệp. Được biết, trước đây UBND huyện Tuy Phước cũng đã lập dự án xây dựng hệ thống thủy lợi cung cấp nước cho các vùng nuôi tôm ở khu Đông, nhưng tiến độ thực hiện quá chậm.

* Vì sao thất bại?

Phải nói ngay rằng, nguyên nhân làm cho dịch bệnh tôm lan tràn ở các xã khu Đông Tuy Phước trong vụ nuôi tôm vừa qua là do nguồn nước ngọt để cung cấp cho các ao nuôi rất khó khăn. Hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức là lý do dẫn đến những mùa tôm thất bát. Ông Nguyễn Đình Dũng, cán bộ phụ trách khuyến ngư xã Phước Hòa cho biết: “Do thiếu nguồn nước ngọt để cung cấp nên độ mặn trong các hồ nuôi tôm lên rất cao, làm cho con tôm không thể phát triển được. Lúc mới thả nuôi, con tôm phát triển khá tốt, nhưng đến giai đoạn tháng thứ 2, thứ 3, độ mặn trong ao nuôi tăng cao, nhiều loại dịch bệnh bắt đầu bùng phát, người nuôi đành phải thu hoạch sớm để mong gỡ gạc được chút ít!”.

Ngoài ra, chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi chưa được quan tâm đúng mức cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh tôm. Do thường xuyên bị thất bại nên hầu hết người nuôi tôm ở Tuy Phước hiện đã kiệt vốn, thả tôm theo kiểu ăn may, thiếu sự đầu tư cải tạo hồ, kiểm dịch nguồn tôm giống, nên không thể ngăn ngừa được dịch bệnh tôm. Thực tế, tại một số vùng nuôi ở Tuy Phước trong vụ nuôi tôm này cho thấy, nếu nguồn nước ngọt được đảm bảo, hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản, con tôm nuôi vẫn cho năng suất khá cao. Ông Huỳnh Minh Cẩn, cán bộ khuyến ngư xã Phước Sơn cho biết thêm: “Tại cánh đồng tôm thuộc thôn 22 xã Phước Sơn có 4,7 ha mặt nước nuôi tôm, nhờ có nguồn nước nước ngọt đảm bảo, các hộ nuôi tôm tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật, nên hầu như năm nào cũng được mùa lớn. Trong vụ nuôi này, trong khi các vùng nuôi tôm khác bị dịch bệnh thì tại đây tôm đang phát triển khá tốt, năng suất ước đạt 3 tấn/ha”.

Dịch bệnh tôm là chuyện không mới, tuy nhiên các ngành chức năng và người chăn nuôi vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả. Điều đáng nói hơn là trong vụ nuôi tôm vừa qua, mặc dù ngành Thủy sản tỉnh đã có khuyến cáo người nuôi tôm nên chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị dịch bệnh sang nuôi trồng các loại thủy sản khác, nhưng nhiều hộ nuôi tôm vẫn làm theo… kinh nghiệm riêng của mình, trong điều kiện cơ sở hạ tầng nuôi tôm còn yếu kém, nên đã dẫn đến những kết quả đáng buồn. Nếu không có biện pháp chuyển đổi kịp thời thì những vụ tôm thất bát là điều dễ hiểu!

Nguyễn Hân

 


Phú Yên: Tuy An - Không tiêu thụ được cá sấu thương phẩm

Nguồn tin: PY, 5/7/2006
Ngày cập nhật: 6/7/2006

Hiện cá sấu thương phẩm ở huyện Tuy An đang gặp bế tắc trong khâu tiêu thụ do không tìm được thị trường. Từ 2003 đến nay mô hình nuôi cá sấu thương phẩm được triển khai ở các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và phát triển khá tốt.

Hiện đang là thời điểm thích hợp để xuất bán cá sấu với trọng lượng mỗi con từ 20-50 kg. Tuy nhiên, do nguồn hàng cá sấu không tập trung và không tìm được thị trường nên hầu hết các hộ nuôi đều gặp khó khăn trong giải quyết đầu ra. Do đầu tư lớn nên nhiều hộ đang bị lỗ nặng.

KHẮC NHO

 


Tín hiệu hồi phục của nghề nuôi tôm

Nguồn tin: PY, 6/7/2006
Ngày cập nhật: 6/7/2006

Thông tin từ phòng kinh tế ở các huyện Tuy An, Sông Cầu, Đông Hòa cho biết: Đến cuối tháng 6-2006, bà con thu hoạch được hơn 600 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong vụ này toàn tỉnh chỉ có hơn 20ha diện tích tôm bị bệnh, hầu hết tôm nuôi ở các vùng đều phát triển tốt, cho năng suất bình quân tôm sú đạt 1,46 tấn/ha, tăng 0,11%; tôm thẻ 3,36 tấn/ha tăng 0,12% so với năm trước.

Do vậy, có đến hơn 80% hộ nuôi tôm có lãi từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Đây thật sự là tin vui, là tín hiệu đáng mừng về việc phục hồi nghề nuôi tôm trong tỉnh, bởi đã hơn 4 năm qua, con tôm “trở chứng”, liên tục bị dịch bệnh và mỗi năm có đến 80% hộ nuôi bị lỗ vốn nặng!

Theo phân tích của các kỹ sư thủy sản, nhiều năm liền diện tích ao đìa bị bỏ trắng rất lớn làm giảm áp lực về sử dụng và xả thải nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ra đồng tôm, tạo điều kiện cho môi trường được rửa trôi, tái sinh trở lại. Thêm một thực tế nữa là, chắc hẳn người nuôi đã rút ra được bài học cay đắng từ những vụ tôm “siêu lợi nhuận” nhưng cũng “siêu rủi ro” làm trắng tay, nợ nần chồng chất, do vậy họ không còn chạy theo lợi nhuận, “hành xử” thô bạo với thiên nhiên, thả tôm quá dày, xả thải ra sông, lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy... Đa số đã thay đổi cách nghĩ, cách làm như tuân thủ lịch mùa vụ, cải tạo ao và áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi chỉ 1 vụ tôm với mật độ thả nuôi thưa… Nhờ vậy, dịch bệnh tôm ít xảy ra và lây nhiễm tràn lan như trước đây, thêm vào đó chi phí sản xuất giảm, năng suất tôm tăng lên (tính theo tỉ lệ của mật độ thả nuôi trên diện tích tương ứng), nên người nuôi có lãi…

Từ thực tế trên có thể nói rằng, ngay từ bây giờ ngành thủy sản và cộng đồng những người nuôi tôm cùng cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đồng tôm, giảm thiểu áp lực về quy mô diện tích, giảm mật độ thả tôm… nhằm cân bằng môi trường sinh thái. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để sớm phục hồi và phát triển nghề nuôi tôm đạt hiệu quả và bền vững lâu dài.

TRẦN AI

 


Tổng sản lượng nuôi thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 18.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ

Nguồn tin: AG, 5/7/2006
Ngày cập nhật: 6/7/2006

Theo tin từ UBND tỉnh cho biết, diện tích nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt 38.540 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú với hình thức thâm canh khoảng 4.850 ha, giảm 1.898 ha so với cùng kỳ, đạt 72% kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giảm diện tích nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm sú với hình thức thâm canh, bán thâm canh là do môi trường nuôi bị ô nhiễm dịch bệnh diễn biến phức tạp nên một số khu nuôi chưa tiến hành thả giống, các ngân hàng cũng đã hạn chế trong việc cho vay vốn đầu tư nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, nên một số hộ nuôi thiếu vốn, không thả giống nuôi hết phần diện tích đã đầu tư. Riêng sản lượng nuôi thủy sản các loại ước đạt 18.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Sản xuất giống thuỷ sản trong tỉnh tiếp tục phát triển, số lượng giống sản xuất trong 6 tháng đầu năm: tôm sú giống 251 triệu post, tôm càng xanh 20 triệu post, cá nước ngọt 22,5 triệu cá bột và cá giống, giống tôm sú kiểm dịch nhập tỉnh là 868 triệu post, so cùng kỳ giảm 11,3%. Nguồn nghêu giống hiện nay đã xuất hiện ở các bãi triều ven biển, ngành Thủy sản đang tiến hành đánh giá trữ lượng phối hợp cùng địa phương và các ngành liên quan có biện pháp bảo vệ, khai thác tốt tài nguyên này

Thanh Long


Nuôi tôm chính vụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn

Nguồn tin: AG, 5/7/2006
Ngày cập nhật: 6/7/2006

Xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh nhiều năm liền. Mùa nuôi tôm chính vụ được người dân thả nuôi bắt đầu từ tháng 5 và 6 hàng năm. So với vụ nuôi năm 2005 thì diện tích nuôi tôm chính vụ năm nay của xã tăng lên rất nhiều. Cụ thể đến nay người dân trong xã đã thả nuôi trên 400 ha với trên 200 hộ tham gia.

Một trong những vấn đề mà người nuôi tôm ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn quan tâm hiện nay là nguồn con giống không đáp ứng đủ diện tích thả nuôi. Với 7 trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 30% lượng tôm giống nuôi chính vụ (tính riêng trên địa bàn huyện Thoại Sơn) số còn lại người nuôi tự tìm mua con giống từ các trại sản xuất giống ngoài tỉnh. Do đó để đảm bảo kỹ thuật nuôi, tránh những rủi ro và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, ngành nông nghiệp huyện Thoại Sơn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho các xã có diện tích thả nuôi nhiều.

Nguyễn Hậu

 


An Giang: Nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng tăng

Nguồn tin: AG, 6/7/2006
Ngày cập nhật: 6/7/2006

Hiện nay tình hình nuôi cá tra và basa đang có chiều hướng tăng trở lại nhưng vẫn còn ở mức độ hạn chế. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2006 diện tích nuôi cá tra ao hầm trong toàn tỉnh là 1.164 ha, tăng 4 ha so với thời điểm đầu năm 2006. Trong đó diện tích nuôi cá tra là trên 833 ha, tăng trên 10% so đầu năm và giảm trên 18% so cùng kỳ năm 2005. Số lượng lồng bè đang nuôi cá hiện còn 2.569 lồng bè, giảm 115 lồng bè so với thời điểm tháng 1 năm 2006.

Sản lượng cá tra, basa thu hoạch trong quí 2 năm 2006 khoảng 40.000 tấn, tăng gần 3.000 tấn so với quí 1 năm 2006. Tuy nhiên sản lượng thu hoạch này thấp hơn cùng kỳ năm 2005 hơn 10.000 tấn. Với sản lượng cá tra, basa đã thu hoạch nếu các nhà máy chế thủy sản đông lạnh xuất khầu trên điạ bàn tỉnh hoạt động bình thường thì mỗi tháng sẽ thiếu từ 3.000 đến 4.000 tấn cá nguyên liệu.

Ngọc Thăng

 


Có khả năng lũ sớm ở ĐBSCL và lũ quét ở Đông Nam bộ

Nguồn tin: SGGP, 30/06/2006
Ngày cập nhật: 6/7/2006

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định: Sau 3 năm lũ tại ĐBSCL ở mức thấp, mùa mưa lũ năm nay sẽ gặp bất lợi. Số liệu ghi nhận gần đây cho thấy lũ thượng nguồn dòng Mekong sẽ về sớm hơn những năm qua và sẽ là một trong những mùa lũ lớn.

Ngay trong tháng 7, mực nước tại hệ thống đầu nguồn sông Cửu Long cao hơn năm 2005. Không chỉ lũ lớn ở vùng ĐBSCL, mùa mưa bão năm nay lũ trên hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai vùng Đông Nam bộ cũng là vấn đề không thể xem thường, nhất là khả năng lũ quét xuất hiện trong bối cảnh năm nay mùa mưa đến sớm và lượng mưa cũng khá lớn so với năm rồi.

Ông Nguyễn Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý khai thác thủy lợi Dầu Tiếng cảnh báo: Mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở cao trình 18,51m cao hơn cùng kỳ năm 2005 đến 2,63m, nên vào cao điểm mùa mưa bão (từ tháng 9 trở đi), khi hồ đạt gần mức thiết kế phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ.

Vùng Đông Nam bộ hiện nay có 4 hồ nước trên vùng thượng nguồn các sông lớn, ngoài hồ thủy lợi Dầu Tiếng, còn có hồ thủy điện Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, sắp tới, khi hồ thủy điện Srok Phu Miêng đi vào hoạt động sẽ là những “túi nước” khổng lồ trên thượng nguồn. Mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều và càng về cuối năm các đợt áp thấp nhiệt đới cũng như bão càng đi vào vùng Nam Trung bộ và Nam bộ là những nguy cơ thật sự ở vùng Đông Nam bộ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM, lo ngại nhất là sự xuất hiện tổ hợp bất lợi có thể xảy ra vào mùa mưa bão năm nay, đó là tình trạng xuất hiện lũ ở Đông Nam bộ cùng lúc với mưa lớn tại chỗ lại rơi đúng thời điểm triều cường cao (thường vào tháng 9-10 trở đi). Điều đáng chú ý là ngay đợt triều cường đầu tháng 3 này, thời điểm thấp nhất trong năm (chỉ dao động 1,13m-1,19m), nhưng năm nay lại cao đến 1,41m (ngang với triều cường tháng 11-2005, là một trong những mực cao nhất thời gian qua).

Ông Phạm Văn Đức cũng cảnh báo Nếu lũ xuất hiện ở Đông Nam bộ, khả năng thoát lũ theo hướng sông Vàm Cỏ Đông sẽ gặp khó khăn do lũ vùng ĐBSCL về sớm và ở mức cao. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các sở chuyên ngành nhanh chóng đặt hàng với cơ quan khoa học cao nhất nước nghiên cứu và đánh giá về tình trạng ngập úng ở TP để có thể giải quyết một cách toàn diện.

ĐÔNG NGHI


QUY HOẠCH ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHĂN NUÔI - CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ

Nguồn tin: BR-VT, 01/07/2006
Ngày cập nhật: 5/7/2006

Hiện nay một số vùng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn. Sự bất cập trong quy hoạch, xây dựng và quản lý vùng nuôi đã dẫn đến nguy cơ suy thoái môi trường sinh thái làm phát sinh dịch bệnh, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản bị thất bại triền miên.

AI MUA ĐÙNG TÔM...?

Một ngày giữa tháng 6, chúng tôi đến khu nuôi tôm công nghiệp Phước Thuận (Xuyên Mộc). Như mọi năm, thời điểm này phải đến 80% diện tích ao nuôi đã xuống giống vụ 1, nhưng năm nay, chỉ lác đác vài chục ao nuôi đang hoạt động, còn lại đa số ao hồ đều phơi đáy, quạt nước được gỡ ra chất đầy trên bờ. Tiêu điều nhất là khu vực phía Đông, khu vực mới hình thành khoảng 4 năm nay, nhưng thời hoàng kim của nó chỉ diễn ra trong 2 năm đầu. Giờ đây, có đến 15 ha bị bỏ hoang hoàn toàn. Hệ thống bờ bao, kênh mương cỏ mọc um tùm, ao nuôi không còn giọt nước nào. Anh Huỳnh Ngọc Lâm, người làm công của ông Nguyễn Văn Nghề (ngụ tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: Nghe nhiều người nuôi tôm làm giàu, ông Nghề đã bỏ hơn 4 tỷ đồng xuống đây mua gần 8 ha đất xây dựng công trình nuôi. Vụ đầu huề vốn, vụ sau cũng huề, vụ thứ 3 nuôi 4-5 tháng con tôm chỉ bằng ngón tay út, thua lỗ nặng nề. Vụ thứ 4, ông Nghề chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính, cá cũng chết. Chán nản, ông rao bán toàn bộ công trình nuôi với giá 3,5 tỷ đồng. Đã có vài người đến coi rồi đi luôn, không một lời ngã giá. Toàn bộ dàn máy quạt 14 cái và hệ thống ống sục khí, ống dẫn nước trị giá hàng trăm triệu đồng được kéo lên, mục rỉ như đống sắt vụn.

Khu vực chính của vùng nuôi tôm Phước Thuận đã có một số mô hình nuôi, nhưng nhìn chung vẫn còn hoang vắng. Anh Trần Đắc Đản thả nuôi 1,2 ha được gần 4 tháng nhưng tôm chỉ mới đạt trọng lượng khoảng 60-70 con/kg. Anh nói: "Khu này bây giờ khó nuôi lắm, tôm không bệnh thì cũng chậm lớn, năm ngoái có vụ tôi phải kéo đến 6 tháng!”. Thua lỗ triền miên, nhiều hộ nuôi tôm đã chọn giải pháp an toàn nhất là cho mướn ao chuyển sang làm nghề khác. Ông Tám Trường, ông Hồ Tiến Dũng là những hộ nuôi kỳ cựu nhất mà cũng phải giải nghệ.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI…?

Theo ông Thân Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, tác nhân chính dẫn đến tình trạng xuống dốc của một số vùng nuôi tôm là do khai thác và sử dụng không hợp lý nguồn lợi tự nhiên làm cho môi trường vùng nuôi bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng. Toàn bộ vùng nuôi với hàng trăm mô hình nuôi liên tiếp nhau nhưng chỉ sử dụng chung một hệ thống cấp, thoát nước tận dụng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có đến 50% hộ không sử dụng ao xử lý nước thải, khi tôm bệnh họ tự do xả nước thải ra ngoài môi trường. Số hộ khác không biết lại lấy vào ao nuôi làm lây nhiễm mầm bệnh. Nhiều hộ chưa ý thức được tầm quan trọng của con giống, thường sử dụng con giống rẻ, không rõ nguồn gốc. Một số sử dụng thức ăn tươi sống, tạo điều kiện cho các vi khuẩn không có lợi phát sinh làm ô nhiễm vùng nuôi.

Ngoài những nguyên nhân chính trên, phương thức tổ chức nuôi của người dân ít nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Do quan niệm nuôi trái vụ có lợi nhuận cao, nhiều người nuôi thường xuống giống vào thời điểm không thuận lợi và không đồng nhất giữa các hộ. Điều này dẫn đến việc xả nước và lấy nước không hợp lý. Kẻ xả ra, người lấy vào dễ lây lan mầm bệnh trong vùng nuôi. Việc nuôi luân canh chưa được chú ý, ao nuôi bị khai thác quá nhiều mà không được nghỉ ngơi, nuôi một đối tượng trong nhiều năm, sử dụng nhiều hóa chất... cũng là nguyên nhân làm suy thoái môi trường.

TRĂN TRỞ VỚI VẤN NẠN Ô NHIỄM

Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung ở ba vùng: Long Hương - thị xã Bà Rịa, Tân Hải - Tân Thành và Phước Thuận – Lộc An. Trong đó, vùng nuôi tôm Phước Thuận – Lộc An nằm dọc theo sông Ray, có diện tích khoảng 1.000 ha được coi là có tiềm năng nhất nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi: Có nguồn sông Ray cấp nước quanh năm có khả năng nuôi công nghiệp 2 vụ/năm. Từ năm 1999 đến nay, diện tích nuôi tôm khu vực này liên tục được mở rộng một cách tự nhiên. Đến nay, khoảng 500 ha mặt nước đã được khai thác sử dụng, trong đó hơn 200 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Khi khu vực nuôi tôm công nghiệp tự phát đã lên đến 80 ha, đạt sản lượng 1.500 tấn/năm, thì nhu cầu quy hoạch và xây dựng vùng nuôi tôm công nghiệp trở nên bức thiết. Từ năm 2000 đến nay, khu vực này có 4 dự án đã được phê duyệt và đang xây dựng gồm: Dự án mở rộng khu nuôi tôm công nghiệp Phước Thuận 47 ha, khu Bàu Sình A 160 ha, Bàu Sình B 79,6 ha và khu nuôi tôm Lộc An 326 ha.

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm, phục hồi và phát triển bền vững cho vùng nuôi tôm Phước Thuận – Lộc An nói riêng và nghề nuôi thủy sản của tỉnh nói chung, các chuyên gia nuôi thủy sản cho rằng, nhất thiết phải quy hoạch lại vùng nuôi, cải tạo, tu bổ hệ thống cấp thoát nước cho phù hợp với yêu cầu nuôi tôm công nghiệp. Xây dựng quy chế bắt buộc người nuôi phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng ao lắng và ao xử lý nước thải, thả nuôi theo lịch thời vụ, mùa vụ. Mỗi người dân phải có trách nhiệm tham gia quản lý cộng đồng, giám sát vùng nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp có khả năng gây hại đến môi trường chung. Và điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành, quản lý cộng đồng và địa phương, đồng thời phải tăng cường sự hỗ trợ của cơ quan chuyển giao khoa học kỹ thuật.

ÔNG NGUYỄN MINH CHÍ, GIÁM ĐỐC SỞ THỦY SẢN: XÚC TIẾN QUY HOẠCH LẠI CÁC VÙNG NUÔI THỦY SẢN

Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, mấy năm gần đây người dân tự phát triển nuôi trồng thủy sản, hình thành nên những vùng nuôi tôm tự phát thiếu hệ thống thủy lợi, dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường. Để giải quyết vấn nạn môi trường, Sở Thủy sản đã tổ chức cuộc hội thảo bàn bạc, khuyến cáo người dân những vấn đề cần thiết để khắc phục ô nhiễm. Bên cạnh đó, Sở cũng đã trình UBND tỉnh quy hoạch lại các vùng nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho những vùng nuôi tự phát. Hiện nay, đã có 2 vùng nuôi được quy hoạch lại với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đó là khu vực 360 ha Lộc An và khu nuôi tôm Long Hương. Để quản lý vùng nuôi tốt hơn, ngành thủy sản chủ động xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương. Hàng tháng, cán bộ thủy sản sẽ họp giao ban với các địa phương để chuyển giao những văn bản pháp quy có liên quan, nắm bắt kịp thời tình hình nuôi thủy sản của các địa phương. Qua đó, giữa hai bên có sự thống nhất về quy hoạch và quản lý vùng nuôi.

ÔNG TRẦN QUANG VINH, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN NGƯ TỈNH: NẾU ÁP DỤNG ĐỒNG BỘ NHIỀU BIỆN PHÁP TÌNH TRẠNG SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG SẼ NHANH CHÓNG ĐƯỢC KHẮC PHỤC

Cùng với biện pháp tổ chức quản lý vùng nuôi, thời gian tới các cơ quan chức năng như Sở Thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư tăng cường tuyên truyền tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi mới. Hiện nay, Trung tâm Khuyến ngư đang xây dựng trạm khuyến ngư Xuyên Mộc đặt tại vùng nuôi Phước Thuận. Và tới đây sẽ xây trạm quan trắc môi trường ao nuôi nhằm hỗ trợ quản lý chung của ngành đối với vùng nuôi. Nếu áp dụng đồng bộ những biện pháp trên, tôi tin rằng tình trạng suy thoái vùng nuôi sẽ nhanh chóng được khắc phục.

BÀ NGUYỄN THỊ HẠNH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ PHƯỚC THUẬN: PHẢI XÂY DỰNG LẠI HỆ THỐNG THỦY LỢI CHO CÁC VÙNG NUÔI TÔM

Chúng tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp hướng dẫn người nuôi tôm xử lý khi dịch bệnh xảy ra nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, nhanh chóng phục hồi lại các vùng nuôi. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh, huyện đầu tư xây dựng hoàn thiện các hệ thống hạ tầng, thủy lợi ở các nơi đã phát triển nuôi tôm tự phát. Bởi, nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ gây thiệt hại kinh tế cho người dân và cho địa phương vì đầu tư nuôi tôm phải bỏ ra số vốn rất lớn. Bình quân 1 ha phải mất hơn 160 triệu đồng đầu tư ban đầu. Vậy mà có người quăng tiền xuống rồi chẳng nuôi được vụ nào.

Huỳnh Liên

 


Mô hình sản xuất rô phi hàng hoá tập trung dựa trên cơ sở của các nông hộ nhỏ cá biệt tại Hải Dương

Nguồn tin: Fistenet, 04/07/2006
Ngày cập nhật: 5/7/2006

Công nghệ nuôi cá rô phi trên thế giới ngày càng được phát triển nhằm thu được năng suất cao và tạo ra sản phẩm tập trung. Các hệ thống nuôi bao gồm nuôi thâm canh trong ao xây, hệ thống bể nước chảy, trong lồng bè trên sông hồ. Hệ thống nuôi thâm canh trong ao xây được áp dụng rộng rãi ở một số nơi như Ðài Loan, Trung Quốc và Philippin. Hệ thống nuôi này đã cho năng suất từ 15-50 tấn/ha/năm.

Công nghệ điều khiển giới tính cá rô phi cũng như quy trình sản xuất cá rô phi đơn tính đã được nghiên cứu thành công ở Học viện Công nghệ châu á (AIT) và công nghệ này được chuyển giao ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

ở nước ta đã có công nghệ sản xuất con giống đơn tính và có công nghệ nuôi cá rô phi đạt tiêu chuẩn thương phẩm với năng suất 23-26 tấn/ha/vụ. Dòng cá rô phi chất lượng tương đối tốt, có thể làm cơ sở cho việc tạo ra con giống tốt phục vụ nuôi tại các tỉnh phía bắc.

Tuy vậy, hiện nay chưa có một nơi nào ở Miền Bắc sản xuất được cá rô phi phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước- đó là một trong những nguyên nhân cản trở việc sản xuất cá rô phi tập trung. Trước hết, ở Miền Bắc, phần lớn quy mô nuôi thuỷ sản là cấp độ gia đình với diện tích ao từ 300-1.500m2, phân tán, do có mùa đông lạnh nên đòi hỏi phải cung cấp giống tập trung, đầu vụ. Cho tới nay, chưa có một giải pháp quản lý, tổ chức, công nghệ nào được xây dựng, triển khai để khắc phục những khó khăn, tận dụng lợi thế... nhằm tạo ra lượng hàng hoá có giá trị tập trung.

Chúng ta có một vài mô hình, nhưng các giải pháp của mô hình sản xuất hàng hoá tập trung dựa trên cơ sở của các nông hộ nhỏ cá biệt của một vùng, ví dụ như trong việc quản lý sản xuất và thả con giống ra sao để việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hợp lý; công nghệ nuôi như thế nào để cá không có mùi bùn; quản lý chất lượng sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công nghệ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; các giải pháp thị trường của sản phẩm, các dịch vụ giống, khuyến ngư, dịch bệnh ....

Vì vậy, đề tài nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng nông dân tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nhằm hướng đến các mục tiêu:

Tạo được mô hình công nghệ sản xuất từ giống đến nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng nuôi tập trung. Hình thành nghề nuôi cá rô phi xuất khẩu góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại Hải Dương và vùng đồng bằng sông Hồng. Ðề tài đã nghiên cứu ứng dụng thành tựu từ những công trình nghiên cứu trước đây để triển khai một cách đồng bộ từ khâu sản xuất giống, lưu giữ giống qua đông, công nghệ nuôi phù hợp với người dân hiện nay, công nghệ chế biến thức ăn, phương pháp chế biến sản phẩm quy mô nhỏ và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu này đã thành công và là một mô hình phát triển toàn diện bao gồm các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tập trung các nông hộ nhỏ cá biệt. Ðây là một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn phát triển sản xuất một cách bền vững ở huyện Tứ Kỳ và một số huyện khác trong tỉnh Hải Dương. Sơ đồ mô hình tổ chức

Chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ kết quả và kinh nghiệm với tất cả các cán bộ và các hộ nông dân nuôi cá, và sau đây xin giới thiệu mô hình tổ chức quản lý.

Ðánh giá chung về tính hiệu quả của mô hình

Qua hai năm triển khai thực hiện đề tài theo mô hình quản lý trên nhận thấy, tất cả các thành phần đều tham gia quản lý cộng đồng từ việc điều tra đánh giá hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản của địa phương đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất và giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong quá trình nuôi cá rô phi. Các thành viên đều hoàn thành trách nhiệm của mình, đặc biệt các hộ nông dân tham gia đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn nuôi cá tại địa phương và những ý kiến tổ chức phát triển sản xuất. Các hộ nông dân tham gia nghiên cứu đã liên kết trong việc thả giống, giải quyết thức ăn và tiêu thụ sản phẩm theo những quy ước chung của nhóm như quyết định giá cả, ưu tiên những hộ có cá to hoặc những hộ gia đình khó khăn bán trước. Tóm lại, các vấn đề của nông dân tham gia nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật, quản lí của một mô hình sản xuất hàng hoá tập trung là những vấn đề chưa có nghiên cứu nào trước đó, cũng như chưa có nhiều tiền lệ và kinh nghiệm được truyền đạt lại. Mô hình nghiên cứu đã rút ngắn được quá trình chuyển giao công nghệ từ phòng thí nghiệm đến với sản xuất, đến với các hộ nông dân. Mô hình nuôi này đi vào thực tiễn của cuộc sống, có những đóng góp nhất định cho nuôi trồng và xuất khẩu, làm mô hình cho sự phát triển nghiên cứu khoa học theo hướng mới. Tổ chức tuyên truyền phổ biến kỹ thuật, động viên phát triển phong trào nuôi cá rô phi xuất khẩu tại địa phương. Ðề tài đã đón tiếp và hướng dẫn nhiều đoàn tham quan học tập mô hình ở Hưng Yên, Nam Ðịnh, Phú Thọ, Quảng Ninh, các tỉnh thuộc Dự án SUFA như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Tĩnh, Sinh viên các trường Ðại học Nông nghiệp, Sư phạm Hà Nội, các học viên trong toàn quốc dự các lớp tập huấn quản lí trại giống và kỹ thuật tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và các huyện khác trong tỉnh.

Ðề tài sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau trong tổ chức, quản lí đặc biệt là phương pháp đồng quản lí để huy động tối đa sự tham gia nghiên cứu của cộng đồng nông dân nuôi cá rô phi và quản lí chất lượng cá nuôi cũng như môi trường. Những hiệu quả rõ rệt từ mô hình quản lý này và nhu cầu phát triển sản xuất thuỷ sản đã tiếp tục duy trì khi kết thúc đề tài và nhiều xã tiến tới xây dựng nên các hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản. Sở Khoa học- Công nghệ Hải Dương đã và đang nhân rộng mô hình này tới huyện Kim Thành, Kinh Môn, Ninh Giang và tất cả các huyện có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh. Cần đẩy mạnh việc thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học với sự tham gia của cộng đồng nông/ngư dân, đồng thời các đề tài này cũng triển khai tại các địa phương có nhu cầu thực tiễn khoa học công nghệ mà đề tài tiến hành. Ðó là giải pháp đẩy nhanh việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao nhanh nhất kết quả nghiên cứu vào sản xuất./.

Nguyễn Huy Ðiền

Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia

(Tạp chí Thủy sản, 4/2006)

 


Cà Mau: Phạt 3 cơ sở chế biến đầu vỏ tôm gây ô nhiễm môi trường

Nguồn tin: SGGP, 05/07/2006
Ngày cập nhật: 5/7/2006

Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Cà Mau vừa tiến hành phạt hành chính Công ty TNHH Hưng Nguyên (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) và DNTN Hồng Cẩm A (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) và bị buộc tạm ngưng sản xuất cho đến khi nào khắc phục xong tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước đó, DNTN Đức Tài (phường 6 TP Cà Mau) bị buộc di dời ra khỏi khu vực đông dân cư.

Đây là 3 trong 7 cơ sở sản xuất chytin từ đầu, vỏ tôm ở Cà Mau. Mỗi ngày, các cơ sở này chế biến khoảng 86 tấn đầu, vỏ tôm, tương đương với 4 tấn thành phẩm chytin.

M. TR. – Đ.M.


Xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,34 tỷ USD

Nguồn tin: TTXVN, 04/07/2006
Ngày cập nhật: 4/7/2006

Hà Nội (TTXVN) - Theo Bộ Thuỷ sản, 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu trên 1,34 tỷ USD hàng thuỷ sản, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng thuỷ sản Việt Nam đã và đang khẳng định uy tín và khả năng cạnh tranh không chỉ tại thị trường truyền thống như Nhật Bản mà cả tại các thị trường được mở rộng như châu Âu, châu Mỹ.

Ở Việt Nam, công nghiệp chế biến thuỷ sản ngày càng phát triển cả về số lượng, công suất và trình độ công nghệ. Cả nước hiện có khoảng 439 cơ sở chế biến xuất khẩu, trong đó có 296 cơ sở chế biến thuỷ sản đông lạnh, còn lại là cơ sở sản xuất hàng khô và đồ hộp.

Khoảng 300 đơn vị sản xuất đã áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn quốc tế (HACCP) do vậy có nhiều đơn vị đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Tính đến nay, cả nước có 171 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU và con số này có khả năng lên tới 200 vào những tháng tới; 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ, 295 doanh nghiệp vào thi trường Trung Quốc và 251 doanh nghiệp vào Hàn Quốc.

Ông Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản cho rằng, những con số trên là cái vốn để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là để vượt qua các hàng rào quy chế về an toàn vệ sinh chất lượng thuỷ sản.

Ông Ngọc khẳng định, sản phẩm thuỷ sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập cho dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm hay luật lệ buôn bán của từng thị trường.

Thời gian qua, Việt Nam đã vấp phải những tranh chấp về thuế, về các vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có sản phẩm tôm và cá tra, ba sa. Các doanh nghiệp Việt Nam tuy chưa thoát khỏi những khó khăn của vấn đề này, nhưng qua các vụ kiện trên, các doanh nghiệp đã bước đầu có kinh nghiệm để đương đầu với những vụ việc tương tự./.

 


Lượng tôm sạch tăng cao

Nguồn tin: SGGP, 04/07/2006
Ngày cập nhật: 4/7/2006

Ngày 3-7, Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED) cho biết, sau khi thực hiện chiến dịch kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn của tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tại cửa các nhà máy của 12 tỉnh, thành phía Nam theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thủy sản, đến cuối tháng 6-2006, số lượng cơ sở sử dụng hóa chất, tạp chất và kháng sinh quá liều lượng, trái phép trong nuôi trồng thủy sản tại khu vực đã giảm rõ rệt. Cụ thể, kiểm tra 7.049 lô nguyên liệu tại 12 tỉnh, chỉ thấy có 9 lô có chứa tạp chất.

MINH HƯƠNG

 


Tiền Giang: Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng mạnh

Nguồn tin: Vasep, 3/7/2006
Ngày cập nhật: 4/7/2006

Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ở Tiền Giang tăng mạnh với gần 12 nghìn ha, đạt 97,6% kế hoạch năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi thuỷ sản nước ngọt là 5.865 ha, nuôi mặn, lợ 6.047 ha. Nhìn chung diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt phát triển ổn định, mô hình nuôi ngày càng đa dạng, nhất là mô hình nuôi cá da trơn công nghiệp và bán công nghiệp phát triển khá mạnh trên địa bàn hai huyện Cai Lậy và Cái Bè. Nuôi tôm sú phát triển trên diện tích 3 nghìn ha, với 400 triệu con giống tôm sú. Theo đó, nuôi thuỷ sản lồng bè cũng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ. Hiện toàn tỉnh có trên 680 bè cá tập trung ven sông Tiền thuộc các huyện phía tây của tỉnh. Nuôi nghêu phát triển ổn định với diện tích hơn 2 nghìn ha, thu hoạch hơn 3.500 tấn. Tổng sản lượng từ nuôi và khai thác thực hiện được 62.527 tấn, đạt 45,5% kế hoạch năm, tăng 9,7% so cùng kỳ. Giá trị toàn ngành thủy sản thực hiện được trên 568 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm, tăng 8,7% so cùng kỳ.

(Nhân dân, 1/7/2006)

 


Giá tôm thế giới có xu hướng tăng

Nguồn tin: Vasep, 3/7/2006
Ngày cập nhật: 3/7/2006

Giá tôm tại Trung Quốc và Thái Lan, hai nhà cung cấp tôm lớn nhất Châu Á, có xu hướng tăng do điều kiện thời tiết xấu và một số khó khăn khác đang ảnh hưởng tới ngành tôm của hai nước này.

Sản lượng tôm ở Trung Quốc giảm 10-20% so với cùng kỳ năm 2005 do mưa lớn kéo dài. Đây là những trận mưa lớn nhất trong vòng 200 năm qua ở Thái Lan.

Tháng 6/06, sản lượng thấp đã khiến giá tôm nội địa cỡ 60 con/kg ở Thái Lan tăng từ 100 bạt (2,6 USD)/kg lên 160 bạt (4,16 USD)/kg.

Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cao khiến sản lượng khai thác tôm của Thái Lan giảm một nửa vì vậy các nhà sản xuất tôm của Thái Lan dự kiến sản lượng khai thác tôm chỉ đạt 37.430 tấn trong năm nay.

Sản lượng tôm nước ngọt của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 10.000 tấn do dịch bệnh. Lượng tôm (tôm khai thác và tôm nuôi) cung cấp cho thị trường nội địa sẽ giảm khoảng 50.000 tấn.

Hiệp hội Tôm Mianma cho biết nhiều trại sản xuất giống tôm ven biển ở Thái Lan, Trung Quốc và Miama đã bị phá hủy vì vậy sản lượng tôm của ba nước sẽ giảm so với năm trước.

(BNT) Vasep, 3/7/2006 (FIS, 29/06/2006)

 


Đồng Tháp: Kết hợp nuôi thuỷ sản trong rừng tràm

Nguồn tin: NNVN, 29/6/2006
Ngày cập nhật: 3/7/2006

Huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có 195 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 4.522 tấn, khai thác thuỷ sản đạt 551 tấn. Nguyên nhân do mực nước xuống thấp, nắng nóng kéo dài, nguồn cá tự nhiên bị cạn kiệt. Huyện đang tập trung đầu tư cho con tôm, kết hợp nuôi thuỷ sản trong rừng tràm, trên chân ruộng lúa mùa lũ. Phấn đấu đến cuối năm đưa diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đạt 500ha.

 


Cần Thơ: Đầu tư 1.355 tỉ đồng phát triển nuôi trồng thuỷ sản

Nguồn tin: Vasep, 1/7/2006
Ngày cập nhật: 3/7/2006

Nhằm khai thác hết thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, TP Cần Thơ vừa thông qua 8 dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản từ nay đến năm 2020. Theo đó, TP sẽ đầu tư 1.355 tỉ đồng xây dựng: Vùng nuôi tôm càng xanh chế biến XK rộng 1.278 ha tại huyện Thốt Nốt; vùng nuôi tôm càng xanh XK tại quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt, Vĩnh Hạnh rộng trên 3.000ha; xây dựng cơ sở nuôi thuỷ sản tại Nông trường Cờ Đỏ; xây dựng trung tâm giống thuỷ sản cấp I rộng 10 ha tại huyện Vĩnh Thạnh; trung tâm quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh TP.

Hiện nay, TP Cần Thơ đã có trên 13.000ha mặt nước được đưa vào nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu là cá nước ngọt. Từ đầu năm đến nay, TP đã thu hoạch được hơn 55.000 tấn thuỷ sản các loại, tăng 6.000 tấn so cùng kỳ năm trước.

 


HUYỆN ĐẦM DƠI - CÀ MAU: CÓ 463 HA DIỆN TÍCH NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP

Nguồn tin: CM, 2/7/2006
Ngày cập nhật: 2/7/2006

Theo báo cáo của UBND huyện Đầm Dơi, tính từ đầu năm 2006 đến nay đã có thêm 63 ha nuôi tôm công nghiệp, nâng tổng số diện tích đất nuôi tôm công nghiệp toàn huyện lên 463ha.

Kết qủa có 80% số diện tích nuôi tôm công nghiệp đã thu hoạch, đạt năng suất từ 4,5 – 5 tấn/ha/vụ, số diện tích còn lại và số hộ dân nuôi vụ 2, tôm từ 1,5 – 2 tháng tuổi đang phát triển khá tốt, khả năng thu nhập cao. Về tình hình nuôi tôm trên điạ bàn huyện trong những tháng gần đây phát triển khá, mức thu nhập người nuôi tôm đạt bình quân từ 1,5 – 2 triệu đồng/ha/nước xổ; cá biệt có hộ thu hoạch từ 15-20 triệu đồng/nước xổ. Tính từ đầu năm đến nay tổng sản lượng tôm của huyện Đầm Dơi đạt 16.700 tấn, bằng 52% kế hoạch năm 2006 ./.

Hùng Tráng

 


Cá sấu “mô hình"

Nguồn tin: TP, 01/07/2006
Ngày cập nhật: 2/7/2006

Dăm năm trước, cá sấu có giá, tỉnh Bạc Liêu khuyến khích nông dân nuôi để vượt nghèo khó. Huyện Giá Rai mạnh dạn ban hành Nghị quyết 06 về phát triển 5 mô hình kinh tế, trong đó nuôi cá sấu được xem là có triển vọng nhất.

Đảng viên hăng hái đi đầu để thu hút quần chúng. Nhiều người mạnh dạn vay tiền ngân hàng đầu tư chuồng trại nuôi hàng trăm con cá sấu như ông Đặng Tấn Hoài - Chủ tịch UBND Phong Thạnh, ông Nguyễn Văn Bé -Chủ tịch Hội Nông dân ấp 19.

Sự gương mẫu của đảng viên tạo thành “phong trào nhân rộng mô hình” rầm rộ, có thời điểm ở Giá Rai 60% cán bộ đảng viên nuôi hàng chục nghìn con cá sấu, còn cả tỉnh Bạc Liêu hơn 100.000 con.

Thế nhưng, cá sấu nuôi theo “mô hình” và phong trào như thế không xuất khẩu được, bởi không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định chung. Nuôi cá sấu muốn xuất khẩu phải đạt ít nhất 16 tiêu chuẩn: Từ cơ sở trang trại đến quy trình nuôi, đăng ký với Chi cục Kiểm lâm...

Cá sấu “mô hình” chỉ tiêu thụ nội địa nên cung vượt cầu, giá cả ngày càng giảm, hiện chỉ còn khoảng một nửa so với lúc bắt đầu nuôi. Nhiều người lỗ nặng, đang không có tiền trả nợ ngân hàng.

Huyện Giá Rai rút được bài học kinh nghiệm: Trong thời hội nhập toàn cầu, làm kinh tế theo “mô hình” không còn phù hợp mà phải theo tiêu chuẩn.

Lãnh đạo phát triển kinh tế cũng phải chuyển theo hướng đó, khuyến khích đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học, không khuyến khích “nhân mô hình” chủ quan.

Sáu Nghệ

 


Cà Mau: Báo động nạn ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất chitin gây ra

Nguồn tin: BCT, 1/7/2006
Ngày cập nhật: 2/7/2006

Tỉnh Cà Mau hiện có 7 cơ sở sản xuất chytin từ đầu, vỏ tôm, tất cả đều nằm trên các trục giao thông lớn về thủy, bộ và gần với khu vực dân cư. Mỗi ngày, các cơ sở này chế biến khoảng 86 tấn đầu, vỏ tôm, tương đương với 4 tấn thành phẩm chytin.

Qua đợt kiểm tra gần đây của các ngành chức năng, các cơ sở chế biến đầu, vỏ tôm đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do không khống chế được mùi hôi và nước thải. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, nước thải sản xuất chytin là loại hình gây ô nhiễm nhiều nhất trong công nghiệp chế biến thủy sản hiện nay, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh, hóa chất (HCl, NaOH), ảnh hưởng xấu đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản và có thể làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm- nguồn tài nguyên duy nhất để cung cấp nước sạch cho tỉnh Cà Mau; còn mùi hôi, khí thải là dạng ô nhiễm thường xuyên, mức độ ô nhiễm rất lớn tại các cơ sở sản xuất chytin và vùng phụ cận, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng. Trong số 7 cơ sở sản xuất , có 2 cơ sở gây ô nhiễm nặng và bị nhân dân sống xung quanh phản ứng gay gắt, là Công ty TNHH Hưng Nguyên (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) và DNTN Hồng Cẩm A (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) đã bị xử phạt hành chính từ 6 - 8 triệu đồng và bị buộc tạm ngưng sản xuất cho đến khi nào khắc phục xong tình trạng ô nhiễm môi trường.

T.T

 


Nhật Bản siết chặt kiểm tra mực nhập khẩu từ VN

Nguồn tin: LĐ, 01.07.2006
Ngày cập nhật: 1/7/2006

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) ngày 30.6 cho hay, thời gian tới Nhật Bản sẽ tăng cường tần suất kiểm tra dư lượng Chloramphenicol đối với mực và các mặt hàng chế biến từ mực, được nhập khẩu từ VN.

Cơ quan này khuyến cáo các DN trong nước cần quan tâm tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất hàng. Trong 5 tháng đầu năm, các DN trong nước xuất khẩu sang Nhật Bản gần 3.850 tấn mực đông lạnh, trị giá 22,3 triệu USD và 499 tấn mực khô, mực nướng trị giá 6,26 triệu USD.

Cẩm Văn

 


Người đi tìm ngọc trai

Nguồn tin: VNECONOMY, 23/06/2006
Ngày cập nhật: 1/7/2006

Giữa bạt ngàn cây trái ở mảnh đất cồn Tiên (ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), có một căn nhà doi ra bờ sông với một tấm bảng nhỏ nhoi: Công ty TNHH Bối Ngọc. Đây chính là trại nuôi trai nước ngọt của chị Nguyễn Thị Thu Cúc.

Duyên nợ với ngọc trai bắt đầu từ sự bức xúc của chính bản thân. Chị Cúc kể lại, những lần mua ngọc trai, chị rất băn khoăn “làm sao phân biệt ngọc trai thật và giả? Người bán nói là ngọc trai thật, nhưng sử dụng một thời gian mới phát hiện là giả!”.

Và tình cờ, truyền hình phát sóng chương trình hướng dẫn nuôi cấy ngọc trai đã đánh thức mơ ước của chị. Từ đấy, chị bị cuốn hút vào bất kỳ những quyển sách, tài liệu nào có liên quan đến ngọc trai.

Ngày đầu gian truân

Một lần đi dã ngoại cồn Tiên, nhận thấy bùn ở đây có những đặc tính thích hợp nuôi ngọc trai, lại tìm được công ty chuyên nuôi ngọc trai ở Tp.HCM hợp tác cung ứng con giống và kỹ thuật nuôi, chị tậu ngay miếng đất 5.000m2 ở đây để thực hiện ước mơ của mình một cách không ngần ngại.

“Đó là năm 2001, nhìn đâu cũng thấy nước và những rặng bần xanh, lâu lâu mới có bóng người qua lại trên sông, ban đêm thì ngồi vuốt muỗi”. Chị kể lại. Nhiều người ngần ngại cho rằng chị đang vứt tiền cho dự án viễn vông! Bởi chưa ai nuôi trai ở mảnh đất này và cũng chẳng ai nghĩ đến việc nuôi trai ở xứ này! Với chị, “điều gì đã thích thì dù cho gian khó vẫn nên làm. Có làm mới biết thực hư thế nào!”.

Ban đầu, chị nuôi thử 6.000 con bằng cách thả nuôi trong lồng và đặt nơi bãi bồi thiên nhiên. Chị Cúc cho biết, giống trai được nuôi là Trai cánh đen, thường phân bố ở sông Cầu, sông Thương, sông Đáy. Chúng sống ở đáy sông sâu 4 -15m, tốc độ sinh trưởng chậm. Để đạt được chiều dài 14-15 cm và trọng lượng khoảng 140 gram thì mất 3 - 4 năm. Nếu đưa vào ao nuôi thì tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, chỉ cần mất 2,5 - 3 năm.

Theo đúng kỹ thuật nuôi, sau thời gian thuần dưỡng và vỗ béo khoảng 3 tháng, những con trai khoẻ mạnh, đủ khả năng tạo ngọc sẽ được chọn lọc để tiến hành cấy ngọc. Thấy khả thi vì trai vào giai đoạn chuẩn bị cấy tạo ngọc, chị quyết định thuê miếng đất cận kề để nuôi thêm 20.000 con.

Nhưng niềm vui chưa tắt thì thất vọng lại đến: trai nuôi trong lồng ngày càng “ốm o” và “nhót” đi do chết. Mấy trăm triệu đầu tư mua con giống mất trắng! “Thật sự lúc đó tôi cũng rất lo, nhưng nghĩ lại, là mô hình thử nghiệm thì phải bình tĩnh tìm ra nguyên nhân mà khắc phục”, chị Cúc nói.

Mày mò từng tài liệu cộng thực tế, chị tìm ra nguyên nhân trai chết: do bị kết dính trong lồng không di chuyển được hoặc bị con hà nước ngọt đeo bám hút chất dinh dưỡng. “Trai là loài tự nhiên, thử trả nó về tự nhiên xem sao?”, nghĩ vậy chị quyết định kết chuỗi thả nuôi trong ao tự nhiên. Cách này không tốn kinh phí trang bị lồng nuôi nhưng phải bổ sung canxi để trai tạo ngọc.

Đến thời được ngọc

Qua 3 năm thử thách, đến năm 2005, Công ty Bối Ngọc đã thu được những viên ngọc lóng lánh sắc màu. Chị Cúc cho biết, bước đầu thu hoạch đạt mức 30%, trong đó 15% là ngọc tốt và 15% ngọc mang dị tật. Sản phẩm có nhiều màu sắc như hồng nhạt, hồng đậm, lam, vàng, trắng sữa... và được kiểm định các tiêu chuẩn về độ dày và ánh màu tại Trung tâm kiểm định đá quý Tp.HCM (RGL).

Nhờ thời gian nuôi cấy lâu (từ 2 năm trở lên) nên hạt trai Bối Ngọc có lớp ngọc dày 1,4 mm, kích cỡ lớn, to nhất là 13 ly và nhỏ nhất là 5,5 ly. Do vậy, người sử dụng càng lâu, càng lau chùi thì ngọc càng bóng đẹp. Chị cho biết, nhờ những đặc tính này mà một thương gia ở Úc đã tìm đến công ty đặt vấn đề nhượng quyền thương hiệu.

Theo chị Cúc, kích cỡ và chất lượng ngọc phụ thuộc chủ yếu vào sức khoẻ của trai và môi trường tạo ngọc. Do vậy, chế độ dinh dưỡng và thao tác cấy ngọc là hết sức quan trọng. Chị giải thích: trước khi cấy, trai được nuôi trong bể nước sạch có máy sục khí để tăng cường oxy và máy bơm lọc để loại chất bẩn.

Sau khi cấy trong môi trường vô trùng, trai được dưỡng cho lành vết thương trong khoảng một tháng rồi kết thành xâu, thả xuống ao nuôi tiếp từ 18- 24 tháng nữa là có thể thu ngọc. Tỉ lệ hao hụt ở giai đoạn thuần dưỡng sau phẫu thuật khoảng 10%.

Ước mơ tạo ngọc đã thành hiện thực. Giờ chị có thể tự tin giúp người khác phân biệt ngọc trai và giả ngọc . Theo chị, ngọc thật tạo cảm giác mát lạnh, nặng và luôn óng ánh sắc màu.

Đỗ Oanh

 


Thanh... cá La Hán

Nguồn tin: TBKTSG, 29/06/2006
Ngày cập nhật: 1/7/2006

Bốn năm trước, trong một chuyến đi Malaysia làm việc với khách hàng, tình cờ anh Thanh ghé vào một cửa hàng cá kiểng. Nhìn những con cá huyết long bơi trong hồ, anh giật mình khi biết giá của mỗi con lên đến 20 triệu đồng. Ý tưởng làm giàu từ cá kiểng lóe lên trong đầu. Và cũng chính vào lúc đó, anh quyết định đóng cửa công ty quảng cáo do mình dày công gầy dựng để đi buôn cá kiểng.

Về đến Sài Gòn, anh bắt tay ngay vào việc khảo sát thị trường cá kiểng. Nhiều ngày lang thang ở những cửa hàng bán cá kiểng, anh nhận ra một điều: La Hán là loại cá mới xuất hiện trên thị trường nên giá cao, bán chạy. Một con cá nhỏ đã bán đến vài triệu đồng, cá lớn thì lên đến vài ngàn đô la Mỹ - tùy mức độ đẹp, xấu (đầu, màu và chữ Hán nổi trên mình cá). Vừa khảo sát thị trường, anh vừa tìm gặp các bậc “tiền bối” trong nghề nuôi cá ở TPHCM như Sáu Sánh, Năm Muộn, Tư Chảy, Út Nhi… Nhận thêm được nhiều lời tư vấn, anh quyết định đi Malaysia để tìm hiểu về thị trường cá La Hán.

Nhờ vào số vốn tiếng Anh tương đối khá, cộng với kinh nghiệm bốn năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh ráo riết săn lùng các trại cá kiểng ở Malaysia. Và rồi anh cũng tìm đến được Pinnang - nơi có nhiều trại cá La Hán giống. Ban đầu anh Thanh nuôi ý định học cách “ép” cá La Hán (cho cá đẻ) để có thể phát triển nguồn cá cung cấp cho thị trường Việt Nam. Nhưng dù anh có sẵn sàng trả tiền để được học cách “ép” cá, những chủ trại cá ở Malaysia vẫn không chấp nhận truyền nghề. Không nản, anh thử mua cá giống về “ép”, cá cũng đẻ nhưng cá con lại toàn là cá thịt chứ không phải cá kiểng. Đến thời điểm đó, anh chỉ mới biết cá La Hán được lai tạo từ một loại cá phi ở sông Amazon (tên khoa học là Amphilophus Trimaculatus) và cá huyết két của Trung Quốc (Red Parrot), còn kỹ thuật lai thì vẫn còn là cái đích xa phía trước.

Chưa học được cách “ép” cá, anh đành mua cá về bán. Lô hàng đầu tiên là 100 con La Hán với giá 45 đô la Mỹ/con (chưa bao gồm thuế nhập khẩu 45% và 5% thuế VAT) được nhập về trót lọt và bán có lãi. Được thế, anh mua luôn một bầy cá con. Nhưng lần này, vì không biết nghề nên lô hàng có quá nhiều cá mái (cá La Hán đẹp và có giá là nhờ cái đầu gù và chữ Hán trên mình, trong khi đó cá mái thì đầu không bao giờ gù). Chưa có kinh nghiệm nên phải trả giá. Mãi đến sau này anh mới biết, muốn thắng chắc 100% thì phải mua cá sau hai tháng rưỡi, khi bộ phận sinh dục hình thành rõ mới phân biệt được trống, mái.

Vừa buôn vừa học, được một thời gian, có lần tình cờ lên mạng tìm hiểu cách lai tạo cá La Hán anh làm quen với ông Vichai Tienrungsri, Chủ tịch tập đoàn White Crane (kinh doanh trong lĩnh vực cá kiểng của Thái Lan). Đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá kiểng nên doanh nhân này đã đồng ý hỗ trợ kỹ thuật cho anh. Từ mối quan hệ này, anh bắt đầu các chuyến đi thăm những trại nuôi cá La Hán ở Thái Lan và được các chủ trại cá chia sẻ một số kinh nghiệm lai tạo giống. Hơn một năm lăn lộn ở các trại cá trên đất Thái - đến độ có thể giao tiếp bằng tiếng Thái - anh cũng học được cách chọn cá giống, cho cá La Hán đẻ, chăm sóc cá con. Đó là chưa kể qua ông Vichai Tienrungsri, anh còn học được cách tạo ra cá La Hán đẹp.

Năm 2004, anh Thanh đã có thể cho cá La Hán đẻ thành công với chất lượng không thua gì các trại cá ở Thái Lan cũng như Malaysia. Nắm được công nghệ “ép” và thuần dưỡng cá, anh bắt đầu quay sang xây dựng thị trường trong nước. Anh mở doanh nghiệp Đông Thanh, phối hợp với một Việt kiều Pháp mở siêu thị cá kiểng Thập bát La Hán ở quận 6, và trở thành một trong những doanh nghiệp bán sỉ cá La Hán cho TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, Đông Thanh là doanh nghiệp chính cung cấp nguồn cá La Hán cho thị trường trong nước. Chưa dừng lại ở đó, từ các mối quan hệ với các doanh nghiệp kinh doanh cá kiểng ở Thái Lan, Đông Thanh đã bước đầu xuất được cá La Hán đi thị trường Hồng Kông, Trung Quốc… với số lượng mỗi tuần khoảng 45 con (giá 45 đô la Mỹ/con).

Theo anh Thanh, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam rất thích hợp cho cá La Hán phát triển. Thực tế, cá La Hán của Việt Nam đẹp không thua gì so với cá La Hán của Malaysia và Thái Lan. Đến nay, doanh nghiệp Đông Thanh đã đầu tư xây dựng trại cá giống ở Bình Mỹ, Củ Chi với hy vọng sẽ có đủ số lượng hàng lớn để xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Hiện nay, do nguồn cá chưa thật ổn định nên Đông Thanh chưa dám ký những hợp đồng xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho kế hoạch bền vững, Đông Thanh cũng đang xúc tiến việc thiết lập hệ thống phân phối thức ăn cho cá kiểng; nhập, phát triển và phân phối các giống cá mới cũng như đang mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị nuôi cá kiểng.

Quang Chung


Dự án dự án bảo tồn và phát triển nguồn lợi từ đầm Trà Ổ: Sẽ chỉ là dự án trên giấy nếu...

Nguồn tin: BĐ, 29/06/2006
Ngày cập nhật: 1/7/2006

Chỉ cần một lần về Châu Trúc xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ là bạn sẽ được nghe câu ca Về đây nhớ rổ tôm tươi/Nhớ đầm Trà Ổ, nhớ người Châu Giang. Người Châu Trúc thường đọc nó để tự hào về một vùng quê có nhiều đặc sản có nguồn gốc từ đầm Trà Ổ. Tỉnh Bình Định đã cho khởi động dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của đầm Trà Ổ để câu ca này còn mãi.

Hơn 90% người dân Châu Trúc gắn bó với những nghề khai thác nguồn lợi thuỷ sản trên đầm Trà Ổ. Ở đây, ban ngày người dân chủ yếu mua bán nhỏ hay đan lưới, đan dẹp… nhưng hầu hết là ngủ để về đêm họ thức trắng trên mặt đầm.

Về đây buổi chiều, đầm trở nên xôn xao, hàng ngàn chiếc dẹp chằn chịt trên mặt hồ để nhử tôm hoặc cua, rạm; hàng trăm tay lưới vây bủa khắp lối cá ăn đêm; cắt chia mặt nước bởi những hàng đăng xáo để dẫn cá vào lồng… Cuộc sống càng trở nên nhộn nhịp vào rạng sáng. Những dẹp tôm, giỏ cá được thu lại, cảnh buôn bán cũng diễn ra ngay trên bờ. Các loại thuỷ sản ở đầm chủ yếu là các loại tôm nước ngọt và nước lợ; các loại cá hanh, cá dìa, cá hồng, cá kiềng, cá chua… đặc biệt loài chình mun rất quý hiếm cũng thường xuất hiện trên đầm này.

Vào mùa lụt, cá chép rất nhiều, người dân đánh bắt trên đầm mỗi ngày có thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày. Anh Nam, một người sống bằng nghề bọt nước cho biết thêm: “Bình thường chúng tôi kiếm được khoảng 20 đến 30 ngàn đồng/ngày, không nhiều lắm nhưng cũng đủ để trang trải gia đình”.

Diện tích đất nông nghiệp ít, người dân sống chủ yếu bằng nghề này nên cuộc sống của họ cũng dập dềnh theo con nước. Mùa nước lên cá, tôm, chình từ biển tìm vào đầm sinh sản cũng là mùa thu hoạch của vạn chài. Mỗi năm có khoảng 200 tấn thuỷ sản các loại được khai thác. Tuy nhiên mấy năm gần đây, sản lượng ngày càng giảm sút, cuộc sống của người dân cũng ngày càng khó khăn hơn.

Ông Lê Trị, một người làm nghề đăng xáo gắn bó với mặt đầm hơn 30 năm nay bức xúc: “Có người cho rằng, nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt là do đập ngăn mặn không cho các loại tôm cá từ biển vào, nhưng là một người gắn bó lâu năm trên đầm này tôi xin khẳng định - chính nạn xung điện đã làm cho môi trường và cuộc sống cư dân ven đầm bị đe dọa. Cứ ở lại mà xem, mỗi đêm như vậy có đến hàng trăm máy rà điện giăng trên mặt nước, thử hỏi có con gì sống nổi!”. Người dân ở đây cho biết thêm, ít nhất mỗi đêm cũng có 50 thuyền nan có xung điện hành nghề trên đầm, mùa cao điểm có khi đến vài trăm thuyền. Nhiều thuyền chở theo bình acqui loại lớn có thể làm cá chết trong phạm vi 4m­­­­3 nước. Khi nào dân kêu quá thì chính quyền xã cùng với huyện, tỉnh lại ra quân ngăn chặn mươi ngày. Xong người Nhà nuớc đi thì đâu lại vào đấy. Việc ngăn chặn chỉ hớt phần ngọn nên nên nạn xung điện trên đầm chỉ giảm trên... báo cáo.

Một dự án bảo tồn và phát triển nguồn lợi từ đầm Trà Ổ vừa được khởi động. Mục tiêu của dự án rất hay, nhưng nếu không bắt đầu bằng việc nỗ lực chấm dứt nạn xung điện xiếc máy trên đầm thì dự án nghiên cứu kia cũng chỉ là dự án trên giấy mà thôi.

Ngọc Oanh

 


Nuôi tôm ở Hòa Phú - Bình Thuận: Bài học từ ý thức cộng đồng bị xem nhẹ

Nguồn tin: BT, 28/06/2006
Ngày cập nhật: 1/7/2006

Hòa Phú là xã vùng biển cuối cùng ở phía Nam, huyện Tuy Phong, có diện tích tự nhiên gần 1.200ha với trên 6.300 dân, trong đó hơn 70% sống bằng nghề khai thác thủy hải sản, hơn 7% sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, còn lại là các nghề khác trong đó có nghề nuôi tôm sú thương phẩm.

Có lẽ nghề nuôi tôm sú tại Hòa Phú có từ khá sớm so với phong trào nuôi tôm trong tỉnh, hiệu quả trong nhiều năm đầu còn thấp. Từ năm 1987 với một đầm 5ha nuôi quảng canh tự nhiên năng suất thấp, song so với các nghề khác thì nguồn thu nhập từ nuôi tôm vẫn khá hơn. Chính vì vậy mà từ đầu năm 1990 phong trào nhân dân khai hoang mở rộng diện tích để làm đìa nuôi diễn ra sôi động. Song với kỹ thuật sơ khai bảo thủ, hệ thống nuôi, cấp thoát nước không phù hợp nên thường bị dịch bệnh dẫn đến hiệu quả năng suất thấp. Trước tình hình này nên năm 1994 UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư quy hoạch hệ thống kênh mương cấp thoát nước phù hợp; được Trung tâm khuyến ngư Bình Thuận thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi khoa học; ngân hàng nông nghiệp Tuy Phong mạnh dạn đầu tư. Nhờ đó mà diện tích đìa tôm tăng dần và năng suất không ngừng nâng lên. Nếu như ở giai đoạn 1990 - 1996 diện tích chỉ tăng từ 8 lên 13ha, năng suất bình quân 100 - 150 kg/sào/vụ; thì đến giai đoạn 1997 - 2001 diện tích tăng lên 42ha, năng suất bình quân 250 - 400kg/sào/vụ.

Đây có thể nói là thời hoàng kim của những người nuôi tôm Hòa Phú, đa số hộ nuôi đã khắc phục được khó khăn vươn lên khá, giàu. Bước ngoặt bi kịch bắt đầu từ cuối năm 2001, đầu năm 2002 toàn khu vực đã sử dụng giếng nước ngầm để nuôi vì nước sông dẫn vào hệ thống cấp đã bị ô nhiễm nặng do chính những người nuôi tôm gây ra. Nước giếng sử dụng nhiều nên đã bị nhiễm kim loại nặng và khí độc không thích hợp cho con tôm sú. Hơn nữa người nuôi đã nâng mật độ lên quá cao, nên đã dẫn đến con giống đầu vào không thuận lợi. Bệnh thân đỏ đốm trắng, phân trắng, nấm trắng trong gan, gan nát, tôm chết đột ngột và đồng loạt… Toàn bộ hộ nuôi trong khu vực đều bị thiệt hại liên tục 5 - 6 vụ, nên đã lâm vào tình trạng khó khăn. Tính đến thời điểm hiện nay, hậu quả của số hộ nuôi tôm tại Hòa Phú đã dư nợ quá hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện là 3.619 triệu đồng, nợ lãi 1.015 triệu đồng. Đó là chưa nói đến nợ lãi nóng, nợ những đại lý thức ăn, dược liệu, nhiên liệu… Tình hình này đã làm cho diện tích nuôi tôm giảm đi nhanh chóng, nếu năm 2002 diện tích nuôi tôm còn 50%, thì từ năm 2003 đến nay chỉ còn 30%, diện tích nuôi đã trở lại giai đoạn ban đầu với quy trình quảng canh tự nhiên.

Hòa Phú không phải là vùng sản xuất nuôi tôm với quy mô diện tích lớn. Nhưng chính phong trào nuôi tôm do những cá thể kinh doanh tự phát không thông qua khảo sát quy hoạch đã để lại hậu quả đáng tiếc; hậu quả này còn phải nói đến ý thức cộng đồng của một số người nuôi chưa cao; chạy theo lợi ích trước mắt không quan tâm đến lợi ích và hậu quả cho những người xung quanh và cho chính bản thân mình về sau. Những vi phạm về quy chế của vùng nuôi tôm tập trung không được cơ quan có trách nhiệm xử lý đến nơi, đến chốn. Không chấp hành những khuyến cáo của Sở Thủy sản, của Trung tâm khuyến ngư Bình Thuận và những chỉ thị của huyện đã dẫn đến kết quả thấp cho nghề nuôi tôm Hòa Phú ngày nay.

Đông Bình


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang