• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

TP.Hồ Chí Minh: 131 đơn vị tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế thuỷ sản VN

Nguồn tin: LĐ, 15/6/2006
Ngày cập nhật: 15/6/2006

 


27,3 tỷ xây trung tâm giống thuỷ sản miền Bắc

Nguồn tin: VNN, 15/6/2006
Ngày cập nhật: 15/6/2006

Bộ trưởng Bộ Thủy sản vừa ký quyết định đầu tư 27,3 tỷ đồng cho dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc tại xã Xuân Đám, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng. Trung tâm có chức năng tiến hành các chương trình nghiên cứu, thực nghiệm nâng cao chất lượng di truyền các loài thủy sản để tạo ra sản phẩm giống mới có đặc tính ưu việt. Đồng thời, sẽ tái sản xuất các giống gốc cung cấp cho các trại giống trên toàn miền Bắc.

 


An Giang: Sản phẩm cá tra sinh thái - hướng đi mới, hứa hẹn nhiều khả năng phát triển.

Nguồn tin: AG, 13/6/2006
Ngày cập nhật: 15/6/2006

 


Duyên Hải (Trà Vinh): Vùng tôm “đói” vốn

Nguồn tin: BCT, 14/6/2006
Ngày cập nhật: 15/6/2006

Hơn 10.000 hộ dân nuôi tôm sú ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh), đang nhốn nháo trước tình cảnh tôm ở độ tuổi ăn nhiều, nhưng chủ nuôi lại… hết tiền! Hàng ngàn lượt người đã đến gõ cửa các chi nhánh ngân hàng tại huyện, nhưng tất cả đều thiểu não ra về. Ngân hàng “hết tiền” để tiếp tục đầu tư cho dân vì không huy động được vốn tại chỗ. Cả một vùng tôm hơn 15.000 ha đang “nóng lên” theo từng ngày vì chuyện thiếu vốn.

“Đói” vốn giữa vụ tôm

Hôm tôi về huyện Duyên Hải thì tình cảnh thiếu vốn cho mùa vụ nuôi tôm sú của người dân địa phương đã “tăng nhiệt” hơn 10 ngày qua. Tại Chi nhánh Ngân hàng NN – PTNT huyện Duyên Hải, chưa đến 8 giờ sáng đã có gần 20 người dân đến để xin vay vốn. Lần lượt hết người này đến người khác bước vào phòng giao dịch tín dụng. Sau vài phút đồng hồ bước ra, ai cũng cầm trên tay xấp hồ sơ xin vay vốn, lặng lẽ ra về với vẻ mặt buồn thiu. Ông Lê Văn Sáu, ở xã Long Toàn, vẻ mặt rầu rầu, nói với tôi: “Ngân hàng nói là hết vốn không có đầu tư. Tình hình này thì chết chắc rồi. Biết chạy đâu ra 10 triệu đồng để lo cho gần 20.000 con tôm đang cần ăn trong 2 tháng nửa để thu hoạch?”. Ông Sáu là số ít người nuôi tôm muộn màng nhận sự thất vọng khi đến ngân hàng để xin vay vốn. Theo lời của chị chủ quán nước giải khát trước cổng của Chi nhánh ngân hàng, thì cách đây một tuần ngày nào cung đông nghẹt người đến ngân hàng để xin vay vốn. Nhưng kết quả trước sau như một vẫn là: “Ngân hàng hết vốn không có đầu tư”.

Không chỉ có những người nuôi tôm sú quảng canh, bán thâm canh “đói vốn” mà những hộ nuôi tôm sú công nghiệp trong huyện Duyên Hải cũng chạy hụt hơi lo tiền thức ăn cho tôm. Ở 2 xã Long Khánh và Long Vĩnh, những địa bàn có diện tích nuôi tôm sú công nghiệp và trang trại nuôi tôm sú nhiều nhất huyện đang “sốt” vì chuyện thiếu vốn. Gần cả ngàn ha mặt nước nuôi tôm công nghiệp ở 2 xã này tôm sú nuôi đã được 2- 3 tháng tuổi, thời điểm tôm nuôi công nghiệp cần một nguồn thức ăn lớn để tăng trọng. Anh Nguyễn Thái Học, chủ trang trại nuôi tôm sú ở Khu vực Đình Củ, xã Long Khánh, than thở: “Tôi đã đầu tư mấy trăm triệu đồng để xây dựng 2 ha nuôi tôm công nghiệp. Vốn tự có đã hết, cứ đinh ninh rằng có ngân hàng làm bạn đồng hành, nên không lo khoản tiền đầu tư thức ăn cho tôm. Nhưng bây giờ ngân hàng không cho vay thì coi như chết rồi. Tôm nuôi hiện nay đã được 2,5 thang, mỗi ngày cần 1 triệu đồng để mua 200 kg thức ăn. Từ đây đến lúc tôm nuôi được 4 tháng để thu hoạch dự chi cần tới 50 triệu đồng, số tiền này biết kiếm đâu ra?” Cùng tình cảnh như anh Học, ông Kiên Văn Thạnh, ở xã Long Vĩnh mặt mày bí xị, thở dài nói với tôi: “Gần chục bữa nay, tôi chạy muốn vắt giò lên cổ để lo tiền mua thức ăn cho hơn 200.000 con tôm đang ở giai đoạn 3 tháng tuổi. Bây giờ thì chạy hết nổi rồi, nếu ngân hàng thực sự không cho vay vốn chỉ còn cách thu hoạch tôm sớm để vớt lại vốn, còn hơn để tôm đói rồi chết lần đi đến lỗ lã”.

Theo số liệu khảo sát của UBND huyện Duyên Hải, đến thời điểm hiện nay toàn huyện có gần 12.000 hộ thả nuôi hơn 1 tỉ con tôm sú trên diện tích 15.000 ha. Trong số này, có hơn 1.500 trang trại với diện tích nuôi công nghiệp hơn 2.000 ha. Theo đó, cơn “đói” vốn của người dân nuôi tôm trong huyện hiện thời đã lên đến gần 10.000 hộ. Và khoản tiền cần kíp “cứu tế” cho vùng tôm vào giai đoạn giữa vụ này từ 20–30 tỉ đồng.

Trông đợi từng ngày!

Tiếp chuyện với tôi, ông Lê Trọng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, nói trong tâm trạng rất lo lắng: “Hơn 10 ngày nay, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện liên tục báo cáo với huyện về tình trạng người dân nuôi tôm đang thiếu vốn nghiêm trọng. Nhiều hộ trong cảnh túng đã tính cùng đi chạy vay tiền nóng bên ngoài để mua thức ăn cho tôm. Nhận được thông tin, lãnh đạo huyện đã có cuộc làm việc với các Chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn huyện, nhưng cho đến hiện thời vẫn vô kế để giúp dân”. Theo lời của ông Lê Trọng Vũ thì chuyện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT huyện Duyên Hải hết vốn để đầu tư cho dân nuôi tôm sú là có thật. Nguyên nhân, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện đã đầu tư cho dân nuôi tôm sú đến thời điểm hiện tại đã là 500 tỉ đồng. Các chi nhánh ngân hàng muốn tiếp tục đầu tư cho dân nuôi tôm thì phải tự huy động vốn trên địa bàn rồi sử dụng nguồn vốn đó cho vay, chứ ngân hàng “cấp trên” không hỗ trợ. Đối với huyện Duyên Hải, hơn 90% hộ dân ở địa phương sống chủ yếu là dựa vào nghề nuôi tôm sú. Vào mùa vụ nuôi tôm, tiền vốn có được bao nhiêu người dân đều tập trung đầu tư cho sản xuất. Hết mùa vụ tôm thu hoạch, tiền nhàn rỗi của dân mới được đem vào gởi ngân hàng. Hiện thời người dân chạy “méo mặt” lo tiền ăn cho tôm còn không xong, thì lấy đâu ngân hàng huy động vốn để cho vay ra. Chính vì vậy, chuyện người dân chờ để được các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện cho vay xem như đã là vô vọng.

“Bây giờ, chuyện giúp dân có tiền mua thức ăn cho tôm đang là việc cần gấp như cứu hỏa” – ông Lê Trọng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, phân trần với tâm trạng thật bức xúc. Ông cho biết rằng, mùa vụ nuôi tôm sú năm nay người dân trong huyện đã bỏ ra hơn 500 tỉ đồng vốn tự có, cộng thêm nguồn vốn ngân hàng đã đầu tư lên đến con số 1.000 tỉ đồng. Lo lắng cho một kết cuộc không tốt của mùa tôm xảy ra, nên UBND huyện Duyên Hải đã báo cáo toàn bộ tình hình khó khăn đến Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, để mong được sự hỗ trợ của tỉnh giúp dân vượt qua cơn “đói vốn”.

Người nuôi tôm đang cầm cự từng ngày với khó khăn thiếu vốn để trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo nhận định của Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải Lê Trọng Vũ: Nếu trong vòng 15 ngày nữa tình cảnh “đói” vốn của người dân nuôi tôm vẫn chưa được “cứu trợ” thì chắc chắn Duyên Hải phải chấp nhận một mùa nuôi tôm sú kém hiệu quả. Không có được một mùa nuôi tôm sú bội thu sẽ có nhiều hộ dân không có đủ tiền để trả nợ đã vay ngân hàng, lâm vào cảnh khốn khó...

Phúc Sơn

 


Tài để làm gì?

Nguồn tin: LĐ, 13/6/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

Ông Trần Văn Đạt và hai con Trần Văn Thiện, Trần Văn Tín ở Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương vốn làm nghề thầu các ao cá dọc sông Kinh Thầy mấy chục năm nay. Năm 2002, anh Trần Văn Tín đi chơi Trung Quốc mang về 1.000 con cá quế giống to bằng đầu đũa, đem thả xuống ao, mới đầu nó bị các loại cá khác ăn thịt gần hết, nhưng sau khi đủ lớn nó ăn thịt lại các loại cá khác, lúc này cá quế chỉ còn lại chừng 100 con. Sau 1 năm, mỗi con cá quế nặng cỡ 2kg, thịt ngon và thơm (có thể vì vậy nó mới có tên là quế). Tiếp đó, cha con ông Đạt tìm cách cho cá quế sinh sản.

Về chuyện này, ông Trần Quang Chúc - nguyên GĐ Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản miền Bắc đã phát biểu: "Trước đây chúng tôi có dự án của Bộ Thuỷ sản trị giá khoảng 700 triệu đồng để nhập hai vạn cá quế về nuôi, nhưng cá chết gần hết. Biết tin ông Đạt nuôi được cá quế, tôi đến thăm mới được biết ông không chỉ nuôi được mà còn cho sinh sản thành công. Mấy kỹ sư của tôi xuống đây học kinh nghiệm đều phục tài bố con ông Đạt, chẳng sách vở gì mà họ làm hơn cả người... trong nghề. Nhờ những cặp cá giống ông Đạt cung cấp mà dự án nuôi cá quế đang trên bờ lung lay lại tiến triển đúng kế hoạch".

Nhưng chuyện của cha con ông Đạt chưa hết. Khi cá quế to rồi, anh Trần Văn Thiện mang 20 con đi chào hàng ở Hà Nội, Hải Phòng với giá 40.000đ/1kg (ở Trung Quốc giá cá thịt là 120.000đ/1kg) mà chẳng ai mua. Đầu năm 2006, anh Thiện mang 100 con lên Hà Nội biếu cho các đầu mối thuỷ sản. Nào ngờ chỉ vài hôm sau đơn đặt hàng tới tấp đến mà giá thì là 60.000đ/1kg.

Vấn đề tiếp thị đã không chỉ đặt ra với nhà sản xuất công nghiệp, mà với từng nông dân.

Tô Thành

 


Bến Tre: “Nghêu” nước ngọt hiếm, giá cao

Nguồn tin: BCT, 14/6/2006
Ngày cập nhật: 15/6/2006

“Nghêu” nước ngọt là tên gọi một loài hến đang sống ở khu bảo tồn ốc gạo trong sông Cổ Chiên thuộc cồn Phú Đa xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre). Sở dĩ bà con vùng này gọi con hến ở đây là nghêu nước ngọt vì nó rất to (ảnh), có con kích cỡ đạt 4 cm chiều ngang và trọng lượng trung bình khoảng 80 con/kg. Điều đặc biệt là thịt ruột của loài hến này lớn, chiếm khoảng 70 – 80% phần trong của vỏ, ăn ngọt và béo hơn loài hến thường.

Qua khai thác của Hợp tác xã thủy sản Vĩnh Tiến, trung bình cào được một tấn ốc gạo sẽ có khoảng 150 – 200 kg hến. Giá loài hến này được bán 8.000 đồng/kg và nhiều người tranh nhau mua vì lạ và ngon.

CAO DƯƠNG

 


Ninh Hải (Ninh Thuận): Tăng cường xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng

Nguồn tin: NT, 14/06/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

Từ đầu năm đến nay diện tích thả nuôi tôm sú trên địa bàn huyện Ninh Hải ước đạt 432/500ha, thời vụ thả nuôi khá tập trung và đúng lịch, đặc biệt diện tích nuôi trái vụ giảm dần so với cùng kỳ năm trước. Diện tích thả giống ở Ninh Hải tăng 296ha và giảm dịch bệnh.

Tính trong 6 tháng chỉ có 5,6 ha đìa bị dịch, nhưng nhờ người nuôi nâng cao nhận thức về tính cộng đồng nên đã khoanh vùng xử lý kịp thời. Để tăng cường xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng, Ninh Hải đã tổ chức đợt tham quan học tập các mô hình nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Nam: Bến Tre, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Thủy sản tập trung chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất thủy sản huyện.

Ban quản lý vùng nuôi xây dựng các mô hình hợp tác trong nuôi trồng, các quy chế phối hợp trong nuôi trồng và các quy chế phối hợp có liên quan. Hiện nay tại huyện Ninh Hải nhất là các vùng ven Đầm Nại như: Phương Hải. Tân Hải, Hộ Hải đã thành lập 15 tổ cộng đồng nuôi tôm.

Theo Đài TH Ninh Thuận

 


Bức xúc nạn thuốc cá ở Cần Thơ : Cái giá phải trả…

Nguồn tin: BCT, 14/6/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

Người dân chăm bẵm vào ao cá với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Trong năm 2005, huyện Vĩnh Thạnh đã đưa ra xét xử 1 vụ cưỡng đoạt tài sản với thủ đoạn viết thư yêu cầu chủ hầm cá phải đưa tiền nếu không sẽ thuốc chết cá. Thủ phạm là Trần Trọng Nhân (SN 1988) và Võ Ngọc Hiền (SN 1987) – cùng ngụ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Theo tài liệu của Cơ quan cảnh sát Điều tra - Công an huyện Vĩnh Thạnh và cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh: Trần Trọng Nhân biết ông N.N.Th (ngụ cùng xã) có nuôi hầm cá lóc nên đã viết thư đe dọa buộc ông Thuận phải đưa 2 triệu đồng. Sau đó 22 giờ đêm 7-1-2005, Nhân gặp Võ Ngọc Hiền để cùng nhau bàn bạc và Nhân đề nghị Hiền viết lại nội dung thư tống tiền vì chữ Nhân quá xấu. Hiền không đồng ý mà chỉ nhận nhiệm vụ vào 24 giờ đêm 8-1-2005 Hiền sẽ đến cột mốc km 59 thuộc ấp Vĩnh Quy, xã Vĩnh Trinh lấy tiền đem về, sau đó Nhân sẽ cho 200.000 đồng. Khoảng 7 giờ ngày 8-1-2005, Nhân đến trại nuôi cá của ông Th. quan sát không thấy ai nên đi vào và bỏ lá thư tống tiền trên bàn, lấy gói thuốc lá chặn lên trên rồi bỏ về nhà. Ông Th. về trại cá, phát hiện lá thư tống tiền liền mang đi trình báo CA. Khoảng 22 giờ đêm 8-1-2005, Nhân nói Hiền đến địa điểm đã hẹn trong thư để lấy tiền, còn y bỏ về nhà. Tại điểm hẹn, Hiền thấy ông Th. đến điểm giao tiền rồi bỏ về, hắn liền đi bộ đến địa điểm mà trong thư Nhân đã yêu cầu ông Th. giao tiền, thấy có một bao thuốc lá Hero, Hiền liền lấy bỏ vào túi thì ngay lập tức CA xã Vĩnh Trinh ập đến bắt quả tang, thu giữ bao thuốc lá Hero, trong có chứa 30.000 đồng. Qua đấu tranh khai thác, CA tiếp tục làm việc với Trần Trọng Nhân. Tại cơ quan CA, Nhân khai nhận trước đó vào tháng 11-2004, y từng rủ Hiền viết thư nặc danh tống tiền ông Ng.N.L., ngụ ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh để xin 2.000.000 đồng. Phi vụ này cũng do Nhân viết sẵn nội dung thư, sau đó Hiền viết lại và đưa cho Nhân mang thư ném vào trước sân nhà ông L. Trong thư nói rõ thời điểm giao tiền là lúc 24 giờ, tiền để trong vỏ bao thuốc lá Hero, địa điểm là miễu nhỏ cặp Quốc lộ 80 (gần cây xăng số 3, kinh 17, ấp Vĩnh Qui, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh). Chính ông Ng.N.L khi được CA xác minh đã thừa nhận vào thời điểm nói trên có nhận được 1 thư nặc danh tống tiền 2.000.000 đồng. Lo sợ hầm cá trị giá hơn 100.000.000 đồng sẽ bị thuốc chết nên ông L. không trình báo công an mà đem tiền đến đúng điểm hẹn để giao. Tuy nhiên, Nhân và Hiền đều không thừa nhận có lấy số tiền nói trên mà chỉ khai nhận hành vi viết thư nặc danh tống tiền ông L. Với hành vi viết thư nặc danh tống tiền nêu trên, Nhân và Hiền hiện nay đang chịu những hình phạt án tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Đây là bài học đắt giá cho những kẻ chây lười lao động, bất chấp luật pháp, chỉ muốn hưởng thụ trên sức lao động của người khác.

Mới đây, một vụ thuốc cá nữa được CATP Cần Thơ khám phá, bắt giữ thủ phạm. Nhưng tình tiết đưa đẩy đến vụ việc lại xuất phát từ một nguyên nhân khác. Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra, CATP Cần Thơ, hiện hồ sơ vụ án này đã hoàn tất, chuẩn bị chuyển Viện kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ truy tố trước pháp luật về tội hủy hoại tài sản của người khác. Đó là vụ Trần Thị Á (SN 1960), Trần Văn Thuận (SN 1984), Nguyễn Văn Luốt (SN 1978) – đều cùng ngụ ấp Lân Thạnh 1, xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt đã dùng thuốc trừ sâu thả vào hầm cá tra nhà ông Lê Hữu Thiết (ngụ ấp Long Thạnh A, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt) khiến hàng chục tấn cá tra bị chết.

... Lúc 23 giờ 45 ngày 16-6-2005, ông Thiết đang ngủ thì nghe tiếng cá tra nhảy nhao nhao trong hầm, thấy có dấu hiệu không bình thường, tưởng cá bị bệnh ông Thiết liền mang thuốc thả xuống, nhưng cá vẫn nhảy lên dữ dội. Khi lặn xuống hầm cá ông Thiết phát hiện dưới đáy hầm cá chết rất nhiều. Ông Thiết huy động toàn bộ gia đình bơm nước xúc rửa hầm hòng cứu 60 tấn cá tra sắp đến ngày thu hoạch. Nhưng mọi nỗ lực của gia đình ông Thiết không cứu hết hầm cá. Đến sáng hôm sau, số cá chết lên đến 20 tấn (tương đương với 300 triệu đồng). Đồng thời trong buổi sáng này, khi thay nước hầm cá, anh trai ông Thiết là ông Xuân phát hiện 1 vỏ chai bia Sài Gòn, khi vớt lên có mùi thuốc trừ sâu nồng nặc phát ra… Nhận được tin báo về vụ hủy hoại tài sản nói trên, các điều tra viên của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH, CATP Cần Thơ đã có mặt để khám nghiệm hiện trường, lập chuyên án đấu tranh. Trong quá trình điều tra, cơ quan CA phát hiện giữa ông Thiết và Trần Thị Á từng có mâu thuẫn trong việc hùn hạp làm ăn. Từ manh mối này, CA tiếp tục xâu chuỗi, xác minh các vấn đề có liên quan và các điều tra viên đã xác định vụ cá trong hầm nhà ông Thiết bị thuốc nhiều khả năng do Trần Thị Á rắp tâm trả thù. Khi đã thu thập các chứng cứ cần thiết, CA đã tiến hành làm việc với các đối tượng có liên quan là Trần Thị Á, Trần Văn Thuận, Nguyễn Văn Luốt. Tại Cơ quan CA, cả ba đối tượng này đều khai nhận hành vi phạm tội. Theo tài liệu cơ quan Cảnh sát Điều tra, do không giải quyết được mâu thuẫn trong làm ăn với ông Thiết, Trần Thị Á thuê Nguyễn Văn Luốt và Trần Văn Thuận nửa đêm lén bỏ thuốc trừ sâu vào hầm cá nhà ông Lê Hữu Thiết.

Ông Lê Văn Út, Phó CA xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, cho biết: Tình trạng thuốc cá gây bức xúc trong dư luận nhân dân, nhất là những hộ có nuôi cá với số lượng lớn, vốn đầu tư vài trăm triệu đến gần một tỉ đồng. Chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch để có tiền trang trải chi phí và chi tiêu cuộc sống. Việc này cũng ảnh hưởng rất lớn tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đa số các vụ thuốc cá đều khó truy tìm thủ phạm bởi khi xảy ra sự việc thường là đêm hôm khuya, mọi người tiếc của nên tìm biện pháp cứu cá bằng cách bơm thật nhiều nước vào ao nuôi, lùa cá về phía nguồn nước đang bơm vào để “giải độc”, hạn chế thiệt hại. Khi cơ quan chức năng xuống hiện trường lấy mẫu nước thì nguồn nước nhiễm độc đã bị tháo đi hết, vì vậy không còn chứng cứ để xử lý hay thụ lý vụ việc. Cũng từ lý do trên mà thời gian qua, dù các vụ thuốc cá xảy ra liên tục, nhưng việc phá án của cơ quan CA gặp khó khăn, nhiều khi phải tạm gác hồ sơ vụ việc vì thiếu những chứng cứ cần thiết do xuất phát từ việc các chủ hầm cá nóng lòng cứu cá để vớt vát lại chút vốn liếng nên khi xả và thay nước vào ao nuôi đã vô tình tự xóa dấu vết cũng như mẫu nước có nhiễm chất độc.

Vì vậy, hiện nay, khi xảy ra vụ việc bị thuốc cá thì CA tuyến cơ sở kết hợp cùng các ban ngành địa phương nhanh chóng xuống ngay hiện trường để thu thập những chứng cứ ban đầu, ghi nhận tình hình, bảo vệ hiện trường để cơ quan điều tra nhanh chóng truy tìm thủ phạm.

* * *

Một chủ hầm cá, từng là nạn nhân của bọn xấu phá hoại, tâm sự: “Chuyện thuốc cá xảy ra khiến dân nuôi cá tụi tui giờ đây sợ mích lòng cả đứa con nít. Có vốn đầu tư nuôi tiếp thì tự dằn lòng đừng xích mích, mất lòng người khác là coi chừng bị “bể nồi cơm”. Bởi vậy ai nói gì đâu dám cãi, chỉ biết lo ôm lấy hầm cá mà chăm sóc”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có vốn hoặc tìm chỗ vay nợ để nuôi tiếp, như trường hợp gia đình anh H., nhà ở cống 11, huyện Vĩnh Thạnh sau cú sốc bị kẻ xấu thuốc chết toàn bộ số lượng gần 10 tấn cá sắp thu hoạch, đã bỏ luôn nghề cá vì cụt vốn và còn mắc nợ chưa trả được. Anh đã cầm cố đất đai, nhà cửa để có tiền đầu tư vào hầm cá với hy vọng sau khi bán lứa cá này sẽ có tiền trang trải nợ nần, dư chút vốn để tiếp tục thả lứa cá mới. Còn Tám Đặng sau vụ bị thuốc hơn 3 tấn cá lóc đã rơi vào cảnh nợ ngân hàng, phải chuyển sang nuôi cá rô với số lượng cầm chừng để thăm dò tình hình rồi sau này thấy êm mới dám tính chuyện nuôi số lượng lớn.

Thiết nghĩ, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để hạn chế vấn nạn “thuốc cá” theo chúng tôi đó không chỉ là công việc của ngành công an mà cần có sự tiếp sức của các đoàn thể và nhân dân, trong việc tuyên truyền giáo dục mọi người sống theo pháp luật. Mặt khác, khi xảy ra những mâu thuẫn trong cuộc sống thì chính quyền địa phương và các đoàn thể cần nhanh chóng tổ chức hòa giải để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giúp các bên hiểu nhau, từ đó hạn chế việc mỗi bên “để bụng chuyện cũ” rồi có hành vi thiếu suy nghĩ: “giận quá mất khôn”, mang thuốc trừ sâu đem bỏ vào hầm cá của người khác cho “bõ ghét” để rồi phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của cơ quan chức năng pháp luật.

P.T.NGHI

 


Bức xúc nạn thuốc cá ở Cần Thơ : Kẻ xấu lộng hành

Nguồn tin: BCT, 13/6/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

Trên địa bàn TP Cần Thơ, hai huyện đầu nguồn Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh là những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (chủ yếu cá tra, cá ba sa) lớn nhất: hàng năm, cung ứng hàng trăm ngàn tấn cá cho các nhà máy. Thời gian gần đây nhiều chủ hầm cá như ngồi trên “lửa”, canh cá còn hơn trực chiến, cá chuẩn bị thu hoạch thì gần như chủ và người làm thức sáng đêm... vì sợ kẻ xấu dùng thuốc độc hại cá. Chỉ riêng năm 2005 và 4 tháng đầu năm 2006 trên địa bàn 2 huyện này đã xảy ra gần 10 vụ thuốc cá, làm thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng. Vấn nạn “thuốc cá” đang là nỗi ám ảnh của nhiều người nuôi cá.

Ông bà ta thường nói: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Trong thực tế, nghề cá, nhất là phong trào nuôi cá tra, thời gian qua đã mang lại sự sung túc cho nhiều người nuôi. Bởi thế, nghề nuôi cá tra ở TP Cần Thơ phát triển rất mạnh với tổng diện tích hơn 750 ha, chủ yếu tập trung ở hai huyện đầu nguồn Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh.

Cuối tháng Năm. Khi những cơn mưa đầu mùa ào ạt tới, chúng tôi về hai huyện đầu nguồn Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Câu chuyện thời sự ở những quán cà phê vẫn là chuyện con cá tra, ba sa, chuyện giá cả, thời vụ thả nuôi... Và một câu cửa miệng mà các chủ hầm cá vẫn hay hỏi nhau là: “Hồi hôm êm hông ?”. Với chúng tôi thì quả đấy là một câu hỏi lạ hoắc, nhưng với những người nuôi cá thì cái câu hỏi này ẩn chứa cả một câu chuyện dài... Tất cả đều xuất phát từ việc kẻ xấu “phá” chủ hầm cá bằng cách thả, ném thuốc trừ sâu vào ao nuôi khiến cá chết hàng loạt, thiệt hại kinh tế lên đến con số trăm triệu đồng.

Theo thông tin từ những người dân cố cựu ở Thốt Nốt, gần 10 năm nay, trên địa bàn này đã tồn tại nạn thuốc cá. Ban đầu, nạn thuốc cá chủ yếu diễn ra trên địa bàn các xã Thạnh Quới, Thạnh Mỹ. Càng về sau càng lan rộng khắp địa bàn toàn huyện. “Điểm nóng” hiện nay là ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt) và Thạnh Mỹ, Thạnh Quới (Vĩnh Thạnh). Anh Út Ch., chủ hầm cá ở Thạnh Quới, Vĩnh Thạnh, bức xúc nói: “Ngày xưa, chuyện thuốc cá chỉ là trò phá nhau vì mâu thuẫn vụn vặt trong quan hệ xã hội, xóm giềng. Nhưng thời con cá tra, ba sa lên đời thì việc thuốc cá hoặc tung tin sẽ cho cả ao cá “đi họp” lại là chuyện khác, bởi đấy chính là kiểu ăn cướp, tống tiền trắng trợn”.

“Điểm nóng” đầu tiên nảy sinh tệ nạn thuốc cá có thể kể đến xã Thạnh Quới, huyện Thốt Nốt (nay thuộc huyện Vĩnh Thạnh). Trong đó “nóng” nhất là ấp Quy Lân 6. Từ năm 1997 đến nay ở đây đã xảy ra hàng chục vụ thuốc cá. Những vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây hoang mang trong dư luận. Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới) trong vòng 5 năm (1996 - 2001) đã 2 lần bị kẻ xấu dùng thuốc trừ sâu bỏ xuống ao cá khiến hoàn cảnh kinh tế của gia đình lao đao, hàng chục triệu đồng tiền vốn coi như trôi sông, đổ biển. Điều đáng nói cả hai lần ra tay thuốc cá, kẻ xấu đều chọn thời điểm ra tay trước khi gia đình ông Hồng thu hoạch cá đúng một ngày. Hay hộ anh Bảy ở ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới từng 2 lần bị kẻ xấu thuốc cá. Bà Đinh Thị Chín, nhà ở xã Thạnh Quới, Vĩnh Thạnh, dẫn chúng tôi ra tham quan hầm cá. Bà nói: “Đó ! Hầm cá gần 1 công đất này thằng Tám Đặng - con trai tôi - dày công nạo vét để nuôi cá lóc. Vậy mà người ta lợi dụng đêm tối bỏ thuốc trừ sâu vô bịch ni-lông rồi ném vào ao cá. Vợ thằng Tám ngay đêm đó đã ngất xỉu”.

Hầm cá nhà Tám Đặng có hơn 3 tấn cá chết trắng bụng. Đó là năm 2003 và từ vụ ao cá nhà Tám Đặng bị thuốc, một số hộ chung quanh tức tốc thu hoạch cá rồi bán đổ bán tháo với giá rẻ như bèo vì sợ sẽ trắng tay như Tám Đặng. Thương tâm hơn, có những hộ nghèo, vay vốn ngân hàng vài triệu đầu tư vào ao cá với mong ước đổi đời, thoát kiếp nghèo, thế nhưng những kẻ bất lương vẫn không buông tha. Đó là trường hợp anh Hiền, anh An (cùng ở xã Thạnh Quới). Mới đây, vào ngày 30-3, tại ao cá nhà anh Lương Văn Nhứt, ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh) cũng xảy ra hiện tượng cá tự dưng nhảy lên dữ dội, sau đó chết trắng bụng. Theo lời anh Nhứt, vào tháng 11-2005 anh mua 100.000 con cá tra giống thả nuôi. Trong quá trình nuôi này, anh Nhứt đã bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng tiền thức ăn, tiền thuốc chữa bệnh cho cá và chi phí nhân công. Ngày 26-3- 2006, anh ký hợp đồng bán toàn bộ 120 tấn cá trị giá 1,6 tỉ đồng cho Công ty TNHH Cửu Long (An Giang). Tuy nhiên, vì chưa có người đến thu mua cá kịp nên Cty đã gửi anh trông hộ vài ngày. Lúc 2 giờ sáng ngày 30-3, chị Huỳnh Thị Hạnh (vợ anh Nhứt) phát hiện cá trong ao nhảy lên nhao nhao, nhiều con thì đã ngửa bụng ra chết. Biết ao đã bị kẻ gian bỏ thuốc độc, anh Nhứt cho bơm nước liên tục vào xúc xả ao, rồi tạt thuốc xuống cấp cứu cá... Anh Nhứt phát hiện ở mép ao có một bịch ni-lông màu đen bên trong sặc mùi thuốc trừ sâu mà kẻ gian ném xuống. Mặc dù bơm nước cấp cứu kịp thời, nhưng số cá chết đã lên đến 23 tấn trị giá 300 triệu đồng. Xót xa trước 23 tấn cá phải bỏ đi, chị Hạnh nghẹn ngào: “Gia đình tôi có thù oán với ai đâu mà bọn xấu lại độc ác như vậy chứ ? Công lao cả gia đình mấy tháng trời vất vả bị chúng cướp hết cả rồi...”.

Ở Thốt Nốt, trong tháng 4-2006 liên tiếp xảy ra 2 vụ thuốc cá ở cù lao Tân Lộc và xã Thới Thuận. Lúc 19 giờ ngày 25-4-2006, tại ao nhà anh Đỗ Bá Trường (xã Tân Lộc) mọi người phát hiện cá tra chết hàng loạt. Nghi ngờ ao cá của mình bị kẻ xấu bỏ thuốc độc xuống nên anh Trường đã cho người làm lấy 6 chai Yoka (thuốc chữa bệnh cho cá) tạt xuống giải độc cho cá, nhưng vẫn không ăn thua, cá tiếp tục chết. Sau đó một lúc, mọi người phát hiện một chai nhựa màu trắng, khi vớt lên nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Vụ này số cá trong hầm nhà anh Trường chết hơn 10 tấn. Ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thuận, vào tối 19-4-2006, hầm cá của anh Trương N.H cũng bị kẻ xấu ném thuốc trừ sâu vào hầm. Dù anh H. kịp thời phát hiện và cứu chữa nhưng số cá tra bị chết lên đến 13 tấn, trị giá khoảng 150 triệu đồng.

Các chủ hầm, ao nuôi cá ở Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt giờ đây đều rất cảnh giác và tăng cường nhân công để canh giữ cá bất kể ngày đêm, mưa nắng. Có trại dựng hàng rào kẽm gai, mắc hàng chục bóng điện chung quanh ao nuôi để bảo vệ cá; thậm chí có chủ hầm cá trang bị cả đèn pha để dễ quan sát vào ban đêm. Chưa hết, những con chó cũng được tận dụng để làm lực lượng bảo vệ vòng ngoài. Anh Nguyễn Đức Thịnh, chủ hầm cá ở Vĩnh Thạnh, cho biết: “Diện tích ao nuôi của gia đình tôi chỉ 3.000m2, quy mô không phải là lớn nhưng phải thuê thêm 3 người, đó là chưa kể hai người nhà luôn túc trực 24/24 giờ canh phòng”. Lo lắng cẩn thận đến thế nhưng vào tháng 4-2006, khoảng 60.000 con cá lóc (trọng lượng bình quân khoảng 1 kg/con) của gia đình anh đã bị chết hàng loạt do kẻ xấu dùng thuốc trừ sâu bỏ vào ao nuôi. Anh Thịnh cùng mọi người cật lực cứu vãn, thay nước nhưng chỉ vớt vát lại được một số ít ... Tính ra tổng thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Anh Thịnh ấm ức nói: “Gia đình tôi xưa nay ăn ở đâu có mất lòng ai. Vậy mà...”.

Sau vụ này, anh Thịnh cải tạo lại hầm cá và thả tiếp 200.000 con cá tra, và lần này rút kinh nghiệm, anh tăng cường thêm 6 chú chó bẹc -giê, cất thêm hàng loạt chòi gác ở chung quanh hầm cá để nhân công túc trực canh cá. Không riêng trường hợp anh Thịnh, mà hàng chục chủ hầm cá khác từ Thốt Nốt đến Vĩnh Thạnh đều tự bảo vệ mình bằng cách tăng cường người canh gác, mua chó bẹc-giê, xây rào chắn kỹ càng khu vực ao nuôi, tổ chức tuần tra ao nuôi hàng đêm để phòng ngừa kẻ xấu. Ở thời điểm chuẩn bị thu hoạch cá, không khí canh giữ rất căng thẳng bởi nói như anh Thịnh: Chỉ cần lơ là 5-10 phút là coi như bữa sau trắng tay vì kẻ xấu phá hoại.

Thiếu tá Nguyễn Phú Thương, Đội trưởng đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Cần Thơ, cho biết: “Đa số các vụ thả thuốc độc xuống ao cá là do tư thù cá nhân hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong việc làm ăn. Những đối tượng này, thường lợi dụng đêm tối, trực tiếp hoặc thuê người mang thuốc trừ sâu ném xuống ao”.

P.T.Nghi

 


Đạt được thỏa thuận giữ nguyên thuế chống bán phá giá tôm

Nguồn tin: TT, 13/06/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

 


VASEP đề nghị trả tự do ngay cho ông Bửu Huy

Nguồn tin: TN, 13/06/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Mùa tôm mới, căn bệnh cũ

Nguồn tin: SGGP, 14/06/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

Vụ tôm sú ở ĐBSCL đã bắt đầu hơn 3 tháng. Đến cuối tháng 5-2006, đã ghi nhận gần 2 tỷ con tôm sú giống chết. Mức độ thiệt hại, phổ biến ở các địa phương là 10%-20%. Tôm chết, dẫn đến hàng loạt dân nuôi tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau rơi vào cảng nợ nần. Chuyện tôm giống sạch bệnh đã được đề cập đến trong nhiều năm qua, nhưng đến nay đâu vẫn lại vào đấy!

Đua nhau nuôi tôm giống

Nhu cầu tôm sú giống ở các tỉnh ven biển ĐBSCL vào khoảng 25 đến 27 tỷ con/năm. Thế nhưng, nguồn con giống sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được 40%, hơn 60% phải nhập từ các tỉnh miền Trung, Vũng Tàu. Cầu vượt cung đã làm “nở rộ” phong trào “nhà nhà, tỉnh tỉnh” ồ ạt phát triển sản xuất giống.

Song nghịch lý là năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế nên chất lượng con giống sản xuất ra còn lắm chuyện phải bàn. Chỉ mới có khoảng 50% tôm sú sạch bệnh, nhưng một lãnh đạo ngành thủy sản đã náo nức cho rằng, năm nay có tới 50% tôm giống sạch bệnh!?

Cũng như các tỉnh ven biển ĐBSCL, vụ nuôi tôm sú năm 2006 ở Trà Vinh rộn ràng và sôi động hẳn lên từ tháng 10, 11, 12 Âm lịch do dư âm được mùa của 2 năm qua. Bước vào vụ nuôi mới, ngành thủy sản khuyến cáo, do thời tiết còn lạnh, môi trường chưa ổn định, bà con chỉ nên thả nuôi vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 - 2006.

Nhưng do sức hút của thị trường, giá tôm tăng vọt từ 90.000-110.000đồng/kg lên 130.000-145.000 đồng/kg (loại 1) trong đợt cúm gia cầm, nên hàng ngàn hộ nuôi tôm ở Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi sớm nhằm kịp nuôi lấp lại vụ 2. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến trung tuần tháng 5-2006, hơn 1,77 tỷ con tôm giống thả nuôi trên diện tích hơn 20.000 ha trên địa bàn tỉnh, có 850 triệu con bị chết, trong này thiệt hại nặng nhất là huyện Duyên Hải, trong 10.000 hộ thả nuôi trên diện tích mặt nước 13.400 ha có hơn 6.000 hộ thiệt hại.

Tương tự, ở huyện Trà Cú, hơn 70% tôm nuôi bị chết. Riêng huyện Cầu Ngang, địa phương 3 năm liên tiếp trúng mùa tôm trong 370 triệu con tôm giống thả nuôi có hơn 50% bị thiệt hại, chỉ tính riêng phần con giống thả nuôi nông dân toàn tỉnh đã mất trắng hơn 16 tỷ đồng.

Thạc sĩ Trần Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Thủy sản Trà Vinh, thừa nhận, hiện tượng tôm nuôi chết trên diện rộng ngoài yếu tố thời vụ, môi trường, phần lớn là do chất lượng con giống đầu vụ kém.

Ngành thủy sản đang nỗ lực hạn chế mầm bệnh lây lan, khuyến cáo bà con có tôm nuôi bị chết không được tự ý đưa nước thảy ra kênh mương công cộng gây ô nhiểm môi trường. Nuôi tôm không tuân thủ khoa học, chất lượng con giống kém, có phải là căn bệnh chủ quan? Bộ trưởng Bộ Thủy sản đánh giá: “Tình trạng tôm chết trên diện rộng là đáng báo động, nguyên nhân khiến tôm chết ở nhiều địa phương chính là chất lượng giống không đảm bảo, môi trường nuôi ngày một suy thoái nghiêm trọng…”.

Lấy nước thải nuôi... tôm!

Nhiều năm qua, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL nói chung, con tôm sú nói riêng là thế mạnh kinh tế mũi nhọn đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho cả nước. Thế nhưng, vấn đề đầu tư thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản vẫn chưa ngang tầm, thủy lợi cho nuôi tôm phần lớn “ăn theo” cây lúa.

Ở Trà Vinh năm 2005 sản lượng tôm sú nuôi đạt hơn 17.400 tấn, tăng trên 5.828 tấn so năm 2004, giá trị kinh tế mang lại hơn 1.200 tỷ đồng gấp 2 lần tổng thu ngân sách năm 2005 toàn tỉnh. Song, trên 15 năm qua thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nhất là con tôm sú chưa được đầu tư đồng bộ.

Hệ thống thủy lợi kênh cấp, thoát nước ở những địa phương vùng trọng điểm nuôi như Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú… còn nhiều bất cập. Tình trạng này xảy ra tương tự ở bán đảo Cà Mau. Nước xả từ các vuông tôm cứ xoay vòng từ vuông này sang vuông khác; mầm bệnh cứ thế lan tràn.

Giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm sú ở ĐBSCL, theo khuyến cáo của các nhà khoa học: Đi đôi với đầu tư thủy lợi phải đẩy mạnh chương trình giống “sạch bệnh” và áp dụng mô hình nuôi luân canh 1 vụ tôm 1 vụ lúa hay 1 vụ tôm luân canh 1 vụ cá, cua xuất khẩu. Để làm được điều này, bài toán cần giải là đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi và tăng cường quản lý nhà nước về con giống, vùng nuôi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Thủy sản 2 cảnh báo: “Trước dịch bệnh tôm lan rộng đáng báo động hiện nay, các ngành, các cấp và nhà khoa học cần quan tâm, kiểm nghiệm lại thực tiễn sản xuất ở địa phương mình. Hàng ngàn nông dân ĐBSCL giàu lên từ nuôi tôm và cũng từ nuôi tôm, hàng ngàn hộ “rớt” trở lại diện nghèo đói, nợ nần chồng chất”.

* Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ), so với vựa tôm sú lớn nhất ĐBSCL là Cà Mau, chất lượng tôm sú giống sản xuất tại Cần Thơ được người nuôi ưa chuộng hơn – dù giá cao. Quy trình lọc sinh học của các trại giống Cần Thơ có mức đầu tư lớn nhưng lợi nhuận cao hơn so với quy trình thay nước ở Cà Mau.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trường Trường ĐH An Giang, nhận định: “Hiện nay các vùng trồng lúa ở ĐBSCL hầu như đã khai thác hết nguồn nước ngọt, không phải tốn nhiều tiền cho thủy lợi. Nơi cần thủy lợi nhất hiện nay là các vùng nuôi tôm ven biển: Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu,Sóc Trăng…

Nông dân nuôi tôm ngày nay kinh nghiệm ngày một nhiều. Thế nhưng, cái khó hiện nay do thủy lợi phục vụ nuôi tôm còn yếu kém nên nguồn nước thải của người này lắm khi là nguồn nước lấy vào của người kia nên mầm bệnh lây lan nhanh. Vì vậy, để phát triển nghề nuôi tôm một cách khoa học, bền vững nhà nước cần đầu tư mạnh hơn cho thủy lợi”.

CAO PHONG – ĐÌNH CẢNH

 


Kiến nghị bãi bỏ thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản

Nguồn tin: SGGP, 14/06/2006
Ngày cập nhật: 14/6/2006

 


Cấm khai thác hải sản ở vùng biển từ 12 độ vĩ bắc trở lên

Nguồn tin: LĐ, 13/6/2006
Ngày cập nhật: 13/6/2006

Nguồn tin Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản VN ngày 12.6 cho hay, từ nay đến 1.8.2006, Trung Quốc sẽ thực hiện lệnh cấm khai thác tất cả các nghề trừ nghề lưới rê, câu và lồng bẫy tại vùng biển Đông từ 12 độ vĩ bắc trở lên.

Sở Thuỷ sản Phú Yên hiện đang thông báo rộng rãi lệnh cấm này đến tất cả ngư dân và tàu thuyền trong vùng. Đồng thời, yêu cầu ngư dân tổ chức khai thác theo đội, theo nghề ở các ngư trường trong vùng biển đặc quyền kinh tế của VN.

Phong Dương


Cá ngừ đại dương... cạn kiệt

Nguồn tin: TT, 13/6/2006
Ngày cập nhật: 13/6/2006

Trong ba tháng qua sản lượng cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên liên tục giảm. Nhiều ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương bị lỗ từ 20 - 100 triệu đồng/chuyến do... không câu được cá.

Theo tiến sĩ Trần Việt Ngân - giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh này, có thể nguồn cá ngừ đại dương đã cạn kiệt do việc đánh bắt tràn lan, không có kế hoạch bảo vệ và tạo nguồn.

Chỉ riêng tỉnh Phú Yên hiện đã có gần 900 thuyền câu cá ngừ đại dương, lúc cao điểm mỗi thuyền khai thác không dưới 1 tấn cá/chuyến.

XUÂN HIẾU

 


Ông Nguyễn Hữu Khánh - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Khó phát triển bền vững khi dự báo thị trường vừa thiếu vừa yếu

Nguồn tin: BCT, 13/6/2006
Ngày cập nhật: 13/6/2006

 


Hội thảo quốc tế “An toàn chất lượng sản phẩm cá tra, basa Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường thực phẩm thế giới”

Nguồn tin: BCT, 12/6/2006
Ngày cập nhật: 13/6/2006

 


“Săn” cá bông lau

Nguồn tin: SGGP, 12/06/2006
Ngày cập nhật: 13/6/2006

Những ngày này, ở các huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); Bình Minh (Vĩnh Long); Chợ Mới, Phú Tân (An Giang); Thốt Nốt (TP Cần Thơ)…, từ chạng vạng tối đến tận sáng sớm, người ta kéo nhau đi “săn” cá bông lau vui như hội…

“Nằm tài” đợi... cá bông lau

Phải hẹn nhiều lần, chúng tôi mới có dịp tháp tùng nhóm thợ săn cá bông lau chuyên nghiệp ở xã Vĩnh Thới huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Hơn 6 giờ chiều, anh Năm Hòa (Bùi Văn Hòa) giục chúng tôi xuống xuồng chạy một mạch từ Vàm Cái Mít ra sông Hậu.

Trời sụp tối, gió phảng phất mát rượi, dòng sông Hậu hiền hòa lấp lánh ánh trăng, chiếc xuồng máy chạy được hơn 30 phút thì dừng lại. Năm Hòa lấy bọc thuốc rê quấn một điếu rồi mồi lửa hít một hơi dài.

Anh bảo: “Cá bông lau về sông Hậu rất nhiều, hàng trăm hộ chuyên nghề chài lưới tha hồ “săn”, sống được lắm…!”. Phương tiện đánh cá bông lau rất đơn giản, chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500-600m, dạo sâu 7-8m là có thể hành nghề.

Tuy nhiên, muốn đánh được nhiều cá phải chọn thời điểm nước rong vào những ngày 14 - 15 hoặc 29 - 30 Âm lịch – thời điểm nước chảy mạnh, nhất là ban đêm lúc trời êm, xuồng ghe đi lại ít, cá thường đi ăn nên dễ bắt.

Bãi cá bông lau ở Vĩnh Thới dài khoảng 2km, hàng đêm quy tụ trên 50 người đánh bắt chuyên nghiệp. Dù vậy, dân trong nghề đều tuân theo quy luật “nằm tài”, ai đến trước thả trước, ai đến sau thả sau, không người nào tranh giành hay hiềm khích người nào.

Theo nhiều người lâu năm trong nghề, săn cá bông lau rất thú vị. Việc bắt được nhiều cá hay không tùy thuộc vào việc thả lưới trước hay thả sau mà chủ yếu là người đó có “tay sát cá” hay không bởi thực tế, nhiều lúc người thả trước không dính cá nhưng thả sau lại dính nhiều và ngược lại… Thông thường, nếu gặp lúc nước lớn thì nửa tiếng đồng hồ thăm lưới một lần, còn nước ít chảy thì thời gian thăm chậm hơn khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi.

Đêm nay, Năm Hòa chọn đoạn cuối cồn Tân Lộc làm nơi thả lưới bởi theo kinh nghiệm của anh đây là khu vực giáp nước nên cá thường tụ tập nhiều. Thả lưới xong Năm Hòa “hí hới” cùng năm bảy anh em xúm lại ngồi nhâm nhi vài ly rượu đế quê hương, ngân nga mấy bài vọng cổ: Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Dòng sông quê em… rồi chốc chốc đi thăm cá. Chẳng lâu sau, kéo lưới lên chưa được 50m đã có con cá bông lau to trên 7kg đâm lưới, cách vài chục mét một con khác tiếp tục mắc lưới, rồi con thứ 3, thứ 4… đến khi Năm Hòa cuốn xong tay lưới dài 600m, bắt được tổng cộng 7 con cá bông lau - cân nặng gần 46kg. Được thương lái mua với giá 24.000đ/kg, anh có trong tay trên 1,1 triệu đồng.

Không riêng gì Năm Hòa, anh Hai Giảng thả gần đó cũng trúng được 6 con cá bông lau, cân nặng 62kg; anh Phạm Văn Nam ở bãi Tân Thành trúng 7 con; anh Bảy Tam được 4 con… Cả mùa cá dài mấy tháng, ai giỏi thì trúng được 2-3 đêm, với giá cá tại sông Hậu bình quân từ 24.000đ – 35.000đ/kg, chỉ cần xong mùa cá bông lau kiếm 7-8 triệu đồng khỏe ru.

Nguồn sống của dân nghèo

Nhiều vị cao niên sống ven sông Hậu kể lại, cá bông lau có ở vùng này đã hàng chục năm nay. Bông lau thuộc họ cá da trơn, mang đặc tính di trú. Thông thường, khi mùa mưa xuống, cá bông lau từ các cửa sông, vùng nước lợ (gần biển), ngược sông Hậu về thượng nguồn sinh sản nên cũng là thời điểm dân chài lưới hành nghề “săn” cá.

Anh Hai Giảng ở xã Vĩnh Thới cho rằng: “Những năm 1976, một số Việt kiều sống ở Biển Hồ (Campuchia) về sông Hậu đánh cá bông lau, sau đó truyền nghề lại cho dân vùng này và phát triển đến ngày nay”.

Phần lớn dân làm nghề chài lưới ở sông Hậu đều nghèo, không đất đai sản xuất. Điển hình như gia đình anh Năm Hòa có 5 anh em, không có mảnh đất cắm dùi, phải sang đất đình cất nhà ở đậu. Trên 10 năm qua, vợ chồng Năm Hòa trông vào nghề câu lưới như: câu tôm, đặt lờ, lọp… mưu sinh. Trong đó, đánh cá bông lau là mùa làm ăn chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Giỏi nghề và cần cù chịu khó, sau mỗi mùa cá bông lau, Năm Hòa bỏ ống heo tích lũy dần. Nhờ đó mà anh cất được nhà lót gạch và lo cuộc sống ổn định cho vợ con. Anh Phạm Văn Nam, ấp Tân Bình, xã Tân Thành (Lai Vung- Đồng Tháp), phấn khởi: “Xong mùa cá dư được vài triệu đồng, đủ chi phí mua phương tiện để bán bánh ở chợ, lời từ 30.000đ - 40.000đ/ngày”. Do vậy, tới mùa, ngư dân sông Hậu lại xuống xuồng đi “săn” cá bông lau…

Đã có kế hoạch phát triển cá bông lau

Ai cũng nhìn nhận, thịt cá bông lau ngon hơn thịt cá tra, cá ba sa nhiều lần. Nhu cầu tiêu thụ cá bông lau trên thị trường rất lớn nhưng lượng cung cấp không đủ. Dù vậy, đến nay vẫn chưa ai nghiên cứu bảo vệ và phát triển loài cá đặc sản này. Hàng năm, cá sinh sản tự nhiên, sống tự nhiên và bị khai thác đại trà không ai quản lý... Nhiều người lo lắng, nếu kéo dài tình trạng trên thì nguy cơ cạn kiệt cá bông lau là khó tránh khỏi.

Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản, Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, đặt vấn đề: “Cá bông lau cao cấp như vậy, tại sao ta không nuôi chúng?”. Xuất phát từ ý nghĩ đó, khoảng 4 năm nay, Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản phối hợp cùng Trung tâm hợp tác quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp và Phát triển (CIRAD -Pháp) và Sở Khoa học - Công nghệ Sóc Trăng nghiên cứu về đặc tính và phát triển đàn cá bông lau.

Sau thời gian tìm hiểu, các nhà khoa học phát hiện: Cá bông lau thường rất nhát và khó ăn nên việc nuôi thử nghiệm không hề đơn giản. Từ 134 con cá bố mẹ được bảo vệ bằng nhiều biện pháp nhưng tỷ lệ chết rất cao, chỉ trong 3 năm lượng đàn còn lại chỉ vỏn vẹn 36 con. Dù vậy, đây cũng là thành công bước đầu cho thấy cá bông lau từ chỗ sống tự nhiên có thể nuôi được.

Hiện tại, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm cho cá bông lau sinh sản “nhân tạo”, một khi chủ động được nguồn giống thì việc nuôi cá bông lau ở ĐBSCL hoàn toàn có thể thực hiện được. “Chúng tôi đang tiến tới nuôi thử nghiệm cá bông lau trong bè, nếu thành công thì cá bông lau sẽ ăn đứt cá tra hiện nay, mở hướng nuôi thủy sản mới đầy triển vọng ở ĐBSCL...”. - Tiến sĩ Dương Nhựt Long lạc quan cho biết.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

 


Chế biến đầu vỏ tôm bằng a-xít ở Cà Mau: Sông và người cùng... chết!

Nguồn tin: SGGP, 11/06/2006
Ngày cập nhật: 13/6/2006

Hơn 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau dẫn đầu cả nước. Ăn theo ngành chế biến thủy sản, các cơ sở chế biến đầu vỏ tôm bắt đầu mọc lên bởi lợi nhuận “khủng khiếp” từ mặt hàng từng… bỏ không này.

Thế nhưng, các nhà máy cứ vô tư xả nước thải, sương khói a- xít, mùi hôi thối vào thiên nhiên. Rõ ràng, nguy cơ về sự khánh kiệt môi trường sống đang đe dọa vùng mỏ tôm từng ngày, từng giờ, trong sự bất lực của các cơ quan chức năng.

Hôi thối bao trùm

Những người dân xã Đất Mới (Năm Căn, Cà Mau) đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm.

Cũng như hàng trăm hộ dân trong khu vực khóm 9, phường 6 (TP Cà Mau), ông Nguyễn Văn Tòng “chung sống” với mùi hôi thối, nước bẩn, khí độc của DNTN Đức Tài thải ra hàng chục năm nay. Ông cho xem một đống đơn từ, hình ảnh “chộp” cơ sở xả nước bẩn ra vuông tôm mà không qua hệ thống xử lý vì sợ tốn tiền.

Ông thở dài: “Hơn mười năm nay, DNTN Đức Tài chế biến đầu vỏ tôm làm ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đội đơn đi khắp nơi. Chính quyền, cơ quan môi trường, y tế có kiểm tra, xử lý qua loa, rồi đâu lại vào đấy”.

Gần đối diện với DNTN Đức Tài, bên kia kinh xáng Cà Mau- Bạc Liêu chạy song song với Quốc lộ 1A, cơ sở chế biến đầu vỏ tôm của ông Lê Quốc Khánh, ở khóm 10, phường 6 (TP Cà Mau) cũng xả nước thải xuống kinh xáng, bốc mùi hôi thối. Quanh năm, người dân khóm 9, khóm 10, phường 6 và các xã lân cận của TP Cà Mau sống trong mùi hôi thối đầu vỏ tôm. Nằm trong khu vực này, cơ sở chế biến đầu vỏ tôm Quốc Bình, xã Định Bình (TP Cà Mau) bao năm xả nước thải, khí độc, làm hôi thối cả một vùng sản xuất tôm của bà con nông dân.

Hành khách đi trên tàu về huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước phải nín thở, bụm mũi khi đi đến ngã ba Hòa Trung, xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước). Khu vực này mọc lên cơ sở chế biến đầu vỏ tôm Hồng Cẩm A, điểm tập kết nguyên liệu của Xí nghiệp Chế biến đầu vỏ tôm Hưng Nguyên.

Bà Lý Kim Tuyết, 58 tuổi, ở ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân cho biết: “Quần áo giặt phơi khô mà 3 ngày chưa mặc thì phải giặt lại chớ không dám ngồi gần ai. Ruồi lằn con bằng hột tiêu bu đầy, ăn cơm phải đốt nhang, thuốc ruồi… Cực quá, chịu hết nổi nhưng đất đai nhà cửa ở đây thì đi đâu sống bây giờ?”.

Xuôi theo tuyến đường thủy về huyện Năm Căn, Xí nghiệp Chế biến đầu vỏ tôm Hưng Nguyên đặt bên bờ kinh xáng lộ xe Năm Căn, tại ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng đã nhiều năm gieo mùi hôi thối, độc hại cho người dân. Gió chướng đưa mùi hôi thối vô ấp Ông Do, xã Đất Mới. Mùa gió Nam thì người dân ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng hứng đủ.

Giữa trưa nắng, ngôi nhà của ông Phạm Văn Sáu ở ấp Ông Do, xã Đất Mới (Năm Căn) cũng bị phủ sương khói của Xí nghiệp Chế biến đầu vỏ tôm Hưng Nguyên. Ngọn gió vô tình đưa mùi hôi thối theo một hướng chính diện qua nhà ông Phạm Văn Sáu. Ông than phiền: “Hơn 3 năm rồi, gia đình tôi chịu cảnh hôi thối như thế này. Tôi đành chuyển mẹ già (bà Huỳnh Thị Cúc, 76 tuổi) và 2 đứa cháu nội lên 3, lên 5 tuổi “lánh nạn”.

Kinh hoàng bên trong các nhà máy

Tại một “đơn vị điển hình” là Xí nghiệp Chế biến đầu vỏ tôm Hưng Nguyên, nguyên liệu đầu vỏ tôm chất thành đống cao ngút, khí thế làm việc của công nhân hừng hực. Không khí trong khu xử lý nguyên liệu như đặc lại bởi khói a-xít và mùi nồng nặc của đầu vỏ tôm ủ cho dòi ăn hết thịt lâu ngày.

Không thể tin được là cả 23 công nhân đang làm việc đều không có một mảnh áo quần bảo hộ nào trên thân. Một vài anh còn ở trần trùng trục, bưng bê a-xít đổ vào hồ xử lý, rồi dùng cây trộn, xáo cho dòi chết đều và tuột hết ra khỏi đầu vỏ tôm, như một trò đùa với tử thần. Ông Trần Quốc Việt, quản lý nhà máy, giải thích: “Tụi nó thấy bực bội, vướng víu nên không thèm đeo bảo hộ, chứ đâu phải chúng tôi không lo”.

Đầu vỏ tôm ở các cơ sở chế biến gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Diện tích nhà máy rộng gần 2.000m2, được bao bởi một hệ thống tường bê tông, cốt thép rất vững chắc, song khu vực xử lý bằng hóa chất thì, chỉ có mái che, không có vách chứ đừng nói đến hệ thống nhà kín ngăn độc hại. Ấn tượng nhất có lẽ là các bồn chứa a-xít (HCL). Có đến gần chục bồn, cao 3-4m, đường kính hơn 1m. Ở đây có tất cả 16 hồ xử lý hóa chất đầu vỏ tôm. Mỗi hồ có thể tích khoảng 2,6m3, có một lỗ xả nước thải, được nối với ống xả chung - đường kính 20cm xả thẳng ra sông cái, hoạt động liên tục suốt ngày đêm.

Ông Việt thừa nhận mình cũng không tính được lượng nước thải ra mỗi ngày, nhưng ông cho biết: Thời điểm trước khi bị dân hăm dọa kéo đến đập phá nhà máy, nơi đây xử lý hóa chất trung bình 150 tấn nguyên liệu đầu vỏ tôm/ngày (trên 40 công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm). Sau khi dân đe dọa quá, nhà máy đã phải giảm đi 70% công suất, còn 45 tấn/ngày. Theo quy trình kỹ thuật mà ông Việt trình bày, thì mỗi đơn vị đầu vỏ tôm, để xử lý sạch, cần ít nhất là 2 đơn vị nước hóa chất (vì phải qua 3 lần khử bằng hóa chất mới đạt tiêu chuẩn sản phẩm sơ chế). Tức là mỗi ngày nhà máy có lượng nước thải độc hại ít nhất là 300m3.

Như vậy, 4 năm qua, dòng sông huyết mạch để người dân lấy nước nuôi tôm nơi đây đã phải “uống” đến 438.000m3 nước thải chứa a-xít độc hại.

Trước sức ép của người dân và dư luận, doanh nghiệp Hưng Nguyên chuẩn bị đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, với công suất 300m3/ngày đêm, dự định sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6-2006.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cách xử lý phần khói do chất a-xít tác động vào nguyên liệu đầu vỏ tôm trong quá trình xử lý hóa chất gây ra.

Trên địa bàn Cà Mau đâu chỉ có Hương Nguyên mà còn có gần chục nhà máy chế biến đầu vỏ tôm đang thi nhau hoạt động ầm ĩ suốt ngày đêm mà chưa có nhà máy nào hoàn tất hệ thống xử lý chất thải. Tất cả nước thải và khí a-xít hiện vẫn đang được phun vào môi trường.

Người dân lãnh đủ

Dân cư hai xã Hàm Rồng và Đất Mới huyện Năm Căn sống chủ yếu bằng vuông tôm. Nhưng từ ngày nhà máy hoạt động thì bà con bị thất mùa liên tục. Tôm nuôi bị chết có nhiều nguyên nhân. Nước lấy vào vuông tôm ở những nơi có nguồn nước thải đen thui của các cơ sở chế biến đầu vỏ tôm thì người dân kiệt quệ.

Ông Phạm Văn Đạt kể: “Sau khi nhà máy hoạt động hơn một tháng, tôm nuôi của tôi bắt đầu chết. Chết trắng luôn, lỗ tiền tôm giống mãi. Đến nay tôi đã nợ ngân hàng 200 triệu đồng.

Hầu hết những cơ sở chế biến đầu vỏ tôm đều xả nước thải xuống sông rạch, không qua xử lý. Cơ sở chế biến đầu vỏ tôm Hồng Cẩm A luồn ống xả nước thải thối đen pha vào dòng nước kinh xáng Hòa Trung. Ông Nguyễn Văn Nhu bức xúc: “Hôm trước, bà con chúng tôi tập trung khoảng 30- 40 người dân ấp Hòa Trung, xã Luơng Thế Trân (huyện Cái Nước) lấy mẫu nước thải hôi thối, đặc quánh đem đến UBND xã Lương Thế Trân yêu cầu giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Ông Nguyễn Minh Thống, Trưởng Ban Tư pháp xã Lương Thế Trân, cho biết: “Trên địa bàn xã Lương Thế Trân có 3 cơ sở chế biến đầu vỏ tôm, đã ngưng hoạt động một cơ sở vì thưa kiện quá”.

Ông Trần Thắng Lợi ở phường 6, TP Cà Mau rất hoang mang: “Vợ tôi vừa bị ung thư chết hồi đầu năm nay, để lại cho tôi 4 đứa con. Cùng số phận với vợ tôi còn có ông Âu Văn Thọ, Nguyễn Thị Nguyệt, Đỗ Quốc Tuấn, Trần Tấn Vững, Đỗ Văn Hai… cũng bị bệnh ung thư chết. Nếu tính chung số người bị ung thư chết ở hai bên kinh xáng Bạc Liêu- Cà Mau thuộc ấp ấp 9 và ấp 10, phường 6 (TP Cà Mau) đã lên đến mười mấy người”.

Không chỉ có vậy, ông Phạm Văn Sáu ở ấp Ông Do, xã Đất Mới (Năm Căn) kể: “Khi lấy nước vào vuông tôm, tôi phát hiện có dòi cùng vào. Giăng lú hứng thử, chừng dỡ lên tôi muốn xỉu. Nguyên một khúc lú toàn dòi, đổ ra cả thúng. Hoảng quá tôi rủ mấy ông hàng xóm đi qua nhà máy xem. Trời ơi! Cái ống xả to bằng cây dừa, liên tục thải nước lẫn a-xít và dòi ra sông. Không cha nào dám đưa tay sờ thử, sợ tuột da”. Và sau khi tôm chết đến cua, rồi cá.

Vậy là suốt hơn 4 năm qua, các nhà máy chế biến đầu vỏ tôm đã “tặng” cho những dòng sông Cà Mau không biết bao nhiêu ngàn khối nước chất thải a-xít độc hại.

NHÓM PV ĐBSCL

 


Đà Nẵng: Thanh tra dự án nuôi tôm Hòa Hiệp với nhiều thua lỗ

Nguồn tin: VNN, 12/06/2006
Ngày cập nhật: 12/6/2006

 


ĐBSCL: Phát triển nuôi cá sạch

Nguồn tin: SGGP, 12/06/2006
Ngày cập nhật: 12/6/2006

Ngày 11-6, tại Long Xuyên, đã diễn ra hội thảo quốc tế về “An toàn chất lượng cá tra, ba sa Việt Nam đáp ứng thị trường thực phẩm thế giới”, do Bộ Thủy sản và UBND tỉnh An Giang tổ chức. Theo các chuyên gia quốc tế, để giải quyết bài toán “an toàn, chất lượng” cho cá tra, basa, các tỉnh ĐBSCL cần liên kết lại, hướng đến mô hình nuôi cá sạch, cá sinh thái.

Ở đó, người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thống nhất quan điểm từ diện tích, sản lượng, thời điểm thu hoạch… Tại An Giang, Công ty Agifish khởi xướng thành lập Liên hợp sản xuất cá sạch. Người nuôi được cung cấp con giống tốt, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, cách bảo vệ môi trường.

Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm… Mô hình cá sạch đã hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường, tránh khủng hoảng thừa nguyên liệu. Chất lượng cá nâng lên rõ nét, đáp ứng nhu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu châu Âu.

H.P.L.


Xuất 925 tấm da và 550 con cá sấu

Nguồn tin: SGGP, 12/06/2006
Ngày cập nhật: 12/6/2006

Theo Cục Kiểm lâm, Tổ chức quốc tế CITES đã cho phép 4 trại nuôi cá sấu sinh sản ở TPHCM gồm trại cá sấu Tồn Phát, Hoa Cà, Forimex, Suối Tiên được xuất khẩu 34.850 con cá sấu trong năm 2006.

Trong 6 tháng đầu năm 2006, các trại này đã xuất khẩu được 925 tấm da cá sấu, 550 con cá sấu qua các thị trường Trung quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu (ảnh).

Hiện nay trên địa bàn thành phố đã có 35 trại nuôi cá sấu và 120 hộ gia đình nuôi cá sấu gia công cho Công ty Hoa Cà, tổng đàn lên đến 78.534 con cá sấu.

Đ.Th

 


Bến Tre: Nuôi thủy sản đúng hướng đạt hiệu quả, ổn định và bền vững

Nguồn tin: Btre, 8/06/2006
Ngày cập nhật: 12/6/2006

Quán triệt nghị quyết (NQ) số 02/NQ-TU của Tỉnh ủy, ngày 17-12-2001 Huyện ủy Bình Đại có NQ số 08/NQ-HU về lãnh đạo và phát triển nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện, giai đoạn 2001-2005. Cụ thể: vốn đầu tư tăng từ 150 tỷ đồng (2001) lên 720 tỷ đồng (2005); diện tích nuôi từ 9.476 ha lên 16.323 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi thu hoạch năm 2005 là 26.343 tấn, trong đó tôm nuôi tăng 4,7 lần so với năm 2001 (15.116 tấn/3204 tấn)…

Những thành tựu sau 5 năm:

Đến nay huyện đã hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết nuôi thuỷ sản đến năm 2010 để định hướng cho việc lãnh đạo, quản lý phát triển nuôi thuỷ sản. Phối hợp với sở Thuỷ sản triển khai đầu tư 8 dự án: 400 ha ở Thới Thuận; 600 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến ở Thừa Đức; 1.800 ha ở 4 xã: Bình Thới, Bình Thắng, Thị Trấn, Thạnh Phước; 1.100 ha nuôi chuyên ở Đại Hoà Lộc - Thạnh Phước; 400 ha nuôi tôm thâm canh ở Bình Thắng - Thạnh Phước; 650 ha ở Bình Thắng, 400 ha nuôi tôm thâm canh ở Đại Hoà Lộc - Thạnh Trị; 360 ha ở cánh đồng Bé Thạnh Phước. Nhìn chung các dự án đầu tư đều phát huy tác dụng đạt hiệu quả. Giá trị tổng sản lượng nuôi thuỷ sản từ 621 tỷ đồng (năm 2001) lên 1.244 tỷ đồng (2005), chiếm 75% giá trị sản xuất khu vực I trong GDP.

Để tập trung lãnh chỉ đạo và quản lý chặt chẻ từng vụ nuôi, vùng nuôi, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo vụ nuôi thuỷ sản, Phòng Thuỷ sản, Đội Kiểm tra liên ngành. Các xã cũng đã thành lập 10 ban chỉ đạo vụ nuôi và 99 ban quản lý vùng nuôi. Loại hình nuôi thuỷ sản luôn được cải tiến và đem lại hiệu quả cao, đã hình thành 2 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 1.134 trang trại và hàng ngàn nông hộ với hệ thống ao nuôi liên hoàn kỹ thuật cao, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động. Các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ vùng nuôi như: thuỷ lợi-giao thông, điện khí hoá, mạng lưới bưu chính viễn thông đã được mở rộng phủ khắp các vùng nuôi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi thuỷ sản là thành tựu nổi bật. Chương trình khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, các cuộc hội thảo, tham quan học tập mô hình, tổng kết luôn được tổ chức hàng năm… Huyện chọn 2 xã Thạnh Phước và Đại Hoà Lộc làm điểm để chỉ đạo thực hiện nhân rộng, bước đầu xây dựng các mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi xen tôm-muối, tôm-lúa. Đến nay đã cơ bản phủ kín vùng nuôi ở các khu vực mặn-lợ và đang có xu hướng phát triển nuôi thuỷ sản vùng nước ngọt. Mạng lưới cơ sở dịch vụ đều khắp trên các vùng nuôi gồm: 125 cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản; 74 cơ sở kinh doanh tôm cá giống; 84 cơ sở thu mua chế biến tôm các và các dịch vụ khác đã thu hút 1.000 lao động có việc làm ổn định.

Những hạn chế và bài học kinh nghiệm:

Sau 5 năm những hạn chế nhìn thấy được là: Kinh tế thuỷ sản có bước phát triển mạnh nhưng chưa bảo đảm tính đồng bộ và ổn định. Tính chất của nghề nuôi, nhất là nuôi tôm sú thâm canh phụ thuộc rất lớn vào môi trường, dịch bệnh, con giống, mức đầu tư cho sản xuất lớn, rủi ro cao. Môi trường sinh thái có dấu hiệu suy thoái luôn trong tình trạng ô nhiễm, tỷ lệ tôm chết ở mức độ cao, làm cho một số hộ nuôi bị thua lỗ nặng, đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán nợ vay. Hoạt động của một số tổ hợp tác kém hiệu quả, cá biệt có trường hợp không còn khả năng sản xuất, vi phạm hợp đồng dẫn đến khiếu kiện tập thể ở một nhóm hộ dân cần sớm được giải quyết. Chưa chủ động được nguồn giống. Các cơ sở dịch vụ-tư vấn còn nhiều vấn đề bất cập. Việc tiêu thu, chế biến sản phẩm thuỷ sản phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài…

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế bài học kinh nghiệm được rút ra là: cần xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất cao trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy kinh tế thuỷ sản huyện phát triển mạnh. Chú trọng việc xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình có hiệu quả, nhằm khơi dậy các lợi thế tiềm năng, tạo sự chuyển biến nhanh về phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Đầu tư phát triển thuỷ sản theo hướng hiệu quả, ổn định, bền vững (giai đoạn 2006-2010):

Khai thác mở rộng diện tích mặt nước và đa dạng các đối tượng nuôi trên cả 3 vùng: mặn, lợ, ngọt, ổn định diện tích nuôi 16.000 ha, tổng sản lượng nuôi hàng năm đạt 46.000 tấn, trong đó tôm nuôi đạt 18.000 tấn…. Để đạt mục tiêu, cần thực hiện các giải pháp sau:

Phát triển nuôi tôm sinh thái ở các xã tiểu vùng 4, hình thành khu vực bảo tồn các loài nhuyễn thể (nghêu, sò huyết) sau cống đập Ba Lai. Có phương án chọn lựa các đối tượng giống loài nuôi thích hợp và có hiệu quả (cua, cá bóng mú, cá chẽm…) để nuôi xen vụ hoặc thay thế một phần diện tích nuôi tôm sú bảo đảm tăng hiệu quả kinh tế và góp phần cải tạo môi trường. Giảm dần và sớm chấm dứt tình trạng nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh tự phát ngoài vùng quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển nuôi thuỷ sản nước ngọt theo hướng đa dạng hoá loại hình và đối tượng nuôi, như: cá lóc, cá da trơn, cá bóng tượng, tôm càng xanh…. Xây dựng các mô hình nuôi trình diễn đối với vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt để phổ biến nhân rộng cho các xã tiểu vùng I và II. Phát triển khu sản xuất giống tập trung ở Thừa Đức và Thới Thuận, đến năm 2010 đáp ứng được trên 60% nhu cầu thả nuôi. Trước mắt tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm dịch; khuyến khích các cơ sở sản xuất ương dưỡng tuyển chọn đàn giống tốt cung cấp cho người nuôi. Ngăn chặn tình trạng nguồn giống di nhập vào nuôi không qua kiểm dịch. Tăng cường công tác khuyến ngư, tư vấn kỹ thuật tại cơ sở, chuyển giao khoa học công nghệ cho người nuôi; kịp thời khuyến cáo về lịch thời vụ, mật độ thả nuôi, quản lý phòng trừ dịch bệnh và sử dụng thuốc, hoá chất theo quy định trong quá trình nuôi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nuôi thuỷ sản, kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện về quy trình ao nuôi… Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ phát triển nguồn lợi thuỷ sản, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công Tạo

 


ĐBSCL: Cá tôm tăng giá, hút hàng

Nguồn tin: SGGP, 05/06/2006
Ngày cập nhật: 11/6/2006

Do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng của gia súc, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng, nguồn cung hạn chế đã đẩy giá các loài thủy sản tăng mạnh. Khoảng 10 ngày nay, tại ĐBSCL giá cá tra nguyên liệu thịt vàng tăng mạnh, hiện nay 12.500 - 13.000đ/kg, tăng 1000 đồng/kg so với tháng trước, tăng 63,4% so cuối năm 2005 và gần bằng giá cá tra nguyên liệu thịt trắng loại 1 (14.000đ/kg). Giá cá tra thịt trắng tăng 31,4% so cuối năm 2005. Không chỉ có cá, từ đầu tháng 5-2006 đến nay, tại Cà Mau, Sóc Trăng, bạc Liêu tôm sú vẫn trong tình trạng thiếu nguyên liệu và giá đứng ở mức cao. Loại 20 con/kg xấp xỉ 146.000đ/kg, loại 30 con/kg 106.000đ/kg, loại 40 con/kg 84.000đ/kg.

Bộ Thủy Sản dự báo giá thủy sản nguyên liệu trong nước sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6 và 7 do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng.

M.T


Nghề nuôi cá bè ở An Giang sẽ cất cánh

Nguồn tin: AG, 9/6/2006
Ngày cập nhật: 11/6/2006

Với lợi thế của 2 dòng sông Hậu và sông Tiền chảy qua địa bàn tỉnh cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt có tổng chiều dài 5.100 km, từ lâu người dân An Giang đã biết khai thác tiềm năng sẳn có này để phát triển nghề nuôi cá bè truyền thống.

Nếu năm 1996, sản lượng cá bè trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 48.427 tấn thì đến nay, con số này đã tăng lên 180.809 tấn. Nhiều người cho rằng với con số này, sản lượng cá tra, basa nguyên liệu ở An Giang cung đã vượt cầu. Tuy nhiên theo phân tích của các doanh nghiệp và nhà quản lý, trong thời gian tới, trên lĩnh vực nuôi và chế biến cá tra, basa; nếu chúng ta lấy tiêu chuẩn SQF 1000 CM và SQF 2000 CM làm nền tảng để mở rộng và phát triển sản xuất thì sản lượng cá bè An Giang không dừng lại ở đó. Bởi trên thực tế, sản phẩm cá tra, basa Việt Nam muốn bán được vào thị trường cấp cao thì điều đầu tiên, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Nhận thức rõ vấn đề này, từ cuối năm 2002, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn SQF vào trong nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đến nay đã có 19 hộ của Cty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống của tỉnh đã được Cty chứng nhận SGS công nhận đạt tiêu chuẩn. Vì vậy trong một tương lai không xa, nghề nuôi cá bè ở An Giang sẽ cất cánh, bởi chúng ta đang tiến gần đến quỹ đạo chung của thế giới về an toàn và chất lượng sản phẩm; điều này có nghĩa thị phần của sản phẩm cá tra, basa Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang đang kêu gọi nông dân nuôi cá trong tỉnh nhanh chóng tiếp cận với các tiêu chuẩn này để sản phẩm làm ra bán được với giá cao.

Minh Hiển

 


Khánh Hòa: đánh bắt hải sản tăng, nuôi trồng thủy sản giảm

Nguồn tin: SGTT, 9/6/2006
Ngày cập nhật: 11/6/2006

Nhờ thời tiết thuận lợi, nên số tàu thuyền ra khơi năm nay ở Khánh Hòa nhiều hơn mọi năm, đặc biệt là tàu thuyền có công suất lớn tham gia đánh bắt ở các ngư trường xa tăng đáng kể. Hiện toàn tỉnh có 5.000 tàu thuyền chuyên làm nghề đánh bắt thủy sản với tổng công suất gần 114.000 sức ngựa, trong số này chiếm gần khoảng 20% công suất của tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Tuy hiệu quả của tàu thuyền đánh bắt xa bờ chưa cao, chí phí lớn, nhưng từ đầu năm đến nay cũng đã mang lại kết quả khá, góp phần đáng kể vào nguồn nguyên liệu chế biến hải sản xuất khẩu cho địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã đánh bắt được hơn 25.000 tấn hải sản các loại, bằng 37,4% KH, tăng 2,5% so với cùng thời gian này năm ngoái. Ngoài ra, toàn tỉnh còn thu hoạch được 1.400 kg yến sào, 530 tấn tôm sú và tôm hùm nuôi. Tuy nhiên, số lượng tôm, cá trên vẫn không đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu thủy hải sản ở địa phương. Do vậy, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã phải nhập khẩu thêm gần 7.000 tấn nguyên liệu thủy sản các loại phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Tuy lĩnh vực đánh bắt hải sản tăng, nhưng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản lại giảm đáng kể. Nuôi tôm sú là thế mạnh của Khánh Hòa, nhưng những năm gần đây giảm sút mạnh do môi trường nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh nhiều. Do ảnh hưởng của vụ tôm năm trước dịch bệnh nhiều, hiệu quả kém nên đến thời điểm này mặc dù đã vào thời vụ chính, nhưng diện tích nuôi thả tôm sú toàn tỉnh mới đạt hơn 3.100 ha, giảm 21,5% so với cùng kỳ này năm ngoái. Các trại sản xuất tôm sú giống cũng mới cho sinh sản được 1.700 triệu con tôm post, giảm 15%.

Theo TTXVN

 


Nuôi tôm trong môi trường tự nhiên: Lối thoát trên những "cánh đồng chết"

Nguồn tin: LĐ, 10/6/2006
Ngày cập nhật: 11/6/2006

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến nghề nuôi tôm ngày càng lụn bại. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, hàng ngàn cánh đồng tôm bỗng hoá thành "cánh đồng chết". Sự bế tắc như "bóng ma" luẩn quẩn, đè nặng... cuộc sống biết bao người. Trước khá nhiều giả thuyết khác nhau, một số nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu thủy sản III (NCTS III) đã kiên trì "bám đồng" suốt 2 năm qua để tìm ra "ánh sáng cuối đường hầm".

Cánh đồng tôm... lạnh tanh ven vịnh Vân Phong.

Trong suốt 2 thập niên, nghề nuôi tôm sú đã tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo cho nhiều cộng đồng dân cư vùng duyên hải, đồng thời đóng góp một phần đáng kể vào thị trường XK thuỷ sản. Thời điểm cực thịnh (năm 2000), diện tích ao đìa nuôi tôm sú xuất khẩu của các tỉnh miền Trung đã mở rộng xấp xỉ 20.000 ha; dẫn đầu là Khánh Hòa (4.800 ha), các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thụân... có từ 2.100-2700 ha.

Không chỉ khai hoang diện tích đầm, phá... ven biển để nuôi tôm nước lợ, nhiều địa phương còn tận dụng tối đa những gì có thể để nuôi tôm nước ngọt hoặc nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, từ người nuôi tôm đến nhà quản lý chỉ chú ý đến giá trị vật chất cụ thể và giá trị sử dụng trước mắt mà không quan tâm đến những giá trị phi vật chất cũng như giá trị chưa sử dụng của các hệ sinh thái ven biển - yếu tố hàng đầu để duy trì hoạt động nuôi trồng.

Năm 2001, phong trào nuôi tôm khựng lại và bắt đầu suy thoái. Kết quả quan trắc môi trường nuôi trồng thuỷ sản tại các tỉnh miền Trung do Viện nghiên cứu thuỷ sản III thực hiện từ năm 2002 đến nay cho thấy, môi trường còn nhiều bất ổn và nhiều độc tố trong đất và nước.

Tính đến tháng 3.2006, hầu hết các tỉnh trong khu vực mới chỉ nuôi thả 20-30% diện tích, riêng Khánh Hòa con số ấy là 10%. Ô nhiễm ở khắp nơi, những cánh đồng tôm ngày trước bây giờ là "cánh đồng chết". Hệ lụy tất yếu là hàng chục vạn nông, ngư dân mất việc làm, nợ nần chồng chất; thậm chí có những "làng nợ" đã bị các ngân hàng cầm cố toàn bộ ao đìa, nhà cửa, ruộng vườn... nhiều gia đình đành phải bỏ xứ ra đi.

Theo nhận định của các nhà khoa học, thủ phạm gây ô nhiễm không phải con tôm mà do con người thiếu hiểu biết và đối xử quá thô bạo với thiên nhiên; chất thải hữu cơ, các loại hóa chất và vi sinh vật gây hại tồn tại dưới dạng trầm tích ngày càng dày.

Viện NCTS III đã thống kê trung bình 1 ha tôm sú bán thâm canh, mỗi năm thải ra môi trường từ 1-2,5 tấn chất thải gồm phân, sinh vật chết và một số dư lượng thuốc và hóa chất nguyên nhân tích tụ mầm bệnh và thường xuyên gây ra bệnh dịch cục bộ trên con tôm.

Ngoài ra còn có khoảng 2-2,5 tạ vôi cùng với khoảng chừng ấy domolite tồn dư khiến đất bị vôi hoá và gần 2 tạ saponin, chlorin, thuốc tím... là những chất lắng đọng dạng vôi, dạng mangan hydroxide làm thay đổi độ pH, biến đổi hệ sinh thái đất, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của vùng nước.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - GĐ Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản khu vực miền Trung cho biết: "Lâu nay việc nghiên cứu thường tập trung vào các đối tượng khác nhưng kết quả phân tích của chúng tôi đã chứng minh thuốc tím là "thủ phạm" khá nguy hiểm. Nhiều người ngộ nhận bởi thuốc tím không gây hại cho con tôm nhưng trong thực tế nó đã tác động tiêu cực đối với môi trường. Trong quá trình ô xi hóa, dư lượng thuốc tím Mn4+ hủy diệt toàn bộ vi sinh vật yếm khí và hiếu khí - những vi khuẩn hết sức nhạy cảm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân hủy chất hữu cơ."

Một đề tài khoa học cấp bộ đã được Viện NCTS III triển khai từ đầu năm 2005 đến nay nhằm "nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến suy thái môi trường, đề xuất một số giải pháp sử dụng đất và nước hiệu quả ở những vùng nuôi tôm đang giảm năng suất".

Ông Nguyễn Hữu Thọ (Chủ nhiệm đề tài) cho biết: "Năm 2003-2004, giải pháp ứng dụng chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường đất và nước đã được triển khai nhưng kết quả đạt được chưa thể hiện rõ, có thể do chất lượng của chế phẩm hoặc sử dụng chưa đúng mục đích. Người nuôi tôm cùng nhà khoa học đều bế tắc vì con tôm nuôi không lớn và bệnh dịch vẫn xuất hiện".

Nguyên nhân sâu xa gây suy giảm môi trường là do lạm dụng các chất sát trùng và dư lượng của chúng đã ảnh hưởng bất lợi đến hệ vi sinh vật, đến tảo trong môi trường và hình thành nhiều độc tố. Các độc tố này phân bố trong nước và tác động ngược lại đối với việc sản xuất con tôm giống làm giảm chất lượng giống và kéo theo việc nuôi tôm thịt dễ thất bại.

Vẫn theo ông Nguyễn Hữu Thọ, không nên quá bi quan vì hiện trạng chưa phải suy thoái mà đang ở mức suy giảm cục bộ trên từng vùng nuôi nhưng cần đặc biệt lưu ý tình trạng suy giảm hệ vi sinh vật hữu ích. Các giải pháp đang được khuyến cáo thực hiện là nuôi thêm cá trong ao đìa để chúng thu gom thức ăn thừa; phân hủy các độc tố bằng chế phẩm sinh học đặc hiệu và chuyển đổi hệ tảo trong môi trường nuôi tránh các hiện tượng tảo tàn gây nhiều độc tố tác động đến tôm nuôi.

Hiện tại, Viện NCTS III đang thực nghiệm nuôi tôm sú trong môi trường tự nhiên, tương tự ứng dụng IPM trên cây lúa. Rất đáng mừng bởi kết quả đạt khả quan hơn hẳn so với những ao nuôi (có sử dụng hóa chất) cùng thời điểm và cùng một địa điểm. Hy vọng đây sẽ là lối thoát trên những "cánh đồng chết".

Bảo Chân


Ba Lâm làm giàu

Nguồn tin: BCT, 10/6/2006
Ngày cập nhật: 11/6/2006

Hai năm trở lại đây, anh Đặng Ngọc Lâm (Ba Lâm) ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nổi lên là một hiện tượng nông dân làm giàu ở vùng lũ của tỉnh này. Mô hình kết hợp nuôi tôm, cá trên ruộng lúa của anh đang là điểm học hỏi lý tưởng của nông dân vùng lũ muốn vươn lên làm giàu!

KẾT HỢP LÚA, TÔM, CÁ

Anh Trương Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Trinh tình nguyện dẫn đường để chúng tôi đến nhà anh Ba Lâm. Trên đường đi, anh Thắm giới thiệu: “Anh Ba Lâm là thương binh hạng ¾, nhưng là nông dân sản xuất giỏi thứ thiệt ở vùng lũ Cái Bè này. Mô hình của anh mà bà con trồng lúa ở đây chịu học hỏi áp dụng đúng cách sẽ giàu mấy hồi. Nông dân vùng này tuy làm lúa thơm giá trị cao nhưng chỉ đạt lợi nhuận từ 20 đến 25 triệu đồng/ha, còn mô hình của anh Ba Lâm cao gấp mấy lần”.

Mô hình nuôi tôm, cá và trồng lúa của anh Ba Lâm xuất phát từ cách nuôi xen cá tự nhiên để kiếm thêm thu nhập trên hai mẫu đất ruộng của anh. Bắt được con tôm lóng, các loại cá là anh đem thả xuống ruộng nuôi. Tính ra, mỗi công lúa anh Ba Lâm có lời thêm 100 ngàn đồng từ tiền bán tôm, cá sau vụ thu hoạch. Thấy nuôi tôm, cá trên ruộng phù hợp và hiệu quả, anh mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi tôm càng xanh, cá với số lượng nhiều hơn. Không kết hợp nuôi tôm, cá trong ruộng lúa nữa mà anh nuôi, trồng tách riêng theo vụ. Vụ lúa đông xuân năm 2004, anh Ba Lâm sửa sang ruộng đồng kỹ lưỡng, bỏ ra 19 triệu đồng để mua 160.000 tôm càng xanh con về nuôi theo kiểu công nghiệp. Đồng vốn hạn chế, để tiết kiệm tiền thức ăn cho tôm, anh Ba Lâm kết hợp cho tôm ăn thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên là ốc và cá tạp xay nhuyễn. Sau 6 tháng nuôi, anh thu hoạch được 2,2 tấn tôm sô loại 40 con/kg bán được trên 200 triệu đồng. Trừ chi phí anh còn lời 140 triệu đồng. Sau vụ nuôi tôm, anh tiếp tục không trồng vụ lúa hè thu sớm mà ương 4,5 triệu bột cá rô đồng thả nuôi, thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Sau hai vụ nuôi tôm, cá, anh mới xuống giống vụ lúa hè thu chính vụ. Nhờ chất dinh dưỡng của hai vụ nuôi tôm, cá còn lại nên lúa sinh trưởng rất tốt. Thay vì người khác chuyên trồng lúa lời khoảng 500 ngàn đồng/công, nhờ lúa trúng anh lời trên 800 ngàn đồng/công. Việc trồng lúa giúp làm sạch nền ruộng, vệ sinh môi trường để anh tiếp tục thả nuôi tôm, cá vụ sau.

Năm tiếp theo, áp dụng cách làm cũ, anh Ba Lâm lại thắng lợi với tiền lời khoảng 150 triệu đồng qua hai vụ tôm càng xanh và cá. Ba Lâm phấn khởi nói: “Suốt mấy chục năm gắn với cây lúa như tôi mà kiếm được số tiền mấy trăm triệu quả là sung sướng nhất trên đời. Đúng là vùng lũ này lao động vất vả vô cùng, nhưng nếu biết làm ăn đúng cách cũng không phải khó làm giàu!”. Nhờ thực hiện mô hình nuôi cá, tôm có hiệu quả và đạt thu nhập cao, hai năm 2004 – 2005 anh Ba Lâm liên tục nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

KHÔNG BỎ QUA CÁ BỐNG TƯỢNG!

Là người có tâm huyết với việc nuôi tôm, cá trên ruộng lúa, năm 2004 anh Ba Lâm được hưởng một suất trong chương trình nuôi tôm, cá vùng lũ do Bộ Thủy sản triển khai. Anh được hỗ trợ kỹ thuật và 4 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi cá bống tượng. Nhân cơ hội này, anh đầu tư thêm 8 triệu đồng mua thêm cá giống về nuôi. Mô hình của anh đến thời điểm hiện tại được xem là rất thành công và hứa hẹn sẽ đem về lợi nhuận không nhỏ.

Không tính lượng cá bống tượng trưởng thành đã bán bớt, giờ đây anh Ba Lâm đang có khoảng 1.000 con cá bống tượng bố mẹ đang thuần dưỡng nuôi làm giống. Được các kỹ sư thủy sản hướng dẫn kỹ thuật, anh Ba Lâm rất thông thạo trong việc ương cá bống tượng con. Mới đầu, anh dùng miếng gạch hoặc ngói để dưới đáy ao hơi nghiêng vào mé bờ và khoét lổ phía bên trong làm ổ. Cá bống tượng sẽ vào đẻ trứng lên miếng gạch hay ngói. Mỗi ngày, anh đều lặn xuống ao để thăm và đem trứng vào ấp. Trứng cá bống tượng từ khi đẻ đem vào ấp 24 giờ đồng hồ sau sẽ nở. Cá nở đem ra ao dùng lưới bao lại nuôi khoảng một tháng sẽ lớn bằng đầu đũa ăn thì có thể thả nuôi trên ruộng. Anh Ba Lâm cho biết, cá bống tượng nuôi rất khó vì cá bệnh là khỏi cứu, nhưng dễ thành công nếu người nuôi chịu cực và thường xuyên theo dõi cá. Đối với cá bống tượng, điều đặc biệt nhất là nguồn nước phải được xử lý rất kỹ. Từ khi thả cá đến bán chỉ nên sử dụng một nguồn nước trong ao mà không nên thay đổi nhiều lần. Người nuôi cần liên hệ với khuyến ngư ở địa phương để xử lý nước định kỳ theo mùa nóng lạnh.

Hiện nay, anh Ba Lâm đã nhân ra được 30.000 con cá bống tượng giống để chuẩn bị cho vụ nuôi cá kết hợp với tôm trên ruộng sắp tới. Theo tính toán của anh, hiện giờ cá bán 2.000 đồng/con, nhưng để đến tháng 10 sẽ bán 10.000 đồng/con và 18 tháng sau khi bắt đầu thả nuôi cá sẽ đạt trọng lượng trung bình 4 gam/con. Anh nhận định có thể cá sẽ ăn tôm, nhưng không đáng kể vì tôm nuôi ngày một lớn nhanh, cá khó tấn công; mà dù cá có ăn tôm anh vẫn lời. Với giá cá bống tượng luôn cao (hiện 280.000 đồng/kg) thì số cá anh thả sẽ đem về cho anh số tiền không nhỏ. Anh Ba Lâm nói: “Để bà con thấy được nguồn lợi từ cá bống tượng trên ruộng, tôi đang thực hiện hỗ trợ 2.000 con giống cho 4 hộ dân ở xã thực hiện điểm trình diễn nuôi cá bống tượng. Tôi hy vọng từ mô hình của tôi sẽ có nhiều người áp dụng để tăng thu nhập trên đồng ruộng của mình”.

CAO DƯƠNG

 


Bình Định: Thử nghiệm sản xuất giống cua biển

Nguồn tin: Vasep, 9/6/2006
Ngày cập nhật: 10/6/2006

Từ nay đến hết tháng 10, theo kế hoạch sẽ có 10 vạn cua giống được sản xuất, cung ứng cho dân. Đây cũng là quá trình hoàn thiện sản xuất, tiến tới chuyển giao công nghệ cho dân.

Kế hoạch này nằm trong Dự án sản xuất cua giống do Trại thực nghiệm NTTS Cát Tiến – Trung tâm Khuyến ngư Bình Định thực hiện theo quá trình của Viện Nghiên cứu thuỷ sản 3 – Nha Trang. Hiện tại, hệ thống nhà ương ấu trùng, cua giống công suất 1 triệu con/năm đã hoàn thành xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành.

(NTNN, 9/6/2006)

 


Sóc Trăng - Bạc Liêu: Tôm sú vào vụ thu hoạch rộ, giá giảm mạnh

Nguồn tin: Vasep, 9/6/2006
Ngày cập nhật: 10/6/2006

Từ đầu tháng 6 đến nay, các địa phương vùng bán đảo Cà Mau đang thu hoạch rộ tôm sú nuôi vụ 2006. Đồng thời, các khu nuôi tôm sú công nghiệp thả sớm cũng đang bắt đầu thu hoạch nên tôm nguyên liệu giảm giá. Một số chủ vựa ở Bạc Liêu, Sóc Trăng cho biết, tôm sú loại 20 – 30 con/kg giá từ 120.000 – 145.000 đ/kg, giảm từ 7.000 – 10.000 đ/kg so với đầu vụ.

(NTNN, 9/6/2006)

 


Gần 140 DN tham gia Hội chợ Vietfish 2006

Nguồn tin: NLĐ, 8/6/2006
Ngày cập nhật: 10/6/2006

 


Mùa tôm ở Công Lương: Niềm vui chưa trọn vẹn

Nguồn tin: BBD, 9/6/2006
Ngày cập nhật: 10/6/2006

Dự án chuyển đổi đất nông nghiệp nhiễm mặn (ĐNNNM) sang nuôi tôm ở thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) được thực hiện từ năm 2002, đã mang lại hiệu quả bước đầu. Song người nuôi tôm ở đây còn gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm và nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất...

Trạm bơm được xây dựng trong năm 2005 mục đích là lấy nước từ sông Lại Giang để cung cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm Công Lương nhưng chưa phát huy tác dụng.

* Thêm một mùa tôm bội thu

Thôn Công Lương (Hoài Mỹ - Hoài Nhơn) có toàn bộ 55,8 ha đất nông nghiệp đều bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, năm 2002 UBND huyện Hoài Nhơn đã quyết định triển khai dự án chuyển đổi đất nông nghiệp nhiễm mặn (ĐNNNM) sang nuôi tôm ở Công Lương (gọi tắt là dự án Công Lương). Mục tiêu của dự án là chuyển đổi 55,8 ha ĐNNNM thành 43,5 ha mặt nước nuôi tôm, tổng vốn đầu tư gần 8,8 tỉ đồng, chia ra làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung chuyển đổi 28,12 ha ĐNNNM thành 22,8 ha mặt nước nuôi tôm thâm canh (gọi là khu A), có vốn đầu tư trên 4,4 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2003, đưa vào nuôi tôm 2 vụ/năm từ năm 2004, đã mang lại kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Vụ tôm đầu tiên trong năm 2006, hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây đều được mùa, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha, cao nhất so với các vùng nuôi tôm sú trong tỉnh. Ông Nguyễn Minh Tâm, một hộ nuôi tôm ở Công Lương cho biết: “Gia đình tôi có 3.700 m2 mặt nước, vụ 1 năm nay tôi thả nuôi 150.000 con tôm post, đến nay đã thu được 2 tấn. Với giá tôm hiện nay 76.000 đồng/kg (loại 60 con/kg), gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng trên 50 triệu đồng.” Một hộ nuôi tôm khác, ông Hồ Nhân, có 3.000 m2 mặt nước, vụ nuôi tôm vừa qua, ông thu nhập trên 100 triệu đồng…

Theo các hộ nuôi tôm ở Công Lương, năm nay mặc dù chi phí đầu tư nuôi tôm tăng cao, đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, đầu tư chăm sóc chu đáo, tôm nuôi không bị dịch bệnh, nên phần lớn người nuôi tôm đều có lãi. Dự án Công Lương đã mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Theo đánh giá của UBND huyện Hoài Nhơn, dự án Công Lương thành công bước đầu là nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ với quyết tâm cao từ tỉnh đến huyện, xã. Đặc biệt, với mong muốn thoát nghèo của các hộ dân trong vùng dự án, từ đó đã thỏa thuận, thông cảm, chia sẻ trong quá trình phân lô, ghép hộ, chuyển đổi, hoán đổi trên cơ sở dân chủ và tự nguyện, cùng với việc góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm. Vùng nuôi tôm được xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi và hệ thống cấp thoát nước tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với việc nuôi thâm canh, điều kiện môi trường khá tốt. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Sở Thủy sản, quản lý được lịch thời vụ, có sự quản lý cộng đồng thông qua Hội nuôi tôm ở địa phương.

Một số chủ hồ tôm phải sử dụng hệ thống đường ống bằng nhựa lấy nước sản xuất nông nghiệp để nuôi tôm.

* Một số hạn chế

Vụ 1 năm 2006 này, thôn Công Lương được mùa tôm, nhưng người nuôi tôm không vui vì giá tôm thấp, đầu ra sản phẩm khó khăn. Điều đáng nói là chưa có doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nào trong tỉnh thu mua sản phẩm cho người nuôi tôm ở Công Lương. Bà con thường bán sản phẩm của mình cho thương lái đến từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng thường bị ép giá. Nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nuôi tôm cũng là vấn đề bức xúc của người nuôi tôm ở đây. Vùng nuôi tôm Công lương được khuyến khích nuôi 2 vụ/năm, nhưng do thiếu nguồn nước ngọt nên người dân chỉ nuôi được 1 vụ/năm. Năm 2005, huyện Hoài Nhơn đầu tư xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh mương, dẫn nước từ sông Lại Giang cung cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm Công Lương.

Quy mô xây dựng giai đoạn 1 dự án Công Lương: Xây dựng tuyến đê bao phòng lũ dài 2.340 m và các công trình trên đê. Tuyến kênh chính dài 759 m và các công trình trên kênh. Hệ thống cấp thoát nước với 5 kênh tiêu dài 1.288 m, 5 kênh cấp nước dài 1.293 m. Xây dựng hệ thống ao nuôi gồm 43 ao, có ao lắng, ao xử lý, diện tích 4.900 m2/ao; 172 cống hộp cấp và tiêu nước cho từng ao. Tổng kinh phí xây dựng trên 4,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư trên 2,52 tỉ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 1,9 tỉ đồng.

Đến nay, các công trình nói trên đã hoàn thành nhưng chưa phát huy tác dụng. Chiếc cầu vào khu nuôi tôm hoàn thành đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã bị sập, việc đi lại gặp khó khăn.... Thiếu nước ngọt, nên vụ nuôi tôm thứ 2 trong năm, khu nuôi tôm Công Lương chỉ có một vài hộ cải tạo ao, sử dụng nước sản xuất nông nghiệp để nuôi tôm he chân trắng. Thêm vào đó, các dịch vụ cung ứng giống, vật tư nuôi tôm chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ… Đây cũng là nguyên nhân làm cho việc triển khai giai đoạn 2 của dự án (khu B) chưa được bà con đồng tình.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Trung Hậu- Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn,cho biết: “Năm 2005, huyện đã xây dựng xong trạm bơm và hệ thống kênh mương cung cấp nước ngọt cho vùng nuôi tôm Công Lương. Nhưng khi vận hành trạm bơm nước, thì trạm biến áp ở khu vực này bị hư hỏng. UBND huyện đã chỉ đạo tu sửa trạm biến áp và cầu vào khu nuôi tôm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dịch vụ cung ứng giống, vật tư nuôi tôm trên địa bàn; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi tôm để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất có hiệu quả hơn”.

Phạm Tiến Sỹ

 


Hậu Giang: Tràn ngập cá lóc giống chưa kiểm dịch

Nguồn tin: BCT, 9/6/2006
Ngày cập nhật: 10/6/2006

Đến nay, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi 218 lồng, bè cá lóc với diện tích khoảng 2.000m² mặt nước. Những ngày qua, ở nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện rất nhiều người dùng xe gắn máy thồ nhiều can nhựa chứa cá lóc giống từ An Giang, Đồng Tháp đến gạ bán cho nông dân, với giá 200-250 đồng/con, thấp hơn giá bán của các trại cá giống địa phương 50-100 đồng/con. Ông Đặng Ngọc Giao, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở sản xuất các lóc giống. Do vậy, người nuôi phải chấp nhận mua cá giống trôi nổi từ các nơi khác chở đến. Vì khó khăn về nhân sự, nên hiện nay chi cục cũng chưa kiểm soát, kiểm dịch được con giống thủy sản nhập vào địa bàn.

Do ảnh hưởng của bệnh lở mồm long móng trên gia súc, hiện giá cá lóc thịt trên thị trường tăng lên đến 24.000 đồng /kg, cao gần gấp đôi so với hồi trong Tết. Giá cá cao đã tác động nông dân Hậu Giang phát triển mạnh diện tích nuôi thủy sản.

P.K

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang