• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tin thêm về một giám đốc VN bị câu lưu khi tham dự Hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Bỉ:

Nguồn tin: LĐ, 15/05/2006
Ngày cập nhật: 15/5/2006

 


Người nuôi tôm hùm bị ép giá, ép cỡ

Nguồn tin: PY, 15/05/2006
Ngày cập nhật: 15/5/2006

Sông Cầu là huyện có lượng tôm hùm xuất bán hàng năm cao nhất nước. Theo thống kê, trung bình mỗi năm huyện này cung cấp cho thị trường 600 – 700 tấn tôm hùm thịt, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện Sông Cầu đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch tôm hùm thịt. Tuy nhiên, cả huyện chỉ có 4 tư thương chuyên thu mua tôm hùm thịt. Các tư thương này trực tiếp ký hợp đồng với các đối tác Trung Quốc. Giá thu mua và tiêu chuẩn tôm do chính những người này đưa ra, nông dân nuôi tôm thấy được thì bán, không thì thôi. Ngay giá thu mua của 4 điểm này khác nhau. Chúng tôi tận mắt chứng kiến chỉ cách nhau một ngày, nhưng hôm trước, người thu mua tôm tại thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh) đưa ra giá 620.000 đồng/kg; hôm sau, người thu mua tại Dân Phú 1 (Xuân Phương) chỉ mua với giá 560.000 đồng/kg. Cả người mua lẫn người bán cứ ở đâu biết đó mà không có mối liên hệ với nhau. Giá tôm trên một tuyến đường chênh lệch như thế mà người dân còn chưa nắm bắt được thì làm sao biết được giá tận bên Trung Quốc?

Nhiều người nuôi tôm còn cho biết, nếu có yêu cầu hay thắc mắc nhiều về giá hay tiêu chuẩn tôm thì người mua sẽ gây sức ép bằng cách hù sẽ… không mua nữa. Nông dân đành phải chấp nhận chuyện tư thương ép giá, ép cỡ tôm bởi họ không còn cách nào khác. Tôm đã đưa lên bờ nếu thả lại thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, có thể gây thiệt hại lớn.

Làm ra sản phẩm mà không nắm được giá trên thị trường để rồi bị thua thiệt là lỗi của người dân nuôi tôm hùm ở Sông Cầu. Thế nhưng, họ đáng thương hơn đáng trách, bởi quanh năm suốt tháng bám biển, bám lồng, lo lắng cho tôm nên không cập nhật được thông tin giá cả thường xuyên. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi nghĩ, bên cạnh việc nông dân phải biết cách làm sao để khỏi bị ép giá, các tư thương mua bán trung thực hơn, còn cần phải có sự can thiệp của ngành thủy sản, quản lý thị trường...

HỔ VĨ

 


Cá trắm lên đồi

Nguồn tin: LĐ, 12/05/2006
Ngày cập nhật: 15/5/2006

Ngày già làng Đinh Văn Trua dùng chiếc màn cũ để vây bắt con cá trong ao nhà ông, hàng chục đứa trẻ của làng Gò Chè khóc thét lên vì sợ. Lần đầu tiên trong đời, chúng thấy con cá dưới ao sao mà to đến thế. Một vài người già thì nhất định không tin đó là cá. Họ cho đó là những con ma. Già Trua nói: "Tao phải ăn "ví dụ", thấy không bị ma bắt, cả làng mới dám thò đũa vô xoong mà gắp đấy".

Làng Gò Chè thuộc xã Long Sơn huyện vùng cao Minh Long tỉnh Quảng Ngãi bỗng một ngày "dậy sóng" vì những con cá trắm nhà ông Trua, con nào con nấy to như chiếc lu be bé dùng để đựng rượu cần của người Hrê. Mà đâu phải dăm bảy con, những bốn trăm con cơ đấy! Ông đã "bí mật" nuôi đàn cá trắm này gần một năm trời rồi mới cho ra mắt bà con người Hrê quê ông.

Người Hrê làng Gò Chè chẳng tin là phải. Đời họ chỉ biết có con cá niêng to bằng ngón tay cái là cùng. Mà cá thì trời nuôi dưới suối chứ ai lại nuôi cá trong ao kia chứ! Con trâu, con lợn mà người Hrê còn không làm chuồng, để nó đi chơi tự do ngoài rừng, con cá sao lại nhốt trong ao? Lại phải chăm nó như chăm con mọn? Ấy vậy mà già làng Đinh Văn Trua đã bắt họ phải tin vào cái điều không tưởng kia bằng chính ao cá nhà ông. Chuyện bắt đầu từ một cuộc hạnh ngộ đầy nước mắt với những đồng đội cũ sau 25 năm bặt tin nhau.

Bạn lính

Đinh Văn Trua năm nay 60 tuổi nhưng được dân Gò Chè bầu làm già làng vì những "thành tích" lẫy lừng cả trong quá khứ lẫn hiện tại của ông. Hiện tại là hai ao cá khó tin kia, còn quá khứ thì có đến 6 lần đạn pháo của Mỹ nó "thăm hỏi" ông. Dấu tích còn lại là một bàn chân bị biến dạng do rút gân vì một miểng pháo găm vào, hai khuỷu tay bị đạn xuyên qua tạo thành những hình thù kỳ quái, hai miểng bom khác đã sống chung trong đầu ông suốt 35 năm qua...

Là trung uý trinh sát thuộc Lữ đoàn 52, bước chân của Trua hầu như in khắp các chiến trường Quảng Ngãi, Bình Định những năm chiến tranh. Ấy thế mà mấy chục năm hoà bình, Trua chưa bao giờ bước chân ra khỏi con suối Xà Hoăn.

Một ngày hè của năm 1999, nghe tiếng chó sủa, Trua ghé qua cửa sổ nhà sàn và thấy ba vị khách vừa quen vừa lạ. Cả ba cùng mặc quân phục, vai đeo balô như lính thời chiến. Trua vỗ vào trán một hồi rồi reo lên, rung cả nhà sàn: "Thằng Đức, thằng Vinh, thằng Thái, lính trinh sát Lữ 52! Làm sao chúng mày tìm được tao trong hóc bà tó này?". Họ ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi.

Trưa đó, Trua ra suối, mò mãi trong hóc trong hang, lạnh teo cả... đái, nhưng cũng chỉ bắt được dăm con ốc, vài con cá niêng đãi bạn. Chén thù chén tạc bên nồi cơm gạo ít củ nhiều với dăm con ốc dưới khe, họ đã tua ngược thời gian của một phần tư thế kỷ trước. Những trận đánh ập về đầy trí nhớ. Loanh quanh chuyện cũ, rủ qua chuyện mới, Đức vỗ vai Trua: "Tao thấy cái suối Xà Hoăn làng mày quá tuyệt cho việc nuôi cá trắm cỏ. Mày chỉ cần đào ao, tụi tao sẽ cung cấp giống. Đổi đời liền à. Chịu không?".

Trua như người từ hành tinh lạ: "Là nghĩa làm sao? Nuôi cá trong ao? Trắm cỏ là cá gì?". Cả đám bạn cựu binh hôm ấy được bữa cười no nê. Đức rủ rê: "Xong cuộc này, mày theo tao về Mộ Đức, khắc biết". Hôm ấy, vì bận việc riêng nên Trua không theo các bạn về xuôi để tận mắt nhìn con cá trắm. Rồi cái nương cái rẫy nó hút lấy Trua. Cho đến một hôm, câu nói thằng Đức lại vọng về: "Nuôi cá trắm, đổi đời liền à...", Trua khoác balô cùng chiếc xe đạp rách, trốn vợ lên đường.

Già làng già khùng

Từ làng Gò Chè đến nhà Đức và Vinh ở Mộ Đức, Trua đạp xe đúng một ngày. Những người bạn cũ đón ông như thượng khách. Thôi thì đủ loại "sơn hào hải vị" của vùng biển được những người bạn cũ nài ép bắt Trua ăn. Thấy các món ăn được các bạn lần lượt dọn ra, Trua không quên nhắc chừng: "Cá trắm đâu rồi?". Và, chính con cá trắm chứ không phải món ăn nào khác đã chinh phục "già làng" Gò Chè.

Sau khi mục sở thị những ao cá của bạn, Trua mở sổ và bắt đầu ghi chép tỉ mẩn, từ cách đào ao đến việc cho cá ăn, cách chữa bệnh cho cá. Thấy đã tạm đủ trong việc tiếp thu "công nghệ nuôi cá", Trua trở lại Gò Chè.

Thấy ba ngày chồng đi vắng mà không "báo cáo", bà vợ đâm nghi: "Ông đi đâu mà có vẻ bí mật?". Trua xua tay: "Tôi đưa con cá lên đồi đây". Nói rồi, ông đi một vòng trong xóm, rủ 10 thanh niên to khoẻ, vác cuốc ra khoảnh ruộng đầu làng và bắt đầu đào ao. Một con chó, một con dê và 20 lít rượu đã được hiến tế cho công cuộc "đưa cá lên đồi" này.

Bà Trua giậm chân xát cẳng: "Già khùng chứ già làng gì ông! Cá gì mà bắt nó lên đồi? Ông đền con dê con chó cho tôi!". Đâu chỉ vợ Trua mới nói ông là khùng, tất cả những người lớn tuổi ở Gò Chè đều gọi ông như thế. Nhất là sau khi đào xong hai ao cá, Trua bán nốt 6 cây cột chuẩn bị cất nhà để đi mua cá giống. Bỏ ngoài tai tất cả những lời dị nghị, Trua lại về xuôi, nhờ bạn mua cá giống. Bà Trua đợi hai ngày trời mới thấy chồng về, mặt mày hớn hở. Vạch túi bóng ra xem, 6 cây cột nhà của bà đã "hoá thân" thành 600 con cá, to hơn đầu đũa. Bà xỉu!

Sau hôm thả cá vào ao là một chuỗi dài những ngày "khùng" của già làng Đinh Văn Trua. Ông cứ tha thẩn trong rừng, gặp tổ kiến nào cũng mang về, gặp tổ mối nào cũng bỏ vào bao. Hàng đêm ông vác đèn măng sông ra ao để nhử mối.

Có lẽ nguồn thực phẩm kỳ lạ này chưa hề có trong sách dạy nuôi cá trắm. Đó cũng là lý do vì sao, cá trong ao nhà Trua chóng lớn, thịt cá lại thơm ngon đến thế. Tôi gạ mãi về số tiền bán cá lứa đầu tiên được bao nhiêu nhưng ông Trua chỉ cười cười, chỉ tay về phía vợ: "Mình trả đủ 6 cây cột nhà cho bà ấy ngay trong ngày bán lứa cá đầu tiên, rồi "xin" bà ấy xoá tên "già khùng" luôn trong ngày hôm đó".

Từ làng chè đến làng cá

Gò Chè là tên làng do người Hrê đặt, dựa vào đặc sản của vùng đất này. Cây chè ở đây vốn nổi tiếng cả Quảng Ngãi. Trưởng thôn Đinh Gút nói: "Bây giờ đổi thành "làng cá" rồi!". Ông Gút chỉ tay về hướng sườn núi: "Thằng Ven mới bán lứa cá được 4 triệu. Con cá đã cứu lũ con nó đấy". Già làng Trua khai thêm: "Nhà ông Đinh Văn Trúc cũng vừa kiếm được 7 triệu từ cá, mới mua chiếc xe Trung Quốc chưa kịp "rửa" cho làng".

Ông Trúc, "thằng" Ven là hai trong số trên 40 hộ người Hrê ở đây đã mặc nhiên đổi tên làng từ Gò Chè sang "làng cá trắm". Sau cái bận ông Trua "khai sáng" cho làng bằng con cá trắm, dân Gò Chè viết hẳn một kiến nghị gửi lên huyện Minh Long xin được chuyển đổi từ cây lúa sang nuôi cá. Huyện Minh Long cũng chỉ chờ có thế là ký cái... rẹt.

"Không ký sao được, toàn bộ diện tích lúa nước ở Gò Chè này, mỗi vụ chỉ nuôi đủ một đàn gà và một đàn lợn". Ông Trua thanh minh cho cái sự khốn khó của làng khi phải làm cây lúa nước trong điều kiện cả gà lẫn lợn đều "sống chung với lúa" từ bao đời nay. Gò Chè năm nay sẽ "phủ sóng" toàn bộ nhà xây lợp ngói. Không phải tất cả từ con cá trắm mà có, song nó chính là chất xúc tác đầu tiên tạo cho người Hrê tin vào khả năng làm thay đổi đời mình bằng chính sức lao động của họ chứ không phải quanh năm chỉ biết xin Nhà nước cứu trợ.

Cũng chính mô hình "đưa cá lên đồi" đầu tiên ở vùng cao Quảng Ngãi này đã buộc các "nhà" khuyến ngư phải nhập cuộc. Dân Gò Chè hiện nay được Trung tâm Khuyến ngư hỗ trợ toàn bộ con giống.

Ông Đỗ Cho, Chủ tịch Hội Nông dân Long Sơn nói: "Cũng nhờ ông Trua, nhờ dân Gò Chè dám vượt qua những nếp nghĩ cũ để đưa con cá lên đồi mà cả xã Long Sơn hiện nay, nhà nào cũng lăm le nuôi cá. Ở thôn Gò Nai hiện đã có trên 30 gia đình người Hrê nuôi lứa cá đầu tiên. Cũng nhờ thiên nhiên ưu đãi cho họ nguồn nước suối quanh năm và nguồn thực phẩm (lá sắn) phong phú nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá trắm".

Đưa cá lên đồi không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng đối với đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi thì đó là điều không tưởng. Già Trua đã biến cái điều không tưởng kia thành sự thật.

Trần Đăng

 


Nuôi trai: có phải ai cũng lấy được ngọc?

Nguồn tin: TT, 14/05/2006
Ngày cập nhật: 15/5/2006

TT - Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải bài viết “Người tìm ra bí quyết nuôi tạo ngọc trai đen” trên số báo phát hành ngày 3-5, khá nhiều bạn đọc đã đề nghị báo nên có thêm những thông tin cảnh báo “nghề này không phải dễ dàng ăn nên làm ra như nhiều người từng nghĩ”, bởi chính họ đã từng “trắng tay” khi góp vốn nuôi trai lấy ngọc; thậm chí trong vụ làm ăn này có nhiều người còn cho rằng mình đã bị lừa...

Khoảng giữa năm 2003, dự án “Nuôi cấy ngọc trai nước ngọt Tây Ninh” (Công ty Trang trại TP.HCM là đơn vị chủ quản) được khởi động, với sự đồng ý góp vốn của một nhóm khoảng 20 người (giai đoạn đầu) trên tinh thần tự nguyện... Mỗi cổ phần được định giá là 20 triệu đồng.

Dự án hoạt động trên nguyên tắc “lời cùng hưởng, lỗ cùng chịu”. Các thành viên dự án thống nhất giao việc hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho Công ty Lâm Anh đảm trách (trực tiếp là ông Nguyễn Quốc Thịnh, giám đốc Công ty Lâm Anh, và ông Trần Doãn Thiện là cố vấn kỹ thuật).

Trong dự án này, ông Nguyễn Quốc Thịnh cũng là một cổ đông, đồng thời là phó ban dự án phụ trách kỹ thuật. Ngoài ra, còn có một nhóm người khác trực tiếp góp vốn cho ông Thịnh nuôi trai lấy ngọc tại hồ Dầu Tiếng, có người góp vốn đến 60 triệu đồng và những người còn lại mỗi người góp 16 triệu đồng.

Khoảng đầu tháng 6-2003, ông Nguyễn Quốc Thịnh - với tư cách là chuyên viên nuôi cấy ngọc trai, giám đốc Công ty Lâm Anh - đã ký kết với dự án “Nuôi trai nước ngọt Tây Ninh” một hợp đồng kinh tế.

Theo đó, phía dự án yêu cầu ông Thịnh cung cấp 5.000 con trai giống với qui cách: loại trai cánh đen (cho ra hồng ngọc); đã cấy ngọc 5-7 nhân/con và đã nuôi sống sau khi cấy một tháng; đảm bảo trai sống cho đến 24 tháng tuổi với tỉ lệ 80-90%. Phía dự án chấp nhận giá mua một con trai giống đã ngậm ngọc sau một tháng là 30.000 đồng, tương đương 150 triệu đồng.

Đồng thời ông Thịnh cam kết chất lượng sản phẩm: ngậm ngọc trung bình 2,5 viên/con. Ngoài ra, ông Thịnh cũng chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thiết kế ao nuôi, qui trình nuôi, qui trình thu hoạch và hướng dẫn tìm thị trường.

Chị K.H. - một người đã góp vốn cho ông Thịnh nuôi trai lấy ngọc - cho biết có lần ông Thịnh còn đưa cho một số người tài liệu với thuyết minh “chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng sau khoảng hai năm sẽ thu được ngọc với lợi nhuận 12 triệu đồng”. Đặc biệt, nuôi 2.000 trai màu hồng sẽ cho khoảng 4.000 viên ngọc với chất lượng ngọc từ 9mm trở lên; rồi 200 con trai cho ngọc đen sẽ cho 150 viên ngọc và hấp dẫn hơn nữa là “dự kiến sẽ thực hiện cho mỗi thành viên góp vốn một viên ngọc đen 12-13mm”.

Chị K.H. nói: “Nghe thuyết minh dự án rất hay, thu lợi nhuận cao; lại có ông Thiện và ông Thịnh đảm bảo kỹ thuật, đầu ra là vô hạn, chúng tôi vô cùng tin tưởng và háo hức tham gia góp vốn...”.

“Nhưng thực tế từ tháng 7-2003 đến nay chúng tôi chưa thu được một viên ngọc nào. Nhiều lần chúng tôi gọi điện hỏi thì ông Thịnh cứ nói quanh co, vòng vo... rồi nói rằng trai đã bị chết hết” - một người góp vốn nuôi trai chua chát cho biết. Còn hàng nghìn con trai giống do ông Thịnh cung cấp cho dự án góp cổ phần nuôi trai lấy ngọc tại Tây Ninh cũng chết nốt...

Đối thoại với ông Nguyễn Quốc Thịnh - giám đốc Công ty Lâm Anh:

* Vai trò của ông như thế nào trong dự án góp vốn nuôi trai lấy ngọc tại Tây Ninh?

- Tôi là một cổ đông trong dự án, đồng thời là phó ban quản lý dự án phụ trách kỹ thuật. Công ty Lâm Anh của tôi thực hiện việc cấy ghép hạt nhân vào con trai cho ra ngọc và sau đó bàn giao số trai này cho dự án mang về nuôi tại mặt bằng của dự án. Số lượng theo thỏa thuận là 5.000 con với chi phí thực hiện là 30.000 đồng/con. Tuy nhiên thực tế tôi chỉ giao khoảng 3.000 con trai đã cấy ghép hạt nhân.

* Những thành viên góp vốn nói ông có cam kết rằng đảm bảo trai sống cho đến 24 tháng tuổi với tỉ lệ 80-90%, mỗi con cho trung bình 2,5 viên ngọc...

- Tôi có cam kết tỉ lệ trai đã cấy ghép hạt nhân tạo ngọc có thể sống đạt tỉ lệ 85-90% và tỉ lệ ngậm ngọc là 60% (mỗi con tôi cấy bốn hạt nhân). Nhưng tôi cam kết tỉ lệ này đạt được trong điều kiện môi trường nuôi tốt như tập thể dự án đã khảo sát...

* Và hàng nghìn con trai giống đã chết, thay vì 80-90% sống như ông cam kết?

- Vào mùa mưa năm 2004, sau khi giao trai giống được khoảng chín tháng, khi kiểm tra thì phát hiện trai bị bạt vỏ và chết. Lý do đưa ra lúc bấy giờ là do lươn ăn, nước quá cạn, mưa axit, lượng cá bè nuôi tại hồ nhiều... (?) Đến khoảng cuối tháng 12-2004 phát hiện trai chết nhiều hơn và tôi có đề nghị chuyển trai sang hồ Dầu Tiếng nhưng phía dự án không làm (?).

* Nhưng những người góp vốn trực tiếp cho ông nuôi trai lấy ngọc tại hồ Dầu Tiếng cũng phản ảnh rằng đến nay chẳng có viên ngọc nào?

- Tôi có hợp tác, nhận tiền của nhóm người này để nuôi trai và nuôi cá. Mỗi người góp 16 triệu đồng để nuôi trai. Tôi cam kết sẽ hoàn lại tiền cho những người này nhưng hiện nay tôi chưa làm được...

Q.THANH

Ông Trần Doãn Thiện có thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học với tên “Xây dựng qui trình kỹ thuật và công nghệ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt xuất khẩu”. Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM tài trợ đề tài này.

Tuy nhiên, đề tài thực hiện được sáu tháng (tháng 1 đến tháng 6-1994), đã giải ngân được 20 triệu đồng thì bị dừng. Một trong những lý do là sức khỏe và trình độ khoa học của chủ nhiệm đề tài - ông Trần Doãn Thiện - chưa đủ để hoàn thành trách nhiệm. Chủ nhiệm đề tài khó có điều kiện để lăn lộn, bám sát thí nghiệm để có kết quả khoa học tốt...

Đến khoảng năm 2004, ông Trần Doãn Thiện có gửi đến Sở Khoa học và công nghệ TP đăng ký đề tài nghiên cứu (cũng liên quan đến ngọc trai nước ngọt) và đề nghị sở này hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên đề nghị này cũng đã bị bác với lý do đề tài không đáp ứng yêu cầu và mục tiêu...

 


Tôm chết vì... nuôi tôm!

Nguồn tin: TBKTSG, 11/05/2006
Ngày cập nhật: 15/5/2006

Báo cáo tình hình bốn tháng đầu năm 2006 của Bộ Thủy sản đã đề cập đến chuyện tôm nuôi bị bệnh, chết đang diễn ra khá nghiêm trọng. Thống kê sơ bộ ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đã có gần một tỉ con tôm giống bị chết và tình hình vẫn chưa kiểm soát được.

Con giống tốt, vẫn chết! “Tôm giống được công nhận chất lượng tốt, kiểm dịch không nhiễm bệnh nhưng thả nuôi vẫn chết. Nuôi tôm bây giờ so với hồi mới chuyển dịch thì khó hơn rất nhiều. Đây là điều nghịch lý bởi nông dân đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật qua nhiều năm”, ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho biết.

Những tháng đầu năm nay, Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi và lượng tôm giống thả rất lớn, với 2,4 tỉ con. Vừa rồi, đoàn khảo sát của Bộ Thủy sản đã nhận định: trung bình 5% diện tích tôm thả nuôi bị chết. Ở huyện Phú Tân, diện tích nuôi tôm bị chết là 6.699 héc ta trên tổng số 33.495 héc ta thả nuôi. Còn tại huyện Ngọc Hiển, con số thiệt hại cũng lên đến 1.125 héc ta trong tổng số 22.500 héc ta nuôi tôm...

Tại Trà Vinh, theo Sở Thủy sản tỉnh, lượng tôm chết đã lên đến 698 triệu con, chiếm hơn 50% lượng con giống thả nuôi. Ngay sau khi tình hình tôm chết bộc phát, Sở Thủy sản lập đoàn kiểm tra và phát hiện tôm chết phần lớn là tôm 20-45 ngày tuổi. Hàng loạt tôm nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, đỏ thân... rồi “lịm” dần.

Nỗi lo không kém chuyện tôm chết, theo ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu: “Đó là chuyện tôm chậm lớn do bệnh “còi”. Các đợt xét nghiệm tôm giống vừa qua cho thấy tôm nhiễm bệnh này rất nhiều”. Ông ví von, nếu như tôm chết thì người nuôi chỉ “khổ” một lần - chỉ mất tiền tôm giống, còn gặp tôm giống bị bệnh còi thì nỗi khổ dai dẳng vì kéo theo tiền thức ăn, chi phí quản lý lớn dần... mà thu hoạch chẳng là bao. “Vụ vừa rồi, một hộ nuôi lỗ 14 tỉ đồng vì tôm chậm lớn”.

Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, thừa nhận lượng tôm chết đã cao hơn hồi năm 2005. Và tình trạng tôm chậm lớn đang diễn ra ở một số địa phương khiến giá thành sản xuất cao vì vụ nuôi kéo dài hơn sáu tháng, trong khi thông thường chỉ khoảng bốn tháng là thu hoạch được. “Nuôi tôm thất bát khiến nợ ngân hàng của người nuôi đang khá lớn”, ông Hảo nói.

Ông Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng: “Tình trạng tôm bệnh, chết đang báo động”. Theo Bộ Thủy sản, nguyên nhân khiến tôm chết ở nhiều địa phương chính là chất lượng giống không đảm bảo, nông dân chưa tuân thủ thời vụ và nhiều vùng nuôi chưa được quy hoạch, đầu tư thủy lợi khiến ô nhiễm cục bộ...

Tôm hại... tôm

Trong hàng loạt lý do dẫn đến chuyện tôm chết, ông Đức cho rằng môi trường chính là lý do hàng đầu. “Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản yếu khiến việc trao đổi nước bị hạn chế và môi trường nuôi đang xấu dần”, ông khẳng định.

Theo báo cáo của Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường tỉnh Cà Mau, nếu như năm 1984 chỉ có 3.000 héc ta nuôi tôm trong rừng ngập mặn thì chỉ mười năm sau, đã có trên 76.000 héc ta. Các vùng nuôi tôm trong rừng ngập mặn tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái...

Và chỉ trong giai đoạn 2000- 2003, có 94.655 héc ta đất bị đào đắp phục vụ phong trào nuôi tôm ở Cà Mau khiến tình trạng ô nhiễm phèn tăng dần, tác động vào môi trường. Riêng bùn thải từ các vuông tôm được người nuôi vô tư thải xuống sông rạch, đến năm 2003 đã lên tới 248 triệu mét khối, khiến độ đục trên sông rạch có lúc lên tới 800-900 mi li gam/lít. Bùn thải này chứa các chất thải từ quá trình nuôi như vi khuẩn, nấm, tảo độc, amoniac, sunfua... gây hiểm họa dịch bệnh tràn lan, không kiểm soát được...

“Phải tính đến sức “chứa” của hệ sinh thái. Nếu quả tải, chuyện môi trường suy thoái, dịch bệnh tràn lan trong quá trình nuôi thủy sản là khó tránh khỏi”, ông Hảo cảnh báo. Không riêng chuyện nuôi tôm, ông Hảo còn cảnh báo trước tình hình nuôi cá da trơn đang nóng dần: “Nuôi cá cũng phải đổi nước liên tục để mỡ cá được trắng, đạt chất lượng”.

Theo ông Tạ Quang Ngọc, môi trường nuôi thủy sản hiện nay so với giai đoạn 2000-2001 đã xấu đi rất nhiều. “Cần có đề tài nghiên cứu lớn về môi trường nuôi thủy sản”, ông nói.

“Các vùng nuôi thủy sản của ĐBSCL phải được tổ chức lại, chấm dứt tình trạng tự phát, mạnh ai nấy đào đắp, mạnh ai nấy đóng bè, đăng quầng, mạnh ai nấy nuôi, lây bệnh cả tiểu vùng. Có như thế mới hạn chế được thất bại, trở về đói nghèo như trước”, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, bức xúc.

Ông Ngọc cho rằng, nếu đầu tư tốt cho hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản có thể giúp người nuôi dễ tránh rủi ro hơn, nhưng trước hết phải có quy hoạch vùng nuôi. “Nhưng quy hoạch phải theo cuộc sống, trong khi cuộc sống lại luôn biến động vượt ngoài quy hoạch”, ông Ngọc cho rằng đấy là lý do chưa thể đầu tư lớn cho thủy lợi trong khi quy hoạch vùng nuôi thủy sản cụ thể chưa hoàn chỉnh.

Hồ Hùng

 


Nuôi thành công cá hồi trên cao nguyên Langbiang

Nguồn tin: GGP, 14/05/2006
Ngày cập nhật: 14/5/2006

Thạc sĩ Nguyễn Viết Thùy (Viện Thủy sản) cho biết, đơn vị đã nuôi thử thành công con giống cá hồi trên cao nguyên LangBiang. Được nhập về từ Phần Lan và thả nuôi tại thôn K’Long - K’Lanh, xã Đạ Chais (Lạc Dương, Lâm Đồng) những chú cá bột giống cá hồi này đã sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ, nguồn nước tại đây.

Cá được thả nuôi trong môi trường bóng râm, nhiệt độ nguồn nước không quá 200C, dòng chảy liên tục bằng hệ thống mưa phun…, từ 4.000 con/kg ban đầu - chỉ sau 1 tháng thả nuôi, trọng lượng cân được là 800 con/kg, đủ tiêu chuẩn thả nuôi trong môi trường tự nhiên.

Hiện Viện Thủy sản đang đầu tư xây dựng hệ thống hồ và dẫn nước từ một trong những con thác đầu nguồn của dòng sông Đa Nhim với nhiệt độ trung bình dưới 130C để cá hồi sinh trưởng và phát triển. Được biết, cá hồi là một trong những loại thực phẩm cao cấp phải nhập từ nước ngoài và có giá khoảng 160.000đ/kg.

V.Đ.


4 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam bị tòa án Mỹ khởi tố

Nguồn tin: TN, 13/05/2006
Ngày cập nhật: 14/5/2006

 


Lấn cấn "lúa - tôm"

Nguồn tin: LĐ, 13/05/2006
Ngày cập nhật: 14/5/2006

Sau 5 năm chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm, 72 hộ dân ở ấp Phước Điền (xã Long Điền A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) lại đồng loạt đệ đơn xin được chuyển sang trồng lúa trở lại. Tình trạng lấn cấn, vướng víu giữa tôm - lúa ở ĐBSCL không còn là chuyện cá biệt; thậm chí đang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi với nhiều tình huống khác nhau.

Ở xã Nam Thái (huyện An Biên, Kiên Giang), một số hộ dân trồng lúa, làm vườn... than trời vì số hộ nuôi tôm cho nước mặn vào làm cây lúa điêu đứng!

Còn ở huyện An Minh (Kiên Giang), sau 4 năm khôi phục nghề nuôi trồng thuỷ sản, diện tích tôm - lúa tăng gấp 3 lần; trong đó nhiều vùng trước đây vốn là diện tích lúa 2 vụ/năm hoặc mô hình lúa - cá. Thất bát từ con tôm khiến nợ quá hạn vay vốn sản xuất theo mô hình tôm - lúa ở huyện này hiện đã chiếm gần 50%/tổng dư nợ của mô hình này.

Trong khi đó ở Tiền Giang, cách đây trên 3 năm, một dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản tại huyện Gò Công Đông với tổng vốn đầu tư lên đến trên 29 tỉ đồng được triển khai. Oái oăm là, tới nay - khi dự án này đang ráo riết thực hiện giai đoạn cuối - thì người dân khu vực này lại quyết định không "chia tay" với cây lúa.

Những rủi ro, thua lỗ thời gian gần đây của người nuôi tôm ở nhiều nơi khiến bà con được tạo điều kiện nuôi tôm từ dự án này không còn mặn mà với con tôm.

Nuôi tôm hay trồng lúa? Hay thực hiện mô hình tôm - lúa? Phải chăng việc quy hoạch chưa đủ luận cứ khoa học giữa 2 hệ sinh thái mặn - ngọt cùng với hiệu lực quản lý chưa cao tại nhiều nơi ở ĐBSCL đã tạo ra sự lấn cấn này (!?).

Lê Như Giang

 


Tạo dựng thương hiệu cho nghêu Bến Tre

Nguồn tin: ND, 13/05/2006
Ngày cập nhật: 14/5/2006

 


Chuyện về tôm hùm con

Nguồn tin: ND, 13/05/2006
Ngày cập nhật: 14/5/2006

Tôm hùm có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu rất cao, Ðến nay, khoa học - kỹ thuật vẫn chưa thể cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo được. Hiện một vấn đề cấp thiết được đặt ra là làm thế nào khai thác một cách hợp lý lượng tôm con bắt từ tự nhiên để cho tôm hùm con có cơ hội sống sót trở về biển cả, bổ sung cho nguồn tôm bố mẹ

Mỗi con tôm hùm nặng 1 kg hiện có giá đến gần 600 nghìn đồng. Lặn bắt tôm hùm con ví như đi tìm kim đáy bể. Vì tôm hùm con rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn hạt gạo một chút, mầu sắc lại gần với nước biển nên rất khó phát hiện. Tôm con trú trong hốc đá, chỉ nhô ra hai sợi râu nhỏ xíu. Công việc lặn bắt lại được tiến hành ở độ sâu từ 1 sải rưỡi đến 2 sải, tức khoảng 3 m.

Giới thợ lặn cho biết, cứ độ trước và sau Tết Nguyên đán, tôm bắt đầu nhập rạn. Nhập rạn là từ dùng của giới thợ lặn. Còn theo khoa học thì tôm hùm mẹ ở ngoài xa, đẻ trứng rồi ấp. Trứng dần thành ấu trùng, rồi đến hậu ấu trùng, có tên gọi là Puerulus, mầu trong suốt. Puerulus trôi theo dòng nước, đến khi lớn, sắp đổi thành mầu nâu mới bám đáy, tức là nhập rạn. Theo các nhà khoa học, từ ấu trùng, chỉ dài khoảng 6-7 mm, nặng 0,17-0,2 g, trải qua bốn giai đoạn, đến khi dài 10-16 mm và nặng khoảng 4 g, tôm con mới có được hình thù, mầu sắc y hệt như tôm bố mẹ. Trong suốt quá trình này, tôm còn rất yếu dễ làm mồi cho những sinh vật khác.

Hiện nay, trong các vịnh biển của tỉnh Khánh Hòa, ngư dân trồng những cây cọc có khoan nhiều lỗ nhỏ xuống biển để tôm hùm con vào trú trong những hốc ấy rồi cứ việc lặn xuống bắt. Trong vịnh Nha Phu, ngư dân dựng giàn cây trên biển, dòng dây cột đá san hô thả xuống đáy biển rồi hằng ngày bơi thuyền kéo san hô lên, bắt tôm hùm con trú trong đó.

Tôm hùm con bắt được bằng các phương pháp nói trên hãy còn rất nhỏ. Ngư dân phải đem ươm thêm một thời gian nữa rồi mới mang đến những lồng nuôi tôm hùm thịt.

Theo khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, tôm hùm con tập trung ở vùng triều bờ đá có nền là san hô và chất đáy hỗn hợp, có nhiều hang hốc tạo nơi ẩn náu tốt. Ở Khánh Hòa, các vùng Hòn Nưa, gành Vẹm, Hòn Thị, Hòn Lao, mũi Quan Âm, Hòn Khai, hang Ông Già... tức đoạn từ Hòn Nưa, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa đến mũi Kê Gà được đánh giá là một trong những nơi có nhiều tôm hùm con. Năm 1999, Viện Hải dương học đã tiến hành khảo sát và cho biết, mỗi năm ở đây khai thác được khoảng 35 nghìn con tôm hùm con. Nhưng đây cũng chỉ là con số tương đối, không ổn định.

Theo những người nuôi tôm hùm, do tôm con được bắt trong tự nhiên như vậy nên có kích cỡ không đều, việc nuôi nấng rất khó khăn. Thêm nữa, lượng tôm hùm con trong tự nhiên xuất hiện năm nhiều năm ít, rất khó lường. Cho nên, để nghề nuôi tôm hùm thịt có hiệu quả cao, phải giải được một bài toán rất hóc búa là nguồn giống tôm hùm.

Hiện một vấn đề cấp thiết được đặt ra là làm thế nào khai thác một cách hợp lý để cho tôm hùm con có cơ hội sống sót trở về biển cả, bổ sung cho nguồn tôm bố mẹ. Bởi hiện việc lặn bắt tôm hùm con bằng nhiều phương tiện khác nhau đã ngày càng làm ảnh hưởng lớn đến lượng tôm trong tự nhiên. Nhưng, quản lý thế nào, khai thác thế nào cho hợp lý? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ. Con người chưa thể cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo được. Có nghĩa là để phục vụ nghề nuôi tôm hùm thịt, nguồn giống vẫn cứ phải tiếp tục từ công việc đáy bể tìm kim. Rồi, điều gì sẽ xảy ra, khi mai này, do khai thác quá mức, những người thợ lặn không còn tìm thấy tôm hùm con nữa, trên vùng biển được coi là thuận lợi cho con tôm hùm trú ngụ?

Và, câu chuyện về việc cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo hiện vẫn đang là một thách thức, đối với cả các nhà khoa học.

PHONG NGUYÊN

 


Soc trăng: 170 tấn là lượng tôm sú thu hoạch từ 20 ha đem lại cho trang chủ hơn 18 tỉ đồng

Nguồn tin: TN, 13/05/2006
Ngày cập nhật: 13/5/2006

170 tấn là lượng tôm sú thu hoạch từ 20 ha diện tích hầm tôm ở trang trại của "vua tôm sú" Đinh Thiên Cần tại xã Liêu Tú, H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Đây là lứa tôm "trái vụ" nên rất được giá, đến 108.000 đ/kg, cao hơn vụ năm ngoái 40.000đ/kg, đem lại cho trang chủ hơn 18 tỉ đồng. "Vua tôm" cho biết: "không chỉ có tôi trúng vụ mà nhiều hộ nuôi tôm được tôi hướng dẫn kỹ thuật cũng trúng. Ngày 11/5, có đoàn chuyên gia Nhật ghé thăm trang trại được tôi đãi một bữa "tôm sú sạch" (không sử dụng hóa chất trong hầm nuôi), coi bộ họ khoái lắm!". H.Hạnh - C.Khả

 


Chống việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu: Làm tập trung, có trọng điểm

Nguồn tin: SGGP, 12/05/2006
Ngày cập nhật: 13/5/2006

 


Cà Mau: Tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả chuyển đổi cơ cấu ngư-nông-lâm nghiệp

Nguồn tin: BCT, 12/5/2006
Ngày cập nhật: 13/5/2006

 


Kiểm tra tạp chất trong tôm nguyên liệu tại 51 nhà máy

Nguồn tin: TTXVN, 12/05/2006
Ngày cập nhật: 12/5/2006

 


Huyện Giao Thuỷ (Nam Định): Tự túc được 70% nhu cầu về giống thuỷ sản

Nguồn tin: Nhân dân, 11/5/2006
Ngày cập nhật: 12/5/2006

Sau hơn bốn năm thực hiện chủ trương sản xuất giống thuỷ sản tại địa phương đến nay huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đã tự túc được 70% nhu cầu về giống. Vụ nuôi năm nay, toàn huyện sản xuất được 120 triệu con tôm sú giống, gần 45 vạn con cua biển, 30 triệu cá giống nước ngọt, 300 tấn ngao giống.

 


Ngành thủy sản ĐBSCL: Làm gì để phát triển bền vững?

Nguồn tin: BCT, 10/5/2006
Ngày cập nhật: 12/5/2006

Những năm gần đây, vùng nuôi thủy sản các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL khi vào vụ thì lại xuất hiện “điệp khúc” thiếu con giống, tôm, cá chết do dịch bệnh xảy ra... làm cho không ít ngư dân rơi vào nợ nần, phá sản. Làm gì để ngành thủy sản phát triển bền vững là câu hỏi đã được đặt ra cho các nhà quản lý, nhà khoa học. Tại Hội nghị giao ban 4 tháng đầu năm 2006 ngành thủy sản các tỉnh, thành khu vực ven biển Đông và Tây Nam bộ mới đây, những bất cập này là chủ đề thảo luận chính của các cuộc thảo luận mà phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận được dưới đây.

TS. NGUYỄN VĂN HẢO - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN 2 - BỘ THỦY SẢN: PHẢI ĐẦU TƯ NÂNG CẤP HỆ THỐNG THỦY LỢI PHỤC VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

- Nuôi thủy sản cần nước sạch, nhưng tôm, cá lại thải chất dơ vào môi trường nước. Đây cũng là một nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, là vấn đề nan giải, tác động xấu đến môi trường. Do vậy, tác động của nuôi trồng thủy sản đối với môi trường nước là vấn đề cần phải được quan tâm. Ở các nước phát triển như Úc chẳng hạn, họ nghiêm khắc vấn đề môi trường, nên rất hạn chế nuôi thủy sản. Nhưng đối với nước ta, một nước đang phát triển cần sản lượng, cần xuất khẩu, nên buộc phải nghĩ đến môi trường một cách nhân nhượng hơn. Nhưng nói như thế chúng ta cũng phải có chiến lược đầu tư. Nếu không, đến lúc chẳng thể khắc phục được nữa, như ở miền Trung hàng loạt đầm nuôi tôm không thể nuôi được nữa là một bài học.

Nghề thủy sản của ĐBSCL đang phát triển rộng khắp. Do đó, vấn đề nâng cấp hạ tầng hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản cần được đầu tư đồng bộ. Hệ thống này trước đây vốn để trồng lúa, nay lại dùng để nuôi trồng thủy sản, rõ ràng là bất cập. Nhưng muốn làm được cần nhiều vốn, điều này thuộc quyền điều phối của Chính phủ. Và khi hạ tầng như thế chúng ta phải nghĩ đến hệ thống canh tác sao cho hợp lý, thâm canh ở mức độ vừa phải. Nếu thâm canh quá mức sẽ vượt quá sức chứa của hệ sinh thái, buộc phải trả giá đắt. Nuôi tôm công nghiệp, chúng ta phải tính đến mật độ, sản lượng cỡ nào để bền vững, chỉ cần 5 - 6 tấn/ha mà có hiệu quả, bền vững; không nên nuôi sản lượng lên tới 20 tấn/ha, nhưng những mùa vụ sau lại thất bát, dịch bệnh là không hiệu quả.

ÔNG NGUYỄN HỮU KHÁNH, CHỦ TỊCH HỘI NGHỀ CÁ VIỆT NAM, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI THỦY SẢN AN GIANG: VAI TRÒ NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH

- Tình hình xuất khẩu cá tra, ba sa ĐBSCL vẫn lặp đi lặp lại quy luật khi giá cao, lúc giá thấp; lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu. Hiện nay giá cá tra ở mức cao, nhưng cả năm 2005 thì giá thấp, nhiều nông dân phải chấp nhận lỗ, phá sản. Thật ra, Nhà nước đã ban hành rất nhiều công văn, chỉ thị xung quanh những bất cập này, song nói cứ nói, dân làm cứ làm. Khi tìm sâu xa bản chất của vấn đề để giải quyết thì ở đâu cũng vậy: vai trò Nhà nước phải được thể hiện rõ.

Tôi thấy kêu gọi hợp tác “4 nhà” trong nuôi thủy sản, nhưng trên thực tế thì... “nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm”, và người khổ nhất vẫn là nhà nông. Tôi nghĩ, phải xác định vai trò vị trí của từng “nhà” cho rõ. ĐBSCL chỉ có 2 sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản, có thể làm giàu cho nông dân (hoa, quả không đáng kể). Hai sản phẩm này có phải kết tinh từ “4 nhà” hay không? Nhà nước cần thể hiện vai trò rõ hơn trong mối liên kết này. Theo tôi, các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước (mặc dù cũng còn nhiều khó khăn về xuất khẩu, hội nhập), trong khi nhà nông thì rất ít cơ hội để được hưởng. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa thấy được chuyện mình phải tự lo nguyên liệu cho mình. Nếu họ đứng ra lo nguyên liệu cho tốt, gắn bó với người dân tốt, thì sẽ giảm đi tình trạng thừa thiếu nguyên liệu, chất lượng không đảm bảo...

Tóm lại, vai trò Nhà nước phải thể hiện rõ trong điều tiết, tổ chức sản xuất; doanh nghiệp phải gắn kết với nhà nông thì mới giải quyết được khó khăn thừa, thiếu nguyên liệu như lâu nay.

ÔNG PHẠM NAM DƯƠNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ THỦY SẢN TỈNH TRÀ VINH: QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ PHÙ HỢP MỚI PHÁT HUY HIỆU QUẢ

- Năm nay, Trà Vinh là nơi bị tôm chết nhiều nhất ở vùng ĐBSCL. Nguyên nhân, do hạ tầng nuôi trồng thủy sản không được đầu tư, đặc biệt hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản. Người nuôi ở Trà Vinh phần lớn vốn liếng hạn hẹp, không đủ nhu cầu đầu tư, nên nhiều hộ nuôi không đúng kỹ thuật... Song có thể nói, Trà Vinh là tỉnh khá may mắn trong vùng vì đến nay đã được duyệt quy hoạch tổng thể vùng nuôi thủy sản của tỉnh. Huyện Cầu Ngang là huyện đầu tiên của tỉnh được tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vốn đầu tư cho vùng nuôi rất lớn, thực tế nhu cầu vốn để quy hoạch vùng nuôi (huyện Cầu Ngang) hàng năm khoảng 60 -70 tỉ đồng, nhưng mỗi năm chỉ phân bổ 7 - 8 tỉ đồng thì không thể nào đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả được.

Nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL hiện cũng đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Như vậy, nếu chỉ có một vài địa phương trong vùng làm quy hoạch thì cũng không thể nào hạn chế được tình trạng này. Do vậy, cần thiết phải quy hoạch tổng thể vùng nuôi cho cả ĐBSCL và nguồn vốn đầu tư hợp lý thì mới có thể tháo gỡ được khó khăn chung này.

THẠC SĨ DƯƠNG NGHĨA QUỐC, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TỈNH ĐỒNG THÁP: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐỂ DUY TRÌ, BẢO VỆ CÁC NGUỒN GIỐNG QUÝ

- Đồng Tháp là nơi sản xuất giống cá tra nhiều nhất trong vùng, cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL. Trong nuôi trồng thủy sản, con giống góp phần quan trọng cho thành công. Thời gian qua, chúng ta xã hội hóa khâu sản xuất con giống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua thực tế này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Sở NN&PTNT, các ngành của tỉnh Đồng Tháp thường xuyên kiểm tra chất lượng giống. Nhưng thực tế khó có thể kiểm soát một cách chặt chẽ. Số kiểm tra được chiếm tỷ lệ rất nhỏ và như thế người nuôi sẽ không tránh khỏi tình trạng giống bị nhiễm bệnh.

Do đó, chúng tôi kiến nghị với Bộ Thủy sản cần xây dựng chương trình giống để trước mắt cung cấp cho người nuôi, hạn chế bệnh dịch. Và mục tiêu lâu dài là duy trì được đàn giống bố mẹ cũng như bảo tồn gien của các giống quý, mới có thể sản xuất ra con giống thương phẩm tốt được. Hiện nay, Đồng Tháp xác định giống là khâu quan trọng, nhưng do điều kiện con người, kỹ thuật, vốn liếng có hạn thì phải có sự hỗ trợ của các ngành, Trung ương mới có thể làm tốt nhiệm vụ cung cấp giống cho cả vùng như hiện nay.

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN - TẠ QUANG NGỌC: NHỮNG BẤT CẬP TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN SẼ ĐƯỢC TRÌNH LÊN QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP TỚI ĐÂY

- Ngành thủy sản ĐBSCL chiếm tỷ trọng rất cao so với cả nước, tốc độ phát triển nhanh, năng lực chế biến cũng phát triển mạnh. Cái mạnh, cái nhanh đó nó là một ưu thế của ĐBSCL, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đây là điều đáng mừng, đáng phấn khởi. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của ngành thủy sản đã gây tác động xấu đến môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng chính là thách thức đối với ngành thủy sản. Vấn đề đáng quan tâm nữa là giữa quy hoạch vùng nuôi và thực tế phát triển chưa theo kịp. Do quy hoạch chưa tới nên vấn đề đầu tư cũng chưa đi đến đâu, không thể phát triển bền vững - trong đó, hệ thống thủy lợi là điều nan giải nhất. Khó khăn này là do chưa khai thác được nguồn vốn để làm thủy lợi, giữa thủy sản với nông nghiệp cũng chưa thể chia sẻ về nguồn nước để phát triển. Cái khó nữa là thị trường. Hai năm qua, thủy sản Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhưng giá nguyên liệu thủy sản luôn thay đổi thất thường, lúc cao quá, lúc thấp, lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu. Có khó khăn này là do lợi ích giữa người nuôi và người chế biến thủy sản chưa được hài hòa. Qua đây, có thể nói chúng ta không đề ra mục tiêu phát triển nhanh nữa mà nên hướng tới phát triển bền vững.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI sẽ diễn ra trong tháng 5 này, một trong những vấn đề Chính phủ sẽ trình Quốc hội là kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006 - 2010. Đối với những bất cập của ngành thủy sản, Bộ Thủy sản và Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị văn bản trình lên Quốc hội những vấn đề về quy hoạch, đầu tư thủy lợi phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nói chung một cách tích cực hơn và khả thi hơn trong giai đoạn 2006-2010. Hy vọng, qua kỳ họp này, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có những chuyển biến mới.

THIỆN KHIÊM (lược ghi)

 


An Giang: giá cá tra nguyên liệu thịt vàng tăng mạnh

Nguồn tin: AG, 11/5/2006
Ngày cập nhật: 12/5/2006

 


Cần Thơ: Thành lập ban liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu

Nguồn tin: CT, 11/5/2006
Ngày cập nhật: 12/5/2006

 


Tự phát nuôi tôm trên cát tràn lan ở Phù Mỹ: Cảnh báo về những hệ lụy khó lường

Nguồn tin: BD, 11/5/2006
Ngày cập nhật: 11/5/2006

Dự án nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển ở huyện Phù Mỹ đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên hiện nay tại đây đang xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép, thậm chí tranh giành đất đai để xây dựng hồ nuôi tôm. Việc nuôi tôm trên cát tự phát một cách tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

* Từ hiệu quả bước đầu

Năm 2002, UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực đất cát ven biển (giai đoạn 1) của huyện Phù Mỹ, trên diện tích 200 ha thuộc 2 xã Mỹ An, Mỹ Thắng để phát triển nuôi tôm. Tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện lưới, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải trong vùng quy hoạch và giao cho huyện Phù Mỹ quản lý, khai thác. Vùng ven biển ở xã Mỹ Thắng và Mỹ An có nguồn nước khá trong sạch, có thể chủ động trong việc bơm, tháo nước từ các hồ, hạn chế dịch bệnh tôm. Khu vực này không bị ảnh hưởng do lũ lụt như ở các cửa sông, do đó có thể nuôi tôm nhiều vụ trong năm. Tôm nuôi chủ yếu là giống tôm he chân trắng do Công ty Asia Hawaii cung cấp. Doanh nghiệp (DN) này cam kết cung ứng nguồn tôm giống có chất lượng, và bảo hiểm tôm giống cho người nuôi tôm. Các tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu vực này được giao quyền sử dụng đất lâu dài và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm. Đến nay đã có 6 DN và hơn 20 hộ dân ở các xã nói trên đầu tư nuôi tôm trên 150 ha diện tích mặt nước.

Môi trường nước trong sạch, nguồn tôm giống bảo đảm chất lượng, các chủ hồ tôm thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, đầu tư chăm sóc, nên tôm nuôi phát triển rất tốt, hiệu quả mang lại khá cao trong việc giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho dân cư địa phương. Con tôm giờ đây không chỉ là chuyện xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng biển mà còn là một động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của huyện Phù Mỹ trong những năm tới.

* Đến tranh giành, lấn chiếm đất nuôi tôm

Vùng đất cát ven biển ở 2 xã Mỹ An, Mỹ Thắng rộng trên 300 ha, bị chia cắt bởi tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Tam Quan (QN-TQ). Phía đông tuyến đường này là 200 ha đất cát nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm giai đoạn 1 của dự án nuôi tôm trên cát, đã được giao quyền sử dụng đất cho các DN và người dân địa phương. Còn khoảng trên 100 ha đất phía tây tuyến đường QN-TQ, dự tính sẽ cấp cho dân để nuôi tôm sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải... Nhiều hộ dân ở xã Mỹ An đã nộp đơn xin cấp đất để nuôi tôm, nhưng không được giải quyết vì chủ trương của huyện Phù Mỹ là chưa mở rộng diện tích nuôi tôm khi cơ sở hạ tầng, hệ thống xử nước thải... ở khu vực này chưa đảm bảo. Tuy nhiên, trước tình hình nuôi tôm trên cát có hiệu quả kinh tế khá, người dân ở đây không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, và đã xảy ra tình trạng tự do lấn chiếm đất để xây dựng hồ nuôi tôm, nhiều hộ đã xây xong hồ và thả tôm nuôi.

Với sự hỗ trợ của máy móc, hiện nay vùng đất cát phía tây tuyến đường QN-TQ thuộc địa phận xã Mỹ An đã bị đào xới tứ tung, đất cát vung vãi, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Nhiều diện tích dương phòng hộ đã bị triệt hạ, dành chỗ cho những hồ tôm. Ông Hồ Văn Sơn, ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, đã xây dựng xong hồ nuôi tôm rộng 3.600m2 ở khu vực này và đã thả nuôi tôm ở khu vực này, cho biết: “Tôi đã làm đơn xin xã cấp đất để đầu tư nuôi tôm, nhưng UBND xã chưa duyệt. Trong thời gian chờ đợi, thấy nhiều hộ cũng thuộc diện như tôi nhưng họ vẫn triển khai cải tạo đất, xây dựng hồ tôm, nên tôi làm theo”. Bên cạnh hồ tôm là ngôi nhà 2 gian kiên cố vừa mới xây dựng- nơi cư ngụ của cả gia đình ông. Liền kề với hồ tôm của ông Sơn là hồ tôm rộng 4.000 m2 của ông Trương Công Định, cũng ở thôn Xuân Thạnh. Ông Định cho biết: “Tôi đã mất khá nhiều công sức mới giành được vị trí này, và đã đầu tư trên 100 triệu đồng thuê máy xúc, lao động, làm mấy tháng trời mới hình thành được hồ tôm. Trên diện tích này tôi đã thả 40.000 con tôm he chân trắng, đến nay tôm đã được gần 2 tháng tuổi...”. Ông Nguyễn Trọng Yến, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: “Toàn xã có 37 hộ lấn chiếm đất, bình quân mỗi hộ lấn chiếm trên 3.000 m2 để xây dựng hồ tôm. Chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt hành chính các đối tượng trên, nhưng sau khi nộp phạt xong, họ tiếp tục tái phạm. Nhiều hộ xây dựng nhà để chứa vật liệu, rồi thuê máy xúc, máy ủi, và huy động lao động hì hục làm cả ngày lẫn đêm, bất chấp sự can thiệp của chính quyền”.

* Và những hệ lụy khó lường

Khu vực này chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nên việc xử lý nước thải gặp rất nhiều khó khăn, các chủ hồ tôm tự do khai thác nguồn nước ngầm và xả nước thải từ hồ tôm gây ảnh hưởng môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt phục vụ cho các hồ tôm trên cát đều được lấy từ các giếng khoan tại chỗ, trong khi đó trữ lượng nước ngọt tại vùng cát Phù Mỹ rất hạn chế, vì chỉ được bổ sung vào mùa mưa rồi tiêu thoát dần trong năm về phía biển Đông và về phía tây vào dải đất trũng ven đầm Trà Ổ. Vào mùa khô, các mạch rỉ từ cồn cát cũng cạn nước. Nếu phát triển diện tích nuôi tôm trên cát ồ ạt, khai thác mạch nước ngầm vượt quá khối lượng bổ sung thì nguồn nước ngầm sẽ bị cạn kiệt là điều không thể tránh khỏi. Nguy hiểm hơn, một khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt thì cư dân ở gần khu vực này sẽ không có nước để dùng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các ao nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý chất thải mà phần lớn là xả ra những chỗ đất trũng. Việc thẩm lậu các chất thải này sẽ gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Theo tài liệu khoa học, bình quân mỗi ha tôm nuôi sẽ thải ra 8 tấn chất thải/năm. Đây là chất thải bao gồm cả những loại hóa chất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu nó thẩm thấu vào nguồn nước ngầm - nguồn nước ăn chủ yếu của người dân nơi đây.

Nguồn nước ngầm- nguồn nước ăn chủ yếu của người dân nơi đây. cứ tiếp tục phát triển nuôi tôm trên cát mà thiếu sự kiểm soát và quy hoạch bài bản thì hậu quả thật khó lường.

Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ: UBND huyện đã xử lý các chủ phương tiện cơ giới tham gia xây dựng hồ tôm (mỗi đầu xe 15 triệu đồng) và lập biên bản xử phạt hành chính các đối tượng lấn chiếm đất trái phép, yêu cầu họ cam kết không tái phạm. Nhưng thực tế là rất khó ngăn chặn. Hiện nay, việc đình chỉ nuôi tôm ở khu vực này rất khó khăn vì tiền của và công sức của người dân đã đầu tư vào khu vực này là rất lớn. Nhưng nếu để tình trạng nuôi tôm theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. UBND huyện yêu cầu các chủ hồ tôm chung tiền xây dựng hệ thống đường ống, dẫn nước thải từ hồ tôm xuống 4 ao xử lý nước thải do tỉnh đầu tư xây dựng để xử lý nước thải của diện tích nuôi tôm giai đoạn 1, bắt buộc các chủ hồ tôm cam kết không thải nước thải ra môi trường xung quanh. Hộ nào không thực hiện sẽ đình chỉ ngay việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, địa phương sẽ xem xét các hộ có đủ điều kiện đầu tư thì cho họ thuê đất để tiếp tục nuôi tôm...

Phạm Tiến Sỹ


An Giang: chuyển hướng nuôi đa dạng loại cá

Nguồn tin: AG, 10/05/2006
Ngày cập nhật: 11/5/2006

Nhằm tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ, từ tập trung nuôi cá tra cá ba sa phục vụ chế biến xuất khẩu, từ đầu năm 2006 đến nay ngư dân nuôi cá trong tỉnh An Giang đã chuyển sang nuôi đa dạng các loài cá khác như lóc bông, rô phi đơn tính, điêu hồng, thác lát, rô đồng, sặc rằn... để tiêu thu thị trường nội địa và xuất khẩu qua thị trường Campuchia thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Năm 2005 do phong trào nuôi cá tra xuất khẩu phát triển mạnh, sản lượng cá nuôi vượt xa năng lực chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu, dẫn đến khủng hoảng thừa, giá cá tra nguyên liệu sụt giảm thời gian dài trong năm 2005, người nuôi trong tỉnh lổ vốn trên 200 tỷ đồng , nhiều hộ ngư dân phải nghỉ nuôi cá tra tuy nhiên trong đó có 34% hộ ( trên 16.000 người) chuyển sang nuôi các loài cá khác để tiêu thụ thị trường nội địa như điêu hồng, rô phi đơn tính, rô đồng, lóc, lóc bông, mè vinh, he, sặc rằn, trê, trê phi... Hiện nay toàn tỉnh có 3.132 lồng bè nuôi cá thì 54% nuôi cá tra, cá ba sa, 36% số lồng bè nuôi các loài cá khác. Do thị trường tiêu thụ thuận lợi nhất là cá lóc bông, mè vinh, sặc rằn thát lát tiêu thụ rất mạnh sang thị trường Campuchia thông qua các cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương và các chợ biên giới, mỗi ngày thương lái mua chở sang Campuchia từ 150 - 180 tấn cá lóc bông, rô phi, rô đồng. Hộ ngư dân thu lãi về nuôi các loại cá nầy từ 25 - 30% đồng vốn bỏ ra. Nhìn chung việc chuyển đổi giống nuôi có rất nhiều thuận lợi khâu tiêu thụ, thu lãi khá cao và ổn định đã thu hút được nhiều ngư dân hưởng ứng, riêng 4 tháng đầu năm 2006 sản lượng các loài cá nuôi khác chiếm 43% sản lượng cá nuôi trong tỉnh, cá tra, cá ba sa chỉ còn 54%, còn lại là tôm càng xanh, lươn..../.

Tố Quyên

 


Nuôi cá “sạch”, bước chuyển của thủy sản Việt Nam!

Nguồn tin: NLĐ, 10/05/2006
Ngày cập nhật: 11/5/2006

Ngày càng nhiều các nhà máy và trại chăn nuôi sử dụng sản phẩm sinh học làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản để tạo ra sản phẩm “sạch”

Công ty Agifish An Giang và Công ty Afiex An Giang là 2 doanh nghiệp (DN) đầu tiên của VN đang xây dựng mô hình nuôi thủy sản “sạch” để làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Ông Daniel F. Fegan, thành viên Hiệp hội Thủy sản thế giới, Giám đốc kỹ thuật thủy sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Alltech, cho rằng đây là “bước chuyển” quan trọng của thủy sản VN, nhất là trong thời điểm khối các nước EU vừa ban hành quy định cấm sử dụng các chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi bắt đầu từ ngày 1-1-2006.

.Phóng viên: Vì sao ông cho rằng đây là “bước chuyển” quan trọng của thủy sản VN?

- Ông Daniel F. Fegan: Không chỉ các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn như EU, Mỹ, Nhật... luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu, mà cả người tiêu dùng nội địa VN cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Tóm lại, an toàn thực phẩm là vấn đề thời sự mà người tiêu dùng toàn cầu đang rất quan tâm.

.Mô hình nuôi thủy sản “sạch” của 2 DN VN là sự kết hợp giữa nông dân, DN, nhà cung cấp thức ăn, nhà sản xuất giống và nhà cung cấp thuốc thú ý, để hình thành một quy trình nuôi có kiểm soát. Ông đánh giá cách làm này như thế nào?

- Đây là một mô hình tốt. Chăn nuôi “sạch” thực ra là cách kiểm soát làm thế nào để tránh sử dụng những hóa chất gây ra bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như Malachite Green, kháng sinh tăng trưởng, hoặc những thành phần hóa học khác, trong đó thức ăn là khâu đóng góp rất quan trọng.

Xu hướng trên thế giới hiện nay là tìm kiếm những ứng dụng tiên tiến đưa vào khẩu phần ăn cho vật nuôi như tôm, cá... Ví dụ như sản phẩm NuPro, là thức ăn rất tốt cho tôm và cá. Bởi ngoài tác dụng là nguồn cung cấp đạm cao cấp dễ tiêu hóa, nó còn có nhiều chức năng hữu dụng khác như giúp cải thiện tình trạng miễn nhiễm của vật nuôi, làm giảm hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) để giảm giá thành chăn nuôi, nhưng vật nuôi vẫn phát triển tốt. Hay kinh nghiệm của người nuôi trồng thủy sản ở các nước thường sử dụng sản phẩm Bio-Mos để tăng cường hệ thống miễn nhiễm, tăng cường sức khỏe đường ruột, để giúp vật nuôi tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến lợi nhuận tốt hơn.

. Nhưng thưa ông, ở đây đang nói đến vấn đề nuôi thủy sản “sạch” và vấn đề an toàn thức phẩm trong xuất khẩu?

- Thông thường trong quá trình chăn nuôi khi vật nuôi bị bệnh, hoặc chậm lớn, nông dân sử dụng các hóa chất hóa học để giải quyết, nên khi xuất khẩu sản phẩm thường bị phát hiện có chứa hàm lượng các chất kháng sinh cao. Nay với đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng, cách nuôi này không thể tồn tại. Điều này lý giải vì sao ngày càng nhiều các nhà máy và trại chăn nuôi ở các nước, sử dụng các sản phẩm sinh học (như NuPro, Bio-Mos... ) vào trong khẩu phần thức ăn, coi như là một khâu quan trọng trong cả quy trình nuôi thủy sản “sạch”. Bởi những sản phẩm sinh học này đều mang tính tự nhiên, thay thế được cho các kháng sinh, chất hóa học trong thức ăn chăn nuôi. Quan trọng là có thể được kiểm chứng và truy xuất được nguồn...

.Ông có quan tâm gì đến ngành thủy sản VN?

- Tôi theo dõi ngành thủy sản VN rất rõ. Ví dụ VN đang phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng “sạch” để phục vụ xuất khẩu. Nông dân VN khá giỏi trong việc nuôi cá tra. VN hiện là nơi có sản lượng cá ba sa lớn nhất thế giới và cả thế giới đều rất ấn tượng về sự phát triển nuôi cá ba sa của VN, một loại thực phẩm mà theo các nhà khoa học là có độ dinh dưỡng rất cao. Tất cả những yếu tố này là điều kiện cạnh tranh tốt cho thủy sản VN. Giờ đây, thủy sản VN đang phát triển theo hướng chất lượng và an toàn thực phẩm, theo tôi một khi các bạn làm ra được sản phẩm “sạch” thì không lo thiếu thị trường.

Gia Hy

 


Phải tiêu hủy ngay các lô tôm nguyên liệu nhiễm tạp chất

Nguồn tin: NLĐ, 11/05/2006
Ngày cập nhật: 11/5/2006

 


Cá lại chết do ô nhiễm

Nguồn tin: SGGP, 10/05/2006
Ngày cập nhật: 11/5/2006

Những ngày gần đây, cá tra, cá ba sa, cá điêu hồng, rô phi, chim trắng… ở ĐBSCL lại xảy ra hiện tượng chết trên diện rộng. Có hầm cá bị chết mỗi ngày lên đến 10.000 con! Hàng loạt hộ nuôi cá đang lo lắng trước nguy cơ trắng tay!

Cá chết tràn lan!

Chiều 9- 5, chúng tôi tìm đến xã Thới Thuận (Thốt Nốt-Cần Thơ) nơi đang xảy ra tình trạng cá chết. Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá chuyên nghiệp ở ấp Thới Bình lo lắng: “Hổng hiểu sao, mấy ngày gần đây cá tra chết tràn lan, ban đầu ít sau đó tăng lên, trị mãi không dứt!”. Hầm cá của ông Đệ thả trên 108.000 con giống khoảng 2 tuần nay, những hôm cá chết nhiều lên đến 10.000 con (!?).

Đi sâu theo sông Bồ Ót, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ nuôi cá tra đứng ngồi không yên vì nạn cá chết. Anh Bảy Nhân xót xa nói: “Thả 100.000 con giống chưa đầy một tháng, vậy mà mỗi ngày bị chết trên 1.000 con; tỷ lệ hao hụt quá cao, vụ này nguy cơ lỗ trắng”. Chỉ 2 ngày nay, hầm cá của anh Mười Một ở Thới Thuận bị chết trên 2.000 con. Đa số cá bị đỏ mang, đỏ kỳ, sưng bụng, thậm chí có con lồi mắt… và chết rất nhanh.

Từ ngày 29-4 đến nay, 12 trong tổng số 30 bè cá rô phi, chim trắng, điêu hồng trên sông Hậu của ngư dân thị trấn Thốt Nốt (Cần Thơ) cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, thiệt hại hơn 100 tấn cá các loại. Trong khi đó, tại An Giang cá tra, cá ba sa cũng xuất hiện chết ở một số nơi, thiệt hại có thể lên tới 15%-20% (thông thường mức độ hao hụt khoảng 10%) nhưng chưa xảy ra tình trạng chết hàng loạt. Nặng nhất vẫn là những hộ nuôi cá đăng quần.

Đâu là nguyên nhân?

Trước nguy cơ cá chết trên diện rộng, những ngày qua các ngành chức năng đã vào cuộc. Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá chết là do nguồn nước bị xấu. Cộng với những đám mưa đầu mùa cuốn theo rác rưởi, chất thải ra hệ thống sông rạch… làm cho nguồn nước ô nhiễm nặng thêm.

Ông Phan Văn Danh-Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) phân tích: “Nguồn nước ở các sông rạch đang cạn kiệt, nhiệt độ trong nước tăng cao, tỷ lệ bùn tăng lên tác động xấu đến sức khỏe đàn cá nuôi. Hơn nữa những cơn mưa đầu mùa mang theo nhiều chất thảy trong các khu dân cư, đồng ruộng đã làm thay đổi đột ngột môi trường nước dễ làm cho cá nhiễm bệnh, chết”.

Tại Đồng Tháp, thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: “Cá chết trong thời điểm này, phần lớn do ô nhiễm nguồn nước gây ra. Mà bài học hàng tấn cá bị thiệt hại ở huyện Cao Lãnh trước đây là ví dụ điển hình. Chúng tôi lo nhất hiện nay là khi xảy ra cá chết thì bà con giấu không khai báo, thải nước ô nhiễm, xác cá tràn lan… gây lây lan và khó khống chế kịp thời”. Giải quyết vấn đề này, Đồng Tháp quyết định nghiêm cấm những hộ nuôi thải xác cá tràn lan ra sông, sẽ bị phạt nặng. Mặt khác, yêu cầu người nuôi tuyệt đối đảm bảo môi trường, nguồn nước sạch sẽ, bởi đây là yếu tố quan trọng.

Chi cục thủy sản thành phố Cần Thơ đã cử cán bộ trực tiếp khảo sát khu vực cá chết hàng loại tại thị trấn Thốt Nốt; xác định nguyên nhân là do ảnh hưởng trực tiếp từ nước thải ô nhiễm của khu dân cư thị trấn. Để hạn chế tình trạng này, ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ khuyến cáo: Người dân nên nhanh chóng di dời các bè cá ra ngoài khu vực ô nhiễm, sang khu vực cù lao Tân Lộc. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn cá và nhanh chóng báo lên cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý, tránh thiệt hại lớn…

BÌNH ĐẠI - HUỲNH LỢI

 


Bắc Ninh - cá chết do... stress!

Nguồn tin: NNVN, 5/5/2006
Ngày cập nhật: 10/5/2006

Hai tháng nay, hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số huyện, thị của tỉnh Bắc Ninh đã làm người nuôi thuỷ sản ở đây hoang mang. Ngoài yếu tố thời tiết bất ổn, một nguyên nhân quan trọng khác chính là việc quy hoạch chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thuỷ sản tại Bắc Ninh chưa tuân thủ theo quy trình khoa học.

Cá chết vứt đầy đường

Những ngày này về thôn Trinh Phú, xã Trung Chính (Lương Tài - Bắc Ninh) hỏi chuyện con cá, không ai muốn bắt chuyện, bởi hỏi vậy là vô tình động đến nỗi đau, động đến đồng tiền bát gạo của họ. Trinh Phú tự hào về nghề nuôi cá, ấy vậy mà từ cuối tháng 2 đến nay đàn cá của họ bỗng dưng lăn đùng ra chết. Anh Phạm Trung Kết (thôn Trinh Phú) đã có gần 20 năm thâm niên trong nghề, người tự hào biết được cả nết ăn giấc ngủ của các loại cá nhưng cũng đành bó tay trước hiện tượng đau lòng này. Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá, anh Kết rầu rầu “Tài sản duy nhất của gia đình là ao cá này nhưng cá chết hết không biết lấy gì mà sống nữa đây?”. Gia đình anh Kết vừa dốc gần 70 triệu đồng để cải tạo nửa ha ruộng trũng thành ao cá. Anh Kết tính, nếu thuận buồm xuôi gió thì phải 7 năm nữa ao cá này mới giúp anh thu hồi vốn thế nhưng con cá cứ “phản chủ” như hiện nay thì không những vốn không thu hồi được mà 6 miệng ăn của gia đình anh còn lâm vào cảnh lao đao. Theo anh Kết, cả thôn Trinh Phú có trên 10 ha nuôi cá thì tất cả các ao đều có hiện tượng cá chết. Người nào xót của thì vớt cá chết bán với giá bèo bọt làm muối cho lợn, đa phần cá được vớt lên vứt đầy đường làm “thực đơn” cho lũ chó trong làng.

Chị Nguyễn Thị Ý dẫn chúng tôi ra ao vớt cá, mắt đỏ hoe “Mỗi sáng thức dậy, tôi thấy hàng chục con cá to trôi lềnh bềnh mà lòng quặn lại. Buồn lắm anh ạ!”. Cũng giống như các hộ dân ở đây, nguồn thu nhập chính của gia đình chị nhờ dựa vào đàn cá. Gần 1 ha ao ngốn của gia đình biết bao nhiêu tiền bạc cho việc nạo vét, đắp kè, cá giống. Chị xây cả một căn nhà ở kiên cố ngay cạnh ao để trông cá nhưng chị Ý bảo “Càng trông lại càng xót xa, giờ thì ao cá không còn là niềm hy vọng như “chiếc cần câu cơm” cho gia đình nữa mà thực sự nó biến thành một món nợ”.

Quy hoạch ... tự phát.

Ông Vũ Thái Ninh - Trưởng phòng Chăn nuôi - Thuỷ sản (Sở NN &PTNT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, cá chết tập trung chủ yếu ở 2 huyện Gia Bình và Lương Tài. Tuy nhiên, số lượng cá chết cụ thể là bao nhiêu thì Sở chưa nắm được vì các huyện chưa báo cáo. Cũng theo ông Ninh, nguyên nhân cá chết là do môi trường tại các vùng chăn nuôi không được tốt. Ao hồ không được vệ sinh, nước thải không được xử lý tốt chính vì thế cá bị tù túng gây stress. Hai bệnh thường gặp ở cá chết là do sốt xuất huyết và bệnh đen đầu. Tuy nhiên, ông Ninh nhấn mạnh nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc cá mắc bệnh ngày càng nhiều đó chính là việc bất cập trong khâu quy hoạch chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản. Dự án chuyển đổi này là định hướng của tỉnh Bắc Ninh từ năm 2001 được thực hiện trên phạm vi 6/8 huyện của toàn tỉnh. Theo dự định, tổng diện tích chuyển đổi là 2.700ha và tính đến nay đã thực hiện thành công gần 2.200 ha trong đó tập trung phần lớn ở huyện Lương Tài và Gia Bình. Chủ trương chuyển đổi này của tỉnh Bắc Ninh nhằm “cởi trói” cho những hộ dân có ruộng ngập úng chỉ trồng được 1vụ/ năm. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đến giai đoạn này đang bộc lộ rõ những bất cập, đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường ở các khu vực dự án xuống cấp trầm trọng và điều này được báo động qua vụ cá chết hàng loạt.

Có một bất cập là khi cá bị mắc bệnh người dân không biết cậy nhờ vào ai. Sở Nông nghiệp-PTNT thì nhân lực ít trong khi địa bàn lại rộng rất khó trong việc kiểm soát. Phòng Kinh tế huyện thì trình độ chuyên môn ứng phó với dịch bệnh còn hạn chế. Huyện Lương Tài có tới 1.200 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản nhưng lại không có 1 cán bộ thuỷ sản nào, chính vì vậy khi “cấp cứu” cho cá, huyện đành cậy nhờ vào các bác sĩ ... thú y.

Và cũng có thể khẳng định, việc quan tâm đến thuỷ sản cũng chưa được thực sự sâu sắc. Trong thời điểm người dân đang hoang mang và đau buồn vì cá chết như vậy nhưng ông Đặng Văn Trọng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Lương Tài lại khẳng định “Tình hình phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở Lương Tài rất tốt. Đến giờ vẫn chưa có hiện tượng cá chết, có chăng chỉ có vài con”. Ông Trọng cũng cho biết về chiến lược phát triển của toàn huyện đến năm 2010 là tăng diện tích nuôi trồng lên 1.500 ha với sản lượng trên 5.000 tấn. Đúng là sản lượng lớn thì quý nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, người dân lại lo lắng. Người dân cho rằng, giả sử việc nuôi trồng không xảy ra dịch bệnh và “chiến lược” phát triển của huyện thành công thì vẫn là một sự “thất bại” bởi người dân đang bí bách trong việc tìm đầu mối tiêu thụ. Với sản lượng ít như hiện nay, người dân còn bị tư thương bắt chẹt giá huống chi nói đến chuyện 5.000 tấn. Người dân cho rằng, trước khi huyện mơ đến một tương lai sáng sủa, trước mắt cần giải quyết những khó khăn hiện tại đã!

MAI XUÂN NGHIÊN

 


Bộ Thuỷ sản yêu cầu không nuôi tôm chân trắng ở một số vùng

Nguồn tin: TTXVN, 9/05/2006
Ngày cập nhật: 10/5/2006

Bộ Thủy sản vừa có công văn yêu cầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh trước mắt không được sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng.

Tôm chân trắng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào Việt Nam trong vài năm qua và đang được nuôi khảo nghiệm ở một số địa phương. Theo dõi bước đầu cho thấy, ngoài các bệnh thường gặp ở tôm sú, tôm chân trắng còn bị nhiễm một số bệnh không có ở Việt Nam như hội trứng Taura, có thể lây nhiễm sang tôm sú nuôi và các loại tôm bản địa khác.

Các chuyên gia ngành thủy sản khuyến cáo, để tránh gặp rủi ro trong nghề nuôi này, việc sản xuất giống và nhập giống tôm chân trắng cần phải được cách biệt với khu vực nuôi tôm sú. Chỉ những cơ sở có quy mô lớn, hiện đại mới được phép sản xuất giống tôm chân trắng./.

 


Vì sao các dự án nuôi tôm công nghiệp tại Thanh Hóa bị phá sản ?

Nguồn tin: Nhan Dan, 9/5/2006
Ngày cập nhật: 10/5/2006

 


Bình Định: Tỉ lệ tôm giống qua kiểm dịch chỉ đạt 40%

Nguồn tin: Bình Định, 9/5/2006
Ngày cập nhật: 10/5/2006

Phòng kiểm dịch tôm giống Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định đầy đủ phương tiện nhưng người nuôi tôm chưa chú ý đưa tôm giống vào kiểm dịch.

Từ đầu năm đến nay, các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh ta đã sản xuất được 300 triệu tôm giống post 15, nhưng chỉ có 120 triệu con qua kiểm dịch, đạt tỉ lệ 40%, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2005. Nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi tôm chưa ý thức trong việc kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi; một số chủ trại xuất tôm giống đi ngoài tỉnh đã cố tình trốn tránh kiểm dịch; giá tôm giống thấp trong khi chi phí kiểm dịch cao nên nhiều hộ nuôi tôm đã không chú trọng đến công tác này...

Được biết, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 151 trại sản xuất tôm giống, nhưng vì từ đầu năm đến nay giá tôm giống chỉ dao động từ 10-12 đồng/con, giảm 20-30 đồng/con so với cùng kỳ năm 2005, nên đã có 50% trại ngừng sản xuất vì thua lỗ.

Ngọc Thái

 


Những người "chắn" biển… nuôi cá

Nguồn tin: Binh Thuan, 9/05/2006
Ngày cập nhật: 10/5/2006

Nuôi cá mú lồng bè là chuyện đã cũ, hiện nay tại huyện đảo Phú Quý đã xuất hiện mô hình nuôi cá mú trong hồ đá chắn, mang lại cho người dân những nguồn lợi kinh tế nhất định. Một số chủ hồ giã từ "nghiệp" đi biển, chia tay với sóng gió "làm" chủ trên bờ…

Theo thống kê, đảo Phú Quý hiện có 68 cơ sở nuôi cá biển với tổng diện tích mặt nước 18.300m2. Trong đó, 60 cơ sở nuôi lồng bè, 8 cơ sở nuôi hải sản trong hồ đá chắn.

Chúng tôi đến một số hồ cá tại khu vực miếu Thầy, gặp một số chủ nhân của các hồ cá, để hiểu thêm về nghề đặc biệt này. Anh Trần Văn Hữu (Thôn Đông hải - xã Long Hải), người còn "mới" trong nghề nuôi cá mú trong hồ đá chắn, nhưng anh Hữu tỏ ra hồ hởi, cho biết: Từ nhỏ tới lớn, anh Hữu chỉ sống bằng nghề đi biển. Chính người anh ruột của anh Hữu là người đã vận dụng mô hình này thành công từ năm 1999. Đó cũng là động lực khơi nguồn cho anh bắt tay vào thực hiện dự án. Anh Hữu biết đặc điểm của vùng biển này rất thích hợp, nhưng thời điểm đó không đủ vốn nên chưa bắt tay vào thực hiện. Nhưng để "chắc ăn" anh bắt tôm, cá về nuôi thử trong hồ đá nhỏ chừng 1m2 thấy chúng phát triển được càng thôi thúc anh thực hiện ý định. Cách đây 2 năm, từ nguồn vốn của ngân hàng, anh Hữu quyết định đầu tư 300 triệu đồng để mua đất, đá, đúc tường, làm cống. Anh Hữu cho biết: "Vì mình làm sau nhiều người, nên học hỏi được một số kinh nghiệm để tiết kiệm chi phí".

Qua lời anh Hữu kể lại, năm ngoái khi xuất lượt cá mú cọp được 100 triệu, anh lãi ròng 50 triệu. Nhưng năm trước giá cá khá cao 175.000đ/kg, thời điểm này chỉ còn 130.000đ/kg. Đây là loại cá mú có giá thành thấp trong các loại cá mú. Theo giá thị trường cá mú đỏ trưởng thành tại các hồ bán ra giá 400.000đ/kg. Cá mú chuột giá 450.000đ/kg, nhưng lọai cá này rất hiếm. Ngay cá mú đỏ hiện nay cũng ít người nuôi vì phải đầu tư vốn nhiều. Thời gian để cá trưởng thành phải mất từ 12 - 14 tháng, tùy thuộc vào chất lượng con giống.

Theo các chủ hồ mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết, hầu hết họ phải nhập giống từ các trại cá giống ở Vũng Tàu, Nha Trang. Anh Hữu kể: Năm trước anh cũng phải bán cá non để có tiền trả cho Nhà nước đúng kỳ hạn vẫn có lời, nhưng nếu để nuôi thêm một thời gian nữa chắc sẽ lời hơn.

Khác với anh Hữu, anh Dương Văn Vỹ (thôn Thương Châu - xã Ngũ Phụng) là người cũng có thâm niên trong nghề nuôi cá mú trong hồ đá chắn. Từ một người lăn lộn với cuộc sống với đủ thứ nghề, nhưng rốt cuộc cũng không khá mấy trong cuộc sống. Từ năm 2000, anh Vỹ quyết định dồn sức cho việc nuôi cá. Trong bốn hồ cá hiện tại, anh đang ngày đêm chăm sóc chỉ có 2 loại: cá mú cọp và cá mú đỏ. Anh Vỹ bộc bạch: Nghề này nếu may mắn (thời tiết thuận lợi) cá phát triển đều, thì thu nhập sẽ cao hơn nghề đi biển nhiều lắm. Suốt 6 năm, không chỉ đơn thuần lo cho việc nuôi cá, mà anh Vỹ còn phải lo tu bổ hồ cá để tránh những đợt sóng lớn, mặt nước dao động mạnh cũng dễ làm ảnh hưởng đến "sức khỏe" của cá.

Nhìn bề ngòai công việc có vẻ nhàn nhã, nhưng những người nuối cá trong hồ đá chắn đang gặp không ít khó khăn: Các hộ nuôi cá ở Phú Quý đều có sự "trợ giúp" từ ngân hàng, nhưng ngân hàng chỉ xét cho vay tối đa 12 tháng. Nếu gặp phải giống cá nhỏ, người nuôi phải mất đến 15 -16 tháng. Đây cũng là trường hợp anh Vỹ đang gặp phải. Anh cho biết, hiện cá trong hồ đã 15 tháng rồi, nhưng anh vẫn chưa dám xuất. "Nhưng nếu đến kỳ trả nợ, thì sao" - tôi hỏi. "Thì mình chọn cá lớn bán trước, năm nay cá lớn chậm do ảnh hưởng của thời tiết" - anh Vỹ cho biết. Theo kinh nghiệm những người nuôi cá, thời tiết ấm áp, ít sóng gió, cá phát triển nhanh. Sóng nhiều, sóng lớn cá ăn rất kém nên chậm phát triển.

Anh Vỹ tâm sự : "Hồi đó thấy người ta làm, bắt chước làm theo chủ yếu cho vui chứ chưa thấy được hiệu quả, bây giờ đỡ nhiều rồi".

Ngoài chuyện nuôi cá, chúng tôi còn nhìn thấy ở những người nuôi cá có sự sáng tạo rất lớn trong việc xây dựng những hồ đá dưới biển. Chẳng có bản vẽ, họ tự tay thiết kế, chọn lựa đá, xi măng, thế mà những hồ cá vẫn chắc chắn nhiều năm qua.

THẾ NHÂN


An Giang: Nuôi trứng nước hái ra nhiều tiền, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm

Nguồn tin: AG, 9/5/2006
Ngày cập nhật: 9/5/2006

Nghề nuôi trứng nước vốn ít lãi nhiều, chỉ 0,5 ha đất gia đình anh Lê Phát Thanh ngụ tổ 4 ấp Vĩnh Hòa xã Vĩnh Thạnh Trung huyện Châu Phú tỉnh An Giang nuôi trứng nước mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cũng nhờ đây gia đình anh thoát nghèo.

Sinh năm 1964 anh Lê Phát Thanh, là con út trong gia đình nên vợ chồng anh được kế thừa 0,5 ha đất ruộng và phụng dưỡng cha mẹ già. Đất ở trong vùng Tứ giác Long Xuyên trồng lúa mùa nổi mỗi năm một vụ, năng suất thấp nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, rồi theo năm tháng 4 đứa con lần lượt ra đời trong căn nhà lá lụp sụp trống trước hở sau. Trước cảnh nghèo, đàn con nheo nhóc bửa đói bửa no, không cam chịu với số phận anh Thanh luôn tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Anh đi vay của người thân được 8 chỉ vàng, mua 100 con vịt đẻ về nuôi. Do thiếu hiểu biết mua phải lứa vịt già, đẻ ít và trứng nhỏ nên thua lổ nặng, lâm và cảnh nợ nần chồng chất, vợ chồng anh tiếp tục lam lũ ngoài đồng làm ruộng, bắt ốc hái rau bán kiếm thêm chút ít tiền nuôi sống gia đình từng ngày và thấm thía câu ông bà ta thường nói” muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt. Nhưng đành phải chịu…vì đã lở rồi.

Năm 1990, anh Thanh tình cờ gặp người dùng lưới dầy kéo trứng nước rồi chở về Đồng Tháp. Sẵn tính tò mò anh Thanh hỏi thăm. Được biết trứng nước cho cá bột ăn rất hiệu quả. Anh thắc mắc tại sao từ Đồng Tháp họ qua đây tìm trứng nước chi phí vận chuyển cao, thay vì mua thức ăn cho cá giá thấp sẽ tiện hơn. Thế là anh đi Đồng Tháp tìm hiểu, hỏi thăm bà con anh mới biết ở Đồng Tháp có rất nhiều sơ sở ương cá giống bán trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, trứng nước ở đây tiêu thụ rất mạnh, giá mỗi lít từ 34.000 - 36.000 đồng. Anh Thanh nghĩ với giá nầy mỗi ngày vợ chồng anh vớt trứng nước bán kiếm ít nhất cũng 500.000 đồng. Hôm sau anh về bàn với vợ và bắt tay ngay vào việc vớt trứng nước chở đi bán ở vùng ương cá giống tỉnh Đồng Tháp. Ngày đầu sau khi trừ chi phí vận chuyển vợ chồng anh con thu lợi nhuận 360.000 đồng, những ngày sau thu lợi nhuận từ 430.000 đến 450.000 đồng/ngày. Được 10 ngày khoảng thu tiền bán trứng nước cũng khắm khá. Anh Thanh tìm hiểu thấy thị trường tiêu thụ trứng nước rất lớn, cả mùa lũ lẫn mùa khô, anh bàn với vợ và bán hết bầy vịt đẻ “của nợ” ăn nhiều đẻ ít, cộng với số tiền kiếm được từ vớt trứng nước đi bán 10 ngày qua, thuê nhân công đào hết 0,5 ha đất ruộng để nuôi trứng nước. Các anh Thanh khoảng 20 ha, anh đến , góp phần giải quyết ô nhiểm môi trường và không ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa những hộ lân cận, các chủ ao hầm đồng ý ngay.

Đào ao xong , anh cho nước xin từ nguồn nước thải ra ở hộ nuôi cá xung quanh đất để nuôi trứng nước, sau 3 ngày trứng nước nở, anh dùng lưới mắc nhỏ kéo lên bán liên tục, 3 ngày thay nước trong ao một lần, khi thay nước ao nầy thì vớt trứng nước ao kia bán ( đào 3 ao liên hoàn). Cứ thế quy trình sản xuất trứng nước tiếp nối liên tục, tới nay đã hơn 15 năm, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Khi sản xuất sản lượng lớn anh đi tiếp thi mở rộng thị trường tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh bạn như Đồng Tháp, bạc Liêu. Ngoài ra anh đến vùng biển Vũng Tàu tìm những hộ ương cá bột chào hàng và nhanh chống được chấp nhận, nhiều hộ ương cá nhám ở Vũng Tàu, Bạc Liêu cũng đặt mua trứng nước của anh Thanh sản xuất.

Nhờ nghề nuôi trứng nước gia đình anh thanh chẳng những đã trả hết nợ vay còn xây cất nhà mới khang trang, tiện nghi đầy đủ, ngoài chiếc xe làm phương tiện làm ăn, đi giao trứng nước cho khách hàng mỗi ngày, anh còn mua thêm một chiếc xe máy 18 triệu đồng cho đứa con thứ hai đi làm ở xí nghiệp đông lạnh, 2 đứa con nhỏ tiếp tục đến trường. Nhiều người trong xóm thấy anh làm có hiệu quả học hỏi làm theo và thoát nghèo.

Hành trình thoát nghèo của gia đình anh Thanh cho thấy nghèo mà biết suy nghĩ tìm tòi học hỏi cách làm ăn, siêng năng chịu khó thì sẽ thoát nghèo và vươn lên khá giàu.

Tố Quyên

 


EU công nhận 18 vùng thu hoạch nhuyễn thể của Việt Nam

Nguồn tin: LĐ, 9/5/2006
Ngày cập nhật: 9/5/2006

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep), ngày 8.5 cho hay, theo danh sách mới nhất vừa được công bố, EU chính thức công nhận 18 vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của VN. Đây là cơ sở cho phép các vùng này xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vào thị trường EU.

Hai tỉnh phía bắc có vùng thu hoạch được công nhận là Nam Định và Thái Bình. Cũng theo Vasep, trong danh sách mới nhất vừa được công bố, cả nước hiện có 171 DN được phép xuất khẩu thuỷ sản vào EU.

Cẩm Văn

 


Thiếu cá basa nguyên liệu có thể trở nên gay gắt

Nguồn tin: VNECONOMY, 8/05/2006
Ngày cập nhật: 9/5/2006

 


Phú Yên: nuôi, ươm tôm hùm giống lãi cao

Nguồn tin: TT, 9/5/2006
Ngày cập nhật: 9/5/2006

Nhiều người dân vùng biển tỉnh Phú Yên đang phát triển nghề ươm tôm hùm giống. Ông Mai Văn Xuân (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu) cho biết: tôm hùm con đánh bắt ngoài tự nhiên đem về nuôi trong lồng trên biển khoảng sáu tháng có thể bán cho người nuôi tôm hùm thương phẩm.

Mỗi lồng ươm khoảng 100 con giống, trừ chi phí lãi 5 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 12 - 14 triệu đồng. Do nuôi giữa môi trường tự nhiên, điều tiết nguồn thức ăn hợp lý nên chưa thấy xuất hiện dịch bệnh. Được biết, tỉnh Phú Yên hiện có hơn 3.000 lồng ươm tôm hùm giống, tập trung ở các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Bình (huyện Sông Cầu), An Ninh (huyện Tuy An)...

THẠCH BI SƠN


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang