• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều nhà đầu tư sản xuất giống thủy sản

Nguồn tin: NLĐ, 06/04/2006
Ngày cập nhật: 7/4/2006

Ngày 6-4, ông Lưu Xuân Vĩnh, Giám đốc Sở Thủy sản Ninh Thuận, cho biết từ những chế độ ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư của địa phương này, trong quý I/2006, đã có nhiều nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất giống thủy sản NinhThuận.

Điển hình như dự án sản xuất tôm giống sạch của Công ty Xuất nhập khẩu Minh Phú (TPHCM), đầu tư 25 tỉ đồng để triển khai dự án sản xuất tôm tại xã An Hải, huyện Ninh Phước; các Công ty TNHH Khang Thạnh (Cà Mau), Công ty CP Việt Nam... đầu tư sản xuất các loại giống ốc hương và thương phẩm.

P.Nguyễn


Xây dựng vùng nuôi cá thác lác thương hiệu Hậu Giang

Nguồn tin: SGGP, 6/4/2006
Ngày cập nhật: 7/4/2006

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN& PTNT Hậu Giang cho biết: Tỉnh vừa quyết định đầu tư 5 tỉ đồng để phát triển 500 ha nuôi cá thác lác thương phẩm từ nay đến năm 2010. Vùng nuôi sẽ tập trung ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thị xã Vị Thanh. Mục tiêu là tạo ra 8.000 tấn cá thác lác thương phẩm cung ứng cho nhà máy chế biến và tiêu thụ nội giống, kỹ thuật nuôi cho các hộ dân trong vùng dự án.

Hiện nay, cá thác lác Hậu Giang đã tạo được thương hiệu. Nông dân đã nuôi trên 100ha cá thác lác thương phẩm. Năm 2005, tỉnh sản xuất khoảng 5 triệu con cá thác lác, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thị trường. Do có đặc điểm giàu đạm, xơ, béo ... cá thác lác Hậu Giang ngon hơn cá thác lác U Minh, Campuchia nên được ưa chuộng. Với giá bán 60.000đ - 70.000đ/kg, cá thác lác thương phẩm đang là mặt hàng được các nhà hàng ở miền Tây ưa chuộng.

C.H.P

 


84 công ty VN bị xem xét lại mức thuế tôm xuất vào Hoa Kỳ

Nguồn tin: TTXVN, 06/04/2006
Ngày cập nhật: 7/4/2006

 


Kiểm tra tôm giống trước khi nhập

Nguồn tin: VNECONOMY, 04/04/2006
Ngày cập nhật: 7/4/2006

Chọn giống tốt đã qua kiểm dịch là cách tốt nhất để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh có khả năng xuất hiện và gây thiệt hại cho người sản xuất trong mùa vụ nuôi tôm sú. Đó là lời khuyên của các nhà chuyên môn trong lãnh vực nuôi trồng thủy sản. Nhưng làm thế nào ngăn chặn ngay từ đầu mầm bệnh phát sinh nhất là đối với những lô giống nhập từ các tỉnh miền Trung về?

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó GĐ Trung tâm khuyến ngư Kiên Giang khẳng định: “Kết thúc vụ nuôi tôm sú 2005, Kiên Giang không xuất hiện những vụ dịch bệnh lớn, song ở một số nơi thuộc các huyện vùng bán đảo Cà Mau và huyện Kiên Lương, tình trạng tôm bị dịch bệnh vẫn xảy ra cục bộ”.

Tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện bệnh

Theo khảo sát của ngành thủy sản Kiên Giang, vụ tôm năm vừa qua bệnh dịch xuất hiện nhiều nhất vẫn là do dòng vi-rút gây ra như bệnh còi, bệnh đốm trắng. Riêng một số vùng như Vĩnh Thuận, huyện Hòn Đất chủ yếu tôm bị bệnh đen mang, đầu vàng và rụng râu. Nguyên nhân xuất hiện những loại dịch bệnh trên, một phần là do khâu cải tạo ao nuôi chưa tốt, tình trạng ô nhiễm môi trường trong ao nuôi, kết hợp với sự biến đổi của thời tiết không được xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân và phần nhiều người nuôi tôm đều biết, đó là do nguồn con giống không đảm bảo chất lượng kém, đã bị nhiễm mầm bệnh. Song việc này lại ít có ai thực hiện đúng các yêu cầu, kỹ thuật để kiểm soát nguồn giống trước khi thả nuôi. Chỉ đến khi bệnh phát hiện làm cho tôm chết hàng loạt trong ao nuôi, lúc đó mới xử lý bằng cách dùng hoá chất thì đã muộn.

Ông Nguyễn Đình Phi, Phó phòng kiểm dịch Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đối với tôm giống, con giống tốt trước tiên là con giống đó phải qua kiểm dịch và được cấp giấy kiểm dịch của các cơ quan chức năng như là chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tỉnh.Về cách chọn giống thì bà con mình cần chọn giống đạt tiêu chuẩn để nuôi, tức là chiều dài phải đạt từ 12 đến 15 milimét, đuôi tôm xoè đều”.

Để đảm bảo mùa vụ nuôi tôm đạt kết quả tốt, ngay từ đầu mùa vụ đối với ngư dân, ngoài phải tuân thủ đúng qui trình cải tạo ao nuôi tôm, xử lý những vấn đề có liên quan đến môi trường nước, một việc làm không thể không tuân thủ nghiêm ngặt đó là phải chọn lựa nguồn giống tốt, không bị nhiễm các loại vi-rút gây bệnh, bởi yếu tố con giống chiếm đến 50% thành công hay thất bại cho mỗi vụ nuôi tôm.

Có nhiều phương pháp chọn con giống, thứ nhất bà con chọn con giống bằng phương pháp cảm quan. Phương pháp này khá đơn giản, bà con chỉ cần quan sát kỹ con giống, nhận biết những thông số sau, tôm khoẻ là tôm giống luôn bơi ngược lại với dòng nước, đuôi tôm xoè đều, mình tôm bóng và nổi rõ đường thức ăn trên lưng, khi tạo tiếng động tôm có phản ứng nhanh. Các nhà chuyên môn khuyến cáo kiểm tra tôm giống bằng phương pháp cảm quan, nếu đạt các yếu tố trên bà con cũng có thể yên tâm, loại trừ khả năng tôm bị một số loại dịch bệnh thông thường.

Phát hiện và ngăn chặn tôm giống nhập lậu

Ông Nguyễn Đình Phi cho biết thêm: “Tôm giống có 3 mức độ nhiễm, mức độ nhẹ những ao nuôi công nghiệp chúng ta có thể sử dụng. Nhưng đối với các ao nuôi quảng canh thì tuyệt đối không nên sử dụng nguồn giống này để thả nuôi. Còn riêng đối với bệnh đốm trắng, khi xuất hiện bệnh này thì đây là bệnh rất là nguy hiểm sẽ gây thiệt hại rất là lớn. Đến thời điểm hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị thì do đó đối với trường hợp này nếu phát hiện những đốm trắng thì phải thông báo lại cho cơ quan chức năng, tốt nhất là nên tiêu hủy”.

Cũng như mọi năm, để đảm bảo có đủ nguồn tôm giống cung cấp cho người nuôi tôm ở tỉnh Kiên Giang, các điểm kinh doanh tôm sú thường phải nhập nguồn giống từ tỉnh ngoài về. Sau đó ươm tôm từ thời gian từ 1 đến 2 tuần để tôm thích nghi với điều kiện môi trường trước khi bán cho người nuôi. Trong những ngày nay, có dịp lưu thông trên các tuyến quốc lộ 80, quốc lộ 63 đi các huyện vùng bán đảo Cà Mau và tứ giác Long Xuyên, hàng ngày có rất nhiều xe mang biển số các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Nha Trang lưu thông. Đó là những xe chở tôm giống từ các tỉnh ngoài về ươm và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, An Giang, với số lượng lên đến hàng chục triệu con tôm giống mỗi ngày.

Nhằm tăng cường kiểm tra lượng tôm giống nhập tỉnh Kiên Giang, từ cuối tháng 2/ 2006 đến nay, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang phối hợp với các phòng nông lâm ngư nghiệp và lực lượng chức năng ở các huyện trọng điểm đã tiến hành kiểm tra kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngay tại gốc lượng tôm giống nhập lậu. Tôm giống nhập về nhưng không đảm bảo các thủ tục theo qui định, đồng thời tiến hành thu mẫu để kiểm dịch lại kể cả với những lô giống đã có giấy kiểm dịch của các cơ sở sản xuất. Trên cơ sở đó loại trừ ngay số tôm giống có dấu hiệu bị nhiễm bệnh đốm trắng hoặc bệnh còi.

Việc làm này, đã phần nào hạn chế được tình trạng tôm kém chất lượng song hoàn toàn không thể đảm bảo được 100% số giống nhập tỉnh không bị nhiễm dịch bệnh. Do đó bà con nuôi tôm cần phải thực thi nghiêm ngặt qui định kiểm dịch con giống trước khi mua về thả nuôi.

Phòng kiểm dịch thuộc Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: “Kết quả 100 mẫu tôm giống qua kiểm dịch, số lượng tôm bị nhiễm bệnh còi chiếm đến 40% lượng tôm sú giống nhập về, chưa phát hiện tôm giống bị nhiễm bệnh đốm trắng”.

Nói như vậy không nghĩa là người nuôi tôm sẽ có thể yên tâm trong mùa vụ năm nay. Bởi số lượng được kiểm tra nêu trên cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với lượng tôm giống hàng tỷ con được nhập về từ các tỉnh miền Trung. Do đó cẩn trọng trước khi mua tôm giống để thả nuôi cũng là đều bà con cần phải lưu ý.

Để tránh những thiệt hại về kinh tế sau này, bà con nên lựa chọn những thương hiệu tôm giống có chất lượng hoặc tôm giống đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng trong tỉnh Kiên Giang. Không nên mua tôm giống trôi nổi, tôm có dấu hiệu nhiễm dịch bệnh, phải thực hiện triệt để việc kiểm dịch tôm giống bằng phương pháp khoa học, để loại trừ những lô giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cung Diễm


Nỗ lực hơn để có thủy sản "sạch"

Nguồn tin: VNECONOMY, 05/04/2006
Ngày cập nhật: 7/4/2006

 


Giá cá tra nguyên liệu giữ mức cao

Nguồn tin: WAG, 6/4/2006
Ngày cập nhật: 6/4/2006

 


Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu xem xét lại mức thuế tôm

Nguồn tin: VietNamNet, 04/04/2006
Ngày cập nhật: 6/4/2006

 


21 loại thủy sản bị cấm khai thác vô thời hạn

Nguồn tin: VietNamNet, 05/04/2006
Ngày cập nhật: 6/4/2006

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Thủy sản vừa đưa ra danh sách 21 loài thủy sản bị cấm khai thác và các đối tượng, khu vực bị cấm khai thác có thời hạn trong năm. Việc làm này nhằm bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm và các đối tượng khác mà trữ lượng bị suy giảm nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Bộ Thủy sản cũng đưa ra giá trị cho phép nồng độ các chất độc hại trong các vùng nuôi thủy sản nhằm đảm bảo có nguyên liệu sạch.

Theo Thông tư số 02 hướng dẫn thực hiện Nghị định 59 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, do Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc ký ban hành ngày 20/3/2006, 21 loại thủy sản bị cấm khai thác gồm: trai ngọc, cá cháy, cá chình mun, cá còm, cá anh vũ, cá tra dầu, cá cóc Tam Đảo, cá sấu hoa cà, cá sấu xiêm, cá heo, cá voi, cá ông sư, cá nàng tiên, cá hô, cá chìa vôi sông, vích và trứng, rùa da và trứng, đồi mồi dứa và trứng, đồi mồi và trứng, bộ san hô cứng, bộ san hô sừng, và bộ san hô đen.

Khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm:

- Hòn Mỹ - Hòn Miều (Quảng Ninh): Từ 15/4 đến 31/7 hàng năm

- Quần đảo Cô Tô (Quảng Ninh): 15/2-15/6

- Cát Bà - Ba Lạt (Hải Phòng): 15/4-31/7

- Hòn Nẹ - Lạch Ghép (Thanh Hóa): 15/4-31/7

- Ven bờ vịnh Diễn Châu (Nghệ An): 1/3-30/4

- Ven bờ biển Bạc Liêu (Bạc Liêu): 1/4-30/6

- Ven bờ biển Cà Mau (Cà Mau): 1/4-30/6

- Ven bờ biển Kiên Giang (Kiên Giang): 1/4-30/6.

Kèm theo đó là danh sách 12 loại tôm, cá biển; 7 loại nhuyễn thể; 8 loại tôm, cá nước ngọt bị cấm khai thác có thời hạn trong năm.

Bộ Thủy sản cũng quy định kích thước tối thiểu của các loài thủy sản kinh tế sống trong các vùng nước tự nhiên được phép khai thác. Trong đó, tỷ lệ cho phép các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không được chiếm quá 15% sản lượng thủy sản khai thác (lấy tối thiểu 3 mẫu ngẫu nhiên để tính tỷ lệ bình quân).

Ngoài ra, thông tư này đưa ra bảng giá trị giới hạn cho phép về nồng độ ô nhiễm trong nước biển vùng nuôi thủy sản ven bờ và nồng độ các chất ô nhiễm trong vùng nước ngọt nuôi thủy sản. Theo đó, đối với các chất thải đặc biệt nguy hại, nồng độ phải dưới một phần nghìn như Asen, Cadimi, Phenol...

Bộ trưởng Bộ Thủy sản cũng ban hành quy định cấm phát triển các nghề kết hợp với ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng; các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển; tàu lắp máy có công suất dưới 90 sức ngựa làm nghề lưới kéo cá và tàu lắp máy dưới 30 sức ngựa làm các nghề khác.

Thông tư có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Hà Yên

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Cây lúa, con cá trong chiến lược phát triển bền vững

Nguồn tin: QĐND, 05/04/2006
Ngày cập nhật: 6/4/2006

Tháng 4 ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa Đông-Xuân, cá ba sa, cá tra vào mùa thu hoạch rộ. Giá cả của lúa và cá nguyên liệu đang là vấn đề “thời sự” nhất. Nhưng nghịch lý sản xuất-tiêu thụ vẫn là một gánh nặng trên vai nông dân và doanh nghiệp chế biến.

Người khóc dưới ruộng, kẻ cười bên ao…

Sản lượng lúa Đông-Xuân năm nay của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến đạt 9 triệu tấn, cao nhất trong các mùa vụ của năm, năng suất trung bình đạt 7 tạ/ha. Giá lúa Đông-Xuân giảm nhanh so với đầu vụ thu hoạch, mức giảm trung bình từ 500 đến 700 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 1.900 - 2.200 đồng/kg. Với giá lúa thấp như thế, theo tính toán của người dân, trừ chi phí sản xuất như đầu tư phân bón, thuê nhân công, mỗi công lúa (1000m2) chỉ thu lãi khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Trong tháng 4 này, 500.000 ha lúa đông xuân sẽ thu hoạch xong. Nhưng, nảy sinh về giá hiện nay vẫn khiến cho nhiều nông dân lao đao vì giá lúa đang bị thương lái ép xuống quá thấp, không đủ chi phí cho sản xuất.

Lúa được mùa nhưng mất giá, bà con nông dân chịu thiệt. Nhưng ngược lại, những người chăn nuôi cá ba sa lại thu hoạch thắng lợi. Hiện nay, giá cá tra, cá ba sa nguyên liệu đang được bán với giá từ 13.000 đến 13.800đồng/kg, trung bình mỗi ki-lô-gam cá thương phẩm, bà con được lời từ 2.000 đến 3.000 đồng. Số hộ nuôi cá ít hơn so với năm trước nên sản lượng ít. Người chăn nuôi bán cá nguyên liệu ngay tại ao, bè cho thương lái, khiến cho nhiều nhà máy chế biến cá rơi vào khủng hoảng nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thuận An (An Giang) cho biết: “Mua cá nguyên liệu lúc này hết sức khó khăn. Giá cá cao khiến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lao đao, hơn nữa nguồn cá nguyên liệu lại khan hiếm, không có cá để thu mua". Riêng ở An giang, hiện nay 10 nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa hoạt động cầm chừng hoặc cho công nhân nghỉ việc do thiếu nguyên liệu.

Lợi trước mắt, hại... lâu dài

Bộ Thương Mại đã khuyến cáo nông dân đừng vội bán lúa khi giá lúa giảm ở mức thấp, nhưng vì sao nông dân vẫn bán lúa ngay sau thu hoạch? Tại sao không xây dựng kho bảo quản, tại sao cứ mùa thu hoạch rộ bà con phải bán lúa ngay?

Trong kỳ thu hoạch rộ lúa Đông-Xuân, chúng tôi đã đến nhiều vùng, nhiều cánh đồng của các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang để tìm hiểu. Hiện nay, nông dân sản xuất lúa vẫn đang ở trong vòng quay sản xuất vốn là tiền lệ từ trước đến nay: Đầu mùa vụ, các loại chi phí sản xuất như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công, phương tiện máy móc… đều mua chịu của các chủ cửa hàng và hẹn đến ngày thu hoạch trả bằng lúa hoặc tiền mặt. Kiểu “gán nợ” trên ruộng đồng này đã diễn ra từ lâu. Ngay sau khi thu hoạch, trước sức ép của các chủ nợ, nông dân phải bán lúa ngay mặc dù bị thương lái lợi dụng ép giá. Hơn nữa, ở những vùng sâu, vùng xa, việc thu mua lúa thương phẩm đều dựa vào thương lái. Nếu nông dân tự đưa lúa ra các trung tâm hay doanh nghiệp chế biến để bán thì chi phí vận chuyển rất cao. Việc nông dân tích trữ lúa cũng khó khả năng thực hiện được vì không có hệ thống bảo quản, nhà cửa còn tạm bợ, mưa nắng thất thường. Việc bán lúa ngay sau khi thu hoạch dẫn đến nguồn cung quá lớn, doanh nghiệp không đáp ứng vốn để mua gạo tích trữ, hoạt động đầu ra của lúa chỉ dựa vào thương lái. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng-nơi có 100% diện tích nông nghiệp gieo trồng lúa-cho biết: Thương lái ép giá là chuyện bình thường từ nhiều năm nay. Nông dân cũng không thể giữ lúa chờ giá cao mới bán, vì họ cần phải bán gấp để trả nợ cho các "chủ nợ". Hai năm gần đây, giá nhân công thu hoạch lúa đã tăng gấp 2-3 lần so với trước; dịch rầy nâu đầu năm nay cũng gây tốn kém rất lớn trong chi phí thuốc diệt rầy, đẩy chi phí sản xuất cao hơn.

Thực trạng cá ba sa, cá tra được giá và khan hiếm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, dẫn đến tình trạng người dân đua nhau đào ao nuôi cá tự phát trở lại, vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, dự báo khủng hoảng thừa, rớt giá, trong mùa vụ năm sau. Giá con giống tăng lên từ 400 đến 700 đồng/con so với vài tháng trước. Hàng loạt cơ sở sản xuất cá giống ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang)… không đủ cung, nhiều nơi giống kém chất lượng vẫn có người mua.

Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho chúng tôi biết: “Sở NN-PTNT đã khuyến cáo người dân không nên thả nuôi quá nhiều vào lúc này, sẽ dẫn đến tình trạng thừa nguyên liệu và người nuôi sẽ chịu nhiều thiệt hại. Dù vậy, nhiều hộ vẫn làm vì thấy lợi trước mắt. Chủ trương của Đồng Tháp trong năm 2006 là ổn định khoảng 120.000-130.000 tấn cá nguyên liệu, cố gắng nuôi 80% cá sạch chất lượng cao".

Cần xây “nền” cho chiến lược

Thực trạng lúa đông xuân và cá ba sa, cá tra hiện nay đang chỉ ra “lỗ hổng” và chuệch choạc trong sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Đặc biệt là “nhà nông”, được xem là “gốc”, là “nền” để phát triển sản xuất bền vững chưa được quan tâm thỏa đáng. Nông dân, người chăn nuôi là những người sản xuất trực tiếp, bỏ vốn đầu tư và theo sát quá trình sản xuất, quyết định đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp và năng suất. Nhưng nhà nông đang rất "yếu" về lực, chịu thiệt rất nhiều. Do đó, cần phải có biện pháp hỗ trợ nhà nông trong chi phí sản xuất, định hướng và hướng dẫn kỹ thuật. Mạng lưới thu mua lúa trực tiếp giữa các doanh nghiệp cần được triển khai rộng khắp và có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu. Bài toán vốn cho doanh nghiệp mua lúa, theo chúng tôi cần lập một nguồn quĩ vốn cho hoạt động xuất khẩu gạo và có cơ chế, thủ tục khơi thông nguồn vốn kịp thời, tạo sự ổn định cho giá cả, khống chế sự ép giá của tư thương; bảo đảm cho nông dân tái sản xuất sau thu hoạch.

Một nghịch lý lâu nay là công ty chế biến cá tra, ba sa vẫn “làm ngơ” trước giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu cá tra, ba sa, bao tiêu sản phẩm cố định cho nông dân. Vì sao? Một cán bộ của một công ty chế biến, XNK thủy sản thừa nhận với chúng tôi: Việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho riêng công ty là “bước đi” mạo hiểm và phiêu lưu. Vì hiện nay thị trường xuất khẩu cá tra, cá ba sa vẫn còn trong tình trạng thiếu ổn định. Hoạt động xuất khẩu ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu xây dựng vùng nguyên liệu, nguồn vốn dự trữ, lưu động để bảo đảm sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân rất lớn, doanh nghiệp không thể kham nổi.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Cá sạch, cá sinh thái được tập trung nuôi. Theo đó, các doanh nghiệp cần lập hội nuôi cá sạch có bao tiêu đầu ra. Phải khống chế bằng biện pháp kinh tế, liên kết chặt giữa người nuôi và doanh nghiệp mới ổn định được nghề cá”.

Tại hội thảo về giải pháp đồng bộ phát triển bền vững thị trường cá tra, ba sa ở ĐBSCL do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức ngày 28-3-2006, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến giải pháp: Các nhà máy chế biến cá xuất khẩu cần đầu tư thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân thì cả người nuôi và doanh nghiệp mới có thể cùng phát triển. Tình trạng mạnh ai nấy làm, khi cá tăng giá thì nhà máy chạy vạy đi tìm nguyên liệu, còn khi rớt giá, thương lái và nhà máy “làm khó” không mua cá, khiến nông dân lao đao.

Bằng nhiều biện pháp tạo “nền”, chiến lược phát triển, sản xuất nông sản ở ĐBSCL mới có thể phát triển bền vững: Làm giàu cho ĐBSCL, trước hết phải làm giàu cho nông dân.

Đặng Trung Kiên


Tôm hùm giống xuất hiện nhiều ở bán đảo Sơn Trà

Nguồn tin: TTXVN, 05/04/2006
Ngày cập nhật: 6/4/2006

Hà Nội (TTXVN) - Hơn 1 tuần qua, tại vùng biển thuộc khu vực bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã xuất hiện rất nhiều tôm hùm giống. Mỗi ngày có hàng trăm người dân trong khu vực đến đây đánh bắt.

Mặc dù chỉ dùng những phương tiện đánh bắt thô sơ như mành, lưới nhưng bình quân mỗi người cũng bắt được khoảng 60-70 con mỗi ngày. Với giá bán từ 80.000 đến 100.000 đồng/con tôm hùm giống như hiện nay, ước tính mỗi người có thể thu nhập đến vài triệu đồng mỗi ngày./.

 


ĐBSCL: số bè nuôi cá tra, cá ba sa giảm mạnh

Nguồn tin: SGTT, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 5/4/2006

Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Trường đại học Cần Thơ, hiện ĐBSCL chỉ còn 1.391 bè nuôi cá tra, cá ba sa, giảm 1.262 chiếc so với năm 2002 (47,5%).

Số bè cá hiện tập trung nhiều nhất tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, trong đó An Giang có số lượng cao nhất với 902 bè. Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm sút này là do chi phí nuôi cá thành phẩm là 10.700 đồng đến 11.500 đồng/kg cá, cao hơn cá nuôi hầm từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá nguyên liệu bán cho các nhà máy chỉ từ 12.000 đồng đến 13.000 đồng/kg cá tra, từ 14.000 đồng đến 16.000 đồng/kg cá ba sa; giá xuất khẩu cá phi lê năm 2002 gần 4 USD/kg, nay chỉ còn từ 2,2 USD đến 2,5 USD/kg khiến các nhà máy mua nguyên liệu cũng đề ra tiêu chuẩn khắt khe hơn, giá cá không đạt chuẩn bán thấp hơn các mức giá vừa nêu. Như vậy, cộng thêm các chi phí khác như thuế, tiền lãi vốn vay thì người nuôi cá thu lãi không nhiều. Ngoài ra, việc cá tra, cá ba sa nuôi bè dễ bị dịch bệnh, mức độ rủi ro cũng cao hơn nuôi hầm, người nuôi dễ bị lỗ, thậm chí phá sản nên chuyển dần sang nuôi cá hầm, nuôi đăng quầng, nuôi bãi bồi vì lợi nhuận cao hơn, cá hầu như không bị dịch bệnh.

Nhờ đó, hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL có gần 3.550 ha mặt nước nuôi cá tra, cá ba sa theo phương thức đăng quầng, nuôi bãi bồi, nuôi cá hầm (năm 2002 chỉ có 2.700 ha). Theo dự báo của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, diện tích này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới vì đầu ra của sản phẩm vẫn tăng đều mỗi năm.

Theo TTXVN

 


Giá cá tra đứng ở mức cao

Nguồn tin: BCT, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 5/4/2006

 


Nhơn Hải - Bình Định: Dịch bệnh tôm hùm giống tăng cao

Nguồn tin: BĐ, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 5/4/2006

(BĐ) - Theo ông Phạm Minh Thoại - Phó chủ tịch Hội Ngư dân xã Nhơn Hải, tình hình dịch bệnh tôm hùm giống ở Nhơn Hải tăng cao đột biến, số tôm giống hao hụt trung bình từ 20 - 30%, cá biệt có một số bè tỷ lệ hao hụt trên 50%, khiến nhiều hộ nuôi tôm hùm thua lỗ nặng.

Được biết, xã Nhơn Hải có 286 hộ nuôi tôm hùm giống, gồm 126 bè nuôi với tổng số vốn đầu tư gần 40 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, ngư dân trong xã đã thả nuôi lượng tôm hùm giống có tổng trị giá trên 28 tỉ đồng.

H. Yến

 


Tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan

Nguồn tin: PY, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 5/4/2006

 


Đi “chợ” Vinafish 2006

Nguồn tin: AG, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 5/4/2006

 


Xây dự án hỗ trợ xuất khẩu thuỷ sản vào Đức và EU

Nguồn tin: TTXVN, 04/04/2006
Ngày cập nhật: 4/4/2006

 


Nuôi hàu thương phẩm: Tiềm năng lớn, giá trị cao

Nguồn tin: BKH, 4/04/2006
Ngày cập nhật: 4/4/2006

“Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ phát triển nguồn lợi hàu phục vụ cho việc phát triển đa dạng sinh học, cho môi trường và tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định” là đề tài cấp Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, được thực hiện trong 2 năm (2003 - 2005) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang làm chủ nhiệm với sự cộng tác của 25 cán bộ khoa học của Viện Hải dương học, Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học thể dục thể thao, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương và một số người dân thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nhóm nghiên cứu đã nuôi hàu thực nghiệm tại đầm Nha Phu.

Qua 11 đợt khảo sát với khoảng 600 mẫu thu được kết hợp với bộ mẫu lịch sử của bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang, nhóm nghiên cứu phân loại được 7 loài thuộc 4 giống hàu hiện có ở các vùng đã nghiên cứu ven biển Việt Nam. Công trình tập trung nghiên cứu quy trình công nghệ phát triển loài hàu Crassostrea lugubris (dân gian vẫn gọi là hàu sữa). Kỹ sư Cao Văn Nguyện, cán bộ Trạm thực nghiệm của Viện Hải dương học, thư ký đề tài cho biết: “Đây là loài hàu đại diện cho khu vực miền Trung, phân bố dọc Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa. Hàu Crassostrea lugubris thương phẩm nuôi từ 8 tháng đến 1 năm có kích thước vỏ hàu khoảng 8 - 10cm, nặng từ 50 - 56g/con”.

Hàu có tiềm năng nuôi rất lớn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người dân vẫn nuôi dựa theo kinh nghiệm và mang tính tự phát. Chính vì thế, một số người đã thất bại do xác định không đúng thời điểm lấy giống trong tự nhiên. Công trình nghiên cứu này đã xây dựng được quy trình công nghệ nuôi hàu từ việc xác định thời điểm thả vật bám lấy giống ngoài tự nhiên thích hợp nhất, khâu then chốt quyết định sự thành công hay thất bại của người nuôi, đến lựa chọn vật bám, phương pháp thả vật bám để lấy giống; kỹ thuật nuôi hàu thương phẩm theo 3 hình thức đóng cọc, lồng treo và nuôi đáy; công đoạn thu hoạch và xử lý nâng cao an toàn chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Các nhà khoa học cũng đã xây dựng thành công quy trình chế biến bột hàu Crassostrea lugubris ở quy mô phòng thí nghiệm bằng kỹ thuật enzim thủy phân. Theo quy trình thủy phân này, cứ 8kg thịt hàu tươi đông lạnh, thu được 0,55kg chế phẩm bột hàu thủy phân. Chi phí đầu tư nuôi hàu không cao do giống có thể lấy hoàn toàn trong tự nhiên, thức ăn sẵn có trong tự nhiên, kỹ thuật nuôi cũng khá đơn giản; hàu là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon, sản phẩm từ hàu được đóng gói, phơi khô, làm mắm… dễ tiêu thụ, đã mở ra hướng khai thác, phát triển nguồn lợi này cho cộng đồng.

Hàu được coi là loại thực phẩm - thuốc bởi thịt hàu ngon, bổ dưỡng, có tính biệt dược cường tráng, có tính phòng và chữa một số bệnh. Bằng nhiều phương pháp, các nhà khoa học thực hiện đề tài đã khẳng định: Thịt hàu nuôi ở đầm Nha Phu có đầy đủ các axit amin không thay thế, trong đó, 5 loại cần cho các chức năng tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, tạo mô xương, phối hợp vận động… có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn thịt bào ngư; có 2 loại enzim sinh tổng hợp các protein có hoạt tính sinh dược học là Cyclosporin synthethase và HC - toxinsythethase có tác dụng kháng nấm. Riêng Cyclosporin còn có tác dụng kháng miễn dịch mạnh, cần thiết cho việc ghép tạng và có tác dụng hữu hiệu trong ngăn chặn các tổn thương não, chống viêm khớp cấp tính, giảm đau, sưng, có thể sử dụng cho các vận động viên; có hàm lượng carotenoid (một hoạt chất tiền vitamin A có tính năng chống ôxy hóa, làm giảm các bệnh ung thư và tim mạch) cao gấp 5 lần thịt sò huyết và tương đương với củ cà rốt. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như: Sắt (Fe) - nguyên liệu tạo máu được mệnh danh là “không khí thở cho vận động viên”, kẽm (Zn) - “ngọn lửa sinh mạng” vì nó cần cho quá trình sinh tinh, tạo sữa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng (Cu) - cần cho các cấu trúc của não bộ, măng-gan (Mn ) - chữa được bệnh tâm thần được coi là “ổn áp tinh thần” và sê-len (Se) - “kẻ săn lùng các gốc tự do” là chất chống ôxy hóa mạnh, chống lão hóa cơ thể trong thịt hàu tương đương hoặc cao hơn so với thịt bào ngư. Thông tin chắc chắn sẽ được các quý ông quan tâm là trong thịt hàu Crassostrea lugubris có hàm lượng hooc-môn Testoteron - loại hooc-môn tăng cường sinh lực, giúp phục hồi sức khỏe, chống bất lực cho nam giới cao gấp hơn 10 lần thịt sò huyết và gấp 17 lần thịt gà trống. Ngoài ra, vỏ hàu không những dùng làm nguyên liệu nung vôi mà còn làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc như bệnh ợ chua, phù thũng, cúm.

Việc nuôi hàu không chỉ thực hiện ở những vùng đã có sự phân bố tự nhiên mà còn có khả năng mở rộng ra nhiều địa phương có biển bằng việc di giống. Ở những đầm chưa phát triển nguồn lợi hàu, nếu di giống và phát triển nuôi cọc, nuôi khay, nuôi giàn sau một thời gian sẽ hình thành bãi hàu tự nhiên. Chính bãi giống này là nơi ẩn nấp an toàn, thu hút các đàn tôm, cá mẹ về sinh sản, tạo thêm nguồn lợi cho các đầm, vịnh. Anh Cao Văn Nguyện còn cho biết thêm, các nhà khoa học của Viện vừa nghiên cứu thành công việc sử dụng hàu và rong lọc nước vì đặc tính của hàu là loài ăn lọc. Việc áp dụng công nghệ sinh học thay cho hóa chất để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vừa tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng như “tôm sinh thái” (không có dư lượng hóa chất) vừa đảm bảo sự phát triển bền vững.

KHÁNH NINH

 


Ninh Thuận: trên 1,5 triệu con tôm giống được thả ra biển

Nguồn tin: WNT, 3/04/2006
Ngày cập nhật: 4/4/2006

Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2006), sáng ngày 30-3-2006, tại Cảng cá Ninh Chữ (Ninh Hải - Ninh Thuận), Sở Thủy sản đã tổ chức thả hơn 1,5 triệu con tôm sú giống PL25 (cỡ 1-2cm) ra biển nhằm tái tạo, bổ sung cho nguồn tôm sú bố mẹ. Trong đó, Nhà nước đầu tư 80 vạn con giống, với số tiền hơn 50 triệu đồng. Số còn lại do các đơn vị như: Hiệp hội giống Thủy sản Ninh Thuận, Công ty TNHH Thủy sản Hoàn Vũ, Công ty CP, Doanh nghiệp tôm giống Tiếp Thành, Công ty lâm sản Bến Tre, Công ty Cholimex, Công ty Văn Minh AB và hơn 40 cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh tự nguyện đóng góp.

Văn Thanh,Báo Ninh Thuận


Hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở Ninh Phước (Ninh Thuận)

Nguồn tin: WNT, 3/04/2006
Ngày cập nhật: 4/4/2006

Từ nhiều năm qua, huyện Ninh Phước không chỉ được xem là “vựa lúa” của tỉnh mà còn là huyện trọng điểm về khai thác hải sản. Chỉ tính ở xã Phước Diêm, sản lượng hải sản khai thác hàng năm chiếm gần 50% trong tổng sản lượng chung của tỉnh. Riêng đối với nuôi trồng thủy sản, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có nhiều “cái nhất”: cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư lớn nhất; bài bản nhất so với các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh. Cụ thể là với 2 dự án lớn đã và đang triển khai gồm Dự án nuôi thủy sản Sơn Hải và nuôi thủy sản trên cát An Hải trong tương lai không xa sẽ trở thành “điểm nhấn” trong việc phát triển ngành nuôi thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện thực sự phát triển bền vững yêu cầu đặt ra là cần có hướng đi mới bằng việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi.

Nhìn lại hiện trạng

Trên địa bàn huyện Ninh Phước được xác định có 2 vùng nuôi thủy sản lớn, tập trung là tại Sơn Hải và An Hải. Tại Sơn Hải, nghề nuôi tôm sú bắt đầu phát triển từ năm 1995 với diện tích trên 2,5 ha chủ yếu xung quanh đầm Sơn Hải. Đến năm 2000, do hiệu quả của nghề nuôi tôm sú mang lại cộng với sự đầu tư của Nhà nước về hệ thống công trình nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi tôm tại khu vực nói trên phát triển nhanh chóng. Theo thống kê, đến năm 2005 toàn vùng đã có 70 ha ao nuôi được xây dựng. Tại vùng Dự án nuôi tôm trên cát An Hải do đặc thù là vùng các bay, vùng trên triều nên nghề nuôi tôm sú tại đây khởi phát muộn hơn so với các khu vực khác trong tỉnh. Ở thời điểm năm 2000, bắt đầu chỉ có 2 ha, song cũng từ hiệu quả cao của nuôi tôm trên cát nên diện tích ao nuôi đã tăng rất nhanh. Trong tổng số 180 ha ao đìa nuôi tôm trên vùng đất cát của tỉnh thì riêng vùng Dự án An Hải đã chiếm trên 100 ha. Nhìn chung, tại vùng Dự án Sơn Hải và An Hải, hầu hết người nuôi đều thả 2 vụ/ năm, với mật độ nuôi dao động từ 35- 45 con/ m2, cá biệt có hộ thả với mật độ rất cao từ 60- 70 con/ m2. Do vậy, năng suất và sản lượng tôm nuôi tai 2 vùng Dự án nói trên đã đạt đến “đỉnh cao” của nghề nuôi tôm sú. Có thời điểm năng suất tôm nuôi đạt bình quân từ 4,5- 5 tấn/ ha/ vụ, cao nhất so với các vùng nuôi tôm khác trong tỉnh. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chỉ tày gang”, nghề nuôi tôm sú ở 2 vùng Dự án nói trên chỉ phát triển trong một thời gian ngắn, từ năm 2003 đến nay cùng với việc phát triển nhanh diện tích ao nuôi, mật độ nuôi ngày càng cao trong khi điều kiện hạ tầng ao nuôi chưa đảm bảo công với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hệ thống cấp thoát nước chưa hoàn chỉnh, việc sử dụng một số loại thuốc và hóa chất mang tính hủy hoại môi trường diễn ra ở một bộ phận không nhỏ người nuôi... đã dẫn đến hệ quả là môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, tôm nuôi liên tiếp xảy ra dịch bệnh mà đặc biệt là bệnh phân trắng, teo gan và đốm trắng. Có thời điểm số diện tích ao nuôi bị các bệnh đã nêu chiếm đến 80- 90%. Trước thực trạng đó, số diện tích nuôi tôm ngày càng thu hẹp lại. Cụ thể, trong năm 2005 tại Sơn Hải chỉ có 35,7% diện tích ao nuôi được đưa vào sản xuất. Tương tự, vùng An Hải số diện tích sản xuất cũng chỉ dừng lại ở mức 30%. Điều này, đã làm nản lòng không ít hộ nuôi tôm, đó là chưa nói đến việc nhiều chủ đìa phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tìm một hướng đi thích hợp

Trước hiện trạng nói trên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để phá thế “độc canh” nuôi tôm sú, trên cơ sở tìm kiếm và xác định được các đối tượng thủy sản, mô hình nuôi phù hợp với đặc điểm hệ thống công trình, điều kiện khí hậu thủy văn, chất đất, điều kiện thực tiễn tại 2 vùng Dự án Sơn Hải và An Hải?. Có thể nói, đây là yêu cầu mà ngành thủy sản phải tìm ra lời giải đáp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và trách nhiệm đối với người dân trong vùng Dự án, đồng thời làm “sống dậy” tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở An Hải và Sơn Hải, ngay từ cuối năm 2005 Sở Thủy sản đã chỉ đạo Trung tâm khuyến ngư xây dựng Đề án: đa dạng đối tượng nuôi thủy sản tại 2 dự án nuôi tôm trên cát An Hải và nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải. Trên cơ sở khảo sát thực tế, Trung tâm Khuyến ngư đã xác định được 4 mô hình nuôi sẽ áp dụng. Đó là, đối với tôm sú: áp dụng quy trình nuôi bán thâm canh ít thay nước với mật độ thấp từ 20- 30 con P15/ m2, quản lý môi trường ao nuôi theo hướng sinh học, sử dụng 30% diện tích ao làm ao chứa lắng và xử lý nước, có hệ thống ngăn chặn ký chủ trung gian mang mầm bệnh. Số vụ nuôi từ 1- 2 vụ/ năm. Đối với tôm thẻ chân trắng, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi bán thâm canh và thâm canh theo quy trình ít thay nước, mật độ nuôi từ 50-150 con/ m2, sử dụng 25- 30% diện tích ao làm ao chứa lắng và xử lý nước, quản lý môi trường ao nuôi theo hướng sinh học, có hệ thống ngăn chặn ký chủ trung gian mang mầm bệnh. Số vụ nuôi trung bình 2 vụ/ năm. Đối với ốc hương áp dụng quy trình nuôi chuyên, nuôi kết hợp ốc hương với một số đối tượng khác như cá măng, hải sâm, một số loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ khác,... khả năng nuôi 2 vụ/ năm. Mô hình nuôi cá các loại, hải sâm, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phần lớn đưa vào nuôi sau vụ nuôi tôm nhằm mục đích cải thiện môi trường và cắt đứt chu kỳ phát triển mầm bệnh tạo điều kiện cho vụ nuôi tôm, nuôi ốc đạt kết quả cao. Đồng thời việc đưa các đối tượng này vào nuôi ở thời gian không nuôi tôm, nuôi ốc hương sẽ góp phần bảo vệ hệ thống ao đìa tránh bị hư hỏng bởi nắng, gió.

Việc đưa các mô hình nói trên vào nuôi trồng theo hướng đa dạng đối tượng nuôi, hình thức nuôi cùng với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào từng mô hình nuôi cụ thể sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại bền vững hơn. Không những vậy, đây còn là cơ sở để khai thác tiềm năng đất đai và các nguồn lực khác, góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, đa dạng các sản phẩm và mặt hàng cho tiêu dùng và xuất khẩu. Theo tính toán của ngành thủy sản phấn đấu đến năm 2010 sẽ có 400 ha ao đìa tại 2 Dự án trên được đưa vào khai thác sử dụng với sản lượng thủy sản các loại đạt 2.500- 3.000 tấn/ năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 7,5 triệu USD và tạo việc làm cho trên 1.200 lao động trực tiếp. Hướng đi đã mở, vấn đề còn lại là sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa ngành thủy sản với địa phương, đồng thời sự hợp tác tích cực của người dân trong vùng Dự án.

Hạ Huyền,Báo Ninh Thuận

 


Thái Lan kiện Mỹ tại WTO về tôm xuất khẩu

Nguồn tin: TT, 4/4/2006
Ngày cập nhật: 4/4/2006

 


Sóc Trăng: Thiếu tôm nguyên liệu, kim ngạch xuất khẩu giảm

Nguồn tin: BCT, 3/4/2006
Ngày cập nhật: 3/4/2006

 


Kiểm tra tạp chất 100% lô tôm nguyên liệu

Nguồn tin: NLĐ, 2/4/2006
Ngày cập nhật: 3/4/2006

 


Khai mach Hội chợ triển lãm thuỷ sản quốc tế tại Tp.HCM

Nguồn tin: VNECONOMY, 3/04/2006
Ngày cập nhật: 3/4/2006

 


Long An: Trên 530 ha tôm sú bị bệnh đốm trắng

Nguồn tin: BCT, 2/4/2006
Ngày cập nhật: 3/4/2006

Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, đến cuối tháng 3- 2006, trên tổng số 5.000 ha tôm sú đã thả nuôi có hơn 530 ha bị nhiễm bệnh đốm trắng, chủ yếu ở huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh là do nguồn giống không qua kiểm dịch, người nuôi mua trôi nổi. Long An có kế hoạch thả nuôi tôm sú chính vụ năm nay khoảng 7.000 ha, hiện tại người dân đang tiếp tục thả tôm giống. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân mua giống phải có nguồn gốc rõ ràng và được đóng dấu kiểm dịch, đồng thời tuân thủ lịch thời vụ nhằm tránh thiệt hại như vụ tôm 2005.

QUỐC DŨNG - THU HÀ


Trà Vinh: Thả hơn 9,5 triệu con tôm sú giống về biển

Nguồn tin: BCT, 2/4/2006
Ngày cập nhật: 3/4/2006

Nhân Kỷ niệm 47 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2006), Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh đã vận động hơn 250 cơ sở sản xuất, ương dưỡng kinh doanh tôm giống; kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản; cơ sở thu mua, chế biến thủy sản và ngư dân khai thác hải sản trên địa bàn... đóng góp hơn 2,9 triệu con tôm sú giống. Lượng tôm sú giống này đã được thả về biển tại khu vực Vàm Láng Nước, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là năm thứ tư, ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thả tôm sú giống về biển với tổng số lượng hơn 9,5 triệu con. Hoạt động này hưởng ứng phong trào bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần tăng thêm trữ lượng thủy hải sản nói chung và nguồn tôm sú giống bố mẹ cùng với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

QUỐC DŨNG - THU HÀ

 


Long An: Trên 530 ha tôm sú bị bệnh đốm trắng - Trà Vinh: Thả hơn 9,5 triệu con tôm sú giống về biển

Nguồn tin: BCT, 02/04/2006
Ngày cập nhật: 2/4/2006

* Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, đến cuối tháng 3- 2006, trên tổng số 5.000 ha tôm sú đã thả nuôi có hơn 530 ha bị nhiễm bệnh đốm trắng, chủ yếu ở huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh là do nguồn giống không qua kiểm dịch, người nuôi mua trôi nổi. Long An có kế hoạch thả nuôi tôm sú chính vụ năm nay khoảng 7.000 ha, hiện tại người dân đang tiếp tục thả tôm giống. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân mua giống phải có nguồn gốc rõ ràng và được đóng dấu kiểm dịch, đồng thời tuân thủ lịch thời vụ nhằm tránh thiệt hại như vụ tôm 2005.

* Nhân Kỷ niệm 47 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2006), Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh đã vận động hơn 250 cơ sở sản xuất, ương dưỡng kinh doanh tôm giống; kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản; cơ sở thu mua, chế biến thủy sản và ngư dân khai thác hải sản trên địa bàn... đóng góp hơn 2,9 triệu con tôm sú giống. Lượng tôm sú giống này đã được thả về biển tại khu vực Vàm Láng Nước, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là năm thứ tư, ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thả tôm sú giống về biển với tổng số lượng hơn 9,5 triệu con. Hoạt động này hưởng ứng phong trào bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần tăng thêm trữ lượng thủy hải sản nói chung và nguồn tôm sú giống bố mẹ cùng với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

QUỐC DŨNG - THU HÀ

 


Hội chợ triển lãm thuỷ sản quốc tế tại TPHCM

Nguồn tin: TTXVN, 01/04/2006
Ngày cập nhật: 2/4/2006

 


Đà Nẵng: Ngư dân trúng đậm tôm hùm giống.

Nguồn tin: LĐ, 01/04/2006
Ngày cập nhật: 2/4/2006

Trong 3 tháng đầu năm, tại khu vực bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà), tôm hùm bông di cư xuất hiện gần bờ với số lượng lớn. Chỉ riêng 50 hộ ngư dân tại khu vực Thọ Quang đã đánh bắt được trên 30.000 tôm hùm giống. Mỗi đêm, mỗi hộ bắt được từ 40 - 200 con và giá mỗi con được thương lái mua lại trong khoảng 80.000 - 130.000 đồng.

Võ Tuấn

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Báo động hiểm hoạ ếch ngoại

Nguồn tin: LĐ, 01/04/2006
Ngày cập nhật: 2/4/2006

Bụng to, đùi nhỏ và rất háu ăn, thậm chí ăn thịt đồng loại, ếch ngoại nhập (ENN) ở ĐBSCL hiện nay sẽ tiếp tục chạy theo vết xe đổ của những ốc bươu vàng..., trở thành hiểm họa khó lường. Đó là dự báo đầy âu lo của các nhà khoa học.

Khó nuôi - khó bán

Khoảng một năm nay, phong trào nuôi ENN ở ĐBSCL đã rộ nở. Từ vùng bán đảo Cà Mau đến tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đâu đâu cũng râm ran chuyện ENN với kỳ vọng "gà đẻ trứng vàng". Thậm chí nhiều địa phương còn xem đây như là mô hình "xóa đói giảm nghèo".

Tại Cần Thơ, có cơ sở nhập đến 10.000 con giống về nuôi. Còn tại Đồng Tháp, nuôi ENN đã trở thành phong trào ở hai huyện Cao Lãnh, Châu Thành. Có người còn rước cả thầy ngoại, trả lương bằng đôla, thuê thêm đất để mở rộng quy mô như ông Nguyễn Văn Thâm ở Bình Hàng Tây (Cao Lãnh). Tại An Giang, thậm chí nhiều hộ còn nuôi ENN dạng quy mô công nghiệp.

Nuôi khó, nhưng đến khâu tiêu thụ còn khó hơn. Do đặc tính ít vận động, nên phần lớn ENN có bụng to, thịt bở và có mùi tanh và đặc biệt là cặp đùi rất nhỏ... nên không được người tiêu dùng chấp nhận. Một người nuôi ENN ở TP.Long Xuyên cho biết, các nhà hàng đều từ chối ENN dù chấp nhận bán với giá 14.000 đồng/kg, tức chỉ bằng ẵ giá mà các cơ quan khuyến ngư đã thông báo trong các buổi vận động phong trào.

Hình ảnh đặc trưng của ếch Thái Lan: Bụng to, đùi nhỏ.

Dễ thấy nguy cơ...

Theo khảo sát của chúng tôi, những hộ khá lên từ nuôi ENN ở ĐBSCL thời gian qua chủ yếu là những người bán con giống và một vài hộ nuôi đầu tiên. Cũng giống như các phong trào về con dê, con trăn và cá sấu... nhiều người nghe có lời đã đổ xô nuôi, thậm chí còn tự nâng giá để mua cho bằng được con giống, nhưng đầu ra thì vẫn mù mịt. Tại Chợ Mới, Tân Châu (An Giang), gần như toàn bộ ENN không bán được. Trong tình thế "cá trong hom lờ đờ con mắt", thì lại có hàng đàn cá bên ngoài "ngúc ngắc chui vô" để làm giàu cho... chủ bán giống.

Ếch Nam Mỹ nặng gần 1kg, với vòm miệng rộng như "hàm cá mập".

ENN chủ yếu ở ĐBSCL hiện nay có nguồn gốc Thái Lan (Rana Rugulosa) và Nam Mỹ (Rana Catesbeiana )... cả hai loài này đều có đặc điểm là to xác, trong đó ếch Nam Mỹ kích cỡ trung bình gần 1 kg/con, nhưng lại rất dễ mắc bệnh "nan y", như: Đỏ đùi... Vì vậy đã xảy ra tình trạng các hộ chăn nuôi sử dụng thuốc nằm trong danh mục cấm của Bộ Thủy sản để điều trị.

Mặt khác, theo anh An, chủ cơ sở nuôi ENN tại TP.Long Xuyên cho biết: "Do tính háu ăn, có đến 80% số con chết do tình trạng ăn thịt nội bộ lẫn nhau". Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất giống tư nhân đang lạm phát việc phối giống giữa ếch Thái và ếch Nam Mỹ để có thế hệ ếch háu ăn, dễ thích nghi với điều kiện địa phương.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đây là điều rất đáng lo bởi ENN có khả năng sinh sản rất cao, một năm sản sinh 4.000-5.000 trứng. Trong khi đó, hiện nay có rất nhiều hộ nuôi theo dạng thủ công, chuồng trại tạm bợ rất dễ xảy ra tình trạng sổng chuồng, gia tăng nguy cơ thống trị các loài ếch địa phương như đã từng xảy ra với cá trê phi với cá trê trắng địa phương...

Lục Tùng

 


Chuyện nuôi tôm ở Bình Ðịnh

Nguồn tin: ND, 01/04/2006
Ngày cập nhật: 2/4/2006

Nhờ con tôm mà Huỳnh Giản trở thành "Làng triệu phú". Nhưng cũng vì con tôm mà nhiều hộ dân nơi đây giờ trở nên điêu đứng, nợ như "chúa chổm". Song không vì thế mà tiêu tan mộng làm giàu của họ. Chính điều này đã làm thành cái vòng luẩn quẩn với người nuôi tôm Huỳnh Giản: càng thua lỗ càng lao vào nuôi, nhưng càng nuôi càng lỗ...

Nằm ở cuối vùng Khu Ðông thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh), thôn Huỳnh Giản có 590 hộ (2.700 nhân khẩu) thì đến nay đã có 520 hộ (trên 88%) nuôi tôm. Số còn lại sống bằng nghề đánh bắt thủy sản đơn sơ ở Ðầm Thị Nại (đầm lớn 5.060 ha). Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Huỳnh Giản là 327 ha. Nơi đây trước kia vốn là vùng cói, lác; nuôi tôm ở Huỳnh Giản là nghề truyền thống; nuôi quảng canh và bán thâm canh. Ở thời điểm những năm 90, nhất là từ năm 1997 đến năm 2000, các hộ nuôi rất thành công, liên tục được mùa với năng suất cao 2 - 3,5 T/ha. Chỉ trong một thời gian ngắn đời sống của người dân nuôi tôm Huỳnh Giản đổi thay một trời một vực; nhiều hộ trở thành điển hình nuôi tôm thoát nghèo lên "triệu phú". Nhưng rồi giàu lên quá nhanh và xuống cũng quá nhanh. Bởi liên tiếp từ 2001 đến 2005 nuôi tôm ở đây lâm vào cảnh mùa tiếp mùa mất trắng. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc các hộ nuôi tôm Huỳnh Giản dần rơi vào cảnh nợ chồng lên nợ, nợ mẹ đẻ nợ con; đời sống khó khăn càng lúc khó khăn hơn. Năm 2005, toàn thôn nhận hỗ trợ 23,7 tấn gạo và 248 triệu đồng (Tết Bính Tuất vừa qua có nhiều hộ được chính quyền giúp "đỏ lửa"). Theo thống kê sơ bộ thì đến nay các hộ nuôi tôm ở Huỳnh Giản có tổng dư nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên 23 tỷ đồng (chưa tính lãi).

Theo đồng chí Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bình Ðịnh thì sở dĩ vùng tôm Huỳnh Giản liên tục bị mất mùa vì dịch bệnh là do từ 2 nguyên nhân cơ bản: ô nhiễm môi trường nuôi và con tôm giống. Do xuất phát từ hạ tầng cơ sở nuôi được các hộ đầu tư một cách tự phát, mạnh ai nấy làm; hệ thống nước vào và nước thải không được đầu tư đồng bộ; chất thải thức ăn tôm hàng chục tấn nhiều năm lắng đọng lại; việc tẩy rửa vệ sinh hồ nuôi sau mỗi vụ thu hoạch làm không bảo đảm. Cả một vùng nuôi rộng trên 300 ha chỉ có 3 cửa nhỏ lưu thông với Ðầm Thị Nại và toàn bộ lượng chất thải đổ vào đầm nên mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng không chỉ với vùng nuôi mà uy hiếp cả Ðầm Thị Nại - vốn được coi là lá phổi xanh của TP Quy Nhơn. Về con giống, toàn tỉnh hiện có 140 trại giống, sản xuất khoảng hơn 500 triệu con giống/năm. Việc quản lý các trại giống còn nhiều bất cập và chưa chặt chẽ. Sở Thủy sản có một trạm kiểm dịch và bốn trạm ở các huyện. Theo quy định thì các trại này phải đưa tôm giống đến trạm để kiểm dịch. Nhưng trên thực tế tỷ lệ được kiểm dịch hằng năm chỉ đạt 40-45%. Giống tôm các hộ nuôi thả phần lớn không qua kiểm dịch mà thường là giống mua trôi nổi, kém chất lượng (do giá rẻ). Mặt khác ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường nuôi kém góp phần làm cho dịch bệnh dễ phát sinh và nhanh chóng lây lan... Khách quan mà nói thì không phải dân nuôi tôm Huỳnh Giản không có tay nghề nuôi (từ khâu chọn giống đến kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh). Nhưng vì - như đã nói, từ điểm xuất phát do đầu tư hạ tầng thấp, tiếp đó là thời kỳ mất mùa liên tiếp nên người nuôi càng thiếu vốn để đầu tư cải tạo, xây dựng hồ nuôi và áp dụng một cách đồng bộ các biện pháp kỹ thuật (kể cả việc mua tôm giống bảo đảm "tiêu chuẩn" và qua kiểm dịch). Một thực trạng hiện nay trên vùng tôm này là toàn bộ hệ thống hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng; hệ thống cấp thoát nước vốn đã kém nay càng kém hơn; các hồ ao bị sạt lở, hư hỏng làm nguy cơ thẩm thấu cao, mức độ truyền dịch lớn... Khi đi tìm hiểu tình hình khó khăn của vùng nuôi tôm Huỳnh Giản, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước câu hỏi: Một mùa, hai mùa, tiếp đến mùa thứ ba, thứ tư - thậm chí kéo đến mùa thứ năm thua lỗ mà tại sao bà con vẫn cứ lao vào nuôi? Theo các đồng chí lãnh đạo Sở Thủy sản thì không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ những năm Huỳnh Giản đang ở giai đoạn "cao trào" được mùa, cán bộ của Sở cũng đã thường xuyên xuống cơ sở nuôi khuyến cáo về nguy cơ và khả năng dịch bệnh do ô nhiễm môi trường đang ngày một tăng và mặc dù làm khá bài bản, song từ nhiều năm nay ở đây không thành lập được các chi hội nuôi tôm để thực hiện nuôi cộng đồng. Trước tình hình đó, tỉnh phải cương quyết phân vùng để thành lập chi hội. Trong hai năm liên tiếp (2003-2004), Sở Thủy sản tập trung xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng (chịu trách nhiệm chung, có ràng buộc từ con giống đến thực hiện các biện pháp tổng hợp ngăn ngừa và chống dịch...). Kết quả thành lập được ba chi hội nuôi tôm. Mặt khác sở đưa ra giải pháp kỹ thuật chuyển sang nuôi tổng hợp (tôm, cua, cá) để nhằm giảm tỷ suất đầu tư và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ giống cá rô phi đơn tính; cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn, tập huấn nhiều đợt về nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, v.v. nhưng vẫn chưa xoay chuyển được tình hình. Còn về phía người nuôi tôm? Tâm lý bám vào con tôm; đặt quá nhiều hy vọng vào nó để trả nợ và phần thì như luyến tiếc "cái thời vàng son" đã chi phối toàn bộ cách nghĩ, cách làm của họ; "biết đâu mùa này lại trúng" cứ thế mà tiếp diễn khiến người nuôi như lao vào canh bạc khát nước với trời. Ngay trong mùa tôm năm 2006, hiện một số hộ nơi đây lại đã tiếp tục xuống giống vì cho rằng, năm rồi có lũ lụt nên môi trường đã được dọn sạch (!). Chính điều này đã trở thành rào cản trong việc chuyển đổi mô hình từ nuôi tôm sang nuôi tổng hợp mặc dù nuôi tổng hợp có mức đầu tư thấp hơn, trong tầm tay người nuôi (nhưng "kẹt" nỗi lời lãi của nó chỉ được 15-20 triệu đồng/năm thì quả thật không mấy hấp dẫn với những người đã từng nắm trong tay hàng trăm triệu đồng lãi qua mỗi mùa tôm). Trong khi đó thôn Vinh Quang (xã Phước Sơn) gần kề Huỳnh Giản thì nhiều hộ nuôi tôm ở đây đã sớm nhận thức ra vấn đề nuôi bền vững và họ nhanh chóng chuyển đổi sang nuôi tổng hợp rất có hiệu quả, tránh được sự rơi vào khủng hoảng như Huỳnh Giản. Thay đổi một nếp nghĩ, một tâm lý quả là điều không dễ. Và cũng phải khẳng định, thời gian qua các cấp chính quyền và ngành thủy sản tỉnh luôn dành sự quan tâm cho Huỳnh Giản với nhiều nỗ lực cao bằng việc làm cụ thể nhằm giúp người nuôi tôm khôi phục và ổn định sản xuất, làm giàu đúng hướng, đúng cách. Nhưng khách quan, bình tĩnh nhìn nhận thì trên thực tế, trách nhiệm của chính quyền, của các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật đã làm hết mức, làm rốt ráo chưa, nhất là trong việc kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để giúp người nuôi tôm nhận thức ra vấn đề, thấy được "điều hơn lẽ thiệt" mà tự nguyện hăng hái chuyển đổi sang mô hình nuôi tổng hợp? Mặt nữa cũng phải nói là một số cán bộ, đảng viên ở xã, thôn (có gia đình, người thân làm tôm) chưa thực sự gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình này. Về phía người dân nuôi tôm? Trước hết chúng ta phải nói rằng, khát vọng làm giàu của họ là hoàn toàn chính đáng. Nhưng điều cần nói ở đây là cách làm hợp lý để đạt tới chứ không thể làm giàu bằng mọi giá. Trong khi đa số người nuôi tôm thực lòng muốn vươn lên sản xuất hiệu quả để có điều kiện trả nợ Nhà nước, thì rất tiếc vẫn còn một số ít có tâm lý ỷ lại và muốn "xù nợ"!

Từ quy hoạch chung khu vực nuôi tôm Huỳnh Giản (và Ðầm Thị Nại) nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Nhơn Hội, nên giải pháp để ổn định sản xuất, đời sống, phát triển KT-XH của Huỳnh Giản không chỉ dừng ở việc giải quyết những khó khăn để phát triển NTTS theo hướng nào mà cao hơn là tìm ra hướng phát triển kinh tế cơ bản, phù hợp với địa phương trong giai đoạn mới. Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Vũ Hoàng Hà, nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là cương quyết không để người nuôi tôm trong tỉnh nuôi theo kiểu như thể "đánh bạc với trời" mà các vùng tôm (trong đó có Huỳnh Giản) phải được dựa trên cơ sở quy hoạch để xây dựng, phát triển những vùng nuôi, mô hình nuôi thủy sản thích hợp theo hướng bền vững. Với Huỳnh Giản, đồng chí cho biết: Trước mắt, tiếp tục thực hiện tốt chính sách xã hội, không để dân đói. Vừa qua tỉnh đã làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để khai thông nguồn vốn vay để người nuôi tôm tiếp tục được vay đầu tư cho sản xuất (cộng thêm vào đó là cho vay từ kênh Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh). Mặt khác tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện triển khai giúp các hộ nuôi tôm đắp sửa những bờ ao bị sạt lở nặng. Năm 2006 là năm tỉnh thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, theo đó sẽ kết hợp hỗ trợ các hộ nạo vét kênh mương, xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt và nước thải; tỉnh chỉ đạo Sở Thủy sản đẩy mạnh hoạt động tập huấn kỹ thuật nuôi và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tôm; củng cố hoạt động của 4 trạm kiểm dịch ở các huyện nhằm nâng cao chất lượng con giống. Về lâu dài, hướng phát triển của Huỳnh Giản được xác định là NTTS bền vững theo mô hình nuôi tổng hợp, xây dựng thành một vùng nuôi sinh thái kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ. Trong thời điểm này, tỉnh chủ trương đưa chương trình học nghề, giải quyết việc làm vào Huỳnh Giản đồng thời khuyến khích người dân đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên để giúp Huỳnh Giản nhanh chóng thoát ra khỏi "cái vòng luẩn quẩn" của nghề tôm, thiết nghĩ cũng cần phải khẳng định lại sự đòi hỏi nỗ lực cao hơn từ cả hai phía: Chính quyền và người dân. Trong đó không thể không nhấn mạnh đến vai trò chủ động vượt lên của người dân nuôi tôm là điều quyết định. Có như vậy thì sự hỗ trợ tích cực trên nhiều mặt của chính quyền các cấp, các ngành mới thực sự nhanh chóng phát huy tác dụng, hiệu quả để nghề nuôi tôm Huỳnh Giản (mà theo chúng tôi đây cũng là vấn đề chung của nghề nuôi tôm ở nhiều nơi khu vực miền trung và cả nước) sớm chấm dứt câu chuyện "đánh bạc với trời"!

MAI TRUNG


Xuất khẩu cá cảnh: Lập đoàn kiểm tra giải quyết các vướng mắc

Nguồn tin: TN, 31/03/2006
Ngày cập nhật: 1/4/2006

 


Cá hồi “ngược dòng” thác Bạc

Nguồn tin: NLD, 1/4/2006
Ngày cập nhật: 1/4/2006

Không chỉ đưa cá hồi ở xứ lạnh lên chân thác Bạc thuộc đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, trung tâm nuôi cá hồi còn có tham vọng trở thành trạm nghiên cứu các đối tượng thủy sản nước lạnh lớn nhất cả nước

Lần đầu tiên, loài cá hồi vân vốn chỉ có ở vùng nước lạnh các nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển... được nuôi tại Việt Nam. Con cá hồi mà cả thế giới biết đến nay được đưa lên chân Thác Bạc cao 1.700 mét so với mực nước biển. Chính vì vậy, nhiều người gọi đây là cuộc “lội ngược dòng” của cá hồi.

Thương hiệu “Cá hồi Sa Pa”

Theo con đường ngoằn ngoèo, đầy sương mù, thác Bạc nằm cách Sa Pa 13 km. Trung tâm giống cá hồi nằm khiêm tốn dưới chân con dốc dẫn lên thác Bạc, gồm hai dãy nhà mái tôn khoảng 300 m2 chứa 5 bể lớn (đường kính 10- 15m), 10 bể nhỏ (đường kính 2- 3m) cùng 3 chiếc ao nhỏ tự tạo thô sơ (đáy lót ni - lông, trên che lưới). Nguồn nước từ thác Bạc được dẫn bởi hơn 1.000 mét ống dẫn nước. Máy bơm nước, máy sục khí, dàn mưa nhân tạo đều phải sử dụng điện từ máy phát điện.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thìn, phụ trách kỹ thuật của trại, cho biết: Cá hồi của trại là cá hồi vân (hay còn gọi là cá hồi ráng). Giống cá này có hàm lượng đạm cao, thịt ngọt, chắc, màu đỏ tươi. Nuôi loại cá này rất khó, đòi hỏi điều kiện khắt khe, nguồn nước luôn ở nhiệt độ thấp dưới 20oC, phải có dòng chảy, độ ôxy hòa tan cao. Nếu có điều kiện thuận lợi, nó tăng trưởng nhanh cả bốn mùa. (Một số nước châu Mỹ, châu Âu, cá hồi chỉ phát triển chủ yếu vào mùa xuân, hè, thu còn mùa đông nước đóng băng không nuôi được).

Dự án nuôi cá hồi tại thác Bạc được triển khai từ ngày 5-1-2005. Đợt 1 trung tâm đưa 25.000 trứng đầu tiên về. Đợt 2 sau hơn 1 tháng đưa tiếp 25.000 trứng nữa. Tất cả số trứng này đều được ướp lạnh, mang về từ Phần Lan. Quá trình ươm đã thành công tốt đẹp, tỉ lệ thành cá bột lên đến 95%- 97%. Do một số sự cố về nước, cuối cùng chỉ thu được 30.000 con cá giống. Tuy nhiên, đó là thành công đánh dấu bước ngoặt không chỉ của Sa Pa mà còn mở ra một hướng mới cho sự phát triển cá nước lạnh trong cả nước.

Trại đã chuyển giao cho Công ty TNHH Thiên Hà nuôi tại Bản Khoang (Sa Pa) 1.400 con. Công ty này nuôi được cá cỡ 1- 1,5kg bán ra thị trường. Ngoài ra, trung tâm còn xuất sang Lai Châu 500 con nuôi thử nghiệm. Hiện tại, trại có khoảng trên 15.000 con. Trọng lượng khoảng 1- 1,5kg/con. Trung tâm chọn ra khoảng 3.000 con làm cá mẹ, còn lại bán ra thị trường. Giá bán ra 140.000 - 180.000 đồng/kg rẻ hơn nhiều sơ với 500.000 đồng/suất cá hồi đông lạnh tại một số nhà hàng đặc sản trước đây. Cá hồi Sa Pa đã trở thành một thương hiệu mới.

Cơ hội mới cho các vùng nước lạnh

Được biết, dự án nuôi cá hồi tại Sa Pa chính thức khởi động vào tháng 8-2004, dưới sự hợp tác của Đại sứ quán Phần Lan, Bộ Thủy sản và tỉnh Lào Cai. Sau 1 năm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã ghi nhận dự án nuôi cá hồi tại Việt Nam thành công tốt đẹp!

Nuôi cá hồi trong điều kiện bình thường vốn đã khó, đưa lên núi ở độ cao 1.700 mét so với mực nước biển càng phức tạp bội phần. Có một thứ mà trung tâm luôn mất ăn mất ngủ với nó, đó là nguồn nước. Để cá hồi phát triển tốt, phải luôn bảo đảm nguồn nước sạch ổn định, lượng ôxy trong nước trên 4DO, nhiệt độ hợp lý... Cứ khoảng một tiếng các thành viên trong ca trực lại phải đo lưu lượng nước và nồng độ ôxy một lần. Những chỉ số này chỉ cần sai lệch một chút sẽ gây nguy hiểm cho cá. Thức ăn chính là cám công nghiệp nhập từ Phần Lan, sản xuất theo công nghệ của Na Uy, giá khoảng 35.000 đồng/kg. Hệ số thức ăn loài cá này có tỉ lệ 1/1 (tức 1kg thức ăn cho một 1kg cá). Chất thải của cá chỉ là chất xơ nên gần như không ảnh hưởng tới môi trường.

Những ngày đầu, mỗi đêm anh em trong ca trực phải leo bộ cả cây số lên thác Bạc hàng chục lần để xem nước. Chỉ cần đường ống bị lá mục làm tắc trong 15- 20 phút là cá có thể chết. “Mùa mưa lớn phải té nước cứu cá, mùa nước cạn lại đau đáu lo thiếu nước. Đấy là những vất vả của 11-12 anh em đang hằng ngày túc trực “ăn không được ăn... cá hồi, nhưng phải... ngủ với cá hồi và uống nước thác Bạc! Chúng tôi chăm sóc cá còn hơn cả em bé”- anh Thìn chia sẻ như vậy. Anh còn kể, có lần vì thiếu nước, cá nổi trắng bụng, ai cũng xót xa. Nhưng khó khăn ấy cũng đã qua, bây giờ cả trại đang kỳ vọng vào lứa trứng mới do chính 3.000 cá bố mẹ được lựa chọn từ trại làm cá giống.

Khó khăn lớn nhất của trung tâm vẫn là nguồn nước. Nước từ thác Bạc không phải bao giờ cũng dồi dào, nhất là về mùa khô. Giải quyết cho vấn đề này, anh em đã nghĩ ra cách tái sử dụng nước nhiều lần. Dòng nước luôn ở trạng thái vận động từ nơi này sang nơi kia bằng việc tạo ra một hệ thống bơm tuần hoàn, dẫn nước từ các bể nhỏ sang bể lớn rồi từ bể lớn ra hồ nước. Trong năm 2006 thác Bạc có dự án xây hồ chứa nước, trung tâm sẽ có đủ điều kiện để mở rộng nghiên cứu thử nghiệm thức ăn và tìm hiểu đặc điểm sinh học của cá nước lạnh. Đấy là một hướng ứng dụng để phát triển trung tâm thành trạm nghiên cứu các đối tượng thủy sản nước lạnh và sản xuất cá giống cho các vùng có tiềm năng nước lạnh.

Từ thành công của con cá hồi vân ở Sa Pa, Trung tâm Nghiên cứu, phát triển thủy sản Lào Cai đang xúc tiến kế hoạch nuôi cá hồi vân tại các địa bàn vùng núi cao có khí hậu lạnh như Bát Xát, Bắc Hà..., giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu. Sắp tới Đà Lạt cũng đưa cá hồi về nuôi thử nghiệm.

Nguyễn Quyết

 


Đồng bằng sông Cửu Long: Mùa tôm đầy thách thức

Nguồn tin: BCT, 31/3/2006
Ngày cập nhật: 1/4/2006

Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng tôm chết hàng loạt trên diện rộng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhà máy thiếu nguyên liệu, chỉ hoạt động khoảng 50% công suất còn nông dân thì lâm cảnh túng thiếu, nợ nần chồng chất… Giải pháp nào giúp nông dân và các doanh nghiệp chế biến thủy sản tháo gỡ khó khăn này?

TÔM CHẾT YỂU HÀNG LOẠT!

Ông Lê Thái Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết: “Mấy năm liền xã này không sao nuôi tôm trong mùa hạn. Thả bao nhiêu, chết bấy nhiêu. Ai hên lắm thì gỡ được vốn con giống”. Ông Hồ Trung Trực ở ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, một nông dân giỏi trong nghề nuôi tôm cũng thua cuộc. Ông Trực nói: “Hai năm nay, vào mùa hạn từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, con tôm nuôi cứ lớn bằng ngón tay út là lăn ra chết sạch. Có tháng tôi không thu hoạch được con tôm nào”. Còn ông Trương Minh Sách, một lão nông kỳ cựu trong chuyện luân canh lúa- tôm xã Thạnh Phú, cũng than thở: “Xứ mình bây giờ có thêm một mùa… là mùa tôm chết. Từ tháng 11-2005 đến nay, ruộng tôm của tôi chưa tháng nào thu hoạch có lãi được”. Anh Trần Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- thủy sản và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Sau Tết Nguyên đán đến nay, tôm nuôi của bà con cứ chết hàng loạt, có thể kéo dài cho đến hết tháng 4. Chúng tôi cũng đã khảo sát nhiều lần, tìm cách khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu”.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho biết thêm: “Mấy năm qua, Cà Mau xuất hiện mùa tôm chết. Năm nay, tình hình càng nặng hơn. Theo khảo sát của chúng tôi, diện tích tôm nuôi bị chết những tháng qua lên đến gần 200.000 ha. Tuy nhiên, từng nơi, từng khu vực có mức độ thiệt hại khác nhau. Trong đó, tập trung nhiều là 97.000 ha thuộc huyện Cái Nước, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Năm Căn, Đầm Dơi. Mức độ thiệt hại ở từng khu vực khác nhau dao động trong tỷ lệ 20-80%”. Do vậy, liên tục trong hơn 3 tháng qua, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Cà Mau thiếu nguyên liệu, chỉ hoạt động tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là người nuôi tôm vì nợ nần chồng chất.

Theo ngành nông nghiệp–thủy sản huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đến nay toàn huyện có 8.250 hộ thả nuôi (chiếm trên 50% số hộ của huyện trong năm 2006) với 452 triệu con giống, trên diện tích gần 11.050 ha. Trong đó có 1.910 hộ có tôm thả bị chết với số lượng gần 100 triệu con (chủ yếu dưới 45 ngày tuổi) trên diện tích hơn 1.350 ha. Tình trạng tôm chết hàng loạt cũng đang diễn biến phức tạp tại các huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Ông Nguyễn Văn Pho, Chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi tôm huyện Vĩnh Thuận, cho biết: Từ đầu năm đến nay toàn huyện có 10.000/24.000 ha tôm sú nuôi bị chết, mức thiệt hại trung bình từ 50-70%. Nặng nề nhất là 2.000 ha tôm nuôi của bà con xã Vĩnh Bình Nam bị thiệt hại đến 98%, 1.000 ha tôm nuôi ở xã Minh Thuận bị mất trắng.

THẬN TRỌNG TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Kỹ sư Trần Minh Hưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, xác định: “Nguyên nhân dẫn đến tôm chết nhiều do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch quá cao, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi; nhiều bà con thả tôm nuôi với mật độ quá dày, tôm bị thiếu ôxy. Thêm nữa là do nhiều vùng có hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng quá yếu, không thể chủ động được các công đoạn cải tạo ao đầm, khiến nguồn nước trong đồng tôm bị bẩn, ẩn chứa nhiều mầm bệnh”. Còn kỹ sư Lâm Minh Thế, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp–Thủy sản huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Phần lớn tôm nuôi bị chết trên địa bàn huyện do bệnh đầu vàng, đốm trắng, đỏ thân. Với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, tôm sẽ tiếp tục chết trong vài ngày tới”.

Ngoài ra, vấn đề chất lượng con giống cũng đáng lo ngại. Hiện ở ĐBSCL chưa có địa phương nào chủ động được nguồn giống chất lượng, qua kiểm dịch đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì thế, có tới hơn 50% số lượng tôm giống được thả nuôi hàng năm không qua kiểm dịch chất lượng. Tại Cà Mau, nhu cầu tôm giống thả nuôi trong năm 2006 là 11 tỉ con, nhưng số lượng chưa qua kiểm dịch vẫn còn trên 50%. Ở Trà Vinh, đầu vụ đến nay có 445 triệu con giống đã thả nuôi, nhưng chỉ có hơn 133 triệu con được kiểm dịch, chiếm chưa đến 30%. Trong số tôm được kiểm dịch đã phát hiện 23 triệu con bị bệnh, phải tiêu hủy…

Khắc phục tình trạng tôm nuôi bị chết trong mùa hạn đang là vấn đề nóng bỏng. Ngành thủy sản các địa phương khuyến cáo người dân nên thận trọng, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà xem nhẹ các khâu kỹ thuật, chọn giống… Theo đó, bà con nên chọn giống ở những cơ sở có uy tín, đăng ký thương hiệu và được kiểm nghiệm chất lượng. Thả tôm với mật độ thưa; xen canh thêm một số loài cá, cua vào vuông nuôi, để vừa có thêm thu nhập, vừa sử dụng được yếu tố thiên địch trong môi trường đồng tôm. Đồng thời, phát quang bụi rậm cho đồng tôm được thông gió, nhằm tăng cường ôxy cho tôm nuôi. Nông dân nên trồng lại lúa, cỏ, năn trên đất nuôi tôm, để chống lão hóa, tăng cường chất hữu cơ cho đất và thức ăn cho tôm...

Đây đó trên các cánh đồng tôm Cà Mau, nhiều phương pháp khắc phục tình trạng tôm chết đã được thực hiện. Ở ấp Láng Cùn, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, bà con nông dân đang ra sức tiếp thu và ứng dụng mô hình nuôi các loại cá giá trị kinh tế cao trong vuông tôm. Ông Phạm Tấn Phong, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Láng Cùn, cho biết: “Mấy năm liền nuôi tôm thất bại, bà con ở đây đã quyết định đẩy con tôm xuống hàng thứ yếu; lấy cá bống tượng, cá chình và cua biển làm thế mạnh kinh tế hàng đầu. Sau hơn một năm thử nghiệm, nhiều người đã giải quyết được khó khăn do tôm chết vào mùa hạn”. Một kết quả thật bất ngờ là khi con tôm đưa xuống làm nguồn thu phụ, thì năng suất lại trúng hơn. Cụ thể như hộ ông Phạm Tấn Phong trước đây mỗi lần thả tôm nuôi tới 20.000-30.000 con giống, trên diện tích 1ha, lại thất trắng. Năm rồi, ông chuyển sang nuôi cua và cá các loại, chỉ thả 2.000-3.000 con tôm và tỷ lệ hao hụt rất thấp. Ông Phong rút ra một kinh nghiệm: Vào trái vụ nên thả tôm thật thưa, có thể chỉ ở mức độ bằng 1/10 so với thời điểm chính vụ. Vì thời điểm này, thời tiết khắc nghiệt, mầm bệnh nhiều. Cũng phương pháp này, một bộ phận nông dân xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước cũng đạt kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Rạng, nông dân ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ phấn khởi: “Nhờ tôi chuyển sang nuôi cá chẽm và cua biển, nên mùa này… cũng đỡ khổ. Vừa rồi tôi thu hoạch 500 con cua biển, vài trăm cá chẽm cộng với tôm thả thưa cũng được vài chục triệu đồng”.

Ở huyện Duyên Hải, vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Trà Vinh, phía Ngân hàng NN&PTNT cũng nhanh chóng đưa ra giải pháp hỗ trợ người nuôi. Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Duyên Hải, cho biết: “Kế hoạch cho vay vốn trong huyện năm 2006 lên đến 300 tỉ đồng, trong đó cho vay phát triển nuôi thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm) chiếm 85%; từ đầu năm đến nay đã giải ngân được 30 tỉ đồng. Trường hợp tôm bị chết, có kiểm tra và xác nhận của cán bộ ngân hàng, thì người dân sẽ được khoanh nợ, gia hạn nợ để tiếp tục được đầu tư. Đầu vụ nuôi, ngân hàng và lãnh đạo địa phương đi tham quan các mô hình hiệu quả ĐBSCL để giới thiệu cho bà con. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi tôm phát triển các mô hình nuôi cá kèo, cua… trong vuông tôm, nhằm tăng lợi nhuận cho người dân”.

Ông Lê Trọng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ chuyên ngành bám sát các vùng nuôi tôm để theo dõi diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi xử lý kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tập trung kiểm nghiệm chất lượng con giống, tránh thiệt hại cho nông dân...”.

TRẦN VŨ-TRẦN PHƯƠNG

 


An Giang: Một xã có diện tích nuôi tôm càng xanh trên 470 ha

Nguồn tin: BCT, 31/3/2006
Ngày cập nhật: 1/4/2006

Với lợi thế tiếp giáp dòng sông Cái Sắn, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, phát triển mô hình “1 vụ lúa - 1 vụ tôm” lên đến hơn 470 ha, trở thành vùng nuôi đặc sản lớn nhất và chiếm 50% diện tích tôm của An Giang. Giữa tháng 3 này, nông dân tranh thủ thu hoạch lúa đông xuân sớm, tiến hành vệ sinh chân ruộng và chuẩn bị thả tôm giống vụ mới 2006. Riêng Hợp tác xã Phú Thuận đã chủ động phối hợp Trạm khuyến nông Thoại Sơn, tổ chức huấn luyện quy trình ương nuôi chất lượng, kỹ thuật chăm sóc và phương pháp pha chế thức ăn.

Năm ngoái, nông dân Phú Thuận thu hoạch tôm trung bình 1 tấn/ha, giá bán dao động 85.000 đến 92.000đ/kg, cho lãi từ 35 đến 42 triệu đồng/ha. Sở NN & PTNT An Giang cũng đã đầu tư trên 2 tỉ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nuôi tôm càng xanh theo quy hoạch.

KIM SARY


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang