• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Các địa phương thả hàng triệu tôm giống ra biển

Nguồn tin: BKH, 31/03/2006
Ngày cập nhật: 31/3/2006

Ngày 30-3, nhân kỷ niệm Ngày nghề cá Việt Nam (1-4), tại cảng Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức thả hơn 1,3 triệu con tôm sú giống ra biển để tái tạo bổ sung đàn tôm giống bố mẹ, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh Ninh Thuận đã tự nguyện đóng góp hơn 850.000 con tôm giống.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 1.190 trại sản xuất tôm sú giống, với công suất mỗi trại khoảng 3-5 triệu con tôm giống 1 tháng tuổi/năm. Năm 2005, sản lượng tôm sú giống của tỉnh đạt hơn 5 tỉ con. Tôm giống Ninh Thuận được đánh giá cao về chất lượng và có uy tín trên thị trường, nhất là thị trường các tỉnh phía Nam.

Cùng ngày, Sở Thủy sản Quảng Ninh cũng đã thả 3 vạn con tôm trắng 1 tháng tuổi ra biển. Đây là năm thứ hai tỉnh Quảng Ninh triển khai hoạt động này và dự kiến sẽ tổ chức thành hoạt động thường niên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

3 tháng đầu năm 2006, tổng sản lượng thuỷ sản của Quảng Ninh ước đạt 11.980 tấn, tăng hơn 16% so cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác đạt 9.416 tấn và sản lượng nuôi trồng là 2.564 tấn.

Theo TTXVN

 


Tuy Phước: Có 4/40 ha nuôi tôm thả trước lịch thời vụ bị mất trắng

Nguồn tin: BD, 30/3/2006
Ngày cập nhật: 31/3/2006

Đến ngày 27-3, huyện Tuy Phước đã đưa vào thả nuôi hơn 320/1.014 ha tôm sú theo mô hình bán thâm canh và quảng canh cải tiến và các loài thủy sản khác theo hình thức nuôi ghép. Đa số nguồn tôm giống đưa vào thả nuôi ở diện tích quảng canh cải tiến không được kiểm dịch. Do ảnh hưởng của môi trường nuôi và thời tiết bất lợi đã có 4/40 ha nuôi tôm thả trước lịch thời vụ ở Cồn Chim, xã Phước Sơn từ 30 đến 51 ngày tuổi đã bị mất trắng 100% giống, số diện tích còn lại mật độ tôm sống chỉ đạt 30 đến 50%.

Khuyến ngư huyện đã phối hợp với xã khuyến cáo bà con tập trung xử lý lại ao nuôi, chuyển phương thức nuôi kết hợp các loài khác như: cá chua, cua, cá phi đơn tính... nhằm hạn chế thiệt hại và phòng chống dịch bệnh.

Văn Thân

 


Hội thảo về nuôi tôm sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn tin: Vasep, 30/3/2006
Ngày cập nhật: 31/3/2006

Nuôi tôm sạch là chủ đề của hội thảo do Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều (OVBC) phối hợp với Trung tâm thương mại Mỹ -Việt tại thành phố Seattle, bang Washington (Hoa Kỳ) vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giới thiệu các biện pháp nuôi tôm công nghiệp tại Mỹ, bảo vệ môi trường và phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn cho tôm.

Ông Trần Văn Nguyên, Việt kiều Mỹ, chuyên gia sinh hoá và là Chủ tịch Công ty STN nói rằng rất lạc quan về khả năng sản xuất tôm tại Việt Nam trong tương lai vì những khám phá mới về tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được các nhà nuôi tôm đưa vào thực hành. Đặc biệt, Việt Nam có khả năng sản xuất tôm 2 vụ/năm hoặc nhiều hơn so với các quốc gia nằm trong vùng ôn đới như tại Hoa Kỳ hoặc các quốc gia Bắc Âu.

Ông Nguyên đã cung cấp những thông tin mới về cách nuôi tôm công nghiệp tại Mỹ hiện nay và hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Việt Nam. Ông cho biết anh Huỳnh Phú Quý, chủ nhân Câu lạc bộ Kỳ Hoà II đã nuôi tôm đạt năng suất 9 tấn/ha/vụ liên tiếp trong 3 vụ. Hiện anh Quý có 6 ao nuôi tại Bình Đại (Bến Tre) và 3 ao tại Kiên Giang trên diện tích 5ha. Với 3 ao mới, anh Quý đang thực hành theo cách nuôi tôm công nghiệp như bố trí ao theo hình dạng bát giác thay vì tứ giác như truyền thống nuôi tôm tại Việt Nam và lót bạt 100% từ ao xử lý, ao lắng, ao nuôi.

Các đại biểu dự hội thảo còn thảo luận các vấn đề về con giống, môi trường nước và thức ăn cho tôm. Đây là những yếu tố chính quyết định đến sự thành công hay thất bại của các nông trại nuôi tôm./.

(TN)


Thành tựu 20 năm và những vấn đề phát triển thủy sản bền vững

Nguồn tin: ND, 30/3/2006
Ngày cập nhật: 31/3/2006

Ngành thủy sản kỷ niệm ngày truyền thống của mình năm nay khi vừa hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2005 và kế hoạch năm năm phát triển kinh tế, xã hội 2001-2005, bước sang kỳ kế hoạch năm năm mới 2006-2010.

Nhìn lại chặng đường sau 20 năm đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo và nhìn tới chặng đường tiếp theo.

Thành tựu to lớn

Cùng với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới 20 năm qua, ngành thủy sản khởi sắc và tăng trưởng liên tục qua từng năm, từng kỳ kế hoạch năm năm.

So với năm 1985, năm 2005 có sản lượng thủy sản tăng 4,24 lần, từ xấp xỉ 808 nghìn tấn tăng lên 3.432.800 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng mạnh hơn 6,22 lần, từ 231.200 tấn lên 1.437.355 tấn. Nếu năm 1985, thủy sản cả nước chỉ vỏn vẹn xuất khẩu được 90 triệu USD, đến năm 2005 con số đó là 2.740 triệu USD, tức là tăng gấp 30,5 lần. Ðưa Việt Nam khá ổn định ở vị trí 10 nước xuất khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới (theo số liệu thống kê của FAO thì năm 2002, Việt Nam xuất khẩu thủy sản với giá trị 2,03 tỷ USD, đứng hàng thứ bảy thế giới sau Trung Quốc, Thái-lan, Na Uy, Hoa Kỳ, Canada, Ðan Mạch). Sự tăng trưởng các mặt trên của ngành đã thu hút được lao động đáng kể, từ 740 nghìn người năm 1985 lên khoảng bốn triệu người những năm vừa qua. Cơ cấu lao động cũng thay đổi rõ rệt. Nếu hơn 20 năm trước, lao động trong ngành thủy sản chỉ tập trung chủ yếu ven biển trong ngành khai thác ven bờ, nay không những chuyển mạnh sang khai thác xa bờ mà số tăng lao động thủy sản còn tập trung trong nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Hàm lượng công nghệ trong lực lượng lao động cũng như cung cách làm ăn theo cơ chế thị trường cũng tăng lên rõ nét.

Công nghiệp chế biến từ co cụm ở một số khu đô thị hoặc khu công nghiệp ít ỏi, bản đồ sản xuất và kinh doanh thủy sản đã trải ra trên địa bàn cả nước. Bức tranh sản xuất, kinh doanh thay đổi, chỉ nói riêng về xuất khẩu thủy sản, đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2005 đã có giá trị xuất khẩu thủy sản, lên đến khoảng 1,7 tỷ USD trên tổng số của cả nước là 2,742 tỷ USD với thế mạnh trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản.

Trong khai thác hải sản, nếu năm 1985 cả nước chỉ có 29.323 tàu, thuyền lắp máy, tổng công suất 494.507 CV (với công suất trung bình một phương tiện 16,9 CV), sau 20 năm, số lượng tàu, thuyền lắp máy là 90.880 đơn vị, với tổng công suất 5.318 nghìn CV (bình quân 58,5 CV một phương tiện); Với số tàu lớn hơn, công suất trung bình tăng mạnh, đội tàu đánh bắt không còn hạn chế ở nghề cá nhỏ ven bờ, thật sự đã vươn ra sản xuất ở khắp các vùng biển xa bờ.

Nuôi trồng thủy sản đã trải qua giai đoạn 20 năm với tốc độ tăng sản lượng nhanh gấp ba lần tăng diện tích. Năng lực khoa học, công nghệ, vốn và sáng tạo trong tổ chức và sản xuất đã góp phần nhất định để có kết quả tăng năng suất như vậy (sản lượng tăng gấp 6,22 lần, trong khi diện tích nuôi tăng 2,63 lần). Sau 20 năm giống tôm nhân tạo đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa với sản lượng khoảng 30 tỷ con giống (P15) một năm, nhiều đối tượng khác đã sản xuất thành công giống nhân tạo, chủ động được con giống phục vụ phát triển nuôi trồng. Hình thức nuôi thâm canh còn mới mẻ trong đầu thập niên 90, nay đã phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt trong sản xuất tôm nguyên liệu, cá tra, basa hàng hóa. Nuôi biển cũng bắt đầu trở thành quen thuộc ở nhiều địa phương, nơi có nhiều eo, vịnh.

Năm 1985 năng lực chế biến công nghiệp chỉ với 72 nhà máy đông lạnh, cấp đông được 381 tấn/ngày, chủ yếu là làm đông khối, xuất nguyên liệu thô, đến năm 2005 cả nước đã có tổng cộng 439 nhà máy đông lạnh với tổng công suất cấp đông 4.262 tấn ngày, chuyển sang sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng bằng các dây chuyền tiên tiến ở mức độ khu vực và thế giới. Hàng thủy sản Việt Nam đã xuất đi 105 thị trường khác nhau, chủ động trong các thị trường chủ yếu Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Về an toàn vệ sinh, hiện đã có 171 doanh nghiệp nằm trong danh sách 1 vào thị trường EU, 300 doanh nghiệp đủ điều kiện vào Hoa Kỳ, 295 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vào Trung Quốc và 251 doanh nghiệp chế biến đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh đối với thị trường Hàn Quốc. Bức tranh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nội địa sau 20 năm đã khác rất nhiều, đặc biệt nó thích ứng từ thị trường phân phối thời kỳ bao cấp sang nhạy bén với cơ chế thị trường, đáp ứng sức mua và thị hiếu ngày một cao. Xuất hiện trên thị trường nhiều mặt hàng nội địa mới với dạng sản phẩm mới từ các nguồn nguyên liệu mới có (thí dụ, từ cá tra, cá basa, một số loài cá biển và hải sản khác...). Ðã có sự gần nhau đáng kể về thị hiếu và an toàn vệ sinh giữa thủy sản xuất khẩu và thủy sản tiêu thụ nội địa.

Thành quả của 20 năm qua thể hiện trong kết quả và tiến bộ của ngành thủy sản là rất đáng kể và khá vững chắc, khiến ngành đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng của đất nước. Thủy sản trở thành một ngành xuất khẩu quan trọng thích ứng dần với các yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa, ngành thu hút nhiều lao động và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và ven biển, ngành có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương và các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Những tồn tại và giải pháp

Chỉ trong hai năm (2000, 2001) diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng từ khoảng 600 nghìn ha lên gần một triệu ha trong cả nước. Phần lớn trong sự gia tăng diện tích này tập trung ở tuyến ven biển phục vụ nuôi tôm xuất khẩu nơi có quan hệ sử dụng nước ngọt, nước mặn khá phức tạp. Xuất hiện các vấn đề về phế thải, dịch bệnh, thuốc, hóa chất sử dụng. Một phần diện tích tăng lên cũng như sự "bùng nổ" số lồng bè nuôi cá thương mại ở dọc theo một số đoạn sông lớn phía nam đã và đang đưa đến dấu hiệu quá tải các loại chất thải ở các sông này. Chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản để bù đắp sự hạn chế khai thác biển là đúng đắn và không còn cách khác. Tuy nhiên thiếu hụt hạ tầng, yếu kém trong quản lý và sự gia tăng tự phát đã đưa đến một khó khăn khác xét trên yêu cầu bền vững về môi trường là: Ðể tránh khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, chúng ta đang đi đến một cực khác: nguy cơ nảy sinh sự suy thoái môi trường và nếu không khéo là xảy ra sự cố môi trường ở một số khu vực. Bản thân những tác động môi trường cũng gây rủi ro cao, làm nghề nuôi không phát triển được. Ðây thật sự là một thách thức lớn.

Sự đòi hỏi phát triển hiệu quả, bền vững đang bị hạn chế bởi các vấn đề về dân trí nông thôn ven biển, những bất cập trong phát triển và áp dụng công nghệ. Một số yếu kém, có thể nói là lạc hậu trong quản lý (lạc hậu so với trình độ phát triển của sản xuất). Yêu cầu phát triển hiệu quả và bền vững cũng đang phải đối mặt với những hạn chế do thấp kém về hạ tầng cơ sở. Ðiều này thấy rõ trong sự loay hoay lâu nay để nâng cấp và mở rộng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong việc chấn chỉnh lại hệ thống sản xuất giống manh mún lâu nay, nhằm hình thành các khu sản xuất cung cấp giống lớn đáp ứng các yêu cầu thương mại, vệ sinh và thú y thủy sản. Dùng thuốc và thức ăn bị động đang là nguy cơ hiện nay làm tăng giá thành sản phẩm và tiềm ẩn khôn lường các rủi ro về thị trường liên quan an toàn thực phẩm.

Mâu thuẫn phát sinh giữa một bên là thực trạng sản xuất manh mún dựa vào kinh tế hộ gia đình là chính, sản xuất bị cắt khúc lâu nay giữa các khâu khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần, còn bên kia là yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng các yêu cầu cao, ổn định và khắt khe của các thị trường xuất khẩu như hiện nay. Mâu thuẫn này đã làm nảy sinh không ít khó khăn thời gian qua.

Thực trạng giá nhiên liệu tăng cao trong những năm qua, đặc biệt riêng trong năm 2005, với ba lần tăng giá dầu diesel dùng cho tàu, thuyền khai thác từ 4.800 đồng/lít lên 7.500 đồng/lít đã tác động khá mạnh với các nghề khai thác hải sản. Với giá vật tư tăng lên trong một số năm qua, việc xây dựng hạ tầng cơ sở hoặc vốn được sử dụng cho đổi mới công nghệ trong ngành thủy sản cũng tăng lên đáng kể. Quốc hội khóa IX kỳ họp cuối năm 2005 đã thông qua Nghị quyết miễn thuế cho bà con ngư dân, Chính phủ cũng đã có các giải pháp hỗ trợ cần thiết. Ðiều đó thể hiện sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với nghề cá và ngư dân ta. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn và lâu dài là: Ðã đến lúc phải tìm ra và lựa chọn các phương án hiệu quả trong đầu tư, trong tổ chức sản xuất, trong công nghệ sản xuất để "sống chung" với xu hướng bất lợi này.

Phát triển sản xuất nhưng đồng thời phải bằng mọi cách giảm thấp nhất rủi ro do thiên tai, bảo đảm tính mạng tài sản ngư dân và dân cư ven biển. Thực hiện được nhiệm vụ này trong khai thác hải sản cần có những nỗ lực trong quản lý phương tiện và người khai thác trên biển, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin tổ chức sản xuất gắn liền với thông báo về thiên tai và tổ chức phòng tránh cứu nạn; xây dựng và sớm đưa sử dụng có hiệu quả các công trình tránh trú bão. Ðối với nuôi trồng, thời gian mùa vụ cần phù hợp với quy hoạch thời tiết trong năm, đê kè chắn sóng cùng với xây dựng công trình nuôi. Ðây là những công việc mà hiện nay ít nhiều còn dang dở.

Những khó khăn tồn tại và những xu hướng khách quan bất lợi nêu trên đang là những thách thức lớn đối với ngành. Chính vì vậy, cho năm nay và cũng là cốt lõi cho kế hoạch năm năm tới, Bộ Thủy sản lấy năm 2006 là năm đột phá về cải cách hành chính và tổ chức lại sản xuất.

TẠ QUANG NGỌC - Bộ trưởng Thủy sản

 


Gần 10% diện tích hồ tôm đã bị dịch bệnh

Nguồn tin: BBD, 30/3/2006
Ngày cập nhật: 30/3/2006

Đến cuối tháng 3-2006, bà con ngư dân các địa phương ở Bình Định đã thả tôm nuôi trên diện tích 934ha mặt nước. Trong đó có 210 ha thả sớm, so với lịch thời vụ. Hiện nay, trên một số diện tích tôm nuôi đã xuất hiện dịch bệnh rải rác khoảng 18 ha.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm và chất lượng tôm giống chưa tốt. Đáng chú ý là mặc dù hiện nay tại 4 huyện, thành phố ven biển của tỉnh đều đã có trạm kiểm dịch tôm giống nhưng số tôm giống được kiểm dịch trước khi thả nuôi chưa cao.

Xuân Nguyên

 


Kiến nghị nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững thị trường cá tra, ba sa

Nguồn tin: BCT, 29/3/2006
Ngày cập nhật: 30/3/2006

Từ năm 2002-2005, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL -Trường Đại học Cần Thơ kết hợp Đại học Stirling (Scotland) đã nghiên cứu về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xu hướng phát triển thị trường của con cá tra và ba sa tại ĐBSCL.

Theo kết quả nghiên cứu này, từ năm 2003 đến nay, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, sản lượng cá tra và ba sa (trong đó chủ yếu là cá tra) đã không ngừng tăng, mức tăng bình quân 32%/năm. Tuy nhiên, mức lợi nhuận đang giảm mạnh. Năm 2003, người nuôi thu lợi nhuận khoảng 2,8 triệu đồng/tấn cá, hiện giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng/tấn do chi phí sản xuất tăng. Sau vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá da trơn ở Mỹ năm 2002, thị trường xuất khẩu cá da trơn của Việt nam hiện đã phát triển ra nhiều nước ở châu Âu, châu Á, thị trường Mỹ cũng đã được khôi phục. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, giá cá ba sa và cá tra luôn bất ổn, biên độ lợi nhuận của cả người nuôi, tiểu thương và nhà chế biến xuất khẩu giảm dần.

Tại hội thảo về nghiên cứu thị trường cá tra, cá ba sa do Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức ngày 28-3-2006, các nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà quản lý ở các tỉnh, thành ĐBSCL đã trao đổi về các giải pháp phát triển bền vững thị trường. Trong đó, các giải pháp cần được chú trọng là: quy hoạch cụ thể lại vùng nguyên liệu; giảm chi phí sản xuất và phát triển các kho dự trữ hàng; xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, giữa doanh nghiệp với nhau; phát huy vai trò của các hiệp hội nghề cá; sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường; chính quyền địa phương tham gia phát triển và kiểm soát chặt thị trường giống và thức ăn công nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin thị trường cấp vùng và cấp tỉnh...

VĂN CÔNG


Từ tháng 4-2006: Kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu tại

Nguồn tin: SGGP, 30/3/2006
Ngày cập nhật: 30/3/2006

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc vừa ký Quyết định 234/QĐ-BTS về việc phê duyệt kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh nguyên liệu thủy sản năm 2006. Trong đó, Bộ Thủy sản xác định, trọng tâm của năm 2006 là nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu trước chế biến tại các tỉnh ĐBSCL, tiến tới mở rộng trên toàn quốc trong những năm sau.

Theo đó, bắt đầu từ đầu tháng 4-2006, bộ sẽ triển khai kế hoạch kiểm soát đối với 100% lô tôm nguyên liệu tiếp nhận tại các cơ sở chế biến tại ĐBSCL. Đồng thời kiểm tra chất lượng tôm nguyên liệu và tạp chất tại tất cả đại lý thu gom, vùng nuôi ở ĐBSCL.

V.PH.

 


Đông Nam bộ: Cá chết hàng loạt, nông dân điêu đứng

Nguồn tin: SGGP, 30/3/2006
Ngày cập nhật: 30/3/2006

Bà con nuôi cá bè trên sông Sài Gòn đang điêu đứng vì hàng trăm tấn cá lăng, điêu hồng chết hàng loạt, gây thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

Trắng tay

Ngày 22-3, nhận được thông tin cá chết, chúng tôi đã khảo sát thực tế tình hình ở những khu vực nuôi cá lồng dọc sông Sài Gòn và được biết cá chết đồng loạt vào thời điểm từ 17 giờ đến 18 giờ ngày 17- 3, chủ yếu là cá điêu hồng, cá lăng và cá chình. Cá ở ngoài sông cũng chết hàng loạt.

Người bị thiệt hại nặng nhất trong vụ cá chết là nông dân Nguyễn Văn Thành, ở khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2006, ông Thành vay tiền đầu tư nuôi 10 bè cá điêu hồng, cá chình và cá lăng. Thế nhưng, khi gần thu hoạch, khoảng 35 tấn cá chết sạch, thiệt hại 770 triệu đồng. Ông Thành buồn bã cho biết: Hàng tháng tôi phải trả lãi ngân hàng hàng chục triệu đồng, sắp tới chưa biết xoay xở cách nào để trả được nợ”.

Tại đây cũng có 20 hộ cùng cảnh ngộ như thế: ông Trương Văn Kiên thiệt hại gần 25 tấn cá, trị giá 670 triệu đồng; ông Trương Văn Dũng thiệt hại 480 triệu đồng; ông Trần Văn Hồng thiệt hại trên 550 triệu đồng; Trần Văn Giá thiệt hại trên 400 triệu đồng; bà Võ Thị Kim Tư, Võ Thị Chiểu, ông Lưu Văn Ngộ… có hàng chục tấn cá bị chết. Tổng số cá đã chết lên tới 193,8 tấn, thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Được biết, ngay khi cá chết, người dân đã báo cáo với cơ quan chức năng để xác minh nguyên nhân cá chết và có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay người dân hàng ngày vẫn nóng lòng chờ đợi mà chưa thấy cơ quan nào trả lời!?

Mong manh cơ hội tái nuôi

Ngày 27- 3, tại khu vực sông Sài Gòn thuộc ấp Bến Tranh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, hàng chục chiếc lồng, cá chết nổi lềnh bềnh trên sông. Ông Trương Văn Dũng bức xúc: “Tiền trả nợ còn không có, lấy đâu mua cá giống nuôi lại, chúng tôi chắc bỏ nghề”. Hiện tại, hàng chục hộ nuôi cá đang điêu đứng và không có cơ hội tái nuôi vì hiện nay số tiền vay nợ quá lớn. Điều đáng nói, ngoài nghề nuôi cá, họ không biết làm nghề gì khác.

Theo đơn kiện của 16 hộ dân gửi UBND tỉnh Bình Dương, nguyên nhân cá chết là do nước thải của Công ty Cao su Dầu Tiếng (thị trấn Dầu Tiếng), Nhà máy Chế biến tinh bột mì Mi-Won Việt Nam (ấp B2 xã Phước Minh). Để chứng minh, bà con dẫn chúng tôi đến con rạch nước đen ngòm nổi váng bốc mùi thối chảy ra sông tại khu vực ấp B2 sát cầu 33 tấn thuộc xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trước đó, họ đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng, Công ty Mi-Won xả nước bẩn độc hại ra sông nhưng không ai giải quyết.

Sau khi nhận được đơn phản ánh của nông dân, ông Lê Hữu Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Dầu Tiếng đã báo cáo sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương để giải quyết những tổn thất cho người dân. Trước mắt, cần xác định có phải Cao su Dầu Tiếng và Mi-Won Việt Nam thải nước có chứa chất độc hại ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm nguồn nước hay không.

QUỐC HÙNG

 


Phú Yên: Triển khai phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi

Nguồn tin: Phú Yên, 27/3/2006
Ngày cập nhật: 29/3/2006

Sở Thủy sản Phú Yên đang triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên diện rộng tại các vùng nuôi thủy sản tập trung trong năm 2006.

Theo đó, Sở Thủy sản yêu cầu: người dân thả nuôi thủy sản phải thực hiện đúng lịch thời vụ của ngành thủy sản hướng dẫn; con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm tra bệnh, nhất là bệnh virus đốm trắng và phải được cấp giấy kiểm dịch của Chi cục BVNL thủy sản.

Khi xảy ra bệnh người nuôi phải đóng ống ao nuôi, không được xả thải nước và xác động vật nuôi ra môi trường xung quanh, đồng thời phải báo ngay với Chi cục BVNL thủy sản và chính quyền địa phương để phối hợp kiểm tra, thu mẫu xét nghiệm bệnh trên động vật thủy sản.

Nếu đối tượng nuôi bị nhiễm bệnh virus (đốm trắng, đầu vàng) và chủ hộ thực hiện tốt các yêu cầu trên, thì Sở Thủy sản hỗ trợ một phần kinh phí để dập dịch.

NGUYÊN LƯU


ĐBSCL: Tôm chết trên diện rộng

Nguồn tin: SGGP, 29/3/2006
Ngày cập nhật: 29/3/2006

Những ngày qua, do ảnh hưởng nắng nóng, một số diện tích tôm sú ở các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại. Tại Cà Mau, có từ 50.000 ha – 100.000 ha tôm bị chết rải rác từ 20% – 40%. Các tỉnh khác cũng xuất hiện tôm chết.

Nông dân ĐBSCL đang vào giai đoạn thả tôm chính vụ, nguồn giống thiếu hụt trầm trọng; nhiều nơi xuất hiện giống kém chất lượng bày bán tràn lan, vượt tầm kiểm soát của ngành chức năng.

Do lượng tôm thiếu hụt khiến 19 nhà máy chế biến thủy sản ở Cà Mau phải giảm công suất chỉ còn 50- 60%.

H.P.L

 


Ngành thủy sản tiếp tục thiếu nguyên liệu

Nguồn tin: NLĐ, 27/3/2006
Ngày cập nhật: 28/3/2006

Theo Bộ Thủy sản, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến hàng thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL vẫn tiếp tục kéo dài. Nhiều doanh nghiệp đã phải giảm 50% công suất chế biến và phải từ chối nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Hiện giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg ở ĐBSCL đã lên đến 160.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 115.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg so với tháng trước. Tương tự, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu cũng đã phải giảm công suất chế biến từ 15%-20%. Dù giá cá tăng cao nhưng các nhà máy vẫn không mua đủ nguyên liệu để chế biến. Hiện tại giá 1 kg cá tra, ba sa đã đạt mức 13.500 đồng - 13.800 đồng/kg, tăng 2.000 đồng - 2.500 đồng/kg so với giữa tháng 1-2006, đang có lợi cho người nuôi.

Theo dự báo của Bộ Thủy sản, tình trạng thiếu nguyên liệu trong chế biến cá ba sa xuất khẩu sẽ được cải thiện trong tháng 4 tới, bởi thời điểm này nhiều người nuôi sẽ vào vụ thu hoạch cá.

G.Hy

 


Hướng đến một mô hình nuôi tôm bền vững

Nguồn tin: BD, 27/3/2006
Ngày cập nhật: 28/3/2006

Nghề nuôi tôm ở tỉnh Bình Định đã qua thời "hoàng kim" (từ năm 1998-2000), và gần 5 năm trở lại đây bị lâm vào tình cảnh khó khăn vì tình trạng dịch bệnh tôm ngày một gia tăng, do một thời gian dài phát triển tự phát, thiếu sự quy hoạch đồng bộ. Để vực dậy nghề nuôi tôm, ngành Thủy sản tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nuôi tôm bền vững.

* Hạn chế đủ điều

Nhìn chung, hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm ở Bình Định những năm gần đây giảm nhiều so với các năm trước. Nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ nặng, một số hộ rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất vì liên tục nhiều vụ phải đầu tư nhiều nhưng thu hoạch ít. Nếu như năm 2000, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 200 ha tôm nuôi bị dịch bệnh, thì năm 2005 con số này đã lên đến 1.000 ha, dẫn đến tình trạng các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định chỉ hoạt động chừng 40% công suất vì thiếu tôm nguyên liệu.

Nguyên nhân dẫn đến gia tăng dịch bệnh tôm là do trình độ của người nuôi còn thấp; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; công tác quy hoạch và quản lý chưa theo kịp yêu cầu phát triển của việc nuôi tôm… Theo phân tích của Sở Thủy sản, những vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở tỉnh Bình Định từ trước đến nay chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi. Nguồn nước ngọt cung cấp cho việc nuôi tôm lâu nay phần lớn là nguồn nước thừa trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… vì các vùng nuôi tôm trong tỉnh chưa có hệ thống thủy lợi riêng. Đơn cử như vùng Huỳnh Giảng (Phước Hòa - Tuy Phước), cả khu vực rộng lớn với hơn 300 ha ao nuôi tôm nhưng chỉ có 2 cổng để lấy nước ra vào, mỗi cổng rộng chừng 20 mét. Trong khi đó, phần lớn những người nuôi tôm ở đây đều chuyển từ làm ruộng sang, nên kiến thức và kinh nghiệm nuôi còn nhiều hạn chế. Nhiều hộ thả nuôi không theo mùa vụ, mật độ nuôi quá cao so với khả năng và trình độ quản lý, không kiểm dịch con giống, sử dụng thuốc, hóa chất còn tùy tiện... Khi tôm bị bệnh họ vô tư xả nước ra ngoài không cần xử lý, làm phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Bởi vậy, khu vực này chỉ cần một hồ tôm bị bệnh thì nhanh chóng lây lan sang các hồ khác. Tuy biết rõ nguyên nhân nhưng chưa có biện pháp khắc phục nên ở khu vực này liên tục xảy ra dịch bệnh tôm nuôi, nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh cùng cực.

Bên cạnh đó, nguồn tôm giống ở Bình Định phần lớn cũng kém chất lượng. Toàn tỉnh với hơn 2.500 ha diện tích nuôi tôm, nhưng đến nay vẫn chưa có trại sản xuất con giống tập trung, có quy mô lớn, mà chủ yếu là các trại nhỏ lẻ. Hơn nữa, việc kiểm tra chất lượng con giống cũng chưa chặt chẽ, lượng tôm thả nuôi đã qua kiểm dịch chỉ đạt chừng 30%. Một nguyên nhân quan trọng nữa là thời gian qua, việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm cũng chưa được thực hiện nghiêm túc…

* Hướng đến phát triển bền vững

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, vấn đề đặt ra đối với ngành Thủy sản là cần tăng cường công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, điều kiện nuôi, đối tượng nuôi, sản xuất con giống, hoạt động kinh doanh thuốc thú y thủy sản… chặt chẽ và hiệu quả hơn. Một số dự án, khu nuôi tôm công nghiệp tập trung, có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng… đã đem lại hiệu quả cao, như: dự án nuôi tôm Công Lương (Hoài Mỹ - Hoài Nhơn), dự án nuôi tôm trên cát (Phù Mỹ), dự án nuôi tôm Cát Hải (Phù Cát)… với năng suất tôm nuôi bình quân đạt 4-5 tấn/ha/vụ đã cho thấy điều đó. Ngoài ra, để góp phần cải tạo môi trường nuôi, ngành Thủy sản cần tích cực hỗ trợ người nuôi tôm ở các vùng nuôi có môi trường nước bị ô nhiễm nặng chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác. Ông Hồ Phước Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh cho biết: "Việc triển khai nuôi các đối tượng khác này nhằm mục đích cải tạo môi trường nuôi, bởi các đối tượng nuôi mới này sẽ ăn thức ăn thừa, chất thải của tôm và những vi sinh vật phù du, làm sạch nguồn nước. Để hạn chế tình trạng dịch bệnh tôm xảy ra, hiện nay chúng tôi đã có kế hoạch nhân rộng các mô hình này".

Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản từ nay đến năm 2010 của ngành Thủy sản tỉnh, vấn đề tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng thủy lợi ở các vùng nuôi tôm rất được quan tâm. Trước hết là vùng Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ); Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước); Tam Quan Bắc, Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn)… Việc nuôi tôm bền vững bằng cách nuôi 1 vụ/năm, theo hướng quảng canh cải tiến, nuôi xen với các đối tượng thủy sản khác cũng được tăng cường khuyến cáo. Các phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể và phù hợp cho từng vùng nuôi, từng đối tượng nuôi được triển khai song song với công tác tập huấn cho người nuôi tôm về cách phòng ngừa những loại bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi, kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý cộng đồng vùng nuôi. Các biện pháp quản lý nhà nước về sản xuất tôm giống, kiểm dịch tôm giống, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản… được chú trọng hơn.

Bà Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Thủy sản: Chủ trương của ngành Thủy sản tỉnh trong thời gian đến sẽ phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bằng cách phát triển sản xuất đi đôi với việc phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường các vùng nước. Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành chỉ thị khuyến cáo chỉ nên nuôi 1 vụ tôm/năm; thời gian còn lại nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế để giảm áp lực suy thoái môi trường. Đối với những vùng chưa đủ điều kiện, dịch bệnh xảy ra nhiều sẽ chuyển sang nuôi các đối tượng khác như cua, cá rô phi đơn tính, cá chua, hàu…

Ngọc Thái


Có 15 chi hội nuôi tôm đang hoạt động

Nguồn tin: BĐ, 28/3/2006
Ngày cập nhật: 28/3/2006

Mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày một gia tăng, nguyên nhân chính là do môi trường nuôi ngày một ô nhiễm nặng, tính cộng đồng của người nuôi tôm còn thấp.

Để góp phần cải tạo môi trường nuôi, hạn chế tình trạng dịch bệnh tôm phát sinh trên diện rộng, từ năm 2002 Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã vận động những người nuôi tôm trong cùng một vùng, một khu vực thành lập chi hội nuôi tôm. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 15 chi hội được chính quyền địa phương ra quyết định thành lập và 12 chi hội đang tiến hành các thủ tục, dự kiến sẽ được thành lập trong năm nay.

Được biết, trung bình mỗi chi hội có từ 10-15 hộ nuôi tôm trong cùng khu vực, các thành viên phải tuân thủ quy chế hoạt động của chi hội mình như: không được thải chất thải ra hệ thống kênh mương chung; trao đổi thông tin, kiến thức trong việc nuôi tôm và hỗ trợ lẫn nhau trong lúc xảy ra dịch bệnh…

N.T

 


Thiếu, thừa nguyên liệu ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

Nguồn tin: SGGP, 27/3/2006
Ngày cập nhật: 28/3/2006

 


Tuy An (Phú Yên): Bỏ trống 150 ha nuôi tôm sú vì hết vốn

Nguồn tin: BPY, 27/03/2006
Ngày cập nhật: 27/3/2006

Đến nay, toàn huyện Tuy An chỉ mới đưa vào thả nuôi được 250 ha trong tổng diện tích khoảng 400ha nuôi tôm sú của huyện. Phần diện tích còn lại bà con bỏ trống vì không còn vốn đầu tư sau những thất bát liên tục của các vụ nuôi gần đây. Số diện tích nuôi tôm bị bỏ trống tập trung nhiều nhất ở các xã An Cư, An Ninh Đông, An Hiệp.

Ngoài ra, thân đỏ - đốm trắng đã bắt đầu xuất hiện trên 8 ha tôm nuôi đã được 2 đến 2, 5 tháng tuổi tại các khu vực nuôi tôm thuộc 2 xã An Ninh Đông và An Cư. Riêng 5 hồ có tổng diện tích 2,5 ha tại xã An Cư, do áp dụng hình thức nuôi tôm trên hồ hở nên không thể xử lý được tình trạng bệnh thân đỏ đốm trắng, bà con đành chấp nhận thu hoạch để bán tôm non.

KHẮC NHO


Nghề khai thác tôm hùm con - Những điều kỳ thú

Nguồn tin: Ninh Thuận, 27/03/2006
Ngày cập nhật: 27/3/2006

Cho đến nay chưa có ai nuôi tạo ra được tôm hùm giống. Thế nên, cùng với sự phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng là nghề khai thác tôm hùm con từ biển. Và do trong những năm gần đây, nhu cầu nuôi tôm hùm lồng ngày càng tăng mạnh, nên bà con ngư dân càng tìm thêm cách khai thác để cung cấp lượng tôm hùm giống cho các hộ nuôi. Trong đó có 3 cách, gọi là nghề khai thác tôm hùm con đem lại hiệu quả cao.

Nghề thứ nhất là dành cho ngư dân có ghe thuyền, máy móc, đèn điện trang bị sẵn. Người ta chỉ sắm thêm một giàn lưới gọi là mành mùng (do mắt lưới nhỏ chừng 1 ly, không lớn hơn lỗ mùng) trị giá trên chục triệu đồng. Chủ ghe kêu thêm từ bốn đến năm lao động, chủ yếu là anh em bà con trong nhà cho đủ lực lượng, chờ đêm đến có mặt ngoài biển khơi neo lại một vị trí nhất định chong điện lên. Thấy ánh sáng, tôm hùm con tụ tập lại cùng với các loại cá, mọi người dùng mành mùng bắt kéo lên. Nghề này có ưu thế là không cần thuyền lớn.

Nghề thứ hai, dành cho ngư dân thạo bơi lặn. Họ chỉ cần trang bị một bộ đồ lặn với giá khoảng 1,5 triệu đồng. Hằng ngày vào lúc mặt trời vừa ló dạng lặn xuống những rạn san hô, quan sát tìm kiếm tôm hùm con nằm trong hốc, khe. Vùng biển từ Phú Yên trở vào Bình Thuận có nhiều dải san hô, là ngư trường rộng lớn để họ khai thác. Tuy nhiên dân lặn chỉ có khả năng xuống độ sâu nhất là sáu đến bảy sải tay mà thôi, vì ở nơi sâu hơn thể lực con người không chịu nổi áp lực của nước biển. Thợ lặn tôm thường ở độ từ 17 đến 30 tuổi, sức chịu lạnh giỏi. Họ đi thành từng nhóm từ 4 đến 8 người, được chủ ghe chở tới một vùng rạn nào đó được dự đoán là có tôm hùm con nhiều. Chủ ghe cho mỗi người ngậm một ống hơi dài, nối từ ghe xuống đáy rạn. Số tôm bắt được chia theo tỷ lệ 6/4 (thợ lặn 6, chủ ghe 4). Từ khi có nghề khai thác tôm hùm con theo cách này đã hạn chế được tình trạng dùng thuốc nổ làm hủy hoại đến môi trường biển.

Nghề thứ ba, dành cho những ngư dân không biết lặn và cũng không có thuyền nghề, lực lượng này chiếm khá đông. Mỗi người cần khoảng ba triệu đồng trang bị một chiếc thúng chai, đường kính khoảng hai mét cùng với những dây bông giũ. Mỗi dây bông giũ dài khoảng một trăm mét được làm từ lưới cũ. Người ta dùng loại cũ phế thải, đem cắt ra từng khúc ngắn rồi cột thắt mỗi khúc lại sao cho một đầu túm, một đầu bung dày ra, tựa như một bông hoa cúc đại đóa. Từng đóa bông lưới này được kết nối liên tiếp với nhau, cách nhau khoảng một mét và sau đó được đem thả thành hàng xuống biển. Cứ khoảng một, hai ngày người ta vớt lên lần lượt giũ từng bông vào chiếc thúng bơi. Tôm hùm con nương bám vào bông lưới rớt xuống sẽ được đựng vào trong lọ nước cẩn thận cho khỏi chết, khỏi bị yếu. Tôm yếu có dấu hiệu đỏ mình, lờ đờ, giá không còn bao nhiêu.

Cách khai thác này người ta thường gọi là nghề giũ bông. Tuy mới ra đời sau nhưng lại phát triển nhanh. Ở tỉnh ta chỉ trong vài năm nay đã có rất nhiều người tham gia làm nghề này. Bởi thế dọc theo biển, cách bờ khoảng 10 đến 50m hầu như bông lưới được ngư dân thả quanh năm suốt tháng.

Theo nhiều ngư dân, thật bất ngờ thú vị khi biết rằng một nghề đang phát triển rộng như vậy lại khởi nguồn từ một cậu bé 12 tuổi với tấm vải mục. Một buổi chiều ra rạn san hô, cậu ta đưa tay giở một tấm vải mục chặn trước hốc đá ra để tìm ốc bắt, bất chợt thấy có những con tôm bám vào đó rơi xuống. Nhờ tôm có giá nên cậu bé có một món tiền khá lớn mà không tốn chút công sức nào. Thế là sau đó nhiều người biết được liền nghĩ ra rằng cần phải dùng những chùm lưới cũ thả xuống biển cho tôm hùm con nương vào đó để bắt. Từ đó phát triển thành nghề như hiện nay.

Mấy ai là không bất ngờ khi mới nghe qua về giá của những con tôm hùm con. Một con tôm bé tí tẹo dài chừng 2cm lại có giá từ 120.000 -150.000 đồng (tương đương với 1,5 kg tôm sú loại 1). Giá tiền này dành cho loại tôm sao (hay gọi là tôm hoa), còn loại tôm định giá thấp hơn từ 33.000 - 35.000 đồng/con. Người ta phân biệt tôm sao và tôm đinh bằng cách dựa vào những đặc điểm riêng của chúng, nhưng phải quen mắt mới khỏi lẫn lộn. Ở tôm sao, toàn bộ hai sợi râu mỏng như hai dây kim có màu trắng sữa, đôi mắt có màu cà phê, và có một sọc đi từ cổ xuống sống lưng, không có vạch chắn ngang, tôm Đinh có hai cọng râu nhỏ hơn (chỉ bằng 70% râu tôm sao) màu sữa chỉ chiếm một phần, có đôi mắt màu đen, trên lưng có vạch ngang.

Ngoài hai loại tôm trên, còn có một loại có tên là tôm Tề Thiên, không có giá trị. Tôm này có sợi râu dài gấp hai tôm đinh, toàn thể các đốt của hai sợi râu không mang một màu đồng nhất, mà 12 đốt trắng, đốt đen kề nhau nối tiếp.

Tôm con sau khi đem vào bờ được bán cho những người chuyên thu gom. Sau khi mua họ cho vào hồ nuôi lại, chừng tuần sau bán lại cho các hộ nuôi lồng kiếm lời mỗi con trên chục ngàn. Nếu bán liền thì lời mỗi con 2.000 đồng.

Nhờ có giá trị cao nên người hành nghề khai thác tôm hùm con có thu nhập hết sức khả quan. Nếu như những nghề khác như Giã cào, giã chụp trong một đêm hoạt động chi phí nhiều phải khai thác hàng tấn cá mới có lãi, thì với lưới mùng tôm chỉ cần bắt được 10 con là đã quá vốn quá lời. Nhưng số tôm con mỗi chủ ghe lưới mùng bắt được một đêm không phải vậy, thường là vài chục con trở lên. Có nhiều ghe lắm khi mỗi đêm bắt trên trăm con kiếm vài chục triệu đồng. Đối với thành phần thợ lặn, mỗi buổi chỉ cần bắt được một con sao hay vài con đinh là đã có trong tay hơn trăm ngàn. Nhờ ở tính chủ động tìm kiếm nên thường ngày mỗi thợ lặn đều bắt được cho mình ít nhất cũng vài con, trừ những hôm biển đục nước không thể thấy. Đối với dân làm nghề giũ bông, người ta không ngại biển đục hay không, trừ những ngày gió lớn, nên sự thu nhập có phần đều đặn hơn. Trong mỗi buổi sáng giũ bông đều bắt được tôm, lắm khi gặp ngày may bắt được từ 5 đến 10 con tôm sao. Như mới đây, anh Nguyễn Phước ở KP 3 (Đông Hải) trong một lần giũ bắt được 15 con tôm sao và con tôm đinh, thu trên 2 triệu đồng; anh Nguyễn Định, KP8 chí sau 5 ngày kiếm trên 60 con bán trên 8 triệu đồng. Ông Trần Bốn, KP7 sau hàng chục năm hành nghề lưới quét, lưới màng vẫn với căn nhà xập xệ, nhờ nhạy bén chuyển qua nghề mành mùng, chưa đầy nửa năm đã xây nhà mới, mua xe máy, ghe mới, anh Phùng Ly, KP8 trong năm 2005, nhờ lưới mùng tôm đã có thu nhập trên năm mươi triệu đồng. Anh Nguyễn Bé, KP2, từ chỗ không có gì, nhờ nghề lặn tôm, sau chưa đầy 5 năm khai thác anh đã có tài sản trên 100 triệu, xây nhà cửa, sắm ghe thuyền, máy móc đầy đủ…

Ngoài việc đem lại lợi nhuận kinh tế, những nghề khai thác tôm hùm con đã mang lại sự cải thiện môi trường biển đáng kể. Nếu nghề lặn tôm xóa bỏ nạn dùng chất nổ khai thác cá, phá rạn san hô, thì nghề giũ bông lại là sự tạo điều khiện tốt cho các loại cá phát triển. Người ta thả các bông lưới xuống biển, vô tình đã tạo ra vô số nhà bè, khiến cho cá vào khơi xa vào nắp bóng sinh trưởng ngày càng nhiều.

Có ý kiến cho rằng, nếu khai thác tôm hùm con như vậy sẽ làm cho loài này tuyệt chủng? Điều đó mới nghe qua có lý, nhưng thật ra, theo kinh nghiệm của ngư dân, tôm hùm con sau khi được sinh ra, nếu không ai đánh bắt thì đa phần chúng cũng như phù du làm mồi cho đàn cá lớn nhỏ.Chỉ một phần ít ỏi lớn lên trong các hốc rạn san hô ven bờ thì xưa nay chưa bao giờ đẻ. Nguồn tôm hùm con có được là xuất phát từ các mé nước thuộc các dòng hải lưu đưa vào. Do đâu tôm con lại có ở các mé nước ấy? Nhiều người giải thích rằng nơi khơi xa nhờ hội đủ điều kiện về độ ẩm, độ sâu, độ nén của nước thích hợp nên tôm hùm mẹ đẻ được. Điều đó cần được sự trả lời của các nhà chuyên môn, nhưng rõ ràng thực tế tôm hùm con xuất phát từ các mé nước khơi áp vào bờ. Và với các cách khai thác tôm hùm con như trên, ngư dân đã biến…phù du từ biển thành vàng.

Huỳnh Chơn Sơn,Báo Ninh Thuận

 


ĐBSCL: giá cá tra đứng, dân vẫn thả nuôi

Nguồn tin: TT, 27/03/2006
Ngày cập nhật: 27/3/2006

 


Giá nghêu tăng... 15 lần

Nguồn tin: TT, 26/03/2006
Ngày cập nhật: 27/3/2006

Giá nghêu đã tăng 4.000-6.000 đồng/kg so với cách nay hai tháng. Tại TP.HCM, giá nghêu bán lẻ cho người tiêu dùng là 22.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Cảnh - trưởng Phòng kinh tế huyện Cần Giờ - cho biết đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay, tính ra giá bán tại sân nghêu tăng gấp...15 lần so với cách nay ba năm.

Theo ông Cảnh, nhu cầu nghêu thịt xuất khẩu ngày càng tăng và tiêu thụ nghêu tại thị trường nội địa cũng tăng mạnh, trong khi nguồn cung không tăng là những yếu tố chính tác động đến giá nghêu.

H.ĐĂNG


Cà Mau: Sản lượng chế biến tôm giảm 17%

Nguồn tin: BCT, 27/3/2006
Ngày cập nhật: 27/3/2006

 


Trại sản xuất tôm sú giống đóng cửa hàng loạt

Nguồn tin: BKH, 25/03/2006
Ngày cập nhật: 26/3/2006

Ế ẩm và giá bán thấp đã khiến hàng loạt trại sản xuất tôm sú giống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đóng cửa. Theo thống kê của ngành Thủy sản, hiện chỉ còn khoảng 350 trại tại Cam Ranh và Ninh Hòa duy trì hoạt động ở mức cầm chừng. Đến cuối tháng 3, lượng tôm sú giống được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm dịch xuất bán trên 500 triệu con, chỉ bằng khoảng 40% các năm trước.

NGUYỄN HUÂN


Có nên nuôi tôm rải vụ?

Nguồn tin: TBKTSG, 23/3/2006
Ngày cập nhật: 26/3/2006

Do khan hiếm tôm nguyên liệu từ Tết Nguyên đán đến nay, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL đã lên tiếng nhờ các nhà khoa học cùng hỗ trợ nông dân triển khai nuôi tôm rải vụ.

Nuôi tôm rải vụ là cách nuôi thả con giống vào nhiều thời điểm khác nhau giúp người nuôi có thể thu hoạch trong suốt cả năm.

Bức xúc nguyên liệu!

Những ngày qua, bình quân mỗi ngày Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú (Cà Mau) thu mua được không quá 40 tấn tôm nguyên liệu, trong khi lúc cao điểm có thể mua được 80 tấn/ngày. Còn theo ông Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng), lượng tôm thu mua chỉ đạt từ 6-7 tấn/ngày, giảm rất nhiều so với trước đây. Thiếu nguyên liệu cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL hiện nay khiến nhiều nhà máy chỉ hoạt động dưới 40% công suất.

“Đó là điều bình thường theo đúng quy luật hàng năm”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khẳng định. Theo ông, hàng năm vào thời điểm này, tôm nguyên liệu đều rất khan hiếm do nông dân chưa vào vụ thu hoạch. “Hai tháng đầu năm, nông dân chỉ tập trung nạo vét, chuẩn bị ao nuôi cho vụ tới”, ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết. Và theo ông, nguồn nguyên liệu mà các doanh nghiệp thu mua được hiện nay chủ yếu là từ các ao nuôi quảng canh (thu hoạch bằng cách xổ nước hai lần/tháng) hoặc đánh bắt xa bờ.

Do ngay từ cuối vụ thu hoạch trước, Công ty Út Xi đã trữ khoảng 1.200 tấn tôm nguyên liệu nên có thể hoạt động cầm chừng chờ vụ thu hoạch tới, chừng hơn một tháng nữa. Tuy nhiên, theo ông Lực, cũng không có nhiều doanh nghiệp trữ tôm nguyên liệu vì sợ giá cả biến động, kho lạnh không đáp ứng được... Nhất là hồi cuối năm 2005, một số chuyên gia quốc tế đã dự đoán tôm có thể giảm giá trong năm nay. Để khắc phục tình trạng “đánh đố” với nguyên liệu, theo ông Lực, các nhà khoa học cần phối hợp, giúp nông dân triển khai việc nuôi tôm rải vụ. Nuôi tôm rải vụ giúp nông dân thoát được áp lực dôi dư nguyên liệu, khiến giá rớt mỗi khi thu hoạch rộ. Và cũng nhờ đó đảm bảo ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Đồng thời, nông dân còn tránh được những cơn sốt khan hiếm tôm giống gây tăng giá đột biến, chất lượng không đảm bảo vì áp lực từ nguồn cung quá lớn mỗi khi các tỉnh ĐBSCL đồng loạt thả nuôi...

Mạo hiểm?

“Nghề nuôi tôm là một nghề “khoa học”, không thể muốn gì... được đó”, thạc sĩ Hồ Mỹ Hạnh, phụ trách kỹ thuật tại Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ nuôi thủy sản ĐBSCL, cho biết. Theo bà, cho đến giờ chưa có cơ quan nào đứng ra nghiên cứu về vấn đề này dù nông dân một số tỉnh đã thử nghiệm. “Ở Sóc Trăng vừa qua, tỷ lệ nuôi tôm rải vụ thành công thấp hơn rất nhiều so với những hộ thất bại”, bà nói. Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ), cũng nói rằng nuôi tôm theo vụ mùa vẫn là điều cần khuyến cáo.

Tiến sĩ Phương cho rằng nuôi tôm phải căn cứ vào kỹ thuật và thị trường, nhưng hiện nay kỹ thuật vẫn là yếu tố quyết định. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố chi phối đến mức độ thành công như thời tiết, con giống, môi trường... Thông thường, như đối với mô hình lúa - tôm, nông dân thả tôm vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Đến độ tháng 7-8, nông dân bắt tay vào vụ lúa ngay trên vuông tôm. Cây lúa sẽ góp phần xử lý môi trường sau vụ tôm. Quy luật thời tiết cũng khá phù hợp với cách làm này khi độ mặn tăng dần vào mùa khô, bắt đầu lúc nông dân thả tôm giống và “đội trần” khi đến thời điểm thu hoạch tôm, để rồi sau đó độ mặn giảm dần vào mùa mưa giúp cây lúa phát triển tốt trên vuông tôm. Nếu nuôi tôm rải vụ, đồng nghĩa với việc phải mất ngay vụ lúa trong năm.

Tiến sĩ Phương cho rằng phải hết sức cân nhắc chuyện nuôi tôm rải vụ vì rải vụ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cũng tăng rủi ro cho nông dân. Theo quy luật nhiều năm qua, vào mùa mưa - độ mặn thấp, cũng là lúc dịch bệnh hoành hành. Bà Hạnh thì nói đơn giản: “Nuôi tôm rải vụ vẫn có thể có năm thành công, nhưng trước hết, nông dân buộc phải đối đầu với thời tiết”.

Từ đầu năm 2006 đến nay, vùng ĐBSCL có trên 100.000 héc ta nuôi tôm bị thiệt hại. Ngoài chất lượng tôm giống, môi trường thì ngành thủy sản vẫn coi nguyên nhân không kém phần quan trọng là thời tiết thất thường. Và ngẫu nhiên, khi kết quả kiểm tra tôm giống nhiều năm qua tại trường Đại học Cần Thơ lại cho thấy tỷ lệ tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng... khá thấp vào thời điểm đầu vụ. “Tại các nước có nghề nuôi tôm lâu đời như Thái Lan, Bangladesh... vẫn chỉ nuôi tôm vào vụ chính”- bà Phương khẳng định. Theo ong, họ không dám mạo hiểm vì đã nhiều lần phải trả giá cho việc nuôi và khai thác triệt để mà không tính đến yếu tố môi trường.

Hồ Hùng

 


Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống

Nguồn tin: ND, 25/3/2006
Ngày cập nhật: 26/3/2006

Mặc dù chưa bước vào thời điểm nuôi tôm chính vụ, nhưng tại các tỉnh ven biển, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã xảy ra tình trạng tôm nuôi bị chết. Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi bị chết khoảng 100 nghìn ha, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa kiểm soát được chất lượng tôm giống.

Vụ nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản) cho biết, tình trạng tôm nuôi bị chết chủ yếu do các nguyên nhân: Thả nuôi không đúng thời vụ vì người dân có tâm lý thả tôm sớm sẽ thu hoạch sớm và bán được giá cao; người nuôi tôm không tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi tôm như cải tạo ao, đầm, hệ thống cấp, thoát nước; chất lượng tôm giống kém, chưa kiểm soát được tình trạng nhập tôm giống từ các địa phương; việc chỉ đạo sản xuất, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm tại các địa phương chưa chặt chẽ. Năm 2005, diện tích nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu đạt 112.000 ha, cần đến 11 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên, 112 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tôm giống. Lượng tôm giống còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh miền trung. Năm 2005, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh xét nghiệm 2.326 mẫu tôm giống thì phát hiện gần 50% số mẫu kém chất lượng; trong đó có 941 mẫu nhiễm MBV (bệnh còi), 184 mẫu nhiễm vi-rút đốm trắng. Thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm tra 1.489 phương tiện vận chuyển gần một tỷ con tôm giống nhập vào tỉnh, phát hiện 123 phương tiện vi phạm, với lượng con giống kém chất lượng lên đến hàng triệu con. Từ đầu vụ đến nay, tỉnh Trà Vinh có 6.400 hộ thả nuôi với 338 triệu con tôm giống trên diện tích 9.337 ha. Nhưng ngành chỉ mới kiểm dịch được 66,1 triệu con giống sản xuất tại địa phương và 17 triệu con giống nhập. Năm 2006, nhu cầu tôm giống của Trà Vinh khoảng ba tỷ con, trong khi hơn 110 trại sản xuất giống trong tỉnh mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các nơi khác về. Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau Phạm Văn Ðức, nhận định: Năm 2006, nông dân trong tỉnh thả nuôi 240.000 ha, cần 11 tỷ con tôm giống, phần lớn phải nhập từ các tỉnh. Nếu như các năm trước, tỷ lệ tôm giống kém chất lượng chiếm 70-80% lượng tôm giống thả nuôi, thì nay giảm xuống còn 50%, vẫn ở mức đáng lo ngại.

Từ nhiều năm nay, giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, chủ yếu là từ tôm nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi tôm hằng năm thường gặp khó khăn, nhất là đầu vụ luôn thiếu tôm giống, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán tôm giống. Ở nhiều địa phương, do không kiểm soát được chất lượng tôm giống, nên người dân mua phải tôm giống nhiễm bệnh, gây thiệt hại đáng kể. Bài học rút ra từ các năm trước cho thấy, việc quản lý chất lượng tôm giống tại nơi sản xuất, trên đường lưu thông, đến nơi tiêu thụ sẽ quyết định đến an toàn dịch bệnh tôm nuôi. Việc nuôi tôm liên tục hai, ba vụ/năm dẫn đến mùa khô không đủ nguồn nước cấp, nhiệt độ trong ao nuôi tôm biến đổi lớn làm cho tôm nuôi bị chết hàng loạt. Việc nuôi tôm liên tục trên một diện tích đã làm môi trường vùng nuôi nhanh chóng bị ô nhiễm, phát sinh mầm bệnh gây hại cho tôm nuôi. Nhiều nơi khi tôm nuôi vừa chết do nhiễm bệnh đã tiến hành thả tôm giống ngay, không có thời gian xử lý tiêu trùng.

Chủ động phòng, tránh dịch bệnh xảy ra trong vụ nuôi tôm, ngay từ đầu năm, Bộ Thủy sản đã chỉ đạo các sở thủy sản tăng cường kiểm soát chất lượng tôm giống, khuyến cáo nông dân chỉ nên nuôi một vụ tôm trong năm. Vụ còn lại có thể luân canh như cấy lúa hoặc nuôi các đối tượng thủy sản khác nhằm làm sạch môi trường ao, đầm nuôi thủy sản, có thời gian ngắt vụ để diệt mầm bệnh. Năm 2005, ngành thủy sản và chính quyền các địa phương đã tích cực tập trung chỉ đạo thời vụ nuôi tôm, môi trường vùng nuôi, kiểm soát chất lượng tôm giống, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất diện tích tôm nuôi bị chết.

Thứ trưởng Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho biết: Việc nuôi tôm có tính chất mùa vụ, thời điểm cần thả giống tương đối tập trung nên việc sản xuất và cung ứng tôm giống gặp nhiều khó khăn khi các địa phương chưa chủ động được nguồn tôm bố, mẹ, mà còn phụ thuộc khai thác tự nhiên hoặc phải nhập khẩu tôm bố, mẹ. Phần lớn tôm bố, mẹ đưa vào sản xuất không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch, bị khai thác triệt để mà chưa có biện pháp quản lý số lần sinh sản của tôm bố, mẹ. Chất lượng tôm giống chưa bảo đảm do chưa kiểm soát chặt chẽ điều kiện sản xuất giống theo tiêu chuẩn ngành. Các cơ sở chưa thực hiện công bố chất lượng giống, chưa có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch tại nơi sản xuất. Sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp tại một số địa phương chưa chặt chẽ, khi cấp huyện không cho thả tôm thì cấp xã lại cho thả tôm giống, tạo điều kiện cho người bán tôm giống đến tiêu thụ...

Ðể vụ nuôi tôm năm nay thắng lợi, hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm ngành thủy sản, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp như: Kiên quyết không cho người dân thả tôm không đúng thời vụ; tăng cường công tác khuyến ngư như tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng bệnh tôm; bảo đảm lượng tôm giống sạch bệnh, kịp thời vụ, giá hợp lý; công tác quản lý nuôi tôm như mùa, vụ, kế hoạch, nhu cầu con giống phải được quan tâm ngay từ đầu vụ; việc sản xuất tôm giống phải được quản lý chặt chẽ, cần đưa các cơ sở sản xuất tôm giống vào khu sản xuất tập trung để kiểm soát chất lượng tôm giống trước khi đưa đến nơi tiêu thụ; các hộ sản xuất cần được tổ chức thành các tổ, nhóm, hiệp hội sản xuất giống và nuôi để thực hiện quản lý cộng đồng có trách nhiệm, giữ cho môi trường nuôi bền vững, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thông qua các hội nghề nghiệp, đội sản xuất, khuyến ngư cơ sở tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ tôm giống chất lượng cao với các địa phương nuôi tôm để phân phối chỉ tiêu, có kế hoạch chuẩn bị, sản xuất giống có trách nhiệm và tiêu thụ được sản phẩm; các địa phương cần củng cố, xây dựng hệ thống chi cục bảo vệ nguồn lợi, chi cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản có đủ năng lực thực hiện kiểm soát chất lượng tôm giống.

TẠ QUANG DŨNG

 


Sóc Trăng: Actermia chết trên diện rộng

Nguồn tin: SGGP, 24/3/2006
Ngày cập nhật: 25/3/2006

Huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi duy nhất nuôi Actermia (một loài vi sinh vật dùng làm thức ăn cho tôm sú giống, cá cảnh quý ...) ở ĐBSCL đã thả nuôi được 190ha, giảm khoảng 160ha so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại là hiện nay đã có gần 80ha Actermia của trên 60 hộ bị thiệt hại, mất trắng con giống. Theo đánh giá của ngành chức năng thì nguyên nhân dẫn đến diện tích Actermia thiệt hại nhiều như hiện nay là do độ mặn trong ao nuôi còn thấp. Ngoài ra, sự phát triển ào ạt của loài tảo giáp cũng là một trong những nguyên nhân làm Actermia chết trên diện rộng.

H.D

 


Bến Tre: diện tích nuôi cua biển tăng

Nguồn tin: SGTT, 24/3/2006
Ngày cập nhật: 25/3/2006

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thủy sản huyện Thạnh Phú (Bến Tre), đến cuối tháng 3/2006 huyện ven biển này đã có hàng ngàn hécta mặt nước thả nuôi cua biển. Đây là năm Thạnh Phú có số hộ dân và diện tích thả nuôi cua biển nhiều nhất từ trước đến nay.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng đột biến diện tích nuôi cua biển là do năm nay nguồn cua biển giống con bất ngờ xuất hiện ở huyện biển Thạnh Phú với mật độ dày đặc, người dân địa phương đổ xô đi bắt cua biển giống về thả nuôi. Đồng thời, do ảnh hưởng tác động của nạn dịch bệnh xảy ra trên con tôm sú nuôi trong mùa vụ nuôi tôm nên nhiều hộ dân chuyển qua thả nuôi cua biển và nuôi cua biển an toàn hơn nhiều, hiếm khi xảy ra dịch bệnh gây thua lỗ cho nông dân.

Những xã có diện tích thả nuôi cua biển nhiều là: An Điền, An Nhơn, An Quy, An Thạnh, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải. Riêng tại xã An Điền hiện có trên 90% trong tổng diện tích 1.800 ha đất nước nuôi trồng thủy sản đã được người dân địa phương đầu tư thả nuôi cua biển.

Theo TTXVN

 


Vùng nuôi tôm Cam Ranh: Bao giờ hết hoang phế?

Nguồn tin: TP, 24/03/2006
Ngày cập nhật: 25/3/2006

 


Cần Thơ: Đầu tư 400 triệu đồng thực hiện dự án trồng lúa kết hợp nuôi tôm

Nguồn tin: BCT, 24/3/2006
Ngày cập nhật: 25/3/2006

Đồng chí Vương Thị Lập, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: Đến nay, công trình nạo vét kinh, xây dựng đê bao khép kín phục vụ dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh ở Bắc Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh) đã hoàn thành. Công trình này có tổng khối lượng đất đào trên 126.000m3, với kinh phí thực hiện 400 triệu đồng, do Nhà nước đầu tư.

Dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh ở Bắc Cái Sắn được thực hiện tại xã Thạnh An, huyện Thốt Nốt, với tổng diện tích 65ha. Trong đó, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng; nông dân tham gia thực hiện dự án được hỗ trợ vay vốn canh tác, giống, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, trồng lúa chất lượng cao. Đây là dự án phát triển theo mô hình 1 lúa – 1 tôm nhằm chuyển đổi cơ cấu canh tác, giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai thực hiện vào đầu vụ hè thu năm 2006.

H.V


Kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng

Nguồn tin: BPY, 23/3/2006
Ngày cập nhật: 25/3/2006

Cá chình có giá trị kinh tế cao, (giá thương phẩm có lúc lên đến 240.000 đ/kg) thích hợp với nhiều mô hình nuôi. Nhiều tỉnh miền Trung đang phát triển hình thức nuôi trong bể xây bằng gạch hoặc xi măng cho năng suất cao. Đây là hình thức nuôi cao sản, vì vậy đòi hỏi phải có các điều kiện nhất định. Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận có những khuyến cáo sau:

Phải có dòng nước chảy trong ao, nuôi bằng thức ăn công nghiệp chế biến riêng cho cá chình; được quản lý chăm sóc chu đáo; mật độ 20 - 25 con/m2, mật độ cao 300 - 350 con/m2. Bảo đảm các chỉ tiêu trên, năng suất có thể đạt được 30 - 45 tấn/ha (tức 3 - 4,5 kg/m2), năng suất cao có thể đạt 105 - 120 tấn/ha (tức 10,5 - 12 kg/m2).

Thức ăn nuôi cá chình phải có tỷ lệ đạm 45%, mỡ 3%, cellulose 1%, calci 2,5%, phosphor 1,3% cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nói chung tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70 - 75%, tinh bột 25 - 30% và một ít vi lượng, vitamin. Thức ăn của cá có tỷ lệ bột cá khá cao, mỡ nhiều nên dễ hút ẩm, dễ mốc, phải chú ý bảo quản tốt, thời gian bảo quản không quá 2 tháng. Với cá giống, khi cho ăn, thức ăn phải được thêm nước, thêm dầu dinh dưỡng trộn đều làm thành loại thức ăn mịn mới cho cá ăn. Các tỷ lệ thức ăn dầu, nước, phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ như sau :

Sau khi trộn đều 5 phút cho cá ăn ngay, khoảng 2/5 số thức ăn nổi trên mặt nước, 3/5 rơi xuống khay đựng thức ăn là được. Tỷ lệ thức ăn so với trọng lượng cá chình ở các giai đoạn như sau:

Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân cỡ để cá nhịn ăn từ 1 - 2 ngày, đùa ao để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng. Dùng vợt phân loại chứ không bắt bằng tay. Có thể nuôi ghép cá chình với cá mè, cá trắm. Mật độ cá mè, cá trắm là 4.000 - 5.000 con/ha. Cho cá ăn 1 - 2% trọng lượng cá chình có trong ao. Khi nuôi ghép cần chú ý: Đáy ao là cát hoặc bùn. Bờ ao phải cao hơn mặt nước ít nhất 60 cm, ao không rò rỉ, pH>6,8 và ít bị ảnh hưởng của nước mưa. Không nuôi ghép trong ao cá giống. Cá chình giống khỏe mạnh, không dùng giống để lại của năm trước. Khi thu hoạch, thu cá mè, trắm trước bằng lưới sau đó tháo cạn nước, để lại 10 - 20 cm nước để thu cá chình. Lợi dụng đặc điểm hướng quang của cá, ban đêm thắp đèn sáng tập trung cá lại, dùng vợt hoặc có thể dùng lưới điện để thu hoạch.

Nuôi cá chình trong ao đất cần chú ý: Chọn ao có bờ cao hơn mặt nước lúc cao nhất 60 cm trở lên, phần trên bờ ao từ 60 - 80 cm, xây gạch hoặc có gờ lưới không cho cá vượt ra khỏi ao, đáy ao là cát hoặc cát bùn, bờ và đáy ao không thẩm lậu, rò rỉ, tháo và lấy nước thuận tiện, gần nguồn điện để chạy máy sục khí hoặc chế biến thức ăn cho cá. Số lượng cá giống lúc thả 120.000 - 150.000 con/ha, cỡ từ 10 - 15 g/con. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 2 - 3% trọng lượng cá trong ao. Nuôi trong ao đất không cần phân cỡ như trong bể xây, quản lý chăm sóc hàng ngày như ao nuôi cá giống, năng suất trung bình 20 - 25 tấn/ha.

PHƯƠNG DUY

 


Nuôi cá rô phi Gift trên ao nổi – chi phí thấp, lãi cao

Nguồn tin: Btre, 24/03/2006
Ngày cập nhật: 24/3/2006

Anh Thái Văn Mười, ở ấp 2 xã Châu Bình – huyện Giồng Trôm – Bến Tre là người đã thành công trong việc nuôi cá rô phi dòng Gift trong ao nổi, kết hợp với trồng chuối xiêm và nuôi cá tai tượng trong mương vườn.

Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Mười về quê trồng chuối xiêm (1,6 ha). Năm 2002, anh Mười đắp một bờ bao để làm một “ao nổi” ngay trước cửa nhà với diện tích nền 1,2 công, chiều cao khoảng 1,5 mét. Sau khi làm nền cho thật dẽ kín, anh lót vải nilông xung quanh bờ thật kỹ rồi rải vôi phơi nền, xong bơm nước vào và rải phân Urê, ADP… nhằm tạo môi trường sống cho cá. Từ 2.000 cá rô phi dòng Gift giống mua của Trung tâm khuyến ngư tỉnh Bến Tre, anh thả chung với một số cá khác như tai tượng, mè hoa, sặc rằn, cá tra. Nhờ chịu khó nghiên cứu thêm tài liệu, theo dõi báo đài – nhất là từ kinh nghiệm thực tế, anh Mười không những đã nuôi thành công mà còn sản xuất được cá giống rô phi dòng Gift, tai tượng…. Phấn khởi trước kết quả đạt được, anh đầu tư thêm và luôn thành công. Đến nay, ngoài “ao nổi” diện tích 1,2 công chuyên sản xuất cá giống rô phi dòng Gift (đã xuất bán hơn 5 tấn cá con, giá bình quân 40.000 đồng/ kg), anh đã có thêm một “ao nổi” với diện tích 3.000 mét vuông đang nuôi 16.000 cá rô phi dòng Gift thịt được 2,5 tháng tuổi, đang phát triển tốt và hơn 2.000 mét vuông (diện tích mặt nước mương vườn) nuôi cá tai tượng. Anh Mười cho biết kinh nghiệm: “Ngoài việc xử lý nền ao cho kỹ lưỡng, đặt cống để tháo nước xả cho tốt ra… thì nguồn thức ăn cũng rất quan trọng. Tôi sử dụng thức ăn Mỹ Tường là chính, bắt thêm ốc gạo, ốc lác sẵn có tại mương vườn rồi đâm nát, nấu chín trộn lẫn với nhau, cá rất thích ăn và mau lớn”. Trung bình, mỗi năm anh Mười sản xuất được 6 ao cá giống, mỗi ao lãi hơn 16 triệu đồng. Thị trường cá giống đắt nhất là từ tháng 2 đến tháng 7 dương lịch. Về chi phí làm ao nổi, anh Mười cho biết giá thành thấp hơn so với thuê máy xúc rất nhiều (ao có diện tích 1,2 công chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng), lại chủ động trong khâu bơm, xả nước tạo môi trường sống thích hợp để cá mau lớn….

Nhờ ham học hỏi và cần cù lao động, nông dân Thái Văn Mười đã sản xuất thành công cá giống rô phi dòng Gift với huy mô lớn. Anh đã làm giàu cho chính mình với lợi nhuận hơn 150 triệu/năm và góp phần cung cấp một lượng lớn cá giống cho bà con nông dân ở những vùng lân cận. Hiện mô hình của anh đang được nhiều nông dân tại xã Châu Bình học hỏi làm theo./.

Đức Chính

 


Bến Tre: Nghêu giống trúng mùa, sốt giá

Nguồn tin: Btre, 24/03/2006
Ngày cập nhật: 24/3/2006

Năm nay lượng nghêu giống về dày đặc tại cửa Ba Lai ở sân nghêu 900 ha của hợp tác xã thuỷ sản Rạng Đông (xã Thới Thuận huyện Bình Đại – Bến Tre). Do lượng nghêu giống quá nhiều, sợ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của nghêu, ngoài việc bắt nghêu giống rải ra nuôi đều khắp diện tích sân nghêu, HTX đã tiến hành bắt nghêu giống để bán cho nhiều nơi đến mua về nuôi.

Từ đầu năm đến nay, HTX đã bắt bán trên 250 ngàn tấn nghêu giống gồm nhiều kích cỡ: 1.000 con/kg (giá bán 60.000 đồng/kg); 2.000 con/kg (giá bán 70.000 đồng/kg); 200 con/kg (giá bán 20.000 đồng/kg), giá bán cao gấp đôi năm 2005. Nhờ trúng mùa, trúng giá nên từ đầu năm đến nay, HTX thủy sản Rạng Đông đã đạt doanh thu từ nghêu giống và nghêu thịt (16. 500 đồng/kg) trên 12 tỷ đồng.

Cao Dương


Độc đáo khô cá tra phồng Châu Đốc

Nguồn tin: BCT, 24/3/2006
Ngày cập nhật: 24/3/2006

 


Vẫn chưa có đầu ra cho cá sấu - giá đã giảm!

Nguồn tin: TT, 23/3/2006
Ngày cập nhật: 24/3/2006

Hai năm trước giá cá sấu tăng cao, nhiều hộ dân ở ĐBSCL đổ xô xây chuồng trại để nuôi. Tuy nhiên, do không xuất khẩu được nên giá cá sấu đã giảm từ 120.000 đồng/kg còn 70.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Anh Tuấn - chủ trại cá sấu ở thị xã Sóc Trăng - cho biết cá đã đạt trọng lượng gần 30kg/con, mỗi tháng phải tốn cả chục triệu đồng tiền thức ăn để duy trì đàn cá sấu.

Tại Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 12.000 con cá sấu đủ điều kiện xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được.

NGỌC DIÊN

 


Giá cá tra, ba sa đạt mức xuất khẩu cao nhất

Nguồn tin: TP, 23/03/2006
Ngày cập nhật: 24/3/2006

Cty Cổ phần XNK An Giang vừa đàm phán với đối tác ở thị trường châu Âu giá xuất khẩu cá tra, ba sa đến 3,2 USD/kg, là mức cao nhất từ trước nay.

Cty đang mua cá nguyên liệu loại thịt trắng của nông dân với giá 13.500 đ/kg. Hiện nay, thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa đang mở rộng vì dịch cúm gia cầm lan rộng khắp thế giới.

Tuy nhiên, lượng cá tra, ba sa ở ĐBSCL lại giảm bởi năm trước giá thấp (có lúc chỉ 8.000 đ/kg) nên nông dân nghỉ nuôi, nhiều nhà máy chế biến đang thiếu nguyên liệu.

Sáu Nghệ

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang