• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trà Vinh: Nuôi nghêu thu lãi cao

Nguồn tin: BCT, 16/12/2005
Ngày cập nhật: 16/12/2005

Vụ nghêu năm 2005, bà con nông dân ở bãi bồi ven biển thuộc 2 huyện Duyên Hải và Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi khoảng 300 tấn nghêu giống trên diện tích gần 640 ha. Sản lượng thu hoạch đạt trên 1.300 tấn nghêu thương phẩm. Điều đáng phấn khởi là giá nghêu nguyên liệu luôn đứng ở mức cao, nghêu loại I bán với giá từ 6.500 -7.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 -2.500 đồng/kg so cùng thời điểm này năm ngoái. Nhờ vậy, hầu hết các hộ nuôi nghêu đều thu được lãi, với mức lãi phổ biến từ 2 đến 2,5 đồng trên1 đồng vốn đầu tư.

Ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh hiện đang phối hợp với Công ty khai thác và tư vấn đầu tư thuộc Tổng Công ty hải sản tiến hành xây dựng dự án nuôi nghêu và sò huyết ở bãi bồi ven biển thuộc xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) và Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Đông Hải (huyện Duyên Hải). Với diện tích khoảng 1.500 ha, có tổng nguồn vốn đầu tư 17 tỉ đồng. Trà Vinh phấn đấu trong năm 2006 sản lượng nghêu thương phẩm đạt 5.000 tấn.

LÊ NAM

 


Giảm thiểu độc tố trong chăn nuôi và thủy sản bằng Mycosorb

Nguồn tin: NLĐ, 14/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

Ngày 14-12, hơn 50 chủ trang trại và các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi khu vực phía Nam đã tham dự hội thảo “Giải pháp tự nhiên giúp kiểm soát độc tố nấm mốc trong chăn nuôi và thủy sản”, do Công ty Alltech của Mỹ tổ chức. Giám đốc sản phẩm khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Alltech, ông Cemlyn Martin, cho rằng độc tố nấm mốc ngày càng được thế giới quan tâm vì làm thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. VN nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới đã tăng cơ hội cho việc nhiễm độc tố nấm mốc ở nguyên liệu. Ông Cemlyn Martin cho rằng, người nuôi trồng VN nên áp dụng phương pháp sinh học làm giảm thiểu tác động xấu của độc tố nấm mốc trong điều kiện chăn nuôi thực tế, như sử dụng sản phẩm sinh học tự nhiên Mycosorb được chiết xuất từ vách tế bào nấm men.

L.Cường

 


Huyện Đông Hoà thả nuôi 32ha cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi

Nguồn tin: WPY, 15/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

Nông dân huyện Đông Hoà đã thả nuôi được 32ha cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi… tăng 4ha so với năm 2004. Hiện bà con đã thu hoạch với năng suất bình quân 2,2 tấn/ha, đạt sản lượng 70,4 tấn, bằng 140,8% kế hoạch năm. Đó là kết quả từ chương trình chuyển giao kỹ thuật, vận động phát triển phong trào nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện do Trung tâm khuyến ngư và Phòng Kinh tế huyện phối hợp phát động trong năm 2005. Tuy nhiên, bà con vẫn chưa “mặn mà” nuôi cá nước ngọt trên diện rộng, do thời gian nuôi dài, giá cá còn thấp, tiêu thụ chậm và hiệu quả kinh tế không cao.

(Theo Q.Đạt, Báo Phú Yên 111/2005)


Phát triển các mô hình hợp tác xã xóa đói-giảm nghèo ở Sóc Trăng và Bến Tre (Phần 2)

Nguồn tin: QĐND, 15/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

II: Vai trò của thủ lĩnh

Chúng tôi được tham dự một buổi họp định kỳ của CLB Nông dân ấp Sô La 1, thuộc HTX Nông nghiệp EVERGROWTH. CLB này gồm 30 hộ xã viên do ông Lưu Minh Ký làm chủ nhiệm. Mỗi tháng CLB tổ chức họp một lần để đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi, sử dụng nguồn vốn, tổng hợp báo cáo về HTX và Ban quản lý dự án. Dù là cuộc họp định kỳ nhưng ông Ký tổ chức rất bài bản, phát huy tốt tinh thần dân chủ của xã viên, đánh giá tình hình cụ thể, sát thực tới từng hộ. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, ông Ký là một thủ lĩnh cấp CLB rất có năng lực. Nhờ đó hoạt động ở CLB này đạt hiệu quả rất tốt.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy sự thành công bước đầu từ những mô hình thí điểm cho thấy vai trò của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng. Ông Huỳnh Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định:

- Hầu hết các xã viên trong những HTX này đều nghèo, khởi nghiệp làm ăn từ “2 không” (không vốn, không tư liệu sản xuất) và “2 thiếu” (thiếu kỹ thuật, thiếu chuyên môn quản lý). Bởi vậy khi thành lập các HTX, vấn đề cốt lõi đầu tiên là phải lựa chọn cho được người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để làm thủ lĩnh, gắn kết sức dân, lòng dân thành một khối. Nếu không chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu.

Tuy nhiên, không phải mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhiều khi HTX rơi vào tình cảnh điêu đứng khi người đứng đầu không toàn tâm, toàn ý. Bài học ở HTX Vĩnh Tân là một ví dụ điển hình. Ngay từ đầu, sau khi hình thành HTX, một trong số những người góp vốn nhiều nhất đã được chọn làm chủ nhiệm HTX. Người này mặc dù có tiềm lực tài chính nhưng do không phải ở địa phương, lại chưa có kinh nghiệm trong quản lý, nuôi tôm nên không đủ khả năng để quán xuyến, điều hành hoạt động của HTX. Đã vậy, người này lại không minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay. Thế là hoạt động của HTX bị ngưng trệ. Xã viên hoang mang. Một số hộ dân trước đây muốn gia nhập HTX cũng thay đổi ý định. HTX phải bầu lại chủ nhiệm và người gánh vác trọng trách này là anh Lê Văn Sinh. Vốn là người địa phương, đã từng có kinh nghiệm 6 năm nuôi tôm, Lê Văn Sinh không phụ lòng tin tưởng của bà con. Anh tiến hành thành lập các tổ, đội chức năng trực thuộc, liên hệ với cơ quan nông nghiệp, thuỷ sản để chủ động về kỹ thuật, thú y, tìm nguồn tôm giống chất lượng cao, bám sát từng giờ từng ngày ở vuông tôm để xử lý sự cố. Ông Lâm Đực, xã viên HTX tâm sự:

- Vụ tôm vừa qua trúng đậm nhờ công rất lớn của anh Sinh. Có anh Sinh, dân tụi tui hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của HTX. Tui góp cổ đông 2 ha, vừa rồi được chia lợi nhuận 16 triệu. Hiện tui tham gia vào tổ kiểm soát.

Dù đã đưa HTX vào quĩ đạo hoạt động tốt, song những hệ quả do người chủ nhiệm tiền nhiệm để lại vẫn chưa giải quyết xong. Bởi vậy hiện nay việc vay vốn ngân hàng của HTX đang gặp những khó khăn nhất định.

Những thủ lĩnh như anh Sinh là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của HTX. Tuy nhiên nếu HTX có qui mô lớn như HTX nông nghiệp EVERGROWTH ở huyện Mỹ Xuyên thì khâu điều hành, quản lý lại được thực hiện như một doanh nghiệp. Do xã viên đông, địa bàn quản lý rộng, hình thức hoạt động thành một dây chuyền khép kín bao gồm từ xây dựng, quản lý cho đến thu mua nguồn sữa bò nguyên liệu trong dân nên đòi hỏi thủ lĩnh phải là người có kiến thức, năng lực chuyên môn giỏi. Ban chủ nhiệm HTX là những người do xã viên bầu nên, do ông Mai Sươl làm chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm giữ vai trò là đầu mối của nhà nông để phối hợp với giám đốc điều hành quản lý hoạt động của HTX, đồng thời là người lựa chọn giám đốc. Mọi hoạt động của HTX đều do giám đốc chịu trách nhiệm trước Ban chủ nhiệm. Để lựa chọn được người giữ vai trò thủ lĩnh này, HTX đã tổ chức thi tuyển giám đốc. Anh Huỳnh Thanh Huy, cử nhân quản trị kinh doanh là người đắc cử. Nhân viên dưới quyền đều do giám đốc tự chọn. Giám đốc Huy cho biết:

- Trước khi làm giám đốc tôi đã nghiên cứu rất kỹ tiềm năng, những thuận lợi, khó khăn của HTX và lập đề án hoạt động cụ thể, chi tiết. Hiện nay hoạt động của HTX đã và đang tiến triển rất tốt.

Nhờ chọn được thủ lĩnh giỏi nên các hộ xã viên chỉ toàn tâm toàn ý vào việc nuôi bò lấy sữa. Năng suất sữa bò khoảng 9-10 lít/con/ngày. Giá bán sữa nguyên liệu là 3.500 đồng/lít. Tính ra mỗi con bò cái một năm sinh sản một lần (bò con giá 5-7 triệu/con) cùng với thu nhập từ sữa sẽ đem lại cho nhà nông khoản thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/ năm.

Đối với vùng nuôi tôm ở xã Bảo Thuận, Ba Tri, Bến Tre, do qui mô lớn nên cách thức quản lý, điều hành được thực hiện theo phương châm liên kết giữa HTX với doanh nghiệp. Ở đây, đương nhiên thủ lĩnh phải là giám đốc doanh nghiệp. Vùng nuôi tôm này chính là nguồn cung cấp sản phẩm tôm nguyên liệu cho Công ty Xuất nhập khẩu lâm, thuỷ sản Bến Tre. Vốn của công ty đầu tư vào vùng tôm nguyên liệu cũng được tính theo cổ đông, bình đẳng với các thành phần khác. Xét về chức năng, công ty là tổ chức độc lập nhưng về quyền lợi, nghĩa vụ ở vùng tôm nguyên liệu thì công ty nằm trong HTX. Giám đốc công ty là người điều hành, còn các chức danh khác trong HTX đều do dân bầu nên. Mối liên kết, ràng buộc lẫn nhau này giúp công ty tự chủ về chất lượng, sản lượng nguồn nguyên liệu, còn xã viên thì chỉ việc góp cổ đông, không phải lo nghĩ gì đến kỹ thuật nuôi, đầu ra sản phẩm. Hiện HTX nuôi tôm ở Bảo Thuận đã tạo ra vùng tôm nguyên liệu với sản lượng và chất lượng đứng hàng đầu của tỉnh Bến Tre. Anh Trần Văn Ghi, trại phó trại tôm Bảo Thuận khẳng định:

- Tui là người được xã viên bầu lên để phối hợp cùng công ty quản lý, điều hành hoạt động ở vùng nuôi tôm này. Chức năng của tui là đại diện cho tập thể xã viên giám sát, phối hợp để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ chung của mọi cổ đông. Còn điều hành về kỹ thuật, chuyên môn thì phải có đội ngũ kỹ sư dưới sự chỉ đạo của giám đốc. Nuôi tôm là nghề đòi hỏi qui trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Mình không có trình độ chuyên môn không thể làm được.

Tuỳ theo từng cấp độ, từng lĩnh vực của HTX để lựa chọn thủ lĩnh và người chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác quản lý, điều hành này sẽ giữ vai trò quyết định thành công hay thất bại của HTX. Trừ những trường hợp HTX có doanh nghiệp nhà nước đỡ đầu (Công ty Xuất nhập khẩu lâm, thuỷ sản Bến Tre chẳng hạn) thì thủ lĩnh đương nhiên là giám đốc doanh nghiệp, còn lại dù là ở cấp CLB, tổ, đội hay HTX, thủ lĩnh phải là người được xã viên tín nhiệm bầu lên. Vai trò của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này là tư vấn, định hướng chứ không thay dân chỉ định người làm thủ lĩnh. Thủ lĩnh không nhất thiết phải là người góp cổ đông nhiều hơn mà phải là người có tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm quản lý, được xã viên tín nhiệm.

Ông Lâm Hùng Kiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng (cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng, phát triển mô hình kinh tế HTX) cho biết: Ngoài những mô hình HTX thí điểm, đa phần các HTX, CLB được xây dựng hiện nay, vị trí thủ lĩnh vẫn còn yếu về chuyên môn, trình độ điều hành quản lý còn kém. Phần lớn các ban quản lý HTX chưa qua đào tạo về chuyên môn nên không xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, không triển khai được dịch vụ hỗ trợ cho xã viên nên một số HTX chỉ tồn tại mang tính hình thức. Đó là một cản trở không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của các mô hình.

Phan Tùng Sơn

 


Phát triển các mô hình hợp tác xã xóa đói-giảm nghèo ở Sóc Trăng và Bến Tre (Phần 1)

Nguồn tin: QĐND, 14/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

Năm 2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã về thăm và làm việc tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre. Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương, Chủ tịch nước đã đặc biệt quan tâm đến việc tìm hướng đi mới để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống kinh tế cho nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc thù của Sóc Trăng và Bến Tre là hai tỉnh đều có tỷ lệ dân nghèo cao, lao động nông thôn dư thừa lớn, nhiều vấn đề xã hội từ nông thôn đặt ra cấp bách. Chủ tịch nước đã chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền hai tỉnh triển khai thí điểm mô hình kinh tế HTX kiểu mới ở nông thôn, tìm ra cách làm hiệu quả để nhân rộng. Tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre đã cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước vào Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh uỷ và chương trình hành động của UBND tỉnh, triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân nghèo. Sau 3 năm thực hiện, kết quả đạt được từ những mô hình này đã khẳng định một hướng đi mới đúng đắn và hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo ở từng vùng, hướng tới mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã về các địa phương tìm hiểu những thành công bước đầu và các vấn đề đặt ra từ một số mô hình thí điểm.

I- Hợp tác xã – doanh nghiệp của những người nghèo

Chúng tôi về Sóc Trăng đúng dịp ngư dân các vùng nuôi trồng thuỷ sản ven biển đang vào mùa thu hoạch tôm sú.

Phát triển các vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp là mũi nhọn đột phá của Sóc Trăng trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất những năm vừa qua. Tuy nhiên không phải vùng nào, địa phương nào cũng áp dụng thành công hướng chuyển đổi này. Ở những địa phương nghèo, tình trạng nhà nông phải bỏ hoang đồng ruộng do không có vốn đầu tư chuyển đổi diễn ra khá phổ biến. Để phát triển nuôi trồng thuỷ sản đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Điều này nằm ngoài khả năng của các hộ nghèo.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước, Sóc Trăng đã triển khai một số mô hình HTX thí điểm theo cách người góp đất, người góp vốn. Một trong những mô hình thí điểm này được thực hiện tại ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu. Đây là vùng đồng bào dân tộc Khơ-me. Đời sống đại đa số các hộ dân đều rất nghèo. Người dân ở đây từ xưa đến nay chỉ quen nghề làm ruộng. Trong khi những địa bàn khác ở vùng ngoài đê phát triển nuôi tôm sú rất mạnh thì một phần lớn đồng ruộng của dân Trà Vôn A bị nhiễm mặn, không trồng lúa được phải bỏ hoang. Các hộ nghèo rơi vào tình cảnh thất nghiệp vì thế đời sống lại càng khó khăn hơn. Giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhằm ổn định tình hình xã hội cho các hộ dân ở đây là vấn đề được đặt ra cấp bách. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh về tận nơi khảo sát, chỉ đạo xây dựng mô hình kinh tế HTX. Bước đầu huy động 22 hộ dân trong ấp góp 17ha đất ruộng nhiễm mặn để qui hoạch nuôi tôm. Tiếp đó vận động 4 hộ có tiềm lực kinh tế khá đầu tư nguồn vốn để cải tạo đất, đào ao, mua tôm giống thả nuôi. Các hộ gia đình kết hợp lại thành lập một HTX lấy tên HTX nuôi trồng thuỷ sản Vĩnh Tân do anh Lê Văn Sinh làm chủ nhiệm. Ngoài nguồn vốn tự huy động ban đầu, HTX đã vay thêm 500 triệu đồng vốn ngân hàng. Hình thức huy động và quản lý vốn được tính theo cổ đông. Trong 5 năm đầu mỗi năm một cổ đông góp 5 triệu, tổng 5 năm là 25 triệu đồng (đối với người góp vốn). Người góp đất thì mỗi héc-ta sẽ được tính bằng 25 triệu đồng (tức bằng 5 cổ đông). Từ năm thứ 6 trở đi, 1ha đất được tính bằng 10 cổ đông (tức 50 triệu đồng). Người góp đất và người góp vốn đều có quyền lợi bình đẳng, ăn chia công bằng. Mô hình bắt đầu triển khai từ năm 2003 thì đến năm 2004 đã cho kết quả tốt. Vụ tôm đầu tiên HTX lãi 300 triệu đồng. Trừ chi phí các khoản, mỗi hộ gia đình được chia lợi nhuận 10-90 triệu đồng tuỳ theo cổ phần. Nhờ thắng lợi từ cách làm ăn này, các hộ nghèo đã thoát nghèo. Nhiều hộ trở nên khá giả. Chủ nhiệm HTX Lê Văn Sinh xây ngay một căn hộ sang trọng nhất ấp, dáng dấp như biệt thự, vừa là nhà riêng vừa làm văn phòng của HTX.

Tương tự như ở Sóc Trăng, một số mô hình dân góp đất huy động cổ đông ở Bến Tre cũng đã thực sự phát huy hiệu quả. Điển hình cho mô hình này thực hiện tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Hơn 100ha đất ở đây vốn là vùng làm muối nhưng hiệu quả kém đã chuyển đổi sang nuôi tôm. Tại vùng nuôi tôm này có tới 1.200 hộ dân đóng góp cổ đông (trong đó có 25% số hộ không có đất nhưng đã vay vốn ngân hàng để góp cổ đông). Chị Võ Thị Phụ, ở ấp 3 xã Bảo Thuận cho biết:

- Tui có 6 công đất. Trước đây làm muối rất vất vả nhưng không đủ ăn. Khi tham gia cổ đông để nuôi tôm trong thời hạn 10 năm, bước đầu tui nhận được 45 triệu đồng. Tui dành 30 triệu tham gia 6 cổ đông. Vụ đầu tiên mỗi cổ đông thu về đựợc 7 triệu đồng (trừ 5 triệu tiền gốc, còn lãi 2 triệu). So với làm muối, lợi nhuận từ cách làm này gấp năm- bảy lần.

Ngoài những hộ tham gia cổ đông, vùng nuôi tôm này còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 60% lao động trong xã với mức lương trung bình 800.000đồng/tháng. Đi giữa vùng quê ven biển này, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước bộ mặt nông thôn mới với những toà nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì ở đô thị. Tất cả là từ cách làm ăn mới mà nên.

Tuy nhiên hình thức HTX nuôi tôm chỉ áp dụng ở những địa bàn ven biển. Các địa phương khác thì sao? Ông Huỳnh Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết:- “Xây dựng mô hình là để tìm ra cách làm chứ không phải áp dụng máy móc cho mọi vùng quê. Đối với những vùng không nuôi tôm được, dân nghèo không có ruộng thì hướng giải quyết việc làm là đẩy mạnh chăn nuôi. Dù với hình thức làm ăn nào thì việc qui tụ dân thành những CLB, tổ, đội, HTX vẫn là giải pháp rất tốt hiện nay”.

Chúng tôi về xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu mô hình nuôi bò sild và bò sữa lai F1cho đồng bào Khơ- me. Đây là mô hình nằm trong tổng thể dự án “Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng” do tổ chức CI DA – Ca-na-đa tài trợ. Bên cạnh nguồn vốn do CI DA hỗ trợ, những hộ dân nghèo còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn để mua bò. Trung bình mỗi hộ hiện nay có 2-3 con bò. Đầu mối các ấp hoạt động theo hình thức câu lạc bộ trực thuộc HTX. HTX nuôi bò sild và bò sữa này có cái tên rất “tây”- HTX Nông nghiệp EVERGROWTH. Hiện HTX đã phát triển lên 262 hộ xã viên, với đàn bò 1.567 con. 100% các hộ xã viên này đều thuộc diện nghèo, được địa phương bình chọn và đều được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, vắt sữa bò, cách chữa trị một số bệnh thông thường ở bò. Quyền lợi, nghĩa vụ chung- riêng giữa xã viên với CLB và HTX đều được gắn kết, ràng buộc thành những điều khoản cụ thể theo kiểu thế cài răng lược để tự quản lý lẫn nhau. Chẳng hạn nếu CLB để xảy ra tình trạng xã viên tự tiện bán bò thì CLB đó phải bỏ vốn ra đền cho dự án (mỗi CLB có một nguồn vốn cố định xoay vòng, một phần do dự án tài trợ, một phần do xã viên đóng góp). Cái được của mô hình này là mặc dù việc nuôi bò sữa đang là chuyện khó khăn ở các vùng quê khác thì ở đây HTX đảm bảo rất tốt mọi khoản cho nhà nông từ kỹ thuật, thú y cho đến thu mua sữa. Hằng ngày vào cuối buổi chiều, người dân lại nô nức đem sữa nguyên liệu đến nhập cho điểm thu mua của HTX. Tính ra nuôi một con bò sữa người nông dân có lợi nhuận cao hơn làm 3 công ruộng lúa, mở ra hướng thoát nghèo bền vững. HTX này đã giải quyết rất tốt vấn đề lao động nhàn rỗi trong nông dân.

Với hình thức qui tụ, phát huy sức dân theo các mô hình nói trên, hoạt động của HTX giống như một doanh nghiệp của những người nghèo. HTX giữ vai trò như một pháo đài để đưa kinh tế hộ gia đình bật lên theo hướng ổn định, bền vững. Sự hình thành, phát triển các mô hình kinh tế HTX không chỉ cải thiện đời sống kinh tế cho dân nghèo mà còn góp phần giữ vững sự ổn định tình hình chính trị-xã hội ở từng vùng dân cư.

Phan Tùng Sơn

 


Tăng sản lượng tôm nuôi lên gần 500.000 tấn

Nguồn tin: KTVN, 14/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

Thực hiện mục tiêu của Chương trình phát triển xuất khẩu thuỷ sản giai đoạn 2006-2010, Bộ Thuỷ sản dự kiến sẽ tăng sản lượng tôm nuôi vào năm 2010 lên khoảng 483.000 tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu từ 385.000 - 390.000 tấn (khoảng 70 - 80% tuỳ đối tượng).

Theo kế hoạch, tôm sú vẫn tiếp tục được xác định là đối tượng nuôi chính, nên mặc dù một số diện tích đã được chuyển sang nuôi đối tượng khác (ở miền Bắc và miền Trung), nhưng sản lượng vẫn được giữ ở mức 360.000 tấn tôm nguyên liệu để có 160.000 tấn sản phẩm xuất khẩu; tôm chân trắng đạt 60.000 tấn nguyên liệu, xuất khẩu 25.000 tấn sản phẩm; tôm hùm: 5.000 tấn nguyên liệu; tôm càng xanh: 60.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng tôm khai thác biển sẽ vẫn được giữ ở mức ổn định khoảng 100.000 tấn trong vài năm gần đây, nhưng tỷ trọng đưa vào chế biến xuất khẩu đạt 50%.

Đức Long

 


TP.HCM: giám sát chặt hoạt động nuôi ếch công nghiệp

Nguồn tin: TT, 14/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM vừa chỉ đạo ngành khuyến nông và một số cơ quan chức năng liên quan tổ chức giám sát chặt hoạt động nuôi ếch công nghiệp trên địa bàn.

TP.HCM hiện có hơn 300 hộ nuôi ếch công nghiệp (tập trung ở các khu vực Củ Chi, Bình Chánh, quận 9...), với qui mô từ vài chục đến vài ngàn mét vuông. TP.HCM có khoảng 17 trại sản xuất và kinh doanh ếch giống, chủ yếu cung cấp ba giống ếch là ếch Thái Lan, ếch “bò” (có nguồn gốc từ Nam Mỹ) và ếch đồng VN.

H.ĐĂNG

 


Kiểm soát cá nóc xuất khẩu sang Hàn Quốc

Nguồn tin: TT, 15/12/2005
Ngày cập nhật: 15/12/2005

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành qui chế tạm thời “kiểm soát cá nóc trong khai thác, thu mua, chế biến trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc”. Qui chế qui định việc kiểm soát cá nóc xuất khẩu theo đúng các qui định, tiêu chuẩn VN, tiêu chuẩn ngành thủy sản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Thủy sản Bình Định là cơ quan giám sát việc triển khai thực hiện qui chế. Các sở Y tế, Thương mại - Du lịch, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh là các cơ quan phối hợp trong chỉ đạo thực hiện. Qui chế cũng qui định chặt chẽ các điều kiện hoạt động và trách nhiệm của các cơ sở khai thác, thu mua, chế biến cá nóc; qui định về thủ tục và trình tự đăng ký hoạt động; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm qui chế.

X.N.

 


Khi nông dân được vay vốn không lãi

Nguồn tin: NLĐ, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 14/12/2005

 


Việt Nam cần đa dạng sản phẩm sản xuất thay vì chỉ nuôi duy nhất con cá da trơn

Nguồn tin: WAG, 12/12/2005
Ngày cập nhật: 14/12/2005

 


Triển khai 5 dự án để giúp nghề nuôi cá tra, ba sa phát triển mang tính ổn định và bền vững

Nguồn tin: WAG, 143/12/2005
Ngày cập nhật: 14/12/2005

Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn An Giang, Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban Ðiều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa Việt Nam cho biết, để nghề nuôi cá tra, ba sa ở ÐBSCL phát triển mang tính ổn định và bền vững, thời gian tới các tỉnh trong khu vực sẽ tiến hành triển khai một cách đồng bộ 5 dự án gồm: Chất lượng- thương hiệu, thống kê thông tin thủy sản, nghiên cứu khai thác tổng hợp 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, Trung tâm kiểm nghiệm ÐBSCL và nâng cấp hoạt động của Hội Nghề cá các tỉnh ÐBSCL. Ngân sách để triển khai các dự án gồm các nguồn từ ngân sách tỉnh, trung ương và nước ngoài tài trợ. Phần lớn các dự án đều mời chuyên gia tham gia thực hiện.

MINH HIỂN

 


Trà Vinh: Được giá cua biển giống

Nguồn tin: BCT, 13/12/2005
Ngày cập nhật: 14/12/2005

Tại tỉnh Trà Vinh, cua biển giống đang bán chạy. Hiện cua giống cỡ nhỏ (kích thước gần 1 cm/con) có giá bán từ 2.500 - 3.000 đồng/con. Tuy nhiên mức giá này có thể sẽ còn tăng lên cao nữa do cua biển giống thường hay sốt giá vào vụ nuôi chính (tháng 12 hàng năm).

Cua biển giống đang xuất hiện dày đặc ở các xã ven biển đã giúp cho người dân trong tỉnh có nguồn giống khá dồi dào, giải quyết được tình trạng khan hiếm cung cua giống của những năm trước đây, đồng thời tăng thêm thu nhập cho bà con địa phương.

Theo Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh, trong 3 tháng cuối năm đã có trên 1.120 hộ dân ở các xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang), xã Hòa Minh - Long Hòa (huyện Châu Thành), xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải) tổ chức khai thác cua giống tự nhiên đưa vào nuôi dưỡng, và đã bán được gần 7,5 triệu con cua biển giống cho những người nuôi ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

(theo TTXVN)

 


Kiên quyết giải tỏa hộ nuôi cá ở hồ Dầu Tiếng không tự giác di dời

Nguồn tin: SGGP, 13/12/2005
Ngày cập nhật: 14/12/2005

 

 


Nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba

Nguồn tin: DNDN, 13/12/2005
Ngày cập nhật: 13/12/2005

Hồi còn ở Nha Trang, tôi đã hơn một lần tới Bình Ba, xã đảo nghèo và rất hoang sơ. Những người đi khai phá đầu tiên trong đó có ông lão Nguyễn Văn Thiền tâm sự: "Trước năm 1975, Bình Ba là nơi đóng quân của sư đoàn Bạch Mã (lính đánh thuê Đại Hàn). Sau khi đặt chân tới vùng này, anh em chúng tôi đã khai hoang phục hoá để trồng hoa màu". Rồi ông chỉ vào khu trung tâm đảo: “Bình Ba được như hôm nay là công sức của không biết bao người đã đánh đổi tuổi thanh xuân, mồ hôi và máu...”

Trở lại Cam Ranh, tôi tới cảng Đá Bạc lúc 8 giờ sáng. Những ngư dân ốc đảo đang hối hả chất hàng hoá lên tàu vận chuyển ra đảo. Gần 100 hành khách đã ngồi trên tàu, tiếng máy phành phạch nặng nề đẩy thân tàu từ từ rời cảng. Gần 30 phút tàu chạy, tôi đã nhìn thấy những căn nhà sau bóng cây. Đây là đảo Bình Lập, một đảo nhỏ của xã đảo Cam Lập. Lập lờ trên mặt nước trong xanh là những chiếc thùng, những căn chòi được dựng lên giữa biển khơi để báo hiệu cho các tàu thuyền về những khu vực nuôi thả tôm hùm lồng.

Cái khó ló cái khôn

Nhìn vào hòn đảo nhỏ đã có hàng trăm căn nhà được xây dựng kiên cố. Tài công Năm Thành cho biết: "Những ốc đảo có dân đến ở như huyện đảo Trường Sa này cũng có đến gần chục đảo". Phóng tầm mắt, trước mặt chúng tôi là những chiếc bè, lồng được thả xuống tận đáy biển để thả, nuôi tôm hùm. Trên mỗi chiếc bè là một căn nhà nhỏ được dựng lên để trông coi công việc này. Quanh vùng đảo Bình Lập, có đến hàng trăm chiếc phao được thả trôi nổi giữa lòng đại dương. Mỗi chiếc phao thả nổi là một điểm báo hiệu có một chiếc lồng đang được thả nuôi tôm phía dưới.

Ngồi bên cạnh tôi, chị Hiền một ngư dân ốc đảo tâm sự: Chị sinh ra tại Mỹ Ca - Cam Ranh, lấy anh Nguyễn Văn Hùng, theo chồng ra đây lập nghiệp. Nối gót các bậc trưởng lão nuôi tôm rồi anh say mê nghề từ lúc nào không hay. Vợ chồng chị cũng đầu tư 6 lồng nuôi tôm. Mỗi vụ xuất bán, anh chị cũng lãi cả trăm triệu đồng.

Ra tới đảo, điều đầu tiên tôi ngạc nhiên là những đống đá được chất cao ngất xếp thành hàng. Anh Hải cho biết, ngư dân trên đảo khuân đá về tập trung nơi đây rồi khoan thành lỗ, tạo ra những hang đá giả đưa ra biển thả để dụ tôm hùm vào trú ngụ. Mỗi hộ bắt tôm non phải có cả ngàn cục đá to nhỏ khác nhau. Điểm đặt đá phải là những nơi khuất gió, quanh năm biển lặng.

Tôi xin theo anh Hải-một ngư dân trên đảo cùng 5 người khác lặn xuống biển bắt tôm giống. Hơn 3 tiếng hì hục ngụp lặn, bê đá lên ghe kiểm tra, anh em chúng tôi đã bắt được 12 chú tôm lên thuyền. Con nhỏ nhất chỉ bằng đầu que nhang, con lớn chỉ gần bằng đầu đũa. Anh Hải nhẩm tính: "Hôm nay là một ngày đại thắng, 12 chú tôm kia "bèo nhất" cũng có giá 1,5 triệu đồng. Tôm hùm non lớn bằng que nhang, người nuôi nơi đây phải thu mua tại đảo với giá 80.000-100.000 đồng/con. Tôm lớn bằng đầu đũa từ 120.000-140.000 đồng/con. Nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ bắt được 10 con tôm giống là nhiều. Số lượng bắt từ thiên nhiên vẫn không đủ phục vụ người nuôi, người dân phải mua thêm từ nhiều nguồn. Bình quân mỗi hộ phải bỏ ra từ 200-300 triệu đồng mua con giống”.

Nuôi tôm hùm hiện nay có hai loại. Loại thứ nhất được thiết kế bằng khung thép với chiều dài gần 3 m, chiều rộng 6-7 m, chiều cao hơn 2 m. Bốn mặt được bịt bằng những tấm lưới. Khi tôm được thả vào nuôi, lồng được đặt sát mặt đất biển. Loại thứ hai dùng cây đóng cọc 4 xung quanh, rồi dùng lưới bao kín, làm nhà chòi lên để trông. Hình thức thứ hai là loại mới được phát hiện mấy năm gần đây. Bởi nuôi tôm hùm lồng đầu tư khá tốn kém, cộng thêm việc gây ô nhiễm môi trường của nguồn thức ăn thừa để lại. Thế rồi cái khó ló cái khôn, những cư dân Vạn Gĩa, Vạn Ninh đã phát hiện ra được mô hình nuôi ô. Số lượng ngư dân nuôi tôm hùm bè được tăng lên thì mô hình nuôi tôm lồng giảm. Mỗi lồng bè được thả nuôi từ 200-300 con. Giá tôm thành phẩm xuất bán những năm 2001- 2003 liên tục giữ mức từ 370.000 - 400.000 đồng/kg.

Tôm lên giá... ngư dân đổi đời

Đầu năm 2005, tôm hùm đang ở mức giá 400.000 đồng/kg. Rồi tin tôm “nhảy” lên giá 500.000, 515.000 đồng/kg đã làm nhiều người nuôi, thả như được mở cờ trong bụng. Giá tôm tăng, hàng trăm hộ dân đầu tư đồng loạt làm lồng, dựng bè mở rộng diện tích nuôi. Với kinh nghiệm của một thương gia, chị Hiền nhẩm tính: "Tôi có 6 ô cùng 2 lồng tôm nuôi thả trên 4 nghìn con tôm giống. Với giá tôm hiện tại, chí ít gia đình tôi cũng lãi hàng trăm triệu đồng".

Bình Ba đang "lột xác" qua từng ngày. Tính đến nay tôm hùm đã được nuôi gần chục năm, nhưng 3 năm gần đây đã được lên bè. Hầu hết ngư dân nuôi tôm hùm đều hướng nuôi vào loại 1 (loại tôm có trọng lượng từ 1,5-2 kg/con) để bán được giá cao. Ngư dân xã đảo Bình Ba nuôi tôm hùm hơn 10 năm nay chưa có hộ nào thất bại, người lãi ít nhất cũng trên 70 triệu đồng/vụ. Bình quân mỗi hộ nuôi 4 lồng hoặc bè tôm, mỗi lồng đầu tư con giống cũng như nguồn thức ăn thì trừ chi phí mỗi năm có lãi ròng 30-40 triệu đồng/ năm. Cả đảo Bình Ba mỗi năm nguồn lợi từ tôm hùm mang lại cũng lên tới hàng chục tỷ đồng

Con tôm hùm ở Bình Ba nói riêng và con tôm hùm ở khu vực Nam Trung Bộ nói chung đã không dừng lại ở việc xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản mà đã được xuất khẩu đi Mỹ, EU... Với hiệu quả kinh tế như vậy, tính đến nay thị xã Cam Ranh và huyện đảo Trường Sa đã có hàng nghìn lồng, bè được thả nuôi. Xã đảo Bình Ba có gần 700 hộ nhưng có đến 85% gia đình nuôi tôm hùm lồng, bè.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Viết - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Cam Ranh cho biết: Kinh tế chủ lực của các ngư dân xã đảo vẫn là nuôi tôm hùm và khai thác thuỷ sản. Do vậy mà 9 tháng đầu năm, thị xã Cam Ranh và huyện đảo Bình Ba đã đạt sản lượng nuôi trên 250 tấn tôm hùm. Chỉ tính riêng giá trị xuất khẩu đã đạt xấp xỉ 10 triệu USD. Nhưng để có được như ngày hôm nay, những ngư dân trên đảo đã mất rất nhiều công sức cho việc nuôi trồng cũng như chuyển đổi hình thức nuôi và phải đối phó với những lúc thiên nhiên “trở chứng”.

Ông Nguyễn Mười - trưởng đảo cho biết, hiện Bình Ba đã có trên 150 chiếc tàu thuyền đang trực tiếp khai thác thuỷ sản, mỗi năm đạt sản lượng từ 700-900 tấn cá mực các loại. Ngư dân chỉ cần khai thác gần đảo, thời gian đi biển lại ngắn từ 15 giờ chiều xuất phát đến 5 giờ sáng mai lại tập trung về bến. Cơ sở vật chất trên đảo không thiếu nhưng đồ ăn và nhu yếu phẩm nơi đây đang thuộc loại "gạo châu, củi quế” do địa thế Bình Ba biệt lập với đất liền. Đảo Bình Ba đã xây dựng được trạm y tế, trường học cấp I, cấp II.

Giữa đại dương bốn bề sóng nước, Bình Ba đã có những căn nhà kiên cố mới được xây dựng theo kiến trúc kiểu thành phố. Ngư dân đảo Bình Ba sống bằng 3 loại nghề. Phổ biến nhất vẫn là khai thác thuỷ sản, nuôi tôm hùm và giao thương. Toàn đảo Bình Ba có 9 hộ làm nghề phu kéo vận chuyển hàng hoá. Mỗi ngày thu nhập một xe cũng được từ 150-200 nghìn đồng. Cứ mỗi ngày Bình Ba lại đón 2 chiếc ghe đến và về.

Thế nhưng từ khi nhiên liệu xăng dầu tăng giá, ngư dân nơi đây đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Bên cạnh đó, ngư trường đánh bắt thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt khiến những chuyến đi của họ “lỗ vẫn hoàn lỗ”.

Ngồi trên chiếc ghe anh Hải đưa về đất liền, lòng tôi vẫn ám ảnh câu nói của các ngư dân nơi đây: "Nghề đánh bắt đang bò lăn bò lết hết cả rồi". Khi tôi viết bài này hàng trăm ngư dân đang mong chờ các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ. Rồi tôi miên man nghĩ đến những "vị nữ hoàng của các loài tôm" đã cứu được một "nền kinh tế" trên hòn đảo có 95% dân số theo nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng. Và rồi tương lai vị "nữ hoàng tôm" liệu có rơi vào cảnh xuống giá như con tôm sú hiện nay?

Nguyễn Xuân

 


2006: 1,1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản

Nguồn tin: VNECONOMY, 13/12/2005
Ngày cập nhật: 13/12/2005

Sản lượng nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ tăng 9,41%, đạt khoảng 1,488 triệu tấn.

Theo tính toán của Bộ thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước trong năm 2006 sẽ tăng lên 1,1 triệu ha (trong đó diện tích nuôi nước mặn, nước lợ là 630.000 ha, nuôi nước ngọt: 470.000 ha), tăng hơn gần 100.000 ha so với năm 2005.

Với diện tích này, sản lượng nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ tăng 9,41%, đạt khoảng 1,488 triệu tấn, đóng góp quan trọng vào nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nhằm đạt kim ngạch xuất khẩu 2,67 tỷ USD. Trong năm 2005, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,36 triệu tấn, tăng 17,6% so với năm 2004, trong đó sản lượng tôm đạt 320.000 tấn, cá tra và ba sa đạt trên 400.000 tấn, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu 2,5 tỷ USD.

Đức Nguyễn

 


Làng bè Tân Lộc: Hệ lụy từ làm ăn tự phát!

Nguồn tin: BCT, 12/12/2005
Ngày cập nhật: 13/12/2005

Vài năm trước, cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt – TP Cần Thơ) được coi là tâm điểm của phong trào nuôi cá bè. Từ năm 2003 đến đầu năm 2005, số bè cá cứ tăng dần đến nỗi nhiều người dân địa phương kể: Nửa đêm nghe tiếng khua nước dưới bến sông, sáng dậy đã thấy vài chiếc bè từ miệt Châu Đốc – An Giang “nhập hộ” vào làng bè Tân Lộc. Thế nhưng, đến cuối năm 2005, khi về lại vùng cù lao này, tôi phải xót xa khi chứng kiến khung cảnh tiêu điều trước nhiều chiếc bè bị bỏ phế và không khỏi chạnh lòng khi nghe người dân than: “Bán bè giá rẻ như bèo mà hổng ai thèm mua!…”.

Chạy theo “phong trào”:

Từ tháng 10-2004, cá tra, cá ba sa liên tục bị mất giá, các chủ bè ở tỉnh An Giang, Châu Đốc bắt đầu thanh lý những chiếc bè cũ. Khi đó, ở TP Cần Thơ, cá chim trắng được giá, nên người dân Thốt Nốt “tranh thủ” tìm mua những chiếc bè cũ, giá rẻ về đầu tư nuôi cá chim trắng. Kết quả điều tra của Đội kiểm tra liên ngành (CSGT thủy, Trạm thủy sản liên huyện Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh) thực hiện từ ngày 24 đến 28-10-2005, cho thấy trên địa bàn huyện Thốt Nốt có tổng cộng 378 bè cá, riêng cù lao Tân Lộc đã có đến 294 bè. Đối chiếu với số liệu của Trạm thủy sản liên huyện Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, từ tháng 3 đến tháng 10-2005, lượng bè cá trên địa bàn Thốt Nốt tăng gần 70%; riêng tại xã cù lao Tân Lộc tăng trên 80%.

Kỹ sư Trương Thị Hương, cán bộ Trạm thủy sản liên huyện Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ở Châu Đốc, An Giang, nghề nuôi cá bè phát triển mấy chục năm nay, mật độ dày đặc, gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước. Vì thế, địa phương đã khuyến cáo người dân chuyển sang mô hình nuôi cá sinh thái để đạt sản lượng cao, đạt chất lượng yêu cầu xuất khẩu. Nhiều chủ bè không chuyển đổi được mô hình sản xuất thì bán bè chuyển nghề. Cũng từ đó, người dân Tân Lộc đổ xô lên An Giang mua bè cũ, giá rẻ về nuôi cá chim trắng. Tháng 5-2005, số lượng bè cá ở Thốt Nốt tăng đột biến, tập trung neo đậu ở 2 ấp Long Châu và Lân Thạnh (thuộc làng bè Tân Lộc) với mật độ dày đặc, ảnh hưởng luồng lạch, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và gây ô nhiễm môi trường nước. Chúng tôi khuyến cáo bà con về những tác hại đã và đang xảy ra nhưng dường như ít hộ chăn nuôi thủy sản thật sự quan tâm”.

Theo số liệu từ Phòng CSGT Đường thủy - CATP. Cần Thơ, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có trên 460 bè cá, trong đó có 231 bè không được cấp phép; riêng huyện Thốt Nốt có đến 210 bè cá không phép. Trung tá Trần Văn Đăng, Phó Trưởng Phòng CSGT Đường thủy TP Cần Thơ, cho biết: “Số bè nuôi cá phát triển quá nhanh ở Tân Lộc đã cản trở dòng chảy và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy, ngay cả các bè có phép cũng vi phạm luồng tuyến giao thông. Chúng tôi lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng các hộ vẫn chưa khắc phục. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Công an TP Cần Thơ kiến nghị lên Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ có hướng chỉ đạo giải quyết”. Về phía cơ quan chuyên môn, bà Lê Ngọc Diện, Trưởng Phòng nghiệp vụ – Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi không cấp phép cho những bè cá không đảm bảo tiêu chuẩn, góp phần hạn chế tình trạng bè cá phát triển lấn chiếm luồng lạch, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, đồng thời cũng đã yêu cầu địa phương sắp xếp lại vùng nuôi cá bè”. Cũng theo bà Diện, có nhiều trường hợp người dân Tân Lộc kéo bè cũ về, đến Chi cục Thủy sản đăng ký nhưng rồi khi cá rớt giá, họ không thèm đến lấy giấy phép hoạt động. Từ đó cho thấy, số lượng bè cá thực tế ở Tân Lộc có thể nhiều hơn so với thống kê của ngành chức năng.

Ai giúp dân làng bè?

Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm 2005, tôi về cù lao Tân Lộc, qua đò, rẽ về ấp Long Châu, dọc bờ sông vẫn là những dãy bè cá xếp hàng, nhưng không còn khung cảnh nhộn nhịp bởi tiếng máy xay thức ăn, tiếng cá quẫy đuôi ăn mồi mà là những tấm bảng rao “Bán bè”. Tưởng chúng tôi đi mua bè, nhiều người í ới gọi: “Chú em ghé coi bè đi, tui bán rẻ cho!” .

Chị Trần Thị Mỹ, đón đường tôi, dẫn tay vào nhà, vừa rao mời tôi mua bè, vừa sốt sắng tiếp thị: “Tui có 3 cái bè còn mới tinh, tính bán bớt 1 cái 4x8x3 mét, tính giá 60 triệu đồng thôi, nếu anh chịu mua tui tặng luôn cái máy nổ và 2 cối xay thức ăn”. Biết tôi là nhà báo, chị thở dài đánh sượt: “Thôi thì anh cần tìm hiểu điều gì, tôi sẵn sàng giúp cho. Làng bè này rệu rã lắm rồi, có gì mà che giấu!”. Thấy người ta nuôi cá làm giàu, vợ chồng chị Mỹ cũng tích cóp vốn liếng để sắm sửa mấy bè cá và máy móc phục vụ cho việc chăn nuôi. Chị kể: “Vợ chồng tôi bán gần 30 lượng vàng, lấy tiền đóng 3 chiếc bè (mỗi chiếc 70 triệu đồng) rồi mua phương tiện, máy móc, mới nuôi được một mùa thì cá rớt giá thê thảm, lỗ thấu xương nên đành bán bè với giá rẻ để thu hồi vốn, quay về làm ruộng ở Cờ Đỏ”.

Ông Võ Văn Chuộng (tên thường gọi là Ba Cụi) là người có thâm niên trong nghề nuôi cá chim trắng ở cù lao Tân Lộc, cho biết: “Gia đình tui có 8 cái bè nuôi cá chim trắng, vừa rồi bán được 2 cái, còn 6 cái cũng đang kêu bán để giải nghệ luôn. Theo ông Ba Cụi, 1 cái bè loại 6x12x3m, nuôi cá chim trắng từ 5 đến 6 tháng, thu đạt sản lượng 30 tấn cá. Tuy nhiên, mỗi ký thức ăn cho cá bình quân là 2.300 đồng, nếu bán được 10.000 đồng/kg cá thương phẩm thì người nuôi lời được 500 đồng/kg. Nhưng thời giá hiện nay, cá chỉ còn 7.200 đồng/kg, nếu càng cầm cự thì càng thua lỗ nặng hơn”. Ông Ba Cụi nhớ lại: Khi An Giang rầm rộ phát triển phong trào nuôi cá bè thì ở cù lao Tân Lộc này chỉ mới khoảng 10 bè cá. Phần lớn bà con ở đây không có khả năng đầu tư vốn nuôi cá tra, cá ba sa, nên lúc đó thấy cá chim trắng giá cao, khoảng 15.000 đồng/kg, nên đổ xô đi mua bè, đóng bè nuôi cá. Ông Ba Cụi chua chát nói: “Hiện giờ thương lái đang tới vớt mấy tấn cá chim trắng của tui đang nuôi dưới bè, giao cho sắp nhỏ ở nhà bán được giá nào thì bán”. Còn Ông Phạm Văn Bảy, hàng xóm của ông Ba Cụi, trước đây đã bán một công đất và vay mượn thêm tiền để lên Châu Đốc mua một cái bè cũ giá mấy chục triệu đồng kéo về, nuôi cá chim trắng. Giờ kêu bán lại chiếc bè 4 triệu đồng, chẳng ai mua. Mấy tháng nay, hai vợ chồng ông cứ lục đục, cự cãi.

Ở cù lao Tân Lộc, nhiều năm trước, mô hình nuôi cá tra bè giúp nhiều gia đình đổi đời, xây nhà tường, mua sắm nhiều trang thiết bị tiêu dùng hiện đại.

Chính “hình ảnh này” đã làm cho nhiều người dân “mê” mà không tìm hiểu kỹ những biến động thị trường về mặt hàng thủy sản nên có tình trạng ùn ùn “rủ nhau” tìm mua bè cá cũ đem về nuôi cá chim trắng, dẫn đến tình cảnh thua lỗ thê thảm như hiện nay. Đồng chí Phạm Văn My, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho biết: “Trước tình hình số bè cá ở xã tăng đột biến, từ tháng 6-2005, UBND huyện đã chỉ đạo xã động viên người chăn nuôi thủy sản không nên đóng mới, hay mua bè cá từ An Giang, Châu Đốc kéo về nữa nhưng nhiều hộ không nghe và địa phương cũng gặp khó trong việc kềm giữ tình trạng nuôi cá tự phát. Hiện nay, địa phương cũng không có khả năng hỗ trợ vốn cho các hộ nuôi cá bè thua lỗ”.

Bây giờ, các hộ nuôi cá ở làng bè cù lao Tân Lộc ai cũng ao ước bán được bè để có vốn chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, nhiều hộ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của việc làm ăn tự phát kiểu, “Thấy người ăn khoai - Vác mai đi đào”. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng nên kịp thời quan tâm giải quyết tình trạng khó khăn, đề xuất biện pháp hỗ trợ, tìm hướng ra, giúp các hộ chăn nuôi cá đang gặp quá khó khăn, chuyển hướng làm ăn, cải thiện thu nhập.

TRẦN NAM

 


Chuyện con tôm sạch và thị trường

Nguồn tin: KTSG, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 12/12/2005

 


Giá cá khô tiếp tục tăng mạnh

Nguồn tin: NLĐ, 11/12/2005
Ngày cập nhật: 12/12/2005

Theo Ban Quản lý chợ đầu mối thủy hải sản khô Bình Hưng (Bình Chánh- TPHCM), giá các mặt hàng thủy hải sản khô tiếp tục tăng từ 5.000 đồng -10.000 đồng/kg so với tuần trước dù lượng hàng về chợ vẫn tăng. Cụ thể, khô cá đù 30.000 đồng/kg; cá tra phồng 37.000 đồng/kg; cá lóc phi lê 95.000 đồng/kg; tôm khô loại I 350.000 đồng/kg, tôm khô nấu canh 80.000-120.000 đồng/kg; khô mực loại I 180.000 đồng/kg; khô sặc ngon 190.000 đồng/kg. Dự kiến một số mặt hàng như tôm khô, khô mực, khô cá lóc, khô sặc sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg trong thời điểm cận Tết.

S.Nhung

 


Canada tuyên bố cá Việt Nam bị nhiễm độc

Nguồn tin: VNECONOMY, 10/12/2005
Ngày cập nhật: 12/12/2005

Hiệp hội này cho rằng nông dân nuôi cá Việt Nam đã sử dụng một loại thuốc trừ bệnh nấm bị cấm là Malachite Green.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong một bản thông cáo phổ biến đến giới báo chí, Hiệp hội tiêu thụ Canada đã khẳng định các kết quả thử nghiệm thực hiện trong năm nay của cơ quan kiểm soát thực phẩm Canada cho thấy có đến 43% cá nuôi của Việt Nam nhập khẩu vào nước này bị nhiễm độc.

Cụ thể, hiệp hội này cho rằng nông dân nuôi cá ở một số nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng một loại thuốc trừ bệnh nấm bị cấm là Malachite Green.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự đã ký công văn số 5976/TM-KV3 thông báo đến các cơ quan hữu quan như Bộ Thuỷ sản, Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) để các cơ quan này có biện pháp ứng phó kịp thời ngăn không cho tình hình xấu thêm.

Đ.Thọ

 


Sóc Trăng-Cà Mau: Phát triển mạnh ngành khai thác, chế biến xuất khẩu thủy sản

Nguồn tin: BCT, 12/12/2005
Ngày cập nhật: 12/12/2005

Sóc Trăng vừa đề ra mục tiêu đến năm 2010 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD, trong đó thủy sản 680 triệu USD. Tỉnh xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm tới, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 45.000 ha, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường các vùng nuôi hiện có, nâng diện tích nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp lên khoảng 30.000 ha.

Hiện nay, Sóc Trăng có 17.500 ha nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp, chiếm 33% tổng diên tích nuôi tôm toàn tỉnh. Năm 2005, Sóc Trăng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 306 triệu USD, trong đó riêng thủy sản đạt tới 300 triệu USD.

Trong tháng 11-2005, Cà Mau tiếp tục đột phá trong xuất khẩu hàng thủy sản, với giá trị xuất khẩu đạt 55 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu hàng thủy sản từ đầu năm đến nay lên 472 triệu USD, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái 18,6%. Sở Thủy sản Cà Mau cho biết, giá trị xuất khẩu đạt cao trong tháng qua do tình hình giá tôm tăng lên. Tôm nguyên liệu loại 20 con/kg đạt mức giá 140.000 đến 145.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 100.000 -105.000 đồng/kg... tăng trung bình 4- 5 ngàn đồng/kg so với tháng trước.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu tôm phục vụ chế biến xuất khẩu đang tiếp tục giảm, do nông dân chưa vào vụ thu hoạch mới. Sở Thủy sản Cà Mau dự báo giá tôm nguyện liệu có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao.

TRẦN VŨ -QUANG HẢI

 


Hậu quả lúa - tôm ở ĐBSCL: Những cánh đồng hoang

Nguồn tin: TTCN, 11/12/2005
Ngày cập nhật: 11/12/2005

Tỉnh Cà Mau có gần 7.000ha diện tích gieo cấy lúa tôm bị “chết yểu”, nông dân đã hết cách khôi phục.

Huyện Trần Văn Thời trồng được 3.994ha diện tích lúa tôm thì đã chết non gần 3.300ha; TP Cà Mau chỉ trồng được 62ha thì đã chết mất 47ha; huyện U Minh trồng được 3.800ha, chết hết 1.200ha...

Diện tích gieo trồng lúa tôm của tỉnh đến giờ này chỉ còn 12.000ha, trong khi theo kế hoạch thì năm 2005 toàn tỉnh sẽ quyết tâm trồng đến 35.000ha diện tích lúa trên đất nuôi tôm.

Sau vài năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm, không ít nông dân ở các tỉnh ĐBSCL như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... bị nợ nần vây hãm phải bỏ nhà đi xứ khác làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày. Nuôi tôm không được, trồng lúa chẳng xong đã làm cho nhiều cánh đồng lúa phì nhiêu ngày nào trở thành những... “cánh đồng hoang”.

Từ thành phố Cà Mau chúng tôi về xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước - nơi được xem là địa chỉ đỏ mà mấy năm qua Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, nông dân nơi đây cũng thể hiện tính “tiên phong” ngay từ những năm đầu chuyển dịch. Họ đã nuôi trồng được đến 500ha diện tích lúa - tôm ở năm đầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ chuyên lúa sang luân canh lúa - tôm (2001). Thế nhưng, năm nay chúng tôi cố tìm một thửa ruộng có lúa để chụp hình mà đỏ con mắt.

Vua lúa cũng... lắc đầu

Cả xã chỉ có một người trồng được chút lúa, đó là bác Sáu Niệm ở kênh Láng Tượng, ấp Tân Hòa. Chúng tôi bao đò đi tìm bác. Anh Thịnh - con trai út của bác - lắc đầu: “Các anh vào không báo trước thì vô phương gặp ba tôi. Ông ấy lúc này không còn là ông Sáu Niệm nữa, mà là Sáu “thời sự” rồi.

Tối ngày bà con cứ vây ổng để hỏi chuyện trồng lúa”. Đến chỗ ruộng lúa của bác Sáu chúng tôi cũng bất ngờ, đúng là bác có trồng được lúa trên đất nuôi tôm. Một khoảnh chừng nửa hecta, nằm trong lòng ruộng tôm rộng trên 1ha của bác, nhưng lúa không xanh mượt mà nhiều chỗ lốm đốm vàng lá, còi cọc. Thế nhưng, được vậy đã là quí hóa lắm rồi, vì quanh đấy nhìn đến mút tầm mắt chúng tôi cũng không tìm đâu ra một thửa ruộng có lúa.

Phòng nông nghiệp - thủy sản huyện Cái Nước cho biết năm nay huyện được giao thực hiện 5.000ha diện tích lúa tôm. Do nhiều nguyên nhân, huyện chỉ thực hiện được 1.118ha. Nhưng đến giờ này số lúa chết đã lên đến 1.058ha, nhiều vùng bây giờ đã trở thành những cánh đồng hoang.

Không chỉ Thạnh Phú mà cả vùng đất Lợi An, huyện Trần Văn Thời - nơi từng được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Cà Mau - năm nay cũng chỉ là một cánh đồng toàn nước. Ông Nguyễn Văn Chiến ở ấp Rạch Lăng - một “vua lúa” của vùng này. Thời còn chuyên canh lúa, ông làm 10 công đất (hơn 1ha), mỗi năm thu hoạch từ 800 - 1.000 giạ lúa.

Vậy mà bây giờ ông đang ngồi buồn xo bên bờ ruộng, nhìn thất thần xuống đám lúa lưa thưa, xệu xạo như răng ông già. Ông lắc đầu, chán nản: “Tuần đầu khi mới sạ, thấy lúa phát triển bình thường, ai dè sang tuần thứ hai và thứ ba thì nó rụi hết. Vợ chồng tôi phải thay nhau mót từng bụi mạ ở sau hè nhà mình, đem ra cấy lại mới được như vầy.

Đây cũng là năm đầu tiên tôi thấy bà con nông dân Lợi An không trồng được lúa”. Cách nhà ông một đỗi là cánh đồng mênh mông nước, chỉ có vài công lúa vàng hoe của ông Mạc Hồng Phỉ. Ông Phỉ đã sạ hai lần giống nhưng đều mất sạch sành sanh nên ông cũng chấp nhận thua trắng, cùng ông Chiến tháo bỏ “vương miện” vua trồng lúa trên đất Lợi An.

Bỏ đất đi làm thuê...

Trồng lúa thất bại, nông dân Cà Mau đã cấy năng xuống vuông tôm, giữ cho đất khỏi thoái hóa

Rời Cà Mau chúng tôi đến Sóc Trăng - một trong những địa phương có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh ở ĐBSCL. Cả cánh đồng dẫn vào Xóm Mới thuộc ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú của huyện Long Phú đang được phủ một màu xanh của... cỏ.

Không khó lắm khi hỏi đường vào đây bởi hơn hai năm qua người dân Liêu Tú không còn gọi nơi đây là vùng đất “tập đoàn” mà thay bằng cái tên quen thuộc là “cánh đồng hoang”.

Không gọi như vậy sao được khi mở rộng tầm mắt vài cây số về hướng Tổng Cáng rồi chạy dài sang xã Lịch Hội Thượng mọi người đều bắt gặp một cánh đồng rộng mênh mông chỉ có vài chục ao tôm, vài căn chòi lá rách nát, xiêu vẹo, còn lại là những thửa ruộng bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm. Đứng trên bờ đê, nhìn ba công ruộng lúa bị chết khô, anh Thạch Chữa nói: “Cả gia tài tôi chỉ có ba công đất cắm dùi.

Tuy đất không nhiều nhưng nhờ làm hai vụ lúa nên mấy năm trước trung bình một năm thu hoạch được khoảng 120 giạ lúa, trừ chi phí cũng đủ ăn đến hết những tháng nông nhàn. Từ khi ao tôm xuất hiện, một công ruộng thu hoạch không được 10 giạ lúa/vụ, do lúa bị nhiễm phèn, ngập mặn chết hết nên vừa rồi không gặt hái được hột nào”. Cạnh nhà Thạch Chữa, tranh thủ lúc nước dưới kênh Giồng Chát - Tổng Cáng còn chưa mặn, anh Lai Chinh đã tận dụng mảnh đất trống khoảng 25m2 trên bờ đê để trồng vài liếp hành tím trước khi đùm túm vợ con đi xứ khác làm thuê.

Anh Chinh thở một hơi dài, nói chua xót: “Lúa làm không được, lại không có tiền nuôi tôm, nên tôi đành phải bán đất để nuôi vợ con vì chẳng biết đào đâu ra tiền trên mảnh ruộng quanh năm vàng quánh một màu phèn và tràn ngập nước mặn. Mấy năm trước nghe nói nạo vét kênh để dẫn nước ngọt vào nhưng công trình vừa hoàn thành thì cả tuyến kênh cũng mặn chát, chỉ trồng được một vụ hành rồi đóng cửa nhà đi làm mướn”.

Càng đi sâu về phía tập đoàn 7 (cũ), chúng tôi càng thấy đau xót cho những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngồi bó gối, mắt đờ đẫn nhìn cả ngàn công đất bị bỏ hoang. Anh Vương Minh Trường chỉ tay về phía cánh đồng cỏ mọc lởm chởm rộng 1,5ha, nói như mếu: “Đất của tôi đấy. Ảnh hưởng nước mặn của các vuông tôm đến cỏ mọc không nổi thì làm sao lúa sống được.

Lúc trước nếu trúng mùa đám ruộng này thu hoạch được 35-38 giạ lúa/công/vụ, bây giờ phải bỏ hoang”. Chính vì không trồng được lúa cũng chẳng dám xuống giống hoa màu nên gần ba năm qua hàng trăm nông dân ở đây phải bỏ đất cho cỏ mọc. Thạch Chữa cho biết: “Lúc này nước ngọt còn vào xóm còn thấy người, vài hôm nữa nước mặn dần lên hàng trăm hộ nghèo như chúng tôi phải nuốt nước mắt vào trong lòng, nhìn đất bỏ hoang mà dắt díu vợ con đi làm thuê tận Long An, Đồng Tháp...”.

Qui hoạch kiểu đánh trống bỏ dùi

Ông Lê Văn Sơn - trưởng Phòng kinh tế huyện Long Phú - cho biết năm 2002 tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt dự án nuôi tôm thuộc hai xã Liêu Tú và Lịch Hội Thượng với tổng diện tích 1.500ha. Khi vùng này được qui hoạch thành cánh đồng nuôi tôm thì huyện Long Phú tiến hành đào kênh thủy lợi, đắp lại các đập ngăn mặn nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho cánh đồng giáp với xã Viên Bình (huyện Mỹ Xuyên) sản xuất lúa thông qua tuyến kênh Giồng Chát - Tổng Cáng.

Tuy nhiên, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ cây lúa sang con tôm một cách không đồng bộ nên đến nay chỉ có 600ha đất trong vùng dự án được nuôi tôm và tuyến kênh Giồng Chát - Tổng Cáng thường xuyên bị nhiễm mặn. Riêng khu vực thuộc tập đoàn 6, 7 (cũ) chỉ có 80/180ha đất trồng lúa chuyển sang nuôi tôm. Ông Sơn giải thích: “Lúc đầu, khi xây dựng kế hoạch chuyển vùng này sang chuyên tôm chúng tôi cứ tưởng các hộ nghèo ở đây sẽ được ngân hàng cho vay vốn nhưng cuối cùng họ lại không được vay”.

Rõ ràng, cả huyện và tỉnh biết rõ vùng đất này còn rất nhiều hộ nghèo không có vốn để nuôi tôm và không ít hộ chỉ có vài ba công đất nên không thể đào ao nuôi tôm công nghiệp nhưng tỉnh Sóc Trăng vẫn tiến hành qui hoạch khu vực này vào vùng “chuyển dịch”. Chính vì “chuyển dịch” một cách nóng vội nên cái giá phải trả là hàng trăm hecta đất đang trồng lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và dân nghèo càng nghèo thêm vì họ không thể cứu lấy đồng lúa.

Ông Nguyễn Thanh Quang - chủ tịch UBND xã Liêu Tú - thừa nhận: “Người dân bao đời đã quen tập quán làm lúa nên khi nghe chuyển sang nuôi tôm thì không dám nuôi vì mô hình này đối với họ quá mới. Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành họp dân nhưng ai cũng bảo về nhà bàn tính lại”.

Trong lúc người dân đang băn khoăn về hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lúa sang tôm thì giữa cánh đồng lúa phì nhiêu từ Giồng Chát chạy dài qua gần tới Nam Chánh (xã Lịch Hội Thượng) bỗng xuất hiện vài đầm tôm của những người có vốn. Vương Minh Trường bức xúc: “Vì chạy theo lợi nhuận của con tôm nên khi nghe tỉnh công bố qui hoạch các hộ này đào ao nuôi tôm liền.

Họ đâu nghĩ đến chuyện đào ao nuôi tôm lung tung sẽ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên. Khi môi trường xung quanh bị ô nhiễm thì chúng tôi không thể sản xuất lúa”. 1.000 công đất bị hoang hoá, anh Trường nhẩm tính: “Nếu bình quân thấp nhất một công đất cho 50 giạ lúa/2 vụ/năm thì cả cánh đồng này mất ít nhất là 50.000 giạ lúa mỗi năm”.

Chú T.Đ. ở ấp Giồng Chát thì lo lắng: “Cả cánh đồng lúc trước lúa trúng lắm. Từ khi ông L.T.B. đào ao nuôi tôm thì nhiều mẫu ruộng xung quanh liên tiếp bị thất mùa. Nhìn nước phèn vàng quánh từ trong vuông tôm xổ ra kênh nên không ai dám bơm nước vào ruộng”.

Ngoài Long Phú thì huyện Mỹ Xuyên là một trong những nơi có đất nuôi tôm ngoài vùng qui hoạch nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng với trên 400ha tập trung ở các xã Viên Bình và Thạnh Thới Thuận. Chính những ao tôm này mà thời gian qua hàng trăm hecta đất làm lúa ở huyện Mỹ Xuyên bị chết và thất trắng do ảnh hưởng của phèn, mặn và môi trường nước bị ô nhiễm.

Lật lại quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau, người nông dân oán trách nhà chức trách đã đánh trống bỏ dùi. Theo đề án chuyển dịch, để hai vùng Nam (vùng chuyên tôm và lúa tôm) và Bắc (vùng chuyên lúa) Cà Mau sản xuất tốt giai đoạn 2000- 2010 trên cơ cấu sản xuất mới, thì cần phải thực hiện hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi trị giá lên đến trên 4.000 tỉ đồng. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, tỉnh chỉ mới thực hiện được chưa tới 400 tỉ. Từ đó, nên hậu quả tất yếu là hệ thống thủy lợi khập khểnh yếu kém, sản xuất bấp bênh.

Để cứu lấy “cánh đồng hoang” hạn chế thảm họa suy thoái môi trường một trong những biện pháp được lãnh đạo các tỉnh đưa ra hiện nay là khuyến khích các hộ thiếu vốn nuôi tôm theo hình thức quảng canh vì vốn đầu tư cho mô hình này chỉ cần khoảng 20 triệu đồng/ha. “Tới đây, chúng tôi sẽ cho xẻ một con kênh dẫn nước ngọt vào khu vực có nhiều đất bỏ hoang để cho dân trồng lúa” - ông Sơn - trưởng phòng kinh tế huyện Long Phú (Sóc Trăng), khẳng định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì kế hoạch này có thể chỉ là “lý thuyết” vì khi đất đã đào ao nuôi tôm thì khó có thể cào bằng để trồng lúa trở lại. Và cứ thế ngày càng có nhiều nông dân phải bỏ nhà đi làm thuê, làm mướn suốt năm này qua tháng nọ chỉ vì cái chuyện qui hoạch tôm - lúa của chính quyền.

NGỌC DIỆN - NHƯ Ý

PGS TS Nguyễn Hữu Chiếm trưởng bộ môn môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ:

Do hệ thống xả mặn yếu

* Vì sao thời điểm này lúa chết nhiều? Nhiều cánh đồng trở nên hoang hóa?

- Lúa chết phải xem cho kỹ coi bị phèn, mặn, hay sâu bệnh. Ngày xưa người ta vẫn nuôi lúa tôm được vì không có đắp đê bao, ngăn đập gì cả. Tới mùa mưa khi nào hết mặn và thấy cỏ nước ngọt mọc lên thì mới xạ lúa. Còn bây giờ, mình bao đê để nuôi tôm. Khi đắp đê bao thì lượng nước xả ra không kịp, muối tồn đọng trong ruộng còn nhiều. Chỉ cần nắng hạn chút xíu thôi là không đủ nước ngọt, và nước bốc hơi nhanh để tồn dư lại muối làm mặn đất và lúa chết.

Nguyên nhân sâu xa là do cấu trúc hạ tầng của mình xả mặn không kịp (nghĩa là hệ thống của mình không còn tự nhiên nữa).

Bây giờ nuôi tôm nhiều, nuôi trong nhiều năm nên mặn tích lũy cũng nhiều, bởi vì mình chủ động đưa nước mặn vào. Nếu phát triển diện tích tôm - lúa một cách ào ạt lại không đồng bộ với hệ thống thủy lợi rửa xả mặn thì lúa sẽ bị nhiễm mặn mà chết và khó trồng lại. Khi đã chuyển môi trường tự nhiên sang nhân tạo rồi thì phải tính toán cho kỹ.

Ông Diệp Thanh Hải phó giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau:

Mô hình lúa - tôm xuống dốc

* Tính ổn định của trên 200.000ha diện tích đất nuôi tôm (mới chuyển dịch) của tỉnh đang bị đe dọa, ông nghĩ thế nào?

- Các nhà khoa học nói vậy từ lâu, các ngành, các cấp cũng biết mà nông dân cũng hiểu rõ ràng như vậy. Với nguồn nước xa biển, kém phù sa, thiếu thảm thực vật đất sẽ sớm bị thoái hóa.

* Sở đã có chương trình gì để ngăn chặn sự thoái hóa của đất, tạo sự ổn định cho vùng nuôi trồng thủy sản nói trên?

- Mấy năm qua, mô hình lúa - tôm ngày càng xuống dốc. Năm nay lại đại bại, lúa chết cả chục ngàn hecta. Đặc biệt là huyện Đầm Dơi, năm nay không trồng lại được cây lúa - tôm nào. Huyện Cái Nước cũng lụn luôn, trồng được 1.100ha thì đã bị chết hết 1.000ha. Tình hình này thì năm sau chắc bà con bỏ luôn cây lúa . Trước mắt chúng tôi vẫn chưa có giải pháp mới, vì đó là công việc không dễ, cần sự tập trung trí tuệ của nhiều ngành mới giải quyết được.

PHƯƠNG UYÊN - NHƯ Ý thực hiện

 


Nghề nuôi ếch công nghiệp

Nguồn tin: BKH, 9/12/2005
Ngày cập nhật: 11/12/2005

Nuôi ếch công nghiệp là việc ứng dụng những thành tựu mới trong nghề nuôi ếch như: chọn giống, nuôi mật độ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi trong thời gian ngắn. Hiện nay, nghề nuôi ếch công nghiệp đang phát triển mạnh ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây, ở Diên Sơn (Diên Khánh), một nông dân đã đầu tư gần 100 triệu đồng để nuôi ếch, kết quả ban đầu cho thấy nhiều triển vọng.

Bà Lê Thị Ngọc Ảnh, chủ trại nuôi ếch công nghiệp ở Diên Sơn cho biết: “Tuy là nông dân nhưng tôi rất mê nuôi các loài đặc sản, nhất là các loài có hiệu quả kinh tế. Trước đây, tôi cũng đã đầu tư nuôi gà công nghiệp nhưng do dịch cúm gia cầm nên chuyển sang nuôi loài khác. Tôi đã đến TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh để tìm tòi, học hỏi. Cuối cùng, thấy nuôi ếch theo kiểu công nghiệp mang lại hiệu quả hơn cả nên tôi đã bỏ tiền đầu tư”.

Những kinh nghiệm học hỏi được từ các mô hình tham quan, bà Ảnh đã đầu tư xây dựng 2 trại ếch trên mảnh đất thuê từ trại gà trước đây. Bà Ảnh cho biết, tùy theo điều kiện của cơ sở có thể nuôi ếch trong bể xi măng hoặc nuôi ao đất, tất nhiên nuôi bể xi măng việc quản lý sẽ tốt hơn. Mỗi trại nuôi có diện tích khoảng 150m2, gồm 2 dãy ô chuồng song song, mỗi dãy 5 ô, ở giữa có chừa một lối đi rộng khoảng 1m để tiện cho việc đi lại chăm sóc. Mỗi ô chỉ xây cao 50cm, phía trên ngăn bằng tôn để không cho ếch nhảy ra ngoài. Mỗi ô chuồng có diện tích 12m2, bề 3m, bề 4m. Mái lợp bằng tôn, chừa trống 1/3 phần ngoài để lấy ánh sáng mặt trời, diệt mầm bệnh, đồng thời hứng các loại phiêu sinh vật, phù du làm thức ăn cho ếch bằng cách đặt bóng đèn chong vào ban đêm.

Theo hướng dẫn của các chuyên gia nuôi ếch, bà Ảnh thả ếch với mật độ 100 con/m2, như vậy mỗi ô bà thả nuôi 1.200 con ếch giống. Giống ếch lấy từ TP. Hồ Chí Minh với giá 1.500đ/con. Đó là giống ếch Thái Lan, 30 ngày tuổi. Nuôi ếch công nghiệp hoàn toàn dùng thức ăn tổng hợp KAKIU có bán sẵn ở các cửa hàng thực phẩm gia súc, gia cầm. Đây là loại thức ăn viên có kích cỡ hạt khác nhau và có hàm lượng dinh dưỡng phụ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của ếch. Bà Ảnh còn cho ếch ăn thêm cá để tăng thêm đạm, đồng thời phối trộn thuốc kháng sinh và khoáng vi lượng để ếch lớn nhanh cũng như phòng bệnh. Bà cho biết, kinh nghiệm nuôi ếch là phải có nước sạch và bảo đảm độ pH thích hợp, nước không được nhiễm mặn, nhiễm phèn. Người nuôi ếch phải thường xuyên theo dõi phân loại theo kích cỡ để đàn ếch phát triển đồng đều, con lớn không tranh giành thức ăn với con bé, thậm chí ăn nhau. Ở ếch giống, tỉ lệ hao hụt rất cao nếu không phân cỡ, từ giai đoạn ếch giống đến ếch thịt ít nhất phải phân làm 3 cỡ đồng đều nhau, cứ 3 ngày phân loại một lần. Anh Đoàn Vĩnh Tuyên - công nhân trại ếch, cho biết: “Một số bệnh thường gặp ở ếch là bệnh trầy mỏ, sình bụng và mù mắt. Nguyên nhân bệnh là do nhiễm khuẩn, thức ăn bị ôi, bị chua, do vận chuyển, ếch nhảy vào tường nên bị xây xát. Trại thường dùng loại Vikon A tắm cho ếch vài lần là khỏi.

Vừa qua, trại đã chọn loại ếch lớn nuôi trong thời gian 2 tháng rưỡi và xuất bán 50kg, trọng lượng bình quân 200 - 250g/con, giá bán dao động từ 30.000 - 35.000đ/kg. Như vậy, chỉ trong 75 ngày, ếch đã đạt trọng lượng thương phẩm. Bà Ảnh cho biết, với định suất thức ăn bình quân 2.500đ/con, tiền giống 1.500đ/con, giá bán 7.000đ/con, nếu quá trình nuôi tỉ lệ hao hụt thấp thì sau 2,5 - 3 tháng cũng thu lãi 2 - 3 ngàn đồng/con. Hiện nay, bà Ảnh thả nuôi hơn 10.000 con ếch với nhiều lứa tuổi khác nhau.

BÍCH THỦY

 


Nông dân trong tỉnh đang bước vào cao điểm của vụ thu hoạch tôm

Nguồn tin: WAG, 9/12/2005
Ngày cập nhật: 10/12/2005

Vụ tôm mùa lũ năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh thả nuôi gần 700 ha tôm càng xanh. Các huyện có diện tích thả nuôi nhiều là Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân và Châu Thành … Hiện nay đang bước vào thu hoạch vừa trúng mùa, vừa được giá. Cụ thể giá tôm sô ngay trong thời kỳ cao điểm thu hoạch nông dân vẫn bán được với gía từ 85 - 92.000đ/kg, bình quân mỗi hecta lãi được từ 35 - 40 triệu đồng; cá biệt có trường hợp lãi trên 50 triệu đồng/hecta. Nhìn chung vụ tôm mùa lũ năm 2005, năng suất thu hoạch đạt từ 0,8 - 1,2 tấn/ha; cá biệt anh Lê Văn Lượm ở ấp BìnhThới, xã Bình Phú, huyện Châu Phú nuôi đạt năng suất đến 1,4 tấn/ha.

Qua 5 năm triển khai mô hình nuôi tôm trong mùa lũ trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã rút được kinh nghiệm trong quá trình nuôi như tiến hành tỉa thưa trước khi thu hoạch dứt điểm, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong vuông nuôi… từ đó giúp nông dân nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế năm sau cao hơn năm trước.

Minh Hiển


Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi

Nguồn tin: WNT, 10/12/2005
Ngày cập nhật: 10/12/2005

Để thủy sản thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong 5 năm qua cùng với việc đầu tư phát triển lĩnh vực khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ với các trang thiết bị nghề cá hiện đại, nuôi trồng thủy sản cũng phát triển nhanh với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi, góp phần tạo ra năng lực mới cho sản xuất của ngành. Cùng với nuôi tôm sú thịt, sản xuất tôm sú giống chất lượng cao, một trong những thành tựu khá nổi bật của ngành là phát triển cây rong sụn với diện tích ngày càng tăng. Từ 15 ha năm 2000, chủ yếu ở đầm Sơn Hải đến nay đã tăng lên trên 720 ha với 800 hộ nuôi trồng ở các khu vực ven biển nằm trải dài từ Hòn Cò - Cà Ná (Ninh Phước) đến Mỹ Hòa (Ninh Hải). Cây rong sụn còn được xem là cây nuôi trồng “xóa đói, giảm nghèo” của phần lớn các hộ ngư dân ở các xã ven biển. Theo tính toán của ngành Thủy sản, với một hécta mặt nước nuôi trồng rong sụn đã đạt được lợi nhuận bình quân gần 73 triệu đồng/ năm. Trong khi đó, nghề nuôi trồng rong sụn không yêu cầu kỹ thuật cao như các nghề nuôi trồng thủy sản khác, chi phí đầu tư thấp, lao động lại giản đơn. Theo đánh giá của ngành, điều kiện tự nhiên ở các vùng biển trong tỉnh rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rong sụn. Đây là thuận lợi cơ bản để phát triển và nhân rộng giống cây trồng này trong tương lai góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động nữ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân nghèo, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi, môi trường cho các vùng ven biển.

Mai Ty, Báo Ninh Thuận

 


Sau bài báo: “Bùng nổ phong trào nuôi ếch Thái Lan” - Phản hồi từ những người có trách nhiệm

Nguồn tin: SGGP, 09/12/2005
Ngày cập nhật: 10/12/2005

Sau bài báo “bùng nổ phong trào nuôi ếch Thái Lan – Những cảnh báo cần thiết” ngày 28-11, chúng tôi nhận khá nhiều thông tin phản hồi…

Chính quyền lên tiếng

Một trại nuôi ếch Thái Lan tại Hóc Môn.

Trở lại các điểm nuôi ếch bị thất bại đã được nêu trong bài viết, các hộ nông dân này đều cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại đều là do việc cung cấp con giống. Giữa nông dân với người bán giống chỉ là hợp đồng miệng và khó có thể chứng minh được ếch chết là do giống, người bán giống không chịu trách nhiệm, thiệt hại nông dân lãnh đủ.

Theo UBND xã Nhị Bình huyện Hóc Môn (TPHCM), tính hiệu quả về con ếch thời gian qua chưa được khẳng định rõ vì ứng dụng kỹ thuật nuôi chưa đồng bộ. Hiện nay chúng ta không chủ động con giống để bà con nông dân có thể nuôi được quanh năm nên chưa thể khuyến cáo rộng cho nông dân.

UBND huyện Hóc Môn đang tìm hiểu và liên hệ để đưa nông dân trong huyện đến tham quan và học hỏi mô hình nuôi ếch thịt và nhân giống ếch ở các trang trại của tỉnh Quảng Bình, vì các trang trại này có thuê chuyên gia Thái Lan hướng dẫn.

Theo chủ trại ếch giống Hồ Minh Thiện (Hóc Môn), con giống đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi ếch thịt thành công hay không. Nếu con giống khỏe mạnh, người nuôi áp dụng đúng kỹ thuật thì khả năng thành công không phải nhỏ. Ông kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại các cơ sở bán giống hiện nay đang hoạt động tại các quận - huyện để quản lý con giống chặt chẽ hơn. Về kỹ thuật, trong quá trìnnh nuôi ếch gặp khó khăn có thể liên hệ ngay với anh qua địa chỉ nhà tại ấp 3 xã Nhị Bình huyện Hóc Môn, hoặc liên hệ với anh qua số điện thoại 7120290.

Không nên chạy theo phong trào

Tiến sĩ Lê Thanh Hùng, Phó Khoa Thủy sản Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, ếch chết hàng loạt có nhiều yếu tố: con giống, ao nuôi, nguồn nước, thức ăn… Người nuôi không nên chạy theo phong trào mà cần nắm vững quy trình kỹ thuật trước khi nuôi. Không mua con giống trôi nổi. Ao nuôi có hang trú ẩn, bờ ao hoặc mương trồng cây xanh tạo bóng mát, trong vườn tạo thêm ánh sáng màu. Mật độ thả khoảng 40 - 60 con/m2. Về thức ăn, ngoài giun đất, tôm tép, cua và các loại côn trùng nên cho ếch ăn thêm bột ngũ cốc nấu chín để nguội. Trước khi cho ếch ăn, phải vệ sinh sạch sẽ sàn nuôi.

Hàng ngày theo dõi mọi hoạt động của ếch: mức ăn, tốc độ lớn, tình hình bệnh, chất nước để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Nguyên nhân gây ra bệnh thường do nguồn nước bẩn, ếch ốm yếu bị bệnh ngoài da rồi nhiễm trùng, ếch bị chướng bụng, da tái, bỏ ăn. Trong quá trình nuôi ếch, những yếu tố như thức ăn (thừa, ôi thiu) không đảm bảo vệ sinh làm cho ếch sinh bệnh rồi chết. Chú ý, nuôi ếch công nghiệp độ đạm phải cao hơn cám nuôi cá (30%-35% thay vì 20%-25%).

Tốc độ phát triển của ếch nhanh nên xuất hiện một số bệnh tật. Vì vậy, nguồn nước luôn trong sạch (không chua, đục), loại bỏ ngay con yếu, thức ăn không có vi khuẩn gây bệnh, không để các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhiễm vào ao nuôi. Có bóng mát che nắng mưa. Trước lúc thả cũng như sau thu hoạch phải tẩy vôi, phơi nắng đáy ao. Bổ sung thức ăn khác như cá nhỏ, tép, giun... và cho thêm vào thức ăn một số vitamin, khoáng chất. Trên mặt ao nuôi ếch, thả ốc, cá, cả bèo tây vì đây là loại thực vật có tác dụng làm sạch mặt nước. Những điều kiện trên ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của ếch và hiệu quả kinh tế.

Ngành nông nghiệp TP kiến nghị

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, 2 năm nay, nuôi ếch trở thành phong trào phát triển mạnh ở ngoại thành, nhất là do dịch cúm gia cầm tái phát. Nhưng nhìn chung, ếch Thái Lan khó tạo được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu vì đùi nhỏ hơn so với ếch đồng VN, nên doanh nghiệp mua ếch với giá thấp, hiệu quả mang lại cho người nuôi ếch chưa cao. Tỷ lệ sống của ếch nuôi công nghiệp còn thấp làm tăng giá thành. Đa số các hộ nuôi ếch Thái Lan đều gặp khó khăn: do vận chuyển xa nên con giống thường bị hao hụt và bị thương vì cắn lẫn nhau khi không có thức ăn hay đói mồi. Những đợt cao điểm (cuối và đầu năm) thường xuyên thiếu giống.

Một số trại giống có khuynh hướng lưu dưỡng và nuôi vỗ ếch thịt làm giống bố mẹ, dễ xảy ra tình trạng đồng huyết, tỷ lệ hao hụt lớn nên hiệu quả thấp. Chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, đa số qua trung gian thu mua để tiêu thụ nội địa. Sở NN-PTNT TP khuyến cáo nên mua con giống tại cơ sở có đăng ký, đã kiểm dịch và bao tiêu sản phẩm với hợp đồng chặt chẽ. Thực hiện đúng kỹ thuật nuôi. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Thủy sản sớm ban hành tiêu chuẩn về ngành ếch và các loại bệnh phải kiểm dịch trên ếch trước khi xuất bán hoặc nhập khẩu…

NHÓM PV NÔNG THÔN

 


Thủy sản VN còn nhiều điểm yếu

Nguồn tin: TT, 09/12/2005
Ngày cập nhật: 10/12/2005

 


Nuôi cá hồi Bắc Âu ở Sa Pa

Nguồn tin: SGGP, 9/12/2005
Ngày cập nhật: 10/12/2005

Tại bữa đại tiệc mừng lễ khởi công công trình Thủy điện Sơn La có một món rất đặc biệt: cá hồi, nhưng không phải cá hồi ngoại nhập mà cá hồi Sa Pa. Ai cũng biết quê hương của loài cá thịt hồng tươi, thơm ngon và giàu dinh dưỡng bậc nhất này là ở tận biển Bắc xa xôi. Cá hồi ưa nước lạnh, có thể sống dưới một lớp băng mỏng, nhưng sẽ uể oải, rồi “ốm nặng” khi nhiệt độ nước lên tới trên 20 độ C. Vậy mà dưới chân Thác Bạc ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai), gần 20.000 chú cá hồi đang vào “tuổi ăn tuổi lớn”. Đây là dự án thử nghiệm nuôi cá nước lạnh đầu tiên ở Việt Nam.

Vạn sự khởi đầu nan...

Ý tưởng nuôi cá hồi ở Sa Pa đã được các chuyên gia thủy sản Phần Lan nhen nhóm từ năm 2002, nhưng mãi đến những ngày áp Tết con Gà 2005 mới được triển khai.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai - ông Nguyễn Đức Thăng - một trong những người “áp tải” chuyến trứng cá giống đầu tiên từ Phần Lan về Sa Pa nhớ lại: “Mang trứng về thật công phu. Đợt đầu chưa có kinh nghiệm, trứng cá bị hỏng nhiều. Sau đó, tôi nghe anh em nói phải dùng tới 4 lớp khay xốp; lớp trên cùng và dưới cùng là nước đá để giữ lạnh, hai lớp giữa để trứng cá. Tỷ lệ nở lên tới khoảng 95%”.

Những ngày đầu “trứng nước” còn có chuyên gia bạn, giúp đỡ, đến khi cá lớn bằng chiếc tăm, chỉ còn 10 anh chị em Việt Nam tự lực cánh sinh. Với một chiếc tivi, một máy tính không nối mạng và những đồ dùng cá nhân tối thiểu, họ sắp trải qua cái Tết thứ hai ở rừng...

Đang vui câu chuyện, anh Nguyễn Văn Thìn (phụ trách dự án) bỗng ngừng lại, chạy đi bật máy bơm. Rồi giải thích: “Đang là mùa khô, suối cạn, lượng nước về không đủ, chúng tôi phải lọc lại nước để tái sử dụng. Cá bỗng dưng ngóc đầu lên nhiều là do thiếu oxy, phải chạy máy bơm để bổ sung. Với cá hồi, lượng oxy luôn phải đảm bảo tối thiểu là 3,5mg/l”.

Mùa khô đã vậy, mùa lũ cũng lo. Vẫn anh Thìn kể, hoảng hồn nhất là đợt tháng 5, lũ cuốn theo nhiều cành cây, lá mục, cát sỏi làm tắc ống dẫn, nước cũng không về được, cá thiếu oxy, chết hàng loạt. Đau nhất là không phải không dự báo được điều này, nhưng muốn tránh thì phải đầu tư đồng bộ hệ thống dẫn nước, mà số vốn dành cho dự án thì ít ỏi - chưa đầy 3,6 tỷ đồng, trong đó non nửa là tiền chuyển giao công nghệ, trả lương chuyên gia bạn... Thậm chí nhiều hạng mục đã đầu tư là tiền vay từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả... tiền túi của Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 - ông Lê Thanh Lựu!

Lần khác, khi cá đã dài khoảng 2-3cm, cũng tự dưng có hiện tượng ngóc đầu lên rồi chết. Phòng nghiên cứu bệnh cá của viện bó tay, chưa “chẩn” ra bệnh, cho dùng kháng sinh cũng không đỡ. Anh Thìn mày mò đọc sách, phán đoán là do mật độ nuôi quá dày, cá bị một dạng bệnh “stress”. Thế là phải vừa “giãn dân”, vừa pha thêm chục cân muối vào bể nuôi. Vậy đấy, trong điều kiện Việt Nam, rõ ràng những bài học từ nước bạn là không đủ, người làm dự án phải tự tìm tòi, thử nghiệm mới có thể thành công.

Cá đã có thể lên... bàn tiệc

Giờ thì những chú cá hồi lớn nhanh nhất – được anh Thìn cho “ra ở riêng” tại một khu ao ngoài trời, che bằng lưới nhẹ – đã nặng từ 6 lạng đến một cân. Nhỏ hơn so với loại đang bán ở các siêu thị, nhưng đã đủ tiêu chuẩn để lên... bàn tiệc. Thịt cá hồng tươi, mềm, béo ngọt, không kém gì các bậc “đàn anh” ngoại nhập. Muốn thịt cá hồng đẹp, người làm phải “cắt tiết” - khía ngang ngay dưới vây trước cá rồi thả vào chậu nước lạnh, cá quẫy mạnh, máu chảy hết, thịt cá mới không bị vẩn máu đọng; sau đó chế biến thành các món ăn tùy ý: sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari... Nghe nói giám đốc ngành hàng tươi sống của siêu thị Metro Thăng Long (Hà Nội) đã lặn lội đến đây để tìm hiểu nguồn hàng.

Tuy nhiên, muốn nhân rộng được mô hình thì không chỉ cần khảo sát, lựa chọn được địa điểm có điều kiện khí hậu, địa lý phù hợp, mà còn phải tìm được đầu ra ổn định. Theo con số điều tra, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn cá hồi, tính cả lượng tạm nhập (để chế biến rồi tái xuất) sẽ lên tới trên 1.000 tấn. Vấn đề là ở chỗ người bán, người mua làm sao tìm gặp được nhau. Để thu gom được nguồn nước lạnh (dưới 20 độ C) từ các lạch suối, các trang trại nuôi cá hồi buộc phải nằm trong rừng, điều kiện giao thông vận tải có thể gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi cá hồi tuy không quá khó, nhưng cũng không đơn giản. Hiện tại, toàn bộ lượng thức ăn cho cá đều đang phải nhập từ Na Uy. Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản), các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng là những địa phương có khí hậu tương đối thích hợp, nếu lựa chọn quy mô hợp lý, người nuôi được hướng dẫn kỹ thuật chu đáo chắc sẽ có hiệu quả tốt.

Hy vọng không bao lâu nữa, nghề nuôi cá hồi ở Việt Nam sẽ phát triển…

ANH THƯ


 

Một mô hình nuôi tôm ông nghiệp nhiều triển vọng

Nguồn tin: BCT, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Nuôi tôm công nghiệp thường phải sử dụng rất nhiều loại hóa chất để xử lý duy trì các yếu tố môi trường. Chúng sẽ cùng với thức ăn dư thừa và chất thải của con tôm... làm cho nước trong ao nhanh chóng bị ô nhiễm, nếu không được xử lý tốt mà xả trực tiếp ra sông rạch sẽ gây lan tỏa ô nhiễm nguồn nước càng nguy hiểm cho nghề nuôi tôm. Công nghệ lọc sinh học để xử lý nước thải từ ao nuôi tôm công nghiệp được tiến hành thành công lần đầu tại Cà Mau đã mở ra hướng giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước đầy triển vọng.

Ngày 26-10-2005, hộ anh Đào Văn Non (Sáu Non) ngụ tại ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi đã thu hoạch hai ao tôm nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ này, với diện tích 4.000 m2, sau hơn 5 tháng rưỡi nuôi, đạt sản lượng 3.200kg. Đa số tôm nuôi trong ao thử nghiệm quy trình lọc sinh học có độ đồng đều khá cao và đạt cỡ 30 con/kg, nếu quy ra đạt hơn 7,5 tấn/ha/vụ nuôi. Một năng suất khá thỏa mãn cho những người nuôi trong hoàn cảnh dịch bệnh tôm còn chưa dứt được như hiện nay. Đây là thành quả của sự kết hợp giữa các nhà khoa học với nông dân; nhà khoa học có ý tưởng, nắm chắc kỹ thuật, nông dân có cơ sở, lao động và những yếu tố khác, họ đã cùng quyết tâm triển khai ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học vào sản xuất, nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế do giảm được chi phí trong quá trình nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có thêm những nguồn thu nhập phụ đáng kể khác ngoài tôm.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Sáu Non hầu như không sử dụng các loại hóa chất xử lý môi trường trong suốt quá trình nuôi, kể từ khi bắt đầu thả tôm cho đến khi thu hoạch, và cũng không thải nước ô nhiễm từ ao nuôi trực tiếp ra môi trường mà nguồn nước ấy được cho vào ao chứa dùng các loài sinh vật sống để xử lý, sau đó đưa về ao lắng rồi bơm châm tuần hoàn trở về ao nuôi theo một chu trình khép kín. Đây là công nghệ nuôi thủy sản sạch (mới) do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Xử lý nước của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam chuyển giao và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn, cùng thực hiện với nông dân suốt vụ nuôi.

Theo quy trình này, hệ thống ao nuôi và ao phục vụ gồm có: một ao xử lý lọc sinh học dùng chứa nước thải có thả sò huyết và một số loài cá có tác dụng thanh lọc môi trường diện tích 1.500m2. Ao nuôi chính và ao lắng chứa nước đã qua xử lý lọc sinh học, đều có diện tích 2.000m2/ao. Các ao khi xây dựng chỉ ủi lấy lớp đất mặt 40 - 50cm để đắp thành các bờ bao đảm bảo cho mực nước trong ao luôn sâu trên 1,2m, đạt chuẩn nuôi tôm công nghiệp. Trong hệ thống này, trung bình cứ nửa tháng nước nhiễm bẩn của ao nuôi chính được đưa ra chứa từ 7- 10 ngày trong ao xử lý để nhờ hệ thống sinh vật lọc sinh học làm sạch, rồi đưa sang ao lắng tiếp tục trữ cho đến khi các yếu tố môi trường thật ổn định (khoảng 7-10 ngày) sẽ dùng châm thêm hoặc thay cho ao nuôi chính. Cứ thế nước trong ao nuôi lại tuần hoàn trong chu trình khép kín mà không cần xả ra môi trường. Một vấn đề quan trọng khác là, để tác động và tăng cường cho hệ thống lọc sinh học nhằm duy trì chất lượng nước tốt lâu hơn, tại ao nuôi chính, dùng sò huyết giống khỏe mạnh chứa trong các khai nhựa có kích thước 40 x 50cm; ban ngày đặt nhiều nơi trong ao cho sò tiêu thụ chất bẩn do tôm thải ra, đến đêm thì mang các khai sò này lên bờ để tôm nuôi không bị cạnh tranh oxy. Việc làm này tuy có tốn công lao động, nhưng góp phần không nhỏ trong việc mang lại kết quả đáng phấn khởi như đã nêu trên.

Trong ngày thu hoạch chúng tôi được tận mắt chứng kiến những mẻ lưới nặng chịt, đầy ắp những con tôm sú sáng bóng không bệnh tật, cùng những nét mặt rạng rỡ của người nhà anh Sáu Non. Trong khi khách tham quan ai cũng trầm trồ, ve vuốt những con tôm “thành quả khoa học” đang búng lách chách như muốn đòi hỏi một sự chăm sóc nhẹ nhàng hơn nữa, thì chúng tôi cũng được chủ nhà mời thưởng thức món sản phẩm phụ sò huyết thơm ngon mà lòng không quên được những điều tốt lành do chính những con vật không hề biết đi này mang lại. Mong sao quy trình này sẽ là cứu cánh của người nông dân nuôi tôm ở Cà Mau.

KS NGUYỄN VĂN THƯỚC


Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam liên tục tăng

Nguồn tin: TTXVN, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam ước đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 250 triệu USD so với năm ngoái và gấp hơn ba lần so với năm 1998, năm đầu tiên thực hiện Chương trình xuất khẩu của ngành thuỷ sản đến 2005.

Theo Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này đã đạt được ngay năm 2002.

Thời gian qua, việc triển khai Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản đồng thời thực hiện một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã tạo nên bước nhảy vọt, đưa nuôi trồng thuỷ sản trở thành nguồn chính cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng trưởng khá nhanh, từ 652.000ha (năm 2000) tăng lên 955.439ha (năm 2004), đạt tốc độ bình quân 10% năm; trong đó tập trung vào nuôi các loài có giá trị xuất khẩu cao và có khả năng về thị trường như tôm sú, cá tra, basa, nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Trong những năm gần đây, sản lượng khai thác hải sản tăng bình quân 4,67%/năm và là một nguồn nguyên liệu quan trọng để cung cấp cho chế biến xuất khẩu. Ngư dân đã chuyển dần sang khai thác những loại cá có giá trị xuất khẩu như cá ngừ đại dương, cá bò, cá ngân chỉ vàng, cá ngừ sọc dưa và các loại cá tạp thịt trắng. Nhờ vậy, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu trong sản lượng khai thác được nâng cao, từ dưới 20% năm 1998 lên khoảng 25% vào năm nay.

Công nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản đã từng bước phát triển theo hướng gắn liền với nguồn cung cấp nguyên liệu và các dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu như cảng, kho thương mại, vận chuyển. Nhiều cơ sở chế biến mới đã ra đời, với thiết bị và công nghệ tiên tiến, đưa tổng số cơ sở chế biến xuất khẩu hiện nay lên 439 cơ sở, có công suất chế biến khoảng 3.000 tấn/ngày .

Hiện nay, toàn ngành đã có 300 doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh chất lượng quốc tế (HACCP), đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng thuỷ sản vào Mỹ; 171 đơn vị được công nhận vào danh sách 1 các nước xuất khẩu thuỷ sản vào EU; 295 đơn vị đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Những doanh nghiệp này chiếm trên 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Việc đa dạng các mặt hàng xuất khẩu đã tạo nên sự gắn kết ngày một tốt hơn giữa những người sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu. Nhờ vậy, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đã thay đổi tích cực, tỷ trọng sản phẩm ăn liền, sản phẩm giá trị đã tăng từ 17,5% lên 40-45% vào năm 2005, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản.

Những kết quả đạt được trong xuất khẩu thuỷ sản những năm qua không thể tách rời với việc phát triển thị trường. Trong 7 năm thực hiện Chương trình xuất khẩu, Việt Nam đã chuyển hẳn từ bán hàng và tiếp thị thụ động sang bán hàng và tiếp thị chủ động.

Hiện nay, ngành thuỷ sản đã hình thành thế chủ động và cân đối về thị trường, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống Nhật Bản như những năm trước đây, giảm hẳn tỷ trọng các thị trường trung gian và bước đầu giành được vị trí quan trọng trên các thị trường lớn như Mỹ và EU; có khả năng chủ động điều chỉnh được cơ cấu thị trường, khi thị trường truyền thống có biến đổi bất lợi. Việc mở rộng và điều chỉnh thị trường xuất khẩu các sản phẩm cá tra, ba sa là một ví dụ điển hình.

Chương trình Phát triển xuất khẩu trong thời gian qua đã tạo vị thế mới cho ngành thuỷ sản Việt Nam, từ chỗ thuỷ sản sản Việt Nam không có tên trong danh sách các nước xuất khẩu thuỷ sản, đến nay đã luôn có mặt trong tốp 10 nước dẫn đầu thế giới. Năm 2004, Việt Nam đứng thứ 7 trong nhóm nước dẫn đầu về xuất khẩu thuỷ sản thế giới./.

 


Cargill cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp

Nguồn tin: TTXVN, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Ông Scott J. Ainslie, Tổng giám đốc Công ty Cargill Việt Nam (100% vốn đầu tư Hoa Kỳ) chuyên về chế biến thức ăn gia súc và thức ăn thủy sản, khẳng định công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nhiều dự án trong nông nghiệp của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị nuôi trồng thủy sản chuyên nghiệp Việt Nam lần 2, ngày 8/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ainslie nhận định “Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn và chưa bão hòa".

Cargill Việt Nam đã đầu tư 4 nhà máy chế biến thức ăn gia súc và thủy sản công suất 500.000 tấn/năm tại Đồng Nai, Long An, Cần Thơ và Hưng Yên, và đang xây dựng 2 nhà máy mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tại Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động tháng 1/2006 với công suất 70.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến thức ăn gia súc có công suất 150.000 tấn/năm tại Long An sẽ vận hành vào tháng 1/2007.

Hội nghị nuôi trồng thủy sản chuyên nghiệp Việt Nam, thu hút trên 200 nhà chuyên nuôi trồng thủy sản miền Đông Nam Bộ, nằm trong khuôn khổ chương trình chuyển giao công nghệ và giới thiệu kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến đến giới nuôi trồng thủy sản chuyên nghiệp của Việt Nam, đặc biệt cho giới nuôi cá rô phi thuộc miền Đông Nam bộ./.

 


Không nên phát triển thêm nhà máy chế biến thủy sản

Nguồn tin: NLĐ, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Từ nay đến năm 2010, các địa phương không nên phát triển thêm nhà máy chế biến thuỷ sản.

Đó là ý kiến tại Hội thảo Quy hoạch hệ thống chế biến thuỷ sản toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến 2020 vừa được tổ chức vào chiều 6-12, tại Hà Nội.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch, chế biến và xuất khẩu thủy sản VN cho rằng, hệ thống chế biến thuỷ sản trong toàn quốc đã phát triển quá nhanh trong thời gian qua dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, các thông tin về thị trường tiềm năng còn hạn chế, chất lượng thuỷ sản chưa ổn định và có dấu hiệu thiếu nguồn nhân lực trong các năm tới.

Do vậy, trong thời gian này, các doanh nghiệp chế biến cần tập trung đầu tư chiều sâu, liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành kênh tiêu thụ ổn định và có lợi nhất. Bên cạnh đó, cần tổ chức nuôi trồng, sản xuất kinh doanh khoa học theo hướng cải thiện đời sống nhân dân nhưng vẫn đầu tư sản xuất hàng hoá. Đặc biệt là nhập nguyên liệu chế biến để giải quyết cơ bản vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu.

L.Hoàng

 


Cargill đẩy mạnh đầu tư vào thủy sản

Nguồn tin: NLĐ, 8/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Cargill VN đang tiến hành xây dựng thêm nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tại Cần Thơ, có công suất 70.000 tấn/năm, sẽ đưa vào hoạt động tháng 1-2006. Cũng nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư vào ngành thủy sản, ngày 8-12, Công ty Cargill VN đã tổ chức hội thảo thủy sản chuyên nghiệp lần 2, dành cho hơn 200 nhà nuôi thủy sản tại khu vực Đông Nam Bộ để chuyển giao công nghệ và giới thiệu sản phẩm Aquaxcel, loại thức ăn mới thay thế kháng sinh dành cho cá giống, được sản xuất bằng kỹ thuật hiện đại, vừa bảo vệ môi trường vừa đạt hiệu quả sử dụng cao.

L.Cường

 


Bạc Liêu: Chuyển đất làm muối sang nuôi cá kèo

Nguồn tin: BCT, 9/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Sau một thời gian dài nợ nần vì muối nguyên liệu rớt giá và không có đầu ra, hiện tại nhiều diêm dân ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã chuyển đất làm muối sang nuôi cá kèo. Chỉ tính riêng xã Long Điền Tây đã có gần 350 ha đất sản xuất muối được đầu tư nuôi cá kèo, mang lại hiệu quả rất cao. Nhiều nông dân cho biết vốn đầu tư vào một héc-ta cá kèo chỉ khoảng 10-15 triệu đồng nhưng lợi nhuận gấp nhiều lần so với số vốn đã bỏ ra. Từ thành công này đã mở ra một hướng xóa đói giảm nghèo cho đa số diêm dân không chỉ ở huyện Đông Hải-Bạc Liêu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cá kèo giống còn khan hiếm và đầu ra cho cá kèo thương phẩm chưa thật sự ổn định.

SONG NGUYỄN

 


Bến Tre: Nuôi tôm sú công nghiệp phải có giấy phép

Nguồn tin: BCT, 9/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Nhằm quản lý số hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát đang có chiều hướng tăng, bảo vệ tốt môi trường và chuẩn bị cho vụ nuôi tôm sú 2006, Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre đã thông báo: những hộ nuôi tôm sú công nghiệp phải có giấy phép. Theo đó Sở Thủy sản cấp giấy phép cho những trường hợp nuôi tôm sú có diện tích trên 5 ha, phòng thủy sản huyện cấp giấy phép đối với những hộ nuôi dưới 5 ha. Ngoài ra người nuôi tôm sú công nghiệp phải trực tiếp tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, phòng chống dịch bệnh và được cấp giấy chứng nhận của ngành thủy sản. Đồng thời phải tuân thủ những qui định của ban quản lý vùng nuôi như thông báo kịp thời tôm bị bệnh, không được xả nước từ ao tôm bị bệnh ra bên ngoài mà phải cho vào ao dự trữ.

Để đáp ứng tốt nhu cầu nuôi tôm sú công nghiệp của người dân, tỉnh Bến Tre tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kinh cấp, thoát nước và thông báo kết quả quan trắc nguồn nước mỗi tháng 3 lần. Năm 2005, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở Bến Tre đạt trên 6.500 ha, trong đó huyện Bình Đại chiếm 61,5%.

CAO DƯƠNG


Xuất khẩu thủy sản 2005 về đích sớm: Thành công nhờ đáp ứng yêu cầu thị trường

Nguồn tin: SGGP, 9/12/2005
Ngày cập nhật: 9/12/2005

Ngày 5-12 năm nay là một mốc đáng nhớ của ngành thủy sản Việt Nam: Bộ Thủy sản chính thức công bố đã hoàn thành kế hoạch xuất khẩu thủy sản (XKTS) của cả năm 2005 là 2,5 tỷ USD, về đích trước 25 ngày. Đây là một thành tích đầy ấn tượng vì năm qua là một năm đầy gian nan khi nhiều thị trường lớn không ngừng gây khó khăn cho con tôm, con cá Việt Nam.

...

Trước khi kết thúc năm 2005, ngành thủy sản cũng đã tổ chức khởi động chương trình XKTS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Trước mắt, năm 2006, ngành thủy sản đặt chỉ tiêu XKTS đạt 2,67 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, để đạt tới chỉ tiêu xuất khẩu XKTS 4 tỷ USD vào năm 2010, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp điều kiện sản xuất, đảm bảo 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sẽ tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm phối chế trong cơ cấu sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu (chiếm trên 65-70%).

Bên cạnh các sản phẩm thủy sản chủ lực hiện nay, hàng loạt các loài thủy sản khác như ếch, cá lóc, cá trê, cá rô phi cũng được đưa vào cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thủy sản ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Quang Phương

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang