• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cánh đồng trên 50 triệu đồng/ha từ mô hình tôm-màu-lúa

Nguồn tin: BCT, 16/11/2005
Ngày cập nhật: 16/11/2005

Đó là mô hình được nghiên cứu, đánh giá của Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ tại quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt, làm cơ sở cho những nghiên cứu sâu hơn về giải pháp kỹ thuật tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất cho người dân vùng lũ. Mô hình nghiên cứu thực hiện trên vụ lúa đông-xuân, vụ màu (mè, đậu nành) hè-thu và vụ tôm càng xanh mùa lũ vừa đảm bảo lịch thời vụ, giảm chi phí đầu tư từ phân bón, diệt trừ sâu bệnh. Năng suất lúa bình quân đạt trên 6 tấn/ha, mè 0,7 tấn/ha, tôm càng xanh gần 0,6 tấn/ha cho thu nhập đạt mức 60-66 triệu đồng/ha/năm, lãi ròng 28-32 triệu đồng, hệ số sử dụng vốn 1,86-2,06.

Theo đề xuất của các ngành chức năng, nhà khoa học, mô hình này cần được ứng dụng các giống nông sản chất lượng cao; có thể thả tôm mật độ dày và thu hoạch tỉa thưa tăng năng suất lên khoảng 1 tấn/ha/vụ.

NAM QUỐC


Phú Yên: 80% số hộ nuôi tôm sú ở huyện Đông Hòa bị lỗ vốn

Nguồn tin: Lao động, 23/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

Ngày 22/11, Phòng Kinh tế huyện Đông Hoà (Phú Yên) cho biết, vụ sản xuất tôm sú năm 2005, chỉ có 5% số hộ nuôi có lãi từ 20 - 40 triệu đồng, 15% số hộ nuôi hoà vốn còn lại 80% số hộ bị lỗ vốn nặng. Năng suất bình quân 0,89 tấn/ha/vụ, giảm 0,27 tấn/ha, với sản lượng chỉ được 647 tấn, đạt 76,59% kế hoạch và bằng 32,76% so với sản lượng năm 2004. Nguyên nhân, do môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan làm cho hơn 267/750 ha nuôi tôm bị mất trắng.

Lưu Phong

 


Sản xuất sản phẩm cá tra, ba sa xuất khẩu tại ĐBSCL: Không chỉ là cá sạch

Nguồn tin: BCT, 23/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

 


Cà Mau: Nắng hạn cục bộ làm thiệt hại hơn 6.000 ha lúa - tôm

Nguồn tin: BCT, 22/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

Do nắng hạn cục bộ trên diện rộng đã gây thiệt hại hơn 6.000 ha lúa - tôm tại các huyện Cái Nước, Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau gieo cấy được gần 120.000 ha lúa các loại, bằng 94% kế hoạch năm, trong đó lúa mùa gần 81.000 ha, lúa đông xuân 430 ha, lúa hè thu gần 35.000 ha và 17.000 ha lúa lắp vụ 2. Riêng lúa -tôm đến thời điểm này chỉ gieo cấy được hơn 17.000 ha, đạt hơn hơn 50% kế hoạch. Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp Cà Mau không hoàn thành chỉ tiêu sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, hơn nữa ngày càng thấy rõ chủ trương chuyển dịch cơ cấu 1 vụ lúa- 1 vụ tôm ở Cà Mau đang bộc lộ nhiều bất cập, gây thiệt hại nặng đến nhiều hộ nông dân.

Được biết, để chủ động nguồn nước tưới tiêu trong sản xuất, từ đầu năm đến nay tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 34 tỉ đồng, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 125 công trình thủy lợi thủy nông nội đồng, với chiều dài hơn 350 km. Tuy nhiên, do khâu quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng chuyển dịch sản xuất chưa đồng bộ, đảm bảo, phân chia ranh giới vùng mặn- ngọt chưa thống nhất, sản xuất lệ thuộc rất lớn vào thời tiết tự nhiên... gây nhiễm mặn làm thiệt hại lúa trên đất nuôi tôm.

HUỲNH THANH SỬ

 


Thông tin thêm về Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ biểu quyết bải bỏ cái gọi là "Điều luật tu chính Byrd"

Nguồn tin: Dương Minh Trị, 22/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

Thông tin thêm về Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ biểu quyết bải bỏ cái gọi là "Điều luật tu chính Byrd" liên quan đến Luật Chống Phá Giá.

Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng (đài Truyền hình, báo Thanh Niên, báo Người Lao Động và một số báo khác) đã trích đưa tin của Thông Tấn Xã Việt Nam là Hạ Viện Mỹ đã biểu quyết bãi bỏ Luật chống phá giá (Byrd) ngày 18/11/2005.

Tôi xin cung cấp thêm thông tin cho các bạn về vấn đề này và diễn biến của nó. Ngày thứ Sáu 18/11/2005, với tỷ lệ sít sao 217/215, Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết bải bỏ cái gọi là "tu chính Byrd" như là một phần trong luật ngân sách liên bang rộng lớn hơn. Như chúng ta đã biết, theo tu chính Byrd thì các công ty Mỹ nào có tham gia thành công trong việc khởi kiện chống phá giá / trợ giá, yêu cầu chính phủ Mỹ áp thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ giá vào hàng hóa nhập khẩu, thì họ có thể nhận được khoản tiền thuế này để chia chác với nhau. Phần thuế chống phá giá / chống trợ giá thu được trước đây (trước năm 2000) được đưa vào ngân sách liên bang của Mỹ nhưng kể từ khi áp dụng tu chính Byrd thì khoản thu thuế này đã về tay các công ty Mỹ nộp đơn kiện. Theo báo cáo điều tra của quốc hội Mỹ công bố gần đây cho thấy hai phần ba ( 2/3 ) của ngân khoản gọi là tiền Byrd đã chảy vào túi một nhóm công ty của 3 ngành công nghiệp: thép, bạc đạn (vòng bi) và đèn cầy sáp. Việc Mỹ áp dụng tu chính Byrd đã bị nhiều nước phản đối mạnh mẽ, tổ chức WTO cũng đã tuyên bốtu chính Byrd này là không công bằng, phù hợp với luật thương mại quốc tế và đã cho phép Canada, Nhật, E.U. và một sốnước thành viên WTO khác được áp dụng thuế trả đũa đối với hàng hoá và dịch vụ của các công ty Mỹ xuất bán vào nước mình.

Dù đã bị Hạ Nghị Viện Mỹ biểu quyết bải bỏ nhưng số phận của "tu chính Byrd" vẫn chưa có gì chắc chắn lắm. Mặc dù chính quyền Bush muốn "tu chính Byrd" được hủy bỏ nhưng bản thân "tu chính Byrd" này vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Thương Viện Mỹ, nơi mà 5 năm trước đây đã có đến 70 trên tổng số 100 Thương Nghị Sĩ bỏ phiếu thông qua nó.

Các chuyên gia nghiên cứu về chiến lược quốc tế, căn cứ trên những diến biến hiện nay, đã nhận định là khả năng Thương Viện Mỹ thông qua việc bãi bỏ "tu chính Byrd" sẽ là khoảng 50/50.

Chúng ta không nên có ảo tưởng là nếu "tu chính Byrd" bị hủy bỏ thì Mỹ cũng sẽ hủy bỏ luật chống phá giá / chống trợ giá. Đây là 2 vấn đề khác nhau. Chúng ta chỉ nên hy vọng là việc hủy bỏ "tu chính Byrd" sẽ làm giảm thiểu động cơ của các công ty Mỹ khi quyết định nộp đơn khởi kiện chống phá giá / chống trợ giá hoặc nộp đơn yêu cầu xem xét hành chánh hằng năm đối với các trường hợp hàng hoá đang bị Mỹ áp thuế chống phá giá, trong trường hợp chúng ta là vụ tôm và cá Basa.

Dương Minh Trị

 


Hạ viện Mỹ bãi bỏ Luật Chống bán phá giá

Nguồn tin: TN, 20/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

 


Hạ viện Mỹ hủy bỏ Tu chính án Byrd: Hết “nhuệ khí” đi kiện chống bán phá giá!

Nguồn tin: TN, 21/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

 


Doanh nghiệp tư nhân khai thác chợ thủy sản Cần Giờ

Nguồn tin: TT, 22/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

Ðể khai thác và phát huy hiệu quả của Trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ, sắp tới, trung tâm này sẽ được giao cho doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH Thương mại Toàn Sáng (TSF) quản lý và khai thác theo mô hình chợ đấu giá thủy sản của các nước trong khu vực.

Chủ đầu tư cũ là doanh nghiệp Nhà nuớc Cholimex chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp các dịch vụ liên quan. Ðầu tuần tới, UBND huyện Cần Giờ và Công ty TNHH Thương mại Toàn Sáng sẽ tổ chức cho khoảng 12 người nuôi tôm quy mô lớn và các doanh nghiệp chế biến đi tham quan các chợ đấu giá thủy sản ở Thái Lan. Ông Trần Ngọc Biểng, Giám đốc TSF cho biết, "chúng tôi muốn họ tận mắt nhìn thấy cách tổ chức chuyên nghiệp của chợ đấu giá thủy sản nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm."

Theo kế hoạch, đầu tháng 12 tới, các phiên giao dịch thủy sản hằng tuần tại Trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ sẽ được thay thế bằng chợ đấu giá thủy sản trực tiếp, hoạt dộng 24/24 giờ. Theo TTXVN


ĐBSCL: thiếu tôm nguyên liệu

Nguồn tin: TT, 23/11/2005
Ngày cập nhật: 23/11/2005

Hiện nay nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở các tỉnh khu vực ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... thiếu tôm sú nguyên liệu, trong khi các đơn hàng của các nhà máy ký với nhiều nhà nhập khẩu tôm ngoài nước đang bị hối thúc.

Nguyên nhân chính là mùa tôm sú chính vụ trong năm sắp kết thúc, trong khi nhiều tỉnh ở ĐBSCL khuyến cáo người dân không nuôi tôm vụ hai nên lượng tôm chưa thu hoạch hiện nay còn rất ít.

Đến chiều 22-11, thương lái ở Bạc Liêu và Sóc Trăng mua tôm loại 20 con/kg với giá 145.000 đồng/kg (cao nhất trong năm), loại 30 con/kg giá 95.000-98.000 đ/kg và loại 40 con/kg giá 73.000-78.000 đồng/kg.

NGỌC DIỆN

 


Thu hoạch 720 tấn tôm hùm xuất khẩu; Tôm hùm giống xuất hiện ở các vùng ven biển huyện Tuy An, Sông Cầu

Nguồn tin: WPY, 21/11/2005
Ngày cập nhật: 22/11/2005

Tôm hùm giống xuất hiện ở các vùng ven biển huyện Tuy An, Sông Cầu

Trong tuần qua, tôm hùm giống xuất hiện rải rác ở các vùng ven biển huyện Tuy An, Sông Cầu. Bà con đã khai thác được hơn 10.000 con giống tôm hùm, bán với giá rất cao từ 120.000-150.000 đồng/con, riêng xã Xuân Cảnh (Sông Cầu) đã đánh bắt được 6.500 con. Theo bà con ngư dân, năm nay tôm hùm sinh sản tự nhiên ngoài biển xuất hiện sớm và có khả năng đạt sản lượng cao.

Theo N.Lưu, báo Phú Yên 1904)

Thu hoạch 720 tấn tôm hùm xuất khẩu

Đến nay, ngư dân trong tỉnh đã thu hoạch được 720 tấn tôm hùm xuất khẩu, tăng 117,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 110,8% kế hoạch năm. Bà con đang tiếp tục thu hoạch dứt điểm 14.600 lồng tôm hùm thương phẩm thả nuôi trong năm nay. Nhờ giá cả tôm hùm tăng cao trên 500.000 đồng/kg loại 1, nên đa số người nuôi thu lãi cao.

(Theo C.Bảo, Báo Phú Yên 1903)

 


Đoàn chuyên gia quốc tế đến tìm hiểu nghề nuôi tôm Bến Tre

Nguồn tin: W. Bentre, 21/11/2005
Ngày cập nhật: 22/11/2005

 


Giá thuê mặt nước lên tới 250 triệu đồng/km2/năm

Nguồn tin: SGGP, 22/11/2005
Ngày cập nhật: 22/11/2005

 


An Giang : Hàng ngàn tấn cá basa của nông dân không tiêu thụ được

Nguồn tin: WAG, 21/11/2005
Ngày cập nhật: 22/11/2005

 


Campuchia tiêu thụ mạnh các loài thủy sản nước ngọt được nuôi tại Việt Nam

Nguồn tin: WAG, 21/11/2005
Ngày cập nhật: 22/11/2005

 


Nuôi tôm trên cát: Quá đà với mô hình nuôi tôm trên cát

Nguồn tin: TT, 21/11/2005
Ngày cập nhật: 21/11/2005

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau loạt bài “Dấu vết buồn của con tôm trên cát”, PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI - viện trưởng Viện Kinh tế và qui hoạch thủy sản (Bộ Thủy sản) - khẳng định:

- Chúng tôi đã cảnh báo về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm, nguy cơ ô nhiễm biển và nước ngầm do chất thải, nguy cơ mặn háo đất và nước ngầm, nguy cơ thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, làm tăng hoạt động cát bay và bão cát.

Bộ Thủy sản cũng đưa ra khuyến nghị cần có giải pháp liên ngành để mô hình nuôi tôm trên cát (NTTC) đạt hiệu quả cao, khuyến nghị các địa phương không nên độc tôn con tôm sú mà phải đa dạng hóa đối tượng nuôi, dù đạt hiệu quả thấp về mặt kinh tế nhưng bù lại sẽ có những ưu thế về môi trường và tận dụng được nguồn nước biển.

Tuy nhiên, tình hình vẫn vượt quá ngưỡng do các địa phương không có qui hoạch hợp lý về NTTC. Người nuôi tôm và nhiều địa phương đều quá say sưa với cái được của mô hình. Đây là nguyên nhân cơ bản trong tư duy phát triển của chúng ta, mà một chuyên gia nước ngoài đã phải nói rằng kiểu làm kinh tế của VN là ai làm được gì thì người sau cứ bắt chước như thế đến nỗi khung pháp lý không điều chỉnh được kịp thời. Tình trạng NTTC bừa bãi, thiếu qui hoạch cũng đã diễn ra như vậy.

Trước mắt các địa phương phải xác định cụ thể mật độ đầm nuôi thế nào, qui mô ra sao, nguồn nước cung cấp ở đâu… để qui hoạch và thiết kế vùng NTTC hợp lý nhằm đạt hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội và an toàn môi trường. Phải chú ý qui hoạch và thiết kế hệ thống kênh mương cấp thoát nước ổn định bằng bêtông, tăng cường công tác quản lý qui hoạch, đặc biệt với các dự án nuôi qui mô lớn.

K.HƯNG ghi

 


Cà Mau phát triển nghề nuôi cá mú Thái Lan

Nguồn tin: BCT, 19/11/2005
Ngày cập nhật: 20/11/2005

Nông dân tỉnh Cà Mau đang phát triển nghề nuôi cá mú có nguồn giống nhập từ Thái Lan, bước đầu cho thu nhập rất cao. Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, tỉnh Cà Mau đã có gần 300 hộ nuôi cá mú và đa số hộ nuôi loại cá này đều cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay, loại cá nầy có giá bán tại thị trường là 200.000 đồng/kg, nhưng cung không đủ cầu.

Cá mú giống được nhập từ Thái Lan có giá hiện nay là 20.000 đồng/con giống. Từ lúc thả nuôi cá cho tới tháng thứ sáu, cá sẽ đạt trọng lượng 1 kg/con trở lên, do vậy nghề nuôi cá mú cho lãi cao, phù hợp với điều kiện sinh thái tại Cà Mau.

Hiện nay, nghề nuôi cá mú phát triển cho hiệu quả cao tại các xã ven thành phố Cà Mau; nông dân các xã còn cải tạo ao, hồ để nuôi cá mú và kết hợp canh tác nhiều loại cây trồng vật nuôi khác cho kết quả khá. Nên chăng, ngành thủy sản tỉnh có biện pháp sản xuất con giống cá mú tại chỗ để giúp nông dân khâu con giống để phát triển mạnh nghề nuôi cá mú, nhằm làm giàu bằng nghề này.

(TTXVN)

 


Qui trình ương giống và nuôi thương phẩm cá thác lác nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi

Nguồn tin: BCT, 19/11/2005
Ngày cập nhật: 19/11/2005

Cá thác lác (tên khoa học Notopterus notopterus Pallas) có phẩm chất thịt ngon, giá trị kinh tế cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là loài cá có triển vọng trong chủ trương đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác nguồn lợi từ loài cá này, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ đã tiến hành nghiên cứu qui trình ương giống và nuôi thương phẩm cá thác lác. Qui trình này có tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, mở ra cho ngành thủy sản hướng phát triển mới và khả quan hơn.

Những kết quả bước đầu

Đề tài “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá thác lác” do Thạc sĩ Trần Ngọc Nguyên, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, làm chủ nhiệm, thực hiện từ năm 1998-1999; Sở Khoa học- Công nghệ TP Cần Thơ nghiệm thu vào năm 2000, đạt loại xuất sắc. Kỹ thuật sinh sản nhân tạo được thực hiện qua các công đoạn: nuôi vỗ cá bố mẹ và tiêm kích dục tố, vuốt lấy trứng của cá cái, lấy tinh sào, tiến hành cho thụ tinh, sau đó mang đi ấp. Sau khi ấp 5-7 ngày (tùy nhiệt độ), trứng nở. Cá bột 4 ngày tuổi thì chuyển cá đi ương đến 30 ngày tuổi. Kỹ thuật này đã được chuyển giao rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung, góp phần cung cấp nguồn giống cho người nuôi. Tuy nhiên, dù sản xuất được cá bột và ương đến 30 ngày tuổi, nhưng tỷ lệ sống của cá ương chưa ổn định, nhất là khi sử dụng thức ăn chế biến để ương. Từ thực tế trên, đề tài “Nghiên cứu qui trình ương giống và nuôi thương phẩm cá thác lác” do Thạc sĩ Lê Ngọc Diện, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, làm chủ nhiệm, tiếp tục được thực hiện.

Ở ĐBSCL, người dân thường sử dụng các phế phẩm công nông nghiệp sẵn có hoặc dùng cá tép nhỏ làm thức ăn khi nuôi cá thác lác. Do vậy, chỉ nuôi được ở qui mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Qui trình ương, nuôi mới này hướng dẫn người nuôi mật độ ương, nuôi thích hợp, cho tỷ lệ sống ổn định; đồng thời, khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tươi như cá biển xay, tép, cua... để giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đề tài thực hiện năm 2003-2004, với 3 thí nghiệm trong giai giăng tại trại cá Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Thí nghiệm 1: nghiên cứu kỹ thuật ương cá bột 4 ngày tuổi đến cá giống 60 ngày tuổi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của cá chịu ảnh hưởng chủ yếu từ mật độ ương. Mật độ ương thích hợp là 100 con/m2; ở mật độ này, cá có kích thước và trọng lượng cao nhất: dài 5-7cm, nặng1,6g/con. Thức ăn thích hợp trong giai đoạn ương là cá biển xay và thức ăn viên có hàm lượng protein 25%-30%.

Thí nghiệm 2: nghiên cứu nhu cầu đạm trong thức ăn chế biến phù hợp để nuôi cá thương phẩm. Thí nghiệm bước đầu cho thấy, thức ăn viên có hàm lượng protein 20%-25% phù hợp cho cá nuôi thương phẩm.

Thí nghiệm 3: nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá thương phẩm từ cá giống 60 ngày tuổi đến 14 tháng tuổi. Kết quả cho thấy, mức tăng trọng của cá nuôi chịu ảnh hưởng chính từ thức ăn sử dụng. Mật độ nuôi tốt nhất là 10 con/m2, sử dụng thức ăn kết hợp: 50% thức ăn động vật (cá biển, tép, cua, ốc... xay nhỏ) và 50% thức ăn viên 20% protein cho mức tăng trọng và tỷ lệ sống cao nhất. Sau 12 tháng nuôi, cá có chiều dài từ 18-22cm, trọng lượng 80-105g/con. Nếu cá được nuôi ở ao đất với mật độ 10 con/m2 và sử dụng thức ăn phối hợp, cá đạt trọng lượng 140-150g/con sau 12 tháng nuôi. Trong khi đó, cá một năm tuổi trong tự nhiên chỉ đạt chiều dài bình quân 16cm, trọng lượng từ 40-60g.

Ngoài ra, qui trình cũng cho thấy tỷ lệ cho ăn 5-7% trọng lượng thân ở giai đoạn ương giống, 3-5% ở giai đoạn nuôi thương phẩm, cho ăn 2 lần/ngày là phù hợp để cá thác lác phát triển tốt. Cần giữ mực nước trong ao ương từ 80-100cm, ao nuôi từ 1,2-1,5m; nước ao ương, nuôi phải đạt các chỉ tiêu môi trường như: pH: 6-8, 02: 5mg/l, NH4: 1mg/l, nhiệt độ: 28-300C... Nếu người nuôi áp dụng theo đúng qui trình trên thì sau 12 tháng nuôi, cá thương phẩm đạt từ 4-7 tấn/ha, cho mức lãi từ 40 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng.

Hướng phát triển cho qui trình mới

Do nghiên cứu thử nghiệm nên qui trình ương giống và nuôi thương phẩm được tiến hành trong giai giăng trong ao đất, nhằm tránh bị ảnh hưởng các yếu tố bên ngoài và rút ra các kết quả cơ bản của qui trình. Thạc sĩ Lê Ngọc Diện nhận định: “Cá ương, nuôi tốt nhất là trong ao đất để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như phiêu sinh vật, cá tép nhỏ, sinh vật đáy... nhằm giảm chi phí thức ăn, giảm giá thành và cá lớn nhanh, hiệu quả kinh tế hơn ương, nuôi trong giai. Nhưng cần phải cải tạo ao trước khi ương, nuôi như lấp kín hang, tránh mọi rò rỉ và tạo giá thể cho cá trú vì cá có tính chui rúc ẩn nấp vào bờ”.

Thông thường, người nuôi cho cá ăn chủ yếu bằng thức ăn động vật tươi như cá tép vụn, cua, ốc, bột cám..., loại thức ăn này giúp cá mau lớn hơn thức ăn viên nhưng chi phí cao. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, để có 1kg cá thác lác thương phẩm, nếu dùng thức ăn động vật thì chi phí là 15.000 đồng; thức ăn viên 20% protein là 10.000 đồng; thức ăn viên 25% protein là 11.500 đồng; thức ăn viên 30% protein là 13.800 đồng. Trong khi đó, phối hợp giữa thức ăn động vật và thức ăn viên thì chi phí chỉ còn 9.900 đồng. Như vậy, nuôi cá bằng thức ăn phối hợp sẽ tốn chi phí thức ăn thấp nhất mà mức tăng trọng và tỷ lệ sống rất cao. Qua đó, các nhà khoa học khuyến khích người nuôi sử dụng thức ăn phối hợp vì hiệu quả kinh tế của nó, đồng thời hạn chế được tình trạng cạn kiệt nguồn thức ăn động vật do khai thác quá nhiều.

Thạc sĩ Lê Ngọc Diện cho biết: “Tuy chưa chuyển giao chính thức nhưng trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ thuật cơ bản cho nông dân trong các đợt tập huấn ở các quận, huyện. Nông dân đã ứng dụng và kết quả đạt được rất khả quan. Sau khi đề tài được nghiệm thu, chúng tôi sẽ đưa lên mạng Internet để phổ biến rộng rãi”. Thạc sĩ Diện cũng cho biết thêm, kỹ thuật chế biến thức ăn viên đã chuyển giao công thức cho nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, nhằm cung cấp đủ nguồn thức ăn công nghiệp cho thị trường. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu các chất dẫn dụ như: dầu gan mực, premix... kích thích cá sử dụng thức ăn viên, để sản xuất thức ăn công nghiệp phù hợp tập tính dinh dưỡng và quá trình phát triển của cá, nâng cao hiệu quả kinh tế hơn. Bên cạnh đó, từ đề tài nghiên cứu qui trình ương nuôi của Thạc sĩ Diện, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã tiếp tục đi sâu nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của cá thác lác, nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như áp dụng trong thực tế.

Tháng 11-2005, đề tài đã được Sở Khoa học- Công nghệ TP Cần Thơ nghiệm thu. Với tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, qui trình ương giống và nuôi thương phẩm cá thác lác sẽ giúp ngành thủy sản tăng năng suất, giảm giá thành và mang lại lợi nhuận cao.

LỆ THU

 


Chuyện chưa biết về những người thầy

Nguồn tin: SGGP, 18/11/2005
Ngày cập nhật: 19/11/2005

 


Khá lên nhờ cua lột thay thế vịt đồng

Nguồn tin: SGGP, 18/11/2005
Ngày cập nhật: 19/11/2005

Anh Tô Văn Huỳnh (ở tổ 16 khu vực “Cánh đồng mặt trời mọc” ấp 1, xã Phong Phú huyện Bình Chánh TPHCM), trước đây thu nhập chính từ nuôi vịt đẻ chạy đồng. Dịch cúm gia cầm năm ngoái khiến anh phải tiêu hủy đàn vịt đang rớt hột, tiếc hùi hụi, rơi cả nước mắt.

Nợ chồng chất, gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thấy bà con xung quanh đắp bờ bao nuôi cá, cua thịt, trồng cây bồn bồn lấy đọt, anh mạnh dạn chuyển hướng làm theo, chỉ sau 1 năm anh trả được nợ vay ngân hàng, đời sống ổn định dần trở lại.

Tương tự, anh Lê Văn Lùn (ở tổ 16), trước đây, cũng nuôi trên 200 vịt đẻ. Sau đợt dịch cúm gia cầm, anh chuyển sang nuôi cua, cá, trồng cây bồn bồn... thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn có gần 30 hộ dân ở rạch Chiếu, rạch Rắn chuyên nuôi vịt đẻ trứng cũng chuyển sang cuốc đất đắp đê bao cho khoảng 30 ha ruộng trũng nuôi thủy sản kết hợp trồng cây bồn bồn.

Theo anh Nguyễn Phước Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú, toàn khu vực Cánh đồng mặt trời mọc có hơn 300 ha đất ruộng trũng, phần lớn không có bờ bao, nước ngập quanh năm. Do đó, gần 30 năm nay, trên 100 hộ chỉ sống dựa vào nghề chăn nuôi vịt đẻ, đánh bắt tôm-cá tự nhiên, nhưng đời sống cũng không khá, khoảng 50% hộ dân thuộc diện nghèo.

Năm 2004, do dịch cúm gia cầm, TP chủ trương ngưng nuôi vịt, người dân phải tiêu hủy trên 10.000 con vịt đẻ, ngân hàng phải khoanh nợ. Không chịu bó tay trước khó khăn, một số nông dân đã tận dụng bờ bao mà trước đây Công ty Cây trồng Bình Chánh đã đầu tư cho bà con trồng dừa lấy trái ép dầu xuất khẩu để nuôi cá, nuôi cua thịt.

Chú Nguyễn Văn Đặng- người khởi xướng phong trào - cho biết, từ chỗ chỉ có một vài nông dân ở tổ 16 nuôi trồng thử nghiệm, qua một năm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên ruộng trũng hiện nay ở Cánh đồng mặt trời mọc có 70 hộ nông dân nuôi trên 50 ha cua thịt, kết hợp với cá nước ngọt.

Ngoài ra, nông dân còn trồng 10 ha cây bồn bồn cải tạo môi trường nước nên có thu nhập khá cao. Nhờ mô hình này đã có 95% hộ nông dân trả được nợ vay ngân hàng.

THANH TRÂN

 


Phường Mỹ Thạnh: Mô hình nuôi thâm canh thủy sản đạt lợi nhuận trên 200 triệu/ ha/ năm

Nguồn tin: WAG, 18/11/2005
Ngày cập nhật: 19/11/2005

Phường Mỹ Thạnh (TP.Long Xuyên) hiện có 153 công ao hầm lớn được 104 hộ nông dân kiến tạo để nuôi thâm canh các loại cá lóc, cá rô, cá tra. Kết quả, hầu hết các mô hình nuôi thâm canh thủy sản đều đạt hiệu quả rất cao từ 150 đến 200 tấn/ ha/ năm với lợi nhuận từ 200- 300 triệu đồng. Bên cạnh việc tận dụng ao hầm, nhiều hộ đã chuyển hẳn diện tích đất trồng lúa sang đầu tư đào ao nuôi cá.

Phường Mỹ Thạnh còn chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi heo tập trung và quy mô lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

QUANG DUY

 


Để kinh tế lâm – ngư ở Cà Mau phát triển bền vững: Tách tôm khỏi rừng?

Nguồn tin: BCT, 18/11/2005
Ngày cập nhật: 18/11/2005

Trong chiến lược phát triển sản xuất lâm - ngư nghiệp đối với rừng kinh tế của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, từ năm 2005 - 2010, hướng đến năm 2020, việc tách tôm ra khỏi rừng là giải pháp quan trọng để phát triển ổn định, bền vững kinh tế lâm- ngư ở địa phương này. Hiện nay, tách tôm ra khỏi rừng đang là yêu cầu bức xúc, tạo điều kiện cho rừng và tôm cùng phát triển đồng bộ; ổn định đời sống dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Từ những phát sinh bất hợp lý...

Kinh tế thủy sản mà chủ yếu nuôi tôm và kinh tế lâm nghiệp là hai loại hình mang tính chất quyết định, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Ngọc Hiển nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung. Thời gian qua, rừng kinh tế trên địa bàn huyện Ngọc Hiển từ rừng nguyên sinh do các lâm ngư trường (LNT) quốc doanh quản lý bị thu hẹp dần do áp lực xã hội, tác động của con người đối với tài nguyên rừng. Hơn 24.241 ha rừng kinh tế hiện có ở đây với 85% diện tích đã giao khoán cho hộ dân sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp, phần còn lại nằm trên địa bàn hai LNT Kiến Vàng và Ngọc Hiển quản lý. Theo đó, lâm nghiệp truyền thống chuyển sang lâm nghiệp xã hội đã mở ra nhiều mô hình sản xuất kinh doanh lâm - ngư kết hợp, nhưng chưa ổn định và thiếu tính bền vững.

Tìm hiểu vấn đề này, được biết rừng kinh tế trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có những khu vực được khôi phục, dần dần ổn định trở lại. Nhưng nhìn trên tổng thể rừng, đất lâm nghiệp, đất nuôi thủy sản là vấn đề bất cập đặt ra cho huyện, ngành chức năng tỉnh Cà Mau và nhân dân nhận khoán đất rừng. Vì giữa rừng và con tôm đang có những mâu thuẫn cơ bản chưa giải quyết được; Nhà nước rất quyết liệt thực hiện trồng và khôi phục rừng, còn dân thì muốn mở rộng diện tích mặt nước để nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Bởi phần lớn hộ dân ở đây được giao đất, khoán rừng bình quân khoảng 3 ha/hộ, nên khi trồng rừng kết hợp nuôi tôm theo tỷ lệ 70% rừng, 30% tôm thì đất nuôi tôm còn lại trên dưới 1 ha. Với diện tích này nuôi tôm tự nhiên truyền thống như trước đây thì năng suất rất thấp, không đạt hiệu quả kinh tế. Nếu đầu tư nuôi tôm công nghiệp thì đa số hộ dân sinh sống trên lâm phần không đủ khả năng, thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, nhất là điều kiện môi trường đất đai, nguồn nước không cho phép. Do vậy, một bộ phận cư dân thường lén lút chặt phá rừng lấy gỗ, củi bán giải quyết nhu cầu cuộc sống hàng ngày và hàng năm không trồng rừng và trồng không đạt chỉ tiêu theo hợp đồng ký kết. Từ đó, rừng không ra rừng, tôm không ra tôm, hiệu quả kinh tế về rừng quá thấp so với nhiều loại cây trồng vật nuôi khác dẫn đến cư dân không thiết tha với rừng. Thậm chí họ còn cho rằng rừng là vật cản trở lớn, ảnh hưởng đến thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình của họ.

Hiện tại, huyện Ngọc Hiển mới chỉ có 10 hộ dân tách rừng - tôm với tổng diện tích 38 ha, trong đó có nhiều hộ thực hiện nghiêm túc phương án này hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Trong số những hộ dân thực hiện có hiệu quả việc tách rừng - tôm ở huyện Ngọc Hiển phải kể đến anh Dư, anh Đồng ở ấp Đồng Khởi, xã Tân Ân Tây. Trước đây, khi còn sản xuất theo mô hình rừng - tôm kết hợp, năm nào tôm nuôi của anh Dư cũng “dính” phải tình trạng chết và có năm thua lỗ trắng tay. Năm 2001, anh đăng ký làm mô hình tách tôm khỏi rừng với huyện Ngọc Hiển trên diện tích 6,3 ha nhận khoán. Anh Dư cho biết: “Từ khi tách tôm - rừng đến nay, chưa có năm nào xảy ra nạn tôm bệnh, chết trắng như trước đó. Đất nuôi tôm liên tục trúng mùa thu về vài chục triệu đồng/năm, đời sống gia đình vươn lên khấm khá. Vụ mùa vừa rồi, ngoài thả tôm nuôi, thả thêm 500 cua giống xen canh và thu về gần 9 triệu đồng, không kể thu nhập từ nguồn lợi con tôm, con cá. Còn rừng lên xanh, phủ kín diện tích trồng theo quy định và chỉ vài năm nữa đến kỳ khai thác sẽ thu về nguồn kinh tế không nhỏ từ cây rừng”.

... Đến chủ trương tách tôm - rừng

Huyện Ngọc Hiển hiện đang triển khai những giải pháp tích cực nhằm đảm bảo tỷ lệ rừng - tôm đúng quy định và tách tôm ra khỏi rừng trên đất lâm phần. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND huyện này giải thích: “Tách rừng - tôm không có nghĩa là rừng chẳng còn liên quan gì đến nuôi tôm mà đó là một tổng thể hòa quyện, hỗ trợ nhau. Khi rừng khép tán nó tạo nên một quần thể thực vật phong phú, đa dạng sinh học tách biệt với khu nuôi tôm, không ảnh hưởng trực tiếp đến đầm vuông nuôi tôm, nhưng có tác dụng cân bằng môi trường sinh thái, giúp nuôi thủy sản phát triển ổn định và bền vững”. Thực tế, tách rừng - tôm lợi ích trước hết là của nhân dân vùng rừng, có được diện tích rừng tập trung, diện tích nuôi tôm tập trung, nhưng cùng nằm trong môi trường sinh thái chung. Theo đó, trên cơ sở đặc điểm tự nhiên của đất lâm phần, cư dân chủ động được nơi trồng rừng, nơi nuôi tôm thích hợp để cho năng suất, sản lượng cao, thực hiện thành công hai mục tiêu trồng rừng và nuôi tôm trên diện tích nhận khoán, khai thác tiềm năng kinh tế lâm - ngư đạt hiệu quả. Đối với nuôi thủy sản, cư dân cải tạo, thiết kế đầm vuông nuôi đúng kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ vào nuôi tôm đạt kết quả, tạo đà cho việc đầu tư phát triển nghề nuôi tôm theo hướng thâm canh, nuôi công nghiệp về lâu dài. Đối với trồng rừng, họ có điều kiện trồng, chăm sóc rừng tốt hơn như: trồng thâm canh, tỉa thưa, tác nghiệp sinh học giúp cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt... Ngoài ra, còn tận dụng khai thác các vùng đất gò cao, đất, ven sông rạch trồng rau màu, cây ăn trái tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Tiếp đến, khi tách tôm - rừng hạn chế được nạn phá rừng, giảm chi phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng hàng năm, góp phần ổn định và từng bước cân bằng hệ sinh thái rừng ngập mặn, tái tạo khôi phục trở lại các loài thủy sản, động vật quý hiểm dưới tán rừng vốn đang bị cạn kiệt.

Ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: Trước mắt, đối với cán bộ đảng viên có đất canh tác phải thực hiện nghiêm túc việc tách rừng - tôm để làm gương cho quần chúng nhân dân trên cơ sở học tập rút kinh nghiệm những mô hình của các hộ dân đã tách tôm ra khỏi rừng đạt hiệu quả kinh tế cao; hộ dân đã khai thác rừng năm 2004 - 2005 triển khai ngay tách tôm - rừng. Các hộ dân đã trồng rừng đạt diện tích theo quy định mà rừng chưa đến tuổi khai thác thì không tách rừng - tôm; giữ nguyên hiện trạng và trồng bổ sung trên diện tích quy hoạch rừng, san lấp kinh mương để trồng lại rừng. Các LNT phối hợp với xã xây dựng phương án tách tôm - rừng cụ thể, tổ chức bàn bạc, thống nhất với hộ dân lập hồ sơ, cắm mốc phân chia khu vực trồng rừng và khu vực nuôi tôm đúng tỷ lệ cho từng hộ dân. Huyện Ngọc Hiển kết hợp với ngành chức năng thực hiện những giải pháp về vốn đầu tư cho hộ dân vay; xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai điểm trình diễn mô hình tách tôm - rừng trên lâm phần giúp nông dân học tập kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tế sản xuất.

LÊ HUY HẢI

 


An Giang: Bao tiêu cá tra sinh thái với giá 20.000 đến 20.500 đồng/kg

Nguồn tin: BCT, 18/11/2005
Ngày cập nhật: 18/11/2005

Công ty Binca (Cộng hòa Liên bang Đức) vừa thực hiện thành công hợp đồng hỗ trợ vốn, kỹ thuật và bao tiêu 600 tấn cá tra sinh thái của 2 hộ dân ở xã Mỹ Hòa Hưng-TP Long Xuyên với giá từ 20.000 đến 20.500 đồng/kg, gần gấp đôi so với giá cá tra nuôi hầm, bè hiện nay. Đây là mô hình đầu tiên nuôi cá tra sạch hoàn toàn, theo hình thức đăng quần trên tích 2 ha mặt nước. Trong quá trình nuôi, Công ty Binca chịu trách nhiệm theo dõi con giống, kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra nguồn thức ăn, nguồn nước... để cá nuôi đảm bảo chất lượng khi thu hoạch. Công ty còn đảm bảo với người nuôi mức lợi nhuận thấp nhất là 15% so với chỉ tiêu chi phí đầu tư cho mỗi kg cá nguyên liệu.

Ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết: Hiệp hội khuyến khích người dân hợp tác với Công ty Binca nuôi cá tra sinh thái, phấn đấu tăng sản lượng năm 2006 gấp 1,5 lần so với năm 2005.

Bình Nguyên

 


Toàn Sáng: Chủ mới của chợ đấu giá thủy sản

Nguồn tin: NLD, 18/11/2005
Ngày cập nhật: 18/11/2005

 


Giá cá tra, cá basa lại tăng mạnh

Nguồn tin: TTXVN, 17/11/2005
Ngày cập nhật: 17/11/2005

Giá cá tra, cá basa ở đồng bằng sông Cửu Long đang tăng mạnh trở lại, đạt mức 11.400 đồng/kg, tăng 400-900 đồng/kg so với hai tuần trước trong khi các đơn đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam từ châu Âu tăng vọt do dịch cúm gia cầm đang lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới.

...


Phiên giao dịch tẻ nhạt tại Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ

Nguồn tin: NLĐ, 16/11/2005
Ngày cập nhật: 17/11/2005

Hơn một năm “đóng cửa” do hoạt động không hiệu quả, ngày 15-11, Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ đã khôi phục hoạt động trở lại.

...

 


An Giang mở rộng diện tích nuôi cá sinh thái

Nguồn tin: 17/11/2005
Ngày cập nhật: 17/11/2005

Mô hình nuôi cá tra sinh thái được Công ty Binca của Cộng hoà liên bang Đức phối hợp cùng hiệp hội nghề nuôi và chế biên thủy sản An Giang nuôi thử nghiệm tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên bằng hình thức nuôi đăng quầng từ năm 2004 với diện tích mặt nước 4.000m2.

Nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn cho cá tra là lúa mùa sạch không sử dụng phân bón được mua ở huyện Tri Tôn, đậu nành sinh thái mua từ Trung Quốc và bột cá biển mua từ Kiên Giang. Trong quá trình nuôi, Công ty Binca theo dõi chặt chẽ nguồn thức ăn, chi phí, con giống, thức ăn và nguồn nước.

Khi thu hoạch, Công ty Binca bao tiêu sản phẩm với giá mua nguyện liệu là 22.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, người nuôi lãi từ 15 đến 20% trên tổng chi phí đầu tư. Hiện nay diện tích nuôi cá sinh thái phát triển trên 20.000 m2 với 5 đăng quầng, sản lượng đạt trên 1.000 tấn. Từ đây đến năm đầu 2006, An Giang phấn đấu nâng sản lượng nuôi cá tra sinh thái đạt trên 1.500 tấn.

Ngọc Thăng

 


ĐBSCL: Chuyển 19.000 ha đất ven biển 8 tỉnh sang nuôi tôm sú

Nguồn tin: Vasep, 16/11/2005
Ngày cập nhật: 17/11/2005

Từ năm 2001 đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã chuyển cơ cấu sản xuất 391.400 ha đất. Trong đó, có 19.000 ha đất ven biển 8 tỉnh được chuyển sang nuôi tôm sú, 140.000 ha trồng một vụ lúa được áp dụng mô hình tôm lúa, 86.000 ha được đưa vào chuyên nuôi cá, nhuyễn thể hoặc cá nước ngọt kết hợp trồng rừng, 90.000 ha đất hoang hoá, đất nông nghiệp kém hiệu quả được trồng rừng. (theo Nhân dân, 16/11/2005)

 


Giá tôm sú tăng mạnh

Nguồn tin: TT, 17/11/2005
Ngày cập nhật: 17/11/2005

Thông tin từ nông dân nuôi tôm sú tại khu vực ĐBSCL cho biết giá tôm sú nguyên liệu hiện đang tăng mạnh, mức tăng từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại.

Một số nông dân nuôi tôm tại Bến Tre cho biết loại tôm 30 con/kg hiện được mua với giá 110.000 đồng/kg, tăng 20.000-25.000 đồng/kg so với mức giá vào tháng 8-2005, tương tự loại tôm cỡ 40 con/kg tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg với mức giá bán 75.000-85.000 đồng/kg. Riêng loại tôm 20 con/kg có mức giá bán lên tới 140.000 đồng/kg.

Giải thích hiện tượng tôm sú tăng giá đột biến hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết mùa thu hoạch tôm chính vụ vừa kết thúc, tôm nguyên liệu đang khan hiếm trong khi nhu cầu thu mua của doanh nghiệp tăng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua vào, đẩy giá tôm sú tăng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty Fimex VN - cho rằng mức giá tôm nguyên liệu tại thị trường nội địa hiện nay là giá... ảo, vì giá tôm xuất khẩu không tăng, thậm chí thấp hơn mức giá thành hiện nay đến 10%.

Theo ông Lực, đồng yen đang mất giá, hơn nữa các thị trường lớn như Mỹ và Nhật đã tạm trữ đủ cho nhu cầu cuối năm nên khả năng giá tôm trên thị trường xuất khẩu tăng là rất khó xảy ra.

H.ĐĂNG

 


Dấu vết buồn của con tôm trên cát: Những vết bằm trên dải cát miền Trung

Nguồn tin: TT, 16/11/2005
Ngày cập nhật: 16/11/2005

Không chỉ hàng chục tỉ đồng đã bị trôi theo cát, người nuôi tôm ở ven biển miền Trung còn phải oằn mình gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm môi trường.

Nỗi đau thiếu nước

Khi mô hình nuôi tôm trên cát đưa vào triển khai, đã có nhiều ý kiến khen chê khác nhau đối với mô hình này. Bà Nguyễn Thị Hòa, phó giám đốc Sở Thủy sản Khánh Hòa, nhớ lại: "Khi Bộ Thủy sản đưa ra chủ trương này, chúng tôi đã không đồng ý do lường trước các ảnh hưởng đến môi trường sinh thái từ việc nuôi tôm trên cát. Chúng tôi đã từng nuôi tôm trên nước lợ và phải trả giá về môi trường". Thế nhưng không phải tỉnh nào cũng kiên quyết không nuôi tôm trên cát để bảo vệ môi trường như Khánh Hòa.

Không chỉ hộ dân nhỏ lẻ lao vào nuôi tôm, các công ty trong nước và ngoài nước cũng lập dự án xin nuôi với qui mô vài chục đến vài ngàn hecta như: Công ty Việt Mỹ nuôi với qui mô 2.000ha ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình); Công ty CTI của Đài Loan với những dự án ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với diện tích lên đến 5.000ha; Công ty Thiên Tân (Quảng Ngãi) với qui mô 27ha...

Theo tính toán của Viện Kinh tế và qui hoạch (Bộ Thủy sản), vùng cát của các tỉnh ven biển miền Trung thuộc vùng bãi ngang, phần lớn đều hoang sơ, chưa có vết tích của sản xuất công nghiệp nên môi trường nước biển rất sạch, lý tưởng cho việc nuôi tôm. Thế nhưng chỉ sau một vài năm hồ hởi đào ao nuôi tôm, người dân phải đối mặt với chuyện thiếu nước.

Chỉ nuôi có bốn sào tôm sú (khoảng 8.000m2), song hộ ông Lê Văn Lơ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) phải khoan tới năm giếng nước ngọt, mỗi giếng sâu 12m, mỗi ngày bơm 5 tiếng mới đủ nước cho tôm. Mỗi tháng ông Lơ phải thay nước ba lần, mỗi lần bơm nước máy chạy hết 3-4 thùng dầu, mỗi vụ nuôi phải bơm nước hết gần trăm lít dầu. "Rứa mà hắn chết cứ chết, nuôi cái con tôm ni khó lắm", ông Lơ nói.

Theo Viện Kinh tế và qui hoạch (Bộ Thủy sản), một hecta nuôi tôm cần 15.000-20.000 m3 nước lợ mỗi năm. Thế nhưng khi về đến các vùng nuôi tôm trên cát, hầu như các vùng cát được qui hoạch để nuôi tôm đều không có nguồn nước hồ thủy lợi, chỉ có các ao hồ nhỏ không đáng kể. Cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm đều sử dụng nước ngầm để nuôi tôm trên cát. Nếu cứ theo thống kê sơ bộ của Bộ Thủy sản, hiện cả nước có khoảng 20.000ha nuôi tôm trên cát thì lượng nước ngầm sẽ cần đến là… 400 triệu m3/năm.

Ở Ninh Thuận, tại các xã Phước Dinh, Khánh Hải, những hàng phi lao chắn cát cũng chết héo, giếng của người dân trong vùng bị khô cạn.

Trong cái nắng loang loáng như đổ lửa, cả dải đất khô hạn cằn cỗi, ít thấy bóng cây, chỉ có các đám cỏ bụi. Chúng tôi ghé nhà ông Võ Bảy nhấp ngụm nước trà ông Bảy rót mời, nghe mặn chát. Ông Bảy nói: "Bây giờ nước ở vùng này nhiễm mặn hết trơn rồi. Trước người ta gọi đất Ninh Thuận là vắt cát ra vàng, bây giờ vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy nước ở đây vốn khô hạn giờ càng trở nên khan hiếm".

Ông Lê Việt Can (thôn An Hải, xã Phước Dinh) cho biết sau khi phong trào nuôi tôm rầm rộ diễn ra ở các xã, nước giếng của các hộ sống trong vùng bị kiệt dần và nhiễm mặn. Thiếu nước dùng, ông phải đào giếng sâu đến hơn 30m nhưng vẫn không có nước.

Gia đình ông Can trước cũng nuôi tôm, khi nước không còn đủ cung cấp cho hồ, tôm bị bệnh phân trắng teo gan mà chết, ông bỏ luôn nghề. Các con ông thất nghiệp, chuyển sang nghề đi lấy nước về bán cho mọi người trong thôn. Ông xót xa: "Vì nuôi tôm mà để mọi người thiếu nước, tui xót lòng lắm".

Bằm nát cả dải cát miền Trung

Trải dọc suốt cả một vùng biển vài kilômet ở xã Đức Minh, Phổ An (Quảng Ngãi) là các ao tôm dày đặc. Những ao tôm trên cát ở đây phần lớn đều nằm phía sau những đồi dương xanh tốt, hầu hết đều có ống dẫn nước và ống bơm nước khá dài nối từ ao ra biển, còn chất thải từ các ao nuôi tôm cũng thông qua ống xả nhưng chỉ ra đến bãi cát.

Chất thải của tôm nhầy và tanh, bám thành từng mảng và chuyển sang màu xanh đen dưới nắng gắt. Những con sóng khi tràn bờ cuốn trôi luôn những mảng xanh đen đó, thế nhưng cũng có những khe chất thải không bị sóng cuốn, lâu ngày tạo thành những hố chứa nước đen trên bãi. Các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ đẩy chất thải ra bãi, còn các công ty nuôi qui mô hàng chục hecta thì đào hố và thải chất bẩn lên đồi dương, khuất lấp trong các lùm cây.

Cả một vùng đồi dương mẹ Nghèng (Quảng Bình) 200ha bị chặt phá để nuôi tôm trên cát

Một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên - môi trường Ninh Thuận cho biết gần như 100% các điểm nuôi tôm trên cát không có hệ thống xử lý nước thải. Nhận xét về cách xử lý chất thải theo kiểu này, TSKH Nguyễn Văn Trương - Viện Tài nguyên sinh thái - cho rằng nếu chỉ một vài hộ nuôi tôm xả bỏ chất thải kiểu đó thì không sao, nhưng vài chục ngàn hộ cùng thải nước như vậy ắt hẳn cả vùng biển bị ô nhiễm, nguồn nước biển lại thông với các cửa sông nên tác hại rất lớn.

Tác động từ môi trường nước trước hết nhắm vào các ao nuôi tôm khiến tôm bệnh, người nông dân nuôi trồng thủy sản phải tốn cả chục triệu đồng mua chế phẩm trị bệnh cho tôm, sau đó lượng thuốc trừ bệnh tôm này thải trực tiếp ra môi trường và tái gây ô nhiễm nguồn nước, tạo thành vòng luẩn quẩn ô nhiễm cho người nuôi tôm.

Khi phong trào nuôi tôm trên cát rộ lên, rất nhiều đồi dương dọc ven biển vốn rất đẹp cũng bị chặt phá xơ xác để làm hồ. Mặc dù các cán bộ ở UBND xã Đức Minh đều cho biết là chỉ cho phép xây hồ phía trước đồi dương, thế nhưng thực tế rất nhiều ao đều có dấu tích những gốc dương bị chặt phá. Một số nơi đồi dương còn được tận dụng làm các hố chôn nước thải. Ở dốc 10, xã Phổ An (Quảng Ngãi), phía trước một vùng đồi dương xanh mát chỉ còn trơ lại vài gốc cây.

Ông Phan Sưa, người nuôi tôm ở xã Bảo Ninh (Quảng Bình), kể rằng từ khi ông cùng với nhiều hộ trong xã chặt phá cả một vùng đồi dương ven biển để nuôi tôm, nắng và gió ở vùng đất này khắc nghiệt hơn. Khi gió Lào về, không có cây chắn, cát bay càng mù mịt. Dọc con đường trải dài từ Hải Ninh về Nhơn Trạch, một bên là biển, bên còn lại là các hàng rào bao quanh các ao nuôi tôm.

Cả một vùng hải đảo xã Hải Ninh nay chỉ còn vài hecta trồng dương, số còn lại đã bị khai phá để lấy đất. Không còn cây chắn gió nên mưa nắng ở đây cũng khắc nghiệt hơn. Mỗi khi trời dông, gió cuốn cát mù mịt, mưa nặng hạt theo từng cơn gió quất vào người đau đến tím mặt.

THU THẢO

 


Chợ thủy sản Cần Giờ mở cửa trở lại

Nguồn tin: TT, 16/11/2005
Ngày cập nhật: 16/11/2005

 


Giá cá tra, ba sa tăng từ 200 - 900 đồng/kg

Nguồn tin: BCT, 16/11/2005
Ngày cập nhật: 16/11/2005

Sau những ngày bình ổn và giữ ở mức từ 9.500 -10.500 đồng/kg, 2 ngày qua giá cá tra, ba sa tại ĐBSCL bắt đầu nhích lên. Tại An Giang, cá tra nguyên liệu nuôi hầm và đăng quần thịt trắng được các đơn vị thu mua với giá 10.200 - 11.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ và chất lượng, tăng 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước. Đặc biệt, giá cá thịt trắng chất lượng loại 1 đã đạt mức giá 11.400 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg. Giá cá thịt vàng cũng nhích lên từ 8.200 - 9.200 đồng/kg, tăng 200 - 500 đồng so với tuần trước. Riêng cá nuôi bè hiện nay cũng được các doanh nghiệp thu mua từ 9.600 - 10.500 đồng/kg, tăng 200 đồng.

Giá cá tăng nhưng vẫn còn tình trạng mất cân đối nguồn nguyên liệu và thiếu nguồn cá đạt chất lượng để các doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, do giá thời gian qua liên tục rớt nên nhiều hộ dân chưa bán, làm cá lớn hơn kích cỡ quy định cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và chất lượng.

BÌNH NGUYÊN

 


Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang