• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trên trồng dừa, dưới nuôi tôm cá

Nguồn tin: VNECONOMY, 25/10/2005
Ngày cập nhật: 25/10/2005

Có nhiều hộ nuôi đạt năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha mặt nước/vụ, cá biệt có nơi đạt tới 10-11 tấn/ha.

Tỉnh Bến Tre có chiều dài bờ biển khoảng 65 km, diện tích đất nhiễm mặn khá lớn. Đây là tiềm năng và điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích nuôi tôm biển chuyên canh hoặc luân canh, xen canh kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, Bến Tre còn có hệ thống sông rạch và kênh mương chằng chịt nằm trong hơn 35.000 hecta trồng dừa là điều kiện rất thuận lợi để người dân phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là tôm càng xanh và cá.

Năm 2005, tỉnh Bến Tre đã có diện tích nuôi thủy sản là 42.360 hécta, đạt sản lượng trên 80.000 tấn. So với năm 2001, diện tích nuôi tăng hơn 10.000 ha và sản lượng tăng 72,8%. Đây là một trong những thành tựu nổi bật nhất của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Ông Trần Văn Cồn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, nhận định: “Thành công lớn nhất của nghề nuôi thủy sản Bến Tre là đã xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm sú thâm canh ở các xã ven biển. Đầu nhiệm kỳ, tỉnh chỉ thí điểm một số diện tích nuôi tôm sú thâm canh. Đến nay đã hình thành nhiều khu thâm canh và bán thâm canh tập trung, đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Các chuyên gia trong ngành thủy sản xác nhận: có nhiều hộ nuôi đạt năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha mặt nước/vụ, cá biệt có nơi đạt tới 10-11 tấn/ha. Nhiều mô hình nuôi chẳng những thu hồi được vốn đầu tư ban đầu, mà còn đạt lợi nhuận trên 40% chỉ qua một vụ nuôi kéo dài bốn tháng.

Thực tế, việc nuôi tôm sú thâm canh đòi hỏi cao không chỉ về kỹ thuật, hệ thống thủy lợi, chất lượng con giống, mà còn cả nguồn vốn đầu tư lớn, vì thế từng hộ nông dân cá thể khó có thể tự đảm đương. Để giải quyết vấn đề này đồng thời thu hút được các nguồn vốn trong dân đầu tư phát triển nuôi tôm sú công nghiệp, Bến Tre đã xây dựng được các loại hình tổ hợp tác, huy động vốn dưới dạng cổ phần, phát triển quy mô nuôi phù hợp với khả năng của mỗi tổ.

Với mô hình này, việc quản lý kỹ thuật được tập trung, môi trường được kiểm soát chặt chẽ, nguồn vốn được huy động đảm bảo yêu cầu sản xuất và quản lý điều hành dân chủ nên đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Hiện nay, Bến Tre có trên 110 tổ hợp tác nuôi tôm sú công nghiệp, diện tích mỗi tổ từ 2 đến 30 ha, vốn đầu tư từ 1 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng mỗi tổ. Các huyện vùng nước ngọt cũng tập trung chỉ đạo việc phát triển nuôi tôm càng xanh và nuôi cá trong mương vườn. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn được bà con công nhận là có hiệu quả và đang trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân.

Các hình thức kinh tế hợp tác tự nguyện của nông dân dưới dạng tổ hợp tác, chi hội nghề cá, hay hợp tác xã cũng được hình thành ở nhiều nơi trong quá trình phát triển nghề nuôi trong vùng. Nghề nuôi thủy sản cũng tiếp tục phát triển tại vùng nước lợ, theo hướng kết hợp giữa thủy sản và nông nghiệp. Mô hình nuôi tôm sú luân canh trên một vụ phát triển mạnh tại huyện Bình Đại, lợi nhuận tăng gấp 5-7 lần so với sản xuất lúa, đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay trong diện tích 42.360 ha nuôi thủy sản của tỉnh có tới 33.000 ha nuôi chuyên tôm ven biển (gồm 6.500 ha nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh, còn lại là nuôi quảng canh, hoặc nuôi kết hợp tôm-lúa, tôm-rừng); 4.740 ha nuôi nguyễn thể; 4.260 ha nuôi thủy sản nước ngọt.

Bến Tre đã hình thành rõ nét một số khu nuôi tôm sú công nghiệp ở các xã; Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận, Đại Hòa Lộc, Bình Thắng, Bình Thới (huyện Bình Đại), An Thủy, Vĩnh An, Bảo thuận (huyên Ba Tri), An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú).

Để tạo động lực cho nghề nuôi thủy sản trong dân phát triển nhanh như vậy, các năm qua ngành thủy sản Bến Tre đã xây dựng nhiều dự án nuôi, nhất là các dự án nuôi tôm sú công nghiệp. Dự án đã và đang phát huy tác dụng: làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở một số xã vùng ven biển, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

Ngành thủy sản cũng đã tăng cường các giải pháp về quản lý con giống, mở rộng và khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất giống tại chỗ, phối hợp với các tỉnh Nam Trung Bộ trong sản xuất, cung ứng đủ giống tốt cho người nuôi. Đặc biệt, ngành còn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là biện pháp hàng đầu để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản tại tỉnh.

Trong gần 5 năm qua, Bến Tre đã phối hợp với các viện, trường tổ chức đào tạo cho hơn 1.500 người theo học tại 3 lớp công nhân kỹ thuật, 17 lớp trung cấp, 3 lớp đại học, để bổ sung cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Mỗi năm thu hút trên 40 kỹ sư chuyên ngành nuôi thủy sản từ các trường đại học chính quy về phục vụ yêu cầu nghề nuôi ngày càng phát triển nhanh, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Ông Trần Văn Cồn cho biết: “Bến Tre đã hoàn thành quy hoạch nuôi thủy sản đến năm 2010 và hướng đến năm 2020.

Quy hoạch chi tiết cho 3 huyện ven biển và đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch nuôi thuỷ sản nước ngọt, quy hoạch nuôi cá lồng, cá bè”. Theo các quy hoạch này, đến năm 2010, Bến Tre sẽ có tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 50.747 ha, trong đó diện tích nuôi thâm canh khoảng 7.000 ha; tạo ra sản lượng nuôi trên 160.000 tấn, trong đó có khoảng 40.000 tấn tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Hùng Nghị - Thanh Hiếu

 


Trà Vinh: Các trang trại nuôi tôm thâm canh đạt lợi nhuận cao

Nguồn tin: Vasep, 23/10/2005
Ngày cập nhật: 25/10/2005

Huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã công nhận 1.545 hộ kinh tế trang trại với các loại hình như: trang trại nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm sú bán thâm canh, nuôi tôm - trồng rừng, sản xuất tôm sú giống... Các trang trại nuôi tôm thâm canh, công nghiệp phát triển nhất, năm nay đều có mức thu hơn 200 triệu đồng/ha mặt nước.


Đồng muối Bạc Liêu sẽ biến mất ?

Nguồn tin: BCT, 22/10/2005
Ngày cập nhật: 25/10/2005

Dân đồng muối Bạc Liêu từng chịu cảnh giá cả bấp bênh. Năm nay, họ tự giải thoát bằng cách chuyển trên 90% diện tích đồng muối sang nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa. Một số bỏ nghề muối khiến diện tích giảm thêm 88 ha so với năm 2004 (1.760/2.000 ha). Dù vậy, sản lượng muối Bạc Liêu vẫn trên 95.000 tấn, tăng 18% so với vụ trước. Nếu kể cả lượng tồn kho từ năm trước, sản lượng tồn đọng gần 200.000 tấn, nhưng diêm dân chỉ bán được trên 30.000 tấn do phần lớn là muối đen, giá bán không đủ bù chi phí sản xuất. Các công ty chỉ mua muối trắng, trong khi giá muối đen thấp nhưng chẳng ai mua. Công nghệ làm muối trắng là cứu cánh cho người làm muối nhưng bản thân diêm dân không với tới. Trong khi đó, tại Cần Thơ, Xí nghiệp muối iod đã ngừng hoạt động.

G.K (SGTT)

 


Nhập sản phẩm nuôi cá tra và basa từ Pháp

Nguồn tin: TTXVN, 24/10/2005
Ngày cập nhật: 24/10/2005

 


Nuôi thuỷ sản gắn với thị trường

Nguồn tin: VNECONOMY, 24/10/2005
Ngày cập nhật: 24/10/2005

Tỉnh Hải Dương hiện có 540 trang trại, tăng 366 trang trại so với năm 2001. Phong trào làm kinh tế trang trại phát triển khắp 12/12 huyện và thành phố.

Trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Chí Linh với 134 trang trại, chiếm 24,8%; huyện Nam Sách có 88 trang trại (16,3%); Gia Lộc 75 trang trại (13,9%), Bình Giang 67 trang trại (12,4%), các huyện Thanh Miện, Kim Thành, Kinh Môn và thành phố Hải Dương có 172 trang trại.

Bình quân diện tích canh tác của mỗi trang trại đã đạt 3,39 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đạt 0,36 ha/trang trại. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy mô hình nọ nuôi mô hình kia”, xu thế phát triển hiện nay trong kinh tế trang trại ở Hải Dương là kinh doanh tổng hợp, chiếm 61,5%.

Viết Dũng

 


 

Xây dựng quy trình nuôi cá tra thịt trắng cho xuất khẩu

Nguồn tin: VNECONOMY, 20/10/2005
Ngày cập nhật: 24/10/2005

 


Thị trường TP Cần Thơ tuần qua cá sặt rằn tăng, hút hàng

Nguồn tin: CT, 23/10/2005
Ngày cập nhật: 23/10/2005

(CT)- Nhiều người nuôi cá sặt rằn ở huyện Phong Điền, cho biết: Từ đầu năm đến nay, cá sặt rằn thương phẩm loại 7-8 con/kg, bán được 40.000 -50.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng nhưng không có hàng để bán. Còn các loại cá sặt rằn mẹ giá đang ở mức 50.000 đồng/kg cũng rất hút hàng do nhiều người từ các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang... đến mua về để nhân giống. Riêng giá cá sặt rằn giống ở mức 70.000 đồng/kg (khoảng 400 con/kg). Hiện giá khô cá sặt rằn thường đang ở mức khoảng 170.000 đồng/kg nhưng trên thị trường rất ít.

HOÀNG DƯƠNG-VĂN CÔNG Theo Báo Cần Thơ

 


Thủy sản xuất khẩu “lỡ hẹn”

Nguồn tin: TN, 21/10/2005
Ngày cập nhật: 22/10/2005

Sau khi ngành thủy sản buộc phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 2,6 tỉ USD năm 2005 như đã thông báo xuống còn 2,5 tỉ USD do những khó khăn liên tiếp như thiên tai, hạn hán, xăng dầu tăng giá, các vụ kiện bán phá giá...

Quang Thuần - Mai Phương


Bạc Liêu: Nhiều trang trại có thu nhập từ 50-80 triệu đồng/năm

Nguồn tin: BCT, 21/10/2005
Ngày cập nhật: 22/10/2005

 


TP Cần Thơ: Năng suất tôm càng xanh nuôi trên ruộng giảm do nguồn nước bị ô nhiễm

Nguồn tin: BCT, 21/10/2005
Ngày cập nhật: 22/10/2005

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Vụ thu đông 2005, TP Cần Thơ có gần 300 ha mặt ruộng được nông dân sử dụng nuôi tôm càng xanh; tập trung chủ yếu ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... Đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch khoảng 30 ha nhưng có trên 50% diện tích trong số này phải thu hoạch sớm hơn kế hoạch khoảng 30 ngày. Nguyên nhân: nguồn nước ở một số ruộng nuôi tôm bị ô nhiễm do lượng thức ăn dư thừa, tồn đọng dưới đáy ruộng, làm tôm bị đen mang, nổi đầu... Năng suất nuôi vì thấp hơn khoảng 10% so với ruộng tôm phát triển bình thường.

Hiện nay, tôm càng xanh có giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg, tùy loại. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm càng xanh tăng 10.000-20.000 đồng/kg, người nuôi đạt lợi nhuận trung bình từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.

H.V


"Làng ba ba"

Nguồn tin: ND, 21/10/2005
Ngày cập nhật: 21/10/2005

Những lúc cao điểm, Hải Dương có hơn 2.000 hộ nuôi ba ba. Tuy nhiên, do chăn nuôi tự phát, thiếu kiến thức, nuôi không thành vùng tập trung nên không ít hộ "điêu đứng" vì ba ba. T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã vào cuộc hỗ trợ nông dân xây dựng vùng nuôi ba ba chất lượng cao.

Cuối năm 2003, T.Ư Hội đầu tư dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi con đặc sản ba ba sinh sản và ba ba thương phẩm giai đoạn I" tại xã Thái Thịnh (huyện Kinh Môn). Sáu ba tháng nuôi, 24 hộ tham gia mô hình đều thu được lợi nhuận hơn 10 triệu đồng, thậm chí có những hộ lãi ròng gần 40 triệu. Thắng lợi này đã làm "nức lòng" các hộ có máu làm ăn trong xã và xã "hàng xóm" Hiến Thành. Họ đã đề nghị T.Ư Hội tiếp tục hỗ trợ để xây dựng những mô hình mới...

"Cầu được ước thấy"

Nhu cầu của người dân hai xã Thái Thịnh và Hiến Thành đã được Hội NDVN đáp ứng. Năm 2004, T.Ư Hội đã đầu tư tiếp giai đoạn II của dự án với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng. 48 hộ được chọn tham gia với điều kiện: mỗi hộ có ít nhất 2 ao nuôi ba ba với diện tích tối thiểu là 250m2. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ bốn hộ có diện tích chăn nuôi lớn (900m2 trở lên) máy móc, vật tư, con giống để xây dựng mô hình điểm.

"Đúng là cầu được ước thấy. Tin chắc tham gia dự án sẽ thắng lợi nên tôi quyết định dồn toàn bộ vốn liếng đào 3 ao (1.400m2 ) để nuôi hơn 1.000 con ba ba các loại" - ông Nguyễn Văn Bấc, thôn Mỹ Động (Hiến Thành) cho biết.

"Chúng tôi còn được dự án hỗ trợ máy thái trộn thức ăn, máy đo nồng độ pH để kiểm soát chất lượng nước và môi trường chăn nuôi. Có những loại máy này, chúng tôi chủ động hoàn toàn các khâu chăn nuôi, giảm bớt nguy cơ rủi ro" - ông Bấc nhấn mạnh.

Rồi như một "chuyên gia" về nuôi ba ba, ông Bấc giới thiệu tỷ mẩn: Nếu độ pH trong nước giảm phải xử lý bằng cách tháo bớt nước trong ao cũ và cho thêm nước mới, hoặc có thể bón vôi bột với liều lượng từ 1,5-2 kg/100m3 ) nước. Khi nào nước có mầu xanh như lá chuối non, không có mùi hôi tanh, không nổi váng mới đạt chất lượng.

Tiết kiệm chi phí, thu lợi nhuận cao

Tống Xá là thôn có số hộ nuôi ba ba nhiều nhất xã Thái Thịnh (60 hộ) với số đầu ba ba lên tới gần 40.000 con. Ông Phạm Thế Sơn - một trong những "đại gia" ba ba trong thôn cho biết: Trước đây ông đã đầu tư nuôi hơn 300 con ba ba hậu bị, nhưng do thiếu kỹ thuật, ba ba bị hao hụt quá nửa. Trong khi đó, chi phí chăn nuôi lại cao ngất ngưởng nên ngay vụ đầu tiên ông bị "thâm hụt" vốn nặng, buộc phải "từ giã" nghề nuôi ba ba. Năm 2004, được T.Ư Hội hỗ trợ ông mới dám tái đầu tư chăn nuôi loài khó tính này.

"Lần này, thành công đã vượt quá "tầm tưởng tượng" của tôi" - ông Sơn nói. "Tôi nuôi 500 con ba ba sinh sản và 1.000 con ba ba thương phẩm. Tuân thủ đúng kỹ thuật cán bộ Hội hướng dẫn nên tỷ lệ hao hụt ba ba thương phẩm chỉ còn hơn 2%, tiêu tốn thức ăn cho 1 kg ba ba tăng trọng giảm gần 0,5kg".

Ông Sơn phấn khởi cho biết thêm, được Hội hỗ trợ 1 máy thái trộn thức ăn thế hệ mới, công nghiền thức ăn cho ba ba cũng "tiết kiệm" đáng kể. "Trước đây phải 2 lao động băm cá suốt ngày mới đủ thức ăn cho ba ba. Còn bây giờ, thời gian băm cá kéo dài chưa đến... 10 phút". Cách cho ba ba ăn cũng được ông Sơn điều chỉnh: "Tôi cho thức ăn vào máng, sát mép nước để ba ba thò cổ lên ăn thay phương pháp cũ là thả chìm xuống ao, vừa dư thừa, lãng phí lại dễ gây ô nhiễm nước".

Chăn nuôi theo kỹ thuật mới, sau 5 tháng, ông Sơn đã xuất lứa ba ba đầu tiên. "Trung bình mỗi con ba ba tôi lãi 23.000 đồng. Gần 2.000 con ba ba chăn nuôi theo phương pháp mới của dự án giúp tôi thu lãi hơn 40 triệu đồng" - ông tiết lộ.

Cả làng nuôi ba ba

Thắng lợi của các hộ chăn nuôi ba ba theo dự án của Hội đã tạo quyết tâm cho các hộ dân ở Thái Thịnh và Hiến Thành dồn vốn vào nuôi ba ba. Hiện, Thái Thịnh có hơn 200 hộ nuôi ba ba với diện tích 140.000m2 . Xã Hiến Thành liền kề đó cũng "tỏ ra không kém" với 156 hộ nuôi trên diện tích gần 70.000m2. Ông Nguyễn Văn Tịnh - Phó chủ nhiệm dự án cho biết: Sau ba đến năm tháng chăn nuôi, hộ ít nhất cũng thu lãi hơn 10 triệu đồng. Hộ nuôi nhiều lãi từ 50-60 triệu đồng.

Phong trào nuôi ba ba ở Thái Thịnh và Hiến Thành đã hình thành nên hệ thống dịch vụ vệ tinh. Người dân ở xã này đã xây dựng một khu chợ nhỏ để trao đổi, cung ứng thức ăn cho các hộ chăn nuôi ba ba. Trong các xã cũng xuất hiện những nhóm, tô chuyên cung ứng giống ba ba, thức ăn và tiêu thụ ba ba thương phẩm. "Nông dân hai xã còn thành lập các CLB chăn nuôi ba ba đặc sản. Họ đã liên kết lại với nhau để thành lập tổ chức nghề nghiệp chuyên về chăn nuôi ba ba theo hướng công nghiệp, hiện đại" - ông Sơn cho hay.

Nông thôn ngày nay

 


TP.HCM: mở rộng và nâng chất chợ thủy sản Cần Giờ

Nguồn tin: TT, 21/10/2005
Ngày cập nhật: 21/10/2005

 


Trà Vinh: Sản xuất thành công giống cá lóc môi trề

Nguồn tin: BCT, 21/10/2005
Ngày cập nhật: 21/10/2005

Được Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao kỹ thuật, từ tháng 8-2005 đến nay Trung tâm Giống thủy sản Trà Vinh đã sản xuất thành công giống cá lóc môi trề với số lượng hơn 30.000 con giống và đã bán hết cho nông dân trong tỉnh với giá 330 đồng/con.

Kỹ sư Huỳnh Kim Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm giống thủy sản Trà Vinh cho biết: Cá lóc môi trề khi được nuôi với thời gian 6 tháng sẽ đạt trọng lượng bình quân là 1 kg/ con. Bình quân chi phí thức ăn tươi sống cho cá lóc môi trề (cá vụn, thịt ốc...) nuôi đạt trọng lượng 1 kg tốn kém khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Giá cá lóc môi trề thương phẩm được bán hiện nay trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg. Mức hao hụt cao nhất khi nuôi cá lóc môi trề là khoảng 30%. Như vậy, với giá cá thương phẩm như hiện nay bình quân nuôi 1.000 con cá lóc môi trề lợi nhuận đạt ít nhất là 7 triệu đồng.

PHÚC SƠN

 


Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng

Nguồn tin: WAG, 20/10/2005
Ngày cập nhật: 20/10/2005

Hiện giá 1kg cá tra nguyên liệu thịt trắng loại 1 là 10.400 đồng/kg tăng 500 đ/kg so với tháng 9/2005. Theo dự báo của giới kinh doanh, tới đây giá cá tra có thể sẽ tiếp tục tăng giá nhất là vào dịp Noel và Tết Dương lịch 2006 và có thể thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Dù giá cá tra đang tăng nhưng người nuôi vẫn chưa muốn bán, chờ tăng giá.

Theo Econet

 


An Giang: Mở rộng diện tích nuôi cá tra sinh thái

Nguồn tin: WAG, 20/10/2005
Ngày cập nhật: 20/10/2005

Từ thử nghiệm nuôi cá tra sinh thái 1 đăng quầng 4.000m2 năm 2004, năm 2005 tỉnh An Giang đã mở rộng ra nuôi 5 đăng quầng với diện tích 20.000m2, đạt sản lượng 1.000 tấn. Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) đang đàm phán với Công ty Binca (Đức) để năm 2006 mở rộng thêm diện tích nuôi cá tra sinh thái nhằm đạt sản lượng 1.500 tấn.

Từ năm 2004, Công ty Binca hợp tác với AFA nuôi cá tra sinh thái. Thực hiện chương trình, từ con giống đến thức ăn và nguồn nước nuôi cá đều sạch, mật độ thả nuôi thưa, chỉ 50% số lượng so với nuôi bình thường. Qúa trình nuôi, Công ty theo dõi chặt chẽ giá thức ăn, chi phí, con giống, thức ăn và nguồn nước... ; đăng quầng nuôi cá tra sinh thái phải cách xa đăng quầng nuôi cá tra thường 300m. Nguyên liệu để chế biến thức ăn cho cá phải là lúa sạch không sử dụng phân bón (mua ở Campuchia) và đậu nành sinh thái mua của Trung Quốc... Công ty Binca bao tiêu sản phẩm, sau khi trừ hết các chi phí người nuôi lãi từ 18 đến 20% (giá hiện nay là 23.000 đồng/kg cá nguyên liệu); sản phẩm cá được Công ty Binca thuê Nhà máy chế biến thủy sản Tuấn Anh (AnGiang) gia công chế biến để xuất khẩu sang Thụy Sĩ.

Theo Tài nguyên

 


Phú Quý: Nuôi cá mú, thu chục tỷ đồng

Nguồn tin: Vasep, 19/10/2005
Ngày cập nhật: 20/10/2005

Cách đất liền hơn 50 hải lý, từ đảo Phú Quý bước xuống biển đã là "xa bờ". Sống giữa bốn bề là biển cả, nhiều đời nay người dân đảo dựa vào nguồn lợi biển để sống. Không chỉ thiện nghệ trong khai thác, đánh bắt, gần đây bà con còn đầu tư nuôi cá mú, thu lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Hỏi chuyện ông Mai Hữu Thạnh, chủ DNTT Hải Tín ở xã Tam Thanh, một trong những người đầu tiên ở đảo Phú Quý nuôi cá mú bằng lồng bè trên biển, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về chuyện mà không ít người cho rằng làm "chẳng giống ai" này. Năm 1998, gia đình ông đầu tư hơn 100 triệu đồng hình thành bè nuôi cá với hơn một trăm lồng. Ðây là thời điểm cá mú lên ngôi như một hải đặc sản cao cấp. Ban đầu, gia đình ông mua cá mú đỏ còn nhỏ của bà con ngư dân khai thác tự nhiên, đưa vào lồng nuôi với mật độ từ 50 - 100 con/ô lồng, đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 7 lạng/con trở lên thì xuất bán. Cá mú đỏ bán được giá (thời giá hiện nay dao động từ 300 - 350 nghìn đồng/kg), nhưng tăng trọng chậm và tỷ lệ hao hụt trong một chu kỳ nuôi đến 30%. Từ năm 2001, gia đình ông Thạnh chuyển sang nuôi cá mú đen, theo cách gọi của bà con ở đảo là cá mú cọp. Ðây là giống cá được nhập về từ Ðài Loan bằng đường hàng không qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Cùng với việc thay đổi con giống, gia đình ông Thạnh đầu tư 200 triệu đồng mở rộng thêm 40 ô lồng nuôi cá và xây hồ để bảo vệ cá khi thời tiết xấu. Hiện nay, mỗi kg cá mú cọp xuất bán tại lồng bè ở đảo khoảng 150 nghìn đồng/kg. Mới đầu, gia đình ông Thạnh nuôi thử 5.000 con giống cá mú cọp, thấy hiệu quả, năm 2004, nuôi tăng lên 12 nghìn con. Trong năm này, gia đình ông xuất bán hơn 6 tấn, trừ hết chi phí, lãi hơn 600 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, gia đình ông thả nuôi tiếp 14 nghìn con, sắp đến ngày xuất bán. Theo tính toán của ông Thạnh, sản lượng ước đạt khoảng 9 tấn và lợi nhuận có thể gần một tỷ đồng.

Theo UBND huyện Phú Quý, hiện nay toàn đảo có 55 cơ sở nuôi gần 200 nghìn con cá mú đen và cá mú đỏ bằng lồng bè, hồ chắn sóng với 10.849 m2 mặt nước. Những năm gần đây, bình quân hàng năm bà con xuất bán từ 40 - 60 tấn sản phẩm, đạt doanh thu từ 10 - 15 tỷ đồng. Ðồng chí Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết thêm: Xác định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đảo, huyện đã có chính sách khuyến khích bà con đầu tư phát triển mạnh việc nuôi trồng cùng với khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần và bảo vệ nguồn lợi biển. Nghề nuôi cá mú tuy mới phát triển, nhưng hiệu quả đã được khẳng định, nhất là trong việc khai thác lợi thế của đảo. Tuy nhiên, để nghề nuôi trồng hải sản trên đảo phát triển bền vững, huyện sẽ rà soát lại quy hoạch; phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu đưa thêm các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao và nuôi kết hợp việc bảo vệ thảm thực vật, rạn san hô chung quanh đảo. Những lồng bè và hồ chắn nuôi cá mú trên đảo sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách khi họ đến với hòn đảo giàu đẹp này.

 


250 khách quốc tế tham dự Hội nghị tôm toàn cầu tại VN

Nguồn tin: TT, 19/10/2005
Ngày cập nhật: 19/10/2005

 


An Giang: nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi lãi 30 triệu đồng/ha

Nguồn tin: TT, 19/10/2005
Ngày cập nhật: 19/10/2005

Từ giữa tháng 10-2005, nông dân các huyện Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn... bắt đầu thu hoạch tôm càng xanh trên chân ruộng mùa nước nổi, cho năng suất khá, thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Sang (Phú Thuận - Thoại Sơn) cho biết: năng suất mỗi hecta đạt 1,2-1,3 tấn, tôm sô thương phẩm giá 85.000đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân còn lãi trên dưới 30 triệu đồng.

Mùa lũ năm 2005, An Giang có trên 700ha nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng, thả gần 50 triệu con giống, ước sản lượng thu hoạch khoảng 800 tấn.

THUẬN PHÚ


Sẽ khôi phục các phiên giao dịch tại chợ thủy sản Cần Giờ

Nguồn tin: TT, 17/10/2005
Ngày cập nhật: 19/10/2005

 


An Giang: Một trại tư nhân cung cấp hàng triệu con ếch Thái Lan giống đảm bảo chất lượng

Nguồn tin: BCT, 19/10/2005
Ngày cập nhật: 19/10/2005

Anh Phạm Đăng Thập, chủ trại sản xuất giống ếch, ba ba tại khóm Đông Thạnh A, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên cho biết: Từ đầu năm đến nay trại giống của anh đã sản xuất, cung cấp ra thị trường gần 1,5 triệu con ếch Thái Lan giống.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống thủy sản An Giang, ếch giống tại trại của anh Thập đảm bảo chất lượng, không nhiễm bệnh; ếch nuôi 2,5-3 tháng có thể đạt trọng lượng 400-500g. Hiện nay, ếch giống bán tại đây có giá 1.000 đồng/con, thấp hơn ếch nhập từ Thái Lan 400 đồng/con.

Anh Thập là người đầu tiên tại An Giang nhập ếch giống trực tiếp từ Thái Lan và sản xuất ếch giống thành công. Hiện nay, những người mua giống ếch từ trại của anh đều được hợp đồng thu mua lại toàn bộ ếch thương phẩm.

BÌNH NGUYÊN

 


Phú Quý: Nuôi cá mú, thu chục tỷ

Nguồn tin: nd, 16/10/2005
Ngày cập nhật: 18/10/2005

Cách đất liền hơn 50 hải lý, từ đảo Phú Quý bước xuống biển đã là "xa bờ". Sống giữa bốn bề là biển cả, nhiều đời nay người dân đảo dựa vào nguồn lợi biển để sống. Không chỉ thiện nghệ trong khai thác, đánh bắt, gần đây bà con còn đầu tư nuôi cá mú, thu lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Hỏi chuyện ông Mai Hữu Thạnh, chủ DNTT Hải Tín ở xã Tam Thanh, một trong những người đầu tiên ở đảo Phú Quý nuôi cá mú bằng lồng bè trên biển, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về chuyện mà không ít người cho rằng làm "chẳng giống ai" này. Năm 1998, gia đình ông đầu tư hơn 100 triệu đồng hình thành bè nuôi cá với hơn một trăm lồng. Ðây là thời điểm cá mú lên ngôi như một hải đặc sản cao cấp. Thịt cá mú sống ăn gỏi với mù tạc là món khoái khẩu của giới sành điệu về ẩm thực. Ban đầu, gia đình ông Thạnh mua cá mú đỏ còn nhỏ của bà con ngư dân khai thác tự nhiên, đưa vào lồng nuôi với mật độ từ 50 đến 100 con/ô lồng, đến khi cá đạt trọng lượng khoảng bảy lạng/con trở lên thì xuất bán. Cá mú đỏ bán được giá (thời giá hiện nay dao động từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg), nhưng tăng trọng chậm và tỷ lệ hao hụt trong một chu kỳ nuôi đến 30%. Từ năm 2001, gia đình ông Thạnh chuyển sang nuôi cá mú đen, theo cách gọi của bà con ở đảo là cá mú cọp. Ðây là giống cá được nhập về từ Ðài Loan bằng đường hàng không qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Cùng với việc thay đổi con giống, gia đình ông Thạnh đầu tư 200 triệu đồng mở rộng thêm 40 ô lồng nuôi cá và xây hồ để bảo vệ cá khi thời tiết xấu. Lúc mới thả giống, cá mú cọp chỉ dài khoảng 5 cm, sau 12 tháng, trọng lượng trung bình mỗi con khoảng bảy lạng, tỷ lệ hao hụt khoảng 10 đến 15%. Hiện nay, mỗi ký cá mú cọp xuất bán tại lồng bè ở đảo khoảng 150 nghìn đồng/kg. Mới đầu, gia đình ông Thạnh nuôi thử 5.000 con giống cá mú cọp, thấy hiệu quả, năm 2004, nuôi tăng lên 12 nghìn con. Trong năm này, gia đình ông xuất bán hơn sáu tấn, trừ hết chi phí, lãi hơn 600 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, gia đình ông thả nuôi tiếp 14 nghìn con, sắp đến ngày xuất bán. Theo tính toán của ông Thạnh, sản lượng ước đạt khoảng chín tấn và lợi nhuận có thể gần một tỷ đồng.

Vào nghề sau gia đình ông Thạnh, quy mô cũng không lớn bằng, nhưng niềm say mê với nghề mới của anh Nguyễn Ấn ở xã Tam Thanh không hề thua kém chút nào. Anh Ấn cho biết: Nuôi cá mú lồng không khó, quan trọng nhất là phải biết chăm sóc chúng theo đúng "bài bản". Theo anh, mỗi ngày chỉ nên cho cá ăn một lần bằng thịt cá tạp và phải thường xuyên "tắm" cho cá. Anh Ấn giải thích: Khoảng 12 ngày một lần, dùng nước ngọt pha với thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cho cá nuôi ở lồng vào bơi lội để khử các loại vi khuẩn, nấm bệnh bám trên thân chúng. Phải cho chúng "tắm" thật kỹ, mỗi ngày chỉ xử lý hai lồng, thích hợp nhất là từ 6 đến 9 giờ sáng, không nên "tắm" cho cá lúc nước biển đã ấm lên. Cùng với đó, phải thường xuyên cọ rửa lồng bè, giặt giũ lưới vay. Với sự chí thú như vậy, gia đình anh Ấn được đền bù xứng đáng: Năm 2003, thả 3.000 con giống cá mú cọp, thu lãi hơn 180 triệu đồng. "Nuôi cá mú lồng khỏe hơn nhiều so với đi đánh bắt" - Anh Ấn khẳng định như vậy.

Khi phong trào nuôi hải sản ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) phát triển mạnh, bà con đã tận dụng mọi lợi thế để mở rộng diện tích. Những ghềnh đá nhô ra biển ở khu vực Mộ Thầy thuộc xã Long Hải đã lọt vào "tầm ngắm" của những người thích thử thách. Người đầu tiên đầu tư vốn xây hồ nuôi hải sản ở khu vực này vào năm 1999 là anh Trần Thanh Long, một cán bộ chủ chốt của xã Long Hải lúc ấy. Theo bước anh Long, nhiều hộ dân đã đến khu vực này, xin phép chính quyền địa phương đầu tư dựng tường chắn sóng biển, xây hồ nuôi cá mú, tôm hùm. Anh Dương Văn Vĩ, người xã Ngũ Phụng bắt đầu xây hồ ở đây từ tháng 6-2000, hiện nay đang sở hữu bốn hồ với diện tích mặt nước 840 m2. Anh Vĩ cho biết: Tận dụng địa thế ven biển có rạn đá, anh đã đúc nhiều ống cống bằng bê-tông, đợi thủy triều xuống, cắm sâu vào nền biển, xây nối lại thành tường chắn sóng, từ đó cải tạo phía trong thành hồ nuôi hải sản. Dưới đáy bốn hồ cá, anh đặt hơn 1.200 ống thông thủy, đường kính 30 cm, bảo đảm nước trong hồ và biển đối lưu nhau và độ sâu trong hồ luôn được giữ từ 1 đến 3 m. Vốn đầu tư ban đầu và tu bổ, hoàn thiện hồ hơn 400 triệu đồng. Anh Vĩ cho biết thêm: So với lồng bè, việc đầu tư xây hồ ven biển nhọc công và nặng vốn hơn, nhưng khi hồ đã hoàn thiện thì khỏe, an toàn hơn nhiều. Với mặt tường vành đai cao 6 m, kỹ thuật xây dựng không khác với kè cảng biển, gần năm năm nay, đã nhiều lần đối chọi với sóng bão cấp 7, cấp 8, nhưng hồ vẫn rất an toàn.

Tháng 8-2000, anh Vĩ bắt đầu thả nuôi 1.200 cá mú đỏ con mua lại của ngư dân và nuôi tôm hùm, đạt hiệu quả khá cao. Sau đó, vì diện tích hẹp, việc chăm sóc tôm hùm phức tạp, nên gia đình anh chỉ chuyên nuôi cá mú. Tháng 9-2003, anh thả nuôi 2.500 con giống cá mú đen, đến tháng 10-2004 thu hoạch, lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, trong hồ của anh đang có gần 3.000 con cá mú đen đã đạt trọng lượng xuất bán. Nhiều hộ nuôi cá mú bằng hồ chắn sóng cũng khẳng định cá tăng trọng nhanh, sản lượng thu hoạch ổn định hơn nuôi bằng lồng bè.

Theo UBND huyện Phú Quý, hiện nay toàn đảo có 55 cơ sở nuôi gần 200 nghìn con cá mú đen và cá mú đỏ bằng lồng bè, hồ chắn sóng với 10.849 m2 mặt nước. Những năm gần đây, bình quân hằng năm bà con xuất bán từ 40 đến 60 tấn sản phẩm, đạt doanh thu từ 10 đến 15 tỷ đồng. Ðồng chí Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết thêm: Xác định hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đảo, huyện đã có chính sách khuyến khích bà con đầu tư phát triển mạnh việc nuôi trồng cùng với khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần và bảo vệ nguồn lợi biển. Nghề nuôi cá mú tuy mới phát triển, nhưng hiệu quả đã được khẳng định, nhất là trong việc khai thác lợi thế của đảo. Tuy nhiên, để nghề nuôi trồng hải sản trên đảo phát triển bền vững, huyện sẽ rà soát lại quy hoạch; phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu đưa thêm các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao và nuôi kết hợp việc bảo vệ thảm thực vật, rạn san hô chung quanh đảo. Những lồng bè và hồ chắn nuôi cá mú trên đảo sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách khi họ đến với hòn đảo giàu đẹp này.

 


Tri Tôn 100 hộ nuôi cá lồng bè, đăng quầng mùa nước

Nguồn tin: WAG, 17/10/2005
Ngày cập nhật: 18/10/2005

Mùa lũ năm nay huyện Tri Tôn có khoảng 100 hộ dân tại các xã Lương An Trà, Tà Đảnh, Cô Tô, Núi Tô, Lạc Quốc, Vĩnh Gia, thị trấn Tri Tôn và Ba Chúc tổ chức mô hình nuôi cá lồng bè, đăng quầng trên các tuyến kênh mương nội đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lê Văn Tấn, khóm I thị trấn Tri Tôn gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè 5 mùa nước nổi. Với 3 bè, mỗi bè có diện tích mặt nước là 12 m 2 mỗi năm anh thả nuôi 2 đợt lợi nhuận đạt trên 20 triệu đồng. Anh cho biết nuôi cá mùa nước nổi có thuận lợi là chi phí thức ăn thấp chủ yếu là ốc bưu vàng, cá tạp, cá ít bệnh, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, có thể đạt 0,5 - 0,8 kg sau 4 tháng nuôi. Tuy nhiên giá thu mua lại tương đối thấp, đối với nuôi trái vụ năng suất chỉ bằng 1/3 so với nuôi trong mùa nước, nhưng bán được giá hơn. Cụ thể 3 bè anh thả nuôi 9.000 con cá giống, đợt rồi anh vừa xuất bán 1,2 tấn, với giá 21.000đ/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lời 8 triệu đồng. Vụ này anh vừa thả nuôi 10.000 con lóc giống, anh cho biết thêm chi phí đầu tư con giống, thức ăn đến khi xuất bán khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay giá cá thu mua đang có chiều hướng giảm so với đầu mùa nước và sẽ còn dao động ở mức thấp đang là mối lo ngại của nông dân.

Châu Phong

 


An Giang: Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 8,4%

Nguồn tin: Vasep, 17/10/2005
Ngày cập nhật: 18/10/2005

So với cùng kỳ năm trước, nuôi trồng thủy sản ở An Giang tăng hơn 9%. Từ đầu năm đến nay đã có 1.710 ha diện tích mặt nước được thả nuôi cá và tôm cùng một số loài khác như ếch, cá rô phi, cá lóc. Người chăn nuôi toàn tỉnh đã thu hoạch gần 130 ngàn tấn, tăng 11,4%, chủ yếu là cá (trên 127 ngàn tấn, tăng 13 ngàn tấn). Ngành chức năng cho biết, với xu thế phát triển như hiện nay, năm 2005 toàn tỉnh sẽ có 2.055 ha diện tích mặt nước được thả nuôi (tăng khoảng 8,4%), trong đó tôm chiếm 34% (tăng 25%) với tổng sản lượng nuôi trên 172 ngàn tấn, tăng 17,4% so cùng kỳ năm ngoái.

(TN)

 


Ngành Thủy sản:Chủ động phòng chống lụt bão

Nguồn tin: BinhThuan, 18/10/2005
Ngày cập nhật: 18/10/2005

Bão số 1 năm nay xuất hiện sớm hơn bình thường trong tháng 3 ở vĩ độ thấp, đến nay đã là bão số 7. Đặc biệt năm 2005 là năm tròn của chu kỳ 60 năm tính từ năm Ất Dậu 1945, năm đã xảy ra lũ lớn, gây vỡ đê các tỉnh đồng bằng Bắc bộ làm chết nhiều người. Từ tình hình trên chúng tôi muốn tìm hiểu ngành Thủy sản Bình Thuận đã có phương án như thế nào cho việc phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) trong năm 2005.

THỰC TRẠNG

Tính đến tháng 3/2005 năng lực tàu thuyền nghề cá toàn tỉnh có 5.486 thuyền/299.802 CV phân bổ tập trung một số huyện Tuy Phong, Hàm Tân, Phú Quý và Tp. Phan Thiết. Trong đó lượng tàu thuyền lớn hơn 90 CV là 719 chiếc, tập trung ở các địa phương: Tuy Phong 76 chiếc, Phan Thiết 308 chiếc, Hàm Tân 282 và Phú Quý 49 chiếc. Bên cạnh đó hàng năm Bình Thuận còn đón hơn 1.000 lượt tàu thuyền vãng lai của các tỉnh bạn đến khai thác và giao dịch buôn bán. Bình Thuận có 7 cửa sông chính tàu thuyền có thể vào neo đậu và tránh bão: cửa sông Liên Hương đã bị bồi lấp hoàn toàn, đang triển khai đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh bão; Phan Rí Cửa có thể neo đậu 1.000 chiếc, Phú Hài 600 chiếc, Ba Đăng 100 chiếc, Lagi 900 chiếc, Hà Lãng 20 chiếc, và cửa sông Cà Ty (Cảng Phan Thiết) 1.500 chiếc. Phần lớn các cửa sông này cạn hẹp và bị bồi lắng nhiều, việc ra vào của tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn trừ một số cảng lớn đã được đầu tư nạo vét: Phan Thiết, Phan Rí, Lagi… Như vậy khả năng sắp xếp được chỉ có 4.120 chiếc. Số còn lại là tàu nhỏ đậu ở bãi ngang. Nếu có bão đổ bộ vào vùng biển Bình Thuận thì số tàu này rất khó tìm được nơi trú ẩn an toàn. Số lượng tàu đưa được vào cửa sông nếu có lũ quét thì cũng rất dễ bị tai họa vì các cửa sông cạn hẹp, nước lũ chảy xiết nhất là cửa sông Liên Hương, Phan Thiết, Lagi. Số lượng trụ neo đậu còn quá ít không đủ cho nhu cầu khi có bão, chỉ mới xây dựng được 380 trụ/5.400 tàu; về thông tin liên lạc, hệ thống máy vô tuyến điện hiện ngư dân đang sử dụng, có tác dụng rất lớn trong việc liên lạc giữa thuyền với đất liền và ngược lại. Theo điều tra sơ bộ của ngành Thủy sản số tàu thuyền đã trang bị máy thông tin liên lạc, chiếm 97,3% tổng số tàu thuyền trong tỉnh. Trong đó máy tầm ngắn chiếm 99,4%, máy tầm xa chỉ chiếm 0,6%. Đài thông tin duyên hải-trực cảnh báo bão khu vực Bình Thuận đã được xây dựng và đi vào hoạt động chính thức từ cuối tháng 3/2005. Đây là một thuận lợi căn bản cho việc triển khai hỗ trợ thông tin trên biển cho ngư dân trong tỉnh. Mặt khác số tàu thuyền công suất lớn từ 90 CV trở lên có thể tham gia cứu hộ đã được các địa phương chọn một số đưa vào lực lượng thường trực cứu hộ cứu nạn. Tuy Phong 76 chiếc, Hàm Tân 280 chiếc, Phan Thiết 299 chiếc, Phú Quý 47 và Chi cục BVNL thủy sản 4 chiếc.

CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CỦA NGÀNH THỦY SẢN

Nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, ngành thủy sản yêu cầu ngư dân trước khi ra biển phải có đủ phao cứu sinh; tàu thuyền có công suất từ 45 CV trở lên phải có phao bè bảo đảm tính mạng cho thuyền viên và có lương thực, nước uống để có thể trụ được dài ngày trên biển. Vận động các thuyền viên mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên. Đối với các tàu có công suất trên 90 CV phải mua bảo hiểm bắt buộc vỏ tàu và bảo hiểm thuyền viên, ngoài ra các thuyền còn phải trang bị đủ: đèn tín hiệu, radio, máy VTĐ.

Để bảo đảm thông tin thông suốt trên mọi cự ly, ngành Thủy sản sẽ đưa các máy công suất lớn 100W của Chi cục BVNL thủy sản và các tàu xa bờ vào làm nhiệm vụ thường trực báo bão cho ngư dân toàn tỉnh. Đồng thời áp dụng thông tin bắc cầu trong phạm vi toàn tỉnh (khi nào nhận được thông tin báo bão thì tiếp tục phát tin cho các tàu đang hoạt động xa mình hơn). Đối với việc neo đậu tàu thuyền tránh bão, dung lượng neo đậu của các cửa sông hiện nay không thể đáp ứng được việc tránh bão cho hơn 5.400 chiếc tàu của tỉnh và trên 1.000 chiếc vãng lai. Vì vậy việc sắp xếp tàu thuyền tránh bão phải được đặt ra với tinh thần khẩn trương, tích cực và trọng tâm, bảo đảm đưa được số lượng lớn tàu thuyền vào các cửa. Công tác xây dựng trụ neo đậu tàu thuyền cần phải được tiếp tục quan tâm, đặc biệt cửa Lagi là cửa cạn nước chảy xiết khi lũ quét, năm 1998 tại đây đã bị chìm 75 chiếc do lũ quét. Vì vậy tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ vốn và các huyện, thành phố tích cực thu quỹ phòng chống thiên tai để xây dựng thêm từ 50-100 trụ neo tại các vùng tàu thuyền tập trung trong tỉnh. Đối với công tác cứu nạn, đưa các tàu của Chi cục BVNL thủy sản vào làm nhiệm vụ thường trực tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực trọng điểm nghề cá và tổ chức tốt lực lượng cứu hộ cứu nạn như mỗi tàu, biên chế một đội thường trực từ 10-15 người, dự phòng 50 phao cứu sinh, cơ số thuốc, dây thả cứu hộ, loa điện, máy bộ đàm; đồng thời có phương án bảo vệ các công trình nuôi trồng thủy sản.

Những phương án trên sẽ được thực hiện tốt khi có sự chỉ đạo chỉ huy thống nhất, công tác phối hợp chặt chẽ đồng bộ, công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên, công tác trực theo dõi tình hình không bị động, chế độ báo cáo chính xác kịp thời với tinh thần chủ động, khẩn trương và tập trung.

ĐÔNG BÌNH

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang