• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giá tôm tăng cao

Nguồn tin: TT, 6/10/2005
Ngày cập nhật: 7/10/2005

Thông tin từ các hộ nuôi tôm khu vực ĐBSCL như Bến Tre, Sóc Trăng... cho biết giá tôm sú đã tăng mạnh, mức tăng 10.000-15.000 đồng/kg so với mức giá cách nay một tháng.

Hiện loại tôm 30 con/kg được các doanh nghiệp mua vào với giá 95.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg có giá 78.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho biết... không còn tôm để bán vì đã hết mùa vụ. Theo một số doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, việc thiếu nguyên liệu trong khi nhu cầu giao hàng cho những hợp đồng đã ký là nguyên nhân chính khiến giá tôm tăng mạnh.

Hiện một số đơn vị chế biến tôm xuất khẩu đang bị các nhà nhập khẩu Nhật Bản phản ứng vì giao hàng chậm.

H.ĐĂNG

 


Phú Yên: Cá mú, cá cơm xuất hiện dày đặc gần bờ

Nguồn tin: TN, 7/10/2005
Ngày cập nhật: 7/10/2005

Ngày 6/10, Sở Thủy sản Phú Yên cho biết: khoảng một tháng qua, cá cơm xuất hiện với mật độ dày đặc chưa từng có tại các vùng gần bờ biển của tỉnh. Tại các huyện Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu... chỉ cần ra cách bờ khoảng 200m, trong vòng 4 giờ, mỗi tàu có thể khai thác được 3 tấn cá cơm.

Theo nhiều ngư dân lớn tuổi, đây là sản lượng cá cơm đánh bắt được nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện giá cá cơm ngần, cơm than được bán từ 3.000 - 4.000 đồng/kg nên ngư dân thu lãi rất lớn.

Thời gian này, cá mú giống hạt dưa cũng đang xuất hiện nhiều ở vùng biển Sông Cầu; người dân chỉ cần dùng thúng chai hoặc thuyền nan bơi sát bờ và dùng vợt là bắt được cá. Được biết, cá mú giống hạt dưa giá từ 3.000 - 5.000 đồng/con; ngư dân khai thác cá đang có thu nhập khá.

Hùng Phiên

 


Đề xuất giải pháp "nóng" để có thủy sản sạch

Nguồn tin: VNN, 5/10/2005
Ngày cập nhật: 6/10/2005

Bộ Thủy sản vừa kiến nghị Chính phủ khẩn cấp ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách quản lý hóa chất, kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng, chế biến thủy sản; đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan nhằm hạn chế thấp nhất dư lượng kháng sinh.

Các cơ sở chăn nuôi tuyệt đối không được sử dụng các chất kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng.

Theo đó, Chỉ thị sẽ nghiêm cấm sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng do Bộ Thủy sản, Bộ NN-PTNT quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn; thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi; thu hoạch, bảo quản, sơ chế và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, buôn bán kháng sinh phải ghi rõ trên nhãn đối tượng sử dụng kèm theo bản hướng dẫn sử dụng. Các cơ sở chế biến cũng như vận chuyển, tiêu thụ phải gắn kết vùng nguyên liệu để kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chỉ mua nguyên liệu đã qua kiểm tra và đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

Trong Chỉ thị này yêu cầu rõ Bộ Thủy sản, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm nhanh chóng rà soát để bổ sung, sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp quản lý hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Đồng thời, Chỉ thị cũng sẽ quy định trách nhiệm của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành... để phối hợp thực hiện, nhằm có những sản phẩm thủy sản xuất khẩu "sạch".

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cuối tháng 8 đã phát hiện 9 lô hàng thủy sản Việt Nam có chứa dư lượng Fluoroquinolones và cho biết, nếu tiếp tục phát hiện đến 12 lô hàng vi phạm trong 6 tháng tới, FDA có thể sẽ áp dụng biện pháp cảnh báo tự động (giữ hàng lại để kiểm tra kháng sinh 100% số lô hàng) đối với toàn bộ thủy sản Việt Nam. Việc này nếu xảy ra không những gây ách tắc cho xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ, mà còn là cớ để các thị trường khác áp dụng các biện pháp tương tự đối với thủy sản Việt Nam.

Theo Bộ Thủy sản, riêng thị trường Hoa Kỳ trong các năm gần đây chiếm tỷ trọng 26-33% kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do vậy, nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu và đời sống lao động ngành thủy sản Việt Nam.

Mặc dù Bộ Thủy sản cũng như Bộ NN-PTNT đã tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong thủy sản, Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc này, song, trước tình hình quy định của các nước nhập khẩu thay đổi rất nhanh, ngày càng nghiêm ngặt cho thấy việc quản lý và sử dụng hóa chất, kháng sinh trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm tại nước ta còn một số tồn tại. Cụ thể : hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm của Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy sản vẫn được phép nhập khẩu để sử dụng rộng rãi trong y tế, công nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra nhập khẩu, sản xuất, mua bán và sử dụng hóa chất kháng chất của các Bộ liên quan chưa nghiêm; cơ sở chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu...

Hà Yên

 


Thái Bình: Trắng tay những triệu phú đầm tôm

Nguồn tin: TP, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 6/10/2005

Đã mấy ngày sau khi cơn bão số 7 đi qua, nhưng xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn như vừa trải qua một trận chiến. Những ông chủ đầm tôm mặt méo xệch đứng trước biển nước mênh mông không nhận biết được đầm tôm của mình ở đâu.

Mấy ngày trước khi cơn bão đổ bộ vào vẫn còn rất nhiều những căn nhà đầm tuy nhỏ nhưng được xây dựng khá kiên cố để chống chọi với gió biển, vậy mà cái “thành phố” bên biển ấy hôm nay chỉ còn là một mặt nước trắng xóa.

Bao bờ kè, những ô đầm, mà mỗi đầm gần chục héc ta được đầu tư vài trăm triệu đồng nay chỉ còn trong ký ức của những ông chủ nuôi trồng thủy sản. Phải khó khăn lắm tôi và Chủ tịch xã Nam Phú-ông Vũ Xuân Thủy mới vượt qua được những bờ đầm đã bị sóng biển đánh xói lở, chỉ chực đổ ụp xuống đầm tôm. Mùi tanh nồng của những con tôm, cá chết sộc thẳng vào mũi, gió biển rít lên từng hồi mà vẫn không thể xua được cái mùi khó chịu đó.

Ông Thủy cho biết: Toàn bộ 880 ha đầm vùng của xã bị ngập trắng, sạt lở 100% bờ đầm, vỡ 70% đầm từ 10 m đến 50m, bị trôi mất 11 cống, nhà đầm đổ 70%. Tổng thiệt hại do bão số 7 gây cho Nam Phú là 30 tỷ đồng, một con số thiệt hại quá lớn so với cái xã miền biển nhỏ bé này.

Tại một khu đầm tôm, hai người đàn ông đang đánh vật với một lỗ hổng do bão số 7 đánh sạt lở ở đoạn đê bao đầm sót lại. Đê bao ngoài biển vỡ, nước thủy triều lên, họ gắng đắp tạm ít đất và thả lưới giăng ngăn những con tôm còn sót lại trong đầm.

Anh Trần Tấn Đạt, một chủ đầm tôm, gương mặt hốc hác vì đã nhiều đêm mất ngủ nói như mếu: “Thế là trắng tay. Khu đầm tôm rộng 6,6 ha tôi và một anh bạn đầu tư 600 triệu đồng đã bị bão số 7 đánh tan chỉ còn lại căn nhà tạm đổ nát (cũng vừa xây 30 triệu đồng). Trong đó gần 300 triệu vay chủ yếu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Giờ biết lấy gì để trả ngân hàng...”. Toàn bộ bờ bao quanh khu đầm tôm của anh Đạt đã bị sóng đánh xói lở gần hết, nhiều đoạn bị phá đang hàn khẩu lại nhưng anh Đạt còn chưa biết phải làm lại thế nào.

Khu đầm tôm này, anh Đạt mới đầu tư được hơn 3 năm, dự định năm nay cho thu hoạch gần 200 triệu, mới thu được một ít đã mất sạch. Mấy năm vừa rồi làm lãi được chút nào anh đổ vào đầm tôm hết. Bây giờ trắng tay.

Cùng chung tình cảnh với anh Đạt là anh Nguyễn Đức Ngân, thôn Hà Phố, xã Nam Phú. Diện tích đầm của anh Ngân rộng 6ha, đầu tư gần 300 triệu. Bão số 7 đã phá tan và cuốn cả một căn nhà đầm của anh đi, tôm mới thu hoạch được chút ít, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Từ một ông chủ đầm tôm oai vệ, nay anh Ngân thẫn thờ như người mất hồn. Ngồi bệt trên một ụ đất còn sót lại sau cơn bão ở khu đầm tôm, giọng anh xót xa: “Điều lo lắng nhất của tôi là số tiền gần 100 triệu vay ngân hàng và hơn 100 triệu vay của bạn bè gia đình không biết lúc nào mới trả được”.

Trên đường về, tôi gặp người đàn ông đang đi như người mất hồn trên tuyến đê dự án đường Cồn Vành, anh là chủ đầm tôm lớn ở Nam Phú tên là Phan Văn Thuấn.

Khu vực đầm tôm của anh Thuấn rộng 15 ha đầu tư hơn 800 triệu đồng. Năm nay anh Thuấn mới thu hoạch được gần 100 triệu, chỉ đủ tiền giống số còn lại đã bị bão số 7 cuốn trôi. Anh Thuấn tâm sự : “Canh bạc tôi đánh với ông trời lần này thua thật rồi. Không biết có đủ sức và nghị lực để làm tiếp không”.

Ở Nam Phú còn nhiều ông chủ đầm tôm như: ông Phan Văn Cường, ông Phan Văn Tuệ, ông Phan Huy Thông... đã trắng tay bởi sức mạnh tàn phá của cơn bão số 7. Điều quan trọng nhất của họ bây giờ là được ngành ngân hàng cho vay vốn tiếp để đầu tư khôi phục, nuôi trồng thủy sản. Vì nếu họ bỏ nghề nuôi thủy sản quay về với nghề làm ruộng, thì khó có tiền để trả ngân hàng.

Chiều ngày 2/10, trao đổi với PV Tiền Phong bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết: “Chúng tôi vẫn cho những hộ có nhu cầu vay tiếp để nuôi trồng thủy sản, nhưng với điều kiện là phải đảm bảo đủ điều kiện mà ngân hàng quy định. Bởi ngân hàng đi vay để cho vay phải bảo toàn đồng vốn”.

N.N

 


Mỹ sẽ hủy hơn 100 tấn cá basa Việt Nam

Nguồn tin: VNN, 6/10/2005
Ngày cập nhật: 6/10/2005

Hơn 200.000 pound cá tra, basa Việt Nam, tương đương khoảng 100 tấn, tại bang Alabama của Mỹ có thể bị hủy do phát hiện thấy dư lượng Fluoroquinolones và ghi nhãn hàng sai.

Mặt hàng cá tra, basa Việt Nam vẫn chưa hết rắc rỗi tại Mỹ.

Theo thông báo, các kho hàng tại Mỹ phải tự tiêu hủy hoặc Cục Nông nghiệp bang Alabama sẽ làm việc này. Theo ước tính, tổng số thiệt hại của các doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 300 ngàn USD.

Cao ủy Nông nghiệp bang Alabama của Mỹ, ông Ron Sparks, hôm 4/10 thông báo, sẽ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu cá tra, basa Việt Nam sau khi có kết quả kiểm tra dư lượng kháng sinh Fluoroquinolones. Lệnh cấm này được đưa ra từ 12/8 năm nay tại 3 bang nước Mỹ, cùng với đó là việc tạm giữ hơn 340 tấn hàng để tiến hành xét nghiệm.

Theo kết quả kiểm tra của bang Alabama, trong 21 mẫu cá tra, basa filê đông lạnh của Việt Nam, có tới 19 mẫu có chứa kháng sinh Fluoroquinolones. Bên cạnh đó, có thêm 3 mẫu chứa kháng sinh Green Malachite. Một kết quả xét nghiệm khác tiến hành trên 13 mẫu cá đang bày bán trên thị trường cũng cho thấy, có tới 3 mẫu nhiễm dư lượng kháng sinh Fluoroquinolones. Ngoài ra, nhãn một số thùng cá có nội dung "cá tự nhiên", song, trên thực tế khi kiểm tra, bên trong là cá da trơn được nuôi tại Việt Nam.

Do vậy, Cao ủy Nông nghiệp bang Alabama Ron Sparks nói rằng, lệnh cấm bán cá tra, basa Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra những mẫu cá tra, basa tiếp theo được bán tại Alabama. Nếu kết quả cho thấy các sản phẩm vẫn chứa dư lượng kháng sinh bị cấm và ghi nhãn sai, chúng tôi sẽ đẩy lệnh cấm tạm thời hiện nay lên mức độ cấm vĩnh viễn sản phẩm này của Việt Nam", ông Spark nói.

Song, cũng theo ông này, các DN Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn có thể bán các lô hàng các tra, basa nếu chứng minh được sản phẩm này là "sạch" và đảm bảo các tiêu chuẩn về dán nhãn.

Trao đổi với VietNamNet, một quan chức của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, rõ ràng là ẩn sau sự việc này có một "âm mưu chính trị" - mà các bang Mississippi, Alabama và Lousiana đã thực hiện từ trước đó. Sự việc cũng cho thấy, các cơ quan chức năng Mỹ đã bỏ qua những nỗ lực của phía Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu của 3 bang này. Tất nhiên, đây cũng là lời cảnh báo đối với các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cá tra, basa xuất khẩu "sạch" dư lượng kháng sinh và đảm bảo ghi nhãn đúng theo quy định.

H.Yên


Xây dựng thương hiệu quốc gia cho 3 nhóm thuỷ sản

Nguồn tin: Vneconomy, 06/10/2005
Ngày cập nhật: 6/10/2005

Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ cho ngành thủy sản thí điểm xây dựng Quỹ phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản.

Trong năm 2006, Bộ Thuỷ sản sẽ tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, basa và cá ngừ, trong đó hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và quảng bá các thương hiệu như tôm sinh thái Cà Mau và Bến Tre, nghêu Bến Tre, cá tra sinh thái và cá basa An Giang.

Nhằm chủ động đối phó trước những biến động trên thị trường xuất khẩu, Bộ Thủy sản cho biết chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm năm 2006 của Bộ sẽ chú trọng các hoạt động quảng bá cho hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường lớn và tổ chức cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các hội chợ quốc tế kết hợp với khảo sát thị trường.

Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ cho ngành thủy sản thí điểm xây dựng Quỹ phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản, với nguồn thu chủ yếu dựa trên đóng góp từ các hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản, tạo tiền đề cần thiết về tài chính cho các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng và bảo vệ thị trường.

 


Giá cá tra, ba sa tăng 200 - 400 đồng/kg

Nguồn tin: BCT, 6/10/2005
Ngày cập nhật: 6/10/2005

Những ngày qua, giá cá tra, ba sa tại ĐBSCL đã tăng trở lại. Hiện nay, giá mua vào của các doanh nghiệp trên địa bàn An Giang với cá tra nuôi hầm thịt trắng từ 9.900-10.200 đồng/kg, cá hầm thịt vàng từ 7.500 - 8.000 đồng/kg và cá bè từ 9.800 - 10.200 đồng/kg. So với tuần trước, giá cá tại An Giang đã nhích lên 200-400 đồng/kg, tùy theo chất lượng và doanh nghiệp thu mua.

Theo Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), mức giá này sẽ góp phần tiêu thụ mạnh cá đang tồn của bà con ngư dân. Dự kiến, trong tuần này các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ hơn 3.800 tấn cá, nâng tổng số lượng cá tiêu thụ từ đầu năm lên hơn 120.000 tấn.

BÌNH NGUYÊN


"Rộ" phong trào nuôi ếch

Nguồn tin: NLĐ, 6/10/2006
Ngày cập nhật: 6/10/2005

TPHCM hiện đang nở rộ phong trào nuôi ếch ở địa bàn các quận, huyện vùng ven. Đây là loại vật nuôi được người dân chọn thay thế gia cầm trong thời điểm dịch cúm. Mới phát triển trong năm 2005, nhưng đến nay đã có 284 hộ tham gia nuôi ếch với diện tích nuôi là 5.535 m2.

Dù đã có 11 trại giống chuyên cung cấp ếch con, nhưng vẫn không đủ. Từ đầu năm đến nay, khoảng 2 triệu ếch con và ếch bố mẹ được các doanh nghiệp nhập về từ Thái Lan để đáp ứng nhu cầu người dân. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, mức lãi từ nuôi ếch thu được là 30%/vốn đầu tư, trong khi vốn đầu tư ít, khoảng 100.000 đồng/m2, thời gian nuôi ngắn (3 tháng thu hoạch), thị trường đầu ra ổn định, ngoài tiêu thụ nội địa, ếch còn được xuất khẩu.

L.Cường

 


Nghề “ba không”

Nguồn tin: SGGP, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 5/10/2005

Một lần, tại một nhà hàng ở Q5, chúng tôi gọi đĩa hàu sống ăn với mù tạt giá khá đắt so với những món nhậu khác. Anh bạn quê Phú Yên tỏ vẻ hiểu biết: “Đây là loại nhuyễn thể hai mảnh sống bám vào các hòn đá dưới đáy sông được dân vùng cửa biển khai thác một cách tự nhiên vào lúc triều xuống. Ở VN dường như chưa ai nuôi được loài hải sản vốn là món ăn khoái khẩu này”.

“Sự tích” làng nghề

“Cách đây 5 năm thì đúng thế thật”, Khoa, một “dân sông nước” ở xã Phước Hòa, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu, vừa vuốt những hạt mưa trên mặt vừa nói to với tôi khi chiếc ghe nhỏ xíu gắn máy đuôi tôm đưa chúng tôi rời cảng đá Phước Hòa tiến ra sông Mỏ Nhát trong cơn mưa dông nặng hạt cuối tháng bảy. “Sự tích” nghề nuôi hàu này được viết nên bởi một lão ngư ở huyện Cần Giờ, TPHCM.

Cách đây 5 năm, khi thấy khá nhiều hàu bám vào những tấm tôn xi măng hoặc cọc cây… ở cửa chắn ao nhà mình, người nông dân này bèn nảy ra ý định thử cắm các cọc cây, tấm tôn vỡ và nhiều thứ linh tinh khác ở chỗ nước cạn ven sông trước nhà xem sao. Kết quả thật bất ngờ: sau một năm “thả đại”, ông thu được một lượng hàu khá lớn. Thế là từ đó, dân vùng cửa bể chấm dứt chuyện lặn sông mò hàu và bắt đầu nuôi những vụ hàu đầu tiên.

“Đây đã là vụ nuôi hàu thứ tư ở Bà Rịa – Vũng Tàu này”, anh Luân, một ngư dân đang khai thác đùng (như một cái hồ ven sông, có đước mọc, ăn thông với dòng sông bằng những chiếc cống lớn có cửa để nước sông chảy vào và xả nước ra khi thu hoạch tôm, cá) rộng chừng vài hecta ven sông Mỏ Nhát, thuộc xã Hội Bài, nói khi chúng tôi ghé thăm cái chòi ven sông của anh. Vừa khai thác tôm cá tự nhiên trong đùng, vừa đầu tư một lồng nuôi hàu rộng gần 100m2 với một dãy cọc bám gần 300 cây lại vừa tranh thủ thả lưới bắt cua, ghẹ nhưng anh Luân cười bảo: “Cũng chẳng bận bịu lắm đâu vì mình chỉ thả xuống đó rồi ngồi chờ đến ngày thu hoạch”.

Có thể gọi nghề nuôi hàu là nghề ba không. Cái không thứ nhất là không cần con giống. Khi hàu bố mẹ đẻ tự nhiên trên sông thì ấu trùng bơi lơ lửng theo dòng nước và bám vào bất cứ thứ gì bám được (sau chừng hai tuần mà không tìm được thứ gì bám víu thì hàu con sẽ chết). Miếng tôn xi măng, tấm đúc xi măng, cục gạch ống, miếng lốp xe gắn máy, thậm chí cả vỏ những con hàu chết… được người nuôi treo lơ lửng giữa các cọc cây bằng dây ni-lông, là bãi đáp và chỗ bấu víu lý tưởng cho những chú hàu con vừa bỡ ngỡ chào đời.

Những cây cọc chính được phủ một lớp xi măng dựng cách nhau 0,5m cũng tham gia vào trò chơi “trời cho” này. Đến ngày thu hoạch, những cọc gỗ cứ như đang ra hoa, kết trái quanh thân. Một cách nuôi “tân tiến” hơn là làm bè nhưng thật ra bè cũng chỉ giữ vai trò như những chiếc cọc.

Thứ quan trọng nhất vẫn là những miếng tôn xi măng hình chữ nhật diện tích 20 x 30cm treo lơ lửng bằng những sợi dây cước. Sau này, dân vùng Long Sơn, nơi có diện tích nuôi hàu lớn nhất vùng, còn nghĩ ra cách làm lồng sắt nhiều tầng với ưu điểm tăng tuổi thọ của lồng nuôi, tăng số lượng miếng bám trên một diện tích mặt nước.

Cái không thứ hai là không cần thức ăn, thuốc men và sự chăm sóc. Quả thật đây là cái “không” quá hấp dẫn cho những ai đã từng đánh vật với con tôm, con cá. Việc duy nhất mà những người nuôi hàu cần làm trong thời gian hàu sinh trưởng là… canh bọn trộm hàu vào thời điểm hàu chừng 7 – 8 tháng tuổi cho đến khi khai thác (10 – 12 tháng tuổi). Tuy nhiên, vùng này hiện nay xem ra chưa xuất hiện “hàu tặc”.

Theo anh Tư, một người vừa nuôi hàu vừa thả lưới bắt cá trên sông Mỏ Nhát, chỉ những ai nuôi hàu ở vị trí mà đất bùn bồi lên nhanh quá, nhanh đến nỗi từ khi cắm cọc treo tấm bám cách đáy sông hơn 1m đến khi gần thu hoạch bùn đã bồi lên gần đến tấm bám thì mới phải tốn tiền thuê máy thổi bùn để cứu hàu và cứu cả dàn tấm bám treo có nguy cơ bị bùn vùi.

Còn cái không thứ ba? Anh Luân nói: “Dàn bè của tôi có diện tích chừng 100m2, đầu tư phao nổi và cây liên kết thành dàn hết 5 triệu. Đầu tư cho dây cước và 10.000 tấm bám (trung bình 1m2 treo 100 – 150 tấm bám) khoảng gần 10 triệu nữa (tôn xi măng phế phẩm được dân nuôi tìm mua ở các nhà máy sản xuất tôn xi măng với giá 7.000 một tấm, bằng 1/4 giá tấm tôn mới).

Dàn bè ba cái của ông Tư Nhánh gần đó cũng có số vốn đầu tư tương tự. Nếu chơi kiểu “bình dân” hơn thì làm dàn cây với tiền đầu tư chỉ khoảng bằng 2/3 so với làm bè. Giàu có như dân nuôi Long Sơn, làm dàn lồng sắt thì giá thành vượt gấp đôi so với dàn bè phao”. Như vậy, cái không thứ ba của nghề nuôi hàu là: không cần nhiều vốn, khác hẳn với nghề nuôi tôm sú, vốn đầu tư không bao giờ dưới 7 con số.

Và ước mơ “một có”

Khiếm khuyết của nghề nuôi mới mẻ này là gì? Anh Luân cho biết thêm: “Giá như có thể chủ động con giống để cắm cọc, thả bè nuôi trong hồ, trong đùng thì hay biết mấy. Diện tích bãi cạn ven sông không nhiều mà nuôi lấn ra giữa dòng thì cản trở luồng tàu bè đi lại trong khi hiện nay số đìa nuôi tôm bỏ trống vì thua lỗ rất nhiều”.

Trên ghe đi từ ngã ba Xa Cộ đến ngã ba Búa Sâu trên sông Mỏ Nhát tôi thấy những cây cọc cao cắm để… xí chỗ nuôi hàu và rải rác hai bên sông là những đùng rộng lớn đang khai thác tôm, cá tự nhiên một cách thụ động. Khoa, hướng dẫn viên tận tình của tôi, nhận xét: “Tôi làm nghề đánh cá đã nhiều năm và đang cố gắng dành dụm tiền nuôi hàu nhưng tôi thấy nếu phụ thuộc vào giống hàu đẻ tự nhiên thì sẽ bất lợi vì cả vùng khai thác gần như cùng thời điểm (vào khoảng đầu năm Dương lịch) sẽ xảy ra hiện tượng khi thì rất hút hàng nhưng có lúc lại bị dội chợ. Như bây giờ giá hàu thô khoảng 9.000đ – 10.000đ/kg nhưng đến mùa thì hạ giá xuống chừng 6.000đ – 7.000đ/kg, nếu chủ động được con giống thì lúc nào cũng có thể có hàu bán”.

Hôm sau, từ những nguồn tin của dân nuôi hàu vùng Long Sơn, tôi tìm đến Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản và Thương mại Viễn Thành đóng ở địa bàn xã Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu. Giám đốc công ty, Phạm Cao Vinh, trên 30 tuổi là dân Sài Gòn chính hiệu, đã “bỏ phố về đồng” nuôi hàu.

Anh kể, vào năm 2001, trong một lần về vùng này anh tình cờ thấy cảnh người ta nuôi hàu, một loại hải sản khá đắt tiền nên anh quyết định hùn vốn nuôi. Vụ đầu tiên chẳng mấy sáng sủa, lượng hàu chết đến 50%. Vụ tiếp theo vào năm 2003, số hàu chết càng nhiều hơn: 60%.

Ý định chủ động nguồn hàu giống và thời điểm thả nuôi hình thành trong anh từ đó. Phải mất ba năm mày mò với sự cộng tác của những kỹ sư, chuyên gia ngành thủy sản, việc cho hàu đẻ theo công nghệ Canada đã thành công ngoài mong đợi. Anh Vinh nói: “Ngoài việc hàu nuôi chẳng cần bám vào bất cứ thứ gì (chỉ cần thả con giống lên tấm lưới giăng quanh bốn cây cọc) còn có ba cái khác cơ bản là: Thứ nhất, chủ động con giống sẽ chủ động luôn cả thời vụ – muốn thả và thu hoạch vào thời điểm nào là do mình quyết định.

Thứ hai, nuôi hàu theo phương pháp này sẽ chủ động luôn diện tích nuôi, có thể tận dụng các ao nuôi tôm bỏ không, các con lạch nhỏ… nói chung là bất cứ chỗ nào miễn độ mặn của nước phù hợp. Thứ ba, nhờ nghiên cứu lai tạo giống nuôi mà hiện nay hàu nuôi của công ty anh đã có thể giảm chu kỳ khai thác từ 10 – 12 tháng xuống còn 6 – 7 tháng và giống hàu mới này còn có sức kháng bệnh cao hơn hàu tự nhiên rất nhiều (vụ 2004, hàu nuôi tự nhiên chết với tỷ lệ 80% thì hàu nuôi theo công nghệ Canada gần như không thiệt hại).

Ai sẽ giúp dân nuôi hàu?

Buổi chiều quay về, tôi gặp những người con của ông Huy chở về những chiếc cọc bám đầy hàu. Anh con trai ông Huy khi nghe tôi hỏi lý do hàu chết nhiều thì đáp: “Tại sông ô nhiễm do nhà máy, khu công nghiệp trên đầu sông thải toàn chất độc hại”.

Còn anh Luân lại có cách giải thích khác: “Vụ hàu chết hàng loạt ở vùng Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2004 chắc có liên quan đến… sóng thần bên Indonesia vì chỉ sau động đất, sóng thần chừng 10 ngày, nước bỗng trở lạnh kinh khủng và hàu chết hàng loạt”. Dù năm sau hàu chết nhiều hơn năm trước nhưng do nhìn thấy sức hấp dẫn của nghề mới mẻ này nên người dân ở đây vẫn cứ… mò mẫm nuôi chứ chẳng có một cuộc khảo sát, một lời giải thích nào của các cơ quan chức năng để trấn an và định hướng cho người dân nuôi hàu.

Hiện nay, sản lượng hàu của vùng Bà Rịa – Vũng Tàu ước chừng 300 – 400 tấn/năm, vùng Cần Giờ (TPHCM) chừng 100 tấn, còn những nơi như Bình Định, Phú Yên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tuy có nhưng không đáng kể.

Thế nên, việc quy hoạch vùng nuôi, chủ động tạo giống để tăng khả năng kháng bệnh và tận dụng diện tích ao hồ trống cho việc nuôi hàu là một việc làm rất cần thiết hiện nay của Bà Rịa – Vũng Tàu và cả ở những địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp khác.

THĂNG NGUYỄN

 


Bình Thuận: khai thác ốc hương bằng lồng bẫy hiệu quả cao

Nguồn tin: Vasep, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Ốc hương là loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao ở vùng biển Bình Thuận. Trong những năm trước đây, nguồn lợi ốc hương của Bình Thuận rất lớn. Với một chiếc thuyền máy công suất nhỏ, người ngư dân ven biển nơi đây có thể đánh bắt được vài trăm kg ốc hương trong một ngày. Đến nay, sản lượng đánh bắt ốc hương có phần giảm sút nhiều, một phần do nguồn lợi ốc hương bị suy giảm, phần khác do kỹ thuật đánh bắt cũ không còn hiệu quả nên chuyển sang nghề khác.

Trước đây, ngư dân Bình Thuận khai thác ốc hương chủ yếu bằng rập. Các rập được nối với nhau trên một đường dây chính tạo thành một vàng rập. Phương pháp này đánh bắt ít hiệu quả, chi phí cao, thu nhập thấp, tốn sức lao động. Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng kỹ thuật khai thác thủy sản của các nước trong khu vực, nghề đánh bắt ốc hương ở Bình Thuận có những cải tiến đáng kể. Kỹ thuật đánh bắt ốc hương bằng rập dần dần được thay thế bằng lồng bẫy. Kỹ thuật đánh bắt ốc hương bằng lồng bẫy có rất nhiều ưu điểm và hiệu quả hơn hẳn so với kỹ thuật đánh bắt bằng rập trước đây.

Anh Đặng Xuân Thành, chủ thuyền khai thác ốc hương ở phường Đức Long cho biết: tàu của anh có công suất 82CV, nghề chính là vây rút chì, sau khi học tập kinh nghiệm khai thác ốc hương bằng lồng bẫy, anh thấy nghề này dễ làm và có hiệu quả nên đã tiến hành đầu tư. Với khoảng 800 lồng, một chuyến biển 3 ngày anh có thể đánh được 60 kg ốc hương mỗi lồng, thu hàng chục triệu đồng

Khuyến ngư Việt Nam, tháng 9/2005

 


Bắc Ninh: thả nuôi 60.000 con cá rô phi giống

Nguồn tin: Vasep, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh đã tiếp nhận và triển khai mô hình 3 ha nuôi cá rô phi với số lượng 60.000 con giống tại các huyện Từ Sơn, Yên Phong, Thuận Thành, Lương Tài, thị xã Bắc Ninh, một mô hình nuôi cá lóc bông với diện tích 1.000m2 tại xã Châu Phong, huyện Quế Võ. Đến nay, các mô hình đều phát triển thuận lợi, cá sinh trưởng và phát triển tốt. (Khuyến ngư Việt Nam, tháng 9/2005)

 


Nghệ An: Quy hoạch 3 vùng nuôi cá bằng lồng trên biển

Nguồn tin: Vasep, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

UBND tỉnh Nghệ An vừa quy hoạch thêm 3 vùng nuôi cá bằng lồng trên biển gồm: vùng ven đảo Hòn Ngư, vùng phụ cận đảo Mắt (thị xã Cửa Lò) và vùng biển xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu). Đồng thời cũng khuyến khích các cá nhân tổ chức đầu tư bỏ vốn mua lồng, ngành thuỷ sản tư vấn miễn phí về kỹ thuật nuôi và hỗ trợ một phần con giống, bao tiêu sản phẩm. Được biết, ngành thuỷ sản Nghệ An hiện đã thử nghiệm và tuyển chọn, nhân giống một số giống cá đặc sản thành công như cá giò và một số loại cá khác giúp dân nuôi thành công. Đây là những vùng tự nhiên biển ít sóng, nước biển trong lành, gần các cảng biển thuận lợi cho việc nuôi các loại cá lồng xuất khẩu.

Đắc Lam


Tp.HCM: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng

Nguồn tin: TM, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp.HCM, 9 tháng năm 2005 diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 7.854 ha, tăng 820 ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm là 3.531 ha (chiếm 45%) tăng 1.028 ha, diện tích nuôi nghêu giảm nhiều do giống khan hiếm và dịch bệnh quá nhiều. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 9 tháng qua ước đạt 37,6 ngàn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng tôm tăng 37,7%. Sản lượng khai thác đạt 16,5 ngàn tấn, giảm 1,2 ngàn tấn so với cùng kỳ. Dự báo giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm 2005 chỉ đạt 2.549 tỷ đồng theo giá so sánh, tăng 1,8% so với năm 2004.

 


Sản xuất cá giống Anh Vũ đang có tiến triển tốt

Nguồn tin: NNVN, 30/9/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc đã nuôi thành công hơn 300 con cá Anh Vũ và chuẩn bị cho chúng sinh sản nhân tạo. Sau một năm nuôi, mỗi con đã nặng khoảng 4-6 lạng. Nếu việc thử nghiệm cho sinh sản thành công giống cá này thì mở ra một tương lai rất tốt cho người nuôi cá vì đây là một giống cá siêu lợi nhuận.

 


Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau): Phấn đấu năm 2010 sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 21.400 tấn

Nguồn tin: Nhân dân, 2/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trong 5 năm tới (2006 - 2010) sẽ chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ độc canh nuôi tôm sang đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển bền vững kinh tế hộ gia đình. Huyện phấn đấu đến năm 2010, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 21.400 tấn, tăng bình quân 14,37%/năm.

 


Huyện Cần Giờ: Nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái là mũi nhọn phát triển

Nguồn tin: Tuổi trẻ, 1/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cần Giờ (Tp.HCM) lần 9 (nhiệm kỳ 2005 - 2010) diễn ra hôm 30/9 xác định: hai lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong 5 năm tới cần tập trung phát triển, làm mũi đột phá là nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái, tận dụng điều kiện thổ nhưỡng rừng và biển.

Ủng hộ định hướng phát triển kinh tế như trên, trưởng Ban tổ chức Thành uỷ Trần Văn Đông lưu ý thêm: nghề nuôi tôm phải được đầu tư toàn diện, các chính sách phải lấy người dân làm đối tượng tác động; đảng bộ và chính quyền phải có trách nhiệm với người nuôi tôm, giúp họ về kỹ thuật canh tác và thị trường không để phó thác cho may rủi... Về phát triển và thu hút du lịch, ông khơi gợi: phải đầu tư xây dựng hạ tầng cho tốt; phải xây dựng văn hoá du lịch, làm cho mỗi người dân trở thành một đối tượng du lịch, một hướng dẫn viên...

 


ĐBSCL: Xuất khẩu cá tra, ba sa tăng trở lại

Nguồn tin: SGGP, 4/10/2005
Ngày cập nhật: 4/10/2005

Chiều 3-10, theo thông tin từ Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết: Sau thời gian xuất khẩu khó khăn kéo dài, những ngày gần đây tình hình tiêu thụ các sản phẩm cá tra, cá ba sa sôi động trở lại. Đặc biệt các nhà nhập khẩu từ châu Âu đang xúc tiến nhập hàng khá mạnh chuẩn bị nhu cầu tiêu thụ cuối năm. Từ đó, kích thích các doanh nghiệp đẩy mạnh công suất chế biến xuất khẩu. Theo ước tính các nhà mày ở ĐBSCL đang thu mua 1.200-1.400 tấn cá/ ngày; tăng khoảng 200-400 tấn so với tháng trước. Giá cá tra cũng nâng lên 9.500 - 10.000 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg ... Đây là tín hiệu vui cho nông dân nuôi cá sau thời gian rớt giá kéo dài. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, tình hình tiêu thụ cá tra, ba sa sẽ khả quan hơn.

H.P.L

 


Nuôi tôm sao cho “chắc ăn”

Nguồn tin: VNECONOMY, 3/10/2005
Ngày cập nhật: 3/10/2005

Con tôm không phải là loại dễ nuôi.

Vừa qua, Bộ Thuỷ sản đã chỉ đạo cho các địa phương trên cả nước, kiên quyết không cho người dân thả tôm vào vụ 3 trong năm nay để tập trung cho mùa tôm 2006 sắp tới. Quyết định này xuất phát từ tình hình nuôi tôm từ các tỉnh Nam Trung Bộ đến khu vực ĐBSCL đều gặp nhiều bất trắc.

Cách đây 5 năm, các tỉnh ven biển ở ĐBSCL rộ lên phong trào nuôi tôm sú. Khi ấy con tôm đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người nơi đây. Nhờ vào điều kiện môi trường tư nhiên còn sạch nên một vụ tôm chủ vuông tôm có thể kiếm lời cả trăm triệu.

Không nên chỉ thấy nguồn lợi trước mắt

Thấy nguồn lợi nhuận lớn nhiều người đã lao vào nuôi. Người có tiền thì mua đất người không có thì lấy đất ruộng vét thành ao nuôi tôm. Hình thành nên những vùng tôm mênh mông nước trắng xoá không một bóng cây xanh.

Khai thác tận lực nguồn tài nguyên đất, nước không ai nghĩ phải cải tạo tự nhiên nên dần dần môi trường những đồng tôm ngày càng bị lão hoá, ô nhiễm. Người nuôi tôm phải gánh chịu hậu quả. Tôm giảm năng suất dần, xuất hiện dịch bệnh trên diện rộng khiến cho người nuôi tôm bị thua lỗ liên tục.

Theo ý kiến của các kỹ sư Khoa Thuỷ sản (Đại học Cần Thơ), mỗi năm người dân chỉ nên thả nuôi 1 vụ và thả với mật độ thấp. Nhất thiết phải có ao lắng trữ nước. Tuyển chọn con giống kĩ càng, thực hiện đầy đủ các khâu vệ sinh ao nuôi. Sau mỗi vụ thu hoạch, vuông nuôi tôm cần được phơi nắng và nạo vét bùn nhằm loại bỏ lượng thức ăn thừa còn tồn đọng.

Lâu nay, do sợ tốn kém, phần lớn người nuôi tôm không quan tâm nhiều đến các vấn đề môi trường. Nhiều hộ không trang bị ao lắng, lọc nước, lấy và xả nước trực tiếp ra kênh rạch. Khi đó, nguồn nước ngoài tự nhiên bị nhiễm bẩn từ nguồn tạp chất trong nước ao nuôi tôm thải ra, chỉ cần một vuông tôm bị bệnh là có thể lây sang ao nuôi của các hộ khác.

Với tình hình bệnh dịch diễn ra như hiện nay, vừa qua, Bộ Thuỷ sản đã yêu cầu không nuôi thả tôm ở vụ 3 để có thời gian cân bằng lại môi trường nước và cải tạo vệ sinh hệ thống ao, vuông.

Ông Lâm Trọng Nghĩa đã đầu tư nuôi gần 1 ha tôm theo mô hình công nghiệp hơn 3 năm qua ở huyện Giá Rai, Bạc Liêu cho biết: một năm người nuôi tôm thả đến 3 vụ tôm liên tiếp. Nhưng ở thời điểm nguồn nước ngọt dồi dào là thời điểm thuận tiện nhất con tôm sinh trưởng. Đây cũng là vụ nuôi chính trong năm. Còn tôm thả ở vụ 3 được tính từ lúc thả tôm giống vào khoảng thời gian từ tháng 12,1 và thu hoạch trong tháng 4, 5 hàng năm.

Trong vụ này, người nuôi tôm lo lắng nhất là nguồn nước. Thời gian này, thời tiết nắng nóng gay gắt, nguồn nước ngọt ngoài tự nhiên khô cạn và lượng nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm cho độ mặn trong nước ao tăng cao. Không có đủ nguồn nước ngọt để giảm độ mặn.

Thêm vào đó, thời tiết không ổn định, ngày nắng nóng nhưng đêm về lại lạnh, nhiệt độ thay đổi bất thường sẽ rất ảnh hưởng đến con tôm. Vì vậy thả tôm vào vụ 3 dễ bị rủi ro, năng suất tôm thấp nhưng do được giá hơn nên người nuôi tôm vẫn đầu tư vào. Nếu may mắn, chỉ cần lứa tôm thả vào vụ 3 trúng sẽ lời gấp đôi 2 vụ kia.

Vả lại đất khi đã chuyển từ môi trường trồng lúa sang nuôi tôm cũng đồng nghĩa là đã làm mặn hoá môi trường đất. Khó có thể quay lại trồng lúa như trước đây, có trồng thì năng suất lúa rất thấp. Vì vậy, người dân chỉ có con tôm là nguồn thu nhập chính. Không nuôi tôm còn biết làm gì?

Cần quy hoạch lại từng vùng nuôi

Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã ra thông báo từ ngày 20/9 tạm ngưng việc thả nuôi tôm sú dưới mọi hình thức. Tạm ngưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn. Với diện tích nuôi tôm tăng vọt của các tỉnh như hiện nay, môi trường đã ngày càng bị suy thoái nặng.

Theo thống kê, ĐBSCL hiện có 1,4 triệu ha đất chịu ảnh hưởng của độ mặn, trong đó có 600 ngàn ha nuôi trồng thuỷ sản trong đó có 450 ngàn ha nuôi tôm sú, tập trung nhiều nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Nếu năm 2000 diện tích nuôi tôm ở Cà Mau là 153.373 ha thì đến nay đã lên gần 250 ngàn ha.

Tương tự, các tỉnh như Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng cũng có diện tích nuôi tôm tăng lên không nhỏ. Đó là kết quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương trong thời gian qua. Các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu đã chuyển đổi những vùng trồng lúa có năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, Bạc Liêu đã chuyển đổi 70 nghìn ha từ đất nông, diêm, lâm nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản, nâng tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh lên gần 116 ngàn ha. Sau khi chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đời sống của ngừơi dân ở các địa phương đã được nâng lên, đưa mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt ở mức từ 18-20%/năm nhưng ngày càng xuất hiện thêm nhiều nguy cơ như: nợ nần do thua lỗ, bỏ trống đất và ô nhiễm môi trường.

Vụ mùa năm 2005, tỉnh Bạc Liêu chỉ có 8.600 ha tôm nuôi theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp, diện tích vuông tôm còn lại bị bỏ trống. Các chuyên gia cho rằng chính việc chuyển đổi ồ ạt thiếu sự chuẩn bị trước ở các tỉnh ĐBSCL là nguyên nhân những khó khăn của thời gian qua.

Toàn bộ hệ thống kênh mương sử dụng trong việc nuôi tôm đều là thừa hưởng của quá trình ngọt hoá phục vụ cho cây lúa trước đó. Hệ thống kênh mương này không thích hợp cho việc nuôi tôm, không thể lấy nước và xả nước từ một con mương mà theo nguyên tắc cần có hệ thống cung cấp nước, xả nước riêng biệt.

Người dân không am hiểu kỹ thuật, không có kiến thức, ít vốn nhưng vì thấy lợi nhuận cao trước mắt do con tôm mang lại đã lao vào nuôi tôm đại trà. Trong khi đó, con tôm không phải là loại dễ nuôi. Nó cần cung cấp đầy đủ ôxi, nhiệt độ, độ mặn thích hợp, nguồn nước sạch, thời tiết ổn định. Ngoài các bệnh dịch ra, nếu ở thời điểm có mưa nhiều quá, mực nước trong ao vuông tôm bị phân tầng (trên nước ngọt, dưới nước mặn) lượng ôxi không hoà đều xuống đáy ao, tôm cũng dễ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc sản xuất con giống tại các địa phương vẫn chưa chủ động được. Chỉ tính riêng tại Cà Mau, 7 tháng đầu năm 2005 với qui mô hơn 900 trại sản xuất tôm sú giống vẫn chỉ mới cung cấp cho thị trường khoảng 2,5 tỉ con giống còn lại phải nhập từ miền Trung về 2,7 tỉ con. Tình trạng thiếu tôm giống và nguồn giống trôi nổi ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển nuôi tôm đại trà.

Ái Vân


Thị trường cá tra, basa sôi động trở lại

Nguồn tin: VNECONOMY, 30/09/2005
Ngày cập nhật: 3/10/2005

Theo Bộ Thủy sản, sau những khó khăn ở thị trường nước ngoài, cá tra, basa đang tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa, được người tiêu dùng ưa chuộng khiến cho thị trường cá ở vùng nuôi đồng bằng sông Cửu Long sôi động trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hiện nay, mỗi ngày các thương lái ở Đồng bằng sông Cửu Long thu mua khoảng 1.200 tấn cá tra, cá basa, cao hơn những ngày trước đó 100 đến 200 tấn, với giá cũng tăng cao hơn 200 đến 300 đồng/kg so với hồi đầu tháng 9.

Ông Khánh cho biết thêm, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh thu mua cá tra, cá basa để cung ứng cho nhiều khách hàng nước ngoài. Hiện tại, xuất khẩu sang các tiểu vương quốc Ảrập đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Riêng An Giang đã có 5 cơ sở lớn chế biến cá tra để xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, vẫn có từ 30% đến 50% số hộ nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long ngừng sản xuất hoặc chuyển sang nuôi các loại cá khác. Các ngân hàng đã gia hạn nợ cho người nuôi cá, vận động các doanh nghiệp hướng đến thị trường nội địa nhiều tiềm năng.

Theo TTXVN

 


Bão số 7 làm thiệt hại trên 20.000ha nuôi trồng thuỷ sản

Nguồn tin: Fisternet, 31/9/2005
Ngày cập nhật: 2/10/2005

Theo thống kê của các sở thuỷ sản và từ Ban chỉ huy PCLB Bộ Thủy sản đến chiều ngày 29.9, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại các địa phương bị bão số 7 tàn phá lớn hơn rất nhiều các tính toán ban đầu và lên đến trên 20.000ha.

Trong đó, tại Nam Định, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ bờ, ngập nước là 6.000ha, với tổng giá trị thiệt hại khoảng 65,6 tỉ đồng. Diện tích thuỷ sản nuôi tại Thái Bình bị thiệt hại là trên 3.000ha. Còn tại Hải Phòng, diện tích chủ yếu bị ngập và úng do triều cường với tổng diện tích lên tới 4.000ha, với giá trị thiệt hại ước tính khoảng 6,27 tỉ đồng. Tại Quảng Ninh có một số vùng nuôi tại huyện Đông Triều, Yên Hưng, Vân Đồn, thị xã Uông Bí bị thiệt hại khoảng 1.300 ha nhưng chủ yếu là về cơ sở hạ tầng. Ninh Bình bị thiệt hại khoảng gần 2.000ha, trong đó có 910ha nuôi thuỷ sản nước ngọt và toàn bộ vùng ngoài đê nuôi thuỷ sản nước lợ, với diện tích 1.002ha bị ngập nước hoàn toàn; 100% bờ đầm bị sạt lở từ 1-2m, có đoạn từ 10-20m; thiệt hại khoảng 3,5 triệu con cua giống và hàng trăm lều, trại nuôi bị đổ.

Riêng Thanh Hóa là tỉnh bị cơn bão càn quét nặng nhất nhưng cũng không có thiệt hại gì về người, chỉ có 61 tàu bị hư hỏng trong quá trình tránh bão. Về diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại khoảng 4.253 ha; 5 trại sản xuất tôm giống và khoảng 700 tấn sản phẩm thủy sản chế biến.

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang