• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hợp tác xã thủy sản Đoàn Kết, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú hoạt động kém hiệu quả

Nguồn tin: BenTre, 23/09/2005
Ngày cập nhật: 25/9/2005

Từ đầu tháng 9 đến nay, tại hợp tác xã (HTX) thủy sản Đoàn Kết, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm nghêu giống và có hành động chống lại lực lượng bảo vệ bằng hung khí khi bị phát hiện, truy đuổi. Rạng sáng ngày 6/9/2005, một vụ xô xát đã xảy ra giữa lực lượng bảo vệ gồm...3 người với 40 tên trộm nghêu. Hậu quả là một công an viên bị chúng dùng ná thun bắn trúng mắt; 21 tên "nghêu tặc" đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, tình hình trộm nghêu chưa lắng dịu, bọn chúng vẫn đang rình rập, đợi thời cơ đột nhập vào bãi nghêu, vì giá nghêu giống hiện nay rất cao: một triệu đồng/kg nghêu loại 10 ngàn con/kg...

Bạc tỉ nhưng không giữ được

Chúng tôi gặp anh Ngô Văn Năm- công an xã Thạnh Phong- phụ trách bảo vệ bãi nghêu giống của HTX Đoàn Kết, người bị bọn trộm nghêu dùng ná thun bắn trúng mắt đêm 6/9 vừa qua, tại văn phòng HTX ở cồn Bần Mít. Anh Năm đã ra viện nhưng con mắt thì không còn nhìn thấy nữa. Do yêu cầu phải bảo vệ, gìn giữ nghêu giống của HTX, anh không được nghỉ tịnh dưỡng ở nhà mà phải có mặt ở HTX để làm nhiệm vụ. Xã ủy Thạnh Phong đã quyết định điều anh (là đảng viên) làm tổ phó bảo vệ (cũng chỉ có 3 người). Anh Năm cho biết, bảo vệ nghêu của HTX là nhiệm vụ chung của xã viên. Lúc đầu xã viên còn phân công, thay phiên tham gia tuần tra với lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp của HTX, nhưng về sau ít dần và đến nay chỉ còn lại 3 người, gồm anh Năm, anh Trịnh Văn Nam, ấp đội trưởng và một tổ viên khác. Anh Năm kể lại vụ xô xát rạng sáng 6/9 vừa qua. Như mọi hôm, tổ của anh đi tuần, gần sáng thì phát hiện một chiếc xuồng máy đổ bộ hàng chục người (sau khi bị bắt chúng khai có 40 người) xuống khu vực cồn Đâm, giáp với Bần Mít. Khi lực lượng bảo vệ đến gần, chúng không sợ, thoái lui mà dùng gậy gộc tấn công lại. Trong lúc lộn xộn, anh bị một tên dùng ná thun bắn trúng mắt, máu chảy ướt mặt và được anh Nam cõng chạy mới thoát khỏi tay bọn "nghêu tặc" đang hăng máu...

Anh Năm cho biết, bọn "nghêu tặc" không sợ vì chúng biết tình hình nội bộ HTX Đoàn kết đang mất đoàn kết nghiêm trọng. Ban chủ nhiệm gồm ông Nguyễn Văn Khang: chủ nhiệm HTX; ông Ngô Văn Sở: phó chủ nhiệm và 5 thành viên khác, thân ai nấy lo. Riêng ông Sở trong đêm 6/9, đã bỏ chạy mất dạng trong lúc tổ bảo vệ bị "nghêu tặc" tấn công. Còn ông Khang, sau đêm 6/9 vừa qua, đã làm đơn xin từ chức. Áp lực của bọn "nghêu tặc" đè lên HTX rất lớn, có đêm chúng "huy động" đến 70 người, vào bắt nghêu trộm như đi vào vườn nhà mình! Ở một số nơi, bọn "nghêu tặc" còn có hành vi "khủng bố" tinh thần những ai chống lại chúng, bằng cách dùng hóa chất đổ vào ao tôm, cá đang nuôi, gây thiệt hại kinh tế cho anh em làm nhiệm vụ. Vì thế mà có nhiều trường hợp, lãnh đạo, bảo vệ HTX phải chùn tay. Mặt khác, tình hình nội bộ xã viên cũng không đoàn kết, gắn bó với HTX, xuất phát từ tâm lý không muốn vào HTX, mà muốn để bãi nghêu cho dân tự do khai thác. Cho nên, trong xã viên xuất hiện tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng" với chủ trương đưa bãi nghêu vào HTX. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vào HTX người dân ai cũng có quyền lợi và nếu lao động giỏi, thu nhập sẽ nhiều hơn. Điều lệ HTX đã được đại hội xã viên thông qua, qui định: lợi nhuận từ khai thác, sau khi trừ hết mọi chi phí, được trích 80% chia cho xã viên; 20% để lại quỹ HTX. Do HTX mới thành lập (2004), xã Thạnh Phong không thu thuế tài nguyên. Ngoài lợi nhuận từ bán nghêu, xã viên còn được hưởng tiền công bắt nghêu. Trong khi HTX Đoàn Kết từ đầu năm đến nay chưa khai thác nghêu bán lần nào, vì nghêu chưa đến tuổi và bị mất trộm liên tục, thì ở HTX Thạnh Lợi, cũng ở xã Thạnh Phong, đã khai thác nghêu giống bán được gần một tỉ đồng. Thật tiếc cho HTX Đoàn Kết, tiền tỉ trong tay mà không giữ được.

Củng cố lại HTX, nếu không muốn tan rã

Sau khi ông Khang từ chức, mới đây, UBND xã Thạnh Phong đã quyết định đưa ông Sở lên thay. Qua điều tra của công an huyện Thạnh Phú, 21 đối tượng bị bắt đêm 6/9 quê ở xã Bình Thạnh và An Thuận, cũng thuộc huyện Thạnh Phú. Bọn nầy được một số đầu nậu ở địa phương, chuyên tiêu thụ nghêu giống ngoài tỉnh câu móc để bắt trộm nghêu giống của các HTX thủy sản. Điều đáng lưu ý là một tuần sau vụ xô xát đêm 6/9, thì ở bãi nghêu thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh), giáp với Thạnh Phú, lực lượng bảo vệ ở đây đã truy đuổi và đụng chìm ghe của một nhóm bắt nghêu trộm, tóm cổ 14 tên, chúng khai ở xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú! Như vậy, có thể nói đã hình thành một nhóm trộm nghêu chuyên nghiệp và hoạt động...xuyên tỉnh. Trước tình hình trên, ông Lê Văn Gặp- Chủ tịch huyện Thạnh Phú đã chỉ thỉ: một mặt bảo vệ bằng được bãi nghêu giống ở HTX Đoàn Kết, dù chưa đánh giá được sản lượng là bao nhiêu, vì nghêu giống còn nhỏ (nhưng bọn trộm thì không chừa). Mặt khác, huyện sẽ truy tố các đối tượng trộm nghêu và chống người thi hành công vụ. Ông Gặp nói: "Bảo vệ bãi nghêu phải chính là xã viên. Nếu không làm cho xã viên thông suốt chủ trương HTX của tỉnh, huyện, thì dù có một lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, đông đảo cũng không giữ được". Chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Văn Kháng - Bí thư xã Thạnh Phong - được biết, do ông Khang xin nghỉ việc giữa chừng, trước mắt xã bố trí ông Sở lên thay. Sắp tới sẽ tách HTX Đoàn Kết làm hai, mỗi ấp là một HTX, để cho xã viên không sanh nạnh và tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nhưng vì sao ở Thạnh Phú có ba HTX thủy sản, trong khi hai HTX kia ổn định, thì Đoàn Kết lại đang đứng trước nguy cơ tan rã? Phương án chia hai liệu có ổn, nếu như xã viên chưa đồng tình và gắn bó với HTX? HTX Đoàn Kết hiện có 541 xã viên, quản lý 300 ha đất bãi bồi có nghêu giống sinh sản, nếu chia đôi thì quá nhỏ so với qui mô một HTX. Ở Bến Tre, HTX thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận (Bình Đại), có 1.116 xã viên, quản lý trên 900 ha đất bãi bồi, vừa khai thác nghêu giống vừa nuôi nghêu thịt, doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm, là HTX tiên tiến, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông Nguyễn Quốc Dũng - chủ nhiệm HTX Rạng Đông - bộc bạch kinh nghiệm: Phương châm của Rạng Đông là: "Để giữ được bãi nghêu phải có sự đồng tình, thống nhất của xã viên. Cho nên HTX phải tổ chức học tập để tất cả xã viên nhận thức rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình, nhằm gắn bó với HTX trong công tác quản lý".

Đây có thể xem là bài học chung cho tất cả các HTX thủy sản ở Bến Tre...

Văn Trí - Web Ben Tre

 


Thành lập liên hợp sản xuất cá tra, ba sa sạch

Nguồn tin: BCT, 25/9/2005
Ngày cập nhật: 25/9/2005

Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch cá nước ngọt Vasep, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGIFISH) cho biết: Công ty đang chuẩn bị cho ra mắt Liên hợp sản xuất cá tra, ba sa sạch bao gồm 19 hộ dân sản xuất cá đạt tiêu chuẩn SQF 1000. Đây là các hộ ngư dân đã qua quá trình học tập, sản xuất cá đúng quy trình và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn SQF 1000 từ khâu chọn giống đến khi xuất bán. Sau khi vào liên hợp, sản phẩm cá của ngư dân sẽ được công ty ký hợp đồng bao tiêu. Ngoài ra, còn khoảng 20 hộ ngư dân cũng đang học sản xuất cá theo quy trình mới này, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được công nhận và cho vào Liên hợp sản xuất cá tra, ba sa sạch trong thời gian tới.

Việc thành lập Liên hợp sản xuất cá tra, ba sa sạch mở ra một hướng mới trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa tại An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Đây là bước đột phá trong việc sản xuất cá sạch, nếu thành công sẽ được nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL. Dự kiến, với việc hình thành liên hợp này, hàng năm Công ty AGIFISH sẽ có nguồn nguyên liệu cá tra, ba sa sạch ổn định khoảng 50.000 tấn.

BÌNH NGUYÊN

 


Bình Định: Các DN chế biến thuỷ sản XK thiếu nguyên liệu

Nguồn tin: Vasep, 23/9/2005
Ngày cập nhật: 24/9/2005

 


Cơn khát nuôi "Ếch Thái" ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn tin: KHPT, 23/9/2005
Ngày cập nhật: 23/9/2005

Chỉ sau 3 năm "tập kích" vào Việt Nam, con ếch Thái Lan đã trở thành cơn sốt chăn nuôi vì nó là vật nuôi xóa đói giảm nghèo rất hấp dẫn, nhất là một mùa lũ như hiện nay. Ếch này thích nghi đặc biệt với Đồng bằng Sông Cửu Long. Với 1000 con giống, vốn đầu tư 1-1,5 triệu đồng, cái vèo bằng mùng lưới khoảng 100.000đ, đem đặt ở ao hầm hay mặt ruộng mùa lũ, làm cái bè cây, tre cho ếch nghỉ ngơi và để mồi ăn rồi thả ếch vào nuôi. Ếch Thái Lan phàm ăn, có thể cho ăn thức ăn viên, có thể cho ăn tép, cá các loại, nhưng chúng tỏ ra khoái khẩu món ốc bươu vàng nên cực kỳ hấp dẫn bà con vùng lũ.

Từ TP. HCM, phong trào nuôi ếch Thái Lan tràn về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đầu tiên là Đồng Tháp, sau đó qua Vĩnh Long, Cần Thơ và một số tỉnh khác. An Giang có xã Bình Phú là nơi khởi đầu nuôi ếch Thái Lan do Câu lạc bộ Nông dân xã chủ xướng. Ông Hai Long - chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, ngoài vốn đầu tư giống và vèo, giá ốc bươu vàng chỉ 500đ/kg, bình quân 1000 con ăn mỗi ngày 15kg ốc, cả vụ nuôi 3 tháng chỉ tốn 700.000 - 800.000đ tiền thức ăn, thuốc men sơ sơ nữa, tổng vốn đầu tư trên dưới 2,5 triệu đồng. Giá bán bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg (tùy mùa), thu hoạch được khoảng 200kg, bình quân lời được 3 triệu đồng 1 hộ. Có người như anh Lưu Văn Dũng quá nghèo tự đi bắt ốc không tốn tiền thức ăn coi như lời trọn gói khoảng 4 triệu đồng/vụ. Ếch Thái Lan không phá như ếch ta, có thể thò tay bắt dễ dàng, ăn xong nằm nghĩ chứ không nhảy nhót tìm đường "vượt ngục" nên không tốn công chăm sóc. "Nhà đơn chiếc cũng có thể nuôi 4-5 vèo !" - Ông Hai Long nói. Nuôi "dặm" bằng thức ăn công nghiệp, loại 30-40 độ đạm, giá 7000 - 10.000 đồng/kg, sau 3 tháng cũng lời 10.000 đồng/kg. Đặc biệt nuôi loại này không tốn diện tích đất, với 1000 con nuôi trong vèo chỉ rộng 2x6m (bình quân 70-100 con/m vuông) nhà có cái ao nhỏ là nuôi được, không ao thì vác vèo ra kênh rạch, không thì mùa lũ đem gửi nhờ ruộng ai sau hè hay của hợp tác xã cũng được.

Toàn xã Bình Phú hiện có 10 hộ nuôi 11.000 con, phong trào đang lan sang các xã bên cạnh của huyện Châu Phú với vài chục hộ nuôi. Ở xã Bình Phú, bà con nuôi ếch lấy giống của trang trại ông Nguyễn Đăng Thập ở phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên được ông Thập bao tiêu sản phẩm với giá 28.000 - 30.000 đ/kg nên bà con chưa phải lo đầu ra. Nơi khác chủ yếu bán cho vựa cá đem vào các quán ăn, nhà hàng. Hiện có rất nhiều hộ muốn nuôi ếch Thái Lan, ngày nào câu lạc bộ của xã Bình Phú cũng tiếp hàng chục lượt người đến tham quan, tìm hiểu và ngỏ ý muốn nuôi nhưng không có nơi cung cấp giống. Bác Hai Long đặt hàng ông Thập 160.000 con giống, nhưng hàng đang khan hiếm, ông Thập đòi đưa tiền trước và tháng 9 này mới giao hàng.

Tại trại giống ông Thập, chúng tôi chứng kiến hết lượt người này đến người khác tham quan và đặt con giống nhưng ông Thập lắc đầu vì không có đủ cung. Trang trại của ông rộng 2ha, nhập 35 cặp giống bố mẹ từ Thái Lan về cho sinh sản, mỗi cặp trị giá 1 triệu đồng, mỗi năm cho vài trăm ngàn ếch giống. Đồng Tháp có trại ươm giống ếch Thái Lan của ông Nguyễn Văn Thâm ở xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh đang nuôi 100 cặp giống ếch bố mẹ, mỗi mẻ ươm hơn 300.000 con nhưng không đủ bán. Ngoài bán tại địa phương, ông còn bán cho các trại nuôi miền Trung. Các tỉnh khác tình hình cũng tương tự. Hiện tượng ếch "cháy hàng" đã dấy lên "cơn khát" chăn nuôi, và con giống cũng tăng từ 1000 đ lên 1.500đ/con.

Cảnh giác khi nuôi

Thịt ếch trắng thơm, ngon, hấp dẫn bất cứ người mang quốc tịch nào nên không có lý do gì không có đầu ra "hải ngoại". Với giống ếch nội địa, từng có nhiều hộ ở ĐBSCL tổ chức nuôi, nhưng chỉ thành công bước đầu rồi "dẹp tiệm". Nguyên nhân ếch không nằm trong chiến lược phát triển thủy sản nên ngành nông nghiệp của tỉnh chỉ khuyến khích miệng, chứ không chăm sóc để biến thành mô hình nuôi đại trà. Người nuôi tự "bơi", lúc đầu ếch khỏe, bán được vài đợt, sua đó ếch bệnh, ếch đói mồi ăn thịt lẫn nhau (bọn này lại rất quậy phá luôn tìm cách thoát thân, tỷ lệ hao hụt lớn), cuối cùng phá sản ! Các công ty chế biển xuất khẩu thì chỉ nhảy vào khi có nguồn cung lớn và ổn định.

Ếch Thái Lan tập quán giống ếch ta lại hiền lành dễ nuôi hơn, chất lượng thịt cũng rất ngon. Tuy nhiên da ếch ngả màu vàng nên còn gọi là ếch "bò". Nuôi ở vùng lũ nước quá sạch da ếch càng vàng tươi, không hấp dẫn người tiêu dùng. Ông Thập khi mua ếch do mình bao tiêu về phải cho vào bể xi măng, nước lấp xấp đóng rong và ăn thức ăn "đặc chế" ếch mới biến đổi màu da sang xanh đen để bán. Kinh nghiệm nuôi ếch vì thế phải đặt vào nơi có rong, cỏ, nguồn nước trong xanh. Cho ăn thức ăn tự chế phải nấu chín, kể cả ốc, cua, vì ếch hay bị đường ruột lăn ra chết. Với 1000 con ếch phải nuôi trong hai vèo để tuyển chọn con đồng đều sống chung nếu không "con lớn hiếp con bé" gây thương tích, thậm chí ăn thịt nhau nếu đói mồi. Các hộ ở Bình Phú vừa qua nuôi do thiếu kinh nghiệm tỷ lệ hao hụt lên đến 15-20%. Có một thực tế cần cảnh giác là hầu hết các ông chủ bán ếch giống đều nói rằng mình đi Thái Lan học nghề và mang ếch bố mẹ về cho sinh sản, nên giữ "bí quyết" không truyền cho ai, muốn nuôi phải lại họ mua giống. Bà con muốn ươm giống, cho xin sản, xin liên hệ các viện, trường. Ở miền Tây cứ lại trường Đại Học Cần Thơ hay lại Trung tâm truyền hình Việt Nam tại ĐBSCL ở Cần Thơ xin băng ghi hình về "ngâm cứu". Thị trường ếch rất tiềm năng, giá chưa bao giờ rớt xuống 20.000đ/kg, nuôi là lãi, nhưng muốn nuôi lâu dài phải thận trọng, vừa nuôi vừa theo dõi thị trường, thấy hiện tượng ếch dội chợ thì tạm ngưng, nuôi thứ khác. Tuy nhiên, muốn dội chợ thì ít nhất cũng 2-3 năm tới, trước mắt các địa phương muốn đưa mô hình nuôi ếch Thái vào xóa đói giảm nghèo cứ triển khai, nhất là những nơi tranh thủ được nguồn vốn vay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như tổ chức CARE với dự án CODE như ở huyện Châu Phú - An Giang. Cuối cùng: "tương truyền", ếch Thái Lan có nguồn gốc Nam Mỹ được người Thái nhập về lai với ếch nội địa nên ngành nông nghiệp cần theo dõi xem có tác hại môi trường ? Đồng thời, ngành nông nghiệp các tỉnh cần phổ biến cách nuôi và cung cấp con giống cho bà con, không để các chủ trại giống tư nhân thao túng, bắt chẹt bà con.

Nguyễn Hoàng Âu Cơ

 


Phú Yên: Cá mú giống xuất hiện dày đặc ven biển

Nguồn tin: LĐ, 23/9/2005
Ngày cập nhật: 23/9/2005

Phòng NN và PTNT huyện Sông Cầu, ngày 22.9 cho biết, thời gian gần đây nhiều vùng ven vịnh Xuân Đài và ven biển xã Xuân Thọ 2 xuất hiện dày đặc cá mú giống nhỏ như hạt dưa. Mỗi ngày, ngư dân dùng vợt vớt cá mú giống bán với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/con. Chỉ tính riêng ngư dân xã Xuân Thọ 2, đã bán cá mú giống thu khoảng 50 triệu đồng.

Lưu Phong

 


Khôi phục vườn dừa ở vùng nuôi tôm sú

Nguồn tin: BCT, 23/9/2005
Ngày cập nhật: 23/9/2005

Trong quá trình chuyển dịch sang nuôi tôm sú, nước mặn đã “xóa sổ” dần hàng chục ngàn ha vườn dừa trĩu quả, bạt ngàn ở Phú Tân, Cái Nước, Phong Lạc, Trần Thới, Thanh Tùng..., khiến cho vùng đất Nam Cà Mau hiện nay trở thành những cánh đồng trống rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho mưa giông lốc xoáy hoành hành ngày càng dữ dội hơn. Sinh cảnh chung của các vùng chuyển dịch trông cũng thật đơn điệu, buồn tẻ, hầu như không còn thảm thực vật xanh che phủ, từ đó dẫn đến các yếu tố môi trường rất dễ biến động mỗi khi thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường, mà ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân về lâu dài. Đó cũng chính là điều kiện tốt cho lốc xoáy hình thành và tàn phá vào mỗi mùa giông bão. Những cơn lốc xoáy tại nhiều địa phương năm qua (2004) và từ đầu năm đến nay là điều cảnh báo chúng ta cần phải quan tâm, khẩn trương khôi phục rừng và các vườn cây xanh, nhất là vườn dừa để phòng tránh những tổn hại lớn hơn trong tương lai.

Để khôi phục vườn dừa không khó, bởi dừa là cây dễ tính, sức chịu mặn của dừa khá tốt, có thể chịu được đến trên dưới 10%o, ở độ mặn này con tôm cũng sẽ phát triển khá tốt. Như thế, nếu người chủ vườn kiểm soát mặn, đừng để nước mặn vào ao vườn thái quá, khiến độ mặn vượt quá xa mức 10%o. Có thể chăm sóc để thu hoạch được dừa mà vẫn nuôi được tôm trong các ao mương vườn nếu kiểm soát được độ mặn hợp lý. Có nhiều cách khống chế độ mặn. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là kiểm soát sao cho nước mặn không vào ngập các ao vườn suốt mùa khô, cũng không bao ví quanh năm để nuôi tôm, thì độ mặn sẽ không tích tụ vượt khả năng chịu đựng của cây dừa. Chúng tôi xin gợi ý vài cách như sau:

- Ngay cuối mùa mưa, khi nước ngoài sông, ngoài kinh chớm cứng thì đắp đập giữ ngọt cho vườn dừa ngay và chỉ thả tôm đã thuần ngọt với mật độ vừa phải (2-3 con/m2) vào trong ao vườn dừa hoặc khi nước trong ao đã bị nước mặn thấm tự nhiên. Tuyệt đối không bơm xả trực tiếp nước mặn từ ngoài vào các ao vườn. Chỉ cần có thế cũng đủ đảm bảo điều kiện mặn cho tôm phát triển mà dừa cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì lớn. Đến mùa mưa, khi nước sông đã ngọt thì cho thông thương nhau để thau rửa mặn. Cứ thế lập lại, vườn dừa sẽ không bị quá mặn, sẽ tốt hơn là dẫn mặn trực tiếp và bao ví quanh năm như hiện nay. Nếu để tình trạng mặn quá cao nhiều tháng, mưa không đủ rửa bớt cho nhanh, dừa sẽ chết dần mà tôm cũng không sống nổi ở tình trạng muối tích tụ ở nồng độ cao, ao tù nước đọng.

- Cũng có thể tiến hành đắp đập, thả tôm mật độ vừa phải như trên, nhưng bơm nước ngọt từ cây nước xài bổ sung vào ao vườn dừa trong mùa khô hạn để khống chế độ mặn không cho vượt quá 10%o. Khi mùa mưa đến chủ động bơm tháo nước mặn trong ao thay bằng nước mưa hay khi mưa già cũng xả cho các nguồn nước thông thương nhau như cách trên.

- Cùng với việc giám sát khống chế mặn nêu trên cần tiến hành chọn, đốn tỉa bỏ những cây dừa quá già cỗi, không còn cho năng suất, cây có trái chất lượng không tốt, cây bị bệnh quá nặng. Chừa lại những cây trước đây cho trái nhiều, ổn định, chất lượng tốt và những cây dừa tơ có nguồn gốc giống tốt; đồng thời chọn những cây dừa tốt giống trên dưới 20 năm tuổi để lấy trái trồng giặm bổ sung cho những chỗ khuyết cây hay bị đốn hạ (nếu như không định trồng cây gì khác).

Mấy năm qua, do giá dừa bấp bênh, do lợi nhuận con tôm quá cao khiến cho đa số nông dân không còn gắn bó với cây dừa thân quen. Nay tình hình đã đổi khác, nhận thức của người dân cũng tích cực hơn. Đã đến lúc các vùng chuyển dịch cần phải phục hồi nhanh vườn dừa và hệ thảm thực vật thích hợp cho địa phương mình, để tạo điều kiện sống tốt cho tôm cá, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân, bảo vệ môi trường hạn chế thiệt hại do lốc xoáy, gió bão gây ra.

MỤC ĐỒNG

 


Bến Tre: Tôm tiếp tục rớt giá

Nguồn tin: SGTT, 22/09/2005
Ngày cập nhật: 22/9/2005

Tại Bến Tre, giá tôm tiếp tục giảm. Hiện giá 1kg tôm loại 40 con/kg ở mức 50.000- 60.000 đồng, chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái.

Với giá này, theo tính toán của các hộ nuôi tôm gần bằng với giá thành và nếu họ phải vay vốn ngân hàng thì sẽ bị thua lỗ nặng.

Vụ tôm 2005, Bến Tre nuôi trên 42 ngàn ha, trong đó hơn 6.000 ha nuôi công nghiệp, năng suất bình quân 7 tấn/ha. Trong đó các nhà máy chế biến chỉ mua được khoảng 30% tổng sản lượng tôm trong toàn tỉnh.

Theo TTXVN

 


Nuôi tôm hiệu quả ở Bạc Liêu

Nguồn tin: ND, 22/09/2005
Ngày cập nhật: 22/9/2005

Từ năm 2000 đến nay, hàng chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã chuyển đổi hơn 80.000 ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, nâng tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên hơn 116 nghìn ha. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, gần 20 nghìn ha tôm thả nuôi bị chết (chủ yếu tôm sú), mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường.

Trước tình trạng tôm nuôi ở Bạc Liêu diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ngày càng tăng; nhưng trong thời gian qua, cũng ngay trên vùng đất này có nhiều hộ nuôi tôm thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những yếu tố thành công là do bà con áp dụng mô hình nuôi tôm bền vững, đơn giản, nhưng hiệu quả cao.

Ở xã Vĩnh Trạch Ðông (thị xã Bạc Liêu), ông Võ Hồng Ngoãn là một trong những hộ "tiên phong" trong việc nuôi tôm theo mô hình bền vững. Liên tiếp trong bốn năm qua, ông Ngoãn nuôi tôm đều trúng lớn: Năm 2001 nuôi bốn ao (mỗi ao 5.000 m2), thu được bốn tấn; năm 2002, nuôi năm ao thu được 12 tấn; năm 2003, nuôi tám ao thu 15 tấn; riêng năm 2004, tăng lên 32 ao, thu được 72 tấn (bình quân 25 con/kg, tổng thu hơn 7,7 tỷ đồng, lãi hơn 3,2 tỷ đồng). Thành công của ông Ngoãn trong quá trình nuôi tôm là do ông đã đúc kết kinh nghiệm qua các vụ nuôi: Từ khâu chọn giống, chi phí sản xuất đầu vào, hạch toán lợi nhuận sau thu hoạch...

Theo ông Ngoãn, khâu chọn giống là rất quan trọng, vì nó quyết định sự thành bại của người nuôi. Ông nói: "Khi mua tôm giống, phải chọn loại đạt kích cỡ và đưa đi xét nghiệm, nếu sạch bệnh thì mới thả nuôi". Ngoài khâu chọn giống, ông còn tuân thủ theo một quy trình nuôi nghiêm ngặt như cải tạo đất hợp lý, theo dõi, điều chỉnh nồng độ môi trường nước phù hợp, đặc biệt là phải lập bảng so sánh mật độ giữa ao nuôi dày và ao nuôi thưa. Cụ thể, ông nuôi thí điểm hai ao có cùng diện tích 5.000 m2; một ao thả 200.000 tôm post, mật độ 40 con/m2 và một ao thả 35.000 tôm post, mật độ bảy con/m2. Ao nuôi mật độ dày, tỷ lệ hao hụt là 30%; ao nuôi thưa, tỷ lệ hao hụt 20%. Tổng sản lượng tôm của ao nuôi dày là 3,5 tấn (trung bình 1 kg tôm là 40 con, chi phí cho 1 kg tôm thành phẩm là 50 nghìn đồng, giá bán 70 nghìn đồng/kg), thu được 245 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng. Trong khi đó, tổng sản lượng của ao nuôi thưa là 1.120 kg (trung bình 1 kg tôm là 25 con, chi phí cho 1 kg thành phẩm là 40 nghìn đồng, giá bán 115 nghìn đồng/kg), thu được 128 triệu đồng, lãi 84 triệu đồng...

Theo ông Ngoãn, hình thức nuôi tôm với mật độ dày thì cần sự đầu tư lớn, trong khi đó đòi hỏi trình độ kỹ thuật nuôi rất cao trong suốt vụ mùa và cũng lắm rủi ro, nên khó áp dụng đối với hộ nghèo. Còn nuôi ở mật độ thưa thì vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, lại cho lợi nhuận cao hơn vì tôm đạt kích cỡ lớn và dễ áp dụng cho nhiều người.

Ở ấp Thào Lạng (xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu), anh Trịnh Văn Ðể luôn giữ "quan điểm" áp dụng quy trình nuôi với mật độ thưa. Trong 5 năm qua, dù diện tích từ 1 ha ban đầu lên đến 8 ha như hiện nay, nhưng anh vẫn kiên trì thả nuôi với mật độ từ 5 đến 7 con/m2. Nhờ áp dụng quy trình này, nên năm nào anh cũng trúng lớn. Chỉ tính trong năm 2003, với 5 ha thả nuôi, anh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Năm 2004, anh tăng diện tích nuôi lên 8 ha, thu lãi 350 triệu đồng (do giá tôm nguyên liệu sụt giảm). Anh Ðể cho biết: "Nuôi tôm ở mật độ thưa, không chỉ dễ chăm sóc mà chi phí giảm hơn rất nhiều so với nuôi tôm mật độ dày...".

Thông thường, những hộ nuôi tôm công nghiệp, khi có sẵn đồng vốn bao giờ cũng thích nuôi tôm với mật độ từ 25 đến 40 con/m2. Họ nghĩ nuôi tôm ở mật độ này sẽ cho sản lượng cao, thu lợi nhuận nhiều. Trên thực tế, đã có không ít hộ nuôi tôm nhờ vào một - hai vụ trúng mùa, mau chóng trở nên giàu có, nhưng cũng có không ít hộ từ khá giả bỗng chốc trở nên trắng tay và từ bỏ mộng làm giàu từ nghề nuôi tôm. Những vùng nuôi tôm công nghiệp ở phía nam quốc lộ 1A của tỉnh, số bà con nuôi ở mật độ dày chiếm đến 95%. Năm 2004, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 70%, trong đó 50% số hộ không có lời, còn 20% là hòa vốn.

Từ những mô hình trên, phần nào giúp người dân nuôi tôm ở Bạc Liêu có sự nhìn nhận đúng hơn và có cách chọn lựa về quy trình nuôi tôm với mật độ dày hoặc thưa. Theo các kỹ sư tại Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu, nuôi tôm với mật độ thưa, hiện được xem là mô hình ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng từ bài học kinh nghiệm qua thực tiễn, tỉnh Bạc Liêu đã chính thức khuyến cáo nông dân không nên "tham" nuôi tôm thả mật độ quá dày, nên xem xét áp dụng quy trình nuôi tôm bền vững và "ăn chắc" nêu trên, tránh những thiệt hại lớn trong việc nuôi tôm, bảo đảm cho việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

TRỌNG DUY

 


Cá basa phi lê đoạt giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Nguồn tin: TTXVN, 21/09/2005
Ngày cập nhật: 22/9/2005

 


Năm 2006 sẽ có thêm 6 trung tâm giống thủy sản quốc gia

Nguồn tin: TTXVN, 22/09/2005
Ngày cập nhật: 22/9/2005

Bộ Thủy sản cho biết đến năm 2006 Bộ sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác 6 Trung tâm giống thủy sản quốc gia tại ba miền trong cả nước, trong đó có 3 trung tâm giống thủy sản nước ngọt và 3 trung tâm giống hải sản.

Đó là các trung tâm tại Hải Dương, Lâm Đồng, Tiền Giang, Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các trung tâm này có nhiệm vụ tiến hành các chương trình nghiên cứu, thực nghiệm về nâng cao chất lượng di truyền các loài thủy sản để tạo ra các phẩm giống mới có đặc tính ưu việt trong nuôi trồng, nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ lưu giữ gen, sản xuất giống, nuôi thủy hải sản và tổ chức quản lý lưu giữ đàn giống gốc đảm bảo chất lượng tốt bao gồm các giống bản địa, các giống mới hoặc giống nhập nội đã được thuần hóa.

Các trung tâm sẽ tái sản xuất các giống gốc và cung cấp đàn hậu bị cho các trại giống cấp tỉnh, huyện và các cơ sở sản xuất giống thương mại để đảm bảo con giống hoàn toàn đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài việc chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ, các trung tâm sẽ tổ chức tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật và cán bộ khuyến ngư về giống cho nhu cầu các tỉnh và trao đổi thông tin khoa học- công nghệ, kinh tế và quản lý trong lĩnh vực giống thủy sản./.

 


Thừa Thiên - Huế: Quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thuỷ sản

Nguồn tin: Vasep, 21/9/2005
Ngày cập nhật: 22/9/2005

Các huyện vùng ven Phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Thuỷ đã quy hoạch, sắp xếp lại việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ sản; ổn định diện tích nuôi trồng vào khoảng 7.000 ha, trong đó có 4.500 ha nuôi tôm. Tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản theo hướng quy hoạch nuôi trồng gắn với việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản.

 


Trà Vinh: 85% hộ nuôi tôm sú ở Cầu Ngang có lãi

Nguồn tin: BCT, 21/9/2005
Ngày cập nhật: 22/9/2005

Mùa vụ nuôi tôm sú năm nay, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) có 6.406 hộ thả nuôi 378,5 triệu con tôm giống trên diện tích 4.085 ha mặt nước. Qua tổng kết thực tế của 5.986 hộ đã thu hoạch, kết quả có 4.950 hộ có lãi, chiếm gần 85%. Đặc biệt, huyện Cầu Ngang có 287 hộ nuôi tôm sú công nghiệp theo mô hình ao nổi đều đạt năng suất mỗi ha 3,5 - 4 tấn và thu được lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng.

Năm nay là năm thứ 3 huyện Cầu Ngang ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm sú ao nổi, hạn chế đến mức thấp nhất sự rủi ro của nghề nuôi tôm sú. Trong ảnh: Nông dân Cầu Ngang thu hoạch tôm sú.

PHÚC SƠN

 


Tổ chức lại sản xuất thủy sản ĐBSCL

Nguồn tin: TBKTVN, 21/9/2005
Ngày cập nhật: 21/9/2005

Là Phó chủ tịch Hội nghề cá VN, ông lại đảm nhận thêm vị trí Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA) . Vậy thực trạng và triển vọng của nghề cá nước ngọt ĐBSCL ra sao, nhất là sau các “sự cố” mới đây về XK cá tra, cá basa sang Mỹ, thưa ông ?

Cùng với lúa gạo, thủy sản nước ngọt vẫn là một lợi thế trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL... Bộ thủy sản cũng đánh giá ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã đóng vai trò làm tăng nhanh giá trị XK thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, cá tra, basa đã trở thành mặt hàng XK chủ lực.

Toàn vùng hiện có 27 nhà máy chế biến với tổng công suất hơn 1.100 T cá nguyên liệu/ngày. Nhiều DN thuần túy kinh doanh các mặt hàng thủy sản khác cũng tham gia XK cá tra, basa. Kim ngạch XK cá tra, basa năm 2004 đã đạt 125 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với 2003. Nhưng các nhà sản xuất, chế biến và XK từ 2003 đến nay đã phải đương đầu với các cơn biến động! Tại Mỹ năm 2003 bùng lên vụ kiện các DN Việt Nam bán phá giá cá da trơn. Châu Âu thì áp dụng các rào cản kỹ thuật. Từ tháng 4-2005 giá nguyên liệu cá tra, basa tụt xuống ở mức thấp. Gần đây nhất, giữa tháng 8-2005 là sự kiện 3 bang ở Mỹ cấm bán sản phẩm cá tra, cá basa NK từ Việt Nam !

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới thì đây là những trục trặc khó thể tránh khỏi. Trước hết chúng ta phải rút ra những bài học từ chính mình. Các đợt XK đầu tiên, các DN đều bán cá tra, basa với giá 4 USD/kg, nhưng sau đó, do cạnh tranh nhau, nhiều nơi thi nhau hạ giá xuống chỉ còn 3 USD, họ kiện là rễ hiểu, vì các DN XK làm ăn rất tự phát. Mới đây, tại hội chợ thủy sản 2005 ở Brút-Xen ( Bỉ ), một số DN lớn XK cá tra, cá basa lại tự giảm giá bán trên cùng một loại sản phẩm, khiến nhiều DN khác phải giảm giá theo.

Chúng tôi rất thấm thía câu nói của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Thứ trưởng kiêm Chủ tịch danh dự Hiệp hội chế biến XK thủy sản VN (VASEP) tại Hội nghị xây dựng chất lượng và thương hiệu cá tra, basa Việt Nam hồi cuối 2004 tại An Giang: “Những khó khăn, vướng mắc trong XK thủy sản do nguyên nhân chủ yếu từ bên trong chúng ta”!.

Mới đây, mãi đến ngày 18-8 tức sau khi một số bang của Mỹ áp dụng quy định của FDA cấm bán cá tra, basa XK từ Việt Nam, Bộ thủy sản mới ban hành Quyết định số 26/QĐ-BTS công bố 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones cấm sử dụng sản xuất kinh doanh thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Phải chăng do thiếu thông tin mà chúng ta đã không cảnh báo cho người nuôi thủy sản trước đó. Qua sự kiện này, mặc dù thực ra cá tra, basa không bị cấm trên toàn nước Mỹ nhưng cũng gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động XK thủy sản nước ta. Chúng tôi cho rằng cần phải tổ chức lại việc sản xuất, chế biến XK thủy sản , nhất là đối với thủy sản nước ngọt ở vùng ĐBSCL.

Người làm nguyên liệu và nhà chế biến ở ĐBSCL vẫn còn đang đổ lỗi lẫn nhau. Tổ chức sản xuất lại theo hướng nào có hiệu quả nhất, thưa ông ?

Sản xuất thủy sản nước ngọt ở ĐBSCL nhìn chung vẫn còn rất tự phát. Hiện không ai dám chắc mỗi tỉnh có bao nhiêu diện tích, sản lượng. Vì tự phát nên tranh chấp, kiện tụng xảy ra. Người sản xuất trước đây cho rằng bên mua trước đây chỉ phân biệt cá tra thịt trắng, thịt vàng, nay do tụt giá lại phân biệt thêm nào là thịt trắng trong, trắng đục để trả giá khác nhau. Con cá đến ngày thì phải bán, và người nuôi vẫn là bên bị thiệt thòi nhất! Giá thành cá nuôi bè hiện nay từ 10.500-11.000 đ, nuôi hầm là 9000 đ nhưng nông dân vẫn đang phải bán dưới giá thành.

Chúng ta tuyên truyền cổ vũ nhiều về sự liên kết 4 nhà, nhưng thực ra sự phối hợp chưa tới đâu vì thiếu những nguyên tắc pháp lý. Chúng tôi cho rằng nhà sản xuất phải đóng vai trò chủ đạo vì họ tìm kiếm được đầu ra. Sau vụ kiện bán phá giá, các DN Việt Nam đã mở được nhiều thị trường mới.

Hiệp hội thủy sản VN tổng kết 60% sản phẩm cá tra, basa được tiêu thụ tại EU, 30% tại các nước châu Á, Mexico và Australia, tại Mỹ chỉ dưới 10%, không có gì mà phải hoang mang như vừa qua.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang cũng đã cho gửi các mẫu sản phẩm nông thủy sản, kể cá cá tra, cá basa sang các tập đoàn thương mại ở Mỹ và nhiều nước châu Âu để xúc tiến xây dựng các hình thức thương mại bền vững. Chúng ta còn có một thị trường nội địa rộng lớn. Các DN gần đây có nhiều nỗ lực đưa sản phẩm xâm nhập từng cửa hàng bán lẻ. Cần có kế hoạch dài hạn hơn vì nhiều nơi, nhất là các vùng miền núi vẫn còn chưa được biết tới loại cá ngon và bổ dưỡng này.

Việc tổ chức lại sản xuất đã có mô hình mẫu nào chưa ? Ông có những ý kiến gì về phát triển các loại thủy sản nói chung ? Làm sao để sản xuất XK thủy sản ĐBSCL phát triển bền vững ?

AFA đã tập hợp được 800 hội viên thuộc các thành phần kinh tế, nhiều nhất là các hộ nuôi thủy sản. Bà con đã góp vốn 20 tỷ đồng thành lập Công ty CP XNK thủy sản AFA (Afasco), gắn vùng nguyên liệu với nhà máy, bước đầu làm ăn có hiệu quả. Afasco đã kết hợp với tổ chức SIPPO Thụy Sỹ nuôi cá tra sinh thái, đáp ứng xu hướng mới của người tiêu dùng thế giới.

Ngày 29- 9 Công ty XNK thủy sản An Giang ra mắt CLB SQF (sản xuất theo quy trình chất lượng) của người nuôi thay cho CLB nguyên liệu trước đây. Gắn chặt vùng nguyên liệu chất lượng với nhà máy là hướng đi đúng. Bộ thủy sản vừa mới quyết định thành lập Ban điều hành sản xuất cá tra, cá basa ở ĐBSCL để tạo nên sự gắn kết toàn vùng. Theo hướng đa dạng hóa vật nuôi, Bộ thủy sản cũng chủ trương năm nay sẽ phát triển khoảng 15.000 ha diện tích nuôi thủy sản trên sông Tiền, sông Hậu để nuôi cá rô phi XK. Muốn làm ăn thành công thì từng loại sản phẩm phải có thương hiệu.

Tôi cho rằng việc ghép chung cá basa và cá tra vào một từ là khiên cưỡng. Thực chất con cá tra có mỡ nhưng là mỡ không gây choresterol trong máu, thịt nó ngon hơn. Cá basa là nguồn lợi của vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu nên chúng tôi ủng hộ việc UBND xin thương hiệu xuất xứ hàng hóa riêng cho cá basa.

Phải sớm củng cố Hội nghề cá đủ mạnh về mọi mặt. Hiệp hội VASEP và các thành viên nuôi trồng, chế biến, XK thủy sản cùng đứng chân trong Hội nghề cá VN sẽ tạo hướng sản xuất kinh doanh bền vững.

Hưng Văn thực hiện

Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.188 [ 2005-09-21 ]

 


Bến Tre có 7 hợp tác xã nuôi nghêu

Nguồn tin: BenTre, 14/9/2005
Ngày cập nhật: 21/9/2005

Bến Tre đã thành lập được 7 HTX nuôi nghêu gồm: HTX Rạng Đông và Đồng Tâm (Bình Đại); HTX An Thủy (Ba Tri); HTX Thạnh Lợi, Hải Dương, Bình Minh và Đoàn Kết (Thạnh Phú). Đây là những HTX được hình thành cách đây vài năm, quản lý và khai thác trên 4.300 ha nghêu thuộc các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú), Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại) và An Thủy, Tân Thủy (Ba Tri).

Nhờ làm ăn hợp tác, tổ chức quản lý và phân phối lợi nhuận cho từng xã viên, nên đã hạn chế việc khai thác nghêu bừa bãi, làm thất thoát nguồn lợi kinh tế, gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và xâm thực môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do giá nghêu giống và nghêu thịt tăng cao, nhiều nơi đã xuất hiện trở lại tình trạng trộm nghêu tại Ba Tri và Thạnh Phú. Mới đây, tại bãi nghêu Cồn Đâm thuộc xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) do HTX Đoàn Kết quản lý đã xảy ra 1 vụ trộm nghêu, các đối tượng đã dùng hung khí làm bị thương 1 đồng chí công an xã trong lúc truy đuổi.

Nguyễn Bảy, Web Ben Tre 14/09/2005

 


Mưu sinh mùa nước lũ

Nguồn tin: TT, 21/09/2005
Ngày cập nhật: 21/9/2005

Không chỉ đánh cá, dọc tuyến biên giới giờ đây đã liền một biển nước này ngày ngày còn không biết bao nhiêu chuyến xuồng qua đất bạn hái bông điển điển, bông súng và cắt lục bình. Cọng lục bình đem về phơi khô bán 3.500- 4.000 đồng/kg, nhiều hộ cả nhà cùng đi cắt.

 


Hàng nông, thủy sản ĐBSCL: Đừng bỏ ngỏ thị trường nội địa

Nguồn tin: BCT, 21/9/2005
Ngày cập nhật: 21/9/2005

Với 13 tỉnh, thành phố, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm khoảng 22% dân số cả nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng và được xác định là có lợi thế về sản xuất hàng nông sản, thủy sản. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp hơn 80% lượng gạo xuất khẩu, 60% trị giá xuất thủy sản của cả nước. Từ những mặt hàng chính yếu đó của ĐBSCL mỗi năm đem về cho đất nước trên dưới 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, trong mấy năm nay, thị trường xuất khẩu hàng nông, thủy sản còn gặp nhiều bất lợi. Như vậy, làm thế nào để thị trường nông, thủy sản ĐBSCL phát triển ổn định và bền vững hơn?

...

QUANG HẢI

 


Hội nghị dành riêng cho giới nuôi trồng thủy sản chuyên nghiệp

Nguồn tin: NLĐ, 18/9/2005
Ngày cập nhật: 20/9/2005

 


Bão số 6 tấn công từ Hà Tĩnh đến Hải Phòng làm thiệt hại nhiều diện tích NTTS

Nguồn tin: NLĐ,
Ngày cập nhật: 19/9/2005

 


Năm 2003: Việt Nam đứng thứ tư thế giới về nuôi thủy sản

Nguồn tin: VNN, 19/09/2005
Ngày cập nhật: 19/9/2005

Alan Lowther, chuyên gia thống kê thủy sản tại Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) mới đây đã đưa ra danh sách 40 nước nuôi trồng thủy sản đứng đầu thế giới năm 2003. Trong danh sách này, Việt Nam xếp thứ tư.

40 nước này chiếm tới 99% sản lượng (theo báo cáo toàn cầu) và 97,5% tổng giá trị ước tính của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) thế giới.

Trong báo cáo này, nước đứng đầu về diện tích, sản lượng cũng như tỷ trọng NTTS là Trung Quốc, với gần 29 triệu tấn, chiếm 68% sản lượng NTTS thế giới. Tiếp sau đó là Ấn Độ và Indonesia. Việt Nam tuy xếp sau Indonesia về sản lượng (chỉ kém khoảng 60.000 tấn, với 937.000 tấn), song có giá trị cao hơn, chiếm tỷ trọng trong giá trị NTTS thế giới nhiều hơn. Các nước xếp sau Việt Nam lần lượt là Nhật Bản, Bangladesh, Thái Lan, NaUy, Chilê và Mỹ. Đây là Top 10 thế giới về diện tích, sản lượng NTTS.

Tổng sản lượng năm 2003 về nuôi các động vật thủy sản (không bao gồm các thực vật thủy sinh) là 42,3 triệu tấn, với giá trị tại các trại nuôi 61 tỷ USD. Theo báo cáo, tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu vẫn duy trì tốt, đạt 6,2% từ NTTS và tăng 5,8% đối với các đối tượng được chọn lọc. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm trong 10 năm, từ 1993 đến 2003, là 9,4%.

Bộ Thủy sản cho biết, đến hết năm nay, Việt Nam sẽ có 1 triệu ha diện tích NTTS, tăng 56% so với năm 2000.

H.Yên

 


Cá linh mùa lũ

Nguồn tin: SGGP, 18/09/2005
Ngày cập nhật: 19/9/2005

Lũ năm 2005 đang tràn vào khu tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt đời sống của người dân nhưng đồng thời lũ cũng mang cá về đầy đồng, nuôi sống biết bao dân nghèo qua cơn thịnh nộ của thủy thần. Năm nào lũ sớm, cá linh có sớm; lũ càng lớn cá linh tràn về càng nhiều.

Khi bông so đũa chớm nở

Hệ thống sông rạch chằng chịt từ chín nhánh của sông Cửu Long là môi trường lý tưởng để các loại cá sinh sôi nảy nở, rất đa chủng loại. Từ xa xưa, các loại cá sinh sống trên ruộng đồng, dưới sông nước miền Tây, để dễ gọi, các cụ đã phân ra thành hai nhóm cá rõ ràng: cá đen và cá trắng. Nhóm cá đen như cá lóc, cá rô, cá trê, cá chạch chẳng hạn… tức những loại cá thích sống trong đồng ruộng hoặc ao đầm trên đất liền. Cá trắng? Đó là loại cá có cơ quan hô hấp phụ, thích “bay nhảy” ngoài sông rạch như cá linh, cá mè, cá he, cá chẻm…

Ở miền Tây Nam bộ, vào mùa nước đổ, lũ về, cũng là… mùa “cá ra”(!). Mùa “cá ra” là cách nói tượng hình và được người địa phương miêu tả như sau: Vào khoảng tháng 8 Âm lịch, khi đất trời vừa có gió chướng từ biển Đông thổi vào, những hàng so đũa ngoài đồng chớm nở bông, là thời điểm các loại cá cố thoát ra hết ngoài sông rạch, kênh mương tìm môi trường sinh sống mới.

Mùa “cá ra” ở đồng bằng diễn ra hết sức sinh động mà xôm tụ hơn cả là hoạt cảnh người ta đem ghe xuồng thi nhau chài lưới, đóng đáy bắt cá linh từ trên thượng nguồn sông Cửu Long tràn xuống vùng Châu Đốc, An Giang, Đồng Tháp Mười…

Anh Phạm Văn Lắm trước đây là Phó ban Kinh tế mới của tỉnh Bến Tre tại Long An. Gần đây, sau khi Bến Tre bàn giao khu KTM này cho Long An, anh quyết định ở lại luôn tại xã biên giới Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa) tiếp tục canh tác, sản xuất giữa Đồng Tháp Mười. Đêm, tôi theo xuồng anh Lắm để biết cảnh dân vùng lũ bắt cá linh.

Ngồi trên xuồng, anh Lắm thì thào: “Lũ năm 2005 còn sớm, nước từ thượng nguồn mới tràn về thôi, vậy mà cá linh mén (nhỏ) đã xuất hiện… đầy đồng, vô số dưới các con kênh - anh tiếp lời - Năm nào có lũ về, mọi sinh hoạt tuy khó khăn, vất vả nhưng bù lại sẽ có cá mặc sức mà ăn, lớp còn đem bán. Còn nếu như không có lũ, cứ đi nhong nhỏng trên đồng, trông thứ gì cũng… héo hết các anh ơi!”.

Dưới vành trăng khuyết treo trên những rừng tràm bao lấy vùng nước mênh mông đến tận biên giới Việt – Campuchia, xuồng chúng tôi hướng ra kênh 90 C để vào kênh 61 rồi kênh Ma Ren. Dọc theo kênh Ma Ren, xuồng chúng tôi tiếp tục ra sông lớn Vàm Cỏ Tây… Cứ ngỡ đêm giữa mùa nước nổi, nơi vùng giáp biên sẽ hết sức âm u, lạnh lẽo, vậy mà không. Trên những con kênh chúng tôi vừa qua, xuồng chạy một đoạn không xa đã nghe tiếng người đi chài cá linh gọi nhau í ới; xuồng, ghe tụ lại hàng chục chiếc nơi những ngã rẽ của các con kênh.

Họ thắp đèn sáng choang và tung lưới chài cá linh. Cứ miệng chài của xuồng này tung ra là tiếp mí với miệng chài của xuồng kế bên. Họ thao tác như vậy thâu đêm. Và như thế, chỉ sau một đêm dự “hội hoa đăng” khi bước vào mùa nước nổi, có ghe chài được đôi ba trăm ký-lô cá linh. Còn nơi các miệng đáy, có khi gặp luồng cá linh, cá nhiều đến nỗi buộc các chủ miệng đáy phải… rọc rách lưới cho chúng thoát ra!...”.

Tôi hỏi anh Lắm: “Cá linh đầu mùa năm nay tại đây bao nhiêu tiền 1kg?”. Tôi thấy nơi ánh mắt của anh Lắm lộ niềm vui, giọng anh khẽ khàng: “Có lẽ cá linh năm nay có giá cao nhất so từ trước đến nay: 7.000-8.000 đồng/kg tại gốc. Không biết có phải do “cúm gà, cúm vịt” đã góp phần đẩy cá linh lên ngôi ở các chợ? Cá linh ăn… hiền lắm…”.

Tôi tiếp lời: “Ở dưới quê mình - Bến Tre - cá linh đầu mùa xuất hiện trước Tết Trung thu nhưng bán đến 15.000-16.000 đồng/kg, giá cao gấp 2 lần năm ngoái, vậy mà khi tôi ra chợ thị xã, vừa ngó qua ngó lại đã hết ráo rồi…”. Anh Lắm trầm trồ: “Hừ! Cá linh đầu mùa ăn béo khỏi chỗ chê. Nó béo chắc là nhờ vào nhựa sống của phù sa”.

Đã hơn nửa đêm của “tour du lịch cá linh”. Tôi hỏi vói sang xuồng chài cá linh đang mải mê thao tác sát xuồng chúng tôi: “Ông anh ơi, anh độ coi mùa cá linh năm nay ra sao? Trúng hôn?”. Đáp to: “Chắc khá…”.

Cá linh về góp vui buổi chợ

Cá linh tươi từ miệt An Giang, Châu Đốc, Đồng Tháp Mười… theo các ghe cà dom tỏa ra để bán khắp các chợ miền Tây, TPHCM, còn số cá ngộp, yếu sức thì người ta đem cân ký cho các lò làm mắm. Năm nào mùa cá linh trúng, bà con diêm dân ở ven biển ĐBSCL cũng mừng theo vì muối sẽ có giá. Muối sẽ là hàng đối lưu theo các ghe bầu, ghe cà dom bán cá linh chở về các lò làm mắm cá linh ở miệt An Giang, Đồng Tháp… với khối lượng lớn. Với cá linh tươi, cá làm được rất nhiều món, ví như cá linh nấu mẵn, cá linh nấu mắm ăn với bông súng, kèo nèo,… cá linh chiên xù ăn cặp với rau sống và nước mắm chanh tỏi ớt, cá linh nấu canh chua với bông so đũa… Món nào kể ra cũng hấp dẫn…

Hàng năm, cá linh xuất hiện và kéo dài đôi ba tháng cho đến gần Tết. Năm nào lũ sớm, cá linh có sớm; lũ càng lớn, cá linh càng nhiều và đại hạ giá, bởi lắm khi dội chợ cá linh chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Chính cá linh là cánh tay đỡ cho buổi cơm của bao dân nghèo khi giá cả thực phẩm mọi thứ ngày một tăng. Còn như ngược lại, năm nào không có lũ, cá linh con nào con nấy cũng ốm nhom, xương xốc, thịt của cá ăn lạt lẽo đến phát chán! Quả vậy, thiên nhiên sâu thẳm và hào phóng dường nào...

Giờ thì chúng tôi đang ngồi quây quần bên tô canh chua cá linh đầu mùa nóng hổi. Ngoài kia, triều cường dâng cao, đẩy con nước lên đầy ắp trên sông Hàm Luông. Gió chướng sớm thổi về nườn nượp trên sông. Anh bạn tôi chép miệng: “Chuyện đời được cái này, mất cái kia mấy ông ơi! Bởi vậy, ngẫm ra người ta nói… phải sống chung với lũ là cũng có cái lý của nó”.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

 


Cá khô về chợ giảm mạnh do mưa bão

Nguồn tin: TT, 19/09/2005
Ngày cập nhật: 19/9/2005

Lượng cá khô các loại về chợ khô thủy sản Bình Hưng (H.Bình Chánh, TP.HCM) đã giảm 2 tấn/ngày, còn 8 tấn/ngày.

Ông Mai Ngọc Thắng, phó ban quản lý chợ, cho biết lượng hàng về chợ giảm mạnh là do mưa bão liên tục nên ghe thuyền phải nằm bờ, các cơ sở chế biến thủy sản cũng không phơi khô cá được.

Hàng về ít, một số loại khô tăng giá 5.000 - 10.000 đồng/kg: khô mực 165.000 đ/kg, khô sặt 130.000 đ/kg... Khô sặt nhập từ Malaysia, Myanmar cũng giảm nhiều.

KH.NGỌC

 


Những tỷ phú sò ở Bến Tre

Nguồn tin: ND, 17/09/2005
Ngày cập nhật: 17/9/2005

Sò, một loại hải sản chẳng có trong danh mục đặc sản biển nhưng lại có thể mang lại cho người nuôi trồng thu nhập cao, lợi nhuận cao. Nhiều nơi thuộc vùng biển Bình Ðại, tỉnh Bến Tre, trở thành triệu phú, tỷ phú cũng từ sò.

Nuôi sò ở đây đã trở thành một nghề mang tính bền vững cao hơn so với nuôi tôm. 100% số hộ nuôi sò đều có lãi. Nghề này đã góp phần quan trọng nhất vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30% năm 2000 xuống còn 2,4% năm 2004 ở cả hai xã Thừa Ðức và Thới Thuận của huyện Bình Ðại.

Câu chuyện nuôi sò của hai xã này nghe thật thú vị và khá hấp dẫn. Khi nghe chúng tôi có ý định nghỉ lại đêm, anh Nguyễn Văn Trừ (trưởng ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Ðức, huyện Bình Ðại) tỏ ra e ngại. Anh sợ khách không chịu được cái lạnh buốt của gió biển cùng với đàn muỗi đói. Trời tối dần, anh Trừ liền dẫn khách đến khu vực nuôi sò của dân trong ấp.

Bước vào căn chòi của anh Trừ, đập vào mắt chúng tôi là những cây nhang trừ muỗi nghi ngút khói. Anh Lê Văn Cường, người cùng hùn vốn nuôi sò với anh Trừ đang ngồi say sưa xem chương trình thời sự của đài truyền hình, thỉnh thoảng nhìn qua một lỗ trống ở tấm vách để quan sát sân sò. Bên ly trà nóng anh Trừ nhớ lại: Năm 1996 anh sang xã Thới Thuận, nghe một vài người bạn đánh giá rất cao về hiệu quả của việc nuôi sò. Không do dự, anh Trừ bàn bạc cùng vợ và đi đến quyết định bán chiếc Honda với giá bảy triệu đồng để mua sò giống thả xuống hai công đất bãi bồi. Nuôi sò chỉ tốn tiền mua con giống và công chăm sóc, gìn giữ. Công việc chăm sóc sò cũng khá công phu. Sò giống thả xuống vài ngày phải cào lên một lần để loại dần tạp chất ra, kể việc bắt những con ốc lẫn vào để sò. Khi sò lớn phải thường xuyên thăm dò, nếu thấy sò sống tập trung dày đặc một nơi nào đó thì rải đều ra khắp sân. Sò nuôi chỉ cần lấy lưới mùng rào rào từ mặt đất lên cao 0,5 m là không chui ra ngoài, nhưng phải thường xuyên thăm lưới, bởi chỉ cần thủng một lỗ là hàng loạt con sò sẽ chui ra ngoài.

Một năm sò của anh Trừ đạt trọng lượng thu hoạch (khoảng 70 con/kg) được 8 tấn, thu được 40 triệu đồng. Nghe tin anh Trừ trúng vụ sò, bà con trong ấp đến tìm hiểu để nuôi, từ đây diện tích nuôi sò không ngừng được mở rộng. Ðêm càng về khuya, cuộc trò chuyện giữa chủ và khách lắng dần. Và con nước dâng lên ngập sân sò. Ngả lưng chốc lát, anh lại nhè nhẹ bước xuống giường để đi một vòng quanh sân sò phòng kẻ trộm.

Nếu như ban đêm, khu vực này là một vùng nước mênh mông thì sáng ra đó là những con rạch, dòng kênh, bãi bồi được bà con cắm cây chia ô nuôi sò, không nơi nào bỏ trống. Ði đến đâu chúng tôi cũng đều nghe người nuôi đánh giá cao về hiệu quả và lợi nhuận của con sò. Anh Nguyễn Văn Thuận đã gắn bó với con sò hơn 5 năm, khẳng định: Tiền đầu tư mua con giống 50 triệu đồng, 12 tháng sau thu lợi thấp nhất là 100% (50 triệu đồng) và cao nhất là 300% (150 triệu đồng). Những năm gần đây giá sò luôn ổn định ở mức 8.000 - 16.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí đầu tư nuôi để sò đạt trọng lượng 1 kg thịt chỉ là 2.000 đồng. Nuôi sò tiền mua con giống thường phải từ 10 triệu đồng trở lên, đây là số tiền quá tầm tay đối với người nghèo, trong khi đó ngân hàng cho mỗi hộ vay chỉ vài triệu đồng.

Nhiều cách làm giàu từ sò

Một trong những hình thức mới rất sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao là liên kết nuôi sò. Gần đây, ở Thừa Ðức xuất hiện mô hình liên kết nuôi sò. Người có đất bãi bồi, kênh rạch nhưng không có vốn thì kết hợp với người có tiền mà không có đất để nuôi sò. Như hộ bà Bùi Thị Ðồng có 1,5 công đất, thiếu vốn, liên kết với hộ ông Nguyễn Văn Hinh nuôi hai năm, thu lãi 120 triệu đồng và mỗi người được hưởng 60 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Diệu có tiền nhưng không có đất. Chị đã hợp tác với trên dưới 10 hộ có đất để nuôi sò, trung bình mỗi năm thu loại nhuận khoảng 1 tỷ đồng...

Rời Thừa Ðức chúng tôi đến Thới Thuận, nơi được xem là gắn bó với con sò khá sớm. Cả chủ lẫn khách cùng đi theo những tuyến kênh, con rạch. Cũng như Thừa Ðức đất bãi bồi ở đây đều được bà con tận dụng nuôi sò. Ông Nguyễn Văn Thân, ở ấp Thới Lợi 1 cùng chúng tôi đi trên tuyến đê quốc phòng ven biển. Con sò đã trở thành đề tài mà bà con bàn bạc tranh luận sôi nổi, ông nói: Con đê định hình không chỉ ngăn mặn mà phần kênh của đê đã giúp hàng trăm hộ từ nghèo khó vươn lên làm giàu từ nuôi sò. Hình thức nuôi rất đa dạng, có hộ nuôi sò vài tháng thấy đất bị chai (bùn không nhiều) sò chậm tăng trọng, liền bán sò để cải tạo đất nuôi. Hộ khác mua về nuôi vỗ béo vài tháng sau bán. Cả hai dạng nuôi đều thu lãi rất cao. Một vài hộ còn đến các vùng đất bãi bồi của các xã lân cận để thuê và nuôi sò vỗ béo. Nhiều bạn trẻ mới lập gia đình ra ở riêng cuộc sống khấm khá nhanh nhờ vào con sò. Anh Lê Phú Ngươn chỉ có 1,5 công đất lòng kênh, đầu tư 27 triệu đồng mua con giống. Vụ thu hoạch vừa qua, trừ chi phí các khoản anh còn lãi được 45 triệu đồng. Ông Phan Văn Lọ, Chủ tịch Hội đồng Nông dân xã Thới Thuận nói chắc nịch: Có tiền đầu tư nuôi sò thì nắm chắc phần thắng trong tay, ở xã có rất nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi sò và vươn lên thành tỷ phú, triệu phú.

Những năm gần đây, tất cả kênh rạch, đất bãi bồi thuộc quyền quản lý của Thừa Ðức và Thới Thuận đều được lãnh đạo xã xem xét cho nhân dân thuê để nuôi sò, trong đó xã ưu tiên cho hộ nghèo, thời gian thuê là 12 tháng giá 200.000 đồng/công. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thừa Ðức cho biết: Toàn xã hiện có 100 ha đất nuôi sò (tăng 42 ha so với năm 2004) với hàng trăm hộ nuôi. Tất cả hộ nuôi đều có lãi. Nếu như năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 30,2% thì hiện tại chỉ còn 2,4% trong đó có sự đóng góp rất lớn từ con sò. Trung bình mỗi năm, nhân dân Thừa Ðức cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 2.000 tấn sò và Thới Thuận là 4.000 tấn. Chính nhờ xuất khẩu sang thị trường nước ngoài mà giá trị con sò không ngừng tăng lên, góp phần đưa đời sống người dân nghèo vùng biển ngày được cải thiện rõ rệt hơn và sung túc hơn, giàu có hơn.

HÙNG ĐÀO và TRẦN QUỐC

 


Nguồn tin: SGGP, 17/9/2005
Ngày cập nhật: 17/9/2005

Hiện nay, giá nghêu thương phẩm trên các bãi nghêu ở các xã Long Hòa, Cần Thạnh ở huyện Cần Giờ đạt đến giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg (tùy theo loại lớn nhỏ). Nhiều chủ bãi nghêu cho biết đây là thời điểm giá nghêu cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giúp cho họ thu lợi nhuận cao từ 150 triệu - 300 triệu đồng. Hàng trăm người dân ở đây đổ ra biển để đào nghêu thuê với giá 3.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày một người cào nghêu thuê cũng kiếm được từ 30.000 đồng - 70.000 đồng.

Q.Đ

 

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang